Tài liệu Tình trạng răng miệng và nhu cầu điều trị trên người cao tuổi tại viện dưỡng lão TP. Hồ Chí Minh: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 2 * 2016
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 298
TÌNH TRẠNG RĂNG MIỆNG VÀ NHU CẦU ĐIỀU TRỊ TRÊN NGƯỜI CAO TUỔI
TẠI VIỆN DƯỠNG LÃO TP. HỒ CHÍ MINH
Phạm Anh Vũ Thụy*
TÓM TẮT
Mục tiêu: Xác định tình trạng răng miệng và nhu cầu điều trị liên quan trên người cao tuổi tại Viện dưỡng
lão TP. Hồ Chí Minh.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang thực hiện trên 791 người cao tuổi (360 nam, 431 nữ, tuổi trung bình
72,9 ± 9,1) tại 3 Viện dưỡng lão, Tp. Hồ Chí Minh năm 2013. Đối tượng nghiên cứu được khám tình trạng sâu
răng, nha chu, tình trạng hàm giả và được xác định nhu cầu điều trị liên quan.
Kết quả: Khoảng 90% (90,1%) đối tượng nghiên cứu còn răng. Số trung bình răng hiện có, răng chức năng,
răng sâu thân răng, răng sâu chân răng lần lượt là 15,2 ± 7,7; 14,2 ± 7,4; 5,8 ± 4,0 và 6,0 ± 4,2. 98,6% đối tượng
cần trám ít nhất 1 thân răng và 96,1% cần trám ít nhất 1 chân răng. Tất cả đối tượng còn răng đều có chảy máu
nướu khi thă...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 365 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình trạng răng miệng và nhu cầu điều trị trên người cao tuổi tại viện dưỡng lão TP. Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 2 * 2016
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 298
TÌNH TRẠNG RĂNG MIỆNG VÀ NHU CẦU ĐIỀU TRỊ TRÊN NGƯỜI CAO TUỔI
TẠI VIỆN DƯỠNG LÃO TP. HỒ CHÍ MINH
Phạm Anh Vũ Thụy*
TÓM TẮT
Mục tiêu: Xác định tình trạng răng miệng và nhu cầu điều trị liên quan trên người cao tuổi tại Viện dưỡng
lão TP. Hồ Chí Minh.
Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang thực hiện trên 791 người cao tuổi (360 nam, 431 nữ, tuổi trung bình
72,9 ± 9,1) tại 3 Viện dưỡng lão, Tp. Hồ Chí Minh năm 2013. Đối tượng nghiên cứu được khám tình trạng sâu
răng, nha chu, tình trạng hàm giả và được xác định nhu cầu điều trị liên quan.
Kết quả: Khoảng 90% (90,1%) đối tượng nghiên cứu còn răng. Số trung bình răng hiện có, răng chức năng,
răng sâu thân răng, răng sâu chân răng lần lượt là 15,2 ± 7,7; 14,2 ± 7,4; 5,8 ± 4,0 và 6,0 ± 4,2. 98,6% đối tượng
cần trám ít nhất 1 thân răng và 96,1% cần trám ít nhất 1 chân răng. Tất cả đối tượng còn răng đều có chảy máu
nướu khi thăm dò và 26,2% có túi nha chu sâu (≥4mm) vì vậy 96,5% đối tượng cần cải thiện vệ sinh răng miệng
kết hợp với cạo vôi răng và 20,3% cần phối hợp với điều trị nha chu chuyên sâu. 31,6% đối tượng cần nhổ răng vì
bệnh sâu răng hay bệnh nha chu. Trong toàn bộ mẫu nghiên cứu, 13,4% không cần điều trị phục hình và 86,6%
cần sửa chữa hàm giả hiện có hay làm hàm giả mới
Kết luận: Tình trạng răng miệng của người cao tuổi tại Viện dưỡng lão đáng lo ngại vì tỷ lệ hiện mắc của
các bệnh răng miệng chưa được điều trị rất cao. Các viện dưỡng lão cần khám răng miệng ban đầu khi tiếp nhận
người cao tuổi, chuyển sớm tới các Bác sĩ Răng Hàm Mặt khi phát hiện bệnh và cần chú ý hơn đến chăm sóc vệ
sinh răng miệng hàng ngày.
Từ khóa: Tình trạng răng miệng, Nhu cầu điều trị, Người cao tuổi, Viện dưỡng lão, Tp. Hồ Chí Minh
ABSTRACT
ORAL HEALTH STATUS AND TREATMENT NEEDS OF NURSING HOME ELDERLY IN HO CHI
MINH CITY
Pham Anh Vu Thuy * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement of Vol. 20 - No 2 - 2016: 298 - 304
Objective: To determine the oral health status and treatment needs of nursing home elderly in Ho Chi Minh
City
Methods: This study was performed on 791 elderly (360 males and 431 females, mean age 72.9±9.1 years) in
three nursing homes, Ho Chi Minh City. Subjects were clinically examined and interviewed using a questionnaire.
In the course of clinical examination, coronal caries, root caries, periodontal disease, denture status and related
treatment needs were assessed.
Results: About ninety percent (90.1%) of the subjects were dentate. The mean numbers of teeth present,
teeth with decayed coronal, functioning teeth, and teeth with decayed root were 15.2 ± 7.7, 14.2 ± 7.4, 5.8 ± 4.0
and 6.0 ± 4.2, respectively. Of the dentate subjects, 98.6% required at least one restoration for coronal caries and
96.1% required at least one restoration for root caries. Most dentate subjects had bleeding gum on probing and
26.2% had deep pockets (≥4mm) therefore 96.5% needed oral hygiene improvement plus scaling and 20.3%
required complex periodontal treatment. 31.6% of dentate subjects needed tooth extractions because of dental
caries or periodontal disease. 13.4% of subjects had no need for prosthetic treatment, and the rest required new
* Bộ môn Nha Chu, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Tp. HCM
Tác giả liên lạc: TS. Phạm Anh Vũ Thụy ĐT: 0916810874 Email: pavthuy@hotmail.com
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 2 * 2016 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 299
dentures or repairs of existing dentures.
Conclusion: The oral health status of nursing home elderly remains a concern as the prevalence of untreated
oral disease is very high. Nursing homes should provide dental screening upon admission, early referral to general
dental practitioners for detected problems and greater attention to daily oral hygiene care.
Key words: Oral health status, Treatment needs, elderly, Nursing home, Ho Chi Minh City
ĐẶT VẤN ĐỀ
Giống như việc gia tăng dân số, dân số già
hóa gây ra nhiều thách thức cho sự tăng trưởng
kinh tế cũng như các dịch vụ an sinh xã hội.
Nhiều nghiên cứu cho thấy vấn đề này còn tác
động mạnh đến mối quan hệ gia đình, lối sống,
đặc biệt là hệ thống hưu trí quốc gia. Với sự phát
triển của ngành y học và sự tiến bộ của khoa học
kỹ thuật, dân số người cao tuổi ngày càng gia
tăng ở hầu hết quốc gia trên toàn thế giới. Tỷ lệ
người cao tuổi so với tổng dân số ở Việt Nam
cũng tăng dần, cụ thể năm 1979, 1989, 1999 và
2009 lần lượt là 6,96%; 7,2%, 8,11% và 8,69%.
Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê
(2010) thì tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam sẽ
chạm ngưỡng 10% tổng dân số vào năm 2017,
hay dân số Việt Nam chính thức bước vào giai
đoạn “già hóa” từ năm 2017; và ước tính đến
năm 2019 và năm 2029 tỷ lệ người cao tuổi lần
lượt là 11,78% và 16,66%(11). Liên hiệp quốc (2008)
dự báo biến động dân số Việt Nam theo cơ cấu
tuổi trong giai đoạn 2010-2050 là tỷ lệ người cao
tuổi sẽ tăng mạnh từ năm 2015 và đạt mức 26,1%
tổng dân số năm 2050(2). Xu hướng và tốc độ biến
động dân số theo hướng già hóa đang đặt ra
những cơ hội và thách thức lớn cho nước ta
trong việc chuẩn bị nguồn lực để đón nhận số
lượng dân số cao tuổi ngày càng tăng. Dân số già
hóa sẽ đặt một gánh nặng ngày càng tăng trên
các hệ thống chăm sóc y tế quốc gia. Tuổi thọ
càng cao thì nhu cầu chăm sóc y tế càng tăng,
liên quan đến các bệnh như bệnh tim mạch, ung
thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, loãng xương,
suy giảm thị lực, và mất trí nhớ. Tình trạng sức
khỏe răng miệng ở người cao tuổi thường ít
được quan tâm hơn sức khỏe toàn thân. Người
cao tuổi thường ít được nhận những điều trị cấp
cứu nha khoa hơn là các bệnh lý toàn thân
khác(1,7). Tác động của sức khỏe răng miệng lên
chất lượng cuộc sống gia tăng vì dân số người
cao tuổi tăng lên cũng như kéo dài tuổi thọ trên
người cao tuổi bị mất răng(4). Mặc dù sự nhận
thức về nhu cầu chăm sóc răng miệng ở người
cao tuổi trong thập kỷ qua có tăng lên nhưng
tình trạng răng miệng của họ tại các Trung tâm
dưỡng lão vẫn chưa được quan tâm đúng mức(5).
Nhiều người cao tuổi thường gặp khó khăn
trong việc duy trì vệ sinh răng miệng và hàm giả
vì những hạn chế của tay chân, khiếm khuyết thị
lực hay kèm với các bệnh lý toàn thân khác.
Người cao tuổi sống tại các viện dưỡng lão
thường có tình trạng răng miệng kém hơn
những người sống tại nhà và thường có mức độ
cao hơn những bệnh lý răng miệng được phát
hiện khi khám trên lâm sàng(8).
Cho đến hiện tại, nhiều nghiên cứu trên đối
tượng người cao tuổi tại Việt Nam đã được thực
hiện nhưng các nghiên cứu này lại ít quan tâm
đến tình trạng sức khỏe răng miệng. Nghiên cứu
khoa học xã hội có xu hướng tập trung vào phúc
lợi kinh tế xã hội ở người cao tuổi, trong khi
nghiên cứu sức khỏe răng miệng thì quan tâm
nhiều đến trẻ em và người lớn mà ít nghiên cứu
trên người cao tuổi, đặc biệt là đối tượng này tại
các Viện dưỡng lão tại Việt Nam nói chung và
Tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Vì vậy, có rất ít số
liệu điều tra về tình trạng sức khỏe răng miệng
cũng như chưa có nhiều các chương trình phòng
ngừa và can thiệp nhằm cải thiện sức khỏe răng
miệng trên nhóm đối tượng này. Riêng tại Tp.
Hồ Chí Minh, hiện nay có nhiều trung tâm
người cao tuổi, viện dưỡng lão đang được các cá
nhân, các tổ chức trong nước và ngoài nước hỗ
trợ khám và chăm sóc sức khỏe tổng quát; trong
khi chưa có nhiều các chương trình điều tra và
can thiệp về sức khỏe răng miệng cho nhóm
người cao tuổi này. Nhằm bổ sung vào số liệu
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 2 * 2016
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 300
hiện có về sức khỏe răng miệng của người cao
tuổi tại Việt Nam cũng như làm cơ sở cho các
chương trình phòng ngừa và can thiệp các bệnh
răng miệng ở người cao tuổi trong tương lai,
nghiên cứu này thực hiện với mục đích xác định
tình trạng răng miệng gồm sâu răng, nha chu và
mất răng; và nhu cầu điều trị liên quan trên
người cao tuổi sống tại một số Viện dưỡng lão
Tp. Hồ Chí Minh.
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được tiến hành tại 3 Viện dưỡng
lão (Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm
nuôi dưỡng bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa và
Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người già Thạnh
Lộc) là các trung tâm có số lượng người cao tuổi
lớn nhất trực thuộc Sở Lao động và Thương binh
Xã hội Tp. Hồ Chí Minh. Đối tượng nghiên cứu
là 791 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trong đó
có 360 nam (tuổi trung bình 72,4±9,6 tuổi) và 431
nữ (tuổi trung bình 73,4±8,7 tuổi), có thể giao tiếp
được và đồng ý tham gia nghiên cứu.
Trước khi tiến hành khám răng miệng, tất cả
đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn về số lần
chải răng và thói quen hút thuốc lá bởi các điều
dưỡng của trung tâm. Thông tin liên quan đến
tuổi, giới tính, trình độ học vấn được ghi nhận từ
hồ sơ của đối tượng tại trung tâm.
Một Bác sĩ Răng Hàm Mặt khám răng miệng
gồm tình trạng sâu răng, mất răng và nha chu,
tình trạng hàm giả và xác định nhu cầu điều trị
liên quan có sử dụng đèn khám đội đầu, thám
trâm, cây thăm dò túi nha chu cho tất cả đối
tượng trong nghiên cứu này tại phòng y tế của
Trung tâm. Răng được ghi nhận hiện diện nếu
được nhìn thấy trong miệng và được đánh giá là
răng chức năng hay không có chức năng. Răng
chức năng nếu còn thân răng lâm sàng và có thể
dùng để nhai hay lưu giữ hàm giả. Răng không
chức năng là những răng không còn thân răng
hay còn thân răng nhưng không thể dùng để
nhai hay không thể dùng để lưu giữ hàm giả.
Tổng số răng hiện có gồm răng chức năng và
răng không chức năng.
Sâu răng thân răng và chân răng được đánh
giá theo tiêu chuẩn của Tổ chức sức khỏe thế giới
(WHO, 1997). Độ sâu túi nha chu (PD) và độ mất
bám dính lâm sàng (CAL) được đo tại 6 vị trí của
răng chức năng bằng cây thăm dò và ghi nhận
mức độ sâu nhất cho từng răng. Có hay không
chảy máu nướu của mỗi răng (BOP) được ghi
nhận sau 30 giây khi thăm dò. Chỉ số mảng bám
(PI) được đánh giá dựa vào tiêu chí của Quigley
và Hein (1962).
Nhu cầu điều trị sâu thân răng hay chân
răng của mỗi răng được ghi nhận: 0, không cần
điều trị; 1, cần trám thân răng; và 3, cần trám
chân răng.
Nhu cầu điều trị nha chu của đối tượng
nghiên cứu được đánh giá và ghi nhận theo
tiêu chí sau: 0, không cần điều trị; 1, cải thiện
vệ sinh răng miệng; 2, cải thiện vệ sinh răng
miệng và cạo vôi răng; và 3, cải thiện vệ sinh
răng miệng và cạo vôi răng phối hợp với điều
trị nha chu chuyên sâu.
Răng có nhu cầu nhổ răng được điều tra
đánh giá vì lý do sâu răng, nha chu hay vì lý
do khác.
Sự hiện diện của hàm giả toàn phần hay
bán phần hàm trên hay hàm dưới được ghi
nhận. Tình trạng vệ sinh hàm giả được đánh
giá và cho điểm số dựa vào sự tích tụ mảng
bám trên hàm giả: số 0, không có mảng bám;
số 1, mảng bám ít; số 2, mảng bám trung bình;
số 3, mảng bám nhiều.
Nhu cầu điều trị phục hình trên những đối
tượng sẽ mất răng (vì nhổ răng) hay đang
mang phục hình nhưng không sử dụng được
hay đối tượng đang mất răng và chưa mang
hàm giả được đánh giá. Ghi nhận cho cả hàm
trên và hàm dưới theo tiêu chí sau: 0, không có
nhu cầu; 1, sữa chữa hàm giả hiện có; 2, bán
hàm; và 3, toàn hàm (WHO, 1997).
KẾT QUẢ
Đặc điểm mẫu nghiên cứu
Đặc điểm mẫu nghiên cứu được trình bày
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 2 * 2016 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 301
trong Bảng 1. Trong số 791 đối tượng nghiên cứu,
có 360 nam (45,5%) và 431 nữ (54,5%) với độ tuổi
trung bình là 72,9±9,1, không khác biệt có ý
nghĩa thống kê về tuổi của nam (72,4±9,6) so với
tuổi của nữ (73,4±8,7), p=0,116.
Trong toàn bộ mẫu nghiên cứu có 78 (9,9%)
đối tượng mất răng toàn bộ trên và dưới và 713
(90,1%) đối tượng còn răng. Đối tượng mất răng
toàn bộ có tuổi trung bình (77,3±9,4) cao hơn có ý
nghĩa thống kê so với tuổi của đối tượng còn
răng (72,4±9,0), p<0,001. Có 37 đối tượng nam
mất răng toàn bộ (tuổi trung bình 76,9±9,9) và 41
đối tượng nữ mất răng toàn bộ (tuổi trung bình
77,7±9,0). Không khác biệt có ý nghĩa thống kê về
tuối giữa nam và nữ (p=0,70). Có 323 đối tượng
nam còn răng (tuổi trung bình 71,8±9,5) và 390
đối tượng nữ còn răng (tuổi trung bình 72,9±8,5).
Không khác biệt về tuối có ý nghĩa thống kê giữa
nam và nữ còn răng (p=0,107).
Khoảng 50% đối tượng trong nghiên cứu này
mù chữ hay có trình độ tiểu học (49,2%), 44,0%
có trình độ trung học cơ sở hay trung học phổ
thông và chỉ có 6,85 đối tượng có trình độ sau
trung học phổ thông. Đối tượng nam có trình độ
học vấn cao hơn nữ và sự khác biệt có ý nghĩa
thống kê (p<0,001). Khoảng 43,0% đối tượng
nghiên cứu có thói quen hút thuốc lá, trong đó tỷ
lệ nam (60,0%) cao hơn nữ (29,0%) có ý nghĩa
thống kê (p<0,001). Liên quan đến thói quen chải
răng, 22,4% đối tượng nghiên cứu không chải
răng; 22,3% chải 1 lần/ ngày, và 56,3% đối tượng
chải từ 2-3 lần trong ngày. Nữ có thói quen chải
răng nhiếu lần trong ngày hơn nam (p=0,02).
Bảng 1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu
Nam (n=360) Nữ (n=431) Tổng số (n=791) p
Đối tượng nghiên
cứu, n (%)
Còn răng 323 (40,8) 390 (49,3) 713 (90,1) 0,40
Mất răng toàn bộ 37 (4,7) 41 (5,2) 78 (9,9)
Trình độ
học vấn,
n (%)
Không đi học, tiểu học 152 (42,2%) 237 (55,0%) 389 (49,2%)
<0,001 Trung học cơ sở, trung học phổ thông 173 (48,1%) 175 (40,6%) 348 (44,0%)
Sau trung học phổ thông 35 (9,7%) 19 (4,4%) 54 (6,8%)
Hút thuốc lá,
n (%)
Có 216 (60,0%) 125 (29,0%) 341 (43,1%)
<0,001
Không 144 (40,0%) 306 (71,0%) 450 (56,9%)
Số lần
chải răng,
n (%)
0 86 (26,6%) 74 (19,0%) 160 (22,4%)
0,02
1 67 (20,7%) 85 (21,8%) 152 (21,3%)
2 162 (50,2%) 208 (53,3%) 370 (52,0%)
3 8 (2,5%) 23 (5,9%) 31 (4,3%)
Kiểm định Chi bình phương; có ý nghĩa thống kê khi p<0,05
Tình trạng răng và nhu cầu điều trị sâu
răng
Tình trạng răng và nhu cầu điều trị sâu răng
của đối tượng còn răng được trình bày trong
Bảng 2. Trung bình số răng hiện có và răng chức
năng lần lượt là 15,2±7,7 và 14,2±7,4. Nữ có nhiều
răng và răng chức năng hơn nam có ý nghĩa
thống kê (p<0,05). Trung bình mỗi đối tượng còn
răng có 1 răng không chức năng và không khác
biệt giữa nam và nữ trong mẫu nghiên cứu.
Trung bình số răng có sâu thân răng và sâu chân
răng lần lượt là 5,8±4,0 và 6,0±4,2. Nam có tỷ lệ
sâu thân răng nhiều hơn nữ và nữ lại có sâu
chân răng nhiều hơn nam nhưng sự khác biệt
không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Trong số những đối tượng còn răng, chỉ có
1,4% không có nhu cầu điều trị trám thân răng.
Khoảng 31,6% cần trám 1-3 thân răng, 41,4% cần
trám 4-6 thân răng, 20% cần trám 7-9 thân răng
và 14,7% cần trám từ 10 thân răng trở lên.
Khoảng 4% không có nhu cầu điều trị trám chân
răng. 29,6% cần trám 1-3 chân răng, 24,4% cần
trám 4-6 chân răng, 25,9% cần trám 7-9 chân răng
và 16,1% cần trám từ 10 chân răng trở lên. Nam
có nhu cầu trám nhiều thân răng hơn nữ và nữ
có nhu cầu trám chân răng nhiều hơn nam,
nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 2 * 2016
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 302
(p>0,05).
Bảng 2. Tình trạng răng và nhu cầu điều trị sâu răng
Nam (n=323) Nữ (n=390) Tổng số (n=713) p
Tình trạng răng
(TB±ĐLC)*
Số răng hiện có 14,5±7,4 15,8±7,9 15,2±7,7 0,022
Số răng chức năng 13,5±6,9 14,7±7,8 14,2±7,4 0,021
Số răng không chức năng 1,0±1,9 1,1±2,0 1,0±2,0 0,65
Số răng có trám thân răng 0,5±0,8 0,3±0,7 0,4±0,7 0,02
Số răng sâu thân răng 5,9±3.9 5,7±4,0 5,8±4,0 0,59
Số răng sâu chân răng 5,9±4.1 6,1±4,2 6,0±4,2 0,56
Nhu cầu
điều trị sâu răng,
n (%)**
Đối tượng
cần trám thân răng
Không 6 (1,9%) 4 (1,0%) 10 (1,4%)
0,67
1 - 3 răng 99 (30,7%) 126 (32,3%) 225 (31,6%)
4 - 6 răng 96 (29,7%) 128 (32,8%) 224 (31,4%)
7 - 9 răng 72 (22,3%) 77 (19,7%) 149 (20,9%)
≥ 10 răng 50 (15,5%) 55 (14,1%) 105 (14,7%)
Đối tượng
cần trám chân răng
Không 14 (4,3%) 14 (3,6%) 28 (3,9%)
0,77
1 - 3 răng 95 (29,4%) 116 (29,7%) 211 (29,6%)
4 - 6 răng 84 (26,0%) 90 (23,1%) 174 (24,4%)
7 - 9 răng 83 (25,7%) 102 (26,2%) 185 (25,9%)
≥ 10 răng 47 (14,6%) 68 (17,4%) 115 (16,1%)
(*) Kiểm định T; (**) Kiểm định Chi bình phương; Có ý nghĩa thống kê khi p<0,05
Tình trạng nha chu và nhu cầu điều trị
Tình trạng nha chu và nhu cầu điều trị nha
chu của đối tượng còn răng được trình bày trong
Bảng 3. Trong tổng số 713 người cao tuổi, trung
bình mỗi đối tượng có 7,68 ± 4,55 răng bị chảy
máu nướu khi thăm dò. Chỉ số trung bình mảng
bám răng, độ sâu túi nha chu và độ mất bám
dính lâm sàng lần lượt là 3,72 ± 1,07; 3,65 ± 1,21
và 3,84 ± 1,27. Đối tượng nam còn răng trong
nghiên cứu này có tất cả các chỉ số nha chu cao
hơn có ý nghĩa thống kê so với đối tượng nữ
(p<0,05). Có 26,2% đối tượng còn răng có ít nhất
1 túi nha chu sâu nhất từ 4mm trở lên, trong đó
có 16,7% có túi nha chu từ 4-6mm và 9,5% có túi
nha chu từ 7mm trở lên. Tỷ lệ nam giới có có túi
nha chu sâu hơn nữ giới có ý nghĩa thống kê
(p=0,024). Nghiên cứu cho thấy tất cả đối tượng
còn răng trong nghiên cứu này đều có nhu cầu
điều trị nha chu. Cụ thể, hơn 3/4 đối tượng có
nhu cầu cải thiện vệ sinh răng miêng và cạo vôi
(76,2%), 20,3% đối tượng cần cải thiện vệ sinh
răng miệng, cạo vôi răng kết hợp với điều trị
chuyên sâu và chỉ có 3,3% đối tượng cần cải
thiện vệ sinh răng miệng. Nam giới có nhu cầu
điều trị nha chu chuyên sâu nhiều hơn nữ giới có
ý nghĩa thống kê (p=0,025).
Bảng 3. Tình trạng nha chu và nhu cầu điều trị
Nam
(n = 323)
Nữ
(n = 390)
Tổng số
(n=713)
p
Tình trạng nha
chu, (TB ± ĐLC)*
Mảng bám răng (PI) 3,92 ± 1,91 3,55 ± 1,17 3,72 ± 1,07 <0,001
Chảy máu nướu khi thăm dò (BOP) 8,07 ± 4,53 7,35 ± 4,56 7,68 ± 4,55 0,035
Độ sâu túi nha chu (PD, mm) 3,76 ± 1,14 3,56 ± 1,26 3,65 ± 1,21 0,024
Độ mất bám dính lâm sàng (CAL, mm) 3,98 ± 1,21 3,73 ± 1,30 3,84 ± 1,27 0,009
Đối tượng
có túi nha chu sâu
nhất, n (%)**
≤ 3mm 223 (69.0%) 303 (77.7%) 526 (73.8%)
0.024 4 - 6 mm 61 (18.9%) 58 (14.9%) 119 (16.7%)
≥ 7 mm 39 (12.1%) 29 (7.4%) 68 (9.5%)
Nhu cầu điều trị
nha chu, n (%)**
Cải thiện vệ sinh răng miệng 15 (4,6%) 10 (2,6%) 25 (3,5%)
0.025
Cải thiện vệ sinh răng miệng và cạo vôi răng 231 (71,5%) 312 (80,0%) 543 (76,2%)
Cải thiện vệ sinh răng miệng, cạo vôi răng kết hợp
với điều trị nha chu chuyên sâu
77 (23,8%) 68 (17,4%) 145 (20,3%)
(*) Kiểm định T; (**) Kiểm định Chi bình phương; Có ý nghĩa thống kê khi p<0,05
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 2 * 2016 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 303
Tổng cộng, có 488 đối tượng còn răng
(68,4%) không có nhu cầu nhổ răng, 149 người
(20,9%) cần nhổ từ 1 đến 3 răng và 76 người
(10,7%) cần nhổ từ 4 đến 10 răng. Đối tượng nam
cần nhổ nhiều răng hơn nữ nhưng sự khác biệt
không có ý nghĩa thống kê (p=0,58).
Tình trạng hàm giả và nhu cầu điều trị
Tình trạng vệ sinh hàm giả và nhu cầu điều
trị phục hình của toàn bộ mẫu nghiên cứu được
trình bày trong Bảng 4. Trong tổng số 86 đối
tượng mang hàm giả hàm trên, 4 đối tượng
mang hàm giả toàn phần (4,7%) và 95,3% đối
tượng mang hàm giả bán phần. Liên quan đến
vệ sinh hàm giả hàm trên, không có đối tượng có
điểm số 0, khoảng 1/4 đối tượng có điểm số 1
(24,4%). Có tỷ lệ đối tượng có điểm số 2 cao nhất
(70,9%) và khoảng 5% đối tượng có điểm số 3
(4,7%). Có 86 đối tượng mang hàm giả dưới, và
tất cả là hàm giả bán phần. Liên quan đến vệ
sinh hàm giả hàm dưới, không có đối tượng nào
có chỉ số vệ sinh hàm giả là 0, khoảng 1/5 đối
tượng có điểm số 1 (22,1%), hơn một nữa đối
tượng có điểm số 2 (54,7%) và khoảng 1/4 đối
đượng có điểm số 3 (23,2%).
Bảng 4. Tình trạng vệ sinh hàm giả và nhu cầu điều
trị
Hàm trên, n
(%)
Hàm dưới, n
(%)
Tình
trạng vệ
sinh
hàm giả
Sạch hoàn toàn 0 0
Mảng bám ít 21 (24.4%) 19 (22.1%)
Mảng bám trung
bình
61 (70.9%) 47 (54.7%)
Mảng bám nhiều 4 (4.7%) 20 (23.2%)
Tổng số 86 (100.0%) 86 (100.0%)
Nhu cầu
răng
hàm giả
Không cần 182 (23.0%) 139 (17.5%)
Sửa chữa
hàm giả hiện có
58 (7.3%) 48 (6.1%)
Hàm bán phần mới 393 (49.7%) 458 (57.9%)
Hàm toàn phần mới 158 (20.0%) 146 (18.5%)
Tổng số 791 (100.0%) 791 (100.0%)
Tỷ lệ phần trăm đối tượng nghiên cứu không
cần hàm giả ở hàm trên và hàm dưới lần lượt là
23,0% và 17,5%. 49,7% đối tượng nghiên cứu cần
hàm giả bán phần mới ở hàm trên và 57,9% cần
hàm giả bán phần mới ở hàm dưới. Khoảng 1/5
đối tượng cần hàm giả toàn phần (20% cần cho
hàm trên và 18,5% cần cho hàm dưới). Nhu cầu
cần sửa chữa hàm giả hàm trên và hàm giả hàm
dưới hiện có lần lượt là 7,3% và 6,1%.
BÀN LUẬN
Với sự gia tăng nhanh tỷ lệ người cao tuổi tại
các nước phát triển và đang phát triển đã đưa
đến những vấn đề về sức khỏe chung cũng như
sức khỏe răng miệng nói riêng. Sự gia tăng tuổi
thọ kéo theo tăng nhu cầu chăm sóc răng miệng
của người cao tuổi. Nghiên cứu này cho thấy
mặc dù tỷ lệ mất răng toàn bộ của mẫu nghiên
cứu không cao, nhưng nhu cầu về điều trị sâu
răng, nha chu và phục hình rất cao.
Tỷ lệ mất răng toàn bộ trong nghiên cứu này
thấp hơn một số nghiên cứu khác trên thế giới
như của Gift và cs, 1997 (nghiên cứu trên 8056
người cao tuổi tại các Viện dưỡng lão cho thấy tỷ
lệ mất răng toàn bộ là 47%)(3), nhưng 100% người
mất răng toàn bộ trong nghiên cứu này đều
không mang phục hình toàn phần cả trên và
dưới. Nhu cầu phục hình bán phần của người
cao tuổi trong nghiên cứu này cao, chiếm hơn
50% và nhu cầu phục hình toàn phần chiếm
khoảng 20% trong toàn bộ mẫu nghiên cứu.
Uludamar và cs (2011)(10) nghiên cứu trên 346
người cao tuổi tại các Viện dưỡng lão cho thấy tỷ
lệ mất răng toàn bộ là 58,2%, cao hơn trong
nghiên cứu này và chỉ có 38% trong số đó không
mang hàm giả.
Nghiên cứu này cho thấy hơn 95% đối tượng
còn răng có nhu cầu trám thân răng và chân răng.
Về nhu cầu điều trị nha chu, mặc dù chỉ có
khoảng 26% đối tượng có túi nha chu từ 4mm
trở lên, nhưng tất cả các đối tượng trong nghiên
cứu này đều có nhu cầu cải thiện vệ sinh răng
miệng. Trong đó hơn 75% trường hợp cần phải
kết hợp cạo vôi răng và 20% cần phải phối hợp
điều trị nha chu chuyên sâu. Tình trạng vệ sinh
răng miệng và hàm giả của đối tượng nghiên
cứu cũng rất trầm trọng. Vì vậy tăng cường giáo
dục vệ sinh răng miệng kết hợp với việc cải thiện
vệ sinh răng miệng và cạo vôi răng cho đối
tượng trong nghiên cứu là thật sự cần thiết.
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 2 * 2016
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 304
Nghiên cứu của này cho thấy trung bình số
răng sâu và tỷ lệ sâu chân răng cao hơn so với
nghiên cứu trước đây của Lâm Kim Triển, 2014
(trên 122 người cao tuổi tại Viện dưỡng lão Tp.
Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ sâu chân răng là
43,4% và chỉ số trung bình sâu răng là 2,97)(6).
Nghiên cứu của chúng tôi tiến hành tại 3 Viện
dưỡng lão lớn tại Tp. Hồ Chí Minh, trên cỡ mẫu
lớn hơn nhiều nên có thể đại diện cho cộng đồng
người cao tuổi tại các Viện dưỡng lão hơn, và
cũng có thể là đối tượng người cao tuổi còn răng
trong nghiên cứu này cao hơn nghiên cứu trước
đây. Nghiên cứu của Trần Thị Tuyết Phượng
(2011)(9) trên 300 bệnh nhân cao tuổi đến khám
và điều trị tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung
Ương Tp. Hồ Chí Minh cho thấy trung bình chỉ
số sâu răng là 5,31; sâu chân răng là 1,97; nhu cầu
điều trị nha chu là 69,3%, tất cả đều thấp hơn so
với kết quả trong nghiên cứu này. Người cao
tuổi tại các Viện dưỡng lão thường có tình trạng
răng miệng trầm trọng hơn và nhu cầu điều trị
bệnh răng miệng cao hơn so với người cao tuổi
sống tại nhà.
Kết quả từ nghiên cứu này cho thấy có tỷ lệ
cao bệnh sâu răng và nha chu. Vì vậy việc cải
thiện vệ sinh răng miệng, kết hợp với giáo dục
nha khoa tại các Viện dưỡng lão là thật sự cần
thiết. Nhu cầu điều trị bệnh sâu răng, nha chu và
mất răng cũng rất cao, vì vậy cần có những
chương trình phòng ngừa và can thiệp thích hợp
nhằm cải thiện và duy trì sức khỏe răng miệng
hiện tại của họ. Tăng cường tập huấn kiến thức
nha khoa cho các Bác sĩ và điều dưỡng y khoa tại
các trung tâm để việc giáo dục vệ sinh răng
miệng thích hợp, khám răng miệng định kỳ
được duy trì và phát hiện sớm các bệnh lý răng
miệng đơn giản có thể được thực hiện bởi các
Bác sĩ và điều dưỡng tại trung tâm. Cần quan
tâm việc phối hợp với các Y/Bác sĩ Răng Hàm
Mặt tại các bệnh viện tuyến cơ sở gần các trung
tâm dưỡng lão trong việc điều trị các bệnh răng
miệng cho người cao tuổi. Ngoài ra, các viện
dưỡng lão cần khám răng miệng ban đầu khi
tiếp nhận người cao tuổi, chuyển sớm tới các Bác
sĩ Răng Hàm Mặt khi phát hiện bệnh và cần chú
ý hơn đến việc chăm sóc vệ sinh răng miệng
hàng ngày cho người cao tuổi sống tại Viện.
Lời cảm ơn : Tác giả chân thành cảm ơn Ban Giám đốc Trung
tâm dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ xã hội
Chánh Phú Hòa và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người già
Thạnh Lộc, đã tạo mọi điều kiện để thực hiện nghiên cứu này.
Cảm ơn BS. Lương Văn Tô My, Nguyên trưởng bộ môn Tia X,
Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ
trang thiết bị và vật liệu phục vụ cho nghiên cứu.
Cám ơn BS. Nguyễn Quang Tâm và nhóm Bác sĩ tình nguyện của
Phòng nha khoa, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Tp. Hồ Chí Minh
đã hỗ trợ trong việc thu thập số liệu. Công ty Colgate Palmolive đã
cung cấp các công cụ giáo dục vệ sinh răng miệng, kem và bàn chải
cho các đối tượng tham gia nghiên cứu này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. De Baat C, Bruins H, et al (1993), “Oral health care for nursing
home residents in the Netherlands – a national survey”,
Community Dent Oral Epidemiol, 21: pp, 240-242.
2. Giang Thanh Long, Lê Hà Thanh (2010), “Vượt qua bẫy thu
nhập trung bình: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”,
Nhà xuất bản Giao thông vận tải, tr 168.
3. Gift HC, Cherry-Peppers G, Oldakowski RJ (1997) “Oral
health status and related behaviors of US nursing home
residents”, Gerodontology, 14, pp,89-99.
4. Gift HC, Redford M (1992) “Oral health and quality of life”,
Clin Geriatr Med, 8, pp,673-683.
5. Keyser-Jones J, Bird WF, Paul FM, Long L, Schell ES (1995),
“An instrument to assess the oral health status of nursing
home residents”, Geriodontologist, 35, pp,814-824.
6. Lâm Kim Triển (2014) “Tác động của sức khỏe răng miệng lên
chất lượng cuộc sống của người cao tuổi tại một số viện
dưỡng lão Tp. Hồ Chí Minh”. Luận văn thạc sĩ y học.
7. MacEntee MI, Weiss R, Waxler-Morrison NE, Morrison BJ
(1987), “Factors influencing oral health in long term care
facilities”, Community Dent Oral Epidemiol, 15, pp.314-316.
8. Steele JG, Sheiham A, Marcenes W, Walls AWG (1998),
“National diet and nutrition survey: people aged 65 years and
over, vol.2: report of oral health survey. HMSO, London”
9. Trần Thị Tuyết Phượng (2011) “Ảnh hưởng của sức khỏe răng
miệng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh cao tuổi tại
Bệnh viên Răng Hàm Mặt Trung Ương Tp. Hồ Chí Minh”.
Luận văn thạc sĩ y học. Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
10. Uludamar A, Evren BA, Iseri U, Ozkan YK (2011), “Oral
health status and treatment requirements of different
residential homes in Istanbul: A comparative study”, Arch
Gerontol Geriatr, 53(1),e67-74.
11. UNFPA (2011), “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt
Nam: thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách”
tr17-18.
Ngày nhận bài báo: 29/01/2016
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 26/02/2016
Ngày bài báo được đăng: 25/03/2016
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 298_2_6323_2177597.pdf