Vai trò của nước pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995)

Tài liệu Vai trò của nước pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995): 55 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0069 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 10, pp. 55-63 This paper is available online at VAI TRÒ CỦA NƯỚC PHÁP ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM (1981-1995) Hoàng Hải Hà Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Bài viết phân tích vai trò của nước Pháp đối với quá trình Việt Nam thực hiện phá thế bị bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế. Nước Pháp đã duy trì mối quan hệ chính trị chặt chẽ, và những lợi ích kinh tế ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác trong suốt thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Trong bối cảnh Việt Nam bị cô lập (1979-1990), mặc dù là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng nước Pháp đã đóng vai trò như “ cầu nối” giữa Việt Nam và thế giới tư bản phương Tây. Trước hết, Pháp đã hoạt động như người hoà giải tích cực trong các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề Campuchia. Giới lãnh đạo Pháp cũng chỉ trích lệnh cấm vận...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 388 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò của nước pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
55 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0069 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 10, pp. 55-63 This paper is available online at VAI TRÒ CỦA NƯỚC PHÁP ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM (1981-1995) Hoàng Hải Hà Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Bài viết phân tích vai trò của nước Pháp đối với quá trình Việt Nam thực hiện phá thế bị bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế. Nước Pháp đã duy trì mối quan hệ chính trị chặt chẽ, và những lợi ích kinh tế ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác trong suốt thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Trong bối cảnh Việt Nam bị cô lập (1979-1990), mặc dù là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhưng nước Pháp đã đóng vai trò như “ cầu nối” giữa Việt Nam và thế giới tư bản phương Tây. Trước hết, Pháp đã hoạt động như người hoà giải tích cực trong các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề Campuchia. Giới lãnh đạo Pháp cũng chỉ trích lệnh cấm vận của Hoa Kỳ là lỗi thời, và mở nhiều kênh đối thoại với Hà Nội. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ và đầu tư tài chính, hợp tác văn hóa với Việt Nam được tăng cường. Những hoạt động này thể hiện nỗ lực của Pháp nhằm tạo dựng hình ảnh đối tác “thân thiện” và vai trò trong kinh tế, an ninh chính trị ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung. Từ khóa: Quan hệ Việt-Pháp, hội nhập quốc tế, cấm vận, vấn đề Campuchia. 1. Mở đầu Mối quan hệ Việt-Pháp đã trải qua nhiều thăng trầm do tác động của điều kiện lịch sử cũng như tính toán chiến lược của hai quốc gia. Không giống như Hoa Kỳ, mặc dù thất bại ở Điện Biên Phủ, nhưng từ sau năm 1954, nước Pháp luôn duy trì một chính sách đối ngoại thân thiện với Việt Nam. Ngay cả khi Việt Nam đang phải chịu sự bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ và nhiều nước Tây Âu sau vấn đề Campuchia thì Pháp vẫn không bỏ rơi Việt Nam. Ngược lại, nước Pháp vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam mặc cho Mỹ và các nước Tây Âu khác ra sức phản đối [1; p. 210]. Bên cạnh các mối liên hệ lịch sử, giới lãnh đạo Pháp sớm nhìn thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong các tiến trình hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương và hợp tác Á – Âu, trước hết, nhờ vị trí địa lý nằm ở trung tâm của khu vực trải từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương. Hơn nữa, kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước toàn diện, những nhà lãnh đạo Pháp đã nhận thấy được tiềm năng dồi dào của thị trường Việt Nam. Vì vậy, trong thời kỳ cầm quyền của tổng thống Pháp Francois Mitterand (từ 5/1981 đến 5/1995), nước Pháp đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước, từ đó cải thiện và củng cố vị thế của Pháp ở Việt Nam. Với vai trò của mình trong nhiều tổ chức và định chế quốc tế, nước Pháp đã hỗ trợ Việt Nam sớm hòa nhập vào các tổ chức kinh tế quốc tế, cải thiện và tăng cường quan hệ với các nước thành viên EU. Nước Pháp đóng vai trò điều phối quan trọng trong Hội nghị Paris bàn về vấn Campuchia (1989-1991), duy trì các hỗ trợ tài chính, quan hệ thương mại với Việt Nam, qua đó góp phần giúp Việt Nam phá vỡ sự bao vây, cô lập, cấm vận của Mỹ và các nước phương Ngày nhận bài: 1/5/2018. Ngày sửa bài: 1/8/2018. Ngày nhận đăng: 2/10/2018. Tác giả liên hệ: Hoàng Hải Hà. Địa chỉ e-mail: hahh@hnue.edu.vn Hoàng Hải Hà 56 Tây cũng như từng bước hội nhập quốc tế. Nghiên cứu tổng quan về quan hệ Việt –Pháp cũng như quan hệ trong từng lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế với cách tiếp cận lịch sử đã được đề cập trong một số công trình [2, 3, 4, 5]. Trên cơ sở những công trình có tính chất mô tả tổng quan này, bài viết đi sâu phân tích và lý giải các hoạt động của nước Pháp dưới thời cầm quyền của Tổng thống François Mitterrand (từ tháng 5/1981 đến tháng 5/1995) đã góp phần giúp Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại mở cửa trong giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới. Qua nghiên cứu này, tác giả cho rằng nhu cầu tiếp tục “tìm lại ánh hào quang” cho nước Pháp ở Đông Nam Á thông qua “nước cờ” Việt Nam đã được người tiền nhiệm De Gaulle theo đuổi là nguyên nhân chủ yếu lý giải tại sao François Mitterrand quan tâm nhiều tới thúc đẩy quá trình hội nhập và tái thiết các mối quan hệ quốc tế khác của Việt Nam trong giai đoạn đầu của Đổi mới. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sử dụng khái niệm “hội nhập quốc tế” với hàm ý đề cập đến sự kết nối giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế (ngoài khối Xã hội chủ nghĩa). 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Việt Nam và chiến lược “trở lại châu Á” của nước Pháp dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand Trong thập niên 80 của thế kỉ XX, tình hình thế giới và khu vực có những biến đổi to lớn tác động tới quan hệ quốc tế. Khi cuộc Chiến tranh Lạnh gần đi tới hồi kết, triển vọng về một trật tự thế giới đa cực đã xuất hiện. Bối cảnh mới này tạo cơ hội cho nước Pháp tiếp tục sự nghiệp tìm lại ánh hào quang và vị thế trên bàn cờ chính trị thế giới như lời tuyên bố của Tổng thống Pháp De Gaulle: “Nước Pháp không thể là nước Pháp thiếu sự vĩ đại” [6; p.12]. Ngày 10-5-1981, Đảng Xã Hội Pháp thắng cử, François Mitterrand trở thành tổng thống đầu tiên của Đảng Xã hội dưới nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp. Từ đây mở ra giai đoạn nước Pháp nỗ lực kiến tạo một thế giới đa cực bằng cách (1) ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn của châu Âu, cải thiện quan hệ Pháp-Đức, mở rộng và tăng cường vị thế của Liên minh châu Âu; (2) khẳng định vị trí hàng đầu của mình tại Liên minh châu Âu bên cạnh Đức; (3) tăng cường giúp đỡ các nước mới nổi và đang phát triển tại châu Á. Do vậy, nước Pháp sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc, Ấn Độ và sự phát triển của các tổ chức khu vực như ASEAN, Mercosur... như một cách để tăng cường sự hiện diện tại châu Á và Nam Mỹ [7; p. 53; xem thêm 8, 9]. Đặc biệt, Mitterrand nỗ lực duy trì mối quan hệ lịch sử của Pháp với các thuộc địa cũ. Bầu không khí hoà hoãn ở khu vực Đông Nam Á cũng tạo điều kiện lý tưởng để Pháp thực hiện những tính toán và lợi ích của mình là củng cố ảnh hưởng ở Đông Dương, từ đó mở rộng ảnh hưởng ra các nước vốn gắn liền với quyền lợi chiến lược của Pháp ở châu Á mà Pháp bằng mọi giá phải giữ được. Tuy nhiên, việc các quốc gia Đông Nam Á bình thường hoá quan hệ cũng đặt ra cho Pháp thách thức phải cạnh tranh ảnh hưởng với các cường quốc khác, đặc biệt là Anh. Trong mục tiêu “trở lại châu Á”, Việt Nam luôn là một đối tác quan trọng và đầy tiềm năng đối với Pháp. Giới lãnh đạo Pháp đánh giá Việt Nam là một quốc gia sẽ ngày càng có vị trí quan trọng trong khu vực. Đặc biệt, sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới, nhiều nhà kinh tế Pháp vào giữa thập niên 90 thế kỷ XX thậm chí còn phỏng đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành “con hổ thứ năm” ở khu vực Đông Nam Á [10; 221]. Pháp muốn tranh thủ Việt Nam để sau này thâm nhập vào các nước Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Do đó, mặc dù chưa hết mặc cảm do cuộc chiến tranh gây ra, nhưng để duy trì ảnh hưởng và bảo vệ quyền lợi của mình ở Việt Nam cũng như Đông Dương, Pháp đã lựa chọn cách ứng xử thân thiện với Việt Nam. Nước Pháp thể hiện tham vọng muốn tăng cường vị thế của mình và trở lại vùng đất “xưa cũ” một cách mạnh mẽ hơn thông qua thực hiện vai trò “mở cánh cửa” ra thế giới bên ngoài của Việt Nam. Cương lĩnh Vai trò của nước Pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995) 57 của Đảng xã hội Pháp đã nhấn mạnh, Pháp sẽ: “tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam về kinh tế, văn hóa, có thể cả chính trị bất kể hoàn cảnh khó khăn thế nào” [11; p. 22]. Về khía cạnh kinh tế, Việt Nam được xem như một con đường kết nối quan trọng trong chiến lược “trở lại châu Á” của doanh nghiệp Pháp. Cần phải lưu ý rằng, so với nhiều quốc gia phát triển khác thì Pháp chưa thành công trong việc xâm nhập vào các thị trường ở châu Á Thái Bình Dương. Do đó, nhiều công ti Pháp đã xem Việt Nam là địa bàn tiềm năng của châu Á để xây dựng khu vực thương mại-đầu tư phát triển năng động mà ở đó hoạt động của họ còn tương đối yếu. Có nhiều điểm khiến giới doanh nghiệp Pháp tự tin về lợi thế của họ ở thị trường Việt Nam. Trước hết, họ nhận thấy các mối liên hệ lịch sử đã được chuyển hóa thành nhiều điểm tương đồng về văn hóa cũng như sự ưu tiên của người Việt đối với hàng hoá Pháp [10; 155]. Các công ti Pháp cho rằng những mối liên hệ trong quá khứ như thói quen tiêu dùng hàng hóa Pháp, và sự định hướng tích cực của giới tinh hoa bản địa vốn được đào tạo ở Pháp sẽ giúp họ giành lại vị trí quan trọng ở thị trường Việt Nam. Hơn nữa, cộng đồng Việt Kiều tại Pháp vẫn duy trì các mối liên hệ mật thiết với họ hàng trong nước cũng như thường xuyên trao đổi thông tin và hàng hoá Pháp. Do vậy, các sản phẩm hàng hóa của Pháp thường xuyên có mặt ở thị trường Việt Nam và giữ được uy tín tốt mặc cho di sản chiến tranh trong quá khứ và chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ và phương Tây. Từ Việt Nam, giới kinh doanh Pháp hy vọng mở rộng ảnh hưởng trước hết sang Campuchia, Lào rồi đến các quốc gia khác ở Đông Nam Á. 2.2. Các hoạt động hỗ trợ Việt Nam phá thế bao vây, cấm vận 2.2.1. Giữ vai trò trung gian trong giải quyết vấn đề Campuchia Ngay trong chuyến công du Đông Nam Á của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Pháp De Guiringaud (1978), nước Pháp đã tiếp tục bộc lộ tham vọng muốn đóng vai trò trung gian tham gia giải quyết các vấn đề ở khu vực Đông Nam Á, ủng hộ một Đông Nam Á trung lập không có sự can thiệp của bất cứ cường quốc nào. Đối với vấn đề Campuchia, nước Pháp thể hiện quan điểm đối ngoại nhất quán, tương đối độc lập và khôn khéo. Theo đó, Pháp một mặt “lên án Việt Nam đưa quân vào Campuchia, không tán thành việc chiếm đóng lâu dài ở đây [12; tr.7]”, nhưng mặt khác chủ trương “tiếp tục phát triển quan hệ với Việt Nam về kinh tế, văn hóa và có thể cả chính trị bất kể hoàn cảnh khó khăn như thế nào” [11; tr. 22]. Pháp không bị ảnh hưởng nhiều từ chính sách của Mỹ và các cường quốc khác như Trung Quốc, cũng không thực hiện chính sách “đối đầu” với Việt Nam như nhiều nước tư bản lúc đó. Ngược lại, Pháp đã tìm cho mình một lối đi riêng trong mối quan hệ với Việt Nam. Pháp kiên quyết phản đối việc Liên Hợp quốc chấp thuận sự quay lại của Polpot trong liên minh các lực lượng nắm quyền ở Campuchia, nhưng cũng khẳng định sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với chính phủ thân Việt Nam và việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia sẽ là một giải pháp cần thiết [3; tr. 64-67]. Pháp cho rằng chỉ có giải pháp chính trị mới giải quyết được vấn đề Campuchia và muốn có kết quả đó thì đòi hỏi “con đường đối thoại nhất thiết phải diễn ra giữa tất cả các bên có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Campuchia” [12; tr.7]. Trong khi đó, phía Việt Nam ban đầu nêu quan điểm sẽ rút quân ngay khi Trung Quốc chấm dứt đe dọa và lãnh thổ Thái Lan không được sử dụng để làm căn cứ chống Campuchia. Giữa hai nước vẫn tồn tại những bất đồng về vấn đề Campuchia tuy nhiên luôn nỗ lực giải quyết thông qua đàm phán, đối thoại. Do vậy, khác với các quốc gia khác chỉ tiến hành lên án Việt Nam, Pháp dù“đóng băng” quan hệ chính trị và kinh tế để tạo sức ép đối với Việt Nam về vấn đề này, nhưng vẫn tích cực và chủ động xúc tiến hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực văn hoá, khoa học-kỹ thuật, y tế Trong bối cảnh bị bao vây và cô lập, các hoạt động này không chỉ giúp Việt Nam giảm bớt tình trạng khó khăn, thiếu thốn, mà còn tạo cho chính phủ hai nước có thêm cơ hội giải quyết những bất đồng. Hơn nữa, lãnh đạo của hai nước cũng liên tục có những chuyến thăm viếng song phương để trao đổi về lập trường của hai bên và tìm ra phương hướng giải quyết cho vấn đề khu vực Đông Dương. Nhờ chính sách đối ngoại giao tích cực này mà trong Hoàng Hải Hà 58 những thời điểm khó khăn nhất, mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp chưa bao giờ bị gián đoạn [4; tr. 91]. Song song với việc duy trì quan hệ hữu nghị với Việt Nam và cung cấp một số hỗ trợ tài chính, Pháp còn trực tiếp điều phối cũng như tham gia tìm kiếm giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột vũ trang ở Campuchia trong suốt thời gian hội nghị Paris diễn ra. Hoạt động này của Pháp là sự tiếp nối các nỗ lực của Tổng thống Pháp De Gaulle từ những năm 60 của thế kỷ XX nhằm trở thành “người hoà giải” trong cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam. Năm 1989 là năm kỷ niệm 200 năm Đại cách mạng Pháp, do vậy tổng thống Mitterrand muốn làm một cái gì đó về vấn đề Campuchia để ghi dấu ấn của nước Pháp trên vũ đài chính trị thế giới và lưu danh tên tuổi bản thân trong lịch sử Pháp. Thực tế, so với các nước lớn khác, trong vấn đề Campuchia nước Pháp ít dính líu trực tiếp, vì thế đề xuất của Sihanouk lựa chọn Pháp làm nơi triệu tập hội nghị quốc tế thảo luận về vấn đề Campuchia dễ được các bên có liên quan tiếp nhận. Với việc hội nghị được tổ chức tại Paris, nước Pháp đã thể hiện vai trò rất lớn trong quá trình đàm phán tìm kiếm giải pháp hoà bình cho Campuchia. Trên cương vị là đồng chủ tịch Hội nghị Paris với Indonesia, nước Pháp đã trực tiếp điều phối nhiều cuộc hội đàm chính thức và tổ chức các cuộc gặp mặt không chính thức góp phần thúc đẩy các bên đi tới được một thoả thuận giải quyết hoà bình cuộc xung đột ở Campuchia, cố gắng nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong công tác giám sát xây dựng nhà nước ở Campuchia [13; tr. 387]. Đánh giá các hoạt động của nước Pháp lúc này, học giả Godement cho rằng vai trò của nước Pháp trong giải quyết vấn đề Campuchia và đi tới ký kết Hiệp định Paris 1991 trên nhiều khía cạnh đã đánh dấu danh tiếng cũng như sự can dự của Paris trong các vấn đề chính trị ở châu Á [14; tr. 962]. 2.2.2. Cung cấp viện trợ phát triển và kết nối Việt Nam với cộng đồng tài trợ quốc tế Tư duy và chính sách kinh tế của chính phủ Pháp ở Việt Nam không có gì thay đổi kể từ năm 1973. Những nội dung này tiếp tục được dựa trên nhận định chắc chắn về “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai nước và chiến lược tham dự tích cực để tận dụng ưu thế có được [10]. Các hoạt động kinh tế và viện trợ của Pháp được thực hiện rộng khắp và liên tục ở Việt Nam, từ đó cố gắng duy trì vị trí như một đối tác phương Tây lớn nhất của Việt Nam. Nghị định thư tài chính (1981) được phía Pháp chủ động đề nghị tái ký kết sau 4 năm ngắt quãng đã cam kết viện trợ cho Việt Nam lên đến 200 triệu Francs thuộc các lĩnh vực nông công nghiệp, văn hoá và khoa học kỹ thuật. Bằng hoạt động này, Pháp hy vọng có thể giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào Liên Xô. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, sự cô lập của phương Tây đang đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với Liên Xô và do đó sẽ gây nhiều khó khăn cho việc mở rộng ảnh hưởng của Pháp ở Đông Nam Á [3; tr. 64]. Dù việc thực hiện Nghị định thư bị trì hoãn song cũng chứng tỏ tham vọng của Pháp muốn sử dụng viện trợ như « lá bài kinh tế » để gây sức ép lên Việt Nam trong việc rút quân khỏi Campuchia. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ tài chính của Pháp gồm viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố, cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP), Nghị định thư Tài chính, Quỹ Trợ giúp đặc biệt Doanh nghiệp (FASEP) Năm 1989, ngay sau khi Việt Nam hoàn thành việc rút quân khỏi Campuchia, Pháp đã trở thành quốc gia tư bản phương Tây đầu tiên khôi phục lại chương trình viện trợ cho Việt Nam. Trong nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, ngân sách ODA của Pháp bị cắt giảm hoàn toàn, khoảng 7.2 triệu EURO, tương đương 0.64% GDP năm 1994 [10; tr. 161]. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất không bị cắt giảm lượng viện trợ trong các chương trình viện trợ hợp tác khoa học, văn hoá và kỹ thuật của Paris ngay cả khi Việt Nam chưa rút hết quân khỏi Campuchia [14; tr. 965]. Sự hỗ trợ của Pháp tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như hợp tác chính phủ và luật pháp, đào tạo văn hoá-kỹ thuật. Trên tinh thần này, năm lĩnh vực ưu tiên của viện trợ Pháp dành cho Việt Nam gồm cải cách tư pháp, hiện đại hoá hệ thống giáo dục và nghiên cứu, hợp tác văn hoá, cải cách kinh tế để thúc đẩy các tương tác với công ti Pháp, giảm đói nghèo và cải thiện xã hội [17; tr. 57-58]. Vai trò của nước Pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995) 59 Khi Liên Xô và Hội đồng tương trợ kinh tế SEV sụp đổ vào năm 1991, Việt Nam buộc phải tìm kiếm các nguồn viện trợ từ World Bank, IMF và ADB. Tuy nhiên, do Việt Nam không thể trả được khoản nợ 138 triệu USD vào năm 1985 nên bị xếp vào số các quốc gia “vỡ nợ” và khó có thể vay được của bất cứ tổ chức tài chính quốc tế nào. Trong bối cảnh này, với vai trò chi phối ở nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Câu lạc bộ Paris, Pháp cũng đã giúp Việt Nam tái hòa nhập vào cộng đồng tài chính quốc tế, phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu và Mỹ. Tháng 2/1992, Jean Noel Jeanneney - Bộ trưởng Ngoại thương Pháp tới thăm Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, ông khẳng định: “Nước Pháp luôn dẫn đầu trong câu lạc bộ ‘những người bạn của Việt Nam’. Pháp luôn ủng hộ Việt Nam trong chính sách mở cửa và bình thường hoá quan hệ với Quỹ tiền tệ quốc tế.” [Dẫn theo 4; tr. 93]. Với tinh thần này, năm 1992, Pháp và một số quốc gia đã giúp Việt Nam tái lập quan hệ tài chính với các định chế Bretton Wood. Nhân chuyến thăm tới Việt Nam, Tổng thống Mitterand cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho Việt Nam trong năm 1993, và tích cực giúp Việt Nam tái hòa nhập vào các cơ quan tài chính quốc tế. Pháp cũng đã thực hiện xóa nợ cho Việt Nam, qua đó thực hiện vai trò “làm gương” về hỗ trợ phát triển trong cộng đồng “chủ nợ”. Do không thành công trong việc gây áp lực buộc Washington chấm dứt cấm vận và sự phủ quyết việc Việt Nam tiếp nhận tài chính từ các tổ chức tài chính đa phương, Pháp cùng nhóm 11 nước thành viên của Câu lạc bộ Paris gồm Nhật, Canada, Italia, Thủy Điển, Bỉ, Phần Lan... đã viện trợ cho Việt Nam 55 triệu USD trả nợ cho IMF nhằm giúp đỡ Việt Nam giải tỏa quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế. Tại Câu lạc bộ Paris, Pháp cũng đã thuyết phục được các nước chủ nợ thông qua phương án trả nợ có lợi cho Việt Nam. Các nước này đã xóa cho Việt Nam số nợ trên 350 triệu USD. Một số biện pháp khác nhằm hỗ trợ Việt Nam tái lập tình hình tài chính như: Ngân hàng BFCE của Pháp cùng EXIM Bank của Nhật đồng chủ trì việc ký kết Hiệp định cho Việt Nam vay tín dụng bắc cầu (Pháp cho Việt Nam vay 33 triệu Francs) tại Paris ngày 22/9/1993 để trả nợ cho IMF; giải phóng 34 triệu francs của Việt Nam bị phong tỏa ở Ngân hàng BFCE. Hội nghị các nhà tài trợ lần thứ nhất được tổ chức ở Paris năm 1993 cũng đã cam kết dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA tương đương với 1,8 tỷ USD. Tại Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế lần thứ hai, Pháp đã vận động các nước và các tổ chức quốc tế cam kết tài trợ cho Việt Nam gần 2 tỷ USD [18; tr. 193]. Bên cạnh đó, thông qua ký kết các Nghị định thư tài chính, Pháp cũng tài trợ cho Việt Nam mua sắm tài sản, trang thiết bị phục vụ phát triển kinh tế [19; tr. 73, 128]. 2.2.3. Cung cấp vốn đầu tư và kết nối thị trường Ngày 17/5/1985, một đoàn đại biểu các nhà doanh nghiệp Pháp tới thăm Việt Nam bao gồm 18 doanh nghiệp lớn, trong đó có đại diện của nhiều ngân hàng lớn như Crédit Lyonnais, Ngân hàng Ngoại thương Pháp (BFCE) và Indosuez. Chuyến đi này được coi là sự thăm dò thị trường của các doanh nghiệp Pháp. Một trong những thị trường mà các nhà đầu tư Pháp quan tâm đó là đầu tư vào các sản phẩm có thể xuất khẩu đầu tiên và trực tiếp sang Lào, Campuchia và các nước Đông Nam Á khác. Các doanh nghiệp lớn của Pháp cũng luôn đứng hàng đầu trong số các quốc gia phương Tây có mối quan hệ kinh tế tốt với Việt Nam. Họ cố gắng duy trì vị thế nước Pháp như một đối tác thương mại và đầu tư phương Tây lớn nhất của Việt Nam [10; tr. 154]. Pháp là quốc gia đầu tiên có mặt ở Việt Nam ngay sau khi Luật đầu tư nước ngoài được ban hành vào cuối năm 1987 và là một trong những nhà đầu tư triển vọng nhất đối với Việt Nam. Không giống như nhiều quốc gia Châu Á khác là địa bàn hoạt động chủ yếu của các công ty Nhật Bản, Mỹ và các nước NIC, nước Pháp là nhà đầu tư ngoài châu Á lớn nhất và một trong những đối tác mạnh nhất của Việt Nam. Thực tế, cuối năm 1992, Pháp đã trở thành đối tác đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam, chỉ sau Đài Loan và Hongkong [10; tr. 155]. Các ngân hàng Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nguồn vốn quốc tế vào Việt Nam, bắt đầu với dự án khách sạn Metropole Hà Nội và sau đó trở thành cố vấn tài chính cho nhiều tập đoàn Nestlé, Perrier-Vittel, Elf Atochem, Novartis and Shell Từ đầu thập niên 90, trao đổi kinh tế song phương tăng nhanh với sự có mặt của 26 Hoàng Hải Hà 60 công ti thương mại Pháp hoạt động ở Việt Nam và sự ra đời của 17 công ty liên doanh Pháp- Việt [20; tr. 56]. Việc nhiều nhà tư bản lớn của Pháp có mặt tại Việt Nam không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của những tính toán chiến lược kỹ lưỡng. Paris đã sớm nghĩ đến những triển vọng khi vấn đề Campuchia đi vào giai đoạn cuối, Việt Nam đang tiến tới bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc. Bối cảnh này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng ở khu vực nên Pháp cần sớm tranh thủ cơ hội. Pháp là một trong những nước phương Tây sớm nhìn thấy tiềm năng của một Việt Nam đang trên đường Đổi mới như lời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Roland Dumas dự đoán về một nước Việt Nam độc đáo được đổi mới trong tương lai. Tờ Le Figaro của Pháp cũng viết: “Việt Nam đang cất cánh... Phương pháp quản lý kinh tế rất thông minh đã mang lại nhiều trái ngọt Con rồng nhỏ Việt Nam đã bắt đầu quẫy đuôi” [21; tr. 1-2]. Bên cạnh đó, phía Việt Nam cũng cần tìm kiếm một sự liên kết bền vững để phát triển kinh tế cũng như nguồn vốn cho công cuộc Đổi mới khi mà các nước Xã hội chủ nghĩa đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Vì vậy, đây chính là thời điểm “vàng” mà Pháp cần phải tăng cường mối quan hệ đối với Việt Nam nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á. 2.2.4. Hợp tác văn hoá và kết nối Việt Nam với khối Pháp ngữ Trong bối cảnh mà những hợp tác kinh tế và chính trị gặp nhiều cản trở do tổn tại nhiều bất đồng về chính trị thì phát triển hợp tác về văn hoá chính là cơ sở vững chắc nhất trong mối quan hệ Việt-Pháp. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu mà chính phủ Pháp cố gắng duy trì ở các nước thuộc địa cũ. Sự hợp tác văn hoá ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ thông các hoạt động trao đổi nghệ thuật như liên hoan phim tại Paris, xuất bản các tác phẩm thơ song ngữ Viện trao đổi văn hóa với Pháp (L’IDECAP) được mở lại vào tháng 7/1982 và Việt Nam đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh các nước Pháp ngữ (1986) với tư cách là thành viên chính thức. Chính phủ Pháp cũng tài trợ cho 1500 lớp dạy tiếng Pháp và mở lại các trường Pháp ngữ ở Việt Nam kể từ khi trường trung học Pháp cuối cùng bị đóng cửa ở Sài Gòn vào năm 1975 [10; tr. 162]. Một số dự án về đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật kéo dài từ 1982-1994, đã đem lại kết quả là hơn 200 cán bộ của trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã được đi học tập và nghiên cứu tại Pháp. Năm 1992, Trung tâm Pháp Việt đào tạo về quản lý đã được thành lập tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, với kinh phí hoạt động hàng năm lên tới 1.5 triệu Francs [15; tr. 58]. Hệ thống các lớp song ngữ được xây dựng tại các trường Đại học lớn ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với các kiến thức khoa học hiện đại của phương Tây. Hơn nữa, các hoạt động văn hóa tích cực trong khối Pháp ngữ cũng giúp Việt Nam xích gần hơn với các nước sử dụng tiếng Pháp qua chính vai trò “đầu mối” của nước Pháp. Nước Pháp có vai trò dẫn dắt quan trọng trong Cơ quan hợp tác về văn hóa và khoa học công nghệ (ACCT), Hiệp hội các trường đại học bán phần hoặc toàn phần sử dụng tiếng Pháp AUPELF- UREF (bây giờ là Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF)), Cộng đồng Pháp ngữ (OIF). Năm 1994, ACCT đã đặt văn phòng đại diện Châu Á tại Hà Nội. Tham gia những thiết chế này, Việt Nam được biết đến như một nước Pháp ngữ trong “con mắt” của các nước châu Âu, cho dù thực tế tiếng Pháp không được sử dụng nhiều như tiếng Nga lúc đó. Do vậy, dù đang bị “bao vây cấm vận” về kinh tế song trong các lĩnh vực hợp tác khác như văn hóa, công nghệ, khoa học, giáo dục và đào tạo, Việt Nam đã bước đầu có thể thiết lập quan hệ với các trường đại học ở Bỉ, Thụy Sĩ, Luxembourg thông qua “cầu nối” và “con bài” Pháp ngữ [7; tr. 51-52]. Cộng đồng Pháp ngữ (OIF) là tổ chức quốc tế ngoài khối Xã hội chủ nghĩa đầu tiên mà Việt Nam là thành viên chính thức [16; tr. 421]. 2.2.5. Thực hiện các chuyến thăm cấp cao tới Việt Nam Trong giai đoạn này, Pháp đã cử nhiều đoàn cấp cao sang thăm Việt Nam, như Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Cheyson (1983), Bộ trưởng Quốc vụ khanh Công nghiệp Pháp (1985); Bộ trưởng đặc trách tiếng Pháp Alian Decaux (12/1988); Bộ trưởng Nông nghiệp Henry Nallet (1/1989); Cố vấn Thủ tướng Dubios (4/1989); Bộ trưởng Thiết bị Raymond Aubrac (5/1989); Quốc vụ khanh Vai trò của nước Pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995) 61 Nhân đạo Kouchner và Quốc vụ khanh Hợp tác văn hóa De Bance (12/1989)... Nội dung của những chuyến thăm đều tập trung vào việc tìm ra các giải pháp để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Thông qua các cuộc tiếp xúc này, nước Pháp đã gửi đi một thông điệp về mối quan hệ bền vững, lâu dài cần được xây dựng dựa trên các mối liên hệ về lịch sử và lợi ích chung giữa hai nước. Đáng chú ý là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Roland Dumas từ ngày 23-26/4/1990 và Tổng thống Pháp Francois Mitterand (1993). Ngày 9/2/1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand cùng đông đảo các đại biểu cấp cao, đại diện các giới kinh doanh, luật gia, báo chí đã đến thăm Việt Nam. Đây là Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Pháp và là vị nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên đến thăm Việt Nam. Chính vì thế, chuyến thăm của Tổng thống Francois Mitterrand có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ là nền tảng tái hòa hợp giữa hai dân tộc mà còn mở ra một chương mới đầy tiềm năng mà ở đó ông cho rằng “có một sự tương đồng thật sự giữa hai dân tộc” [22; tr. 1]. Trong chuyến thăm này, tổng thống Mitterrand đã tuyên bố về mong muốn hướng tới một sự hợp tác lâu dài, toàn diện, và xây dựng mối quan hệ Việt-Pháp “đặc biệt như với Algeria” [10]. Trong bối cảnh Việt Nam đang phải chịu sự cô lập, các chuyến thăm trên có tác động không nhỏ đến thái độ của các nước phương Tây đối với Việt Nam vào thời điểm đó. Chuyến thăm của Tổng thống Pháp “có dụng tâm để gây thêm một chút áp lực với Hoa Kỳ” như nhà nghiên cứu Phillip Duavalier đã bình luận [23; tr.1]. Bởi vì, ông Mitterand đã công khai phê phán chính sách cấm vận của Mỹ là lỗi thời, không còn phù hợp trong xu thế hiện nay khi nói rằng: “Vào lúc này những trận chiến khác nhau ở Đông Dương đã lùi sâu vào quá khứ, tốt hơn là hãy lật qua một trang giấy mới để bắt đầu cho một khởi điểm mới. Một việc làm thuyết phục người Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận có lẽ là hình thức viện trợ kinh tế lớn lao nhất mà Pháp có thể cung ứng cho Việt Nam” [23; tr. 1-2]. Do đó, những sự kiện này đã mang lại những tác động tích cực đối với việc thúc đẩy Mỹ nhanh chóng bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam và tiến tới bình thường hóa quan hệ năm 1995. Không chỉ với Mỹ, các chuyến thăm của những người lãnh đạo nước Pháp cũng đã thực hiện vai trò kết nối giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Bộ trưởng ngoại giao Pháp Alain Juppé ngày 24/11/1994 khẳng định: “ngoài việc ủng hộ Việt Nam gia nhập ASEAN và Tổ chức thương mại thế giới, với tư cách là nước chủ tịch Liên minh châu Âu vào năm 1995, nước Pháp sẽ cố gắng hết sức để giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với Liên minh châu Âu. Nước Pháp ở trong lòng châu Âu thống nhất và Việt Nam ở trung tâm của châu Á tái hòa hợp và có tốc độ tăng trưởng cao, hai nước chúng ta có năng lực để cùng nhau nghĩ đến việc thực hiện những thành tựu lớn” [Dẫn theo 7; tr. 53]. Sau chuyến thăm của ông Mitterand và Alain Juppé, hàng loạt lãnh đạo cấp cao EU và các nước thành viên EU đã đến thăm Việt Nam vào các năm 1993, 1994 như ủy viên Ủy ban Châu Âu Hans Van Den Bxock, Tổng thống Áo Klestin, Thủ tướng Thuụy Điển Carl Bild, Thủ tướng Hà Lan Wkok, công chúa Anh, hoàng tử Bỉ, Luxembourg, Bộ trưởng Ngoại giao Italia G.De Micheslis..., từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các nước Tây Âu và ký hiệp định khung với Liên minh Châu Âu năm 1995. 3. Kết luận Trong thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, nước Pháp đã thực hiện một hướng đối ngoại với Việt Nam khá độc đáo trong thế giới tư bản và các nước Âu Mỹ lúc bấy giờ. Việc tìm cách cải thiện và tăng cường mối quan hệ với Việt Nam là một trong những minh chứng rõ ràng cho hướng đi này. Mặc dù thất bại ở Điện Biên Phủ và ảnh hưởng của cuộc Chiến tranh Lạnh, nước Pháp vẫn kiên trì tìm kiếm các mối quan hệ tốt đẹp với Hà Nội như một trung tâm quyền lực chủ chốt ở Đông Dương ngay từ sau năm 1954. Việc Pháp duy trì mối quan hệ rộng khắp với Việt Nam suốt gần Hoàng Hải Hà 62 nửa thế kỷ, chứng tỏ rằng “bóng ma Việt Nam” không còn đe dọa tới quan hệ Việt – Pháp. Từ thập niên 80 của thế kỷ XX, Việt Nam có vị trí cốt yếu trong chính sách đối ngoại của Pháp nhằm tạo dựng vai trò an ninh chính trị trong các vấn đề của Đông Dương và Đông Nam Á. Bởi Paris nhận thấy nhiều tiềm năng, nguồn lực và thậm chí là “di sản tích cực” của quá khứ thuộc địa cần phải được duy trì và phát triển “đúng lúc” phục vụ cho quá trình phục hồi hoặc đúng hơn là quá trình “tái định vị” của nước Pháp tại châu Á, Đông Nam Á nói chung và tại Đông Dương nói riêng. Thực hiện mục tiêu đối ngoại này, nước Pháp đã có những hoạt động kết nối tích cực giữa Việt Nam với thế giới thông qua các cách tiếp cận đa dạng ngôn ngữ-văn hóa đến kinh tế, viện trợ phát triển... Có thể thấy rằng, chính sách của Pháp ở Việt Nam là biểu hiện của việc sử dụng “quyền lực mềm” nhằm gia tăng ảnh hưởng văn hóa Pháp trên toàn khu vực thông qua thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ và giáo dục Pháp. Nhà nghiên cứu Reuben Wong (2004) nhận định rằng chính nỗi luyến tiếc về sự hiện diện của Pháp ở xứ Đông Dương thời thuộc địa và mong muốn được làm hồi sinh lại ảnh hưởng kinh tế và văn hóa của nước Pháp ở Đông Á thông qua cơ sở là bán đảo Đông Dương đã lý giải cho các chính sách kinh tế và chương trình viện trợ ODA hào phóng của Pháp ở Việt Nam. Qua đây, nước Pháp thực sự nỗ lực trong việc “mô tả” và “kiến tạo” bản thân họ như một đối tác phương Tây gần gũi của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới và quá trình hội nhập vào cộng đồng quốc tế. (Bản sơ lược của bài viết đã được trình bày tại Hội thảo khoa học quốc tế: "Giao lưu văn hóa Việt-Pháp: Thành tựu và triển vọng", Đại học Sư phạm Hà Nội (16-17/4/2018).) TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bridges, Brian, 1996. “Western Europe and Southeast Asia”, in Wuref, David and Burton, Bruce (eds), Southeast Asia in the Neu Word Order, London [2] Nguyễn Hoàng Giáp, Nguyễn Văn Lan, 2001. Quan hệ Pháp - Việt trên lĩnh vực chính trị đối ngoại: Lịch sử và hiện tại. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 1. [3] Nguyễn Thị Hạnh, 2012. Hai mươi năm quan hệ Pháp-Việt Nam (1975-1995), phần 1. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 4 (139). [4] Nguyễn Thị Hạnh, 2012. Hai mươi năm quan hệ Pháp-Việt Nam (1975-1995), phần 2. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 8(143). [5] Bùi Thành Nam, 2014, Quan hệ kinh tế Việt - Pháp: Thực tiễn và triển vọng, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 30, Số 2 (2014) 42-47. [6] De Gaulle, Charles, 2015. Hồi ký chiến tranh. Nxb Thế giới. [7] Trịnh Văn Tùng, 2014. Vai trò của nước Pháp trong quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu từ năm 1954 đến nay. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 30, Số 2 (2014) 48-56. [8] Bozo, Frédéric, 2007. Mitterrand's France, the End of the Cold War, and German Unification: A Reappraisal, Cold War History, 7(4), pp: 455–478. [9] Newton, Julie M, 2013. Gorbachev, Mitterrand, and the emergence of the Post-Cold War order in Europe. Europe-Asia Studies 65(2) pp: 290-320 [10] Wong Reuben, 2006. The Europeanization of French Foreign Policy: France and the EU in East Asia, Basingstoke and New York, Palgrave Macmillan. [11] Thông tấn xã Việt Nam, 1981. “Trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp”, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 22-5-1981. [12] Thông tấn xã Việt Nam, 1982. “Chính sách của Pháp ở Đông Dương”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 3/5/1982. Vai trò của nước Pháp đối với quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam (1981-1995) 63 [13] Yamamoto Tadamichi, 2015. Japan's Role in Peacemaking in Cambodia: Factors that Contributed to Its Success, Southeast Asian Studies, Vol. 4, No. 2, August 2015. [14] François Godement, 1995. Une politique française pour l'Asie-Pacifique ?. In: Politique étrangère, N°4 - 1995 - 60ᵉannée. pp. 959-970 [15] Nguyễn Thị Kim Chi, 2011. Vấn đề thu hút và sử dụng hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Pháp tại Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 12 (135). [16] Bousquet, G, 2002. “Facing Globalization: Vietnam and the Francophone Community”. In Bousquet, G., Brocheux, P. (éds.) Viet Nam exposé Ann Arbor : University of Michigan Press, pp 421-455 [17] EC Delegation in Hanoi, 2002. European Union Development Cooperation Activities in Vietnam 2001. [18] Dương Văn Quảng cb, 2003. Chính sách đối ngoại của Pháp dưới nền cộng hòa thứ V, Học Viện QHQT, Hà Nội. [19] Henrich Dahm, 1999. French and Japanese Economic Relations with Vietnam Since 1975, Curzon Press, UK. [20] Sue Wright, 2008. The case of Francophonie and Vietnam, Synergies Europe N° 3, pp. 51-67. [21] Thông tấn xã Việt Nam, 1993. "Các báo Pháp viết về Việt Nam", Tài liệu tham khảo đặc biệt, (261), tr.1-2. [22] Báo nhân dân, 1993. “Diễn văn chào mừng Tổng thống Pháp Francois Mitterrand của Chủ tịch Lê Đức Anh”, số 13868, ngày 11/2/1993 [23] Thông tấn xã Việt Nam, 1993. Xung quanh chuyến đi thăm Việt Nam và Campuchia của Tổng thống Mitterrand, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 13/2/1993. ABSTRACT The role of France in integrating Vietnam into the world (1981-1995) Hoang Hai Ha Faculty of History, Hanoi National University of Education The paper analyzes roles played by France in helping Vietnam to break isolation and integrate into the world. Throughout the 1980s, France enjoyed a very strong political relationship with the Vietnamese government, and French economic interests in Vietnam were far greater than those of any other Western country. In Vietnam’s isolation period (1979-1990), France acted as “a bridge” connecting Vietnam to the Western world despite being EU member state. The French, firstly, worked as a leading mediator in the negotiations on the Cambodian conflict. Also, the French leadership condemned the American embargo as being outdated, thereby opening channels of communication with Hanoi. These activities demonstrated the French effort to build an image of “friendly” partner and make a role in politics, security and economy of Vietnam and Southeast Asia. Keywords: France-Vietnam, international integration, US embargo.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf5350_7_hoang_hai_ha_232_2122852.pdf
Tài liệu liên quan