Triết lý nhân sinh trong lễ hội Sen Đôn-Ta của người Khmer Nam Bộ

Tài liệu Triết lý nhân sinh trong lễ hội Sen Đôn-Ta của người Khmer Nam Bộ: AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 30 TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG LỄ HỘI SEN ĐÔN-TA CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ Võ Văn Thắng1, Đinh Văn To2 1Trường Đại học An Giang 2Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang Thông tin chung: Ngày nhận bài: 14/05/2019 Ngày nhận kết quả bình duyệt: 05/07/2019 Ngày chấp nhận đăng: 08/2019 Title: Human philosophy in the Sen Dolta festival of the Southern Khmer people Keywords: Festival, Sen Dolta, filial piety, Khmer Từ khóa: Lễ hội, Sen Đôn-ta, hiếu đạo, Khmer ABSTRACT Studying about the Sen Dolta festival of the Khmer people with four main rites at the temple and at each Khmer family which are the rice ball rite (Banh canh banh), the ancestor worshiping rite (Banh Sen Dolta), the festival (Banh phchum banh) and the ancestor farewell rite (Banh chuônh Dolta), the author points out that the outstanding philosophical values of the Khmers in this festi...

pdf11 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 512 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Triết lý nhân sinh trong lễ hội Sen Đôn-Ta của người Khmer Nam Bộ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 30 TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG LỄ HỘI SEN ĐÔN-TA CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ Võ Văn Thắng1, Đinh Văn To2 1Trường Đại học An Giang 2Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang Thông tin chung: Ngày nhận bài: 14/05/2019 Ngày nhận kết quả bình duyệt: 05/07/2019 Ngày chấp nhận đăng: 08/2019 Title: Human philosophy in the Sen Dolta festival of the Southern Khmer people Keywords: Festival, Sen Dolta, filial piety, Khmer Từ khóa: Lễ hội, Sen Đôn-ta, hiếu đạo, Khmer ABSTRACT Studying about the Sen Dolta festival of the Khmer people with four main rites at the temple and at each Khmer family which are the rice ball rite (Banh canh banh), the ancestor worshiping rite (Banh Sen Dolta), the festival (Banh phchum banh) and the ancestor farewell rite (Banh chuônh Dolta), the author points out that the outstanding philosophical values of the Khmers in this festival are the spirit of filial piety toward ancestors, grandparents, and parents. Accordingly, the author finds it essential to preserve and promote these values in order to diversify the spiritual and cultural life of Khmer compatriots and to make more prosperous and healthier not only at the present but also in the future. TÓM TẮT Trên cơ sở tìm hiểu nội dung lễ hội Sen Đôn-ta của người Khmer Nam bộ với bốn nghi lễ chính tại Chùa và tại gia đình mỗi người dân tộc Khmer: lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh), lễ cúng ông bà (Banh Sen Đôn-ta), lễ hội (Banh phchum banh) và lễ tiễn ông bà (Banh chuônh Đôn-ta), tác giả bài viết chỉ ra những giá trị triết lý nhân sinh nổi bật của người Khmer trong lễ này, đó là: tinh thần hiếu đạo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, qua đó tác giả cho rằng, cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị này nhằm làm cho đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng phong phú và lành mạnh hơn ở hiện tại và tương lai. 1. MỞ ĐẦU Có thể nói rằng, người Khmer Nam bộ đã mang đến cho vùng đất này một nền văn hóa mang bản sắc độc đáo với các đặc điểm tôn giáo và dân tộc hòa quyện vào nhau. Bản sắc ấy thể hiện qua các lễ hội, phong tục tập quán, đạo đức, lối sống, nghệ thuật kiến trúc của những ngôi chùa Khmer cổ kính. Đặc biệt nhất trong nét văn hoá của người Khmer là các lễ hội mang tính truyền thống và đặc trưng như lễ Chol Chnam Thmay, Lễ Nhập hạ, Sen Đôn-ta, Okombok,... Mỗi lễ hội mang ý nghĩa khác nhau trên cơ sở tiếp thu giáo lý của Phật giáo. Trong đó, lễ hội Sen Đôn-ta là lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của cộng đồng Khmer, nó góp phần hình thành nhân cách của người Khmer qua nhiều thế hệ, tiêu biểu nhất là lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên, gắn con người với gia đình và nguồn cội, thể hiện nét đẹp văn hóa, đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 31 dân tộc Khmer Nam bộ - nét đẹp toát lên từ chữ “Hiếu”. 2. KHÁI QUÁT VỀ LỄ HỘI SEN ĐÔN-TA CỦA NGƯỜI KHMER Nếu như trong đời sống tâm linh của người Kinh theo đạo Phật có lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch (AL) hàng năm, được xem là mùa báo hiếu, thể hiện nét đẹp về lòng tri ân, hiếu thảo của con cái với đấng sinh thành thì trong đời sống tâm linh của người Khmer có lễ hội Sen Đôn-ta là lễ cúng ông bà, tổ tiên mang nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, diễn ra trong ba ngày, từ 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 AL. Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, hằng năm, cứ vào ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 AL, đồng bào Khmer lại nô nức tổ chức lễ Sen Đôn-ta (người Khmer thường gọi là Pchum Ben) hay gọi là lễ cúng ông bà nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Về nguồn gốc của lễ Sen Đôn-ta, có hai truyền thuyết được đề cập từ lâu đời. Truyền thuyết thứ nhất cho rằng, phần đông người Khmer ở Nam bộ thường sinh sống bằng nghề nông, trồng lúa nước. Vào vụ trồng lúa bắt đầu từ tháng 4 và đến đầu tháng 8 AL là thời gian nhổ mạ, cấy lúa. Đây cũng là thời điểm vào mùa mưa, nước lũ dâng lên. Khi đã cấy lúa xong, đồng bào Khmer thường chống xuồng, chèo ghe đi thăm hỏi ông bà, cha mẹ già yếu, có khi đi vài ngày mới tới. Vì vậy, họ luôn chuẩn bị cẩn thận lương thực, thực phẩm mang theo dùng và phần quà bánh biếu cho ông bà, cha mẹ đều được chuẩn bị rất cẩn thận. Khi đến nơi ở của ông bà, cha mẹ, có người vui mừng sum họp, người lại đau buồn chia ly bởi một trong những người thân của họ đã mất vì tuổi già sức yếu hay bệnh tật, nhưng phận làm con ở xa, đường xá cách trở, lo bận mưu sinh, không thường xuyên đến thăm hỏi nên không hay biết. Dần dần những người cùng đi, họ hẹn hò gặp nhau ở một chỗ nào đó để làm lễ nhớ ơn hoặc cùng chia buồn với bạn bè là người tìm không gặp ông bà, cha mẹ... Truyền thuyết thứ hai lại cho rằng, lễ Sen Đôn-ta được bắt nguồn từ sự tích kinh điển của Phật giáo. Truyền thuyết kể rằng, trong thời Đức Phật còn tại thế, vào một đêm khuya, trong hoàng cung, vua Bimbisara nghe tiếng gào thét, khóc lóc vì đói khát. Nhà vua sợ hãi và truyền lệnh cho cận thần mời các nhà bói toán xem nguyên do. Những nhà bói toán thưa rằng: “Đây là các ma quỷ chết oan, chết ức, không cha mẹ, không nhà cửa, anh em, nay họ đến xin ăn uống. Nếu Hoàng Thượng không lo cúng tế, e sợ có chuyện bắt 100 người nam, 100 người nữ và 100 con vật để làm lễ cúng tế”. Nghe tin đó, hoàng hậu can gián: “Nếu Hoàng Thượng làm như vậy, 200 người này bị chết oan ức, những người thân của họ càng phẫn uất, vậy nó sẽ càng có hại cho mình và vương quốc”. Nhà vua tìm đến chùa thỉnh ý Phật Thích ca và được Ngài bảo rằng: Đây là ma quỷ thuộc dòng tộc, thuộc những người liên hệ đến nhà vua khi còn ở dương gian nhiều đời, nhiều kiếp trước, nay ở dưới âm phủ cực khổ thiếu ăn, thiếu mặc, đến cầu khẩn xin ăn uống nơi nhà vua. Nhưng ma quỷ chúng ta không thể cho vật thực, đồ ăn trực tiếp được, mà phải dâng cúng vật thực đồ ăn đến các vị có giới đức rồi nhờ các vị có giới đức ấy tụng kinh hồi hướng thì các ma quỷ thuộc ân nhân đã quá cố mới thọ hưởng được do phép hồi hướng đó. Ma quỷ được hưởng đầy đủ vật thực nên đêm thứ nhất không nghe tiếng rên khóc. Qua đêm thứ hai, nhà vua lại nghe tiếng rên khóc tiếp tục. Sáng sớm hôm sau, nhà vua đến chùa bạch với Đức Phật. Đức Phật dạy tiếp rằng: “Đêm trước, ma quỷ được ăn no đầy đủ nên không rên la. Đêm sau, chúng lại rên la tiếp là vì chỉ ăn uống đầy đủ mà chưa có đồ mặc nên bị rét lạnh”. Nhà vua nghe xong, về hoàng cung cho người chuẩn bị y áo cùng vật thực làm lễ dâng cúng đến chư tăng và nhờ chư tăng hồi hướng tiếp. Nhà vua không còn nghe tiếng rên than của ma quỷ nữa. Từ đó về sau, mỗi năm, cứ đến mùa là nhà vua lại cho thỉnh mời chư tăng đến để làm lễ hồi hướng cho ma quỷ và AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 32 những người đã quá cố (Sơn Phước Hoan & Sơn Ngọc Sang, 1999). Từ sự tích trong kinh điển Phật giáo nói trên, người Khmer Nam bộ tổ chức Lễ Sen Đôn-ta hằng năm, nó trở thành phong tục, gắn với nghi thức tôn giáo; họ nhờ sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ, họ tộc quá cố được mau chóng đầu thai kiếp khác sung sướng hơn. Sau này, khi có sự xuất hiện của các ngôi chùa Phật giáo, bà con người Khmer tụ hội về chùa để làm lễ cúng ông bà và quy định với nhau rằng, làm lễ Sen Đôn-ta trong 15 ngày, bắt đầu từ ngày 16 đến cuối tháng 8 AL hàng năm, với bốn nghi lễ chính tại chùa và tại mỗi nhà người dân Khmer, gồm: lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh), lễ cúng ông bà (Banh Sen Đôn-ta), lễ hội (Banh phchum banh) và lễ tiễn ông bà (Banh chuônh Đôn-ta). Một là, nghi thức Lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh) Lễ đặt cơm vắt được tổ chức tại chùa. Các vị sư sãi, à cha phân công cho từng nhà, từng tổ (gọi là Vênh) thay phiên nhau đem gạo nếp, thực phẩm, nhang đèn, tiền bạc về chùa để tổ chức nấu nướng và cúng liên tục trong thời gian 15 ngày. Mỗi ngày nấu nhiều mâm cơm, đặc biệt có một mâm cơm được vắt thành từng viên tròn bằng trái cam – người Khmer gọi là Bai banh (cơm vắt). Theo các vị chức sắc ở phum, sóc thì từ Bai banh bắt nguồn từ phạm ngữ Banh-đa, có nghĩa là phần cơm dâng cúng cho người đã chết. Cơm vắt (Bai banh) được đặt trong mâm cùng với bánh trái, thức ăn, thức uống đem lên nhà hội (Sala) cúng Tam Bảo, có sự chứng kiến, tụng kinh của sư sãi nhằm cầu phước cho linh hồn những người trong họ tộc đã quá cố. Sau đó, người ta đem cơm vắt ra ngoài cúng cho ma quỷ. Lễ đặt cơm vắt được cúng liên tục tại chùa trong 15 ngày như thế. Hai là, nghi thức Lễ cúng ông bà (Banh Sen Đôn-ta) Lễ cúng ông bà được tổ chức vào ngày cuối của thời gian Lễ đặt cơm vắt (ngày 30/8 AL) và vào chiều cùng ngày, sau khi cúng trên chùa. Nghi lễ này được tổ chức tại mỗi gia đình người dân tộc Khmer. Trước đó, từng nhà dọn dẹp, trang trí sạch đẹp. Trong ngày cúng ông bà này, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn, có hoa quả, nhang đèn rồi mời họ hàng và gia đình sum họp đầy đủ cùng nhau cúng vái, mời linh hồn những người trong họ tộc đã quá cố về ăn uống. Chủ hộ khấn vái ba lần, mỗi lần rót trà, rượu và gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén, tiếp đó là đem ra sân, để cạnh hàng rào nơi sạch sẽ và đốt nhang mời ma quỷ cùng về ăn. Vì theo người Khmer, những linh hồn ma quỷ ấy đã dẫn dắt ông bà của họ về nhà nhưng lại không dám lên ăn chung mâm nên họ phải mang ra ngoài cho ăn riêng. Họ khấn vái, mời ông bà, dòng họ quá cố và ma quỷ ở lại ăn uống, vui chơi trong ngày lễ. Ba là, lễ hội Banh Phchum Banh Theo nghiên cứu của Trần Văn Bổn, trong quyển sách Một số lễ tục dân gian người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, lễ hội này có nơi còn gọi Lễ Hội linh. Lễ này được tổ chức linh đình tại chùa, tất cả các gia đình trong phum, sóc đều nấu một mâm cơm thật tươm tất mang đi chùa cúng vào ngày 30 tháng 8 AL. Người Khmer quan niệm, ngày này là ngày hội những linh hồn người thân đã quá cố hội tụ về chùa. Trước khi đem mâm cơm đến chùa, gia chủ khấn vái bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Bên cạnh đó, người ta cũng có nhiều mâm cơm vắt (Bai banh) để cúng cho ma quỷ. Sau đó, gia đình, họ tộc, bạn bè (có nhà mời bạn bè là người Kinh láng giềng) cùng nhau ăn uống để đón mừng Lễ. Tại chùa, các gia đình mời các vị sư tụng kinh cầu siêu và nhận hồng phúc mà chúng con dâng cúng để sớm được siêu thoát. Bốn là, lễ tiễn đưa ông bà (Banh chuônh Đôn- ta) Lễ tiễn đưa ông bà được tổ chức vào ngày cuối cùng tại mỗi gia đình. Mỗi gia đình đều làm một chiếc thuyền bằng bẹ chuối, dài từ 50 đến 70cm, trang trí cờ phướn màu sắc rực rỡ. Sau khi nấu mâm cơm thịnh soạn, họ chuẩn bị bốn chén AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 33 cơm, gắp thức ăn mỗi thứ một ít vào chén rồi khấn vái và mang ra đặt trên thuyền, cùng với lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái Chủ gia đình đem thả trên sông hoặc kênh rạch, mé ruộng gần nhà, nhằm đưa tiễn ông bà và ma quỷ cùng trở về âm phủ, sau đó, tập trung về nhà cùng quây quần ăn uống, vui chơi với gia đình, họ hàng, bè bạn. Đến đây xem như lễ hội Sen Đôn-ta kết thúc. Ngày nay, lễ hội Sen Đôn-ta được người Khmer tổ chức với thời gian ngắn hơn, trong ba ngày chính: Ngày thứ nhất (ngày cúng tiếp đón): Mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ ; sau đó, dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà, mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về ăn uống cùng con cháu. Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngoài ra, các vị à cha lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng Tam Bảo, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố, rồi đem ra ngoài để chung quanh chánh điện cúng cho những vong hồn cô đơn, không có con cháu. Ngày thứ hai (ngày cúng chính): Vào buổi trưa, bà con người Khmer chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể). Sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của mọi nhà trong phum, sóc, bà con Phật tử cùng ăn uống, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, họ rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới để cúng và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu. Ngày thứ ba (ngày cúng tiễn): Mỗi nhà, bà con Khmer chuẩn bị một mâm cơm, họ mời vài vị sư sãi cùng họ hàng, thân tộc trong phum, sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố. Riêng phần chuẩn bị cho ông bà, người thân quá cố, bà con làm chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có gắn thêm cờ phướn, hai hình nộm (tượng trưng cho tổ tiên) và các lễ vật cúng, mỗi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, quần áo, tiền, vàng mã rồi người nhà thắp nhang đèn và mang thuyền thả dưới dòng sông hay kênh rạch gần nhà để đưa tiễn ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia. Có thể nói, lễ hội Sen Đôn-ta của bà con người Khmer mang ý nghĩa rất sâu sắc về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, những người quá cố đối với con cháu. Ngoài ra, Lễ này còn thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa tinh thần gắn với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trong ngôi chùa Khmer Nam bộ. 3. NHỮNG GIÁ TRỊ TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG LỄ HỘI SEN ĐÔN-TA CỦA NGƯỜI KHMER Từ xa xưa, đồng bào Khmer cho rằng, ngoài thế giới hiện hữu còn có thế giới linh hồn; con người chỉ chết đi về thể xác, còn linh hồn thì vẫn tồn tại ở cõi vĩnh hằng. Xuất phát từ đó, theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, hàng năm cứ vào ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 AL, bà con lại nô nức tổ chức lễ Sen Đôn-ta hay gọi là lễ cúng ông bà nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Lễ hội thể hiện được truyền thống đạo lý “cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn và tính giáo dục đạo đức sâu sắc. Điều này còn cho thấy, đạo đức Phật giáo và đạo đức xã hội vốn có sự tương đồng và tương quan sâu sắc, tạo nền tảng đạo đức xã hội, duy trì lối sống tốt đẹp của người Khmer ở các phum, sóc. Lễ hội Sen Đôn-ta là lễ hội lớn trong năm, mang màu sắc tín ngưỡng dân gian xen lẫn tôn giáo, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Triết lý nhân sinh nổi bật nhất của Lễ hội Sen Đôn-ta là tư tưởng hiếu đạo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 34 Trong hầu hết kinh sách của nhà chùa Khmer đều ghi lại rằng, từ khi được sinh ra cho đến khi trưởng thành, con cái nhất định phải có bổn phận báo hiếu đối với cha mẹ mình. Bổn phận, tiếng Khmer có nghĩa là Phia-ra-ci, đó là những nhiệm vụ được quy định khi con người bước vào những vị trí xã hội. Có nhiều bổn phận khác nhau đối với các vị trí xã hội khác nhau như: cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ, học trò đối với người thầy, mê phum hay mê sóc đối với bà con trong phum, sóc và ngược lại bổn phận của bà con đối với mê phum, mê sóc, bổn phận của người dân đối với đất nước, Báo hiếu, tiếng Khmer có nghĩa là Ka-ta-nhu, là việc thực hiện bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Để thực hiện những bổn phận của mình, người con không chỉ phải biết và hiểu rõ bổn phận của bản thân đối với cha mẹ mà còn phải biết về những bổn phận của cha mẹ đối với bản thân mình, để từ đó, giúp cha mẹ thực hiện bổn phận đối với con cái. Đó cũng là một việc làm có hiếu với cha mẹ, bởi vì đã làm điều tốt, làm cho cha mẹ vui lòng. Đức Phật Thích ca lúc còn tại thế, khi thuyết pháp về công ơn cha mẹ được ghi lại trong bộ Kinh Tăng Chi Bộ, thuộc Tạng Kinh Pali, đã dạy: "Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha...". Ngài giải thích, vì sao công ơn cha mẹ đối với con cái to lớn đến thế: "Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này" (Thích Minh Châu, 2003, tr. 75).Đức Phật cũng nêu rõ giới hạn của việc báo đáp cha mẹ bằng đời sống vật chất rằng, “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường bằng của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng những ai đối với cha mẹ không có lòng tin thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác nghiệp thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện nghiệp; đối với cha mẹ tham thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo tà kiến, ác kiến thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào chánh kiến, trí tuệ. Như thế là làm đủ và trả ơn đủ cho cha mẹ” (Thích Minh Châu, 2003, tr. 75). Công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ rộng lớn như trời biển, làm sao con cái có thể đáp đền bằng những giá trị tầm thường như tiền bạc, của cải vật chất. Của cải vật chất không thể so sánh được với những tình cảm thiêng liêng quý báu mà cha mẹ dành cho con. Vì vậy, để đền đáp công ơn cha mẹ, ngoài việc kính yêu, hiếu thuận và phụng dưỡng, con cái phải hết lòng quan tâm cha mẹ về mặt tinh thần, chăm lo đời sống tâm linh của cha mẹ, chỉ như thế mới có thể báo hiếu một cách trọn vẹn. Ngoài việc lo cho cha mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ và làm cho cha mẹ sống vui vẻ hạnh phúc, người con cần phải biết hướng cha mẹ đi trên con đường lành. Đó là lo cho cha mẹ trong đời sống hiện tại và tương lai, lo cho cha mẹ lúc sinh tiền và cả sau khi khuất bóng. Người con khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ có cuộc sống chơn chánh để hiện tại được an lạc, hoan hỉ, hạnh phúc trong đời sống vị lai. Nếu cha mẹ không có chánh tín thì người con giúp cha mẹ có chánh tín, nếu cha mẹ không có chính kiến thì người con giúp cha mẹ có chính kiến, nếu cha mẹ sống tà mạng, tà nghiệp thì người con hướng cha mẹ về với chánh mạng, chánh nghiệp Cha mẹ không tin Tam bảo thì người con hướng dẫn cha mẹ kính tin, giúp cha mẹ quay về nương tựa Tam bảo. Người con chẳng những giúp cha mẹ tạo nhân duyên lành để có được đời sống an lạc trong hiện tại và vị lai mà còn có thể khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ tu tập, hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát, đó chính là tột cùng của sự báo hiếu. Đức Phật đã từng dạy về phước báo hiếu rằng, “những gia đình nào có con cái hiếu thảo với cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, ở đó AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 35 các con cái hiếu thảo với cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận như các bậc Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, ở đó các con cái hiếu thảo với cha mẹ, những gia đình ấy xứng đáng được cúng dường” (Thích Minh Châu, 2003). Theo quan niệm của Hindu giáo, Phạm Thiên hay Đại Phạm Thiên là vị thần sáng tạo của vũ trụ, giống như Thượng đế hay Sáng tạo chủ. Vị thần Brahma là một trong ba vị thần nổi tiếng của đạo Hindu, hai vị còn lại là thần Vishnu và thần Shiva. Brahma là cha của Manu, con người đầu tiên trên thế gian và từ đó loài người được sinh ra. Do đó, Phạm Thiên được tôn thờ như một đấng sáng tạo và sinh ra loài người. Theo Đức Phật, trong gia đình mà con cái biết hiếu thảo với cha mẹ thì gia đình đó sẽ được phước báo tốt, sẽ được tái sinh lên các tầng trời sắc giới. Trong Tiểu bộ kinh (kinh Nipata), Đức Phật dạy “Thờ cha mẹ đúng pháp/ Buôn bán đúng (chơn chánh), thật thà/ Gia chủ không phóng dật/ Được sinh Tự Quang Thiên”. Con cái phụng dưỡng cha mẹ bằng đời sống chơn chánh (chánh mạng), hành động, việc làm, nghề nghiệp chơn chánh (chánh nghiệp), đời sống tinh cần không phóng dật, nỗ lực làm lành, lánh dữ, tu tập các thiện pháp, đoạn trừ các ác pháp thì sau khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi Tự Quang Thiên, là nơi an lạc. Người Khmer rất tin tưởng và tôn sùng đạo Phật. Những lời răn dạy trong Kinh Phật luôn được họ khắc ghi sâu sắc. Chính vì lẽ đó, người Khmer quan niệm rằng, con cái phải luôn làm tròn năm bổn phận báo hiếu đối với cha mẹ mà nó thể hiện như là triết lý nhân sinh trong lễ hội Sen Đôn-ta, đó là: Thứ nhất, phụng dưỡng cha mẹ (Bhavana) Đối với những người con hiện còn cha mẹ đang sống trên đời thì phải hết lòng cung kính, tôn trọng cha mẹ, không làm cha mẹ buồn khổ; những lúc họ bệnh tật thì phải cung phụng ăn uống, thuốc thang, chỗ ngủ, y phục... Cũng giống như dân tộc Việt, người Khmer quan niệm chăm lo cho cha mẹ về mặt vật chất là thực hiện đạo hiếu dưỡng. Người con phải dâng cơm, rót nước, quạt nồng ấp lạnh lúc cha mẹ bệnh tật hay tuổi già bóng xế. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là sự hiếu tâm. Người con phải thương yêu cha mẹ bằng cả tấm lòng và sinh mệnh của mình. Một người con chí hiếu là người luôn mang tinh thần, tư tưởng ấy khi cha mẹ còn hiện tiền hay ngay cả khi cha mẹ đã mất. Thứ hai, làm việc thay thế cho cha mẹ (Kicca kavana) Trong quan niệm nhân sinh của người Khmer Nam bộ, khi con cái trưởng thành thì phải gánh vác tất cả những công việc mà trước đây cha mẹ làm. Đó là công nuôi nấng, dưỡng dục. Cha mẹ phải gánh bao khó nhọc, vất vả, gánh chịu mọi điều vì con cái. Chính vì vậy, con cái trong gia đình cần phải làm thay mọi việc để cha mẹ mình có thời gian nghỉ ngơi, thụ hưởng những ngày tháng nhàn rỗi cuối đời. Con cái không làm việc đó xem như bất hiếu với cha mẹ. Ba là, gìn giữ gia phong tốt đẹp (Kùlavam sathapana) Người Khmer quan niệm, người con hiếu thảo là người con phải biết gìn giữ gia phong đạo đức tốt đẹp, người con phải phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, gia tộc, không được vì bản thân mà có những hành vi xấu xa, vượt ra những chuẩn mực đạo đức, gia phong của gia đình, dòng họ. Khi đến tuổi trưởng thành thì người con phải lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái để giữ gìn và duy trì nòi giống của dòng tộc. Bốn là, bảo quản tốt tài sản thừa tự (Dàyai jàpati pajjana) Người Khmer cho rằng, cha mẹ phải có bổn phận với con cái. Khi con cái lập gia đình, nếu các con ra ở riêng thì cha mẹ phải góp vốn cho con để xây dựng nhà cửa và có vốn làm ăn. Vốn ở đây tùy thuộc vào khả năng kinh tế của cha mẹ, nếu cha mẹ giàu có, khá giả thì có thể cho con tài sản, tiền bạc, nếu nghèo khó thì có thể cho cây, lá, dụng cụ gia dụng trong nhà,... Do đó, họ cho rằng, những tài sản của gia đình là nhờ công sức, mồ hôi và nước mắt của cha mẹ tạo dựng nên. Vì vậy, bổn phận làm con khi được thừa hưởng những tài sản do cha mẹ để lại cần phải bảo quản tốt tài sản ấy AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 36 và làm cho chúng sinh sôi nảy nở. Đó là biểu hiện sự hiếu thảo đối với cha mẹ. Năm là, tạo phước hồi hướng khi cha mẹ đã quá vãng (Đakkinànuppadana) Đối với những cha mẹ đã quá vãng, con cái phải tạo thật nhiều công đức để hồi hướng phần công đức đó đến cha mẹ, vì nếu như cha mẹ đã quá cố không may tái sanh vào cõi khổ, theo phước mà người con đã hồi hướng, họ sẽ mau thoát ra cõi khổ để tái sinh ở cõi lành. Theo truyền thống của người Khmer, khi cha hoặc mẹ mất, trong gia đình sẽ chọn ra một người con trai để tu trước lửa. Việc tu được thực hiện ngay tại chỗ thiêu người quá cố, ngay sau khi các nghi thức tang ma được thực hiện xong. Người con được chọn thường là chưa lập gia đình, các vị sư sẽ xuống tóc và thay đổi y phục cho người đi tu. Sau đó, người đi tu được đưa lên chánh điện của chùa để thực hiện lời tuyên thệ và nghe giảng các điều răn. Thời gian tu trước lửa tùy theo điều kiện của mỗi người. Có người chỉ tu trong vòng 24 giờ, nhưng cũng có người tu 7 ngày hoặc 3 tháng. Tu trước lửa không phải nhằm giải thoát cho người xuống tóc mà là hướng đến yếu tố gột rửa, hóa giải tội lỗi của người đã khuất để nhằm báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục. Có thể nói, người Khmer rất xem trọng việc báo hiếu. Chữ “hiếu” được truyền tải trong Lễ Sen Đôn-ta là bài học hiếu đạo của mỗi người đối với cả người sống và người đã khuất, thậm chí người đã khuất là tổ tiên, ông bà từ bao nhiêu đời trước, rộng hơn nữa là những người đã chết, cô quả không người cúng tế. Họ quan niệm, kiếp này, con người sống ở trần gian làm nhiều việc thiện thì chết sẽ được lên các cõi trời, còn làm nhiều điều ác thì khi chết sẽ bị giam cầm nơi địa ngục... Hằng năm, cứ vào thời gian từ 15 đến 30 tháng 8 AL, Diêm Vương xá tội vong nhân, những vong hồn đói khát này sau khi rời ngục tối tìm đến các chùa chiền để hưởng vật thực của con cháu cúng kiến. Nhân mùa lễ Sen Đôn-ta, mọi người Khmer trong phum, sóc mang thức ăn và bánh trái ngon đến chùa, nhờ các nhà sư tụng kinh cầu nguyện cho vong hồn người thân quá cố sớm siêu thoát, đầu thai kiếp khác được phước báo sung túc hơn. Theo phong tục của người Khmer trước đây, lễ Sen Đôn-ta kéo dài trong nửa tháng, khi công việc gieo cấy ngoài đồng đã xong. Trong những ngày này, từ lúc sớm tinh mơ, khi trời chưa rạng sáng (khoảng từ 3- 4 giờ sáng), từng nhà, mọi người chuẩn bị mâm cơm cùng thức ăn và bánh trái ngon mang đến chùa, nhờ sư sãi tụng kinh cầu nguyện mọi điều tốt lành cho vong hồn những người thân đã mất, sau đó, họ rải cơm vắt ba vòng bên trong chánh điện của chùa để cúng cho những vong hồn cô đơn, không có con cháu. Họ quan niệm rằng, người đã khuất sẽ đi hết chùa này đến chùa khác để nhận thức ăn mà con cháu dâng cúng. Tương truyền rằng, nếu gia đình, con cháu nào không mang thức ăn, bánh trái vào chùa cúng cho người đã khuất thì gia đạo sẽ không được bình an, chuyện làm ăn không được thuận lợi, gia đình sẽ không sung túc, thậm chí sẽ “không có cái ăn”. Chính quan niệm này là một lời răn dạy, một triết lý nghiêm khắc mà bất kỳ một người con, người cháu nào trong cộng đồng Khmer cũng phải thực hiện lòng hiếu thảo của mình để tạo phước cho bản thân, cho gia đình và dòng họ. Do đó, báo hiếu là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người, như lời Đức Phật đã răn dạy “dù là tại gia hay xuất gia, dù là Thanh Văn hay Chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ. Vì tâm hiếu là tâm phật”. Ngày nay, do quá trình cộng cư với các dân tộc anh em cùng với quá trình giao lưu văn hóa và sự phát triển của xã hội, đồng bào Khmer tổ chức lễ Sen Đôn-ta chỉ trong ba ngày. Tuy nhiên, dù thời gian tổ chức có rút ngắn lại so với truyền thống trước đây, nhưng triết lý hiếu đạo vẫn còn duy trì. Theo đó, trong ngày đầu là ngày cúng tiếp đón thì vào buổi sáng, mọi người trang hoàng lại bàn thờ Phật trong nhà, dọn dẹp một giường thờ với mùng, mền, chiếu, gối và bộ quần áo mới để rước ông bà về dự. Khi dọn xong mâm cơm cùng thức ăn, trà rượu và bánh trái ngon với bốn chén cơm và bốn đôi đũa để bốn góc giường thờ, gia chủ mời họ hàng thân tộc trong phum, sóc đến thắp nhang đèn cúng bái. Quanh mâm cơm cúng, mọi AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 37 người cùng tập trung quanh giường thờ, phụ nữ ngồi xếp chân sang một bên, đàn ông ngồi chồm hổm, cùng chắp tay lạy và đọc kinh cầu nguyện cho vong hồn những người thân quá cố về hưởng vật thực. Sau ba lần rót trà rượu khấn vái, chủ nhà gắp thức ăn mỗi món một ít lên bốn chén cơm, rót một chút rượu và trà cúng, xong mang ra đặt ở bốn góc của hàng rào chung quanh nhà, mỗi nơi cắm một nén nhang mời vong hồn ông bà về dự lễ cùng con cháu. Buổi chiều, mọi người trong nhà ăn mặc đẹp, dọn mâm cơm cùng thức ăn mới cúng ông bà, đủ ba lần rót trà rượu khấn vái, chủ nhà mời vong hồn ông bà cùng đến chùa nghe nhà sư tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Trong lễ Sen Đôn-ta, những món ăn gần gũi, thân thiết với đời thường như sản vật quê hương, trái cây vườn nhà, gạo nếp thơm được bàn tay khéo léo của những người phụ nữ trong gia đình chế biến thành những món ăn có giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc như bánh tét (Num chruôt), bánh nếp (Num sêt), bánh ít (Num toi). Ngoài ra, món “cơm nếp trộn mè đen” ăn với chuối cao chín và có cả bánh in thường được bà con phật tử làm mang cúng dường chư tăng và đãi khách viếng chùa. Đó là những sản phẩm do bà con lao động, sản xuất mới có. Bà con làm cúng ông bà tại nhà, vừa mang đến chùa cúng dường chư tăng. Mọi người coi như thành quả lao động, ai cũng rất quý trọng. Có thể khẳng định, dù xưa hay nay, dù là truyền thống hay đương đại, tư tưởng hiếu đạo vẫn là triết lý xuyên suốt và có sức răn dạy vô cùng mãnh liệt đối với mọi người dân Khmer trong việc thực hiện bổn phận báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình, được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ sau. Tư tưởng này còn thể hiện trong ngày cuối cùng lễ hội, khi từng nhà làm tàu bè bằng bẹ chuối hoặc bẹ cau, trang trí thật lộng lẫy với hình cá sấu, có treo cờ phướn hình tam giác, họ đặt muối, gạo, bánh trái, nhang đèn rồi mang thả ra sông hoặc kênh, mương hay con rạch gần nơi ở của mình với quan niệm đưa người quá cố được trở về cõi âm một cách yên bình, suông sẻ để tiếp tục hưởng phước, có một cuộc sống đầy đủ hơn cả khi còn sống. Triết lý nhân sinh trong Lễ Sen Đôn-ta còn thể hiện tính nhân bản của người Khmer, thể hiện qua hình thức Phchumbanh (nghĩa là hội cơm nắm, cơm vắt) với những hành động cụ thể của bà con. Chẳng hạn, vào buổi tối của ngày cúng đón tiếp, các vị à cha lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng Tam Bảo của mọi nhà dâng lên chùa trong ngày để đem ra ngoài đặt chung quanh điện Phật cho những vong hồn cô đơn đang đói khát ăn, vì những vị này không có con cháu đến chùa dâng cúng. Phong tục này thể hiện lòng từ bi bác ái. Sen Đôn-ta không chỉ là ngày lễ báo hiếu của con cái đối với ông bà, cha mẹ mà còn là ngày lễ của tình thân, tình người, không phân biệt huyết thống, giai cấp, già trẻ, giàu nghèo,... Mọi người sống ở trần thế hướng tới những vong hồn quá cố, nhà nhà đều mang thức ăn, bánh trái vào chùa, nhờ các nhà sư tụng kinh, cúng vái. Trong suy nghĩ và hành động cầu siêu, cúng kiến là cầu mong không chỉ cho tổ tiên, ông bà mình mà còn cho tất cả vong hồn quá cố được giải thoát khỏi đau khổ, được ăn no mặc ấm, đạt tới cảnh giới an vui ở bên kia thế giới. Quá trình cộng cư dẫn đến sự giao lưu văn hóa đi liền với quan hệ tình cảm cộng đồng, quan hệ chủng tộc giữa người Khmer với người Kinh, Chăm, Hoa trong phạm vi lãnh thổ chung đã tạo nên sự tiếp biến văn hóa của người Khmer trong lễ hội Sen Đôn-ta, bởi lẽ, lễ cầu siêu lại là hơi thở của văn hóa Việt trong đạo thờ cúng ông bà, khi cha mẹ mất đi thì cầu siêu, tịnh độ mong cha mẹ được giải thoát, sống an yên trong cõi cực lạc. Chữ hiếu trong ngày Sen Đôn-ta không dừng lại ở phạm vi cá nhân, gia đình mà lan tỏa ra tất cả cộng đồng, không dừng lại ở việc báo đáp cho ông bà, cha mẹ của chính mình mà lan rộng ra cả chúng sinh, từ vong linh của người có thân bằng quyến thuộc cho đến những ai không có người thân, con cháu cúng kiến. Điều này có ý nghĩa như tư tưởng “xá tội vong nhân” của người Việt. Người Khmer quan niệm rằng, dâng cơm vào chùa, “bố thí”, “làm phúc”, cứu giúp đồng loại tức là đã làm việc thiện thì núi phúc của họ càng cao, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lòng hiếu thảo, thiện nghĩa với ông bà, cha mẹ, với AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 38 cộng đồng xã hội và tránh xa điều ác làm tổn hại đến sự đoàn kết gắn bó giữa gia đình, dòng tộc, làng xóm và giữa các dân tộc anh em đang cùng chung sống. Không chỉ dừng lại ở tư tưởng hiếu đạo, triết lý nhân bản, Sen Đôn-ta còn là dịp để bà con Khmer phát huy tính cộng đồng, đoàn kết, thân ái. Ảnh hưởng của một nền văn hóa nông nghiệp lúa nước đã chi phối việc tổ chức lễ hội, không chỉ thể hiện ở thời điểm diễn ra lễ hội mà nó còn thể hiện cả ở những nghi thức, lễ vật mà người Khmer đã chuẩn bị để đón Sen Đôn-ta, đồng thời, ta thấy dáng dấp của sự tiếp biến, giao thoa văn hóa và dáng dấp của cư dân vùng sông nước với nền nông nghiệp trồng lúa. Lễ hội này vừa mang tính làng xóm, vừa mang tính mở của một lễ hội cộng đồng. Bởi lẽ, cứ mỗi dịp Sen Đôn-ta về, người Khmer cùng nhau quy tụ về chùa, là ngôi nhà chung của cả phum, sóc, cùng nhau hướng về một đời sống tâm linh. Trong lễ hội Sen Đôn-ta truyền thống trước đây, lễ hội kéo dài từ 14 đến 16 ngày. Trong thời gian này, bà con trong phum, sóc tổ chức phân công thay phiên nhau mang lễ vật, hoa quả, nhang đèn, cơm vắt vào chùa cúng, họ có thể phân công thành từng tổ hoặc từng cụm nhà theo xóm luân phiên nhau từng ngày để thực hiện nhiệm vụ dâng lễ vào chùa cho các vị sư à cha tụng kinh, cúng kiến. Ngày nay, thời gian tổ chức lễ hội được rút ngắn lại nên bà con Khmer phân công nhau mang các lễ vật vào chùa, sự phân công ấy thể hiện ở chỗ, nhà mang bánh tét, nhà dâng nhang đèn, nhà chuẩn bị cơm nắm, cơm vắt, Sự phân công ấy thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng và tinh thần đoàn kết sâu sắc của bà con Khmer, phát huy tính cộng đồng mạnh mẽ trong sinh hoạt tâm linh. Có thể nói, tính cộng đồng, sự gắn bó của người Khmer là tình cảm son sắt đã được dày công vun đắp qua nhiều thế hệ, được thử thách qua những hoàn cảnh khó khăn để trở thành khối đại đoàn kết keo sơn bền chặt, góp phần tô điểm thêm cho bức tranh đa dân tộc tuyệt đẹp ở Nam bộ. Sen Đôn-ta là lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khmer Nam bộ, là dịp thứ hai trong năm, ngoài ngày Tết Chol Chnam Thmay, bà con được sum họp, quây quần bên nhau. Sau khi làm lễ cúng ông bà xong, họ quây quần bên nhau, tổ chức ăn uống, rồi cùng nhau hòa vào lời ca, tiếng hát, điệu múa trong lễ hội Sen Đôn-ta sau một vụ mùa cực nhọc. Có một điều thú vị là gần như bất kỳ người Khmer nào cũng mang trong mình một sự nhạy cảm với âm nhạc và yêu thích âm nhạc. Thông qua lời ca, điệu múa, họ thể hiện được tính cách đặc trưng của dân tộc là bình dị, gần gũi, lạc quan, vui tươi với những động tác tay chân phối hợp di chuyển nhịp nhàng theo điệu nhạc dân tộc. Người Khmer sinh ra và lớn lên đã biết múa hát với nhiều điệu múa như Răm Vông hay còn gọi là múa Lâm Thôn, Lăm Leo, Saravan, Đặc biệt, điệu múa Lâm Thôn là điệu múa phổ biến và quen thuộc nhất với họ, bởi sự gần gũi, bình dân và tính cộng đồng cao của nó ; bởi động tác múa thoải mái, thể hiện sự lạc quan, yêu đời pha chút hóm hỉnh mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer không chỉ giúp mọi người quên đi những vất vả trong cuộc sống mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng. Khi tiếng nhạc vang lên, mọi người cùng uyển chuyển bước chân theo nhịp điệu, di chuyển thành vòng tròn, không giới hạn số người tham gia. Thông thường, trong các dịp lễ hội, người Khmer tổ chức ca hát và múa Lâm Thôn quanh một bàn tròn, trên bàn thường bày biện một dĩa hoa quả, có thể có thêm nén hương và hai ngọn tháp khắc từ thân chuối, đây là nét văn hóa người Khmer còn lưu giữ mà ít người nhắc đến. Họ cho rằng, đó là điệu múa của một vị thần lúc trước đã chỉ dạy tổ tiên nhảy múa để xua đi mệt nhọc và tà ma quấy rối trong cuộc sống. Nếu có dịp đến với một ngôi chùa Khmer và quan sát trong chánh điện, chúng ta sẽ dễ dàng thấy phía sau lưng tượng Phật Thích ca có khắc hình tượng một vị nữ thần đang nhảy múa và chung quanh là các loài quỷ dữ phá hoại Ngài. Người Khmer cho rằng, chính vị thần này đã nhảy múa để xua đuổi quỷ dữ, giúp cho Đức Phật thanh tịnh tu hành. Do đó, điệu múa trở thành một truyền thống không chỉ có ý nghĩa giải trí mà còn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Khmer; đó là xua đuổi ma tà, AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 39 quỹ dữ phá hoại. Múa Lâm Thôn với các động tác khá đơn giản, chỉ cần nhìn người múa vài lần là có thể múa theo được. Trong các dịp lễ hội, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, người Khmer thường mời vị khách mời người Kinh, người Hoa... cùng nhau múa Lâm Thôn với động tác nhịp nhàng theo điệu nhạc. Do đó, đối với đồng bào Khmer ở tỉnh An Giang, điệu múa Lâm Thôn còn là một phương tiện giao lưu văn hóa với các dân tộc, là một hình thức để thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc cùng cộng cư trên địa bàn. Trong sinh hoạt ngày Sen Đôn-ta của người Khmer còn biểu hiện một giá trị văn hóa vô cùng độc đáo, đó là lễ hội đua bò. Đây là một môn thể thao “độc nhất vô nhị”, mang đậm màu sắc dân gian truyền thống nhưng rất đặc trưng của đồng bào Khmer ở tỉnh An Giang nên thường được gọi là Lễ hội đua bò Bảy Núi. Tục đua bò đã có từ lâu đời. Cuộc đua thường được tổ chức trên ruộng có nước xâm xấp nên bà con còn gọi là “đua bò bừa”. Lễ Sen Đôn-ta thường trùng với dịp vừa thu hoạch xong mùa vụ Thu - Đông. Để tạo không khí vui chơi, giải trí sau một vụ mùa cực nhọc, các chủ bò thường tổ chức mang bò của mình ra thi đấu với nhau xem đôi bò nào khoẻ, bừa giỏi và chạy nhanh nhất. Theo phong tục của cộng đồng Khmer, bà con nào trong phum, sóc có bò thường mang đến để cày bừa các mảnh ruộng của nhà chùa mà không lấy tiền công nên gọi là “bừa công quả”. Do đó, để động viên, cổ vũ thêm, đồng thời, cũng để trả công các chủ bò đã bừa công quả cho nhà chùa, trong những lần tổ chức đua bò trong phum, sóc, Sãi cả của chùa thường khen thưởng cho đôi bò thắng cuộc bằng phần thưởng tinh thần như sợi dây “Cà tha” có lục lạc đeo ở cổ bò. Đôi bò nào được nhận phần thưởng này là một món quà tinh thần vô cùng to lớn và vinh dự cho gia đình chủ bò trong phum, sóc đó. Đua bò là dịp để những người đàn ông trong phum, sóc, là những nhà nông chân lấm tay bùn hằng ngày được trổ tài dũng cảm, sự khôn khéo của mình trước cộng đồng và lúc này, họ được tôn vinh là nhân vật chính của ngày hội. Đua bò có thể thức rất đặc biệt, không giống bất kỳ môn thể thao nào. Theo quan niệm của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Người giành được giải cao trong năm không những mang lại cho chủ nhân của đôi bò số tiền thưởng khá nhiều mà còn mang đến cho cả phum, sóc một vinh hạnh, niềm vui, một nghị lực gieo trồng hứa hẹn đem lại một mùa bội thu. Lễ hội đua bò như một nét độc đáo mà người Khmer góp vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa Việt, giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về con người ở một vùng đất mang đậm dấu ấn đặc sắc của nền văn minh lúa nước. Lễ hội đua bò đã được nâng cấp và trở thành một sản phẩm du lịch lễ hội, một môn thể thao độc đáo riêng có ở tỉnh An Giang. Từ năm 1992, lễ hội đua bò thu hút hàng chục nghìn người từ các nơi trong nước lẫn du khách nước ngoài đến xem. Năm 2003, lễ hội đặc sắc này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong 15 di sản văn hóa phi vật thể và được Tổng cục Du lịch công nhận là sản phẩm du lịch. 4. KẾT LUẬN Lễ hội Sen Đôn-ta mang giá trị triết lý nhân sinh rất lớn trong việc hình thành nhân cách của người Khmer Nam bộ qua nhiều thế hệ, tiêu biểu nhất là lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên, gắn con người với gia đình và nguồn cội. Qua lễ hội, chúng ta dễ dàng nhận ra sự gắn kết giữa con người Khmer với ngôi chùa như một phần không thể tách rời trong cuộc sống của họ. Đây là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer. Đối với họ, chùa là không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là nơi thiêng liêng, nơi gửi gắm niềm tin tuyệt đối, giúp họ vượt qua nhiều khó khăn, tạo niềm tin để vươn lên trong cuộc sống. Lễ hội mang nhiều giá trị nhân sinh sâu sắc, có tầm quan trọng to lớn trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục lối sống của người Khmer. Triết lý nhân sinh trong Lễ hội Sen Đôn-ta mang giá trị và ảnh hưởng tích cực, giúp con người biết tôn trọng và hiếu đạo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; biết gắn với cội nguồn, đoàn kết AGU International Journal of Sciences – 2019, Vol. 23 (2), 30 - 40 40 với bà con láng giềng, phum, sóc và kết nối với cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, nhân sinh quan được thể hiện qua Lễ Sen Đôn-ta vẫn còn bộc lộ một số hạn chế mà chúng tôi sẽ đề cập trong một nghiên cứu khác. Để giữ gìn và phát huy những giá trị cao đẹp của triết lý nhân sinh trong lễ hội, khắc phục những hạn chế, trước tiên, cần có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp nhằm giúp người Khmer nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trong việc giữ gìn truyền thống của dân tộc, nhìn thấy rõ những giá trị nhân văn trong Lễ hội Sen Đôn-ta. TÀI LIỆU THAM KHẢO Cục Thống kê tỉnh An Giang. (2010). Niên giám thống kê 2009. An Giang: Nhà xuất bản Cục thống kê tỉnh An Giang. Huỳnh Ngọc Thu. (2013). Báo hiếu trong hành vi tôn giáo của cộng đồng Khmer Nam bộ. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 16, 53- 59. Liêu Ngọc Ân. (2013). Vài đặc điểm về đời sống tâm linh của người Khmer Nam bộ. Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang, 10, 18-20. Nguyễn Hùng Cường. (2013). Quan niệm về cái ăn của người Khmer Nam bộ. Tạp chí Văn hóa – Lịch sử An Giang, 2, 10-13. Phùng Thị An Na.(2015). Ngôi chùa trong đời sống người Khmer vùng Tây Nam bộ. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, 11, 102- 107. Sơn Phước Hoan. & Sơn Ngọc Sang. (1999). Truyện kể Khmer, tập 4. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục. Sơn Nam. (2009). Lịch sử khẩn hoang miền Nam. TPHCM: Nhà xuất bản Trẻ TP HCM. Trần Văn Bổn. (1999). Một số lễ tục dân gian người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc. Thích Minh Châu. (2003). Kinh Tăng Chi Bộ. Hà Nội: Nhà xuất bản tôn giáo. Trần Ngọc Thêm. (Tháng 8, 2018). Về triết lý, triết lý nhân sinh và triết lý nhân sinh của người Nam Bộ. Bài viết được trình bày tại hội thảo Quốc tế Triết lý nhân sinh của người dân Nam bộ, Việt Nam, An Giang, Việt Nam. Võ Văn Thắng. (2018). Về triết lý, triết lý nhân sinh và triết lý nhân sinh của người Nam Bộ. Bài viết được trình bày tại hội thảo Quốc tế Triết lý nhân sinh của người dân Nam bộ, Việt Nam, An Giang, Việt Nam. Võ Văn Thắng., Nguyễn Hùng Cường., & Nguyễn Thị Ngọc Thơ. (2015). Lễ hội tôn giáo của người Khmer Tây Nam bộ - Nhìn từ góc độ giá trị. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 5, 16- 20.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf1576048930_04_vo_van_thang_da_chinh_suapdf_2736_2200906.pdf
Tài liệu liên quan