Tài liệu Vấn đề giải thích nghĩa tình thái của các trợ từ tiếng việt trong từ điển tiếng việt (trên cơ sở cuốn từ điển tiếng Việt do hoàng phê chủ biên) - Phạm Thị Thu Giang: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0015
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 94-101
This paper is available online at
VẤN ĐỀ GIẢI THÍCH NGHĨA TÌNH THÁI
CỦA CÁC TRỢ TỪ TIẾNG VIỆT TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT
(TRÊN CƠ SỞ CUỐN TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT DO HOÀNG PHÊ CHỦ BIÊN)
Phạm Thị Thu Giang và Nguyễn Minh Phượng
Khoa Ngoại ngữ, Học viện Kĩ thuật Quân sự
Tóm tắt. Bài báo này đi vào khảo sát và phân tích ngữ nghĩa của các trợ từ tiếng Việt và so
sánh với cách giải thích các trợ từ này trong Từ điển tiếng Việt. Từ đây, khẳng định sự cần
thiết và đề xuất bổ sung nét nghĩa đánh giá khi giải thích chúng. Các trợ từ đến, tới, tận,
những, chỉ, ngay cả,. . . thể hiện cái Tôi chủ quan, những quan điểm thuộc về lập trường
của người nói (về lượng, về mức độ, về chủng loại, về thời gian, tính tích cực/ tiêu cực, sự
bất thường hay nhấn mạnh sự khẳng định sự thật của đối tượng được nói đến trong câu) và
còn có nhiệm vụ đánh dấu tiêu điểm thông báo của câu. Nếu lược bỏ chúng...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 800 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề giải thích nghĩa tình thái của các trợ từ tiếng việt trong từ điển tiếng việt (trên cơ sở cuốn từ điển tiếng Việt do hoàng phê chủ biên) - Phạm Thị Thu Giang, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0015
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 94-101
This paper is available online at
VẤN ĐỀ GIẢI THÍCH NGHĨA TÌNH THÁI
CỦA CÁC TRỢ TỪ TIẾNG VIỆT TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT
(TRÊN CƠ SỞ CUỐN TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT DO HOÀNG PHÊ CHỦ BIÊN)
Phạm Thị Thu Giang và Nguyễn Minh Phượng
Khoa Ngoại ngữ, Học viện Kĩ thuật Quân sự
Tóm tắt. Bài báo này đi vào khảo sát và phân tích ngữ nghĩa của các trợ từ tiếng Việt và so
sánh với cách giải thích các trợ từ này trong Từ điển tiếng Việt. Từ đây, khẳng định sự cần
thiết và đề xuất bổ sung nét nghĩa đánh giá khi giải thích chúng. Các trợ từ đến, tới, tận,
những, chỉ, ngay cả,. . . thể hiện cái Tôi chủ quan, những quan điểm thuộc về lập trường
của người nói (về lượng, về mức độ, về chủng loại, về thời gian, tính tích cực/ tiêu cực, sự
bất thường hay nhấn mạnh sự khẳng định sự thật của đối tượng được nói đến trong câu) và
còn có nhiệm vụ đánh dấu tiêu điểm thông báo của câu. Nếu lược bỏ chúng thì nội dung
sự tình được miêu tả trong câu không ảnh hưởng nhưng sắc thái nghĩa đã thay đổi. Vì vậy,
việc bổ sung thêm nét nghĩa tình thái này vào từ điển giải thích là cần thiết.
Từ khóa: Nghĩa tình thái, nghĩa đánh giá, nghĩa phi miêu tả, trợ từ, từ điển tiếng Việt.
1. Mở đầu
Ngữ pháp chức năng ra đời đã khắc phục những hạn chế của ngữ pháp hình thức trong
việc giải thích bản chất nghĩa và chức năng của các sự kiện ngôn ngữ. Có thể thấy tinh thần của
ngữ pháp chức năng và đường hướng phản ánh vai trò của ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp
quan trọng nhất của con người qua các nghiên cứu về tình thái của Jespersen, von Wright, Bally,
Dik,. . . Ở Việt Nam, các công trình của Hoàng Tuệ, Cao Xuân Hạo, Lê Đông, Phạm Hùng Việt,
Nguyễn Văn Hiệp,... đã cho chúng ta có một cách hiểu nhất định về khái niệm phức tạp này. Tuy
nhiên các công trình nghiên cứu mô tả, phân tích các phương tiện biểu thị tình thái cũng chưa thật
sự có nhiều, đặc biệt trong những lĩnh vực có liên quan đến chiều kích nghĩa tình thái trong các
mục từ của từ điển giải thích tiếng Việt. Xem xét các vấn đề nghiên cứu về từ điển học chúng tôi
cũng thấy một hiện trạng như vậy. CuốnMột số vấn đề từ điển học [10] tập hợp một số bài viết của
các tác giả khác nhau đã cho chúng ta cái nhìn tổng quát về nghiên cứu từ điển học cũng như một
số vấn đề của cuốn Từ điển Tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên). Tuy nhiên, việc giải thích nghĩa
phi miêu tả đang thiếu vắng ở khá nhiều mục từ thì cũng chưa được quan tâm đúng mức với tầm
quan trọng của chúng. Vì vậy, mục tiêu chính của bài báo là bổ sung và hoàn chỉnh cách hiểu về
nghĩa của các trợ từ, nhất là về nghĩa phi miêu tả mà cụ thể là nghĩa đánh giá. Từ đó, đề xuất cách
giải thích chúng và khẳng định tính cần thiết phải có nét nghĩa đánh giá này trong các mục từ của
Từ điển tiếng Việt.
Ngày nhận bài: 15/10/2015. Ngày nhận đăng: 10/3/2016
Liên hệ: Phạm Thị Thu Giang, e-mail: thugiang_6684@yahoo.com
94
Vấn đề giải thích nghĩa tình thái của các trợ từ tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt...
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tình thái: khái niệm, ý nghĩa và các phương tiện biểu hiện nghĩa
Tình thái cũng là khái niệm phức tạp của ngôn ngữ học với rất nhiều định nghĩa, cách hiểu
khác nhau. Hiểu theo nghĩa hẹp, tình thái chỉ xoay quanh các tham số về tính tất yếu, tính khả năng
và tính hiện thực, trên cơ sở nhận thức hay đạo nghĩa, và tất cả được hiểu theo góc độ khách quan
(tình thái trong logic) hay chủ quan (tình thái trong ngôn ngữ) [4;91]. Hiểu theo nghĩa rộng, khái
niệm tình thái sẽ bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau như các ý nghĩa thể hiện mục đích phát ngôn
của người nói; các ý nghĩa khác nhau thể hiện sự đánh giá, thái độ, lập trường hay cảm xúc của
người nói đối với nội dung thông báo; ý nghĩa thuộc đối lập giữa khẳng định và phủ định đối với
sự tồn tại của sự tình; những đặc trưng liên quan đến sự diễn tiến của sự tình, liên quan đến khung
vị từ và mối quan hệ giữa chủ thể được nói đến trong câu và vị từ (thời, thể hay các ý nghĩa được
thể hiện bằng vị từ tình thái); các ý nghĩa phản ánh các đặc trưng khác của phát ngôn và hành động
phát ngôn với ngữ cảnh, theo quan điểm, đánh giá của người nói. Cách hiểu tình thái theo nghĩa
rộng nhất như vậy được Bybee diễn đạt là “tất cả những gì mà người nói thực hiện cùng với toàn
bộ nội dung mệnh đề” [dẫn theo 3;22]. Nói cách khác, phạm trù tình thái bao gồm tất cả những
phương diện nội dung gắn với thực tại câu, biến các nội dung mệnh đề ở thế tiềm năng trở thành
các phát ngôn trong giao tiếp.
Trong giới nghiên cứu Việt ngữ học, chủ trương quan niệm như thế có các tác giả Đỗ Hữu
Châu, Hoàng Tuệ, Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp. . . ; đặc biệt là Cao Xuân Hạo.
Cũng phong phú như các kiểu ý nghĩa của tình thái, có nhiều phương tiện để biểu thị nội
dung ý nghĩa của phạm trù này như phương tiện ngữ âm, phương tiện ngữ pháp và phương tiện
từ vựng. Khác với các ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, Pháp, Nga chẳng hạn, phương tiện ngữ
pháp biểu thị khá rõ ràng ý nghĩa tình thái và phân biệt rạch ròi với hai nhóm phương tiện từ vựng
và ngữ âm. Nhưng ở ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt, ngoài ngữ điệu, phương tiện từ vựng đóng
một vai trò quan trọng. Một cách khái quát, tác giả Nguyễn Văn Hiệp đã phân chia các phương
tiện biểu thị tình thái trong tiếng Việt thành những lớp chính: các phó từ làm thành phần phụ của
ngữ vị từ (đã, đang,. . . ); các vị từ tình thái (nên, cần, phải,. . . ); các vị từ tình thái tính làm chính
tố trong ngữ đoạn vị từ (toan, định, cố, dám. . . ); các trợ từ (đến, những, mỗi, ngay cả, chính, đích
thị,. . . ) v.v. . . [4;140].
2.2. Một vài vấn đề từ điển học
Từ điển tiếng Việt (TĐTV) (do Hoàng Phê chủ biên) là cuốn từ điển tường giải tiếng Việt
đầu tiên của nước ta được biên soạn dựa trên phiếu tư liệu tương đối đầy đủ. Các soạn giả đã cố
gắng giải quyết một số vấn đề cụ thể cho phù hợp với đặc điểm và sự phát triển của tiếng Việt và
chữ Việt. Tuy nhiên định hướng xây dựng quyển từ điển này là “đảm bảo tính khoa học, tính tư
tưởng (Mác - Lênin) và tính tiện dùng” [6;8] và khi giải thích nghĩa “chú ý đến những quan hệ ngữ
nghĩa có tính hệ thống trong từ vựng, cố gắng giải thích nghĩa theo cùng một kiểu, một mẫu thống
nhất những từ ngữ thuộc cùng một lớp từ vựng và những trường hợp nghĩa của từ có cùng cấu trúc
giống nhau” [6;17]. Như vậy, những tiềm năng nghĩa của từ liên quan đến bình diện tương tác liên
nhân trong giao tiếp và liên quan đến đánh giá tình thái, chủ quan chưa thực sự được xem xét thỏa
đáng khi giải thích nghĩa trong quá trình biên soạn từ điển.
Trong bài viết Thông tin ngữ dụng đối với từ điển giải thích [1], Ju.D.Apresjan đã đưa ra
nguyên tắc thực hành quan trọng: “Khi xây dựng mục từ điển của một từ vị nhất định, nhà ngôn
ngữ cần phải làm việc trong toàn bộ các không gian các quy tắc ngữ pháp và ghi rõ ràng cho từ
95
Phạm Thị Thu Giang và Nguyễn Minh Phượng
vị tất cả các thuộc tính mà việc sử dụng các thuộc tính đó có thể đòi hỏi phải có quy tắc (sự điều
chỉnh từ vựng vào ngữ pháp) (. . . ) các quy tắc có thể đòi hỏi phải sử dụng đến các thuộc tính ngôn
điệu, từ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng (chúng tôi nhấn mạnh-PTTG), giao tiếp và cú pháp (khả năng
kết hợp) của các từ vị” [1;68]
Đến đây, chúng tôi có thể khẳng định bản thân mỗi đơn vị từ đều hàm chứa trong nó đầy đủ
các thông tin ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng. Do đó, khi biên soạn mục từ điển của mỗi từ vị
trong từ điển giải thích, cần phải xác lập đầy đủ mọi thông tin này. Việc giải thích các trợ từ tiếng
Việt cũng thế.
2.3. Các kiểu nghĩa đánh giá của trợ từ và việc giải thích chúng trong TĐTV
Trợ từ tiếng Việt – một kiểu từ loại – cũng có những tên gọi và ý nghĩa, chức năng không
giống nhau. Nguyễn Kim Thản [9] gọi là ngữ khí từ, Nguyễn Tài Cẩn [2] gọi là trợ từ hoặc ngữ
khí từ, Hữu Quỳnh [8] gọi là từ đệm, V.S. Panfilov lại gọi là hư từ giao tiếp [5], còn Phạm Hùng
Việt [10] thì gọi trợ từ cho cả hai tập hợp trợ từ của câu (như à, ư, nhỉ, nhé. . . ) và trợ từ bộ phận
câu (như ngay, cả, chính. . . ), Đinh Văn Đức và Nguyễn Hồng Cổn gọi là trợ từ khi xếp chúng vào
nhóm tình thái từ.
Trợ từ là lớp từ chuyên phục vụ cho việc biểu đạt những thông tin tình thái, những đánh giá
mang tính lập trường của người nói, có vai trò quan trọng thể hiện cái Tôi chủ quan của người nói
và có nhiệm vụ đánh dấu tiêu điểm thông báo của câu. Từ đây, chúng tôi phân chia thành các nhóm
và tiến hành miêu tả nghĩa của chúng đồng thời so sánh với cách giải thích chúng trong TĐTV.
2.3.1. Nhóm 1: nhóm các trợ từ/ tổ hợp trợ từ đánh giá về lượng: chỉ, có, mỗi, chỉ mới, có
mỗi, đến, những, tận, tới
Trong TĐTV hai trợ từ những và tới đã được giải thích hợp lí, có cả nét nghĩa đánh giá “Từ
biểu thị ý nhấn mạnh số lượng quá nhiều/ cao”. Tuy nhiên, số đông các trợ từ khác (chỉ, có, mỗi,
đến, tận) lại không được xem xét ở nét nghĩa này cũng như bỏ qua việc giải thích nghĩa một số tổ
hợp trợ từ (chỉ mới/ mới chỉ, có mỗi).
Có thể lấy ví dụ về nhóm này:
(1) Cái bể này sâu chỉ 2 mét.
(2) Con bé ấy hai tuổi mà có 10 cân.
(3) Vì không đói, nó ăn mỗi/ có mỗi một bát cơm.
(4) Con trai tôi cao chỉ mới/ mới chỉ mét rưỡi (150 cm)
(5) Ông ta có đến 5 cái nhà ở Hà Nội.
(6) Anh tôi nặng những 80 kg.
(7) Họ phải đi tận 10 km mới đến chợ.
(8) Anh ấy luôn đi tới 90 km/h.
Đặc điểm chung của phần lớn những trợ từ đánh giá về lượng đó là tiêu điểm thông báo câu
mà nó chỉ báo là những bổ ngữ vị từ - số từ. Các số từ này chỉ về số lượng, khoảng cách, chiều sâu,
chiều cao, cân nặng hay vận tốc và tạo nên những cặp đối lập về nội dung đánh giá như: nhiều/
ít; xa/ gần; sâu/ nông; cao/ thấp; nặng/ nhẹ; nhanh/ chậm. Trong đó, “những, tới, đến, tận” mang
nghĩa đánh giá “nhiều, xa, sâu, cao, nặng, nhanh” đối lập với “chỉ, có, mỗi, chỉ mới, có mỗi” đánh
giá về “ít, gần, nông, thấp, nhẹ, chậm”. Tùy vào quan điểm chủ quan của mình mà người nói đưa
ra những đánh giá khác nhau và từ đây người nói lựa chọn trợ từ cho phù hợp và có thể sử dụng
96
Vấn đề giải thích nghĩa tình thái của các trợ từ tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt...
thay thế cho nhau trong mỗi tiểu nhóm. Chẳng hạn, đều là “một bát cơm” nhưng khi nói “mỗi/ có/
chỉ hai bát cơm” người nói hàm ý đánh giá ít, còn khi nói “những/ đến/ tận hai bát cơm” lại mang
nghĩa đánh giá là nhiều.
Riêng trợ từ tận với nghĩa đánh giá “quá xa” và kết hợp với danh từ chỉ địa điểm (chẳng hạn
như Nam học tận châu Âu). Nó làm thành sự khác biệt với các từ trong nhóm.
2.3.2. Nhóm 2: nhóm các trợ từ đánh giá về mức độ: đến, tới, tận, chỉ, có, mới
Tiếng Việt có thể sử dụng các trợ từ này để đánh giá về mức độ cao/ thấp; quan trọng/ không
quan trọng. . . Chẳng hạn như:
(9) Mới 28 tuổi mà cô ấy học đến Tiến sĩ rồi.
(10) Con cái ông ấy ai cũng làm tới cấp Bộ.
(11) Hôm qua nó gặp tận Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
(12) Chồng nó học chỉ lớp 9.
(13) Trước khi nghỉ hưu, ông ta làm có chức trợ lí.
(14) Hắn tốt nghiệp mới bậc Trung cấp, liệu có làm việc được không?
Cũng giống như nhóm các trợ từ đánh giá về lượng, các trợ từ trong nhóm này cũng được
chia làm hai tiểu nhóm có nội dung đánh giá đối lập nhau và các trợ từ trong tiểu nhóm cũng gần
nghĩa nhau. Các từ đến, tới, tận mang nghĩa đánh giá mức độ cao hay quan trọng; còn các từ chỉ,
có, mới thể hiện sự đánh giá về mức độ thấp hay không quan trọng. Điều làm nên sự khác nhau
giữa các trợ từ đến, tới, tận, chỉ, có, mới khi ở nhóm 1 thể hiện sự đánh giá về lượng đến nhóm này
lại thể hiện sự đánh giá về mức độ, đó là do từ loại của bổ ngữ mà nó chỉ báo tiêu điểm thông báo
câu. Nhóm 1 là số từ còn ở nhóm 2 là danh từ.
2.3.3. Nhóm 3: nhóm các trợ từ/ tổ hợp trợ từ đánh giá về thời gian: mới, mới chỉ/ chỉ mới,
đã, có, chỉ, mỗi, tận, đến, tới, những, có mỗi
Điểm chung của các trợ từ/ tổ hợp trợ từ trong nhóm này: nhấn mạnh tiêu điểm thông báo là
những bổ ngữ vị từ - số từ chỉ thời gian (giờ, ngày, tháng, năm. . . ) Các trợ từ trong nhóm 3 tuy đều
thể hiện sự đánh giá về thời gian nhưng trên những khía cạnh khác nhau lập thành 4 tiểu nhóm.
Tiểu nhóm 1 (mới, mới chỉ/ chỉ mới) và tiểu nhóm 2 (đã) tạo thành cặp nội dung đối lập nội dung
nghĩa đánh giá sớm/ muộn; còn tiểu nhóm 3 (chỉ, có, mới chỉ/ chỉ mới, mỗi, mới,có mỗi) và 4 (tận,
đến, tới, những) tạo thành cặp đối lập về nội dung đánh giá ngắn/ dài hay nhanh/ lâu. Tương tự
như các tiểu nhóm của hai nhóm đã xét ở trên, các trợ từ hoặc tổ hợp trợ từ trong mỗi tiểu nhóm là
những từ gần nghĩa vì chúng đều cùng thể hiện một nội dung đánh giá và có thể sử dụng thay thế
cho nhau.
Ví dụ:
(15) Bây giờ mới/ chỉ mới/ mới chỉ 7 giờ, ông đã đi làm sao?
(16) Đã 9 giờ rồi mà chưa dậy ăn sáng à?.
(17) Nó học chỉ/ có/ mới/ mỗi/ có mỗi/ chỉ mới/ mới chỉ 2 tháng đã làm rất tốt.
(18) Anh ấy đi du học đến/ những/ tới/ tận 7 năm mới về nước.
2.3.4. Nhóm 4: nhóm các trợ từ đánh giá về chủng loại: nào/ nào là, chỉ, có, mỗi
Người nói sử dụng các trợ từ của nhóm này khi muốn liệt kê một danh sách các đồ vật,
đồ dùng. . . nào đó với thái độ đánh giá chúng là ít hay nhiều, nghèo nàn hay phong phú. . . Do đó,
97
Phạm Thị Thu Giang và Nguyễn Minh Phượng
chúng nhấn mạnh đến các bổ ngữ vị từ là danh từ.
Các trợ từ chỉ, có, mỗi đánh giá về sự nghèo nàn/ ít chủng loại; còn nào hay nào là đánh giá
sự phong phú/ nhiều chủng loại của các đối tượng được nói đến trong câu.
Ví dụ: (21) Mọi ngày ăn chỉ/ có/ mỗi rau và đậu phụ. Hôm nay anh ta mua nào rau, nào cá,
nào thịt.
(22) Cô vợ đi để lại chỉ/ có/ mỗi một cái giường, một cái tủ, một cái tivi.
(23) Ba tôi trồng nào là hoa, nào là cây cảnh, nào là cây ăn quả.
2.3.5. Nhóm 5: nhóm những trợ từ đánh giá tính tích cực và tiêu cực của đối tượng: được,
mất
Hai trợ từ được và mất tạo nên một cặp đối lập tình thái khi thể hiện sự đánh giá của người
nói đối với hành động của chủ thể là tích cực:
(24) Nó đã bán được cái điện thoại đó với giá năm trăm nghìn.
( 25) Hôm qua tôi đã mua được một bộ quần áo đẹp.
hay tiêu cực:
(26) Thế là nó đã bán mất cái điện thoại mẹ tặng.
(27) Tôi rất thích 1 bộ quần áo trong cửa hàng nhưng không mang đủ tiền nên về nhà lấy.
Khi tôi quay lại thì ai đó đã mua mất chúng rồi.
Ở đây bổ ngữ của vị từ - tiêu điểm thông báo trong câu mà trợ từ chỉ ra có thể là số từ hoặc
danh từ. Nhóm từ này đã được TĐTV giải thích đầy đủ.
2.3.6. Nhóm 6: nhóm các trợ từ/ tổ hợp trợ từ đánh giá tính bất thường của sự vật, hiện
tượng, quá trình,...: ngay, cả, đến, thậm chí, ngay cả, ngay như
Trong TĐTV hai trợ từ “đến, thậm chí” được giải thích:
- “đến 2” (tr): “Từ biểu thị ý nhấn mạnh về tính chất bất thường của một hiện tượng để làm
nổi bật mức độ cao của một việc nào đó”.
- “thậm chí” (p): “từ biểu thị bao gồm cả những trường hợp không bình thường, nêu ra để
nhấn mạnh làm nổi bật một điểu nào đó”.
Theo chúng tôi, TĐTV đã giải thích tốt những trợ từ này khi quan tâm cả nghĩa tường minh
lẫn nghĩa tình thái và nghĩa đánh giá “tính chất bất thường, không bình thường”.
Tuy nhiên, trong tiếng Việt còn có một số trợ từ cũng thể hiện sự đánh giá như vậy mà
không được TĐTV giải thích, chẳng hạn như:
(28) Ngay vợ anh ấy cũng không hiểu anh ấy.
(29) Bây giờ thì anh ta ghét cả tôi.
(30) Ngay cả bố tôi cũng khóc khi xem bộ phim này.
(31) Ngay như nó cũng không giải được bài toán này.
Những trợ từ trên đánh dấu tiêu điểm thông báo câu có thể là chủ ngữ (như ở ví dụ (28),
(30), (31)), có thể là bổ ngữ của vị từ (xem ví dụ (29)) nhưng từ loại của chúng luôn là danh từ.
Điều thú vị trong các câu chứa những trợ từ này, người nói thể hiện sự đánh giá đến hai đối tượng
được nói đến nhưng với hai “lập trường”, thái độ đánh giá khác nhau. Một mặt, người nói cho rằng
hành động hay tính chất của đối tượng (thường là chủ ngữ trong câu) là điều rất lạ, không bình
thường; mặt khác nhấn mạnh đến mức độ cao hay tính phổ biến của một sự vật, hiện tượng,. . .
98
Vấn đề giải thích nghĩa tình thái của các trợ từ tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt...
khác. Do đó, đối tượng được nói đến mặc dù có đặc điểm riêng, khác biệt nhưng cũng không loại
trừ.
2.3.7. Nhóm 7: nhóm các trợ từ nhấn mạnh sự khẳng định sự thật: chính, đích thị, chính
ngay
Có thể dẫn ra các ví dụ của nhóm trợ từ này:
(32) Chính giám đốc đã ra quyết định đó.
(33) Đích thị nó ăn cắp tiền.
(34) Anh ấy đã hy sinh chính ngay trên quê hương mình.
Người nói sử dụng các trợ từ này để nhấn mạnh sự khẳng định sự thật là cái đó, việc đó, ai
đó, nơi đó,. . . (đối tượng nhắc đến) mà không phải là cái khác, việc khác, ai khác, nơi khác,. . . Vì
vậy, trọng tâm thông báo trong câu mà trợ từ đánh dấu thường là danh từ.
2.4. Nhận xét
Qua sự phân tích nghĩa tình thái của các trợ từ tình thái tiếng Việt và so sánh với những lời
giải thích TĐTV, chúng tôi nhận thấy:
- Trước hết, về vai trò của trợ từ tình thái, chúng là lớp từ chuyên phục vụ cho việc biểu
đạt những thông tin tình thái, những đánh giá mang tính lập trường của người nói. Đồng thời có
nhiệm vụ đánh dấu tiêu điểm thông báo của câu. Tiêu điểm thông báo là bổ ngữ của vị từ. Về từ
loại chúng có thể là danh từ hoặc số từ.
- Nội dung nghĩa tình thái mà trợ từ biểu thị trên những khía cạnh đánh giá sau:
• Đánh giá về lượng: chỉ, có, mỗi, những,. . .
• Đánh giá về mức độ: đến, tới, tận, có,. . .
• Đánh giá về chủng loại: nào, chỉ, có,. . .
• Đánh giá về thời gian: mới, đã, có, tới,. . .
• Đánh giá về tính tích cực/ tiêu cực: được, mất
• Đánh giá về tính bất thường của sự vật, quá trình,. . . : ngay, cả, đến, thậm chí,. . .
• Nhấn mạnh sự khẳng định sự thật: chính, chính ngay, đích thị
- Về sự tương quan giữa trợ từ và việc chuyển tải nội dung đánh giá:
• Có một số trợ từ, không phải tất cả các trợ từ, chuyển tải chỉ nội dung một đánh giá riêng
như được, mất, nào, ngay, cả, thậm chí, ngay cả, chính, chính ngay, đích thị. Và trong một số
trường hợp là đối lập có hệ thống với nội dung đánh giá của trợ từ khác, như được/ mất; nào/ chỉ,
có.
•Một số trợ từ truyền tải nhiều nội dung đánh giá. Như chỉ, có chuyển tải nội dung đánh giá
về lượng, về thời gian, về mức độ, về chủng loại; tận, tới chuyển tải nội dung đánh giá về lượng,
về mức độ, về thời gian; đến chuyển tải nội dung đánh giá về thời gian và về sự bất thường của đối
tượng.
• Cùng một nội dung đánh giá nhưng do nhiều trợ từ biểu thị. Điều này được chứng minh
rõ ràng là mỗi một nhóm phân chia theo nội dung đánh giá đều có ít nhất hai trợ từ và chủ yếu là
nhiều hơn hai trợ từ. Vì thế, chúng có thể được sử dụng thay thế cho nhau.
- Trong số 17 các trợ từ tình thái mà chúng tôi khảo sát có 5 trợ từ những, tới, đến, thậm chí,
chính đã được TĐTV giải thích cả nghĩa từ vựng lẫn nghĩa đánh giá. Các từ còn lại hoặc không có
99
Phạm Thị Thu Giang và Nguyễn Minh Phượng
hoặc không được giải thích nét nghĩa đánh giá. Những trợ từ còn lại cần được giải thích ít nhất như
những trợ từ này.
Vì vậy, chúng tôi tiến hành giải thích, bổ sung nét nghĩa phi miêu tả một số từ ở các nhóm
đã phân tích trong phần nội dung. Chẳng hạn như:
1) Cả I t.
II tr. Từ biểu thị ý nhấn mạnh về mức độ cao, phạm vi không hạn chế của sự việc hay tính
bất thường của sự việc, hiện tượng. Làm cả khi trời mưa. Tiếng trống nghe điếc cả tai. Bây giờ anh
ấy ghét cả tôi.
2) Tận I t.
II k.
III tr. 1 Từ biểu thị ý nhấn mạnh số lượng quá nhiều Ông ấy có tận năm cái nhà ở Hà
Nội. 2 Từ biểu thị ý nhấn mạnh quá xa Họ phải đi tận 10 km mới đến chợ. Anh ấy học tận Tây
Nguyên. 3 Từ biểu thị ý nhấn mạnh thời gian quá lâu Anh ấy đi du học tận 7 năm. 4 Từ biểu thị
mức độ quan trọng Hôm qua nó gặp tận Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
3) Tới I đg.
II k.
III tr. 1 (dùng trước d. số lượng) Từ biểu thị ý nhấn mạnh số lượng cao. Báo cáo dài tới
mấy chục trang. Sản lượng tới trên hai mươi tấn một hecta. Đồng hồ chậm tới mười phút. 2 Từ
biểu thị ý nhấn mạnh thời gian quá lâu hoặc quá chậm Anh ấy đi xa quê hương tới chục năm
nay. Đồng hồ chậm tới mười phút. 3 Từ biểu thị mức độ cao Cô ấy 21 tuổi nhưng học tới Cao học.
(Chú thích: Phần in thường được trích nguyên trong TĐTV và chỉ trích lời giải thích về trợ
từ; phần in nghiêng và đậm là phần tác giả đề xuất bổ sung; phần in nghiêng là ví dụ kèm sau mỗi
phần đề xuất)
3. Kết luận
Trợ từ là phương tiện quan trọng thể hiện nghĩa tình thái hay nghĩa đánh giá của từ. Chúng
có vai trò quan trọng trong việc thể hiện cái Tôi chủ quan, những quan điểm thuộc về lập trường
của người nói và có nhiệm vụ đánh dấu tiêu điểm thông báo của câu. Trong thực tế giao tiếp, đôi
khi chính những khía cạnh đánh giá này mới là mục đích mà người nói muốn truyền đạt nhằm thể
hiện sự đánh giá chủ quan của mình; từ đó dẫn đến sự thay đổi thái độ, hành vi của người nghe.
Chính vì thế, nếu trong phát ngôn chúng bị lược bỏ đi thì sắc thái nghĩa của câu sẽ bị thay đổi,
thậm chí mất đi. Tuy nhiên, trong TĐTV chúng đã không được quan tâm đúng mức với tầm quan
trọng. Vì vậy, chúng tôi khẳng định sự cần thiết phải bổ sung những nét nghĩa đánh giá này trong
lời giải thích nghĩa của từ ở một số mục từ hiện đang thiếu vắng. Chúng tôi hi vọng những kết quả
nghiên cứu của mình sẽ đóng góp phần nào đó giúp các nhà Từ điển học hoàn thiện hơn nữa các
từ điển giải thích tiếng Việt mà cụ thể là cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] APRESJAN.JU.D, người dịch: Nguyễn Đức Tồn, 2000. Thông tin ngữ dụng đối với Từ điển
giải thích. Tạp chí Ngôn ngữ, (số 7), tr.68-80, (số 8), tr.68-76, (số 9), tr.74-80.
[2] Nguyễn Tài Cẩn, 1983. Ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3] Lê Đông, Nguyễn Văn Hiệp, 2003. Khái niệm tình thái trong ngôn ngữ học.Tạp chí Ngôn ngữ,
(số 7), tr.17-26, (số 8), tr.56-65.
[4] Nguyễn Văn Hiệp, 2008. Cơ sở ngữ nghĩa phân tích ngữ pháp. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
100
Vấn đề giải thích nghĩa tình thái của các trợ từ tiếng Việt trong Từ điển tiếng Việt...
[5] Panfilov V.S., người dịch: Nguyễn Thủy Minh, 2008. Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
[6] Hoàng Phê, 1969. Về việc biên soạn một quyển Từ điển tiếng Việt mới.Tạp chí Ngôn ngữ, (số
2), tr.3-18.
[7] Hoàng Phê (chủ biên), 2002. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
[8] Hữu Quỳnh, 1980. Ngữ pháp tiếng Việt hiện đại. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[9] Nguyễn Kim Thản, 1963. Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[10] Nguyễn Ngọc Trâm (chủ biên), 1997. Một số vấn đề Từ điển học. Nxb Khoa học Xã hội, Hà
Nội.
[11] Phạm Hùng Việt, 1994. Vấn đề tính tình thái với việc xem xét chức năng ngữ nghĩa của trợ
từ tiếng Việt. Tạp chí Ngôn ngữ, (số 2), tr.48-53.
ABSTRACT
The modal meanings of Vietnamese supportive words in the Vietnamese Dictionary
(Based on the book Vietnamese Dictionary by editor Hoang Phe)
In this article we examine and analyze the semantics of supportive words in Vietnamese and
compare them with the interpretation of this word in Vietnamese dictionaries. It is seen that there
is a need to add an evaluating definition when explaining them. Supportive words like “to, even,
those and only” express the subjective I, and the views of the speaker (the volume, level, types,
timing, positive / negative, extraordinariness or emphasis on the truth of the affirmation of the
object in the sentence) and are also responsible for marking the focus of the sentence. If omitted,
the content of the situation described in the sentence is not affected but the shade of meaning is
not made clear. Therefore, the addition of feeling in the meaning is necessary in the dictionary
explanation.
Keywords:Modal meaning, evaluating meaning, non-depictive meaning, supportive words,
Vietnamese Dictionary.
101
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4043_pttgiang_1596_2132815.pdf