Tài liệu Văn học dân gian Điện Biên trong mối quan hệ với văn hóa tộc người - Bùi Thị Thiên Thai: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0081
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 34-41
This paper is available online at
VĂN HỌC DÂN GIAN ĐIỆN BIÊN
TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI VĂN HÓA TỘC NGƯỜI
Bùi Thị Thiên Thai
Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tóm tắt.Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn hóa tộc người là một hướng nghiên cứu
quan trọng của ngành văn học dân gian. Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi phía bắc,
quê hương của gần hai mươi tộc người anh em với những nét văn hóa vô cùng đa dạng, độc
đáo, có giá trị, có chức năng xã hội to lớn đối với đồng bào các tộc người thiểu số. Văn học
dân gian Điện Biên là một yếu tố năng động của hệ thống văn hóa đó, nó cùng sinh mệnh
với văn hóa và thay đổi cùng với sự thay đổi của văn hóa. Những nét riêng không trộn lẫn
với những vùng miền khác trong cả nước đã khiến văn học dân gian Điện Biên góp thêm
một sắc màu, một hương vị riêng trong vườn hoa đua sắc của văn học dân gian Việt Nam.
Từ ...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 998 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Văn học dân gian Điện Biên trong mối quan hệ với văn hóa tộc người - Bùi Thị Thiên Thai, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0081
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 34-41
This paper is available online at
VĂN HỌC DÂN GIAN ĐIỆN BIÊN
TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI VĂN HÓA TỘC NGƯỜI
Bùi Thị Thiên Thai
Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
Tóm tắt.Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn hóa tộc người là một hướng nghiên cứu
quan trọng của ngành văn học dân gian. Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi phía bắc,
quê hương của gần hai mươi tộc người anh em với những nét văn hóa vô cùng đa dạng, độc
đáo, có giá trị, có chức năng xã hội to lớn đối với đồng bào các tộc người thiểu số. Văn học
dân gian Điện Biên là một yếu tố năng động của hệ thống văn hóa đó, nó cùng sinh mệnh
với văn hóa và thay đổi cùng với sự thay đổi của văn hóa. Những nét riêng không trộn lẫn
với những vùng miền khác trong cả nước đã khiến văn học dân gian Điện Biên góp thêm
một sắc màu, một hương vị riêng trong vườn hoa đua sắc của văn học dân gian Việt Nam.
Từ khóa: Văn học dân gian, văn hóa tộc người, Điện Biên, thần thoại, truyền thuyết, dân
ca.
1. Mở đầu
Nhận thức về việc phải nghiên cứu văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa và văn
hóa dân gian vốn xuất phát từ ý thức về tính nguyên hợp (syncrétique) của văn học dân gian – một
trong những đặc trưng cơ bản nhất của văn học dân gian mà từ các nhà nghiên cứu văn học dân
gian Xô-viết như Crápxốp, Guxép cho đến các nhà lí luận văn học dân gian Việt Nam như Chu
Xuân Diên, Đinh Gia Khánh, Lê Chí Quế, Đỗ Bình Trị. . . đều không ngừng nhấn mạnh. Sau khi
ngành Văn hóa dân gian (Folklore học) ra đời, nghiên cứu văn học dân gian được coi là một bộ
phận hữu cơ của văn hóa dân gian, đó chính là bộ phận nghệ thuật ngôn từ hay còn gọi là folklore
ngữ văn. Sự phát triển đầy sinh sắc của ngành khoa học Văn hóa dân gian đã có những ảnh hưởng
không nhỏ đến các xu hướng phát triển mới của nghiên cứu văn học dân gian truyền thống. GS.TS.
Nguyễn Xuân Kính [1], PGS.TS Nguyễn Thị Huế [2], PGS.TS. Trần Thị An [3]. . . đều đã quan
tâm đến vấn đề này và có những gợi dẫn đáng chú ý. Theo chúng tôi, việc mở ra một con đường
mới cho văn học dân gian từ văn hóa học sẽ khiến cho ngành nghiên cứu truyền thống này của
chúng ta khai thác được nhiều hơn sức hấp dẫn riêng có và khẳng định được vị trí vững chắc của
nó trong rừng khoa học nhân văn đương đại.
Trong bối cảnh chung của nghiên cứu văn học dân gian, phải nhận thấy rằng, việc sưu tầm
văn học dân gian Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung được khởi động khá muộn. Mặc dù từ
thế kỉ XVIII, chúng ta đã có những cuốn sách đầu tiên đề cập đến vùng đất này và đầu thế kỉ XX,
Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/8/2016
Liên hệ: Bùi Thị Thiên Thai, e-mail: thienthaitb@gmail.com
34
Văn học dân gian Điện Biên trong mối quan hệ với văn hóa tộc người
các học giả Pháp đã tiếp tục khai phá những tri thức về dân tộc học, văn hoá dân gian của các tộc
người Tây Bắc, song, phải đến sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, đội ngũ nghiên cứu, sưu tầm
văn nghệ dân gian miền núi phía Bắc mới có điều kiện để tiến hành sưu tầm một cách hệ thống
và để lại hàng loạt công trình có giá trị. Trong những năm qua, Điện Biên với một đội ngũ những
người làm văn hóa dân gian đầy kinh nghiệm như Lương Thị Đại, Tòng Văn Hân, Đặng Thị Oanh,
Chu Thùy Liên. . . đã liên tục công bố các công trình tham khảo hữu ích, tạo tiền đề để có thể nhìn
văn học Điện Biên trong bức tranh tổng thể của văn học khu vực và cả nước, từ đó cũng có thể làm
rõ những nét đặc trưng trong văn hóa của cộng đồng các tộc người nơi đây. Các tộc người Điện
Biên có một môi trường tự nhiên và không gian văn hóa vô cùng đa dạng và độc đáo, chính môi
trường đó đã thai nghén, nuôi dưỡng nên những áng thần thoại, truyền thuyết đa phong cách, trở
thành những báu vật văn hóa quý báu của Việt Nam. Có thể nói rằng, nhiều đặc điểm của kho tàng
văn học dân gian Điện Biên đã không có mặt trong những ghi chép của các thư tịch cổ của người
Việt trong khi chúng quả thực có một giá trị vô cùng độc đáo. Đặt chân lên vùng đất “một con gà
gáy ba nước đều nghe” này, đứng từ những đỉnh cao hiểm trở của dãy Pú Xam Xao chạy dọc biên
giới Việt Lào hay dãy Tây Trang – cửa ngõ Điện Biên, đắm chìm trong không gian thần bí của
núi rừng bao la với những thung lũng nhỏ hẹp và những thảo nguyên thẳng cánh cò bay, mới có
thể hiểu được vì sao, nơi đây lại có thể ra đời những áng thần thoại, truyền thuyết kì bí và những
câu ca say lòng người đến thế. Bài viết của chúng tôi sẽ phân tích thần thoại, truyền thuyết, dân
ca Điện Biên trong mối quan hệ với văn hóa tộc người nhằm khẳng định: không gian văn hóa và
môi trường tự nhiên độc đáo đã thai nghén và nuôi dưỡng kho tàng văn học dân gian, sơn thủy kì
diệu và hư ảo của Điện Biên đã mở ra một không gian tưởng tượng, làm nảy nở đâm chồi cho thần
thoại truyền thuyết ra đời đồng thời chắp cánh cho những câu ca bay bổng.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Truyền thống văn hóa tộc người khởi nguồn từ huyền thoại
Không phải ngẫu nhiên lịch sử Điện Biên lại bắt đầu bằng huyền thoại, những huyền thoại
cổ xưa và không kém phần hấp dẫn. Đất Điện Biên vốn là nơi cư trú của loài người rất sớm. Nhiều
câu chuyện thần thoại, truyền thuyết dân gian lưu hành cho đến nay nói lên điều đó. Những câu
chuyện đó mô tả lại quá trình các dân tộc Tây bắc chinh phục mảnh đất lúc đầu còn hoang vu này
để biến nơi đó thành một nơi loài người có thể cư trú và sinh sống ngày một đông đúc. Những câu
chuyện đó được người đời sau truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác theo bước chân của họ thiên
di tới khắp miền Đông Dương. Vì vậy, ngày nay mặc dù các câu chuyện trên có biến đổi đi tùy
theo từng vùng dân tộc hay những địa phương khác nhau, có được thêm thắt bổ sung về chi tiết,
nhưng vẫn không hề thay đổi nội dung cơ bản cổ xưa của chúng và chính nội dung đó đã giúp con
cháu những dân tộc đến chinh phục đất Điện Biên buổi trái đất còn sơ khai hiểu rằng quê hương
xa xưa của họ là vùng đất huyền thoại, vùng đất anh hùng.
Bản thân cái tên Mường Then (Mường Thanh ngày nay) cũng đã gắn với nó rất nhiều huyền
thoại: Mường Then được người dân tin rằng, đấy là mường do Then Luông tạo ra và cử các vị thần
xuống để tạo lập trần gian. Then đã để con người và mọi vật vào quả bầu và thả xuống trần gian rồi
cử con trai út là Khun Bó Rôm xuống trần gian để cai quản. Truyện kể dân gian của các tộc người
nơi đây cũng giải thích rằng, vì Mường Then là do Then Luông tạo ra nên nơi đây có rất nhiều dấu
tích từ công cuộc khai sông, mở núi, tạo dựng trần gian của các vị thần. Ở phía Bắc thung lũng
Mường Then có con suối gọi là Huổi Phạ (suối Trời). Cánh đồng Mường Then là do Then Luông
sai ải Lậc Cậc xuống khai phá tạo dựng. Hiện nay ở Mường Then còn nhiều dấu tích từ công cuộc
khai sông mở núi kì vĩ của nhân vật khổng lồ này. Ở bản Tẩu Pung (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên)
35
Bùi Thị Thiên Thai
hiện nay vẫn còn tảng đá mang hình quả bầu (Mak Tẩu Pung). Đây là dấu tích về nguồn gốc của
loài người và vạn vật trên trái đất được nói tới trong huyền thoại quả bầu mẹ của các dân tộc ở
Điện Biên. Truyện Quả bầu không chỉ giải thích về màu da, nơi cư trú chủ yếu của các tộc người
ở Mường Then mà nó còn phản ánh sự có mặt và quá trình khai phá trên mảnh đất Mường Then
của họ (Khơ Mú, Lự, Lào, Thái, Kinh....).
Thần thoại, truyền thuyết Điện Biên đã tái dựng lịch sử hoang đường của đất và người xứ
này: Lớp người đầu tiên được Then cử xuống trần gian sống hoang dã như loài thú. Then lại cử một
lớp khác xuống. Họ sống dễ dàng, làm ít ăn nhiều. Lúa hết lúa tự về nhà, cá hết cá tự vào niêu. . .
Thuở ấy, rắn già thì chết, còn con người hễ già thì lột. Lớp người này lại làm nhiều điều trái ý Then
khiến Then tức giận. Một trận hồng thủy do Then gây ra đã cuốn đi tất cả. Một lớp người mới lại
ra đời từ hai anh em ruột còn sót lại sau hồng thủy. Họ là người Xá, người Thái, người Lào, người
Lự và người Kinh, vốn là anh em cùng chung một bọc (đồng bào) từ quả bầu mà hai anh em ruột
thủy tổ loài người đã sinh ra. Ruồi trâu đã giúp họ lấy cắp lửa của Then. Vịt giúp họ quắp bớt mặt
trời mặt trăng, chỉ để lại một ông mặt trời, một bà mặt trăng. Then muốn thử lòng người và muôn
vật bèn giả chết. Người được Rùa mách nên bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, được Trời cho làm chủ
muôn loài. Thuở ấy Trời và Đất còn nối với nhau bởi cây khau cát ở hồ U Va. Chỉ vì tức giận, một
bà góa đã chặt đứt dây khau cát, Trời và Đất mãi mãi xa nhau. Lại một lớp người nữa, con cháu
người khổng lồ ải Lậc Cậc ra đời. Ải Lậc Cậc và vợ sinh con đẻ cái, khai phá đất rừng Tây bắc
thành cánh đồng tươi tốt. Nhưng mới làm ruộng được một mùa thi ải Lậc Cậc và ải Chạng Nọi thi
tài không phân thắng bại. Họ kéo nhau đến xin hai chúa Xô Công phân xử. Hai chúa đang bận mải
chống trời, thấy họ lại tưởng hai con ếch, bèn bẻ gãy giò bỏ vào giỏ. Thế là ải Lậc Cậc và ải Chạng
Nọi đều chết. Con cháu ải Lậc Cậc lại được hai ngàn đời yên ấm, lúa ngập nương, đầy đồng. Cây
nhanh lớn, vật nuôi không lo chết dịch chết toi. . . Sau hai ngàn năm, loài người lại chết hết. Then
bèn sai con út Khun Bó Rôm xuống trần để cai quản trần gian. Điện Biên cũng từ đấy bước vào
thời kì có sử. Tất cả những câu chuyện kể ấy chắc chắn sẽ giúp khá nhiều trong việc nâng cao hiểu
biết về lịch sử của Điện Biên cũng như văn hóa của các tộc người nơi đây bởi nói như Trần Quốc
Vượng: “Huyền thoại và huyền tích là những thông điệp của ngày xưa truyền tới hôm nay, trong
đó có cái chân thực lịch sử đã được mã hoá, huyền hoặc hoá tới một cơ chế mật mã buộc ta hôm
nay phải lần mò tìm ra cái chìa khoá giải mã họ mã hoá bằng một hệ thống những biểu tượng được
liên kết bởi hệ tư duy liên tưởng. . . Bên trong cái huyền chứa đựng cái cốt lõi của sự thật lịch sử.
Bóc lớp vỏ huyền thoại, huyền tích, thần linh chủ nghĩa... để tìm ra cái cốt lõi của sự thật lịch sử,
giải mã hệ biểu tượng cố nhiên không phải là một việc dễ dàng, giản đơn, chỉ đơn thuần dựa vào
suy luận có vẻ là hợp lí... đấy là một công phu lao động khoa học đầy khó khăn, gian khổ, được
chồng chất bởi những thắng lợi vinh quang và không ít sai lầm, lạc nẻo...” [4;31-32]. Bằng việc
sưu tầm ngày càng nhiều các huyền thoại cùng với việc đối chiếu, so sánh với những vùng văn
hóa khác, trung thành theo đuổi phương pháp tổng hợp - liên ngành, chúng ta hi vọng sẽ "giải mã"
được những huyền thoại của vùng đất độc đáo này. Ở đây, trước hết, chúng tôi nhận thấy, tương tự
huyền thoại Con rồng cháu Tiên của người Việt, huyền thoại về Quả bầu đặc biệt dày đặc ở khu
vực Mường Thanh của Điện Biên. Đây là một huyền thoại lưu truyền rộng rãi khắp địa bàn đất
nước với hàng trăm dị bản [5], theo đó thì người Thái, Lào, Lự, Xá, Kinh đều cùng chung một quả
bầu, những đấng sáng tạo đầu tiên đã dùng những dụng cụ khác nhau như dùng dao khoét, búa bổ,
que nhọn cho vào lửa đỏ chọc vỏ bầu, nên những người chui ra có hình dạng khác nhau, màu da
khác nhau, hình thành những tộc người như ngày nay. Người Xá Khơ mú cũng có truyền thuyết
tương tự, cho rằng người Xá Khơ mú, Kháng, Puộc, Lào, Kinh đều nằm trong một quả bầu, trước
khi chui ra thành những tộc người khác nhau. . . Điều đáng chú ý là thời kì văn hóa bầu bí là một
giai đoạn tồn tại sớm hơn thời kì văn hóa lúa nước và tất cả các dị bản phong phú của truyện Quả
36
Văn học dân gian Điện Biên trong mối quan hệ với văn hóa tộc người
bầu đều gặp nhau ở một điểm: quả bầu nào cũng bao hàm cả người Việt trong đó. Đó cũng là xu
hướng thống nhất có tính tất yếu trong sáng tác thần thoại của các tộc người anh em. Xu hướng đó
cũng phản ánh sự quy tụ trong cùng một cộng đồng dân tộc mà người Việt là thành phần chủ thể.
Những biểu tượng, cho dù được kiến tạo, vẫn là một quá trình tích hợp các yếu tố folklore, biểu
hiện chiều sâu văn hóa dân tộc và phát huy một vai trò tích cực trong suốt chiều dài lịch sử của
dân tộc. Nó trở thành tâm thức và căn rễ văn hóa sâu xa chi phối toàn bộ lịch sử văn học – cả văn
học viết lẫn văn học dân gian, cả văn học người Việt lẫn văn học các tộc người thiểu số. Từ nhận
thức khởi nguyên về loài người, về nguồn gốc tộc người trong ý niệm nguyên sơ được sinh ra từ
một bọc trăm trứng của Lạc Long Quân và Âu Cơ, của bố Rồng, mẹ Tiên như trong truyện kể của
người Việt hay các truyện kể về quả bầu của các tộc người khác, sự gắn kết mang tính huyết thống
đã ăn sâu vào tâm thức tộc người và trở thành những biểu tượng quốc gia dân tộc, tạo nên sức hút,
sức kết tinh hội tụ đối với các tộc người. Đó cũng chính là chức năng cố kết cộng đồng của huyền
thoại và cũng là ý nghĩa, là giá trị trường tồn của văn hoá tộc người mà huyền thoại Điện Biên đã
góp phần củng cố, phát huy nó trong đời sống thực tế.
2.2. Lịch sử văn hóa tộc người chảy suốt mạch truyền thuyết về các anh hùng
dân tộc - Những cuộc đời đã hóa núi sông
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại...
(Trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
Mẫu hình ban đầu của những anh hùng dân tộc có lẽ chính là những anh hùng văn hóa, có
công khai phá thiên nhiên, sáng tạo ra những thành tựu văn hóa có ý nghĩa trên bước đường tiến
hóa của dân tộc như người khổng lồ có sức khỏe phi thường ải Lậc Cậc. . . Từ mẫu hình đó, lại
được tiếp sức bởi những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thu hút cả dân tộc, Điện Biên đã có một
kho tàng truyền thuyết khá phong phú, in bóng một thời kì oanh liệt trong lịch sử mở đất và giữ
đất. Đầu tiên phải kể đến Khun Bó Rôm (thủ lĩnh đầu nguồn sông Nặm Rôm) – người được cho
là con út của Then được cử xuống cai quản trần gian; Truyện kể về hai con sông Nặm Rôm, Nậm
U đã kể rằng, người con cả của Khun Bo Rôm vì muốn giúp đỡ người em út nên đã bắt hai dòng
sông này mang nước tưới cho vùng đất của người em, chính vì thế, hai con sông này không chảy
xuôi ra biển mà chảy ngược lên miền Tây (sang Lào và hòa vào sông Mê Kông).
Kế tiếp Khun Bó Rôm, những vị chúa tài năng và giàu có người Lự, người Xá, người Thái. . .
thuở xa xưa cũng đã tạc vào vùng đất này những dấu tích bền cùng trời đất. Các chúa Lự đã có mặt
ở Điện Biên vào những thế kỉ đầu công nguyên và truyền đời được qua 19 đời chúa Lự. Các chúa
Lự đã xây thành Sam Mứn (Tam Vạn) ở phía Nam cánh đồng Mường Then. Thành rất lớn, chiếm
1/5 cánh đồng Mường Then. Thành xây dựng nhằm mục đích chống lại những cuộc tiến công xâm
lược của kẻ thù. Phía trước thành có hai lũy tre dài hơn ba cây số, đắp cao vượt đầu người. Cạnh có
đào hào sâu nối liền hai bờ sông Nặm Núa. Có người kể rằng, thành Sam Mứn là thành chứa được
ba vạn quân. Có người lại kể rằng trong thành ấy chứa được ba vạn nóc nhà, hoặc ba vạn cái cối
giã gạo. Dù tình tiết khác nhau, nhưng chủ đề chính của câu chuyện đều nhằm tập trung ca ngợi
quy mô to lớn, lực lượng hùng hậu của các chúa Lự.
Sau các chúa Lự, vai trò của các lãnh tụ Thái nổi lên. Người Thái đến Điện Biên từ khoảng
thế kỉ XI, XII. Vào khoảng thời gian này, một bộ phận tổ tiên người Thái Đen từ Mường Ôm,
Mường Ai, miền đất nằm giữa sông Nậm U và sông Hồng, thuộc miền Nam – Vân Nam, do Tạo
Ngần dẫn đầu thiên di xuống chiếm miền Mường Lò, Nghĩa Lộ. Đến thời con là Tạo Lò tiếp tục
phát triển thế lực đến các miền xung quanh như Mường Mín (Tú Lệ), Than Uyên, Dương Quỳ, Văn
37
Bùi Thị Thiên Thai
Bàn ven sông Hồng. Sau đó, con út của Tạo Lò là Lạng Chượng, cầm binh đánh thắng dần các
bộ tộc Nam Á từ Nghĩa Lộ qua Sơn La tới Mường Thanh. Cuộc hành trình của Lạng Chượng kết
thúc, mở đầu cho giai đoạn người Thái làm chủ miền Tây Bắc nước ta [6;59].
Nhiều truyện kể đã ghi lại những sự kiện lịch sử của Điện Biên giai đoạn này như Pú Lạng
Chượng, Pom Loi... Lạng Chượng sau khi đã chiến thắng hầu hết các bộ tộc Nam á từ Sơn La cho
tới Điện Biên, song vẫn phải để người Lự làm chủ miền Bắc cánh đồng Mường Thanh, còn Lạng
Chượng dựng mường và đóng đô ở một quả đồi (sau gọi là đồi Lạng Chượng, nay là đồi A1). Vì
muốn độc chiếm đất Mường Thanh, ông đã phải chấp nhận những bi kịch gia đình tàn khốc. Chính
ông đã phục kích giết chết bố vợ là Ăm Poi – một chiến tướng vô địch của vùng Mường Thanh. ít
lâu sau, con trai cả của Lạng Chượng không ốm đau mà tự nhiên lăn ra chết. Đêm khuya, tưởng vợ
đã ngủ, Lạng Chượng đau xót khóc con và đã để lộ chuyện giết bố vợ. Nàng Ho Quảng – vợ ông
– biết chuyện đã quyết tâm trả thù cho cha. Bà ra ở riêng trên một quả đồi gần đó. Trong một lần
cưỡi ngựa sang thăm vợ, Lạng Chượng bị một mũi tên độc bắn trúng tim. Ông ngã ngựa và chết
ngay tại chỗ. Vì tình nghĩa vợ chồng, nàng Ho Quảng cho tổ chức tang lễ ông chu đáo và chôn cất
thi hài ông ở một quả đồi (sau được gọi là đồi Pom Loi – tức đồi Khâm Liệm, nay là đồi Cháy).
Sau khi Lạng Chượng mất, con cháu nối dõi trị vì đất Mường Thanh [6;59].
Đặc biệt, sang giai đoạn thế kỉ XVII – XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam đi vào giai đoạn
thoái hóa suy tàn, truyền thuyết Điện Biên nổi lên một nhân vật anh hùng nông dân khởi nghĩa
- Hoàng Công Chất. Từ vùng đồng bằng Sơn Nam (Thái Bình, Hưng Yên ngày nay), nghĩa quân
Hoàng Công Chất đã kéo lên liên minh với đồng bào Thái xây dựng căn cứ trên vùng Mường
Thanh (Điện Biên), kéo dài cuộc chiến đấu chống tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh và phong kiến
Xiêm từ phía Tây tới trong suốt mười năm trời. Khi vào Tây Bắc, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã
phối hợp với quân của thủ lĩnh người Thái là tướng Ngải, tướng Khanh (Cương mục có chép Chất
liên kết với thủ lĩnh Thành người Trung Quốc) đánh giặc Phẻ cứu dân, bảo vệ miền biên giới tổ
quốc.
Ngày nay, nhân dân Thái còn đến thờ bản Phủ ở Điện Biên thờ lãnh tụ nông dân Hoàng
Công Chất và còn lưu truyền bài Quắm khắp Bản Phủ tỏ lòng tưởng nhớ và ngợi ca vị anh hùng
nông dân Keo Chất ấy. Đây là cảnh thành Bản Phủ uy nghi vững chắc:
Thành to thành đẹp/Thành đứng vững giữa cánh đồng/Giặc nào chẳng khiếp vía. . .
Và lời ca đã nồng nhiệt nêu cao vai trò Hoàng Công Chất trực tiếp đứng ra chỉ huy xây đắp
thành lũy với bao công phu, đồng thời nói lên sự nhiệt liệt hưởng ứng của nhân dân vào việc xây
dựng căn cứ:
Chúa cưỡi ngựa đứng trên mặt thành uy nghiêm/ Nào ta hãy lấy tre về trồng cho khắp/ Tre
Mường Thanh, chúa bảo đừng lấy/ “Hãy lấy tre có gai vàng như ngà/ Tận dưới xuôi về trồng mới
tốt”/ Lấy hơn bốn mươi ngàn khóm/ Bao quanh thành vững chúa yên lòng. . .
Trong tình cảnh loạn lạc đói kém dưới triều Lê – Trịnh, thì những lời ca reo vui trong bài
ca Bản Phủ đã nói lên được những nét của cuộc sống mới của nhân dân các dân tộc dưới cờ nghĩa
của lãnh tụ Keo Chất:
Đây, dưới xuôi có vua/ Trên này có chúa. . . / Đất Mường Thanh rộng một dải với Nậm Rốm,
Nặm Nưa, Nặm U/ Vây quanh thành Bản Phủ/ Chúa thật yêu dân/ Chúa xây bản, xây mường/ Mọi
người mới được yên ổn làm ăn. . . [7].
Hoàng Công Chất, người con đồng bằng Vũ Thư – Thái Bình, kẻ bị triều đình phong kiến
nhà Lê coi là “giặc”, nhưng nhân dân các dân tộc lại ca ngợi với tấm lòng trìu mến. Chính ngày
nay ở đền Bản Phủ, nhân dân Thái còn cử người hàng năm đứng ra cúng tế Keo Chất một cách
thành kính, trân trọng. Người dân Điện Biên hôm nay vẫn ghi nhớ những lời ca về ông như nhớ
38
Văn học dân gian Điện Biên trong mối quan hệ với văn hóa tộc người
tiếc về một thuở huy hoàng trong quá khứ.
Còn nhiều, rất nhiều những anh hùng “đã hóa núi sông” như Chương Han huyền thoại đã
liên minh cùng tù trưởng Cầm Ten người Thái đánh đuổi giặc Cờ Vàng, Giàng Tả Chay, người anh
hùng H’mông đã lãnh đạo các dân tộc Việt – Lào chống thực dân Pháp những năm 1918-1922.
Lịch sử Điện Biên căn cứ theo truyền thuyết và sử sách ghi chép, cho tới nay đã trải ra trên
một chiều dài hàng ngàn năm. Do vị trí quan trọng của Điện Biên, cũng như do sự giàu có trù phú
của Mường Thanh, đời này qua đời khác, nơi đây đã thu hút hết lớp cư dân này tới lớp cư dân khác
đang trên con đường tìm một cuộc sống ổn định và no ấm. Bằng sức lao động và kiên trì sáng tạo
của mình, hết thế hệ này tới thế hệ khác đã khai phá mở mang vùng biên cương với ước mơ thiết
lập ngay trên mặt đất một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc như trên trời như cái tên Mường Then
(Mường Trời) mà họ chọn đặt cho quê hương mình. Những cuộc chiến tranh giành đất đai hay
bảo vệ bản mường của các tộc người sống ở nơi đây đã in dấu vào vùng đất qua những địa danh
(Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ - Hoàng Công Chất, Núi Nàng Ngủ, Bản Tông Khao...) cùng
những truyền thuyết về những người anh hùng của từng thời đại. Song hành với nghi lễ dân gian
và một niềm tin bền bỉ vào sự âm phù của các đấng linh thiêng, sự gắn kết giữa đời trước với đời
sau – dưới bề ngoài có tính chất hoang đường – cũng như sức mạnh và tinh thần bất khuất của ông
cha sẽ được trao truyền và nhân rộng thêm mãi trong hôm nay và mai sau.
2.3. Tâm thức tộc người bay lên thành lời ca tiếng hát
Có một điều dễ nhận thấy, những tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc như đánh cồng chiêng,
thổi khèn và đặc biệt những điệu múa uyển chuyển, những câu ca đầy ắp nỗi niềm luôn là những
tiết mục được chờ đón nhất trong ngày lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở Điện Biên.
Điều đó có lẽ cũng dễ hiểu, bởi đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hát là giao lưu tình cảm, là
truyền đạt thông tin, và tất nhiên, để nối liền yêu thương - tất cả đều thông qua tiếng hát. Nếu như
ở người Việt, việc đề cao chức năng khuyến thiện trừng ác và chức năng giáo hóa của văn nghệ
đã làm hình thành một quan niệm mang tính thực dụng thì văn học các tộc người thiểu số lại chú
trọng hơn đến chức năng vui sống và chức năng biểu hiện, đề cao hiệu ứng thẩm mĩ của văn nghệ.
Vậy nên không thể hình dung cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số có thể thiếu tiếng khèn,
tiếng hát. Rượu càng ngấm tiếng hát càng hay; câu hát hết câu hát lại không hết. . . Cứ như thế,
đời nọ truyền đời kia, tiếng hát ghi lại nỗi khổ và niềm vui, theo suốt cuộc đời từ lúc trong nôi đến
khi giã từ cõi thế. . . Trong niềm hân hoan, trong nỗi thê lương, tiếng hát lại cất lên, hát để gửi nỗi
niềm, hát để vui sống, bởi không hát biết sống thế nào? Hạt cơm nuôi tấm thân, lời ca nuôi con
tim. Vậy nên lời ca cũng chính là những bông hoa bằng vàng, quý giá vô cùng trong một đời sống
không mấy niềm vui. Tiếng hát để vui thần và cũng là để vui người, và đó cũng chính là lí do vì
sao tiếng hát trở thành mối dây gắn kết nội bộ tộc người.
Người dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc thiểu số Điện Biên nói riêng yêu ca hát như
vậy, còn có một lí do khác, là để trao truyền lịch sử tộc người. Vậy nên, ở nhiều tộc người, một
cô gái không biết hát thì không ai lấy, một chàng trai không biết hát cũng khó lòng chinh phục
người yêu. Tiếng hát xuyên suốt sinh mệnh những con người dân tộc thiểu số - từ lúc chào đời đã
quen với tiếng hát ru, quen với tập tục, với lịch sử của tộc người, lớn lên cùng với những bài ca lao
động, bài ca sinh hoạt và đặc biệt, áp đảo về số lượng và nổi trội về chất lượng, say sưa tưởng như
hát mãi không hết là những giai điệu tình yêu với những lời hay ý đẹp ca tụng tình yêu chung thủy
của lứa đôi. Ở Điện Biên, dân ca giao duyên của người Khơ Mú, người Dao, người Cống đều rất
hay, nhưng nổi bật hơn cả có lẽ là các làn điệu Khắp báo sao, Khắp pi nọong của người Thái Đen,
Khắp xài peng của người Thái Trắng và Gầu plềnh của người H’mông.
39
Bùi Thị Thiên Thai
Đây là những lời xài peng – “dây tình” vấn vít: Lời hẹn em để trên khăn piêu/ Lời dặn em
cài trước áo ngực/ Lời thầm em cài trên mái tóc/ Anh trao tình thương em cất trong lòng...
Đây là những lời khắp báo sao – những lời “hát gái trai” yêu thương sâu nặng: Thuở ấy đôi
ta luôn tới thăm nhau/ Thường bước rộn ràng đến thăm em hàng ngày/ Đến thăm em như bướm
say lượn đưa đàn/ Đường thăm tình dù xa xôi và nhiều ranh giới cách ngăn/ Đường thăm em bao
núi cao chướng ngại anh không sờn/ Thuở ấy đường xa dặm ngàn coi như gần chân thang/ Đường
đi qua rừng già coi như vườn mía/ Rừng rậm có bãi nương hoang coi như dạo trước sân nhà/ Thuở
ấy sông Hồng ngăn coi như ao bèo/ Sông Đà chướng ngại coi như ao ấu/ Lòng vấn vương quyện
tình, anh sẽ bắc cầu đôi qua...
Còn người H’mông, mỗi khi tiếng hát Gầu plềnh cất lên thường làm xốn xang lòng người
với những câu mà người Hmông vùng nào cũng thuộc: Nước chảy được nước chảy/ Đất không chảy
được đất đọng lại/ Anh đi được anh đi/ Em không đi được em lên dốc núi cất giọng ca buồn. . .
Trong những câu ca mộc mạc ấy, vẻ đẹp đẽ, ngát hương của bông hoa tình yêu dẫu chịu bao
đè nén, vùi dập vẫn đơm bông rực rỡ: Thân em đã gả bán qua ngàn / Lòng anh như đám mây tan
tác / Thân em đã gả bán qua suối / Lòng anh như làn mây nổi trôi. Những đôi trai gái thanh mai
trúc mã thân thiết từ nhỏ, lớn lên tự do tìm bạn tình qua những đêm hạn khuống, chọc sàn . . . ,
được tự do yêu đương, tự do đến tuyệt đối, nhưng lại không thể tự do định đoạt hôn nhân. Bị trói
buộc bởi hủ tục, bị bủa vây bởi biết bao thế lực, họ đã không cam chịu. Họ xả thân vì tình yêu,
thậm chí không ngại hi sinh cả tính mạng, chống trả đầy dữ dội, đầy quyết liệt cho tình yêu và cao
hơn là khát vọng tự do. Với những chàng trai cô gái Mông, cái chết như một ám ảnh trong những
câu ca. Thế giới mộng ảo như giang rộng vòng tay mời gọi và đôi trai gái đã dũng cảm lao vào
vòng tay ấy. Họ đã ước hẹn nhau, trong lòng rực cháy một khát vọng chung đôi: Em chết, bước đến
chỗ chín con đường rẽ trên dụ xí nhung [mường Trời] chờ anh,/ Gà lôi kêu khắp rừng vang động
đồi cằn,/Anh chết, bước đến chỗ chín con đường rẽ trên dụ xí nhung chờ em./ Hoa gì nở đẹp/ Có
hoa ban hoa đào nở đẹp/ Chúng ta chết đi, nắm tay nhau chơi chợ thong dong,/ Cầm tờ giấy đi
đầu thai ve vẩy... (Tiếng hát làm dâu).
Tình ấy và ý ấy có khác nào câu dân ca quan họ của người Việt:
Đôi tình ta, tình đẹp tình ta; Nghĩa nặng vào ra; Xui nên hòa là duyên bén lại nghĩa tình;
Trước không phải, sau đền nghĩa ba sinh (Tương phùng tương ngộ).
Có thể tưởng tượng được mơ ước bên nhau “muôn đời không xa cách” ấy đối với những kẻ
đã từng yêu say đắm nhưng lại vô duyên không thể thành đôi kia hấp dẫn biết chừng nào. Vậy nên
truyện thơ tình yêu đã trở thành những bài ca quen thuộc mà những đôi uyên ương tộc người thiểu
số đã hát với tất cả nỗi niềm, tất cả khát khao. Bên lửa sàn bập bùng, bên xa sợi quay đều, trai gái
nhìn nhau bằng ánh nhìn đắm đuối si mê, gửi hồn vào lời hát xót xa kia, như trách móc, như thề
độc, khẳng định lòng sắt son. Và có thể lắm chứ, trong những phiên chợ tình, tiếng hát đau thương
kia cũng là một tín vật để những người cũ gửi gắm thở than cho dù tiếng hát có nghẹn lời và chan
hòa nước mắt...
Nhìn chung, kết cấu lời dân ca các dân tộc thiểu số Điện Biên khá vuông vắn, ngắn gọn –
thấy núi hát núi, thấy người hát người; tiết tấu đơn giản, chất phác, thuận tiện trong việc lưu truyền.
Với những tộc người không có chữ viết nhưng lại có một nền văn hóa độc đáo, tiếng hát chính là
nơi lưu giữ lịch sử, gửi gắm tất cả tâm tình, khát vọng. . . chứa đựng rất nhiều thông điệp văn hóa.
Có thể nói, tiếng hát vừa là một nội dung của cuộc sống, vừa là nhu cầu của sự sống trong cộng
đồng các tộc người thiểu số Điện Biên.
40
Văn học dân gian Điện Biên trong mối quan hệ với văn hóa tộc người
3. Kết luận
Chúng ta đã nói đến thần thoại và truyền thuyết Điện Biên với những trang sử hào hùng
mở đất và giữ đất, đến phần nào dân ca giao duyên như món đặc sản trân quý của vùng miền với
những dấu ấn tộc người vô cùng đặc sắc; chúng ta còn chưa thể kể hết ở đây một số lượng dân ca
nghi lễ đồ sộ với giá trị nghệ thuật cao, những truyện thơ vừa hấp dẫn sống động về tình tiết, vừa
dào dạt trữ tình... Tất cả đã tạo nên một kho tàng văn học dân gian Điện Biên phong phú mà dấu
ấn văn hóa tộc người với những nét riêng không trộn lẫn với những vùng miền khác trong cả nước
đã khiến văn học dân gian Điện Biên góp thêm một sắc màu, một hương vị riêng trong vườn hoa
đua sắc của văn học dân gian Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Xuân Kính, 2005. Nghĩ về công tác lí luận và nghiên cứu văn học dân gian. Tạp chí
Nghiên cứu văn học số 1, r. 105-112.
[2] Nguyễn Thị Huế, 2006. Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian những năm gần đây. Tạp chí
Nghiên cứu văn học, số 1, Tr. 62-77.
[3] Trần Thị An, 2006. Nghiên cứu văn học dân gian ở Hoa Kỳ - một số quan sát bước đầu. Tạp
chí Nghiên cứu văn học số 1, Tr. 78-96.
[4] Trần Quốc Vượng, 2014. Từ huyền tích đến lịch sử (mấy vấn đề phương pháp luận và phương
pháp cụ thể), Trong cõi. Nxb Hội Nhà văn, Công ti Văn hoá và Truyền thông Nhã Nam, Hà
Nội.
[5] Đặng Nghiêm Vạn, 1988. Huyền thoại về nguồn gốc các tộc người. Tạp chí Văn hóa Dân
gian, số 3 4, tr.56-65.
[6] Đặng Nghiêm Vạn, Đinh Xuân Lâm, 1979. Điện Biên trong lịch sử. Nxb Hà Nội.
[7] Đặng Nghiêm Vạn, 1977. Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái. Nxb Khoa học Xã hội,
Hà Nội.
ABSTRACT
Folklore studies in relation to ethnic culture, the case of Đien Bien province
Bui Thi Thien Thai
Institute of Literature, Vietnam Academy of Social Sciences
The relationship between folklore and culture of ethnicities is an important research in
folklore studies. Dien Bien is a northern mountainous province where locates nearly twenty
ethnicities with diverse ethnic cultures. The cultures have unique systems of values that hold great
influence to the development of the ethnic societies. Among them, Dien Bien folklore is one active
factor that reflects the ongoing change of cultures. The unique characteristics differentiate Dien
Bien folklore with those of other provinces which is worth to studies.
Keywords: Folklore studies, ethnic culture, Dien Bien province, myths, legends, folk songs.
41
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4523_bttthai_1537_2131884.pdf