Tài liệu Văn hóa hồi tưởng: Cách người Đức đối diện với quá khứ đen tối thời kỳ Đức quốc xã: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
86
VĂN HÓA HỒI TƯỞNG: CÁCH NGƯỜI ĐỨC ĐỐI DIỆN
VỚI QUÁ KHỨ ĐEN TỐI THỜI KỲ ĐỨC QUỐC XÃ
The remembrance culture:
The way Germans embraced the terrible past of the Nazi Germany
ThS. Nguyễn Thị Bích Phượng
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM
Tóm tắt
Thế chiến thứ hai đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng vì bom đạn và cả vì chế độ độc tài Đức Quốc
xã bằng kế hoạch tận diệt cộng đồng người Do Thái ở Châu Âu thông qua hành động mang tên
Holocaust. Các thế hệ người Đức sống cùng thời và sau này đã nghĩ gì về cuộc chiến đã qua mà kẻ tội
đồ mang tên “Đức quốc xã”? Họ đã giằng xé tư tưởng ra sao? Có hay không văn hóa hồi tưởng của
người Đức? Bài viết phân tích quá trình hình thành văn hóa hồi tưởng của người Đức qua việc họ
thẳ...
10 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 509 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Văn hóa hồi tưởng: Cách người Đức đối diện với quá khứ đen tối thời kỳ Đức quốc xã, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
86
VĂN HÓA HỒI TƯỞNG: CÁCH NGƯỜI ĐỨC ĐỐI DIỆN
VỚI QUÁ KHỨ ĐEN TỐI THỜI KỲ ĐỨC QUỐC XÃ
The remembrance culture:
The way Germans embraced the terrible past of the Nazi Germany
ThS. Nguyễn Thị Bích Phượng
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM
Tóm tắt
Thế chiến thứ hai đã cướp đi hàng chục triệu sinh mạng vì bom đạn và cả vì chế độ độc tài Đức Quốc
xã bằng kế hoạch tận diệt cộng đồng người Do Thái ở Châu Âu thông qua hành động mang tên
Holocaust. Các thế hệ người Đức sống cùng thời và sau này đã nghĩ gì về cuộc chiến đã qua mà kẻ tội
đồ mang tên “Đức quốc xã”? Họ đã giằng xé tư tưởng ra sao? Có hay không văn hóa hồi tưởng của
người Đức? Bài viết phân tích quá trình hình thành văn hóa hồi tưởng của người Đức qua việc họ
thẳng thắn nhìn nhận sai lầm của các thế hệ đi trước, dũng cảm đối diện và nỗ lực vượt qua quá khứ tồi
tệ để hướng về tương lai.
Từ khóa: Đức Quốc xã, Hitler, Holocaust, Thế chiến Thứ Hai, văn hóa hồi tưởng
Abstract
World War II took place in many countries and costed the lives of millions of people because of
bombardments and the Germans’ genocide regime, specifically towards the Jewish community in
Europe carried out by Nazi Germany. This was known as the Holocaust. What are the opinions of
generations of Germans in the same and later eras on the war that was caused by the criminal called
“Nazis”? How were they mentally affected? Does the so-called remembrance culture still exist? The
article explains the formation of the remembrance culture of the Germans in which they have frankly
acknowledged the mistakes of previous generations, bravely embraced the past and tried to overcome it
to look forward to the future.
Keywords: Nazi Germany, Hitler, Holocaust, World War II, remembrance culture
1. Dẫn nhập
Thế chiến thứ hai đã lùi xa hơn 70
năm, song sự tàn khốc và những hệ lụy của
nó vẫn luôn được nhắc đến bằng nhiều
cách và trên nhiều phương diện khác nhau,
đặc biệt là ở tại Đức – đất nước châm ngòi
cho cuộc chiến và cũng là “tội đồ” để cả
thế giới lên án. Dù thời kỳ Đức quốc xã chỉ
kéo dài 12 năm (1933-1945) nhưng những
gì mà chế độ độc tài này gây nên không
những thay đổi cả lịch sử nước Đức mà
còn khiến cho dân tộc Đức phải hứng chịu
hậu quả trong một thời gian khá dài. Biến
cố này đã làm thay đổi sâu sắc cách nghĩ
và cách sống của người Đức. Ngày nay,
nước Đức đã thay đổi hoàn toàn và có vị trí
Email: bichphuongnt@hcmussh.edu.vn
NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
87
khá vững vàng trên chính trường thế giới.
Người Đức cũng được thế giới nhìn nhận
và đánh giá cao. Họ đã vượt qua quá khứ
12 năm đen tối của dân tộc để có thể bước
tiếp. Quá trình này kéo dài và trải qua
nhiều giai đoạn với nhiều cơ tầng khác
nhau đã giúp hình thành “văn hóa hồi
tưởng” ở người Đức. Văn hóa hồi tưởng là
gì và biểu hiện ra sao? Quá trình hồi tưởng
đã thấm sâu vào nhận thức và hành động
của người Đức tới mức nào để nó trở thành
văn hóa? Bài viết đi tìm lời giải cho những
câu hỏi trên cũng như tập trung phân tích
cách người Đức đối diện với quá khứ có
thể được xem là đen tối nhất trong lịch sử
của đất nước, qua đó giúp người đọc hiểu
phần nào tính cách người Đức.
2. Nội dung
2.1. Khái quát về thời kỳ Đức quốc xã
Sẽ không có quá trình hồi tưởng của
người Đức nếu không có thời kỳ Đức quốc
xã. Đức quốc xã - đứng đầu là Hitler - đã
tuyên truyền tư tưởng hoang đường về một
dân tộc Đức thượng đẳng, thực thi những
chính sách tàn khốc vô nhân đạo đối với
những dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Do
Thái và là kẻ chủ mưu châm ngòi cho Thế
chiến thứ hai gây tang thương cho hàng
triệu người trên toàn châu Âu.
Ngày 30/01/1933, Hitler - chủ tịch
Đảng Công nhân Quốc xã Đức NSDAP
(Đức Quốc xã) được tổng thống
Hindenburg cử làm Thủ tướng. Việc đầu
tiên sau khi lên nắm chính quyền là Hitler
cho tiêu diệt tất cả những ai bất đồng chính
kiến nhằm củng cố quyền lực của mình.
Hitler tuyên truyền về một dân tộc Đức
thuộc chủng tộc Aryan thượng đẳng, còn
các dân tộc khác, trong đó có dân tộc Do
thái là hạ đẳng cần phải bị tiêu diệt để dành
không gian sống cho dân tộc Đức. Tư
tưởng thiếu căn cứ khoa học này đã được
cổ súy và thực thi bằng nhiều hình thức vô
nhân đạo. Tháng 09/1935, Luật chủng tộc
được ban hành tại Nürnberg với ba nội
dung, trong đó hai nội dung quan trọng liên
quan đến người Do Thái, đó là Luật công
dân Đế chế và Luật bảo vệ huyết thống.
Luật công dân Đế chế phân biệt người Đức
thuần Đức và người Đức gốc Do Thái
nhằm tách người Do Thái ra khỏi đời sống
chính trị ở Đức, dẫn đến việc họ mất quyền
công dân. Luật bảo vệ huyết thống cấm
người Đức kết hôn với người Do Thái.
Việc loại trừ người Do Thái sẽ giúp thuần
chủng hóa dân tộc Đức ưu việt. Các luật
này mở đường cho kế hoạch hủy diệt người
Do Thái của Hitler tại các trại tập trung.
Trại tập trung đầu tiên được xây dựng
tại Dachau ngày 20/3/1933 theo yêu cầu
của Heinrich Himmler, chỉ huy trưởng đội
cận vệ Hitler. Tính đến năm 1944, tổng
cộng có 22 trại tập trung được xây dựng
trên khắp Châu Âu với các kế hoạch dã
man, từ lao động khổ sai đến các cuộc tàn
sát tập thể bằng hơi ngạt và những cuộc
hành trình tử thần. Những cuộc đại thảm
sát này có tên gọi là Holocaust, nghĩa là
hủy diệt toàn bộ (1). Trại tử thần
Auschwitz là nơi tập trung đông người Do
Thái nhất. Từ tháng 4/1940 đến tháng
01/1954, có ít nhất 1.084.457 người Do
Thái bị đưa đến Auschwitz (Kellerhoff, S.
F., 2017) và hơn 1 triệu trong số đó bị hành
quyết bằng nhiều hình thức khác nhau.
Với tham vọng “bẻ gãy cho kỳ được
những xiềng xích đang trói buộc Đức quốc
và hiệp ước Versailles, xóa bỏ những kỉ
niệm xấu xa về cuộc chiến bại năm 1918 và
đem lại cho dân tộc Đức – một dân tộc tinh
vi đáng làm chúa tể của thế giới một mức
sống cao đẹp hơn” (Tenbrock, R. H., 1972,
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
88
tr.591), Hitler quyết tâm dùng bạo lực để
gây chiến nhằm mở rộng lãnh thổ. Tháng
3/1939, Hitler ra lệnh quân đội tấn công
Tiệp Khắc, sau đó tiếp tục tấn công Ba
Lan. Thế chiến thứ hai bắt đầu. Tháng
6/1941, Hitler tiếp tục tấn công Liên Xô,
nhưng bị đánh trả dữ dội. Phe đồng minh
bao gồm Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp hợp
lực tấn công làm cho quân đội Đức suy yếu
dần. Ngày 25/4/1945, Berlin đã bị quân
Liên Xô bao vây; 5 ngày sau đó, Hitler tự
sát trong hầm trú ẩn tại Berlin. Ngày 07/5,
Đức tuyên bố đầu hàng. Hai ngày sau đó,
trên tất cả các mặt trận đều im tiếng súng.
Thế chiến thứ hai chấm dứt.
Những tổn thất do Thế chiến thứ hai
để lại rất to lớn và tội lỗi của Đức Quốc xã
không thể kể hết. Wolfgang B. cho rằng
“đó là một cuộc chiến tranh của hệ tư
tưởng và hủy diệt không hề có tiền lệ trong
lịch sử. Ước tính có khoảng 33 triệu người
không phải người Đức là nạn nhân” (được
trích dẫn bởi Wagner W.J., 2001, tr. 318).
Gần 6 triệu người Do Thái trên toàn Châu
Âu bị sát hại, 6,35 triệu người Đức bị thiệt
mạng, trong đó 5,2 triệu là lính Đức. Nước
Đức trở về “Giờ số 0”. Làm sao người Đức
có thể đối diện với một quá khứ quá đen tối
của dân tộc? Họ phải giải quyết hậu quả
của việc mình làm như thế nào? “Văn hóa
hồi tưởng” của họ được định hình như thế
nào và biểu hiện ra sao?
2.2. Về khái niệm “văn hóa hồi tưởng”
Khái niệm “hồi tưởng” thường được
hiểu là nhớ lại, nghĩ đến những gì đã diễn
ra, làm sống lại trong tâm trí những sự việc
hoặc hình ảnh đã xảy ra trong quá khứ. Lẽ
thường, con người hay hồi tưởng về những
sự việc để lại những dấu ấn tươi đẹp,
những kỉ niệm đáng nhớ; ví dụ như hồi
tưởng về thời thơ ấu tươi đẹp, về thời vàng
son hoặc về những chiến công hiển hách
đáng tự hào. Hồi tưởng là một hành động
phần lớn mang tính cá nhân, nhưng cũng
mang tính tập thể khi một cộng đồng hay
một dân tộc hồi tưởng về những sự kiện
lịch sử hào hùng trong quá khứ. Nếu hồi
tưởng về quá khứ đau thương thì thường
trong những quá khứ đó, bản thân người
hồi tưởng là nạn nhân đã vượt qua những
khổ đau để tồn tại hoặc vươn lên. Ít ai nghĩ
đến những điều khiến họ xấu hổ, những
điều liên quan đến việc đấu tranh tư tưởng
với quá khứ đen tối của dân tộc như người
Đức – với tư cách là “phạm nhân” của
những tội lỗi đã gây ra trong thời kỳ Đức
quốc xã. Quá trình đấu tranh, giằng xé này
đã hình thành một “văn hóa hồi tưởng” ở
người Đức (Erinnerungskultur).
“Văn hóa hồi tưởng” là “khái niệm bao
quát tất cả những hình thức (con người)
nghĩ ra để hồi tưởng một cách có ý thức về
những sự kiện lịch sử, những cá nhân cũng
như những diễn trình” (2). Khái niệm này
không phải là mới, song mãi đến những
năm 1990, văn hóa hồi tưởng mới trở thành
khái niệm mang tính khoa học. Chỉ sau hai
thập kỷ, nó đã trở thành khái niệm then
chốt trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử -
văn hóa, được phân tích và nghiên cứu ở
nhiều chiều kích khác nhau.
Theo hiểu biết của chúng tôi, khái
niệm “văn hóa hồi tưởng” chưa được phổ
biến ở Việt Nam. Song hồi tưởng trong văn
hóa đã được nhắc đến trong công trình của
Trần Ngọc Thêm và được xếp vào thành tố
văn hóa đối phó (Trần Ngọc Thêm, 2013,
tr 64-65). Văn hóa đối phó và văn hóa hồi
tưởng giống nhau ở chỗ đều tập trung vào
cách ứng xử của con người với mặt phi giá
trị (kiếm gây thương tích, nước gây lũ lụt,
lửa gây cháy nhà trong văn hóa đối phó;
NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
89
những tội lỗi, lỗi lầm trong văn hóa hồi
tưởng). Sự khác biệt thể hiện ở thời điểm
diễn ra. Nếu văn hóa đối phó tập trung
chính vào cách ứng xử của con người với
cái thực tại (dùng khiên để đối phó với
kiếm nhằm tránh bị thương, làm đê để
ngăn lũ) thì văn hóa hồi tưởng thể hiện
cách con người nhận thức lẫn ứng xử với
quá khứ.
Tại Đức, văn hóa hồi tưởng trước đây
chỉ bó hẹp trong hoạt động thờ cúng các vị
thần, các vua chúa và biểu hiện bằng việc
xây dựng đền đài, lăng tẩm. Khái niệm này
được nhắc đến nhiều nhất từ sau khi Thế
chiến thứ hai kết thúc và cũng gắn với thời
kỳ này nhiều nhất. Bởi vì, về mặt lý thuyết,
ai mắc lỗi thì người đó mới cảm thấy xấu
hổ. Nhưng về mặt tâm lý, hệ lụy mà Đế chế
thứ ba để lại vượt ra ngoài phạm vi trách
nhiệm của những người trực tiếp gây nên
thảm họa, nó đã tác động đến toàn bộ xã
hội để cả nước Đức phải gánh chịu hậu
quả, giống như Erich Kästner đã từng nói
“Đế chế thứ ba đã tự tử, nhưng xác chết là
nước Đức”(3) (được trích dẫn bởi Glaser,
H., 1997, tr.20). Văn hóa hồi tưởng của họ
được hình qua một quá trình đấu tranh tư
tưởng lâu dài: im lặng và gián tiếp phủ
nhận quá khứ; tìm cách né tránh quá khứ;
phải đối diện với quá khứ rồi sẵn sàng đối
diện với quá khứ đến nỗ lực vượt qua quá
khứ. Trong quá trình đó, người Đức dần
thay đổi nhận thức về những lỗi lầm Đế
chế thứ ba đã gây ra. Khi đã vượt qua được
quá khứ tội lỗi, họ vẫn tiếp tục thực hành
và duy trì các hoạt động hồi tưởng để tránh
lập lại lịch sử đen tối của dân tộc.
2.3. Các biểu hiện cụ thể của văn hóa
hồi tưởng
Từ né tránh quá khứ
Trên phương diện pháp lý và chính trị,
người Đức bị buộc phải chịu trách nhiệm
với những tội lỗi đã gây ra. Ngày
20.11.1945, toàn án quân sự Nürnberg diễn
ra do các nước đồng minh chủ trì để trước
hết xét xử những quan chức cao cấp của
Đức quốc xã trực tiếp gây ra tội ác. 24 cựu
quan chức bị xét xử với các tội danh 1) tội
âm mưu tiến hành các tội ác; 2) tội ác
chống hòa bình; 3) tội ác gây ra chiến tranh
và 4) tội ác chống nhân loại. Sau 216 phiên
tòa, ngày 1.10.1946, bản án được đưa ra,
một nửa bị cáo bị tử hình. Một số đã tự tử
trước ngày hành quyết hoặc không đủ điều
kiện sức khỏe để hầu tòa. Trong vòng 4
năm, có tổng cộng 209 người bị xét xử vì
lý do chính trị, quản lý, quân sự và kinh tế,
trong đó 36 người bị xử tử.
Về mặt chính trị, nước Đức bị các nước
đồng minh chia nhau chiếm đóng để kiểm
soát, bị giải giới quân sự, buộc phải phi
quốc xã hóa. “Người dân Đức ở một độ tuổi
nào đó phải trải qua một cuộc giải trừ tinh
thần phát xít. Họ phải trả lời 131 câu trắc
nghiệm có liên quan đến tư tưởng và hoạt
động của phát xít” (Tenbrock, R.-H.,1972,
tr.642). Giải pháp mang tính hình thức này,
dù khó có thể giúp “tẩy rửa” tận gốc mầm
móng phát xít, nhưng đối với người Đức là
cách chính thức để có thể công khai minh
chứng mình không gây ra tội ác.
Trên phương diện văn hóa xã hội,
trong những năm đầu sau khi Thế chiến thứ
2 kết thúc, dễ dàng nhận thấy một thái độ
né tránh quá khứ trong đại bộ phận người
Đức. Họ tuyệt nhiên không nhắc đến giai
đoạn này. Thái độ thường thấy ở họ là cúi
mặt làm việc, làm việc và làm việc. Họ tập
trung lo cho gia đình riêng của mình và
tránh nhắc đến những gì có liên quan đến
Đức quốc xã, một kiểu quay lưng với “tất
cả phần còn lại của quá khứ” (Lever, P.,
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
90
2018, tr.150). Ngay cả trong gia đình, bố
mẹ cũng im lặng và né tránh những câu hỏi
của con cái có liên quan đến lịch sử cận đại
của nước nhà. Có hai lý do vì sao họ có
thái độ như vậy. Thứ nhất, họ bàng hoàng
trước sự tàn khốc của chiến tranh và những
tội ác của chế độ mà họ từng ủng hộ và
trung thành; thứ hai, họ lo sợ vì vẫn đang
bị quân chiếm đóng kiểm soát và có thể bị
quy tội bất cứ lúc nào, trong khi trước mặt
họ là số “0”: không lương thực, không nhà
cửa, không gia đình, không tương lai. Tâm
lý xấu hổ dẫn đến thái độ né tránh quá khứ
của họ. Trong cuộc giằng xé giữa đối diện
với quá khứ tồi tệ và bắt tay vào dọn dẹp
đống đổ nát của hiện tại, họ đã chọn cái thứ
hai, dù mệt mỏi thể xác nhưng không ray
rứt về tinh thần.
Tâm lý né tránh không chỉ bao trùm
trong đại bộ phận người dân, mà cả các
chính trị gia cũng không công khai nhắc
đến Đế chế thứ 3. Mãi cho đến ngày
27.09.1951, thủ tướng Konrad Adenauer
mới công bố chính thức quan điểm của nhà
nước CHLB Đức về vấn đề người Do Thái,
trong đó ông trích dẫn về quyền bất khả
xâm phạm nhân phẩm con người bất kể
quốc gia, chủng tộc, tôn giáo đã được nêu
trong Luật cơ bản. Adenauer gián tiếp nhắc
rằng “phần lớn những người dân Đức hiện
tại không liên quan đến những tội ác Đức
quốc xã đã gây ra” (Adenauer, K., 1951).
Người đứng đầu nhà nước Tây Đức đã
khéo léo chối bỏ trách nhiệm về những lỗi
lầm của người Đức trong quá khứ và nói
thay cho một bộ phận người Đức: không
muốn dính líu đến và cũng không muốn
hồi tưởng về quá khứ. Những lo toan về
đời sống vật chất trong những năm sau khi
Thế chiến thứ 2 kết thúc là bức bình phong
khá tốt để người Đức né tránh quá khứ mà
họ cho rằng mình không liên quan.
đến đối diện với quá khứ
Mãi đến năm 1963, khi tòa án
Frankfurt xét xử những tội nhân của trại
tập trung Auschwitz thì vấn đề Holocaust
được làm nóng trở lại. Những người gây ra
tội ác đã từ chối nhận tội với lý do hoặc họ
chỉ thực thi nghĩa vụ hoặc vì không còn
nhớ những gì đã xảy ra. Thái độ vô trách
nhiệm của họ bị công chúng lên án. Ngoài
ra, phong trào nổi dậy của thanh niên Đức
năm 1968 thể hiện sự bất đồng quan điểm
giữa các thế hệ, phản kháng một xã hội gò
bó cứng nhắc và còn cả sự phê phán thái độ
im lặng và quay lưng với những lỗi lầm
của chính thế hệ của cha mẹ mình. Một
năm sau khi “Phong trào 68” nổ ra, Chủ
tịch Đảng Dân chủ xã hội - Willy Brandt
lên làm Thủ tướng Liên bang. Vấn đề đối
diện với quá khứ Đức Quốc xã đã trở thành
vấn đề chính trị cần phải được tiếp tục nhìn
nhận nghiêm túc, vì bản thân ông đã từng
nếm trải nỗi thống khổ của chiến tranh.
Đỉnh điểm của nhận thức lỗi lầm là
hành động quỳ gối trước tượng đài tưởng
niệm các nạn nhân của cuộc khởi nghĩa Do
Thái ở Warszawa của Thủ tướng Willy
Brandt trong chuyến viếng thăm chính thức
Ba Lan vào năm 1970. Hồi tưởng về
khoảnh khắc này, ông nói: “Trực diện với
vực thẳm của lịch sử Đức và dưới sức nặng
của hàng triệu người đã bị sát hại, tôi đã
làm điều mà con người làm khi ngôn ngữ
tê liệt” (Nguyễn Hoàng Linh, 2015). Hành
động đột ngột không hề có trong kịch bản
đã làm bất ngờ tất cả những người chứng
kiến và được cả thế giới nhắc đến. Đó được
xem là hành động công khai thể hiện sự
sám hối, là một lời xin lỗi chính thức và
mong muốn của người Đức được hòa giải
với Ba Lan.
NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
91
Người Đức từ chỗ không thoải mái khi
nói về quá khứ đã dần dần quen với việc
thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm, như là sự giải
thoát tâm lý cho chính bản thân. Quá trình
đối diện với quá khứ được tiếp diễn khi
kênh truyền hình NBC của Mỹ phát hành
trên phạm vi toàn thế giới bộ phim dài 4
tập về thảm sát Holocaust vào năm 1978.
Hiệu ứng truyền thông đã tạo thêm áp lực
bên ngoài để tất cả các thế hệ người Đức
cũng như cả nước Đức buộc phải đối diện
với quá khứ.
Một trong những trí thức chấp nhận
đối diện quá khứ đã từng tham gia đội quân
SS của phát xít là nhà văn Günter Grass.
Trong tự truyện “Bóc vỏ hành” xuất bản
năm 2006, ông công khai nói về thời gian
bản thân mình đã tham gia quân đội Đức
Quốc xã. Năm 18 tuổi, ông bị bắt làm tù
binh cho lính Mỹ, cũng là thời gian ông
chiêm nghiệm ra sự bại hoại của hệ tư
tưởng Đức Quốc xã do Hitler đề xướng và
làm thủ lĩnh. Trong tác phẩm “Cái trống
thiếc” được viết vào năm 1959 và đoạt giải
Nobel văn chương năm 1999, ông đã nhắc
lại đề tài tội lỗi, quá khứ và quên lãng. Ông
cho rằng “quên và kìm nén không phải là
giải pháp” (Wiebke, P., 2015). Ông là
người nổi tiếng chấp nhận tranh cãi, không
ngại đối mặt với những vấn đề nhạy cảm
trong xã hội.
Những lý do khách quan lẫn chủ quan
đã làm cho người Đức phải thay đổi nhận
thức. Họ thẳng thắn nhận lãnh trách nhiệm,
chấp nhận sự chỉ trích của thế giới, bởi vì
càng dồn nén, càng né tránh họ càng không
thể giải thoát chính mình khỏi những ám
ảnh của quá khứ. Chỉ có hồi tưởng mới
giúp họ sớm giải thoát.
và nỗ lực vượt qua quá khứ
Hồi tưởng không chỉ là bày tỏ sự sám
hối về lỗi lầm mà còn bằng những hành
động cụ thể như là nỗ lực vượt qua quá khứ
(Vergangenheitsbewältigung) - được người
Đức thực hiện triệt để, liên tục và sâu rộng
trong mọi hoạt động chính trị, văn hóa, xã
hội.
Trước tiên, mọi hành động có tính
khuếch trương dân tộc, đề cao nước Đức
đều bị loại bỏ. Người Đức không có thói
quen treo cờ tổ quốc vào những ngày lễ
hay trong những dịp ăn mừng chiến thắng.
Điều này cũng không được quy định trong
Luật Cơ bản. Ai treo cờ tổ quốc đều bị xem
là cổ súy cho tinh thần dân tộc và có mầm
mống của Đức Quốc xã và dĩ nhiên bị
người khác nhìn với ánh mắt không mấy
tôn trọng. Văn hóa hồi tưởng đã thấm vào
từng người dân để họ luôn nhắc nhở lẫn
nhau mỗi khi thấy có dấu hiệu của sự tự
tôn dân tộc.
Trong các sự kiện lớn, ngay cả tầm
quốc gia, người Đức cũng không giương
cờ hoặc biểu ngữ dày đặc. Trái lại, việc
trang trí được tối giản đến mức có thể, chỉ
đủ để biết nội dung của chương trình là gì.
Các chương trình cũng không được khai
mạc bằng một màn trình diễn văn nghệ
hoành tráng hay sôi động nhằm thể hiện
tình yêu quê hương đất nước hay tái hiện
quá trình phát triển của dân tộc, vì họ có
một giai đoạn lịch sử không hề đáng tự
hào. Những điều này có vẻ như không liên
quan đến văn hóa hồi tưởng, nhưng đó
chính là kết quả do văn hóa hồi tưởng
mang lại.
Ở Đức, hầu như không có những ngày
lễ hoặc ngày kỷ niệm của quốc gia được tổ
chức rầm rộ với cờ giăng, biểu ngữ, duyệt
binh hay tuần hành. Chỉ có ngày 03/10 là
ngày thống nhất Đức cũng chính là ngày
Quốc khánh và ngày tưởng niệm nạn nhân
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
92
của Đức Quốc xã 27/01 được tổ chức cấp
quốc gia; dù rất long trọng, song cách tổ
chức cũng rất khác. Trong các bài phát
biểu nhân ngày Quốc khánh, người Đức
thường không tự hào nhắc đến việc sát
nhập Đông Đức vào Tây Đức mà là dịp để
họ nhắc nhở về tầm quan trọng của vấn đề
hòa giải dân tộc, của sự phát triển cùng
nhau trong hòa bình cũng như nhắc nhở thế
hệ trẻ cần rút ra những bài học từ quá khứ
để giải quyết những vấn đề của hiện tại.
Riêng ngày 27/01 được Quốc hội tổ
chức với đầy đủ tất cả các thành viên, vì
nếu vắng mặt, họ sợ bị chỉ trích là thiếu
nhận thức về tội lỗi trước đây. Đại diện của
từng đảng trong Quốc hội lần lượt phát
biểu với nội dung “gợi lại và bày tỏ niềm
hối tiếc về thảm cảnh xảy ra cho người Do
Thái và những người khác” (Lever, P.,
2018, tr.150). Hoạt động này diễn ra hàng
năm cho thấy bản thân người Đức ý thức
vô cùng sâu sắc về những sai lầm trong quá
khứ của dân tộc mình. Ít có dân tộc nào
dám mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật lịch
sử và thể hiện sự sám hối tập thể như vậy.
Truyền thông Đức là một “trợ thủ” đắc
lực cho việc giám sát các hoạt động của cá
nhân, địa phương cũng như của quốc gia
thể hiện tinh thần dân tộc hoặc đề cao nước
Đức. Chỉ cần có một dấu hiệu như vậy,
truyền thông Đức có thể phân tích, mổ xẻ,
chỉ trích, bình luận hàng giờ, hàng ngày.
Họ khá nhạy cảm về những điều này và
cương quyết loại bỏ bằng mọi cách.
Nỗ lực vượt qua quá khứ thể hiện ở
các chương trình bồi thường cho những
nạn nhân của Đức Quốc xã. Bộ Tài chính
Liên bang có văn bản quy định mức độ đối
tượng, thời gian được nhận bồi thường
thông qua các Hiệp ước cũng như các Quỹ
hoạt động với các nước nơi có nạn nhân
của Thế chiến thứ hai (4). Các chương
trình kéo dài mấy thập kỷ với tổng số tiền
khá lớn cho thấy trách nhiệm chuộc lỗi
thuộc về quốc gia chứ không phải và không
chỉ của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Dĩ
nhiên, những mất mát về tinh thần cũng
như nhân mạng không thể bù đắp bằng vật
chất cho tương xứng; tuy nhiên, quá trình
đền bù và hỗ trợ kéo dài hơn nửa thế kỷ
cho thấy sự kiên trì và bền bỉ của người
Đức trong nỗ lực giải quyết những hậu quả
của lịch sử để lại.
Văn hóa hồi tưởng thể hiện rõ nhất ở
việc xây dựng Khu tưởng niệm Holocaust
ngay tại trung tâm thủ đô Berlin vào năm
2005. Vị trí khu tưởng niệm rộng gần
1900m² có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì
sự hiện hữu của nó làm cho chính quyền
cũng như người dân Đức phải hồi tưởng
hàng ngày, hàng giờ. Không những thế,
hơn 5 triệu khách trên khắp thế giới đến
thăm Khu tưởng niệm hàng năm làm cho
sự hồi tưởng liên tục lan tỏa để bản thân
mỗi người tự nhận thức và tự điều chỉnh
hành vi của mình. Một khu tưởng niệm
thay cho ngàn lời nói.
Năm 2017, trong một bài phát biểu tại
chương trình thanh niên ở Dresden, chủ
tịch Đảng AfD (5) của bang Thüringen
Björn Höcke đã phát biểu rằng: “Đức là
dân tộc duy nhất trên thế giới xây tượng
đài nhục nhã ngay tại trung tâm thủ đô”
(được trích dẫn bởi Brandau, B., 2017).
Ngay lập tức, vị chính trị gia Đảng cực hữu
này bị chỉ trích nặng nề từ đại diện các
đảng phái khác, từ ngay trong chính đảng
của mình cũng như dư luận đến nỗi ông
phải lên tiếng xin lỗi vì đã “gây ra hiểu
lầm”. Điều đó cho thấy văn hóa hồi tưởng
như được dành cho một mảnh đất riêng bất
khả xâm phạm, một góc riêng trong tâm
NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
93
hồn của đại bộ phận người Đức.
Ngày 27/01/1996, cố Tổng thống Liên
bang - Roman Herzog, đã kêu gọi toàn thể
nhân dân Đức phải luôn tưởng nhớ đến
những nạn nhân Holocaust: “Việc tưởng
nhớ không được phép chấm dứt. Việc
tưởng nhớ này cũng nhằm nhắc nhở các
thế thệ tương lai để cảnh tỉnh họ” (6) và
tuyên bố ngày 27/01 hàng năm là Ngày
tưởng nhớ các nạn nhân của Đức Quốc xã.
Năm 2005, Liên Hiệp quốc và Quốc hội
Châu Âu quyết định chọn ngày này làm
Ngày tưởng nhớ Holocaust trên toàn thế
giới với mong muốn liên tục nhắc nhở tất
cả các quốc gia trên toàn thế giới tiếp tục
phát triển những chương trình giáo dục để
mọi thế hệ đều nhớ đến thảm cảnh
Auschwitz và có biện pháp ngăn ngừa
những mầm mống tương tự.
Không chỉ ở Berlin mà cả 16 bang của
Đức đều có các khu tưởng niệm, bảo tàng
cũng như trung tâm thông tin về các vụ
thảm sát tại các trại tập trung. Cả nước có
một Hiệp hội các khu tưởng niệm nạn nhân
của Đức Quốc xã trên toàn liên bang, đặt
trụ sở tại bang Nordrhein-Westfalen với
nhiều chương trình đặc biệt dành cho
khách tham quan cũng như tổ chức cho học
sinh các trường phổ thông gặp gỡ những
nhân chứng lịch sử. Những hoạt động như
vậy thể hiện đúng tinh thần mà cố tổng
thống mong muốn.
Tất cả những nỗ lực của người Đức để
vượt qua quá khứ thể hiện rõ chức năng
điều chỉnh của văn hóa hồi tưởng. Nhờ văn
hóa hồi tưởng, người Đức đã thay đổi, điều
chỉnh hành vi để không mắc phải sai lầm
và đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho chính
mình và những người xung quanh.
Văn hóa hồi tưởng không chỉ thể hiện
qua những hành động hiện tại mà còn ở
bước chuẩn bị và nhắc nhở cho tương lai.
Holocaust và những tội lỗi mà Đức quốc xã
gây ra là nội dung được đưa vào giảng dạy
trong các trường phổ thông. Những nội
dung này không chỉ được học trong giờ
Lịch sử, mà được lồng ghép trong giờ học
Ngữ văn, Đạo đức và Tôn giáo. Đây chính
là chức năng giáo dục của văn hóa hồi
tưởng, mục đích là để thế hệ trẻ biết về quá
khứ của đất nước mình, biết cách cả đất
nước nhìn thẳng vào sự thật lịch sử đề từ
đó mỗi cá nhân tự cảm nhận, tự đánh giá
và rút ra những bài học từ quá khứ. Bằng
cách gián tiếp thông qua quan sát những
hành động, nỗ lực của nhiều thế hệ người
Đức sám hối về lỗi lầm, cách họ sửa sai
cũng như bằng cách trực tiếp đọc, học, tìm
hiểu, thế hệ trẻ sẽ điều chỉnh bản thân để
hình thành những nhân cách tốt. Nhờ chức
năng này, chúng sẽ học cách nhìn thẳng
vào sự thật, dù sự thật không tốt đẹp, biết
tôn trọng và không làm hại người khác.
3. Kết luận
Bằng rất nhiều nỗ lực và bằng sự kiên
trì, triệt để, người Đức và nước Đức đã
thành công trong quá trình vượt qua quá
khứ của dân tộc mình. Họ đã hình thành
văn hóa hồi tưởng, không hình thức, không
nhất thời, mà thực chất, sâu sắc và bền bỉ,
lâu dài. Không phải chỉ một cá nhân, một
tập thể, mà tất cả các thành phần trong xã
hội đến chính trị gia và cơ quan quyền lực
cao nhất của đất nước đều hồi tưởng, đều
thể hiện sự sám hối. Họ đã được thế giới
nhìn nhận và trân trọng.
Văn hóa hồi tưởng của họ luôn gắn với
một ý thức sâu sắc trách nhiệm với những
hành động trong hiện tại cùng với quyết
tâm ngăn cản những hành vi có thể để lại
hệ lụy cho các dân tộc khác và tuyệt đối
không khoan nhượng với những tội ác đã
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
94
gây ra. Chính văn hóa hồi tưởng thấm sâu
vào nhận thức làm họ thay đổi cách ứng
xử, không cầu kỳ, không trọng hình thức,
không phô trương, thẳng thắn; trong giao
tiếp họ trở nên dè dặt, cẩn thận và phản
biện nhiều hơn.
Tình hình chính trị nước Đức trong
những năm gần đây tiếp tục dấy nên nỗi lo
vì việc hình thành các nhóm cực hữu có tư
tưởng tự tôn dân tộc và bài xích người
nước ngoài. Vì lẽ đó, sự sám hối và tưởng
nhớ những nạn nhân của cuộc chiến đã rời
xa hơn 70 năm càng có ý nghĩa hơn bao
giờ hết và chưa bao giờ là đủ. Điều này cho
thấy rằng, đại bộ phận người Đức với ý
thức trách nhiệm của mình sẽ thành công
trong việc triệt để bài trừ những mầm
mống phát xít mới.
Chú thích
1. Holocaust trong tiếng Hy Lạp là holokáutoma, holo nghĩa là “hoàn toàn” và kausis nghĩa
là “thiêu, đốt”.
2. Nguyên bản tiếng Đức: “Erinnerungskultur ist als einen formalen Oberbegriff für alle
denkbaren Formen der bewussten Erinnerung an historische Ereignisse,
Persönlichkeiten und Prozesse zu verstehen”.
3. Nguyên bản tiếng Đức: “Das Dritte Reich bringt sich um, doch die Leiche heißt
Deutschland”.
4. Từ năm 1952 đến 2007, Tây Đức, sau này là nước Đức đã chi hơn 15 tỉ Mark cho các
nước Israel, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Ukraina và Liên Xô và cho người dân các nước này
là nạn nhân của Đức quốc Xã. Truy xuất từ https://www.bundesfinanzministerium.de/
Content/DE/Downloads/Broschueren_Bestellservice/2018-03-05-entschaedigung-ns-
unrecht.pdf?__blob=publicationFile&v=11
5. AfD là từ viết tắt của Đảng Một giải pháp cho nước Đức (Alternative für Deutschland)
6. Nguyên văn tiếng Đức: “Die Erinnerung darf nicht enden; sie muss auch die die
künftigen Generationen zur Wachsamkeit mahnen”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Glaser, H. (1997). Deutsche Kultur 1945-2000. München Wien: Carl Hanser.
Lever, P. (2018). Cách của người Đức (Berlin Rules) (Thanh Yên dịch). Tp.HCM: Tổng hợp.
Tenbrock, R.-H. (1972). Lịch sử Đức quốc (Trần Đổng dịch từ nguyên tác Đức ngữ).
Sài Gòn: Tủ sách Kim Văn.
Trần Ngọc Thêm. (2013): Những vấn đề văn hóa học lý luận và ứng dụng. Tp.HCM: Văn
hóa – Văn nghệ.
Wagner, W.J. (2001). Bildatlas der deutschen Geschichte. Gütersloh/München: Chronik
Adenauer K. (1951). 27. September 1951: Regierungserklärung des Bundeskanzlers in der
165. Sitzung des Deutschen Bundestages zur Haltung der Bundesrepublik
Deutschland gegenüber den Juden. Truy xuất từ https://www.konrad-
adenauer.de/dokumente/erklaerungen/1951-09-27-regierungserklaerung
NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
95
Brandau, B. (2017). Rede von Björn Höcke - Provokation, Berichtserstattung und Dementi.
Truy xuất từ https://www.deutschlandfunk.de/rede-von-bjoern-hoecke-provokation-
berichterstattung-und.1783.de.html?dram:article_id=376707
Bulletin. (03.96). 27. Januar – Tag des Gedenkens für die Opfer des Nationalsozialismus –
Proklamation des Bundespräsidenten. Truy xuất từ https://www.bundesregierung.de
/breg-de/service/bulletin/27-januar-tag-des-gedenkens-fuer-die-opfer-des-
nationalsozialismus-proklamation-des-bundespraesidenten-805822
Đặng Hoàng Xa (2016): Nguồn gốc của thảm sát Holocaust. Truy xuất từ
holocaust/2016
Dpa (2015). Hintergrund: Der Zweite Weltkrieg – Zahlen und Fakten. Truy xuất từ
https://www.zeit.de/news/2015-05/08/geschichte-hintergrund-der-zweite-weltkrieg-
in-zahlen-und-fakten-08065612
Entschädigung von NS-Unrecht. (n.d.). Truy xuất từ
https://www.bundesfinanzministerium.de/Content/DE/Downloads/Broschueren_Bestel
lservice/2018-03-05-entschaedigung-ns-unrecht.pdf?__blob=publicationFile&v=11
Kellerhoff, S. F. (2017). Die mörderischen Zahlen in Auschwitz. Truy xuất từ
https://www.welt.de/geschichte/article161548437/Die-moerderischen-Zahlen-von-
Auschwitz.html
Lbp. (1945). Die Nürnberger Prozesse. Truy xuất từ https://www.lpb-bw.de/nuernberger
_prozesse.html
Nguyễn Hoàng Linh. (2015). Cú quỳ gối nâng tầm nước Đức. Truy xuất từ
4876.html
Wiebke, P. (2015). Günter Grass. Truy xuất từ https://www.geo.de/geolino/mensch/1066-
rtkl-weltveraenderer-guenter-grass
Ngày nhận bài: 25/3/2019 Biên tập xong: 15/4/2019 Duyệt đăng: 20/4/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 41_8141_2214946.pdf