Trồng trọt ở vùng người dao nước ta hiện nay những biến đổi và vấn đề đặt ra - Lý Hành Sơn

Tài liệu Trồng trọt ở vùng người dao nước ta hiện nay những biến đổi và vấn đề đặt ra - Lý Hành Sơn: Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN 113Ngày nhận bài: 22/7/2018; Ngày phản biện: 10/8/2018; Ngày duyệt đăng: 20/8/2018(1) Viện Dân tộc học; e-mail: hmongdao@yahoo.com.vn (2) Viện Dân tộc học; e-mail: jirachi.lee.2712@gmail.com TRỒNG TRỌT Ở VÙNG NGƯỜI DAO NƯỚC TA HIỆN NAY NHỮNG BIẾN ĐỔI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA Lý Hành Sơn(1) Lý Cẩm Tú(2) Từ những tư liệu điền dã kết hợp tổng quan tài liệu, nội dung bài viết khái quát một số biến đổi liên quan tới tập quán trồng trọt của người Dao ở nước ta hiện nay, qua đó cho thấy những vấn đề đặt ra cần quan tâm thực hiện. Dưới tác động của cơ chế thị trường, đặc biệt là sự đổi mới thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, hoạt động trồng trọt thời gian qua tại các địa phương người Dao đã có sự biến đổi nhanh chóng. Đời sống của đồng bào được cải thiện, diện tích ruộng bậc thang ngày càng mở rộng, cơ cấu cây trồng được đa dạng hóa, an ninh lương thực ổn định, tập quán bảo vệ rừng được phát huy,... Song, bên...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 404 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trồng trọt ở vùng người dao nước ta hiện nay những biến đổi và vấn đề đặt ra - Lý Hành Sơn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN 113Ngày nhận bài: 22/7/2018; Ngày phản biện: 10/8/2018; Ngày duyệt đăng: 20/8/2018(1) Viện Dân tộc học; e-mail: hmongdao@yahoo.com.vn (2) Viện Dân tộc học; e-mail: jirachi.lee.2712@gmail.com TRỒNG TRỌT Ở VÙNG NGƯỜI DAO NƯỚC TA HIỆN NAY NHỮNG BIẾN ĐỔI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA Lý Hành Sơn(1) Lý Cẩm Tú(2) Từ những tư liệu điền dã kết hợp tổng quan tài liệu, nội dung bài viết khái quát một số biến đổi liên quan tới tập quán trồng trọt của người Dao ở nước ta hiện nay, qua đó cho thấy những vấn đề đặt ra cần quan tâm thực hiện. Dưới tác động của cơ chế thị trường, đặc biệt là sự đổi mới thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, hoạt động trồng trọt thời gian qua tại các địa phương người Dao đã có sự biến đổi nhanh chóng. Đời sống của đồng bào được cải thiện, diện tích ruộng bậc thang ngày càng mở rộng, cơ cấu cây trồng được đa dạng hóa, an ninh lương thực ổn định, tập quán bảo vệ rừng được phát huy,... Song, bên cạnh đó là những thách thức về việc nâng cao thu nhập, phát huy các giống cây trồng truyền thống, canh tác bền vững,... rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các cơ sở đào tạo và các cơ quan chức năng. Từ khóa: Trồng trọt; Biến đổi; Người Dao; Trồng trọt ở vùng người Dao; Vấn đề đặt ra; Sinh kế bền vững. Mở đầu Qua số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân tộc Dao ở nước ta có 751.067 người, phân bố cư trú ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc và trung du Bắc Bộ (636.523 người), Tây Nguyên (35.176 người) và một số tỉnh miền đông Nam Bộ (8.796 người). Trong đó, họ tập trung khá đông ở các tỉnh: Hà Giang (109.708 người), Tuyên Quang (90.618 người), Lào Cai (88.379 người), Yên Bái (83.888 người), Quảng Ninh (59.156 người), Bắc Kạn (51.801 người),... Trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nhất là thời gian gần đây, đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của người Dao ở nước ta đã không ngừng nâng cao và biến đổi theo xu hướng hội nhập dần với các dân tộc trong vùng. Hiện nay tuy có nhiều công trình nghiên cứu và bài viết về người Dao ở Việt Nam, song vẫn thiếu những nghiên cứu chuyên sâu về biến đổi trong các lĩnh vực sinh kế, thiết chế xã hội, hoạt động văn hóa,... của đồng bào Dao. Từ nguồn tư liệu điền dã kết hợp tổng quan một số tài liệu đã công bố, chúng tôi tập trung đề cập tới sự biến đổi về trồng trọt, bao gồm: Phát triển cây lương thực và thực phẩm, phát triển các loại cây lâu năm của người Dao. 1. Phát triển cây lương thực và thực phẩm Trồng trọt là thế mạnh của tộc người Dao ở nước ta; trong đó, nương rẫy là loại hình canh tác lâu đời nhằm cung cấp lương thực và một phần rau, củ, quả, kể cả các loại cây bông, chàm để kéo sợi, dệt vải, làm cao chàm nhuộm,... nhằm tự cấp tự túc cho gia đình về ăn uống, đồ mặc, đồ đắp. Trước năm 1995 khi chưa thực hiện chính sách giao đất giao rừng ở nơi vùng sâu vùng xa, do còn rừng nên đồng bào Dao vẫn làm nương với các công đoạn theo tập quán, gồm: Chọn đất và khai khẩn mảnh nương mới cũng như làm đất đối với những đám nương đã qua canh tác, trồng trỉa, chăm sóc cây trồng, thu hoạch, bảo quản giống. Thời gian và thời vụ thực hiện mỗi công đoạn làm nương được dựa vào nông lịch hàng năm tại địa phương. Đặc biệt, các tri thức gieo trồng trên nương vẫn chủ yếu theo truyền thống: Xen canh nhiều loại cây trong mỗi mảnh nương vừa mới khai khẩn, chẳng hạn trong nương lúa hoặc ngô có trồng xen thêm các loại dưa, rau cải, rau bao, khoai sọ, mướp, bí, bầu, vừng, gừng, cà tím, đậu đũa, thậm chí có cả cây mạch, đu đủ, chuối, thầu dầu tím để làm thuốc chữa bệnh,...1 Sau khi thực thi chính sách giao đất giao rừng, tập quán canh tác nương rẫy tuy vẫn duy trì ở các địa phương người Dao, nhưng đồng bào chủ yếu gieo trồng ngô, sắn và nhiều cây hoa màu khác như đỗ, lạc, gừng,... để bán ra thị trường, tức bỏ đi tập quán gieo lúa nương. Thực tế cho thấy, sau năm 2000 đến khi có phong trào đi làm ăn xa hoặc ra thành phố kiếm việc làm tại các công ty liên doanh, người Dao ở cả hai vùng Tây Bắc và Đông Bắc đều mở rộng diện tích trồng các giống ngô lai, sắn cao sản. Điền dã vào cuối năm 2008 tại thôn Khe Búng, xã Quang Minh (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho thấy, các gia đình Dao Quần Trắng ở đây đều dành phần lớn diện tích đất nương để trồng sắn, rất nhiều nhà trồng đến 3 ha, trung bình mỗi nhà trồng 1 - 2 ha; khi thu hoạch, do tư thương đưa xe tải đến tận nơi để thu mua nên người dân trong thôn tổ chức nhổ sắn theo tập quán đổi công: Hôm nay cả thôn nhổ cho nhà 1. Lý Hành Sơn, (1995), Nương rẫy truyền thống của người Dao ở Cao Bằng, Tạp chí Dân tộc học, số 3, tr.64-73. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN 114 Số 23 - Tháng 9 năm 2018 này, ngày mai kéo nhau đến nhổ cho nhà khác,... Bên cạnh đó, nhiều địa bàn người Dao thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn còn trồng cây dong riềng và tình trạng này còn thấy rõ khi nghiên cứu về người Dao ở xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình2. Nguyên nhân chuyển đổi sang giống cây trồng mới là do đất nương đã bạc màu, không còn nhiều rừng để khai phá thêm nương mới, đặc biệt là chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước đã được thực hiện. Trong khi, các giống ngô lai, sắn cao sản, cây dong riềng,... không chỉ dễ trồng, nhanh được thu hoạch và cho năng suất cao mà còn dễ bán ra thị trường và bán được hết sau khi thu hoạch. Đặc biệt là gần đây, người dân đã giảm nhanh diện tích nương du canh, rồi giữ ổn định, thậm chí gia tăng diện tích nương cố định bằng cách khai khẩn tối đa các loại nương ở ven sông suối, đất bằng ở chân núi hoặc quanh khu cư trú3. Nương cố định không chỉ canh tác được lâu dài mà còn có thể trồng luân canh, xen canh, gối vụ nhiều loại cây trồng nhờ cải tạo đất bằng cách cày bừa và bón phân, gieo trồng giống mới ngắn ngày, dùng thuốc trừ sâu,... Đây là sự biến đổi theo xu hướng tổng diện tích đất nương tuy không tăng nhưng vẫn ổn định cho việc gieo trồng, tăng vụ cho các loại cây lương thực và thực phẩm, kể cả những cây có giá trị hàng hóa. Trong khi, các mảnh nương du canh đã bạc màu được dùng để phát triển những loại cây lâu năm như gỗ, quế, cây ăn quả hoặc khoanh nuôi rừng hoặc trồng rừng. Một trong những đổi mới mang tính đột phá là phong trào khai khẩn ruộng bậc thang để canh tác lúa nước diễn ra rộng khắp các địa phương người Dao. Làm ruộng bậc thang là tập quán hàng trăm năm ở người Dao, nhưng từ khi có phong trào “hạ sơn” sống định cư, nhất là gần đây đồng bào mới có điều kiện khai phá hết từng tấc đất nơi có thể làm ruộng, do không còn rừng để phát triển loại nương du canh. Chẳng hạn tỉnh Hà Giang, sau năm 1960, đặc biệt là từ khi hợp tác xã giải thể, việc khai khẩn ruộng đã trở thành phong trào đối với các hộ người Dao tại các thôn bản. Cụ thể là ở huyện Hoàng Su Phì, ruộng bậc thang hấp dẫn khách du lịch tới tham quan chủ yếu ở trong 6 xã là Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên thì người Dao ở đây có đóng góp tại Bản Luốc, Hồ Thầu, Thông Nguyên. Theo tập quán, đồng bào tận dụng những nơi đất nương đã bạc màu, địa hình khá bằng phẳng hoặc dốc thoai thoải nhưng có nước tưới, bất kể nước mó hay nước khe, suối,... để khai khẩn thành các mảnh ruộng bậc thang4. Tuy chỉ có dao, cuốc, xà beng, cày bừa tự chế,... nhưng qua 2. Trần Văn Hà, (Chủ biên, 2007), Phát triển nông thôn miền núi và dân tộc trong thời kỳ kinh tế chuyển đổi, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.78-79. 3. Lý Hành Sơn, (1995), Nương rãy truyền thống của người Dao ở Cao Bằng, Tlđd, tr.69. 4. Phạm Quang Hoan, Hùng Đình Quý, (Chủ biên, 1999), Văn hóa truyền thống người Dao ở Hà Giang, NXB. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr.53-55. nhiều năm người Dao đã tự khai khẩn những khu ruộng với diện tích hàng nghìn mét vuông5. Trong khi, họ vẫn chú ý bảo vệ môi trường, nhất là các khu rừng đầu nguồn cung cấp nước cho các khe, suối để dẫn vào ruộng qua hệ thống phai, mương, máng,... bởi đây là giải pháp phát triển ruộng bậc thang và đảm bảo đủ nước cho canh tác hàng năm6. Nhờ phong trào khai khẩn, canh tác ruộng bậc thang kết hợp làm loại nương cố định, rất nhiều khu đất trước đây là nương du canh bỏ hóa thì nay đã được người Dao phát triển thành vườn rừng, trồng những cây có giá trị hàng hóa, góp phần làm gia tăng diện tích khoanh nuôi rừng nhằm cung cấp nước để làm ruộng, bảo vệ môi trường. Rõ ràng là gần đây, việc khai khẩn ruộng bậc thang và làm hai vụ lúa/năm đã trở thành phong trào tại các địa bàn có người Dao sinh sống, bất kể ở đai sinh thái vùng thấp hay vùng cao. Chỉ một vài nơi như người Dao Đỏ, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), do là vùng núi đá, thiếu nước nên khó mở rộng diện tích ruộng bậc thang, nhưng nay người dân đã phát triển các cây trồng khác để bán, làm cho đời sống ngày càng nâng cao. Thực tế đã khẳng định rằng, cho đến năm 1995: “Ở nhiều vùng người Dao việc trồng lúa nước có năng xuất cao mỗi năm hai vụ lúa đã thành nề nếp. Tuy không phá rừng làm rẫy nhưng họ đã đủ ăn và dư thừa lương thực làm cơ sở cho việc phát triển ngành nghề khác”7. Do chủ yếu làm ruộng nên đồng bào Dao có điều kiện tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật thông qua sách báo, truyền thông, các buổi tập huấn tại địa phương,... tạo ra nhu cầu sử dụng các công cụ bằng máy, phân hoá học, thuốc trừ sâu. Qua tư liệu điền dã gần đây, hầu hết các gia đình người Dao có điều kiện đều vỡ đất làm ruộng bằng máy, dùng máy bơm kết hợp khi tưới tiêu, thu hoạch bằng máy tuốt lúa, vận chuyển sản phẩm bằng xe máy hoặc xe công nông,... Ngoài làm ruộng cấy lúa, trồng ngô và sắn cùng các loại hoa màu trên nương, người Dao ở một số nơi còn phát triển những cây có giá trị hàng hóa, tạo ra bước chuyển đổi lớn trong cơ cấu cây trồng. Chẳng hạn như người Dao ở xã Bản Phiệt và một vài nơi thuộc huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) do có quan hệ với bên Trung Quốc nên đã mở rộng diện tích trồng chuối, dứa,... để bán, tạo ra thu nhập cao. Theo ước tính: Một ha dứa thu khoảng 48 tấn quả, giá bình quân 5.000 đồng/kg vào năm 2010, sau khi trừ các khoản chi phí, người 5. Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, (2001), Các dân tộc ở Bắc Kạn, NXB. Thế giới và Tạp chí Dân tộc & Thời đại, Hà Nội, tr.226. 6. Trần Hữu Sơn, Bàn Khánh Thanh, (2011), Văn hóa ứng xử của người Dao Đỏ với môi trường tự nhiên qua khai khẩn ruộng bậc thang ở Sa Pa, Tạp chí Dân tộc học, số 4, tr.3-12. 7. Trịnh Bá Bảo, (1998), Kinh tế, xã hội người Dao Việt Nam thời kỳ 1970 - 1995, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Kỷ yếu Hội thảo, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia xuất bản, Hà Nội, 1998, tr.206. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN 115Số 23 - Tháng 9 năm 2018 trồng thu một nửa, tức khoảng 110 triệu đồng/ha; riêng cây chuối, mỗi ha cho khoảng 2.500 buồng, mỗi buồng ước khoảng 20kg, giá thành bình quân 5.000 đồng/kg trong năm 2010, tức được 250 triệu đồng, nếu trừ chi phí thì mỗi ha người trồng thu khoảng 140 triệu đồng. Vì thế, rất nhiều hộ người Dao ở nơi đây có nguồn thu lớn từ việc trồng chuối và dứa để bán sang Trung Quốc8. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, sự đổi mới trong trồng trọt nông nghiệp của đồng bào Dao ở nước ta do tác động tích cực từ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách định canh định cư, chính sách ưu tiên giáo dục cho con em dân tộc thiểu số và gần đây là các chương trình 135, 134,... cùng các chính sách xóa đói giảm nghèo khác. 2. Phát triển rừng và cây trồng lâu năm Người Dao có tập quán bảo vệ rừng từ lâu đời, nên đã hình thành các quy ước bất thành văn trong mỗi cộng đồng, liên quan tới khai thác sử dụng và bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn tài nguyên tại nơi cư trú, đặc biệt là các cây thuốc Nam và những sản vật quý hiếm trong rừng: “Các làng người Dao đã sử dụng hương ước, đặt ra các quy định cấm khai thác, phá rừng đầu nguồn; sử dụng tín ngưỡng và luật tục nhằm,... bảo về các khu rừng chung của cộng đồng”9. Điền dã vào năm 2001 tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) cho thấy, đến nay người Dao Đỏ nơi đây vẫn rất chú trọng bảo vệ môi trường rừng, bởi hầu hết các khu vực xung quanh những ngôi nhà ở và trong phạm vi thôn Tả Chải đều tồn tại các loại cây rừng lâu năm, trong khi các khu rừng ấy có rất nhiều cây thuốc quý như dứa dại lá tím, riềng, trinh nữ, lạc tiên, cây mua, xa nhân, quế chi, mã đề, củ mài, bách bộ, dương xỉ,... Một thực tế khá phù hợp với tâm lý một số cộng đồng người Dao đã được tác giả Diệp Đình Hoa phát hiện khi nghiên cứu về tập quán bảo vệ và chăm sóc rừng của người Dao Tiền ở huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình): “Người Dao ở Đà Bắc có một đặc điểm chung là rất chú trọng đến công việc chăm nom, săn sóc vườn nhà, vườn rừng. Những khu rừng được giao khoanh nuôi hay bảo vệ đều được giữ gìn cẩn thận, nhất là khu rừng quanh bản. Ngược lại, họ cũng rất tích cực đi đốt nương ở những nơi khác, hoặc đi lấy gỗ ở những khu rừng còn chưa được bảo vệ cẩn thận...”10. Nhận định này của tác giả là khá chính xác đối với không ít cộng đồng người Dao ở nhiều địa phương, bởi từ lâu đời đồng bào rất quan tâm bảo vệ rừng cùng các nguồn lợi tự nhiên ở quanh nhà và trong phạm vi ranh giới địa vực thôn bản để điều hòa nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Song, họ cũng tranh thủ đi phát 8. Bùi Xuân Đính, (2011), Suy nghĩ về sự ổn định của biên giới từ thực tế phát triển kinh tế ở hai vùng biên giới Việt - Trung (Bài tham luận tại Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2011), Hà Nội, tr.2-3. 9. Trần Hữu Sơn, Bàn Khánh Thanh, (2011), Văn hóa ứng xử của người Dao Đỏ với môi trường tự nhiên qua khai khẩn ruộng bậc thang ở Sa Pa, Tlđd, tr.11. 10. Diệp Đình Hoa, (1998), Người Dao ở xóm Yên (xóm Suối Yên), Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.216. nương và khai thác lâm thổ sản tại những khu rừng còn thiếu sự quản lý chặt chẽ không ngoài mục đích hạn chế khai thác quá mức các khu rừng quanh nhà và trong thôn bản mình. Từ việc phát huy tập quán bảo vệ rừng, phong trào phát triển rừng ở vùng người Dao sinh sống ngày càng tăng từ những năm cuối thế kỷ XX, do đồng bào tuy sống ở gần rừng nhưng đã chủ yếu canh tác ở ruộng bậc thang, chuyển dần diện tích đất nương du canh sang trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ các khu rừng tái sinh kết hợp trồng những cây lâu năm có giá trị hàng hóa. Vì vậy: “Nếu như trước đây người Dao phá rừng thì nay đã có 30% số lao động đi bảo vệ, kinh doanh rừng, lấy nghề rừng làm phương thức sản xuất chính để ổn định cuộc sống”11. Chẳng hạn như tỉnh Bắc Giang, từ những năm 90 thế kỷ XX người Dao ở nhiều thôn bản thuộc các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động,... đã nhận đất để trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng tái sinh, làm cho hàng ngàn ha rừng được chăm sóc, trồng mới. Cụ thể là nhiều hộ người Dao tại các xã Trường Sơn, Lục Sơn, Bình Sơn của huyện Lục Nam đã nhận chăm sóc nhiều ha rừng dẻ trám và rừng tái sinh; trong khi đó mỗi hộ gia đình người Dao ở các thôn Đồng Sim, Nghẽo,... thuộc xã Tuấn Đạo huyện Sơn Động đều nhận chăm sóc khoảng 1 - 5 ha rừng, riêng gia đình ông Lý Văn Tư nhận tới 3 ha rừng lim nguyên sinh, cho thu nhập trung bình mỗi hộ khoảng 2 - 3 triệu đồng/năm vào năm 199412. Tại tỉnh Quảng Ninh, việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng ở các thôn bản người Dao được phát triển nhanh chóng tại một số huyện như Quảng Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên,... Trong đó, điển hình là xã Tân Dân huyện Hoành Bồ, bởi nơi đây người Dao sống tập trung đông đúc. Tư liệu điền dã đã chỉ ra rằng, từ năm 1991 chính quyền xã Tân Dân đã phát động phong trào trồng rừng và bảo vệ rừng. Nhờ đó, các hộ người Dao trong xã Tân Dân đã trồng được trên 12.000 cây bạch đàn Úc, trồng rừng phòng hộ được 26,5 ha; riêng năm 1993, bằng nguồn vốn định canh định cư của Nhà nước, người Dao ở các thôn bản của xã này đã trồng được 300 ha rừng bạch đàn phân tán, tăng 78.000 cây so với số cây đã trồng vào năm 1991; còn việc khoanh nuôi chăm sóc bảo vệ rừng, năm 1991 đã phát triển được 600 ha, năm 1992 được 1.700 ha, năm 1993 được 1.080 ha, đưa tổng diện tích rừng được chăm nuôi bảo vệ của toàn xã lên đến 2.780 ha13. 11. Trịnh Bá Bảo, (1998), Kinh tế, xã hội người Dao Việt Nam thời kỳ 1970 - 1995, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.205. 12. Lâm Văn Thăng, (1998), Sự phát triển kinh tế - đời sống và một số mô hình làm ăn giỏi của người Dao ở Hà Bắc hiện nay, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.228-229. 13. Lê Duy Đại, (1998), Phát triển kinh tế và phân hóa giàu nghèo của người Dao xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh - Thực trạng và những vấn đề đặt ra, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.274. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN 116 Số 23 - Tháng 9 năm 2018 Có điều đáng lưu ý đối với người Dao là, phát triển và bảo vệ rừng luôn gắn với gieo trồng những cây có giá trị kinh tế, đặc biệt cây quế đã được biết đến và phổ biến tại một số vùng. Ví dụ như tỉnh Yên Bái, đến năm 1994 chỉ riêng huyện Văn Yên đã có 5.650 ha cây quế, trong khi quế của người Dao đã là 5.210 ha, tức chiếm 90% diện tích trồng quế toàn huyện, song dân số người Dao nơi đây chỉ chiếm 21,1% tổng dân số của huyện14. Qua kết quả khảo sát vào năm 2008, các hộ gia đình người Dao Đỏ ở thôn Khe Giang và các thôn khác của xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, đều đua nhau trồng quế. Để quế phát triển nhanh, hàng năm người ta vẫn trồng xen ngô và hoa màu khi cây còn nhỏ kết hợp bón nhiều phân chuồng vừa để hạn chế cây cỏ phát triển vừa có phân ngấm vào đất nuôi dưỡng cây quế, chỉ khoảng sau 7 - 10 năm thì cho thu hoạch. Vì vậy, những hộ có quế đủ tuổi khai thác đều có thu nhập đáng kể, trung bình mỗi năm khoảng 5 - 10 triệu đồng, ít nhất là 2 - 4 triệu và nhiều là trên 20 triệu, thậm chí trên 50 triệu đồng vào thời điểm đó. Đồng bào không chỉ khai thác cây quế bóc lấy vỏ bán và đem xuất khẩu, mà còn lấy lá quế về nấu cao bán với giá khoảng 100 nghìn - 200 nghìn đồng/lít tuỳ theo biến động giá cả thị trường ở địa phương. Do vậy, cuộc sống của người Dao ở đây được nâng cao, họ xây dựng rất nhiều nhà xây kiên cố từ cấp 4 đến cao tầng; trong thôn có đủ các dịch vụ sửa chữa xe máy, ăn uống, mua bán tạp hoá; chợ xã cũng đủ các loại hàng hoá để mua, bán... Ngoài tỉnh Yên Bái, người Dao ở các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh,... cũng có phong trào trồng cây quế. Chẳng hạn như ở xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), phong trào này đã được phát triển từ giữa những năm 80 thế kỷ XX, điển hình là người Dao Tuyển ở thôn Khởi Khe: “Ở Khởi Khe đã xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình sản xuất giỏi, tạo một chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và khoa học. Tiêu biểu như gia đình ông Bàn Khánh Hưởng trưởng bản đã trồng 2 vạn cây quế. Trong đó, 5.000 cây cho thu hoạch, mỗi năm từ quế và vườn rừng của ông được khoảng 40 triệu đồng...” 15. Kết quả nghiên cứu tại thực địa cũng cho thấy, do cây quế ít bị sâu bệnh và không quá kén đất nên được người Dao gieo trồng ở khắp nơi: Trên các sườn núi có độ dốc từ 250 trở lên, ở chân các quả đồi và dãy núi thấp có độ dốc dưới 250, thậm chí có hộ gia đình còn trồng quế ở ven vườn nhà và cả xung quanh nhà. Riêng tỉnh Quảng Ninh, người Dao tại các huyện Hoành Bồ, Quảng Hà,... đều phát triển cây quế từ khá lâu. Cụ thể như hộ gia đình ông Hồng - Phó chủ tịch xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ vào những năm 14. Hoàng Nam, (1998), Nghề trồng quế của người Dao ở Văn Yên (Yên Bái), Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.208, 213. 15. Vi Văn Đông, (1998), Ứng xử của người Dao Tuyển ở Khởi Khe với môi trường, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.240, 241. 1993 - 1994 đã có cả một đồi quế với hơn 3 trăm cây và lúc đó đã có người ở ngoài huyện Hoành Bồ vào định mua cả đồi với giá tương đương ba cây rưỡi vàng nhưng ông Hồng chưa muốn bán,...16 Ngoài cây quế, tùy theo điều kiện tự nhiên ở địa phương, người Dao còn quan tâm trồng các loại cây ăn quả có giá trị hàng hóa như vải ở huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), cam và quýt ở huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), dứa và chuối ở huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai),... Ví dụ như việc phát triển kinh tế vườn với loại cây trồng chủ yếu là vải thiều đã trở thành phong trào từ những năm 90 thế kỷ XX của người Dao các xã thuộc hai huyện Lục Nam và Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc trước đây. Cụ thể gia đình ông Triệu Sinh Phúc ở bản Na Lang, xã phong Minh (huyện Lục Ngạn) đã trồng hơn 300 cây vải thiều và cho thu hoạch vào năm 1994; đồng bào Dao ở bản Tân Mộc cùng xã Phong Minh có 21 hộ vào năm 1994 thì mỗi hộ trồng trên 50 cây vải, trong đó 5 hộ mỗi hộ trồng trên 200 cây vải thiều,...17. Chưa kể tới người Dao ở một số địa phương như Ba Vì (Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai), Yên Lập (Phú Thọ), Đồng Hỷ (Thái Nguyên), huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh),... còn phát triển cây thuốc Nam để bán ra thị trường không chỉ tại địa phương mà đến tận nhiều tỉnh và thành phố khác. Bởi vì, chữa bệnh bằng những cây thuốc tìm kiếm trong rừng hoặc trồng quanh nhà kết hợp buôn bán các cây thuốc này đã trở thành tập quán của đồng bào Dao. Hiện nay, dưới tác động của cơ chế thị trường, tập quán đó càng có điều kiện phát huy, phát triển thành một trong những nghề khá phổ biến của đồng bào, cho thu nhập đáng kể, ví dụ như đối với người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Thành phố Hà Nội): “Tổng thu nhập năm 2012 toàn xã là 13.87.000.000 đồng; trong đó, thu nhập từ trồng trọt chiếm 57%, từ dịch vụ thuốc Nam chiếm 25%, từ chăn nuôi chiếm 7%, các ngành nghề khác chiếm 11%”18. Rõ ràng, khi kinh tế thị trường phát triển cùng với tác động có hiệu quả của các chính sách của Nhà nước, nhất là từ khi thực thi chính sách giao đất giao rừng, do người Dao chủ yếu canh tác trên ruộng bậc thang và nương rẫy định canh, nên có điều kiện phát huy tập quán bảo vệ rừng và gieo trồng những cây lâu năm có giá trị hàng hóa để tạo ra thu nhập ngày càng cao so với canh tác nương rẫy. Vì vậy, theo nghiên cứu của một số tác giả, vào những năm 90 thế kỷ XX, tỷ lệ thu nhập của người 16. Trần Văn Hà, (1998), Những yếu tố tác động đến sự hiểu biết về tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp của người Dao tại một xã ở miền Bắc Việt Nam, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.263. 17. Lâm Văn Thăng, (1998), Sự phát triển kinh tế - đời sống và một số mô hình làm ăn giỏi của người Dao ở Hà Bắc hiện nay, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.228-229. 18. Chử Thị Thu Hà, (2015), Văn hóa vật chất của người Dao ở Ba Vì, Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, Luận án tiến sĩ Nhân học, thư viện Quốc gia Hà Nội và thư viện Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.31. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN 117Số 23 - Tháng 9 năm 2018 Dao đã là: (1) Thu nhập từ nông nghiệp là 54,77%; (2) Thu nhập từ nghề rừng là 36,30%; (3) Ngành nghề khác có thu nhập khoảng 8,93%19. 3. Những vấn đề đặt ra Dưới tác động của quá trình đổi mới, đặc biệt là các chính sách dành cho dân tộc của Đảng và Nhà nước, hoạt động trồng trọt ở vùng người Dao đã có những biến đổi vượt bậc so với trước đây về hình thức và quy trình cũng như cách thức canh tác, cơ cấu cây trồng, sự đa dạng sản phẩm,... Nhờ đó, các hộ gia đình người Dao ở các địa phương bất kể vùng thấp hay vùng cao đều có thu nhập ngày càng cao từ trồng trọt, góp phần ổn định đời sống kinh tế, từng bước vươn lên hòa nhập về mọi mặt với các tộc người láng giềng. Song, về lâu dài cũng như trước mắt vẫn còn không ít vấn đề đặt ra, cần được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu để đưa ra những giải pháp thích hợp, trong đó có một số vấn đề như sau: Thứ nhất, vấn đề bấp bênh về thu nhập liên quan tới phát triển những loại cây có giá trị hàng hóa. Mỗi khi vài gia đình trong thôn/bản hoặc ở các thôn/bản láng giềng trồng một loại cây mới đem bán cho thu nhập đáng kể thì các gia đình khác đua nhau thành phong trào của toàn thôn/bản, thậm chí cả vùng dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu, tức giá cả năm sau thấp hơn năm trước do bị ép giá, mặc dù giá trị đồng tiền năm sau không bằng năm trước. Đó là các trường hợp đua nhau phát triển ồ ạt cây ngô lai và sắn cao sản trong vài năm trước đây, còn hiện nay là tình hình sản xuất cây dong riềng ở một số địa phương thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự quy hoạch của các cấp các ngành, đặc biệt là đổi mới tư duy quản lý và phát triển kinh tế của đội ngũ cán bộ thôn/bản, chính quyền địa phương. Thứ hai, vấn đề bảo tồn các giống cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế cao nhưng cho năng suất không cao. Trước đây do chủ yếu canh tác trên nương rẫy nên người Dao có rất nhiều giống cây trồng quý hiếm, cho sản phẩm có chất lượng về giá trị kinh tế, song đều là các giống cây dài ngày và kén đất, trong khi năng suất thu hoạch thấp, nên đã bị đào thải dần và nay hầu như không còn duy trì do chủ yếu canh tác trên ruộng bậc thang và trên nương định canh với các giống mới. Đó là các giống lúa nương thơm ngon dẻo gồm lúa tẻ và lúa nếp, ngô nếp trắng hoặc hoa giống địa phương, các giống dưa trồng xen với lúa nương, các loại đậu trồng xen với ngô hoặc gieo trồng riêng, các loại củ,... Rõ ràng, sự biến đổi trong trồng trọt hiện nay ở vùng người Dao cần gắn với giải pháp bảo tồn các giống cây trồng truyền thống có giá trị cao về kinh tế. 19. Nguyễn Khánh Quắc và Từ Quang Hiển, (1998), Tình hình kinh tế, đời sống của người Dao hiện nay, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.253. Thứ ba, vấn đề giá cả nông sản thấp so với thu nhập từ một số ngành nghề phi nông nghiệp, trong khi đồng bào cần phải chi tiêu hàng ngày bao gồm tiền mua sắm, tiền đầu tư sản xuất, tiền xăng xe đi lại, tiền điện thoại, tiền học cho con cháu, chưa kể các khoản khác như tiền thăm viếng, hiếu hỷ,... Vì vậy, trong phần lớn nam nữ thanh niên và trung niên người Dao ở nhiều địa phương hiện nay đều đi ra các thành phố tìm kiếm việc làm, ở quê nhà chỉ những người già vừa trông nom các cháu nhỏ vừa tiếp tục canh tác ruộng bậc thang và trồng một số cây hoa màu cho chăn nuôi. Vấn đề này tuy đã được dự báo từ năm 1995 tại Hội thảo quốc tế lần thứ VII về người Dao được tổ chức ở thành phố Thái Nguyên20. Song, đến nay vẫn trong tình trạng ngày càng nhiều người dân ở vùng người Dao tự phát đi ra các thành phố tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn so với sản xuất nông nghiệp tại quê hương. Thứ tư, vấn đề thiếu nguồn vốn tài chính, đặc biệt là thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật, dẫn đến canh tác không bền vững. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào mang tính tự phát do từng hộ gia đình quyết định thậm chí cạnh tranh nhau, chưa có sự liên kết giữa các hộ để có người đứng đầu với trách nhiệm chỉ đạo, lo các khâu đầu vào và đầu ra,... Vì thế, đối với đồng bào, trồng trọt hiện nay vẫn trong tình trạng sản lượng thu hoạch bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chất lượng giống, hiệu quả việc phòng trừ sâu bệnh và tình hình giá cả thị trường, nếu giá cả xuống thấp thì bà con không kịp ứng phó, ồ ạt chuyển sang trồng cây khác rồi lại thua lỗ,... Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lớp trẻ người Dao gần đây có nhu cầu đi ra các thành phố tìm kiếm việc làm tại các công ty liên doanh. Một vài nhận xét Dưới tác động của cơ chế thị trường, nhất là sự đổi mới thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, hoạt động trồng trọt trong những năm qua ở vùng người Dao nước ta đã có sự biến đổi nhanh chóng. Đó là việc chú trọng canh tác ruộng bậc thang với các giống lúa mới cho năng suất cao, tăng dần diện tích nương định canh để trồng các loại cây lai, nhất là ngô và sắn để bán ra thị trường. Tùy điều kiện ở địa phương, đồng bào còn phát triển các cây có giá trị hàng hoá như quế, thuốc Nam, cây ăn quả,... Đặc biệt, người dân đã chú ý hơn đến trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng để từng bước phát triển nông lâm kết hợp. Những biến đổi về hình thức và cách thức canh tác, áp dụng các giống mới nhất là những cây có giá trị hàng hóa, đồng thời chú trọng phát triển nghề rừng là hướng đi tích cực, tạo được tính năng động 20. Jacques Lemoine, (1998), Khái quát về di sản văn hoá Dao và hiện đại hoá ở Việt Nam, Trong: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, (1998), Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, Sđd, tr.391-399. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN 118 Số 23 - Tháng 9 năm 2018 trong hoạt động sinh kế của mỗi hộ gia đình người Dao. Do vậy, đời sống của đồng bào Dao ở hầu khắp các địa phương hiện nay đều được nâng cao, ngày càng xuất hiện nhiều hộ gia đình làm ăn khá và giỏi, có tỷ trọng thu nhập đáng kể từ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, những biến đổi liên quan đến tập quán trồng trọt của người Dao vẫn còn không ít vấn đề đặt ra. Do đó, dân tộc Dao cũng như nhiều dân tộc láng giềng rất cần sự tiếp tục hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các cơ sở đào tạo và các cơ quan chức năng đối với việc tư vấn kỹ thuật trồng trọt, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những việc làm mới, đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo những ngành nghề có thể áp dụng và phát triển tại địa phương. Tài liệu tham khảo [1] Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, (2010), Báo cáo kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, NXB. Tổng cục Thống kê, Hà Nội; [2] Bùi Xuân Đính, (2011), Suy nghĩ về sự ổn định của biên giới từ thực tế phát triển kinh tế ở hai vùng biên giới Việt - Trung (Bài tham luận tại Hội nghị Thông báo Dân tộc học năm 2011), Hà Nội, tr. 2-3; [3] Chử Thị Thu Hà, (2015), Văn hóa vật chất của người Dao ở Ba Vì, Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, Luận án tiến sĩ Nhân học, Thư viện Quốc gia Hà Nội và Thư viện Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội; [4] Trần Văn Hà, (Chủ biên, 2007), Phát triển nông thôn miền núi và dân tộc trong thời kỳ kinh tế chuyển đổi, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội; [5] Phạm Quang Hoan, Hùng Đình Quý, (Chủ biên, 1999), Văn hóa truyền thống người Dao ở Hà Giang, NXB. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội; [6] Lý Hành Sơn, (1995), Nương rẫy truyền thống của người Dao ở Cao Bằng, Tạp chí Dân tộc học, số 3, tr.64-73; [7] Trần Hữu Sơn, Bàn Khánh Thanh, (2011), Văn hóa ứng xử của người Dao Đỏ với môi trường tự nhiên qua khai khẩn ruộng bậc thang ở Sa Pa, Tạp chí Dân tộc học, số 4, tr.3-12; [8] Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, (2001), Các dân tộc ở Bắc Kạn, NXB. Thế giới và Tạp chí Dân tộc & Thời đại, Hà Nội; [9] Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, (1998), Sự phát triển văn hoá xã hội người Dao: Hiện tại và tương lai, Kỷ yếu Hội thảo, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia xuất bản, Hà Nội. CULTIVATING IN THE DAO ETHNIC GROUP AREA IN OUR COUNTRY TODAY, CHANGES AND ISSUED MATTERS Ly Hanh Sơn – Ly Cam Tu Abstract: From the fieldwork materials combined with the document overview, the article content has generalized some general changes related to the cultivation custom of the Dao ethnic group in our country today, which shows the issued matters. Under the influence of the market mechanism, especially the renewal of the Party’s and State’s ethnic policies, cultivation activities in Dao ethnic group localities have changed dramatically in the past time. The living conditions of the ethnic groups have been improved, the area of the terraced fields has been expanded, the structure of crops has been diversified, the food security has been stabilized, the forest protection custom has been promoted However, besides the challenges of raising incomes, promoting traditional cultivars, sustainable cultivation,... they need support from the State and enterprises in the locality. training institutions and functional agencies. Keywords: Cultivation; Changes; Dao ethnic group; Cultivating in Dao ethnic group area; Sustainable livelihoods.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf100_458_1_pb_6253_2151949.pdf