Tài liệu Thương lượng hội thoại – Một kĩ năng giao tiếp quan trọng có thể tích hợp rèn luyện cho học sinh THCS qua môn Ngữ văn - Phan Thị Hồng Xuân: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0055
Educational Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 4, pp. 33-42
This paper is available online at
THƯƠNG LƯỢNG HỘI THOẠI – MỘT KĨ NĂNG GIAO TIẾP QUAN TRỌNG
CÓ THỂ TÍCH HỢP RÈN LUYỆN CHOHỌC SINH THCS QUAMÔN NGỮ VĂN
Phan Thị Hồng Xuân
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Thương lượng là một yếu tố rất quan trọng trong hội thoại. Bước vào một cuộc hội
thoại là bước vào cuộc thương lượng. Hội thoại là một phần tất yếu trong giao tiếp. Muốn
giao tiếp thành công cần có kĩ năng thương lượng hội thoại. Học sinh THCS đang hoàn
thiện về kĩ năng giao tiếp nên rất cần tiếp cận với vấn đề thương lượng hội thoại. Bài viết
này đề cập đến cơ sở lí luận về thương lượng hội thoại và định hướng tích hợp rèn luyện
cho HS nội dung này qua phần Đọc hiểu trong môn Ngữ văn ở THCS.
Từ khóa: Hội thoại, thương lượng, kĩ năng, tích hợp, đọc hiểu.
1. Mở đầu
Thương lượng là một yếu tố rất quan trọng trong hội thoại. Bước vào một cuộc hộ...
10 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 575 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thương lượng hội thoại – Một kĩ năng giao tiếp quan trọng có thể tích hợp rèn luyện cho học sinh THCS qua môn Ngữ văn - Phan Thị Hồng Xuân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0055
Educational Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 4, pp. 33-42
This paper is available online at
THƯƠNG LƯỢNG HỘI THOẠI – MỘT KĨ NĂNG GIAO TIẾP QUAN TRỌNG
CÓ THỂ TÍCH HỢP RÈN LUYỆN CHOHỌC SINH THCS QUAMÔN NGỮ VĂN
Phan Thị Hồng Xuân
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Thương lượng là một yếu tố rất quan trọng trong hội thoại. Bước vào một cuộc hội
thoại là bước vào cuộc thương lượng. Hội thoại là một phần tất yếu trong giao tiếp. Muốn
giao tiếp thành công cần có kĩ năng thương lượng hội thoại. Học sinh THCS đang hoàn
thiện về kĩ năng giao tiếp nên rất cần tiếp cận với vấn đề thương lượng hội thoại. Bài viết
này đề cập đến cơ sở lí luận về thương lượng hội thoại và định hướng tích hợp rèn luyện
cho HS nội dung này qua phần Đọc hiểu trong môn Ngữ văn ở THCS.
Từ khóa: Hội thoại, thương lượng, kĩ năng, tích hợp, đọc hiểu.
1. Mở đầu
Thương lượng là một yếu tố rất quan trọng trong hội thoại. Bước vào một cuộc hội thoại
là bước vào cuộc thương lượng. Sự thành công hay thất bại của cuộc thoại phụ thuộc vào kĩ năng
thương lượng hội thoại. Không thiếu những cuộc thoại bắt đầu từ những chuyện rất nhỏ nhưng kết
thúc là một sự gây gổ, xung đột, để lại những hậu quả khôn lường. Tất cả chỉ là do các bên không
có kĩ năng thương lượng hội thoại. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau vấn đề thương lượng hội
thoại chưa được nghiên cứu nhiều. Trong các nhà Ngôn ngữ học có nhiều thành tựu nghiên cứu về
Ngữ dụng học ở Việt Nam như Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Thiện Giáp, Đỗ Thị Kim
Liên, Đỗ Việt Hùng. . . , tác giả Đỗ Hữu Châu là người quan tâm tới thương lượng nhiều hơn cả.
Trong Đại cương ngôn ngữ học tập hai - Ngữ dụng học [4], tác giả đã đề cập tới đối tượng thương
lượng, phương thức thương lượng. Tác giả Nguyễn Thiện Giáp trong Dụng học Việt ngữ [7] đề cập
tới thương lượng và mối quan hệ với sự trao đáp trong hội thoại. Tác giả Chu Thanh Tâm đã đề cập
đến thương lượng hội thoại khi dẫn nhập đề tài diễn ngôn [5]. Trên các tạp chí khoa học chuyên
ngành, có một số bài báo đề cập tới hội thoại [11-13]. Tuy nhiên, các bài báo này chỉ đề cập tới
vấn đề dạy học hội thoại nói chung chứ không đề cập tới thương lượng hội thoại. Năm 2010, tác
giả Đặng Thị Hảo Tâm đã phân tích vai trò của thương lượng nội dung hội thoại trong việc phản
ánh xung đột về quan niệm nghệ thuật thuần túy của muôn đời và lợi ích thiết thực của đời sống
nhân dân. Mục đích của bài báo là đưa ra những kiến giải khoa học về giá trị của đoạn trích và làm
rõ hơn cho việc tiếp cận văn bản theo hướng tích hợp ngôn ngữ - văn học [2].
Ở trường phổ thông, năng lực giao tiếp là năng lực cốt yếu cần hình thành cho học sinh
(HS) ở tất cả các cấp học. Cấp học Trung học cơ sở (THCS) cũng không nằm ngoài yêu cầu đó.
HS THCS đang ở tuổi hoàn thiện kĩ năng giao tiếp nên rất cần hình thành và phát triển kĩ năng
Ngày nhận bài: 10/2/2017. Ngày nhận đăng: 3/5/2017.
Liên hệ: Phan Thị Hồng Xuân, e-mail: phanhongxuan@gmail.com
33
Phan Thị Hồng Xuân
thương lượng hội thoại. Trong bài báo này, chúng tôi muốn nghiên cứu vấn đề thương lượng hội
thoại và đề xuất các định hướng tích hợp nội dung này với phần Đọc hiểu trong môn Ngữ văn để
từng bước hình thành và nâng cao kĩ năng thương lượng hội thoại cho học sinh THCS.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Cơ sở lí luận của vấn đề thương lượng hội thoại
Thương lượng là gì? Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên: “Thương lượng là
trao đổi, bàn bạc với nhau nhằm đi đến thỏa thuận, giải quyết một vấn đề nào đó (thường có liên
quan tới quyền lợi của các bên). Ví dụ: Thương lượng về giá cả; Giải quyết bằng thương lượng” [1,
tr. 2265].
Thương lượng hội thoại là gì? Tác giả Đặng Thị Hảo Tâm đã đưa ra định nghĩa: “Thương
lượng hội thoại là quá trình các nhân vật giao tiếp sử dụng lời trao và lời đáp của mình để đạt được
sự thỏa thuận về hình thức hội thoại, nội dung hội thoại hoặc điều chỉnh xung đột trong suốt diễn
tiến của cuộc thoại nhằm đảm bảo thành công cho cuộc giao tiếp” [2, tr. 25].
Tuy nhiên, trong đa số các cuộc thoại, vận động thương lượng không chỉ sử dụng lời nói
mà còn kèm theo những yếu tố khác như ngữ điệu, ánh mắt, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể. . . . Vì vậy,
để tiện nghiên cứu, chúng tôi tạm thời đưa ra một cách hiểu về thương lượng hội thoại như sau:
Thương lượng hội thoại là vận động sử dụng các yếu tố ngôn ngữ, yếu tố kèm lời và yếu tố phi
lời do các nhân vật tham gia hội thoại tiến hành nhằm đạt được sự thỏa thuận về cách thức và nội
dung của cuộc thoại để đảm bảo cho cuộc thoại thành công.
Kĩ năng là gì? Tài liệu tập huấn dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định
hướng phát triển năng lực học sinh Môn Ngữ văn cấp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và
Đào tạo đưa ra cách hiểu về kĩ năng như sau: “Kĩ năng theo nghĩa hẹp là những thao tác, những
cách thức thực hành, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã có để thực hiện một hoạt động nào đó
trong một môi trường quen thuộc. Kĩ năng theo nghĩa rộng bao hàm những kiến thức, những hiểu
biết và kinh nghiệm giúp cá nhân có thể thích ứng khi hoàn cảnh thay đổi” [3, tr. 27].
Kĩ năng thương lượng hội thoại là gì? Từ những nghiên cứu trên, có thể hiểu: Kĩ năng
thương lượng hội thoại là những thao tác, những cách thức thực hành, vận dụng kiến thức, hiểu
biết và trải nghiệm để thương lượng thành công trong cuộc thoại.
Trong cuộc thoại, các nhân vật hội thoại có thể thương lượng về những phương diện (tác giả
Đỗ Hữu Châu thì gọi là những đối tượng) sau:
1) Hình thức của hội thoại. Muốn tiến hành hội thoại, đầu tiên các nhân vật phải thỏa thuận
với nhau về ngôn ngữ được dùng, về phong cách, giọng điệu trong hội thoại (như trang trọng, thân
mật hay bỗ bã...). Cuộc thoại giữa chị Dậu và cai lệ trong tác phẩm Tắt đèn là một ví dụ. Trong hội
thoại này, chị Dậu đã ngầm thương lượng với cai lệ sử dụng ngôn ngữ có văn hóa (xưng là “cháu”,
gọi cai lệ là “ông”). Tuy nhiên, cai lệ vẫn hành xử theo lối côn đồ. Vì vậy, chị Dậu cũng đã chuyển
đổi cách xưng hô của mình (xưng là “bà”, gọi cai lệ là “mày”) và túm cổ hắn ấn dúi ra cửa. Chị
Dậu đã xử sự theo phương châm “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.
2) Cấu trúc của hội thoại. Thương lượng về cấu trúc bao gồm thương lượng đoạn mở đầu,
kết thúc, sự luân phiên lượt lời trong cuộc thoại. Các nhân vật hội thoại sẽ thương lượng với nhau
ai sẽ là người mở đầu cuộc thoại. Đối với cuộc giao tiếp có tính chất quan phương thì người mở đầu
cuộc thoại sẽ được định sẵn. Ví dụ, trong giờ học thì giáo viên thường là người nói trước. Trong
giao tiếp đời thường, người nắm giữ đề tài cuộc thoại sẽ là người mở đầu. Kết thúc cuộc thoại cũng
cần phải thương lượng. Người nói lời cuối cùng khi mọi người thống nhất ý kiến và cuộc thoại
chấm dứt là người kết thúc cuộc thoại. Còn về lượt lời, nếu bình thường thì mỗi người sẽ bắt đầu
34
Thương lượng hội thoại – Một kĩ năng giao tiếp quan trọng có thể tích hợp rèn luyện cho học sinh...
lượt lời của mình khi lượt lời của người kia kết thúc. Tốt nhất là các lượt lời không nên dẫm đạp lên
nhau. Thời gian của mỗi lượt lời không nên quá chênh lệch nhau. Tuy nhiên, trong những trường
hợp đặc biệt như phỏng vấn, bác sĩ khám cho bệnh nhân, người thuyết trình thì lượt lời của họ sẽ
nhiều hơn và thời lượng của mỗi lượt lời sẽ dài hơn. Khi trong cuộc thoại có những lời trách là
“Sao nhiều lời thế!” hoặc “Sao người ta chưa nói đã chặn họng thế?” là đang có sự thương lượng
về lượt lời một cách công khai.
3) Thương lượng về lí lịch và vị thế giao tiếp của đối tác. Sự hiểu biết về đối phương ảnh
hưởng rất sâu sắc tới cuộc thoại. Chính vì thế, khi gặp nhau lần đầu, các nhân vật hội thoại thường
dò tìm lí lịch của nhau tức là xác định vị trí của mỗi người trên trục tung và trục hoành. Trục tung
là trục vị thế xã hội hay còn gọi là trục quyền uy. Vị thế xã hội do chức quyền, tuổi tác, nghề nghiệp
mà có. Theo trục này thì những người giao tiếp ở mức độ cao thấp hoặc bình đẳng với nhau và khi
đã được xác định thì giữ nguyên, không thể qua thương lượng mà thay đổi. Vì vậy, trước khi nói
chuyện nếu được giới thiệu về đối tác thì sẽ rất thuận lợi cho các nhân vật hội thoại. Trục hoành là
trục khoảng cách hay còn gọi là trục thân cận. Trên trục này, các nhân vật hội thoại có thể gần gũi
mà cũng có thể xa cách. Trục này có thể qua thương lượng mà thay đổi.
Các nhân vật hội thoại còn thương lượng với nhau về vị thế giao tiếp: Ai là người chủ động
điều khiển cuộc thoại, ai là người bị chế ngự trong cuộc thoại đều phải qua thương lượng mà xác
lập và vị thế này có thể biến đổi qua diễn tiến cuộc thoại. Thường thì người nắm giữ đề tài, hiểu
biết vấn đề sẽ là người có vị thế giao tiếp trong cuộc thoại. Cũng có những cuộc thoại, lúc đầu A
nêu vấn đề, là người giữ vị thế điều khiển cuộc thoại nhưng sau đó B, một đối tác hiểu biết hơn về
đề tài này, sẽ là người điều khiển, chế ngự cuộc thoại.
4) Các yếu tố ngôn ngữ. Các nhân vật hội thoại phải thương lượng về ý nghĩa của từ ngữ
được dùng, về câu cú. Trong cuộc thoại, ý nghĩa của từ, của câu biến đổi và trong chừng mực nhất
định còn mang ý nghĩa do cuộc thoại đem lại. Bài ca dao sau đây là một minh chứng cho nhận
định trên.
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng.
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
Đan sàng thiếp cũng xin vâng,
Tre vừa đủ lá nên chăng hỡi chàng?
Trong bài ca dao trên, “tre non”, “đủ lá”, “đan sàng” trong cách hiểu của đôi trai gái đã chuyển
nghĩa mới: tre non: cô gái, đủ lá: đã đến tuổi cập kê, hẹn hò, đan sàng: tham gia vào chuyện tình
yêu đôi lứa, cụ thể là đáp lại tình yêu của chàng trai.
5) Nội dung cuộc thoại. Các nhân vật hội thoại phải thương lượng với nhau về đề tài cuộc
thoại: đó là mảng hiện thực được lựa chọn để đề cập đến trong cuộc thoại. Các cuộc hội thoại quan
phương không cần phải thương lượng về đề tài vì nó đã được xác định từ trước. Nhưng trong giao
tiếp thường ngày, có thể khi nói chuyện với nhau, người thích đề tài này, người thích đề tài khác,
lúc đó phải vận động thương lượng đề tài. Khi một vấn đề được các nhân vật hội thoại chấp nhận
thì mới thành đề tài của diễn ngôn, tức thành đề tài của cuộc hội thoại. Ví dụ trong câu ca dao:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
đề tài do “mận” đưa ra là đề tài tình yêu đã được “đào” chấp nhận và trở thành đề tài của cuộc giao
tiếp. Sau khi thương lượng về đề tài, các nhân vật hội thoại sẽ thương lượng về chủ đề cuộc thoại.
35
Phan Thị Hồng Xuân
Theo tác giả Đỗ Hữu Châu, “chủ đề là chiều hướng phát triển của đề tài” [4, tr. 285]. Và hướng
triển khai này cũng thể hiện quan điểm, thái độ, sự đánh giá của nhân vật hội thoại với vấn đề được
đem ra trò chuyện, bàn luận.
Đoạn thoại sau đây là một ví dụ về sự thất bại khi thương lượng chủ đề trong hội thoại.
Chàng trai (CT): Dạ, con chào bố ạ.
Ông bố cô người yêu (ÔB): Ai đẻ ra anh mà anh gọi tôi là bố?
CT: Cháu mời bác uống nước ạ.
ÔB: Ơ! Cái anh này! Chén nhà tôi, nước nhà tôi mà anh lại mời tôi. Hay nhỉ!
CT: Cháu mời bác hút điếu thuốc cho thơm miệng ạ.
ÔB: Dễ không có thuốc của anh chắc miệng tôi hôi nhỉ?
CT: Dạ, thưa bác, lâu nay bác vẫn khỏe chứ ạ?
ÔB: Khỏe để làm gì, khỏe để đánh nhau với anh chắc?
Trong cuộc hội thoại này, chàng trai muốn phát triển cuộc thoại theo hướng thiết lập quan
hệ gia đình với bố cô người yêu. Còn ông bố thì ngược lại, muốn thể hiện sự không bằng lòng
về quan hệ giữa chàng trai và con gái ông. Vì vậy đề tài không phát triển được. Và mục đích của
chàng trai cũng không đạt được.
6) Thái độ của các nhân vật hội thoại: Đây là vấn đề các nhân vật rất cần thương lượng trong
cuộc thoại. Nhiều khi cuộc thoại có kết cục không thành công không phải vì vấn đề đặt ra cần giải
quyết mà chỉ do thái độ của mỗi bên. Lúc đó hoặc cuộc thoại không diễn tiến hoặc có diễn tiến thì
các bên không đạt được đích mong muốn. Những cách nói “Để khi nào anh bình tĩnh chúng ta sẽ
nói chuyện.” hoặc “Bình tĩnh nghe tôi nói đã nào!”. . . chính là một cách thương lượng công khai
về thái độ của các nhân vật tham gia hội thoại. “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại.” là lời người xưa
khuyên chúng ta cần có thái độ bình tĩnh, tôn trọng lẫn nhau khi thương lượng.
Bên cạnh việc nghiên cứu các phương diện có thể thương lượng trong cuộc thoại, việc
nghiên cứu về các phương thức thương lượng cũng rất quan trọng. Các phương thức này bao gồm:
Thời gian thương lượng: Thương lượng có thể tiến hành ngay từ khi bắt đầu hội thoại. Đó
là thương lượng để đối tác chịu hội thoại với mình, thương lượng về ngôn ngữ, thái độ hội thoại và
chờ thời gian thích hợp để tung đề tài ra. Thương lượng diễn ra liên tục từ đầu đến cuối cuộc thoại
vì thế không thể xác định thời gian cố định cho thương lượng. Thương lượng vấn đề gì vào thời
gian nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhạy bén, khéo léo của nhân vật hội thoại. Và điều này quyết
định rất nhiều tới sự thành công của cuộc thương lượng
Thể thức thương lượng: Về nguyên tắc, có thể thương lượng trực tiếp nhưng kiểu thương
lượng này thô vụng, áp đặt nên thường thất bại, không thích hợp với hội thoại đời thường. Chính
vì vậy, đối với kiểu hội thoại này, người ta thường thương lượng ngầm, gián tiếp theo kiểu dò dẫm.
Thể thức hay dùng nhất là “quả bóng thăm dò” (trial balloon) và “thử và sai lầm” (trial and error).
Theo tác giả Đỗ Hữu Châu “Người muốn đưa ra đề tài tung ra một đề ở lời, chờ xem phản ứng của
đối tác thế nào. Nếu đối tác không đồng ý thì thôi chuyển sang “Quả bóng thăm dò” khác” [4; tr.
288]. Trước đó, tác giả Chu Thanh Tâm cũng đã từng nói: “quá trình thương lượng trong pha dẫn
nhập là quá trình ném bóng thử nghiệm giữa các đề của lời của các nhân vật hội thoại” [5, tr. 72].
Khi thượng lượng người ta có thể dùng các yếu tố ngôn ngữ nhưng cũng có thể dùng các yếu
tố kèm lời hay yếu tố phi lời (ngữ điệu, ánh mắt, trang phục, xê dịch vị trí. . . ). Tuy nhiên, người ta
thường kết hợp các yếu tố này để thương lượng.
Có những trường hợp cuộc thương lượng cần đến một trọng tài. “Trọng tài có thể là người
thứ ba, có thể là cuốn sách, cuốn từ điển” [4, tr. 288-289]. Nếu trọng tài là người thứ ba thì người
đó phải được các đối tác tin cậy, phải hiểu rõ mục đích của các bên và phải có thiện ý để cuộc
36
Thương lượng hội thoại – Một kĩ năng giao tiếp quan trọng có thể tích hợp rèn luyện cho học sinh...
thương lượng thành công. Nếu là trọng tài là sách vở, từ điển thì trong đó phải lưu giữ các chuẩn
mực, chân lí để các bên soi vào khi thương lượng. Truyện Mồ côi xử kiện là một ví dụ (sẽ phân
tích ở phần sau của bài báo).
Kết cục của hội thoại. Theo tác giả Đỗ Hữu Châu cuộc thoại có thể có các kết cục như sau:
Thỏa thuận là kết cục lí tưởng nhất trong đó hai phía hội thoại đạt được mục đích của mình
do tác động hài hòa, thuyết phục lẫn nhau.
Liên kết tự nguyện kém hơn, trong đó một phía phải chấp thuận điều kiện của phía bên kia.
Liên kết miễn cưỡng là liên kết có được do áp lực của một phía đối với phía bên kia và khi
đó sự thành công của cuộc thoại chỉ là ở bên ngoài. Trường hợp chị Dậu thương lượng với cai lệ là
một ví dụ. Chị Dậu vì “tức nước vỡ bờ” đã dùng sức mạnh cơ thể trấn áp cai lệ.
Một vấn đề nữa không thể bỏ qua khi nghiên cứu về thương lượng hội thoại, đó là các yếu
tố giúp thương lượng thành công.
Thứ nhất là khi thương lượng, các nhân vật hội thoại phải theo nguyên tắc đảm bảo lợi ích
tối đa cho mỗi bên, nguyên tắc “win-win”, nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Bài thơ Thằng Bờm là
một ví dụ. Bờm là đại diện cho trí tuệ dân gian nên hiểu rõ sự trao đổi của Bờm và Phú Ông chỉ
diễn ra khi Bờm đồng ý đổi “quạt mo” lấy một thứ có giá trị tương đương là “nắm xôi”. Còn nếu
Bờm đồng ý đổi lấy “ba bò chín trâu”, “ao sâu cá mè”, “một bè gỗ lim”, “con chim đồi mồi” thì
cuộc trao đổi sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Thứ hai là phải đảm bảo sự công bằng. Thương lượng theo lối chỉ có lợi cho một bên thì kết
cục sẽ không đạt được thỏa thuận. Nếu có liên kết thì chỉ là miễn cưỡng mà thôi. Câu chuyện Mồ
côi xử kiện trong sách giáo khoa Tiếng Việt 3 [6] là một điển hình. Tên chủ nhà hàng bắt bác nông
dân ngồi nhờ trong cửa hàng phải trả tiền vì đã ngửi mùi thức ăn. Cậu bé mồ côi thông minh đồng
ý để hắn thu tiền, còn bác nông dân ngửi thức ăn phải trả tiền. Tuy nhiên, bác nông dân cũng phải
được đảm bảo quyền lợi nên bác cũng chỉ phải trả tên chủ quán âm thanh của đồng tiền. Như vậy
một bên ngửi thức ăn, một bên nghe tiếng của đồng tiền. Thế là công bằng.
Thứ ba là phải khéo léo, lịch sự. Thương lượng là một khoa học đồng thời cũng là một nghệ
thuật. Trong thương lượng cần thể hiện sự tinh tế, khéo léo, nhạy bén, linh hoạt. Tục ngữ Việt Nam
đã có những câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” hay “Kim vàng
ai nỡ uốn câu, người khôn ai nỡ mắng nhau nặng lời”. . . để nói về điều này. Cuộc thương lượng
trên cơ sở quan tâm đến tình cảm và thể diện của đối tác sẽ rất dễ thành công. Khéo léo thường
đi kèm với lịch sự. Nếu nói năng không lịch sự sẽ gây phản cảm cho đối tác và không được đối
tác cộng tác, hội thoại sẽ không tiếp diễn, và nếu có tiếp diễn thì cũng không đạt được mục đích.
Không thiếu gì cuộc hội thoại mà đối tác từ chối theo kiểu: “Nếu anh nói giọng đó thì tôi không
nói với anh nữa.”
Thứ tư là phải sắc sảo trong lập luận. Đây là một yếu tố cũng quyết định đến kết quả của
thương lượng hội thoại. Nhiều cuộc thoại nhờ lập luận sắc sảo mà nhân vật hội thoại thuyết phục
thành công đối tác, để đối tác thỏa thuận hay tự nguyện liên kết. Ví dụ truyện Em bé thông minh
(sẽ phân tích ở phần 3 của bài báo).
Thứ năm là phải hiểu rõ mình và đối tác: Hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, mục đích thương
lượng của mỗi bên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thiện Giáp cũng đã từng nói: “Muốn đạt được mục
đích của mình trong cuộc thương lượng. . . các tham thoại cần nắm được ý định của đối phương
qua phát ngôn của họ hơn là ý nghĩa của từng từ ngữ trong lời phát ngôn” [7, tr. 86]. Biết mình,
biết ta thì trăm trận trăm thắng.
Thứ sáu là phải có kĩ năng tư duy phản biện. Kĩ năng này giúp con người bình tĩnh khi đối
tác có quan điểm khác mình, biết đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn sự việc dưới góc nhìn
của họ và quan trọng nhất là biết tách vấn đề khỏi sự nhìn nhận, đánh giá chủ quan của mỗi người
37
Phan Thị Hồng Xuân
để hiểu rõ bản chất của nó.
Thứ bảy là phải dẫn dắt lượt lời một cách hợp lí. Cách dẫn dắt lượt lời của các nhân vật hội
thoại cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sự thành công của cuộc thương lượng. Cần dẫn dắt lượt lời sao
cho các bên hiểu rõ mục đích thương lượng của nhau. Vì thế “trao lời ra sao, đáp lời thế nào cần
phải cân nhắc kĩ” [7, tr. 86].
2.2. Vận dụng lí thuyết thương lượng hội thoại vào dạy học ở THCS
Thương lượng hội thoại có tầm quan trọng như đã phân tích. Tuy nhiên hiện nay ở THCS
chưa có bài học riêng về nội dung này, vì vậy giáo viên (GV) cần linh hoạt tích hợp, lồng ghép nội
dung thương lượng hội thoại khi dạy tất cả các môn học trong nhà trường. Môn Ngữ văn, với mục
tiêu quan trọng nhất là phát triển kĩ năng nghe, nói, đọc, viết rất thuận lợi để rèn luyện kĩ năng
thương lượng hội thoại cho HS. Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo, xin trình bày một số
định hướng tích hợp rèn luyện kĩ năng này qua phần Đọc hiểu của môn Ngữ văn ở THCS.
Những phân tích ở phần cơ sở lí luận cho chúng ta thấy, muốn HS có kĩ năng thương lượng
hội thoại cần dạy học các vấn đề sau.
- Thứ nhất là đối tượng thương lượng.
- Thứ hai là phương thức thương lượng.
- Thứ ba là các yêu tố cần thiết để thương lượng thành công.
Khi dạy học, giáo viên cần lựa chọn những văn bản có chứa các đoạn hội thoại thể hiện
những vấn đề trên, rồi lập kế hoạch dạy học.
Sau đây xin phân tích trường hợp dạy học đọc hiểu văn bản Em bé thông minh (sách Ngữ
văn 6, Tập một) làm ví dụ. Có thể thấy Em bé thông minh là một trong những văn bản điển hình
cho trường hợp thương lượng hội thoại thành công. Trong truyện này, em bé đã thuyết phục được
đức vua không bắt làng nuôi ba con trâu đực để đẻ ra chín con rồi đem nộp nữa. Sở dĩ đạt được kết
quả đó là vì về bản chất em bé hiểu đối tượng thương lượng của mình muốn gì (muốn tìm người
thông minh). Em bé cũng hiểu được thế mạnh của mình là gì (có trí thông minh). Tuy nhiên để
thuyết phục được nhà vua và đình thần em đã phải sử dụng những cách riêng giúp em có cơ hội
được yết kiến, thể hiện trí tuệ trước nhà vua và đình thần. Chính vì thế, ngoài những câu hỏi trong
SGK, GV có thể đặt thêm các câu hỏi nhằm giúp HS nhận thức và có thể vận dụng kĩ năng thương
lượng hội thoại trong giao tiếp. Các câu hỏi đó như sau:
1. Để nhà vua chịu nói chuyện với một người có thân phận nhỏ bé như mình, cậu bé đã dùng
cách nào?
(Gợi ý: cậu bé đã tạo ra sự khác thường. Đó là: Nhè lúc mấy tên lính canh vô ý, lẻn vào sân
rồng khóc um lên để thu hút sự chú ý của nhà vua).
2. Để vua tiếp tục nói chuyện và không bắt làng nuôi ba con trâu đực cho đẻ thành chín con
để nộp cho đức vua, cậu bé đã dùng cách nào?
(Gợi ý: Nhờ vua phán xét một chuyện vô lí tương tự như chuyện vô lí vua đã làm để vua tự
nhận ra sự phi lí của mình. Đây là chiến lược “Gậy ông đập lưng ông”.
3. Từ câu chuyện này, em rút ra được bài học gì khi muốn thuyết phục người khác?
(Gợi ý: Muốn người khác bắt chuyện với mình, có lúc phải tạo ra sự khác thường để họ chú
ý. Muốn thuyết phục người khác phải tìm điểm bất hợp lí của họ, làm họ tự nhận ra điều đó và làm
theo những điều hợp lí. Muốn thuyết phục người khác phải hiểu rõ họ, hiểu rõ mình.)
Văn bản thứ hai có thể lựa chọn là văn bản Thầy bói xem voi trong sách Ngữ văn 6, Tập
một. Nếu văn bản Em bé thông minh là văn bản mẫu mực về thương lượng thành công thì văn bản
Thầy bói xem voi là văn bản điển hình về thương lượng không thành công.
38
Thương lượng hội thoại – Một kĩ năng giao tiếp quan trọng có thể tích hợp rèn luyện cho học sinh...
Ngoài những câu hỏi trong SGK đã nêu, GV cần cho HS thảo luận thêm câu hỏi sau:
1. Vì sao các thầy bói xô xát, đánh nhau, toác đầu, chảy máu sau khi xem voi và phán về
voi?
(Gợi ý: Các thầy bói xem voi không đúng cách (dùng tay sờ voi), phán về voi một cách
phiến diện, chủ quan (lấy bộ phận để nói toàn thể), bàn luận về voi với thái độ bảo thủ, cố chấp
(không ai chịu ai). Nguyên nhân sâu xa là do các thầy bói không những mù về mắt mà còn mù về
nhận thức và phương pháp nhận thức. Các thầy không hiểu rằng: muốn hiểu biết về sự vật, sự việc
phải xem xét chúng một cách toàn diện.)
2. Qua câu chuyện Thầy bói xem voi, em rút ra bài học gì khi bàn luận với người khác về
một vấn đề nào đó?
(Gợi ý: Khi bàn luận về một vấn đề nào đó, cần bình tĩnh khi người khác có ý kiến khác
mình, cần đặt mình vào vị trí người khác để xem xét ý kiến của họ và quan trọng nhất là phải hiểu
được mấu chốt khoa học của vấn đề khi đưa ra ý kiến của mình.)
Tuy nhiên, trong mỗi văn bản không thể hàm chứa tất cả các vấn đề về thương lượng hội
thoại nên người GV cần chủ động, linh hoạt tích hợp dạy học nội dung này khi có cơ hội. Bên cạnh
đó, GV cũng cần chuẩn bị một hệ thống các bài tập để khi cần có thể tích hợp dạy học thương
lượng hội thoại với các nội dung khác. Sau đây là một số ví dụ:
Bài 1: Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
(Trong công viên, một anh thanh niên khoảng 17 tuổi tiến lại gần một phụ nữ khoảng 40
tuổi và hỏi giờ)
Anh thanh niên: Mấy giờ rồi?
Người phụ nữ: (im lặng)
Anh thanh niên: Này, 5 giờ chưa nhỉ?
Người phụ nữ: Em hỏi ai đấy?
Anh thanh niên: Chị cho em hỏi mấy giờ rồi ạ?
Người phụ nữ: Ừ, xưng hô phải đúng vào, 4 giờ 35 phút.
1. Người phụ nữ không trả lời anh thanh niên. Vì sao?
(Gợi ý: Vì anh thanh niên không lịch sự, không tôn trọng người khác khi giao tiếp.)
2. Anh thanh niên đã rút ra được bài học gì từ câu hỏi và lời nhắc nhở của chị phụ nữ.
(Gợi ý: Anh thanh niên đã rút ra được bài học: muốn người khác nói chuyện với mình thì
phải có thái độ lịch sự.)
Bài 2: Đọc văn bản và trả lời câu hỏi
Biết ăn nói
Chuyện kể rằng, một ông vua nước nọ nằm mơ thấy tất cả răng mình rụng hết. Tỉnh dậy,
nhà vua rất sợ, không biết đó là điềm gì, vội vàng cho gọi thầy bói đến đoán.
Thầy bói thứ nhất gieo quẻ và đoán: “Tâu bệ hạ! Đó là điềm báo rằng gia đình bệ hạ sẽ chết
hết rồi đến bệ hạ ạ!”
Nghe nói điều độc địa, vua cho xử tội thầy bói. Vua lại cho gọi thầy bói thứ hai. Người ấy
gieo quẻ và đáp: “Tâu bệ hạ! Đó là điềm báo bệ hạ là người sống lâu nhất trong toàn bộ họ hàng,
gia quyến của người đấy ạ!”
Nghe câu nói lịch sự, khéo léo của người ấy, vua ban thưởng rất hậu hĩ.
(Ngữ liệu văn học dân gian trong dạy học tiếng Việt [9, tr. 178])
1. So sánh lời giải đoán giấc mơ của hai thầy bói để thấy rõ sự khéo léo, lịch sự của thầy bói
39
Phan Thị Hồng Xuân
thứ hai.
(Gợi ý: Về bản chất, “sống lâu nhất” cũng chính là chết sau cùng nhưng cụm từ “sống lâu
nhất” làm nhà vua hài lòng nên thầy bói thứ hai được ban thưởng còn thầy bói thứ nhất bị xử tội).
2. Qua câu chuyện này, em rút ra được bài học gì về cách diễn đạt khi nói năng?
(Gợi ý: Bài học rút ra là: cùng một nội dung có nhiều cách diễn đạt khác nhau, hãy chọn
cách diễn đạt làm cho đối tác trong cuộc thoại thấy dễ nghe, thấy hài lòng để đạt được mục đích
giao tiếp).
Bài 3: Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
(Vài HS ngồi ở quán nước trước cổng trường, một HS đứng dậy trả tiền bác bán hàng)
HS: Bác ơi, cháu gửi tiền với!
Bác bán hàng: Tất cả tiền nước, tiền bỏng là 18 ngàn.
HS: Úi giời ơi! Sao hôm nay u lấy đắt thế! Chúng con là khách hàng ruột ở đây mà. Thôi
con gửi u 15 ngàn nhá.
Bác bán hàng: Ừ, thôi được.
1. Để bác bán hàng giảm tiền nước và tiền quà, bạn HS đã chọn cách xưng hô như thế nào?
Cách xưng hô đó có tác dụng gì?
(Gợi ý: Bạn HS đã gọi bác là u, xưng là con và tự nhận là khách hàng ruột. Điều đó có tác
dụng rút ngắn khoảng cách giữa người bán hàng và khách hàng, làm người bán hàng gần gũi, yêu
quý khách hàng và chia sẻ lợi nhuận (giảm bớt tiền).
2. Qua đoạn hội thoại này, em rút ra được bài học gì khi cần tạo ra mối quan hệ thân thiện
với người khác?
(Gợi ý: Trong cuộc sống để tạo sự thân thiện cần rút ngắn khoảng cách với đối tác bằng
những lời xưng hô phù hợp.)
Bài 4: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi
. . . Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn khẽ lay và gọi:
- Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế?
Chí Phèo lim rim mắt, rên lên:
- Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp,
mà còn rũ tù chưa biết chừng.
Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm; người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái
cười:
- Cái này anh nói mới hay! Ai làm gì anh mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngóe
đâu? Lại say rồi phải không?
Rồi, đổi giọng cụ thân mật hỏi:
- Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.
Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:
- Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. Cần gì
mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.
Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:
- Khổ quá, giá có tôi ở nhà thì đâu có đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong.
Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lí Cường nóng tính, không nghĩ
trước nghĩ sau. Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy.
40
Thương lượng hội thoại – Một kĩ năng giao tiếp quan trọng có thể tích hợp rèn luyện cho học sinh...
Chí Phèo chả biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi, hắn cố làm ra vẻ
nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, quát:
- Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người đun nước, mau lên!
(Trích Chí Phèo [10])
1. Vì sao bá Kiến thuyết phục được Chí Phèo thôi trả thù và nhờ đó gia đình bá Kiến thoát
được cảnh đổ máu?
(Gợi ý: Bá Kiến đã tinh ranh, khôn khéo, thương lượng với Chí Phèo. Các chiến lược được
bá Kiến sử dụng là: Đề cao Chí Phèo (“Đời người chứ có phải con ngóe đâu?”; “Cứ vào đây uống
nước đã. . . ta nói chuyện tử tế với nhau.”; “Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ”); Hạ
thấp gia đình mình: nhận sai về lí Cường, quát lí Cường (“Chỉ tại thằng lí Cường nóng tính, không
nghĩ trước nghĩ sau.”; “Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người đun nước, mau lên!”);
Tạo quan hệ họ hàng với Chí (“Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy.”); Sử dụng các yếu tố kèm
ngôn ngữ, phi ngôn ngữ (“giọng thân mật”, “khẽ lay và gọi”, “cười giòn giã”; “xốc Chí Phèo”;. . . )
2. Qua đoạn hội thoại này, em rút ra được bài học gì khi bị đẩy vào tình huống phải giao
tiếp với người đang giận dữ?
(Gợi ý: Khi đối thoại với người đang giận dữ, cần phải bình tĩnh, khéo léo tìm mọi cách làm
người đó bớt dần cơn giận và dùng lí lẽ thuyết phục người đó trở lại bình tĩnh.)
3. Kết luận
Vì thương thượng hội thoại chỉ là nội dung tích hợp, lồng ghép khi dạy các văn bản trong
môn Ngữ văn nên cần có thời lượng phù hợp, tránh biến giờ dạy học này thành giờ dạy học ngữ
dụng. Thương lượng hội thoại rất quan trọng. Dù thương lượng diễn ra công khai hay ngầm ẩn thì
cứ có hội thoại là có thương lượng. Vì vậy, dạy cho HS hình thành và phát triển kĩ năng thương
lượng chắc chắn sẽ giúp cho năng lực giao tiếp của HS ngày càng phát triển. Thương lượng hội
thoại là một hoạt động cơ bản của con người, là một phần tất yếu của cuộc sống. Thương lượng
diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Với tầm quan trọng không thể phủ nhận như vậy, thiết nghĩ các nhà
giáo dục cần dành cho nội dung này một vị trí xứng đáng trong chương trình mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hoàng Phê (chủ biên), 2014. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng.
[2] Đặng Thị Hảo Tâm, 2010. Thương lượng nội dung hội thoại và mối quan hệ giữa người
nghệ sĩ với quần chúng nhân dân trong trích đoạn “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”- Nguyễn Huy
Tưởng. Tạp chí Ngôn ngữ, Số 10, trang 25 - 33.
[3] Bộ Giáo dục và đào tạo, 2014. Tài liệu tập huấn dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập
theo định hướng phát triển năng lực học sinh Môn Ngữ văn cấp trung học phổ thông (Lưu
hành nội bộ). Hà Nội.
[4] Đỗ Hữu Châu, 2012. Đại cương Ngôn ngữ học, tập hai. Nxb Giáo dục Việt Nam.
[5] Chu Thị Thanh Tâm, 1995. Đề tài diễn ngôn: Sự cộng tác hội thoại để hình thành đề tài
diễn ngôn và các hành vi dẫn nhập đề tài diễn ngôn. Luận án phó tiến sĩ khoa học Ngữ văn,
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
[6] Bộ Giáo dục và đào tạo, 2004. Tiếng Việt 3, tập một. Nxb Giáo dục.
[7] Nguyễn Thiện Giáp, 2004. Dụng học Việt ngữ. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
41
Phan Thị Hồng Xuân
[8] Bộ Giáo dục và đào tạo, 2003. Ngữ văn 6, Tập một, Nxb Giáo dục.
[9] Nguyễn Văn Tứ, 2007. Ngữ liệu văn học dân gian trong dạy học tiếng Việt. Nxb Đại học Sư
phạm.
[10] Nam Cao. Chí Phèo. Nxb Kim Đồng (in lần thứ 5).
[11] Nguyễn Trí, Bài tập dạy hội thoại, 2008, Tạp chí Giáo dục, Số 182, tr. 32-34.
[12] Đỗ Thị Kim Liên, 1999, Về việc dạy văn hội thoại trong nhà trường, Tạp chí Ngôn ngữ, Số
6, tr. 18-26.
[13] Nguyễn Thị Xuân Yến, 2005, Quy trình tổ chức thực hành các bài tập giao tiếp trong dạy
học hội thoại cho học sinh tiểu học”, Tạp chí Giáo dục, Số 111, trang 23 - 25.
ABSTRACT
Conversation negotiation – An important conmunication skill that can be integrated in
practising language art for students in secondary school
Phan Thi Hong Xuan
Faculty of Philology, Hanoi National University of Education
Negotiation is a crucial factor in any conversations. Starting a conversation is engaging
into a negotiation. Conversation is a compulsory part in communication. In its turn, negotiating
skill is the key for successful communication. Secondary school students are on the process of
polishing their communication skills; hence, it is essential for them to be familiar with the issue of
conversation negotiation. This article not only shows the theoretical foundation for conversation
negotiation but also suggests the integration approach in practising process and focusing on the
case of the subject comprehensive reading in secondary school.
Keywords: Conversation, negotiation, skill, integration, comprehensive reading.
42
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4750_pthxuan_5817_2128344.pdf