Tài liệu Tính trọng sức mạnh và trọng nhu mềm trong văn hóa hai miền Bắc Nam Trung Quốc: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
121
TÍNH TRỌNG SỨC MẠNH VÀ TRỌNG NHU MỀM
TRONG VĂN HÓA HAI MIỀN BẮC NAM TRUNG QUỐC
The characteristic of appreciation of strength and softness
in northern and southern Chinese culture
ThS.NCS. Nguyễn Minh Trí
Sở Du lịch TP.HCM
Tóm tắt
Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, có sự đa dạng về văn hóa giữa các vùng miền. Trong sự đa dạng
này, sự khác biệt về văn hóa giữa hai miền Bắc Nam chính là sự khác biệt lớn nhất và rõ ràng nhất. Sự
khác biệt thể hiện trên nhiều khía cạnh, trong đó có thể thấy rõ qua tính cách người Hán hai miền trên
lĩnh vực văn hóa tổ chức. Người miền Bắc có xu hướng coi trọng sức mạnh, người miền Nam có xu
hướng coi trọng sự nhu mềm. Giỏi chiến đấu, quan tâm đến đạo đức xã hội, giản dị, tiết kiệm là biểu
hiện giá trị c...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 435 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tính trọng sức mạnh và trọng nhu mềm trong văn hóa hai miền Bắc Nam Trung Quốc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
121
TÍNH TRỌNG SỨC MẠNH VÀ TRỌNG NHU MỀM
TRONG VĂN HÓA HAI MIỀN BẮC NAM TRUNG QUỐC
The characteristic of appreciation of strength and softness
in northern and southern Chinese culture
ThS.NCS. Nguyễn Minh Trí
Sở Du lịch TP.HCM
Tóm tắt
Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, có sự đa dạng về văn hóa giữa các vùng miền. Trong sự đa dạng
này, sự khác biệt về văn hóa giữa hai miền Bắc Nam chính là sự khác biệt lớn nhất và rõ ràng nhất. Sự
khác biệt thể hiện trên nhiều khía cạnh, trong đó có thể thấy rõ qua tính cách người Hán hai miền trên
lĩnh vực văn hóa tổ chức. Người miền Bắc có xu hướng coi trọng sức mạnh, người miền Nam có xu
hướng coi trọng sự nhu mềm. Giỏi chiến đấu, quan tâm đến đạo đức xã hội, giản dị, tiết kiệm là biểu
hiện giá trị của tính trọng sức mạnh ở miền Bắc. Trong khi đó, giỏi kinh doanh, quan tâm đến đạo đức
cá nhân, sang trọng, hào phóng là biểu hiện giá trị của tính trọng nhu mềm ở miền Nam.
Từ khóa: tính cách văn hóa Trung Quốc, tính trọng nhu mềm, tính trọng sức mạnh, văn hóa Bắc Nam
Trung Quốc
Abstract
China is a huge country with a variety of diversity between regions. Among those diversities, the
cultural differences in northern and southern China are the largest and clearest. Those differences have
been shown in many fields, in which it can be seen clearly in the personality of Chinese people in the
two regions in the field of organizational culture. The northern Chinese people tend to value strength,
while the southern Chinese people tend to appreciate softness. Being good at fighting, concerned about
social morality, simple and economical is the expression of the appreciation of strength in the North.
Meanwhile, being good at business, paying attention to personal morality, luxury, generosity is a
manifestation of the appreciation of softness in the South.
Keywords: Chinese cutural characteristics, softness, strength, northern and southern Chinese culture
1. Dẫn nhập
Trung Quốc là một nước có truyền
thống văn hóa, lịch sử lâu đời và liên tục.
Khi đứng ngoài nhìn vào người ta thường
lầm tưởng rằng nền văn hóa Trung Hoa
hoặc dân tộc Trung Hoa thuần nhất, nhưng
không phải như vậy. Nền văn hóa Trung
Hoa là sự kết hợp của nhiều giống người
khác nhau từ nguồn gốc tới ngôn ngữ, nghệ
thuật, tính cách. Khi nói đến sự khác biệt ở
Trung Quốc, thì "ngay cả trong một tỉnh
cũng tồn tại sự khác biệt nhất định, nhưng
sự khác biệt Nam Bắc chính là sự khác biệt
lớn nhất, rõ ràng nhất" (杜瑜, 2010, tr. 3, 4).
Tính cách văn hóa được xác định là
"hệ thống các giá trị tinh thần tương đối
Email: nguyenminhtrihcm@gmail.com
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
122
bền vững của một cộng đồng người (chủ
thể) trong điều kiện không gian và thời
gian sinh tồn cụ thể của họ" (Trần Ngọc
Thêm, 2016, tr. 60). “Miền Bắc” - “miền
Nam” ở đây được hiểu là sự đối lập nội bộ
trong nửa phía Đông của đất nước Trung
Quốc, với ranh giới là dãy Tần Lĩnh - Hoài
Hà (xem về “Mô hình phân vùng văn hóa
Trung Hoa” trong (Trần Ngọc Thêm, 2014,
tr. 442-447)). Bài viết của chúng tôi có
mục tiêu làm sáng tỏ sự khác biệt trong
tính cách văn hóa giữa hai miền đối với cặp
"trọng sức mạnh và trọng nhu mềm" trong
lĩnh vực văn hóa tổ chức.
2. Khái niệm, nguồn gốc của
tính trọng sức mạnh và trọng nhu mềm
2.1. Khái niệm tính trọng sức mạnh
và tính trọng nhu mềm
Theo Hoàng Phê (1988/2003), “sức
mạnh” được định nghĩa là "khả năng tác
động mạnh mẽ đến những người khác,
đến sự vật, gây tác dụng ở mức cao"
(Hoàng Phê 1988/2003, tr. 879). “Từ điển
Bách khoa Việt Nam” lại xác định sức
mạnh là "lực do cơ bắp sản sinh ra trong
quá trình co cơ nhằm khắc phục trọng
lượng hoặc lực cản bên ngoài" (Từ điển
Bách khoa Việt Nam, 2003, tr. 835). Tính
trọng sức mạnh trong văn hóa tổ chức có
thể hiểu là “sự coi trọng khả năng tác
động mạnh mẽ của chủ thể trong tổ chức
đời sống cộng đồng”.
“Nhu” là một từ gốc Hán (柔), được
xác định là “mềm yếu, thuận theo, phục
theo” (Đào Duy Anh, 1932/2005, tr. 544)
hay đơn giản hơn đó là sự “mềm mỏng”
(Hoàng Phê, 1988/2003, tr. 725). Trong khi
đó, “Mềm” được xác định có sáu nghĩa,
trong đó có ba nghĩa chính như sau (1) dễ
biến dạng dưới tác dụng của lực cơ học,
trái với cứng; (2) có khả năng làm những
tác động nào đó và chuyển đổi động tác
một cách rất dễ dàng, tự nhiên; (3) dễ dàng
có những nhân nhượng tùy theo hoàn cảnh
(Hoàng Phê, 1988/2003, tr. 629). Có thể
tạm hiểu tính trọng nhu mềm trong lĩnh
vực văn hóa tổ chức là “việc coi trọng sự
mềm mỏng, tôn trọng tính quy luật tự nhiên
trong tổ chức đời sống cộng đồng”.
2.2. Nguồn gốc của tính trọng sức
mạnh ở miền Bắc và tính trọng nhu mềm
ở miền Nam
2.2.1. Xét về môi trường tự nhiên,
người miền Bắc sống trong môi trường tự
nhiên tương đối khắc nghiệt, với khí hậu
hàn ôn đới/ ôn đới/ ôn đới ẩm, có độ ẩm ở
mức khô hạn hoặc bán khô hạn, nhiệt độ
lạnh khô, lượng mưa ít (dưới 800mm/năm),
địa hình lại cao, nền vững chắc, không
thuận tiện cho trồng trọt.v.v. Muốn tồn tại
trong môi trường này, người miền Bắc phải
có một bản lĩnh kiên cường, mạnh mẽ và tổ
chức kỷ cương, phép tắc mới có thể giải
quyết được các vấn đề thực tế đặt ra.
Trong khi đó, người miền Nam được
sống trong môi trường tự nhiên tương đối
thuận lợi, có khí hậu á nhiệt đới/ nhiệt đới,
độ ẩm ở mức bán ẩm ướt và ẩm ướt, lượng
mưa nhiều (trên 800 mm/năm), địa hình
thấp, đất đai mềm xốp, phì nhiêu; khí hậu
mát mẻ, cây cối xanh tươi, trồng được lúa
gạo với năng suất gấp hai lúa mì. Điều kiện
tự nhiên thuận lợi này đã khiến cho người
miền Nam không cần phải cố gắng nhiều,
cuộc sống không đòi hỏi phải quá chặt chẽ,
kỷ cương, phép tắc, do vậy mà thay vào đó,
tổ chức cuộc sống của người miền Nam
thiên về coi trọng sự mềm mại, thuận theo
tự nhiên, chan hòa, tình cảm. Phan Khoang
trong Trung Quốc Sử lược cũng cho rằng ở
phương Nam, "khí hậu ấm áp, đất đai béo
tốt, sinh hoạt dễ dàng, nên nhân dân thiên
NGUYỄN MINH TRÍ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
123
về tình cảm" (Phan Khoang, 1958, tr. 44).
2.2.2. Xét về đặc điểm nguồn gốc tộc
người, Lâm Ngữ Đường (1935/2001) cho
rằng dân tộc Trung Hoa sở dĩ được kế tiếp
sinh tồn mãi, không phải chỉ nhờ vào sức
chịu đau giỏi và những "sợi dây thần kinh
thô lỗ" trong mình họ, mà thực ra là nhờ
thu hút được dân tộc Mông Cổ. Những đặc
tính về ngôn ngữ và vóc dáng của người
miền Bắc ngày nay cho thấy rõ chất Mông
Cổ này: họ vẫn còn giọng nói khó khăn, ấp
úng khi biến âm, vóc người cao lớn, tính
tình vui vẻ nhưng chất phác, đó là những
đặc biệt của chủng tộc họ từ xưa (Lâm Ngữ
Đường, 1935/2001, tr. 55, 62).
Cùng quan điểm trên, nhà nghiên cứu
người Trung Quốc张仁富 (2009) cho rằng
người miền Bắc có gien văn hóa du mục
bẩm sinh, được rèn luyện trong cuộc sống
gian khổ. Tộc thiểu số Trung Quốc có hơn
100 loại, trong đó có đến 80 - 90% ở lưu
vực Hoàng Hà và vùng lân cận. Do môi
trường lịch sử và tự nhiên, đại đa số các tộc
thiểu số này thuộc giai đoạn văn hóa du
mục. Trong một thời gian dài, họ vừa xung
đột vừa dần dần đồng hóa và dung hợp với
tộc Hán. Từ đó mà các cư dân miền Bắc
không ngừng tiếp nhận gien vốn có của văn
hóa du mục. Chất du mục đã làm người
miền Bắc coi trọng sức mạnh trong tổ chức
đời sống cộng đồng của mình.
Khác với lưu vực Hoàng Hà là nơi có
đông tộc thiểu số sinh sống, ở miền Nam
có hai tộc được lịch sử ghi lại nhiều nhất là
Man (蛮) và Liêu (獠). Các tộc này không
hẳn là tộc thiểu số, mà ít nhiều là do cách
gọi miệt thị của người miền Bắc đối với
người miền Nam: từ thời Tiên Tần, cư dân
miền Nam đã luôn bị gọi là Nam Man
(南蛮). So với miền Bắc, tộc người ở miền
Nam thuần hơn cộng với văn hóa nông
nghiệp định cư đã làm cho người miền
Nam trở nên yếu ớt hơn. "Con người ở
miền Nam quen với nếp sống yên ổn, nhàn
hạ, trí khôn phát triển nhưng thể xác có
phần suy kém. Con trai thường trắng trẻo
thấp nhỏ, con gái thường nõn nà, yếu ớt"
(Lâm Ngữ Đường, 1935/2001, tr. 40).
2.2.3. Xét về lịch sử tổ chức xã hội,
lưu vực Hoàng Hà và lưu vực Trường
Giang đều có lịch sử lâu đời. Trước đây,
mọi người thường coi lưu vực Hoàng Hà là
cái nôi trung tâm của văn minh Trung
Quốc, nhưng gần đây cùng với sự phát hiện
và nghiên cứu các nền văn hóa thời đồ đá
mới ở lưu vực Trường Giang như Thanh
Liên Cương (青莲岗), Đại Vấn Khẩu
(大汶口), Mã Giang Bang (马家浜), Hà
Mẫu Độ (河姆渡文化), Khuất Gia Lĩnh
(屈家岭), đặc biệt là sự phát hiện và
nghiên cứu người vượn Nguyên Mưu (1)
(元谋猿人), thì quan điểm trung tâm đơn
nhất này đã bị lung lay dữ dội.
Theo张仁富 (2009), ngày càng có khuynh
hướng cho rằng văn minh Trung Quốc có
đến hai cái nôi cùng tồn tại song song với
nhau: lưu vực Hoàng Hà và lưu vực
Trường Giang cùng nhau phát triển. Song,
văn minh Trường Giang có lịch sử lâu đời
hơn rất nhiều thể hiện qua việc người vượn
Mậu Nguyên lưu vực Trường Giang có mặt
sớm hơn người vượn Bắc Kinh và người
vượn Lam Điền (蓝田) hơn một triệu năm.
Tuy nhiên, có thể do nguyên nhân về mặt
địa lý, sự phát triển đi sau của lưu vực
Trường Giang (đặc biệt là trước thời
Đường Tống) lạc hậu hơn nhiều so với
miền Bắc.
Ở miền Bắc, đến thời Chu, tổ chức nhà
nước đã đi vào quy củ, chặt chẽ, đã hình
thành tương đối hoàn chỉnh trật tự giai cấp
xã hội, chế độ hình pháp và chế độ lễ nghi
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
124
đạo đức luân lý kỷ cương. Sống lâu ngày
trong môi trường như vậy, người miền Bắc
chú trọng đến sức mạnh và quan tâm đến
chính trị. Ở miền Nam, tổ chức nhà nước
được thành lập muộn hơn, hệ thống cai trị,
lễ nghi tương đối lỏng lẻo; một bộ phận
khá đông cư dân là kết quả của việc trốn
tránh chiến tranh mà di chuyển về miền
Nam. Từ đó, người miền Nam không bị
trói buộc nhiều, tự do thông thương.
3. Các biểu hiện giá trị của tính
trọng sức mạnh và tính trọng nhu mềm
3.1. Giỏi chiến đấu - giỏi kinh doanh;
quan tâm đến chính trị xã hội - quan tâm
đến đạo đức cá nhân
Trong quá trình sinh tồn, người miền
Bắc phải liên tục chống lại khí hậu tự nhiên
ác liệt, với lũ lụt của sông Hoàng Hà, với
sự xâm nhập, quấy nhiễu từ bên ngoài,
hình thành tâm lý căng thẳng cao độ, liên
tục xây dựng trường thành kiên cố; đấu
tranh chính trị thay đổi bất ngờ, tình hình
xã hội biến động bất an, sự thịnh suy của
vương triều có liên quan đến vận mệnh
sinh tử cá nhân; chiến tranh khói lửa triền
miên; mối quan hệ phức tạp của con người
được hình thành từ giao thông đi lại thuận
tiện; cảnh tượng cao nguyên hùng vĩ và
đồng bằng bao la.v.v. Những đặc điểm này
đã tạo cho cư dân miền Bắc nhiều đặc tính,
trong đó có giỏi chiến đấu và quan tâm đến
chính trị, đạo đức xã hội. Mọi người đều có
thể là "tiểu chính trị gia" (Lưu Á Châu,
2010, tr. 113).
Miền Bắc là nơi xảy ra nhiều cuộc
chiến tranh tranh giành quyền lực, thôn
tính lẫn nhau hơn bất cứ miền nào ở Trung
Quốc. Theo thống kê trong 4.500 năm của
lịch sử quân sự Trung Quốc, từ thời đại
Thần Nông trong truyền thuyết vào thế kỷ
26 TCN đến năm 1911, thời điểm Nhà
Thanh sụp đổ, Trung Quốc có tổng cộng
3791 cuộc chiến tranh lớn nhỏ(2). Trong số
này có khoảng 65-70% xảy ra ở khu vực
miền Bắc. Muốn tổ chức tốt đời sống cộng
đồng trong môi trường như vậy, đòi hỏi
người miền Bắc phải giỏi chiến đấu và
quan tâm đến chính trị.
Từ thời cổ đại, Khổng Tử trong sách
Trung Dung đã cho rằng: "Về cái mạnh của
phương Nam ư? Hay cái mạnh của phương
Bắc ư? ... Khoan hòa mềm mại để dạy
người, không báo thù kẻ vô đạo - ấy là cái
mạnh của phương Nam, người quân tử ở
vào phía ấy. Xông pha gươm giáo, dầu chết
không nản, ấy là cái mạnh của phương Bắc
- kẻ mạnh ở vào phía ấy"(3). Lịch sử Trung
Quốc đã cho thấy đa số các triều đại đều
được dựng lên tại miền Bắc với 41/53 triều
đại, chiếm tỷ lệ 77,35%. Lý giải cho vấn đề
này, Lâm Ngữ Đường cho rằng việc khai
sáng một hoàng triều, cần hạng người có
thái độ hào phóng, mộc mạc điển hình của
phương Bắc, thường khinh học vấn và coi
rẻ luân lý của Khổng tử, đến lúc đại cục đã
yên, ngảnh mặt phương Nam lên ngôi
Hoàng đế, lúc đó tư tưởng tôn quân của
Khổng tử lại là đắc dụng (Lâm Ngữ
Đường, 1935/2001, tr. 43).
Người miền Bắc “giữa đường gặp
chuyện bất bình chẳng tha”, một đặc điểm
của việc quan tâm đến đạo đức xã hội. Họ
cãi không lại thì thượng cẳng tay hạ cẳng
chân, mọi thứ không hài lòng thì đập bàn
đứng dậy, không e dè, kiêng nể, tha hồ mà
trút hết ra. Giống như một cây củi khô.
Người miền Nam thì vững vàng, thận
trọng, nhẫn nại, chăm chỉ, bằng lòng với
hiện tại, chú trọng đạo đức cá nhân và danh
dự của bản thân (杜瑜, 2010, tr. 23).
Không chỉ trong lịch sử mà ngay cả
giai đoạn hiện nay, trên bình diện chung,
NGUYỄN MINH TRÍ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
125
người miền Bắc giữ các cương vị chủ chốt
trong hệ thống chính trị Trung Quốc vẫn
chiếm ưu thế hơn miền Nam. Chúng tôi đã
thử tiến hành khảo sát, phân tích đội ngũ
của cơ quan lãnh đạo cao nhất ở Trung
Quốc hiện nay là Ban chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Trung Quốc(4). Trong
số 204 Ủy viên Ban chấp hành Trung ương
Đảng khóa XIX nhiệm kỳ 2017-2022 có
188 Ủy viên là người Hán, chiếm tỷ lệ
92,16%, có 16 Ủy viên là các tộc người
khác, chiếm tỷ lệ 7,84%. Trong số các ủy
viên là tộc người Hán, người Hán ở miền
Bắc chiếm đa số với tỷ lệ 54,26%, người
miền Nam chỉ chiếm tỷ lệ 45,74%.
Ở miền Nam, điều kiện tự nhiên tương
đối ưu đãi, đã mang đến cuộc sống no ấm,
yên bình, ổn định lâu dài, các hoàng tộc
nhiêu lần chạy loạn về phương Nam, đối
mặt với sự uy hiếp của miền Bắc mà lại có
con sông Trường Giang ngăn cách, bảo vệ
nên tâm lý thoải mái; văn hóa nông nghiệp
định cư, dân tộc tương đối đơn nhất là
nguyên nhân của nhiều đặc trưng tính cách
trong lĩnh vực tổ chức của miền Nam trong
đó có "trọng triết học cá nhân, chú trọng tu
dưỡng phẩm cách cá nhân hơn là quan tâm
chú ý đến chính trị xã hội" (张仁富, 2009,
tr. 42-43).
Từ những điều đó, người Trung Quốc
đã đúc kết rằng miền Nam là đất của văn
nhân, miền Bắc là đất của hoàng đế (nam
phương xuất văn nhân, bắc phương xuất
hoàng đế) không những có tính tất nhiên về
mặt phương diện xã hội mà còn có tính tất
nhiên của phương diện địa lý. Hoàng đế
tượng trưng tính trọng sức mạnh với đặc
trưng giỏi chiến đấu, quan tâm đến chính
trị xã hội và văn nhân tượng trưng cho tính
trọng nhu mềm với đặc trưng chú trọng đến
đạo đức cá nhân. Theo 杜瑜 (2010) trong
lịch sử cổ đại Trung Quốc, từ thời Khuất
Nguyên trở lại, tài tử Giang Nam (phía
nam sông Trường Giang) nổi tiếng thiên
hạ, các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ đều xuất
thân ở Giang Nam. Ngay cả trong thời hiện
đại, sáu nhà văn lớn như Lỗ Tấn, Quách
Mạt Nhược, Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá,
Tào Ngu tuyệt đại bộ phận đều xuất thân ở
miền Nam (杜瑜, 2010, tr. 21).
Không chỉ có nhiều danh sĩ, văn nhân
thi sĩ, theo范勇 (2009), miền Nam còn có
rất đông thương nhân, thương mại nhộn
nhịp; trở thành vùng đất của nơi hội tụ
nhân văn và cái nôi của thương nghiệp.
Mấy nhóm cửa hàng lớn của miền nam
Trung Quốc thời kỳ Minh Thanh như cửa
hàng Huy, Giang Thạch (Giang Tây), Ninh
Ba, Long Du, Phúc Kiến, Quảng Đông,
Động Đình (Tô Châu), ngoài cửa hàng
Động Đình và một phần Giang Thạch, các
cửa hàng còn lại đều xuất phát ở vùng đồi
núi thấp phía Nam Trung Quốc. Họ giàu
có, cấu kết với nhau, làm mưa làm gió một
thời trên thương trường nhà Minh Thanh
Trung Quốc (范勇, 2009, tr. 77, 79).
Ngày nay, các tỷ phú Trung Quốc là
người ở miền Nam vẫn chiếm đa số so với
ở miền Bắc. Trong danh sách 30 tỷ phú
Trung Quốc do Tạp chí Forbes công bố
năm 2017, có đến 24/30 tỷ phú là người
miền Nam, chiếm tỷ lệ 80%, chỉ có 6/30 tỷ
phú là người miền Bắc, chiếm tỷ lệ 20%.
Năm 2018, Tạp chí Forbes cũng đã công
bố danh sách 200 tỷ phú Trung Quốc, trong
số này, tỷ phú người miền Nam chiếm đến
67%, tỷ phú người miền Bắc 31%.
3.2. Giản dị, tiết kiệm - Sang trọng,
hào phóng
Sống trong môi trường có điều kiện tự
nhiên tương đối khắc nghiệt, lương thực thì
không đầy đủ, “nửa năm chỉ toàn ăn dưa và
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
126
rau”, chiến tranh triền miên, đòi hỏi người
miền Bắc phải sống tiết kiệm. Điều này tạo
cho người miền Bắc có cuộc sống giản dị.
Giản dị để tiết kiệm mà tiết kiệm cũng
phần nào thể hiện qua sự giản dị trong đời
sống hàng ngày.
Trái với điều kiện tự nhiên của miền
Bắc, miền Nam với điều kiện tự nhiên
thuận lợi, nhiều nơi được mệnh danh là
“Thiên phủ chi quốc” - 天府之国 (đất
nước thiên đường), “Ngư mễ chi hương” -
鱼米之乡 (quê hương của cá và gạo).
Nguồn thức ăn đầy đủ ổn định, các loại
thủy sản có được dễ dàng, dinh dưỡng
tương đối đầy đủ, cư dân sống trong môi
trường tự nhiên như thế này khá là yên
bình, và có một cuộc sống sung túc. Kinh
tế khá giả tạo điều kiện cho người miền
Nam thể hiện sự sang trọng, hào phóng của
mình trong tổ chức đời sống cộng đồng.
Giản dị, tiết kiệm và sang trọng, hào phóng
là một trong những biểu hiện của tính trọng
sức mạnh và tính trọng nhu mềm trong văn
hóa tổ chức.
Khi nói về tính tiết kiệm của người
Trung Quốc đặc biệt người miền Bắc,
Arthur Smith trong Chinese characteristics
(1894) cho rằng trong ăn uống và ăn mặc
người miền Bắc rất tiết kiệm. Một người
lớn có thể ăn không quá 2 xu/ngày. Thậm
chí vào những lúc nạn đói xảy ra, hàng
ngàn người phải sống nhiều tháng liền chỉ
với phần trợ cấp ít ỏi không quá một xu
cho nửa ngày. Trà dư trong các tách được
rót lại vào trong ấm trà để đun lại để dành
uống tiếp. Về cách ăn mặc, trẻ em bao gồm
cả trai lẫn gái được cho mặc đồ giống như
trong vườn của Eden suốt nhiều tháng
trong năm. Điều này được cho là dễ chịu
đối với chúng, như phương châm chủ yếu
là tiết kiệm (Arthur Smith, 1894, tr. 19, 21,
24). Một ví dụ điển hình khác về tính tiết
kiệm của người miền Bắc được Smith dẫn
ra là câu chuyện kể về một người phụ nữ
già yếu đi khập khiễng với vẻ đau đớn. Bà
được xác định là đang bị thương và đang đi
đến nhà của một người thân để chết ở nơi
thuận tiện, nghĩa trang gia tộc và như vậy
sẽ tránh phải tốn tiền cho những người
khiêng quan tài của bà trên một đoạn
đường dài (Arthur Smith, 1894, tr. 26).
Theo Lâm Ngữ Đường (1935/2001),
dân chúng miền Bắc quen với nếp sống
gian khổ, ưa tư tưởng đơn sơ, giản dị, vóc
người cao lớn, gân thịt rắn rỏi, sức khỏe
dẻo dai, tính tình thành thực, mau mắn mà
nóng nảy, thích ăn loại hành lớn, không sợ
mùi hôi, ưa khôi hài đùa cợt, thường có
thái độ rõ ràng, tự nhiên, mọi vẻ họ gần với
giống nòi Mông Cổ. Theo dòng sông
Dương Tử xuống bờ biển phía Đông Nam
thì tình trạng sinh hoạt của nhân dân lại
khác hẳn. Nhân dân ở đây quen với nếp
sống yên ổn, nhàn hạ, dung hòa chất thực
và văn vẻ, ưa vẻ u nhã văn chương, thường
trầm tĩnh ít hoạt động. Con trai thường
trắng trẻo thấp nhỏ, con gái thường nõn nà,
yếu ớt. Yến hấp chè sen, bát ngọc chén
vàng, nấu nướng đến hết vị ngon, ăn uống
đủ mùi sang trọng.
Đa phần người miền Nam hưởng một
cuộc sống khá sung túc. Việc ăn mặc, tiêu
xài không thiếu thốn nên cuộc sống khá
yên ổn. Việc hưởng một cuộc sống nhàn
hạ, hưởng thụ không những được ghi trong
sử sách mà còn phổ biến đến ngày hôm nay
(范勇, 2009, tr. 68). Trong số 204 tỷ phú
Trung Quốc được tạp chí Forbes công bố
xếp hạng năm 2018 mà chúng tôi đã khảo
sát, có đến 67% họ sống ở miền Nam,
trong khi chỉ có 31% sinh sống tại miền
Bắc (xem thêm tại 2.1). Cuộc sống khá giả
NGUYỄN MINH TRÍ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
127
khiến tâm thái con người ổn định và trở
nên sang trọng, hào phóng hơn.
Từ sự cần cù, giản dị của người miền
Bắc và sự sang trọng, tinh tế của người
miền Nam, có người đã lấy tiếng ca du
dương của loài cá và âm thanh vang vang
của chiên trống để biểu thị cho sự khác
nhau về tính cách của văn hóa Nam - Bắc.
Miền Nam biểu hiện cho “văn hóa ngư
xướng” (văn hóa cá hát). Đây là văn hóa
của nước, văn hóa của sự lưu động, văn
hóa của thuyền, văn hóa của sự bay bổng,
của sự khéo léo, tinh tế. Miền Bắc biểu
hiện cho “văn hóa la cổ” (văn hóa chiêng
trống). Đây là văn hóa hoàng thổ, văn hóa
của sự ổn định, văn hóa của chăn nuôi, văn
hóa của thực tế và cần cù, văn hóa của mặt
trời. Dịch Trung Thiên, giáo sư Đại học Hạ
Môn thì lấy “nam tính” và “nữ tính” để so
sánh thành phố Nam Bắc: thành phố miền
Bắc nói chung là “nam tính” ví dụ Bắc
Kinh là cha của sự uy nghiêm tử tế, Tây
An, Lan Châu, Đại Nguyên, Tề Nam, Lạc
Dương, Khai Phong không phải là “chồng”
(汉子) mà là “anh cả” (大哥). Thành phố
miền Nam đa số là “nữ tính” – Hàn Châu là
người phụ nữ danh gia vọng tộc (đại gia
khuê các - 大家闺秀), Tô Châu là thiếu nữ
xinh đẹp (“tiểu gia bích ngọc” -
小家碧玉), Nam Kinh là người phụ nữ cao
quý đoan trang (hầu môn cáo mệnh -
侯门诰命), Thượng Hải cũ là thiếu phụ
nghênh ngang (dương trường thiếu phụ -
扬长少妇) (杜瑜, 2010, tr. 22).
3.3. Những phi giá trị có nguồn gốc từ
tính trọng sức mạnh và tính trọng nhu mềm
Để có cái nhìn toàn diện hơn về tính
cách văn hóa hai miền Bắc - Nam Trung
Quốc, cần biết được những tính cách xấu
(phi giá trị), để từ đó có thể hạn chế tính
cách xấu và hướng đến những tính cách tốt.
Theo triết lý âm dương thì cực âm sinh
dương mà cực dương sinh âm. Bên cạnh
những giá trị, tính trọng sức mạnh và tính
trọng nhu mềm trong lĩnh vực tổ chức cũng
có những mặt phi giá trị nhất định.
Giỏi chiến đấu là giá trị, nhưng nếu
quá nhấn mạnh đến giá trị này có thể dẫn
đến xu hướng giải quyết các công việc
bằng vũ lực hơn là thương lượng, đàm
phán. Quan tâm đến chính trị quá nhiều
cũng thường dẫn đến sự khô cứng trong tổ
chức đời sống và có tư tưởng cai trị thiên
hạ, ở trên người khác. Trong khi đó, giản
dị cũng là một giá trị, nhưng nếu giản dị
quá mức thì hóa ra đơn giản, xuề xòa. Tiết
kiệm quá mức cũng lại hóa ra keo kiệt. Khi
người miền Bắc sống ở một nơi mà “nửa
năm chỉ toàn ăn dưa và rau” thì sự tiết
kiệm đó đã “gần đến mức keo kiệt” (范勇,
2009, tr. 58).
4. Kết luận
Trong lĩnh vực văn hóa tổ chức, do sự
khác biệt về môi trường tự nhiên, đặc điểm
tộc người và bối cảnh xã hội, tính cách văn
hóa hai miền Bắc Nam Trung Quốc có sự
khác biệt rõ rệt theo hướng người miền
Bắc thiên về coi trọng sức mạnh, người
miền Nam thiên về coi trọng sự nhu mềm.
Tính trọng sức mạnh ở miền Bắc có biểu
hiện giá trị là giỏi chiến đấu, coi trọng đạo
đức xã hội, giản dị, tiết kiệm. Tính trọng
nhu mềm ở miền Nam lại có biểu hiện giá
trị là việc giỏi kinh doanh, quan tâm đến
đạo đức cá nhân, sang trọng, hào phóng.
Các biểu hiện giá trị này tạo thành các cặp
đối lập nhau giữa hai miền Bắc Nam
Trung Quốc: Giỏi chiến đấu - giỏi kinh
doanh; coi trọng đạo đức xã hội - coi trọng
đạo đức cá nhân; giản dị - sang trọng; tiết
kiệm - hào phóng.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt giá trị
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
128
thì tính troọng sức mạnh ở miền Bắc và
trọng nhu mềm ở miền Nam cũng có
những mặt phi giá trị. Giỏi chiến đấu thì
thường có xu hướng giải quyết các công
việc bằng vũ lực hơn là thương lượng, đàm
phán. Quan tâm đến chính trị, đạo đức xã
hội nhiều thường dẫn đến khô cứng trong
tổ chức đời sống và có tư tưởng cai trị
thiên hạ, ở trên người khác. Giản dị quá thì
hóa ra đơn giản, xuề xòa. Trong khi, tiết
kiệm quá lại hóa ra keo kiệt. Trong quá
trình giao tiếp, hai miền dần dần bổ sung
những giá trị cho nhau và hạn chế mặt phi
giá trị.
Chú thích
1. Người vượn Nguyên Mưu, một giống người vượn Trung Quốc, sống cách đây khoảng 1
triệu 700 nghìn năm, hoá thạch được phát hiện năm 1965 ở Nguyên Mưu, tỉnh Vân
Nam, Trung Quốc, vì vậy được gọi là người Nguyên Mưu.
2. zhidao.baidu.com: 中国历史上有多少次战争 - https://zhidao.baidu.com/question/
262966392701405805.html
3. 南方之強與,北方之強與,抑而強與?寬柔以教,不報無道,南方之強也。君子
居之。衽金革,死而不厭,北方之強也。而強者居之。
4. Thời điểm khảo sát vào tháng 9 năm 2018
5. https://www.forbes.com/china-billionaires/list/9/#tab:overall
6. Thời điểm khảo sát tháng 01 năm 2019
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
Đào Duy Anh (biên soạn). (1932/2005). Hán - Việt từ điển giản yếu. Hà Nội: NXB Văn
hóa thông tin, 957tr.
Lưu Á Châu. (2010). “Niềm tin và đạo đức”, in trong Vấn đề cải cách hệ thống chính trị
của Trung Quốc (đằng sau những phát biểu gây tranh cãi của Thủ tướng Ôn Gia
Bảo), Tài liệu tham khảo đặc biệt, TTXVN, tr.96-164.
Lâm Ngữ Đường. (1935/2001). Trung Hoa đất nước con người (Trần Văn Từ dịch).
Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin, 519tr.
Hoàng Phê (cb). (2003). Từ điển Tiếng Việt. Hà Nội - Đà Nẵng: NXB Trung tâm Từ điển
học, 1221tr.
Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam. (2003). Từ điển Bách
Khoa Việt Nam, tập 3. Hà Nội: NXB Từ điển Bách Khoa, 878tr.
Phan Khoang. (1958). Trung Quốc sử lược. Sài Gòn: NXB Hồng Phát, 616tr.
Trần Ngọc Thêm (cb). (2014). Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ. TP.HCM: NXB Văn
hóa-Văn nghệ, 887tr.
NGUYỄN MINH TRÍ TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
129
Trần Ngọc Thêm. (2016). Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường
tới tương lai. TP.HCM: NXB Văn hóa-Văn nghệ, 589tr.
Tiếng Anh
Arthur H.Smith. (1894). Chinese characteristics. (Introduction to the 2003 edition by
Lydia Liu, University of Michigan). New York: East Bridge, 342pgs.
Tiếng Trung Quốc
杜瑜。(2010) 。中国人人格地图。 金城出版社, 265页 (Địa đồ nhân cách người Trung
Quốc. Kim Thành, 265tr.)
范勇。(2009)。中国人的文化性格。 中央编译出版社, 285页(Tính cách văn hóa người
Trung Quốc. Biên dịch Trung ương, 285tr.)
张仁富。(2009)。一方水土一方人 - 中国南北自然人文环境。姚松柳
(编辑)。北人与南人。北京:中国人事出版社, 页37-47 (Môi trường nào thì con
người đó - Môi trường văn hóa tự nhiên Bắc Nam Trung Quốc. Diêu Tùng Liễu (biên
tập). Người Bắc và người Nam. Bắc Kinh: Nhân sự Trung Quốc, trang 37-47).
Ngày nhận bài: 13/3/2019 Biên tập xong: 15/4/2019 Duyệt đăng: 20/4/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 37_7316_2214942.pdf