Tài liệu Vai trò và vị trí của phật giáo trong đời sống chính trị nhật bản thời cổ - Trung đại: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0017
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 110-115
This paper is available online at
VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA PHẬT GIÁO
TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI
Trần Nam Trung
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Thế kỉ VI được các nhà nghiên cứu xem là mốc Phật giáo chính thức du nhập
vào Nhật Bản. Được sự nâng đỡ của chính quyền, Phật giáo đã phát triển nhanh chóng và
thu hút được đông đảo các tầng lớp cư dân trong xã hội Nhật Bản. Sự phát triển mạnh mẽ
của Phật giáo ở Nhật Bản là điều kiện thuận lợi để tôn giáo này không ngừng phát huy ảnh
hưởng sâu rộng của nó trong đời sống chính trị Nhật Bản. Bài báo này sẽ phân tích để chỉ
ra vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại.
Từ khóa: Nhật Bản, thời kì cổ - trung đại, Phật giáo, vai trò và vị trí.
1. Mở đầu
Nghiên cứu về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng ở Nhật Bản thời cổ - trung đại đã th...
6 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 479 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò và vị trí của phật giáo trong đời sống chính trị nhật bản thời cổ - Trung đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0017
Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 110-115
This paper is available online at
VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA PHẬT GIÁO
TRONG ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI
Trần Nam Trung
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Thế kỉ VI được các nhà nghiên cứu xem là mốc Phật giáo chính thức du nhập
vào Nhật Bản. Được sự nâng đỡ của chính quyền, Phật giáo đã phát triển nhanh chóng và
thu hút được đông đảo các tầng lớp cư dân trong xã hội Nhật Bản. Sự phát triển mạnh mẽ
của Phật giáo ở Nhật Bản là điều kiện thuận lợi để tôn giáo này không ngừng phát huy ảnh
hưởng sâu rộng của nó trong đời sống chính trị Nhật Bản. Bài báo này sẽ phân tích để chỉ
ra vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại.
Từ khóa: Nhật Bản, thời kì cổ - trung đại, Phật giáo, vai trò và vị trí.
1. Mở đầu
Nghiên cứu về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng ở Nhật Bản thời cổ - trung đại đã thu
hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Qua các công trình ấy, các
tác giả đã ít nhiều đề cập đến vai trò, vị trí của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng trong các
lĩnh vực văn hóa, chính trị, tư tưởng... ở Nhật Bản. Nhà nghiên cứu I Shida Kazuyoshi khi đánh giá
về vai trò của Phật giáo đối với văn hóa Nhật Bản cho rằng Phật giáo có vị trí còn lớn hơn cả Nho
giáo và Âm dương đạo [2;122]. George Sansom ví Phật giáo như con chim thần kì mang đến đất
Nhật những nhân tố mới mà tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc Nhật chưa đủ sức làm được [6;101].
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kim nhìn nhận Phật giáo là phương tiện quan trọng nhất trong việc
truyền tải văn minh Trung Hoa vào Nhật Bản [3;42]. Kitagawa trong công trình nghiên cứu về tôn
giáo Nhật Bản bước đầu chỉ ra mối quan hệ và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật
Bản [4;19].Tác giả Phan Hải Linh khi nghiên cứu về trang viên cho rằng Phật giáo đã trở thành
một trong ba thế lực phong kiến lớn nhất trong xã hội Nhật Bản [5;78]. Tác giả Dương Ngọc Dũng
nhận định mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị ở Nhật là sợi chỉ xuyên suốt minh họa cho sự
hình thành bản lai diện mục của tất cả các tôn giáo ở đây [1;59]... Tuy nhiên, chưa có tác giả nào
nghiên cứu một cách hệ thống về vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản
thời cổ - trung đại. Trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, tác giả bài báo
sẽ cố gắng làm rõ hơn vấn đề này.
Ngày nhận bài: 15/12/2015. Ngày nhận đăng: 10/3/2016
Liên hệ: Trần Nam Trung, e-mail: halantrung@gmail.com
110
Vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vai trò của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại
Từ khi chính thức du nhập (thế kỉ VI) đến thế kỉ XIX, Phật giáo đã thiết lập mối quan hệ
chặt chẽ với chính quyền Nhật Bản và để lại những ảnh hưởng nhiều mặt trong đời sống chính trị
của quốc gia này. Thông qua việc tham gia vào đời sống chính trị đất nước, Phật giáo đã thể hiện
vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Nhật Bản.
Thứ nhất: Phật giáo là nhân tố quan trọng để thống nhất quốc gia và củng cố chính quyền
phong kiến Nhật Bản trong những thời kì lịch sử nhất định. Vai trò này của Phật giáo nổi bật nhất
trong các thế kỉ VI - VII, khi Nhật Bản đang cố gắng xây dựng một nhà nước phong kiến trung
ương tập quyền theo mô hình Trung Quốc và thời Mạc phủ Tokugawa, khi Phật giáo được sử dụng
như một phương tiện quan trọng để chống lại Thiên Chúa giáo và kiểm soát người dân một cách
chặt chẽ. Sở dĩ Phật giáo trở thành nhân tố để thống nhất Nhật Bản là do bối cảnh lịch sử của nước
Nhật cùng với sức mạnh tự thân của tôn giáo này quyết định. Vào thế kỉ VI, tổ chức bộ máy nhà
nước của Nhật Bản còn hết sức lỏng lẻo mà bản chất chỉ là sự tập hợp của các tiểu quốc nhỏ. Trong
khi đó, sức mạnh của Trung Quốc và các nước trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng khiến Nhật
Bản vừa ngưỡng mộ, vừa lo ngại khi nhận thấy sự yếu kém của mình. Tín ngưỡng đa thần của các
thị tộc lúc đó là cơ sở cho việc duy trì tình trạng phân tán và trở thành lực cản lớn đối với việc xây
dựng nhà nước thống nhất tập quyền. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo cấp tiến đã nhận thấy:
muốn thống nhất đất nước thì trước hết phải thống nhất về tín ngưỡng và Phật giáo với những ưu
thế so với tín ngưỡng bản địa (tư tưởng triết lí sâu sắc, giáo lí kinh điển đồ sộ và lễ nghi hấp dẫn)
đã được giới cầm quyền Nhật Bản lựa chọn trở thành chất keo để thống nhất tín ngưỡng khi đó.
Việc du nhập Phật giáo vào Nhật Bản không những góp phần củng cố sự thống nhất tín ngưỡng
quốc gia mà còn dẫn đến sự ra đời của nhà nước tập quyền theo mô hình Trung Quốc. Đây là sự
kiện có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu bước chuyển đổi của mô hình nhà nước Nhật Bản từ liên minh
của các tiểu quốc sang nhà nước tập trung thống nhất. Sau khi cải cách Taika được thực hiện năm
646, cùng với Thần đạo và Nho giáo, Phật giáo tiếp tục được chính quyền ủng hộ và sử dụng như
một phương tiện để củng cố sự thống nhất nhân tâm của cư dân trong nước. Các tông phái Phật
giáo thời Nara, Heian; Thiền tông thời Kamakura đều trở thành Phật giáo trấn quốc, gắn bó và
phục vụ cho chính quyền. Trong lịch sử Nhật Bản, chưa có thời kì nào mà Phật giáo lại gắn bó mật
thiết đồng thời cũng bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ như thời Tokugawa. Với việc ban hành chế
độ đàn gia (danka seido) quy định mọi người dân phải đăng kí hộ khẩu tại một ngôi chùa ở địa
phương và vĩnh viễn không được rời bỏ nơi cư trú của mình nếu không được phép của vị sư Trụ trì
ngôi chùa đó, Phật giáo đã bị Mạc phủ biến thành cánh tay đắc lực của nhà nước nhằm kiểm soát
và khống chế người dân trong trật tự mà chính quyền mong muốn. Chế độ đàn gia là một trong
những nhân tố đã góp phần duy trì, củng cố sự thống trị của chính quyền Mạc phủ Tokugawa trong
gần 3 thế kỉ.
Thứ hai: Phật giáo là một thế lực lớn, tham gia vào các cuộc đấu tranh để tranh giành
quyền lực ở Nhật Bản. Cùng với sự hình thành và phát triển của chế độ phong kiến Nhật Bản, Phật
giáo cũng không ngừng mở rộng ảnh hưởng và trở thành một thế lực phong kiến lớn. Chính sách
nâng đỡ của nhà nước là một trong những nguyên nhân chính tạo điều kiện để Phật giáo tăng cường
thế lực và can dự ngày càng sâu hơn vào các hoạt động của chính quyền. Sức mạnh của nhiều tông
phái Phật giáo vốn bắt nguồn từ quyền sở hữu của nó đối với hệ thống trang viên rộng lớn. Ngay
trong giai đoạn đầu hình thành chế độ trang viên ở Nhật Bản, các chùa lớn như Todaiji (Đông Đại
tự), Daianji (Đại An tự), Horyuji (Pháp Long tự)... thông qua các con đường khác nhau đã nắm
trong tay hàng loạt những trang viên lớn nhỏ. Theo nghiên cứu của Phan Hải Linh, chùa Đông Đại
111
Trần Nam Trung
có hơn 100 sở lãnh với tổng diện tích hơn 4000 ha; chùa Đông có khoảng 70 sở lãnh, tổng diện
tích hơn 2000ha; chùa Hưng Phúc có 150 sở lãnh, tổng diện tích khoảng 2700 ha [5;144]. Để bảo
vệ trang viên của mình, các chùa đã tự vũ trang, làm xuất hiện tầng lớp tăng binh đông đảo. Tầng
lớp này cùng với Samurai được xem là anh em song sinh trong lịch sử Nhật Bản thời trung thế. Số
lượng tăng binh của các chùa lớn nhiều thời điểm lên đến hàng vạn người và thực sự là một đối thủ
đáng gờm của cả triều đình, Mạc phủ cũng như các thế lực phong kiến hùng mạnh khác. Là một
thế lực phong kiến lớn, trong bối cảnh xã hội Nhật Bản thường xuyên khủng hoảng, các tông phái
Phật giáo đã bị lôi kéo vào trong vòng xoáy của các cuộc đấu tranh, xung đột để tranh giành quyền
lực. Từ thế kỉ X đến cuối thế kỉ XVI, rất nhiều cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng Phật giáo
với lực lượng của triều đình, Mạc phủ và giữa các tông phái Phật giáo với nhau đã xảy ra. Nhiều
khi, với thế lực của mình, các chùa lớn đã buộc triều đình hay Mạc phủ phải nhân nhượng trước
những yêu sách của nó. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp khác, triều đình hay Mạc phủ đã tấn
công, đàn áp và gây ra rất nhiều tổn thất cho lực lượng của phía Phật giáo. Cũng cần lưu ý là, thông
thường chỉ có các chùa sở hữu nhiều trang viên rộng lớn thì mới có đủ điều kiện để tự vũ trang,
duy trì được một lực lượng tăng binh lớn và phát triển thành thế lực phong kiến. Các chùa thuộc
loại này thường là của Thiên Đài tông, Chân Ngôn tông và Thiền tông. Tuy nhiên, nhiều chùa mặc
dù không sở hữu các trang viên rộng lớn, nhưng do thu hút được đông đảo tín đồ (các chùa thuộc
Tịnh Độ tông, Nhật Liên tông, Tịnh Độ Chân tông) nên thế lực cũng rất lớn. Sức mạnh cuộc nổi
dậy Pháp Hoa của tín đồ Nhật Liên tông năm 1532 và cuộc nổi dậy Nhất Hướng của tín đồ Tịnh
Độ Chân tông năm 1488 là những minh chứng tiêu biểu. Như vậy, nguồn sức mạnh của các tông
phái Phật giáo có thể khác nhau, song Phật giáo Nhật Bản thời trung đại đã trở thành “một trong
ba thế lực phong kiến lớn nhất trong xã hội mà các sử gia Nhật Bản thường gọi là Kemon (quyền
môn)” [5;78]. Việc các thế lực Phật giáo tham gia trong các cuộc đấu tranh để tranh giành quyền
lực khiến cho tình trạng bất ổn xã hội càng thêm trầm trọng. Từ khía cạnh này mà nói, Phật giáo
Nhật Bản nhiều khi lại trở thành nhân tố mang tính tiêu cực đối với trật tự xã hội.
Thứ ba: Cá nhân các nhà sư, thông qua hoạt động và mối quan hệ của họ có ảnh hưởng lớn
đến đời sống chính trị đất nước. Ảnh hưởng của các tông phái Phật giáo trong đời sống chính trị
trước hết thông qua hoạt động cụ thể của cá nhân các nhà sư của tông phái đó. Khi du nhập vào
Nhật Bản, để có thể tồn tại và phát triển thuận lợi trong điều kiện Thần đạo đã có vị trí vững chắc
thì sự nâng đỡ của nhà nước đối với Phật giáo có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn giành được sự ủng
hộ từ chính quyền thì con đường gần nhất và hiệu quả nhất là thu phục lòng tin của giới cầm quyền.
Các nhà sư Nhật ngay từ những buổi đầu, với tài năng và tâm huyết của mình đã làm rất tốt điều
này. Nhờ sự ủng hộ của chính quyền, Phật giáo đã nhanh chóng có được vị trí chính thức ở Nhật
Bản. Nhiều nhà sư được các Thiên hoàng, Tướng quân và các lãnh đạo cao cấp của chính quyền
kính trọng và tin tưởng. Trong thời Asuka và Nara, các học vấn tăng được triều đình liên tục gửi
sang Trung Quốc du học và khi về nước đã có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước
và phát triển Phật giáo. Công lao của các nhà sư đối với đất nước đã được ghi nhận, bằng chứng
là ngay từ thế kỉ VII, nhà nước đã coi Phật giáo là quốc giáo. Các nhà sư như Nguyên Phương,
Đạo Kính trước khi phạm tội từng được triều đình trọng vọng và có ảnh hưởng lớn tới mức có thể
khuynh đảo cả triều đình cuối thời Nara. Thời kì Heian, xuất hiện hai nhân vật có tầm ảnh hưởng
rất lớn trong toàn bộ lịch sử Phật giáo Nhật Bản là Không Hải và Tối Trừng. Hai nhà sư này đều
nhận được sự tin tưởng và kính trọng của các Thiên hoàng nên đã được phép lập ra Chân Ngôn
tông và Thiên Đài tông, hai tông phái có thế lực và ảnh hưởng lớn trong hàng loạt tông phái Phật
giáo Nhật Bản. Sau khi mất, hai ông được triều đình phong danh hiệu Đại sư, danh hiệu cao nhất
và sớm nhất trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản. Thời Kamakura và Muromachi, các Thiền sư được
giới võ sĩ trọng vọng. Nhiều Thiền sư tham gia vào việc hoạch định chính sách của chính quyền,
112
Vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại
thậm chí trở thành cố vấn của Tướng quân, tiêu biểu như trường hợp của Thất Đế Đại Sư Mộng
Song Sơ Thạch. Thời Tokugawa, mặc dù chính quyền đề cao Tống Nho hơn Phật giáo, nhưng ảnh
hưởng của các nhà sư đối với giới lãnh đạo đất nước vẫn rất lớn. Các nhà sư Sùng Truyền, Thiên
Hải đã tích cực tham gia các hoạt động chính trị, ngoại giao và được tôn xưng là Hắc Y Tể Tướng.
Cũng có trường hợp, hoạt động của cá nhân nhà sư đã gây ra những tác động tiêu cực làm ảnh
hưởng xấu tới hình ảnh của giới Phật giáo, song nhìn một cách tổng quát, các trường hợp tiêu cực
chỉ là thiểu số. Trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản thời trung đại, có rất nhiều nhà sư đã trở thành
tấm gương cho tinh thần xả thân vì đạo pháp và dân tộc. Bằng tài năng, tâm huyết của mình, các
nhà sư ấy đã có ảnh hưởng lớn đối với bộ phận lãnh đạo đất nước, để lại những dấu ấn sâu sắc
trong đời sống chính trị Nhật Bản thời phong kiến.
2.2. Vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại
Trong đời sống chính trị Nhật Bản, sự gắn bó, kết hợp giữa Thần đạo, Phật giáo và Nho
giáo rất chặt chẽ, vì thế để chỉ ra vị trí của Phật giáo thật không đơn giản và tất yếu phải đặt trong
tương quan so sánh với Thần đạo và Nho giáo. Rõ ràng là trước khi Phật giáo, Nho giáo du nhập
vào Nhật Bản, tín ngưỡng bản địa đã có vị trí rất quan trọng trong đời sống chính trị đất nước khi
nó đề cao vai trò của dòng họ Thiên hoàng như là dòng họ có sứ mệnh vĩnh viễn cai trị thế gian với
tư cách là hậu duệ của nữ thần Mặt Trời. Trong thực tế lịch sử, có nhiều thời điểm tuy Thiên hoàng
không có thực quyền nhưng về nguyên tắc, địa vị chính thống của Thiên hoàng là không thể thay
đổi. Vị trí của Thần đạo trong bộ máy chính quyền đạt đến đỉnh cao vào thế kỉ VII khi Jinggykan
(Thần kì Quan), cơ quan phụ trách các nghi lễ Thần đạo được xếp ngang hàng với Daijokan (Thái
Chính Quan, gồm 8 bộ, đảm đương việc chính sự), đây là điều mà cả Phật giáo hay Nho giáo chưa
khi nào đạt tới. Tuy nhiên, cùng với sự suy yếu của nhà nước luật lệnh, địa vị của Thần kì Quan
trong bộ máy chính quyền cũng suy giảm dần và sau đó bị loại bỏ. Cơ quan này chỉ được phục hồi
trở lại khi cuộc duy tân Minh Trị diễn ra năm 1868. Trong khi đó, vị trí của Phật giáo trong đời
sống chính trị Nhật Bản ngày càng gia tăng, nhất là từ thế kỉ VIII, khi tôn giáo này đạt tới vị thế
như là quốc giáo của Nhật Bản. Khi Phật giáo, Nho giáo cùng nền văn hóa tiên tiến của đại lục
truyền đến Nhật Bản, nó đã gây ra những biến động lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa,
xã hội của quốc gia này. Cùng với Thần đạo, Phật giáo và Nho giáo được tiếp nhận để tạo ra cấu
trúc đa tôn giáo nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống chính trị trung ương tập quyền.
Điều này được thể hiện rõ nét ngay trong Hiến pháp 17 điều của Thái tử Shotoku năm 604. Trong
sự kết hợp này, nếu Thần đạo củng cố cho địa vị hợp pháp vĩnh cửu của Thiên hoàng, Nho giáo
cung cấp tư tưởng trung quân và cấu trúc của bộ máy nhà nước tập quyền thì Phật giáo được xem
là sức mạnh để bảo vệ cho sự trường tồn của quốc gia. Nhà nghiên cứu Kitagawa đã nhận thấy “tôn
giáo Nhật Bản rốt cuộc cũng tìm kiếm một “mô hình thần quyền vĩnh cửu” từ một luận thuyết về
thể chế xã hội, tôn giáo, xã hội, và văn hóa...” [4;19]. Ông cũng chỉ rõ, về vấn đề này trong lịch
sử Nhật Bản có ba thuyết chính là thuyết Ritsuryo vào thế kỉ VII - VIII; thuyết Tokugawa (1603 -
1868); thuyết Minh Trị (1868 - 1945). Trong thuyết Ritsuryo, có ba nguyên lí cơ bản: thứ nhất, sự
phụ thuộc tương hỗ giữa Vương pháp với Phật pháp. Thứ hai, thuyết lưỡng Thần đạo - Phật giáo;
thứ ba, niềm tin các vị Thần của Nhật Bản là hiện thân của các Phật và Bồ tát Ấn Độ. Hệ thống luật
lệnh này, theo Kitagawa, mặc dù phải trải qua một vài thay đổi về hình thức nhưng hệ tư tưởng của
nó vẫn được duy trì cho đến cuộc chiến tranh Onin (1467 - 1477). Khác với quan điểm về vương
quyền thần thánh theo Thần đạo của Ritsuryo, trong học thuyết Tokugawa, cơ sở của vương quyền
là dựa trên những nguyên lí Tống Nho. Tuy nhiên, trong học thuyết này, nguyên tắc về cơ cấu gồm
Thần đạo và Phật giáo vẫn hoạt động và quan điểm các Thần Nhật Bản là hiện thân của các vị
Phật và Bồ Tát Ấn Độ vẫn được tôn trọng [7;23]. Mặc dù Tống Nho được xem là nguyên tắc chỉ
113
Trần Nam Trung
đạo đường lối chính thức của quốc gia, song các tổ chức Phật giáo lại được chính quyền Tokugawa
sử dụng như một lực lượng để kiểm soát dân chúng và bảo vệ cho chế độ. Khi cải cách Minh Trị
diễn ra, biện pháp đầu tiên mà chính quyền tiến hành là giải tán mô hình lưỡng Thần - Phật già
cỗi, tách Thần đạo ra khỏi Phật giáo và thành lập Thần đạo nhà nước. Đặc điểm của cải cách Minh
Trị, theo Kitagawa “là kết hợp tạm thời ba yếu tố: (1) các giá trị và nguyên tắc Khổng giáo đã tạo
ra tính hợp lí cho xã hội Tokugawa; (2) tư tưởng về Thiên hoàng thiêng liêng, dân tộc thần thánh,
và sự thống nhất tổ chức hành chính tôn giáo và chính trị...; (3) tri thức và văn hóa mới du nhập
từ phương Tây” [4;226]. Có thể thấy, cả Thần đạo, Phật giáo, Nho giáo đã gắn bó chặt chẽ với đời
sống chính trị Nhật Bản trong nhiều thời kì lịch sử. Các nhân tố này vừa đấu tranh, vừa hợp tác,
bổ sung cho nhau trong hệ thống chính trị quốc gia. Trong các nhân tố này, Thần đạo là tôn giáo
gắn bó lâu dài và có vị trí quan trọng nhất trong đời sống chính trị Nhật Bản. Bên cạnh đó, Phật
giáo và Nho giáo cũng nổi lên trong những thời kì nhất định. Không thể phủ nhận được một thực
tế là việc tiếp nhận Phật giáo, Nho giáo đã dẫn đến sự chuyển đổi của mô hình nhà nước Nhật Bản
trong các thế kỉ VI, VII. Mặt khác, từ thế kỉ VIII, khi nhà nước luật lệnh suy yếu thì vị trí ưu trội
của Thần đạo cũng bắt đầu suy giảm và vị trí của Phật giáo dần được nâng cao. Từ thế kỉ VIII đến
XIX, Phật giáo tỏ ra lấn lướt hơn Thần đạo trong các hoạt động có liên quan đến vấn đề chính trị.
Điều này bắt nguồn từ sức mạnh bản thân của Phật giáo cũng như những biến động lịch sử đem
lại. Đánh giá về vị trí của Phật giáo trong lịch sử Nhật Bản, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trung
thế là thời kì của Phật giáo, điều này cũng đúng với vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị
Nhật Bản. Từ thời Tokugawa, tuy Phật giáo vẫn gắn bó chặt chẽ với chính quyền và có được quyền
lực lớn, nhưng vị trí của nó đã sụt giảm so với Tống Nho khi chính quyền Mạc phủ lựa chọn Tống
Nho là hệ tư tưởng chính thống của nhà nước. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đánh giá, cận thế là thời
kì của Tống Nho trong lịch sử Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực tư tưởng và chính trị. Như vậy,
trong các thời kì lịch sử khác nhau, Thần đạo, Phật giáo và Nho giáo có những vị trí khác nhau
trong đời sống chính trị Nhật Bản. Trước thế kỉ VI, vị trí độc tôn là của Thần đạo. Trong các thế
kỉ VI, VII, Thần đạo vẫn có vị trí cao nhất trong bộ máy chính quyền, mặc dù Phật giáo và Nho
giáo đã được tiếp nhận. Từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XVI, trong khi ảnh hưởng và vị trí của Thần đạo
trong lĩnh vực chính trị bị suy giảm thì vị trí của Phật giáo lại được nâng cao và duy trì sự lấn lướt
so với Thần đạo trong nhiều thế kỉ. Từ thế kỉ XVII, Tống Nho lại vươn lên chiếm vị trí cao nhất
trong chính quyền Mạc phủ. Sự đảo lộn diễn ra vào cuối thế kỉ XIX khi cuộc Minh Trị duy tân tiến
hành và vị trí cao nhất của Thần đạo lại được phục hồi. Điều đáng chú ý là, trong đời sống chính
trị Nhật Bản, giữa Thần đạo, Phật giáo và Nho giáo đã từng diễn ra các cuộc đấu tranh, song các
cuộc đấu tranh ấy không dẫn đến việc thủ tiêu một tôn giáo nào. Nét chủ đạo nổi lên vẫn là sự điều
chỉnh và kết hợp nhằm bổ khuyết cho nhau của các tôn giáo để cùng tồn tại trong cấu trúc chính
trị được chính quyền định hướng. Nếu “mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị trong lịch sử văn
hóa Nhật Bản là sợi chỉ xuyên suốt minh họa cho sự hình thành bản lai diện mục của tất cả mọi
tôn giáo phát triển trên đảo quốc Phù Tang” [1;59] thì Phật giáo chính là một phần quan trọng của
sợi chỉ màu lấp lánh này.
3. Kết luận
Được sự ủng hộ của tầng lớp cầm quyền Nhật Bản, từ thế kỉ VI, Phật giáo đã chính thức
được du nhập và nhanh chóng phát huy ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội Nhật Bản. Tồn tại
và tác động tới xã hội Nhật Bản trong vòng 13 thế kỉ (tính từ thế kỉ VI đến thế kỉ XIX), Phật giáo
đã để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống chính trị của xứ sở Phù Tang. Ảnh hưởng của Phật giáo
trong đời sống chính trị Nhật Bản hết sức đa dạng và phức tạp, hàm chứa cả mặt tích cực lẫn mặt
tiêu cực tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử, bản thân các tông phái hay cá nhân các nhà sư. Dù ảnh
114
Vai trò và vị trí của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại
hưởng của Phật giáo trong đời sống chính trị Nhật Bản trong các thời kì lịch sử có thể khác nhau
về mức độ và tính chất song có thể khẳng định: Phật giáo đã trở thành nhân tố có vai trò và vị trí
quan trọng trong đời sống chính trị Nhật Bản thời cổ - trung đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Dương Ngọc Dũng, 2008. Chuyên luận Nhật Bản học.Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Ishida Kazuyoshi, 1963. Nhật Bản tư tưởng sử, 1. Tủ sách Kim văn, Sài Gòn.
[3] Nguyễn Văn Kim, 2000. Chính sách đóng cửa của Nhật Bản thời Tokugawa: Nguyên nhân và
hệ quả. Nxb Thế giới, Hà Nội.
[4] Joseph. M. Kitagawa, 2002. Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Hoàng Thị Thơ dịch. Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội.
[5] Phan Hải Linh, 2006. Trang viên Nhật Bản thế kỉ VIII - XVI qua trang viên Oyama và Hine.
Luận án Tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
[6] George Sansom, 1994. Lịch sử Nhật Bản từ thượng cổ đến 1334, Tập1. Nxb Khoa học Xã hội,
Hà Nội.
[7] Trần Quang Thuận, 2008. Phật giáo Nhật Bản. Nxb Tôn giáo.
ABSTRACT
The role and position of Buddhism in Japanese political life during the ancient and medieval period
The 6th century is considered to be the time in which Buddhism was officially brought to
Japan. With the support of the government, Buddhism grew rapidly and attracted a large following
among many classes in Japanese society. The powerful development of Buddhism in Japan had
a far–reaching influence on Japanese political life in the ancient-medieval period. This article
describes the role and position of Buddhism in Japanese political life during this period.
Keywords: Japanese, ancient-medieval period, Buddhism, role and position.
115
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4044_tntrung_3596_2132816.pdf