Tài liệu Văn học dân gian của người kinh Trung Quốc và người kinh Việt Nam dưới góc nhìn so sánh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 63 (3/2019) No. 63 (3/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
44
VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA NGƯỜI KINH TRUNG QUỐC
VÀ NGƯỜI KINH VIỆT NAM DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH
Chinese Kinh’s and Vietnamese Kinh’s folklore from comparative perspective
ThS. Nguyễn Thanh Phong
Trường Đại học An Giang
Tóm tắt
Bài viết tập trung tìm hiểu những đặc trưng của văn học dân gian người Kinh Trung Quốc và người
Kinh Việt Nam dựa trên ba hệ thống thể loại chính là truyện kể dân gian, ca dao dân ca và thơ tự sự dân
gian. Bằng phương pháp so sánh, bài viết chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của hai bên ở từng
thể loại. Qua đó, phân tích sự tiếp nhận và ảnh hưởng, sự chuyển hóa và sáng tạo của văn học dân gian
người Kinh Trung Quốc từ cội nguồn của nó là văn học dân gian người Kinh Việt Nam.
Từ khóa: dân tộc Kinh, Trung Quốc, văn h...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 510 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Văn học dân gian của người kinh Trung Quốc và người kinh Việt Nam dưới góc nhìn so sánh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 63 (3/2019) No. 63 (3/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
44
VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA NGƯỜI KINH TRUNG QUỐC
VÀ NGƯỜI KINH VIỆT NAM DƯỚI GÓC NHÌN SO SÁNH
Chinese Kinh’s and Vietnamese Kinh’s folklore from comparative perspective
ThS. Nguyễn Thanh Phong
Trường Đại học An Giang
Tóm tắt
Bài viết tập trung tìm hiểu những đặc trưng của văn học dân gian người Kinh Trung Quốc và người
Kinh Việt Nam dựa trên ba hệ thống thể loại chính là truyện kể dân gian, ca dao dân ca và thơ tự sự dân
gian. Bằng phương pháp so sánh, bài viết chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của hai bên ở từng
thể loại. Qua đó, phân tích sự tiếp nhận và ảnh hưởng, sự chuyển hóa và sáng tạo của văn học dân gian
người Kinh Trung Quốc từ cội nguồn của nó là văn học dân gian người Kinh Việt Nam.
Từ khóa: dân tộc Kinh, Trung Quốc, văn học dân gian, Việt Nam
Abstract
The article focuses on understanding the characteristics of the Chinese Kinh’s folklore and the
Vietnamese Kinh’s folklore based on three main systems: folk stories, folk songs and folk tales. By
using comparative method, the article shows the similarities and differences of the both. Thereby, it
analyzes the reception and influence, transformation and creation of the Chinese Kinh’s folklore from
its roots, the Vietnamese Kinh’s folklore.
Keywords: Kinh, China, folklore, Vietnam
1. Người Kinh và văn học dân gian
của người Kinh Trung Quốc
Nếu ở Việt Nam, người Kinh là dân
tộc chủ thể chiếm phần lớn dân số thì ở
Trung Quốc, người Kinh (Kinh tộc) là một
dân tộc thiểu số trong cộng đồng 56 dân
tộc mà người Hán là dân tộc chủ thể. Dân
số người Kinh ở Trung Quốc khoảng
28.000 người (năm 2012), thuộc nhóm các
dân tộc thiểu số có tỉ lệ dân số thấp. Người
Kinh sống tập trung chủ yếu trên ba hòn
đảo là Vu Đầu, Vạn Vĩ, Sơn Tâm (người
địa phương quen gọi là Kinh tộc Tam Đảo)
và một số làng phụ cận (Hằng Vọng, Đàm
Cát, Hồng Khảm, Trúc Sơn) thuộc thành
phố Đông Hưng (cấp huyện), thị trấn
Giang Bình, thành phố Phòng Thành Cảng
(cấp thị), Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh
Quảng Tây.
Thế kỉ XIX trở về trước, vùng đất này
thuộc địa phận Việt Nam, là nơi tụ cư sinh
sống lâu đời của người Kinh. Năm 1887,
chính quyền thực dân Pháp tại Đông
Dương đã kí với triều đình nhà Thanh hiệp
ước phân định biên giới Trung Việt, khu
vực Kinh tộc Tam Đảo từ đó nằm trong
lãnh thổ Trung Quốc (Nguyễn Tô Lan &
Nguyễn Đại Cồ Việt, 2015, 29-30). Sau đó,
Email: ntphong@agu.edu.vn
NGUYỄN THANH PHONG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
45
các nhóm người Hán, Choang cũng lần
lượt di cư đến đây, cùng người Kinh thông
hôn, dẫn đến tình trạng hỗn huyết ngày
càng phổ biến, tạo thành cộng đồng đa sắc
tộc cùng sinh sống. Trong đó nhiều nhất
vẫn là người Kinh. Môi trường tự nhiên và
xã hội đó là nơi người Kinh sinh tồn qua
bao thế hệ, là bối cảnh cho các tác phẩm
văn học dân gian lưu truyền bằng phương
thức truyền miệng ra đời.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã
chia văn học người Kinh thành 3 thời kì
phát triển: (1) Văn học cổ đại (1511 –
1839): là thời kì phát triển mạnh mẽ của
văn học dân gian và văn học viết người
Kinh trong dòng chảy chung của văn học
Việt Nam dưới chế độ phong kiến; (2) Văn
học cận hiện đại (1840 – 1949): là thời kì
văn học dân gian tiếp tục hình thành và
phát triển mạnh dưới chế độ thực dân
phong kiến ở Việt Nam và sau đó là Trung
Quốc; (3) Văn học đương đại (1949 – nay):
là thời kì phát triển mạnh của văn học viết
người Kinh trong công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở Trung Quốc (Tô Duy Quang
& Qua Vĩ & Vi Kiên Bình, 1993, 8).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, văn học
người Kinh Trung Quốc mang nhiều điểm
chung với văn học người Kinh Việt Nam,
thế nhưng cũng nổi bật nhiều điểm khác
biệt như sau: (1) trong khi văn học viết
đang phát triển và lưu truyền mạnh mẽ
trong dòng chảy văn học dân tộc thì văn
học người Kinh Trung Quốc lại phát triển
theo hướng dân gian hóa, thành tựu chủ
yếu là văn học truyền miệng; (2) văn học
dân gian người Kinh Trung Quốc do hình
thành trên nền tảng địa văn hóa biển đảo,
nên nội dung phản ánh chủ yếu là thế giới
tự nhiên và xã hội biển đảo thông qua con
mắt quan sát của ngư dân, khác với văn
học dân gian người Kinh Việt Nam mang
tính lục địa rõ rệt; (3) vì hình thành trong
bối cảnh giao lưu văn hóa mật thiết với
người Hán và người Choang, nên văn học
dân gian người Kinh Trung Quốc cũng thể
hiện màu sắc dung hợp văn học bản địa với
văn học ngoại lai cao độ, trong khi đó văn
học dân gian người Kinh Việt Nam ít chịu
ảnh hưởng văn học dân gian các dân tộc
khác hơn; (4) do duy trì truyền thống ca hát
của làng xã Bắc Bộ, kết hợp với hoàn cảnh
lao động sản xuất gắn liền với biển đảo,
nên trong văn học dân gian người Kinh
Trung Quốc, thể loại ca dao, dân ca gắn
liền với nhiều hình thức diễn xướng phát
triển nổi trội hơn so với trong văn học dân
gian người Kinh Việt Nam; (5) do hành
trang tinh thần mang theo trong quá trình
di dân là những thành tựu văn học dân gian
và văn học viết lưu truyền phổ biến từ thế
kỉ XVI về sau, nên hệ thống thần thoại,
truyền thuyết nguyên thủy gắn liền với quá
trình dựng nước và giữ nước ở Việt Nam
thời kì đầu không được lưu truyền ở đây.
Văn học dân gian của người Kinh
Trung Quốc, trên thực tế, cũng là một bộ
phận của văn học dân gian người Kinh Việt
Nam. Di sản còn lại sau bao nhiêu biến cố,
tính từ khi khu vực người Kinh cư trú
không còn nằm trong lãnh thổ Việt Nam, dĩ
nhiên là bộ phận tinh túy nhất, giá trị nhất
không thể nào bị mai một trong kho kí ức
tinh thần của người lao động. Trong quá
trình di cư và truyền thừa qua nhiều thế hệ,
bộ phận văn học dân gian tiếp tục nảy nở
trên môi trường văn hóa tự nhiên và xã hội
bản địa. Sự tiếp xúc mạnh mẽ với văn học
dân gian người Hán và người Choang cũng
là tác nhân quan trọng làm nên sự tươi mới,
phong phú, đa dạng cho nền văn học dân
gian người Kinh Trung Quốc.
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (3/2019)
46
Nếu văn học dân gian người Kinh ở
Việt Nam có hệ thống thể loại phong phú,
bao gồm thể loại thuộc lời ăn tiếng nói của
nhân dân (tục ngữ, thành ngữ, câu đố), các
thể loại tự sự dân gian (thần thoại, truyền
thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn,
truyện cười, vè), các thể loại trữ tình dân
gian (ca dao, dân ca) và các thể loại sân
khấu dân gian (chèo, tuồng); thì hệ thống
thể loại trong văn học dân gian người Kinh
Trung Quốc không đa dạng bằng. Trong
nhóm lời ăn tiếng nói của nhân dân, tục
ngữ người Kinh chiếm số lượng đáng kể,
thế nhưng do giao lưu ngôn ngữ với người
Hán quá mật thiết, sự tiếp nhận cách dụng
ngữ của người Hán quá sâu đậm, nên bản
sắc riêng của người Kinh trong tục ngữ có
phần hạn chế. Trong nhóm thể loại tự sự
dân gian người Kinh, thành tựu nổi bật là
truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ
ngôn, các thể loại khác tuy cũng có nhưng
số lượng không nhiều. Trong nhóm thể
loại trữ tình dân gian, ca dao - dân ca
người Kinh chiếm số lượng khá lớn, đặc
biệt là dân ca lao động, dân ca sinh hoạt và
dân ca lễ nghi phong tục. Chèo sân đình
không phổ biến trong cộng đồng người
Kinh, thế nhưng các hình thức diễn xướng
dân gian gắn liền với lễ nghi ở đình làng
lại khá phổ biến.
Truyện thơ Nôm bác học hay bình dân
của người Kinh từ trước đến nay không
được các nhà khoa học Việt Nam xếp vào
hệ thống thể loại văn học dân gian, mặc dù
nó vẫn được phổ biến khá rộng rãi trong
quần chúng lao động. Nguyên nhân là vì
chúng là những sáng tác thành văn do giới
quan lại tầng lớp trên hoặc giới trí thức
Nho học sáng tác hoặc phỏng tác, diễn
Nôm từ nguyên tác chữ Hán của Trung
Quốc. Còn truyện thơ Nôm của người
Kinh ở Trung Quốc, xét về mức độ dân
gian hóa, có thể nói đậm đà hơn so với môi
trường diễn xướng ở Việt Nam. Bởi lẽ, đa
số người Kinh ở đây trước kia không biết
chữ Nôm, nên các tác phẩm này được lưu
truyền chủ yếu qua phương thức truyền
miệng trong dân gian, kiểu người già ngâm
đọc giải khuây, ông bà ngâm ngợi cho con
cháu nghe, cha mẹ hát ru cho con cái ngủ,
trai gái hát diễn trong hội làng.v.v. Chính
hoàn cảnh diễn xướng đó khiến các truyện
thơ này không ngừng được cải biên và
sáng tạo, thậm chí thành cả truyện cổ tích,
truyện văn xuôi; dần mang hình hài, sinh
mệnh giống như một tác phẩm văn học dân
gian thực thụ. Hơn nữa, do môi trường địa
văn hóa đặc thù, người dân sống dựa vào
nghề đánh cá thường xuyên lênh đênh trên
biển, khoảng cách không gian thường dễ
khơi gợi tâm sự trong lòng người đi kẻ ở.
Truyện thơ Nôm với muôn vàn cảnh
huống thế sự, là phương tiện kí thác nỗi
niềm, tâm trạng hữu hiệu nhất của ngư
dân. Vì tính dân gian sâu đậm đó, đồng
quan điểm với tác giả Kiều Thu Hoạch,
trong bài viết này, chúng tôi xem truyện
thơ Nôm như các thành tựu văn học dân
gian khác của người Kinh.
Người Kinh Trung Quốc có một nền
văn học dân gian khá đặc sắc. Nó là tấm
gương phản chiếu toàn bộ đời sống vật
chất lẫn tinh thần của họ dưới xã hội phong
kiến trong hành trình di cư, định cư và
chinh phục biển cả. Với tư cách là một
cộng đồng dân cư trong lãnh thổ Việt Nam
từ trước 1887, người Kinh Trung Quốc sở
hữu một nền văn học dân gian mà một bộ
phận trong đó hoàn toàn có thể quy thuộc
vào văn học dân gian người Kinh Việt
Nam. Còn với tư cách là nền văn học dân
gian của một dân tộc thiểu số ở Trung
NGUYỄN THANH PHONG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
47
Quốc, văn học người Kinh ngang hàng về
tư cách với văn học các dân tộc thiểu số
khác, cùng góp phần làm đa dạng hơn nền
văn học dân gian của quốc gia này.
2. Truyện kể dân gian người Kinh
Trung Quốc
Số lượng truyện kể dân gian của người
Kinh Trung Quốc hiện nay chúng tôi sưu
tầm được còn khá hạn chế (khoảng 70
truyện). Chúng lại đối mặt với khả năng bị
mai một dần do thất truyền. Điều này là
khó tránh khỏi bởi lẽ dân số người Kinh
Tam Đảo ít, phạm vi lưu truyền nhỏ hẹp,
những nghệ nhân lớn tuổi có khả năng kể
chuyện dần dần qua đời, nhu cầu tiếp nhận
truyện kể dân gian của thế hệ sau ngày
càng mất đi do các phương tiện truyền
thông nghe nhìn chiếm ưu thế và sức mạnh
văn hóa người Hán không ngừng lấn át.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là do đời
sống chính trị Trung Quốc suốt thế kỉ XX
quá nhiều biến động, cuộc Cách mạng Văn
hóa (1966-1969) đã thi hành những chính
sách sai lầm về văn hóa khiến cho nền văn
học dân gian người Kinh, cũng giống như
số phận nền văn học cổ điển Trung Quốc,
phải chuốc lấy bao nhiêu tai họa.
Trong hệ thống truyền thuyết người
Kinh Việt Nam, truyền thuyết về nguồn
gốc dân tộc và quá trình dựng nước giữ
nước trong thời kì Văn Lang, Âu Lạc
chiếm số lượng đến hàng chục truyện.
Tiếp theo là nhóm truyền thuyết về các
anh hùng dân tộc lãnh đạo các cuộc khởi
nghĩa chống lại các triều đại phong kiến
Trung Quốc xâm lược trong suốt chiều dài
lịch sử đất nước. Trong khi đó, truyền
thuyết người Kinh Trung Quốc về nguồn
gốc lịch sử dân tộc và quá trình chống
phong kiến phương Bắc xâm lược hoàn
toàn thiếu vắng, thay vào đó là truyền
thuyết hình thành địa hình, địa danh Tam
Đảo và truyền thuyết về anh hùng chống
Pháp như Kinh đảo truyền thuyết, Tam đảo
truyền thuyết, Làng chài chống giặc, Kế
đậu vàng, Quân bay trên vách núi, Đóng
bè vượt biển.v.v. Điều này chắc chắn có
liên quan đến việc người Kinh sinh sống
gần khu vực người Hán và chịu ảnh hưởng
bởi thói quen tư duy và lập trường dân tộc
Hán. Có khả năng thời kì đầu, những
truyền thuyết này vẫn lưu truyền khá phổ
biến trong cộng đồng người Kinh Tam
Đảo, thế nhưng trong quá trình truyền
thừa, nó bị mai một dần và đến nay có lẽ
đã mất hẳn. Trong phạm vi truyện kể dân
gian người Kinh Trung Quốc mà chúng tôi
có thể tiếp cận, vẫn còn khá rõ dấu ấn của
truyền thuyết người Kinh Việt Nam như
Thánh Gióng, Sơn Tinh – Thủy Tinh qua
một số tình tiết, chi tiết đan xen trong tác
phẩm. Cũng có khả năng những truyền
thuyết này vẫn được lưu hành ở phạm vi
hẹp nào đó trong cộng đồng người Kinh,
mà đứng từ lợi ích quốc gia và lập trường
dân tộc, chúng không được giới thiệu rộng
rãi trong xã hội.
Cũng giống như trong văn học dân
gian người Kinh Việt Nam, truyện cổ tích
chiếm giữ một vai trò quan trọng trong kho
tàng truyện kể dân gian người Kinh Trung
Quốc. Tuy nhiên, truyện cổ tích người
Kinh ở Việt Nam ra đời trong khoảng thời
gian dài từ sau thời Âu Lạc bị thôn tính kéo
dài suốt hai nghìn năm đến hết thời phong
kiến, trong khi truyện cổ tích người Kinh
Trung Quốc đa phần ra đời trong vòng 500
năm trở lại đây gắn liền với địa bàn định
cư mới. Phần lớn truyện kể dân gian người
Kinh Trung Quốc do chính bản thân họ
sáng tạo ra, gắn liền với hoàn cảnh tự nhiên
và văn hóa bản địa vùng Tam Đảo như
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (3/2019)
48
Thiên thần chuộc tội, Bia võ sĩ, Người đi
săn trừ yêu, Châu Tử diệt rồng tinh, Điền
Đầu Công, Hải Hoa và Hải Sinh, Cuộc kì
ngộ của tiều phu, Tướng quân cóc.v.v. Bên
cạnh đó, một số ít truyện kể ra đời sớm hơn
có nguồn gốc lục địa Việt Nam như Chị
Tấm và em Cám, Chiếc nồi thần, Cây khế,
Đánh trống bắt trộm.v.v. Có thể thấy nhiều
dấu ấn của truyện cổ tích người Kinh Việt
Nam ẩn tàng một cách vừa rõ rệt, vừa vi tế
trong các truyện kể dân gian người Kinh
Trung Quốc. Điều này rõ ràng cho thấy
mối quan hệ sâu sắc của văn học dân gian
người Kinh hai nước, đồng thời thể hiện óc
sáng tạo của người Kinh Trung Quốc trong
hành trình chinh phục tự nhiên và quan sát,
lí giải cuộc sống. Truyện kể dân gian người
Hán, người Choang cũng được người Kinh
hấp thu, dung nạp để làm giàu thêm cho
kho tàng văn học dân gian của dân tộc
mình. Đó là những biểu hiện hoàn toàn
bình thường, nhưng cũng không kém phần
thú vị của một nền văn học dân gian đang
tồn tại và hành chức.
Trong khi truyện ngụ ngôn người Kinh
Việt Nam có số lượng khá lớn, thế giới
nhân vật trong đó tương đối đa dạng, phần
lớn là loài vật, cây cỏ, trăng sao, các bộ
phận cơ thể người, còn triết lí phản ánh vô
cùng phong phú; thì truyện ngụ ngôn của
người Kinh Trung Quốc hiện sưu tầm được
rất ít, chỉ còn thấy 3 truyện là Lươn trắng
và Hạc cổ dài, Hổ và ốc, Cua đực và cua
cái. Nhân vật hầu hết đều là loài vật, bao
gồm các loài vật dưới biển, loài vật trên
rừng núi, nên trước mắt triết lí được ngụ
ngôn còn thấy nghèo nàn.
Mặc dù không phong phú về số lượng,
tiểu loại, đề tài so với truyện kể dân gian
người Kinh Việt Nam, thế nhưng nhìn
chung, bộ phận văn học này của người
Kinh Trung Quốc đã phản ánh nhiều
phương diện đời sống vật chất và tinh thần
của các tầng lớp cư dân, đặc điểm diện mạo
xã hội nơi mà họ từng tụ cư trong quá khứ.
3. Ca dao, dân ca người Kinh
Trung Quốc
Cũng giống ca dao, dân ca người Kinh
Việt Nam, bộ phận văn học này của người
Kinh Trung Quốc có nguồn gốc hình thành
từ rất lâu đời, tích lũy qua nhiều thế hệ,
sáng tác và lưu truyền kéo dài hàng mấy
thế kỉ. Người Kinh nói chung vốn rất ưa
chuộng thơ ca, bao gồm cả thơ chữ Hán
lẫn thơ chữ Nôm. Thế nhưng, đối với tầng
lớp bình dân, thơ chữ Hán vẫn khá xa lạ
bởi tính bác học, hàm súc, trừu tượng khó
hiểu của nó. Còn thơ ca sử dụng ngôn ngữ
dân tộc, dù đa số người dân không biết chữ
Nôm nhưng vẫn có thể diễn ngâm chúng,
lưu truyền rộng rãi chúng qua phương thức
truyền miệng. Đó là lí do tại sao Chinh
phụ ngâm của Đặng Trần Côn lại không
được biết đến nhiều như Chinh phụ ngâm
khúc diễn ca của Đoàn Thị Điểm, hay Tì
bà hành của Bạch Cư Dị lại không nổi
tiếng bằng bản dịch Tì bà hành của Phan
Huy Thực. Đối với cư dân người Kinh chủ
yếu sinh sống bằng lao động chân tay, thì
hiện tượng này càng hiển nhiên và phổ
biến hơn.
Về ngôn ngữ, trong khi truyện kể dân
gian được kì lão người Kinh lưu truyền
bằng cả tiếng Kinh, tiếng Hán nói theo âm
địa phương (tiếng Pạc-và) và cả tiếng Hán
phổ thông thì ca dao, dân ca người Kinh
chủ yếu được diễn xướng bằng tiếng Kinh.
Dĩ nhiên, thứ tiếng này có chung nguồn
gốc ngữ âm với tiếng Việt của người Kinh
Việt Nam, tuy nhiên do quá trình di cư lâu
dài, lại sống cách biệt trong lãnh thổ Trung
Quốc, thường xuyên tiếp xúc với ngôn ngữ
NGUYỄN THANH PHONG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
49
các tộc người khác nên vỏ ngữ âm của
tiếng Kinh Trung Quốc cũng khác nhiều so
với tiếng Việt của người Kinh Việt Nam.
Chính loại ngôn ngữ này mới kết hợp hài
hòa với các làn điệu dân ca truyền thống,
mới chuyển tải được muôn màu muôn vẻ
đời sống người dân, mới gần gũi với thói
quen tư duy, đặc điểm tâm lí, tình cảm
người bình dân, mới có thể khiến cho ca
dao, dân ca người Kinh được bảo tồn và
lưu truyền rộng rãi qua nhiều thế hệ. Tuy
nhiên, hiện nay, giới sưu tầm ca dao, dân
ca người Kinh chủ yếu lại dùng chữ Hán
để ghi chép dưới dạng các văn bản Hán
dịch. Dù có nhiều cố gắng trong việc bảo
lưu nguyên trạng, nhưng việc đánh mất cái
hay của nhịp điệu, gieo vần trong các bài
ca dao, dân ca truyền thống là điều khó
tránh khỏi.
Ca dao, dân ca người Kinh Việt Nam
ra đời và lưu truyền trong một phạm vi
lãnh thổ rộng lớn từ Bắc chí Nam, chủ thể
sáng tạo cũng rất đa dạng, bao gồm nhiều
tầng lớp trong xã hội mà cốt yếu là người
lao động bình dân. Vì vậy, số lượng tác
phẩm đồ sộ, phản ánh sâu sắc, toàn diện
đời sống người dân ở cả ba miền Bắc,
Trung, Nam. Do sự trải rộng về mặt địa lí,
sự khác biệt về hoàn cảnh sống và đặc
trưng văn hóa vùng miền, nên ca dao, dân
ca người Kinh có tính đa dạng và phân hóa
cao độ. Chúng thường gắn liền với từng
khu vực địa lí, thậm chí từng tỉnh thành,
vùng miền, chẳng hạn miền Bắc có Quan
họ Bắc Ninh, miền Trung có hát ví giặm
Nghệ Tĩnh, hò Huế, miền Nam có các điệu
lí Nam bộ, hát đối Gò Công, hò đối đáp
Đồng Tháp.v.v. Trong khi đó, ca dao, dân
ca người Kinh Trung Quốc do được hình
thành trong phạm vi không gian nhỏ hẹp,
không bị phân hóa bởi khác biệt vùng
miền, nên đạt được sự thuần nhất cao độ, là
tài sản tinh thần chung của cả cộng đồng.
Ở điểm này, ca dao, dân ca người Kinh
Trung Quốc có chức năng, đặc tính giống
như ca dao, dân ca ở một vùng miền, địa
phương cụ thể của Việt Nam.
Khảo sát khoảng 100 bài ca dao, dân
ca người Kinh sưu tầm được, có thể thấy
chúng đã phản ánh đa diện đời sống kinh
tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng này ở
Trung Quốc. Đa phần các bài ca dao, dân
ca đều ra đời trên mảnh đất Tam Đảo, phản
ánh môi trường địa lí, lịch sử, phong tục,
văn hóa bản địa, đồng thời thể hiện ý thức
thẩm mĩ có nhiều điểm chung lẫn những
khác biệt với người Kinh Việt Nam. Ở chỗ,
đặc trưng thẩm mĩ của nền sản xuất nông
nghiệp lúa nước dù còn nhưng đã nhạt
nhòa đi, trong khi đó, đặc trưng thẩm mĩ
của nền sản xuất ngư nghiệp ven biển ngày
càng đậm đà hơn. Chúng phần nào có sự
tiếp nhận chất liệu thơ ca cổ điển và thơ ca
dân gian người Hán.
Nếu ca dao, dân ca của các tộc người
khác ở Trung Quốc thường lấy thể thơ ngũ
ngôn, thất ngôn làm hình thức chuyển tải
chủ yếu, thì ca dao, dân ca người Kinh
Trung Quốc lại lấy thể thơ lục bát, song
thất lục bát và những biến thể của nó làm
hình thức chuyển tải chủ yếu, đương nhiên
cũng có những bài sử dụng thể thơ ngũ
ngôn và thất ngôn nhưng số lượng không
nhiều. Điều này rõ ràng cho thấy mối quan
hệ văn học khăng khít xa xưa của ca dao,
dân ca người Kinh hai nước. Hay nói cách
khác, ca dao, dân ca người Kinh Trung
Quốc có chung cội nguồn với ca dao, dân
ca người Kinh Việt Nam.
Về yếu tố nhạc điệu trong ca dao, dân
ca người Kinh, theo sưu tầm của học giả
Trung Quốc Trần Học Phác, hiện nay có
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (3/2019)
50
khoảng 30 điệu lí khác nhau đang được lưu
truyền ở đây, có thể chia làm các loại: sơn
ca, hải ca, tình ca, hôn ca, ngư ca, tự sự
ca... với những đặc trưng âm điệu khác
nhau. Vì thường xuyên sử dụng thể thơ lục
bát với cách ngắt nhịp chẵn, nên các bài
dân ca cũng được hát theo nhịp chẵn kiểu
thơ lục bát. Hơn nữa, ngư dân người Kinh
Tam Đảo vì quen sống bằng nghề cá,
thường xuyên ra khơi đánh bắt, nên tiết tấu
các bài hát thường kết hợp chặt chẽ với
động tác lao động như chèo thuyền, kéo
lưới, đẩy thuyền vào bờ... Nhạc điệu của
dân ca người Kinh rất giống tính cách của
biển, có khi tình ý cao vút mênh mông, dạt
dào lai láng, có khi thâm trầm uyển
chuyển, pha lẫn sự dõng dạc hùng hồn.
Còn giọng hát có lúc trầm bổng nhấp nhô
như ba đào biển động, cũng có lúc bình
tĩnh như biển lặng sóng nhẹ dào dạt vỗ bờ.
Tóm lại, chính ca dao, dân ca là nơi
gửi gắm niềm tự hào dân tộc, phản ánh
nhận thức của con cháu về lịch sử di cư và
định cư của tổ tiên, miêu tả hoạt động lao
động sản xuất và niềm vui bội thu của
người dân, phản kháng những kẻ thống trị
xấu xa và bọn địa chủ bóc lột, thể hiện tình
yêu và hôn nhân đôi lứa, bày tỏ tình cảm
thắm thiết gia đình.v.v. Ca dao, dân ca đã
truyền tải tiếng nói nội tâm, nhận thức cuộc
sống, ý thức thẩm mĩ và trí tuệ tập thể của
cư dân người Kinh Tam Đảo.
4. Thơ tự sự dân gian người Kinh
Trung Quốc
Thơ tự sự dân gian, hay còn gọi là
truyện thơ Nôm, là những tác phẩm văn
học do các trí thức bác học lẫn nhân dân
lao động sáng tác và truyền miệng qua các
đời, có tình tiết sự kiện và hình tượng nhân
vật, sử dụng các thể thơ dân gian hoặc kết
hợp văn xuôi với văn vần. Có thể dựa vào
nội dung phản ánh tạm chia thành các loại:
thơ tự sự thần thoại, thơ tự sự anh hùng,
thơ tự sự sinh hoạt và thơ tự sự tình yêu
[7]. Hầu hết các tác phẩm này đều vừa tồn
tại dưới dạng truyện kể dân gian, vừa tồn
tại dưới dạng truyện thơ Nôm khuyết danh,
có thể được diễn xướng bằng hình thức hát
ca để lưu truyền.
Xét về nguồn gốc, có thể nhận ra một
điều rằng, những tác phẩm trên một phần
có nguồn gốc từ tiểu thuyết chương hồi,
tiểu thuyết thoại bản, truyện kể dân gian,
truyện dã sử Trung Quốc như Nhị độ mai,
Kim Vân Kiều truyện, Hoa Tiên truyện,
Lương Sơn Bá dữ Chúc Anh Đài, Lưu Bình
Dương Lễ.v.v. Chúng đã được cải biên bởi
tác giả hữu danh và khuyết danh Việt Nam,
được viết bằng hình thức thơ với ngôn ngữ
diễn đạt là chữ Nôm, nên đã được Việt hóa
cao độ. Bộ phận còn lại là truyện thơ Nôm
hoàn toàn do các tác giả Việt Nam sáng tác
như Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán
ngâm khúc, Tống Trân Cúc Hoa, Cái
Vương cố sự, Liễu Hạnh công chúa, Quan
Âm Thị Kính.v.v. Tất cả được người Kinh
Tam Đảo mang theo trong quá trình di dân
và lưu truyền tại đây qua nhiều thế hệ.
Trong quá khứ, những câu chuyện về
đạo đức nhân luân, tình yêu nam nữ được
lưu truyền phổ biến trong khu vực sinh
sống người Kinh. Những tác phẩm này, bất
kể tồn tại dưới dạng truyện thơ dùng để ca
ngâm hay truyện văn xuôi dùng để kể nói
đều phản ánh quan niệm về thế giới, đạo
đức, thẩm mĩ, đồng thời thể hiện khát vọng
cuộc sống đầy tính nhân văn của người
Kinh Trung Quốc.
Các truyện thơ Nôm đã chú ý xây
dựng tính cách và hình tượng nhân vật, từ
cử chỉ, ngoại hình, ngôn ngữ đến phẩm
chất, cá tính. Tình tiết cốt truyện cũng phức
NGUYỄN THANH PHONG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
51
tạp và biến đổi khó lường, chất tự sự và
chất trữ tình đan xen tạo nên màu sắc bóng
bẩy, sinh động cho tác phẩm. Điều này
khiến cho giá trị nghệ thuật của tác phẩm
được nâng lên tầm cao mới. Tầm cao này
có được nhờ sự dung dưỡng suốt mấy trăm
năm của nền văn học viết dân tộc, đồng
thời hấp thu dưỡng chất từ văn học Trung
Quốc thời Minh – Thanh. Thế nhưng, đây
không phải là những điều đặc thù của
truyện thơ Nôm người Kinh Trung Quốc so
với ở Việt Nam, mà cái làm nên sự khác
biệt đó là những biến đổi về mặt tình tiết,
cốt truyện, nhân vật, bối cảnh, phương thức
tự sự so với tác phẩm gốc; ngoài ra còn có
sự khác biệt về phương thức diễn xướng và
lưu truyền trong dân gian.
Dù truyện thơ Nôm được xếp vào
nhóm văn học dân gian của người Kinh
Trung Quốc, thế nhưng qua những tác
phẩm tiêu biểu trên, có thể thấy rằng chúng
mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả, đồng
thời phản ánh tư duy nghệ thuật – thẩm mĩ
của dân tộc đã phát triển đến một trình độ
cao, chín muồi mà tác phẩm văn học dân
gian khó thể nào đạt đến. Nhìn từ góc độ
này thì việc quy loại truyện thơ Nôm vào
nhóm văn học dân gian là không phù hợp.
Nhưng nếu nhìn từ góc độ hình thức diễn
xướng và phương thức lưu truyền, có thể
thấy các truyện thơ Nôm này đóng vai trò
như một tác phẩm văn học dân gian trong
đời sống tinh thần cộng đồng người Kinh.
5. Kết luận
Văn học dân gian của người Kinh
Trung Quốc là thành quả tinh thần được
tích lũy và lưu truyền qua nhiều thế hệ
trong cộng đồng. Vốn có nguồn gốc sâu xa
từ nền văn học dân gian của người Kinh
Việt Nam, văn học dân gian người Kinh
Trung Quốc đã hấp thu dưỡng chất từ nền
tảng văn hóa màu mỡ ấy của cội nguồn dân
tộc, nhưng do sinh trưởng trong bối cảnh
địa lí, chính trị, xã hội ở Trung Quốc suốt
thời gian hàng trăm năm, bộ phận văn học
này đã tách rời và phát triển theo một
hướng đi độc đáo riêng.
Về nội dung, văn học dân gian người
Kinh Trung Quốc đã phản ánh một cách đa
diện đời sống vật chất và tinh thần của
cộng đồng người Kinh Trung Quốc. Một
phần trong đó là diện mạo xã hội Việt Nam
trong quá khứ xa xưa, phần còn lại là bức
tranh đời sống người Kinh trên địa bàn cư
trú mới tại Tam Đảo, Quảng Tây, Trung
Quốc, nơi đó có sự hỗn dung đa sắc tộc, đa
ngôn ngữ, đa văn hóa làm cho văn học
người Kinh trở nên linh hoạt, hấp thu, dung
nạp, biến hóa không ngừng. Dù vậy, nó
vẫn kết nối chặt chẽ với văn học dân gian
của người Kinh ở Việt Nam.
Về đặc tính, văn học dân gian người
Kinh Trung Quốc cũng mang những đặc
tính phổ quát của mọi nền văn học dân
gian nói chung, và văn học dân gian của
người Kinh Việt Nam nói riêng, là tính
truyền miệng, tính tập thể, tính nguyên
hợp, tính đa chức năng, tính vô danh, tính
dị bản, tính truyền thống, tính địa phương,
tính quốc tế Tuy nhiên, so với văn học
dân gian người Kinh Việt Nam, văn học
dân gian người Kinh Trung Quốc còn thể
hiện rõ rệt những đặc tính: tính dung hợp
trong giao lưu văn hóa, văn học các dân
tộc; tính đa nguyên về nội dung tư tưởng;
tính đa dạng về phương thức phản ánh, thủ
pháp nghệ thuật; tính giao thoa, chuyển
tiếp giữa văn học dân gian và văn học viết;
tính đa dạng về ngôn ngữ truyền đạt, diễn
xướng; tính biển đảo gắn liền bản sắc văn
hóa bản địa.
Về mặt thể loại, nổi trội trong văn học
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 63 (3/2019)
52
dân gian người Kinh Trung Quốc là truyện
cổ tích, ca dao, dân ca, thơ tự sự dân gian.
Các thể loại khác như tục ngữ, câu đố,
thành ngữ, truyện cười, truyện ngụ ngôn,
vè... mặc dù cũng tồn tại nhưng số lượng
không nhiều. Trong đó, nhóm thể loại liên
quan lời ăn tiếng nói hằng ngày đang bị
Hán tộc hóa cao độ do sự phổ cập ngày
càng mạnh mẽ của tiếng Hán phổ thông và
tiếng Hán phương ngữ Việt, trong khi tiếng
nói người Kinh đang có xu hướng bị thu
hẹp dần. Trong các thể loại đó, truyện kể
dân gian chiếm số lượng nhiều nhất, tiếp
theo là ca dao, dân ca và cuối cùng là
truyện thơ dân gian.
Văn học dân gian người Kinh Trung
Quốc như một dòng chảy khởi nguồn từ
dòng chủ lưu của văn học dân gian Việt
Nam, rẽ theo một hướng riêng rồi hòa
mình với các dòng chảy khác, tự làm cho
mình lớn rộng và đa dạng hơn, đồng thời
vẫn giữ mối quan hệ khăng khít với cội
nguồn xưa cũ. Có thể nói, đây là một
trường hợp điển hình khá thú vị, phản ánh
sức sống của nền văn học dân tộc bên cạnh
các nền văn học khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trần Tăng Du. (2007). Kinh tộc Nôm tự sử ca tập. Bắc Kinh: NXB Dân tộc.
Kiều Thu Hoạch. (1997). Sức sống trường tồn – Truyện Nôm bình dân. Tạp chí Văn học,
2, 25-35.
Đinh Gia Khánh (chủ biên). (2004). Văn học dân gian Việt Nam. Hà Nội: NXB Giáo dục.
Nguyễn Tô Lan, Nguyễn Đại Cồ Việt. (2015). Truyền thừa tiếng Kinh bằng chữ Nôm –
Một góc nhìn từ cảnh huống ngôn ngữ dân tộc Kinh (Đông Hưng, Quảng Tây, Trung
Quốc). Tạp chí Hán Nôm, 133, 29-51.
Nhiều tác giả. (1984). Kinh tộc giản sử. Nam Ninh: NXB Dân tộc Quảng Tây.
Tô Duy Quang, Qua Vĩ, Vi Kiên Bình. (1993). Kinh tộc văn học sử. Quảng Tây: NXB
Giáo dục Quảng Tây.
Tô Nhuận Quang. (1984). Kinh tộc dân gian cố sự tuyển. Bắc Kinh: NXB Văn nghệ dân
gian Trung Quốc.
Trần Hữu Tá, Nguyễn Huệ Chi. (2003). Từ điển văn học (bộ mới). Hà Nội: NXB Thế giới.
Ngày nhận bài: 01/8/2018 Biên tập xong: 15/3/2019 Duyệt đăng: 20/3/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 48_9814_2214953.pdf