Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê Đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động của quan niệm “Vạn vật hữu linh”

Tài liệu Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê Đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động của quan niệm “Vạn vật hữu linh”: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00035 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 64-71 This paper is available online at VĂN HÓA ĐỊA DANH VÀ NHÂN DANH CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ Ở TÂY NGUYÊN DƯỚI SỰ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN NIỆM “VẠN VẬT HỮU LINH” Đặng Minh Tâm Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Dak Lăk Tóm tắt. Êđê là tên gọi của một cộng đồng tộc người hiện đang sinh sống khá tập trung ở một số địa bàn của tỉnh Dak Lăk và rải rác một số địa bàn lân cận thuộc tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hoà. Người Êđê theo tín ngưỡng đa thần “Vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có linh hồn). Theo họ, mọi hiện tượng tự nhiên, đất đai, sông núi, cỏ cây và các đồ vật do con người tạo ra đều có yang (thần) cùng với quan niệm về điềm mộng, kiêng kị làm nên một phong cách tư duy riêng của con người ở đây, đó là tư duy hiện thực huyền ảo. Từ những lí do trên các đối tượng địa lí trong tâm thức người Êđê đều trở nên linh thiêng và được tôn kính tuyệt đối. Và cũng vì lí do trên nên khi đặt tên ...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 383 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê Đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động của quan niệm “Vạn vật hữu linh”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00035 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 64-71 This paper is available online at VĂN HÓA ĐỊA DANH VÀ NHÂN DANH CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ Ở TÂY NGUYÊN DƯỚI SỰ TÁC ĐỘNG CỦA QUAN NIỆM “VẠN VẬT HỮU LINH” Đặng Minh Tâm Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Dak Lăk Tóm tắt. Êđê là tên gọi của một cộng đồng tộc người hiện đang sinh sống khá tập trung ở một số địa bàn của tỉnh Dak Lăk và rải rác một số địa bàn lân cận thuộc tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hoà. Người Êđê theo tín ngưỡng đa thần “Vạn vật hữu linh” (mọi vật đều có linh hồn). Theo họ, mọi hiện tượng tự nhiên, đất đai, sông núi, cỏ cây và các đồ vật do con người tạo ra đều có yang (thần) cùng với quan niệm về điềm mộng, kiêng kị làm nên một phong cách tư duy riêng của con người ở đây, đó là tư duy hiện thực huyền ảo. Từ những lí do trên các đối tượng địa lí trong tâm thức người Êđê đều trở nên linh thiêng và được tôn kính tuyệt đối. Và cũng vì lí do trên nên khi đặt tên người, cư dân tộc người này đã cố gắng tránh phạm đến thần linh bằng cách tạo nên “tính võ đoán” trong cách gọi tên. Điều này dẫn đến tình trạng tên riêng người Êđê ít khả năng mang ý nghĩa phản ánh hiện thực như địa danh. Từ khóa: Tập quán, địa danh, nhân danh, Êđê. 1. Mở đầu Những năm đầu thế kỉ XX, Sabatier - viên công sứ Pháp tại Tây Nguyên đã sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian Êđê với việc sưu tập, dịch và công bố bộ sử thi Đăm Săn nổi tiếng (in lần đầu ở Paris, năm 1927, lần sau ở Hà Nội, năm 1933). Ông cũng là người mở đầu việc sưu tầm, dịch và công bố luật tục của người Êđê,... Tiếp đến là hai nhà giáo Y Ut Niê, Y Jut Hwing đã tham gia biên soạn chữ viết cho tộc người này. Một số tác giả đã có nhiều năm và nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên nói chung và văn hóa Êđê nói riêng. Tác giả Nguyễn Hữu Thấu [6] đã khá công phu trong việc sưu tầm nghiên cứu Sử thi Tây Nguyên từ khá sớm. Ông cùng Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn [7] sưu tầm, nghiên cứu Luật tục Êđê một cách khá công phu. Đặc biệt, Ngô Đức Thịnh [8] với tác phẩm Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên đã nghiên cứu một cách khá toàn diện về văn hóa khu vực này với ba mảng lớn, đó là phác họa tổng thể văn hóa Tây Nguyên; về luật tục và quản lí cộng đồng; về sử thi Tây Nguyên. Tác giả Thu Nhung Mlô Duôn Du, một người phụ nữ, người con của dân tộc này đã có nhiều năm tìm hiểu về Vai trò của người phụ nữ Êđê trong xã hội truyền thống (xã hội Êđê với chế độ mẫu hệ và mẫu quyền điển hình ở Tây Nguyên). Tác giả Trần Văn Dũng [2] là người có nhiều công trình và nghiên cứu một cách khá đầy đủ về văn hóa địa danh ở Dak Lăk. Ngoài ra, một số các tác giả khác đã có những nghiên cứu về nhiều khía Ngày nhận bài: 15/1/2015 Ngày nhận đăng: 9/5/2015 Liên hệ: Đặng Minh Tâm, e-mail: tamypaobmt@gmail.com 64 Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động... cạnh khác của văn hóa Tây Nguyên và cụ thể về văn hóa Êđê như: Khổng Diễn, Bế Viết Đẳng, Vũ Đình Lợi, Vũ Thị Hồng, Chu Thái Sơn [3],... Tuy vậy, vấn đề nghiên cứu văn hóa nhân danh của các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung và Êđê nói riêng thì cho đến nay vẫn chưa có công trình nào đề cập. Đi vào tìm hiểu cách đặt tên người và các đối tượng địa lí của tộc người Êđê, có một vấn đề đặt ra khá lí thú là tại sao địa danh nơi tộc người này cư trú và nhân danh của họ hầu như không có mối liên hệ gì với nhau cả, thậm chí trái ngược nhau. Có chăng, một nhân tố nào đã tác động đến tâm lí hay tập quán định danh của tộc người này? Và đây là lí do mà bài viết hướng đến. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Vài nét về tộc người Êđê với quan niệm vạn vật hữu linh Người Êđê (Rađê, Rhadê, Anăk Êđê, Đê, Êđê Êgar, Mọi, Thượng, Rơđê,. . . ) là tên gọi của một cộng đồng tộc người hiện đang sinh sống khá tập trung ở một số địa bàn như Krông Păc, Krông Ana, Krông Bông, Krông Buk, M’Drăk. . . của tỉnh Dak Lăk và rải rác một số địa bàn lân cận thuộc tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hoà. Êđê hay Rađê (còn có nghĩa là người sống dưới luỹ tre), là một dân tộc có 409.141 người (theo thống kê dân số 01/4/1999). Tộc người Êđê được phân thành các nhóm dựa trên cơ sở những nét khác biệt về thổ âm và địa bàn cư trú [7;20], như Kpă, Adham, Mdhur, Blô, Bih, K’rung, Êpan, Hwing, Dong Hay, Dong Măk, Dliê, Arul, Kdrao,. . . Tuy vậy, Êđê lại có khuynh hướng ngày càng thống nhất hơn về ý thức tộc người, về văn hoá và ngôn ngữ [7;7]. Chính khuynh hướng đó mà hiện nay một số nhóm địa phương ít được nhắc đến. Trong các nhóm nêu trên, nhóm Êđê Kpă được coi là Êđê chính dòng (trong tiếng Êđê, Kpă có nghĩa là thẳng, chính). Địa bàn cư trú của nhóm Kpă chủ yếu ở khu vực Buôn Ma Thuột và một phần của Buôn Hồ, Krông Buk ngày nay. Người Êđê nói ngôn ngữ Nam Đảo, cùng dòng và gần gũi với ngôn ngữ các tộc người như Jrai, Churu, Raglai, Chăm, mang đặc trưng nhân chủng thuộc loại hình Indonediên. Về tổ chức xã hội, xã hội Êđê là xã hội mẫu hệ và mẫu quyền điển hình nhất ở Tây Nguyên. Mọi quy tắc ứng xử trong cộng đồng xã hội, trong gia đình đều tuân theo một hệ thống luật tục (phat kđy) lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đứng đầu gia đình là các khua sang (chủ nhà). Đó là người đàn bà cao tuổi nhất, có uy tín nhất lãnh nhiệm vụ trông coi tài sản, điều hành sản xuất, gắn bó quan hệ giữa mọi thành viên trong gia đình [7;19]. Chồng của người đàn bà chủ nhà có quyền được thay mặt vợ giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ ngoài xã hội, nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về khua sang. Về ngôn ngữ, tiếng nói của người Êđê thuộc dòng ngôn ngữ Malayo - Polynesia (ngữ hệ Nam Đảo). Tiếng Êđê là một ngôn ngữ có quan hệ gần gũi với tiếng Jrai, Chăm, Raglai, Churu, Malaysia, Indonêsia, Philippin. . . Ngôn ngữ Êđê là ngôn ngữ đơn lập, phát triển theo xu hướng đơn âm tiết. Đây là kết quả của sự ảnh hưởng ngôn ngữ dòng Môn - Khmer. Chữ viết của người Êđê có từ những thập niên đầu của thế kỉ XX là loại chữ được xây dựng theo bảng chữ cái La tinh. Về văn hóa, tín ngưỡng, Êđê là một trong những tộc người bản địa ở Dak Lăk, có nền văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc. Người Êđê có kho tàng văn học truyền miệng phong phú: thần thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, đặc biệt là các trường ca, sử thi nổi tiếng với khan Dăm Săn, khan Dăm Kteh M’lan... [6;7]. Người Êđê yêu ca hát, thích tấu nhạc và thường rất có năng khiếu về lĩnh vực này. Cồng chiêng, sáo, gôc, kni, đinh năm, đinh tuôc là các loại nhạc cụ phổ biến của người Êđê và được nhiều người yêu thích. Người Êđê thường có câu: Thiếu tiếng chiêng, tiếng kưk, tiếng Khan/ Như cuộc sống thiếu muối, thiếu cơm. . . 65 Đặng Minh Tâm Đó là bức tranh vô cùng sinh động về sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của người Êđê. Đặc biệt, đồng bào Êđê có một nền văn hóa dân gian vô cùng phong phú, giàu bản sắc dân tộc. Về tín ngưỡng, người Êđê theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh” - mọi vật đều có linh hồn nên trong sinh hoạt chung của buôn làng Êđê, các hoạt động tín ngưỡng, lễ nghi chiếm vai trò hết sức quan trọng. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc ở đây, mọi hiện tượng tự nhiên, đất đai, sông núi, cỏ cây và các đồ vật do con người tạo ra đều có yang - thần (thần núi - yang cư; thần sông - yang krông; thần nước - yang ea, thần chiêng-yang cing,. . . ). Và như vậy, thế giới tự nhiên đều có linh hồn, thần linh, tạo nên một thế giới huyền ảo bao quanh con người, cùng với quan niệm về “điềm mộng”, “kiêng kị” tạo nên một phong cách tư duy riêng của con người ở đây, đó là tư duy “hiện thực huyền ảo”. Quan niệm về yang phản ánh một thực tế rằng, trong tư duy của con người bản địa, không có một cái gì trong thế giới tự nhiên này là vô tri, vô giác. Thiên nhiên hùng vĩ làm cho con người trở nên nhỏ bé. Con người cảm thấy choáng ngợp trước sức mạnh của tự nhiên, và quan điểm đa thần, quan niệm “vạn vật hữu linh”xuất hiện trên cơ sở tâm lí đó. Những tập quán, thói quen, những nét văn hóa đặc thù của dân tộc trong một môi trường khép kín kéo dài hàng trăm, hàng nghìn năm đã tạo nên bản sắc văn hóa đậm nét của tộc người này. Quan điểm “đa thần” và quan niệm “vạn vật hữu linh” đã chi phối tất cả mọi phương diện của đời sống xã hội, nhưng trước hết, và trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn làm rõ vấn đề, quan điểm đó đã tác động và chi phối như thế nào đến việc đặt tên người và tên gọi các đối tượng địa lí. 2.2. Tác động của quan niệm vạn vật hữu linh với việc định danh của người Êđê 2.2.1. Về việc đặt tên các đối tượng địa lí (địa danh) Với các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung, tộc người Êđê nói riêng, thế giới vạn vật luôn gần gũi. Con người và môi trường tự nhiên xung quanh hoàn toàn có thể cảm nhận được nhau và đối thoại một cách bình đẳng. Các con sông, ngọn núi, cây cỏ,. . . xung quanh luôn là hiện thân của các vị thần. Vì vậy, các địa danh của người bản địa cơ bản đều mang tính “có lí do”, nghĩa là đều mang ý nghĩa phản ánh hiện thực, một giá trị văn hóa linh thiêng luôn bên cạnh con người [2;122]. Hàng loạt địa danh ở Dak Lăk, nơi tộc người Êđê cư trú tập trung đã nói lên điều đó (xã Dliê Yang (huyện Ea H’Leo); xã Yang Mao, buôn Yang Reh, buôn Yang Kang, núi Yang Gưh, núi Cư Yang Sin (huyện Krông Bông); buôn Yang Trum (huyện Krông Nô); xã Yang Tao, buôn Yang La, rừng Yang Sing, núi Cư Yang Lăk, Cư Yang Pel, Cư Yang Rak, Cư Yang Siêng (huyện Lăk),... Ngoài việc trực tiếp gọi tên các vị thần linh, những địa danh khác có thể được gọi theo đặc điểm địa hình, các sản phẩm đặc trưng và các lí do khác (Cư Jut - núi trúc, Cư M’gar - núi ngược (núi không có cây - núi trọc), Krông Buk - dòng sông như mái tóc dài của người con gái, Cư Kbao - núi có nhiều trâu, Cuôr Knia - vùng trảng có nhiều cây kơ nia, Cư Drang - núi có nhiều chim phượng hoàng, Cư Kuênh - núi có nhiều vượn, Êa Ktuôr - suối có nhiều ốc, Dray Săp - thác khói (thác có nước đổ xuống làm cả vùng mịt mù như sương khói),. . . Nhiều địa danh lại được người Êđê định danh dựa vào chức năng của nó trong mối quan hệ với các địa danh khác lân cận (Krông Ana - sông cái (hoặc sông mẹ), Krông Knô - sông đực (hoặc sông cha), buôn Ko Siêr, buôn Ko Thung - buôn ở vị trí đầu nguồn,. . . Như vậy, hầu hết các địa danh được người Êđê định danh theo ngôn ngữ bản địa đều dựa vào những đặc điểm về đối tượng địa lí (hình dáng, đặc điểm sinh học, địa hình,. . . ). Khảo sát trên 500 địa danh bằng ngôn ngữ Êđê qua bảng thống kê tại phụ lục của tác giả [2;204-272] bao gồm các địa danh thuộc các đối tượng địa lí tự nhiên và các đối tượng địa lí nơi cư trú thì hầu hết tên gọi của các đối tượng này đều “có lí do”, nghĩa là đều mang ý nghĩa phản 66 Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động... ánh hiện thực và đều mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người [2;124]. Nói cách khác, các đối tượng này, đặc biệt là các đối tượng địa lí tự nhiên đều mang dấu ấn thần linh (ngoại trừ một số ít do dấu ấn để lại trên địa danh và trên cụ thể đối tượng rất mờ nhạt nên khó xác định). Các địa danh thuộc các đối tượng địa lí nơi cư trú đặt bằng ngôn ngữ bản địa là các loại địa danh đã được định hình sớm và tương đối sớm, và là cơ sở để phát triển các địa danh khác bằng phương thức chuyển hóa. Sinh ra, lớn lên giữa đại ngàn, khi từ giã cõi đời cũng nằm lại giữa bao la rừng núi nên trong quan niệm về thần linh của người Tây Nguyên nói chung, người Êđê nói riêng thì con người sinh ra từ cây, vì vậy khi chết đi họ cũng nhập và hồn vào bên trong thân cây xác (quan tài chôn người chết bằng thân cây đục lỗ). Đây là một quan niệm về thế giới, mà trong đó các yếu tố hiện ra dưới những hình thức khác nhau nhưng cùng chia sẻ một tồn tại chung. Thậm chí, họ còn cho rằng, không chỉ con người được sinh ra từ cây, mà ngay các vị thần linh cũng thế. Vì vậy, trước khi đốn cây, họ thường có những nghi thức rất trang trọng để xin phép thần linh của cây đó. “Hỡi yang của cây! Ta biết từ xa xưa lắm rồi mày đã từng nảy mầm và mọc lên ngày một cao to, xanh tốt. Bây giờ thân thể lực lưỡng của mày đã vươn lên tới trời xanh, cành lá của mày đã dang rộng che cả một cánh rừng, rễ của mày đã cắm sâu tới lòng đất. Trên nền trời xanh mỗi khi gió thổi về, làm rung các cành lá, phát ra tiếng vang như gió bão!... Nhưng hỡi yang của cây, mày có hiểu buôn ta từ lâu nay chưa mở được lễ cúng thần, chưa cầu mong được thần mang lúa gạo về ăn, chưa có rượu để uống, dân làng chưa khoẻ mạnh vì chưa có kpan để đánh chiêng mời thần linh về phù trợ. . . Nay buôn làng ta đành phải xin phép yang của cây cho ngã cây xuống để làm ghế kpan, xin yang tha tội” [8;37]. Như vậy, đối với địa danh hay với bất kì một danh xưng nào khác, khi đặt tên cho một đối tượng nào đó thì chủ thể đặt tên đều có một mục đích rõ ràng. Tính mục đích đó có thể xuất phát từ nhiều nhân tố như văn hoá, tâm lí, tín ngưỡng, tính tiện lợi,. . . Vì vậy, cho dù là những yếu tố đó là ký hiệu hay mật danh; là “gửi gắm” hay “quy ước”thì địa danh của người Êđê ra đời cũng đều mang tính “có lí do” [2;137]. 2.2.2. Về việc đặt tên người (nhân danh) Địa danh hay nhân danh đều là sản phẩm, là kết qủa nghiên cứu của bộ môn danh học, thuộc lĩnh vực từ vựng học. Chúng đều có nhiệm vụ nghiên cứu về định danh cho các đối tượng. Vấn đề tưởng chừng đã rõ, là quá đơn giản bởi mục tiêu đã quá rõ ràng (tìm hiểu phương thức đặt tên; cấu trúc tên gọi; vai trò, ý nghĩa của chúng,..). Tuy nhiên, đi vào cụ thể, bước đầu có thể thấy, với các chủ thể khác nhau có thể sẽ hướng đến các mục tiêu khác nhau trong cùng một lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng. Khác với địa danh, nhân danh của người Êđê lại hầu như mang “tính võ đoán”, nghĩa là không mang nội dung phản ánh hiện thực thông qua tên gọi như địa danh. Nói cách khác, giữa chúng không có mối liên hệ gì. Chúng ta đều biết, âm và nghĩa là hai mặt của tất cả các đơn vị ngôn ngữ. Hai mặt cấu thành này làm nên tính đặc trưng cho ngôn ngữ trong sự so sánh nó với các sự vật, hiện tượng khác tồn tại khách quan. Âm và nghĩa kết hợp với nhau tạo thành một đơn vị ngôn ngữ, nhưng đây là một sự kết hợp hết sức đặc thù: một sự liên kết không tuân theo một quy luật thông thường nào cả. Tình trạng đó thể hiện qua tính không quy định và ràng buộc lẫn nhau giữa hai mặt cấu thành. Hình ảnh âm thanh được gọi là cái biểu hiện, ý nghĩa được gọi là cái được biểu hiện, giữa chúng không có sự tương ứng 1-1. Một cái biểu hiện có thể ứng với nhiều cái được biểu hiện khác nhau và ngược lại. Tình trạng này làm nảy sinh hiện tượng đồng âm và đồng nghĩa trong từ vựng học. Chính thuộc 67 Đặng Minh Tâm tính này của ngôn ngữ đã tạo cho nó khả năng đặt tên rất lớn. Tuy nhiên tính quy định đã hạn chế, hạn định khả năng này của nó một cách tự nhiên trong khả năng kiểm soát được của nhận thức con người về số lượng yếu tố của hệ thống. Tính độc lập và không quy ước lẫn nhau giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt được F. de Saussure gọi là tính võ đoán của ngôn ngữ [5;119]. Hai mặt âm và nghĩa tồn tại võ đoán với nhau thể hiện qua tính bất biến và tính khả biến của tín hiệu ngôn ngữ. Tính bất biến thể hiện ở chỗ, khi đã được xác lập, một đơn vị ngôn ngữ nào đó khó có thể thay đổi được theo ý muốn cá nhân. Tuy nhiên khi thể hiện tính liên tục trong thời gian thì chúng có thể biến đổi. Đây chính là tính khả biến của tín hiệu ngôn ngữ. Từ những ý kiến về nguyên lí tính võ đoán của ngôn ngữ mà F. de Saussure đưa ra cách đây một thế kỉ, ta có thể thấy rằng nhân danh hay bất kì một danh xưng nào khác, mối quan hệ giữa hình thức (âm thanh) và ý nghĩa về cơ bản đều không mang “tính có lí do”. Về tính võ đoán của nhân danh người Êđê ở Tây Nguyên, chúng tôi đề cập đến vấn đề: lí do đặt tên và ý nghĩa của tên gọi. Như đã nói ở trên, đối với nhân danh hay với bất kì một danh xưng nào khác, khi đặt tên cho một đối tượng nào đó thì chủ thể đặt tên đều có một mục đích rõ ràng. Trong tâm thức của người Việt, tên gọi không đơn thuần là một tín mã mà là một bộ phận hình thức luôn gắn bó hữu cơ đối với chủ thể - tức người mang nó. Tục ngữ Việt Nam từ xưa đã có câu: xem mặt, đặt tên. Bởi vậy, trước khi đặt tên, người ta chọn lựa kỹ càng trên cơ sở dựa vào đặc điểm: giới tính, hoàn cảnh gia đình, xã hội, dòng tộc, quê hương, tâm lí, ước vọng của cha mẹ,... Tính lựa chọn còn được thể hiện ở sự khác nhau giữa các tầng lớp trong xã hội (vua, chúa, quan lại, nho sĩ, trí thức, bình dân, tu sĩ,...); trong việc đặt tên cho các nhân vật nghệ thuật,... (nhân vật chính diện, phản diện, nhân vật tâm lí, nhân vật tư tưởng, nhân vật hài,...). Tính lựa chọn được thể hiện trong cả việc đặt tên chính và tên đệm, thậm chí trong một số trường hợp vì một nguyên nhân nào đó có thể được thể hiện trong cả tên họ; trong tên chính thức và các tên khác như tên hiệu, tên thụy,... Một số dân tộc ít người khác như Khơ mú lại có tên dòng họ vốn là tên gọi các loại thú rừng, chim chóc, cây cỏ,... (Rvai - hổ, Tmoong Hol - cầy, Tmoong Rung - cáo, Tiasc - hươu, Mar - rắn, Tvạ Ngăm - rau dớn, Tvạ Voor - dương xỉ,...) [4;33]. Tuy vậy, một bộ phận người dân nông thôn trước đây, đặc biệt là nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, với những gia đình khó và hiếm con cái, họ đặc biệt chú ý đến vấn đề “kiêng kị”. Vì vậy, khi đẻ ra, để dễ nuôi, họ thường đặt cho con cháu mình một cái tên thật xấu với mục đích để các thế lực siêu nhiên cực đoan không thèm để ý đến, nhằm tránh được sự hãm hại của ma quỷ. Một bộ phận khác bên cạnh tên chính (tên khai sinh) lại đặt thêm một tên gọi mang yếu tố tôn giáo, cùng với việc làm các nghi lễ “gửi” vào chùa, vào đền nhằm nhờ cậy, “ủy thác”cho thần phật bảo vệ, đến lúc trưởng thành mới “làm thủ tục xin về”. Với người Êđê, ý thức này càng thể hiện rõ rệt. Cũng cùng mục đích để bảo vệ con người, đồng thời để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh, người Êđê có dụng ý tránh việc đặt tên người trùng với tên gọi các đối tượng tự nhiên, nghĩa là không muốn hay nói đúng hơn là không dám đụng chạm đến thần linh. Khi sự vật, hiện tượng xung quanh họ đều “hữu linh” thì con người không mang cùng tên gọi, vì sợ “phạm húy”, sợ sẽ làm ảnh hưởng đến sự uy nghiêm của các vị thần linh. Đăc biệt, nhân danh truyền thống của tộc người này hầu như không bao giờ trùng với tên gọi của các loài cây cỏ, hoa lá (nhất là những loại cây cổ thụ, cây gỗ quý, cây có vị trí đặc biệt trong tình cảm và tâm thức của cộng đồng), tên núi rừng, sông suối. Đây là hiện tượng khác hẳn với quan niệm truyền thống mang tư tưởng nho giáo của người Việt. Những tên gọi (tên chính thức, tên chữ, tên thụy) như La Sơn, Hoàng Sơn, Hoàng Lâm, Hoàng Liên, Hoàng Linh, Hồng Hà, Hoàng Hà, Hoàng Hải, Kim Tuyền, Tùng Lâm, Thanh Trúc,... luôn là những tên gọi (liên quan 68 Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động... đến các đối tượng tự nhiên) được người Việt định danh phổ biến từ xưa tới nay. Khảo sát trên 300 tên riêng của các nhóm Êđê được đặt theo cách truyền thống (qua tài liệu Lịch sử tỉnh Đảng bộ Dak Lăk do Tỉnh ủy Dak Lăk ấn hành năm 1994 và khảo sát tên riêng các sinh viên người dân tộc Êđê đã và đang học tại Trường Đại học Tây Nguyên), chúng tôi chưa tìm thấy sự trùng hợp nào (YBLôk Êban, YTlam Kbuôr, YLi Niê Kdam, YThing Ayun, YThơk HDơk, YBham Niê, YPen Niê, YTương Mlô, H’Lanh Mlô, H’Lơk Byă, YTrou Aleo, YCheng Niê, YJen Ktul, YJan Ayun, H’Ly Sa Kbuôr, H’Win Niê, YMôn Byã, YBel Niê, H’Bet Kbuôr, H’Win Niê, H’Ni Adrơng, YJăn Êban, H’Truin Mlô, YKôp Niê, YKa Niê, YMe Êban, YLa Dap Mlô, H’Phen Ayun, Y Chang Niê Siêng, Y Moan Ênuol...). Tuy nhiên, cũng qua quá trình khảo sát chúng tôi lại thấy, một bộ phận người Bih (hiện được coi là một nhóm của Êđê) chủ yếu cư trú tập trung ở huyện Krông Ana, tỉnh Dak Lăk có tên họ là Buôn Krông (YNuê Buôn Krông, Tuyết Nhung Buôn Krông, YHêli Buôn Krông, YTuấn Buôn Krông, H’Jeli Buôn Krông, H’Tlal Buôn Krông,...) trong lúc krông - tiếng Êđê có nghĩa là sông - tên đối tượng địa lí. Trường hợp này, chúng tôi trình bày nhận thức của mình như sau: Thứ nhất, trong ngôn ngữ của người Bih, sông được gọi là h’diêp chứ không gọi là krông; suối được gọi là blung mà không gọi là êa như các nhóm Êđê khác. Qua khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài khoa học tại Trường Đại học Tây Nguyên, So sánh một số từ cơ bản của nhóm Bih và nhóm Kpă ở huyện Krông Ana, tỉnh Dak Lăk do sinh viên YNiêm Kbuôr làm trưởng nhóm, có kết quả khác nhau trên 70% (tỉ lệ này còn cao hơn giữa Êđê và Jrai), trong khi đó họ Buôn Krông cũng chỉ có ở nhóm Bih mà thôi. Thực tế hiện nay, có một số người Bih lại đang mang hai tên họ khác nhau. Khi tiếp xúc với bà con ở buôn Trăp, họ đều đề cập đến cả hai họ: họ Êđê hiện dùng và họ Bih trước đây. Ví dụ: bà Aduôn Hni (ở buôn Trăp) theo chứng minh thư nhân dân do nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp là H’Săn ÊBan, nhưng bà cho biết họ Bih của bà là Hlong - H’Săn Hlong (dẫn theo Linh Nga Niê Kdam). Như vậy, tên dòng họ (djuê) của người Bih cũng có những nét đặc thù so với các nhóm Êđê khác. Cũng theo tác giả Linh Nga Niê Kdam và một số nhà nghiên cứu văn hóa tộc người ở Tây Nguyên, các họ H’Môk, Buôn Krông, Hdok, Knu, Hdruêl, Hlong. . . là họ gốc của người Bih (mà các họ này hầu như rất ít gặp ở các nhóm Ê đê khác). Thứ hai, trước năm 1945, nhiều nhà nghiên cứu người Pháp và Việt Nam cho rằng, Bih là một tộc người riêng. Một trong những tác giả có nhiều công trình về Tây Nguyên những năm đầu thế kỉ XX là Henri Meitre, “đã xếp người Bih thứ IV, tiếp theo người Radeh" và nhận xét “Cũng trên cao nguyên Darlac, có một dòng tộc hết sức đáng chú ý, nói phương ngữ Radé bị biến thái. Đó là bộ lạc Pih. Họ đặc biệt chiếm cứ toàn bộ vùng đầm lầy hạ lưu sông Ana và sông Knô. . . Hợp thành một dòng tộc lớn có mật độ dày đặc, cư trú quanh các đầm lầy mà họ biến thành đồng ruộng. Nếu, do phương ngữ của mình, họ thuộc nhóm Radé, thì do nhiều phong tục và chất lượng đồ trang sức sử dụng, họ lại thuộc nhóm Mnông, bọc lấy họ ở mặt Nam, Tây Nam, Bắc và Đông”(dẫn theo Linh Nga Niê Kdam, tại www.linhnganiekdam.vn - Đôi điều về người Bih (Êđê Bih?). Quan điểm trên dựa vào các yếu tố như: trang phục, nghề nghiệp, văn hóa cồng chiêng. Cụ thể là, người Bih có nghề làm đồ gốm, biết trồng lúa nước rất sớm và chọn nơi cư trú có điều kiện thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Trang phục của người Bih không giống các nhóm Êđê khác. Về âm nhạc, bộ ching (chiêng) Jhô của buôn Trăp (huyện Krông Ana) chỉ có sáu chiếc có núm, kích thước chiếc lớn nhất chỉ bằng chiêng nhỏ nhất của giàn chiêng Knah Êđê, không có chiêng bằng. Bộ chiêng Knah Êđê có 10 chiếc, gồm 3 chiêng núm và 7 chiêng bằng. Âm điệu, bài bản, âm lượng đều khác nhau. Đội chiêng của người Bih lại là do phụ nữ đảm trách (mà điều này thì không giống với các 69 Đặng Minh Tâm nhóm Êđê còn lại). Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, người đã có nhiều năm và nhiều công trình nghiên cứu về người Bih cũng có cách nhìn khá giống với quan điểm trên. Sau 1945, một số nhà nghiên cứu có quan điểm người Bih là một nhánh của Êđê. Họ cho rằng, tiếng nói của nhóm người này giống Ê đê Kpă khoảng 70%. Từ một số vấn đề trên đây, mặc dù chưa thể khẳng định người Bih có phải là một nhánh của Êđê hay không nhưng cũng có thể thấy, trường hợp trên đây là rất đặc biệt, hi hữu. Với quan điểm đa thần và quan niệm vạn vật hữu linh, việc tránh lấy tên các đối tượng địa lí tự nhiên để đặt tên riêng cho người trong xã hội Êđê truyền thống đã trở thành ý thức một cách triệt để, nhất quán. Những con sông, con suối, ngọn núi, đầm hồ, đường phố,... trùng với tên người chỉ xẩy ra trong trường hợp ngược lại, đó là người ta đã lấy tên người để định danh cho các đối tượng địa lí. Thực tế này xary ra trong các trường hợp sau: + Lấy tên người để định danh cho các đối tượng địa lí khi con người đó sau khi đã hoàn thành được một công việc “mang tính sứ mạng” cứu cả cộng đồng thoát khỏi một thảm họa nào đó hoặc hệ quả của một tình yêu đẹp không được như ý do những chế định xã hội hoặc hủ tục ngăn trở, họ chết và hóa thân thành thần linh. Đây là sự minh chứng về tính “có lí do” cho một số địa danh mang tên người đã được tác giả dân gian lí giải qua các truyện cổ tích (sự tích thác Drai H’Ling; sự tích dòng Êa H’Leo; sự tích dòng Krông Buk; sự tích núi Cư Mta; sự tích Hồ Lăk; M’Drăk - địa danh hành chính mang tên nhân vật cổ tích Ama Drak,...). Trong một sử thi Ê đê - sử thi Dăm Săn, nhân vật H’Bhi được đặt theo tên của một loài chim quý (chim Bhi - tên gọi khác là chim phí). Theo chúng tôi, đây là tên gọi được tác giả dân gian xây dựng mang tính ước lệ trong nghệ thuật. Nhân vật trong sử thi đều mang ý nghĩa biểu trưng. Các nhân vật chính diện đều được định danh với ý thức thẩm mĩ cao, và họ cũng rất gần gũi với thần linh, thậm chí họ đã mang phẩm chất của thần linh. Khảo sát trên 300 tên riêng người Êđê (qua các đối tượng như đã nói ở trên) chúng tôi chưa thấy có trường hợp nào trùng với các tên gọi từ lí do này. + Lấy tên người để định danh cho các đối tượng địa lí khi con người có một vai trò lịch sử có quan hệ gắn bó với đối tượng địa lí đó (Buôn Ma Thuột - buôn mang tên tù trưởng Ama Thuột; đường YNgông - đường mang tên nhà cách mạng lão thành, nhà giáo nhân dân người dân tộc Êđê, bác sĩ YNgông Niê Kdam; đường YNuê - đường mang tên nhà cách mạng lão thành, giáo sư bác sĩ YNuê Buôn Krông (tức giáo sư Ái Phương, Giám đốc đầu tiên của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên); đường YBí - đường mang tên nhà cách mạng lão thành YBí Aleo, người dân tộc Êđê, nguyên Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Dak Lăk; đường Sam Bram - đường mang tên (bí danh) của nhà cách mạng lão thành người Êđê; đường YWang - con đường mang tên nhà cách mạng lão thành người dân tộc Êđê YWang Mlô Duôn du, nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội,...). Trường hợp này rất hạn hữu và chỉ xuất hiện dưới các tác nhân “ngoài bản địa”. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội và dưới sự tác động của tiếp xúc văn hóa, cũng như người Việt, lớp trẻ người Êđê có xu hướng thay đổi trong việc đặt tên người, đặc biệt là con cái của các thanh niên trí thức hoặc các cặp vợ chồng giữa người Êđê với người Việt. Họ thường sử dụng những yếu tố mang tính “có lí do” để đặt tên người, trong đó chú trọng việc lấy tên gọi các đối tượng tự nhiên mang đậm yếu tố thẩm mĩ (Tuyết Nhung Niê, Thu Nhung Mlô Duôn du, H’Mai Niê, Linh Nga Niê Kdăm, Mỹ Trang Kbuôr,.. ), thậm chí tên gọi các loài cây, loài hoa,...những tên gọi mà trong xã hội Êđê truyền thống đặc biệt kiêng kị trong việc sử dụng để đặt tên người thì ngày nay cũng được giới trẻ ưa thích (Tuyết Lan Niê Kdăm, Tuyết Hoa Niê Kdăm Phong Lan Ksơr, H’Mai Niê, Hồng Đào Niê,...). Khảo sát 425 sinh viên người dân tộc Êđê ở Trường Đại học Tây Nguyên, có xấp xỉ 5% đạt tên theo xu hướng này. 70 Văn hóa địa danh và nhân danh của người Ê đê ở Tây Nguyên dưới sự tác động... 3. Kết luận Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy rằng, cách định danh cho các đối tượng địa lí và cho con người trong xã hội Êđê truyền thống có sự trái ngược nhau. Địa danh bao giờ cũng mang tính “có lí do”, còn với nhân danh thì ngược lại. Tuy vậy, đây lại chính là sự nhất quán trong tư duy và hành động của tộc người này dưới sự tác động của quan niệm “vạn vật hữu linh”. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Từ Chi, 1996. Góp phần nghiên cứu văn hóa, tộc người. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. [2] Trần Văn Dũng, 2005. Những đặc điểm chính của địa danh ở Dak Lăk. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Vinh. [3] Bế Viết Đẳng, Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng, Vũ Đình Lợi, 1982. Đại cương về các dân tộc Êđê, Mnông ở Dak Lăk. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [4] Lê Trung Hoa, 2013. Nhân danh học Việt Nam. Nxb Trẻ [5] F. de Saussure, 1973. Gíáo trình ngôn ngữ học đại cương. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [6] Nguyễn Hữu Thấu, 2003. Sử thi Êđê. Nxb Chính trị Quốc gia. [7] Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu, 1996. Luật tục Êđê. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [8] Ngô Đức Thịnh, 2007. Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên. Nxb Trẻ. [9] Sở Giáo dục & Đào tạo Dak Lăk - Viện Ngôn ngữ học, 1993. Từ điển Việt - Êđê. Nxb Giáo dục. ABSTRACT Geographic and people namings of Ede ethnic community in Tay Nguyen are under the impact of polytheism "everything has soul” Ede is the name of an indigenous ethnic community living concentratedly in some areas of Dak Lak province and scatteredly in some neighboring areas of Gia Lai, Phu Yen, Khanh Hoa province. Ede society is matriarchal society and it is the most typical form in the Central Highlands. All the family and social behavioral rules are subject to a system of customary law handed down from generation to generation. Ede people follow polytheism “everything has soul”. According to them, all natural phenomena such as land, rivers and mountains, plants and objects created by man contain yang (god) along with the notion of portents from dreams and taboo which make a particular style of thinking of people so-called magical realism. From the above reasons geographical objects in Ede mind become sacred and absolutely revered. And for these reasons when naming persons, indigenous people try to avoid violating gods by creating "arbitrary" names. This leads to the fact that Ede person names are less likely to have meanings that reflect reality as toponyms do. Keyword: Custom; geographical naming; people naming; Ede. 71

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3580_dmtam_4966_2193062.pdf
Tài liệu liên quan