Tài liệu Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống của các tộc người thiểu số ở nước ta hiện nay: Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị 27
VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG
CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ
Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Lý Hành Sơn*
Tóm tắt: Tín ngưỡng truyền thống của mỗi tộc người thiểu số ở nước ta có giá trị duy trì các nghi lễ và
lễ hội của đồng bào được hình thành trong quá trình lịch sử tộc người. Đặc biệt, gắn với đó là việc bảo tồn
các đặc trưng văn hóa tộc người như nhạc cụ, múa trong lễ hội, các bài hát và thơ cúng, nghệ thuật trang
trí trong các nghi lễ, nhiều loại ẩm thực dâng cúng, lễ phục, tranh thờ,... Trong bối cảnh toàn cầu hóa và
hội nhập, cần coi tín ngưỡng truyền thống tộc người thiểu số ở nước ta là di sản văn hóa; cơ quan chức
năng và ban ngành các cấp cần có giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy những yếu tố tích cực của
tín ngưỡng truyền thống, không để người dân bị lôi kéo theo tôn giáo ngoại lai.
Từ khóa: Bảo tồn, giá trị tín ngưỡng truyền thống, tộc người thiểu số.
Mở đầu*
Nước ta có 53 tộc người...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 455 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống của các tộc người thiểu số ở nước ta hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị 27
VẤN ĐỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG
CỦA CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ
Ở NƯỚC TA HIỆN NAY
Lý Hành Sơn*
Tóm tắt: Tín ngưỡng truyền thống của mỗi tộc người thiểu số ở nước ta có giá trị duy trì các nghi lễ và
lễ hội của đồng bào được hình thành trong quá trình lịch sử tộc người. Đặc biệt, gắn với đó là việc bảo tồn
các đặc trưng văn hóa tộc người như nhạc cụ, múa trong lễ hội, các bài hát và thơ cúng, nghệ thuật trang
trí trong các nghi lễ, nhiều loại ẩm thực dâng cúng, lễ phục, tranh thờ,... Trong bối cảnh toàn cầu hóa và
hội nhập, cần coi tín ngưỡng truyền thống tộc người thiểu số ở nước ta là di sản văn hóa; cơ quan chức
năng và ban ngành các cấp cần có giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy những yếu tố tích cực của
tín ngưỡng truyền thống, không để người dân bị lôi kéo theo tôn giáo ngoại lai.
Từ khóa: Bảo tồn, giá trị tín ngưỡng truyền thống, tộc người thiểu số.
Mở đầu*
Nước ta có 53 tộc người thiểu số, ngoài
một vài tộc người như Hoa, Khơ Me và
Chăm có phần lớn sống ở đồng bằng và
nông thôn vùng thấp, các tộc người còn lại
đều cư trú chủ yếu ở miền núi. Tại các khu
vực miền núi tài nguyên thiên nhiên vốn rất
phong phú nhưng cũng phức tạp, thường bị
chia cắt manh mún không thuận lợi cho phát
triển bền vững, nhất là đối với việc liên kết
cộng đồng tộc người. Trong khi đó, sự phân bố
dân cư, dân tộc lại không đều xét ở phương
diện lãnh thổ cũng như dưới khía cạnh tộc
người. Những tộc người có dân số ít, điểm xuất
phát thấp thường sống ở vùng sâu, vùng xa và
ngược lại. Tuy vậy, nhờ vai trò của tín ngưỡng
truyền thống, từ bao đời nay mỗi tộc người
thiểu số dù sinh sống ở vùng thấp hay vùng cao
đều đảm bảo tính liên kết cộng đồng cư trú
thông qua việc duy trì và phát huy các giá trị
tín ngưỡng, thông qua thực hành, các nghi lễ, lễ
hội hàng năm trong phạm vi gia đình, dòng họ
và bản làng.
Tín ngưỡng được hiểu là đức tin hay niềm
tin vào một lực lượng siêu nhiên, thần bí, tức
* TS. Viện Dân tộc học - Viện Hàn lâm Khoa học xã
hội Việt Nam.
tín ngưỡng không bao trùm lên tôn giáo mà
chỉ là bộ phận quan trọng cấu thành tôn giáo
(Nguyễn Văn Minh, 2009). Từ các chiều cạnh
tiếp cận, đã có nhiều nghiên cứu về tín
ngưỡng của tộc người thiểu số ở nước ta, nhất
là về những biểu hiện các hình thức tín
ngưỡng, sự chuyển đổi tín ngưỡng và ảnh
hưởng của nó đến đời sống văn hóa, xã hội tộc
người,... Song, vẫn còn thiếu những nghiên
cứu tổng thể, chuyên sâu về thực trạng tín
ngưỡng và giá trị của nó đối với việc duy trì
các yếu tố đặc trưng trong văn hóa phi vật thể
của các tộc người thiểu số dưới tác động của
toàn cầu hóa, giao lưu, hội nhập và bối cảnh
xây dựng nông thôn mới. Bởi vậy, bài viết này
chỉ xin đề cập tới vấn đề bảo tồn và phát huy
giá trị tín ngưỡng của tộc người thiểu số nước
ta hiện nay.
1. Khái quát về các hình thức tín
ngưỡng của các tộc người thiểu số
Từ một số nghiên cứu và kết quả điền dã
tại nhiều địa phương trong nhiều năm qua
cho thấy, ngoài một vài tộc người duy trì tôn
giáo truyền thống như Chăm, Khơ Me và
một bộ phận của các tộc người khác bị ảnh
hưởng tôn giáo mới nhất là đạo Tin lành và
Công giáo, đa số tộc người thiểu số ở nước ta
3 (43) - 2019: CHUYÊN ĐỀ: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY...
28
vẫn đang duy trì tín ngưỡng truyền thống
thông qua những nét tiêu biểu trong thế giới
quan dân gian, các hình thức thờ cúng, tổ
chức một số nghi lễ hoặc lễ hội trong phạm
vi gia đình và cộng đồng cư trú,... Các hình
thức tín ngưỡng này không chỉ góp phần bảo
tồn bản sắc tộc người, nhất là các yếu tố văn
hóa phi vật thể tiêu biểu, mà còn lưu giữ tính
đa dạng văn hóa Việt Nam trong bối cảnh
toàn cầu hóa và hội nhập.
Có thể kể tới một số hình thức tín ngưỡng
mang tính cộng đồng cư trú như: lễ cúng thần
bản/làng ở các tộc người Tày, Nùng, Thái, Sán
Chay, Dao, Cơ Lao, Pu Péo...; cúng thần rừng
và thần nước ở các tộc người Hà Nhì, Cống, Si
La...; lễ hội mùa xuân và cầu mùa ở phần lớn
các tộc người; lễ quét làng ở một số tộc người;...
Bên cạnh đó, mỗi dòng họ cũng có không ít
nghi lễ tín ngưỡng như: lễ cúng ma dòng họ ở
tộc người Hmông và nhiều tộc người khác, lễ
cúng ngày lập thu và tết nhảy ở tộc người Dao,...
Trong khi, mỗi gia đình còn có nhiều nghi lễ tín
ngưỡng như: các hình thức thờ cúng tổ tiên ở đa
số tộc người; cầu tự và lễ hội Gầu tào ở tộc
người Hmông; lễ cúng cơm mới ở các tộc người
Dao, Tày, Nùng, Si La,... Đặc biệt là các nghi lễ
vòng đời người như: sinh đẻ và nuôi con, cưới
xin, tang ma, gọi hồn và cúng chữa bệnh, cấp
sắc ở người Dao và một số tộc người khác..., kể
cả lễ bỏ mả của các tộc người tại chỗ Tây
Nguyên. Ngoài ra còn có các lễ tiết hàng năm,
gồm tết năm mới, tết Rằm tháng 7 âm lịch và
các lễ tiết khác theo âm lịch như: lễ tảo mộ ngày
mùng 3/3 hoặc vào đúng ngày Thanh minh, lễ
cúng ngày 6/6,...
2. Giá trị tín ngưỡng của các tộc người
thiểu số
Kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng, tín
ngưỡng truyền thống của các tộc người có
giá trị không chỉ về mặt tâm linh mà còn là di
sản văn hóa của mỗi tộc người. Bởi vì, tín
ngưỡng góp phần duy trì những đặc trưng
văn hóa tiêu biểu sau:
Thứ nhất, tín ngưỡng luôn phản ánh rõ nét
về thế giới quan dân gian của tộc người, đặc
biệt là thể hiện được đặc trưng về tri thức
truyền thống của tộc người mà đại diện là tầng
lớp tinh hoa của cộng đồng về thế giới xung
quanh con người, về sự sống và các hiện
tượng tự nhiên, về sức khỏe, bệnh tật và cái
chết, về sự phù hộ của thần linh đối với các
hoạt động của con người,... Từ đó nảy sinh ra
các hình thức tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên,
cúng các nhân thần và nhiên thần phù hộ sức
khỏe con người,... tín ngưỡng trong các hoạt
động sản xuất, chăn nuôi, săn bắt, trao đổi
mua bán, làm nghề thủ công,...
Thứ hai, tín ngưỡng góp phần duy trì các
yếu tố văn hóa vật thể tiêu biểu của mỗi tộc
người như: chữ viết và sách đối với một số tộc
người với mục đích ghi chép các chương trình
thực hành nghi lễ, các bài cúng, bài hát và
điệu múa dân gian; nhạc cụ, lễ phục, tranh
thờ; các loại đàn cúng bày ở trong nhà và
ngoài nhà trong suốt diễn trình nghi lễ; các lễ
vật dâng cúng và phục vụ nghi lễ; các hình
thức trang trí cho lễ đường và đàn cúng, tiền
giấy âm phủ,...
Thứ ba, bảo tồn ngôn ngữ tộc người và
các yếu tố phi vật thể của tín ngưỡng thông
qua quan niệm và vai trò của mỗi hình thức
thờ cúng, đặc biệt là nội dung phản ánh của
các bức tranh thờ, các bài cúng, bài hát,
múa, ý nghĩa các hiện vật bày cúng trong
mỗi nghi lễ, các bài nhạc của các loại nhạc
cụ, kể cả một số kiêng kỵ mang tính bảo vệ
môi trường...
Thứ tư, các hình thức tín ngưỡng thể hiện
qua quan niệm và việc thực hành các nghi lễ,
lễ hội không chỉ giúp duy trì các đặc trưng
văn hóa tộc người từ vật thể đến phi vật thể,
mà còn là môi trường để sáng tạo các đặc
trưng hoặc dị bản văn hóa mới, đặc biệt là các
loại hình nghệ thuật, những trò chơi dân gian,
ca, múa, nhạc phù hợp với bối cảnh mới...
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị 29
Thứ năm, ngoài việc giải tỏa các yếu tố
tâm linh, tâm lý và nhiều vấn đề khác liên
quan, các hình thức tín ngưỡng của tộc người
thể hiện qua các nghi lễ lớn hay nhỏ với phạm
vi thực hiện trong cộng đồng hay gia đình đều
là sự kiện quan trọng nhằm duy trì và phát
huy các tập quán tương trợ, đoàn kết, cố kết
giữa các gia đình trong cộng đồng cư trú cũng
như giữa các thành viên của dòng họ và trong
mỗi gia đình. Đồng thời, có ý nghĩa giáo dục
mỗi thành viên trong gia đình và cộng đồng,
nhất là đối với những người chủ gia đình và
trưởng dòng họ, góp phần vào việc ổn định xã
hội tộc người nói chung.
Thứ sáu, rất nhiều lễ thức, nội dung của
các hình thức tín ngưỡng, đặc biệt là các
bài cúng và hát cũng như diễn trình mỗi
nghi lễ và những yếu tố liên quan như lễ
vật dâng cúng, nghệ thuật trang trí, tranh
thờ,... của các nghi lễ tín ngưỡng đều là
những thông tin, tín hiệu, dữ liệu,... về
nguồn gốc, lịch sử và cách ứng xử với môi
trường tự nhiên và xã hội của mỗi tộc
người. Do vậy, thông qua các hình thức thờ
cúng, các nghi lễ tín ngưỡng, đặc biệt là
những nghi lễ lớn có thể nhận biết được
nguồn gốc lịch sử tộc người cũng như quá
trình di chuyển di cư, sự thích ứng với môi
trường tự nhiên và xã hội của tộc người đó
trong quá trình hình thành, tồn tại và phát
triển, kể cả các mối quan hệ tộc người.
Rõ ràng, trong bối cảnh cơ chế thị
trường và đô thị hóa, toàn cầu hóa và hội
nhập hiện nay, tín ngưỡng truyền thống của
các tộc người thiểu số ở nước ta ngày càng
được tô đậm thêm về giá trị bảo tồn các đặc
trưng văn hóa tộc người, góp phần duy trì
bức tranh văn hóa đa dạng của nước ta.
Điều này có nghĩa, tín ngưỡng truyền thống
là di sản vô cùng quý giá của mỗi tộc người
và của cả nước ta, cần có những giải pháp
phù hợp để bảo tồn, tránh sự chuyển đổi
sang các tôn giáo mới.
3. Vấn đề đặt ra, kiến nghị giải pháp cho
việc bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng
của các tộc người thiểu số trong bối cảnh mới
3.1. Một số vấn đề đặt ra
Từ năm 1986 đến nay, tín ngưỡng của các
tộc người đã được các cơ quan, ban ngành ở
địa phương quan tâm và khôi phục một số
hình thức đã mất nhằm phục vụ cho sinh hoạt
văn hóa quần chúng và phát triển du lịch,
tránh sự lôi kéo và xâm nhập của tôn giáo
ngoại lai. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, vẫn
có một số vấn đề đặt ra:
Một là, vấn đề biến đổi tín ngưỡng truyền
thống, nhất là mai một các nghi lễ liên quan tới
trồng trọt, chăn nuôi, nghề thủ công. Qua thời
gian, nhất là từ thời kỳ hợp tác xã, nhiều nghi
lễ nông nghiệp đã mai một: cúng thóc giống,
cúng ruộng nương vào dịp gieo cấy, cúng hồn
lúa,... Hiện nay, không ít nghi lễ nông nghiệp
trong gia đình chỉ kết hợp cúng ma nhà vào các
dịp tết; phạm vi cộng đồng cư trú còn có lễ
cúng thần rừng, lễ cầu mùa...; các nghi lễ cầu
mưa, cúng khi phát nương,... đã không còn
được duy trì ở một số tộc người. Việc mai một
đó là do sự biến đổi môi trường tự nhiên và
cách thức hoạt động kinh tế truyền thống, phải
chăng vấn đề đặt ra là cần quan tâm tới một số
nghi lễ mà nền nông nghiệp ở các tộc người
đang hướng tới, cụ thể là các nghi lễ liên quan
tới bảo vệ rừng, nghi lễ bảo vệ tài nguyên nước
và môi trường sông suối, nghi lễ tổ nghề mới,...
Hai là, vấn đề gia tăng sự ảnh hưởng của
nhiều tôn giáo mới với việc duy trì tín
ngưỡng truyền thống. Hiện nay, một bộ
phận người dân các tộc người từ Tây
Nguyên, duyên hải miền Trung,... đến miền
núi phía Bắc đã bị ảnh hưởng từ một số tôn
giáo mới, nhất là Tin lành và Công giáo. Họ
đã bỏ bàn thờ tổ tiên, chỉ thờ chúa Giê-su,
nên đã từ bỏ các hình thức thờ cúng truyền
thống. Tình hình này tuy làm phong phú văn
hóa của một số tộc người, song nếu tín
ngưỡng truyền thống không tự biến đổi kịp
thời và cùng với đó là đổi mới một số hình
thức thờ cúng cho phù hợp bối cảnh mới thì
3 (43) - 2019: CHUYÊN ĐỀ: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY...
30
theo thời gian, số người dân bị lôi kéo theo
tôn giáo mới sẽ ngày càng đông.
Ba là, vấn đề tự đổi mới các hình thức tín
ngưỡng và thờ cúng cho phù hợp với sự biến đổi
môi trường tự nhiên, xã hội, trình độ nhận thức
của người dân, nhất là bối cảnh toàn cầu hóa với
việc gia tăng ảnh hưởng các tôn giáo ngoại lai.
Do tín ngưỡng truyền thống đã có lâu đời với
các hình thức thờ cúng chủ đạo là tổ tiên, thổ
địa, thần rừng và nước, thần lúa gạo, thần chăn
nuôi,... Hiện nay do môi trường thay đổi xuất
hiện nhiều hoạt động sinh kế mới và nhận thức
của người dân được nâng cao, nhiều yếu tố tín
ngưỡng và nghi lễ truyền thống không còn phù
hợp, cần đổi mới như tín ngưỡng đa thần đối
với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi...; quan
niệm về các loại ma làm hại;...
Bốn là, vấn đề duy trì đội ngũ các thầy
cúng - những người am hiểu, trực tiếp thực
hành các nghi lễ, gìn giữ các vật thể văn hóa
liên quan tới các hình thức tín ngưỡng,... Đội
ngũ này là linh hồn của việc duy trì các giá trị
tín ngưỡng, nghi lễ, lễ hội và gắn với đó là các
di sản văn hóa tộc người. Họ vừa hiểu biết
tường tận về các nghi lễ và các đặc trưng văn
hóa tộc người, vừa là người thực hành các
hình thức thờ cúng, nghi lễ, lễ hội. Nếu nơi
nào không có hoặc mất đi đội ngũ đó, sẽ
không có người chủ trì các nghi lễ thờ cúng
cộng đồng và gia đình, nhất là thực hành các
nghi lễ truyền thống trong cưới xin, tang
ma..., do đó người dân sẽ tìm đến tôn giáo
mới. Trường hợp đội ngũ này khan hiếm và bị
ảnh hưởng cơ chế thị trường khi thực hành các
nghi lễ nhằm vụ lợi cá nhân thì cũng tạo ra bất
cập đối với việc duy trì và phát huy giá trị tín
ngưỡng truyền thống. Qua kết quả khảo sát tại
một số địa phương cho thấy, nhiều nơi nhiều
tộc người hiện tại rất khan hiếm thầy cúng,
nhất là các tộc người có dân số ít như Cống,
Si La ở tỉnh Lai Châu (1); Pu Péo, Cơ Lao, Lô
Lô ở Hà Giang (2); kể cả các tộc người Tày,
Nùng, Thái, Hmông, Dao, Mnông,... ở một số
địa phương (3);...
Năm là, vấn đề mang lại lợi ích cho người dân
và cộng đồng bản làng đối với việc phát huy các
giá trị tín ngưỡng truyền thống trong bối cảnh cơ
chế thị trường, hội nhập và phát triển du lịch,...
Đây là vấn đề khó cho nhiều địa phương cũng
như các ngành văn hóa, du lịch,... Tuy vậy, hiện
nay có một số địa phương, nhất là những nơi
thuận tiện phát triển du lịch như các huyện thuộc
Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Cao
nguyên đá Đồng Văn đã có cơ hội gắn giá trị tín
ngưỡng truyền thống tộc người với du lịch nhằm
tạo ra thu nhập cho người dân. Song, liên quan tới
vấn đề này là cần đảm bảo tính thiêng liêng các
nghi lễ, lễ hội tín ngưỡng mỗi khi gắn với đời
sống tâm linh của đồng bào thì mới không làm
cho các hình thức tín ngưỡng, diễn trình của các
nghi lễ, lễ hội bị thương mại hóa do phát triển du
lịch, bởi nếu như vậy sẽ dễ đánh mất giá trị tín
ngưỡng truyền thống vốn có của tộc người.
Bên cạnh đó, còn không ít vấn đề như: vấn
đề cải biến nghi lễ tín ngưỡng cho phù hợp
với bối cảnh mới; vấn đề đưa một số lễ thức
của những nghi lễ lớn thành sinh hoạt văn hóa
quần chúng phục vụ cho du lịch;...
3.2. Kiến nghị giải pháp nhằm bảo tồn và
phát huy giá trị tín ngưỡng của các tộc
người thiểu số trong bối cảnh mới
Về quan điểm, trong bối cảnh hiện nay rất
khó bảo tồn nguyên gốc, mà chỉ phát huy các
giá trị để hài hoà giữa cái cũ với cái mới. Theo
đó, bảo tồn các giá trị tín ngưỡng của tộc người
không nhất thiết phải giữ nguyên bản truyền
thống, vì biến đổi văn hoá đôi khi là động lực
cho phát triển. Do vậy, một số kiến nghị mang
tính giải pháp ở đây về bảo tồn và phát huy giá
trị tín ngưỡng của tộc người thiểu số nước ta
luôn gắn với sự biến đổi cho phù hợp với bối
cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.
- Đối với việc đổi mới chính sách về văn
hóa, tín ngưỡng
Cần tiếp tục triển khai các chương trình
biên dịch, nghiên cứu chuyên sâu về hệ
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị 31
thống các tín ngưỡng cổ truyền thông qua
các hình thức thờ cúng và các nghi lễ, lễ hội
của các tộc người nhằm xây dựng bức tranh
tổng thể về hệ giá trị tín ngưỡng của các tộc
người thiểu số ở nước ta. Kết quả nghiên
cứu còn là nhân tố quan trọng giúp các địa
phương và các tộc người nâng cao ý thức
gìn giữ những yếu tố tiêu biểu trong tín
ngưỡng, nhất là các hình thức thờ cúng và
các nghi lễ, lễ hội truyền thống phục vụ co
nhu cầu tâm linh và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thêm công tác
tuyên truyền, vận động mỗi người dân tộc thiểu
số, nhất là các trí thức của họ thực hành
nghiêm cẩn các nghi lễ tín ngưỡng của tộc
người mình trong phạm vi cộng đồng, dòng họ,
gia đình. Thông qua đó, giáo dục cá nhân và
cộng đồng nhận thức rõ hơn về các giá trị của
đời sống văn hóa cũng như các thành tựu mà
chính sách của Đảng, Nhà nước mang lại để
người dân hôm nay có cuộc sống ổn định cả về
vật chất và tinh thần, nhưng vẫn giữ được các
đặc trưng văn hóa của tộc người.
Theo Luật Di sản văn hóa, Nhà nước tăng
cường các nguồn lực để: Xây dựng các thiết
chế văn hóa cơ sở; Tổ chức kiểm kê, phân loại
di sản văn hóa các tộc người thiểu số, trong đó
có giá trị tín ngưỡng; Xây dựng kế hoạch
bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
trong đời sống đương đại, bao gồm bảo tồn
động và bảo tồn tĩnh; Xây dựng chính sách
đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân tộc người
thiểu số đang nắm giữ và có công phổ biến
nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề
nghiệp có giá trị đặc biệt; Tạo nguồn kinh
phí hỗ trợ các nghệ nhân tổ chức các lớp
trao truyền tri thức, kinh nghiệm trong dòng
họ, gia đình, cộng đồng,...
Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị tín
ngưỡng của tộc người thiểu số đòi hỏi nỗ lực từ
hai phía: Nhà nước và người dân. Nhà nước
đảm bảo về chính sách, cơ chế quản lý linh
hoạt, các thiết chế cơ sở phù hợp, hỗ trợ bảo
tồn dưới dạng tĩnh,... Người dân không chỉ vừa
là chủ thể vừa là người thực hành các hình thức
thờ cúng, các nghi lễ và lễ hội của tộc người
mình, mà còn là người quyết định việc duy trì
hay chuyển đổi, thậm chí bỏ bớt đi những chi
tiết trong mỗi nghi lễ hoặc những nghi lễ
không còn phù hợp với cuộc sống mới.
- Đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã
hội ở vùng tộc người thiểu số
Một thực tế là tộc người hay một bộ phận
sinh sống ở những nơi còn khó khăn về điều
kiện cơ sở vật chất thì khả năng lưu giữ, thực
hành các hình thức tín ngưỡng của tộc người sẽ
càng nhiều hơn, nghĩa là sự “lạc hậu” đôi khi tỷ
lệ thuận với hoạt động bảo tồn di sản văn hóa
tộc người. Song, đây cũng là vấn đề dễ bị thế
lực thù địch và tôn giáo ngoại lai lợi dụng, do
vậy cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội kết
hợp nâng cao trình độ dân trí cho các tộc người
ở các vùng miền. Đó là mục tiêu, tác động trực
tiếp đến các hoạt động văn hóa tại cơ sở, bao
gồm phát huy các giá trị tín ngưỡng. Khi người
dân có cuộc sống ổn định, có trình độ hiểu biết
thì việc vận động họ duy trì và phát huy giá trị
tín ngưỡng truyền thống sẽ rất thuận lợi, mà
không bị tôn giáo ngoại lai lợi dụng.
Hơn nữa, phát triển kinh tế - xã hội kết
hợp nâng cao dân trí cho người dân ở mọi
vùng miền còn góp phần hình thành những
giá trị văn hóa mới trong quá trình bảo tồn,
phát huy các di sản văn hóa và giá trị tín
ngưỡng truyền thống của tộc người, khiến
cho các di sản và giá trị tín ngưỡng ngày
càng phong phú, phù hợp với đời sống
đương đại. Qua đó, gìn giữ được bản sắc tín
ngưỡng riêng ở mỗi tộc người trên cơ sở
vừa có yếu tố truyền thống vừa có yếu tố
đương đại - bản sắc có sức đề kháng để “hòa
nhập mà không hòa tan” trong quá trình hội
nhập với văn hóa, văn minh của nhân loại.
Đây cũng chính là nhằm giải quyết tốt hơn
vấn đề tự đổi mới các hình thức thờ cúng,
các nghi lễ và lễ hội truyền thống cho phù
hợp với bối cảnh mới, để không bị coi là
“lạc hậu”, nhưng quan trọng nhất là vẫn giữ
được hầu hết các giá trị truyền thống mà
không bị tôn giáo khác lợi dụng, lôi kéo.
3 (43) - 2019: CHUYÊN ĐỀ: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY...
32
- Đối với các ban, ngành, đoàn thể ở
địa phương
Người dân và cộng đồng tộc người thiểu số
ở mỗi địa phương cần được tuyên truyền
thường xuyên để họ tự ý thức về giá trị tín
ngưỡng cổ truyền; cần được tham gia có hiệu
quả vào công tác phát huy bản sắc của tộc
người mình. Vì vậy, các ban, ngành ở địa
phương không nên áp đặt mà cần kiên trì
tuyên truyền, khuyến khích đồng bào lựa chọn
đúng hướng, phù hợp với nhu cầu cá nhân, gia
đình, cộng đồng nhưng vẫn giữ được giá trị
các hình thức tín ngưỡng, các nghi lễ, lễ hội
truyền thống. Vấn đề là lớp trẻ hiện nay ít chú
trọng tới văn hóa tộc người mình, bởi họ sớm
giao lưu với bên ngoài và sống trong môi
trường văn hóa hiện đại. Song, do lớp trẻ là
chủ nhân tương lai, nên các ban, ngành và
đoàn thể ở địa phương cần gia tăng thời lượng
tuyên truyền cho họ hiểu và biết trân trọng các
giá trị văn hóa của tộc người mình, trong đó
có tín ngưỡng truyền thống:
i) Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ
cơ sở về vai trò tín ngưỡng của các dân tộc ở
địa phương. Từ đó, cán bộ cơ sở sẽ được củng
cố thêm ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, tích
cực phối hợp với các trưởng thôn/làng, các
trưởng họ, các thầy cúng cùng tham gia duy
trì, thực hành nghiêm cẩn các hình thức thờ
cúng, nghi lễ tín ngưỡng, nhằm phát huy và
làm phong phú thêm bản sắc các dân tộc trên
địa bàn, tạo điều kiện hướng tới phát triển du
lịch thông qua các hình thức quảng bá.
ii) Phát huy hơn nữa vai trò các đoàn thể
như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... Đặc
biệt, cần đưa nội dung tuyên truyền về bảo tồn
giá trị tín ngưỡng vào các cuộc sinh hoạt của
hội, thôn/làng; vận động các thành viên các
hội, nhất là Hội Người cao tuổi để nhắc nhở
con cháu giữ gìn các nghi lễ tín ngưỡng.
iii) Tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng, vì hiện nay đa số các gia
đình đều có tivi, sử dụng điện thoại,... Cần gia
tăng chương trình về trang tin địa phương giới
thiệu các dân tộc ở nước ta để đồng bào thấy
sự phong phú trong văn hóa các dân tộc, sẽ
thêm trân trọng bản sắc dân tộc mình, nhất là
các nghi lễ tiêu biểu gắn với đó là lễ phục,
nhạc cụ, tranh thờ, nghệ thuật trang trí,...
iv) Các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương
cần phát triển đội văn nghệ thôn/làng với
nhiều tiết mục trích xuất từ các nghi lễ của tộc
người và khuyến khích các đội văn nghệ này
hoạt động thường xuyên, kết hợp biểu diễn
cùng với đội thông tin lưu động của xã, huyện
và biểu diễn trong các nghi lễ dân tộc.
v) Cộng đồng các bản/làng là chủ thể các
nghi lễ, lễ hội, ngoài tuyên truyền cho đồng
bào có ý thức tự giữ gìn, các ban ngành và
đoàn thể cần thu hút họ vào các buổi sinh hoạt
văn hoá dân tộc ở địa phương. Song, cần có
chế độ tôn vinh những thầy cúng có uy tín,
trưởng họ giữ được nhiều hình thức thờ cúng,
nghi lễ, lễ hội cổ truyền, nhằm khuyến khích
họ trao truyền lại cho thế hệ trẻ.
- Đối với mỗi gia đình và cộng đồng bản/làng
Mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng bản/làng
tộc người thiểu số và cá nhân thầy cúng cần thấy
rõ việc thực hành các hình thức thờ cúng theo tín
ngưỡng của mình là vinh dự, góp phần duy trì
bản sắc tộc người. Việc tổ chức các nghi lễ, lễ
hội của tộc người cần tiết kiệm thời gian, công
sức và tiền của, song không vì thế mà giản lược,
bỏ qua những chi tiết đặc trưng, tức cần làm đầy
đủ: từ cách trang trí không gian, dựng đàn cúng,
sử dụng đầy đủ các lễ phục, lễ vật, nhạc cụ,
tranh thờ,... cho đến các bước diễn trình, các bài
cúng, múa, bùa chú, phép thuật, kiêng kỵ. Việc
đổi mới cần đảm bảo không làm mất giá trị của
truyền thống, nhưng sẽ giảm được thời gian, bởi
vì đa số chi tiết nếu làm đúng tập quán sẽ ít tốn
kém. Sự lãng phí hiện nay chủ yếu do thương
mại hóa, đua đòi về lễ vật dâng cúng, tổ chức ăn
uống đa dạng món ăn, trang hoàng nghi lễ, mời
khách đến đông,...
Trên cơ sở thực hành đủ các hình thức thờ
cúng, nghi lễ và lễ hội đúng theo tập quán thì
mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng và thầy cúng
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị 33
có uy tín cần tự giác phát huy vai trò giáo dục
con em giữ lấy những giá trị truyền thống như
tiếng nói, chữ viết nếu có, các nghi lễ của gia
đình hoặc trong dòng họ, cộng đồng bản/làng.
Thời điểm nông nhàn cuối năm, trưởng họ
và thầy cúng có uy tín nên xin phép chính
quyền địa phương mở lớp học theo tập quán
tộc người để dạy cho lớp trẻ về các giá trị trong
tín ngưỡng của tộc người mình, về các bài cúng
lễ, múa, cách sử dụng nhạc cụ dân tộc, diễn
trình một số nghi lễ lớn,... Tuy nhiên, lớp trẻ
hiện nay thường không thích văn hóa dân tộc
mình nhưng lại tiếp thu rất nhanh luồng văn
hóa mới, do đó đòi hỏi sự nỗ lực thuyết phục
của lớp người già, nhất là trợ giúp của trưởng
thôn, trưởng dòng họ, chủ mỗi gia đình. Việc
làm này có ý nghĩa rất lớn, bởi vì tín ngưỡng
và các nghi lễ, lễ hội liên quan là tài sản quý
giá của thế hệ trước dành tặng cho thế hệ kế
tiếp, nếu chủ nhân văn hóa bảo tồn không tốt
thì sẽ làm đứt mạch với quá khứ, tạo nguy cơ
mai một các đặc trưng của văn hóa truyền
thống, mở đường cho tôn giáo mới xâm nhập.
Kết luận
Ở nước ta, tín ngưỡng cổ truyền của các
tộc người thiểu số rất phong phú, thể hiện qua
thế giới quan dân gian, các hình thức thờ
cúng, nghi lễ, lễ hội diễn ra hàng năm trong
mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng cư trú. Nó
có giá trị bảo tồn văn hóa tộc người: từ tập
quán tương trợ, truyền thống giáo dục, cố kết
cộng đồng,... đến việc duy trì lễ phục, nhạc
cụ, các điệu múa, bài cúng,...
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, có không ít
vấn đề đang đặt ra. Đó là: sự mai một đi một
số hình thức thờ cúng, nghi lễ và lễ hội, nhất
là những nghi lễ liên quan tới trồng trọt, thủ
công gia đình; đạo Tin lành xâm nhập vào
một vài tộc người ở một số địa phương; lớp
trẻ ít quan tâm đến việc học hỏi để trở thành
những người có khả năng thực hành các nghi
lễ tín ngưỡng truyền thống;...
Vì vậy, rất cần những giải pháp thiết thực
với thực tiễn mỗi địa phương để bảo tồn, phát
huy các giá trị tín ngưỡng của các tộc người.
Trong đó đặc biệt chú ý tới một số giải pháp
như: đổi mới chính sách văn hóa, tín ngưỡng;
phát triển kinh tế - xã hội ở vùng tộc người
thiểu số; nâng cao nhận thức và vai trò của
các ban ngành, đoàn thể địa phương; phát huy
vai trò của chủ thể tín ngưỡng;...
L.H.S
___________________
1. Lê Minh Anh và Hoàng Lê Thảo (Chủ
nhiệm, 2019), Ảnh hưởng của một số yếu tố văn
hóa tới chăm sóc sức khỏe của hai tộc người Cống
và Si La ở tỉnh Lai Châu, Báo cáo kết quả thực
hiện đề tài cấp Bộ, lưu tại Thư viện Viện Dân tộc
học, Hà Nội.
2. Tư liệu điền dã tháng 4-2019 của Lý
Hành Sơn.
3. Lý Hành Sơn (Chủ nhiệm, 2012), Một số
vấn đề cơ bản về dân tộc - tôn giáo trong phát
triển bền vững các tỉnh biên giới Việt Nam, Báo
cáo kết quả thực hiện đề tài cấp Bộ, lưu tại Thư
viện Viện Dân tộc học, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo khác
1. Nguyễn Văn Minh (2006), “Một số vấn đề
về Tin lành ở Tây Nguyên hiện nay”, Tạp chí Dân
tộc học, số 4.
2. Nguyễn Văn Minh (2009), Tôn giáo tín
ngưỡng của người Ve ở Việt Nam, Nxb. Khoa học
xã hội, Hà Nội.
Lý Hành Sơn: Preserving and promoting traditional beliefs of ethnic minorities in our
country today
Traditional beliefs of an ethnic minority are the values, maintaining people’s rituals and festivals formed in the
history of ethnic development. In particular, they are associated with preservation of ethnic cultural features such
as musical instruments, dance in festivals, songs and worship poetry, decorative arts in rituals, various types of
offerings, costumes, worship paintings,... It is necessary to recognize tradition beliefs of ethnic minorities in our
country as cultural heritage, especially in the context of globalization and integration. Authorities and
departments at all levels should work out practical solutions to preserve and promote the positive elements of
traditional beliefs, to prevent ethnic people to be induced by exotic religions.
Keywords: Preservation, values of traditional religious, ethnic minorities.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- van_de_bao_ton_va_phat_huy_gia_tri_tin_nguong_truyen_thong_cua_cac_toc_nguoi_thieu_so_o_nuoc_ta_hien.pdf