Thơ đi sứ nhà Trần - Trần Thị The

Tài liệu Thơ đi sứ nhà Trần - Trần Thị The: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0006 Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 41-49 This paper is available online at THƠ ĐI SỨ NHÀ TRẦN Trần Thị The Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế Tóm tắt. Thơ đi sứ là các vần thơ được các sứ thần Đại Việt sáng tác trên con đường đi sứ để thực hiện công việc bang giao giữa Việt Nam với Trung Hoa bắt đầu từ thế kỉ XIII và kết thúc ở thế kỉ XIX. Trong đó, thơ sứ trình nhà Trần đóng vai trò tiên phong khơi mở. Thơ đi sứ nhà Trần khơi nguồn những đề tài chính cho dòng thơ Hoa trình thời trung đại: thơ viết về thiên nhiên Trung Hoa, thơ viết về nhân vật lịch sử Trung Hoa, thơ xướng họa, đối đáp với quan lại Trung Hoa. Từ khóa: Thơ đi sứ, thơ bang giao, nhà ngoại giao, nhà Trần, thế kỉ XIII. 1. Mở đầu Với số lượng tác phẩm còn lại không nhiều so với những mảng sáng tác khác, song thơ đi sứ nhà Trần là những thi phẩm đẹp, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình thơ ca Việt Nam thời trung đại: mở ra đường ...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 536 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thơ đi sứ nhà Trần - Trần Thị The, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0006 Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 41-49 This paper is available online at THƠ ĐI SỨ NHÀ TRẦN Trần Thị The Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế Tóm tắt. Thơ đi sứ là các vần thơ được các sứ thần Đại Việt sáng tác trên con đường đi sứ để thực hiện công việc bang giao giữa Việt Nam với Trung Hoa bắt đầu từ thế kỉ XIII và kết thúc ở thế kỉ XIX. Trong đó, thơ sứ trình nhà Trần đóng vai trò tiên phong khơi mở. Thơ đi sứ nhà Trần khơi nguồn những đề tài chính cho dòng thơ Hoa trình thời trung đại: thơ viết về thiên nhiên Trung Hoa, thơ viết về nhân vật lịch sử Trung Hoa, thơ xướng họa, đối đáp với quan lại Trung Hoa. Từ khóa: Thơ đi sứ, thơ bang giao, nhà ngoại giao, nhà Trần, thế kỉ XIII. 1. Mở đầu Với số lượng tác phẩm còn lại không nhiều so với những mảng sáng tác khác, song thơ đi sứ nhà Trần là những thi phẩm đẹp, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình thơ ca Việt Nam thời trung đại: mở ra đường thơ sứ trình. Thơ đi sứ thời Trần có vị trí khơi nguồn những cảm hứng, những đề tài,“xác lập” những phương thức thể hiện chính cho dòng thơ Hoa trình thời trung đại. Từ đó, các cây bút thời sau như đời nhà Lê, đời Tây Sơn và đời Nguyễn đã tiếp nối, phát triển, ngày càng đạt nhiều thành tựu. Thơ đi sứ trong mấy thế kỉ đầu thể hiện sâu sắc tinh thần thời đại của người Việt. Đó là tiếng nói khoáng đạt, hào sảng của một dân tộc đang khẳng định độc lập, phơi phới niềm tin vào hiện tại và tương lai - một thời đại phục hưng. Đặc biệt là niềm tự hào kiêu hãnh của một dân tộc ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông – đội quân xâm lược hung hãn nhất thế kỉ XIII đã từng làm mưa làm gió thiên hạ. Nhận xét về đặc điểm, vị trí thơ đi sứ thời Trần, những nhà nghiên cứu hết sức đề cao. Phan Huy Chú ca ngợi: “Hay không kém gì thời Thịnh Đường” [1;180]. Lê Quý Đôn nhận định: “Trình bày công việc vừa lịch duyệt vừa lão luyện, thổ lộ lời văn vừa cứng cáp, vừa vui tươi, có phần làm lành mạnh quốc thể” [2;240]. Đi sâu vào cảm hứng sáng tác của thơ đi sứ thời Trần, nhóm biên soạn cuốn Thơ đi sứ cho rằng: “Cảm hứng tự hào dân tộc là cảm hứng xuyên suốt qua toàn bộ thơ Trần” [4;10]. Đồng quan điểm này, những tác giả cuốn Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược nhấn mạnh: “Riêng về tính chất hùng tráng, hào mại tinh thần tự tin, tự hào dân tộc thì thơ đi sứ nhiều thế kỉ sau cũng khó vượt qua được” [3;98]... Tuy vậy những bài viết về thơ đi sứ thời Trần chỉ có tính chất giới thiệu chưa đi vào tìm hiểu tỉ mỉ trên tác phẩm cụ thể. Tiếp thu những thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước và coi đó là những khám phá bước đầu có tính chất định hướng, chúng tôi triển khai đặc điểm thơ đi sứ thời Trần trên các bình diện cụ thể sau: Thơ viết về thiên nhiên, thơ viết về lịch sử, thơ xướng họa, ứng đối tặng tiễn. Ngày nhận bài: 1/6/2016. Ngày nhận đăng: 20/9/2016 Liên hệ: Trần Thị The, e-mail: tranthe.ncsk32@gmail.com 41 Trần Thị The 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thơ viết về thiên nhiên trong thơ đi sứ thời Trần Thiên nhiên là một đề tài nổi bật trong thơ đi sứ thời Trần. Trên đường đi sứ mỗi ngọn núi, ngôi lầu, bến sông, một ngôi chùa, một miền quê một danh lam thắng cảnh đều có mặt trong thơ của sứ thần đất Việt. Những địa danh này lại gắn với những hành động mang tính chất quan sát, thưởng ngoạn: Quá (qua), Đăng (lên), Hành (đi), vọng (ngắm), du (chơi). . . Đây là một minh chứng cho thấy: thiên nhiên, không gian Trung Hoa luôn được nhà thơ/ sứ thần quan tâm. Hình tượng ngọn núi được xuất hiện khá nhiều trong thơ sứ thần nhà Trần. Mỗi ngọn núi gắn với vẻ đẹp khác nhau của vùng Hoa Hạ. Có chăng là sự khác biệt trong cách cảm – nghĩ của mỗi sứ thần. Nếu ở các tác giả Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Quý Ưng, những ngọn núi xuất hiện điểm xuyết mang tính liệt kê vẻ đẹp của thiên nhiên phương Bắc hoặc minh họa cho cảnh ngộ nào đó của thi nhân trên đường đi sứ thì những ngọn núi trong thơ Nguyễn Trung Ngạn được đặc tả cụ thể bằng sự quan sát tinh tế và tình cảm dạt dào của thi nhân với mỗi giai cảnh Trung Hoa. Nguyễn Trung Ngạn dành riêng hai bài thơ để đặc tả vẻ đẹp núi Ông Mụ, núi Hồi Nhạn. Ở bài Công Mẫu sơn, ông viết: “Dạ lai xuân vũ tẩy nham loan/ Đạm bích nùng thanh đạm kế hoàn/ Dã quán tọa tiêu nhàn tuế nguyệt/ Biên thành họa xuất mĩ giang san” (Đêm đến mưa xuân dội rửa núi đèo/ Màu biếc nhạt, màu xanh đậm, núi non lộ ra những búi tóc/ Trong ngôi quán quê ngồi cho qua ngày tháng/ Nơi bức thành biên giới vẽ ra cảnh đẹp núi sông). Giới Hiên quan sát cảnh sắc núi non sau một đêm mưa xuân. Mưa xuân nhẹ nhàng nhưng cũng đủ để “tẩy nham loan”, để rồi núi non phô bày vẻ đẹp khoáng đạt, tinh khôi của nó: “Đạm bích nùng thanh đạm kế hoàn” (Màu biếc nhạt, màu xanh đậm, núi non lộ ra những búi tóc). Qua núi Hồi Nhạn, Nguyễn Trung Ngạn viết: “Trúc lộ tùng yên hiểu thúy nham/ Sâm si đình hạ xuất thanh lam” (Hồi nhạn phong – Sương móc ở tre trúc, khói ở rừng tùng, những mỏn đá xanh xanh buổi sáng mai/ Dưới những ngôi đình xen kẽ so le nhau đã bốc ra hơi núi biêng biếc). Ở đây, núi Hồi Nhạn không được thể hiện qua chiều kích của độ cao trong cảm nhận thông thường của nhiều thi nhân khi viết về địa danh này. Qua sự cảm nhận của người thơ Nguyễn Trung Ngạn, núi Hồi Nhạn hiện ra sinh động, nên thơ ở màu sắc núi và khí núi. Điểm tô cho núi Hồi Nhạn là rừng trúc, rừng thông là ngôi chùa ẩn hiện. . . Bên cạnh không gian của núi non thì không gian lầu cao đã tạo nên nét đặc sắc trong thơ đi sứ nhà Trần. Phải kể đến các tác phẩm tiêu biểu: Đăng Hoàng Hạc lâu, Nhạc Dương lâu, Đăng Dương Châu thành lâu của Nguyễn Trung Ngạn và Đăng Hoàng lâu tẩu bút thị Bắc sứ thị giảng Dư Gia Tân của Phạm Sư Mạnh. Lầu Hoàng Hạc là danh thắng nổi tiếng của Trung Hoa, nằm ở phía tây nam huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc ngày nay. Tương truyền, thi tiên Lí Bạch tới Hoàng Hạc lâu cũng định thử bút, nhưng khi đọc thơ Thôi Hiệu đề trên vách, ông đã cất bút không đề thơ nữa. Thiên hạ cứ ngỡ, sau giai tác của Thôi Hiệu, sau những lời than của Lí Bạch sẽ không ai còn mạo muội đề thơ Hoàng Hạc lâu nữa. Nhưng không, vẫn có bao lớp người chiêm ngưỡng công trình đó mà chẳng thể phụ tình. Năm 1345, Phạm Sư Mạnh đã đóng góp một tuyệt phẩm về lầu Hoàng: Đăng Hoàng lâu tẩu bút thị Bắc sứ thị giảng Dư Gia Tân. Phạm Sư Mạnh viết về đề tài cũ mà thơ ông đem lại một lầu Hoàng Hạc mang sắc thái mới: “Thanh sơn điệp điệp vi Bành Thành,/ Xâm vân sáp Hán thanh ngọc bình./ Hoàng Hà thao thao tẩm khôn trục,/ Khiêu ba tiện mạt đông nam khuynh./ Hoàng Lâu khởi xuất bán thiên lý,/ Bằng cao nhất vọng tam thiên lý”. (Núi xanh lớp lớp vây quanh đất Bành Thành,/ Lấn vào mây, cắm vào nền trời như bức bình phong bằng ngọc xanh./ Nước Hoàng Hà cuồn cuộn ngấm vào lòng đất,/ Sóng cồn tung tóe, nghiêng dốc xuống miền đông nam./ Hoàng Lâu nổi lên lưng chừng trời/ Lên cao trông suốt ba ngàn dặm). Nhà thơ phác ra cái thế “phong thủy” của công trình kiến trúc có một không hai này. Nó tọa lạc ở vị trí trung tâm 42 Thơ đi sứ nhà Trần Bành Thành; nó được sức mạnh của “tiền hô hậu ủng”, của sức mạnh trên trời, dưới đất, được sức mạnh sông nước cộng hưởng hòa ca vũ điệu hào hùng. Hoàng Hạc lâu nổi bật giữa đất trời như thế, dẫu nó không bề thế mà vẫn hiện ra “sững sững” trên một không gian hùng vĩ của vũ trụ. Bức tranh không chủ ý miêu tả lầu Hoàng Hạc mà phác ra “cái thế” đắc địa của công trình nổi bật giữa thiên nhiên. Hoàng Hạc lâu gọi về mình những hội tụ vẻ đẹp miền Hoa Hạ. Tình điệu khẳng khái, ý chí hào hùng, thi phẩm của Phạm SưMạnh dường như vượt thoát khuôn sáo ngâm vịnh trong thơ xưa viết về Hoàng Hạc lâu. Phải chăng, đấy là nét riêng của thắng cảnh này qua ngòi bút sứ thần thời nhà Trần. Người xưa mỗi khi đăng cao Hoàng Hạc lâu, nhìn mây trắng, họ chỉ thấy buồn, thấy tang thương, thấy cuộc đời vô nghĩa mà ngậm ngùi đề thơ. Lầu Hoàng Hạc đã trở thành nơi gửi lại mối sầu kim cổ của con người: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị,/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu). Thơ bang giao Việt Nam cũng xuất hiện nỗi buồn muôn thuở ấy. Ví như tâm tình Nguyễn Du ngày nào: “Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng,/ Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi” (Hoàng Hạc lâu - Nay lại, xưa qua, chỉ là giấc mộng của chàng họ Lư,/ Hạc đi, lầu vắng, còn lại lời thơ Thôi Hạo). Tố Như chỉ thấy ở Hoàng Hạc trong cái nhìn vô thường biến ảo, nhưng ông khẳng định tài thơ Thôi Hiệu - một giá trị vĩnh hằng. Cùng với lầu Hoàng Hạc, lầu Nhạc Dương cũng được sứ thần Việt Nam đưa vào cuộc ngâm vịnh. Ở bài Nhạc Dương lâu kì nhị, lầu Nhạc Dương được Nguyễn Trung Ngạn miêu tả gián tiếp thông qua mặt phẳng – hồ Động Đình: “Nguy lâu cao chẩm Nhạc Dương thành/ Thành hạ biên chu phiếm Động Đình/ Hồ thủy triển khai viên kính bạch/ Quân sơn điểm trước nhất loa thanh” (Lầu cao gối vào thành Nhạc Dương/ Dưới thành thả chiếc thuyền trên hồ Động Đình/ Nước hồ mở ra một tấm gương tròn trắng sáng/ Núi Quân điểm màu một con ốc xanh rờn). Đây là quan niệm thẩm mĩ quen thuộc của người xưa khi xây dựng hình ảnh thơ. Cổ nhân khi làm thơ thường quan tâm tới sự phản chiếu, bóng, ánh nước và sự nối tiếp của những tiểu vũ trụ nhằm mục đích nhân đôi hình ảnh, mở rộng chiều kích không gian, khơi gợi sự chuyển hóa các hình ảnh và sự liên tưởng nơi người đọc. Tuân theo gam màu thẩm mĩ ấy, ở bài thơ này, Hồ Động Đình như một tấm gương tròn sáng in vào đó tất cả, hình ảnh thơ nhờ đó được nhân đôi thành: một hình – một bóng, một thực – một ảo. Lầu Nhạc Dương vì thế mà lung linh, sinh động hơn. Cùng với khung cảnh núi non, lầu cao thì vẻ đẹp của sông nước cũng chiếm một phần lớn trong mảng thơ thiên nhiên đi sứ nhà Trần. Các tác phẩm tiêu biểu như Hỷ tình, Vãn cảnh, Tảo hành (Mạc Đĩnh Chi), Động Đình hồ, Nhạc Dương lâu (Nguyễn Trung Ngạn), Quá Bành Trạch (Bùi Mộ), Quá Tiêu Tương (Phạm Sư Mạnh). Hồ Động Đình rộng thênh thang, nước lô xô sóng như đùa giỡn với con thuyền, trên hồ mây mờ cánh nhạn, bầu trời trong. Vẻ đẹp của hồ Động Đình thôi thúc Nguyễn Trung Ngạn viết những câu thơ cảm và nghĩ: “Vân đào tuyết lãng tứ man man/ Để trụ trung lưu thử nhất san/ Hạc tích bất lai, tùng tuế lão/ Phi hồn do tại, trúc ngấn ban/ Càn khôn noãn phá hồng mông hậu/ Nhật nguyệt bình phù hạo diễu gian/ Chử liễu đinh lan vô hạn hứng/ Phiến tâm không tiển bạch âu nhàn” (Động đình hồ - Sóng mây sóng tuyết bốn bề tràn đầy/ Dựng thành trụ đá giữa dòng: một hình hòn núi này đây/ Bóng dáng chim hạc không thấy đến, cây tùng đã đến tuổi già/ Linh hồn bà phi đang còn đấy, thân trúc bị lốm đốm/ Đất trời như thuở hồng hoang, sau khi mới phá vỏ trứng mà ra/ Mặt trời mặt trăng thì nổi bồng bềnh giữa khoảng không bao la/ ở bến có cỏ liễu, ở bãi có cỏ lan, hứng thú vô tận/ Tấm lòng mơ hão cảnh nhàn nhã của chim âu trắng). Với sự tinh tế nhạy cảm của một nhà thơ, sự khéo léo của một danh họa, Nguyễn Trung Ngạn đã vẽ ra trước mắt chúng ta một bức tranh tuyệt đẹp về hồ Động Đình: vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa hư vừa thực, vừa có non vừa có nước, có cỏ có hoa. Cảnh đẹp tinh khôi hồn nhiên như những cư dân thuở khai sinh lập địa phá vỏ trứng mà ra. Trên nền không gian mênh mông của trời của nước, mặt trăng mặt trời như bồng bềnh, nổi trôi. Nhìn vào cây tùng, cây trúc, Nguyễn Trung Ngạn đều thấy thấp thoáng những truyền thuyết kì thú: cây tùng là linh hồn bà phi vợ của 43 Trần Thị The vua Thuấn, còn thân trúc lốm đốm là do lệ của hai bà. Vì lẽ đó, cảnh vật sinh động, có hồn. Tâm hồn thơ được tự do vui thích với cảnh thiên nhiên, Nguyễn Trung Ngạn như lạc vào thế giới của cảm xúc, không cần ý thức rõ ràng về không gian, thời gian. Đi qua sông Tiêu Tương, Phạm Sư Mạnh ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nó: “Tương thủy bắc liên Thanh Thảo hồ,/ Niên niên phong diệp ánh cô bồ” (Quá Tiêu Tương - Sông Tương phía bắc liền với hồ Thanh Thảo,/ Hàng năm lá phong soi xuống cỏ cô, cỏ bồ). Hai câu thơ ngắn gọn, hàm súc với vài nét chấm phá quen thuộc của hội họa phương Đông, Phạm SưMạnh đã vẽ lên bức tranh của vùng Tiêu Tương bát ngát, mênh mông, thơ mộng. Con sông Tương của người Trung Hoa giáp với sông Tiêu; sông Tiêu lại giáp với hồ Thanh Thảo; hồ Thanh Thảo lại giáp với hồ Động Đình. Theo mạch thơ liên hoàn, không gian cứ thế mở rộng đến vô cùng. Bên cạnh đó, sắc cỏ cô, cỏ bồ và lá phong soi gương làm duyên, khiến dòng Tương yểu điệu như nàng thiếu nữ. Hình ảnh thơ còn tạo nên một dòng trong, một chiều sâu không gian sông nước. Khi đi sứ Trung Hoa, các nhà ngoại giao nước Nam không chỉ lên núi lên lầu để thỏa khát vọng “đăng cao vọng viễn” hay qua sông để thấy được sự rộng lớn của không gian mà còn thăm thú cảnh chùa để thấy được sự an nhiên tĩnh tại của không gian được cảm nhận theo chiều sâu. Những địa danh phật giáo Trung Hoa như chùa Nhạc Lộc, chùa Tương Sơn đã đi vào thơ các sứ thần một cách tự nhiên, thi vị. Qua chùa Nhạc Lộc, Nguyễn Trung Ngạn hứng thú đề thơ: “Khúc lan can ngoại bạch vân phi/ Thượng giới lâu đài hám thủy mi/ Hương triện hốt tàn tăng định bãi/ Chung thành bất động hạc miên trì” (Du Nhạc Lộc tự - Ngoài vòng lan can mây trắng vờn qua/ Từ lâu đài Thượng Giới nhìn xuống bến nước/ Nén hương bỗng tàn là lúc sư đã nhập định xong/ Tiếng chuông im bặt là khi hạc đã ngủ say đến trưa). Tọa lạc trên ngọn núi cao, ngôi chùa giống như một sợi dây nối liền giữa trời và đất. Trên lầu là những áng mây trắng bao phủ, dưới chân núi là bến nước. Đứng trên lâu đài thượng giới nơi cửa chùa du khách say sưa thưởng lãm. Không gian càng tịch mịch yên ả bởi không có tiếng chuông, bởi hương khói bao phủ, bởi hình ảnh hạc say giấc ngủ. Nhưng đẹp, bình yên, lãng mạn hơn cả là cảnh chùa trong Túc Hoa âm tự: “Ngẫu bang chiêu đề túc/ Tặng lưu bán tháp phân/ Thạch tuyền triêu cấp thủy/ Chỉ trướng dạ miên vân/ Tùng tử lâm song trụy/ Viên thanh cách ngạn văn/ Chúc ngư sao mộng tỉnh/ Hoa vũ lạc tân phân” (Ngẫu nhiên vào ngủ đêm trong ngôi chùa/ Sư dành cho nửa giường/ Sáng đi múc nước ở suối đá/ Đêm ngủ với mây trong trướng giấy/ Qủa thông rụng trước cửa sổ/ Tiếng vượn nghe bên kia sông/ Mõ chèo khuya tỉnh giấc mộng /Mưa hoa rơi xuống tơi bời). Lời thơ Túc Hoa âm tự như một câu chuyện kể theo trình tự thời gian (đêm xin ngủ nhờ, sáng lấy nước ở suối; đêm ngủ cùng thiên nhiên, sáng bị đánh thức bởi âm thanh của nơi của Phật) nhưng ý thơ thật tinh tế, trữ tình. Một ngôi chùa đẹp kết hợp hài hòa giữa sơn thủy hữu tình: nằm trên ngọn núi cao quanh năm mây phủ, được bao bọc bởi rừng thông u tịch phía chân núi là những dòng suối mát lành, lại được điểm tô bởi sắc màu của hoa cỏ. Tất cả dẫn ta vào một miền yên tĩnh, thanh bình, thơ mộng như chốn thần tiên. Để rồi chỉ cần một tiếng thông rụng, tiếng vượn kêu từ bờ bên kia, tiếng mõ chùa cũng khiến người lữ khách giật mình, cảnh vật bừng tỉnh. Kết thúc bài thơ là hình ảnh thi vị tuyệt đẹp như ở ngoài cõi thực: “Hoa vũ lạc tân phân” (Mưa hoa rơi xuống rụng tơi bời). Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mơ khi vừa đi ra từ giấc ngủ đêm, lại bắt gặp cơn mưa hoa rụng xuống, lữ khách như một tiên ông giữa chốn tiên cảnh. Cảnh vật và con người đã đưa chúng ta vào miền cổ tích, đi giữa hai miền thực và ảo. 2.2. Viết về lịch sử – văn hóa Trung Hoa, các sứ thần – thi nhân Việt Nam bộc lộ tâm hồn giàu cảm xúc Lịch sử là cái đã qua nhưng không có nghĩa là chấm hết. Bởi thế, những nhân vật và những số phận cụ thể trong lịch sử Trung Hoa luôn được cha ông ta tìm đến để “soi gương kim cổ”. Viết 44 Thơ đi sứ nhà Trần về các nhân vật lịch sử, các nhà ngoại giao thời Trần bị chi phối bởi ba cảm hứng: ngợi ca, đồng cảm và phê phán. Trân trọng, ngợi ca những nhân vật lịch sử Trung Hoa là cảm hứng chung của chủ đề thơ viết về lịch sử trong thơ đi sứ nhà Trần. Tuy nhiên màu sắc xưng tụng khi viết về lịch sử không mang tính giáo huấn một chiều mà là sự đề xuất một cách nhìn, cách đánh giá, nói chính xác hơn là từ việc xem xét lịch sử các sứ thần đều thể hiện sự lựa chọn của chính mình. Đi qua đất Bành Trạch nơi trước đây Đào Tiềm làm huyện lệnh, Mạc Đĩnh Chi chiêm bái tiền nhân bằng một bài thơ ngũ ngôn luật Quá Bành Trạch phỏng Đào Tiềm cựu cư. Ấn tượng về tính cách ngay thẳng, khẳng khái của Đào Tiềm đã được gợi ra một cách cụ thể qua lời thơ mang khí vị tự sự của Mạc Đĩnh Chi: “Tự tính bản nhân khoáng/ Sơ bất tỷ lục lục/ Đẩu mễ khẳng chiết yêu/ Giải ấn ninh từ lộc/ Phù sơ ngũ chu liễu/ Lãnh đạm nhất ly cúc” (Bản tính vốn nhàn tản phóng khoáng/ Từ đầu đã không gần được với kẻ a dua/ Há vì đấu gạo mà phải khom lưng/ Cởi dây ấn đành từ quan mà về/ Lưa thưa năm khóm liễu/ Lạnh nhạt một giậu cúc). Trong xã hội động loạn, rối ren, gian thần dèm pha cũng là lúc nhân cách và lí tưởng của cá nhân kẻ sĩ mâu thuẫn gay gắt với chế độ chính trị đen tối đương thời. Rất nhiều kẻ sĩ Trung Hoa có lối đi riêng. Nếu như Bá Di, Thúc Tề lựa chọn lối hành xử có phần tiêu cực, không ăn cơm gạo nhà Chu, chỉ ăn rau rừng rồi chết; đại chính trị gia Khuất Nguyên tuẫn thân vì lí tưởng chính trị của mình; thì Đào Tiềm lại có cách hóa giải những xung đột này bằng cách ẩn cư, trở về quê làm bạn với giậu cúc, gốc liễu để di dưỡng tinh thần. Kể ra chỉ cần sáu câu thơ này, người đọc cũng hiểu về con người của Đào Tiềm cũng như tấm chân tình của vị quan đại thần nhà Trần đối với tiền nhân. Nhưng không dừng ở đó, với sự ngưỡng vọng thanh danh tiền nhân, Mạc Đĩnh Chi trực tiếp khẳng định sự ảnh hưởng của Đào Tiềm đến mai hậu: “Liêu liêu thiêu tải hận/ Thanh danh ngô khả phục” (Mịt mờ nghìn năm sau/ Thanh danh còn khiến ta khâm phục). Thời gian như một thứ thuốc thử minh định cho nhân cách, tài năng Đào Tiềm. Dù cách xa hàng nghìn năm nhưng cốt cách đó, thanh danh đó luôn khiến sứ thần nhà Trần khâm phục. Đến Bành Trạch, sứ thần Bùi Mộ bộc lộ sự trân trọng người xưa: “Sổ bôi Bành Trạch tửu/ Nhất điệp Đỗ Lăng châu” (Quá Bành Trạch - Uống vài chén rượu Bành Trạch/ Buông một lá thuyền Đỗ Lăng). Đào Bành Trạch (Đào Tiềm) không chỉ vui thú trước thiên nhiên quê kiểng với giậu cúc gốc liễu mà tính còn ham rượu. Giai thoại kể chuyện khi tiếp khách, Đào Tiêm luôn uống say trước và bao giờ cũng dặn dò: “Ngã túy dục miên, khanh khả khứ” (Tôi say buồn ngủ, ông cứ về). Bên cạnh một “thi thánh”, “thi sử” tài hoa nhưng mệnh bạc, Đỗ Phủ còn được biết đến với tâm hồn tự do, phóng khoáng ham mê xê dịch. Đỗ Phủ thích đi nhiều nơi để thu vào túi thơ tất thảy vẻ đẹp của giang sơn tổ quốc. Trước cảnh đẹp của vùng sông nước Bành Trạch, Bùi Mộ muốn uống say như Đào Tiềm, thỏa chí tiêu giao sơn thủy như Đỗ Phủ để cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên Hoa Hạ. Lên lầu Nhạc Dương, Nguyễn Trung Ngạn vô cùng cảm kích trước tấm lòng “tiên ưu hậu lạc” của Phạm Trọng Yêm: “Giang hồ mãn mục cô châu tại/ Độc bão tiên ưu hậu lạc tâm” (Cảnh giang hồ thật là sướng mắt, nhưng ngoảnh lại chỉ có một chiếc thuyền của sứ thần đậu lại ở đây/ Người sứ thần bao giờ cũng ôm một tấm lòng “tiên ưu hậu lạc”). Qua sông Ngô Giang, Nguyễn Trung Ngạn ngưỡng mộ tiền nhân: “Ngô Giang từng thử hội anh hùng” (Xích bích hoài cổ - Sông Ngô Giang từng ở nơi đầy tụ hội các anh hùng). Đối với Giới Hiên, Ngụy, Thục, Ngô đều có những hào kiệt nhưng ông dành câu thơ riêng thành kính với Gia Cát Vũ Hầu: “Tam phân vũ trụ yên đài thượng” (Khổng Minh chia ba vũ trụ ghi tên lên trên đài khói). Ý thơ làm ta liên tưởng đến chuyện xưa khi Chu Du nhờ vào kế sách của Gia Cát Lượng đã lừa được quân Tào trúng trận hỏa công của quân Ngô trên sông Xích Bích. Để giúp cho kế liên hoàn của Chu Du, Gia Cát Lượng một mặt sai người sang thuyết Tào Tháo xích các thuyền lại với nhau, mặt khác đã tính đếm độ số của khí tượng và biết được đúng lúc gió đông nổi lên trong mùa rét bèn lập đàn cầu phong. Trận đó quân Tào thua to. 45 Trần Thị The Những số phận lịch sử gợi lên sự cảm thương sâu sắc trong thơ viết về lịch sử của sứ thần nhà Trần chiếm một vị trí trung tâm. Phần lớn đó là những con người bất đắc chí, có tài năng không được trọng dụng, có nhan sắc phẩm hạnh bị cuộc đời vùi dập, họ gặp nhau ở niềm oan khuất uất hận. Đó là một Khuất Nguyên tài hoa có tâm hồn cao đẹp trong sạch bị đọa đầy cùng đường trẫm mình trên dòng Mịch La để giữ trọn lòng trung nghĩa, là Tô Đông Pha một văn hào đời Tống bị trục xuất ra làm quan ở nơi xa xôi. . . Trước mỗi số phận thi nhân nhà ngoại giao Việt Nam đều thể hiện một sự tiếc thương cảm thông chân thành. Đặt chân lên đất Trung Hoa, Nguyễn Trung Ngạn có dịp ghé thăm nhiều di tích lịch sử, được tiếp xúc với nhân vật lịch sử lừng danh mà trước đây mình chỉ biết qua sách vở. Chính cuộc gặp gỡ giữa một sứ thần tinh tế nhạy cảm với những “người lạ quen biết” đã tạo nên những vần thơ hay về đề tài vịnh sử. Nguyễn Trung Ngạn dành nhiều cảm thương cho những con người tài hoa như Giả Nghị, Lý Bạch, Liễu Tông Nguyên, Tô Đông Pha mà cuộc đời bất hạnh. Bằng trực giác ông nhận ra rằng bi kịch của họ không phải là vấn đề cá nhân mà chính họ là những tài năng quá chiều kích mà thời đại không dung nổi. Tuy nhiên điều Nguyễn Trung Ngạn day dứt, trăn trở nhất chính là những dấu tích của người xưa đã trở nên hoang vắng hoặc hoang phế do sự thờ ơ của người đời. Nỗi niềm ấy trở đi trở lại trong thơ đi sứ của nhà nhân đạo Nguyễn Trung Ngạn: “Hào kiệt cựu du vô xứ mịch” (Vạn Thạch đình – Nơi các bậc hào kiệt đến chơi ngày trước không biết chỗ nào mà tìm), “Cao phong cảnh ngưỡng sơn đình cố/ Nhật mộ giang tân tỏa thúy yên” (Thái Thạch hoài Thanh Liên - Ngôi đình trên núi ngưỡng mộ cao phong của tiên sinh nay đã xưa/ Chiều muộn đám mây trên sông đang trùm lên làn khói biếc); “Hạc tích bất lai, tùng tuế lão/ Phi hồn do tại, trúc ngân ban” (Hồ Động Đình – Bóng dáng chim hạc không thấy đến cây tùng đã đến tuổi già/ Linh hồn bà Phi đang còn đấy, thân trúc bị lốm đốm do ngấn lệ của hai bà). . . Đi qua miếu Hạng Vũ, Phạm Sư Mạnh bày tỏ tấc lòng cảm khái người anh hùng cái thế một thời, rồi một ngày mất cả thiên hạ, bước lâm cùng phải tự sát: “Thuyết trước hưng vong sự mạc cùng/ Nhất bôi liêu vị lỗi Trùng Đồng./ Sát hàng bội ước thiên niên hận,/ Tranh bá đồ vương nhất đán không./ Vân ám Giang Đông sầu phụ lão,/ Nguyệt minh Cai Hạ khấp anh hùng” (Ô Giang Hạng Vũ miếu - Bàn sự hưng vong là chuyện không cùng/ Vì Trùng Đồng mà rưới một chén rượu xuống đất). Lịch sử phán xét Hạng Vũ như bên thắng trận đã tàn bạo “làm cỏ” Hàm Dương. Nhưng, đất trời và lòng người dường như cũng hận sầu cùng tấn bi kịch ấy. Ngược dòng tư duy, cảm nhận đã thành rãnh mòn của thiên hạ, Phạm Sư Mạnh dường như không ngợi ca, không chỉ trích. Ông nhìn người, nhìn việc trong mặt bằng nhân thế, trong cõi “hỗn mang”, trong cõi vô thường. Vì lẽ đó, khi qua nơi thờ tự của Hạng Vũ, Phạm Sư Mạnh rót rượu tỏ lòng đồng cảm với tiền nhân. Ngoài cảm khái về bậc đế vương thuở trước, thi nhân còn ngậm ngùi trước những phụ nữ thủy chung mà đời ngắn ngủi. Qua Hồ Nam, Phạm Sư Mạnh như còn thấu nỗi lòng của đế phi ngày nào. Tương truyền, Nga Hoàng và Nữ Anh là con của vua Nghiêu, họ đều là vợ của vua Thuấn. Khi nhà vua mất, hai bà khóc thương hoàng quân tại Tiêu Tương rồi cũng chết tại đó, khép lại một kiếp người: “Đế phi nhất khứ điện môn bế” (Quá Tiêu Tương - Bà phi qua đời, cửa điện bèn khép lại). Thái độ phê phán không phải là cảm hứng chủ đạo trong thơ vịnh sử của sứ thần Đại Việt nhưng qua những số phận bất hạnh của lịch sử ít nhiều tiếng nói tố cáo được thể hiện. Trong thơ đi sứ nhà Trần, tiếng nói phê phán được thể hiện tập trung trong Ca Phong đài của Nguyễn Trung Ngạn và Đề Hạng Vương từ của Hồ Tông Thốc. Đi sứ Trung Hoa, Nguyễn Trung Ngạn dành nhiều tình cảm bạn bè cho những số phận tài hoa, những con người tiết nghĩa, thủy chung mà bất hạnh và cả những người dân lao động vất vả, lầm than mà ông có dịp “sở kiến” tuy nhiên ông lại có cái nhìn phê phán nghiêm khắc với những tham vọng, bạo tàn của Lưu Bang, dù đó là nhân vật vĩ đại được nhân dân Trung Hoa tôn thờ. Đối với Nguyễn Trung Ngạn, Lưu Bang không phải là nhân vật hoàn hảo. Bởi lẽ sau khi dẹp xong Tần, Sở, có được thiên hạ, Lưu Bang không nghĩ đến việc ban 46 Thơ đi sứ nhà Trần ơn xuống dưới để phát triển một đất nước bình yên thịnh trị mà chỉ lo thu nạp thật nhiều dũng sĩ giữ gìn bốn phương để củng cố sự nghiệp “tranh bá đồ vương”, để thỏa khát vọng bá chủ: “Khả tích diệt Tần, bình Sở hậu/ Bất ca Trạm lộ chỉ ca phong” (Đáng tiếc sau khi diệt Tần, bình xong Sở/ Không ca bài ca Trạm lộ chỉ ca bài ca Phong). . . Trước đền Hạng Vương, Hồ Tông Thốc thể hiện cái nhìn phê phán: “Kinh doanh ngũ tải thành hà sự? Tiêu đắc khu khu táng Lỗ Công” (Đề Hạng Vương từ - Năm năm lăn lộn được việc gì? Chỉ còn được vùi trong mả Lỗ Công). Hai cấu kết là lời đánh giá của thi nhân với người xưa: giết kẻ đầu hàng, bội lời hẹn ước, tranh bá đồ vương rồi một lúc bằng không, khi chết đi cũng chỉ táng trong mả Lỗ Công mà thôi. Qua mỗi bài thơ viết về lịch sử, các nhà ngoại giao Đại Việt đều đưa ra những quan điểm của mình về thời cuộc về sự xoay vần của tạo hóa. Được – thua, thành – bại, tốt – xấu, chính – tà, vinh – nhục. . . cuối cùng cũng bị thời gian khuất lấp. Bạc ác như Vương An Thạch; tham vọng như Lưu Bang; tài mưu lược quân sự như Gia Cát Lượng, Chu Du; trung nghĩa như Khuất Nguyên, Giả Nghị; văn chương nổi tiếng như Tô Đông Pha, Đào Tiềm, Lí Bạch, Đỗ Phủ; thủy chung như Nga Hoàng, Nữ Anh. . . khi chết cũng chỉ là những nấm mồ hoang xương lạnh, là đền vắng hoang tàn bị thiên nhiên cỏ cây khuất lấp. Tri nhận được như vậy các tác giả chứng tỏ cái nhìn biện chứng, một tâm thế vững vàng trước thời cuộc thịnh suy, trước những còn mất là quy luật muôn đời. Ở bài Quá Tiêu Tương có nhắc đến cái chết của Nga Hoàng và Nữ Anh. Họ đều là con của vua Nghiêu, vợ của vua Thuấn, khi vua Thuấn chết họ đau khổ khóc thương đến chết ở vùng sông Tương. Nhưng câu kết của bài lại không chìm vào câm lặng. Thiên tạo vẫn xoay vần, dòng sống muôn loài thì vẫn cứ tiếp diễn. Ngoài cửa điện kia, mặt trời vẫn đi qua, tiếng chim đa đa lại kêu rộn rã. Cõi hiện sinh này như chưa hề biết nơi đây đã từng chứng kiến bi kịch trong quá khứ xa mờ: “Hồng nhật hạ sơn đề giá cô” (Mặt trời gác núi, tiếng chim đa đa kêu rộn rã). Kết thúc bài thơ Ô Giang Hạng vũ miếu, tác giả Phạm Sư Mạnh lại nhấn mạnh quan niệm của mình về thời cuộc, về sự xoay vần của tạo hoá: “Kỉ đa cái thế bạt sơn lực,/ Tận tại nhàn hoa dã thảo trung.” (Biết bao chí trùm đời, sức nhổ núi,/ Đều nằm trong đám hoa dại và cỏ đồng). . . Cá biệt Hạng Vũ hay muôn một anh hùng cao vọng xây mộng nghiệp đế vương thành bại, cuối cùng cũng chìm vào cõi nhớ quên trời đất và nhân sinh. Danh tích xưa, nay đã thành phế tích hoang sơ, tiêu điều, anh hùng nuốt hận nghìn thu. Chỉ có thiên nhiên là còn mãi. 2.3. Thơ xướng họa đối đáp Thơ xướng họa đối đáp của sứ thần nhà Trần biểu hiện tài năng, cốt cách và ứng xử văn hóa của người Việt trên đất Trung Hoa. Đi sứ, mỗi nhà ngoại giao phải đối diện với nhiều thử thách, khó khăn. Song cam go nhất là cuộc đấu trí với triều đình phong kiến phương Bắc. Sơ hở một chút thôi, tính mạng sứ thần có thể bị đe dọa, Tổ quốc cũng có thể “lâm nguy”. Các sứ thần đều làm thơ đối đáp với vua quan Thiên triều để tỏ rõ khí phách, tài trí của mình, của quốc gia, dân tộc. Những vần thơ đối đáp, họa vận của sứ thần Đại Việt đã làm cho vua quan thiên triều nể sợ, khâm phục. Cha ông ta đi sứ có khá nhiều tấm gương như thế. Năm 1314, Nguyễn Trung Ngạn đi sứ Trung Hoa, khi uống rượu, giao tình văn chương cùng người bạn Mạc Cửu Cao ở Ung Châu, thi nhân họ Nguyễn vẫn không quên ý thức trách nhiệm của sứ thần: “Nghĩ tương huân nghiệp thù tiền trái/ Khẳng vị ưu nguy phụ thốn tân” (Họa Nhân Kiệt vận - Nghĩ đem huân nghiệp báo đền nợ trước/ Há vì lo sợ nguy hiểm mà phụ tấc lòng). Năm 1335, Nguyễn Cố Phu đi sứ nhà Nguyên, trước yêu cầu của quan Thiên triều, ông đã ứng khẩu một bài thơ cổ phong Bắc sứ ứng tỉnh đường mệnh, tịch thượng phú thi ngay giữa tiệc rượu. Dù bài thơ mang đậm tính xã giao, thù tạc nhưng cũng đã thể hiện rõ khí phách, bản lĩnh và trí tuệ Đại Việt: “Thánh triều thiên tử chí minh triết/ Cổ quăng phụ bật câu lương hiền/. . . / Khởi duy ngã bối thụ kỳ tứ/ Hà hoang lạc nghiệp trường miên miên” (Thiên tử của thánh triều rất sáng suốt/ Những kẻ phò ta thân cận đều là bậc hiền lương/. . . / 47 Trần Thị The Nào chỉ có lớp chúng tôi mới được ban ơn huệ/ Những nơi xa xôi hẻo lánh cũng mãi mãi an cư lạc nghiệp). Con người công dân bản lĩnh, khí phách, trí tuệ thời Trần được thể hiện sinh động qua bài Bắc sứ đăng Hoàng Lâu tẩu bút thị Bắc sứ thị giảng Dư Gia Tân khi Phạm Sư Mạnh đi sứ năm 1345. Bài tẩu bút mang hơi thở hào hùng chói lọi của “Hào khí Đông A” ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông: “Ngã gia viễn tại Giao Nam đẩu/ Thủ trì ngọc tiết đăng Hoàng lâu/ Ma sa thạch khắc Pha công tự /Như kim bất phụ bình sinh du” (Nhà ta ở tận Giao Nam đẩu/ Tay cầm tiết ngọc lên Hoàng lâu/ Sờ chữ Pha công trên vách đá/ Không uổng bình sinh cuộc viễn du). Bốn câu thơ khép lại, nhưng lại mở ra thi hứng đẹp. Cái đẹp toát lên từ tâm thế tự tin, kiêu hãnh; từ bản lĩnh đĩnh đạc pha chút cao ngạo của một du khách đặc biệt – một chân dung khả kính Phạm Sư Mạnh. Ông dõng dạc giới thiệu quê hương xứ sở phương nam bằng đại từ nhân xưng: “Ngã gia (Nhà ta). Như thế, ông cũng nhằm tuyên bố cho người phương Bắc hãy tri nhận rõ rằng: đấy là nhà ta, là cõi trời Nam của người Việt ta, người Việt ta là chủ nhân. Nó hoàn toàn riêng biệt, chẳng liên quan gì đến cương vực Bắc quốc. Đọc Phạm Sư Mạnh, không thể không phảng phất tinh thần của ý thơ Nam quốc sơn hà ngày trước hay Đại cáo bình Ngô sau này. Ở ba dòng thơ tiếp theo, họ Phạm nhân danh một công thần Đại Việt thay mặt quân vương, thay mặt dân tộc mình với tư cách một nhà bang giao, nhưng cũng là người yêu cái đẹp. Thời Phạm Sư Mạnh đi sứ không gặp thảm cảnh “áo rách, nón mê tàn” như một số sứ giả thế kỉ XVI sau này. Qua tâm thế sứ giả/ chính khách nước Nam, tư thế dân tộc được tôn vinh. Có thuyết cho rằng, năm 1345, Phạm Sư Mạnh được cử sang sứ nhà Nguyên tranh biện về cột đồng Mã Viện thời Hai Bà Trưng. Nhờ sự kiện đó, sau này nhà Nguyên không tra vấn nữa. Thế cục thay đổi như vậy chẳng phải là nhờ đấu tranh ngoại giao khôn khéo, bản lĩnh của sứ thần Đại Việt – “toàn quân mệnh, tráng quân uy” đó sao! Các sứ thần Việt Nam làm thơ khi giao tế, nhưng những vần thơ ứng đối thù tạc của tác giả không nặng nề, công thức, khô khan. Điều này cũng là nét riêng trong thơ đi sứ của thi nhân. Thơ xướng họa, thù tiếp vì thế “tách” dần mục đích chính trị, ngoại giao, sáp gần và hòa nhập dần vào địa hạt của văn chương nghệ thuật. 3. Kết luận Với số lượng ít ỏi, nhưng thơ đi sứ thời nhà Trần là một di sản cha ông lưu lại cho hậu thế. Quá khứ và hôm nay được nối lại, con cháu hiểu thêm, để khắc sâu, giữ gìn, phát huy truyền thống. Nhờ vào những vần thơ, người đời hiểu rõ hơn chân dung sứ thần – đại gia văn chương trong giai đoạn văn học đời Trần. Tập trung những đề tài cơ bản: đề vịnh thiên nhiên, cảnh sắc đất nước Trung Hoa; đề vịnh lịch sử - văn hóa nước bạn; thơ xướng họa đối đáp với đại quan Thiên triều, các sứ thần Việt Nam đã thể hiện tài năng và một tâm hồn rộng mở. Ở thơ về thiên nhiên, cảnh vật, hiện hữu sứ thần tinh tế, một tâm hồn giàu cảm xúc. Qua sáng tác về lịch sử - văn hóa, lại nhận ra những con người tự tin, có tư duy độc lập, có cái nhìn “biện chứng” trước những giá trị, trước qui luật muôn đời. Qua thơ xướng họa, đối đáp cùng những ứng xử trong văn hóa bang giao người Việt chứng tỏ văn hiến, hiền tài, tự tôn dân tộc. Đối với dòng thơ sứ trình thời trung đại, thơ đi sứ thời Trần xứng đáng vai trò tiên phong khơi mở. Những cảm hứng chính và hình thức nghệ thuật cơ bản trong sáng tác của các nhà ngoại giao thời này dường như trở thành mẫu mực/xác lập đặc điểm của kiểu thơ đặc biệt – thơ đi sứ/ thơ Hoa trình/ thơ sứ trình. Để rồi, tiếp bước các sứ thần thời này, cha ông ta thuở xưa đã đi trên con đường thơ đó suốt bảy thế kỉ. Họ làm nên một dòng thơ hoa trình nhiều thành tựu, làm giàu có, đa sắc cho nền văn học/ văn hiến nước nhà. 48 Thơ đi sứ nhà Trần TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phan Huy Chú, 2014. Lịch Triều hiến chương loại chí, tập 5. Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh, tr. 180. [2] Lê Quý Đôn, 2013. Kiến văn tiểu lục, tập 1. Nxb Trẻ, Hồ Chí Minh, tr. 240. [3] Nhiều tác giả, 1981. Văn học Việt Nam trên chặng đường chống phong kiến Trung Quốc xâm lược. Viện văn học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 98. [4] Phạm Thiều, Đào Phương Bình, 1993. Thơ đi sứ. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 10. ABSTRACT Envoys poet Tran Tran Thi The Faculty of Philology, Hanoi National Univesity of Education Poetry is the poetry porcelain angels Dai Viet was composed on the road to do the job porcelain diplomacy between Vietnam and China starting from the thirteenth century and ended in the nineteenth century. In it, envoys poet Tran played a pioneering role. Envoys poet Tran off the financial resources to go porcelain line medieval poetry: poems written in Chinese nature poetry written about the history of Chinese characters, graphics poetry initiative, to meet with Chinese officials. Keywords: Envoys poetry, diplomatic poetry, diplomats, Tran, XIII century. 49

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4429_ttthe_7675_2128476.pdf
Tài liệu liên quan