Tài liệu Thuyên tắc mỡ: Tiếp cận chẩn đoán nhân một trường hợp lâm sàng điển hình: Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học
Hô Hấp 33
THUYÊN TẮC MỠ: TIẾP CẬN CHẨN ĐOÁN
NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP LÂM SÀNG ĐIỂN HÌNH
Dương Minh Ngọc*, Lê Thượng Vũ*
TÓM TẮT
Mở đầu: Thuyên tắc mỡ là một biến chứng hiếm gặp, chỉ gặp ở khoảng 0,5-2% bệnh nhân sau gãy xương
dài. Không có tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán thuyên tắc mỡ, nên việc chẩn đoán thường dựa vào lâm sàng, gồm
các biểu hiện về hô hấp, thần kinh và da. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ, bảo đảm chức năng hô hấp.
Mục tiêu: tiếp cận chẩn đoán thuyên tắc mỡ
Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu: Báo cáo 1 trường hợp lâm sàng
Kết quả: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, nhập viện vì tai nạn giao thông có biến chứng gãy xương đùi trái và được
xuyên đinh nội tủy. Các triệu chứng diễn tiến cấp tính: trong vòng 24 giờ, bệnh nhân sốt, khó thở, bứt rứt, nói
sảng và lơ mơ rồi hôn mê. Xquang ngực cho thấy tổn thương dạng phế nang lan tỏa khắp 2 bên phổi dù trước đó
hoàn toàn bình thường. Tuy bệnh cảnh khá điển...
5 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 12/07/2023 | Lượt xem: 217 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thuyên tắc mỡ: Tiếp cận chẩn đoán nhân một trường hợp lâm sàng điển hình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học
Hô Hấp 33
THUYÊN TẮC MỠ: TIẾP CẬN CHẨN ĐOÁN
NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP LÂM SÀNG ĐIỂN HÌNH
Dương Minh Ngọc*, Lê Thượng Vũ*
TÓM TẮT
Mở đầu: Thuyên tắc mỡ là một biến chứng hiếm gặp, chỉ gặp ở khoảng 0,5-2% bệnh nhân sau gãy xương
dài. Không có tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán thuyên tắc mỡ, nên việc chẩn đoán thường dựa vào lâm sàng, gồm
các biểu hiện về hô hấp, thần kinh và da. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ, bảo đảm chức năng hô hấp.
Mục tiêu: tiếp cận chẩn đoán thuyên tắc mỡ
Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu: Báo cáo 1 trường hợp lâm sàng
Kết quả: Bệnh nhân nam, 23 tuổi, nhập viện vì tai nạn giao thông có biến chứng gãy xương đùi trái và được
xuyên đinh nội tủy. Các triệu chứng diễn tiến cấp tính: trong vòng 24 giờ, bệnh nhân sốt, khó thở, bứt rứt, nói
sảng và lơ mơ rồi hôn mê. Xquang ngực cho thấy tổn thương dạng phế nang lan tỏa khắp 2 bên phổi dù trước đó
hoàn toàn bình thường. Tuy bệnh cảnh khá điển hình cho thuyên tắc mỡ, bệnh nhân vẫn được chẩn đoán sơ bộ là
viêm phổi và chuyển tuyến trên. Tại đây, các chẩn đoán được lượng giá song song với việc điều trị thích hợp.
Bệnh nhân cải thiện ngoạn mục và xuất viện sau 8 ngày điều trị.
Kết luận: Không có tiêu chuẩn vàng giúp xác định chẩn đoán thuyên tắc mỡ. Nghĩ tới chẩn đoán thuyên tắc
mỡ, xác nhận thuyên tắc mỡ và loại trừ các chẩn đoán phân biệt thường gặp bằng lâm sàng, xét nghiệm cũng như
theo dõi đáp ứng điều trị là các bước tiếp cận thực hành.
Từ khóa: thuyên tắc mỡ, chẩn đoán xác định, chẩn đoán loại trừ.
ABSTRACT
FAT EMBOLISM: DIAGNOSTIC APPROACH VIA A TYPICAL CLINICAL CASE
Duong Minh Ngoc, Le Thuong Vu
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement of Vol. 20 - No 1 - 2016: 33 - 37
Background: fat embolism is a rare complication, only occurs in approximately 0.5-2% of long-bone fracture
patients. There is no gold standard for the diagnosis of fat embolism, so the diagnosis is usually based on clinical
symptoms including respiratory, neurological and skin ones. Treatment is mainly supportive, ensuring
respiratory function.
Objective: diagnostic approach of fat embolism
Method: a case report
Results: Male patient of 23 years old, hospitalized because of traffic accidents causing femur fracture
complications and then had been treated by intra-medullary nailing. The symptoms progressed acutely: within 24
hours, the patient presented fever, shortness of breath, irritability, drowsiness and coma. Chest X-ray showed
alveolar lesions spreading throughout both lungs despite being known to be normal before. Although the context is
typical, a preliminary diagnosis of pneumonia is made and patient was transferred to a tertiary care hospital. The
diagnoses were evaluated in parallel with the appropriate treatments. Patients spectacularly improved and was
discharged after 8 days of treatment.
* Bộ môn Nội – Đại Học Y Dược TP. HCM
Tác giả liên lạc: Ths. Bs. Dương Minh Ngọc ĐT: 0975199100 Email: ngocduongminh@gmail.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 1 * 2016
Chuyên Đề Nội Khoa 1 34
Conclusion: There is no gold standard to help confirm the diagnosis of fat embolism. Think of fat embolism
diagnosis, confirmation of fat embolism by eliminate the common differential diagnoses by clinical symptoms and
signs, laboratory tests as well as monitoring the response to treatment are the practical approachs.
Keywords: fat embolism, definitive diagnosis, differential diagnosis.
GIỚI THIỆU
Thuyên tắc mỡ lần đầu tiên được mô tả bởi
Zenker(17) khi thấy các giọt mỡ trong giường
mạch máu phổi khi tử thiết một bệnh nhân bị tai
nạn. Và lần đầu tiên vào năm 1873, von
Bergmann mô tả hội chứng thuyên tắc mỡ như
là một hội chứng lâm sàng ở bệnh nhân bị gãy
xương đùi(16). Thuyên tắc mỡ là hình thức thuyên
tắc không do huyết khối thường gặp nhất và
thường được mô tả là có sự hiện diện của các
giọt mỡ làm tắc mạch máu nhỏ ở phổi, da và
não(1). Có nhiều bệnh cảnh gây ra thuyên tắc mỡ
đặc biệt là sau khi gãy xương dài, xương chậu
hay chấn thương nặng khác(2). Tuy thuyên tắc
mỡ xảy ra ở hơn 90% bệnh nhân gãy xương dài(9)
nhưng tần suất được báo cáo chỉ khoảng 0,5-2%
(12) do thường không có triệu chứng.
MÔ TẢ TRƯỜNG HỢP
Bệnh nhân nam 23 tuổi không có tiền căn gì
đặc biệt, được chuyển đến từ bệnh viện tuyến
tỉnh do tai nạn giao thông. Trước đó 3 ngày,
bệnh nhân bị gãy xương đùi trái do tai nạn giao
thông, sau đó được xuyên đinh nội tủy xương
đùi trái tại bệnh viện địa phương. 24 giờ sau gãy
xương, bệnh nhân sốt, khó thở, bứt rứt, nói sảng
và lơ mơ. 48 giờ sau gãy xương, bệnh nhân hôn
mê và được chẩn đoán viêm phổi/hậu phẫu gãy
kín xương đùi trái và chuyển bệnh viện Chợ
Rẫy. Không ghi nhận ho ra máu, không đau
ngực, nước tiểu vàng. Tại bệnh viện Chợ Rẫy,
bệnh nhân bứt rứt nhiều, khó thở, thở co kéo, tần
số thở = 24 lần/phút, nhịp tim = 120 lần/phút,
huyết áp = 140/80 mmHg, nhiệt độ = 38oC, ran nổ
rải rác hai bên phổi, không dấu thần kinh định
vị, toàn thân có nhiều vết bầm tím và chấm xuất
huyết rải rác ở các vùng không chấn thương. Khí
máu động mạch cho thấy bệnh nhân suy hô hấp
giảm oxy máu nặng với pH = 7,45, pCO2 = 29,7
mmHg, pO2 = 44 mmHg, HCO3 = 20,8 mmol/L,
FiO2 = 50% và A-aDO2 = 277 (bình thường dưới
20). Xét nghiệm huyết học có hồng cầu = 2,68
T/L, hemoglobin = 80 g/L, bạch cầu = 19,48 G/L,
bạch cầu đa nhân trung tính = 85,3%, tiểu cầu =
287 G/L, D-Dimer = 1038 ng/mL. Xét nghiệm
sinh hóa như ALT = 57 U/L, AST = 128 U/L, BUN
= 16 mg%, Creatinin = 1,01 mg%, C-reactive
protein = 127 mg/L, procalcitonin = 0,42 ng/mL,
điện giải đồ trong giới hạn bình thường. X quang
ngực: tổn thương phế nang lan tỏa 2 bên và bệnh
nhân cũng được chụp CT ngực có cản quang với
kết quả tổn thương phế nang lan tỏa 2 phổi, ưu
thế thùy dưới, không thấy hình ảnh thuyên tắc
phổi. Bệnh nhân được chuyển lên khoa Hồi sức
tích cực và điều trị với thở oxy mask túi 15
lít/phút, kháng sinh imipenem/cilastatin,
vancomycin, levofloxacin, truyền 2 đơn vị hồng
cầu lắng. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm
tìm mỡ trong nước tiểu, kết quả âm tính. Sau 2
ngày, sinh hiệu bệnh nhân ổn định, SpO2 dao
động khoảng 94-100%, hết sốt, khó thở giảm
dần, tri giác tỉnh táo và được chuyển lên khoa hô
hấp điều trị tiếp.
Tại khoa hô hấp, sinh hiệu bệnh nhân tiếp
tục ổn định, khó thở giảm dần và điều trị thêm
5 ngày với kháng sinh như trên, thở oxy
chuyển từ mask sang canula rồi ngưng thở
oxy. Phim X quang tại thời điểm trước khi
bệnh nhân xuất viện cho thấy các tổn thương
phổi biến mất hoàn toàn. Bệnh nhân được
xuất viện sau 8 ngày điều trị.
Bảng 1: Diễn tiến các cận lâm sàng
Ngày 1 Ngày 2 Ngày 3 Ngày 6
Huyết học
Hồng cầu(T/L) 2,68 2,03 3,28
Hemoglobin (g/L) 80 58 102
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học
Hô Hấp 35
Ngày 1 Ngày 2 Ngày 3 Ngày 6
Bạch cầu (G/L) 19,48 9,99 8,52
Bạch cầu đa nhân trung tính 85,3% 70,7% 61,1%
Tiểu cầu (G/L) 287 205 404
D-Dimer (ng/mL) 1038
INR 1,08
PT (giây) 11,9
Sinh hóa
ALT (U/L) 57
AST (U/L) 128
BUN (mg%) 16 18 16
Creatinin (mg%) 1,01 0,65 0,63
CRP (mg/L) 127
PCT (ng/mL) 0,42
Na (mmol/ L) 139 136 136
K (mmol/ L) 3,9 3,7 3,8
Cl (mmol/ L) 101 102 103
Ca (mmol/ L) 2,1 1,9 2,3
Mỡ trong nước tiểu Âm tính
Khí máu động
mạch
pH 7,45 7,50
pCO2 29,7 30,5
pO2 44 79
HCO3 20,8 24
FiO2 50% 60%
A-aDO2 277 314
Chú thích: PT (prothrombin time): thời gian prothrombin, INR (international normal ratio), CRP (C-reactive protein): protein
phản ứng C, PCT (procalcitonin)
BÀN LUẬN
Thuyên tắc mỡ thường liên quan tới các chấn
thương như gãy xương đùi, xương chậu, xương
chày. Điển hình, thuyên tắc mỡ xảy ra trong
vòng 24 đến 72 giờ sau chấn thương, tuy nhiên,
vẫn có những trường hợp sớm 12 giờ và muộn
tới 2 tuần(4). Tam chứng điển hình của thuyên tắc
mỡ là thay đổi hô hấp (khó thở, thở nhanh, giảm
oxy máu, suy hô hấp)(8), các triệu chứng và dấu
hiệu thần kinh (từ lú lẫn nhẹ tới co giật, nhưng
may mắn là các khiếm khuyết thần kinh này chỉ
thoáng qua và thường hồi phục hoàn toàn)(12) và
chấm xuất huyết (petechia) (do tắc mạch máu
dưới da làm hồng cầu thoát xung quanh mạch
máu, thấy rõ ở niêm mạc má, kết mạc và da
vùng cổ, nách)(14). Các triệu chứng khác ít gặp
hơn như sốt, thiếu máu cơ tim, bất thường đông
máu, thay đổi ở thận và võng mạc(11,15).
Trong thực hành lâm sàng, rất khó để chẩn
đoán thuyên tắc mỡ do không có tiêu chuẩn
vàng để chẩn đoán. Do đó, vài tác giả đã đưa ra
các thang điểm nhằm chẩn đoán xác định
thuyên tắc mỡ. Trong đó, tiêu chuẩn của Gurd
và Wilson thường dùng nhất(3). Theo 2 tác giả
này, chẩn đoán thuyên tắc mỡ khi có 2 tiêu chí
chính hay 1 tiêu chí chính và 4 tiêu chí phụ.
Bảng 2: Tiêu chuẩn chẩn đoán thuyên tắc mỡ theo
Gurd và Wilson:
Gurd và Wilson
(3)
Tiêu chí chính Tiêu chí phụ
Petechia ở nách hay dưới kết mạc Nhịp tim nhanh > 110
lần/phút
Giảm oxy máu 38,5
o
C
Ức chế thần kinh không tương xứng
với giảm oxy máu
Thuyên tắc ở võng
mạc/soi đáy mắt
Phù phổi Hạt mỡ trong nước tiểu
Hb giảm nhanh > 20% Giảm nhanh tiểu cầu >
50%
ERS > 71 mm/giờ
Chẩn đoán: 2 chính hay 1 chính + 4 phụ
Ngoài ra, 2 tác giả khác là Lindeque(9) và
Schonfeld(13) cũng đưa ra các tiêu chuẩn chẩn
đoán khác. Cho tới hiện tại, không có đồng
thuận về chẩn đoán thuyên tắc mỡ. Nhiều bệnh
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 1 * 2016
Chuyên Đề Nội Khoa 1 36
lý khác cũng có những biểu hiện lâm sàng tương
tự, do đó, chẩn đoán thuyên tắc mỡ thường là
một chẩn đoán loại trừ(1).
Bảng 3: Tiêu chuẩn chẩn đoán thuyên tắc mỡ theo
Schonfeld
Schonfeld
(13)
Petechia 5
Thâm nhiễm phế nang lan tỏa 4
Giảm oxy máu PaO2 < 70 mmHg 3
Lú lẫn 1
Sốt > 38
o
C 1
Nhịp tim nhanh > 120 lần/phút 1
Thở nhanh > 30 lần/phút 1
Chẩn đoán: > 5 điểm
Bảng 4: tiêu chuẩn chẩn đoán thuyên tắc mỡ theo
Lindeque
Lindeque
(9)
Tiêu chí
PaO2 < 60mmHg kéo dài
PaCO2 > 55mmHg hay pH < 7,3
Nhịp thở > 35 lần/phút, dù dùng an thần
Tăng công thở: khó thở, co kéo cơ hô hấp phụ,
tim nhanh và lo âu
Chẩn đoán: Ít nhất 1
Bệnh nhân từ tỉnh táo, đột ngột lơ mơ rồi
diễn tiến nhanh đến hôn mê nhưng lúc này
không có đủ dữ kiện để đánh giá tình trạng rối
loạn tri giác này có phải do suy hô hấp hay
không và mức độ suy hô hấp có tương xứng với
biểu hiện rối loạn tri giác đó không? Nhưng tình
trạng rối loạn tri giác này giảm nhanh vào
những ngày sau đó, sau khi tình trạng hô hấp
của bệnh nhân đã cải thiện. Vì vậy, có lẽ khi có
rối loạn tri giác đột ngột như vậy, bệnh nhân nên
được chụp CT sọ não để khảo sát nguyên nhân
gây rối loạn tri giác khác có thể gặp. Nếu kết quả
bình thường, có thể đề nghị thêm chụp cộng
hưởng từ sọ não để đánh giá thêm.
Mặc dù bệnh nhân có sốt 38oC, bạch cầu máu
tăng cao, bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu
thế nhưng xét nghiệm procalcitonin không cao,
bạch cầu máu giảm nhanh vào ngày hôm sau và
khi phối hợp với bệnh cảnh lâm sàng, chúng tôi
không nghĩ nhiều đến viêm phổi (bệnh nhân
không ủ bệnh tại thời điểm nhập viện, các triệu
chứng xuất hiện trong vòng 24 giờ nên không
thỏa tiêu chuẩn chẩn đoán viêm phổi bệnh viện
cũng như không phù hợp với chẩn đoán viêm
phổi cộng đồng). Sốt là một triệu chứng xuất
hiện rất sớm trong thuyên tắc mỡ, thường nhẹ
nhưng cũng có thể lên tới 39oC.
Bệnh nhân gãy xương phải bất động, đột
ngột khó thở, một chẩn đoán không được bỏ sót
là thuyên tắc động mạch phổi do huyết khối. Do
đó, bệnh nhân cần được chụp CT (cắt lớp điện
toán) ngực có thuốc cản quang để tìm huyết khối
động mạch phổi. Tuy nhiên, kết quả CT cho thấy
không có hình ảnh huyết khối, chỉ thấy hình ảnh
tổn thương phế nang lan tỏa 2 bên phổi. Lâm
sàng diễn tiến nhanh, có thể hướng tới chẩn
đoán phù phổi (do tổn thương), xuất huyết phế
nang hay nhiễm cúm. Tuy nhiên, tại thời điểm
đó, chúng tôi không nghĩ nhiều tới cúm vì không
phù hợp (dịch tễ và bệnh cảnh lâm sàng). Bệnh
nhân không ho ra máu, các xét nghiệm đông
cầm máu bình thường nên chúng tôi cũng không
nghĩ là xuất huyết phế nang. Vì vậy, chúng tôi
nghĩ nhiều là phù phổi do tổn thương.
Như vậy, đặt bệnh nhân trong bệnh cảnh
lâm sàng sau gãy xương đùi, được xuyên đinh
nội tủy, suy hô hấp xuất hiện sớm và diễn tiến
nhanh với hình ảnh tổn thương phế nang lan tỏa
trên Xquang hay CT ngực, có rối loạn tri giác và
chấm xuất huyết có thể định hướng đến chẩn
đoán thuyên tắc mỡ.
Theo tiêu chuẩn của Gurd và Wilson, bệnh
nhân này có 2 tiêu chí chính là giảm oxy máu
(PaO2 = 44 mmHg với FiO2 = 50%), có chấm xuất
huyết rải rác vùng hông và nách. Hay theo tiêu
chuẩn của Schonfeld, bệnh nhân có chấm xuất
huyết (5đ), thâm nhiễm lan tỏa (4đ), lú lẫn (1đ),
tổng 10 điểm. Như vậy, bệnh nhân này đã thỏa 2
tiêu chuẩn chẩn đoán thuyên tắc mỡ. Tuy nhiên,
cả hai kết quả khí máu động mạch đều không
thỏa tiêu chuẩn của Lindeque để chẩn đoán
thuyên tắc mỡ. Thực ra, điều này có thể giải
thích là vì bệnh nhân đang được đặt nội khí
quản và bóp bóng giúp thở, do đó, tần số thở có
thể cao và gây ra kiềm hô hấp như đã thấy trong
kết quả khí máu động mạch. Do đó, nên phối
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 20 * Số 1 * 2016 Nghiên cứu Y học
Hô Hấp 37
hợp nhiều tiêu chuẩn chẩn đoán hơn là chỉ dựa
vào một tiêu chuẩn chẩn đoán duy nhất.
Lúc này, vấn đề điều trị chỉ mang tính chất
hỗ trợ. Bảo đảm thông khí và thở oxy đầy đủ,
ổn định huyết động, truyền máu truyền dịch
khi cần, ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu và
ngừa xuất huyết tiêu hóa do stress là những
biện pháp điều trị chính.
Dùng corticosteroid với mục đích kháng
viêm, giảm phù và xuất huyết quanh mạch máu
vẫn chưa đủ chứng cứ để khuyến cáo dùng
thường quy(5).
Aspirin trong một nghiên cứu tiến cứu ở 58
bệnh nhân gãy xương không biến chứng cho
thấy bình thường hóa khí máu, đông máu và số
lượng tiểu cầu nhanh hơn so với nhóm chứng(2).
Heparin hoạt hóa lipase và có thể làm sạch
mỡ trong máu, tuy nhiên, sự hoạt hóa lipase
có thể gây nguy hiểm nếu như có tăng nồng
độ các acid béo tự do trong máu – cơ chế bệnh
sinh của thuyên tắc mỡ(2,6).
Để bảo đảm thông khí, bệnh nhân có thể thở
qua mask với FiO2 từ 50-80%, thông khí áp lực
dương không xâm lấn. Nếu cần FiO2 > 60% và
CPAP > 10 cmH2O để đạt PaO2 > 60 mmHg,
bệnh nhân cần phải được đặt nội khí quản và
thở máy có PEEP. Mục tiêu là bảo đảm trao đổi
khí mà không làm tổn thương phổi nặng hơn.
KẾT LUẬN
Không có tiêu chuẩn vàng giúp xác định
chẩn đoán thuyên tắc mỡ. Nghĩ tới chẩn đoán
thuyên tắc mỡ, xác nhận thuyên tắc mỡ và loại
trừ các chẩn đoán phân biệt thường gặp bằng
lâm sàng, xét nghiệm cũng như theo dõi đáp
ứng điều trị là các bước tiếp cận thực hành.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ali V, Yaşar Y, Süreyya Y, et al (2015). "Unexpected
Neurological Sequelae following Cerebral Fat Embolism
Syndrome". Journal of case reports, 5 (1):207-211.
2. Amandeep G, Charles SR (2007), "Fat embolism". Continuing
Education in Anaesthesia, Critical Care & Pain, 7 (5):148-151.
3. Carlson DS, Pfadt E (2011), "Fat embolism syndrome".
Nursing, 41 (4):72.
4. Carr J, Hansen S (1990), "Fulminant fat embolism".
Orthopedics, 13 (2): 258-261.
5. Gupta A, Reilly CS (2007), "Fat embolism". Cont Edu Anaesth
Crit Care Pain, 7:148-51.
6. Jain S, Mittal M, Kansal A, et al ( 2008), "Fat embolism
syndrome". J Assoc Physicians India, 56:245-9.
7. Jain S, Mittal M, Kansal A, et al (2006), "Fat Embolism
Syndrome". Journal of the association of physicians of India,
56:245-249.
8. King MB, Harmon KR (1994), "Unusual forms of pulmonary
embolism". Clin Chest Med, 15:561-580.
9. Levy D (1990), "The fat embolism syndrome. A review". Clin
Orthop Relat Res., 261:281-6.
10. Lindeque BG, Schoeman HS, Dommissen GF, et al (1987), "Fat
embolism syndrome: a double blind therapeutic study". J Bone
Joint Surg Br, 69 (1):128-131.
11. Mellor A, Soni N (2001), "Fat embolism". Anaesthesia, 56: 145-
154.
12. Müller C, Rahn BA, Pfister U, Meinig RP (1994), "The
incidence, pathogenesis, diagnosis, and treatment of fat
embolism". Orthop Rev, 23:107-117.
13. Schonfeld SA, Ploysongsang Y, DiLisio R, et al (1983), "Fat
embolism prophylaxis with corticosteroid: A prospective
study in high-risk patients.". Ann Int Med, 99 (4): 438-443.
14. Sulek CA, Davies LK, Enneking FK, et al. (1999), "Cerebral
microembolism diagnosed by transcranial Doppler during
total knee arthroplasty: correlation with ransesophageal
echocardiography". Anesthesiology., 91:672-676.
15. Van den Brande FG, Hellemans S, De Schepper A, De Paep R,
Op De Beeck B, De Raeve HR, et al, (2006), "Post-traumatic
severe fat embolism syndrome with uncommon CT findings".
Anaesth Intensive Care, 34 (1):102-106.
16. Von Bergmann EB (1873), "Ein fall todlicher fettembolie". Klan
Wochenschr, 10:385-387.
17. Zenker FA (1861), "Beitrage zur Anatomie und Physiologie
der Lunge." J Braundorf 31.
Ngày nhận bài báo: 27/11/2015
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 30/11/2015
Ngày bài báo được đăng: 15/02/2016
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- thuyen_tac_mo_tiep_can_chan_doan_nhan_mot_truong_hop_lam_san.pdf