Thiết kế tài liệu phương pháp dạy học toán theo module trong các trường Cao đẳng Sư phạm nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào nhằm phát triển năng lực sinh viên - Trần Trung

Tài liệu Thiết kế tài liệu phương pháp dạy học toán theo module trong các trường Cao đẳng Sư phạm nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào nhằm phát triển năng lực sinh viên - Trần Trung: VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 297-302 297 THIẾT KẾ TÀI LIỆU PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TOÁN THEO MODULE TRONG CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC SINH VIÊN Trần Trung - Học viện Dân tộc Done Sophida - Nghiên cứu sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Ngày nhận bài: 10/03/2019; ngày sửa chữa: 07/04/2019; ngày duyệt đăng: 15/04/2019. Abstract: The society is growing strongly, requiring innovation in education and training, especially innovation in teacher training. Currently, the teaching method for students of Mathematics Pedagogy at Lao’s Colleges of Education is still heavy on the transmission of knowledge. This practice requires increasing innovation of materials for teaching process. The article analyzes some foundations for designing materials of Maths teaching methods in Colleges of Education in Lao People’s Democratic Republic in the direction of developing students' competency. Keywords: ...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 973 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thiết kế tài liệu phương pháp dạy học toán theo module trong các trường Cao đẳng Sư phạm nước cộng hòa dân chủ nhân dân lào nhằm phát triển năng lực sinh viên - Trần Trung, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 297-302 297 THIẾT KẾ TÀI LIỆU PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TOÁN THEO MODULE TRONG CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC SINH VIÊN Trần Trung - Học viện Dân tộc Done Sophida - Nghiên cứu sinh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Ngày nhận bài: 10/03/2019; ngày sửa chữa: 07/04/2019; ngày duyệt đăng: 15/04/2019. Abstract: The society is growing strongly, requiring innovation in education and training, especially innovation in teacher training. Currently, the teaching method for students of Mathematics Pedagogy at Lao’s Colleges of Education is still heavy on the transmission of knowledge. This practice requires increasing innovation of materials for teaching process. The article analyzes some foundations for designing materials of Maths teaching methods in Colleges of Education in Lao People’s Democratic Republic in the direction of developing students' competency. Keywords: Design materials, methods of teaching Maths, student, competency. 1. Mở đầu Đất nước Lào đang trong thời kì đẩy mạnh đổi mới phát triển đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ cao, người lao động có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới. Điều đó đòi hỏi GD-ĐT phải đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục ở các cấp học, bậc học; phát triển đội ngũ nhà giáo về số lượng và chất lượng. Toán học là môn học có vai trò rất quan trọng giúp cho sinh viên (SV) phát triển tư duy, năng lực trí tuệ, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ đó, giáo viên cần tổ chức các hoạt động học tập theo hướng giúp SV có thể tự khám phá, tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức. Tuy nhiên, hiện nay, phương pháp dạy học (PPDH) Toán cho SV ở các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vẫn còn nặng về truyền đạt kiến thức từ thầy sang trò, cung cấp tri thức dưới dạng có sẵn, chưa khơi dậy tính tích cực học tập của SV. Để khắc phục vấn đề này, cần thiết phải thiết kế tài liệu PPDH Toán theo hướng đổi mới, tích cực hóa hoạt động và phát triển năng lực của SV để giáo viên sử dụng trong quá trình dạy học. Bài viết phân tích một số cơ sở để thiết kế tài liệu PPDH Toán trong các trường CĐSP nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo hướng phát triển năng lực SV. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thiết kế tài liệu theo module 2.1.1. Khái quát chung về dạy học theo tiếp cận module Trong giáo dục, tiếp cận module gắn liền với tư tưởng công nghệ dạy học, nó là cách thức hiện đại của việc cấu trúc hay tổ chức biên soạn, nội dung dạy học sao cho chương trình đào tạo trở nên mềm dẻo hơn, dễ dàng thích hợp hơn với việc tổ chức học tập vừa đa dạng, vừa luôn biến động. Khái niệm module dạy học theo cách hiểu của Nguyễn Ngọc Quang là “một đơn vị, một chương trình dạy học tương đối độc lập, được cấu trúc một cách đặc biệt nhằm phục vụ cho người học, nó chứa đựng cả mục tiêu dạy học, nội dung dạy học, PPDH và hệ thống công cụ đánh giá kết quả lĩnh hội, gắn bó chặt chẽ với nhau thành một chỉnh thể” [1; tr 75]. Module dạy học có một số đặc trưng cơ bản sau: - Hàm chứa một tập hợp những tình huống dạy học, được tổ chức xung quanh một chủ đề nội dung dạy học và được xác định một cách tường minh; - Có một hệ thống các mục tiêu dạy học định hướng quá trình dạy học được xác định một cách cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi, có thể quan sát được, đo lường được; - Có một hệ thống những test điều khiển quá trình dạy học nhằm đảm bảo thống nhất hoạt động dạy, hoạt động học và kiểm tra, đánh giá để phân hóa con đường lĩnh hội tiếp theo; - Chứa đựng nhiều con đường lĩnh hội theo những cách thức khác nhau để chiếm lĩnh cùng một nội dung dạy học, đảm bảo cho người học tiến lên theo những nhịp độ riêng để đi đến mục tiêu; - Có tính độc lập tương đối xét về nội dung dạy học. Vì vậy, người học phải có những điều kiện tiên quyết về kiến thức, kĩ năng, thái độ để học một module. Học xong một module, người học có khả năng ứng dụng những điều đã học vào môi trường hoạt động; VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 297-302 298 - Module dạy học có nhiều cấp độ: module lớn, module thứ cấp, module nhỏ (tiểu module). Một module lớn thường tương đương với số tiết học của một chương hoặc một vài chương. Với những đặc trưng nêu trên, module dạy học có chức năng rất quan trọng trong việc tổ chức quá trình dạy học: - Mỗi module dạy học là một phương tiện tự học hiệu quả vì nó tương ứng với một chủ đề dạy học xác định, lại được phân chia thành từng phần nhỏ với hệ thống mục tiêu chuyên biệt và các test đánh giá tương ứng. Sau khi học xong tiểu module này, học sinh tiến tới tiểu module tiếp theo và cứ như thế mà học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập. - Nhờ vào tính độc lập tương đối về nội dung dạy học, nên có thể “lắp ghép”, “tháo gỡ” các module để xây dựng những chương trình dạy học đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu của dạy học theo kiểu phân hóa - cá thể hóa - tiến theo nhịp độ cá nhân. - Do các module dạy học được biên soạn theo một số chuẩn mực nên nó có thể dùng chung và lắp lẫn trong nhiều ngành học. Đây là thuận lợi rất căn bản trong việc tổ chức đào tạo, cải tiến nội dung, PPDH, tổ chức biên soạn và cung cấp sách giáo khoa, tài liệu học, các phương tiện kĩ thuật, các dụng cụ nghiên cứu và thí nghiệm cho SV. - Vì các module có thể dùng chung nên có thể tổ chức các nhóm chuyên gia giỏi để biên soạn tài liệu dạy học với chất lượng cao, đảm bảo tính kinh tế của việc sản xuất và cung cấp tài liệu dạy học. 2.1.2. Cấu trúc của tài liệu theo module Một module dạy học gồm có ba bộ phận hợp thành chủ yếu (hình 1). Ba bộ phận này là một chỉnh thể thống nhất. - Hệ vào của module dạy học gồm: tên gọi hay tiêu đề của module; giới thiệu vị trí, tầm quan trọng và lợi ích của module; nêu rõ các kiến thức kĩ năng cần có trước; hệ thống mục tiêu; test vào module. - Thân module chứa đựng đầy đủ nội dung dạy học, kèm theo những chỉ dẫn cần thiết về cách học, giúp cho SV chiếm lĩnh được nội dung và hình thành được phương pháp tự học. Thân module là bộ phận chủ yếu của module, bao gồm một hệ thống những module nhỏ kế tiếp nhau. Mỗi module nhỏ gồm ba phần: mở đầu; nội dung và phương pháp học tập; test trung gian. Khi cần thiết, thân module có thể có thêm các module bổ trợ kiến thức giúp cho SV bổ sung những kiến thức còn thiếu, sửa chữa sai sót, ôn tập và hệ thống hóa. - Hệ ra gồm: một bản tổng kết chung; một test kết thúc; hệ thống chỉ dẫn để tiếp tục học. Nếu đạt tất cả mục tiêu của module, SV chuyển sang module tiếp theo. Nếu không qua được phần lớn các test kết thúc thì SV phải học lại module [2], [3], [4]. 2.1.3. Yêu cầu khi thiết kế tài liệu dạy học theo module Để xây dựng tài liệu theo module trước hết phải tuân thủ các yêu cầu: + Đặc điểm nội dung kiến thức học phần Toán học. + Phải xuất phát từ đặc điểm tâm - sinh lí và trình độ kiến thức của SV. + Tài liệu phải phối hợp logic khoa học và logic quá trình nhận thức. + Tài liệu có tác dụng hướng dẫn tự học. + Hình thức thiết kế tài liệu phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố: có lời giới thiệu về module; có yêu cầu thực hiện; có nội dung cần thực hiện; có hình thức kiểm tra, đánh giá. 2.2. Thiết kế tài liệu Phương pháp dạy học Toán theo module trong các trường cao đẳng sư phạm nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào nhằm phát triển năng lực sinh viên 2.2.1. Chương trình đào tạo ngành Sư phạm Toán ở các trường cao đẳng sư phạm nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào * Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo CĐSP Toán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo CĐSP Toán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có các yêu cầu cơ bản sau [5]: - Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: + Phẩm chất chính trị: Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. + Phẩm chất đạo đức: Có đạo đức giáo dục, yêu nghề, gắn bó với giáo dục. Chấp hành Luật giáo dục, điều lệ, quy định ngành, có ý thức tổ chức kỉ luật và tinh thần Hệ vào Thân module Hệ ra VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 297-302 299 trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín nhà giáo, sống trung thực, là tấm gương cho học sinh. + Ứng xử với đồng nghiệp: Đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp, bạn cùng lớp, có ý thức xây dựng tập thể tốt để cùng thực hiện nhiệm vụ giáo dục. + Phẩm chất lối sống, tác phong: Có lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc và môi trường giáo dục, có tác phong mẫu mực. - Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục: + Tìm hiểu đối tượng giáo dục: Có phương pháp thu nhập và xử lí thông tin thường xuyên về nhu cầu và đặc điểm của đối tượng giáo dục, sử dụng thông tin đó vào quá trình dạy học. + Tìm hiểu môi trường giáo dục: Có phương pháp thu nhập và xử lí thông tin về điều kiện giáo dục trong nhà trường và tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, của địa phương. Sử dụng các thông tin thu được vào dạy học giáo dục. SV qua quá trình học tập dần hình thành cho mình những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo cần thiết, từ đó, nảy sinh những khả năng mới với mức độ mới cao hơn. - Năng lực dạy toán: + SV CĐSP Toán cần phải là đảm bảo kiến thức môn học, làm chủ kiến thức, đảm bảo nội dung môn học chính xác, hệ thống, vận dụng hợp lí các kiến thức liên môn theo yêu cầu. + Đảm bảo chương trình môn học: Thực hiện nội dung môn học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ được quy định trong chương trình môn học. + Vận dụng các PPDH: theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, phát triển năng lực tự học của học sinh. + Sử dụng các phương tiện dạy học làm tăng hiệu quả dạy học. + Xây dựng môi trường học tập dân chủ, thân thiện, hợp tác, thuận lợi, an toàn, lành mạnh. + Quản lí hồ sơ dạy học, xây dựng, bảo quản, sử dụng hồ sơ dạy học theo quy định. + Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của SV đảm bảo yêu cầu chính xác. - Năng lực giáo dục: + Giáo dục của môn học: Thực hiện nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, tình cảm, thái độ thông qua việc giáo dục học tập và tích hợp các nội dung theo kế hoạch đã xây dựng. + Giáo dục qua các hoạt động giáo dục: Thực hiện nhiệm vụ giáo dục qua các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng. - Kĩ năng triển khai: + Kĩ năng giải thích biểu hiện làm cho người khác hiểu được ý nghĩa, cảm xúc, thái độ của mình một cách chính xác, hiệu quả. + Khả năng sử dụng ngôn ngữ. + Kĩ năng sử dụng thiết bị và phương tiện dạy học - giáo dục như sử dụng đúng lúc, đúng thời điểm, đúng kĩ thuật và phục vụ hiệu quả cho bài học. * Học phần PPDH Toán [6]: Môn PPDH Toán được thực hiện sau khi SV đã nghiên cứu phần “Những vấn đề đại cương của môn PPDH Toán học”. Môn PPDH Toán sẽ giúp cho SV nắm một cách vững chắc và cơ bản hệ thống các PPDH, các kĩ năng cơ bản dạy học Toán học ở trường phổ thông. Thông qua môn PPDH Toán, SV sẽ nắm vững, hiểu biết một cách đầy đủ về cấu trúc chương trình, nội dung sách giáo khoa. SV nghiên cứu chi tiết nội dung các kiến thức Toán học đại cương, Đại số, Hình học, Lượng giác, các lí thuyết và công thức Toán học cụ thể để lựa chọn các phương pháp, hình thức dạy học. Đây là bước chuẩn bị, tập dượt quan trọng cho SV trước đợt thực tập tốt nghiệp của khóa học và tạo nền tảng cho SV sau khi ra trường trở thành giáo viên dạy tốt môn Toán ở trường phổ thông. Trong đó, mục tiêu cụ thể của môn PPDH Toán là: - Về kiến thức: SV phải nắm vững được những khái niệm, tính chất, công thức, lí luận và PPDH Toán ở trường phổ thông; hiểu được cơ bản sự hình thành và phát triển một số khái niệm Toán học cơ bản trong chương trình như: Đại số, Hình học, Lượng giác,...; biết được những vấn đề mới, vấn đề khó, vấn đề cần lưu ý trong chương trình sách giáo khoa Toán học từ lớp 6-12. - Về kĩ năng: + Vận dụng kiến thức vào thực tiễn dạy học Toán. + SV biết vận dụng các kiến thức về lí luận dạy học Toán đại cương vào việc nghiên cứu PPDH, chương trình sách giáo khoa ở phổ thông. + Vận dụng thông tin để giải thích nội dung, giải các bài tập, giải thích các nguyên tắc hoạt động của Toán học thường gặp trong đời sống. + SV nghiên cứu phân tích chương trình, nội dung, sách giáo khoa Toán học phổ thông để nắm được chuẩn kiến thức, kĩ năng cơ bản về nội dung Toán học từng chương và từng lớp. Hiểu được sự hình thành, phát triển của một số khái niệm, định nghĩa Toán học cơ bản trong chương trình. Từ cơ sở lí luận dạy học Toán, SV vận dụng lựa chọn phương pháp, phương tiện dạy học, thiết kế kế hoạch dạy học các bài học cụ thể. - Về thái độ: SV có ý thức, thái độ nghiêm túc trong học tập, chuẩn bị tốt các nội dung lí thuyết, bài tập và sưu VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 297-302 300 tầm, tích lũy kinh nghiệm tự học, tự nghiên cứu để học tập tốt. Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực của giáo viên Toán cho các trường phổ thông, ngoài những mục tiêu đã kể trên về kiến thức, kĩ năng, thái độ, cần phải bổ sung định hướng phát triển năng lực vào trong học phần. 2.2.2. Nguyên tắc thiết kế tài liệu dạy học môn Phương pháp dạy học Toán theo module nhằm phát triển năng lực sinh viên + Đảm bảo tính thống nhất theo mục tiêu, chương trình đã được phê duyệt, trật tự sắp xếp bộ tài liệu này phù hợp với việc khám phá kiến thức mới của SV. + Đảm bảo tính khoa học, chuẩn mực về ngôn ngữ, thuật ngữ khoa học và ngữ pháp. Tài liệu cần trình bày tinh gọn, cấu trúc rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu, tiếp thu, có hướng dẫn học tập, thể hiện rõ nội dung kiến thức trọng tâm, gây được hứng thú học tập cho SV. + Đảm bảo nội dung phù hợp với trình độ bậc học, thời lượng lên lớp, đảm bảo tính hệ thống của các dạng bài tập. Tài liệu vừa đảm bảo tính ổn định về nội dung (kiến thức có tính chất nền tảng, ít thay đổi); vừa đảm bảo tính cập nhật kiến thức (nếu cần có thể thay đổi). + Tài liệu phải có cấu trúc phù hợp; có hệ thống các ví dụ minh họa sinh động; các bài tập mẫu, các câu hỏi ôn tập, khuyến khích hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, các bài luyện tập kĩ năng cho từng phần, từng chương, từng bài. + Tài liệu phải xác định rõ các mục tiêu về năng lực của SV cần hình thành và phát triển thông qua học phần. + Đảm bảo tăng cường các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực của SV phát triển. 2.2.3. Quy trình thiết kế tài liệu dạy học môn Phương pháp dạy học Toán theo module Để đảm bảo chất lượng và việc thiết kế tài liệu có hiệu quả, việc thiết kế tài liệu phải tuân thủ theo đúng quy trình. Dựa trên một số nghiên cứu về quy trình thiết kế tài liệu theo module như quy trình của Bùi Văn Quân, Nguyễn Quang Huỳnh, Phan Thị Hồng Vinh,... [dẫn theo 7], chúng tôi đề xuất quy trình thiết kế tài liệu dạy học môn PPDH Toán theo module như sau: - Bước 1: Phân tích cơ sở lí luận. Giáo viên cần phải nghiên cứu các định hướng phát triển năng lực của SV thông qua môn học, các phương pháp và hoạt động dạy học tác động đến việc phát triển năng lực của SV; xác định cách tiếp cận phát triển là cách tiếp cận cốt lõi để xây dựng module dạy học. Đồng thời, phải phân tích kĩ chương trình học phần hiện có về mục tiêu, nội dung,... - Bước 2: Xác định các module dạy học. Xác định số lượng, vị trí, mục đích của các module, các điều kiện để thực hiện module (môn học, học phần tiên quyết,...). Bước này có định hướng rất quan trọng về mặt phương pháp luận, vì nó xác định những tư tưởng chính và cấu trúc nội dung. Khi thiết kế cần phải xây dựng trước một đề cương, trong đó nêu lên mục đích, yêu cầu chương trình và nội dung khoa học của các chương mục đó, cần nêu lên những điểm mới, những đặc điểm của tài liệu viết cho SV. - Bước 3: Thiết kế module dạy học. Bước này là rất khó khăn, phức tạp vì nó giải quyết trực tiếp mọi vấn đề đã nêu trên. Nó đòi hỏi một quá trình làm việc tỉ mỉ, dày công và đầy sáng tạo của tác giả. Trong quá trình viết tài liệu, giáo viên luôn phải đáp ứng các yêu cầu sau: + Xác định cụ thể các kết quả đầu ra của từng module cả về kiến thức, kĩ năng, thái độ và năng lực cần đạt của SV. + Xác định nội dung học tập người học cần phải chiếm lĩnh, từ đó xác định các phương pháp, hoạt động dạy học cụ thể để đạt được kết quả đầu ra đó. + Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. - Bước 4: Biên tập tài liệu. Tài liệu sau khi được xây dựng cần được biên tập, trong quá trình biên tập cần chú ý: + Những vấn đề chung như tài liệu có thỏa mãn những mục đích, yêu cầu đã đề ra không? + Cấu trúc có đảm bảo tính thống nhất, cân đối không? + Hệ thống tri thức có chính xác không? + Hệ thống phương pháp có đảm bảo giúp SV tự học không? + Tham khảo ý kiến của các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao khi biên tập tài liệu. - Bước 5: Tổ chức thực nghiệm, thẩm định tài liệu. Một tài liệu được coi là có hiệu quả và chất lượng nếu nó được thẩm định bằng một hội đồng với những thủ tục cần thiết như: + Có nhận xét, phản biện. + Có chất vấn và trả lời chất vấn giữa các ủy viên của hội đồng thẩm định. + Có đánh giá hình thức của hội đồng thẩm định. - Bước 6: Hoàn thiện tài liệu. Tài liệu được sửa chữa, hoàn thiện nhiều lần trên cơ sở những góp ý của các chuyên gia, các kết quả thực nghiệm. 2.2.4. Đề xuất một số năng lực cần phát triển cho sinh viên các trường cao đẳng sư phạm nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào qua học phần Phương pháp dạy học Toán VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 297-302 301 Trên cơ sở phân tích nội dung giáo trình môn PPDH Toán học, kiến thức Toán học và đối tượng SV, một số các nghiên cứu về năng lực của SV ngành Sư phạm Toán và SV sư phạm nói chung [8], [9], [10],... chúng tôi đề xuất một số năng lực cần phải hình thành và phát triển cho SV CĐSP nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào qua học phần PPDH Toán: - Năng lực giải bài tập Toán: là khả năng áp dụng kiến thức, kĩ năng, phương pháp toán học giải quyết bài toán cụ thể có tính hướng đích cao, đòi hỏi huy động khả năng tư duy tích cực và sáng tạo, nhằm đạt kết quả sau một số bước thực hiện. Một số thành tố của năng lực giải toán cần bồi dưỡng cho SV gồm các năng lực: dự đoán, chuyển đổi ngôn ngữ, quy lạ về quen nhờ biến đổi về dạng tương tự, nhìn nhận bài toán dưới nhiều góc độ khác nhau, suy luận logic, khái quát hóa, diễn đạt theo những cách khác nhau. Một số biểu hiện của năng lực giải Toán như sau: + Khả năng lĩnh hội nhanh chóng quy trình giải và giải rõ ràng một bài toán. + Khả năng lập luận, tư duy logic về quan hệ giữa các dữ kiện của bài toán. + Thao tác với các kí hiệu, ngôn ngữ Toán học, chuyển đổi từ điều kiện của bài toán sang ngôn ngữ kí hiệu quan hệ, phép toán giữa các đại lượng đã biết, chưa biết và ngược lại. + Có tính độc lập và độc đáo cao trong khi giải toán. + Có tính tích cực, kiên trì về mặt ý chí và khả năng huy động trí óc cao trong giải toán. + Khả năng tìm tòi nhiều lời giải, huy động nhiều kiến thức một lúc vào việc giải bài tập, từ đó lựa chọn lời giải tối ưu. + Có khả năng kiểm tra các kết quả đã đạt được và hình thành một số kiến thức mới thông qua hoạt động giải toán, tránh được những sai lầm trong quá trình giải toán. + Có khả năng nêu ra được một số bài tập tương tự cùng với cách giải, có khả năng khái quát hóa từ bài toán cụ thể đến bài toán tổng quát, từ bài toán có một số yếu tố tổng quát đến bài toán có nhiều yếu tố tổng quát, nhờ các thao tác trí tuệ phân tích, so sánh, tổng hợp, tương tự, trừu tượng, hệ thống hóa, đặc biệt hóa. - Năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn: Vận dụng Toán học vào thực tiễn thực chất là sử dụng toán học làm công cụ để giải quyết tình huống thực tiễn nhằm đạt mục đích đề ra. Kết quả của vận dụng vừa làm cho vốn tri thức của SV về Toán học phổ thông tăng lên, vừa soi sáng, giải thích, làm rõ thêm các kiến thức Toán học được học từ giáo trình PPDH và các tài liệu dạy học khác. Một số thành tố của năng lực vận dụng Toán học vào thực tiễn: thu nhận thông tin toán học từ tình huống thực tiễn, chuyển đổi ngôn ngữ thông thường và ngôn ngữ toán học. Một số biểu hiện của năng lực này: + Quan sát, phân tích tình huống thực tiễn, nhận thức những yếu tố định lượng và định tính từ tình huống về hình dạng kích thước, vị trí của các đối tượng trong thực tiễn. + Xác định yếu tố trung tâm của tình huống, xác lập mối quan hệ giữa các yếu tố, khả năng đánh giá mức độ phụ thuộc giữa các yếu tố. + Loại bỏ những gì không bản chất, khả năng liên tưởng, kết nối các yếu tố thực tiễn, khả năng ước tính, dự đoán các kết quả. + Diễn đạt tình huống bằng ngôn ngữ toán học ngắn gọn, chính xác, diễn đạt một vấn đề thực tiễn dưới nhiều hình thức khác nhau. + Phát hiện ra quy luật của tình huống, biểu diễn các yếu tố thực tế bằng kí hiệu khái niệm toán học, biểu đạt của mối quan hệ bằng các mệnh đề toán học, các biểu thức chứa biến, khả năng mã hóa và giải mã các tình huống khác nhau của toán học. + Tổ chức lại các yếu tố trong bài toán thực tiễn nhằm phát biểu bài toán thực tiễn dưới dạng bài toán thuần túy. Ngoài hai năng lực chuyên môn chính ở trên, học phần còn hướng tới phát triển cho SV một số các năng lực chung: - Năng lực giải quyết vấn đề: Cần bồi dưỡng cho SV năng lực giải quyết vấn đề trong học tập, nghiên cứu Toán học để SV có khả năng xử lí tốt các tình huống, các vấn đề trong dạy học Toán học phổ thông sau này. Việc giải quyết vấn đề có tác dụng tốt đến kích thích tư duy, vì tư duy con người chỉ hoạt động tích cực khi gặp phải một vấn đề cần phải giải quyết. Kết quả nhận thức là sản phẩm của chính hoạt động tích cực, sáng tạo của SV. Do vậy, thông qua việc giải quyết các vấn đề học tập SV sẽ nắm được kiến thức, các kĩ năng nghiên cứu Toán học vững chắc hơn. Năng lực giải quyết vấn đề Toán học là khả năng trình bày vấn đề; xác định cách thức và lập kế hoạch giải quyết vấn đề, thu thập và xử lí thông tin; đề xuất các giải pháp,... Một số thành tố của năng lực giải quyết vấn đề: nhận ra ý tưởng mới, vấn đề mới; phát hiện và làm rõ vấn đề; hình thành và triển khai ý tưởng mới; đề xuất lựa chọn giải pháp; thiết kế và tổ chức hoạt động; tư duy độc lập. - Năng lực tự học: Năng lực tự học là khả năng tự mình tìm tòi, nhận thức và vận dụng kiến thức vào tình huống mới hoặc tương tự với chất lượng cao. Quá trình đào tạo ở trường CĐSP chỉ là sự đào tạo ban đầu, trang bị kiến thức cơ bản nền tảng làm cơ sở cho quá trình đào tạo tiếp theo. Do đó, việc tự học, tự đào tạo đóng vai trò quan trọng, quyết định cho sự thành đạt của mỗi SV sư phạm Toán học. VJE Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt tháng 4/2019, tr 297-302 302 - Năng lực đánh giá và tự đánh giá: Dạy học đề cao vai trò tự chủ của SV, đòi hỏi phải tạo điều kiện, cơ hội và khuyến khích SV đánh giá và tự đánh giá. SV phải biết chính xác mặt mạnh, yếu của bản thân mình mới có thể học tập, phát triển năng lực của bản thân nói chung. Trong học phần PPDH môn Toán, SV nghiên cứu PPDH, hình thức tổ chức dạy học; nghiên cứu chương trình và sách giáo khoa phổ thông; phân tích và rèn kĩ năng dạy học các loại bài Toán học thì việc tự đánh giá và đánh giá là rất quan trọng. Qua đó, SV biết được kiến thức, kĩ năng nào đã nắm chắc, kiến thức, kĩ năng nào cần củng cố rèn luyện thêm. 2.2.5. Đề xuất cấu trúc tài liệu dạy học môn Phương pháp dạy học Toán theo module Để khắc phục những khó khăn trong việc dạy và học Toán học của giáo viên và SV, chúng tôi thiết kế tài liệu theo module dựa trên cơ sở và các nguyên tắc ở trên. Tài liệu theo module phần Toán học trung học cơ sở được chia thành các module tương ứng với các phần kiến thức (các chương). Mỗi module lại được chia thành các tiểu module, mỗi tiểu module được sắp xếp sao cho có tính trọn vẹn và độc lập tương đối của đơn vị kiến thức trong module và có thời lượng tương ứng khoảng từ 2 đến 3 tiết giảng dạy trên lớp, có nội dung phù hợp với đối tượng sử dụng, tạo thành một chuỗi của một vấn đề chung giúp SV lĩnh hội được tốt vấn đề cần nghiên cứu. Dựa trên chương trình Toán học ở trung học cơ sở [11], có thể thiết kế tài liệu PPDH Toán gồm 13 module: Lũy thừa, đẳng thức, căn bậc hai; Hình học trong mặt phẳng; Vetơ - quay vòng, định lí vi-ét; Hàm số bậc nhất, bất phương trình và hệ phương trình; Lượng giác; Góc nội tiếp đường tròn; Diện tích và thể tích; Số mũ và căn; Sự biến đổi trong mặt phẳng; Hàm bậc hai; Phương trình đường thẳng; Hệ phương trình và hệ bất phương trình; Vectơ trong hệ tọa độ vuông góc. 3. Kết luận Xuất phát từ thực tiễn của xã hội, việc phát triển năng lực cho SV các trường sư phạm là điều hết sức cần thiết. Trên cơ sở này, các trường CĐSP cần phải đổi mới các tài liệu dạy học cho SV. Module dạy học là một đơn vị dạy học tương đối độc lập, có khả năng thay đổi linh hoạt nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau về hứng thú, năng lực, điều kiện của người học; chứa đựng cả mục đích, nội dung, PPDH và định hướng kết quả học tập, do đó, rất phù hợp để sử dụng trong việc thiết kế tài liệu học tập nhằm phát triển năng lực của SV. Đây sẽ là cơ sở để thiết kế tài liệu dạy học môn PPDH Toán cho SV các trường CĐSP nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào theo hướng phát triển năng lực SV. (Kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học và công nghệ cấp Đại học Thái Nguyên, mã số ĐH2018-TN06_08) Tài liệu tham khảo [1] Nguyễn Ngọc Quang (1994). Tài liệu tham khảo về lí luận dạy học. Trường Kĩ thuật Nghiệp vụ Công an nhân dân. [2] Nguyễn Minh Đường - Nguyễn Tiến Dũng - Vũ Hữu Bài (1993). Module kĩ năng hành nghề: Phương pháp tiếp cận, hướng dẫn biên soạn và áp dụng. Chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX-07 - Khoa học công nghệ. [3] Đỗ Huân (1995). Tiếp cận module trong xây dựng cấu trúc chương trình đào tạo nghề. Luận án Phó Tiến sĩ, Khoa học Tâm lí Sư phạm. [4] Nguyễn Thị Ngà (2010). Xây dựng và sử dụng tài liệu tự học có hướng dẫn theo module phần kiến thức cơ sở hoá học chung - chương trình trung học phổ thông chuyên Hóa học góp phần nâng cao năng lực tự học cho học sinh. Luận án tiến sĩ Giáo dục học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [5] Bộ Giáo dục và Thể thao (1997). Tài liệu bồi dưỡng giáo viên Toán trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Viêng Chăn, Lào. [6] Bun Suôi - Chít Tạ Vông - Phim Ma son (2009). Phương pháp dạy học môn Toán 1 dùng cho sinh viên cao đẳng sư phạm Lào. NXB Giáo dục, Viêng Chăn, Lào. [7] Trần Lương (2016). Tổ chức dạy học theo module học phần Giáo dục học trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở trường đại học sư phạm. Luận án tiến sĩ Khoa học giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. [8] Bùi Văn Nghị - Đỗ Thị Trinh - Nguyễn Tiến Trung - Hoàng Ngọc Anh (2016). Phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên đại học ngành sư phạm Toán. NXB Giáo dục Việt Nam. [9] Trần Trung - Phạm Anh Giang (2014). Đào tạo sinh viên ngành Toán theo tiếp cận phát triển năng lực. Tạp chí Giáo dục, số 328, tr 49-51. [10] Lê Đình (2004). Cơ sở khoa học của việc bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên sư phạm ngành Vật lí. Đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ, mã số B2004.09.07, Trường Đại học Sư phạm Huế. [11] Bộ Giáo dục và Thể thao (2015). Sách giáo khoa Toán trung học cơ sở. NXB Bộ Giáo dục. [12] Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018). [13] Phan Thị Hồng Vinh (chủ biên, 2011). Giáo trình Giáo dục học (biên soạn theo module). NXB Đại học Sư phạm.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf64tran_trung_done_sophida_2331_2148437.pdf
Tài liệu liên quan