Tổng quan về sự phát triển của lý thuyết và thực tiễn marketing

Tài liệu Tổng quan về sự phát triển của lý thuyết và thực tiễn marketing: Chuyên đề 1 TỔNG QUAN VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN MARKETING Trong các giai đoạn của quá trình phát triển marketing, các học giả hàng đầu về marketing đã có các cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu của mình, có thể là theo hàng hóa, theo định chế, chức năng, thị trường, theo hành vi tiêu dùng, theo quản trị và theo phương diện xã hội. Wilkie and Moore (2003) đã xác định 4 kỷ nguyên phát triển tư duy marketing: Thời kỳ I: Đặt nền móng, 1900–1920. Thời kỳ II: Hình thành ngành, lĩnh vực 1920–1950. Thời kỳ III: Sự chuyển đổi mô hình - Marketing, Quản trị và Khoa học, 1950–1980. Thời kỳ IV: Thay đổi mạnh mẽ - Sự phân nhánh, 1980 đến nay. Về mặt học thuật như đã được phản ảnh trong các công trình nghiên cứu và các tác phẩm từ trên ba thập niên qua (cuối thời kỳ III đến thời kỳ IV), tiếp cận marketing đã dịch chuyển từ quản trị sang phân tích. Marketing đã đánh mất vai trò quan trọng với tư cách là một chức năng quản trị trong nhiều doanh nghiệp. Hiện nay hầu ...

doc31 trang | Chia sẻ: hunglv | Lượt xem: 1517 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Tổng quan về sự phát triển của lý thuyết và thực tiễn marketing, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề 1 TỔNG QUAN VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN MARKETING Trong các giai đoạn của quá trình phát triển marketing, các học giả hàng đầu về marketing đã có các cách tiếp cận khác nhau trong nghiên cứu của mình, có thể là theo hàng hóa, theo định chế, chức năng, thị trường, theo hành vi tiêu dùng, theo quản trị và theo phương diện xã hội. Wilkie and Moore (2003) đã xác định 4 kỷ nguyên phát triển tư duy marketing: Thời kỳ I: Đặt nền móng, 1900–1920. Thời kỳ II: Hình thành ngành, lĩnh vực 1920–1950. Thời kỳ III: Sự chuyển đổi mô hình - Marketing, Quản trị và Khoa học, 1950–1980. Thời kỳ IV: Thay đổi mạnh mẽ - Sự phân nhánh, 1980 đến nay. Về mặt học thuật như đã được phản ảnh trong các công trình nghiên cứu và các tác phẩm từ trên ba thập niên qua (cuối thời kỳ III đến thời kỳ IV), tiếp cận marketing đã dịch chuyển từ quản trị sang phân tích. Marketing đã đánh mất vai trò quan trọng với tư cách là một chức năng quản trị trong nhiều doanh nghiệp. Hiện nay hầu hết các lý thuyết gia hàng đầu về marketing đã chú trọng đến cách thức định hướng khách hàng, nhấn mạnh quan điểm marketing là xác định, phát triển và phân phối giá trị cho khách hàng, và xem marketing như là một tiến trình kinh doanh hơn là một chức năng quản trị phân biệt. Những trường phái mới về quản trị marketing đang đề cập đến sự chuyển dịch tâm điểm cốt lõi của marketing từ công ty sang khách hàng, từ sản phẩm sang dịch vụ và lợi ích, từ giao dịch sang mối quan hệ, từ sản xuất sang cùng sáng tạo giá trị với các đối tác kinh doanh và khách hàng, và từ các nguồn lực hữu hình và lao động sang nguồn lực trí tuệ và vị thế của công ty trong chuỗi giá trị. Cách đây hơn 40 năm, những người đặt nấc thang đầu tiên cho khái niệm marketing, với lòng nhiệt huyết của người truyền giáo, đã đề cao vai trò của marketing và vị trí trung tâm của quản trị marketing trong tất cả các tổ chức. Peter Drucker, một trong những người khai sinh ra ngành quản trị hiện đại, đã từng cho rằng “Marketing không chỉ bao quát phạm vi rộng hơn việc bán ra một sản phẩm, nó cũng không phải là một hoạt động chuyên biệt. Nó là toàn bộ quá trình kinh doanh xét trên quan điểm kết quả cuối cùng, đó chính là quan điểm của khách hàng” Trong suốt những năm 60 và 70, các nhà quản trị đã nhiệt thành theo đuổi khái niệm marketing đến mức tất cả tổ chức đều bổ sung vào cơ cấu tổ chức của mình một bộ phận mới có tên “ bộ phận marketing”. Nhưng người ta đã bỏ qua điểm mấu chốt trong thông điệp của Peter Drucker. Trên thực tế, marketing đã thay thế cho hoạt động bán hàng như một hoạt động chức năng riêng biệt và những nhà làm marketing được mong đợi trở thành những chuyên gia chăm sóc khách hàng trong khi những người còn lại vẫn tiếp tục làm công việc kinh doanh với vai trò như trước đây. Giai đoạn thập niên 60 và đầu thập niên 70, hình ảnh hàng nghìn công ty thành công dường như đã chứng minh cho tính đúng đắn của cách tiếp cận marketing như vậy. Song vào những năm cuối thập niên 70, sự thay đổi của môi trường kinh doanh đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Áp lực cạnh tranh toàn cầu khiến các công ty nhận thức về tầm quan trọng của định hướng vào đối thủ cạnh tranh bên cạnh định hướng vào khách hàng. Các nhà quản trị cấp cao bắt đầu quan tâm đến khái niệm văn hoá tổ chức và việc cung cấp dịch vụ hiệu quả cho khách hàng. Sự chuyển đổi về mặt tổ chức bỗng chốc trở thành một chiến lược kinh doanh quan trọng và vào năm 1992, với làn sóng mới về tái thiết kế qui trình kinh doanh, việc tái cấu trúc tổ chức đã trở thành mối bận tâm hàng đầu của các nhà quản trị cấp cao. Sự giảm bớt cấp bậc quản trị trong tổ chức, trao quyền và chuyển đổi từ cấu trúc chức năng sang cấu trúc nhóm đa chức năng diễn ra trong hầu hết tổ chức. Những quy trình kinh doanh chính tắc dần trở nên lỗi thời. Người ta bắt kịp những ý tưởng mới trong khái niệm marketing và giấc mơ của Drucker đã trở thành sự thật. Giờ đây, marketing không còn là lĩnh vực chỉ dành riêng cho những người làm marketing. Thế giới kinh doanh trở nên năng động và thay đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết. Người ta phát triển, sử dụng, thay đổi và thậm chí tái sáng tạo các lý thuyết và khái niệm của marketing. Để có thể cảm nhận toàn bộ sự thay đổi này cũng như các quy trình hoạch định và phát triển chiến lược marketing, phần này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về tư duy và thực tiễn hoạt động marketing theo từng giai đoạn. NHỮNG LÝ THUYẾT NỀN TẢNG CỦA MARKETING Cho đến nay người ta vẫn chưa thống nhất một khái niệm chung về marketing trong một rừng định nghĩa đã được phổ biến kể từ những năm 50 dựa trên quan điểm về sự trao đổi trên thị trường. Chẳng hạn: “Marketing là hoạt động của con người hướng đến việc thoả mãn nhu cầu và mong muốn thông qua các quá trình trao đổi” P. Kotler, “A generic concept of marketing” Journal of Marketing, April, 1972, p.37. . Điểm xuất phát của lý thuyết trao đổi thị trường chính là những học thuyết của nền kinh tế tự do bắt nguồn từ thế kỷ 17 và 18, là nền tảng cho học thuyết kinh tế hiện đại sau này. Các nhà lý luận của nền kinh tế tự do cho rằng sự giàu có của quốc gia và trật tự xã hội tuỳ thuộc vào năng lực của cá nhân và các lực lượng cạnh tranh trên thị trường. Đó chính là triết lý xã hội cơ bản của Adam Smith, người đã hệ thống hoá chủ nghĩa kinh tế tự do và được công nhận là cha đẻ của các học thuyết về kinh tế. Trong tác phẩm bước ngoặt của ông “Tìm hiểu về bản chất và nguyên nhân sự giàu có của các quốc gia”, Smith cho rằng sự giàu có của cá nhân và xã hội nói chung bắt nguồn từ việc mỗi cá nhân được tự do hành động nhằm phát triển những ý tưởng của mình. Trong ấn phẩm đầu tiên của mình “Lý thuyết về quan điểm đạo đức ” và được lặp lại trong cuốn “Tìm hiểu về bản chất và nguyên nhân sự giàu có của các quốc gia”, con người tư lợi thường được dẫn dắt bởi “một bàn tay vô hình mà nếu không có nó, nếu không mong muốn nó ” thì không thể tạo ra động lực phát triển cho xã hội. Theo đó, Smith đã dựa trên các khái niệm về động cơ cố hữu trong tâm lý con người. Ông tin rằng sự cạnh tranh diễn ra như một cơ chế bảo vệ tính điều hoà của nền kinh tế và bản thân con người có một mong ước cố hữu là làm cho điều kiện sống tốt đẹp hơn (một mơ ước từ khi lọt lòng cho đến khi mất đi) do đó sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất đã hạ thấp giá cả đến một “mức tự nhiên”. Cuối cùng, Smith tranh cãi rằng bởi vì mỗi con người luôn có một “thiên hướng buôn bán, đổi chác và trao đổi một vật phẩm nào đó” do đó họ trở nên phụ thuộc vào nhau. Như vậy, có thể nói quá trình trao đổi được dẫn dắt bởi nhu cầu và mong muốn của mỗi cá nhân. Những nhà nhân loại học và xã hội học cũng bị thu hút bởi vai trò trung tâm của trao đổi trong đời sống xã hội. Chẳng hạn, Malinowski cho rằng trao đổi tương hỗ đã tạo ra sự liên kết xã hội trong khi đó Mauss lại nhấn mạnh đến bản chất bắt buộc và ưa chuộng của quà cáp và các hình thức trao đổi khác. Blau lại nhắc đến vai trò của trao đổi như là sự sáng tạo nên các mối quan hệ quyền lực. Các nhà nghiên cứu ủng hộ lý thuyết trao đổi đã quan niệm hoá mối tương tác xã hội như một sự trao đổi hàng hoá hữu hình và vô hình, được sắp xếp từ thức ăn, nhà ở cho đến sự tán thành và cảm thông trong xã hội. Sự trao đổi diễn ra trong nền kinh tế và trong xã hội thuộc về một loại lý thuyết nói chung gọi là “lý thuyết về sự lựa chọn có lý trí”. Nhà xã hội học Wallace và Wolf cho rằng có 4 nhận định cơ bản chịu tác động bởi lý thuyết về sự lựa chọn có lý trí, bao gồm: Các cá nhân đều mong muốn tối đa hoá lợi nhuận, về cơ bản họ quyết định dựa trên mong muốn và những ưu tiên của mình. Càng có nhiều một thứ nào đó, cá nhân càng ít quan tâm hay mong muốn nó hơn. Giá cả của hàng hoá bán ra được quyết định trực tiếp bởi sở thích của người mua và người bán. Nhu cầu về một loại hàng hoá càng lớn, nó càng có giá trị và mức giá của nó sẽ cao. Ngược lại, nếu mức cung càng cao, hàng hoá càng ít giá trị và giá của nó sẽ thấp đi. Nhìn chung hàng hoá nếu được cung cấp bởi một nhà độc quyền sẽ đắt đỏ hơn so với trường hợp chúng được cung ứng bởi một số lượng các hãng cạnh tranh lẫn nhau. Tóm lại, những lý thuyết nền tảng của marketing, hay còn gọi là “khái niệm marketing” có thể được truy nguyên từ những lý thuyết do các nhà kinh tế học phát triển từ thế kỷ 17 và 18. Cách đây hơn 70 năm (1933), Tosdal đã cô đọng quan điểm này trong một bài viết trên tạp chí Harvard Business Review H.R. Tosdal, “Some recent changes in the marketing of consumer goods”, Harvard Business Review, X1, no.2, January, 1933, p.157. : “Những thay đổi trước tiên, có ý nghĩa quan trọng nhất và ấn tượng nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 1929 chính là việc gia tăng sự chú ý đến nhu cầu và mong muốn của khách hàng như là sự dẫn dắt cho thành công của quản trị marketing trong tổ chức. Đó chính là lý do chúng ta đồng ý với Wallac B. Donham trong lời tuyên bố của ông rằng nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm quan tâm đến nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Tuy nhiên bản cáo trạng trên cần được mở rộng ra bao gồm cả những người bán sỉ, những người bán lẻ và các trung gian khác... Ít nhất, một cách thiển cận, ý tưởng về nhu cầu và mong muốn của khách hàng cần phải được xem là điểm xuất phát cho tư duy kinh doanh và không thay đổi theo thời gian. Dù một thế kỷ trôi qua hay lâu hơn nữa, các nhà kinh tế vẫn khẳng định rằng mục tiêu của cấu trúc kinh tế và những chức năng của nó chính là sự thoả mãn nhu cầu khách hàng. Sự thay đổi diễn ra trong thế giới ngày nay chỉ là sự chuyển đổi chậm chạp từ lý thuyết sang thực tiễn mà thôi”. THỰC TIỄN MARKETING Trong khi các lý thuyết cơ bản của marketing có liên quan đến ít nhất hai thế kỷ trước đây và lĩnh vực marketing bắt đầu được phát triển như một ngành khoa học gần một thế kỷ, người ta dám chắc rằng những hoạt động marketing phức tạp đã được tiến hành bởi nhiều tổ chức kể từ thời điểm Cách mạng công nghiệp. Những nhà nghiên cứu lịch sử marketing gồm McKendrick, Brewer và Plum cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp (bắt đầu từ những năm 1770) đạt được nhiều thành công bởi quá trình sản xuất và marketing đã được tiến hành song song. Để dẫn chứng cho điều này, Fullerton đã cho rằng những người đặt nền móng đầu tiên cho thực tiễn sản xuất như Mathew Boulton và Josiah Wedgewood cũng đồng thời tiên phong cho thực tiễn marketing hiện đại, họ đã đưa lý thuyết nhu cầu vào cuộc cách mạng sản xuất các loại sản phẩm rẻ tiền bằng cách sử dụng các kỹ thuật marketing, mà những những ấn phẩm về chúng mãi đến năm 1950 mới được xuất bản tại Hoa Kỳ, như: phân đoạn thị trường, tạo sự khác biệt sản phẩm, định giá ưu thế, tự làm lỗi mốt, quảng cáo theo chu kỳ, chiến dịch marketing trực tiếp, hấp dẫn từ nhóm tham khảo và các phần thưởng cổ động,... Nửa sau thế kỷ 19, nhiều hoạt động thực tiễn của marketing hiện đại đã được tiến hành. Cách sử dụng thương hiệu như một phương tiện để nhận biết đã xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ 19 (chẳng hạn, P&G đã dùng hai thương hiệu Pears Soap tại Anh và Ivory Soap tại Hoa Kỳ cho cùng một loại xà phòng). Các công ty quảng cáo cũng ra đời trong thời gian này (tại Anh từ năm 1786 và tại Đức từ những năm 1850). Năm 1882, P&G đã tiến hành quảng cáo loại xà phòng nhãn hiệu Ivory một cách có hệ thống. Từ đầu thế kỷ 20, các công ty quảng cáo Hoa Kỳ đã bổ sung thêm dịch vụ sáng tạo và thay thế các quảng cáo cho khách hàng của mình và cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn marketing, thực hiện các cuộc nghiên cứu thị trường, thiết kế bao bì và sản phẩm... Bán hàng cá nhân cũng trở nên phức tạp hơn và hoạt động huấn luyện trong bán hàng đã được thực hiện ở các công ty của Đức trong suốt những năm cuối thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, cách tiếp cận tương tự cũng được các hãng sản xuất của Hoa Kỳ tiến hành. Những gì được mô tả như marketing dữ liệu (database marketing) ngày nay thực ra đã được thực hiện bởi một công ty của Đức vào năm 1870, Bibliographoisches Institut, họ đã sử dụng các thư mục kiểu phả hệ để quản lý thư từ và danh sách cuộc gọi của khách hàng, và từ đó định nghĩa thị trường theo phong cách sống. Drucker còn cho rằng Cynus McCormick, nhà phát minh ra máy gặt cơ khí mới chính là người đầu tiên xác định marketing như một chức năng riêng biệt và đóng vai trò trung tâm trong kinh doanh. Cũng theo Drucker, ngay từ năm 1850, chính McCormick đã sáng tạo nên những công cụ cơ bản của marketing hiện đại như: nghiên cứu thị trường, phân tích thị trường, dung lượng thị trường, chính sách giá, lực lượng bán hàng, dịch vụ cung ứng và thậm chí chính sách tín dụng khách hàng. SỰ CỔ XÚY CHO KHÁI NIỆM MARKETING - SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC TRƯỜNG PHÁI NGHIÊN CỨU QUẢN TRỊ MARKETING Như đã thảo luận trước đó, sự ra đời của tư duy và thực tiễn marketing đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài. Tuy nhiên trước những năm 50, các chức năng kinh doanh, mà ngày nay được xem là lĩnh vực chính của marketing, đặc biệt là quảng cáo và bán hàng, lại được tiến hành hoàn toàn độc lập. Hơn nữa, trong khi những lý thuyết nền tảng của marketing (xem nhu cầu và mong muốn của khách hàng là điểm xuất phát cho tư duy kinh doanh) chỉ được nhận diện bởi một số nhà học thuật (chẳng hạn như Tosdal, năm 1933) và một số hãng dẫn đầu, quan điểm này đã không được thế giới kinh doanh chấp nhận và thực thi rộng rãi. Quả thực, trong những ngày cuối cùng của cuộc Đại suy thoái và bắt đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ II, nhiều ngành kinh doanh đã rơi vào thời điểm cực kỳ khó khăn. Và người sống sót là những công ty đã thích nghi được với khái niệm kinh doanh mới. Kết thúc cuộc chiến tranh thế giới II, nhu cầu về hàng hoá bị dồn nén và sự khan hiếm về nguồn cung đã dẫn đến việc các hãng ra sức tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, đến đầu năm 1950, sự cạnh tranh bắt đầu diễn ra trong một số ngành, lúc này một lần nữa dấy lên sự quan tâm đến khía cạnh nhu cầu khách hàng đối với sự tồn tại của doanh nghiệp. Năm 1952, một sự kiện đã diễn ra khi General Electric, một trong những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, đưa ra lời tuyên bố trong Báo cáo thường niên của mình rằng: “Triết lý của chúng tôi là đặt vai trò của người làm marketing ở thời kỳ đầu của vòng đời sản phẩm và sẽ tích hợp hoạt động marketing vào tất cả các giai đoạn của quá trình kinh doanh. Chính vì vậy, hoạt động marketing, thông qua việc học hỏi và nghiên cứu, sẽ mang lại cho mỗi kỹ sư, mỗi nhà thiết kế những hiểu biết về nhu cầu của khách hàng trong từng loại sản phẩm, mức giá mà anh ta sẵn lòng chi trả, thời gian và địa điểm phân phối. Marketing có vai trò quyết định trong việc hoạch định sản phẩm, kiểm soát chu kỳ sản xuất và tồn kho cũng như phân phối và dịch vụ cho khách hàng” General Electric Company, Annual Report, New York, 1952, p.21 . Đây là sự khởi đầu cho việc cổ xuý một triết lý quản trị mới mà sau đó hai năm, Peter Drucker gọi là “triết lý marketing”. GE đã làm cho quan điểm này trở nên rõ ràng hơn khi tuyên bố marketing đóng vai trò trung tâm trong tất cả hoạt động kinh doanh của hãng. Drucker đã xác nhận lại quan điểm này trong cuốn “Thực tiễn quản trị” và từ đó, hàng loạt các công ty ở Hoa Kỳ đã làm cho nó trở nên phổ biến và rõ ràng hơn, thậm chí đối với các doanh nghiệp phương Tây, người ta còn xem nó như một vấn đề kinh doanh cốt lõi. Drucker cho rằng một hãng kinh doanh có hai mục đích: tạo ra khách hàng và luôn đổi mới. Hơn nữa, ông còn tin rằng vai trò của quản trị marketing chính là việc xây dựng một công ty bằng cách tạo ra khách hàng. “Nếu chúng ta muốn biết chúng ta đang ở lĩnh vực kinh doanh nào, hãy bắt đầu bằng câu hỏi “ Mục tiêu của nó là gì? Và một mục tiêu phải được dựa trên những gì nằm ngoài bản thân ngành kinh doanh đó. Trên thực tế, nó phải dựa vào xã hội bởi vì doanh nghiệp là tế bào của xã hội. Chỉ có một định nghĩa thực sự có giá trị về mục tiêu của doanh nghiệp, đó chính là việc tạo ra một khách hàng... Chính khách hàng là người quyết định ngành nghề kinh doanh của chúng ta... Bởi vì mục đích này nên bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có hai và chỉ hai chức năng cơ bản: marketing và đổi mới. Chúng là những chức năng quyết định sống còn... Marketing không chỉ rộng hơn việc bán hàng, nó cũng không phải là một hoạt động chuyên biệt nào. Nó là toàn bộ quá trình kinh doanh xét trên quan điểm kết quả cuối cùng, đó chính là quan điểm của khách hàng. Chính vì vậy, mối quan tâm và trách nhiệm đối với hoạt động marketing phải được lan toả trong tất cả các bộ phận của doanh nghiệp” Drucker, The Practice of Management, p.52-54 . “Thực tiễn quản trị”của Drucker đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại trong lĩnh vực kinh doanh và sau nhiều năm vẫn là chủ đề bình luận chủ yếu của nhiều tạp chí và nhà xuất bản có uy tín. Tiếp nối ông còn có nhiều học giả nổi tiếng khác như McKitterick (1957), Levitt (1960), Keith(1960) và McCathy, Philip Kotler (từ sau năm 1960 trở đi). Quan điểm của Drucker cho rằng marketing phải chịu trách nhiệm quản trị chung được ủng hộ bởi McKitterick, người sau đó trở thành giám đốc nghiên cứu marketing và dịch vụ của tập đoàn GE. Trong một bài viết của mình, McKitterick chỉ ra rằng cách sử dụng của những kỹ thuật marketing hiện đại vẫn chưa đủ để giúp các doanh nghiệp đạt được thành công: “ Nếu các doanh nghiệp muốn cạnh tranh thành công trong môi trường thay đổi nhanh chóng như hiện nay, họ cần phải nắm trong tay các phương tiện ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Thật sự, để đối phó kịp thời và xác lập một kế hoạch cạnh tranh dựa trên những nỗ lực có thể đòi hỏi các nguồn lực trị giá hàng triệu đô và sự hiểu biết về khách hàng. Vì thế, nhiệm vụ chủ yếu của chức năng marketing trong một khái niệm quản trị không gì khác ngoài những kỹ năng biến những hành động của khách hàng thành những gì phù hợp với mong muốn của tổ chức và ngược lại” J.B. McKitterick, “What is the marketing management concept?”, in F.M. Bass (ed.), The Frontiers of Marketing Thought and Science, American Marketing Association, 1957, p. 71-82. . Tuy nhiên vào năm 1960, sự ra đời của một trong những chủ đề được tái bản nhiều lần nhất trong lịch sử của tờ Harvard Business Review -“Tật cận thị trong marketing” (Marketing myopia) của Theodore Levitt, đã làm lu mờ những lý thuyết của McKitterick. Trong bài viết này, Levitt cho rằng mỗi ngành kinh doanh nên được xác định dựa trên khả năng thoả mãn những nhu cầu của khách hàng hơn là dựa trên những sản phẩm được hãng bán ra. Theo đó, nhu cầu của khách hàng phải nằm ở vị trí trung tâm trong định nghĩa ngành kinh doanh của một tổ chức: “Công việc quản trị không phải là việc sản xuất ra những sản phẩm mà là cung cấp và tạo ra giá trị thông qua việc thỏa mãn khách hàng. Ý tưởng này phải được đặt ở khắp mọi ngóc ngách trong tổ chức. Điều này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với sự nhạy bén nhằm tạo ra sự hào hứng và động lực thúc đẩy mọi người. Nếu không, tổ chức chẳng khác nào một dãy các phòng ban lắp ghép lại trong đó không có bất kỳ sự cảm nhận thống nhất về mục đích và phương hướng chung” T. Levitt, “Marketing myopia” Harvard Business Review, July-August, 1960, p. 45-56. . Ông chứng minh lời nói trên bằng cách viện dẫn một ví dụ về các công ty đường sắt của Hoa Kỳ. Những công ty này, theo Levitt khẳng định, đã bỏ qua một điều quan trọng rằng họ đang ở trong một ngành kinh doanh đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khách hàng (hành khách và hàng hoá). Cách định nghĩa ngành dựa trên sản phẩm hiện tại đã khiến họ xem khía cạnh công nghệ mới (mà biểu hiện là loại hình xe tải, xe buýt hay máy bay phản lực) là những đối thủ cạnh tranh hơn là một phương tiện hiệu quả hơn để thoả mãn nhu cầu khách hàng. Vì thế, trong một thời gian dài, thay vì bắt kịp công nghệ, các công ty này lại quay sang chống đối nó và phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Cũng trong năm đó, Robert Keith, Phó chủ tịch Hiệp hội hàng tiêu dùng đồng thời là Giám đốc của hãng Pillsbury, đã công bố một bài báo dài 4 trang trên tạp chí Journal of Marketing về những ảnh hưởng của lý thuyết “Tật cận thị trong marketing” đối với thế giới kinh doanh. Hơn 3 thập kỷ, những sinh viên nghiên cứu marketing trên khắp thế giới đã được dạy dỗ rằng những tư duy quản trị có liên quan đến một vài “kỷ nguyên kinh tế”. Pillsbury đã xuất phát từ một công ty “định hướng sản phẩm” khi nó bắt đầu hoạt động từ năm 1869. Từ năm 1930 cho đến 1960, các nhà quản trị nhận ra rằng khách hàng mới là lực lượng đóng vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên từ năm 50 đến những năm 60 một sự thay đổi về tư duy xảy ra khi hãng cho rằng chính marketing mới trực tiếp kiểm soát tất cả các chức năng khác của tổ chức. Năm 1960, Keith tuyên bố một cuộc cách mạng marketing đang diễn ra và các công ty không còn là trung tâm của vũ trụ, chính khách hàng đã thay thế vị trí đó! Keith dự đoán Pillsbury đang tiến vào kỷ nguyên thứ tư của cuộc cách mạng nơi “marketing sẽ trở thành động lực thúc đẩy căn bản cho tổ chức” trong đó nhu cầu khách hàng đóng vai trò trung tâm và sự tồn tại của những kỷ nguyên kinh tế, như Marion từng nói “trong truờng hợp tốt nhất chúng là giả thiết cho việc tìm kiếm một sự trải nghiệm, trong trường hợp xấu nhất, chúng chỉ là một sự kiến thiết hoang đường và không thể đại diện cho thực tiễn”. Vấn đề là giả thuyết của Keith được chấp nhận như một sự đóng góp to lớn cho tư duy quản trị marketing bất chấp sự thiếu vắng của những bằng chứng thuyết phục cũng như ông chỉ lấy ví dụ một điển hình duy nhất trong nền kinh tế Hoa Kỳ (hãng Pillsbury) để bao quát toàn bộ nền kinh tế phương Tây. Hơn nữa, theo Fullerton, quan điểm của Keith về mô hình phát triển của marketing đã bỏ qua những tiền đề về tư duy và thực tiễn marketing trong lịch sử. Vì thế, thật sai lầm khi cho rằng tất cả các công ty tồn tại trong một giai đoạn cụ thể có thể được sắp xếp dựa trên tiêu chí “định hướng sản phẩm”, “định hướng khách hàng” và cuối cùng là “định hướng thị trường”. Tuy nhiên, quan điểm này lại tỏ ra hợp lý hơn đối với từng công ty và có thể đóng vai trò hữu ích trong việc miêu tả một triết lý kinh doanh tổng thể của một tổ chức. Việc ra đời của những tác phẩm trên có thể được xem là sự kiện mang tính bước ngoặc có tác dụng cổ vũ cho khái niệm marketing. Sau đó, rất nhiều học giả khác đã đề xuất những lý thuyết mới trong marketing, trong đó phải kể đến những tác phẩm bán chạy nhất của McCathy và Philip Kotler đã làm cho khái niệm marketing trở nên không ngừng phổ biến. Kể từ sau khi McCathy xuất bản ấn phẩm đầu tiên vào năm 1960 và Kotler vào năm 1967, hàng trăm ngàn nhà làm marketing và học giả nghiên cứu trên khắp thế giới đã học tập cách thức làm marketing của McCathy hay Philip Kotler - dựa trên những lý thuyết nền tảng của khái niệm marketing. Với lợi ích của sự nhận thức muộn màng, có thể thấy rằng sự cổ xuý cho khái niệm marketing trong những năm 50 được xem là sự kiện bước ngoặc trong lĩnh vực marketing. Các lý thuyết nền tảng về marketing có thể không còn mang tính cách mạng song những ứng dụng của nó vẫn hết sức mới mẻ. Khái niệm marketing là một sự phát ngôn thiết yếu trong các trường quản trị marketing hiện đại về tư duy khi nó định vị marketing đóng vai trò quản trị chung trong tổ chức. Khái niệm này đã yêu cầu các nhà quản trị tập trung vào khách hàng của mình hơn là những sản phẩm được bán ra. Nó nhấn mạnh vào định hướng chiến lược dài hạn dựa trên sự đáp ứng khách hàng hơn là doanh số bán. Về cơ bản, các công ty đối phó với những thách thức của môi trường bằng cách thiết lập các bộ phận marketing, trong nhiều trường hợp một số còn dựa trên cấu trúc quản trị sản phẩm của P&G đã được giới thiệu trong những năm 30. Marketing đã gánh vác trách nhiệm cho các chức năng khác như quảng cáo, bán hàng và nghiên cứu thị trường. Từ những năm 60, định nghĩa về marketing càng được bổ sung với sự phát triển của khái niệm phối thức marketing (marketing-mix), đặc biệt là mô hình 4P (sản phẩm, giá, phân phối và cổ động). Bên cạnh đó, vào năm 1958, Kelly và Lazer còn nhấn mạnh đến vai trò của công tác hoạch định marketing như là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà quản trị marketing: “Hệ thống marketing được thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng trong những công ty hoạt động theo quan điểm marketing. Số phận của một tổ chức có thể được quyết định bởi những nỗ lực marketing. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhất của quản trị marketing chính là việc hoạch định liên tục trong ngắn hạn và dài hạn cho những hoạt động của công ty và sự phát triển các chiến lược và chiến thuật bắt nguồn từ hệ thống tích hợp những hành động này” E. Kelly & W. Lazer (eds), Management Marketing: Perspectives and Viewpoints, Richard D. Iwrin Homewood, Ill, 1958, p.9-10. . NHỮNG LỰC LƯỢNG DẪN DẮT SỰ THAY ĐỔI TRONG THẬP NIÊN 80 - 90 Trong phần này chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu những lực lượng làm thay đổi một cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh của nhiều ngành công nghiệp và là tiền đề của những thay đổi trong lĩnh vực marketing. Quản trị chất lượng toàn diện (TQM) Tiếp nối sự thành công của ngành công nghiệp Nhật Bản trong những năm 70 và sự sụp đổ đồng thời của ngành công nghiệp Hoa Kỳ, thập niên 80 được đánh dấu bằng việc tìm kiếm một thực tiễn tốt đẹp hơn đã được Tom Peters và Robert Waterman diễn tả trong cuốn “Đi tìm sự tuyệt hảo” (In search of Excellence) Tom Peter và Robert Waterman là 2 đồng nghiệp tại hãng McKinsey. Hai ông đã khảo sát 43 công ty lớn như IBM, GE, P&G, Johnson &Johnson...để phân tích thành công của chúng trong hơn 20 năm. Cuốn “Đi tìm sự tuyệt hảo”được xuất bản năm 1982 và lập tức trở thành hiện tượng, là một trong ba cuốn sách kinh doanh hay nhất thế kỷ XX. . Vì thế khi W. Edwards Deming công bố một đoạn phim tài liệu vào tháng 6/1980 về phương thức quản trị chất lượng của người Nhật, tác phẩm của ông đã không gây được tiếng vang lớn. TQM là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra sự thay đổi thần kỳ cho nền kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh thế giới II. Có nguồn gốc từ phương thức kiểm soát chất lượng bằng thống kê của Quân đội Hoa Kỳ, từ năm 1946 đến 1950, quy trình TQM được Deming và những người tiên phong trong lĩnh vực này tại Hoa Kỳ bao gồm Joseph Julien và Arman Feigenbaum củng cố và chắt lọc lại. Đến cuối những năm 50, các chuyên gia Nhật Bản gồm Kaoru Ishikawa, Genichi Taguchi và Shigeo Shingo đã bổ sung và phát triển các phương pháp luận của người Mỹ cho phù hợp với môi trường kinh doanh của Nhật Bản. TQM là một triết lý quản trị dựa trên sự mở rộng phương pháp thống kê về đo lường và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đem lại cho các hãng một nhận thức đúng đắn và sự tập trung vào yếu tố chất lượng từ quá trình cung ứng cho đến sản xuất, marketing, bán hàng và phân phối sản phẩm và dịch vụ. Nó nhấn mạnh vào tinh thần làm việc nhóm, khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng và tạo dựng các mối quan hệ tuyệt hảo trong chuỗi cung ứng. Ý nghĩa của TQM đối với mỗi doanh nghiệp không thể đo lường hết được. TQM mang đến sự thay đổi về mặt tổ chức đó chính là sự tập trung vào tinh thần làm việc nhóm dẫn đến việc hình thành những nhóm hoạt động đa chức năng (cross – functional work team). Nhận thức về tầm quan trọng của việc thoả mãn nhu cầu khách hàng trong mỗi hành động của tổ chức đã dẫn đến cuộc cách mạng dịch vụ khách hàng trong những năm 80. Ngoài ra, nhu cầu đảm bảo thông tin và tạo động lực cho nhân viên giúp họ tập trung nỗ lực vào chất lượng và khách hàng đã dẫn đến nhu cầu giao tiếp nội bộ cũng như việc nhận thức về sự tồn tại và tầm quan trọng của khách hàng bên trong hay sự ra đời của marketing nội bộ. Công nghệ và công nghệ thông tin Sự ra đời và phổ biến của máy quét mã vạch vào những năm 80 đã dẫn đến sự hình thành một khái niệm và quy trình hoàn toàn mới - quản trị chuỗi cung ứng, một khái niệm liên kết hoạt động của nhà sản xuất với những nhà cung cấp, các trung gian chủ yếu và khách hàng cuối cùng của nó với mục tiêu tăng cường tính hiệu quả và hiệu suất cung ứng. Cùng thời điểm này, việc phát minh ra máy tính cá nhân đã dẫn đến cuộc cách mạng của kỷ nguyên thông tin. Đầu thập niên 90, sự ra đời của mạng máy tính càng tạo động lực thúc đẩy cho cuộc cách mạng. Từ thời điểm đó, công nghệ thông tin đã thay đổi phương thức kinh doanh và trở thành nhu cầu tự nhiên của đời sống xã hội. Thương mại điện tử hay kinh doanh điện tử đã cho phép tổ chức chia sẻ thông tin vượt khỏi biên giới của hãng, do đó định hình lại bản chất của mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp và đối thủ cạnh tranh. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet và World Wide Web (www) kể từ năm 1950, cách thức hoạt động, liên lạc, thu thập và chia sẻ thông tin của các tổ chức và cá nhân đã thay đổi đáng kể. Điều này càng làm gia tăng tầm quan trọng của bán hàng điện tử trong kỷ nguyên B2C, sự phát triển và thích nghi nhanh chóng khái niệm “hoạch định nguồn lực doanh nghiệp” (ERP) - một hệ thống tích hợp liên kết bởi rất nhiều hệ thống quản trị tài chính, sản xuất, nhân lực, phân phối và đặt hàng trong tổ chức. Cuộc cách mạng dịch vụ khách hàng Phong trào dịch vụ khách hàng, mở rộng từ triết lý TQM, đã được phổ biến trong suốt những năm 80. Tom Peter, một trong những học giả có nhiều đóng góp cho nền học thuật về quản trị, đã diễn tả khía cạnh dịch vụ khách hàng trong cuốn “Phát đạt trong thời hỗn loạn” (Thriving on chaos) Cuốn “Phát đạt trong thời hỗn loạn” được xuất bản vào ngày thị trường chứng khoán Wall Street sụp đổ, hứa hẹn một lối thoát ra khỏi tình hình bất trắc, là cuốn sách thứ ba thuộc vào hàng best selling của Tom Peters. như sau: Khách hàng, dù tồn tại ở dạng tinh thần hay bằng xương bằng thịt, cũng ảnh hưởng đến toàn bộ tổ chức ở mỗi hệ thống, mỗi phòng ban, mỗi quy trình, mỗi cuộc họp, mỗi quyết định... Hãy tạo ra một cuộc cách mạng định hướng khách hàng (mà khách hàng là nỗi ám ảnh!). Thường xuyên chú ý đến những sắc thái nhỏ nhất trong mỗi chương trình qua cặp mắt của khách hàng, đó chính là cách khách hàng cảm nhận nó. Hãy chiến thắng sự thay đổi bằng sự giúp đỡ của khách hàng, họ không phải là những người bảo vệ cho tính bền vững bên trong tổ chức chúng ta mà thực sự là những thành viên hợp tác mới trong mỗi chức năng của tổ chức. Trong suốt thập niên 80, việc đo lường sự thoả mãn của khách hàng đã trở nên phổ biến trong hầu hết các tổ chức. Trong khoảng 10 năm (từ 1980 đến 1990), trên 15000 bài viết học thuật được đăng trên các tạp chí kinh doanh về chủ đề này và lĩnh vực điều tra sự thoả mãn của khách hàng đã phát triển nhanh chóng trong ngành nghiên cứu thị trường. Hệ thống quản trị tồn kho Just-in-time (JIT) Có xuất xứ từ chữ “kanban” trong tiếng Nhật, hệ thống quản trị tồn kho đã được các công ty Hoa Kỳ, khởi đầu là các hãng sản xuất ôtô, đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1980. Mục đích của JIT là giảm lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu và dựa vào nhà cung cấp để cung ứng hàng hoá gần như ngay lập tức. Hệ thống JIT phụ thuộc chặt chẽ vào mối quan hệ phối hợp giữa người mua và người bán và sự chia sẻ thông tin. Sự thích nghi rộng rãi của JIT trong ngành công nghiệp ở các nước phương Tây trong những năm 80 đã mang lại sự thay đổi to lớn trong mối quan hệ giữa các tổ chức mua bán, đó là sự chuyển đổi từ vai trò thương lượng dựa trên những mối tương tác đơn lẻ sang việc nhấn mạnh vào sự thiết lập các mối quan hệ chiến lược dài hạn. Giữa năm 80, cùng với sự ra đời của kỹ thuật phản ứng nhanh (quick response - QR) càng làm gia tăng nhu cầu thắt chặt mối quan hệ giữa người mua và người bán. QR là sự kết hợp giữa hệ thống JIT với công nghệ thông tin tốc độ cao (như mã vạch sản phẩm, rà soát doanh số bán và trao đổi dữ liệu điện tử, mạng liên kết trực tuyến giữa các tổ chức mua và bán) nhằm tối đa hoá hiệu quả trong việc đặt và giao hàng. Sự thích nghi với hệ thống JIT và QR đã ảnh hưởng rất nhiều đến phương thức kinh doanh của tổ chức. Thứ nhất, đó là sự đảo ngược từ chức năng tồn kho - vận chuyển mà người mua đã chuyển sang cho nhà cung cấp. Thứ hai, quản trị hậu cần đã trở thành mối bận tâm chủ yếu của các nhà quản trị cấp cao trong các tổ chức cung ứng khi họ phải đối diện với thách thức phải cung cấp cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất với lượng tồn kho thấp nhất, mà điều này thường gây sức ép cho việc giảm chi phí. Thứ ba, JIT nhấn mạnh vào nhu cầu thiết lập và duy trì các dịch vụ hoàn hảo cho khách hàng như là công cụ tạo ra lợi thế cạnh tranh. Cuối cùng, JIT nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa nhà cung cấp và người mua dẫn đến cuộc cách mạng trong việc hình thành một khái niệm mới của marketing, đó chính là marketing quan hệ. Quản trị quan hệ khách hàng (CRM) Quan điểm mới tập trung vào các mối quan hệ khách hàng dường như đạt được sức đẩy nhanh hơn trong những năm 90 với sự phát triển của công nghệ dữ liệu. Được trang bị bởi sức mạnh của máy tính cá nhân và các phần mềm dữ liệu, một công cụ mới, quản trị quan hệ khách hàng (CRM) ra đời vào giữa thập niên 90, đã cung cấp cho các nhà làm marketing khả năng thu thập và tích luỹ dữ liệu về hành vi mua của khách hàng trên một cơ sở dữ liệu cá nhân. CRM còn mang đến cho các nhà làm marketing khả năng phát triển các mối quan hệ học tập (learning relationship) với khách hàng mà không cần hình thành bộ phận công nghệ thông tin và những phương tiện để phân biệt giữa nhu cầu của khách hàng và giá trị của tổ chức. CRM, hay còn gọi là marketing được phép (permission marketing), cũng cung cấp cho tổ chức một khả năng tương tác trực tiếp và đưa yêu cầu của khách hàng vào sản phẩm và dịch vụ của mình một cách cá nhân hoá. Sự ra đời của CRM đến lượt nó đã kéo theo sự hình thành một khái niệm mới – chuyên biệt hóa khối lượng lớn (mass customisation) – sản xuất khối lượng lớn những sản phẩm và dịch vụ theo nhu cầu riêng biệt của khách hàng. Sự phát triển của liên minh chiến lược và mạng lưới quan hệ Các nhà kinh doanh Hoa Kỳ, trong quá trình tìm kiếm con đường thành công, đã tiếp thu một mô hình khác của người Nhật gọi là zaibatsu. Được xem là một trong những phương tiện giúp người Nhật đánh bại nền công nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là ngành sản xuất ôtô, zaibatsu có liên quan đến việc hình thành một hệ thống công ty theo kiểu gia đình do một công ty mẹ nắm quyền kiểm soát duy nhất, thông thường là một ngân hàng. Hệ thống JIT, được thúc đẩy bởi phong trào kiểm soát chất lượng trong sản xuất và cung ứng, ngày càng nhấn mạnh vào tính tương tác giữa người mua - người bán và nhu cầu biến các tổ chức thành những cá thể năng động và phản ứng nhanh chóng với sự thay đổi của môi trường cạnh tranh, tất cả đã dẫn dắt sự ra đời của các hình thức tổ chức mới. Liên minh chiến lược là sự liên kết giữa tổ chức với nhà cung cấp, nhà bán lẻ (hay khách hàng) và những hãng chuyên sản xuất/cung ứng một loại hàng hoá hay dịch vụ nào đó. Trong nhiều trường hợp, liên minh chiến lược có thể được hình thành giữa các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như Ford và Mazda, General Motors và Toyota, Apple và IBM. Đặc điểm của liên minh chiến lược là sự chia sẻ mục tiêu và cam kết sử dụng chung nguồn lực của các bên. Một hình thức khác của liên minh chiến lược là liên doanh, trong đó một hãng mới được tạo ra tồn tại vĩnh viễn hay trong một thời gian, chẳng hạn như tham gia vào một dự án nghiên cứu và phát triển (R&D). Mạng lưới quan hệ (networks) là sự liên kết giữa những tổ chức liên minh chiến lược tại đó mỗi bên nắm giữ một chức năng hay bí quyết chuyên môn nào đó. Với sự ra đời của liên minh chiến lược và mạng lưới quan hệ, các hình thức quản trị truyền thống dần bị xoá bỏ, người ta dành sự chú ý vào cách thức quản trị các mối quan hệ giữa các bên khác nhau hơn là việc hình thành cơ chế thứ bậc. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc tổ chức và marketing quan hệ đã trở thành hoạt động marketing quan trọng nhất thời kỳ 1980- 1990. Văn hoá tổ chức Đi cùng với nỗi thất vọng gia tăng trong các tập đoàn Hoa Kỳ trong thập niên 70, khi người Nhật đã thành công trước những thử thách về khả năng lãnh đạo, là sự ra đời của khái niệm văn hoá tổ chức. W. Ouchi (1981), Peters và Waterman (1982), Deal và Kenedy (1982) là những người có công trong việc phổ biến khái niệm này vào thế giới kinh doanh. Đó là sự tập trung vào phong cách quản trị và việc phát triển một nền văn hoá tổ chức hiệu quả. Chẳng hạn, Ouchi cho rằng, một nền văn hoá thuần nhất vững mạnh, sự chia sẻ các giá trị, niềm tin và các quy tắc trong hành vi của mỗi cá nhân chính là bí mật dẫn đến thành công của các công ty Nhật. Ông đưa ra lời khuyên cho các công ty Hoa Kỳ nên tái định hướng khía cạnh quan hệ con người trong tổ chức. Những thay đổi trong tổ chức Những năm 80, người ta bắt đầu quan tâm đến việc tạo ra các hình thức tổ chức kinh doanh mới nhằm phản ứng nhanh chóng và linh động trước sự thay đổi không ngừng của yếu tố công nghệ, cạnh tranh và khách hàng. Các đơn vị “nhỏ gọn và tự chủ hơn” (leaner and meaner), là sự cắt giảm cấp quản trị trung gian (downsizing, sau này gọi là rightsizing), ngày càng được đề cao. Năm 1990, Hammer đã gây tiếng vang lớn khi ông công bố ý tưởng tái cấu trúc quy trình kinh doanh (Business Process Reengineering), đòi hỏi một sự thay đổi triệt để trong tổ chức. BPR là một quy trình mang tính cách mạng thể hiện những nỗ lực tái sáng tạo tổ chức hơn là việc cố gắng cải thiện tình hình hiện tại. Mục tiêu của BPR là đạt được những lợi ích lớn hơn về năng suất và sự thực thi bằng việc phân tích và tái thiết kế dòng dịch chuyển và quy trình công việc, thường dựa trên công nghệ thông tin mà nhờ đó tổ chức mang đến những giá trị cho khách hàng. BPR tập trung vào các quy trình hơn là các chức năng, thay thế cấu trúc tổ chức theo thứ bậc bằng cơ cấu tổ chức linh hoạt, tự chủ và những nhóm làm việc không lệ thuộc vào tôn ti trật tự. Sự chuyển đổi vai trò từ hoạch định chiến lược sang quản trị chiến lược Cùng thời điểm đó, khái niệm marketing trở nên phổ biến trong thế giới kinh doanh, trong thập niên 60, một phương thức quản trị đầy quyền lực đã ra đời: hoạch định chiến lược, lúc đầu được gọi là “hoạch định công ty”. Chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc của hoạch định chiến lược trong các tác phẩm của Selznick (1957) và A.D.Chandler (1962) nhưng việc xuất bản cuốn “Chiến lược công ty” (Corporate Strategy) của Igor Ansoff mới chính là phát súng khởi đầu cho sự phát triển nhanh chóng của hoạch định chiến lược. Trong suốt những năm sau của thập niên 60 và toàn bộ thập niên 70, hoạch định chiến lược giữ vai trò thống trị trong thực tiễn quản trị tại Hoa Kỳ. Nó trở thành một quy trình trung tâm đầu não trong hệ thống các tập đoàn lớn Hoa Kỳ và là sự phác hoạ rõ ràng giữa giai đoạn hình thành và thực thi chiến lược. Những nhà hoạch định chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định chiến lược trong khi các nhà quản trị chức năng không được tham gia quy trình này, thay vào đó họ chịu trách nhiệm thực thi các kế hoạch chiến lược. Tuy nhiên marketing không được miễn trừ trách nhiệm và trong nhiều trường hợp, các quyết định marketing cấp cao hơn được đưa ra bởi các nhà hoạch định chiến lược cấp cao hơn là từ các nhà quản trị marketing ở các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBUs). Ngay từ đầu thập niên 80, một số tổ chức đã hăng hái tiếp cận khái niệm này trong những năm 70, bắt đầu nhận ra tính đúng đắn của câu châm ngôn “Chứng liệt vì phân tích” (Paralysis by analysis). Trong nhiều trường hợp hoạch định chiến lược có thể gây thêm rắc rối, lãng phí thời gian và khiến cho hãng xa rời thực tế kinh doanh của mình. Những công ty hoạch định chiến lược thành công như General Electric bắt đầu cắt giảm bộ phận hoạch định và đẩy trách nhiệm này sang các đơn vị hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, khái niệm quản trị chiến lược có liên quan đến việc bổ sung quy trình thực thi chiến lược và kiểm soát chiến lược vào 4 giai đoạn của quy trình hoạch định, bao gồm: hình thành mục tiêu, phân tích môi trường, hình thành chiến lược và đánh giá các giải pháp chiến lược. Sự nhấn mạnh vào vai trò của chiến lược cạnh tranh Nhìn chung, lĩnh vực hoạch định và quản trị chiến lược chiếm vị trí thống trị trong các tác phẩm của M.Porter, giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, trong suốt những năm 80. Các khái niệm do Porter đưa ra như lợi thế cạnh tranh (trong chiến lược cạnh tranh chung), phân tích ngành (trong mô hình 5 lực lượng cạnh tranh) và chuỗi giá trị là sự đóng góp vô cùng ý nghĩa cho tư duy quản trị trong thập niên này và những năm tiếp theo của thập niên 90. Sau đó, Kotler và Singh, vào năm 1982, đã phổ biến quan điểm đánh bại đối thủ cạnh tranh trong các chiến lược marketing dựa trên các nguyên tắc của chiến tranh quân sự. Thuật ngữ này tiếp tục được những chiến lược gia kinh doanh và marketing là Al Ries và Jack Trout phổ biến từ việc nghiên cứu các bài học của các nhà chiến lược quân sự nổi tiếng trong lịch sử như nhà sử học quân sự người Anh B. Liddell Hart (1895-1970), Carl von Clausewitz (1780-1831) và Tôn Tử (thế kỷ 5 TCN). Tài sản thương hiệu Thập niên 80 đánh dấu bằng sự nhận diện vai trò của thương hiệu trong nền kinh tế nói chung. Thương hiệu là điều hứa hẹn về giá trị mà khách hàng sẽ nhận được. Trong khi những người làm marketing phải mất một thời gian dài để nhận ra tầm quan trọng của việc quản trị thương hiệu, như chúng ta đã thảo luận trong phần đầu của chương, thì giá trị tài chính của thương hiệu đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người trong thập niên này. Đây cũng là thập niên mà giới kinh doanh bắt đầu nhận ra kích thước và quy mô hoạt động là những điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong bối cảnh toàn cầu hoá nền kinh tế với làn sóng tiếp quản, hợp nhất và thâu tóm vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Rất nhiều công ty đi thâu tóm sẵn sàng trả giá cao hơn gấp nhiều lần thu nhập của các hãng bị mua lại, không phải vì nhà xưởng và các tài sản cố định khác mà chính là thương hiệu đã được gây dựng bởi các hãng đó. Chẳng hạn, Nestle đã mua lại Rowntree với giá gấp 26 lần thu nhập của hãng này, Groupe Danone mua Nabisco Europe với giá cao gấp 27 lần. Lý do nào của việc mua với giá cao như vậy? Đó chính là sức mạnh của thương hiệu. Tài sản thương hiệu (Brand equity) là một khái niệm dùng để thay thế cho giá trị thị trường của một thương hiệu dựa trên danh tiếng và uy tín của nó. Kể từ sau năm 1980, những người làm marketing bắt đầu có cái nhìn sâu sắc hơn vào việc khái quát hoá và nghiên cứu cách thức tạo dựng và duy trì tài sản thương hiệu. SỰ THAY ĐỔI VAI TRÒ CỦA MARKETING Trong ánh sáng dẫn dắt của các lực lượng thay đổi, vai trò của marketing cũng trở nên khác nhau trong nhiều tổ chức. Phong trào kiểm soát chất lượng (TQM) và cuộc cách mạng dịch vụ khách hàng đã mở rộng vai trò của nhân sự trong marketing và từ sự chú ý trong hoạt động bán hàng sang việc chăm sóc các khách hàng sinh lợi. Marketing không còn là bộ phận duy nhất trong tổ chức thể hiện mối quan tâm vào khách hàng. Sự thật là tất cả nhân viên giờ đây đều được mong đợi trở thành những chuyên gia phục vụ khách hàng và điều này đã dẫn đến sự phát triển của một khái niệm mới - marketing nội bộ. Trong đó, tất cả nhân viên cần được cung cấp đầy đủ thông tin và được thúc đẩy về những hoạt động marketing của tổ chức, vì thế, họ cũng trở thành đối tượng trong hoạt động giao tiếp như bất kỳ một khách hàng mục tiêu nào khác. Với tất cả sự thay đổi diễn ra trong nền kinh tế, người ta bắt đầu đặt câu hỏi là làm thế nào các tổ chức có thể cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường, hay trong nhiều trường hợp, làm thế nào để tồn tại? Người ta lại đem marketing ra mổ xẻ, phân tích và kết luận rằng những người làm marketing phải vượt ra khỏi lối nói sáo mòn và chịu trách nhiệm tìm ra mối quan hệ giữa định hướng thị trường và năng lực vượt trội cho tổ chức. Đây là giai đoạn mà các chủ đề như “Định hướng thị trường là gì?” hay “Sự tái phát hiện khái niệm marketing” xuất hiện thường xuyên trong ngôn ngữ của giới làm marketing. Từ sau năm 1980 đến đầu năm 1990, điều này đã làm dấy lên sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong việc tìm ra mối liên hệ giữa sự thực thi các khái niệm marketing với việc cải thiện hoạt động của tổ chức. Các bài viết của Narver, Slater, Kohli và Jaworski đã thúc đẩy sự phát triển của các tài liệu về marketing dưới cái tên “định hướng thị trường” hay nói như Webster là “một khái niệm marketing mới” và Day là “các tổ chức được dẫn dắt bởi thị trường”. Cho dù được gắn với cái tên nào thì cách tiếp cận mới cũng nhấn mạnh vào khía cạnh người mua (định hướng khách hàng) và những người bán khác (định hướng đối thủ cạnh tranh) hơn là mô tả một sự tập trung vào chức năng hay quy trình hoạt động của các phòng ban marketing. Narver và Slater đã khái quát hoá “định hướng thị trường là một chiều hướng bao gồm ba nhân tố thuộc về hành vi và hai điều kiện quyết định đó là: định hướng khách hàng, định hướng đối thủ cạnh tranh, sự phối hợp các chức năng trong tổ chức, một tầm nhìn dài hạn và một mục tiêu sinh lợi...” Kohli và Jaworski chỉ ra ba nhân tố của định hướng thị trường bao gồm: sự hình thành, phổ biến và phản ứng với sự hiểu biết. Họ cho rằng tính ưu tiên của định hướng thị trường trong tổ chức nằm ở chỗ, chúng thuộc về những nhân tố quản trị cấp cao (thể hiện qua khả năng củng cố một định hướng thị trường trong tổ chức của nhà quản trị cấp cao), là sự linh hoạt giữa các bộ phận và những hệ thống trong tổ chức (bao gồm cấu trúc, hệ thống ra quyết định, giao tiếp và tưởng thưởng). Thuật ngữ định hướng thị trường được ủng hộ bởi Narver, Slater, Kohli và Jaworski, đã tạo động lực cho việc quan tâm nghiên cứu về trách nhiệm của marketing trong tổ chức. Vì thế, khái niệm định hướng thị trường cung cấp một quy trình: Xác định rõ tính chất có thể đo lường được của marketing Quyết định liệu một tổ chức có phải theo định hướng thị trường hay không So sánh khả năng thực thi của một tổ chức được định hướng thị trường với những tổ chức không được định hướng. Những tổ chức định hướng thị trường không chỉ hướng về khách hàng mà còn hướng về thị trường. Do đó chúng vừa định hướng khách hàng vừa định hướng đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, các tổ chức này nhấn mạnh vào nhu cầu cung cấp những giá trị vượt trội cho khách hàng. Có thể xem xét cách thức các tổ chức được định hướng dựa vào mô hình 3C dưới đây: Hình 1.1. Sự nhấn mạnh vào 3Cs của các tổ chức định hướng thị trường Công ty Đối thủ cạnh tranh Khách hàng Khách hàng: Triết lý nền tảng xem khách hàng là những cá thể hơn là bộ phận của một đoạn thị trường hay một thị trường đồng nhất. Điều này có nghĩa là các tổ chức phải cố gắng hiểu được nhu cầu và sở thích của từng khách hàng. Sự tạo lập giá trị khách hàng - một định đề giá trị - phải trở thành một phần trong chiến lược kinh doanh của tổ chức. Quay trở lại khái niệm quá trình trao đổi bao gồm sự trao đổi trên thị trường và trao đổi xã hội, chúng ta thấy rằng, khách hàng tìm kiếm một lợi ích hay một tập hợp các lợi ích thông qua quá trình trao đổi. Chúng có thể được chia thành các loại: các lợi ích chức năng và quy trình (từ các quá trình trao đổi trên thị trường) và các lợi ích quan hệ (từ các quá trình trao đổi xã hội). Để đạt được thành công, một tổ chức marketing cần cung cấp các lợi ích chức năng (functional benefits) mà khách hàng tìm kiếm thông qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có tính năng vượt trội hoặc đáng tiền (value-for-money). Nó cũng phải thoả mãn những lợi ích quy trình (process benefits), đó là cách thức tương tác tạo ra sự dễ dàng, nhanh chóng, dễ chịu hay tiết kiệm cho khách hàng. Cuối cùng, khách hàng cần được thoả mãn những lợi ích thuộc về quan hệ, do đó tổ chức cần hướng đến việc thiết lập và duy trì những khách hàng trung thành. Đối thủ cạnh tranh: Giá trị khách hàng không phải do tổ chức tạo ra, chúng do thị trường quyết định. Một tổ chức cần cung cấp những giá trị vượt trội cho khách hàng bằng cách sử dụng thước đo là khả năng đáp ứng sự mong đợi của họ. Những mong đợi này có nguồn gốc từ kiến thức và kinh nghiệm mà khách hàng có được thông qua những hoạt động của hãng và đối thủ cạnh tranh. Chính vì thế, các tổ chức cần nhận thức đầy đủ năng lực cũng như sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là quan điểm thị trường (hay khách hàng) và thái độ đối với mỗi sản phẩm hay nhãn hiệu cạnh tranh. Tổ chức: Tổ chức cần mang đến cho khách hàng những giá trị thực sự mà nó đã hứa hẹn. Các nhà quản trị cấp cao đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển một nền văn hoá tổ chức định hướng thị trường – là sự chia sẻ hiểu biết và ý tưởng giữa các thành viên trong tổ chức. Các chiến lược, cấu trúc và quy trình phải được đặt vào vị trí tạo động lực cho việc cung cấp giá trị đến khách hàng. Đó là sự kết hợp rất nhuần nhuyễn những kiến thức, quy trình và các công cụ marketing như: marketing nội bộ, dịch vụ khách hàng, các chương trình quản trị mối quan hệ và sự thoả mãn khách hàng. TƯƠNG LAI CỦA MARKETING Với hàng loạt những thay đổi diễn ra trong thập niên 90, thật không ngạc nhiên khi biết rằng các nhà nghiên cứu học thuật và thực tiễn marketing vẫn còn tranh cãi về tương lai của marketing. Trong khái niệm định hướng thị trường, trách nhiệm của các hoạt động marketing không chỉ thuộc về các bộ phận marketing hay cấp chức năng nào đó mà thuộc về toàn thể các cấp của tổ chức. Quan điểm này được Drucker, Levitt và những học giả khác ủng hộ khi cho rằng marketing cần được xem là một triết lý kinh doanh và không thể là một chức năng riêng biệt trong ngành kinh tế. Hay nói cách khác, chúng ta nên xem marketing là một quy trình mang tính tổng thể của tổ chức. Tuy nhiên, để đưa triết lý này vào thực tiễn là một công việc không dễ dàng. Thập niên 90 là khoảng thời gian các công ty ra sức tái cấu trúc bằng cách thay thế hoặc bổ sung các nhóm hoạt động đa chức năng vào những “chức năng” (phòng ban) của mình. Một số hãng hình thành các kiểu cấu trúc ma trận trong đó nhân viên phải báo cáo lên cùng lúc nhiều nhà quản trị thay vì một giám đốc phòng ban như trước đây. Những người làm marketing trong các cấu trúc này đòi hỏi phải phát triển các kỹ năng quản trị mới bên cạnh những kỹ năng chức năng như trước đây. Cùng lúc đó, quy trình hình thành và thực thi chiến lược cũng được chuyển đổi trong nhiều tổ chức. Các nhà quản trị cấp cao (cấp công ty) và cấp đơn vị kinh doanh (các SBU) chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc hình thành chiến lược trong khi trách nhiệm thực thi những chiến lược này được uỷ nhiệm cho các cấp hoạt động chức năng trong tổ chức như marketing, tài chính, nhân sự và sản xuất. Những cân nhắc trong các tình huống khác nhau, thường được xem là trách nhiệm của quản trị marketing như phân đoạn thị trường, xác định mục tiêu và định vị trở thành công việc của nhà quản trị cấp cao ở cấp đơn vị kinh doanh. Vai trò của bộ phận marketing mang tính tác nghiệp hơn với trách nhiệm thực thi các chiến lược do cấp trên đưa xuống. Mục tiêu chủ yếu của nhân viên marketing là phát triển và thực hiện các chiến lược marketing-mix. Xu hướng tập trung vào việc quản trị quy trình hơn là các chức năng và trách nhiệm phát triển chiến lược ngày càng tăng đã đặt ra yêu cầu cho các nhà quản trị cấp cao phải làm chủ những kỹ năng của một vị tướng lĩnh. Nhưng điều nghịch lý là trước sự thay đổi không ngừng của môi trường công nghệ và nhu cầu của tổ chức, họ cũng phải đồng thời làm chủ những kỹ năng của một chuyên gia. Trong đó, những chuyên gia marketing trong lĩnh vực quản trị quan hệ khách hàng, quản trị dữ liệu và quản trị thương hiệu (với trách nhiệm tạo dựng và duy trì tài sản thương hiệu) được đòi hỏi những kỹ năng chuyên sâu nhiều hơn. Chính vì thế, cấu trúc của tổ chức giờ đây sẽ bao gồm hai kiểu nhân sự: những người tích hợp và những chuyên gia chức năng. Theo McKenna “Người làm marketing phải là một người tích hợp, bên trong tổ chức đó là năng lực tổng hợp công nghệ với nhu cầu thị trường và ở bên ngoài là khả năng mang lại khách hàng cho tổ chức với vai trò là một bộ phận chịu trách nhiệm phát triển và đáp ứng nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ”. Cách tiếp cận định hướng thị trường có ý nghĩa hơn cả một triết lý quản trị. Nó là một phương thức kinh doanh. Nó cũng là một phương tiện giúp tổ chức tạo lập và duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững. Vì thế, vai trò của marketing và những chuyên gia marketing sẽ còn gia tăng hơn nữa trong tương lai. Họ sẽ hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của quá trình kinh doanh, chứ không chỉ khoá chặt trong bốn bức tường của bộ phận Marketing như trước đây nữa. Hiểu biết tổng quan về lịch sử phát triển của lĩnh vực marketing giúp chúng ta có một nền tảng vững chắc để tìm hiểu những vấn đề quản trị marketing trong các tổ chức kinh doanh. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ đề cập đến những khái niệm có liên quan đến lý thuyết và thực hành quản trị marketing trong môi trường hiện đại. CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN CỦA MARKETING Định nghĩa marketing Ngày nay, thay cho quan niệm marketing là quảng cáo để bán được hàng, thì hầu hết các trường phái nghiên cứu về marketing đều thống nhất ở quan điểm marketing là thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Trên cơ sở hiểu rõ nhu cầu mong muốn của của khách hàng, mà phát triển những sản phẩm mang lại cho khách hàng những giá trị vượt trội với mức giá hợp lý, phân phối và cổ động một cách hiệu quả, thì việc bán sản phẩm không có gì khó khăn. Chúng ta định nghĩa marketing là “một tiến trình xã hội và quản lý theo đó các cá nhân và các nhóm có được cái mà họ mong muốn thông qua việc tạo ra, trao đổi những sản phẩm có giá trị với những người khác”. Nhu cầu cấp thiết, mong muốn và nhu cầu Nhu cầu cấp thiết của con người biểu hiện bằng trạng thái thiếu hụt, bao gồm những nhu cầu vật chất đối với thực phẩm, quần áo, sự ấm áp và an toàn, những nhu cầu xã hội về sự thừa nhận và tình cảm và nhu cầu cá nhân về hiểu biết và sự tự thể hiện. Những nhu cầu này không được tạo ra bởi những người làm marketing, chúng là một phần cơ bản của con người. Mong muốn là hình thức biểu hiện của nhu cầu cấp thiết của con người được định hình bởi văn hóa và cá tính của mỗi người. Mong muốn được định hình bởi xã hội và được mô tả bằng những thứ cụ thể có thể thỏa mãn nhu cầu cấp thiết. Mong muốn được đảm bảo bởi sức mua sẽ là nhu cầu. Với mong muốn và nguồn lực của mình, con người có nhu cầu về những sản phẩm chứa đựng những lợi ích có thể đem lại cho họ nhiều giá trị và sự thỏa mãn nhất. Các cung ứng marketing: sản phẩm, dịch vụ và kinh nghiệm Các công ty tiếp cận nhu cầu của khách hàng bằng cách đưa ra những giá trị, là tập hợp các lợi ích mà họ cam kết nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Các giá trị được thực hiện thông qua các cung ứng marketing, là một số kết hợp các sản phẩm, dịch vụ, thông tin và kinh nghiệm cống hiến cho thị trường nhằm thỏa mãn nhu cầu cấp thiết hoặc mong muốn của khách hàng. Các cung ứng marketing không hạn chế ở những sản phẩm vật chất. Thật vậy, ngoài sản phẩm hữu hình, các cung ứng marketing còn bao gồm những dịch vụ, hoạt động hoặc lợi ích được cung ứng trong việc bán hàng, chủ yếu là vô hình và không đem lại sự sở hữu một vật cụ thể nào. Ví dụ, dịch vụ ngân hàng, hàng không, khách sạn, dịch vụ tư vấn thuế và dịch vụ sửa chữa nhà cửa. Một cách rộng hơn, những cung ứng marketing còn bao gồm những thực thể khác như con người, nơi chốn, tổ chức, thông tin và ý tưởng. Nhiều người bán đã sai lầm khi quá chú trọng đến những sản phẩm cụ thể mà họ cung ứng thay vì vào những lợi ích và kinh nghiệm mà sản phẩm này mang lại cho khách hàng. Họ tự xem mình là người bán sản phẩm hơn là người cung ứng một giải pháp cho nhu cầu của khách hàng. Một nhà sản xuất máy khoan nghĩ rằng người tiêu dùng cần một cái khoan. Nhưng nhu cầu thật sự của người tiêu dùng là một cái lỗ trên một vật nào đó. Những người bán này có thể đã bị chứng thiển cận marketing. Họ đã quá quan tâm đến sản phẩm của mình, do đó chỉ tập trung vào mong muốn hiện tại và mất đi cơ hội nhận ra nhu cầu thật sự của khách hàng. Họ quên rằng sản phẩm mà họ đang kinh doanh mới chỉ là một công cụ để giải quyết vấn đề của khách hàng và đó chưa phải là giải pháp tối ưu. Và tất nhiên, trong môi trường cạnh tranh ngày nay, sẽ dễ dàng bị thất bại nếu có những đối thủ cạnh tranh nghĩ ra được những sản phẩm có thể thỏa mãn tốt hơn (cả về lợi ích lẫn giá cả) nhu cầu của khách hàng. Khách hàng với cùng một nhu cầu cụ thể có thể sẽ được thỏa mãn bởi một sản phẩm mới hơn. Do vậy, người làm marketing nhanh nhẹn sẽ nhìn xa hơn vào những đặc tính của sản phẩm và dịch vụ mà họ bán. Họ tạo ra ý nghĩa của nhãn hiệu và kinh nghiệm của nhãn hiệu cho khách hàng. Chẳng hạn, Coca-Cola có ý nghĩa nhiều hơn đối với người tiêu dùng so với việc chỉ là một loại nước uống, nó đã trở thành một phần của người Mỹ với ý nghĩa và giá trị truyền thống. Và Nike đã làm được hơn rất nhiều so với công dụng của một đôi giày, đó là những gì đôi giày mang lại cho bạn và chúng mang bạn đến đâu. Nhãn hiệu Nike quen thuộc nổi tiếng lâu dài gắn liền với những thành tích cao trong thể thao, trong các kỳ thế vận hội nổi tiếng và một thái độ “Just do it”. Disney World là một kinh nghiệm, và trang web Playstation.com của Sony cũng là một kinh nghiệm. Thật vậy, vì sản phẩm và dịch vụ ngày càng trở thành những sản phẩm tiện dụng do tính đồng nhất tăng lên, kinh nghiệm đã tạo ra một giai đoạn tiếp theo cho nhiều công ty trong việc tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Giá trị và sự thỏa mãn Khách hàng lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ dựa trên sự cảm nhận của họ về giá trị và sự thỏa mãn mà những sản phẩm này sẽ mang lại khi mua và tiêu dùng chúng. Giá trị mà sản phẩm đem lại cho khách hàng là sự khác biệt giữa những lợi ích mà khách hàng có được từ việc sở hữu và tiêu dùng sản phẩm so với chi phí bỏ ra để có được sản phẩm đó. Khi đánh giá các lựa chọn khác nhau, khách hàng hình thành sự kỳ vọng về giá trị của các cung ứng khác nhau có thể đem lại cho họ và quyết định mua hàng dựa trên sự kỳ vọng đó. Vậy người tiêu dùng hình thành sự kỳ vọng của mình như thế nào? Sự kỳ vọng của khách hàng dựa trên những kinh nghiệm mua hàng trước đó, ý kiến của bạn bè, người thân và những cam kết và thông tin của người làm marketing cũng như những đối thủ cạnh tranh. Sau khi mua và tiêu dùng sản phẩm, khách hàng có thể hài lòng, thỏa mãn hoặc thất vọng. Sự thỏa mãn của khách hàng được hình thành dựa trên sự so sánh giữa giá trị cảm nhận được khi họ tiêu dùng sản phẩm so với những kỳ vọng về giá trị trước khi mua hàng. Nếu giá trị cảm nhận lớn hơn giá trị kỳ vọng, khách hàng sẽ thỏa mãn và ngược lại. Sự hài lòng của khách hàng có tác động quan trọng lên hành vi mua tương lai của khách hàng. Những khách hàng hài lòng sẽ mua lại và truyền miệng với những người khác về kinh nghiệm tốt của mình. Ngược lại, những khách hàng không hài lòng thường sẽ đến với đối thủ cạnh tranh và chê bai sản phẩm của công ty với những người khác. Người làm marketing phải cẩn thận trong việc xây dựng mức độ kỳ vọng của khách hàng. Nếu xây dựng một mức kỳ vọng quá thấp, có thể sẽ thỏa mãn được khách hàng một cách dễ dàng nhưng sẽ khó khăn trong việc lôi kéo khách hàng về với công ty. Tuy nhiên, nếu đẩy kỳ vọng của khách hàng lên quá cao thì sẽ khó có thể thỏa mãn khách hàng. Chúng ta phải nhìn nhận rằng giá trị dành cho khách hàng và sự thỏa mãn của họ là những nền tảng cơ bản để phát triển và quản lý quan hệ khách hàng. Trao đổi và giao dịch Marketing xuất hiện khi con người quyết định thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của mình thông qua trao đổi. Chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm cốt lõi này. Trao đổi là hành động có được thứ mà mình muốn từ một người khác bằng cách trao lại cho họ một thứ gì đó. Trao đổi chỉ là một trong bốn cách để con người có được thứ mà mình mong muốn. Con người có thể tự sản xuất ra sản phẩm hoặc dịch vụ, đó là trường hợp con người săn bắt, hái lượm hoặc trồng trọt để tự thỏa mãn nhu cầu của mình. Cách thứ hai là con người có thể sử dụng sức mạnh để có được sản phẩm, khi họ cướp đoạt hoặc ăn trộm của người khác. Con người cũng có thể thỉnh cầu người khác, điều này diễn khi một người vô gia cư đi xin thức ăn. Và cuối cùng con người có thể cung ứng sản phẩm, dịch vụ hoặc tiền để đổi lại thứ mà mình muốn với người khác. Trao đổi là một khái niệm cốt lõi của marketing, đề cập việc có được sản phẩm mong muốn từ người khác bằng cách cung ứng lại một thứ gì đó. Để trao đổi diễn ra, phải thỏa mãn năm điều kiện: Có ít nhất hai bên Mỗi bên có thứ gì đó có giá trị đối với đối tác Mỗi bên có thể truyền thông và vận chuyển hàng hóa Mỗi bên tự do chấp nhận hoặc từ chối trao đổi Mỗi bên tin rằng hoàn toàn chích đáng và tự nguyện tham gia trao đổi với bên kia. Theo nghĩa rộng, người làm marketing cố gắng tạo ra sự đáp ứng đối với những cung ứng marketing nơi khách hàng. Sự đáp ứng có thể rộng hơn việc mua hoặc bán sản phẩm và dịch vụ. Chẳng hạn một ứng cử viên chính trị, muốn có những phiếu bầu cho mình, một tôn giáo muốn có các tín đồ và một tổ chức hoạt động xã hội muốn có những người ủng hộ tư tưởng của họ. Marketing bao gồm những hành động nhằm xây dựng và duy trì những mối quan hệ trao đổi mong muốn với những đối tượng mục tiêu liên quan đến một sản phẩm, dịch vụ, ý tưởng hoặc một cái gì khác. Xa hơn việc đơn thuần thu hút những khách hàng mới và tạo ra những giao dịch, mục đích của marketing là nhằm duy trì khách hàng và làm tăng cơ hội trao đổi với khách hàng. Người làm marketing muốn xây dựng một sự vững mạnh về kinh tế và sự kết nối về mặt xã hội bằng việc cam kết và cung ứng những giá trị tốt nhất một cách phù hợp. Chúng ta sẽ thảo luận khái niệm quan trọng của việc quản trị quan hệ khách hàng một cách chi tiết hơn trong những phần sau của chương này. Giao dịch: Nếu hai bên cam kết trao đổi đạt được một thỏa thuận thì ta nói một giao dịch đã diễn ra. Giao dịch là đơn vị cơ bản của trao đổi. Một giao dịch kinh doanh là một vụ buôn bán các giá trị giữa hai bên. Tuy vậy, cũng có các giao dịch kinh doanh không đòi hỏi tiền như là giá trị thương mại duy nhất. Có thể là một giao dịch hoán đổi, bao gồm cả việc trao đổi dịch vụ thay vì trao đổi hàng hóa. Một giao dịch kinh doanh liên quan đến ít nhất hai vật có giá trị, những điều kiện được thỏa thuận, một thời điểm thích hợp, một nơi chốn phù hợp. Thường là có một hệ thống pháp lý phát sinh để hỗ trợ và ràng buộc các bên giao dịch phải làm đúng theo cam kết. Theo nghĩa rộng, người làm marketing tìm cách làm phát sinh sự đáp ứng trước một số cung ứng marketing và sự đáp ứng ấy không chỉ là mua hay bán theo nghĩa hẹp. Marketing bao gồm những hoạt động được thực hiện nhằm gợi mở một đáp ứng cần thiết của phía đối tượng trước một số vật thể. Mối quan hệ và mạng lưới Marketing giao dịch là một phần của ý tưởng lớn hơn được gọi là marketing quan hệ. Marketing quan hệ có mục tiêu xây dựng mối quan hệ thỏa mãn lẫn nhau lâu dài với các đối tác quan trọng như khách hàng, nhà cung cấp, các nhà phân phối nhằm nuôi dưỡng và duy trì quan hệ làm ăn lâu dài với họ. Các nhà làm marketing hoàn thành nhiệm vụ này bằng cách cam kết và cung ứng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao ở mức giá phải chăng qua thời gian. Marketing quan hệ xây dựng các mối quan hệ xã hội, kinh tế và kỹ thuật chặt chẽ giữa các đối tác. Marketing giúp cắt giảm chi phí và thời gian giao dịch. Trong hầu hết các kinh doanh thành công, các giao dịch dịch chuyển từ việc thương lượng mỗi giao dịch sang cách làm theo thông lệ. Kết quả cuối cùng của marketing quan hệ là xây dựng tài sản độc đáo của công ty được gọi tên là mạng lưới marketing. Mạng lưới marketing bao gồm công ty và các bên hữu quan (khách hàng, đội ngũ nhân viên, các nhà cung ứng, các nhà phân phối, các nhà bán lẻ, các hãng quảng cáo,…) mà công ty xây dựng mối quan hệ cùng có lợi với họ. Cạnh tranh ngày càng không phải giữa các công ty mà giữa các mạng lưới marketing, và phần thưởng sẽ thuộc về công ty nào xây dựng được mạng lưới tốt hơn. Nguyên tắc vận hành rất đơn giản: xây dựng mạng lưới hiệu quả các mối quan hệ với các bên hữu quan quan trọng và lợi ích sẽ xuất hiện. Kênh marketing và chuỗi cung cấp Kênh marketing Để tiếp cận với thị trường mục tiêu, các nhà làm marketing sử dụng ba loại kênh marketing. Người làm marketing sử dụng các kênh truyền thông để chuyển tải và nhận các thông điệp từ các khách hàng mục tiêu. Chúng bao gồm báo chí, tạp chí, radio, tivi, thư tín, điện thoại, bản thông báo, panô, quảng cáo di động, CDs, ghi âm và Internet. Ngoài những kênh này, truyền thông còn được chuyển tải bằng thể hiện thân thể và áo quần, trang trí cửa hàng bán lẻ, và nhiều phương tiện khác. Các nhà làm marketing sử dụng ngày càng nhiều các kênh đối thoại trực tiếp (thư điện tử và số điện thoại miễn phí) nhằm bù đắp cho các kênh truyền thông một chiều thông thường (ví dụ quảng cáo). Các nhà làm marketing sử dụng các kênh phân phối để phân phối hoặc vận chuyển các sản phẩm hữu hình hoặc dịch vụ đến người mua hoặc người sử dụng. Có các kênh phân phối vật chất và các kênh phân phối dịch vụ. Chúng bao gồm nhà kho, các phương tiện vận chuyển và nhiều kênh thương mại như nhà phân phối, nhà bán sỉ và các nhà bán lẻ. Nhà làm marketing cũng sử dụng các kênh bán hàng để tác động các giao dịch với các khách hàng tiềm năng. Kênh bán hàng bao gồm không chỉ các nhà phân phối và bán lẻ mà còn ngân hàng và các công ty bảo hiểm hỗ trợ cho giao dịch. Các nhà làm marketing rõ ràng phải đối mặt với vấn đề thiết kế bằng cách lựa chọn phối thức truyền thông, phân phối và bán hàng tốt nhất cho các cung ứng của mình. Chuỗi cung ứng Trong khi các kênh marketing kết nối người làm marketing với các khách hàng mục tiêu, chuỗi cung ứng mô tả kênh dài hơn bắt đầu từ những đối tác liên quan đến nguyên vật liệu đến linh kiện đến sản phẩm hoàn chỉnh được giao cho khách hàng cuối cùng. Chuỗi cung ứng của sản phẩm ví phụ nữ bắt đầu với da sống, công đoạn thuộc da, công đoạn cắt, sản xuất và các kênh marketing mang sản phẩm đến người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng thể hiện hệ thống cung ứng giá trị. Mỗi đối tác trong chuỗi cung ứng chỉ đảm nhiệm một vài phần trăm của toàn bộ giá trị mà chuỗi cung ứng tạo ra. Khi công ty mua lại các đối thủ cạnh tranh hoặc tích hợp phía trước hoặc phía sau, mục tiêu của nó là đảm nhiệm một phần lớn hơn giá trị của chuỗi cung ứng. Cạnh tranh và môi trường marketing Cạnh tranh Cạnh tranh bao gồm tất cả các cung ứng cạnh tranh hiện tại và tiềm năng và sản phẩm thay thế mà người mua có thể xem xét. Giả định một công ty xe hơi đang có kế hoạch mua thép cho xe hơi của mình. Nhà sản xuất xe có thể mua thép từ U.S. Steel hoặc các nhà máy thép khác ở Mỹ hoặc ở nước ngoài, hoặc đến các nhà máy nhỏ như Nucor để mua thép với giá tiết kiệm, hoặc mua nhôm cho một vài bộ phận của xe để giảm trọng lượng của xe hơi, hoặc mua các loại nhựa công nghiệp cho bộ phận chống va đập thay vì thép. Rõ ràng U.S. Steel có thể suy nghĩ quá hạn hẹp về các đối thủ cạnh tranh nếu nó chỉ nghĩ đến các công ty thép. Thật vậy, U.S. Steel có thể bị tấn công trong dài hạn nhiều hơn bởi các sản phẩm thay thế so với các đối thủ là các công ty thép trực tiếp. U.S. Steel cũng phải xem xét có nên sản xuất các nguyên liệu thay thế hoặc vẫn gắn bó với những ứng dụng mà ở đó thép cung cấp năng lực cao hơn. Như vậy, có thể phân biệt bốn cấp độ cạnh tranh dựa trên mức độ thay thế của sản phẩm: Cạnh tranh nhãn hiệu: công ty xem các đối thủ cạnh tranh của mình là những công ty cung cấp cùng sản phẩm và dịch vụ giống mình đến cùng các đối tượng khách hàng ở cùng mức giá. Wolkswagen sẽ xem các đối thủ cạnh tranh quan trọng là Toyota, Honda, Renault và những nhà sản xuất xe hơi giá trung bình khác. Nó sẽ không tự xem mình là đối thủ cạnh tranh với Mercedes hoặc với Hyundai. Cạnh tranh ngành: công ty sẽ xem các đối thủ cạnh tranh của mình là những công ty sản xuất cùng một sản phẩm hoặc một lớp sản phẩm. Woldswagen sẽ xem mình là cạnh tranh với tất cả các nhà sản xuất xe hơi khác. Cạnh tranh về hình thức sản phẩm: công ty sẽ xem các đối thủ cạnh tranh của mình là tất cả các công ty sản xuất những sản phẩm cùng cung ứng một dịch vụ cho khách hàng. Wolkswagen sẽ xem mình là đối thủ cạnh tranh với không chỉ những nhà sản xuất xe hơi mà còn với các nhà sản xuất xe gắn máy, xe đạp và xe tải. Cạnh tranh chung: công ty sẽ xem các đối thủ cạnh tranh của mình là tất cả những công ty cạnh tranh vì túi tiền của cùng đối tượng khách hàng. Wolkswagen sẽ xem mình là đối thủ cạnh tranh với các công ty bán những sản phẩm tiêu dùng bền quan trọng, các dịch vụ du lịch nước ngoài và nhà mới. Môi trường marketing Cạnh tranh chỉ là một lực lượng của môi trường trong đó các nhà làm marketing vận hành. Môi trường marketing bao gồm môi trường tác nghiệp (môi trường vi mô) và môi trường rộng hơn (môi trường vĩ mô). Môi trường tác nghiệp bao gồm các nhân tố trực tiếp liên quan đến việc sản xuất, phân phối và cổ động cho các cung ứng. Các nhân tố quan trọng trong môi trường này bao gồm công ty, các nhà cung ứng, các nhà phân phối, các tổ chức môi giới và khách hàng mục tiêu. Gộp trong nhóm các nhà cung ứng là các nhà cung ứng nguyên vật liệu và các nhà cung ứng các dịch vụ như các hãng nghiên cứu marketing, các hãng quảng cáo, ngân hàng và các công ty bảo hiểm, các công ty vận chuyển và viễn thông. Gộp chung trong nhóm các nhà phân phối và môi giới là các hãng, các nhà môi giới, các đại diện của công ty và những đối tác khác hỗ trợ cho việc tìm kiếm và bán hàng đến khách hàng. Môi trường vĩ mô bao gồm các nhân tố: môi trường nhân khẩu học, môi trường kinh tế, môi trường tự nhiên, môi trường công nghệ, môi trường pháp luật-chính trị và môi trường văn hóa xã hội. Môi trường này bao gồm những lực lượng có tác động quan trọng lên các nhân tố trong môi trường tác nghiệp (môi trường vi mô). Các công ty kinh doanh phải quan tâm đến các xu hướng và sự phát triển trong những môi trường này và có những điều chỉnh định kỳ chiến lược marketing của mình. Phối thức marketing Những người làm marketing sử dụng nhiều công cụ nhằm khơi dậy những đáp ứng mong muốn từ các khách hàng mục tiêu. Những công cụ này hình thành phối thức marketing. Phối thức marketing (hay Marketing mix) là tập hợp các công cụ marketing mà công ty sử dụng để theo đuổi các mục tiêu marketing của mình trên thị trường mục tiêu. McCarthy E. Jerome McCarthy, Basic Marketing: A Managerial Approach, 12th ed. Home-wood, IL: Irwin, 1996. xếp những công cụ này vào bốn nhóm được gọi là 4P của marketing là sản phẩm, giá, phân phối và truyền thông cổ động. Các công cụ marketing cụ thể của mỗi P được thể hiện trong hình 1.2. Các quyết định của phối thức marketing phải được thực hiện nhằm tác động lên các kênh thương mại cũng như lên các khách hàng cuối cùng. Hình 1.2: 4 P của phối thức marketing Thị trường mục tiêu Phối thức marketing Sản phẩm Sự đa dạng Chất lượng Thiết kế Đặc tính Nhãn hiệu Bao bì Kích cỡ Dịch vụ Bảo hành Giá Giá niêm yết Chiết khấu Bớt giá Kỳ hạn trả tiền Điều khoản tín dụng TTCĐ Khuyến mãi Quảng cáo Lực lượng bán Quan hệ công chúng Marketing trực tiếp Phân phối Kênh Độ phủ Xếp hàng hóa Địa điểm Tồn kho Vận tải Ngoài cách tiếp cận 4P như trên, hình 1.3 cung cấp cho chúng ta một cách tiếp cận mới về phối thức marketing, với cách tiếp cận này một công ty kinh doanh sẽ chuẩn bị phối thức cung ứng của mình bao gồm sản phẩm, dịch vụ và giá và sử dụng phối thức truyền thông cổ động như khuyến mãi bán hàng, quảng cáo, lực lượng bán, quan hệ công chúng và marketing trực tiếp để tiếp cận với các kênh thương mại và các khách hàng mục tiêu. Đặc biệt, công ty có thể thay đổi giá, qui mô lực lượng bán và chi tiêu cho quảng cáo trong ngắn hạn, nhưng chỉ có thể phát triển sản phẩm mới và thay đổi các kênh phân phối trong dài hạn. Hình 1.3: Chiến lược phối thức marketing Công ty Sản phẩm Giá Dịch vụ Khuyến mãi Marketing trực tiếp Quan hệ công chúng Lực lượng bán Quảng cáo Kênh phân phối Khách hàng mục tiêu Cần lưu ý rằng với cả hai cách tiếp cận trên, bốn công cụ của phối thức marketing thể hiện cái nhìn từ phía người bán đối với các công cụ marketing nhằm tác động lên người mua. Từ quan điểm của người mua, mỗi công cụ marketing được thiết kế nhằm cung ứng lợi ích cho khách hàng. Robert Lauterborn Robert Lauterborn, New Marketing Litany: 4P’s Passe; C-Words Take Over, Advertising Age, October 1, 1990, p.26. gợi ý bốn P của người bán tương ứng với 4C của người mua. 4 Ps 4 Cs Sản phẩm Giải pháp cho khách hàng Giá Chi phí của khách hàng Phân phối Sự tiện lợi (convenience) TTCĐ Truyền thông (communication) Những công ty thành công sẽ là những công ty có thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng một cách kinh tế và tiện lợi và với các công cụ truyền thông hiệu quả. Rõ ràng đến đây chúng ta nhận thức được một vấn đề quan trọng là marketing cần đến những mô hình tiếp cận phối hợp một cách rõ ràng và xác đáng hơn với môi trường quản trị hiện đại, với lập luận cốt lõi về marketing: định hướng khách hàng và việc cung ứng giá trị phải chiếm vị trí trung tâm trong công ty nếu công ty muốn tối đa hóa giá trị trong dài hạn cho những người sở hữu nó, những bên liên quan khác và đặc biệt các đối tác trong tiến trình cung ứng giá trị. Vì vậy, để đưa ra một cách tiếp cận đúng đắn và phù hợp cho lĩnh vực marketing kinh doanh, cần thiết phải tích hợp một cách hài hòa marketing chiến lược vào quản trị marketing. QUẢN TRỊ MARKETING: NỀN TẢNG VÀ CÁC TRIỂT LÝ Chúng ta định nghĩa quản trị marketing như một nghệ thuật và khoa học trong việc lựa chọn các thị trường mục tiêu và xây dựng mối quan hệ sinh lợi với chúng. Điều đó có nghĩa quản trị marketing là tiến trình tìm kiếm, duy trì và gia tăng số lượng khách hàng thông qua việc sáng tạo ra, cung ứng và truyền thông những giá trị vượt trội cho khách hàng. Do vậy, quản trị marketing là quản trị nhu cầu và là quản trị quan hệ khách hàng. Quản trị khách hàng và quản trị nhu cầu Một số người nghĩ về quản trị marketing đơn thuần là tìm đủ số khách hàng cho hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng quan điểm này quá hạn chế. Quản trị marketing không chỉ quan tâm đến việc phục vụ tất cả khách hàng bằng mọi cách, người làm marketing mong muốn phục vụ những khách hàng chọn lọc một cách tốt nhất và có lợi nhất. Mỗi tổ chức có một mức nhu cầu mong muốn cho sản phẩm của mình làm ra. Tuy nhiên, trong thực tế, tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể xảy ra trường hợp không có nhu cầu, có đủ nhu cầu, có nhu cầu nhưng không đều hoặc quá nhiều nhu cầu. Quản trị marketing phải tìm những cách thức để xử lý những tình trạng nhu cầu khác nhau này. Có thể có trường hợp không chỉ tìm và làm tăng nhu cầu mà còn là thay đổi hoặc thậm chí giảm nhu cầu. Chẳng hạn, Golden Gate Bridge đôi khi phải tải một lượng lưu thông quá lớn đến mức không an toàn và Công viên quốc gia Yosemite đã quá tải trong mùa hè. Những người có trách nhiệm ở những địa điểm này phải tìm cách giảm số lượng nhu cầu đối với những dịch vụ này nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp lớn đôi khi khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu trong những giai đoạn đỉnh cao. Trong những tình huống nhu cầu quá tải thì de-marketing có thể phải được sử dụng để giảm số lượng khách hàng hoặc để thay đổi nhu cầu một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn. Do vậy, quản trị marketing tìm cách tác động đến loại khách hàng phục vụ cũng như mức độ, thời điểm và bản chất của nhu cầu của khách hàng theo cách giúp tổ chức đạt được các mục tiêu của mình. Một cách đơn giản, có thể nói quản trị marketing là quản trị khách hàng và quản trị nhu cầu. Các triết lý quản trị marketing Cốt lõi của quản trị marketing là định hướng vào khách hàng và cụ thể hơn là tạo ra giá trị cho khách hàng. Chúng ta thống nhất rằng quản trị marketing là nhằm tạo ra những mối quan hệ có lợi với các khách hàng mục tiêu. Vậy những triết lý nào dẫn dắt các nỗ lực marketing của các doanh nghiệp? Nên cân nhắc như thế nào để phân chia tầm quan trọng cho các lợi ích của tổ chức, khách hàng và xã hội? Thường thì những lợi ích này mâu thuẫn với nhau và cần có một triết lý, một quan điểm định hướng. Triết lý sản xuất Triết lý này cho rằng khách hàng sẽ yêu thích những sản phẩm sẵn có và có đủ khả năng. Do vậy, việc quản trị phải tập trung vào việc cải thiện tính hiệu quả của sản xuất và phân phối. Triết lý này là một trong những định hướng xuất hiện sớm nhất. Quan điểm sản xuất vẫn còn là một quan điểm hữu ích trong hai trường hợp đặc trưng: 1) khi nhu cầu về sản phẩm vượt quá khả năng cung ứng, và quản trị nên tìm cách tăng cường sản xuất; 2) khi chi phí của sản phẩm là quá cao và năng suất sản xuất được cải thiện là yếu tố cần thiết để cắt giảm chi phí. Chẳng hạn, quan niệm của Henry Ford là thực hiện hoàn hảo việc sản xuất Model T, vì thế chi phí của nó có thể giảm và nhiều người có thể mua xe hơi của công ty. Mặc dầu hữu ích trong một số trường hợp, triết lý sản xuất có thể dẫn đến sự thiển cận về marketing. Các doanh nghiệp tiếp nhận triết lý này sẽ mắc một rủi ro lớn trong việc tập trung quá hạn hẹp vào sự vận hành của chính mình và mất đi tầm nhìn về những mục tiêu thật sự là thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Triết lý sản phẩm cho rằng khách hàng sẽ yêu thích những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, mạnh nhất và có những đặc tính đổi mới nhất. Do vậy, tổ chức nên dồn năng lực vào những cải tiến sản phẩm một cách liên tục. Một số nhà sản xuất tin rằng nếu họ làm ra một cái bẫy chuột tốt nhất thế giới, cả thế giới sẽ tìm đến họ để mua bẫy chuột. Nhưng họ đã sai lầm. Người mua có thể tìm kiếm một giải pháp tốt hơn để diệt chuột chứ không nhất thiết là một cái bẫy chuột tốt nhất. Giải pháp có thể là thuốc diệt chuột hoặc một cái gì khác hiệu quả hơn một cái bẫy chuột. Hơn nữa, một cái bẫy chuột tốt hơn sẽ không bán được cho đến khi việc thiết kế, bao gói và định giá nó được cung ứng một cách hấp dẫn, được đưa vào kênh phân phối thuận tiện, thu hút sự quan tâm của những khách hàng có nhu cầu và thuyết phục họ rằng nó là sản phẩm tốt hơn. Vì thế, triết lý sản phẩm cũng có thể dẫn đến chứng thiển cận marketing. Kodak đã cho rằng khách hàng mong muốn máy chụp hình cơ hơn là cách thức ghi hình ảnh và do vậy xem thường thách thức của máy ảnh kỹ thuật số. Mặc dầu hiện nay nó dẫn dầu thị trường máy ảnh kỹ thuật số về doanh số, nhưng nó vẫn chưa thu được lợi nhuận thích đáng từ việc kinh doanh này. Triết lý bán hàng cho rằng khách hàng sẽ không mua hàng hóa nếu như công ty không bán hàng với qui mô lớn và các nỗ lực khuyến mãi. Quan điểm này đặc biệt được thực hiện với những sản phẩm có nhu cầu thụ động, là những sản phẩm mà người mua thường không nghĩ đến việc mua, như sản phẩm bảo hiểm hoặc hiến máu. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện triết lý này khi họ đối mặt với sự dư thừa năng lực sản xuất. Mục đích là nhằm bán những gì mà họ làm ra hơn là sản xuất những gì mà thị trường mong muốn. Marketing theo kiểu này rất mạo hiểm. Nó tập trung vào việc tăng cường giao dịch bán hàng hơn là xây dựng các mối quan hệ khách hàng có lợi và dài hạn. Họ cho rằng khách hàng khi bị dụ dỗ sẽ thích mua sản phẩm. Hoặc, nếu họ không thích sản phẩm, họ có thể sẽ quên sự thất vọng của mình và sẽ mua lại. Tuy nhiên, sự thật không phải thế, theo nghiên cứu thì cứ một khách hàng hài lòng sẽ nói lại với ba người khác về kinh nghiệm tốt của mình, trong khi đó trung bình cứ 1 khách hàng không hài lòng sẽ nói với 10 người khác về kinh nghiệm tồi tệ của họ. Triết lý marketing cho rằng việc hoàn thành các mục tiêu của tổ chức phụ thuộc vào sự hiểu biết nhu cầu, mong muốn của thị trường mục tiêu và cung ứng sự hài lòng theo mong muốn của khách hàng tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. Với quan điểm marketing, tập trung vào khách hàng và giá trị dành cho khách hàng là con đường để đạt được lợi nhuận và doanh số. Khác với quan điểm sản xuất và bán hàng chú trọng vào sản phẩm, quan điểm marketing là một triết lý cảm nhận và đáp ứng hướng vào khách hàng. Nó xem marketing không chỉ “gặt hái” mà còn là “nuôi dưỡng” nhu cầu. Công việc của marketing không chỉ tìm đúng khách hàng cho sản phẩm của mình mà còn cung ứng đúng sản phẩm cho khách hàng. Như lời của một người làm marketing trực tiếp Lester Wunderman “Thánh ca trong thời đại công nghiệp của các nhà sản xuất là: Tôi làm ra những sản phẩm này đây, bạn có vui lòng mua nó không? Trong khi đó, ở thời đại thông tin, các khách hàng lại hỏi: Tôi muốn những thứ này, có ai làm ra chúng không?” Trong hình 1.4 chúng ta so sánh triết lý bán hàng và triết lý marketing. Triết lý bán hàng lấy tầm nhìn từ trong ra ngoài. Nó bắt đầu với xí nghiệp sản xuất, chú trọng vào những sản phẩm hiện có của công ty và kêu gọi để bán được nhiều hàng và cổ động để đạt được doanh số bán có lãi. Nó tập trung chủ yếu vào việc chinh phục khách hàng, đạt được doanh số trong ngắn hạn mà ít quan tâm đến ai là người mua và tại sao họ mua sản phẩm. Ngược lại, triết lý marketing có một tầm nhìn từ ngoài vào trong. Như Herb Kellerher, một Tổng giám đốc điều hành của Southwest Airlines đã nói : “Chúng tôi không có bộ phận marketing mà chúng tôi có Bộ phận khách hàng” Triết lý marketing bắt đầu với thị trường được xác định rõ, tập trung vào nhu cầu khách hàng và tích hợp tất cả các hoạt động marketing tác động đến khách hàng. Ngược lại, nó sẽ đem lại lợi nhuận bằng cách tạo ra mối quan hệ khách hàng trong dài hạn dựa trên giá trị và sự hài lòng cho khách hàng. Hình 1.4 : Các nhân tố của giá trị cung ứng cho khách hàng Điểm khởi đầu Trọng tâm Công cụ Điểm kết thúc Nhà máy Sản phẩm Bán hàng và cổ động Lợi nhuận thông qua qui mô doanh thu (a) Triết lý bán hàng Thị trường mục tiêu Nhu cầu khách hàng Marketing tích hợp Lợi nhuận thông qua sự thỏa mãn của khách hàng (b) Triết lý marketing Có bốn khái niệm cốt lõi của triết lý marketing là thị trường mục tiêu, nhu cầu khách hàng, marketing tích hợp và tính sinh lợi. Thị trường mục tiêu Công ty sẽ làm marketing tốt hơn khi lựa chọn thị trường mục tiêu một cách cẩn thận và chuẩn bị chương trình marketing được thiết kế cho từng phân đoạn thị trường. Ví dụ: Sau sự chú ý của các nhà làm marketing năm 1990 vào sức mua ngày càng tăng của nhóm thiểu số, người khổng lồ ngành mỹ phẩm Estee Lauder nhắm thị trường người Mỹ gốc Phi với những dòng sản phẩm được thiết kế cho khách hàng có da đậm màu. Và vào mùa thu 1992, cơ sở của Estee Lauder, Prescriptives, đưa ra dòng sản phẩm “cho tất cả loại da” cung ứng 115 gam màu khác nhau. Giám đốc điều hành bộ phận marketing sáng tạo tại Prescriptives tin rằng “All skins” sẽ tăng 45% doanh thu khi dòng sản phẩm mới được đưa ra. Nhu cầu của khách hàng Công ty có thể xác định thị trường mục tiêu nhưng thất bại trong việc hiểu nhu cầu của khách hàng. Xem xét ví dụ sau: Một công ty hóa học lớn phát minh ra một loại chất mới làm cứng các vật liệu giống đá cẩm thạch. Xem xét một ứng dụng của vật liệu mới này, bộ phận marketing quyết định nhắm mục tiêu vào thị trường bồn tắm. Công ty tạo ra một số kiểu bồn tắm và trưng bày chúng ở triển lãm thương mại. Họ hy vọng thuyết phục các nhà sản xuất bồn tắm với loại vật liệu mới này. Và mặc dù các nhà sản xuất bồn tắm nghĩ rằng bồn tắm với chất liệu mới rất hấp dẫn, nhưng sản phẩm mới này không đem lại dấu ấn đặc biệt trên thị trường. Lý do nhanh chóng được làm rõ. Bồn tắm mới được định giá ở mức 2000$ trong khi các loại bồn tắm khác có giá khoảng 500$. Với mức giá cao hơn, người tiêu dùng có thể mua bồn tắm được làm từ đá cẩm thạch thật hoặc inoc. Ngoài ra, bồn tắm quá nặng nên người sử dụng buộc phải gia cố lại nhà của họ. Hiểu được nhu cầu và mong muốn của khách hàng không phải luôn đơn giản. Một số người tiêu dùng cần những thứ mà họ không hoàn toàn ý thức được. Hoặc họ không thể điều phối những nhu cầu này. Hoặc họ sử dụng những từ ngữ không rõ nghĩa và cần có một sự thuyết minh mới có thể hiểu đúng. Chẳng hạn, nên hiểu như thế nào khi khách hàng tìm kiếm một “chiếc xe không quá đắt”, một “máy xén cỏ mạnh”, một “máy tiện nhanh”, một bộ đồ tắm “hấp dẫn” hoặc một phòng khách sạn “thư giãn”? Chúng ta hãy cùng xem xét ví dụ khách hàng nói anh ta muốn một chiếc xe hơi rẻ tiền. Người làm marketing phải thăm dò nhiều hơn để có thể hiểu đúng những gì anh ta mong muốn. Chúng ta có thể phân biệt năm loại nhu cầu khác nhau: Nhu cầu nói ra (khách hàng cần một chiếc xe rẻ tiền) Nhu cầu thật sự (khách hàng muốn một chiến xe mà tổng chi phí vận hành, chứ không phải giá bán ban đầu là thấp) Nhu cầu không được nói ra (khách hàng kỳ vọng dịch vụ tốt từ người bán) Nhu cầu được thích thú (khách hàng muốn người bán tặng quà là bản đồ về hệ thống đường bộ của nước Mỹ) Nhu cầu bí mật (khách hàng muốn được bạn bè nhìn nhận là một người tiêu dùng khôn ngoan, hiểu biết). Chỉ đáp ứng nhu cầu nói ra của khách hàng có thể lừa bịp khách hàng. Hãy xem một ví dụ khác, người phụ nữ bước vào một cửa hàng bán dụng cụ dùng trong nhà và hỏi tìm mua một loại keo dán để bịt kín kính cửa sổ bị hở vào mùa đông. Khách hàng này đang nói đến một giải pháp, không phải là một nhu cầu. Người bán hàng có thể gợi ý rằng băng dán sẽ là một giải pháp tốt hơn. Trong trường hợp này, khách hàng có thể coi trọng cách nhân viên bán hàng đáp ứng được nhu cầu của mình, chứ không phải bản thân giải pháp. Khái niệm nhu cầu giúp phân biệt giữa ba cấp độ làm marketing: marketing đáp ứng, marketing hơn mong đợi và marketing sáng tạo. Người làm marketing đáp ứng tìm nhu cầu được nói ra và đáp ứng nó. Người làm marketing hơn mong đợi nhìn trước những gì khách hàng có thể mong muốn trong tương lai gần. Người làm marketing sáng tạo khám phá và sản xuất ra giải pháp mà khách hàng không hỏi nhưng họ lại tiếp nhận rất nồng nhiệt. Hamel và Prahalad tin rằng các công ty phải đi xa hơn việc chỉ đơn thuần hỏi khách hàng muốn gì. Sony đơn giản là người làm marketing sáng tạo vì nó đưa ra nhiều sản phẩm mới thành công mà khách hàng không bao giờ hỏi hoặc thậm chí nghĩ rằng có thể: Walkman, VCR, máy quay phim, CD và v.v.… Sony theo đuổi marketing sáng tạo, dẫn dắt khách hàng. Đây thật sự là một công ty dẫn dắt thị trường, không chỉ là công ty định hướng theo thị trường. Akio Morita, người sáng lập của Sony, tuyên bố rằng ông không phục vụ thị trường, ông tạo ra thị trường. Tại sao việc thỏa mãn thị trường lại vô cùng quan trọng như vậy? Câu trả lời là vì doanh thu của công ty đến từ hai nhóm: khách hàng mới và khách hàng mua lại. Ai đó đánh giá rằng thu hút một khách hàng mới có thể tốn chi phí gấp năm lần so với việc thỏa mãn khách hàng hiện tại và có thể tốn 16 lần để thu được từ khách hàng mới mức lợi nhuận như từ khách hàng cũ. Do vậy, làm cho khách hàng trung thành còn quan trọng hơn thu hút khách hàng và rõ ràng chúng ta chỉ có thể làm cho khách hàng trung thành bằng cách thỏa mãn họ trên cơ sở hiểu biết nhu cầu của họ, và đây cũng chính là mục đích cốt lõi của marketing. Marketing tích hợp Khi tất cả các bộ phận của công ty cùng làm việc với nhau để phục vụ mối quan tâm của khách hàng, kết quả sẽ tạo ra marketing tích hợp. Thật không may, không phải tất cả nhân viên được huấn luyện và kích thích làm việc vì khách hàng. Một kỹ sư ở bộ phận kỹ thuật than phiền rằng nhân viên bán hàng luôn “bảo vệ khách hàng và không nghĩ đến quyền lợi của công ty”. Anh ta tiếp tục than phiền những khách hàng vì “đòi hỏi quá nhiều”. Ví dụ sau đây làm rõ hơn vấn đề phối hợp giữa các bộ phận: Phó giám đốc marketing của một hãng hàng không Châu Âu muốn tăng thị phần. Chiến lược của ông là tạo ra sự thỏa mãn cho khách hàng thông qua việc cung cấp thực phẩm ngon hơn, không gian chỗ ngồi trên máy bay sạch sẽ hơn, đội ngũ phục vụ được đào tạo tốt hơn, và giá vé rẻ hơn. Tuy nhiên ông ta không có quyền trong vấn đề này. Bộ phận cung cấp thực phẩm chọn thực phẩm giúp làm giảm chi phí thực phẩm; bộ phận bảo dưỡng sử dụng dịch vụ dọn dẹp để tiết kiệm chi phí lau chùi; bộ phận nguồn nhân lực tuyển chọn nhân viên không quan tâm nhiều đến việc họ có tư chất nhiệt tình thân ái hay không; bộ phận tài chính định mức phí. Vì những bộ phận này nhìn chung đứng từ quan điểm sản xuất hoặc chi phí, phó giám đốc marketing buộc phải tạo ra phối thức marketing tích hợp. Marketing tích hợp diễn ra ở hai cấp độ. Trước hết là các chức năng marketing khác nhau – bán hàng, quảng cáo, dịch vụ khách hàng, quản trị sản phẩm, nghiên cứu marketing – phải cùng làm việc với nhau. Lực lượng bán hàng rất hay nghĩ rằng các nhà quản trị sản phẩm định mức giá hoặc hạn mức doanh thu quá cao, hoặc giám đốc quảng cáo và giám đốc nhãn hiệu không thể đồng ý về chiến dịch quảng cáo. Do vậy, tất cả những chức năng marketing này phải được điều phối từ quan điểm của khách hàng. Thứ hai, marketing phải được các bộ phận khác đi theo, họ cũng phải “nghĩ cho khách hàng”. Theo David Packard của HP: “Marketing quá quan trọng để chỉ trao trọng trách đó cho bộ phận marketing”. Xerox tiến rất xa khi gộp vào trong mỗi bản mô tả công việc một phần giải thích công việc này tác động như thế nào đến khách hàng. Các nhà quản trị phân xưởng của Xerox biết rằng việc thăm quan phân xưởng có thể giúp việc bán hàng cho khách nếu nhà xưởng sạch sẽ và hiệu quả. Bộ phận kế toán của Xerox cũng biết rằng thái độ của khách hàng chịu sự tác động của tính chính xác của các hóa đơn và sự mau mắn của việc gọi lại cho khách hàng sau khi họ yêu cầu. Để cổ động cho tinh thần làm việc nhóm giữa tất cả các bộ phận, công ty chăm lo công tác marketing nội bộ cũng như marketing bên ngoài. Marketing bên ngoài là marketing hướng đến các cá nhân bên ngoài tổ chức. Marketing nội bộ là công việc tuyển dụng, đào tạo và cổ động các nhân viên để họ muốn phục vụ khách hàng tốt. Thật vậy, marketing nội bộ phải đi trước marketing bên ngoài. Sẽ không có ý nghĩa gì khi hứa hẹn dịch vụ tuyệt hảo trước khi đội ngũ nhân viên của công ty sẵn sàng cung cấp dịch vụ đó. Tính sinh lợi Mục tiêu cuối cùng của triết lý marketing là giúp tổ chức đạt được các mục tiêu của mình. Trong trường hợp các công ty tư nhân, mục tiêu quan trọng là lợi nhuận, trong trường hợp phi lợi nhuận và các tổ chức công cộng, tổ chức phải tồn tại và thu hút đủ nguồn vốn để thực hiện các công việc hữu ích. Các công ty không nên hướng đến lợi nhuận bằng mọi cách mà là đạt lợi nhuận bằng cách sáng tạo và cung ứng những giá trị vượt trội cho khách hàng. Công ty làm ra lợi nhuận bằng cách thỏa mãn nhu cầu khách hàng tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. Đến đây chúng ta đã tiếp xúc với các quan điểm làm marketing khác nhau và rõ ràng trong môi trường marketing hiện đại quan điểm marketing là quan điểm phổ biến nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng không phải tổ chức kinh doanh nào cũng thực hiện được quan điểm marketing. Thật vậy, có bao nhiêu công ty hiện tại thực hiện được quan điểm marketing? Không may là có quá ít. Chỉ có một nhóm công ty được xem là những nhà làm marketing chuyên nghiệp: Procter&Gamble, Disney, Nordstrom, Wal-Mart, Milliken&Company, McDonald’s, Marriot Hotels, American Airlines và một số công ty Nhật (Sony, Toyota, Canon) và các công ty Âu Châu (IKEA, Club Med, Bang&Olufsen, Electrolux, Nokia, ABB, Lego, Marks&Spencer). Những công ty này tập trung vào khách hàng và được tổ chức để đáp ứng một cách hiệu quả nhu cầu thay đổi của khách hàng. Họ đều có bộ phận marketing có đội ngũ nhân viên mạnh và các bộ phận khác – sản xuất, tài chính, R&D, nhân sự, mua hàng – cũng tiếp nhận quan điểm khách hàng là thượng đế. Có nhiều doanh nghiệp tuyên bố là thực hiện triết lý marketing nhưng lại không làm. Thực hiện triết lý marketing thường yêu cầu nhiều hơn việc đáp ứng một cách đơn giản nhu cầu và mong muốn rõ ràng của khách hàng. Ở đây chúng ta cần phân biệt hai cách tiếp cận làm marketing theo quan điểm marketing là marketing định hướng vào khách hàng (thị trường) và marketing định hướng khách hàng (thị trường). Các doanh nghiệp định hướng vào khách hàng nghiên cứu khách hàng một cách sâu sắc để hiểu mong muốn của họ, thu thập những ý tưởng dịch vụ và sản phẩm mới, và kiểm nghiệm những cải tiến sản phẩm. Marketing định hướng vào khách hàng thường vận hành tốt khi nhu cầu rõ ràng và khi khách hàng biết họ muốn cái gì. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, khách hàng không biết họ muốn gì hoặc thậm chí cái gì là có thể. Chẳng hạn, 20 năm trước, thử hỏi có bao nhiêu khách hàng dám nghĩ đến việc hỏi mua điện thoại di động, máy fax, máy copy, tài khoản internet, đầu DVD, mạng vệ tinh... Những tình huống như vậy cần tới marketing định hướng khách hàng, để hiểu nhu cầu khách hàng thậm chí tốt hơn họ tự hiểu về mình và tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có thể đáp ứng những nhu cầu tiềm năng và hiện tại, bây giờ và trong tương lai của khách hàng. “Khách hàng không tin tưởng khi tiếp cận với những giải pháp”, Tổng giám đốc điều hành của một doanh nghiệp đã phát biểu như vậy, “họ không chuyên nghiệp đủ để làm điều đó... Hơn nữa, khách hàng chỉ nên được hỏi những gì mà họ mong đợi từ sản phẩm hoặc dịch vụ mới mang lại cho họ”. Như quan điểm của lãnh đạo của của Sony, Akio Morita : “Kế hoạch của chúng tôi là thuyết phục công chúng với những sản phẩm mới hơn là hỏi họ loại sản phẩm nào mà họ mong muốn. Khách hàng không biết cái gì là có thể, nhưng chúng tôi biết”. Và như nhà lãnh đạo điều hành của 3M: “Mục tiêu của chúng tôi là hướng khách hàng đi về đâu trước khi họ biết họ muốn đi đâu”. Triết lý marketing xã hội cho rằng tổ chức nên xác định nhu cầu, mong muốn và sự quan tâm của thị trường mục tiêu. Sau đó cung ứng những giá trị cao hơn cho khách hàng theo cách thức duy trì hoặc cải thiện sự tốt đẹp của xã hội và của khách hàng. Câu hỏi đặt ra là nên hay không làm marketing bỏ qua những mâu thuẫn có thể có giữa mong muốn ngắn hạn của khách hàng và lợi ích trong dài hạn của khách hàng. Liệu rằng các doanh nghiệp có khả năng cảm nhận, phục vụ và thỏa mãn những mong muốn ngắn hạn của các cá nhân luôn mang lại những điều tốt đẹp nhất trong dài hạn cho xã hội và cho khách hàng hay không? Xem xét ngành thức ăn nhanh. Hầu hết mọi người đều thấy các đại gia trong ngành thức ăn nhanh hiện nay cung cấp thức ăn ngon, phù hợp với mức giá hợp lý. Trong khi nhiều khách hàng và các nhóm môi trường lên tiếng về nhiều vấn đề. Các chỉ trích nêu ra rằng bánh mì kẹp thịt, gà nướng, khoai tây nướng và hầu hết các loại nước uống bán ở các cửa hàng ăn nhanh đều béo và mặn. Những sản phẩm này được đóng gói trong những bao bì tiện dụng nhưng nó lại dẫn đến lãng phí và ô nhiễm. Do vậy, trong khi thõa mãn nhu cầu ngắn hạn của người tiêu dùng, các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn thành công nhưng lại có thể gây hại cho sức khỏe khách hàng và gây ra nhiều vấn đề môi trường. Triết lý marketing xã hội kêu gọi những người làm marketing cân bằng ba đối trọng cơ bản khi làm các chính sách marketing: lợi nhuận của công ty, mong muốn của khách hàng và lợi ích của xã hội. Một cách kinh điển, hầu hết các công ty đều ra quyết định marketing dựa trên lợi nhuận ngắn hạn của mình. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận ra tầm quan trọng trong dài hạn của việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng và triết lý marketing xã hội xuất hiện. Ngày nay nhiều doanh nghiệp bắt đầu nghĩ đến lợi ích xã hội khi ra các quyết định marketing. Một trong những doanh nghiệp như vậy là Johnson&Johnson, công ty này được xếp hạng mỗi năm trên báo Fortune là một trong những công ty của Mỹ được tôn trọng nhất. Mối quan tâm của J&J đối với lợi ích xã hội được tóm tắt trong tài liệu được gọi là “Cương lĩnh của chúng tôi”, nó thúc đẩy tính trung thực, tính liêm chính và đặt con người trước lợi nhuận. Với cương lĩnh này, J&J thà rằng lỗ hơn là thực hiện việc kinh doanh một sản phẩm tồi tệ. Trong trường hợp 8 người bị chết vì một loại thuốc Tylenol của J&J. Mặc dầu tin là những viên thuốc này chỉ bị biến đổi ở một vài cửa hàng chứ không phải ở xưởng sản xuất, nhưng công ty đã kiểm tra nhanh chóng tất cả sản phẩm của mình với khoản chi phí 240 triệu đôla. Nhưng trong dài hạn, việc kiểm tra mau lẹ này của Tylenol đã tăng cường sự tin cậy và sự trung thành của khách hàng và nó vẫn là một nhãn hiệu hàng đầu cả nước sau sự cố. Trong trường hợp này và những trường hợp khác, ban quản trị của J&J luôn tìm ra những điều mang lại lợi ích đúng đắn cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp. Một giám đốc điều hành của J&J đã nói: “Bản cương lĩnh của công ty không nên được xem như một chương trình phúc lợi xã hội..., nó chỉ là việc kinh doanh tốt. Nếu chúng tôi cố gắng làm những gì là đúng, thì chúng tôi tin rằng cuối cùng thị trường sẽ tưởng thưởng cho chúng tôi”. Do vậy, qua thời gian, sự cống hiến của J&J cho khách hàng và dịch vụ công đồng đã làm cho nó trở thành một trong những công ty được tôn trọng nhất nước Mỹ và cũng là một trong những công ty sinh lợi cao nhất. TIẾN TRÌNH QUẢN TRỊ MARKETING, TIẾN TRÌNH SÁNG TẠO VÀ PHÂN PHỐI GIÁ TRỊ Tiến trình quản trị marketing vẫn được tiếp cận theo tiến trình quản trị truyền thống, tuy nhiên, với sự thay đổi to lớn của quan điểm marketing định hướng thị trường, chúng ta còn có thể tiếp cận tiến trình quản trị marketing như một tiến trình quản trị quá trình sáng tạo và phân phối các giá trị cho khách hàng. Trong phần này chúng ta sẽ lần lượt xem xét hai cách tiếp cận này. Tiến trình quản trị nỗ lực marketing 1) Phân tích marketing Quản trị chức năng marketing bắt đầu với sự phân tích thấu đáo bối cảnh của công ty. Công ty phải phân tích thị trường và môi trường marketing nhằm tìm ra những cơ hội hấp dẫn và tránh những đe dọa từ môi trường. Công ty cũng phải phân tích các sức mạnh và điểm yếu của mình cũng như các hoạt động marketing hiện tại và tương lai nhằm xác định những cơ hội nào cần theo đuổi. Phân tích marketing cung cấp đầu vào cho mỗi hoạt động quản trị marketing khác. Hoạch định marketing Thông qua việc hoạch định chiến lược, công ty quyết định là mình muốn làm gì với mỗi đơn vị kinh doanh. Việc hoạch định marketing liên quan đến việc quyết định về chiến lược marketing sẽ giúp công ty đạt được các mục tiêu chiến lược chung. Một kế hoạch marketing chi tiết là cần thiết cho mỗi đơn vị kinh doanh, sản phẩm hoặc nhãn hiệu. Chiến lược marketing là logic marketing theo đó công ty hy vọng đạt được các mục tiêu marketing của mình. Nó bao gồm những chiến lược cụ thể cho các thị trường mục tiêu, định vị, phối thức marketing và mức độ chi tiêu marketing. Trong mỗi phần, nhà hoạch định cần giải thích mỗi chiến lược đáp ứng như thế nào với các đe dọa, cơ hội và những vấn đề quan trọng trong bản kế hoạch. Các phần khác của kế hoạch marketing vạch ra chương trình hành động trong việc thực hiện chiến lược marketing cùng với những chi tiết của ngân sách marketing. Phần cuối cùng vạch ra việc kiểm soát có thể được sử dụng để kiểm soát tiến trình và ra các quyết định điều chỉnh. Thực hiện marketing Việc hoạch định chiến lược tốt chỉ là điểm khởi đầu của marketing thành công. Một chiến lược marketing tốt hay không có ít giá trị nếu công ty không thành công khi triển khai chiến lược một cách đúng đắn. Thực hiện marketing là một tiến trình theo đó kế hoạch marketing được cụ thể hóa thành những hành động nhằm đạt được các mục tiêu marketing. Việc thực hiện liên quan đến những hoạt động hàng ngày, hàng tháng duy trì kế hoạch marketing vận hành. Trong khi việc hoạch định marketing liên quan đến câu hỏi cái gì và tại sao của các hoạt động marketing thì việc thực hiện marketing đặt ra các câu hỏi ai, ở đâu, khi nào và thế nào. Nhiều nhà quản trị nghĩ rằng “việc làm đúng” (tức là thực hiện đúng theo kế hoạch) cũng quan trọng thậm chí là quan trọng hơn là “làm một việc đúng” (lập kế hoạch chiến lược đúng) Vấn đề sẽ nằm ở cả hai yếu tố này. Tuy nhiên, công ty có thể đạt được nhiều lợi thế cạnh tranh thông qua việc thực hiện hiệu quả. Một công ty có thể có chiến lược về cơ bản như các đối thủ cạnh tranh, nhưng phải thực hiện chiến lược đó trên thị trường nhanh hơn và tốt hơn mới có thể mang lại thành công. Việc thực hiện marketing thành công phụ thuộc vào việc công ty phối hợp nhân sự của mình như thế nào, cấu trúc tổ chức, hệ thống quyết định và khen thưởng và văn hóa của công ty tích hợp vào chương trình hành động nhất quan nhằm hỗ trợ cho chiến lược của công ty. Ở tất cả các cấp độ, công ty phải có nhân sự có những kỹ năng cần thiết, có động cơ và có các đặc tính cá nhân phù hợp. Cấu trúc tổ chức chính thức đóng một vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược marketing. Cuối cùng, để triển khai thực hiện thành công, chiến lược marketing của công ty phải phù hợp với văn hóa của công ty, hệ thống giá trị và niềm tin được chia sẻ bởi những thành viên của tổ chức. Một nghiên cứu của những công ty thành công nhất ở Mỹ tìm ra rằng những công ty này có nền văn hóa được xây dựng xung quanh các sứ mệnh định hướng thị trường. Ở các công ty như Wal-Mart, Microsoft, Nordstrom, Citicorp, P&G và Walt Disney: “nhân viên chia sẻ quan điểm mạnh mẽ rằng họ biết tận trong lòng cái gì là đúng và hay cho công ty của mình”. Tổ chức các hoạt động marketing Công ty phải thiết kế tổ chức marketing để có thể thực hiện tốt nhất chiến lược marketing và các kế hoạch marketing. Nếu công ty nhỏ, một người có thể đảm nhận tất cả các khâu từ nghiên cứu, bán hàng, quảng cáo, dịch vụ khách hàng và những công việc amrketing kh

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTổng quan về sự phát triển của lý thuyết và thực tiễn marketing.doc
Tài liệu liên quan