Thực trạng nhận thức của cư dân huyện Cần Giờ về biến đổi khí hậu hiện nay - Nguyễn Minh Nhựt

Tài liệu Thực trạng nhận thức của cư dân huyện Cần Giờ về biến đổi khí hậu hiện nay - Nguyễn Minh Nhựt: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 62 (02/2019) No. 62 (02/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 142 THỰC TRẠNG NHẬN THỨC CỦA CƯ DÂN HUYỆN CẦN GIỜ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU HIỆN NAY Current situation of awareness of Can Gio district residents on climate change ThS. Nguyễn Minh Nhựt Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân TP.HCM Tóm tắt Bài viết này đánh giá thực trạng nhận thức của cư dân huyện Cần Giờ về biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá: nhận thức về mức độ nghiêm trọng và những biểu hiện của BĐKH; các nguồn tiếp nhận thông tin về BĐKH của người dân địa phương và nhận thức về tác hại của BĐKH tới các hộ gia đình (HGĐ). Người dân đã cảm nhận, lo lắng đến các hiện tượng thiên tai, thời tiết bất thường đang diễn ra ngày càng nhiều và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của từng HGĐ. Mặt khác, phần lớn người dân chưa tiếp...

pdf10 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 582 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng nhận thức của cư dân huyện Cần Giờ về biến đổi khí hậu hiện nay - Nguyễn Minh Nhựt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 62 (02/2019) No. 62 (02/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 142 THỰC TRẠNG NHẬN THỨC CỦA CƯ DÂN HUYỆN CẦN GIỜ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU HIỆN NAY Current situation of awareness of Can Gio district residents on climate change ThS. Nguyễn Minh Nhựt Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân TP.HCM Tóm tắt Bài viết này đánh giá thực trạng nhận thức của cư dân huyện Cần Giờ về biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá: nhận thức về mức độ nghiêm trọng và những biểu hiện của BĐKH; các nguồn tiếp nhận thông tin về BĐKH của người dân địa phương và nhận thức về tác hại của BĐKH tới các hộ gia đình (HGĐ). Người dân đã cảm nhận, lo lắng đến các hiện tượng thiên tai, thời tiết bất thường đang diễn ra ngày càng nhiều và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của từng HGĐ. Mặt khác, phần lớn người dân chưa tiếp cận được các thông tin về BĐKH qua các kênh truyền thông đại chúng và từ chính quyền địa phương. Sự trao đổi, chia sẻ thông tin về BĐKH tại cộng đồng còn khá rời rạc, thụ động. Bên cạnh đó, các tác hại của BĐKH đã ảnh hưởng nặng nề đến việc làm/sinh kế, làm mất/hư hỏng nhà cửa, tài sản và ảnh hưởng đến sức khỏe của các HGĐ. Những vấn đề này làm cho người dân nhận thấy các tác hại của BĐKH tới các HGĐ đang có xu hướng tăng hơn là giảm đi và làm tăng thêm gánh nặng đối với họ. Từ khóa: Thực trạng, Nhận thức, Biến đổi khí hậu, huyện Cần Giờ. Abstract This article assesses the current situation of Can Gio district residents on climate change based on the analysis and evaluation: awareness of the severity and manifestations of climate change; sources of receptive information on climate change of local people and awareness of the impacts of climate change on households. The people have felt and worried about natural disasters, abnormal weather events which have been increasingly happening and directly affecting the livelihood of every household. On the other hand, most people do not have access to information on climate change through mass media channels and from local authorities. The exchange and sharing of information on climate change in the community is quite sporadic and passive. In addition, the impacts of climate change have seriously affected the employment or livelihoods, loss or damage of houses, assets and health of households. These issues make people realize that the impacts of climate change on households tend to ascend rather than descend, increasing their burden. Keywords: Current situation, Awareness, Climate change, Can Gio district. Email: bandothihdndtphcm@gmail.com NGUYỄN MINH NHỰT TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 143 1. Đặt vấn đề Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang là một vấn đề cấp bách và mang tính toàn cầu. Đối phó với sự thay đổi này đòi hỏi nhiều nỗ lực không chỉ của các dân tộc, các quốc gia trên toàn thế giới mà đó còn là nhiệm vụ của từng cá nhân. Nhưng các nghiên cứu hiện nay đang chỉ ra rằng BĐKH còn khá xa lạ đối với bộ phận lớn dân cư; mức độ hiểu biết và quan tâm của người dân đối với BĐKH còn thấp [6]. BĐKH là sự thay đổi của khí hậu do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của hoạt động con người. Cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển, đe dọa an ninh môi trường, năng lượng, nguồn nước, lương thực trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, con người cần phải có những hành động thiết thực để ngăn chặn những biến đổi đó bằng chính những hoạt động phù hợp của con người [7]. Bên cạnh đó, các nghiên cũng chỉ ra: ở Việt Nam, những lĩnh vực/đối tượng được đánh giá là dễ bị tổn thương do BĐKH bao gồm: nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước, sức khỏe, nơi cư trú, nhất là ven biển và miền núi. Các cộng đồng dễ bị tổn thương bao gồm: nông dân, ngư dân, người dân các dân tộc thiểu số ở miền núi, người già, phụ nữ, trẻ em và các tầng lớp nghèo nhất ở các đô thị [5]. BĐKH sẽ ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản theo hướng thu hẹp dần do nước bị nhiễm mặn khi nước biển dâng và điều kiện sống thích nghi bị thay đổi. Nước biển dâng lên còn đẩy quá trình xâm nhập mặn sâu vào nội địa, làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của dân cư, làm gia tăng một số loại dịch hại mới và các đợt dịch bùng phát trên diện rộng [4]. Ở một khía cạnh khác, BĐKH toàn cầu đã tác động bất lợi đến lớp người thu nhập thấp, đặc biệt là những nước kém phát triển. Trái đất nóng lên hầu hết do khí thải công nghiệp của những nước phát triển. Cái giá phải trả cho BĐKH cho dù khó lượng định, song đang ngày một gia tăng. Trong 16 quốc gia cực kỳ rủi ro, dẫn đầu là ở Nam Á, tiếp đó là Đông Phi và Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí 13 trong nhóm này [8]. Các tác giả đã nhấn mạnh rằng: BĐKH đã và đang là một hiểm họa đe dọa trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đe dọa đến đời sống của nhân dân và theo dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nặng nề hơn và hậu quả nghiêm trọng hơn [1]. Dưới tác động của BĐKH, tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Nước biển dâng đã có những tác động xấu và đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) xếp Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng BĐKH và Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 Thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH [3]. BĐKH là sự thay đổi cơ bản nhất các hệ thống môi trường của trái đất bao gồm cả nhiệt độ và lượng mưa. Chẳng hạn như: lưu thông thủy văn và tài nguyên nước, hiểm họa về nước và bờ biển, hệ sinh thái trên cạn và trên biển, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, sức khỏe con người và công nghiệp [2]. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều diễn biến khí hậu bất thường đã xuất hiện thường xuyên hơn SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 62 (02/2019) 144 khiến mọi người bắt đầu chú ý và đã có những hoạt động ban đầu nhằm ứng phó với hoàn cảnh mới. Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, được xem là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Đây cũng là địa bàn xung yếu, có nhiều hộ dân sống ở ven sông, ven biển trong rừng phòng hộ, vùng trũng thấp, luôn có nguy cơ bị sạt lở, nhà cửa không đảm bảo an toàn và nhìn chung luôn có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của BĐKH. Từ đây có thể thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu, phân tích và đánh giá một cách khách quan về thực trạng nhận thức của cư dân huyện Cần Giờ về BĐKH hiện nay ở nhiều góc nhìn xã hội khác nhau là một yêu cầu cấp thiết nhằm đề xuất các định hướng chính sách, giải pháp ứng phó với BĐKH hiện nay tại các cộng đồng dân cư ven biển huyện Cần Giờ. 2. Phương pháp nghiên cứu - Về đối tượng nghiên cứu: Thực trạng nhận thức của cư dân huyện Cần Giờ về BĐKH hiện nay. - Khách thể nghiên cứu: Các đại diện hộ gia đình (HGĐ) được chọn mẫu tại các cộng đồng dân cư thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện cán bộ lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực tại các sở ngành có liên quan; đại diện chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Cần Giờ. - Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Nghiên cứu sẽ tiến hành phỏng vấn bằng bảng hỏi 614 đại diện HGĐ, được chọn theo cách lập mẫu ngẫu nhiên phân tầng tại 6 xã và 1 thị trấn của huyện Cần Giờ. Dữ liệu định lượng được xử lý bằng phần mềm SPSS với các dạng số liệu phân bố tỉ lệ. Phân bố mẫu trên địa bàn nghiên cứu cụ thể như sau: Địa bàn nghiên cứu Xã Số ấp Số HGĐ Số HGĐ được khảo sát Đảo xã Thạnh An 3 ấp 1125 102 Bán đảo (Vùng duyên hải) Thị trấn Cần Thạnh 5 ấp 2500 139 xã Long Hoà 4 ấp 2375 50 xã An Thới Đông 6 ấp 2750 78 xã Lý Nhơn 3 ấp 1125 38 xã Bình Khánh 8 ấp 4000 140 xã Tam Thôn Hiệp 4 ấp 1250 67 Tổng số 6 xã, 01 thị trấn 33 ấp 15125 614 HGĐ - Phương pháp phỏng vấn sâu: Dữ liệu định tính được thu thập chọn lọc từ 10 cuộc phỏng vấn sâu bán cấu trúc bao gồm đại diện chính quyền địa phương các cấp và người dân địa phương. Những thông tin từ phỏng vấn sâu này sẽ giúp nắm bắt thêm tình hình kinh tế xã hội của thành phố, tình hình của địa phương, nhận thức của người dân và ý kiến của cán bộ địa phương về nhận thức của người dân đối với BĐKH hiện nay tại huyện Cần Giờ. - Phương pháp thảo luận nhóm tập NGUYỄN MINH NHỰT TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 145 trung: Tổ chức 3 cuộc thảo luận nhóm ở 2 địa bàn nghiên cứu đặc trưng như: đảo, bán đảo (vùng duyên hải) của huyện Cần Giờ để thu thập thông tin các vấn đề về nhận thức, chiến lược ứng phó với thiên tai, các hiện tượng thời tiết bất thường và BĐKH. Mỗi nhóm có 8 người trong đó tỉ lệ phụ nữ tham gia là 50%. Một nhóm từ 45 đến 65 tuổi và hai nhóm còn lại từ 20 đến 44 tuổi. Thành phần tham gia thảo luận nhóm là người dân trong xã, chủ yếu là lao động nông lâm ngư nghiệp (trồng trọt, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, công việc liên quan đến rừng). 3. Kết quả và bàn luận 3.1. Nhận thức về tầm quan trọng và những biểu hiện của biến đổi khí hậu Để tìm hiểu nhận thức của người dân về BĐKH, trước hết cần biết hiện nay người dân đang quan tâm, lo lắng đến những vấn đề bức xúc nào nhất ở địa phương, trong đó có vấn đề BĐKH. Kết quả của câu hỏi này như sau: Biểu đồ 1: Vấn đề nghiêm trọng/đáng lo lắng nhất tại địa phương hiện nay (n=614) Dựa trên kết quả khảo sát thực tế, trong bốn vấn đề người dân nhận thấy nghiêm trọng/đáng lo lắng nhất (gồm: nghèo đói, ô nhiễm môi trường, BĐKH, thất nghiệp/thiếu việc làm) thì vấn đề BĐKH có tỷ lệ người dân quan tâm cao nhất (28,6%). Điều này chứng tỏ thiên tai, thời tiết bất thường đã hiện hữu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới sinh kế, ô nhiễm môi trường, vấn đề nghèo đói của người dân huyện Cần Giờ ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau tạo nên sự lo lắng. Người dân xem đây là vấn đề nghiêm trọng mà các cấp chính quyền, cộng đồng, dân cư nơi đây cần quan tâm, có thái độ và hành vi đúng mức để thích ứng và giảm nhẹ đối với các ảnh hưởng của BĐKH. Vấn đề “thất nghiệp/thiếu việc làm” (17,9%), thứ ba là vấn đề “ô nhiễm môi trường” (15,6%) và thứ 4 là vấn đề “nghèo đói” (14,7%). Tỷ lệ cho 3 vấn đề sau không chênh lệch nhiều và chiếm khoảng trên dưới 15% các ý kiến trả lời. Dữ liệu định tính phỏng vấn người dân và cán bộ lãnh đạo địa phương cũng đều khẳng định những lo ngại của hiện tượng BĐKH, mà biểu hiện cụ thể SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 62 (02/2019) 146 là tình trạng thời tiết cực đoan gia tăng với tần suất và mức độ nghiêm trọng. “Thực tế thì những năm trở lại đây, tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phúc tạp. Ví dụ như mưa bão nhiều hơn so với trước đây. Rồi ấp thấp nhiệt đới, nước biển dâng kết hợp với triều cường trong những năm gần đây lên khá đều, thời xưa thường rằm tháng 7 còn bây giờ hầu như tháng nào cũng có triều cường, có mực nước rất cao” (Nam, cán bộ UBND xã Thạnh An). Nguồn: Nguyễn Minh Nhựt, khảo sát ứng phó BĐKH dựa vào cộng động tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018. Biểu đồ 2: Nhận thức của người dân về các biểu hiện của biến đổi khí hậu (n=614) Có 5 hiện tượng cụ thể của BĐKH được người dân nhắc đến nhiều nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ nhận biết các hiện tượng này còn rất thấp. Hiện tượng “Bão nhiều hơn” chiếm tỷ lệ cao nhất chỉ có 24,5%. Các hiện tượng còn lại như: “Mưa, nắng trái mùa” (23%), “Thời tiết nóng hơn” (12,8%), “Mực nước biển tăng” (11%), “Mưa nhiều/nắng hạn ít hơn” (10,1%) ghi nhận. Trong một cuộc phỏng vấn sâu cán bộ Biên phòng có thâm niên công tác lâu năm tại địa phương và thường xuyên quan sát tiếp xúc với vùng biển Cần Giờ đã khẳng định hiện tượng thời tiết không còn sự phân ranh rõ ràng hai mùa vốn đặc trưng của khí hậu Nam Bộ.“Mỗi một năm, tình hình biến đổi khí hậu càng thêm phúc tạp, thực tế trước kia rõ ràng có 2 mùa mưa và mùa khô rõ rệt, bây giờ thực ra mùa khô mùa mưa không thể phân biệt nữa rồi” (Nam, cán bộ Hải Đội 2). Nguồn: Nguyễn Minh Nhựt, khảo sát ứng phó BĐKH dựa vào cộng động tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018. Cùng quan điểm trên những người dân địa phương cũng khẳng định sự “thất thường” của thời tiết đang trở nên rõ rệt khó lường hơn. “Trong 10 năm trở lại đây, thời tiết không phải như hồi xưa nữa, hồi xưa thì nắng thì cũng có tháng có năm, mưa thì cũng có tháng có năm. Còn bây giờ thì mưa nắng thất thường. Cái NGUYỄN MINH NHỰT TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 147 không khí lạnh nó khác ngày xưa, hồi xưa nó lạnh cũng bình thường bây giờ nó lạnh quá, như mấy ngày nay gần tết không có mưa, giờ không biết ngày nào nắng ngày nào mưa” (Nữ, người dân Cần Thạnh). Nguồn: Nguyễn Minh Nhựt, khảo sát ứng phó BĐKH dựa vào cộng động tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018. Như vậy, hai hiện tượng của BĐKH là “Bão nhiều hơn” và “Mưa nắng trái mùa” đã có gần 1/4 người được hỏi nhận biết, trong khi các biểu hiện khác tỷ lệ nhận biết chỉ khoảng trên dưới 10%. các hiện tượng của BĐKH đã bắt đầu được người dân Cần Giờ nhận biết. 3.2. Các nguồn thông tin về biến đổi khí hậu Kết quả phân tích dữ liệu khảo sát từ phỏng vấn bán cấu trúc về các nguồn tiếp nhận thông tin được thể hiện tại biểu đồ 3: Biểu đồ 3: Nguồn thông tin về biến đổi khí hậu (n=614) Trong số 6 nguồn thông tin chính về BĐKH mà người dân đã tiếp cận được trong thời gian qua, “Nghe trên truyền thông đại chúng” chiếm khoảng 1/3 ý kiến người được hỏi (33,5%), trong khi “Từ chính quyền địa phương” chỉ chiếm khoảng hơn 1/5 (22,3%), và qua “Các tổ chức, đoàn thể” chỉ chiếm 6,4% (thấp nhất). Kết quả trên cho thấy các kênh truyền thông đại chúng (Tivi, Radio, loa phát thanh, internet) và kênh từ chính quyền địa phương vẫn là những nguồn cung cấp thông tin về BĐKH chủ yếu, quan trọng nhất cho người dân địa phương. Điều này được củng cố thêm trong dữ liệu định tính: “Khi thiên tai xảy ra, người dân bây giờ cũng rất ý thức xem thông tin trên đài, khi có thông báo người ta cập nhập thông tin trên ti vi rất nhanh coi bão đi tới đâu. Bên cạnh đó chính quyền thông tin trên mạng truyền thông cho người dân biết. Như vậy chính quyền cũng quan tâm báo cho người dân biết đồng thời cũng cử những Đoàn đến hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, đối với những hộ gần biển thì di dời tài sản, di dời dân đến những nơi tập kết, khi xong rồi có xe đến chở người ta về nhà luôn” (Nữ, người dân Cần Thạnh). SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 62 (02/2019) 148 Nguồn: Nguyễn Minh Nhựt, khảo sát ứng phó BĐKH dựa vào cộng động tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018. Tuy nhiên, các kênh thông tin phi chính thức trong cộng đồng, hay giữa người dân với nhau vẫn còn hạn chế. Hay nói cách khác các HGĐ còn ít quan tâm đến các thông tin về BĐKH và dường như sự trao đổi, chia sẻ thông tin tại cộng đồng còn khá rời rạc, còn thụ động trong việc trao đổi, tiếp nhận thông tin lẫn nhau. Điều này rất quan trọng cho việc xây dựng và phát triển phương thức ứng phó với BĐKH dựa vào cộng đồng. Bởi lẽ việc chia sẻ, thảo luận trao đổi thông tin chính là bước đầu tiên trọng việc tập hợp, huy động sự tham gia qua đó cùng nhau hành động. 3.3. Nhận thức về ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu tới các hộ gia đình Đối với cảm nhận ảnh hưởng của thời tiết bất thường/BĐKH, vấn đề “Mất/ảnh hưởng đến việc làm/sinh kế chiếm tỷ lệ tương đối cao (30,2%). Cần chú ý là gần 1/3 cư dân Cần Giờ sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Đây là nghề mang lại thu nhập chủ yếu cho các hộ gia đình nên sự “nhạy cảm” của họ về ảnh hưởng của thời tiết bất thường/BĐKH ở nơi đây là dễ hiểu. Khi đánh giá về những tác động tiêu cực từ hiện tượng BĐKH, các cán bộ địa phương cũng cho rằng hoạt động sản xuất bị tổn thương trực tiếp và nặng nề nhất. “Ở đây người dân sống bằng 3 nghề chính: một là đánh bắt, hai là nuôi trồng thủy sản, ba là làm muối cho nên nếu như có thiên tai diễn ra thì ảnh hưởng hết toàn bộ. Thứ nhất là đánh bắt nếu như có thiên tai diễn ra thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đánh bắt của các phương tiện. Thứ hai là nuôi trồng, Thạnh An chủ yếu là nuôi hàu, nuôi cá bóp mà những cái nuôi này chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên cho nên nếu có sự thay đổi, biến đổi về điều kiện tự nhiên thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân” (Cán bộ UBND xã Thạnh An). Nguồn: Nguyễn Minh Nhựt, khảo sát ứng phó BĐKH dựa vào cộng động tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018. Biểu đồ 4: Ảnh hưởng của thời tiết bất thường/BĐKH đến từng hộ gia đình (n=614) NGUYỄN MINH NHỰT TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 149 Không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế, thời tiết bất thường/BĐKH còn làm tăng thêm gánh nặng đối với các hộ gia đình thu nhập từ trung bình trở xuống như: “Mất/hư hỏng nhà cửa, tài sản” (16,5%), “Ảnh hưởng đến sức khoẻ” (16,1%), “Tăng thêm chi phí sinh hoạt” (10%). Mặc dù các tỷ lệ này chưa cao và những ảnh hưởng cũng không thường xuyên, nhưng nếu những cảnh báo này của chính quyền chưa được lắng nghe và người dân chưa quan tâm, chưa có những giải pháp thích ứng thì trong tương lai gần, những ảnh hưởng này sẽ tác động ngày càng mạnh, cuộc sống của người dân sẽ càng mong manh và khó khăn hơn. Di cư vì khí hậu sẽ trở thành một giải pháp ứng phó với thời tiết bất thường/BĐKH. Để đo lường sự đánh giá của người dân về xu hướng thay đổi của những ảnh hưởng đó trong tương lai. Dữ liệu tại biểu đồ 5 thể hiện tỉ lệ đánh giá 4 khía cạnh ảnh hưởng theo hai xu hướng tăng lên, hoặc giảm đi. Biểu đồ 5: Biến đổi khí hậu có xu hướng ảnh hưởng xấu đến hộ gia đình trong thời gian tới (n=614) Như vậy, có 4 nhóm yếu tố sẽ tác động ngày một xấu hơn đến các hộ gia đình trong thời gian tới, mà cụ thể là: “Mất/ảnh hưởng đến việc làm/sinh kế” (xu hướng giảm đi 20,8% người được hỏi, trong khi xu hướng tăng lên tăng là 31,4%), “Mất/hư hỏng nhà cửa, tài sản” (xu hướng giảm đi 9,4%, tăng lên lên -19,7%), “Tăng thêm chi phí sinh hoạt” (xu hướng tăng lên - 15,0%). Riêng trường hợp “Ảnh hưởng đến sức khỏe” (xu hướng giảm đi - 15,6% tăng lên - 12,5%). Như vậy, từ BĐKH đến vấn đề “Mất/ảnh hưởng đến việc làm/sinh kế” sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến tình trạng của các thành viên hộ gia đình. Xu hướng này tăng lên khá rõ so với các ảnh hưởng khác và đây là vấn đề nghiêm trọng mà người dân cảm nhận được qua thực tiễn. Qua quan sát tại thực tiễn việc tuần tra bảo vệ trên biển, một cán bộ Bộ đội Biên phòng cho rằng nguồn lợi thủy hải sản tại các vùng biển địa phương đã suy giảm nhiều và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 62 (02/2019) 150 “BĐKH ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản, trước kia thì cá mắm nó nhiều lắm đến bây giờ thì cá mắm rất cạn kiệt. Người dân ở đây chủ yếu sinh nhai bằng cái nghề đánh bắt hải sản gần bờ thôi, chứ xa bờ thì không có điều kiện đánh bắt quanh quanh ở đây có chuyến được chuyến không. Ngoài việc đánh bắt hải sản để nuôi sống gia đình, thì cũng không còn cái nghề nào khác hơn thành thử ra người ta nói lực bất tòng tâm là chỗ đó, nó cũng từ BĐKH tác động vào” (Nam, cán bộ Hải Đội 2). Nguồn: Nguyễn Minh Nhựt, khảo sát ứng phó BĐKH dựa vào cộng động tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018. Nếu như chính quyền địa phương, các hộ gia đình và cộng đồng dân cư Cần Giờ không nhận thức đầy đủ về tình hình thời tiết bất thường/BĐKH ngay từ bây giờ thì trong tương lai sẽ không có sự thay đổi nào và vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn. Bởi lẽ, vấn đề sinh kế bị ảnh hưởng còn được cộng hưởng bởi các vấn đề khác như: “Mất/hư hỏng nhà cửa, tài sản”, “Tăng thêm chi phí sinh hoạt”, “Ảnh hưởng đến sức khỏe”... mà người dân cũng bắt đầu cảm nhận được trước những biến đổi bất thường của thời tiết và BĐKH. 4. Kết luận và kiến nghị 4.1. Kết luận Vấn đề BĐKH đã hiện hữu và có tác động trực tiếp, gián tiếp đến sinh kế và ô nhiễm môi trường. Song công tác tập huấn, truyền thông về BĐKH ở địa phương chưa được sâu rộng, liên tục với các phương thức chưa phù hợp với đặc điểm của người dân Cần Giờ. Người dân tiếp cận thông tin về BĐKH còn quá ít, chỉ có một bộ phận quan tâm từ các phương tiện truyền thông đại chúng và từ chính quyền địa phương. Sự chia sẻ thông tin tại cộng đồng còn khá rời rạc, thụ động. Từ đó, hành động của người dân còn mang tính tự phát, đơn lẻ và chưa tạo được sức mạnh của cộng đồng. Cảm nhận của người dân cho ta thấy ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH tới gia đình họ đang có xu hướng tăng hơn là giảm đi. Không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế, còn làm tăng thêm gánh nặng đối với các HGĐ có thu nhập thấp. Vấn đề “Mất/ảnh hưởng đến việc làm/sinh kế” sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến tình trạng của các thành viên HGĐ. Xu hướng này tăng lên khá rõ so với các ảnh hưởng khác và đây là vấn đề nghiêm trọng mà người dân cảm nhận được qua thực tiễn. 4.2. Kiến nghị Cần có giải pháp (tổ chức, tài chính, kỹ thuật,) để nâng cao khả năng tiếp cận các kiến thức ứng phó BĐKH dựa vào cộng đồng, mở rộng hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông BĐKH. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần có chiến lược tuyên truyền các chủ đề liên quan đến BĐKH có trọng tâm, trọng điểm để thu hút người dân quan tâm theo dõi, để từng bước nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng ở các giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài thì cần xây dựng, phổ biến các thiết chế văn hóa và thường xuyên tổ chức theo hướng mở để người dân có điều kiện tham gia các hoạt động cộng đồng, là nền tảng quan trọng để gắn kết, tạo thói quen chia sẽ thông tin giữa các thành viên trong cộng đồng. Cần cơ chế, chính sách để mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát huy thế mạnh, tiềm năng về rừng ngập mặn để phát triển kinh tế nông nghiệp và dịch vụ. NGUYỄN MINH NHỰT TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Hải, “Vấn đề giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu trong khối các trường cao đẳng cộng đồng Việt Nam”, Tạp chí Giáo dục, số 308 (kỳ 2), tr.20-22, 2013. 2. Trần Quang Minh (Chủ biên), Đối sách của các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á về Biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường giai đoạn 2001-2020, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2013. 3. Huỳnh Thái Ngọc, “Biến đổi khí hậu tại Thành phố Hồ Chí Minh - Kế hoạch ứng phó”, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 197, tr.68 – 71, 2012. 4. Nguyễn Việt Phương, Nguyễn Đức Chính, “Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ ứng phó với biến đổi khí hậu”, Tạp chí Giáo dục lý luận, số 213, tr.52-55, 2014. 5. Lê Thanh Sang, Bùi Đức Kính, “Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 11+12 (147+148), tr.41-54, 2010. 6. Lê Thanh Sang, “Biến đổi khí hậu và sự quan tâm của người dân đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 09 (133), tr.36-44, 2009. 7. Tạ Văn Việt, “Một số giải pháp tăng cường ứng phó với Biến đổi khí hậu”. Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 231, tr.76-79, 2015. 8. Lê Thành Ý, “Biến đổi khí hậu toàn cầu: Giải pháp thích ứng ở nước ta”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2, tr.25-27, 2011. Ngày nhận bài: 19/12/2018 Biên tập xong: 15/02/2019 Duyệt đăng: 20/02/2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf69_1633_2214974.pdf
Tài liệu liên quan