Tài liệu Tuân thủ điều trị tiệt trừ helicobacter pylori ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Thần kinh 251
TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ TIỆT TRỪ HELICOBACTER PYLORI
Ở BỆNH NHÂN VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG
Lê Thị Xuân Thảo*, Đỗ Thị Thanh Thủy*, Nguyễn Trương Công Minh*, Bùi Hữu Hoàng**,
Nguyễn Đỗ Nguyên***
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Trong điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori, tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng vừa ảnh
hưởng đến kháng thuốc vừa tác động đến sự thành công của phác đồ điều trị; tuy nhiên, tất cả các nghiên
cứu tại Việt Nam cho đến nay chỉ nhấn mạnh tình hình kháng thuốc mà không quan tâm đến tuân thủ điều
trị của bệnh nhân.
Mục tiêu: Xác định tỉ lệ tuân thủ điều trị và các yếu tố liên quan trong tiệt trừ Helicobacter pylori ở bệnh
nhân viêm loét dạ dày tá tràng tại bệnh viện Đại Học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh năm 2016.
Phương pháp: Nghiên cứu theo dõi 330 bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên, đã thất bại điều trị tiệt trừ
Helicobacter pylori, đến khám và điều trị tiệt trừ theo phác đồ mới, ...
8 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 10/07/2023 | Lượt xem: 343 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tuân thủ điều trị tiệt trừ helicobacter pylori ở bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Thần kinh 251
TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ TIỆT TRỪ HELICOBACTER PYLORI
Ở BỆNH NHÂN VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG
Lê Thị Xuân Thảo*, Đỗ Thị Thanh Thủy*, Nguyễn Trương Công Minh*, Bùi Hữu Hoàng**,
Nguyễn Đỗ Nguyên***
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Trong điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori, tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng vừa ảnh
hưởng đến kháng thuốc vừa tác động đến sự thành công của phác đồ điều trị; tuy nhiên, tất cả các nghiên
cứu tại Việt Nam cho đến nay chỉ nhấn mạnh tình hình kháng thuốc mà không quan tâm đến tuân thủ điều
trị của bệnh nhân.
Mục tiêu: Xác định tỉ lệ tuân thủ điều trị và các yếu tố liên quan trong tiệt trừ Helicobacter pylori ở bệnh
nhân viêm loét dạ dày tá tràng tại bệnh viện Đại Học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh năm 2016.
Phương pháp: Nghiên cứu theo dõi 330 bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên, đã thất bại điều trị tiệt trừ
Helicobacter pylori, đến khám và điều trị tiệt trừ theo phác đồ mới, tại bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ
Chí Minh. Tuân thủ điều trị được đánh giá ở thời điểm ngày thứ 14 sau điều trị với phác đồ mới, qua ba nội dung
dùng thuốc, những biện pháp ngoài thuốc, và tái khám. Tuân thủ dùng thuốc được ghi nhận bằng phỏng vấn
trực tiếp kết hợp đếm vỏ thuốc bệnh nhân hoàn trả. Hồi qui Poisson với tùy chọn robust được sử dụng để xác
định những yếu tố liên quan với tuân thủ điều trị.
Kết quả: Trước khi tăng cường tư vấn, tỉ lệ tuân thủ đúng điều trị dùng thuốc, ngoài thuốc, và tái khám là
81%, 84%, và 74%, tương ứng. Sau tăng cường tư vấn, những tỉ lệ này là cao hơn, tương ứng là 88%, 88%, và
93%. Tỉ lệ tuân thủ điều trị chung trước và sau tăng cường tư vấn là 64% và 73%. Những yếu tố liên quan với
tuân thủ chung đúng là bệnh nhân thuộc nhóm 40 tuổi trở lên, nữ giới, và trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên.
Kết luận: Trong điều trị tiệt trừ Helicobacter pylori, bác sĩ cần chú trọng tư vấn cho bệnh nhân, đặc biệt
quan tâm hơn về những biện pháp ngoài dùng thuốc, và tái khám đúng hẹn.
Từ khoá: tuân thủ điều trị, Helicobacter pylori, điều trị tiệt trừ, tư vấn
ABSTRACT
ADHERENCE TO ERADICATION TREATMENT OF HELICOBACTER PYLORI AMONG PEPTIC
ULCER PATIENTS
Le Thi Xuan Thao, Do Thi Thanh Thuy, Nguyen Truong Cong Minh, Bui Huu Hoang,
Nguyen Do Nguyen * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement of Vol. 21 - No 2 - 2017: 251 - 258
Background: Adherence to Helicobacter pylori treatment is a critical factor which affects both the drug
resistance and the success of the treatment; however all the studies in Vietnam so far only focused on the resistance
capability of the causative agent but not the patients’ adherence.
Objectives: To determine the proportion of adherence and associated factors among patients receiving
Helicobacter pylori eradication treatment at the University Medical Center in 2016 at Ho Chi Minh city in 2016.
Methods: The study followed 330 patients aged 18 years and above who had failed a Helicobacter pylori
*Bộ môn Hoá Sinh, Khoa Y, ** Bộ môn Nội, Khoa Y,
*** Bộ môn Dịch tễ, Khoa YTCC, Đại học Y Dược TPHCM
Tác giả liên lạc: ThS Lê Thị Xuân Thảo, ĐT: 0932105465 Email: xuanthao.le@gmail.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 252
treatment and seeking for a new regimen at the University Medical Center at Ho Chi Minh city. Adherence to
treatment was assessed at day 14 of the treatment course, and in three contents: using specific drugs, changing life
styles, and follow-up examination. Adherence to specific drugs was assessed by direct interview and pills count.
Poisson regression with robust option was used to identify factors associated with adherence.
Results: Before counseling enhancement the proportion of adherence to specific drugs, changing life styles,
and follow-up examination was 81%, 84%, and 74%, respectively. After counseling enhancement the
corresponding figures were increased to 88%, 88%, and93%. Patients aged 40 years and above, female, and
having an educational level of grade 3 and above were more likely to have a better overall adherence.
Conclusion: In eradication treatment of Helicobacter pylori infection, patient counseling needs to be
enhanced, especially in changing life styles and follow-up examination.
Key words: adherence, Helicobacter pylori, eradication treatment, counseling
ĐẶT VẤN ĐỀ
Mặc dù hầu hết những người nhiễm H. pylori
không có triệu chứng, chỉ khoảng 10-20% các
trường hợp sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng
và khoảng 1% tiến triển sang ung thư dạ dày,
nhưng dựa trên các kết quả lâm sàng, Tổ chức Y
tế Thế giới đã đánh giá việc điều trị H. pylori là
cần thiết, không chỉ ngăn ngừa các biến chứng
mà còn giảm nguy cơ ung thư dạ dày từ 30%
đến 40%(6). Trong các đồng thuận quốc tế, phác
đồ điều trị tiệt trừ H. pylori phải kết hợp thuốc ức
chế tiết axit mạnh và kháng sinh phù hợp tùy
theo mức độ nhạy cảm của vi khuẩn ở từng quốc
gia. Phác đồ này được khuyến cáo nên thực hiện
liên tục từ 7-14 ngày để đem lại hiệu quả tốt
nhất(7,15,16). Vì vậy, tuân thủ điều trị được xem là
cần thiết và như một chỉ định bắt buộc để đạt
được kết quả điều trị mà quan trọng là trên
những bệnh nhân phải điều trị kéo dài do kháng
thuốc hoặc không đáp ứng nhiều phác đồ. Tuy
nhiên, phần lớn các nghiên cứu tại Việt Nam đều
chỉ nhấn mạnh tình hình kháng thuốc và ít quan
tâm tuân thủ điều trị(2, 4,).
Báo cáo giữa kỳ của nghiên cứu tác động
tính đa hình kiểu gen CYP2C19 và sự đề kháng
kháng sinh trong điều trị tiệt trừ H. pylori trên
bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng đã thất bại
điều trị đang được thực hiện tại Bệnh viện Đại
học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (TP.
HCM) cho thấy ảnh hưởng của tuân thủ điều trị
kém đến hiệu quả điều trị, do đó, nhóm nghiên
cứu đã tăng cường tư vấn điều trị ở giai đoạn
sau. Để đánh giá việc tuân thủ điều trị và ảnh
hưởng của tư vấn đến kiến thức cũng như tuân
thủ điều trị của bệnh nhân, nghiên cứu này được
tiến hành qua 2 giai đoạn trước và sau khi có
tăng cường tư vấn, với mục tiêu là xác định tỉ lệ
tuân thủ điều trị và yếu tố liên quan ở bệnh
nhân viêm loét dạ dày tá tràng khi điều trị tiệt
trừ H. pylori tại Bệnh viện Đại học Y Dược
TP.HCM năm 2016.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu theo dõi được thực hiện gồm 2
phần: hồi cứu (chưa có tăng cường tư vấn) và
tiến cứu (sau khi tăng cường tư vấn), dựa trên đề
tài gốc “Nghiên cứu tác động tính đa hình kiểu
gen CYP2C19 và sự đề kháng kháng sinh trong
điều trị tiệt trừ H. pylori trên bệnh nhân viêm loét
dạ dày tá tràng đã thất bại điều trị” đang thực
hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Dân số mục tiêu là bệnh nhân viêm loét dạ
dày tá tràng từ 18 tuổi trở lên, đã thất bại điều
trị tiệt trừ H. pylori, đến khám và điều trị tiệt
trừ theo phác đồ mới, tại Phòng khám Tiêu
hóa Gan mật, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.
HCM. Để có 95% tin tưởng tỉ lệ tuân thủ điều
trị của dân số mục tiêu là 76,8%(4), sai số mong
muốn 5%, và dự trù 10% mất mẫu thì cỡ mẫu
ước lượng là 305 bệnh nhân. Trong suốt thời
gian nghiên cứu, tất cả bệnh nhân thỏa tiêu chí
chọn mẫu đều được chọn.
Tiêu chí đưa vào gồm bệnh nhân viêm loét
dạ dày tá tràng từ 18 tuổi trở lên, được chẩn
đoán xác định đang nhiễm H. pylori qua xét
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Thần kinh 253
nghiệm hơi thở C13 hoặc kết quả nội soi, đã thất
bại điều trị tiệt trừ H. pylori (tại Bệnh viện Đại
học Y Dược TP. HCM hoặc từ nơi khác), dựa
trên bệnh án lưu trữ tại bệnh viện và đồng ý
tham gia nghiên cứu. Bệnh nhân bị loại khi có
chẩn đoán ung thư dạ dày, hoặc đang xuất huyết
tiêu hóa (thuộc nhóm đối tượng không được chỉ
định điều trị tiệt trừ H. pylori theo khuyến cáo
của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam 2012(7)).
Thu thập dữ kiện dựa trên quy trình thăm
khám và điều trị thường quy tại bệnh viện, gồm
2 bước. Bước 1, bệnh nhân được phỏng vấn về
đặc tính dân số - xã hội, bệnh lý kèm theo, loại
phác đồ điều trị; và được bác sĩ dặn mang theo
toa thuốc và vỏ thuốc khi đến tái khám. Bước 2,
khi bệnh nhân đến tái khám sau 14 ngày điều trị
với phác đồ mới, ghi nhận tuân thủ điều trị bằng
phỏng vấn trực tiếp với bộ câu hỏi đã chuẩn hóa,
đồng thời kết hợp đếm vỏ thuốc bệnh nhân hoàn
trả. Thu thập dữ kiện giai đoạn hồi cứu và tiến
cứu là như nhau, riêng giai đoạn tiến cứu thu
thập thêm những biến số về kiến thức của bệnh
nhân và tư vấn của bác sĩ điều trị.
Biến số đầu ra chính của nghiên cứu là tuân
thủ điều trị, được đánh giá trên ba nội dung là
tuân thủ điều trị dùng thuốc, ngoài dùng thuốc
(không hút thuốc lá, không uống rượu bia,
không ăn thức ăn cay nóng, và không ăn thức ăn
chứa nhiều dầu mỡ), và tái khám đúng hẹn (có
thể sớm hoặc trễ hơn lịch hẹn trong vòng 2
ngày). Tuân thủ đúng trong điều trị dùng thuốc
được xác định khi bệnh nhân uống thuốc đủ (kết
quả đếm vỏ thuốc chưa uống có giá trị là 0),
đúng cử, và không uống bất kỳ thuốc nào khác
mà chưa được chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân
được đánh giá là có kiến thức về bệnh và điều trị
khi biết tất cả những kiến thức về bệnh có thể
đưa đến ung thư, tác dụng phụ của thuốc, tuân
thủ điều trị dùng thuốc, tuân thủ điều trị ngoài
thuốc (không hút thuốc lá, không uống rượu bia,
không ăn thức ăn cay nóng, không ăn thức ăn
nhiều dầu mỡ trong khi điều trị), và tái khám
đúng hẹn.
Những biến số kiểm soát gồm có nhóm tuổi
(< 40, và ≥ 40 tuổi), giới, trình độ học vấn (< cấp 3,
và ≥ cấp 3), nghề nghiệp (có hoặc không phụ
thuộc giờ hành chánh), nơi thường trú (TP.
HCM, và nơi khác), bệnh lý kèm theo (khớp, tim
mạch, gan, phổi, thận, đái tháo đường, khác),
loại phác đồ (3 thuốc, hoặc 4 thuốc: bao gồm
phác đồ 4 thuốc và 4 thuốc có bismuth), tác dụng
phụ của thuốc (do bệnh nhân khai về các triệu
chứng khác thường và gây khó chịu, xuất hiện
trong thời gian bệnh nhân uống thuốc với phác
đồ mới; gồm các biểu hiện dị ứng, đắng miệng, ợ
chua, tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn,
đau nhức cơ khớp), tư vấn của bác sĩ điều trị (về
điều trị dùng thuốc, điều trị ngoài thuốc, tái
khám đúng).
Dữ kiện được phân tích bằng phần mềm
thống kê Stata 13.0. Kiểm định chi bình phương
được sử dụng để xác định những yếu tố liên
quan với tuân thủ điều trị, mức độ kết hợp được
ước lượng với tỉ số tỉ lệ hiện mắc (PR) và khoảng
tin cậy (KTC) 95% của PR. Phân tích đa biến
được thực hiện với hồi qui Poisson với tùy chọn
robust; những biến số có giá trị p<0,25 từ phân
tích đơn biến sẽ được đưa vào mô hình, và trong
tiến trình phân tích loại dần những biến số có giá
trị p>0,1 để giữ lại trong mô hình cuối cùng
những biến số có giá trị p≤0,1.
KẾT QUẢ
Bảng 1: Đặc tính của mẫu nghiên cứu,tần số và phần
trăm (%) (n=330)
Đặc tính Hồi cứu
(n=220)
Tiến cứu
(n=110)
Nhóm tuổi<40 115 (52) 66 (60)
Nữ giới 153 (70) 83 (75)
Trình độ học vấn≥ cấp 3 117 (53) 91 (83)
Nghề nghiệp
(Giờ hành chánh)
109 (50)
61 (55)
Nơi thường trú
(Ngoài TP.HCM)
172 (78)
76 (69)
Có bệnh lý kèm theo 73 (33) 41 (37)
Phác đồ
Loại 3 thuốc 70 (32) 38 (35)
Loại 4 thuốc 150 (68) 72 (65)
Có tác dụng phụ (n=197)
145 (74)
(n=107)
74 (67)
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 254
Sự phân bố các đặc tính mẫu ở nhóm hồi cứu
và tiến cứu là như nhau. Phần lớn bệnh nhân
thuộc nhóm dưới 40 tuổi, đa số là nữ, có trình độ
từ cấp 3 trở lên; nghề nghiệp làm giờ hành chánh
và ngoài giờ hành chánh có tỉ lệ phân bố bằng
nhau; phần lớn có nơi thường trú ở các tỉnh,
thành phố ngoài TP. HCM. Tỉ lệ bệnh nhân có
bệnh lý kèm theo là không quá 40%. Phác đồ
được sử dụng chủ yếu là loại 4 thuốc. Có 23 bệnh
nhân (phần hồi cứu) và 3 bệnh nhân (phần tiến
cứu) không tái khám và bỏ điều trị, do đó, chỉ
ghi nhận được kết quả điều trị sau 14 ngày của
197 bệnh nhân (phần tiến cứu) và 107 bệnh nhân
(phần tiến cứu) có đi tái khám và hoàn trả vỏ
thuốc. Trong những bệnh nhân này tỉ lệ có bị tác
dụng phụ ở phần hồi cứu và tiến cứu lần lượt là
74% và 67% (bảng 1).
Bảng 2: Tư vấn của bác sĩ điều trị, (n=110)
Nội dung được tư vấn Tần số (%)
Tư vấn đủ tất cả nội dung 26 (24)
Điều trị dùng thuốc 51(46)
Uống thuốc đúng quy định 103 (94)
Tác dụng phụ của thuốc 93 (85)
Không uống thuốc kháckhi chưa được chỉ
định
80 (72)
Thời gian điều trị 60 (55)
Điều trị ngoài thuốc 33 (30)
Không ăn thức ăn cay, nóng trong khi điều
trị
52 (47)
Không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ trong khi
điều trị
51 (46)
Không uống rượu,bia trong khi điều trị 45 (41)
Không hút thuốc lá trong khi điều trị 37 (34)
Tái khám đúng hẹn 84 (76)
Những nội dung đượcbác sĩ điều trị tư vấn
cho bệnh nhân nhiều nhất, theo thứ tự, là uống
thuốc đúng quy định, tác dụng phụ của thuốc,
tái khám đúng hẹn, và không uống khác khi
chưa được chỉ định của bác sĩ (bảng 2). Những
nội dung khác, trừ nội dung về thời gian điều trị,
có không hơn 50% bệnh nhân được tư vấn. Tỉ lệ
được tư vấn đầy đủ tất cả ba nội dung là rất thấp
với 24%.
Bảng 3: Kiến thức của bệnh nhân về bệnh và điều trị
(n=110)
Kiến thức Tần số (%)
Bệnh có thể đưa đến ung thư 110 (100)
Tái khám đúng hẹn 109 (99)
Tác dụng phụ của thuốc 94 (86)
Kiến thức đúng về tuân thủ điều trị khi dùng
thuốc
47 (43)
Hậu quả khi bỏ thuốc hoặc uống thuốc không
đúng
105 (96)
Uống thuốc đúng 104 (95)
Không uống thuốc khác khi chưa được chỉ định
của bác sĩ
86 (78)
Thời gian của một đợt thuốc 56 (51)
Kiến thức đúng về tuân thủ điều trị ngoài thuốc 84 (76)
Không hút thuốc lá trong khi điều trị 103 (94)
Không uống rượu,bia trong khi điều trị 103 (94)
Không ăn thức ăn cay, nóng trong khi điều trị 99 (90)
Không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ trong khi điều
trị
87 (79)
Kiến thức chung 43 (39)
Tất cả bệnh nhân có kiến thức về nhiễm H.
pylori sẽ có nguy cơ bị ung thư và phải tái khám
đúng hẹn. Hơn 3/4 bệnh nhân có kiến thức đúng
về tuân thủ đùng thuốc, những hành vi nên
tránh trong khi dùng thuốc, tuy nhiên, chỉ có
51% biết đúng thời gian của một đợt điều trị
bằng thuốc (bảng 3).
Bảng 4: Tuân thủ điều trị, tần số và (%)
Hồi cứu
(n=197)
Tiến cứu
(n=107)
Tuân thủ điều trị dùng thuốc 160(81) 94(88)
Không uống thuốc khác khi chưa
được chỉ định
195 (99) 107 (100)
Uống thuốc đủ và đúng 165(84) 95(89)
Tuân thủ điều trị ngoài thuốc 166 (84) 94(88)
Không hút thuốc lá trong khi điều trị 180 (91) 104 (97)
Không uống rượu bia trong khi điều
trị
179 (91) 101 (94)
Không ăn thức ăn nhiều dầu mỡ
trong thời gian điều trị
100 (93)
Không uống rượu bia trong khi điều
trị
97(91)
Tái khám đúng hẹn 162 (74) 99(93)
Tuân thủ đúng chung 126 (64) 78(73)
Những bệnh nhân có đến tái khám và hoàn
trả vỏ thuốc thì tỉ lệ tuân thủ đúng khi dùng
thuốc là khá cao ở cả hai giai đoạn hồi cứu và
tiến cứu với tỉ lệ có tuân thủ là 84% ở phần hồi
cứu và 89% ở phần tiến cứu. Tất cả bệnh nhân
không uống thuốc khác khi chưa được chỉ định
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Thần kinh 255
của bác sĩ. Tỉ lệ những tuân thủ khác đều cao.
Trên nhóm bệnh nhân hồi cứu bệnh án, không
có đánh giá tuân thủ điều trị ngoài thuốc về việc
không ăn thức ăn cay nóng, không ăn thức ăn
nhiều dầu mỡ trong thời gian điều trị. Sau khi
đẩy mạnh tư vấn, bệnh nhân tuân thủ tốt hơn,
đặc biệt là tái khám đúng hẹn (bảng 4).
Bảng 5: Những yếu tố liên quan với tuân thủ
đúng chung (n=304)
Yếu tố p PR(KTC 95%)
Nhóm tuổi ≥ 40 0,01 1,22(1,05 – 1,42)
Giới tính nữ <0,001 1,55(1,23 – 1,96)
Trình độ học vấn < cấp 3 0,01 0,80(0,67 – 0,95)
Sau khi phân tích đa biến, tìm thấy những
yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê với tuân thủ
chung đúng là nhóm tuổi ≥40, nữ giới, và trình
độ học vấn > cấp 3 (bảng 5).
BÀN LUẬN
Đa số ở nhóm <40 tuổi, tương tự với mẫu
nghiên cứu của Đinh Cao Minh(4)có cùng địa
điểm là Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM,
năm 2014, trên cùng nhóm đối tượng thất bại
điều trị ít nhất 1 lần. Theo Nguyen TL(11)ở những
bệnh nhân nội soi tiêu hóa tại Hà Nội và TP.
HCM năm 2010 thì tỉ lệ nhiễm H. Pylori chủ yếu
ở nhóm >40 tuổi. Như vậy, tình trạng kháng
thuốc ở bệnh nhân nhiễm H. pylori đang có xu
hướng trẻ hóa. Bệnh nhân nữ nhiều hơn nam.
Một số nghiên cứu trong và ngoài nước trên đối
tượng kháng thuốc khi điều trị H. pylori cũng cho
thấy nữ giới nhiều hơn nam(2, 4, 9, 13), đặc biệt là
kháng thuốc cao ở phác đồ có metronidazole hay
clarithromycin; điều này có thể là do
metronidazole, clarithromycin thường được sử
dụng trong điều trị nhiễm ký sinh trùng, các
bệnh lý phụ khoa ở nữ, và việc tái nhiễm bệnh lý
phụ khoa hay tự ý sử dụng kháng sinh không
đúng cách có thể là nguyên nhân khiến nữ giới
bị kháng thuốc nhiều hơn(9, 14). Đa số đối tượng có
trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên, có thể do
nghiên cứu được thực hiện ở bệnh viện Đại học
Y Dược TP.HCM với phần lớn bệnh nhân có
trình độ cao và tình trạng kinh tế tốt, và những
bệnh nhân có kinh tế kém sau khi thất bại trong
những lần điều trị đầu ít có khả năng tiếp tục
điều trị. Khác với các nghiên cứu trước đây,
nghiên cứu này phân nghề nghiệp thành hai
nhóm có và không phụ thuộc giờ hành chánh
nhằm đánh giá ảnh hưởng của thời gian làm việc
đến tuân thủ điều trị. Phân bố của hai nhóm
nghề là tương đương, phù hợp khi mẫu được
chọn vào cả thứ bảy nên nhóm nghề nào cũng có
cơ hội được chọn vào như nhau. Sự phân bố địa
điểm cư trú dàn trải trên nhiều khu vực ở Việt
Nam, có thể là do bệnh nhân từ các nơi khác sau
khi thất bại điều trị có khuynh hướng đến TP.
HCM chọn những bệnh viện lớn, uy tín, trong
khi bệnh nhân tại TP. HCM có nhiều bệnh viện
khác để chọn lựa.
Ngoài bệnh dạ dày bệnh nhân có những
bệnh kèm theo, chủ yếu là bệnh lý liên quan
khớp như đau khớp, viêm khớp, thoái hóa cột
sống. Không có chứng cứ về ảnh hưởng của các
bệnh lý nội khoa đến hiệu quả điều trị tiệt trừ H.
pylori, hoặc sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân,
tuy nhiên, sự tuân thủ điều trị có thể bị ảnh
hưởng khi bệnh nhân phải sử dụng nhiều phác
đồ điều trị. Phác đồ 4 thuốc (có hoặc không có
bismuth) được sử dụng chủ yếu cho những bệnh
nhân trong nghiên cứu này, đây không phải là
một đặc thù tại bệnh viện Đại học Y Dược
TP.HCM. Nhiều báo cáo và nghiên cứu đã cho
thấy tỉ lệ kháng clarithromycin khá phổ biến ở
miền Nam(4, 16), chính vì vậy Hội Khoa học Tiêu
hóa Việt Nam đã khuyến cáo nên sử dụng phác
đồ 4 thuốc có bismuth ở khu vực miền Nam, và
kết hợp thực hiện kháng sinh đồ cho những
bệnh nhân thất bại điều trị nhiều lần(7). Một số
nghiên cứu ghi nhận tác dụng phụ hiện diện
trong một số loại thuốc trong phác đồ điều trị có
ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị của bệnh
nhân(8,12,18). Trên 2/3 tổng số bệnh nhân nghiên
cứu bị tác dụng phụ, thường gặp nhất là chán
ăn, buồn nôn, xót ruột, mệt mỏi, phân sẫm màu,
đắng miệng, và ợ hơi. Có 3 trường hợp bị dị ứng
phải ngưng thuốc, và 1 trường hợp bị tiêu chảy
phải nhập viện. Vì vậy, tư vấn về tác dụng phụ
của thuốc là cần thiết nhằm khuyến khích bệnh
nhân tuân thủ để đạt hiệu quả điều trị.
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 256
Tư vấn của bác sĩ điều trị và kiến thức của
bệnh nhân
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tư vấn của
bác sĩ điều trị ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả
tiệt trừ H. pylori(1), cũng như sự liên quan giữa
kiến thức của bệnh nhân với tỉ lệ tuân thủ điều
trị(3, 12). Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tư vấn của
bác sĩ điều trị ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả
tiệt trừ H. pylori(1), cũng như sự liên quan giữa
kiến thức của bệnh nhân với tuân thủ điều trị(3,12).
Nghiên cứu này không tìm thấy mối liên quan
có ý nghĩa thống kê giữa kiến thức chung và
tuân thủ điều trị chung của bệnh nhân. Trong
những kết quả phân tích đa biến những yếu tố
liên quan đến tuân thủ điều trị bằng thuốc, ngoài
thuốc, và tái khám, biến số kiến thức luôn luôn
bị loại ra khỏi mô hình đa biến. Tuy vậy, sự cải
thiện tuân thủ điều trị dùng thuốc, ngoài thuốc,
tái khám, và tuân thủ chung ở giai đoạn tiến cứu
có tăng cường tư vấn, dù không đáng kể, nhưng
cũng cho thấy lợi ích và sự cần thiết của tư vấn
cho bệnh nhân.
Bác sĩ điều trị tập trung tư vấn cho bệnh
nhân về thuốc nhiều hơn là những biện pháp
ngoài thuốc. Số bác sĩ hiện có ở những phòng
khám là rất ít so với số bệnh nhân đến điều trị
ngày càng đông đã hạn chế thời gian tiếp xúc
của bác sĩ với bệnh nhân, từ đó ảnh hưởng đến
việc tư vấn.Những thông tin tư vấn cho bệnh
nhân về thuốc có thể không nhiều như những
nội dung về các biện pháp ngoài thuốc, do đó,
được bác sĩ ưu tiên hơn. Tuy nhiên, dù ít được tư
vấn về những biện pháp điều trị ngoài thuốc, tỉ
lệ bệnh nhân có kiến thức về những biện pháp
ngoài thuốc lại cao hơn so với tỉ lệ có kiến thức
về điều trị dùng thuốc. Điều này có thể do
những trải nghiệm thực tế về những biểu hiện
khó chịu ở những bệnh nhân viêm loét dạ dày tá
tràng đồng thời có hút thuốc lá, sử dụng thức
uống có rượu, ăn thức ăn cay nóng, v.v. Ngoài
ra, bệnh nhân cũng có thể có kiến thức về những
biện pháp điều trị ngoài thuốc từ những thông
tin giáo dục sức khỏe phổ thông, mà những
thông tin đó thường đề cập đến thay đổi lối sống
nhiều hơn là thuốc điều trị đặc hiệu.
Tuân thủ điều trị
Để đánh giá sự tuân thủ dùng thuốc của
bệnh nhân, nghiên cứu chọn phương pháp
phỏng vấn trực tiếp và đếm vỏ thuốc bệnh nhân
hoàn trả. Qua phỏng vấn, kết quả cho thấy tỷ lệ
bệnh nhân tuân thủ đúng điều trị dùng thuốc là
khá cao, chiếm tỷ lệ trên 80%. Tỷ lệ bệnh nhân
uống thuốc đủ và đúng được ghi nhận có sự gia
tăng từ 81% ở phần hồi cứu, thành 88% ở phần
tiến cứu. Sự thay đổi này có nguyên nhân từ việc
tăng cường tư vấn tuân thủ điều trị, do báo cáo
sơ bộ (vào khoảng tháng 10 năm 2015) của đề tài
gốc cho thấy tỷ lệ tuân thủ điều trị của bệnh
nhân không cao. Phần hồi cứu và tiến cứu đều
có bệnh nhân bỏ điều trị và không hoàn trả vỏ
thuốc, do đó không thể đánh giá sự tuân thủ
dùng thuốc của những bệnh nhân này. Kết quả
đếm vỏ thuốc bệnh nhân hoàn trả cho thấy có sự
gia tăng số lượng bệnh nhân quên uống thuốc ở
cả phần hồi cứu và tiến cứu. Như vậy, nếu chỉ
đánh giá tuân thủ dùng thuốc bằng phỏng vấn
thì sẽ khó tránh khỏi những sai lệch trong kết
quả. Điều này cũng lý giải vì sao hầu hết nghiên
cứu can thiệp trong điều trị tiệt trừ H. pylori đều
sử dụng phương pháp đếm thuốc để đánh giá
tuân thủ điều trị của bệnh nhân(2,18).
Phần lớn bệnh nhân đã tuân thủ tốt những
biện pháp điều trị ngoài thuốc. Cho đến nay vẫn
chưa có bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của
tuân thủ điều trị ngoài thuốc trong điều trị tiệt
trừ H. pylori, do đó, không có cơ sở để đánh giá
tính phù hợp từ kết quả của nghiên cứu này. Tuy
nhiên, một số nghiên cứu mà điển hình là
nghiên cứu của Namiot và cộng sự đã cho thấy
bệnh nhân có hút thuốc lá trong thời gian điều
trị thì tiệt trừ thành công H. pylori có tỷ lệ là
69,6%, so với tỉ lệ tương ứng ở nhóm không hút
thuốc lá 94,3%(10).
Nhiễm H. pylori thường không có triệu
chứng rõ ràng và thời gian cho một đợt điều trị
tương đối ngắn, tối đa là 14 ngày. Chính vì vậy,
việc tuân thủ tái khám đúng hẹn được xem như
một trở ngại, đặc biệt đối với những bệnh nhân ở
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Thần kinh 257
ngoài TP. HCM, hoặc có việc làm lệ thuộc giờ
hành chánh. Tuy nhiên, kết quả cho thấy đa số
bệnh nhân đã tái khám đúng hẹn, và tỉ lệ tuân
thủ tái khám gia tăng đáng kể ở giai đoạn 2
(phần tiến cứu). Điều này một lần nữa cho thấy
ảnh hưởng tích cực của việc tăng cường tư vấn
của bác sĩ điều trị. Tuy vậy, 26% bệnh nhân đã
không tái khám đúng hẹn ở giai đoạn 1 là vấn đề
cần quan tâm, vì đó là những bệnh nhân đã từng
thất bại điều trị và có mong muốn được điều trị
thành công thế nhưng vẫn không tuân thủ tốt
việc tái khám. Nghiên cứu đã không khảo sát
nguyên nhân bỏ điều trị hoặc không tuân thủ tái
khám của bệnh nhân, tuy nhiên, một số nghiên
cứu cho thấy bệnh nhân bỏ điều trị chỉ khi bị tác
dụng phụ, hoặc không tin tưởng phác đồ điều
trị(2,13,17).
Tỉ lệ tuân thủ điều trị đầy đủ cả 3 nội dung
dùng thuốc, ngoài thuốc, và tái khám là thấp,
đặc biệt là ở giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, tỉ lệ tuân
thủ là cao hơn, có thể vừa do ảnh hưởng từ sự tư
vấn của bác sĩ, nhưng cũng có thể do chương
trình truyền thông nâng cao sức khỏe với nội
dung “viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ
dày” trên báo chí và các kênh truyền hình có thời
điểm triển khai trùng hợp với thời điểm thu thập
mẫu tiến cứu. Hầu hết nghiên cứu trong nước và
thế giới đều chỉ quan tâm đánh giá tuân thủ điều
trị dùng thuốc với tỉ lệ tuân thủ thấp nhất là hơn
70%. Thực tế, trong điều trị tiệt trừ H. pylori,
ngoài việc người bệnh phải uống thuốc đúng và
đủ thì các yếu tố tuân thủ khác cũng góp phần
quan trọng, thí dụ, nếu bệnh nhân sử dụng
thuốc khác không được chỉ định mà lại thuộc
nhóm có tương tác với thuốc điều trị thì hiệu quả
điều trị sẽ giảm. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được
yêu cầu tái khám đúng hẹn để đánh giá tác động
của thuốc điều trị và những thay đổi triệu chứng
liên quan bệnh lý để bác sĩ tiên lượng điều trị tốt
hơn. Như vậy, nếu đánh giá một cách chi tiết
nhiều khía cạnh của sự tuân thủ điều trị thì rõ
ràng phần lớn bệnh nhân đã không tuân thủ
điều trị tốt.
Nhóm tuổi từ 40 trở lên tuân thủ tốt hơn
nhóm tuổi dưới 40. Ở nhóm tuổi này, sức khỏe
suy giảm khiến bệnh nhân có nhiều nguy cơ mắc
bệnh hoặc diễn tiến bệnh nặng hơn, và quan
trọng đây là đối tượng đã từng thất bại điều trị,
chính vì vậy, bệnh nhân có xu hướng tuân thủ
điều trị tốt để đạt được hiệu quả điều trị. Nữ giới
tuân thủ tốt hơn nam, có thể do ảnh hưởng của tỉ
lệ cao từ tuân thủ những biện pháp điều trị
ngoài thuốc ở nhóm nữ đã góp phần gia tăng sự
liên quan của giới tính đến tuân thủ chung.
Nhóm trình độ học vấn dưới cấp 3 tuân thủ thấp
hơn nhóm trình độ từ cấp 3 trở lên, có thể là do
người có học vấn càng cao thì cơ hội tiếp cận các
nguồn thông tin y tế và quan tâm sức khỏe cũng
nhiều hơn so với học vấn thấp. Nghiên cứu
không tìm thấy sự liên quan của tuân thủ điều trị
với các đặc tính còn lại. Theo nghiên cứu của Lee
M và nhiều tác giả khác trên thế giới thì loại phác
đồ, tác dụng phụ của thuốc, tuổi, giới(1,5,8,19) có
ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị dùng thuốc
của bệnh nhân. Lý giải cho sự khác biệt này là do
đối tượng nghiên cứu thuộc khu vực địa lý với
đặc tính dân số xã hội khác nhau, và nghiên cứu
này đã đánh giá tuân thủ điều trị với nhiều tiêu
chí hơn.
Những điểm mạnh và hạn chế của nghiên
cứu
Đây là nghiên cứu đầu tiên cung cấp các dữ
kiện chi tiết về tuân thủ điều trị, bao gồm tuân
thủ điều trị dùng thuốc, ngoài thuốc, và tái
khám. Bên cạnh đó, việc xác định các yếu tố liên
quan như đặc điểm dân số xã hội, đặc điểm lâm
sàng, và quan trọng là những khảo sát về tư vấn
của bác sĩ, kiến thức của bệnh nhân, được xem là
hoàn toàn mới cho một nghiên cứu về tuân thủ
điều trị trong tiệt trừ H. pylori. Tỉ lệ phần trăm
tuân thủ điều trị là chính xác nhờ kết hợp thêm
phương pháp đếm thuốc. Sai lệch thông tin được
kiểm soát nhờ những đánh giá và thu thập số
liệu độc lập từ các thành viên tham gia nghiên
cứu. Tuy nhiên, mẫu nghiên cứu chưa đại diện
cho dân số mục tiêu vì nghiên cứu được tiến
hành tại bệnh viện, và bệnh nhân khi tham gia
nhận được nhiều sự tư vấn, tài trợ. Đối tượng
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 258
tham gia nghiên cứu được cấp phát thuốc miễn
phí, được tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc liên
quan bệnh lý là những can thiệp thúc đẩy việc
tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Do vậy, kết quả
nghiên cứu sẽ cao hơn so với các nghiên cứu
trước đây. Tuy nhiên, tỉ lệ mất mẫu 8% (26/330)
cũng có thể ước lượng non tỷ lệ tuân thủ. Cỡ
mẫu là nhỏ, đặc biệt là phần tiến cứu, do đó,
phân tích đa biến chỉ có thể thực hiện trên mẫu
chung 304 bệnh nhân.
KẾT LUẬN
Trong điều trị tiệt trừ H. pylori, bác sĩ cần chú
trọng tư vấn cho bệnh nhân, đặc biệt quan tâm
hơn về những biện pháp ngoài dùng thuốc, và
tái khám đúng hẹn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Al-Eidan FA, McElnay JC, Scott MG, McConnell JB (2002).
“Management of Helicobacter pylori eradication - the
influence of structured counselling and follow-up”. Br J
Clin Pharmacol, 53: 163–171.
2. Đào Hữu Ngôi (2009). “Hiệu quả của phác đồ
Omeprazole+Amoxcillin +Levofloxacin so với
Omeprazole+Amoxcillin+Clarithromicin trong điều trị tiệt
trừ Helicobacter pylori ở bệnh nhân viêm loét dạ dày-tá
tràng”. Luận văn Thạc sĩ Y học. Đại học Y Dược TP. HCM.
3. Davey P, Pagliari C, Hayes A (2002). “The patient's role in
the spread and control of bacterial resistance to
antibiotics”. Clin Microbiol Infect, 8 (Suppl 2): 43–68.
4. Đinh Cao Minh (2013). “Đánh giá đề kháng kháng sinh
của Helicobacter pylori trên bệnh nhân viêm loét dạ dày tá
tràng đã điều trị tiệt trừ thất bại”. Luận án Chuyên khoa cấp
II. Đại học Y Dược TP. HCM
5. Henry A., Batey R.G. (1999). “Enhancing compliance not a
prerequisite for effective eradication of Helicobacter pylori:
the HeIP study”. Am J Gastroenterol, 94: p811–815.
6. Herrero R, Parsonnet J, Greenberg ER (2014). “Prevention
of Gastric Cancer”. JAMA, 312(12): 1197-1198.
7. Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam (2012). “Đồng thuận về
chẩn đoán và điều trị nhiễm Helicobacter pylori ở Việt
Nam”. Tạp chí Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, tập VII, số 29, tr
1929 – 1938.
8. Lee M, Kemp JA, et al (1999). “A randomized controlled
trial of an enhanced patient compliance program for
Helicobacter pylori therapy”. Arch Intern Med, 159: p2312–
2316.
9. Megraud F (2004) “H. pylori antibiotic resistance:
prevalence, importance, and advances in testing”. Gut;
53(9): 1374-1384.
10. Namiot DB, Leszczyńska K, et al. (2008). “Smoking
and drinking habits are important predictors
of Helicobacter pylori eradication”. Adv Med Sci; 53(2): 310-
315.
11. Nguyen TL, Uchida T, et al. (2010). “Helicobacter
pylori infection and gastroduodenal diseases in Vietnam: a
cross-sectional, hospital-based study”. BMC Gastroenterol.
2010; 10: 114.
12. O'Connor JPA, Taneike I, O'Morain C (2009), “Improving
Compliance with Helicobacter pyloriEradication Therapy:
When and How”, Therap Adv Gastroenterol, 2(5): p273–279.
13. Pechère JC, Hughes D, Kardas P, Cornaglia G. (2007).
“Non-compliance with antibiotictherapy for acute
community infections: a global survey”. Int J Antimicrob
Agents. 29(3): 245-253.
14. Rizwan M, Fatima N, Alvi A (2014). “Epidemiology and
Pattern of Antibiotic Resistance in Helicobacter pylori:
Scenario from Saudi Arabia”. Saudi J Gastroenterol; 20(4):
212–218.
15. Selgrad M, Bornschein J, Malfertheiner P (2011).
“Guidelines for Treatment of Helicobacter pylori in the East
and West”, Expert Rev Anti Infect Ther, 9(8): pp581-588.
16. Testerman TL, Morris J (2014). “Beyond the stomach: An
updated view of Helicobacter pylori pathogenesis,
diagnosis, and treatment”. World J Gastroenterol, 20 (36):
12781-12808.
17. Tran Thanh Binh, Seiji S, et al. (2013). “The incidence of
primary antibiotic resistance of Helicobacter pylori in
Vietnam”. J Clin Gastroenterol; 47(3): 233–238.
18. Wermeille J, Cunningham M, et al. (2002). “Failure of
Helicobacter pylori eradication: is poor compliance the
main cause?”. Gastroenterol Clin Biol; 26(3): 216-219.
19. Xu S, Wan X, et al. (2013). “Symptom improvement after
Helicobacter pylori eradication in patients with functional
dyspepsia - A multicenter, randomized, prospective
cohort study”. Int J Clin Exp Med; 6: 747–775.
Ngày nhận bài báo: 18/11/2016
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 10/12/2016
Ngày bài báo được đăng: 01/03/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tuan_thu_dieu_tri_tiet_tru_helicobacter_pylori_o_benh_nhan_v.pdf