Tài liệu Tình yêu và hoài niệm xứ huế trong truyện ngắn quế hương - Lê Thị Minh Hiền: 121
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72A, số 3, năm 2012
TÌNH YÊU VÀ HOÀI NIỆM XỨ HUẾ
TRONG TRUYỆN NGẮN QUẾ HƯƠNG
Lê Thị Minh Hiền
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Tóm tắt. Trong rất nhiều sáng tác của mình, đặc biệt là truyện ngắn, Quế Hương
luôn dành phần lớn viết về tình yêu và những hoài niệm về xứ Huế - nơi lưu giữ
những kỷ niệm đẹp nhất một thời của chị. Truyện ngắn của Quế Hương là những
mảng hiện thực về tình yêu và những hoài niệm quá khứ được góp nhặt nâng niu từ
cuộc sống. Bằng vốn sống phong phú, và sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, đặc
biệt là về văn hóa, vùng đất xứ Huế, Quế Hương đã cắt nghĩa, lý giải đời sống tình
cảm con người theo sự cảm nhận tinh tế của một tâm hồn nhà văn nhạy cảm.
Bài viết cố gắng tập trung đi sâu phân tích, lý giải những đặc điểm truyện ngắn
của Quế Hương ở nội dung biểu hiện và phương thức nghệ thuật trên bình diện
Tình yêu và hoài niệm xứ Huế - một trong những đặc trưng nổi bật tạo nên cá tính
và phong cá...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 587 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình yêu và hoài niệm xứ huế trong truyện ngắn quế hương - Lê Thị Minh Hiền, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
121
TẠP CHÍ KHOA HỌC, Đại học Huế, tập 72A, số 3, năm 2012
TÌNH YÊU VÀ HOÀI NIỆM XỨ HUẾ
TRONG TRUYỆN NGẮN QUẾ HƯƠNG
Lê Thị Minh Hiền
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Tóm tắt. Trong rất nhiều sáng tác của mình, đặc biệt là truyện ngắn, Quế Hương
luôn dành phần lớn viết về tình yêu và những hoài niệm về xứ Huế - nơi lưu giữ
những kỷ niệm đẹp nhất một thời của chị. Truyện ngắn của Quế Hương là những
mảng hiện thực về tình yêu và những hoài niệm quá khứ được góp nhặt nâng niu từ
cuộc sống. Bằng vốn sống phong phú, và sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, đặc
biệt là về văn hóa, vùng đất xứ Huế, Quế Hương đã cắt nghĩa, lý giải đời sống tình
cảm con người theo sự cảm nhận tinh tế của một tâm hồn nhà văn nhạy cảm.
Bài viết cố gắng tập trung đi sâu phân tích, lý giải những đặc điểm truyện ngắn
của Quế Hương ở nội dung biểu hiện và phương thức nghệ thuật trên bình diện
Tình yêu và hoài niệm xứ Huế - một trong những đặc trưng nổi bật tạo nên cá tính
và phong cách trong sáng tác của Quế Hương.
Nhà văn Quế Hương (tên thật là Hoàng Thị Thương) sinh ra và lớn lên ở Huế,
hiện đang sống và làm việc tại Đà Nẵng. Yêu văn từ thuở còn là nữ sinh trường trung
học Đồng Khánh, lớn lên Quế Hương theo ngành văn, khoa Việt - Hán ở trường Đại học
Sư phạm Huế. Ra trường, Quế Hương dạy Việt Văn ở trường Trung học Thành Nội -
Huế, nhưng đến năm 1989 chị phải rời bỏ cái nghề yêu thích của mình vì lý do sức khỏe
và lui về với bộn bề việc nhà, đau ốm, những nỗi buồn xâm chiếm triền miên. Có lẽ
chính những điều đó cộng với duyên nợ văn chương đã thôi thúc Quế Hương cầm bút,
giản đơn là muốn sẻ chia những nỗi buồn cho lòng mình được ấm áp, nhẹ nhàng và
thanh thản hơn. Và, chị đã tình cờ bước chân vào làng văn từ năm 1990 với tác phẩm
đầu tay Đôi chân biết khóc.
Bút hiệu Quế Hương có được từ tên gọi ở nhà: Quế. Tên mẹ đặt cho chị. Chị tự
hào khi có một người mẹ Huế hiền hậu, tảo tần bươn chải, trọn đời vất vả vì chồng con.
Chị thương mẹ vô cùng. Có lẽ vì thế mà trong hầu hết sáng tác của mình, Quế Hương
luôn viết về những người mẹ, những người chị với những số phận khác nhau và dành
cho họ nhiều tình cảm đặc biệt trìu mến, trân trọng. Chị còn viết lại chính những ký ức
đã qua về cuộc sống gia đình mình, về những ngày tháng ấu thơ vất vả, về những đôi
chân nhọc nhằn của mẹ đã hy sinh tất cả vì con Những hình ảnh buồn và đẹp ấy lặp
đi lặp lại nhiều trong sáng tác của chị, cả trong thơ lẫn truyện ngắn. Quế Hương từng
122
tâm sự: “có lần tôi buồn bã ngắm chân mẹ, chân mình, thế là Đôi chân biết khóc ra đời”.
Tập truyện đầu tay này đã mở ra cho Quế Hương một khoảng trời mới. Đến bây giờ, chị
đã cho ra đời hàng loạt tập truyện ngắn, truyện dành cho thiếu nhi, thơ, kịch bản phim
và đạt được khá nhiều giải thưởng.
Trong rất nhiều sáng tác của mình, nhất là truyện ngắn, Quế Hương luôn dành
phần lớn viết về tình yêu và những hoài niệm về xứ Huế - nơi lưu giữ những kỷ niệm
đẹp nhất một thời của chị. Sinh ra trên mảnh đất cố đô văn vật, với những truyền thống
văn hóa tốt đẹp tồn tại lâu đời đã góp phần hình thành phong cách và lối sống của nhà
văn Quế Hương, đó là sự kín đáo mà đoan trang, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nền tảng tính
cách, lối sống văn hóa Huế là văn hóa Việt Nam được dung hòa với văn hóa bản địa
dưới ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đã trở thành chỗ dựa tinh thần thấm sâu vào tâm
hồn mỗi người con xứ Huế. Chính điều này tạo cho tính cách con người Huế luôn đầy
ắp tình yêu thương con người. Dải đất miền Trung quanh năm khắc nghiệt, thiên nhiên
vốn không ưu đãi lại còn mưa lũ thường xuyên, con người nơi đây trở nên nhỏ nhoi và
nghèo túng. Điều này thể hiện rõ trong truyện ngắn Quế Hương với việc nhà văn xây
dựng một thế giới đời thường với vô vàn những lo toan, trăn trở của những kiếp người.
Người đọc dễ dàng nhận thấy những trang văn của Quế Hương là những trang đời. Chị
trải lòng mình với vùng quê nghèo khó nhưng đầy ắp tình người; chị viết về xứ Huế yêu
thương với vô vàn cảm xúc từ ký ức của tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo (Một ngày ở biệt
thự Bát Nháo, Cô giáo Mim, Đám cưới cỏ); ở đó, những bức tranh vẽ những đời sống
xanh xao của những con người nhỏ bé, những thân phận cô đơn, lạc loài hay những kiếp
người nhỏ nhoi, cô đơn không chút đồng cảm (Tí bụi, Câu hát tìm nhau, Ả Ià âu?) và
đó còn là những câu chuyện tình buồn khó có thể lãng quên (Tịnh Tâm viên, Chiếc lá
hình giọt lệ, Ngày nắng đầu tiên, Biển và Người, Cò gà, Cội mai lưu lạc, Đóa hoa
không gai và con cừu không rọ mõm)
Nếu như các tác giả truyện ngắn đương đại cố gắng đào sâu và vén bức màn
hiện thực đang xoay chuyển xung quanh mình, cố phanh phui và “giải phẫu” những bức
bí, ngột ngạt trong tâm hồn và thể xác của con người hiện đại với khuynh hướng trần
tục hóa hiện thực cuộc sống thì Quế Hương lại đi theo một hướng hoàn toàn khác. Cảm
tưởng như "lạ hóa" không phải là yêu cầu tiên quyết trong văn chương của Quế Hương.
“Văn chương cần hay và mới, nhưng quan trọng hơn cả là sự cảm thông, đồng điệu.
Quế Hương viết văn như một sự sẻ chia, một nhu cầu tự thú. Văn của chị, theo đó,
không dung nạp những gì to tát, xa xôi, chỉ toàn những điều bé mọn. Vậy mà thế giới ấy
vẫn lột hiện biết bao hỉ- nộ -ái- ố của cuộc đời; nỗi da diết với các thân phận nhỏ bé vẫn
là nỗi day dứt chung cho kiếp người”[2].
Truyện ngắn của Quế Hương là những mảng hiện thực về tình yêu và những
hoài niệm quá khứ được góp nhặt nâng niu từng chút, từng chút một từ cuộc sống, mà
theo chị đó là những giấc mơ cuộc đời trên giấy. Ở đó, mọi thứ dù tầm thường nhất
cũng có thể “bay” bởi phép lạ ngôn từ, chiều sâu tư tưởng, khát vọng của người viết...
123
“Dù lạc lõng tôi vẫn thích tạo ra thứ văn chương sâu thẳm, đầy ánh sáng nhân văn hơn
trần trụi, thực dụng, dâm ác. Cuộc đời vẫn vậy, chỉ có nhà văn là có thể thay đổi nó theo
tâm cảnh, tâm thế của mình, gợi lương tri hay thú tính?”. Với Quế Hương, văn chương
không phải là cách nhìn đối mặt với thực tại cuộc sống như Phạm Thị Hoài, không trần
trụi nhục cảm như Đỗ Hoàng Diệu, mà văn chương với chị vốn là cõi đẹp, còn cõi
người thì thiện - ác vẫn song hành. Cuộc đời vốn đã vậy nhưng người cầm bút có thể tạo
nên một cõi khác đẹp hơn và nhân văn hơn. Văn của Quế Hương vì thế tinh tế mà giản
dị, sâu sắc mà dịu dàng. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép khác nhau của cuộc sống
đương đại, truyện của chị không giàu kịch tính nhưng có sức mạnh dữ dội của nội tâm,
thường là những số phận, những mảnh ghép đan cài vào nhau cùng tồn tại. Khép lại một
câu chuyện nhưng người đọc sẽ vẫn giữ lại cho mình một chút hơi ấm để giữ gìn những
khoảnh khắc trong trẻo và thánh thiện. Đó là điều Quế Hương đã làm được khi góp
phần thanh lọc tâm hồn con người trước cuộc sống xô bồ, đầy bụi bặm.
Thế giới hiện thực không phải lúc nào cũng là những niềm vui, hạnh phúc như
những vườn cây trái sum suê quả ngọt, mà nó còn có cả vị đắng cay và chua chát. Tất cả
những sự tốt đẹp hay xấu xa đều có trong thế giới con người. Với Quế Hương, hiện thực
cuộc sống là tất cả những gì xung quanh mà tác giả chiêm nghiệm. Chị đã trải qua thời
gian dài để trải nghiệm, nhận thức, đúc kết cho mình những tư tưởng, tình cảm và thái
độ riêng trong cách nhìn nhận con người, nhìn nhận xã hội. Đọc văn của chị, ta cũng
thấy rõ bức tranh thời đại mà mình đang sống nhưng dưới cái nhìn nhẹ nhàng, sâu lắng,
ý vị và đầy xúc cảm hơn.
Bằng vốn sống phong phú, và sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, Quế
Hương đã cắt nghĩa, lý giải con người theo sự cảm nhận tinh tế của một tâm hồn nhạy
cảm. Con người trong truyện ngắn của chị mang đầy đủ tính cách, tâm hồn xứ Huế.
Những câu chuyện thường đan cài những số phận bất hạnh và cả lòng yêu thương con
người. Hai yếu tố đó xen lẫn nhau, bổ sung cho nhau tạo nên hơi văn ấm áp, đầy tính
nhân đạo. Có những đứa trẻ bụi đời như Tí bụi trong truyện ngắn cùng tên; có người
cam chịu, bất hạnh như chị Thời trong Chiếc lá hình giọt lệ, có những người vượt lên số
phận như Lê Ruộng trong Thư gửi thời gian. Quế Hương như truyền vào trang văn của
mình tất cả hơi ấm của sự đồng cảm, sẻ chia để nó thấm đẫm tính nhân văn hơn, khơi
gợi tình yêu thương để cuộc sống tươi đẹp hơn, người vẫn gần người hơn và để những
kiếp người trong cơn tuyệt vọng vẫn mang một niềm tin sống.
Thế giới này đẹp hơn là nhờ có tình yêu, cuộc đời mỗi người ấm áp hơn là vì họ
đang yêu; tình yêu là thiêng liêng, là điều kỳ diệu nhất mà thượng đế trao tặng cho con
người. Vậy mà những người phụ nữ trong truyện ngắn Quế Hương lại ít nhận được điều
ấy, họ thường cô đơn, lạc lõng với tình yêu của mình. Trần gian có mưa là hình ảnh một
người đàn bà cam chịu với cuộc sống ép buộc bên người chồng mà không hề có tình
yêu. Bà phải dối lòng mình để sống với bổn phận của một người vợ. “Khế đang mùa
hoa. Rụng đầy. Mẹ thích thế nên chỉ quét buổi chiều để có một ngày nhìn sân tim tím.
124
Một người vậy phải lãng mạn. Thế nhưng tôi chỉ biết mẹ như một người đàn bà tất bật,
tẻ nhạt, còng lưng dưới ghánh nặng của cam chịu và số phận” [9, tr.109]. Một người đàn
bà mà mọi suy nghĩ, hành động, sự tồn tại đều hướng về tâm điểm chồng con, để rồi nửa
đêm tỉnh giấc, tóc đứa con lại ướt đẫm vì nước mắt của người mẹ. Những tâm tư, những
nghĩ suy đành chôn sâu, giấu kín trong tận đáy lòng, tạo nên những khoảng lặng trong
cuộc sống, mà đôi khi đi bên nhau suốt cuộc đời người chồng cũng không bao giờ có
thể hiểu được. Ngày tháng trôi đi đối với bà là những ngày buồn, tối tăm mặt mũi vì
cuộc sống đầy rẫy những lo toan. “Thượng đế cho người đàn bà đến ba đôi mắt! Đôi
đằng trước, đôi đằng sau, đôi trong tâm hồn để nhìn, cảm nhận và thấu suốt” [9, tr. 112].
Nhưng rồi họ chỉ được sống với đôi mắt duy nhất hướng về chồng con mà thôi. Với họ
những khuôn khổ, những lễ giáo là không thể vượt qua, để rồi chỉ dám xem “tình yêu là
trò chơi của người can đảm”[ 9, tr. 112]. Cuộc sống với họ vẫn mãi là những cuộc chiến
không cân sức, nó in hằn trên khuôn mặt và cả trong trái tim người đàn bà khốn khổ ấy
vô số những dấu vết của sự đè nén và cam chịu. Cũng giống như Thơm trong Khúc
chiều tà, cô sống trong một gia đình mà phán truyền và răm rắp nghe đã trở thành thứ
luật thâm căn cố đế. Chống là bất trung, cãi là bất hiếu. Để đến nỗi “những đứa con
không hề biết đến tình yêu. Đặt đâu ngồi đó, may nhờ rủi chịu” [9,tr. 166]. Thơm phải
lấy một gã trai xấu xí, nghiện ngập, trác táng đến bất lực rồi chết. Cô bị đuổi về với cái
tội làm con họ chết, nhưng tuổi trẻ, nhan sắc của cô đã bị lễ giáo phong kiến cướp mất
rồi. Vẻ độc đáo trong truyện ngắn Quế Hương được thể hiện trong Đóa hoa không gai
và con cừu không rọ mõm, truyện ngắn như là một lối tiếp nhận và tái diễn Hoàng tử bé
của Saint-Exupéry. Nhưng “tiểu tinh cầu của Quế Hương không chỉ có hoàng tử và
bông hồng, nó bao chứa cả một xứ Huế thơ mộng và già nua, tươi trẻ và cũ kỹ, nơi cả
một thế giới đàn bà phải vật lộn với miếng cơm manh áo, tình yêu và cả sự bạo tàn. Một
thế giới trần trụi nhưng yêu thương. Nỗi buồn trong sáng tác của Quế Hương xuất phát
từ chính đời thường trần trụi nhưng yêu thương ấy” [2].
Sự khám phá về từng số phận con người đã khiến cho Quế Hương đi sâu được
vào đời sống nội tâm, giao cảm được với con người qua những niềm vui, những nỗi
buồn, sự mất mát và khổ đau. Chị muốn xoa dịu những vết thương lòng cho nó đỡ đi
phần nhức nhối. Vì thế những thân phận đó dù cô đơn, nhỏ bé trước cõi người mênh
mông nhưng trong một góc khuất nào đó họ vẫn không cam chịu trước số phận. Mưa sẽ
không hề lạnh lẽo ướt át mà mưa mang theo hơi ấm bởi “có tình yêu ngắn như cơn mưa
giông nhưng cũng có những tình yêu dài hơn những cơn mưa dầm trong đời người xâu
lại. Mẹ có một tình yêu như thế, có lẽ nặng sâu và oan nghiệt” [9, tr. 118].
Trong Bà mụ của búp bê, Con gà bột, Ngày nắng đầu tiên là hoài niệm về một
tuổi thơ đã xa như một giấc mộng. Để hiện tại còn lại đôi chút xót xa, hoài nhớ về
những ngày đã qua. Những con người ngày xưa cũng ra đi cùng năm tháng, những gì
còn ở lại làm chứng tích thời gian. Thời gian, xưa và nay! Chẳng thể nguôi đi nỗi nhung
nhớ về những tình yêu, những xúc cảm đã qua. Đời người đi qua nhanh và vội, người ở
125
lại, ngồi nhìn rồi tiếc nuối. Thời gian đã mang người của ngày xưa đi xa, xa lắm, chẳng
còn quay về nữa. Trong Nước mắt khô, Câu hát tìm nhau, Tre nở hoa, Ẩn lan, Bức tranh
thiếu nữ mặc áo lục là những hoài niệm về một tình yêu đã thoảng qua trong đời.
Tình yêu đó đôi khi chỉ là mối tình đơn phương câm lặng nhưng chứa đựng cả một thế
giới đầy ắp những kỉ niệm về những trò đùa trẻ con, về mái trường vẫn luôn luôn hiện
hữu như vừa mới hôm qua.
Trong những câu chuyện của Quế Hương, ta đã chứng kiến nhiều kiếp sống của
những mảnh đời bất hạnh. Họ sống với những dĩ vãng ngọt ngào của tình yêu rồi chết
trong tình yêu. Nhân vật của cô cứ theo một môtip như thế tạo nên một thế giới thật
phong phú, sống động khiến người đọc chìm đắm vào những dòng cảm xúc dường như
bất tận. Cuộc đời dẫu lắm bể dâu, con người vẫn giữ chút yêu thương đam mê nhớ về
nhau. Đó là lão Tầm Xuân vẫn đi tìm một nửa nhớ thương chưa trọn vẹn của mình trong
Câu hát tìm nhau. “Lão tìm trong cuộc đời nước chảy mây trôi như một bóng hình của
ký ức” [9,tr.242]. Tình yêu của lão vẫn thanh thoát bay xa dù nó thoát ra từ lồng ngực
hom hem phô những giẻ xương sườn; đó là người đàn bà điên sống trong đau khổ, ngơ
dại vì bị người tình phụ bạc trong Tịnh Tâm viên; là chú Di sống cô đơn suốt đời trong
nỗi day dứt về mưa trong Trần gian có mưa Những vết thương lòng rồi sẽ qua đi
nhưng nó cũng có thể mở đầu cho một khoảng trống của hoài niệm. Hoài niệm sẽ chỉ là
hiện hữu bất thực trong sự trầm lặng của hư không.
Có ai đó đã từng nói rằng: Tình yêu chỉ đến với những người vẫn còn niềm tin
khi đã từng thất vọng. Nó chỉ đến với những con người vẫn còn muốn yêu khi đã từng
tổn thương. Chỉ cần thời gian một phút thì bạn đã có thể cảm thấy thích một người. Một
giờ để thương một người. Một ngày để yêu một người. Nhưng mà bạn sẽ mất cả đời để
quên một người. Thì những điều đó hoàn toàn đúng với truyện ngắn của Quế Hương.
Các nhân vật của chị “yêu chỉ biết yêu mà thôi”, nhưng “cách yêu” của họ không mãnh
liệt, cuồng bạo như trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư hay thiên về tính dục
như Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Một tâm hồn dịu dàng, mỏng manh thì những câu
chuyện tình yêu cũng nhẹ nhàng và đằm thắm chừng ấy. Cách yêu của các nhân vật
trong truyện ngắn của chị thường “lặng mà nặng” hơn. Đó không chỉ là tình yêu đơn
thuần mà đôi khi còn là tình thương giữa người và người với nhau nữa. Nhân vật của
chị cũng thế, không chỉ là những người phụ nữ yêu lặng thầm, mà còn là những người
đàn ông miệt mài dõi theo hình bóng của những tình yêu đã xa.
Truyện của chị thường là những mối tình đơn phương không dám ngỏ lời, không
chỉ của riêng tuổi trẻ, mà của trọn kiếp người. Để rồi họ mang tình yêu đó đi theo suốt
hành trình còn lại trên cõi đời. Trong Chiếc lá hình giọt lệ, Trần gian có mưa, Tre nở
hoa là những câu chuyện như thế. Nếu ai đã đọc Chiếc lá hình giọt lệ, thì hẳn sẽ không
quên được hình ảnh người con gái đảm đang, tỉ mỉ làm những lọ mứt Tết, là chị Thời
với mái tóc nhung dài buộc chiếc nơ đen. Chị như kết từ những gì tinh túy nhất của
người con gái xứ Huế dịu hiền. Chị trao trọn lòng yêu thương cho chú Tâm, người láng
126
giềng thân thiết, người mà đã đem lòng yêu thương người khác và giờ đây đang gàn dở
vì bệnh thất tình đó. Chính chị đã cùng mẹ lên chùa Linh Mụ để giải bùa cho chú khỏi
nỗi khổ đau vì tình để rồi chính chị cũng ngấm dần nỗi đau đó. Chị đã dõi theo từng
bước đi của người mình yêu để rồi chịu nỗi đau lặng câm không hề lên tiếng: “Dưới ánh
sáng kỳ diệu của tình yêu mãnh liệt mà câm nín ấy trông chị đẹp lạ lùng Tôi quay lại
nhìn chị Thời như cố khắc ghi thoáng hạnh phúc mong manh rờ rỡ trên mặt chị trước
khi nó lịm tắt” [9, tr. 145]. Người mình thương yêu đi lấy vợ mà chị vẫn nhẫn nại, tỉ mỉ
ngồi gọt những chiếc lá - chị đâu hay rằng những chiếc lá cũng chính như nỗi buồn câm
lặng của chị, chúng mang hình giọt lệ.
Trước tình yêu họ e ngại rụt rè, nên tình yêu đối với họ mãi là những niềm khát
khao trong muôn ngàn giấc mơ dang dở. Trong Tre nở hoa, Tịnh Tâm viên cũng thế.
Một gã mà người ta gán cho cái tên nghe đã biết là không bình thường: Tuệ anomal.
Chân dung gã được khắc họa là kẻ sống cách biệt, không vợ, không con, tóc dài thấu vai,
râu ria ngập mặt, “Tướng như anh mổ lợn, mặt ngầu như tướng cướp, bí mật và cô đơn
như một hòn đảo” [9, tr. 344]. Nhưng có ai hình dung ra được một gã nhìn ma cô như
thế lại mang nặng một mối tình đơn phương từ thuở mới mười lăm “Cái tình thơ dại
buồn cười ấy không tàn theo năm tháng mà cứ lớn dần lên. Tôi nhìn nó đẹp lên từng
ngày và càng xa vời vợi” [9, tr. 339]. Tình yêu đầu tiên đến và rồi ra đi lặng lẽ như chủ
nhân của nó, nhưng tình yêu đó đã nở hoa trong lòng và anh vẫn mãi gìn giữ nó như
một báu vật.
Tình yêu là những xúc cảm, là sự rung động và ít khi cảm thấy được lấp đầy, nó
giúp cho những người đang yêu nhận thấy mình đang “hiện hữu” giữa cuộc đời. Đó
chính là quà tặng của tình yêu. Nhưng không phải tình yêu nào cũng cập được bến bờ
hạnh phúc. Hầu hết truyện ngắn về đề tài tình yêu của Quế Hương thường trắc trở và
gợi cho ta nhiều nỗi buồn. Những tình cảm thiêng liêng và thầm kín đó thường được
chôn chặt vào tận đáy lòng của mỗi nhân vật. Những rào cản vô hình và hữu hình của
cuộc sống, của những mối quan hệ ràng buộc, đã khiến những mối tình phải sống kiếp
sống lặng câm. Đó là hình ảnh Lão-cây -ếm sống suốt đời trong Tịnh Tâm viên cô độc,
tới mức lão không nhớ cả tuổi của mình. Lão là kẻ nô bộc trông coi khu vườn, thuở xưa
lão thầm yêu cô chủ nhỏ và giờ là người đàn bà điên. Một tình yêu không bị giới hạn
tuổi tác nhưng nó lại bị giới hạn bởi đẳng cấp xã hội ở vùng đất cố đô vốn đậm chất
phong kiến này. Vì thế lão sống cuộc sống: “Lão không có chén trà thứ hai mời khách.
Trong nếp nhà quạnh vắng, đơn sơ mọi thứ đều đơn chiếc” [9, tr. 257]. Không có tình
yêu thì chắc hẳn con người ta không có niềm đam mê và thiết tha sống đến thế. Những
câu chuyện tình của chị đôi khi chỉ là cái tình vụng dại thoáng qua nhưng nó đi theo họ
suốt hết cuộc đời. Họ vẫn sống, đôi khi sống lay lắt với nỗi đau tình. Nhân vật của Quế
Hương đôi khi là gã Phước điên lang thang trên những con đường tới thư viện trường để
tìm lại dấu vết của người yêu xưa, hay những gã ôm mối tình đầu cô độc suốt đời như
Lão-cây-ếm Nhưng tấm chân tình trong lòng họ trong sạch và cao quý biết bao nhiêu.
127
Tình yêu trong truyện của chị thường đi kèm với mưa, dường như mưa làm
chứng cho những xúc cảm tình yêu đôi lứa. Nói đến xứ Huế là nói ngay tới xứ sở của
những cơn mưa, ai đã từng ở Huế sẽ không quên được những tháng dài đằng đẵng
không có bóng mặt trời. Mưa muôn đời vẫn vậy, vẫn da diết và nồng nàn, mưa cuốn trôi
đi nhiều thứ nhưng nó đọng mãi dư vị của mối tình đầu. Chất trữ tình tha thiết in đậm
trong truyện ngắn của cô ở việc khắc họa những cơn mưa xứ Huế. Nó cũng nhẹ nhàng,
da diết như chính tâm hồn nhân vật và cả tâm hồn nhà văn. Đó là những Giọt sầu trong
vắt của lứa tuổi học trò: “Những giọt mưa nhẹ nhàng chi lạ trên nón lá quai nhung. Cái
đuôi đầu trần, áo mưa cầm tay bước theo tôi” [5, tr. 130]. Những cô gái bước qua tuổi
học trò chắc chắn sẽ mang những tơ vương như cô nữ sinh Đồng Khánh này, một chút
yêu thương đầy hờn dỗi. Để rồi cô bé Hạ không còn ghét mùa đông, không còn than trời
Huế mưa chi mà mưa mãi nữa, bởi lẽ cô hiểu rằng thiếu mưa dầm chẳng còn chi để gọi
là Huế nữa cả. Những vui buồn, những mộng mơ của tuổi 17 rồi sẽ qua đi, nhưng mùa
mưa năm nào cũng đến và những dòng kỷ niệm lại tràn về. Rồi chỉ một tuần đạp xe lang
thang dưới trời mưa Huế mà suốt một đời người đàn ông tên Di không thể nguôi quên.
“Kỷ niệm dắt chú, chú dắt tôi, lang thang trong mưa theo những lối mòn ký ức. Người
đàn ông điềm tĩnh ấy giấu trong lòng một tình yêu bỏng rát và tuyệt vọng mà sau những
cơn mưa lại bùng lên đau đớn” [9,tr.115]. Hay những cơn mưa làm dịu mát tâm hồn con
người với những tấu khúc diệu kỳ của đất trời trong Tịnh Tâm viên Mưa như một
phần của những kỷ niệm tình yêu, mưa vẫn dạt dào những nỗi nhớ miên man của những
người mang trọn đời thương nhớ.
Trong truyện ngắn của Quế Hương, người đọc còn bắt gặp những khúc quanh
của kỉ niệm trong những câu chuyện tình. Dù sâu đậm như Câu hát tìm nhau hay nhẹ
nhàng như Giọt sầu trong vắt nhưng nó cũng đã tạo nên một giọng điệu nhẹ nhàng của
những hoài niệm mà nhân vật của cô mang theo trong suốt cuộc đời. Với Giọt sầu trong
vắt là câu chuyện nhẹ nhàng về những dư âm, những xúc cảm đầu đời của cô nữ sinh
Đồng Khánh. Đó là mối tình vụng dại của anh chàng tự xưng là “anh con Hương”. Nhẹ
nhàng như những giọt mưa, thoắt đến, thoắt đi nhưng nó được kết từ những mộng mơ,
vui buồn, hờn giận trong vắt của lứa tuổi 17 hồn nhiên.
Truyện ngắn Quế Hương in đậm dấu ấn kiểu không gian của những khu vườn xứ
Huế. Nó không rộng, không mênh mông mà đôi khi thể hiện sự quanh quẩn trong ràng
buộc và im lặng. Không gian của những khu nhà vườn xứ Huế trong sáng tác của chị
nơi cất dấu những khoảng lặng trong dòng hồi tưởng của nhân vật khi nhớ thương về
những điều đã qua. Tre nở hoa là khu vườn nơi thôn Kim Long với cái tên nghe đầy
quyến rũ: Mộng Viên, mơ mộng và buồn thương như chính người đàn bà khổ vì thương.
Hay Thạch viên với những cây cỏ ngổn ngang, đá đứng ngồi nhấp nhô. Trong những
khu vườn mướt xanh tĩnh lặng kia là cuộc sống của những con người luôn mang trong
mình nỗi niềm ưu tư sầu kín. Người đời không thể hiểu được nên gọi cô Tú là người đàn
bà điên, gọi ông Tuệ với mối tình dở dang là Tuệ anormal... Nhưng “Tình yêu của gã
128
như cây tre nở hoa, kết tụ đằng đẵng bung nở rồi chết” [9, tr. 341]. Hay Tịnh Tâm Viên
với “những con đường nhỏ sỏi trắng trải đầy Ở đó, những bông hoa súng kiều diễm
đang phô trọn sắc tím choáng ngợp trên mặt hồ chan hòa ánh sáng Lau bạc đầu ngả
ngớn bên lũ cỏ non tơ” [9, tr. 256]. Khu vườn tuyệt đẹp với tâm hồn của một con
người thuần khiết khi hưởng thụ cái đẹp. Nhưng nó cũng quạnh vắng, cũng cô đơn như
chủ nhân với mối tình đơn phương dài đằng đẵng.
Không gian vườn nhà gắn bó với cuộc đời các nhân vật, đó là nơi họ sống và
bộc lộ những nét tính cách, tâm lý của mình. Kiểu không gian này vừa có tính chất gợi
mở vừa lại như thu hẹp bó buộc nhân vật trong những giới hạn cụ thể, khoanh vùng hoạt
động của những cuộc đời, những số phận. Người đọc cảm thấy vừa thân quen, vừa gần
gũi như đã từng sống, đã từng trải qua. Không gian đó gợi lên trong tâm thức mỗi người
về những kỉ niệm đã xa mà đôi khi ta quên không để ý tới. Thời gian trong truyện ngắn
của Quế Hương được thể hiện chủ yếu ở dạng thức thời gian hoài niệm, đó là những
thoáng hồi tưởng, hoài cổ về những gì đã qua khi hiện tại nhân vật đã không thể quay
trở lại được. Điều này bộc lộ sâu sắc tâm trạng, đặc biệt là tâm lý của nhân vật trong tác
phẩm: có ăn năn, hối hận, có buồn tủi, có khổ đau và cả những hạnh phúc thoáng qua,
mà Cội mai lưu lạc là một truyện ngắn giản dị đầy hoài cổ như thế của Quế Hương. Vì
ước nguyện trước khi mất của mẹ mà người con gái đã từ Pháp trở về quê hương sau
bao năm xa cách, cố tìm lại cội mai lưu lạc hàng chục năm trước, rồi lặng lẽ gây dựng
một mảnh vườn như trong ký ức của người thiên cổ... Đó là những gì ấm áp còn lại, là
những gì thiêng liêng và thân thương nhất mà người con gái tìm lại được trong hành
trình tìm về nguồn cội.
Cho dù sống xa Huế nhưng những hoài niệm tình yêu về một xứ Huế mộng mơ
dường như vẫn luôn thấm đẫm trong mỗi trang văn của Quế Hương. Chính sự am hiểu,
gắn bó máu thịt với văn hóa Huế từ nếp sống, nếp nghĩ, thói quen về con người nơi đây
đã tạo dấu ấn riêng biệt đầy sức sống cho truyện ngắn của Quế Hương. Và sức hấp dẫn
cũng như thành công của truyện ngắn Quế Hương là điều không cần bàn cãi, chính
những giải thưởng dành cho quá trình sáng tạo nghệ thuật của chị đã giúp chúng ta
khẳng định điều đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Huy Bắc, Truyện ngắn-nguồn gốc và khái niệm, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5, 2004.
2. Đoàn Ánh Dương, Nỗi buồn ấm áp, báo QĐND - Thứ Năm, 16/06/2011.
3. Hà Minh Đức, Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, 2008.
4. Trần Thanh Địch, Tìm hiểu truyện ngắn, Nxb. Tác phẩm mới, 1980.
5. Quế Hương, 27 truyện ngắn Quế Hương, Nxb. phụ nữ, 2004.
6. Quế Hương, Ngày đi lạc, Tạp chí Sông Hương, số 10, 2007.
129
7. Quế Hương, Chiếc vé vào cổng thiên đường xanh, Nxb. Trẻ, 2009.
8. Quế Hương, Ngồi chơi với bụi, Nxb. Thuận Hóa, 2009.
9. Quế Hương, Đóa hoa không gai và con cừu không rọ mõm, Nxb. Phụ nữ, 2010.
10. Diệp Mai, Huệ Minh, Thái Lê, Truyện ngắn 3 nữ tác giả nữ, Nxb. Sự thật, 2007.
11. Nhiều tác giả, Truyện ngắn trẻ 2009, Nxb. Văn học, 2009.
LOVE AND MEMORIES OF HUE
IN THE SHORT STORIES OF QUE HUONG
Le Thi Minh Hien
College of Sciences, Hue University
Abstract. In many of her compositions, especially the short stories, Que Huong
always writes about the love for and memories of Hue - where her best beautiful
memories were stored. Que Huong’s stories are the reality areas about love and
cherished past memories which were collected from all her life. With her rich
experience and deeply contemplation about life, especially about the culture and
the land of Hue, Que Huong explains human emotional life with the subtle sense of
a sensitive writer’s soul.
This article focused on analyzing and explaining the characteristics of Que
Huong’s short stories in content and method of art on the aspect of love and
memories of Hue - one of the most important features that make Que Huong’s
personality and style in her writing.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 131_5309_2089_2118002.pdf