Tài liệu Vai trò của cán bộ y tế trường học trong quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2018
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 606
VAI TRÒ CỦA CÁN BỘ Y TẾ TRƯỜNG HỌC TRONG QUẢN LÝ, CHĂM
SÓC SỨC KHỎE HỌC SINH
Dương Tiểu Phụng*, Nguyễn Lệ Huyền*
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Đánh giá vai trò của cán bộ y tế trường học (CBYTTH) đối với việc chăm sóc sức khỏe học sinh
là vấn đề ưu tiên, quan trọng trong điều kiện nguồn lực cho công tác y tế trường học còn hạn chế mà tỉ lệ học
sinh mắc các vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng.
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá vai trò của CBYTTH trong quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh tại thành
phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang năm 2017.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang thông qua phỏng vấn sâu ban giám hiệu nhà trường,
giáo viên, CBYTTH, cán bộ trạm y tế (TYT) và thu thập thông tin từ sổ sách, hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe học
sinh ở hai nhóm trường có và không có CBYTTH.
Kết quả: CBYTTH có vai trò quan trọng trong sơ cấp cứu, truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 305 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò của cán bộ y tế trường học trong quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2018
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 606
VAI TRÒ CỦA CÁN BỘ Y TẾ TRƯỜNG HỌC TRONG QUẢN LÝ, CHĂM
SÓC SỨC KHỎE HỌC SINH
Dương Tiểu Phụng*, Nguyễn Lệ Huyền*
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Đánh giá vai trò của cán bộ y tế trường học (CBYTTH) đối với việc chăm sóc sức khỏe học sinh
là vấn đề ưu tiên, quan trọng trong điều kiện nguồn lực cho công tác y tế trường học còn hạn chế mà tỉ lệ học
sinh mắc các vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng.
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá vai trò của CBYTTH trong quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh tại thành
phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang năm 2017.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang thông qua phỏng vấn sâu ban giám hiệu nhà trường,
giáo viên, CBYTTH, cán bộ trạm y tế (TYT) và thu thập thông tin từ sổ sách, hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe học
sinh ở hai nhóm trường có và không có CBYTTH.
Kết quả: CBYTTH có vai trò quan trọng trong sơ cấp cứu, truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức
khám/kiểm tra sức khỏe cho học sinh, triển khai các chương trình y tế, phong trào vệ sinh phòng bệnh tại trường.
Tỷ lệ bệnh răng miệng (41,4%), suy dinh dưỡng (36,3%), thừa cân (13,2%) ở trường không có CBYTTH cao
hơn so với trường có CBYTTH (27,4%, 13%; và 5,8%). CBYTTH giúp giảm tải công việc cho ban giám hiệu,
giáo viên trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh. Tuy nhiên, CBYTTH chưa thể hiện được vai trò
trong việc theo dõi sức khỏe của học sinh, hoàn thành các hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh theo quy định.
Kết luận: CBYTTH đóng vai trò tích cực trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh cũng như giảm
thiểu gánh nặng công việc cho ban giám hiệu, giáo viên. Cần tạo điều kiện thuận lợi để họ chịu trách nhiệm chính
và phát huy hiệu quả vai trò của mình
Từ khóa: cán bộ y tế trường học, quản lý, chăm sóc, sức khỏe học sinh
ABSTRACT
ROLE OF SCHOOL HEALTHCARE WORKERS
IN STUDENTS’ HEALTH CARE AND MANAGEMENT
Duong Tieu Phung, Nguyen Le Huyen
* Ho Chi Minh City Journal of Medicine * Supplement of Vol. 23 – No. 5 - 2019: 606 – 614
Background: There is an increasing rate of health problems in students. Hence assessing the role of school
health workers in the students’ health care is a priority and significant issue when considering the limited of
school health resources.
Objectives: Assessing the role of school health workers in management and health caring for students in
Rach Gia, Kien Giang province in 2017.
Methods: A cross-sectional study was conducted using in-depth interviews on school administrators,
teachers, school health workers, medical station workers. Also, information about students' health in two school
groups with and without school healthcare workers was collected from management documents and records.
Results: Healthcare workers played a vital role in administering first aid; communication and education
about health; organize health examination for students; implement health projects, and campaigns about diseases
*Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh
Tác giả liên lạc: ThS. Dương Tiểu Phụng ĐT: 0903 747 548 Email: duongtieuphung@iph.org.vn
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 607
prevention and hygiene in school. The prevalence of dental diseases (41.4%), malnutrition (36.3%) and
overweight (13.2%) in schools without healthcare workers were higher than that of schools with them, those rates
were 27.4%, 13%, and 5.8% respectively. School healthcare workers helped reduce the workload for
administrators and teachers in caring and management students' health. However, they unable to prove their
important role in monitoring students’ health and complete the records of management and monitoring for
students' health according to regulations.
Conclusion: School healthcare workers play a positive role in students’ health care activities as well as
minimizing the work burden of school staffs. Facilitate favorable conditions will encourage them to undertake the
main responsibility and effectively promote their role.
Keywords: school nurse, management, care, student health
ĐẶT VẤN ĐỀ
Để triển khai các biện pháp bảo vệ, chăm sóc
trẻ em trong độ tuổi đến trường một cách đầy
đủ, vai trò của công tác y tế trường học (YTTH)
rất cần thiết, quan trọng. Trong đó, CBYTTH có
ảnh hưởng tích cực đối với việc quản lý, theo
dõi, sàng lọc các vấn đề sức khỏe ở học sinh(1,3,5).
Cán bộ y tế trường học (CBYTTH) còn có vai trò
quan trọng trong việc làm giảm tỉ lệ học sinh
vắng mặt tại trường do các vấn đề liên quan đến
sức khỏe(7), giúp làm giảm thời gian nhân viên
nhà trường dành cho hoạt động chăm sóc sức
khỏe học sinh(6).
Hiện nay, cán bộ y tế tại các trường học vẫn
còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng. Theo
báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (YTDP), có
55,4% trường học không có CBYT, trong số các
CBYTTH thì có 43% là kiêm nhiệm. Kiên Giang
là một trong số các tỉnh có tỉ lệ trường không có
CBYT cao nhất tại khu vực phía Nam với 37%
trong năm học 2015-2016. Trong đó, thành phố
Rạch Giá là một trong hai khu vực có tỉ lệ trường
không có CBYT chiếm tỉ lệ cao nhất.
Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu về vai trò,
tác động của CBYTTH đối với công tác chăm sóc
sức khỏe học sinh. Thiếu bằng chứng cho thấy
vai trò, ảnh hưởng của CBYTTH trong công tác
chăm sóc sức khỏe học sinh là vấn đề đáng quan
tâm trong tình hình kinh phí dành cho hoạt
động YTTH còn hạn chế mà tỉ lệ trẻ mắc các vấn
đề sức khỏe ngày càng gia tăng. Vì thế, nghiên
cứu được tiến hành để đánh giá vai trò của
CBYTTH trong chăm sóc, quản lý các vấn đề sức
khỏe ở học sinh; đây được xem là một trong các
chỉ số chuyên biệt để đánh giá hiệu quả của
CBYTTH đối với việc bảo vệ, chăm sóc và nâng
cao sức khỏe học sinh. Từ đó cung cấp bằng
chứng, thông tin cho việc đưa ra các chính sách
về nhân sự cho hoạt động y tế trường học, đặc
biệt là cán bộ y tế tại các trường, nhằm phát triển
đội ngũ CBYTTH đảm bảo về số lượng và trình
độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo
vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh. Đồng thời,
kết quả nghiên cứu cũng là tiền đề cho các
nghiên cứu liên quan sâu rộng hơn sau này.
Mục tiêu nghiên cứu
Đánh giá sự khác biệt giữa trường có và
không CBYTTH về việc khám/kiểm tra sức khỏe
định kỳ, theo dõi sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu,
tổ chức triển khai các chương trình y tế, phong
trào vệ sinh phòng bệnh, truyền thông giáo dục
sức khỏe cho học sinh.
Đánh giá vai trò của CBYTTH đối với việc
giảm tải công việc cho cán bộ nhà trường trong
việc quản lý và chăm sóc sức khỏe học sinh; giúp
cải thiện sức khỏe học sinh.
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ
sở, trung học phổ thông và TYT xã/phường tại
thành phố Rạch Giá, Kiên Giang năm học 2017-
2018; cán bộ ban giám hiệu phụ trách công tác
YTTH, CBYTTH, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ
TYT xã/phường phụ trách công tác YTTH.
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2018
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 608
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu cắt ngang.
Kỹ thuật chọn mẫu
Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang có 57
trường học bao gồm 11 trường Mầm non, 27
trường Tiểu học, 13 trường Trung học cơ sở và
6 trường Trung học phổ thông. Chọn ngẫu
nhiên 1 trường có CBYT và 1 không có CBYT ở
mỗi cấp học.
Tổng số trường được chọn là 8 trường. Ở
mỗi trường, chọn chủ đích 1 ban giám hiệu và
1 CBYT (đối với trường có CBYTTH) phụ trách
công tác YTTH ít nhất là 1 năm học, chọn ngẫu
nhiên 1 giáo viên chủ nhiệm. Ở mỗi TYT
xã/phường có trường học được chọn đưa vào
nghiên cứu, chọn chủ đích một CBYT phụ
trách công tác YTTH ít nhất là 1 năm học. Tổng
số có 26 đối tượng tham gia phỏng vấn sâu,
gồm 8 hiệu trưởng, 8 giáo viên, 6 cán bộ TYT
và 4 CBYTTH.
Phương pháp, công cụ thu thập dữ liệu
Phỏng vấn sâu các đối tượng nghiên cứu
bằng bộ câu hỏi soạn sẵn, sử dụng bảng kiểm
được thiết kế sẵn để thu thập các thông tin từ sổ
sách, hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh.
Xử lý, phân tích dữ liệu
Dữ liệu sau khi thu thập qua các buổi
phỏng vấn được gỡ băng, tổng hợp và lưu trữ
dưới dạng file điện tử và bản cứng. Mã hóa dữ
liệu theo chủ đề: thông tin về đối tượng nghiên
cứu, khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe
học sinh, sơ cấp cứu, xử trí ban đầu, triển khai
các chương trình y tế, truyền thông-giáo dục
sức khỏe, giảm thiểu gánh nặng công việc cho
cán bộ nhà trường, giúp cải thiện sức khỏe học
sinh. Đánh giá vai trò của CBYTTH thông qua
đánh giá sự khác biệt về nội dung thực hiện
theo các nhóm chủ đề giữa nhóm trường có và
không có CBYTTH, những nhận định của cán
bộ TYT, ban giám hiệu, giáo viên về vai trò của
CBYTTH; hồ sơ, sổ sách về quản lý, theo dõi
sức khỏe học sinh.
KẾT QUẢ
Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu
Các đối tượng tham gia nghiên cứu có độ
tuổi từ 22 đến 59 tuổi, gồm 8 hiệu trưởng/phó
hiệu trưởng, 8 giáo viên, 6 cán bộ TYT phụ
trách công tác YTTH và 4 CBYTTH tại các
trường. Các đối tượng có thâm niên làm việc
từ 1 đến 23 năm. Trình độ chuyên môn của
CBYTTH đều là y sỹ trung cấp, trong đó có 1
cán bộ biên chế, 3 cán bộ làm việc theo diện
hợp đồng, có 1 CBYTTH kiêm nhiệm công tác
văn thư tại trường.
Bảng 1: Đặc điểm của trường học (n=8)
Đặc điểm
Trường có
CBYTTH (n=4)
Trường không
có CBYTTH (n=4)
Có ban chăm sóc sức
khỏe học sinh
0 0
Kinh phí cho hoạt động
y tế trường học
4 1
Có phòng y tế 4 0
Thuốc, dụng cụ, trang
thiết bị y tế đầy đủ
4 0
Tất cả các trường đều không có ban chăm
sóc sức khỏe học sinh. Các trường có CBYTTH
đều có phòng y tế, đầy đủ thuốc, dụng cụ, trang
thiết bị và kinh phí cho hoạt động YTTH. Phần
lớn các trường không có CBYTTH không có kinh
phí cho hoạt động y tế trường học.
Sự khác biệt giữa trường có và không có
CBYTTH trong quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh
Bảng 2: Các hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe
học sinh các trường đã thực hi ện
Hoạt động
Có thực hiện
Trường có
CBYTTH
(n=4)
Trường không
có CBYTTH
(n=4)
Tổ chức khám /kiểm tra sức
khỏe định kỳ cho học sinh
2 1
Lập sổ theo dõi sức khỏe học sinh 3 3
Theo dõi các trường hợp
bệnh truyền nhiễm ở học sinh
4 4
Sơ cấp cứu, xử trí ban đầu
cho học sinh
4 4
Tổ chức triển khai các
chương trình y tế, phong trào
vệ sinh phòng bệnh tại trường
4 4
Tổ chức các hoạt động truyền
thông giáo dục sức khỏe
4 4
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 609
Tổ chức khám/kiểm tra sức khỏe định kỳ cho
học sinh
Trong số 3 trường có thực hiện khám sức
khỏe định kỳ cho học sinh, có 2 trường có
CBYTTH. Trường có CBYTTH thì nhà trường có
sự chủ động liên hệ với trung tâm y tế/TYT
trong việc phối hợp thực hiện hoạt động này.
“bên có cán bộ y tế thì họ chủ động
hơn” (Cán bộ TYT).
“Có, có chứ, khác nhiều chứ. Nếu có cán bộ y
tế thì từ đầu năm đến giờ chúng tôi đã khám sức
khỏe cho các em xong rồi” (Hiệu trưởng trường
không có CBYTTH).
Phần lớn các trường không có cán bộ YTTH
không thực hiện hoạt động này. Các trường này
không được trích kinh phí từ nguồn bảo hiểm y
tế, do đó gặp khó khăn trong việc tổ chức khám
sức khỏe cho học sinh. Mặc dù các trường này có
thể vận động đóng góp của phụ huynh để tổ
chức khám sức khỏe học sinh nhưng trên thực tế
chỉ có 1 trường có được nguồn kinh phí này.
“Mình không có nguồn, nhưng mình có phụ
huynh đóng góp, có xã hội hóa...Tiền đó là phụ
huynh trả, chứ tiền kia mình đâu có” (Hiệu
trưởng trường không có CBYTTH).
Theo dõi sức khỏe học sinh
Có 6/8 trường bao gồm 3 trường có và 3
trường không có CBYTTH có lập sổ theo dõi sức
khỏe học sinh. Tại các trường không có
CBYTTH, ban giám hiệu hoặc giáo viên là
những người kiêm nhiệm việc lập, lưu giữ sổ
theo dõi sức khỏe học sinh. Một số ban giám
hiệu cho thấy sự khó khăn và lúng túng khi thực
hiện công việc này.
“Năm nay thì không có cán bộ y tế nên
chúng tôi không biết có cách nào để làm việc đó”
(Hiệu trưởng trường không có CBYTTH).
Việc thực hiện ghi chép sổ sách để theo dõi
sức khỏe học sinh vẫn còn nhiều thiếu sót, kết
quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt
rõ ràng giữa hai nhóm trường có và không có
CBYTTH. Khi xem xét hồ sơ theo dõi sức khỏe
học sinh thì các trường phần lớn thiếu thông
tin về tiểu sử bệnh của học sinh, huyết áp,
nhịp tim, đánh giá thị lực. Ngoại trừ các
trường mầm non, hầu hết các trường chưa
đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh.
Ngoài ra, nhà trường chỉ có thông báo, tư vấn,
đề xuất về việc khám chuyên khoa hay nghi
ngờ mắc bệnh truyền nhiễm cho phụ huynh để
phụ huynh đưa các em đi điều trị, các trường
không nắm được là các em có được khám và
điều trị chuyên khoa hay không.
Không có sự khác biệt về việc theo dõi
bệnh truyền nhiễm ở học sinh giữa trường có
và không CBYTTH. CBYTTH chưa thể hiện rõ
vai trò của mình trong việc theo dõi bệnh
truyền nhiễm ở học sinh. Tại các trường học,
việc theo dõi bệnh truyền nhiễm ở học sinh
chủ yếu là do giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo
viên bộ môn theo dõi.
“Ừ, theo dõi các trường hợp học sinh bị mắc
bệnh truyền nhiễm là do giáo viên theo dõi’
(Hiệu trưởng trường có CBYTTH).
Mặc dù giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ
môn là người chủ yếu theo dõi bệnh truyền
nhiễm ở học sinh. Tuy nhiên, theo nhận định của
ban giám hiệu thì có CBYTTH sẽ tốt hơn vì họ có
chuyên môn nên giúp phát hiện sớm bệnh ở học
sinh. Cán bộ TYT cũng nhận định rằng CBYTTH
sẽ giúp phát hiện dịch bệnh nhạy và sớm hơn.
“Nhưng mà có cán bộ y tế thì sẽ tốt hơn,
không phải là chỉ có vụ thuốc, khi có dịch bệnh
thì y tế sẽ nắm hơn. Giáo viên dù có biết
nhưng không thể sát sao, y tế nhìn vô thì có
thể phát hiện được. Có những trường hợp
bệnh phải có y tế mới nắm hết” (Hiệu trưởng
trường có CBYTTH).
Sơ cấp cứu ban đầu
8/8 trường đều thực hiện sơ cấp cứu cho học
sinh nhưng các hồ sơ ghi nhận công tác quản lý
và sơ cứu tốt hơn ở nhóm trường có CBYTTH.
Bên cạnh đó, CBYTTH được xem là người thực
hiện sơ cấp cứu đảm bảo chuyên môn, sâu sát
hơn so với giáo viên.
“Thực ra chúng tôi cũng là phụ huynh, chăm
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2018
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 610
sóc học sinh như con mình vậy, ai cũng biết chút
ít về sơ cứu. Tuy nhiên, có cán bộ y tế thì vẫn
hay hơn, họ có chuyên môn của họ, chỉ có cán bộ
y tế là đi sâu hơn thôi” (Giáo viên).
Đối với trường không có CBYTTH, công tác
xử trí ban đầu chủ yếu do giáo viên, tổng phụ
trách đảm nhận. Việc sơ cấp cứu cho trẻ gặp khó
khăn vì giáo viên không có đủ chuyên môn để
thực hiện.
“Giáo viên thì không chuyên sâu, lâu lâu
mới va chạm nên không tốt bằng y tế, lỡ mà sơ
suất có gì xảy ra thì cũng không biết làm sao”
(Hiệu trưởng trường có CBYTTH).
Đồng thời, khi giáo viên sơ cấp cứu, xử trí
ban đầu cho học sinh làm ảnh hưởng đến công
tác chuyên môn, gây quá tải công việc cho giáo
viên vì giáo viên phải phụ trách công tác chuyên
môn giảng dạy. Bên cạnh đó, việc chuyển học
sinh đến TYT, Trung tâm Y tế hoặc bệnh viện
cũng gặp khó khăn do không có người đảm
nhận công việc này.
“Giáo viên cũng có thể xử lý các trường hợp
nhẹ nhưng sẽ ảnh hưởng đến công tác giảng
dạy” (Giáo viên).
Tổ chức triển khai các chương trình y tế, phong
trào vệ sinh phòng bệnh tại trường
Tất cả các trường đều thực hiện các chương
trình y tế, phong trào vệ sinh phòng bệnh. Tuy
nhiên, theo nhận định của các TYT thì có sự khác
biệt về việc thực hiện các chương trình y tế,
phong trào vệ sinh phòng bệnh giữa trường có
và không có CBYTTH. Khi các trường có
CBYTTH thì nhà trường thường chủ động hơn
trong việc phối hợp và TYT dễ dàng phối hợp
trong việc thực hiện các chương trình y tế tại
trường. Theo đánh giá của cán bộ TYT thì việc
thực hiện các chương trình này cũng hiệu quả
hơn so với trường không có CBYTTH.
“Đối với tiêm chủng mở rộng thì trường
không có CBYTTH thì trạm xuống và tự làm;
nếu có CBYTTH thì họ nắm được lịch tiêm
chủng và chủ động phối hợp và đúng quy trình.
Tỷ lệ tiêm chủng ở trường có cán bộ y tế tốt hơn”
(Cán bộ TYT).
Truyền thông giáo dục sức khỏe
Tất cả các trường đều tổ chức các hoạt
động truyền thông, giáo dục sức khỏe. Người
truyền thông, giáo dục sức khỏe chủ yếu là
CBYTTH, tổng phụ trách, giáo viên chủ nhiệm.
Theo các TYT, những trường có CBYTTH thì
TYT dễ dàng phối hợp, nhà trường chủ động
truyền thông tốt hơn, giúp giảm tải công việc
cho TYT vì CBYTTH nắm chuyên môn tốt hơn
so với giáo viên.
“Khi có CBYTTH thì chúng tôi dễ dàng trao
đổi chuyên môn hơn so với trao đổi trực tiếp với
hiệu trưởng và giáo viên” (Cán bộ TYT).
Các giáo viên cũng nhận định rằng việc
truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh
được thực hiện hiện bởi CBYTTH tốt hơn vì cán
bộ y tế có chuyên môn hơn.
“Có CBYTTH thì khi tuyên truyền dễ
truyền tải thông điệp hơn vì họ có chuyên
môn” (Giáo viên).
Vai trò của CBYTTH đối với việc giảm tải công
việc cho nhân viên nhà trường, giúp cải thiện
sức khỏe và tỷ lệ bệnh tật của học sinh
CBYTTH có vai trò quan trọng trong việc
giảm tải công việc cho ban giám hiệu, giáo viên
trong quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh. Khi
có cán bộ y tế thì ban giám hiệu, giáo viên có
nhiều thời gian hơn, yên tâm hơn để thực hiện
công tác chuyên môn giảng dạy của mình.
“Nếu có trường hợp học sinh bị nặng thì
CBYTTH sẽ hỗ trợ nên giáo viên không bị gián
đoạn công việc giảng dạy” (Giáo viên).
Bảng 3: Tỉ lệ các bệnh tật ở học sinh giữa trường có
và không có CBYTTH
Bệnh tật
Tỉ lệ các bệnh tật
Có CBYTTH (n=4)
Trung vị (nhỏ nhất
- lớn nhất)
Không có CBYTTH
(n=4) Trung vị (nhỏ
nhất - lớn nhất)
Bệnh về răng miệng 26,5 (5 – 47,9) 44,3 (6,2 – 82,4)
Suy dinh dưỡng 11,5 (0 – 23) 36,3 (0 – 72,5)
Thừa cân, béo phì 6,3 (1,4 – 11,2) 17,6 (1,1 – 35,2)
Cận thị 17,2 (3,3 – 31) 10,7 (0 – 21,3)
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 611
Tỉ lệ học sinh mắc các bệnh răng miệng, suy
dinh dưỡng, thừa cân, béo phì tại các trường
không CBYTTH cao hơn tại các trường có
CBYTTH, với các tỉ lệ lần lượt là 44,3%, 36,3% và
17,6% so với 26,5%, 11,5% và 6,3%. Tỉ lệ cận thị ở
trường có CBYTTH (17,2%) cao hơn ở các trường
không có CBYTTH (10,7%).
Hầu hết các trường (3/4 trường) và cán bộ
TYT đều cho rằng CBYTTH giúp cải thiện sức
khỏe học sinh.
“CBYTTH rất quan trọng với học sinh, mà
còn cả giáo viên; giúp cải thiện sức khỏe cho cả
học sinh và giáo viên” (Giáo viên).
“Theo số liệu về học sinh bị bệnh, thì tỷ lệ
học sinh mắc bệnh ít hơn ở các trường có cán bộ
y tế, do trường có y tế thì tuyên truyền và phòng
bệnh được tốt hơn” (Cán bộ TYT).
Sự cần thiết có cán bộ y tế tại các trường học
8/8 trường cho rằng cần phải có CBYTTH.
Nguyên nhân các trường cần có CBYTTH chủ
yếu là do CBYTTH là người có vai trò quan
trọng trong việc xử trí kịp thời, hiệu quả các
trường hợp sơ cấp cứu, xử trí ban đầu ở học
sinh; giúp phát hiện sớm các ca bệnh khi có vụ
dịch xảy ra; giáo dục sức khỏe cho học sinh
cũng như phụ huynh chính xác, cụ thể hơn so
với giáo viên.
“... Giáo viên dù có biết nhưng không thể sát
sao, ví dụ như y tế nhìn vô thì có thể phát hiện
được...” (PHT trường có CBYTH).
Đối với các trường không có CBYTTH,
nguyên nhân các trường không có CBYTTH là
do không có biên chế cho CBYTTH, không thuê
được người vì CBYTTH được trả lương thấp.
“...lương quá thấp nên họ cũng không thiết
tha là gì, nên năm nay họ không làm nữa” (HT
trường không CBYTTH).
BÀN LUẬN
Sự khác biệt giữa trường có và không có
CBYTTH về quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh
Tổ chức khám sức khỏe/kiểm tra sức khỏe định kỳ
Có 3/8 trường (37,5%) có tổ chức khám sức
khỏe cho học sinh. Kết quả này thấp hơn so
với báo cáo tổng kết kết năm 2015 của Cục
YTDP với 69,7% các trường tổ chức khám cho
học sinh, và nghiên cứu của T.N.V.Như và
D.T.Phỉ tại tỉnh Khánh Hòa năm học 2012-2013
(77%)(8). Điều này được lý giải là do thực hiện
theo thông tư 13/2016, các trường có CBYTTH
với trình độ đảm bảo chuyên môn theo quy
định thì CBYTTH có thể tự thực hiện kiểm tra
sức khỏe học sinh, do đây là thời gian đầu
thực hiện theo thông tư nên các trường còn
thiếu sự chủ động trong việc bố trí nguồn
nhân lực khám cho các em khi không còn sự
hỗ trợ nhiều từ phía TYT và Trung tâm Y tế.
Bên cạnh đó, sự hạn chế về kinh phí và tuyển
dụng đã dẫn đến việc các trường không thể bố
trí trí CBYTTH chuyên trách nên gây khó khăn
cho công tác khám, kiểm tra sức khỏe học.
Trong số các trường có tổ chức khám sức khỏe
học sinh, vai trò của CBYTTH thể hiện rõ ràng
hơn. Trường có CBYTTH thì có sự chủ động
liên hệ với trung tâm y tế/TYT trong việc phối
hợp thực hiện hoạt động này, số trường có
khám sức khỏe học sinh cũng nhiều hơn.
Theo dõi sức khỏe học sinh
Kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự
khác biệt rõ ràng giữa hai nhóm trường có và
không có CBYTTH. Việc lập hồ sơ theo dõi sức
khỏe học sinh còn nhiều bất cập. Phần lớn các hồ
sơ thiếu thông tin về tiểu sử bệnh, huyết áp, nhịp
tim, đánh giá thị lực. Ngoại trừ các trường mầm
non, hầu hết các trường chưa đánh giá tình trạng
dinh dưỡng của học sinh. Các tài liệu được lưu
giữ chỉ mang tính chất đối phó khi phần lớn các
sổ theo dõi sức khỏe học sinh ghi chép còn khá
sơ sài. Đồng thời, việc thiếu nhân lực làm việc tại
các trường không có CBYTTH khiến hoạt động
này chưa hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến việc
thiếu cập nhật tình hình sức khỏe học sinh nói
chung và phát hiện bệnh tật của các em nói
riêng. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho
thấy các trường không biết được là các em có
được khám và điều trị chuyên khoa hay không.
Các trường chỉ có thông báo, tư vấn về việc
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2018
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 612
khám chuyên khoa khi phát hiện học sinh có vấn
đề sức khỏe cho phụ huynh. Phụ huynh cũng
không phản hồi cho nhà trường biết về việc các
em đã được đi khám chuyên khoa và kết quả
như thế nào. Điều này cho thấy sự phối hợp giữa
nhà trường và phụ huynh trong việc khám điều
trị chuyên khoa cho học sinh còn chưa chặt chẽ.
Không có sự khác biệt về việc theo dõi bệnh
ở học sinh giữa trường có và không CBYTTH.
Tại các trường, việc theo dõi bệnh ở học sinh chủ
yếu là do giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ
môn theo dõi. Điều này cho thấy CBYTTH chưa
phát huy được vai trò của mình trong công tác
theo dõi bệnh ở học sinh, giúp phát hiện sớm các
trường hợp nhiễm bệnh, báo cho y tế địa
phương để có các biện pháp xử trí kịp thời, liên
hệ chặt chẽ với phụ huynh nhằm giám sát, theo
dõi bệnh truyền nhiễm ở học sinh. Mặc dù giáo
viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn chủ yếu là
người theo dõi bệnh truyền nhiễm ở học sinh,
nhưng theo nhận định của ban giám hiệu thì có
CBYTTH đảm nhận công việc này sẽ tốt hơn vì
họ có chuyên môn nên sẽ giúp phát hiện sớm
bệnh ở học sinh. Cán bộ TYT cũng nhận định
rằng CBYTTH giúp phát hiện dịch bệnh nhạy và
sớm hơn. Thật vậy, nếu CBYTTH thực hiện, phát
huy được hết vai trò của mình thì họ có ảnh
hưởng tích cực, cũng như có vai trò rất quan
trọng trong công tác phát hiện sớm, theo dõi
bệnh ở học sinh nói chung, bệnh truyền nhiễm
nói riêng(1,3,5).
Sơ cấp cứu, xử trí ban đầu
Tất cả các trường có CBYTTH đều có hồ sơ
ghi nhận việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho học
sinh. CBYTTH được đánh giá là thực hiện tốt
công tác này. CBYTTH có chuyên môn sẽ tạo
điều kiện thuận lợi trong việc giúp học sinh
giảm thiểu những hậu quả không may xảy ra.
Kết quả phù hợp với nghiên cứu tại New
Zealand, nghiên cứu này cũng chỉ rõ sự cần thiết
có mặt của CBYTTH đối với hoạt động này. Với
các trường không CBYTTH, việc sơ cấp cứu gặp
nhiều khó khăn vì giáo viên không đủ chuyên
môn. Các trường e ngại giáo viên không đủ
chuyên môn thì khi xử trí có thể ảnh hưởng đến
các em, tình huống không may có thể xảy ra, khi
đó nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm, không
chỉ mất uy tín của nhà trường mà còn làm phụ
huynh lo lắng, ảnh hưởng đến sức khỏe của các
em. Thật vậy, một trong các yếu tố quan trọng
đối với hoạt động sơ cứu, xử trí ban đầu trong
trường học là chuyên môn của người xử trí. Chỉ
khi được sơ cứu, xử trí ban đầu đúng thì mới
phát huy được vai trò, tác dụng của công tác sơ
cấp cứu, nhằm giúp phòng tránh, hạn chế ảnh
hưởng của chấn thương hay bệnh tật. Ngoài ra,
không có CBYTTH thì việc sơ cấp cứu còn làm
ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, gây quá
tải công việc cho giáo viên.
Tổ chức triển khai các chương trình y tế, phong
trào vệ sinh phòng bệnh tại trường
Tất cả các trường có và không có CBYTTH
đều thực hiện các chương trình y tế, phong trào
vệ sinh phòng bệnh. Tuy nhiên, theo nhận định
của các TYT thì có sự khác biệt về việc thực hiện
các hoạt động này giữa trường có và không có
CBYTTH. Các trường có CBYTTH thường chủ
động hơn trong việc phối hợp với TYT và TYT
dễ dàng phối hợp hơn trong việc thực hiện các
chương trình y tế. Đồng thời, theo đánh giá của
cán bộ TYT, việc thực hiện các chương trình này
cũng hiệu quả hơn so với trường không có
CBYTTH. Tỉ lệ học sinh được tiêm chủng ở
trường có CBYTTH cao hơn trường không có y
tế. CBYTTH có vai trò tích cực đối với việc cải
thiện tỉ lệ tiêm chủng ở học sinh. Một nghiên cứu
dựa trên bằng chứng nhằm đánh giá vai trò của
CBYTTH trong các trường học cũng chỉ ra rằng
cán bộ y tế có vai trò thúc đẩy tăng tỷ lệ tiêm
chủng của học sinh(1). Nghiên cứu cho thấy việc
thúc đẩy gia tăng tỉ lệ tiêm chủng ở học sinh
thông qua hoạt động kiểm tra sức khoẻ của học
sinh khi nhập học để theo dõi thường xuyên việc
tiêm chủng ở trẻ. Ngoài việc cung cấp các tài liệu
liên quan đến việc tiêm chủng, thì phụ huynh
của các học sinh cũng nhận được sự tư vấn, nhắc
nhở từ phía CBYTTH. Chính sự can thiệp này đã
làm cải thiện đáng kể tỷ lệ tiêm chủng ở học sinh.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2019 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 613
Truyền thông, giáo dục sức khỏe cho học sinh
Có sự khác biệt về hoạt động truyền thông
giáo dục sức khỏe cho học sinh giữa trường có
và không có CBYTTH. Theo nhận định của các
TYT, khi các trường có CBYTTH thì nhà trường
thường chủ động hơn và TYT dễ dàng phối hợp,
thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức
khỏe cho học sinh được tốt hơn, giúp giảm tải
công việc cho TYT. Bên cạnh đó, theo nhận định
của giáo viên và cán bộ TYT thì công tác truyền
thông giáo dục sức khỏe ở trường có cán bộ y tế
tốt hơn, vì CBYTTH nắm chuyên môn về y tế tốt
hơn so với giáo viên. Ngoài ra, CBYTTH cũng là
người tham mưu cho hiệu trưởng trong việc tổ
chức các hoạt động giáo dục sức khỏe, chủ động
xây dựng kế hoạch phối hợp cán bộ TYT, phòng
y tế tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức
khỏe. CBYTTH đã góp phần hỗ trợ cải thiện các
vấn đề sức khỏe thông qua các hoạt động giáo
dục sức khoẻ, truyền thông thay đổi hành vi cho
các em ở lứa tuổi học đường(2).
Vai trò của CBYTTH đối với việc giảm tải công
việc cho cán bộ nhà trường trong quản lý và
chăm sóc sức khỏe học sinh; giúp cải thiện sức
khỏe học sinh
CBYTTH có vai trò quan trọng trong việc
giảm tải công việc cho nhân viên nhà trường.
Không có CBYTTH thì khi học sinh có vấn đề
sức khỏe cần xử trí thì giáo viên phải bỏ dở việc
giảng dạy của mình để sơ cứu cho các em. Một
nghiên cứu tại 11 trường tiểu học và trung học
cơ sở Mỹ cho thấy các giáo viên đã giảm được 20
phút mỗi ngày để giải quyết các vấn đề sức khỏe
ở học sinh khi có CBYTTH(6). Tương tự, nghiên
cứu tại North Carolina cũng chỉ ra CBYTTH
giúp làm giảm thời gian mà các giáo viên dành
cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh(4).
Một nghiên cứu dựa trên bằng chứng về giá trị
của CBYTTH cũng cho thấy tổng thời gian mà
các nhân viên trường học tiết kiệm được là
khoảng 13 giờ nhờ có CBYTTH giúp họ giải
quyết các vấn đề sức khỏe học sinh(1). Hầu hết
các trường, cán bộ TYT đều cho rằng CBYTTH
giúp cải thiện sức khỏe học sinh. Các trường có
CBYT thì tỉ lệ học sinh mắc bệnh ít hơn trường
không có CBYT. Nghiên cứu của Cameron cũng
cho thấy CBYTTH đã góp phần hỗ trợ cải thiện
các vấn đề sức khỏe học sinh thông qua các
chương trình truyền thông thay đổi hành vi cho
các em ở lứa tuổi học đường(2).
KẾT LUẬN
CBYTTH có vai trò tích cực trong sơ cấp cứu,
truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức
khám/kiểm tra sức khỏe học sinh, thực hiện các
chương trình y tế, phong trào vệ sinh phòng
bệnh, giúp cải thiện sức khỏe học sinh và giúp
giảm tải công việc cho ban giám hiệu, giáo viên
trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe học
sinh. CBYTTH chưa thể hiện được vai trò trong
việc theo dõi sức khỏe của học sinh, hoàn thành
các hồ sơ theo dõi sức khỏe học sinh theo quy
định. Do đó, cần tập huấn, phổ biến cho
CBYTTH, lãnh đạo nhà trường về nhiệm vụ của
người CBYTTH. Lãnh đạo nhà trường cần phân
công công việc hợp lý, rõ ràng, quản lý, giám sát,
tạo điều kiện để CBYTTH chịu trách nhiệm
chính và phát huy được hết vai trò của mình
trong công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe học
sinh. Kiện toàn số lượng CBYTTH chuyên trách
làm việc tại các trường học cần được lưu tâm
hơn khi sự có mặt của họ có ảnh hưởng đến hoạt
động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Baisch MJ, et al (2011). Evidence-based research on the value of
school nurses in an urban school system. J Sch Health, 81(2):74-
80.
2. Cameron R, Brown S, Best JA, et al (1999). Effectiveness of a
social influences smoking prevention program as a function of
provider type, training method, and school risk. American
Journal of Public Health, 89(12):1827-31
3. Eunice Rodrigue RD (2013). School Nurses' Role in Asthma
Management, School Absenteeism, and Cost Savings: A
Demonstration Project. Journal of School Health, 83(12):842-50.
4. Hill NJ, et al (2012). Teacher time spent on student health issues
and school nurse presence. J Sch Nurse, 28(3):181-186.
5. Kemper AR, Talbot J, et al (2012). Outcomes of an elementary
school-based vision screening program in North Carolina. J Sch
Nurs, 28(1):24-30.
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 23 * Số 5 * 2018
Chuyên Đề Y Tế Công Cộng 614
6. Wang LY, Vernon-Smiley M, et al (2014). Cost-Benefit Study of
School Nursing Services. JAMA Pediatrics 168(7):642-8.
7. Telljohann SK, Dake JA, et al (2004). Effect of fulltime versus
part-time school nurses on attendance of elementary students
with asthma. Journal of School Nursing, 20:331-4.
8. Trần Nguyễn Vân Như, Dương Trọng Phỉ (2014). Thực trạng
công tác quản lý chăm sóc sức khỏe học sinh trong trường học
tại tỉnh Khánh Hòa năm học 2012-2013. Y Học Thành phố Hồ Chí
Minh, 18(S6):.
Ngày nhận bài báo: 15/08/2019
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 31/08/2019
Ngày bài báo được đăng: 15/10/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 606_1215_2212146.pdf