Vấn đề giặc biển dưới triều Minh Mạng (1820-1840) qua Đại nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ

Tài liệu Vấn đề giặc biển dưới triều Minh Mạng (1820-1840) qua Đại nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0051 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 10-16 This paper is available online at VẤN ĐỀ GIẶC BIỂN DƯỚI TRIỀU MINH MẠNG (1820-1840) QUA ĐẠI NAM THỰC LỤC VÀ KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ Nguyễn Thu Hiền Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trị vì từ năm 1820 đến năm 1840, vua Minh Mạng đã ban hành và thực thi nhiều chính sách. Khảo cứu Đại Nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ về vấn đề giặc biển đã phản ánh khách quan những nỗ lực của vua Minh Mạng nhằm giữ vững an ninh vùng biển trên một số phương diện sau: nguồn gốc quốc gia và địa bàn hoạt động của giặc biển; thời gian và lực lượng tuần tra trên biển và các biện pháp đối phó với giặc biển. Với các chiếu dụ ban hành và thực thi, vấn đề giặc biển từng bước được triều Minh Mạng kiểm soát và quản lí nhằm tạo môi trường ổn định, an ninh để ngư dân yên tâm sinh sống đồng thời giữ vững chủ quyền lãnh hải quốc gia. Từ khóa:Minh Mạng, giặ...

pdf7 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 565 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề giặc biển dưới triều Minh Mạng (1820-1840) qua Đại nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0051 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 10-16 This paper is available online at VẤN ĐỀ GIẶC BIỂN DƯỚI TRIỀU MINH MẠNG (1820-1840) QUA ĐẠI NAM THỰC LỤC VÀ KHÂM ĐỊNH ĐẠI NAM HỘI ĐIỂN SỰ LỆ Nguyễn Thu Hiền Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Trị vì từ năm 1820 đến năm 1840, vua Minh Mạng đã ban hành và thực thi nhiều chính sách. Khảo cứu Đại Nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ về vấn đề giặc biển đã phản ánh khách quan những nỗ lực của vua Minh Mạng nhằm giữ vững an ninh vùng biển trên một số phương diện sau: nguồn gốc quốc gia và địa bàn hoạt động của giặc biển; thời gian và lực lượng tuần tra trên biển và các biện pháp đối phó với giặc biển. Với các chiếu dụ ban hành và thực thi, vấn đề giặc biển từng bước được triều Minh Mạng kiểm soát và quản lí nhằm tạo môi trường ổn định, an ninh để ngư dân yên tâm sinh sống đồng thời giữ vững chủ quyền lãnh hải quốc gia. Từ khóa:Minh Mạng, giặc biển, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. 1. Mở đầu Lên ngôi sau khi Gia Long qua đời, Minh Mạng đứng trước rất nhiều thử thách từ tình hình trong nước cũng như từ các thế lực bên ngoài. Trong thời gian trị vì từ năm 1820 đến 1840, Minh Mạng luôn nỗ lực thực thi nhiều chính sách nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đặc biệt là an ninh vùng biển. Vấn đề biển trong chính sách của vua Minh Mạng đã được đề cập đến trong nhiều bài viết như “Vị thế của biển trong cái nhìn của các vua đầu triều Nguyễn” [8], “Biển đảo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam” [9], “Thủy quân thời Gia Long và Minh Mệnh với công tác tuần tra kiểm soát vùng biển đảo” [10]. . . Các nhà nghiên cứu đã tiếp cận vấn đề biển dưới triều Minh Mạng trên nhiều phương diện như xây dựng lực lượng thủy quân, tổ chức thăm dò, đo vẽ đường bờ biển. . . Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung nghiên cứu một hiện tượng cụ thể liên quan trực tiếp đến an ninh lãnh hải dưới triều Minh Mạng, đó là vấn đề giặc biển thông qua khảo cứu hai công trình sử học được biên soạn dưới triều Nguyễn là Đại Nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Sự tồn tại dai dẳng của giặc biển khiến vua Minh Mạng từng than thở rằng: “Nhà nước ta trong ngoài yên ổn, trộm giặc im hơi, duy một dải bờ biển dài suốt gần đây bọn giặc biển ngầm nổi lên, cướp bóc người đi buôn. . . ” [7;341]. Ngày nhận bài: 15/7/2015 Ngày nhận đăng: 10/11/2015 Liên hệ: Nguyễn Thu Hiền, e-mail: hiennt@hnue.edu.vn 10 Vấn đề giặc biển dưới triều Minh Mạng (1820-1840) qua Đại Nam thực lục... 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Vài nét khái quát về nguồn tư liệu sử dụng trong bài viết Đại Nam thực lục được đánh giá là một bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của triều Nguyễn. Quốc sử quán triều Nguyễn đã dành 88 năm tính từ thời điểm bắt đầu biên soạn vào năm Minh Mạng thứ hai (1821) đến khi khắc in xong là năm Duy Tân thứ ba (1909). Đại Nam thực lục được viết theo thể biên niên với hai phần Tiền biên và Chính biên. Đại Nam thực lục tiền biên (hay còn gọi là Liệt thánh thực lục tiền biên) ghi chép về 9 chúa Nguyễn từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến khi Nguyễn Phúc Thuần mất (1777). Đại Nam thực lục chính biên ghi chép về lịch sử triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1888. Trong phạm vi bài nghiên cứu này chúng tôi khảo sát chủ yếu các dữ kiện được phản ánh tại phần nội dung Đại Nam thực lục chính biên, phần Đệ nhị kỷ từ quyển I (Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ nhất [1820], mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 2) đến quyển 220 (Canh Tý, năm Minh Mạng thứ 21 [1840], mùa đông tháng 12) Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ gồm 262 quyển do Nội các triều Nguyễn biên soạn theo chỉ dụ của nhà vua vào các năm Thiệu Trị thứ ba (1843), Thiệu Trị thứ sáu (1846), Tự Đức thứ ba (1850) và đến năm Tự Đức thứ tám (1855) thì được khắc in. Công trình biên chép tất cả các dụ chỉ, sắc lệnh, chiếu chỉ. . . đã được ban hành trong giai đoạn 1802 – 1851. Thể thức biên soạn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chia riêng từng công việc thuộc từng bộ, từng ti. Phục vụ cho việc khảo sát vấn đề giặc biển dưới triều Minh Mạng, chúng tôi chủ yếu nghiên cứu các văn bản được ban hành dưới triều Minh Mạng liên quan đến công việc của bộ Binh và bộ Hình. Khảo cứu Đại Nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, vấn đề giặc biển dưới triều Minh Mạng được phản ánh trên các phương diện mà chúng tôi trình bày dưới đây. 2.2. Nguồn gốc quốc gia và địa bàn hoạt động của giặc biển Do kiến tạo đường bờ biển của Việt Nam khúc khuỷu với nhiều đảo, quần đảo, đầm, vịnh nên nơi đây là khu vực thuận lợi cho tàu bè neo đậu. Đại Nam thực lực biên chép về phạm vi hoạt động của giặc biển như sau: - “Vua dụ hai bộ Hộ, bộ Binh rằng: “Miền đất duyên hải Hải Dương và Quảng Yên thuộc hạt Bắc Thành, phần nhiều là nơi đầm vực để cho giặc biển ẩn nấp, mà trong đó thì Đồ Sơn ở Hải Dương lại càng xung yếu, trẫm từng hạ lệnh cho thành thần chọn đất đặt đồn, đó là muốn trừ tuyệt giặc giã để dân ở yên” [5;874]. - “Vua nhân bảo bộ Binh rằng: “Hạt tỉnh Quảng Yên, đất ở bờ biển, giáp với nước Thanh, có nhiều hòn đảo, dễ làm thung lũng trộm cướp, gần đây giặc biển ngầm nổi, tả kì, hữu kì, đều lấy đó làm nơi ẩn nấp...” [7;337]. - “Vả lại, Quảng Yên liền với biển, các đảo lớn nhỏ rất nhiều; bọn giặc tất đến đậu ở đấy” [6;312]. - “Côn Lôn thủ và Hà Tiên Phú Quốc thủ đều là những nơi xung yếu, dân ở đông đúc, thế mà thường xuyên có giặc biển ẩn hiện” [6;384]. Như vậy khu vực thường xuyên có sự xuất hiện của giặc biển đó là địa phận biển Quảng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tiên là nơi có nhiều đảo và quần đảo đồng thời là khu vực khá phức tạp khi là địa bàn giáp ranh với Trung Quốc và Xiêm. Triều Nguyễn đã nhận thức rất rõ về quốc tịch cũng như phạm vi hoạt động chủ yếu của các nhóm giặc biển nước ngoài. Giặc biển nước ngoài hoạt động chủ yếu trên vùng biển thuộc phạm vi cai quản của vua Minh Mạng là giặc biển đến từ Trung Quốc (triều Thanh) và từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như giặc Chà Và, Gia va, Đồ Bàn. 11 Nguyễn Thu Hiền Nhóm giặc biển đến từ triều Thanh là nhóm giặc biển hoạt động có quy mô, tổ chức cùng việc cư trú lâu dài trên vùng đảo Quảng Yên. Triều Nguyễn nhận định rằng “Kể ra địa giới Quảng Yên, tiếp giáp với nước Thanh phía bắc liền với Lạng Sơn, Cao Bằng, phía nam ra biển lớn...” [5;876]. Chính vì trấn Quảng Yên cùng chung đường biên giới biển với nhà Thanh nên đây trở thành khu vực hoạt động chính của nhóm giặc biển Trung Quốc. Theo Đại Nam thực lục: “Lại đất xã Minh Châu ở Vân Đồn ở ven biển, phàm thuyền người Thanh lẻn đến đậu ở bãi Giáp ra vào hai cửa biển, và đi qua phần biển Hòa Phong ở đấy mà trông thì chỗ nào cũng thấy cả” [5;875], “Lại nói từ trước đến nay (tính đến năm 1838) thuyền nước Thanh thường đậu ở các hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Yên, tụ họp thành đoàn, thế tất tụ họp những giặc trốn cùng là quân lêu lổng, nượng tựa nhau làm gian, tuy trước làm đám nhỏ, sau thành bọn to, thực không thể để lớn dần lên được” [7;338]. Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ tiếp tục nhấn mạnh tới địa bàn hoạt động của nhóm giặc biển người Thanh là khu vực phía Bắc chứ không phải khu vực phía Nam. Năm 1838, trong chỉ dụ của vua Minh Mạng về việc phân định mốc giới trên biển của lực lượng tuần phòng các tỉnh đã khẳng định: “hải phận Nam Kì từ trước không có giặc người Thanh ở trên biển” [2;431]. Về số lượng của giặc biển người Thanh được Nguyễn Công Trứ tâu bày với vua Nguyễn cũng vào năm 1838 như sau: “Từ trước đến nay, từ tháng 8, 9 đến tháng 3, 4 người nhà Thanh có 500, 600 chiếc, tụ họp thành đoàn ở ngoài phận biển Quảng Yên đánh cá. . . ” [7;337]. Trong khi đó giặc biển Chà Và và Gia va lại hoạt động ở khu vực phía Nam như Gia Định, Hà Tiên vì đây là nơi gần với các nước Gia va và Chà Và. Theo Đại Nam thực lục, “Gia Định có giặc biển Chà Và lén lút nổi lên ở tấn phận Long Hưng thuộc Vĩnh Long, cướp bóc bắt người đem đi. Quan Trấn thủ Lê Văn Nghĩa thân đem binh thuyền đuổi bắt. . . Giặc liền ra đảo Côn Lôn thuộc Phiên An, đón cướp các thuyền buôn, lại lên bờ đốt nhà, cướp của” [6;384]; “Giặc biển Chà Và thường nương tựa các cù lao thuộc Hà Tiên để đón cướp thuyền buôn” [5;958]; “Phận biển Lân Đà tỉnh Hà Tiên có giặc biển Đồ Bàn ngầm nổi lên, cướp người. . . ” [7;343]. 2.3. Thời gian và lực lượng tuần tra trên biển Hoạt động tuần tra trên biển đối phó với giặc cướp phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên như hướng gió, các dòng chảy trong biển. Triều Nguyễn dựa trên cơ sở những biến động của khí hậu cùng chiều gió và dòng nước để tiến hành việc tuần tra trên biển. Vào năm 1838, vua Minh Mạng đã “Sai bộ Công xét biên các sách, phàm nói đến chiều gió có thể giúp cho việc đi biển nên tiến đi, nên đậu lại, cùng xét ngược lên từ Minh Mạng năm thứ nhất đến nay, ngày nào tháng nào thuyền công hỏng việc, có thể làm chứng nghiệm cho các sách chia loại biên tập. . . gọi là sách Hải trình tập nghiệm” [7;429] nhằm giúp việc tuần tra đường biển được thuận tiện và an toàn. Khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8 trong năm triều Nguyễn huy động lực lượng thủy sư Kinh kì tập trung tuần tra giữ gìn an ninh vùng biển đảm bảo cho hoạt động giao thương của người dân. Đối với địa phận Quảng Yên, hàng năm “từ tháng giêng đến tháng 7, ở tỉnh theo lệ có phái thuyền đi tuần biển, nhân đó thám báo một thể; từ tháng 8 đến tháng 12, thời hậu chiều gió đã muộn, binh thuyền theo lệ rút về, thì phái người đi thuyền riêng, mỗi tháng một lần tới xét tình hình hiện tại báo về cho tỉnh” [7;779]. Đối với khu vực phía Nam, “duy mỗi khi đến tháng 5, mùa gió nam, giặc biển Đồ Bà thường xâm phạm các tỉnh phía nam, dòm lúc sơ hở đón cướp, tất phải phái thêm quân đi tuần cho yên giặc biển” [7;85-86]. Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, thời gian tuần tra mặt biển có thể diễn ra sớm hơn ví dụ năm 1838, vào tháng Giêng: “Phái quân ở Kinh đi tuần ngoài biển. Vua bảo bộ Binh rằng: “Trước đã giáng dụ, hàng năm binh thuyền ở Kinh đi tuần ngoài biển cứ tháng 2 thì phái đi, nay khi trời tạnh sang, đường biển thuận tiện, chính là kì thuyền buôn đi lại, phải dự trước việc canh phòng tuần 12 Vấn đề giặc biển dưới triều Minh Mạng (1820-1840) qua Đại Nam thực lục... tiễu, cho bờ biển được nghiêm” [7;242]. Bên cạnh lực lượng của triều đình, ngoài thời gian trên, việc tuần tra trên biển do lực lượng tuần phòng của các tỉnh đảm nhận. Chiếu chỉ của Minh Mạng vào năm 1836 có nói rõ: “hàng năm những tháng từ mùa xuân đến mùa thu, chính là khi thuyền công đi vận tải và thuyền buôn qua lại thì cho theo như lời bàn mà làm. Còn không phải những tháng ấy thì cho những viên đồn biển trích lấy 1,2 chiếc thuyền của dân đánh cá, số phu trên dưới 3, 5 người đủ dùng để kéo buồm bẻ lái cũng được. Trừ ngày nào nhân có gió mưa đi ra không tiện, còn mỗi ngày ra cửa đi lại tuần tra, cốt cho được đều đến những nơi giáp giới” [2;428]. Trách nhiệm tuần tra mặt biển giữa lực lượng nhà nước và các tỉnh được quy định cụ thể: “Thuyền đi tuần ở Kinh phái đi, tỉnh phái đi, ngày nào đi qua giới phận của biển nào, đều lấy đủ chữ biên nhận của viên coi giữ cửa biển để phòng tra xét” [7;341]. Sự sắp xếp đan xen về thời gian giữa lực lượng của triều đình và của các tỉnh giúp cho việc tuần tra trên biển được thực hiện liên tục quanh năm. Căn cứ vào quy định năm 1838 chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này: “Thuyền đi tuần do Kinh phái thì có hai đoàn Nam và Bắc. Mỗi đoàn phái đi đến 4,5 chiếc, chia làm 2 chuyến mỗi chuyến cách nhau 3, 5 ngày. Đại khái chuyến trước đến giữa hải phận thì chuyến sau mới từ đầu hải phận ra đi, chuyến sau đến giữa hải phận thì chuyến trước mới từ cuối hải phận trở lại. Lần lượt qua lại trong khoảng thuyền đi tuần của hải phận tỉnh và hải phận các đồn biển mà đôn đốc tất cả. Đi qua tỉnh nào mà không thấy thuyền tuần tra của tỉnh thì lập tức báo cho tỉnh để tham hạch trừng phạt” [2;432]. Tháng 5 năm 1838, vua Minh Mạng ra chiếu dụ “Nay chuẩn cho bộ Binh châm chước bàn định các tỉnh có phận biển nối liền nhau, việc tuần tiễu nên thế nào, định rõ chương trình, cốt được 10 phần chu đáo, khiến cho biết để tuân theo, không chút đùn đẩy, bàn định thỏa đáng kĩ càng tâu lên, theo thế mà làm” [7;340]. Bộ Binh sau bàn tâu lên rằng: “từ Bình Thuận trở ra Bắc đến Quảng Yên, các cửa biển ven biển có người canh giữ, thì đều theo phận biển tuần phòng, phàm những nơi phận biển hai cửa biển tiếp giáp nhau, do quan tỉnh sở tại đều dựng nêu ở trên bờ biển” [7;341]. Thuyền đi tuần của các tỉnh phái đi thì “theo mặt biển phận tỉnh tuần tiễu” [7;341], còn thuyền đi tuần Kinh phái thì “lần lượt đi lại ở khoảng các thuyền đi tuần ở phận tỉnh, phận cửa biển mà trông coi cả, thuyền nào sơ khoắng cũng lập tức báo tỉnh tham hặc” [7;341]. Lực lượng do triều đình và của tỉnh thực hiện việc tuần tra biển được trang bị nhiều loại vũ khí như “các hạng súng quá sơn, súng thần công, súng trường, cùng thuốc đạn, giáo dài, mác sắt, câu liêm, ống phun lửa, cầu đinh lửa, pháo thăng thiên cho đến quả đá, kim từ thạch, phàm tất cả dụng cụ thủy chiến” [2;432]. Nhà nước rất chú trọng tới việc đóng mới các loại thuyền chiến đảm bảo hiệu quả cho công việc đuổi bắt giặc biển. Nhằm hạn chế những khuyết điểm của các loại thuyền chiến như “ loại thuyền bọc đồng nhiều dây thì bọn giặc trông thấy ắt trốn xa từ trước. Nếu thuyền hiệu chữ Bình chữ Định, chất thuyền quá nặng, không thể chạy nhanh chóng bắt giặc được. Các thuyền Ô, Lê lại quá bé nhỏ, chỉ lợi đánh ở sông, đường biển sóng gió, gặp giặc không đuổi được đến cùng” [2;431] đến năm 1838 thuyền tuần dương ra đời vừa đảm bảo được sức mạnh và tốc độ khi chiến đấu “thuyền bọc đồng đi tuần biển (dài 4 trượng 4 thước 1 tấc, chiều ngang 1 trượng 4 tấc, trên làm một cái tràn đánh nhau giả). Các tỉnh ven biển cho theo kiểu thuyền đại dịch mà đóng, mỗi tỉnh hai chiếc, tỉnh nào phận biển rộng lớn thì 3, 4 chiếc, đều thì gọi là thuyền tuần dương” [7;341-342]. 2.4. Biện pháp đối phó với giặc biển Vua Minh Mạng thể hiện rõ sự kiên quyết trong việc trấn áp giặc biển. Nhà vua nhiều lần nhắc nhở lực lượng tuần phòng khi gặp giặc biển phải nhanh chóng triển khai mọi biện pháp để truy bắt tới cùng như “Nếu không có cờ, tức là thuyền của giặc, phải nhanh chóng đuổi, đánh, 13 Nguyễn Thu Hiền không được lầm lỡ” [2;425] hoặc “Nếu gặp giặc thì có thể ra biển đuổi cho đến cùng, kì bắt được mới thôi” [2;431] Giặc biển từ các triều Thanh, Chà Và, Ja Va đến và hoạt động trên vùng lãnh hải nhiều cửa biển cùng sông ngòi chằng chịt nên hành tung khi ẩn khi hiện, vô cùng phức tạp. Giặc biển còn sử dụng hình thức giả dạng thuyền buôn, thuyền đánh cá trà trộn ở lẫn với người dân thậm chí lợi dụng những địa bàn hoang vắng hiểm trở để gây dựng lực lượng hoạt động lâu dài. Vì vậy, các biện pháp cụ thể đối phó với giặc biển dưới triều Minh Mạng rất đa dạng như dùng vũ lực tấn công, ngụy trang thành thuyền buôn hoặc thuyền đánh cá, kết hợp với ngư dân, đặt đồn binh. . . Nhưng trước hết, vua Minh Mạng chủ động giao trách nhiệm rõ ràng đối với từng bộ, từng địa phương, từng cá nhân cùng với lệ thưởng phạt cụ thể. Việc phòng bắt giặc biển đặc biệt khó khăn do yếu tố khí hậu, phương tiện chiến đấu. Tính mạng của quan quân khi tham gia tuần tra, truy đuổi và bắt giặc biển luôn luôn bị đe dọa. Có lần, Minh Mạng đã chỉ rõ sự khiếp nhược của quan quân “toàn bởi các người tuần tiễu sợ hãi sóng gió, tất chờ lúc sóng lặng gió êm, mới dám đi ra ngoài biển xa, thì lúc đó còn có đâu giặc để đi bắt” [7;340]. Điển hình như vào năm 1838, vua Minh Mạng giao việc đóng thuyền đi tuần trên biển cho bộ Công, bàn soạn quy định trách nhiệm nghĩa vụ trong việc tuần tra trên biển cho bộ Binh thì “Hai việc ấy bắt hai bộ phải làm cho xong, nếu chương trình bàn định, gián hoặc có chỗ không chu đáo, để cho quan quân đi bắt giặc, còn có thể vin lời đùn đẩy, không chịu đem hết sức để bắt giặc, thì cứ hỏi tội ở bộ Binh. Nếu đóng thuyền đi tuần, xem thử không được nhanh tiện, thì cứ hỏi tội ở bộ Công. Nếu như chương trình đã rõ, kiểu thuyền đã tiện, mà các tỉnh không biết sửa sang quân thuyền, khí giới đốc thúc quan quân phái đi, để đánh bắt, không được việc, thì cứ hỏi tội ở quan địa phương. Đã sửa sang thuyền và đồ đánh giặc đầy đủ cả, mà quan quân đi bắt giặc vẫn sợ nhọc sợ khó, gặp giặc vẫn không bắt được, thì rõ là hèn nhát, dẫu có trăm miệng cũng không cãi được, đến lúc ấy, trẫm chỉ có đem pháp luật làm việc, quyết không khoan giảm một chút nào” [7;340]. Năm 1839, vua Minh Mạng định lệ thưởng phạt như sau: “Nếu bắt được thuyền giặc hạng lớn thì mỗi chiếc thưởng 100 quan tiền, hạng nhỏ thì mỗi chiếc thưởng 50 quan tiền, bắt sống được 1 đứa thì thưởng 30 quan tiền, chém được 1 cái đầu thì thưởng 20 quan tiền” [2;434]. Cụ thể như sự kiện năm 1838, Quản cơ Nguyễn Văn Do trấn áp giặc Đồ Bàn tại địa phận biển Lân Đà tỉnh Hà Tiên “chém được 8 đầu giặc, bắt được 1 đứa, còn thì rơi xuống nước chết, thu được thuyền bè, súng và khí giới. Việc ấy tâu lên, vua khen ngợi, thưởng cho Do được gia một cấp, một đồng cát tường bát bảo tiểu kim tiền và một chiếc áo nhung bong, suất đội đi chuyến ấy được thưởng kỉ lục 2 lần, Phi long ngân tiền hạng lớn 3 đồng, biền binh thưởng chung cho 300 quan tiền, quan tỉnh ấy là Lê Quang Huyên, Hoàng Quang Thông đều được thưởng gia một cấp” [7;344]. Đối với quan lại “Hải phận nào giặc biển nổi lên một lần mà viên trấn thủ và bộ biền hoặc sơ suất không nghe biết, hoặc là xét bắt không nhanh để đến nỗi bọn giặc chạy thoát thì đem viên thủ ngự ở hải phận sở tại giáng 4 cấp;quản vệ, quản cơ do tỉnh phái đều giáng 2 cấp” [2;433]. Ví dụ như năm 1838 khi “Thuyền Bắc tào đi quan phận biển cửa Nhượng tỉnh Hà Tĩnh, bị giặc biển cướp, việc ấy tâu lên, quan tỉnh và viên coi giữ cửa biển đều phải giáng chức” [7;344]. Năm 1835, trong chiếu dụ cho thuyền tuần biển ở tỉnh Quảng Nam, nhà vua cho rằng: “Thuyền của giặc ấy phần nhiều là nhanh nhẹn, chạy giỏi. Chiến đấu với nó, nếu là hơi xa, thì phải dùng đại bác, chỉ định vào mái chèo, bánh lái của thuyền giặc mà đánh tan, gần thì dùng câu liêm giật đứt dây buộc lái làm cho thuyền đổ nghiêng không chạy được thì tự khắc bị ta bắt được” [2;427]. Chiến thuật chiến đấu đối với giặc biển linh hoạt, đề cao sự phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng như “Trừ ngày có sóng có gió, không thể đi được, còn thì đều phải đi chóng về chóng, không được tự tiện đậu chỗ nào, để cho ở mặt biển liên lạc với nhau, nếu gặp thuyền giặc, tức thì tiến đến đánh bắt; ban ngày thì bắn 3 phát súng lớn, ban đêm thì đốt 5 quả pháo thăng thiên để làm 14 Vấn đề giặc biển dưới triều Minh Mạng (1820-1840) qua Đại Nam thực lục... hiệu” [7;341]. Đối với giặc biển giả danh, vua Minh Mạng cũng cho lực lượng của triều đình và tỉnh ngụy trang thành thuyền buôn hoặc thuyền đánh cá trà trộn do thám như năm 1838 “Lại kì đi tuần biển hàng năm, các địa phương xưa nay giặc nước Thanh thường vẫn ngầm đậu, liệu cho thuyền quân đi đến để đóng, hoặc bắt thuyền đại dịch giả làm thuyền buôn, tùy chỗ đậu yên, thấy có thuyền giặc đem đến bỏ neo hoặc nhận nhầm mà đón cướp, thì lập tức xông ra ập bắt, tự khắc bắt được” [7;341]. Triều đình khuyến khích việc truy bắt giặc cướp kết hợp với ngư dân địa phương. Ví dụ như vào giữa năm 1838 Minh Mạng nhận thấy “Lãnh binh tỉnh Hà Tiên Hoàng Quang Thông, 5,6 tháng nay khó nhọc lâu ở ngoài, chuẩn cho đem ngay biền binh phái đi trước về tỉnh nghỉ ngơi, trách ủy cho Án phủ Khai Quảng là Lê Quang, nguyên Phòng thủ úy là Nguyễn Văn Sĩ, đốc thúc thổ mục thổ dân sở tại rình bắt giặc trốn” [7;343]. Cụ thể là sự kiện vào tháng 3 năm 1839, tại vùng biển Quảng Yên, hộ thuyền đánh cá người Thanh hai đoàn là Khai Vĩ và Hà Cổ đã bắt bọn giặc cướp trà trộn gồm có “tướng giặc là Lý Công Tống và bọn chúng 16 tên bắt sống, 50 tên chém giết lấy cắt tai, cả thuyền mành khí giới đến dâng nộp ở trại quân” [7;475] nên ngoài việc được thưởng “100 đồng bạc hoa, 100 phương gạo” [7;475] còn được cho phép đánh bắt thủy sản và định cư lâu dài tại khu vực Quảng Yên. Triều Nguyễn “cấp cho thẻ bài của tỉnh, được ra biểu đánh cá làm ăn, trong thuyền đều không được mang theo khí giới vật cấm. Nếu có bọn giặc tụ họp ở hòn đảo nào, hoặc đi lại ở phận biển nào, biết ra sức bắt giải quan thì được thưởng, thông đồng chứa giấu thì bắt tội... ” [7;476]. Cá biệt với trường hợp giặc biển từ nơi khác đến đã gây dựng được địa bàn cùng lực lượng hoạt động lâu dài thì vua Minh Mạng giao cho quan lại lập đồn binh, kết hợp kiểm soát quân sự và khai khẩn đất đai, ổn định đời sống cho nhân dân. Biện pháp này giúp triều đình “vừa đóng giữ, vừa cày cấy, binh dân đều tiện, có thể thành một nơi yên vui, mà giặc yên lặng” [7;779]. Đó chính là trường hợp giặc biển nhà Thanh tại khu vực Chàng Sơn (thuộc đảo Vân Đồn) và Trường Sơn đều thuộc Quảng Yên. Đối với khu vực Chàng Sơn, tháng 5 năm 1838, Nguyễn Công Trứ tâu lên rằng: “Tự trước đến nay, từ tháng 8, 9 đến tháng 3, 4 người nhà Thanh có 500, 600 chiếc, tụ họp thành đoàn ở ngoài phận biển Quảng Yên đánh cá, phái thuyền quân ra, liền lại đi xa, mùa xuân năm nay đã phái người được việc ở địa phương ấy đi đến núi Chàng Sơn tra xét, có người phường Khai Vĩ là Lương Bình Tổ nói: “Phường của hắn, nhân khẩu kể đến hàng nghìn người, vốn là lương thiện, nếu được đánh cá ở ngoài biển, xin tự ra sức bắt giải bọn ác ở phường đánh lưới tôm” [7;337] và ông xin Minh Mạng cho khu vực này “cho tự trông coi, thì chúng được lợi, tự nhiên cùng ngăn cấm nhau, tưởng quan quân không đến tốn sức, mà giặc biển yên được” [7;338]. Nhưng lời bàn nghị của Nguyễn Công Trứ không được vua Minh Mạng chuẩn y. Vua Minh Mạng vừa cử Nguyễn Công Trứ đến “chỗ nào có thể đóng giữ được, liệu đặt đồn ải pháo đài, phái quân đóng giữ để làm kế lâu dài. Chiêu mộ dân đến ở, lập thành làng ấp, tùy tiện sinh nhai, cốt cho tin tức cùng thông” [7;338] vừa cử Giám thành suất đội là Lê Đức Hảo đi “cứ tỉnh ấy phái người hướng dẫn đến dải núi Chàng Sơn và hết thảy những hòn đảo ở hải phận, đi hết xem đo trên núi dưới núi, nơi nào có thể lập được pháo đài và đồn ải; vụng nước chỗ nào có thể đậu được binh thuyền; nơi nào có đất có thể trồng được, có suối có thể uống được. . . ” [7;339]. Đến tháng 9 năm 1838, “Tổng đốc Hải – An Nguyễn Công Trứ đem đại đội binh thuyền chia đường thẳng đến Chàng Sơn vây bắt giặc biển, chém tại trận được 1 đầu giặc, giặc bỏ thuyền lên bờ chạy, quan quân đuổi theo bắt, chém được nhiều. . . ” [7;380] và sau đó quân lính triều đình đóng đồn, tiếp quản hơn 500 mẫu đất đã được canh tác “Và ở Chàng Sơn thành điền đã được hơn 500 mẫu. Các lính ở đóng đồn cấp cho điền khí để khai khẩn trồng cấy, không ngoài 1 năm, chi tiêu thừa thãi, cũng không phải cấp gạo thêm lương” [7;381]. 15 Nguyễn Thu Hiền Đối với Trường Sơn (ở địa phận phía nam hạt Quảng Yên), sau nhiều lần binh thuyền tuần biển phái đi dò xét và thấy rằng ở đây “địa thế rộng xa, ruộng đất tốt màu, có thể cấy trồng được; lại có lợi về kiếm cá làm muối, nhờ đó mà trao đổi. Nhưng làng Hướng Hóa ở sở tại đấy, số người nước Thanh không đầy 200 người, đất rộng người ít, chưa thể khai khẩn hết được” [7;779]. Vì thế vua Minh Mạng đã thuận theo lời tâu của bộ Binh cho phép “đặt đồn, dựng rào sách làm nhà tam xã, cùng là xét cấp thuyền, súng, khí giới. . . mộ thêm 100 người nữa, đặt làm hai đội Tuần hải tam, tứ. . . chiêu mộ bọn tiểu dân nghèo túng, cho tụ tập làm ăn nuôi sống. Về bọn binh dân, có ai không tự sắm đủ đồ làm ruộng, nhà nước chi cấp cho, để ra sức mở mang khai khẩn” [7;779]. 3. Kết luận Như vậy qua khảo cứu Đại Nam thực lục và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đã phản ánh hiện trạng giặc biển dưới triều Minh Mạng (1820 - 1840) diễn ra vô cùng phức tạp. Vua Minh Mạng kiên quyết dẹp yên nạn giặc biển bằng nhiều hình thức khác nhau. Ý thức về chủ quyền biển đảo và giữ gìn an ninh biển đảo của truyền thống cha ông đã được vua Minh Mạng tiếp tục giữ gìn và phát huy.Với các chiếu dụ ban hành và thực thi, vấn đề giặc biển từng bước được nhà nước kiểm soát và quản lí nhằm tạo môi trường ổn định, an ninh để ngư dân yên tâm sinh sống đồng thời giữ vững chủ quyền lãnh hải quốc gia. Đây chính là một trong những đóng góp của vua Minh Mạng đối với lịch sử dân tộc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nội các triều Nguyễn, 2005. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3. Nxb Thuận Hóa. [2] Nội các triều Nguyễn, 2005. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. tập 5. Nxb Thuận Hóa. [3] Nội các triều Nguyễn, 2005. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6. Nxb Thuận Hóa. [4] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004. Đại Nam thực lục, tập 1. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [5] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004. Đại Nam thực lục, tập 2. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [6] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004. Đại Nam thực lục, tập 3. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [7] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004. Đại Nam thực lục, tập 5. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [8] Lê Tiến Công, 2007. “Vị thế của biển trong cái nhìn của các vua đầu triều Nguyễn”. Tạp chí Xưa và Nay, số 275 – 276, tr.45-48. [9] Ngô Văn Minh, 2009. “Biển đảo trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam”. Tạp chí Lịch sử quân sự , số 207, tr.14- 18. [10] Bùi Gia Khánh, 2010. “Thủy quân thời Gia Long và Minh Mệnh với công tác tuần tra kiểm soát vùng biển đảo”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5, tr.36-49. ABSTRACT The marine invaders under Ming Mang dynasty through Dai Nam thuc luc and Kham dinh Dai Nam hoi dien su le Many policies were created and carried out by the Minh Mang Dynasty (1820-1840). Searching Dai Nam thuc luc and Kham dinh Dai Nam hoi dien su le helped us learn a number of things about the marine invaders. Dai Nam thuc luc and Kham dinh Dai Nam hoi dien su le provide information about the sphere of action and nationality of the marine invaders. In addition, they shed light on the maritime organization and time spent on patrol at sea under the Ming Mang Dynasty.We can also see the details of Ming Mang’s policy toward marine invaders. The marine invader problem was controlled to provide a stable environment for fishermen and keep national sovereignty over the sea area. Keywords: Minh Mang, marine invaders, Dai Nam thuc luc and Kham dinh Dai Nam hoi dien su le. 16

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3871_nthien_5812_2178519.pdf
Tài liệu liên quan