Tự sự học ở Việt Nam - Lê Trà My

Tài liệu Tự sự học ở Việt Nam - Lê Trà My: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0055 Social Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 7, pp. 3-11 This paper is available online at TỰ SỰ HỌC Ở VIỆT NAM Lê Trà My Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Tự sự học được biết đến ở Việt Nam chưa lâu, song nó lại có ảnh hưởng rất lớn và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới nghiên cứu. Tự sự học góp phần làm thay đổi hệ hình tư duy lí luận trong nghiên cứu và đào tạo. Dựa vào lí thuyết tự sự học, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã đa dạng hóa các cách tiếp cận tác phẩm văn học, đi sâu văn bản, phát hiện các cấu trúc trần thuật, nhận ra các nguyên tắc tạo lập truyện kể, nhận ra những bước tiến của văn học qua chính sự vận động nội tại của nó, nghiên cứu sự vận động và phát triển của văn học, nhất là sự đổi mới của các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết. Từ khóa: Tự sự học, ứng dụng, cấu trúc, thể loại... 1. Mở đầu Ở Việt Nam, tự sự học là một hướng nghiên cứu tương đối mới mẻ và rất giàu tiềm năng. Vào nhữ...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 612 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tự sự học ở Việt Nam - Lê Trà My, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0055 Social Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 7, pp. 3-11 This paper is available online at TỰ SỰ HỌC Ở VIỆT NAM Lê Trà My Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Tự sự học được biết đến ở Việt Nam chưa lâu, song nó lại có ảnh hưởng rất lớn và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới nghiên cứu. Tự sự học góp phần làm thay đổi hệ hình tư duy lí luận trong nghiên cứu và đào tạo. Dựa vào lí thuyết tự sự học, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã đa dạng hóa các cách tiếp cận tác phẩm văn học, đi sâu văn bản, phát hiện các cấu trúc trần thuật, nhận ra các nguyên tắc tạo lập truyện kể, nhận ra những bước tiến của văn học qua chính sự vận động nội tại của nó, nghiên cứu sự vận động và phát triển của văn học, nhất là sự đổi mới của các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết. Từ khóa: Tự sự học, ứng dụng, cấu trúc, thể loại... 1. Mở đầu Ở Việt Nam, tự sự học là một hướng nghiên cứu tương đối mới mẻ và rất giàu tiềm năng. Vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỉ XX, tự sự học được biết đến như một bộ phận của thi pháp học. Nghiên cứu thi pháp trở thành một khuynh hướng nổi bật trong giới học thuật, đem lại một cách tiếp cận mới nghiêng về tính nội tại của văn học. Đến năm 2001, khi khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo lần đầu tiên về tự sự học, vấn đề nghiên cứu văn học theo hướng tự sự học mới thực sự được ý thức một cách đầy đủ. Hơn mười lăm năm kể từ khi có cuộc hội thảo đầu tiên, một số hội thảo về tự sự học đã được tiếp nối (Tự sự học lần 2 - 2008, Đại học Sư phạm Hà Nội; Tự sự học, lí luận và ứng dụng - 2010, Viện Văn học). Cũng từ đó đến nay, lí thuyết tự sự học đã được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu văn học cũng như các công trình nghiên cứu ở các cấp đại học và sau đại học trong các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc. 2. Nội dung nghiên cứu Như trên đã nói, tự sự học là một hướng nghiên cứu tương đối mới ở Việt Nam, có bề dày trên dưới hai mươi năm. Tuy nhiên, chưa có công trình nào thống kê, khảo sát, đưa ra những đánh giá tổng quát về con đường du nhập, ứng dụng lí thuyết này ở Việt Nam. Ở một số luận án tiến sĩ nghiên cứu theo hướng tự sự học, phần lịch sử vấn đề có nêu hiện trạng nghiên cứu tự sự học trên thế giới và Việt Nam nhưng còn sơ lược. Năm 2013, để chuẩn bị cho việc tiến hành nghiên cứu đề tài Tự sự học - Lí thuyết và ứng dụng (đăng kí tài trợ của quỹ NAFOSTED), chúng tôi có hướng dẫn đề tài thạc sĩ Bước đầu khảo sát hướng nghiên cứu tự sự học ở Việt Nam (Qua một số Ngày nhận bài: 15/4/2017. Ngày nhận đăng: 2/7/2017 Liên hệ: Lê Trà My, e-mail: tramyle2311@gmail.com 3 Lê Trà My luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ) (Người thực hiện Phạm Thị Thanh Thủy, cao học K21, Đại học Sư phạm Hà Nội). Có thể nói, đây là luận văn đầu tiên ở ta khảo sát trên diện rộng các công trình nghiên cứu ở đại học và các viện nghiên cứu trên toàn quốc về tự sự học. Hướng nghiên cứu tự sự học khi dần trở nên phổ biến, các khái niệm tự sự học trở thành công cụ hữu hiệu cho việc nghiên cứu văn học, nhất là nghiên cứu tác phẩm và nghiên cứu văn học sử, thì việc khái quát bức tranh toàn cảnh về tự sự học ở Việt Nam, chỉ ra những ưu thế của nó cũng như những hạn chế trong cách tiếp nhận và ứng dụng lí thuyết là một việc làm cần thiết. 2.1. Nhìn chung về sự tiếp nhận tự sự học ở Việt Nam Tự sự học được du nhập vào Việt Nam trước hết phải kể đến việc dịch thuật, giới thiệu các lí thuyết tự sự. Có vai trò lớn trong việc này phải kể đến hai hội thảo Tự sự học có quy mô toàn quốc được tổ chức ở Đại học Sư phạm Hà Nội dưới sự chủ trì của GS.TS Trần Đình Sử, kỉ yếu hội thảo được xuất bản thành sách (Trần Đình Sử chủ biên, Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Đại học Sư phạm, 2004; Trần Đình Sử chủ biên, Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Phần 2, Nxb Đại học Sư phạm, 2008). Qua các cuộc hội thảo này, giới nghiên cứu trong nước có được một cái nhìn khái quát về tự sự học, các giai đoạn phát triển, xu hướng phát triển của tự sự học thế giới. Nhiều bài viết tham gia hội thảo đã giới thiệu một số lí thuyết tự sự của Greimas, N.Frye, M.Bal, R.Barthes, R.Scholes, R.Kellogg, G.Prince, H.White... Hơn mười năm qua, việc giới thiệu và dịch các lí thuyết tự sự vẫn không ngừng được bổ sung, mở rộng. Có thể kể đến một số công trình dịch và trích dịch như Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học (Trịnh Bá Đĩnh, Nxb Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hà Nội, 2002); một số công trình của V.Ia.Propp như Hình thái học truyện cổ tích (Phan Ngọc dịch), Nghiên cứu cấu trúc và nghiên cứu lịch sử về truyện cổ tích thần kì (Chu Xuân Diên dịch)... in trong Tuyển tập V.Ia.Propp, Nxb Văn hóa dân tộc - T/c Văn hóa nghệ thuật, 2003; một số mục từ trần thuật học in trong sách Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa kì thế kỉ XX của I.P.Ilin và E.A.Tzurganova (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003); Thi pháp văn xuôi của Tz.Todorov (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb Đại học Sư phạm, 2004); Cấu trúc văn bản nghệ thuật của Iu. Lotman (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004), Thi pháp của huyền thoại của E.M.Meletinxki (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004); các bản trích dịch như Ngôi - G.Genette, Trật tự - G.Genette (Lê Phong Tuyết dịch), Sự biến hóa của cốt truyện - Paul Ricoer (Trương Đăng Dung dịch) in trong Lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, Nxb Giáo Dục, Đà Nẵng, 2007; Tự sự học kinh điển (Nhiều người dịch, Nxb Văn học, 2010); Dẫn luận về phương pháp phân tích văn chương hiện đại (tiểu thuyết) của Bernaffd Valette (Lê Nguyên Cẩn dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014), S/Z của Roland Barthes trong sách Tiếp cận văn học từ góc độ văn hóa (Lê Nguyên Cẩn dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014); một số tài liệu lưu hành trong nội bộ các trường đại học như Trần thuật học của Manret Jahn (Nguyễn Thị Như Trang dịch), Diễn ngôn tự sự của G.Genette (Lê Lưu Oanh, Phùng Hữu Hải, Nguyễn Thị Ngọc Minh dịch), Thi pháp học cấu trúc của Todorov (Trần Duy Châu dịch); Trần thuật học, Loại hình học trần thuật - I.P.Ilin (Lại Nguyên Ân dịch) đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học, v.v... Giáo trình Trần thuật học như là khoa học phân tích diễn ngôn trần thuật của V.I.Chiupa (Lã Nguyên dịch, https://languyensp.wordpress.com) được biết đến sau loạt bài giảng của ông tại Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2011. Nhiều bài giới thiệu, phân tích lí thuyết được đăng trên tạp chí chuyên ngành như Nghiên cứu văn học, Văn học nước ngoài. Hơn mười năm (2000-2015), tạp chí Nghiên cứu Văn học có khoảng gần 60 bài giới thiệu, dịch thuật và nghiên cứu ứng dụng tự sự học ở Việt Nam, 4 Tự sự học ở Việt Nam với sự tham gia của nhiều chuyên gia tự sự học và các nhà nghiên cứu trong nước như Trần Đình Sử, Phương Lựu, Huỳnh Như Phương, Đặng Anh Đào, Phùng Văn Tửu, Phong Tuyết, Lộc Phương Thủy, Lê Huy Bắc, Cao Kim Lan, Trần Ngọc Hiếu... Tạp chí này dành hai số đăng cụm bài về tự sự học (số 2/2002 và 10/2008), một số chuyên đề Tự sự học, lí luận và ứng dụng (9/2010). Hiện nay, công trình Tự sự học - Lí thuyết và ứng dụng đang được hoàn thành (GS.TS Trần Đình Sử chủ nhiệm đề tài, đề tài nằm trong chương trình tài trợ của quỹ NAFOSTED) sẽ cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về tự sự học, trình bày những tư tưởng chủ yếu, những chặng đường từ tự sự học cấu trúc đến tự sự học hậu kinh điển, cung cấp hệ thống thuật ngữ, khái niệm tự sự học làm công cụ cho người nghiên cứu. Đi liền với việc giới thiệu, dịch thuật, giảng dạy các lí thuyết tự sự học là sự ứng dụng tự sự học trong nghiên cứu. Đây là một quy trình đan xen, vừa tiếp cận lí thuyết vừa ứng dụng lí thuyết, ứng dụng cũng là một cách để tiếp cận và làm sáng tỏ lí thuyết, cụ thể hóa lí thuyết. Vì vậy, ngoài các công trình dịch thuật, giới thiệu lí thuyết, chúng tôi quan tâm đến các công trình có tính ứng dụng, mang đến những phương pháp nghiên cứu mới, tạo ra những biến đổi trong tư duy phân tích, định giá giá trị văn học. Từ đây có thể thấy tự sự học đã đem lại những kết quả gì trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Nếu phân loại một cách cơ học, các công trình ứng dụng tự sự học ở Việt Nam có thể tạm chia thành mấy loại sau: các chuyên luận, các tiểu luận, các luận văn luận án. Về chuyên luận, có các loại như: nghiên cứu chuyên biệt một vấn đề lí thuyết, soi chiếu vào những tác phẩm cụ thể. Ví dụ như Truyện cổ tích thần kì Việt đọc theo hình thái học của truyện cổ tích của V.Ja.Propp (Đỗ Bình Trị, Nxb Đại học Quốc gia tp Hồ Chí Minh, 2006); Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết (Cao Kim Lan, Nxb Văn học, 2015). Hai là những công trình nghiên cứu nghệ thuật tự sự của một tác giả, một thể loại. Ví dụ: Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Mai Hải Oanh, Nxb Hội Nhà văn, 2009), Tự sự kiểu Mạc Ngôn (Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb Văn học - Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây, 2013), Nghệ thuật tự sự của Lỗ Tấn qua hai tập truyện ngắn Gào thét và Bàng hoàng (Nguyễn Thị Mai Chanh, Nxb Giáo dục, 2010), Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm của Honore de Balzac (Lê Nguyên Cẩn, Nxb Giáo dục, 2011) ... Trong số các chuyên luận, có một số được tu chỉnh, bổ sung từ các luận án. Đỗ Bình Trị trong Truyện cổ tích thần kì Việt đọc theo hình thái học của truyện cổ tích của V.Ja.Propp đã ứng dụng hình thái học của Propp vào việc đọc - hiểu truyện cổ tích thần kì Việt, lập sơ đồ những kí hiệu hình thái học của các truyện cổ tích như Thạch Sanh, Tấm Cám, Người lấy cóc, Sọ Dừa, Kêu một việc được ba việc... Ông đã xem xét các đơn vị trong cấu trúc tự sự cổ tích từ phương diện chức năng [16]. Cao Kim Lan trong Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết sau tổng thuật về hướng nghiên cứu tu từ học và giới thiệu những quan niệm về tu từ học tiểu thuyết của W.C.Boot (trường phái Chicago) đã đặc biệt nhấn mạnh bình diện tác giả hàm ẩn đã chỉ ra những dấu hiệu của tác giả hàm ẩn trong tương quan với người kể chuyện tự ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh, hay nghệ thuật khống chế điểm nhìn cùng “sự im lặng của tác giả” trong truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp [7]. Các tiểu luận đăng trong sách và tạp chí tương đối phong phú. Dạng công trình này thường là những bước tìm tòi, phát hiện các hình thức, phương thức tự sự của các tác phẩm, tác giả cụ thể, giai đoạn văn học, thể loại văn học. Hướng nghiên cứu này thu hút đông đảo các nhà khoa học có uy tín cũng như các giảng viên của các viện, trường đại học ở Việt Nam như Trần Đình Sử, Phan Đăng Nhật, Lộc Phương Thủy, Lương Duy Thứ, Phùng Văn Tửu, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Đăng Điệp, Đào Duy Hiệp, Trần Đăng Suyền, Trần Lê Bảo, Nguyễn Thị Bích Hải, Trần Huyền Sâm, Phùng Ngọc Kiếm, Lê Lưu Oanh, Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Bích Hà, Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Vũ Thanh, Lê Dục Tú... Một số tiểu luận là những công bố khoa học của nghiên 5 Lê Trà My cứu sinh, học viên cao học. Trong phạm vi một tiểu luận, người nghiên cứu thường đi sâu vào một phương diện của tự sự như kĩ thuật, hình thức tự sự, mô hình tự sự, người kể chuyện... Trần Đình Sử nghiên cứu mô hình tự sự Truyện Kiều [12]; Nguyễn Đăng Điệp phân tích kĩ thuật dòng ý thức trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh [4]; Trần Huyền Sâm bàn về hình tượng người trần thuật trong Người tình của M.Duras [11]; Đào Duy Hiệp khai thác một số hình thức tự sự trong Đi tìm thời gian đã mất của M.Proust [6]; Lộc Phương Thủy viết về người kể chuyện trong tiểu thuyết Bọn làm bạc giả của A.Gide [14]; Phùng Văn Tửu nghiên cứu người kể chuyện xưng tôi trong văn chương hiện đại [18]; Lê Huy Bắc bàn về hình thức tự sự nhiều điểm nhìn trong tác phẩm của G.Marquez [3]; Nguyễn Mạnh Quỳnh phân tích nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng [10]; Nguyễn Xuân Đức viết về vai người kể chuyện trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích [5]; Phan Đăng Nhật nghiên cứu phương pháp tự sự bằng khuôn hình của sử thi Việt Nam, chỉ ra những tiết đoạn tự sự như cụm từ, đoạn truyện, chương khúc, tác phẩm có tính lặp lại là những phương pháp tự sự phổ biến của thể loại sử thi thế giới và Việt Nam [8]; Vũ Thanh chỉ ra những biến đổi trong nguyên tắc tự sự của truyện truyền kì Việt Nam [13]; Trần Văn Trọng nghiên cứu người kể chuyện trong văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỉ XX [17] v.v... Phần lớn các bài nghiên cứu này tiếp cận tác phẩm từ nhãn quan tự sự học cấu trúc, góp phần biến các lí thuyết tự sự thành các thao tác phân tích văn bản tác phẩm, đi tìm những ý nghĩa mới cho văn bản mà các phương pháp khác không chỉ ra được. Về các luận văn, luận án, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 65 luận án tiến sĩ, 265 luận văn thạc sĩ đã được bảo vệ ở các trường đại học và học viện trên toàn quốc. Các vấn đề được triển khai trong các công trình này có thể chia thành các nhóm sau. Nhóm thứ nhất là các công trình nghiên cứu thành phần, chức năng tự sự (đề cập các khái niệm liên quan thành phần câu chuyện và các yếu tố trần thuật). Nhóm thứ hai là các công trình nghiên cứu mô hình, ngữ pháp truyện kể. Bằng phương pháp loại hình hóa, người nghiên cứu đã chỉ ra mô hình cấu trúc tự sự của các hiện tượng văn học trong một giai đoạn, khuynh hướng hay thể loại văn học. Ngoài hai hướng trên, nghiên cứu tự sự gắn với kí hiệu học và tự sự liên ngành cũng đã bước đầu được đề cập. Nhìn chung, hơn mười năm qua, nghiên cứu ứng dụng tự sự học đã trở nên phổ biến. Đây là hướng nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt đối với các bài tập nghiên cứu của sinh viên, học viên, trở thành hướng đi của nhiều đề tài nghiên cứu trong nhiều hoạt động, hình thức nghiên cứu và đào tạo ở đại học. 2.2. Tự sự học và nghiên cứu tác phẩm văn học Lí thuyết tự sự học cung cấp những công cụ khám phá, những cách tiếp cận các tác phẩm văn học. Tự sự học trước hết gắn liền với vấn đề thể loại tự sự, đồng thời nó có giá trị đọc hiểu các loại tác phẩm tự sự nghệ thuật. Ứng dụng tự sự học trong nghiên cứu một mặt hướng tới sự khám phá cấu trúc nội tại cũng như cấu trúc nghĩa của tác phẩm văn học, mặt khác nhận ra được sự vận động của các thể loại tự sự. Việc ứng dụng này đã góp phần tạo ra những bước chuyển trong hướng tiếp cận các hiện tượng văn học, mang lại hiệu quả khoa học rất đáng ghi nhận. Ứng dụng tự sự học cho phép người nghiên cứu tiếp cận cấu trúc nội tại của văn bản tự sự, khảo sát các hình thức, tầng bậc của cấu trúc tự sự cùng các chức năng của chúng trong hoạt động giao tiếp. Thực ra, trong nghiên cứu tác phẩm văn học, các đơn vị cấu trúc tác phẩm như cốt truyện, sự kiện, môtip, nhân vật luôn là đối tượng khảo sát chủ yếu. Tuy nhiên, khi chưa có cái nhìn tự sự học thì người nghiên cứu về cơ bản là mô tả các đơn vị này, chỉ ra các thuộc tính có tính chất tĩnh tại. Cái nhìn tự sự học giúp cho việc phân tích tính tự sự của tác phẩm một cách cụ thể, đặt các đơn vị này trong cấu trúc giao tiếp, chịu sự chi phối của mục đích diễn ngôn. Hay nói 6 Tự sự học ở Việt Nam cách khác, các đơn vị cấu trúc tác phẩm được đặt trong dòng tự sự với các chức năng tự sự, chúng là các chất liệu để tạo nên truyện kể, do vậy chúng được nhìn từ nghệ thuật kể chuyện. Điểm quan trọng nhất của nghệ thuật kể chuyện chính là người kể chuyện, cùng với đó là điểm nhìn trần thuật. Toàn bộ các đơn vị của tự sự đều chịu sự chi phối của người kể chuyện. Truyện kể, thực chất là câu chuyện được kể từ điểm nhìn của người kể. Khi ứng dụng nghiên cứu tác phẩm từ góc nhìn tự sự, hầu hết các công trình đều quan tâm vấn đề người kể chuyện, đặc biệt là điểm nhìn. Tất cả các yếu tố của cấu trúc tác phẩm được đặt trong chiến lược trần thuật của người kể chuyện, phụ thuộc vào các điểm nhìn truyện kể. Trần Đình Sử trong Về mô hình tự sự Truyện Kiều [12] đã chỉ ra một mô hình tự sự mới trong Truyện Kiều trên cơ sở phân tích hình thức tự sự, cách kể riêng của tác giả Truyện Kiều. Đây chính là điểm khác biệt của cách thức tiếp cận Truyện Kiều từ cái nhìn tự sự học với các cách tiếp cận đã có trước đó từ các bình diện ngôn ngữ, phương pháp sáng tác, ý thức hệ, nội dung... Trần Đình Sử đối sánh lối tự sự khách quan, người kể chuyện đứng ngoài cuộc kết hợp lối bình luận suy lí ở Kim Vân Kiều truyện với lối kể từ ngôi thứ ba nhưng mang đậm tính chủ quan trong Truyện Kiều. Vấn đề cốt lõi trong mô hình tự sự làm cho Truyện Kiều có một lối kể chuyện mới, khác với Kim Vân Kiều truyện chính là sự thay đổi điểm nhìn trần thuật. Nếu Kim Vân Kiều truyện theo truyền thống tự sự Trung Quốc về cơ bản dùng điểm nhìn bên ngoài thì Nguyễn Du có xu hướng sử dụng điểm nhìn nhân vật, hạn chế điểm nhìn tự sự vào nhãn quan nhân vật, đặc biệt là chuyển điểm nhìn vào bên trong nhân vật, cảm nhận bằng con mắt nhìn và cảm giác của nhân vật, từ đó có điều kiện khơi sâu vào tâm lí nhân vật. Tuy vẫn giữ một mức độ trần thật ngôi thứ ba, nhưng ở hầu hết các tình huống quan trọng điểm nhìn đều được chuyển vào bên trong nhân vật. Như vậy, Nguyễn Du tuy có vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện, song ông đã thay đổi mô hình tự sự của Thanh Tâm tài nhân, từ ngôi kể thứ ba, khách quan, sang mô hình tự sự ngôi thứ ba mang tính cảm thụ cá nhân. Đây là một hình thức tự sự đã đạt đến một chất lượng nghệ thuật mới, không chỉ khác với Kim Vân Kiều truyện và truyền thống tự sự Trung Quốc mà còn là một sự khác biệt so với tự sự trong tiểu thuyết chương hồi trung đại Việt Nam và là một hình thức tự sự chưa từng có trong các truyện thơ Nôm. Rõ ràng là, đi từ mô hình tự sự này, Trần Đình Sử đã khẳng định một cách thuyết phục trên các cứ liệu cụ thể về giá trị Truyện Kiều, cho thấy phương thức tự sự chính là phương diện quan trọng có tính quyết định đến giá trị tác phẩm. Từ góc nhìn này, ông đã chứng minh tài năng sáng tạo của Nguyễn Du trong lĩnh vực nghệ thuật tự sự, vai trò của Nguyễn Du trong việc tạo lập truyền thống tự sự Việt Nam, khắc phục được những khuyết thiếu trong các cách thức đánh giá khác về Nguyễn Du khi so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện trên bình diện nội dung, hệ thống cốt truyện hay ngôn ngữ. Vận dụng điểm nhìn có thể đi sâu cấu trúc bên trong của tự sự, thấy được nguyên tắc tự sự, nhận ra cái lí của hình thức tự sự, sự chi phối, nối kết và tạo nghĩa của mạch tự sự. Trong chuyên luận Tự sự kiểu Mạc Ngôn [15], Nguyễn Thị Tịnh Thy đã đi sâu phân tích, luận chứng, so sánh và kiến giải nghệ thuật tự sự của Mạc Ngôn trong tiểu thuyết từ đặc trưng sáng tác, tư duy thẩm mĩ, soi chiếu từ lí thuyết tự sự truyền thống Trung Quốc cùng tự sự hiện đại, hậu hiện đại phương Tây. Vấn đề trọng tâm được khai thác chính là các kiểu người kể chuyện, cùng với đó là điểm nhìn và ngôn ngữ, giọng điệu đặc trưng. Từ cái nhìn tự sự học, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã chỉ ra mạch gắn kết người kể chuyện, điểm nhìn với hàng loạt các đơn vị khác của truyện kể. Chuyên luận Nghệ thuật tự sự của Lỗ Tấn qua hai tập truyện ngắn Gào thét và Bàng hoàng của Nguyễn Thị Mai Chanh [2] cũng đã dựa trên sự phân tích người kể chuyện, điểm nhìn để chỉ ra cấu trúc độc đáo của truyện ngắn Lỗ Tấn. Chuyên luận đã chứng minh rằng, sự kết hợp linh hoạt các hình thức tự sự, gia tăng hợp lí các điểm nhìn trần thuật đã giúp Lỗ Tấn vừa gợi ra cái nhìn nhiều chiều, hấp dẫn, khơi sâu, nắm bắt tâm hồn con người vừa bao quát những phạm vi hiện thực rộng lớn. Đây chính 7 Lê Trà My là những cách tân táo bạo về nghệ thuật tự sự của Lỗ Tấn, làm cho các tác phẩm của ông tạo được luồng sinh khí mới cho văn học Trung Quốc. Như vậy, tìm hiểu nghệ thuật tự sự giúp xác định sâu sắc hơn vai trò của cấu trúc trần thuật trong việc làm nổi bật giá trị tư tưởng và ý nghĩa của tác phẩm, đồng thời là căn cứ xác định phong cách tác giả cũng như nhận ra những cách tân, đổi mới của văn học. 2.3. Tự sự học và nghiên cứu văn học sử Ứng dụng tự sự học không chỉ dừng lại ở việc đi sâu văn bản, phát hiện các cấu trúc trần thuật, nhận ra các nguyên tắc tạo lập truyện kể. Chính việc đi sâu vào cấu trúc sẽ thấy được sự biến đổi bên trong của văn học, do đó sẽ nhận ra những bước tiến của văn học qua chính sự vận động nội tại của nó. Như vậy, ứng dụng tự sự học trong nghiên cứu còn chứng minh được sự vận động của văn học qua các giai đoạn, các hiện tượng văn học cụ thể. Cái nhìn tự sự học chính là cơ sở để nghiên cứu sự vận động và phát triển của văn học, nhất là sự đổi mới của các thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết. Khi nghiên cứu thể loại tiểu thuyết cùng những biến động của nó qua các giai đoạn không thể không chú ý đến những đặc điểm của trần thuật với những vấn đề cốt yếu như người kể chuyện, điểm nhìn. Ở Việt Nam, một số công trình nghiên cứu tiểu thuyết đương đại đã khẳng định được những cách tân thể loại, loại hình hóa giai đoạn phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại dựa trên sự xác định và loại hình hóa người kể chuyện. Cách làm này đem lại những hiệu quả mới so với các cách tiếp cận từ phương diện ý thức hệ, đề tài, chủ đề, khuynh hướng... Các cách tiếp cận khác có thiên hướng mô tả, thuật lại những loại hình nội dung, thể tài của tiểu thuyết. Hướng tự sự học trực tiếp chỉ ra sự thay đổi trong nghệ thuật kể chuyện. Chính cách kể chuyện mới đã tạo ra những loại hình người kể chuyện mới. Cách kể chuyện mới xuất phát từ những cách tri nhận và quan niệm mới về cuộc đời. Do vậy, hình thức người kể chuyện và các chiến lược kể của nó phản chiếu sự thay đổi từ trong quan niệm nghệ thuật của nhà văn hay của giai đoạn văn học. Lấy khái niệm người kể chuyện làm nền tảng lí thuyết, luận án Người kể chuyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của Thái Phan Vàng Anh [1] đã nghiên cứu người kể chuyện trong liên hệ với các yếu tố như điểm nhìn trần thuật, kết cấu trần thuật, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, từ đó khẳng định tiểu thuyết Việt Nam từ sau đổi mới đến nay việc kể chuyện được chú trọng hơn là kể chuyện gì. Đi từ lí thuyết tự sự học, nhất là vấn đề người kể chuyện, công trình này đã hướng đến việc nhận diện đặc điểm của tiểu thuyết Việt Nam đương đại, từ đó chỉ ra những cách tân của tiểu thuyết đương đại so với các giai đoạn trước đó, khẳng định tính hiện đại của tiểu thuyết Việt Nam. Mai Hải Oanh trong chuyên luận Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại [9] đã chỉ ra sự cách tân tiểu thuyết giai đoạn từ 1986 đến 2006 trên các phương diện như nhân vật, tổ chức cốt truyện, xây dựng kết cấu, và đặc biệt là sự đổi mới các phương thức trần thuật. Chuyên luận chứng minh rằng sự cách tân tiểu thuyết gắn liền với những đổi mới táo bạo về phương thức thể hiện, bước qua lối trần thuật từ cái nhìn “biết trước” để xây dựng nhiều điểm nhìn khác nhau, từ đó thể hiện quan niệm mới về tư duy thể loại. Cách tân từ phương diện trần thuật còn là làm mới ngôn ngữ trần thuật, tạo sự tương tác giữa các phát ngôn và các kênh ngôn ngữ khác nhau, từ đó cho thấy sự đối thoại của các quan điểm, ý thức. Các công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Việt Nam đương đại trên đây cho thấy sự cách tân tiểu thuyết gắn liền với sự đổi mới hình thức tự sự. Vì vậy, phân tích các yếu tố tự sự chính là căn cứ để có thể đối sánh các giai đoạn phát triển của thể loại, tìm ra sự vận động trong cấu trúc thể loại. Thay đổi hình thức tự sự thực chất cũng là sự thay đổi quan niệm về thế giới và con người, bởi hình thức tự sự không phải là cái vỏ hay một thứ phương tiện truyền tải nội dung, nó chính là 8 Tự sự học ở Việt Nam hình thức mang tính quan niệm. Vì thế, phân tích các yếu tố của hình thức tự sự không phải chỉ là khẳng định sự đổi mới về kĩ thuật tiểu thuyết, mà chính là khẳng định những bước tiến của văn học từ hệ hình tư duy sáng tạo, gắn với những cách nhìn mới và những nhu cầu biểu hiện mới của con người. Sau 1986, cùng với sự chuyển mình của đời sống xã hội, tư duy nghệ thuật cũng thay đổi. Những quan hệ xã hội phức tạp, những thay đổi khó lường của đời sống, những tầng sâu ý thức, tiềm thức, vô thức của con người khi trở thành chất liệu của văn học đòi hỏi nhà văn phải đi tìm những mô hình tự sự mới, có thể thâm nhập vào chiều sâu thế giới nội ẩn của cõi người. Mặt khác, nhu cầu dân chủ hóa, thoát khỏi sự độc tôn chân lí trong các diễn ngôn cũng đã chi phối đến ý thức cũng như quyền năng người kể chuyện trong tiểu thuyết. Có thể thấy, nghiên cứu tiểu thuyết từ phương diện tự sự sẽ cho thấy những bước phát triển mới của thể loại trong những không gian văn hóa mới. Như vậy, nghiên cứu theo hướng tự sự học mở ra cách tiếp cận hiệu quả đối với các hiện tượng văn học, khắc phục lối mô tả thuần túy, có thể nhìn vào chiều sâu của cấu trúc, lôgic hình thức tự sự, nhận ra những nguyên tắc kiến tạo diễn ngôn mà mặt sâu sắc nhất của nó chính là người kể chuyện, điểm nhìn tự sự, nhận ra phong cách sáng tạo riêng của mỗi nhà văn. Từ cái nhìn này có thể thấy được sự thay đổi, cách tân từ bên trong của bản thân văn học, từ đó nhận thức được những bước vận động, phát triển của đời sống thể loại. 2.4. Mấy vấn đề cần lưu ý Không thể phủ nhận những kết quả nghiên cứu khả quan mà tự sự học mang lại. Tuy nhiên, việc vận dụng tự sự học trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam vẫn còn có những chuyện phải bàn. Việc dịch thuật còn chưa có hệ thống, số lượng ít ỏi, một số cuốn dịch chưa sáng ý, đọc khó hiểu. Điều này gây khó khăn cho người nghiên cứu, nhất là các sinh viên, học viên. Các sinh viên, học viên chủ yếu dựa trên một số lí thuyết đã được ứng dụng trong các công trình trước đó, dẫn đến tình trạng nghèo lí thuyết, hoặc một lí thuyết nào đó được ứng dụng nhiều, gây ra sự mòn sáo, các thao tác phân tích quá quen thuộc, công thức hóa, xơ cứng. Việc vận dụng lí thuyết vào thực tiễn nghiên cứu cũng có những bất cập như quá thiên về yếu tố kĩ thuật, hoặc mô tả các yếu tố hình thức tự sự tĩnh tại, khép kín, chưa thấy được cơ chế vận hành của chỉnh thể tác phẩm trong ngữ cảnh tiếp nhận, ngữ cảnh văn hóa. Một số công trình có tính minh họa lí thuyết, các khái niệm lí thuyết trở thành những công thức, được chứng minh qua tác phẩm. Tác phẩm lúc này trở thành đối tượng làm rõ lí thuyết, văn bản tác phẩm trở thành vật liệu để khảo sát. Cách làm này có ưu điểm là giúp xác định rõ các phạm trù lí thuyết, song có nhược điểm là lí thuyết được vận dụng một cách cơ học, máy móc, nhấn mạnh yếu tố kĩ thuật nên làm giảm đi sự độc đáo, sinh động của tác phẩm cụ thể. Đôi khi việc đưa ra lí thuyết chỉ là nêu cho có, làm cho công trình có vẻ có tính lí thuyết, còn ứng dụng thì không phù hợp, có chỗ còn khập khiễng. Những hạn chế này chủ yếu rơi vào những người đang tập nghiên cứu. Nếu có thời gian nghiền ngẫm và tiếp cận lí thuyết một cách hệ thống thì tình trạng này chắc chắn sẽ được khắc phục. Điều đáng lưu ý là số người nghiên cứu trực tiếp tiếp xúc lí thuyết không nhiều, phần lớn là qua các bản dịch, hoặc trích qua các tài liệu tổng thuật và các công trình nghiên cứu khác. Điều này vừa phản ánh nhu cầu lí thuyết của người nghiên cứu song cũng cho thấy tình trạng chắp vá, ăn đong, không hệ thống trong tiếp thu và ứng dụng lí thuyết tự sự học ở Việt Nam. Một số công trình chỉ lấy các phạm trù tự sự làm tiêu đề mà chưa có những phân tích tác phẩm phù hợp, tạo các khái niệm rỗng do chưa hiểu bản chất lí thuyết. Từ đó cho thấy, một công trình tổng quan lí thuyết và ứng dụng tự sự học, hay một cuốn từ điển các khái niệm tự sự học là những tài liệu rất cần thiết cho người nghiên cứu tự sự ở Việt Nam hiện nay. 9 Lê Trà My 3. Kết luận Tự sự học được biết đến ở Việt Nam chưa lâu, song nó lại có ảnh hưởng rất lớn và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới nghiên cứu. Sự ứng dụng tự sự học trong nghiên cứu và đào tạo đã thể hiện năng lực tiếp nhận các lí thuyết văn học hiện đại thế giới của giới nghiên cứu ở Việt Nam. Đọc các công trình đã khảo sát, có thể thấy giới nghiên cứu đã tiếp nhận tư tưởng lí thuyết của tự sự học truyền thống, đồng thời cũng đã nắm bắt hệ thống lí luận của tự sự học hiện đại. Người nghiên cứu trong nước, qua sự ứng dụng lí thuyết đã làm phong phú lí thuyết, cụ thể hóa lí thuyết, đưa lí thuyết vào thực tế văn học. Tự sự học đang là một lĩnh vực phát triển năng động, ngày càng mở rộng. Mặc dù sự ứng dụng ở Việt Nam chủ yếu là hệ hình tự sự học kinh điển, cấu trúc luận, song tự sự học hậu kinh điển cũng đang bắt đầu được khai phá và giới thiệu, sẽ cung cấp những quan điểm mới về hình thức và chức năng của tự sự, mở rộng đến những hình thức tự sự xuyên ngành. Triển vọng nghiên cứu và ứng dụng tự sự học ở Việt Nam còn khá dồi dào. Cùng với những bước đi của tự sự học thế giới, hướng nghiên cứu và ứng dụng tự sự học ở Việt Nam chắc chắn sẽ có thêm nhiều kết quả nghiên cứu mới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Thái Phan Vàng Anh, 2012. Người kể chuyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội. [2] Nguyễn Thị Mai Chanh, 2010. Nghệ thuật tự sự của Lỗ Tấn qua hai tập truyện ngắn Gào thét và Bàng hoàng. Nxb Giáo dục. [3] Lê Huy Bắc, 2005. Tự sự nhiều điểm nhìn trong Cụ già với đôi cánh khổng lồ của G.Marquez. Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, 2/2005. [4] Nguyễn Đăng Điệp, 2004. Kĩ thuật dòng ý thức qua Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, trong sách Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [5] Nguyễn Xuân Đức, 2002. Vai người kể chuyện trong thần thoại, truyền thuyết và cổ tích. Tạp chí Văn học, 9/2002. [6] Đào Duy Hiệp, 2004. Một số hình thức tự sự trong Đi tìm thời gian đã mất của M.Poust, trong sách Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử. Nxb Đại học Sư phạm. [8] Cao Kim Lan, 2015. Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết. Nxb Văn học. [8] Phan Đăng Nhật, 2008. Phương pháp tự sự bằng khuôn hình của sử thi Việt Nam, trong sách Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Phần 2. Nxb Đại học Sư phạm. [9] Mai Hải Oanh, 2009. Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Nxb Hội Nhà văn. [10] Nguyễn Mạnh Quỳnh, 2007. Nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (Tiếp cận qua lí thuyết thời gian giả của G.Genette) Tạp chí Nghiên cứu văn học, 6/2007, tr.48. [11] Trần Huyền Sâm, 2004. Hình tượng người trần thuật trong tác phẩm Người tình của M.Duras, trong sách Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử. Nxb Đại học Sư phạm. [12] Trần Đình Sử, 2004. Về mô hình tự sự Truyện Kiều, trong sách Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử. Nxb Đại học Sư phạm. [13] Vũ Thanh, 2008. Những biến đổi trong nguyên tắc tự sự của truyện truyền kì Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX, trong sách Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Phần 2. Nxb Đại học Sư phạm. [14] Lộc Phương Thủy, 2010. Người kể chuyện trong tiểu thuyết Bọn làm bạc giả của A.Gide. Tạp chí Nghiên cứu văn học, 9/2010. 10 Tự sự học ở Việt Nam [15] Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2013. Tự sự kiểu Mạc Ngôn. Nxb Văn học-Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây. [16] Đỗ Bình Trị, 2006. Truyện cổ tích thần kì Việt đọc theo hình thái học của truyện cổ tích của V.Ja.Propp. Nxb Đại học Quốc gia tp HCM. [17] Trần Văn Trọng, 2013. Người kể chuyện trong văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỉ XX. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4/2013. [18] Phùng Văn Tửu, 2009. Người kể chuyện xưng tôi trong văn chương hiện đại. Tạp chí Nghiên cứu văn học, 11/2009. ABSTRACT Narratology in Vietnam Le Tra My Faculty of Philology, Hanoi National University of Education Although narratology has been known in Vietnam not for so long, it has had enormous and powerful influence in the research community. It has also contributed to changing the theoretical thinking system in research and training. Based on the theory of narratology, researchers in Vietnam have diversified approaches to literary works, gained deep insights into text, discovered narrative structures, recognizing the principles of story creation and the advancement of literature through its own internal movement, studied the movement and development of literature, especially the innovation of genres such as short stories and novels. Keywords: Narratology, application, structure, genre... 11

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4857_ltmy_1439_2127458.pdf
Tài liệu liên quan