Tính nhục thể: Phương thức sáng tạo nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam mang dấu ấn hậu hiện đại từ sau năm 1986 đến nay

Tài liệu Tính nhục thể: Phương thức sáng tạo nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam mang dấu ấn hậu hiện đại từ sau năm 1986 đến nay: TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 27 (52) - Thaùng 4/2017 131 Tính nhục thể: Phương thức sáng tạo nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam mang dấu ấn hậu hiện đại từ sau năm 1986 đến nay Corporeality: The method of creating characters that bears the stamo of postmodern in Vietnamese novels from after 1986 to now ThS. Nguyễn Thị Lan Anh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM Nguyen Thi Lan Anh, M.A. University of Social Sciences and Humanities – National University HCMC Tóm tắt Tính nhục thể là một trong những thủ pháp, quan niệm về việc sử dụng các yếu tố tính dục trong văn chương hậu hiện đại, nhằm miêu tả con người với phần bản năng của mình. Phương thức này khá phổ biến trong văn chương hậu hiện đại trên thế giới cũng như được biểu hiện khá rõ nét trong các tiểu thuyết mang dấu ấn hậu hiện đại của Việt Nam. Qua vấn đề tính dục, nhà văn soi chiếu vào tâm hồn mỗi con người, mở ra những tri nhận về mối quan hệ đồng nhất giữa thế gi...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 396 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tính nhục thể: Phương thức sáng tạo nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam mang dấu ấn hậu hiện đại từ sau năm 1986 đến nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TAÏP CHÍ KHOA HOÏC ÑAÏI HOÏC SAØI GOØN Soá 27 (52) - Thaùng 4/2017 131 Tính nhục thể: Phương thức sáng tạo nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam mang dấu ấn hậu hiện đại từ sau năm 1986 đến nay Corporeality: The method of creating characters that bears the stamo of postmodern in Vietnamese novels from after 1986 to now ThS. Nguyễn Thị Lan Anh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM Nguyen Thi Lan Anh, M.A. University of Social Sciences and Humanities – National University HCMC Tóm tắt Tính nhục thể là một trong những thủ pháp, quan niệm về việc sử dụng các yếu tố tính dục trong văn chương hậu hiện đại, nhằm miêu tả con người với phần bản năng của mình. Phương thức này khá phổ biến trong văn chương hậu hiện đại trên thế giới cũng như được biểu hiện khá rõ nét trong các tiểu thuyết mang dấu ấn hậu hiện đại của Việt Nam. Qua vấn đề tính dục, nhà văn soi chiếu vào tâm hồn mỗi con người, mở ra những tri nhận về mối quan hệ đồng nhất giữa thế giới bản năng và thế giới tinh thần của nhân vật; đồng thời cho thấy một thế giới hỗn loạn, phần mảnh nơi mà con người trở nên lạc lõng, cô đơn trước thời cuộc - tâm thế đặc trưng của con người hậu hiện đại. Từ khóa: tính nhục thể, nhân vật, tiểu thuyết Việt Nam, hậu hiện đại. Abstract Corporeality is one of the methods using sexual elements in postmodern literature to describe human with their instincts. This method is popular in the postmodern literature in the world, it is also quite prominent in Vietnamese’s novels that bear the stamp of postmodern. Through sexuality, the writers explore the soul of the characters, open up the perceptions of the identity between the character's physical body and spiritual. Besides it also shows a chaotic, fragmented world where human always feel lost and lonely - the typical mind of postmodern human. Keywords: corporeality, characters, Vietnamese novels, postmodern. Tiểu thuyết Việt Nam mỗi thời kỳ xác định được cho mình những thủ pháp khác nhau trong việc xây dựng nhân vật. Với các giai đoạn trước, có một mô típ quen thuộc trong việc xây dựng nhân vật: hoặc chính diện, hoặc phản diện. Nhưng hiện thực đời sống mới khiến nhà văn có những nhận thức mới. Sự chuyển mình của nền kinh tế cơ chế thị trường kéo theo những sụp đổ của hệ thống các giá trị, những đổi thay lớn lao của toàn xã hội phá vỡ niềm tin của con người. Những chuyển biến đổi thay ấy đã dẫn tới những đổi thay trong quan niệm sáng tác. Việc phá vỡ các nguyên tắc, giới hạn trong sáng tác là một điều rất quan trọng, bởi đó là tiêu chí để nhận biết những đổi TÍNH NHỤC THỂ: PHƯƠNG THỨC SÁNG TẠO NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VI T NAM MANG DẤU ẤN 132 mới về mặt thủ pháp, nhận diện những dấu ấn hậu hiện đại trong các sáng tác của họ. Thông qua việc đổi mới phương thức thể hiện, nhà văn bộc lộ quan điểm của mình đối với đời sống hiện đại. Tinh thần hậu hiện đại được thể hiện ở việc các nhà văn đã nỗ lực tái hiện lại một cuộc sống hỗn độn, với thái độ hoài nghi trước thực tại, đặc biệt là đối với các “đại tự sự”. Tâm thế ấy được thể hiện rõ ràng trong các thủ pháp xây dựng nhân vật. Như chúng ta đã biết, có nhiều thủ pháp khác nhau trong việc nghiên cứu và sáng tác các tác phẩm hậu hiện đại trên thế giới, như liên văn bản, ngụy tạo, giễu nhại, cực hạn, huyền ảo, giải thiêng, siêu hư cấu, mảnh vỡ, mặt nạ tác giả, tính nhục thể... Trong đó, tính nhục thể (corporeality) là một trong những thủ pháp, quan niệm về việc sử dụng các yếu tố tính dục trong văn chương hậu hiện đại, nhằm miêu tả con người với phần bản năng của mình. Theo các nhà hậu hiện đại, tính nhục thể “là một trong những diễn ngôn quan trọng trong việc xác lập những giá trị và chi phối hành vi, nhận thức của con người” [2; tr.17]. Có thể hiểu, tính nhục thể là một phương thức nhà văn dùng để đề cập tới các yếu tố tính dục. Phương thức này khá phổ biến trong văn chương hậu hiện đại trên thế giới cũng như được biểu hiện khá rõ nét trong các tiểu thuyết mang dấu ấn hậu hiện đại của Việt Nam. Theo Freud, con người bộc lộ bản chất của mình trong đời sống tình dục. Bản năng là một vấn đề có tính nguyên thủy. Trong xã hội hiện đại, nó vẫn là một vấn đề mang tính cơ bản. Có những khác biệt trong vấn đề tính dục ở văn học hiện đại và văn học hậu hiện đại. Nếu như ở văn học hiện đại, tính dục thường là biểu trưng của riêng thể xác, được tách biệt với thế giới tinh thần thì ở văn học hậu hiện đại, thể xác được gắn liền với tinh thần của thực thể, thậm chí đôi khi đồng nhất với các cơ chế tinh thần. Một đặc điểm khác biệt nữa, khi đề cập đến tính nhục thể, các sáng tác hiện đại coi đó là thủ pháp nhằm miêu tả, ca ngợi sự giải phóng con người về mặt bản năng, ca ngợi sự tự do tình dục, thì trong các sáng tác hậu hiện đại và có dấu ấn hậu hiện đại, mục đích của việc sử dụng tính nhục thể trong tác phẩm lại để nhấn mạnh một điều: khi xã hội đã bước ra khỏi những định kiến, quy định gắt gao, khi con người được tự do, giải phóng bản năng thì cũng là lúc con người chạy từ thái cực này sang thái cực khác, trở nên khủng hoảng, đánh mất niềm tin và đánh mất bản thân. Như vậy, dục tính trở thành một một biểu tượng ẩn dụ để phản ánh thời đại, phản ánh một thế giới những con người hỗn loạn, mất niềm tin. Trên cơ sở tìm hiểu tính nhục thể trong các tiểu thuyết mang dấu ấn hậu hiện đại giai đoạn từ sau 1986 đến nay, chúng tôi tạm chia ra hai thủ pháp chính. Thủ pháp thứ nhất, các tác giả đề cao tính thân xác, xu hướng thứ hai, là hình thức “giải trung tâm” tính nhục thể của đàn ông. 1. Xu hướng đề cao tính thân xác Đề cao tính thân xác là thủ pháp mà nhà văn sử dụng để xóa bỏ ranh giới giữa đời sống bên trong và bên ngoài của thế giới tâm lý, xóa bỏ khoảng cách ranh giới giữa nhận thức lý tính và nhận thức cảm tính. Theo các nhà hậu hiện đại, lý tính và cảm tính đều xuất phát từ cùng một cơ thể sống, vì vậy, không có cái đơn thuần nhận thức lý tính, cũng như không có cái duy nhất nhận thức cảm tính ở một cá thể. Từ nhận thức này, họ đề cao tính dục, tính thân xác của ý thức, coi nó như một diễn ngôn quan trọng trong việc xác lập hệ NGUYỄN THỊ LAN ANH 133 thống những hành vi, ý thức, giá trị của con người. Đã từng có thời kỳ văn chương coi tình dục và những vấn đề liên quan đến dục tính là lãnh địa cấm. Sau này với những cuộc cách mạng trong nhận thức và sáng tác, cùng với ý thức giải phóng con người cá nhân, văn chương bắt đầu khai thác đề tài này. Đề cập đến những vấn đề thuộc tính dục của con người là cách hiệu quả nhất, sở dĩ như vậy là bởi nó là phần bản năng nguyên thủy và có ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của loài người. Loài người trở nên “phì đại”, có mặt trên khắp thế giới như ngày nay là do bản năng tính dục có từ thời sơ khai. Nó là yếu tố quan trọng để con người nói riêng và các loại động vật nói chung duy trì nói giống. Tuy nhiên khi đề cập đến tính nhục thể, các nhà văn không đơn thuần muốn nói về công cuộc giải phóng cá nhân hay ca ngợi sự tự do mà điều họ muốn diễn giải, đó là ý thức về cõi cô đơn bất tận mà con người cá nhân phải đối mặt giữa hiện thực thậm phồn, giữa những phì đại của kỹ trị và khoa học. Họ rơi vào trạng thái bất khả của nhận thức. Con người cá nhân bị giam cầm trong chính cái mà họ tưởng là tự do, rơi vào cái gọi là “bi kịch tinh thần”, bởi khi giải phóng bản thân mình trong tình dục, coi đó là phương thức của sự giải thoát thì cũng đồng thời là lúc con người trở nên phụ thuộc, thảm bại trong lối sống phóng khoáng nhưng vô nghĩa của mình. Bội thực với tự do tình dục cũng là lúc con người chết đói trong sự thiếu vắng của tình yêu nói riêng và tình người nói chung. Đây chính là tâm thức của con người hậu hiện đại. Trong Thoạt kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương), nhân vật Hiền gánh nỗi khổ truyền kiếp của người phụ nữ, nỗi khổ phận đàn bà sinh-ra-để-khổ. Đã cố gắng từ thụ động đến chủ động gợi ý, Hiền vẫn không được thỏa mãn trong đời sống vợ chồng vì Tính là người điên, không có ý niệm gì về thân xác. Nhân vật Hiền không được hiện lên qua chiều kích của tính cách hay hình dáng, cũng không bởi những suy nghĩ, trăn trở của cuộc sống thường nhật. Ở tiểu thuyết này, các cơ chế tinh thần của nhân vật Hiền đã được đồng hóa giữa ý niệm về dục tính. Hay nói cách khác, ý niệm về dục tính đã choán toàn bộ thế giới tinh thần của nhân vật. Khi đề cập đến sự thiếu vắng của đời sống vợ chồng, Nguyễn Bình Phương muốn nói đến sự thiếu vắng của các mối liên hệ giữa con người và con người trong cuộc sống. Tương tự trong Người đi vắng, tính thân xác được xem là trạng thái sống có ý nghĩa nhất đối với các nhân vật như Hoàn và Cương. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với một số nhân vật trong các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái. Đó là những miêu tả về cuộc truy hoan tay ba giữa nhân vật Giáo sư, nàng Chủ nhà và chàng tình nhân trong Dấu về gió xóa. Một cuộc truy hoan xảy ra tình cờ và vô nghĩa, bởi giữa họ từ trước tới nay không có mối liên hệ nào với nhau, ngoài trừ việc anh Giáo sư là người đang thuê nhà của nàng Chủ nhà. Hồ Anh Thái muốn nhấn mạnh đến sự hư vô của con người hậu hiện đại: khi tình dục được giải phóng quá đà, nó dẫn đến sự vô nghĩa. Tính dục trong Người đàn bà trên đảo của Hồ Anh Thái là biểu tượng của những gì lộn xộn, phức tạp nhất của nhân cách. Những người phụ nữ trở về sau cuộc chiến tranh đã đi theo tiếng gọi của dục tính, dù họ biết rằng họ không thể tìm được một người đàn ông cho riêng mình ở một nơi gần như “hoang đảo”, lại chỉ toàn phụ nữ. Những ham muốn của họ không thể đơn TÍNH NHỤC THỂ: PHƯƠNG THỨC SÁNG TẠO NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VI T NAM MANG DẤU ẤN 134 giản định nghĩa. Tính thân xác của ý thức ở đây không chỉ đơn thuần là sự chiều theo bản năng xác thịt, mà còn được đồng hóa với mong muốn được làm mẹ. Như vậy, ở đây vấn đề được Hồ Anh Thái đề cập là: bản năng làm mẹ và vấn đề tồn vong của loài người. Nỗi ám ảnh, thiếu thốn thân xác cũng được nhà văn tái hiện lại dưới một “ngụ ngôn thời hiện đại”, khi kể về truyền thuyết nghĩa quân Tần Đắc. Tần Đắc là thủ lĩnh của một nhóm nghĩa quân chống Pháp. Ông đã nổi giận và ra lệnh chém đầu quân lính của mình khi biết họ làm nhục một cô gái địa phương, bởi “họ chỉ được quyền nhớ một điều: đó là báo thù giặc. Mọi khao khát, ham muốn, dục vọng đều phải tuyệt diệt” [13; tr.6]. Cũng bởi nỗi ám ảnh của sự cấm đoán mà họ nhất quyết cho rằng món quà của một ông già (gồm hai quả mít và một cây măng) là biểu tượng của dương vật, cho rằng ông già muốn làm nhụt chí họ, cố làm sa ngã họ, nên họ đã giết ông già. Những ẩn ức tâm lý của dục tính bị kìm nén đã lấn áp và trở nên mạnh hơn lý trí. Qua đó có thể thấy được sự đề cao tính thân xác: khi thể xác không được giải phóng, tất yếu dẫn tới sự cùng quẫn của lý trí. Ngay cả nàng Savitri - một công chúa cũng hoàn toàn bị cuốn theo sự ham muốn của thân xác, dù rằng nàng là một con người quả cảm với cá tính mạnh mẽ. Có kiến thức từ Dục lạc kinh, nàng hiện thực hóa nó trong cuộc sống của mình. Cả cuộc đời nàng là một cuộc truy đuổi xác thịt với mong muốn tột bậc, có phần “điên rồ”, là chiếm đoạt được thân xác của Đức Phật. Tính thân xác được đẩy đến độ phi nhân tính, là khi con người ta bỏ qua những quá trị đạo đức và nhân tính. Đó là nhân vật bà mẹ trong Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái. Bỏ qua mọi giá trị đạo đức và tinh thần, bỏ qua cả cảm xúc của đứa con gái nhỏ, bà mẹ ấy chạy theo dục vọng thấp hèn, đến mức không còn một chút phẩm hạnh nào. Đó cũng là Trần Bình (Cơ hội của Chúa - Nguyễn Việt Hà) đã không chỉ chung đụng bồ nhí với chính bố đẻ, mà còn dùng đủ các mánh khóe đê tiện nhất để giành giật người yêu từ anh trai bạn, chiếm đoạt em gái bạn. Trần Bình đã mất đi hẳn nhân tính, chỉ còn lại thú tính, dường như cuộc sống của hắn hoàn toàn bị chi phối bởi bản năng. Hay như nhân vật người cha của chị em Mai và hồn ma Chi (Mưa ở kiếp sau - Đoàn Minh Phượng), hắn ngoại tình với mẹ của Mai khi bà mới 17 tuổi. Và trong một đêm nằm giữa mẹ của Mai và dì Lan, hắn đã chiếm đoạt luôn cả dì Lan - khi ấy mới chỉ là một cô bé gần 15 tuổi. Để lại hậu quả là cả hai chị em đều sinh hạ hai đứa con gái mà hắn đã nhẫn tâm bỏ rơi, độc ác hơn, đưa cho tên lái xe giết chết Chi - đứa con gái mới 2 tháng tuổi. Ông ta cũng thường xuyên hưởng thụ thú vui thân xác với những cô gái trẻ đáng tuổi con gái mình. Tương tự, tiểu thuyết 3.3.3.9. Những mảnh hồn trần của Đặng Thân dày đặc các yếu tố tính dục, đi sâu vào tính thân xác. Ở tiểu thuyết này, cuộc sống của các nhân vật cũng hoàn toàn bị chi phối bởi dục tính. Đó là những mối quan hệ đơn thuần bởi thân xác giữa nhân vật Mộng Hường và Nguyên “sân”, Mộng Hường và Dương Đại Nghiệp - một ông trùm buôn bán quần áo ở Thâm Quyến, Mộng Hường và Judah - Schditt. Ý thức đạo đức đã hoàn toàn bị dẫn dắt bởi ham muốn của thân xác. Mục đích cuộc sống của họ chỉ xoay quanh thế giới nhục cảm, ý nghĩa duy nhất trong cuộc sống của họ là làm sao để thỏa mãn bản năng. NGUYỄN THỊ LAN ANH 135 Ngay đến cả sư nữ Thích Tâm Chân cũng bỏ chùa đi lấy chồng, nhưng điều bi kịch là ở chỗ đời sống vợ chồng của họ không mấy vui vẻ. Tâm Chân đã bán hết tài sản để đưa chồng vào viện khôi phục lại khả năng đàn ông. Nhưng tất cả ngoài mọi mong đợi của họ. Đến mức sau cuộc phẫu thuật, Tâm Chân phải “đành nghĩ cách đi tìm gái điếm cho Sơn” [15; tr.174]. Bi kịch nhất của sự không được giải thoát bản năng chính là sự bất lực. Mà theo như Lê Huy Bắc thì “bi đát nhất của con người mang tính người nhất chính là bất lực giới” [2; tr.243]. Hoặc như nhân vật Hằng và Hiếu (Mình và họ - Nguyễn Bình Phương) quan hệ với nhau khi họ vốn là chị dâu em chồng. Đó là sự loạn luân, nhưng không thấy nhân vật băn khoăn, day dứt hay cảm thấy tội lỗi. Những chấn thương hoặc ám ảnh từ khía cạnh tinh thần đôi khi khiến nhân vật tự chối bỏ bản năng, tính nhục thể của mình. Tính trong Thoạt kỳ thủy (Nguyễn Bình Phương) do bị chấn thương tự nhiên về mặt tinh thần, bị tâm thần từ khi mới sinh, đã không có khả năng của một người đàn ông. Nhân vật “ông” trong Những đứa trẻ chết già khi còn thanh niên đã tạm thời mất đi khả năng đàn ông trong hoàn cảnh được Xoan – cô gái mà ông thầm ngưỡng mộ dâng hiến. Sự bất lực ấy có nguyên nhân bởi những ám ảnh của tâm thức, từ giấc mơ đầy nhục cảm của ông. Đó là nỗi ám ảnh về một thế giới điên loạn của ma quỷ. Giấc mơ trở thành nỗi ám ảnh, đến mức sau này đã đẩy ông vào tình trạng bất lực thực sự dù trải qua hai đời vợ. Mai Trừng trong Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái không thể yêu vì cơ chế phản ứng đặc biệt của cơ thể: bất kỳ ai muốn đụng tới cô, xâm hại cô – dù sự xâm hại ấy có thể xuất phát từ tình yêu thực sự. Cơ chế phản ứng của Mai Trừng từ đâu mà có? Hồ Anh Thái không lý giải nguyên nhân, nhưng chúng ta ngầm hiểu rằng, nó là ẩn dụ về một cơ chế phản xạ tự nhiên bởi chấn thương của nhân vật khi đứng trước hiện thực cuộc sống đầy rẫy nhục dục. Nhưng kèm theo nó là sự trả giá, nó cho cô quyền trừng phạt những kẻ xâm hại, nhưng cũng đồng thời tước đi ở cô niềm hạnh phúc được cảm nhận những khoảnh khắc giao cảm thể xác đối với người cô yêu. Nó ngầm ẩn dụ cho sự ám ảnh, chấn thương tâm lý dẫn tới sự chối bỏ bản năng của nhân vật Mai Trừng. Có thể thấy, những ám ảnh và những chấn thương tinh thần về mặt dục tính đã phá vỡ toàn bộ cuộc sống của con người, khiến họ mất mát vô cùng tận, trở nên lệch lạc thiếu khuyết. Sự khiếm khuyết dục tính vừa là biểu tượng của những mất mát cá nhân, vừa là dự báo cho những đổ vỡ nhân sinh đang xảy ra trong đời sống hiện đại. Đề cập đến sự khiếm khuyết dục tính, bất lực giới chính là cách nhà văn đề cao vai trò của tính thân xác, cho tính thân xác một chỗ đứng quan trọng bên cạnh lý tính. Tính dục không tách rời với cơ chế tinh thần nữa, thậm chí nó còn là nền tảng cho toàn bộ hành động của nhân vật. Xu hướng đề cao tính thân xác được thể hiện khá nhiều trong các sáng tác thời kỳ sau 1986 đến nay. Có thể tìm thấy yếu tố tính dục đậm đặc trong các tiểu thuyết như Cõi người rung chuông tận thế và Người đàn bà trên đảo hoang (Hồ Anh Thái), Thoạt kỳ thủy và Người đi vắng (Nguyễn Bình Phương), Pari 11 tháng 8, Vân Vy, T mất tích (Thuận) hay Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh)... Qua vấn đề tính dục, nhà văn soi chiếu vào tâm hồn mỗi con người, mở ra những tri nhận về mối TÍNH NHỤC THỂ: PHƯƠNG THỨC SÁNG TẠO NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VI T NAM MANG DẤU ẤN 136 quan hệ đồng nhất giữa tính nhục thể và thế giới tinh thần của nhân vật. 2. “Giải trung tâm” tính nhục thể của đàn ông Nếu như có đại tự sự thì sẽ có giải tự sự. Thế giới đa cực, phi trung tâm là những biểu hiện rõ nét của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nó gắn liền với “cái chết của đại tự sự” hay “cái chết của chủ thể”. Giải trung tâm hóa (hay phi trung tâm hóa - la décentraliation) là thuật ngữ được Lyortad đưa ra nhằm tạo ra các đa trung tâm, “nghĩa là các trung tâm tồn tại đồng thời, không loại trừ nhau” [19; tr.16]. Với xu hướng phi trung tâm, “người đọc sẽ rơi vào trạng thái bất định mà nguyên lý bất định đã được Heisenberg đưa ra. Trạng thái bất định đó cũng là hiện thực của cuộc sống đương diễn ra” [19; tr.18]. Xu thế giải trung tâm cũng không loại trừ khả năng giải trung tâm cả tính nhục thể, mà cụ thể ở đây là giải trung tâm tính nhục thể của đàn ông. Như chúng ta đã biết, trên thế giới, chế độ nam quyền là một thực tế hiện hữu trong cuộc sống. Việc “trung tâm hóa” đàn ông tồn tại từ hàng ngàn năm nay. Đàn ông luôn là người có quyền lực tối thượng, có vị trí cao hơn phụ nữ, đặc biệt trong tình dục, đàn ông dường như có tất cả mọi đặc quyền của một “con đực truyền giống”, thời xa xưa họ có quyền năm thê bảy thiếp, thời hiện tại họ cũng vẫn đóng trai trò chủ động trong các mối quan hệ nam nữ. Những chuẩn mực quy tắc hay những rào cản trong tính dục thực chất chỉ để áp dụng với phụ nữ. “Đến Chúa khi khai sinh con người cũng nặn gã đàn ông Adam trước rồi sau mới đến Eva...” [2; tr.245]. Thậm chí về sau này, trong những tác phẩm đề cao “tính nữ quyền”, tính dục vẫn là một khái niệm không được nhắc đến. “Do vậy khi hậu hiện đại đề xuất phi trung tâm hóa, thì đồng nghĩa với việc “giải trung tâm đàn ông trước tiên trong tác phẩm văn chương” [2; tr.245]. Vậy, văn học hậu hiện đại với đặc trưng “giải trung tâm” đã giải trung tâm vai trò của đàn ông, đặc biệt trong tính nhục thể. Giải trung tâm tính nhục thể thể hiện ở việc phi trung tâm hóa quyền lực và tính dục độc giới của “con đực truyền giống”. Song song với việc giải trung tâm tính nhục thể của đàn ông là việc giải phóng tính dục cho phụ nữ. Tuy nhiên, một đặc điểm quan trọng là khi giải phóng tính dục cho phụ nữ, văn học hậu hiện đại phải cố gắng ngăn chặn lại cuộc “trung tâm hóa” phụ nữ. Bởi nếu không cũng chỉ là sự chuyển biến từ trung tâm này sang trung tâm khác, từ đại tự sự này sang đại tự sự kia. Bởi vậy mà quá trình giải trung tâm vai trò của đàn ông trong tình dục luôn song song với quá trình ngăn chặn sự hình thành vị trí trung tâm của phụ nữ. Như đã nói, Việt Nam chưa thực sự có một nền văn học hậu hiện đại do chưa có đủ các tiền đề nền móng về kinh tế xã hội, nhưng những dấu ấn của hậu hiện đại đã xuất hiện trong đời sống sáng tác, dù đôi chỗ có những đứt gãy với độ đậm nhạt khác nhau. Các nhà văn thời kỳ này cũng đã có ý thức hơn trong việc tìm ra những thủ pháp hậu hiện đại trong xây dựng nhân vật. Trong đó, phần nhiều ở họ đều bắt đầu chú trọng đến tính nhục thể như là một thủ pháp để xây dựng nên thế giới nhân vật cho mình. Quay trở lại với giải trung tâm tính nhục thể, có thể dễ dàng nhận ra khi khai thác con người trong bản năng dục tính, các nhà văn không đặt quyền tối thượng cho đàn ông nữa. Tình dục hay dục tính - đó không phải là đặc quyền của chỉ riêng phái mạnh. Các nhà văn đặt các nhân vật nam và nữ bình đẳng ngang nhau trong vấn NGUYỄN THỊ LAN ANH 137 đề tình dục. Song song với giải trung tâm tính nhục thể của đàn ông, họ cũng không quá chú trọng vào việc mô tả sự giải phóng tính dục, “trung tâm hóa” tính nhục thể đối với phụ nữ. Theo quan niệm của họ, những ham muốn bản năng là điều hiển nhiên có sẵn ở cả hai giới. Không có gì đáng ngạc nhiên nếu một người đàn ông sống theo bản năng, nhưng cũng không có gì là lạ trước những hiện tượng ngoại tình, sống buông thả ở phụ nữ. Những thiệt thòi hay khuyết thiếu cũng được nhìn nhận từ nguyên nhân ở cả nam và nữ. Ở đây, chúng tôi không quy phạm vào lối sống hay đạo đức xã hội. Đó là một vấn đề khác sẽ được bàn luận trong một “diễn đàn” khác. Ở đây, chúng tôi chỉ quan tâm đến những biểu hiện của hiện tượng giải trung tâm tính nhục thể. Có những người phụ nữ thiệt thòi trong đời sống vợ chồng (Hiền, bà Liên trong Thoạt kỳ thủy) thì cũng có những người đàn ông bất lực, không được quyền làm cha (nhân vật “ông” trong Những đứa trẻ chết già hay Tính, nhà văn Phùng trong Thoạt kỳ thủy). Những thiệt thòi và nguyên nhân của sự khuyết thiếu dục tính này được chia đều cho cả hai giới, không có chuyện cứ không sinh được con là lỗi từ người phụ nữ - một quan niệm mang tính “trung tâm hóa” nữ giới về sự vô sinh rất cổ hủ của thời phong kiến. Đàn ông cũng không còn là “độc quyền” của những sa ngã bản năng với lối sống phóng khoáng, buông thả nữa. Nàng Savitri trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái khá tiêu biểu cho sự “vùng lên” của phái nữ trong vấn đề này. Cả cuộc đời nàng ngoài lý tưởng chống lại giáo phái Bà La Môn, thì cao nhất vẫn là sự theo đuổi dục vọng. Tương tự, cô trưởng công an huyện trong SBC là săn bắt chuột cũng tượng trưng cho sự nam tính hóa của phái nữ, khi họ biết chủ động tìm kiếm và tận hưởng thú vui xác thịt. Điều này cũng xảy ra với nhân vật bà mẹ trong Mười lẻ một đêm, có thể nói cuộc đời của bà là những ham muốn nhục dục nối tiếp, vô độ, hoàn toàn lệch chuẩn đạo đức cũng như hình ảnh người phụ nữ truyền thống. Những nhân vật như Cốc (Cõi người rung chuông tận thế), Trần Bình (Cơ hội của Chúa), Hiếu (Mình và họ)... được “giải trung tâm” bởi Xoan (Những đứa trẻ chết già), Hiền (Thoạt kỳ thủy), chị Hằng, Trang, Vân Ly (Mình và họ), Mộng Hường (3.3.3.9[Những mảnh hồn trần]), những Người đàn bà trên đảo, nàng Savitri, cô trưởng công an huyện, nhân vật bà mẹ... Những người phụ nữ cũng có những khao khát của riêng mình, dám thể hiện sự khát khao ấy, phô bày thân thể, chủ động kéo đối phương “vào cuộc” và thậm chí, đôi lúc cũng hoàn toàn bị dục tính chi phối đến mức mất nhân tính, vô đạo đức như đàn ông. Đây chính là một sự “giải thiêng”, một mặt nhằm phi trung tâm hóa đàn ông về mặt tính dục, mặt khác, “giải thiêng” đối với cả chính người phụ nữ. Họ không chỉ là hình ảnh của sự hi sinh, nhẫn nại, cam chịu, họ - cũng như đàn ông - đôi khi xấu xa, độc ác, bản năng trong lối sống. Sự “đối lập” này tạo nên một thế giới nhân vật tiểu thuyết đa diện, đa thanh nhiều màu sắc nhưng hoàn toàn bình đẳng giữa hai giới. Giải phóng phụ nữ trong tính nhục thể, các nhà văn vẫn chú ý ngăn chặn sự “trung tâm hóa” ở họ. Bởi nếu như tuyệt đối hóa quyền tự do trong tình dục của người phụ nữ, cũng chính là lúc các nhà văn đang tạo nên một “đại tự sự” cho hình ảnh của người phụ nữ - điều mà văn học hậu hiện đại tuyệt đối tránh né. Bởi vậy, có thể nhận thấy trong các tiểu thuyết giai đoạn này, TÍNH NHỤC THỂ: PHƯƠNG THỨC SÁNG TẠO NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VI T NAM MANG DẤU ẤN 138 người phụ nữ không hoàn toàn được trở thành đối tượng hưởng toàn bộ những đặc quyền đặc lợi trong cuộc giải phóng ý thức, giải phóng bản năng. Cũng vẫn đôi khi còn đó những nhân vật nữ bị kìm nén, hoặc hoàn toàn mất đi khả năng tình dục. Khi các nhà văn cho người phụ nữ được quyền buông thả trong bản năng thì cũng vẫn còn đó những cô bé mãi mãi bị tước mất quyền được trở thành phụ nữ. Đó là nhân vật cô bé Hoài trong Thiên sứ: “Lễ rửa tội năm tiếng đồng hồ của tôi, trút kinh nguyệt một lần cho mãi mãi, vắt bỏ, cạn kiệt, tẩy sạch mọi khả năng thành một người đàn bà như tất cả những người đàn bà, một kẻ trưởng thành như tất cả những kẻ trưởng thành trên thế gian” [8; c.4]. Cũng như, vẫn còn đó những người phụ nữ trở nên “vô tri”, “vô giác” trong đời sống tình dục. Loan (Những đứa trẻ chết già) làm gái điếm vì khinh thường và muốn trả thù đàn ông sau khi bị lừa tình. Liên trong Paris 11 tháng 8 là hiện thân của khối mâu thuẫn khác thường: chưa từng yêu mà lại chán yêu. Bởi mất năng lực hóa giải nỗi cô độc, bản năng tình dục của Liên hoàn toàn bị tiêu diệt từ lúc nào không hay... Xây dựng những nhân vật nữ vô tri vô giác hoặc những nhân vật bị tước đoạt quyền trở thành phụ nữ, các nhà văn đã thành công trong việc giải phóng tình dục cho phụ nữ, nhưng cũng đồng thời ngăn chặn được việc “trung tâm hóa” sự giải phóng ấy. Như vật, kỹ thuật giải trung tâm - một trong những lý thuyết hậu hiện đại đã được phản ánh trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này. Có lẽ nó sâu xa có nguồn gốc từ tâm thế hậu hiện đại của người sáng tác - dù vô thức hay ý thức. Đó là cái tâm thức vỡ vụn niềm tin vào những đại tự sự, chính là sự mất mát, thiếu vắng đi những giá trị cũ trước hiện thực đời sống mới. 3. Kết luận Với tinh thần “giải cấu trúc” và “giải trung tâm” - những đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa hậu hiện đại, tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986 đến nay cũng chú ý hơn trong việc đề cập đến những vấn đề có tính chất “ngoại biên”. Trên nền triết học hậu hiện đại, con người không còn là trung tâm của vũ trụ, họ chỉ là những sinh thể nhỏ bé, những “tiểu tự sự” bình đẳng với mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên khác. Do vậy, khi xây dựng hệ thống nhân vật, các nhà văn không còn gắn họ với những sự kiện, biến cố lớn lao của lịch sử, chỉ đơn thuần là con người bình thường với những mảnh vỡ của hình dạng, tâm lý và tính cách. Đề cập đến vấn đề tính nhục thể như một phương thức biểu hiện cho các cơ chế thể xác và tinh thần của nhân vật mang dấu ấn hậu hiện đại trong các tiểu thuyết giai đoạn này, các tác giả coi nó là một trong những thủ pháp quan trọng trong việc tạo hình, xây dựng nên thế giới nhân vật của mình. Cùng với những phương thức xây dựng nhân vật khác, xây dựng nhân vật trong các chiều kích tính nhục thể góp phần cho chúng ta nhận diện rõ hơn những dấu ấn hậu hiện đại trong các tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn từ sau 1986 đến nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê Huy Bắc (chủ biên) (2003), Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội. 2. Lê Huy Bắc (2012), Văn học hậu hiện đại lí thuyết và tiếp nhận, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 3. Nguyễn Việt Hà (1999), Cơ hội của Chúa, Nxb Văn học, Hà Nội. 4. Nguyễn Việt Hà (2013), Khải huyền muộn, Nxb Trẻ, TP.HCM. 5. Nguyễn Việt Hà (2014), Ba ngôi của người, Nxb Trẻ, TP.HCM. NGUYỄN THỊ LAN ANH 139 6. Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu, ebook download-truyen/gian-thieu/download-truyen- gian-thieu-chuong-1.pdf. 7. Phạm Thị Hoài (1989), Thiên sứ, ebook ham_thi_hoai&chapter=0004. 8. Hồ Anh Thái (2006), Mười lẻ một đêm, Nxb Trẻ, TP.HCM. 9. Hồ Anh Thái (2012), Dấu về gió xóa, Nxb Trẻ, TP.HCM. 10. Hồ Anh Thái (2011), SBC là săn bắt chuột, Nxb Trẻ, TP.HCM. 11. Hồ Anh Thái (2013), Cõi người rung chuông tận thế, Nxb Trẻ, TP.HCM. 12. Hồ Anh Thái (2015), Người đàn bà trên đảo, Nxb Trẻ, TP.HCM. 13. Hồ Anh Thái (2015), Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Nxb Trẻ, TP.HCM. 14. Đặng Thân (2011), 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần], Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 15. Thuận (2004), Chinatown, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 16. Thuận (2006), Paris 11 tháng 8, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng. 17. Thuận (2007), T mất tích, Nxb Văn học, Hà Nội. 18. Thuận (2008), VânVy, Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội. 19. Liviu Petrescu (2013), Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại, (Lê Nguyên Cẩn dịch và giới thiệu), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 20. Nguyễn Bình Phương (1999), Người đi vắng, Nxb Văn học, Hà Nội. 21. Nguyễn Bình Phương (2013), Những đứa trẻ chết già, Nxb Trẻ, TP.HCM. 22. Nguyễn Bình Phương (2014), Thoạt kỳ thủy, Nxb Trẻ, TP.HCM. 23. Nguyễn Bình Phương (2014), Mình và họ, Nxb Trẻ, TP.HCM. 24. Đoàn Minh Phượng (2007), Và khi tro bụi, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 25. Đoàn Minh Phượng (2007), Mưa ở kiếp sau, Nxb Văn học, Hà Nội. Ngày nhận bài: 19/02/2017 Biên tập xong: 15/4/2017 Duyệt đăng: 20/4/2017

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf87_8213_2215139.pdf
Tài liệu liên quan