Tài liệu Tôn giáo và những hình thức tôn giáo trong đời sống hiện đại từ cách tiếp cận xã hội học: Xã hội học, số 3(115), 2011
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
102
TÔN GIÁO VÀ NHỮNG HÌNH THỨC TÔN GIÁO
TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI TỪ CÁCH TIẾP CẬN XÃ HỘI HỌC
HOÀNG THU HƯƠNG*
Xã hội học tôn giáo xuất hiện khá sớm, có thể nói rằng nó xuất hiện ngay từ khi xã
hội học mới hình thành.Xã hội học ra đời trong bối cảnh xã hội Châu Âu đang đứng trước
những biến động sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế - xã hội, chính trị, tư
tưởng.Những biến động trên bình diện xã hội và tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn tới mối
quan tâm của các nhà xã hội học đầu tiên. Trên bình diện xã hội, cuộc cách mạng tư sản
Pháp (1789) đã đặt dấu kết thúc cho xã hội phong kiến đã thống trị ở Châu Âu suốt thời
Trung Cổ, đã giáng một cú đòn đối với truyền thống, quyền lực của nhà thờ và tư tưởng
tôn giáo. Triết học Khai sáng đã thay vị trí của tôn giáo trong việc giải thích các vấn đề về
con người và xã hội. Trong bối cảnh ra đời như vậy, các nhà xã hội học đầu tiên đều dàn...
5 trang |
Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 1099 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tôn giáo và những hình thức tôn giáo trong đời sống hiện đại từ cách tiếp cận xã hội học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xã hội học, số 3(115), 2011
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
102
TÔN GIÁO VÀ NHỮNG HÌNH THỨC TÔN GIÁO
TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI TỪ CÁCH TIẾP CẬN XÃ HỘI HỌC
HOÀNG THU HƯƠNG*
Xã hội học tôn giáo xuất hiện khá sớm, có thể nói rằng nó xuất hiện ngay từ khi xã
hội học mới hình thành.Xã hội học ra đời trong bối cảnh xã hội Châu Âu đang đứng trước
những biến động sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế - xã hội, chính trị, tư
tưởng.Những biến động trên bình diện xã hội và tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn tới mối
quan tâm của các nhà xã hội học đầu tiên. Trên bình diện xã hội, cuộc cách mạng tư sản
Pháp (1789) đã đặt dấu kết thúc cho xã hội phong kiến đã thống trị ở Châu Âu suốt thời
Trung Cổ, đã giáng một cú đòn đối với truyền thống, quyền lực của nhà thờ và tư tưởng
tôn giáo. Triết học Khai sáng đã thay vị trí của tôn giáo trong việc giải thích các vấn đề về
con người và xã hội. Trong bối cảnh ra đời như vậy, các nhà xã hội học đầu tiên đều dành
một mối quan tâm nhất định tới chủ đề tôn giáo.Trong công trình nghiên cứu nổi tiếng của
mình “Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo” (1912), Durkheim quan tâm tới vai
trò của tôn giáo với tư cách là chức năng góp phần vào sự tích hợp xã hội.Đây chính là nền
tảng cho sự xuất hiện lý thuyết chức năng về tôn giáo. Trong khi đó, Weber lại quan tâm
phân tích và so sánh những hình thức khác nhau của niềm tin tôn giáo và các tổ chức tôn
giáo, đồng thời ông cũng quan tâm tới vai trò của yếu tố tôn giáo trong sự phát triển của
tính duy lý và biến đổi xã hội. Một số tác giả khác lại xem xét khía cạnh tiêu cực của tôn
giáo đã cản trở biến đổi xã hội, chẳng hạn như Marx cho rằng "tôn giáo là thuốc phiện của
nhân dân" (K.Marx và cộng sự, 1995, t1: 570), hoặc quan tâm tìm hiểu về nguồn gốc của
tôn giáo và các giai đoạn phát triển của nó.
Vào thế kỷ XX, các nhà xã hội học tôn giáo hiện đại dành nhiều mối quan tâm đến
quá trình thế tục hóa diễn ra trong các xã hội Phương Tây, cũng như tìm hiểu về các tổ
chức tôn giáo.Tiếp đó, trong nhữngnghiên cứu về các xã hội ngoài Châu Âu đương đại,
những nghiên cứu so sánh về tôn giáo với tư cách là một thiết chế xã hội cơ bản trở thành
một mối quan tâm chính trong các phân tích xã hội học.
Trong xã hội học cho đến nay có khá nhiều định nghĩa khác nhau về tôn giáo, song
các định nghĩa tôn giáo thường được chia thành hai nhóm: định nghĩa bản thể và định
nghĩa chức năng.
Định nghĩa chức năng về tôn giáo nhằm trả lời câu hỏi tôn giáo làm gì. Lenski
(1963) định nghĩa tôn giáo “là một hệ thống tín ngưỡng về các thế lực của tự nhiên sắp đặt
số phận của con người và các hoạt động liên quan tới điều đó, được chia sẻ bởi các thành
viên trong nhóm” (trích theo Alan Aldridge, 2000:26). Theo Yinger (1970) “Tôn giáo là
một hệ thống các niềm tin và thực hành thông qua các công cụ mà qua đó một nhóm người
đấu tranh với những vấn đề cơ bản của cuộc sống con người” (trích theo Alan Aldridge,
* TS, Khoa XHH Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hoàng Thu Hương 103
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
2000: 26). Nhìn chung, cách định nghĩa theo chức năng đã xem xét tôn giáo có chức năng
bộc lộ và tạo nên các giá trị và khế ước xã hội để duy trì xã hội. Do vậy, cách định nghĩa
này bị phê phán vì quá rộng, vì với cách hiểu như vậy, bất cứ cái gì thể hiện chức năng này
đều là tôn giáo và nó khiến cho tất cả mọi người đều có niềm tin tôn giáo, cho dù người ta
có thừa nhận hay phản đối tôn giáo.
Khác với định nghĩa chức năng về tôn giáo, định nghĩa bản thể lại xem xét theo khía
cạnh tôn giáo là gì, chứ không phải tôn giáo làm gì. Sprio (1966) cho rằng tôn giáo là “Một
thể chế gồm các tương tác theo khuôn mẫu văn hoá với bản chất siêu phàm được thừa
nhận theo mô hình văn hoá” (trích theo Alan Aldridge, 2000: 26). Điểm chung của các
định nghĩa bản thể là thường nhấn mạnh tới các yếu tố như siêu nhiên, siêu kinh nghiệm,
siêu phàm. Nhóm định nghĩa này bị phê phán vì nhấn mạnh tới yếu tố niềm tin, ít đề cập
đến khía cạnh thực hành và quá tập trung vào yếu tố siêu nhiên, siêu phàm.Những quan
niệm về cái thiêng, đấng siêu nhiên thích hợp với nền văn hóa Phương Tây và không phải
lúc nào cũng phù hợp với những nền văn hóa ngoài Phương Tây. Chẳng hạn như đạo Phật
hay đạo Hindu, không tồn tại khái niệm về đấng sáng thế.
Định nghĩa của E. Durkheim về tôn giáo đã thể hiện được sự kết hợp của hai lối định
nghĩa này:
Một tôn giáo là một hệ thống có tính chất gắn bó của những niềm tin và những thực
hành liên quan đến những điều linh thiêng, nghĩa là được tách biệt, cấm đoán;
những niềm tin và thực hành gắn bó tất cả những ai gia nhập vào một cộng đồng
tinh thần, được gọi là Giáo hội.
(Nguyễn Quý Thanh (cb), 2011: 166)
Trong định nghĩa này, E.Durkheim đã chỉ ra thành tố cơ bản cấu thành nên tôn giáo
đó chính là niềm tin và nghi lễ gắn liền với cái thiêng, đồng thời chức năng của tôn giáo là
góp phần tạo nên sự cố kết xã hội.
Cho đến nay, mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tôn giáo, cả dưới góc độ
xã hội học cũng như các góc độ khác, song không định nghĩa nào được xem là hoàn hảo,
có thể bao quát toàn bộ các hình thức tôn giáo trong mọi nền văn hóa cũng như trong mọi
thời đại, đặc biệt trong xã hội đương đại. Phần dưới đây sẽ bàn luận đến các hình thức tôn
giáo trong đời sống xã hội hiện đạitheo quan điểm của một số nhà xã hội học.
Những hình thức tôn giáo trong đời sống xã hội hiện đại
Trong khoa học về tôn giáo, vấn đề phân loại tôn giáo đã được nhiều nhà khoa học
bàn tới. Đến nay có nhiều cách phân loại tôn giáo khác nhau, August Comte chia lịch sử
tôn giáo thành 3 giai đoạn: bái vật giáo, đa thần và độc thần. Các nhà khoa học theo trường
phái marxist thì phân chia tôn giáo thành 2 loại cơ bản: các tôn giáo của chế độ tiền giai
cấp (công xã thị tộc) và các tôn giáo của những xã hội có giai cấp. Đặc trưng của tôn giáo
trong xã hội có giai cấp đó là tôn giáo là cánh tay đắc lực của giai cấp thống trị, là công cụ
tư tưởng để áp bức giai cấp. Trong khi đó đặc trưng của tôn giáo trong xã hội tiền giai cấp
thường thể hiện sự bất lực của người nguyên thủy trước thế giới tự nhiên, nó phản ánh
Tôn giáo và những hình thức tôn giáo...
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
104
trình độ phát triển nhất định của nền sản xuất vật chất.
Theo Tocarev thì các cách thức phân loại tôn giáo cho đến nay, cách nào cũng có
những hạn chế nhất định, ông cho rằng "các hình thức tôn giáo riêng biệt không thể phân
bổ cả theo một dòng, không thể coi chúng như là các giai đoạn nối tiếp nhau, song rõ ràng
là trong số các hình thức tôn giáo có những hình thức phát triển hơn" (Tocarev, 1994: 56).
Tocarev đã liệt kê các tôn giáo có nguồn gốc cổ xưa nhất bao gồm : 1, tôtem giáo ; 2, bùa
bả, lễ ám hại; 3, chữa bệnh bằng phù phép; 4, lễ dục tình; 5, Ma chay. Các hình thức tôn
giáo phát triển muộn hơn và phản ánh quá trình tan rã của chế độ công xã thị tộc gồm có:
1, sự thờ cúng của bộ lạc sơ kỳ (lễ thành niên); 2, sự thờ cúng của nghề săn bắt; 3, sự thờ
cúng của thị tộc mẫu hệ đối với các vật thiêng và các thần che chở; 4, sự thờ cúng tổ tiên
trong gia đình – thị tộc phụ hệ; 5, Saman giáo; 6, Naguan giáo; 7, sùng bái hội kín; 8, sự
thờ cúng các thủ lĩnh; 9, thờ thần bộ lạc; 10, thờ thân nông.
Một số hình thức tôn giáo sơ khai như Tocarev đã liệt kê vẫn còn tồn tại cho tới ngày
nay ở trong một số bối cảnh văn hóa, xã hội nhất định. Bên cạnh đó, đối với các nhà xã hội
học tôn giáo ở Phương Tây khi tiến hành nghiên cứu các vấn đề về tôn giáo trong xã hội đã
ghi nhận nhiều hình thức tôn giáo khác nhau. Trong các tài liệu xã hội học, các hình thức
tổ chức của tôn giáo thường được đề cập đến như : Giáo hội (Church), giáo phái
(denomination), chi phái (sect), phong trào tôn giáo mới hay sự sùng bái tôn giáo (New
Age/Cult) (Richard T.Schaefer, 2003; J. Macionis, 2004; M. Hamilton, 2001). Tuy nhiên,
trong phần dưới đây, tôi sẽ giới thiệu một cách nhìn khác trong việc xem xét các hình thức
tôn giáo trong xã hội hiện đại, đó là quan điểm của Peter Beyer, một nhà xã hội học tôn
giáo đương đại người Canada.
Theo Peter Beyer (2003), các hình thức xã hội của tôn giáo và các tôn giáo trong xã
hội đương đại có thể bao gồm 4 kiểu như sau: 1, tôn giáo có tổ chức (organized religion);
2, tôn giáo bị chính trị hóa (politicized religion); 3, tôn giáo mang tính phong trào xã
hội(social movement religion) và 4, tôn giáo mang tính cá nhân/công xã.
Tôn giáo có tổ chức: Các tôn giáo có tổ chức trong xã hội hiện đại xác lập vị trí của
mình trong xã hội bằng cách tạo ra sự phân biệt giữa người theo tôn giáo và người không
theo tôn giáo, phân biệt giữa hành động xã hội của tổ chức và không phải của tổ chức, tạo
nên sự khác biệt thông qua các quy tắc đối với người theo tôn giáo, có mục đích rõ ràng
cho các hoạt động của mình. Mục đích hoạt động của các tổ chức tôn giáo như GS.Đặng
Nghiêm Vạn đã chỉ ra đó là “nhằm duy trì, phát triển và truyền bá giáo lý, tổ chức các nghi
lễ, đảm bảo sự sống còn của bản thân tôn giáo” (Đặng Nghiêm Vạn, 2001: 122).Tôn giáo
có tổ chức là loại hình tôn giáo tồn tại phổ biến trong xã hội, kể từ khi hình thành nhà
nước.Hình thức tiêu biểu nhất của tôn giáo có tổ chức chính là giáo hội, chẳng hạn như
giáo hội Thiên chúa giáo, giáo hội Phật giáo, giáo hội Tin lành,... Những hình thức như
giáo phái, chi phái, phong trào tôn giáo mới vẫn được các nhà xã hội học tôn giáo Phương
Tây xem như những dạng tổ chức tôn giáo khác nhau.
Tôn giáo bị chính trị hóa: Điểm chung nhất của hình thức này đó là nó khiến cho lập
pháp, hành pháp, tư pháp và cả quân đội của nhà nước trở thành công cụ nhằm củng cố các
Hoàng Thu Hương 105
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
giới luật cũng như các thực hành tôn giáo. Khuynh hướng này có thể mang lại một hình
thức xã hội riêng biệt của tôn giáo trong xã hội đương đại tới mức cấu trúc tôn giáo trở
thành một cánh tay của nhà nước hay nhà nước là một sự biểu hiện của tôn giáo. Hình thức
này tiêu biểu ở các quốc gia Hồi giáo như Iran hay Afghanistan. Tuy nhiên, bên cạnh hình
thức này, các nhà xã hội học nhận thấy một số các quốc gia mà hệ tư tưởng cũng như bản
sắc của nhà nước chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng tôn giáo, chẳng hạn như India, Pakistan,
Bangladesh, Zambia, Sri Lanka, Thailand, Indonesia.
Tôn giáo mang tính chất phong trào xã hội: Trong các tài liệu xã hội học hiện đại,
phong trào tôn giáo mới thường được hiểu là những tổ chức được thành lập trong một
khoảng thời gian cụ thể nhằm tìm cách phát triển tín đồ. Chẳng hạn như Pháp Luân Công,
Giáo hội Khoa học luận, Giáo hội thống nhất, Soka Gakkai ở nhiều quốc gia như Mỹ,
Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.Bên cạnh đó còn có những tôn giáo mang tính phong
trào xã hội. Peter Beyer đề cập đến hình thức này bởi ông thấy có sự khác biệt giữa tôn
giáo có tính tổ chức và tôn giáo mang tính phong trào xã hội. Phong trào xã hội mang tính
“động”, luôn có sự vận động, dịch chuyển, mặc dù cũng có sự tổ chức nhằm vận động, liên
kết người dân, tư tưởng hoặc các nguồn lực để đem đến những sự thay đổi trong xã hội
hoặc tạo ra những cái mới. Tuy nhiên, không giống như tổ chức xã hội, các phong trào xã
hội không tạo ra quá nhiều thành viên, không nhằm mục đích tái phát triển phong trào và
các phong trào xã hội thường tương đối vô định hình, thiếu hình thức rõ ràng, dựa nhiều
vào khả năng biểu trưng của không gian, thời gian hay những địa điểm và thời gian cụ thể
hơn là dựa vào những con người cụ thể. P. Beyer nhận thấy có những hình thức tôn giáo
tương tự như phong trào xã hội, chẳng hạn như Transcendental Meditation, New Age,
neopaganism (Wicca), Tai Chi, and Qi Gong. Những hình thức này mặc dù có tổ chức liên
kết thành viên, song hình thức chi phối sự tham gia lại không thường xuyên và không được
kiểm soát bởi một quyền lực hội tụ, nên thường xuyên có sự đối lập giữa cá nhân với tập
thể. Chẳng hạn như Transcendental Meditation trong những thập kỷ gần đây vận động theo
chiều hướng biến mất dần.
Các tôn giáo mang tính cá nhân/công xã: Hình thức tôn giáo này đại diện cho ranh
giới được tạo thành giữa tôn giáo được thiết chế hóa và tính tôn giáo chưa phát triển đầy đủ
thành tôn giáo. Đây là những thực hành tôn giáo địa phương, thậm chí là khu vực, song
không có một ý thức rõ ràng về hệ thống các niềm tin và thực hành với tư cách là những
hoạt động riêng biệt rõ ràng được gọi là tôn giáo.
Nói tóm lại, khái niệm tôn giáo cũng như việc phân loại các hình thức tôn giáo trong
xã hội cho đến nay cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Không một quan điểm nào có thể
bao quát toàn bộ các hiện tượng tôn giáo đã và đang diễn ra trong lịch sử, bởi lẽ đời sống
tôn giáo cũng như xã hội vốn rất phức tạp và luôn bị chi phối bởi những hoàn cảnh lịch sử
cụ thể. Những khái niệm tôn giáo cũng như cách phân loại hình thức tổ chức tôn giáo đã đề
cập đến ở trên phù hợp với đặc trưng của xã hội Phương Tây, không phải lúc nào cũng phù
hợp với đặc điểm tôn giáo ở Việt Nam.Tuy vậy, những quan điểm xã hội học tôn giáo
Phương Tây được giới thiệu trong bài viết này cũng có giá trị tham khảo nhất định đối với
những nhà nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam.
Tôn giáo và những hình thức tôn giáo...
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
106
Tài liệu trích dẫn
Alan Aldrigde. 2000. Religion in the Contemporary World: A Sociological Introduction.
Polite Pressin association with Blackwell Publishers Ltd, UK and USA.
Đặng Nghiêm Vạn. 2001. Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam. NXB
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
John J. Macionis. 2004. Xã hội học. NXB Thống kê, Hà Nội.
K.Marx, F. Engels. 1995. Toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
Malcolm Hamilton. 2001. The Sociology of Religion: Theoretical and comparative
perspecives, Routledge, USA and Canada.
Nguyễn Quý Thanh (Chủ biên). 2011. Một số quan điểm xã hội học của E. Durkheim.
NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Peter Beyer. 2003. Social Forms of Religion and Religions in Contemporary Global
Society. Trong sách: Handbook of the Sociology of Religion, Editor: M. Dillon,
Cambridge University Press. Pp. 45-60
Richard T. Schaefer. 2005. Xã hội học. NXB Thống kê, Hà Nội.
X.A.Tocarev. 1994. Những hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. NXB
Chính trị Quốc gia.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- so3_2011_hoangthuhuong_5141.pdf