Tài liệu Xem lại ý kiến của Lỗ Tấn đối với Đào Tiềm (qua phân tích vài thiên tạp văn của tác giả) - Nguyễn Thị Mai Chanh: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0013
Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 82-87
This paper is available online at
XEM LẠI Ý KIẾN CỦA LỖ TẤN ĐỐI VỚI ĐÀO TIỀM
(QUA PHÂN TÍCH VÀI THIÊN TẠP VĂN CỦA TÁC GIẢ)
1Nguyễn Thị Mai Chanh và 2Lê Thời Tân
1Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
2Khoa Xã hội, Trường Đại học Thủ đô
Tóm tắt. Đào Uyên Minh (365 - 427) được coi là “ông tổ” trong hàng các thi nhân ẩn
dật, là người mở đầu của thơ điền viên Trung Hoa. Với phong cách tự nhiên, giản phác,
thơ ca cũng như nhân cách của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ văn nhân Trung
Quốc đời sau. Đại văn hào Lỗ Tấn (1881 - 1936) từng có bài đánh giá cao phong cách tự
nhiên, trọng yên bình của thi nhân thời Đông Tấn và nhắc nhở các nhà phê bình nên chú
ý thích đáng tới tinh thần quan tâm chính sự, xã hội trong thơ Đào Tiềm. Theo Lỗ Tấn,
chính khuynh hướng “tầm chương trích cú” phiến diện của một số nhà phê bình đã khiến
cho người đời có ấn tượng sai lạc rằn...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 1672 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xem lại ý kiến của Lỗ Tấn đối với Đào Tiềm (qua phân tích vài thiên tạp văn của tác giả) - Nguyễn Thị Mai Chanh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0013
Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 82-87
This paper is available online at
XEM LẠI Ý KIẾN CỦA LỖ TẤN ĐỐI VỚI ĐÀO TIỀM
(QUA PHÂN TÍCH VÀI THIÊN TẠP VĂN CỦA TÁC GIẢ)
1Nguyễn Thị Mai Chanh và 2Lê Thời Tân
1Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
2Khoa Xã hội, Trường Đại học Thủ đô
Tóm tắt. Đào Uyên Minh (365 - 427) được coi là “ông tổ” trong hàng các thi nhân ẩn
dật, là người mở đầu của thơ điền viên Trung Hoa. Với phong cách tự nhiên, giản phác,
thơ ca cũng như nhân cách của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều thế hệ văn nhân Trung
Quốc đời sau. Đại văn hào Lỗ Tấn (1881 - 1936) từng có bài đánh giá cao phong cách tự
nhiên, trọng yên bình của thi nhân thời Đông Tấn và nhắc nhở các nhà phê bình nên chú
ý thích đáng tới tinh thần quan tâm chính sự, xã hội trong thơ Đào Tiềm. Theo Lỗ Tấn,
chính khuynh hướng “tầm chương trích cú” phiến diện của một số nhà phê bình đã khiến
cho người đời có ấn tượng sai lạc rằng Đào Tiềm là thi nhân “siêu thoát” yêu chuộng nhàn
tĩnh, mà quên đi rằng Đào Tiềm cũng bộc lộ trong thơ tâm tư ưu thời và phê phán thế cuộc
tích cực. Và đó cũng là điều khiến cho Đào Tiềm trở nên vĩ đại. Song một vài thiên tạp văn
của Lỗ Tấn lại cho thấy văn hào không mấy cảm tình với thi nhân Đào Tiềm. Bài viết qua
việc phân tích các thiên tạp văn của Lỗ Tấn để nhận thức lại chân tinh thần của tác giả bài
ca Quy Khứ - Đào Tiềm.
Từ khóa: Lỗ Tấn, Đào Tiềm, thơ điền viên, ẩn dật, Gào Thét, Quy Khứ.
1. Mở đầu
Có xu hướng cho rằng, Đào Tiềm ngay từ đầu đã muốn lánh đời và diễn tả việc ông quy
điền như là hành động ẩn dật khí tiết. Trong khi không ít người đọc thơ ông như là một thứ thơ
điền viên tùng cúc sương mai ráng chiều “ưu tai du tai” - an nhàn thảnh thơi. Cách hiểu ấy nếu
không nói là hời hợt thì cũng là một lối “mĩ miều hóa” dễ dãi. Một cuốn từ điển thành ngữ tiếng
Hán sau khi giải thích thành ngữ “ưu tai du tai” là “an nhàn thảnh thơi”, đã đặt câu minh họa: “Đào
Uyên Minh nửa đời còn lại ẩn cư chốn sơn dã, an nhàn thảnh thơi, sống cuộc sống điền viên bay
bổng tựa thần tiên”. Cụm từ đó cũng từng được Lỗ Tấn dùng đến khi miêu tả cuộc sống của ẩn
sĩ trong thiên tạp văn cùng tên Ẩn Sĩ (đăng lần đầu trên quyển 1 kì 10 bán nguyệt san Thái Bạch,
Thượng Hải, 20/2/1935). Trong hoàn cảnh cổ súy hành động cho phong trào Ngũ Tứ đương thời,
việc đả kích bộ phận trí thức chọn đường ẩn dật “trùm mền” có thể đã khơi gợi được những đồng
tình nhất định. Tuy vậy, việc Lỗ Tấn hướng ngòi bút phê phán vào cả Đào Uyên Minh, chúng tôi
không hoàn toàn nhất trí. Bài viết này qua phân tích một số thiên tạp văn của Lỗ Tấn để nhận thức
lại chân tinh thần của tác giả bài ca Quy Khứ.
Ngày nhận bài: 11/11/2016. Ngày nhận đăng: 20/2/2017
Liên hệ: Nguyễn Thị Mai Chanh, e-mail: maichanhnguyen@gmail.com
82
Xem lại ý kiến của Lỗ Tấn đối với Đào Tiềm (qua phân tích vài thiên tạp văn của tác giả)
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Nông phu đâu có người hầu
Lỗ Tấn, trong Thả Giới Đình Tạp Văn viết: “Phàm là ẩn sĩ có tiếng tăm, anh ta vốn đã có
cái hạnh phúc “Gượm sống hết đời trong an nhàn thảnh thơi”. Nếu không thế, sáng đốn củi, ngày
cày ruộng, chiều tối nấu nướng, đêm khâu giày thì còn đâu nhàn rỗi để hút thuốc uống trà, ngâm
thơ viết văn. Đào Uyên Minh là một bậc đại ẩn danh tiếng vang lừng, một “thi nhân điền viên”.
Đương nhiên ông không ra báo, mà cũng làm gì được tiền “Quỹ tài trợ học bổng”, nhưng ông lại
có nô bộc (nguyên văn nô tử). Nô bộc thời Hán - Tấn không chỉ hầu hạ chủ đồng thời cũng cấy cày,
buôn bán cho chủ. Đó là công cụ kiếm tiền của chủ. Cho nên dù là Uyên Minh, tiên sinh cũng có
chút sinh tài kiếm lợi. Nếu không ông cụ nhà ta không những không có rượu uống mà cũng chẳng
có cả cơm mà ăn, chết đói bên bờ dậu phía đông từ lâu rồi” [1].
Việc Lỗ Tấn mỉa mai hạng “ẩn sĩ” chỉ “đốn củi”, “câu cá” trong thơ không phải là không
đúng. Vấn đề là Đào Tiềm có đúng thuộc hạng đó không. Lỗ Tấn có ý cho rằng “ẩn” chẳng qua
cũng chỉ là một cách kiếm cơm mà thôi. Và ông dường như không tin là Đào Tiềm có cày ruộng
cuốc vườn thật sự. Chẳng cần chỉ ra việc Lỗ Tấn đã tầm chương trích cú những câu viết về đề tài
ẩm tửu trong thơ Đào Uyên Minh nhằm mục đích phê phán đời sống ẩn dật an nhàn hưởng thụ ra
sao. Học giả có người từng chỉ ra Lỗ Tấn khi viết như thế đã căn cứ vào một chi tiết trong Đào
Tiềm Truyện của Tiêu Thống đời Lương thời Nam triều. Truyện kể, Đào Tiềm nhà nghèo; ban đầu
làm Tế Tửu (chức quan trông coi giáo dục hàng tỉnh ngày nay), song không kham được, nên chẳng
bao lâu bỏ việc về nhà. Được châu quận vời làm Chủ Bạ (công việc tương tự như văn phòng hoặc
văn thư ủy ban tỉnh ngày nay), nhưng ông không ra, ngày ngày tự cày cuốc nuôi nhà nuôi mình,
trong khi thân mắc tật bệnh. Thứ Sử Giang Châu là Đàm Đạo Tế đến thăm, thấy Đào già cả ốm
đói nằm bệt giường đã mấy ngày, nói: “Hiền nhân xử thế, thiên hạ vô đạo thì ẩn cư, hữu đạo thì ra
làm quan. Nay ông sống thời thịnh trị làm sao lại tự làm khổ mình như vậy?”. Đào đáp: “Tiềm tôi
sao dám làm người hiền, chỉ là chí hướng không theo kịp vậy”. Đạo Tế biếu tặng lương thực thịt
thà. Đào Tiềm khoát tay chối từ. Sau Đào Tiềm làm Chấn Quân, Kiến Uy Tham Quân (chức quan
tham nghị luận định việc quân cơ). Ông nói với bạn: “Những muốn đàn ca dành tiền cất ngôi nhà
ẩn thân có nên không?”. Quan phương có người nghe vậy cử ông làm Bành Trạch Lệnh (Huyện
Lệnh tương đương Tri Huyện về sau). Ông đến huyện nhậm chức không mang gia quyến đi theo.
Đào Tiềm gửi một lực điền (nguyên văn “lực tử” - áng chừng chỉ một người lao động chân tay được
thuê mướn) cầm theo thư về cho người con trai cả. Thư viết: “Chi phí tiêu pha hàng ngày tự con
khó mà bảo đảm. Nay sai về một kẻ giúp việc, đỡ đần vào việc đốn củi gánh nước. Anh ta cũng là
con nhà người ta, con nên đối đãi tử tế”. Công điền trong huyện, Đào Tiềm lệnh trồng cao lương,
nói: “Để đủ nấu rượu uống vậy”. Vợ con cố xin cho trồng lúa nên ông mới ra lệnh để hai khoảnh
năm mươi mẫu trồng cao lương, năm mươi mẫu trồng lúa (có chênh sai về số công điền trồng cao
lương hay trồng lúa trong các thuật kể về Đào Tiềm trong sử truyện). Năm hết, gặp lúc châu quận
phái Đốc Bưu (có học giả cho đây là chức quan trợ lí trực tiếp cho Quận Thú - Thái Thú của quận,
cấp hành chính trên huyện. Đốc Bưu đại để phụ trách truyền đạt chỉ thị cấp trên, giám sát thanh
tra cấp dưới) xuống huyện. Sai nha khuyên ông áo mũ cân đai ra đón. Ông than: “Ta há lại vì năm
đấu gạo mà khom lưng khúm núm trước đứa trẻ con nhà quê?”. Ngay hôm đó ông treo ấn từ quan,
viết bài Quy Khứ lai từ. Triều đình vời làm Trước Tác Lang nhưng ông không nhận. Giang Châu
Thứ Sử Vương Hồng muốn gặp nhưng không mời được ông [2].
Như ta đọc thấy, Đào Tiềm một mình đến nhận chức Bành Trạch Huyện Lệnh, không mang
theo gia quyến. Rất có thể trong lần ra làm quan này, ngay lúc lên đường, ông đã nghĩ đến chuyện
sớm về. Rằng phen này cũng chỉ là thử một chuyến nữa xem sao mà thôi. Và sự thực là không đầy
83
Nguyễn Thị Mai Chanh và Lê Thời Tân
ba tháng sau, ông quả đã quay về với tùng cúc vườn nhà. Cầm ấn quan huyện thời gian 80 ngày,
không biết công điền lúa đã gặt về đến sân chưa? Còn kẻ “lực tử” kia rất có thể cũng chỉ là một
công bộc ở nha môn huyện lệnh. Đào Tiềm lúc đó nhà thiếu người làm (con cả tên Nghiễm bấy
giờ mới 13 tuổi), nên mới sai người này về nhà đỡ đần việc nặng nhọc giúp vợ con. Nếu đúng vậy
thì khi ông bỏ chức huyện lệnh, người này đương nhiên cũng phải được trả về nha môn. Đọc thư
ông gửi các con, ta có thể phỏng đoán nếu người giúp việc đó là người hầu vốn có trong nhà thì
ông việc gì phải dặn con như vậy. Mười năm sau khi tuổi qua năm mươi, con cái cũng đã có đứa
lớn khôn, ông lại nhắc lại chuyện xưa. Xin đọc một đoạn trong bài Viết dặn các con viết năm ông
51 tuổi:
“Bảo với các con Nghiễm, Sĩ, Phần, Dật, Đồng: Trời đất cho ta sinh mệnh, có sinh ắt có tử.
Bậc thánh hiền tự cổ có ai tránh được lẽ này. Tử Hạ nói: “Sống chết có số, phú quý tại trời”. Bốn
đồ đệ của Khổng Tử được người dạy bảo trực tiếp cũng đều nói vậy, đủ thấy bần cùng hay hiển đạt,
trường thọ hay đoản mệnh đều không phải mình muốn mà được vậy. Cha tuổi đã qua năm mươi.
Hồi nhỏ nghèo khổ, cứ khi trong nhà túng bấn thường phải đôn đáo ngược xuôi. Tính khí cương
trực mà tài ứng phó kém vụng, ra đời giao thiệp thường va vấp, bất hòa. Tự nghĩ cứ đà đó nhất định
để lại tai vạ ở đời, thế nên gắng gỏi từ quan lánh thân về vườn. Việc đó khiến các con còn nhỏ đã
gặp cảnh cơ hàn. Cha thường nghĩ ngợi câu nói vợ ông Nhữ Trọng: “Mình mặc áo bông rách, còn
thẹn được gì với con cái nữa?”. Đấy là một chuyện. Chỉ tiếc láng giềng không có người như anh
em Cầu Trọng Dương Trọng, trong nhà không có vợ hiền như vợ Lão Lai Tử. Ôm nỗi khổ tâm,
trong lòng rất thẹn. Tuổi nhỏ học đàn xem sách, tính thích nhàn tĩnh. Mở sách đọc gặp điều tâm
đắc phấn khích đến quên ăn. Nhìn thấy cây cối đan cành chung bóng, nghe tiếng chim các loại mỗi
mùa mỗi khác mà lòng vui tươi. Ta thường nói: “Tháng năm, tháng sáu nằm bên cửa sổ phía bắc,
thỉnh thoảng có cơn gió mát thổi qua cảm thấy mình như dân đời Phục Hy vậy”. Nghĩ nông tính
cạn, tưởng đời có thể giữ được thế mãi. Năm tháng dần qua, mà mình thì lại xa lạ với chuyện bợ
đợ khéo khôn. Mong ước được như thưở cũ đã trở nên xa xôi mờ mịt. Từ ngày ta đau ốm đến giờ,
người ngày một yếu. Thân thích bạn bè không quên ta, thường vẫn cho thuốc chạy chữa. Nhưng ta
lo mình chẳng sống được bao lâu. Các con từ nhỏ cảnh nhà khốn khó, chặt củi gánh nước có lúc
nào được ngơi. Những chuyện đó ta nhớ nghĩ trong lòng mà cũng chẳng biết nói sao ra lời” [3].
Quy Khứ lai từ hề của Đào Tiềm tả cảnh người nhà đón đợi ông quan từ chức về vườn:
“Chạy đón chủ năm ba đầy tớ, Đứng chờ ông mấy đứa trẻ con” (Bản dịch Từ Long). Đọc những
câu ông miêu tả cảnh vườn lúc về mà cứ tưởng như chủ nhân đã xa nhà làm quan cả chục năm
trời: “Đi về sao chẳng về đi? Ruộng hoang vườn rậm còn chi không về?. . . Rầm rì mấy khóm con
con, Mấy cây tùng cúc hãy còn như xưa”. Tám mươi ngày làm quan xa nhà đâu đến nỗi vườn tược
hoang tàn được đến thế. Chẳng qua vẫn là cái tinh thần quy khứ. Có người nói, đọc khắp thơ văn
ông đến đây mới thấy câu có chữ “đồng bộc” (đứa hầu). Mà thực ra thì đó chẳng qua rất có thể
cũng chỉ là một cách nói cao nhã trong văn chương mà thôi. Như bạn thân của ông là Nhan Đình
Chi cũng từng nói rõ trong Đào Trưng Sĩ lỗi: “Đào Tiềm thuở nhỏ nghèo khổ, cuộc sống không có
thê thiếp hay kẻ hầu hạ”. Xin lưu ý bài văn điếu bạn này (lỗi là một thể văn kiểu văn tế, điếu văn)
là tài liệu duy nhất được viết bởi một người có đi lại giao du với Đào Tiềm còn lưu lại đến ngày
nay. Thử đọc một đoạn trong tác phẩm của Nhan Đình Chi:
“Kẻ sĩ từng được vời ra làm quan dưới đời Tấn người đất Tầm Dương - Đào Uyên Minh ấy
chính là người ẩn thân nơi vắng lặng dưới chân Nam Nhạc. Tuổi nhỏ không ham chơi đùa, lớn lên
một tấm lòng thành thực. Đi học cũng chẳng được thầy ưng ý nhưng văn chương viết ra ý chỉ rất
là thông đạt. Giữa đông người mà vẫn không mất dáng cô đơn, nói năng khiêm nhường càng lộ
vẻ trầm mặc. Tuổi thiếu niên nhà nghèo lắm bệnh, không thê thiếp người hầu. Gánh nước giã gạo
việc nặng sức khó kham, rau cỏ hoa màu cũng chẳng phải là luôn đủ. Mẹ già con nhỏ, dưỡng nuôi
84
Xem lại ý kiến của Lỗ Tấn đối với Đào Tiềm (qua phân tích vài thiên tạp văn của tác giả)
thường thiếu. . . Về sau làm huyện lệnh Bành Trạch. Đạo và đời không hòa hợp, bỏ quan để theo
việc mình thích. Gỡ bỏ ràng buộc với thế nhân, nuôi chí gác thân ngoài cục thế. Ẩn tích nơi sâu
vắng, cách trần ai càng xa. Tưới vườn bán rau lo việc giỗ chạp tế đám; Đan giày dệt chiếu đỡ đần
chuyện thóc gạo tiêu pha” [2].
Không phải ngẫu nhiên mà Tiêu Thống đã đưa thêm bài văn tế này vào bộ Chiêu Minh Văn
Tuyển (ở quyển 57) như là để dẫn giải thuyết minh thêm về Đào Tiềm - một tác gia đã được ông
chọn đưa vào công trình sưu biên danh tiếng của mình. Một điều không khó thấy là toàn bộ các
văn bản trần thuật về Đào Tiềm, từ Nhan Đình Chi đến Tống Thư, Tấn Thư, Nam Sử, cũng như
trần thuật của chính Đào Tiềm về bản thân (tác phẩm có tính cách tự truyện Ngũ Liễu Tiên Sinh,
bài Tựa của Quy Khứ lai hề, rồi cả bài Dữ tử Nghiễm đẳng sớ - Viết dặn các con) cho tới bài văn
tế tự viết lấy (Tự Tế Văn) đều thống nhất với nhau trên những nội dung cơ bản về đời sống, tính
cách của Đào Tiềm. Tất cả các trần thuật đó cùng với bản thân thơ ông hoàn toàn đã cung cấp đủ
chất liệu để vẽ lên một bức chân dung Đào Uyên Minh với những gam màu cơ bản, hài hòa. Vì
vậy, chúng ta có quyền băn khoăn muốn biết Lỗ Tấn rốt cuộc đã căn cứ vào đâu để phán định Đào
Tiềm sống cuộc sống ẩn dật thanh nhàn là dựa vào sức lao động của nô bộc?
2.2. Ai cấm kẻ nghèo làm thơ
Lỗ Tấn dường như cũng không tin trong cảnh bần hàn mà lại có thể sáng tác văn chương.
Trong một thiên tạp văn nhan đề “Bàng bích” chi hậu (đăng lần đầu trên tuần báo Ngữ Ti, kì 29,
ngày 1/6/1925, sau in gom vào Hoa Cái Tập), ông lại nhắc đến Đào Tiềm:
“Tôi ngày thường vẫn hay nói với các bạn sinh viên trẻ: Lời của cổ nhân “cùng sầu tác thư”
(sầu muộn bần cùng ngồi viết sách) thực không đáng tin. Nghèo rớt mồng tơi, sầu đến chết người,
còn đâu nhàn tình dật chí mà viết văn? Chúng tôi chưa từng thấy một kẻ chết đói chờ việc nào
ngâm thơ bên khe núi. Tiếng nói phát ra dưới roi vọt của kẻ tù đày chẳng qua chỉ là tiếng la hét. . .
Cao giọng ngâm nga “Đói khát xô xui ta ra khỏi nhà” như ông Đào Trưng Sĩ chắc lúc đó hoặc là
đã có ý say rồi!” [4].
Lỗ Tấn dẫn câu thơ “Đói khát xô xui ta ra khỏi nhà” của Đào Tiềm và phỏng chừng tác giả
của nó đã say rượu. Mười năm sau, trong một bài tạp văn nhan đề Bệnh hậu Tạp đàm, đăng Nguyệt
San Văn học số 2 quyển 4 tháng 2/1935 (gần như cùng một thời gian với bài Ẩn Sĩ đề cập trên),
Lỗ Tấn lần nữa dẫn lại câu này. Thiên tạp văn mỉa mai hạng người mà nhà văn gọi là “nhã sĩ”. Lỗ
Tấn nói đại ý, muốn “nhã” thì cũng phải có địa vị và tiền bạc, chẳng hạn như Đào Uyên Minh có
chút chức quan huyện lệnh thì mới “nhã” được.
Liền đó, tác giả AQ Chính Truyện ngồi đặt tình huống Đào Tiềm giả sử ngày nay sống lại,
nhận nhuận bút bèo bọt hiện thời mà thuê nhà có hàng rào hoa cúc để dạo hái thì mỗi tháng cần
phải viết bao nhiêu trang? Đấy là chuyện ở, còn cơm ăn thì - xin dẫn nguyên văn Lỗ Tấn: “còn phải
nghĩ thêm cách khác nữa. Nếu không thì ông ta đành chỉ biết “Cơ lai khu ngã khứ, Bất tri cánh hà
chi” (Đói khát xô xui ta ra khỏi nhà, Không biết đến đâu đã là đâu - hai câu mở đầu của bài thơ
Xin ăn).
Lỗ Tấn chắc phải biết Đào Uyên Minh ghế quan huyện ngồi không đến ba tháng và ngôi
nhà có hàng rào trồng cúc của họ Đào không phải là được tậu hay thuê từ “thu nhập” nghề quan.
Mà thực ra, kẻ bỏ huyện đường về vườn đó cũng không tự xem việc nhẩn nha hái cúc bên rào (thái
cúc đông lí hạ) ngôi nhà nhà mình là cao nhã. Đọc thiên tạp văn của Lỗ Tấn, độc giả không hiểu
vì sao nhà văn đang từ chuyện nhà ông ông ở, vườn ông ông cuốc lại kéo nhập vào chuyện thuê
nhà có hàng rào trồng hoa cúc? [1].
Độc giả đều biết câu thơ của Đào Tiềm mà Lỗ Tấn dẫn trên chính là câu mở đầu của bài
85
Nguyễn Thị Mai Chanh và Lê Thời Tân
Khất Thực nổi tiếng. Đọc một lượt bài thơ này, ta thấy khó mà nói đó là lời của một “người say”:
“Cơ lai khu ngã khứ, Bất tri cánh hà chi; Hành hành chí tư lí, Khấu môn chuyết ngôn từ; Chủ nhân
giải dư ý, Di tặng khỉ hư lại; Đàm hài chung nhật tịch, Thương chí triết khuynh bôi; Tình hân tân
tri hoan, Ngôn vịnh toại phú thi; Cảm tử Phiếu Mẫu ý, Quý ngã phi Hàn tài; Hàm trấp tri hà tạ,
Minh báo dĩ tương di” (Đói khát xô xui ta ra khỏi nhà, Không biết đến đâu đã là đâu; Bước lần tới
ngôi làng, Gõ cửa rồi mà không biết nói sao; Chủ nhân biết ý ta, Mang đồ ra cho khiến việc đến
xin không uổng công; Nói chuyện tương đắc quên ngày sắp tối, Rượu rót đầy cốc cốc liền vơi; Vui
mừng vì thêm người bạn mới, Tức cảnh viết thành bài thơ; Cảm cái ý Phiếu Mẫu cứu khốn của
người mà thẹn ta không có cái tài của Hàn Tín; Mang ơn không biết cảm tạ ra sao, Chỉ biết cầu
quỷ thần báo đáp!) [3].
Huống nữa, thực tế là không cứ “cùng đáo thấu đỉnh, sầu đắc yếu tử đích nhân” (nghèo rớt
mồng tơi, sầu đến chết người) thì chắc chắn không còn “nhàn tình dật chí lai trước thư” (có nhã
hứng sáng tác). Sự thực thì bao kẻ nhàn tình dật chí mà không hẳn đã muốn cầm đến cây bút.
Ngược lại, biết bao trước tác để đời lại thường được viết ra trong cảnh “cùng đáo thấu đỉnh, sầu
đắc yếu tử”. Hàn Dũ trải cảnh cùng, viết văn làm thơ và nói “bất bình tắc minh”; Tư Mã Thiên gặp
cảnh sầu muộn soạn Sử kí để đời. Lỗ Tấn há chẳng biết đó chính là những điều mà tiền nhân gọi
là “bất bình tắc minh”, “tàng chi danh sơn,... truyền chi kì nhân”. Tô Đông Pha đi đày nói thơ văn
“cùng tắc hậu công”. Có thể nói, hàng loạt tác phẩm lớn của tác gia Trung Hoa từ Sử kí (Tư Mã
Thiên), Nho lâm ngoại sử (Ngô Kính Tử),Hồng lâu mộng (Tào Tuyết Cần). . . đều là tác phẩm của
những kẻ lâm cảnh cùng quẫn sầu đau cả. Gào thét và Bàng hoàng của chính Lỗ Tấn cũng là sản
phẩm của cảnh huống tương tự.
Thực ra, việc Đào Tiềm cày lấy thóc ăn khác chi việc Lỗ Tấn sống bằng ngòi bút. Khi cuộc
vận động Ngũ Tứ bắt đầu cũng là lúc văn hào từ biệt thôn trấn, chuyển cả đại gia đình lên Bắc Kinh
sống đời công chức. Kể từ đó, quê nhà của ông, dùng đúng đầu đề một thiên truyện nổi tiếng của
nhà văn, đã trở thành Cố hương. Chỉ đến mười năm cuối đời, Lỗ Tấn mới không còn thu nhập từ
tiền đi dạy hay lương công chức (Lỗ Tấn từng đảm nhận một số chức vụ quan trọng - không muốn
gọi ông là “quan” thì cũng phải thừa nhận ông từng là viên chức cao cấp của chính quyền thời
Dân Quốc) hoàn toàn sống bằng ngòi bút. Mười năm cuối đời (1926 - 1936), Lỗ Tấn chuyển tới
Thượng Hải và sống trong một tô giới lớn (Shanghai International Settlement, thành lập khoảng
những năm 40 thế kỉ XIX). Môi trường hành chính - chính trị đặc thù của tô giới bảo hộ việc viết
lách cũng như an toàn nhân thân cho Lỗ Tấn. Từ một góc độ nào đó mà nói, ấy cũng là “ẩn cư” và
cuộc sống của ông lúc đó khá phong lưu. Thực tế cho thấy, đời ông là một cuộc tị nạn từng chặng
một: bỏ Thiệu Hưng đi Nam Kinh, Bắc Kinh; rời Bắc Kinh đi Quảng Châu; rồi bỏ ra Thượng Hải.
Rốt cuộc, Lỗ Tấn đâu có trụ lại ở Bắc Kinh hay Quảng Châu - những nơi được xem là đầu sóng
ngọn gió của phong trào hành động lúc bấy giờ.
Tất nhiên, hai thiên tạp văn thể hiện tập trung hai nhận xét của Lỗ Tấn về Đào Tiềm mà bài
viết đã tập trung phân tích trên đây viết cách nhau cả mười năm trời (1925 - 1935). Và dĩ nhiên
đó không phải là toàn bộ ý kiến của Lỗ Tấn về Đào Tiềm. Trong quãng thời gian ấy, ông còn nhắc
đến Đào Tiềm trong vài ba lần khác. Chẳng hạn, trong bài nói chuyện học thuật tại Quảng Châu
(tháng 9/1927) nhan đề “Mối quan hệ giữa dược liệu, rượu và văn chương cùng phong độ Ngụy -
Tấn” [5], Lỗ Tấn cho rằng, Đào Tiềm có phong cách tự nhiên, trọng yên bình. Đồng thời Lỗ Tấn
cũng nhắc nhở các nhà phê bình nên chú ý thích đáng tới tinh thần quan tâm chính sự, xã hội trong
thơ Đào Tiềm. Theo ông, chính khuynh hướng “tầm chương trích cú” phiến diện của các nhà phê
bình đã khiến cho người đời có ấn tượng sai lạc rằng Đào Tiềm là thi nhân “siêu thoát” yêu chuộng
nhàn tĩnh, mà quên đi rằng Đào Tiềm cũng bộc lộc trong thơ tâm tư ưu thời và phê phán thế cuộc
tích cực [1]. Chúng ta dễ dàng đồng ý với Lỗ Tấn về điểm này. Và chúng ta cũng có thể cho rằng,
86
Xem lại ý kiến của Lỗ Tấn đối với Đào Tiềm (qua phân tích vài thiên tạp văn của tác giả)
nhận xét của Lỗ Tấn về Đào Tiềm trên kia không phải là hoàn toàn tiêu cực, không hề làm ảnh
hưởng tới đức thanh cao của bậc hiền nhân.
3. Kết luận
Trên thực tế, việc so chuyện cuộc đời hai con người cách nhau hàng thế kỉ kể cũng có phần
khập khiễng. Huống nữa, tục ngữ Trung Quốc có câu, tạm dịch: “Mỗi nhà đều có cuốn kinh khó
đọc” (gần ý “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” của tiếng Việt)! Tri nhân luận thế, luận thế tri
nhân, ấy đều là việc không tránh được ít nhiều tình cảm chủ quan. Lỗ Tấn có nói đại ý, Đào Tiềm
có vẻ “tĩnh mục” (an tĩnh hiền hòa của Bồ Tát) mà cũng có vẻ “nỗ mục” (trừng mắt căm giận của
Kim Cương). Và điều đó khiến cho thi nhân này trở nên vĩ đại. Chúng ta không ngại bổ sung, sự
vĩ đại cũng còn biểu hiện ở chỗ chừng mực, không dễ dãi hiền hòa mà cũng không căm giận thừa
thãi. Đánh giá tiền nhân dĩ nhiên còn khó ở chỗ giữ được chừng mực vậy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lỗ Tấn, 1981. Thả Giới Đình Tạp Văn Nhị Tập in trong Lỗ Tấn Toàn Tập. Nhân dân Văn học
Xuất bản xã (bản tiếng Trung).
[2] Tiêu Thống biên tuyển, 1986. Chiêu Minh Văn Tuyển. Thượng Hải Cổ tịch Xuất bản xã (bản
tiếng Trung).
[3] Vương Dao biên chú, 1957. Đào Uyên Minh Tập Chú. Nhân dân Văn học Xuất bản xã (bản
tiếng Trung).
[4] Lỗ Tấn, 1981. Hoa Cái Tập in trong Lỗ Tấn Toàn Tập. Nhân dân Văn học Xuất bản xã (bản
tiếng Trung).
[5] Lỗ Tấn, 1981. Tập Ngoại Tập Thập Di Bổ Biên in trong Lỗ Tấn Toàn Tập. Nhân dân Văn học
Xuất bản xã (bản tiếng Trung).
ABSTRACT
Revising lu xun’s criticism on Tao Yuanming (by Analyzing Some of Lu Xun’s Miscellanea)
1Nguyen Thi Mai Chanh và 2Le Thoi Tan
1Faculty of Philology, Hanoi National University of Education
2Faculty of Social, Hanoi Metropolitan University
Tao Yuanming (365 – 427) is considered as among the first poetry hermits, the pioneer of
Fields and Gardens poetry. His style is spare and limpid, both in poetry and daily life, which
has had a great impact on many generations of Chinese poets. Lu Xun (1881 – 1936) once
complimented Tao Yuanming for such style and reminded the literature critics to pay more
attention to the political and social issues stated in Tao Yuanming’s poems. According to Lu Xun,
some critics just focused on hackneyed clichés, which made readers have the unilateral idea about
Tao Yuanming as a poet of salvation rather than an active social critic. In fact, such social criticism
in Tao Yuanming’s poetry made him a great influencer. However, in some other discussions, Lu
Xun expressed less positive opinions on Tao Yuanming. This article studies some of Luxun’s
miscellanea to recognize the great mind of Tao Yuanming, the author of “Guiqu Lai Ci”.
Keywords: Lu Xun, Tao Yuanming, Fields and Gardens poetry, hermit, Wander in the
Scream, Guiqu Lai Ci.
87
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4678_ntmchanh_2138_2128483.pdf