Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka

Tài liệu Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00027 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 12-20 This paper is available online at THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG SÁNG TÁC CỦA FRANZ KAFKA Nguyễn Thị Thắng Khoa Tiểu học – Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh Tóm tắt. Sáng tác của Franz Kafka đem đến cho con người cảm nhận về thân phận nhỏ bé, mong manh của kiếp người. Giá trị con người bị triệt tiêu, sinh mạng người rẻ rúng hơn loài vật. Bị tước đoạt phương tiện sống, không còn niềm tin vào cuộc đời, con người thu mình lại trong nỗi cô đơn bản thể trong không gian và thời gian. Lạc khỏi thế giới, con người đơn độc tha hương đi tìm tự do, công lí nhưng nó mãi ở chân trời xa lắc phía trước mặt mà con người không thể nào đến được đích. Vì thế, khao khát về một thế giới tự do, hạnh phúc đích thực cho kiếp người hiện đại chưa bao giờ trở thành hiện thực trong thế giới tinh thần của F. Kafka. Từ khóa: Thân phận con người, sáng tác của Kafka, cô đơn bản thể. 1. Mở đầu ...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 1507 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00027 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 12-20 This paper is available online at THÂN PHẬN CON NGƯỜI TRONG SÁNG TÁC CỦA FRANZ KAFKA Nguyễn Thị Thắng Khoa Tiểu học – Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh Tóm tắt. Sáng tác của Franz Kafka đem đến cho con người cảm nhận về thân phận nhỏ bé, mong manh của kiếp người. Giá trị con người bị triệt tiêu, sinh mạng người rẻ rúng hơn loài vật. Bị tước đoạt phương tiện sống, không còn niềm tin vào cuộc đời, con người thu mình lại trong nỗi cô đơn bản thể trong không gian và thời gian. Lạc khỏi thế giới, con người đơn độc tha hương đi tìm tự do, công lí nhưng nó mãi ở chân trời xa lắc phía trước mặt mà con người không thể nào đến được đích. Vì thế, khao khát về một thế giới tự do, hạnh phúc đích thực cho kiếp người hiện đại chưa bao giờ trở thành hiện thực trong thế giới tinh thần của F. Kafka. Từ khóa: Thân phận con người, sáng tác của Kafka, cô đơn bản thể. 1. Mở đầu Vấn đề thân phận con người trong văn học không phải đến Kafka mới được đề cập [2-4], nhưng có lẽ chỉ từ Kafka khái niệm thân phận con người trong xã hội hiện đại mới thực sự có sức ám ảnh sâu sắc [1, 6]. Lịch sử tiến hóa của xã hội loài người là lịch sử của những nỗ lực không mệt mỏi đem đến cho con người cuộc sống văn minh, hiện đại hơn. Nhưng Kafka đã chứng minh ngược lại: khi xã hội càng văn minh, thân phận con người càng trở nên nhỏ bé, rẻ rúng, đáng thương đến tội nghiệp. Đọc tác phẩm của Kafka, người đọc tìm thấy sự giải thiêng về quan niệm con người, là lúc con người bắt đầu hoài nghi và nhìn ra bản chất thật về sự tồn tại của mình. Sáng tác của Kafka sẽ cho chúng ta thấy sự thật ấy, dù ngẫm ra nó thật tang thương. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Thân phận bé nhỏ, mong manh của kiếp người Chúng ta vẫn lầm tưởng rằng có ranh giới phân chia giá trị giữa con người và loài vật. Con người phải được đứng ở vị trí cao quý hơn và cai quản muôn loài, đứng trên muôn loài. Trong tác phẩm của Kafka ranh giới đó không tồn tại, không có sự cao quý dành riêng cho con người, cũng không có sự bẩn thỉu, thấp hèn, ngu độn của riêng loài vật. Những thuộc tính đó hài hòa trong bản chất chung của các loài, kể cả loài người. Chẳng phải ngay trong bản thân mỗi con người cũng có sự hòa trộn giữa phần “con” và phần “người” đó sao? Bởi vậy, sinh mạng của con người trong sự cảm nhận của F. Kafka cũng chỉ như cái rơm, cọng rác mà thôi. Ta hiểu vì sao nhà văn đem đến cái kết hài hước, bi đát, cay đắng cho thân phận người nghệ sĩ nhịn đói: lẫn trong đống rơm rác, Ngày nhận bài: 12/12/2014 Ngày nhận đăng: 20/4/2015 Liên hệ: Nguyễn Thị Thắng, e-mail: thangvan.bn@gmail.com 12 Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka vùi xuống đất sâu trong sự quên lãng vĩnh viễn của người đời; chiếc cũi sắt được dọn sạch sẽ đón thân thể cao quý, đầy sức mạnh của một con báo hoang. Còn anh chàng Gregor Samsa trong thân xác một con côn trùng, sau khi lìa đời, chỉ bằng một nhát chổi, bà giúp việc dọn sạch dấu vết của anh khỏi thế giới này cùng với đống rác rưởi trong nhà, đồng thời anh bị quét sạch khỏi kí ức của những người thân trong gia đình. Rõ ràng thân xác anh bị coi rẻ hơn cả loài vật. Vậy đâu là giá trị của con người? Có lẽ trong cảm quan của Kafka về tồn tại kiếp người thời hiện đại thì giá trị của anh nằm ở giá trị lợi ích mà anh đem lại cho người khác. Khi sự tồn tại của anh vô ích đối với việc kiếm cơm, không thể làm ra “đồng tiền bát gạo” cho người khác thì anh chỉ là rác rưởi bẩn thỉu cần được quét dọn sạch sẽ. Hài hước và bi đát thay cái chết của “người cưỡi xô” trong truyện ngắn cùng tên của Kafka ngẫm ra lại do chính anh ta mang lại cho mình: “một xẻng than xấu nhất mà bà có. Dĩ nhiên tôi sẽ trả bà tiền của cả xô đầy, nhưng không phải ngay bây giờ, không phải ngay bây giờ” (Người cưỡi xô) [6;796]. Cụm từ “không phải ngay bây giờ” ấy đã giết chết anh ta. Anh không có tiền ngay bây giờ ư? Thế thì anh chẳng có giá trị gì hết và anh phải vĩnh viễn biến mất. Trong xã hội hiện đại, khi con người ta không muốn 1 + 1 = 2 nữa thì sự thành thật của người cưỡi xô đôi khi lại là bi kịch trong cuộc sống. Khi không còn ranh giới giữa người và vật nên con người trong tác phẩm của Kafka bị đối xử như con vật, thậm chí còn không bằng loài vật. Chàng nghệ sĩ nhịn đói, Gregor Samsa, người cưỡi xô. . . đều là nạn nhân của căn bệnh thờ ơ, vô cảm đó của người đời. Căn bệnh ấy là sản phẩm của xã hội hiện đại khi con người chỉ chăm chăm vào kiếm tìm và hưởng thụ của cải vật chất; khi đồng tiền, lợi lộc và danh vọng có thể làm mờ mắt, xóa sổ lương tâm con người. Kafka đã báo trước kỉ nguyên của căn bệnh vô cảm và ngày nay nó đã trở thành một “căn bệnh truyền nhiễm” khó chữa khi xã hội càng hiện đại, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao. Không dừng lại ở đó, căn bệnh này còn sản sinh ra những con bệnh biến thái, những kẻ phi nhân tính biến con người thành vật thí nghiệm, như những con chuột bạch, phục vụ cho những ý tưởng tra tấn điên cuồng, rồ dại, khát máu của bọn cai trị. Cảnh tra tấn dã man, đầy màu sắc Trung cổ trong Trại lao cải là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Những kẻ cai trị man rợ lấy việc hành hình con người làm niềm hoan hỉ, “hân hoan đón chào công lí đang được thực hiện” một cách vô nhân, bẩn thỉu. Chúng tôi nhận thấy trong quan niệm về tồn tại kiếp người của F. Kafka có mang dấu ấn văn hóa Carnaval của văn hóa dân gian phương Tây. Tuy nhiên, bản chất của nó dường như hoàn toàn khác. Khái niệm Carnaval là tên gọi chung chỉ các hình thức và nghi thức lễ hội có yếu tố giả trang vui nhộn, phát triển mạnh ở phương Tây thời kì Phục hưng. Mục đích của lễ hội Carnaval là đem đến sự đổi thay, giúp con người thoát khỏi mọi quy định, ràng buộc thường ngày, mang lại tiếng cười sảng khoái của một cuộc sống tự do, giải phóng hoàn toàn về tinh thần. Vận dụng những yếu tố của văn hóa Carnaval vào tác phẩm của mình, Kafka nhấn mạnh tính một chiều của sự thay đổi. Nếu trong lễ hội văn hóa Carnaval luôn luôn song hành hai yếu tố: “tấn phong – hạ bệ” thì con người trong tác phẩm của Kafka chỉ có “hạ bệ” hoặc “tấn phong” để “hạ bệ” con người tới mức thấp nhất, gần như triệt tiêu giá trị con người trong sự tồn tại của nhân vật. Chẳng hạn ở Josephine, nữ ca sĩ hay Dân chuột khi xếp đặt chi tiết thành các đối cực: phi thường > < tầm thường, lí tưởng > < phi nghệ thuật. . . Kafka đã khiến cho nhân vật giống như người anh hùng vừa được “tấn phong” bỗng chốc bị “hạ bệ” một cách đau đớn và chua chát. Câu chuyện mang tính chất Carnaval này đem đến triết lí thâm thúy mà bi đát vô cùng về cuộc đời và con người: cuộc đời này giống như một trò chơi, là một sân khấu mà mỗi người phải sắm một vai; kẻ sắm vai anh hùng luôn cho mình là vĩ đại, chỉ có người ngoài cuộc mới thấy hết tính khôi hài, kệch cỡm của vai diễn. Bi đát thay khi tiếng hát của nàng ca sĩ chuột tưởng rằng 13 Nguyễn Thị Thắng là “một sứ điệp”, là tiếng hiệu triệu của dân tộc, cuối cùng cũng chỉ là tiếng chút chít thảm hại của loài chuột luôn chui rúc trong xó tối, bị chôn vùi trong quên lãng. Chẳng lẽ đó là kết cục tồi tệ nhất của kiếp người? Đặt lời kể chuyện, lời báo cáo đường hoàng bình thản vào miệng một con khỉ, Báo cáo gửi viện Hàn lâm của Kafka là tiếng cười đầy mỉa mai, chua chát, giễu nhại con người: “một con tinh tinh nhỏ và Achilles vĩ đại là như nhau”, “chúng tôi thường nhổ vào mặt nhau; chỉ khác là tôi liếm sạch mặt sau đó còn họ thì không”, “bản chất khỉ của tôi rời khỏi tôi, từ đầu đến gót chân rồi thoát ra, do vậy chính người thầy đầu tiên của tôi hầu như biến thành khỉ theo cách đó”. . . [1; 312]. Con khỉ càng tiến hóa thành người hoàn hảo bao nhiêu thì ngược lại bản chất của con người càng bị lột trần ra thô bỉ, xấu xa, đáng cười bấy nhiêu. Thực ra, con người cũng chẳng có gì tốt đẹp cả, nó cũng chỉ là một thứ người – ngợm với một lô một lốc những thói hư tật xấu: bẩn thỉu, tục tĩu, bất lịch sự, lừa lọc, giả dối. . . và nhất là lối sống bầy đàn, một lối sống chỉ hợp với loài khỉ hơn là với con người. Hóa ra những việc con người thường làm như hút tẩu, uống rượu, làm tình. . . những phát minh xưa nay được coi là tiến bộ của loài người chỉ là “trò khỉ” không hơn trong mắt một con khỉ sau khi đã học cách tiến hóa thành người. Bởi “cuộc sống của quý ngài như những con khỉ, thưa quý ngài”. Hóa ra việc tiến hóa thành người lại là một thất bại thảm hại nhất của con người hay sao? Kafka đã tạo ra sức công phá mãnh liệt của một giọng điệu mỉa mai, giễu cợt vào bản chất người thời hiện đại. Khi “tôi chỉ vừa báo cáo xong” thì cũng là lúc bức biếm họa về bản chất con người được trải ra, còn sự mênh mông vô tận của nó đến thế nào tùy thuộc vào sự cảm nhận của độc giả. Mất giá người, thân phận con người trong tác phẩm Kafka càng trở nên nhỏ bé, tội nghiệp, không còn chỗ bấu víu vào cuộc đời khi nó bị tước đoạt phương tiện sống (cả phương tiện vật chất lẫn tinh thần – niềm tin vào con người và thế giới). Sống trong cuộc đời, bản thân mỗi chúng ta không thể tồn tại chỉ bằng những điều kiện vật chất hay chỉ có thế giới tinh thần. Cuộc sống của con người là sự hài hòa của hai yếu tố đó tùy thuộc vào điều kiện cũng như nhu cầu hưởng thụ khác nhau ở mỗi người. Trong thực tế, ở vào tình huống liên quan đến sự sống còn nào đó, có thể có lúc chúng ta không có đủ điều kiện vật chất nhưng nếu được sự trợ giúp của bạn bè, tình thân, gia đình, hay sự đùm bọc từ những tấm lòng trong xã hội, chúng ta vẫn sẽ tìm được con đường sống. Đó là con đường sống của lòng nhân ái, tình yêu thương, sự chở che, đùm bọc của con người dành cho con người trong lúc hoạn nạn. Tuy nhiên trong thế giới của Kafka, con người không thể tìm được “diễm phúc” ấy. Vì đó là thế giới mà những điều kiện vật chất là thước đo giá trị tinh thần. Nếu anh không có tiền thì bạn bè, tình thân, lòng nhân ái hay thậm chí chỉ là sự thương hại thôi, tất cả chỉ là con số không. Rơi vào bi kịch đó, anh tìm đâu ra đường sống? Nhân vật của Kafka vì thế bị tước đoạt mọi phương tiện duy trì sự sống: vật chất và tinh thần. “Người cưỡi xô” hết nhẵn than trong lò giữa mùa đông lạnh giá. Nhưng anh không có tiền nên bà bán than “không nghe”, “không thấy” gì hết, dù anh đứng ngay trước mặt và đang gào rát cổ họng cầu xin chỉ “một xẻng than xấu nhất” thôi. Gregor Samsa cũng vậy, khi không thể đi làm nuôi sống gia đình, trở thành một con vật kinh tởm, anh lập tức nhận sự ghẻ lạnh và nhanh chóng bị quét khỏi thế giới của chính những người thân yêu nhất. Ở một phương diện nào đó, con người trong tác phẩm Kafka có khi có phương tiện, có nghề nghiệp nhưng không được sử dụng hoặc không thể sử dụng đúng mục đích: bà vợ bán than mắt tinh, tai thính, thì không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì; người đạc điền bị vứt vào thế giới không cần đến đo đạc; ca sĩ Josephine hiến thân cho nghệ thuật trong một dân tộc không biết gì về nghệ thuật, cũng không cần đến nghệ thuật; nghệ sĩ nhịn đói nỗ lực nhịn ăn trong khi mọi người không còn quan tâm gì đến anh nữa, họ chỉ náo nức với những con thú hoang lồng lộn trong cũi sắt. . . 14 Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka Con người đã bị vô dụng hóa. Mục đích của điều này là để bài trừ anh ra khỏi xã hội. Vì con người chỉ có thể sống khi thấy mình tồn tại có ý nghĩa trong cuộc đời. Khi trở nên vô dụng nó cũng không khác loài vật, nên nó cũng không thể được sống cho ra con người. Sự dối lừa của con người dành cho con người đã là không thể chịu đựng nổi, vậy mà nhân vật trong tác phẩm Kafka còn phải chống đỡ với những thế lực siêu hình, khiến cho họ khi rơi vào tận cùng nỗi tuyệt vọng vẫn không khỏi băn khoăn về sự lầm đường lạc lối giống như trò đùa của số mệnh. Ông thầy thuốc nông thôn nhận được tiếng chuông trong đêm, ông cần đến nhà bệnh nhân chữa bệnh ngay nhưng ngựa của ông đã chết, hai con “ngựa ma” xuất hiện trong chuồng lợn cùng gã mã phu. Chúng đưa ông tới nhà bệnh nhân chỉ trong chớp mắt để rồi lại kéo lê thân già của ông trong bão tuyết trên con đường trở về mà không bao giờ có thể về tới nhà. Câu chuyện này đã chỉ ra cơ chế tước đoạt sự sống con người trong tác phẩm Kafka chính là bản chất giả tạo, lọc lừa đểu giả của xã hội phi nhân: nó cướp đi phương tiện duy trì sự sống hàng ngày của con người, đồng thời trao cho anh một phương tiện giả dối, nham hiểm để anh tự dẫn mình tới chỗ chết nhanh chóng hơn. Vì thế, sứ giả mang thông điệp của Hoàng thượng “là một gã khỏe mạnh, không biết mệt mỏi” cũng không thể nào vượt qua được con đường nối tiếp những hậu cung, cầu thang, sân nhỏ, nhiều sân nhỏ hơn. . . Gã bị nhấn chìm ở đó, chỉ mình gã ở nơi ngập ngụa những cặn bã của loài người, ôm nỗi cô đơn đi trọn kiếp người 2.2. Nỗi cô đơn bản thể của con người Đọc các tác phẩm của Franz Kafka, chúng tôi cảm nhận được nỗi cô đơn, sự tuyệt vọng của một con người của dân tộc Do Thái. Dường như nhà văn mang vào trong tác phẩm của mình niềm tin giống như sự đinh ninh của một người Do Thái: họ tin rằng không hề có Chúa cứu thế, Jesus không phải Chúa cứu thế, Chúa cứu thế chỉ có trong tưởng tượng và chưa bao giờ xuất hiện. Lịch sử đau thương mà người dân Do Thái phải hứng chịu đã chứng minh điều đó. Theo Charlie Nguyễn thì tiên tri Isaiah của người Do Thái (thế kỉ VIII TCN) đã nói: “Đấng Messiah (Chúa cứu thế) sẽ gom góp toàn dân Do Thái trở về đất Israel”. Thế nhưng “lịch sử Do Thái đã chứng minh ngược lại: Jesus chết khoảng năm 30. Đến năm 70 thì Israel bị quân La Mã đánh chiếm và tiêu diệt người Do Thái vô số kể. Đến nỗi người Do Thái sợ bị diệt chủng nên đã bỏ xứ lánh nạn khắp nơi trên thế giới. Gần 19 thế kỉ sau (1949) thì Liên Hiệp Quốc (không phải Jesus) đã gom dân Do Thái về Israel” [2;2]. Điều này không chỉ xảy ra trước Kafka mà cả sau khi ông qua đời, người dân Do Thái vẫn luôn hãi hùng trước nỗi lo sợ bị diệt chủng. Chẳng hạn sự kiện tháng 03 năm 1939, Đức quốc xã tiếp quản toàn bộ Czech & Slovakia. Họ căm thù người Czech, người Slavs cũng như dân Do Thái. Do vậy chúng đuổi tất cả những người Do Thái ra khỏi Prague. Ước tính trong vòng sáu năm, số lượng dân Do Thái giảm sút một cách đáng kể, từ 100,000 người xuống còn chưa đầy 10,000 người còn sống ở đó cho đến nay. Hitler đã lên kế hoạch biến khu nhà ổ chuột của dân Do Thái thành một tượng đài không lưu lại dấu vết văn hóa nào về một trong những nền văn hóa đã thực sự bị phá hủy. Ba người chị em gái của Kafka cũng bị chết dần trong nỗi sợ hãi không tên của sự hủy diệt hàng loạt. Liệu có khi nào sống trong sợ hãi như thế, những người dân vô tội này đã từng thốt lên: Chúa cứu thế, Người ở đâu?.. Kafka đã không chỉ cảm nhận mà còn tiên cảm nỗi đau đớn dai dẳng của con người khi thấy mình là một sinh vật bị bỏ rơi dưới gầm trời này, giống như Chúa trời đã bỏ rơi người Do Thái. Cho nên số kiếp, thân phận của họ trở nên nhỏ nhoi, mong manh và mang trong mình một nỗi cô đơn bản thể. Mỗi con người tự thấy mình lạc loài, bơ vơ, cô lẻ giữa đồng loại như được sinh ra từ một thế giới khác không phải thế giới của con người. Từ Gregor Samsa, Josef K., K., nghệ sĩ nhịn đói, ca sĩ Josephine, ông thầy thuốc nông thôn hay cả con vật trong Hang ổ cũng thấy mình cô 15 Nguyễn Thị Thắng đơn như thế. Không ai biết, không ai thấu hiểu, ngay cả chính bản thân con người nhiều khi cũng không thể hiểu nổi mình. Khi không được thấu hiểu, giữa con người với con người mãi mãi chỉ là “hai vũ trụ chứa đầy bí mật” (Xuân Diệu). Sự ghẻ lạnh của gia đình đã khiến tâm hồn nhạy cảm với trách nhiệm, tình thương của Gregor Samsa bị chấn thương, vết thương lòng rỉ máu không thể cứu vãn, anh đi dần tới cái chết. Cũng bởi không được thấu hiểu cho nên hành động quên mình vì nghệ thuật của nữ ca sĩ dân tộc chuột, Josephine, trở thành kệch cỡm, đáng cười. Thế giới này hoàn toàn không còn mối giao hòa, trước mặt, sau lưng, trên trời, dưới đất chỉ một không khí lạnh lẽo, vô tình. Đó là bản chất của xã hội hậu công nghiệp. Con người phải chạy đua với thời gian, công việc, tiền tài, danh vọng; lao vào tìm kiếm và hưởng thụ cuộc sống vật chất mà quên mất rằng cội nguồn giá trị hạnh phúc chính là sự ấm áp của tinh thần. Căn bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại càng khiến nỗi cô đơn của con người được nhân lên. Mang trong mình dòng máu Do Thái, sinh ra tại Prague, thủ đô Tiệp Khắc, dưới sự thống trị của Đế chế Áo – Hung, lại được tiếp thu nền văn hóa và sự giáo dục của người Đức, con người Kafka có sự hòa trộn phong phú các nền văn hóa ấy. Đây cũng là nguyên ủy sâu xa của mặc cảm thiếu quê hương, cảm giác cô độc, tha hương trong tâm hồn Kafka. Trong thế giới nội tâm nhạy cảm và dễ tổn thương ấy, Kafka luôn có cảm giác về một sự tồn tại lơ lửng, chênh chao, vô định. Đây cũng là cảm giác thường trực trong tâm hồn nhân vật của Kafka: “Tôi sẽ ở lại đây lâu, vậy mà bây giờ đã cảm thấy mình bị bỏ rơi, tôi không thuộc về những người nông dân, cũng không thuộc về Lâu đài” (Lâu đài) [6;312]. Câu nói này của K. với người thầy giáo bộc lộ một nỗi buồn mênh mang, thấm thía của một con người ngay từ đầu đã lạc khỏi thế giới loài người, đứng trước hiện tại trơ trọi, bơ vơ còn tương lai phía trước mặt thì đầy bất trắc. . . Khi nghiên cứu thế giới nghệ thuật của Franz Kafka, nhà nghiên cứu Trương Đăng Dung khẳng định: “Franz Kafka là nhà văn đã cảm nhận một cách sâu sắc nhất nỗi cô đơn trong thời gian của người hiện đại. Đó là nỗi cô đơn khi con người (buộc phải) từ giã quá khứ, đứng giữa hiện tại, đối diện với tương lai bấp bênh đầy bí ẩn” [6;941]. Theo chúng tôi điều này hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Nỗi cô đơn của con người trong tác phẩm Kafka không chỉ là nỗi cô đơn trong thời gian mà còn là nỗi cô đơn trong không gian. Nỗi cô đơn ấy hiện hữu không chỉ trong thời gian thực mà cả thời gian tâm lí; không chỉ trong không gian địa lí mà còn cả trong không gian tinh thần. Hơn thế, nỗi cô đơn trong không gian tinh thần mới là sự đau khổ tuyệt vọng đầy ám ảnh. Đó là lúc sự cô đơn đã lên đến tột cùng, cũng là lúc con người tự đối diện với chính mình, nhìn nhận bản thân mình. Trong Vụ án, sự cô đơn đến tận cùng trong tinh thần của Josef K. còn ở chỗ: anh không có người nào khác làm nhân chứng ngoài chính anh. Đây là nấc thang cuối cùng dồn anh vào con đường bị tận diệt. Có lẽ vì vậy mà kết cục bi thảm nhất của sự cô đơn là cái chết của con người trong cô đơn, không được thấu hiểu? Bản thân Kafka, trong cuộc sống riêng tư của mình cũng mang trong lòng nỗi cô đơn tột cùng ấy. Trong bức thư viết cho bố của Felice, nói về chuyện hôn nhân của Kafka và Felice, mà Kafka đã chú thích “ngày mai tôi sẽ gửi nếu có đủ can đảm”, nhà văn tâm sự: “chủ yếu tính cách của cháu là người cô độc, ít nói, không chan hòa, (. . . ), cháu sống trong gia đình mình giữa những người thân yêu và tử tế nhất mà còn xa lạ hơn cả người xa lạ” (Nhật kí, ngày 21 tháng 08 năm 1913) [6;836]. Từ trong sâu thẳm tư tưởng của mình, Kafka luôn cảm nhận bi kịch của con người xa lạ với đồng loại. Nỗi đau lớn đối với Kafka là ở chỗ sống trong gia đình, bên cạnh những người thân yêu nhất “mà còn xa lạ hơn cả những người xa lạ”. Còn có nỗi cô đơn nào lớn hơn sự cô đọc ngay giữa tình thân? Sự cô đơn tuyệt vọng vì không có người chia sẻ, không ai thấu hiểu là cảm giác thường thấy trong thế giới tinh thần nhân vật của Kafka. Vì thế, cảm giác xa lạ, chủ đề xa lạ 16 Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka giữa con người với con người không chỉ ám ảnh trong các tác phẩm của Kafka mà sau này nó đã trở thành vấn đề xuyên suốt những tác phẩm văn học Hiện sinh chủ nghĩa, hay của những nhà viết Kịch phi lí. . . Nỗi cô đơn bản thể của nhà văn đã được Kafka tái hiện thành nỗi cô đơn dai dẳng trong tinh thần nhân vật của ông. Ngay cả lúc làm tình với Frieda, nhân vật K. vẫn luôn thấy mình đang tìm kiếm một điều gì đó không có thực và lạc vào vùng đất hoàn toàn xa lạ mà dường như anh chưa hề đặt chân tới (Lâu đài). Lẽ ra đây là lúc hai tâm hồn thực sự hòa quyện, đồng điệu trong hạnh phúc thì đó lại là thời gian để mỗi người bơi trong suy tư, trăn trở của riêng mình. Họ xa lạ ngay trong lúc gần gũi nhất. Rõ ràng cảnh “đồng sàng dị mộng” không phải bi kịch của riêng ai! Thực ra đây cũng là vấn đề đáng báo động đối với cuộc sống con người thời hiện đại khi có quá nhiều điều buộc họ phải lo lắng, toan tính, gánh vác qua cuộc mưu sinh. Nhà văn đã vẽ ra nhưng ngõ hẻm không cùng của nỗi bất an, sự cô độc, không được thấu hiểu trong tâm tư nhân vật. Ở đó con người dần dần ngộ ra mình cũng chỉ là một người thừa trong xã hội, không quê hương, không gia đình, không một tình yêu đích thực. . . Khám phá, tiếp cận con người từ phương diện đời sống tinh thần, F. Kafka đã bày tỏ sự đồng cảm chân thành của một trái tim nhiều thương tổn đối với những khổ đau của kiếp người. Tuy nhiên, cũng giống như chính nhà văn, nhân vật trong tác phẩm Kafka dù luôn cảm thấy xa lạ với đồng loại, bị gạt ra khỏi cả tình thân, gia đình và xã hội, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ là khát vọng mãnh liệt được bám rễ vào cuộc đời, được hòa hợp với con người trong cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Điều này đã đem đến giá trị nhân văn sâu sắc cho những tác phẩm của Kafka. Bị đày ải trong nỗi cô đơn như là định mệnh, con người trong tác phẩm Kafka trở nên không đủ tự tin mở lòng với thế giới, dù khao khát ấy vẫn không nguôi dày vò tâm hồn họ. Cho nên, con người nhỏ bé, cô đơn trong thế giới của Kafka đồng thời là con người khép mình, với khát vọng tha thiết, mãnh liệt muốn được thu mình vào ốc đảo bình yên của riêng mình. Nhưng liệu rằng họ có thể tìm thấy sự bình yên đích thực? Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận rõ một thực tế rằng cách hành xử này của nhân vật Kafka vừa mang tính chủ động lại vừa bị động. Chủ động vì bản thân con người có khát vọng khép mình vào thế giới riêng của mình để giữ khư khư những gì mình có, vì không muốn chia sẻ với đồng loại bởi lối sống vô nhân vô tình. Xét từ khía cạnh nào đó, những nhân vật như: Hoàng thượng trong Thông điệp của Hoàng đế, mụ vợ bán than trong Người cưỡi xô, người cha trong Hóa thân và Lời tuyên án, luật sư Huld, họa sĩ Titoreli trong Vụ án. . . đều thuộc kiểu con người này. Vì bo bo muốn giữ cho mình được hưởng trọn những lạc thú trên đời nên Hoàng thượng đã xây nên ốc đảo của riêng mình: Hoàng cung với bao căn phòng, hậu cung, cầu thang, sân nhỏ khác nhau. Và cho đến khi sắp trút hơi thở cuối cùng, Hoàng thượng mới cần đến sứ giả mang thông điệp ra thế giới bên ngoài cho ai đó. Cách truyền thông điệp cho sứ giả cũng đầy bí mật: “Ngài bắt sứ giả quỳ xuống bên giường để thì thầm vào tai gã; cảm thấy nó khá quan trọng nên ngài bắt gã nhắc lại vào tai ngài” [6;797]. Nhưng Hoàng thượng đã lầm, ngài không biết rằng cả đời ngài giữ những thú vui xa hoa hưởng lạc cho riêng mình để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ngài đã đánh mất một thứ quan trọng nhất trong đời sống của con người: mối giao hòa với thế giới con người. Bởi ngài đâu ngờ rằng Hoàng cung – thế giới riêng của ngài hóa ra lại là nơi đầy nham hiểm và cám dỗ. Cho nên gã sứ giả đã không thể vượt qua lòng ham muốn rất con người của mình, gã bị nhấn chìm giữa Hoàng cung, nơi ngập ngụa những cặn bã của loài người và thông điệp đã không được truyền đi. Rõ ràng cách sống này của con người khôn chỉ ảnh hưởng tới người khác mà còn báo hại chính bản thân họ. Họ tưởng rằng bằng cách sống “mũ ni che tai” họ sẽ không phải va vấp với cuộc đời, nhưng họ không biết rằng mầm độc nằm trong chính lối sống ấy. Mầm độc ấy không chỉ 17 Nguyễn Thị Thắng gieo rắc cái ác ra xung quanh mà còn gặm nhấm nhân cách của chính họ. Vì vậy khi khép kín vào thế giới riêng của mình, cũng là lúc con người đối diện với sự tha hóa. Nhân cách họ dần bị bào mòn bởi sự tham lam, đố kị, thói tự tư tự lợi, sự tham quyền cố vị. . . Vì lợi ích của bản thân, con người không chỉ sẵn sàng chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm, nhân tính mà còn sẵn sàng bỏ qua cả tình cảm ruột thịt; làm cho cuộc sống của những người xung quanh khốn khổ tội nghiệp, thậm chí phải đón nhận cái chết. Sự ám ảnh của lối sống, của kiểu người bạc nhược này, thực ra không phải đến Kafka mới nhìn thấy. Trước Kafka, A. Chekhov (1860 – 1904), nhà viết truyện ngắn kiệt xuất của đất nước Nga và thế giới đã thể hiện và diễn tả nó thật tài tình qua hình tượng “người trong bao” Belikov trong truyện ngắn cùng tên của ông. Một kẻ nhu nhược, yếu hèn, sợ sệt, luôn thu mình “trong bao”, không sức sống, không giao tiếp với bên ngoài đến nỗi khi hắn chết đi rồi mà không khí u ám của lối sống mà hắn mang lại vẫn bao phủ mãi lên cuộc đời của những người đang sống. Tuy nhiên, nếu “người trong bao” của Chekhov muốn nói đến một con người cụ thể, một câu chuyện cụ thể, một sản phẩm kì quái của chế đọ Nga hoàng tăm tối cuối thế kỉ thứ XIX, mặc dù ý nghĩa của câu chuyện không chỉ tác động đến một con người cụ thể. Còn những nhân vật của Kafka, dù có tên hay không có tên, nhưng nó đã bị xóa mờ tính cụ thể về dân tộc, thời đại. Đó là biểu hiện, là cách sống tiêu cực của con người nói chung, đặc biệt nó ngày càng phổ biến ở thời hiện đại, ở con người trong xã hội hiện đại. Căn bệnh vô cảm của con người trong xã hội hiện đại, mà chúng tôi đã nói ở trên, cũng chính là một biểu hiện của lối sống này. Xét cho cùng, hiện tượng này có nguyên nhân xã hội của nó. Vì bị đặt vào hoàn cảnh thù địch với con người nên họ buộc phải thu mình lại để chống đỡ tạm thời với hoàn cảnh. Thực tế, đây cũng là cách ứng xử bị động của con người trước cuộc sống. Điều này khiến cho con người vừa thỏa mãn cuộc sống trong không gian hẹp của mình lại vừa cảm thấy bức bối, mất tự do và không ngừng sợ hãi. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện về con vật trong Hang ổ của Kafka để cảm nhận rõ hơn điều này. Một con vật để trốn tránh khỏi nanh vuốt của kẻ thù, nó đã đào cho mình một cái hang, một công trình kiến trúc tuyệt hảo mà nó nghĩ rằng sẽ tránh xa được mọi kẻ thù hung bạo nhất. Nhưng ngay khi đang thỏa mãn với “hang ổ” mà nó tạo ra, nó vẫn luôn luôn lo sợ một kẻ thù tiềm tàng nào đó đánh hơi được nơi ẩn nấp của nó. Vì vậy, dù đã ẩn sâu dưới lòng đât, trốn tránh khỏi ánh mặt trời, nó vẫn luôn “vã mồ hôi”, thậm chí đập đầu chảy máu vì những cơn mơ về một kẻ thù sẽ đến. Rồi nó tiếp tục đào rồi lại phá, xây dựng rồi lại đạp bỏ vì vẫn không thể hoàn toàn an tâm đối với chỗ trú ẩn của cuộc đời mình. Tâm lí bao trùm lên nó là một nỗi bất an thường trực. Bất an do lo sợ, hoảng hốt bởi sự thống trị của tinh thần lên con người, bởi đời sống thực tại mà con người đang trải qua có quá nhiều cạm bẫy. Cho nên nó “khép mình lại trong “cái mình có”, cho dù “cái mình có” đó chỉ là hoàn toàn về mặt tinh thần, tư duy không mấy chắc chắn này là một cách chống đỡ tạm thời trước cuộc sống” [4;313]. Tại sao vây? Bởi vì nó đã mất hẳn lòng tin vào thế giới bên ngoài. Vì mất lòng tin vào thế giới bên ngoài nên nó thu mình vào cô độc với riêng mình nhưng vẫn luôn hoài nghi và sợ hãi trước cuộc đời. Vì vậy, kiểu con người sợ hãi, kiểu con người hoài nghi cũng là kiểu con người đặc trưng trong tác phẩm Kafka. Nó đem đến cảm quan vừa bi đát vừa hài hước cho cuộc sống. Khi viết những điều này chúng tôi lại nghĩ đến Kafka. Cuộc đời Kafka cũng là cuộc sống của một con người cô độc như thế. Trước khi qua đời, Kafka đã dặn bạn mình là Max Brod hãy đốt hết các bản thảo tác phẩm của ông. Phải chăng bản thân Kafka cũng không tin thế giới bên ngoài có người hiểu mình, hiểu tác phẩm của mình? Có lẽ đó cũng là biểu hiện của việc nhà văn đã mất lòng tin vào cuộc sống và con người. 18 Thân phận con người trong sáng tác của Franz Kafka 2.3. Con người cô đơn đi tìm tự do Con người trong tác phẩm Kafka không chỉ là những kiếp người bé nhỏ, cô độc, vô phương cứu chữa mà còn là những con người hoàn toàn mất tự do dưới sự thống trị của quyền lực siêu hình, pháp luật suy đồi. Bằng sự thống trị đó, chúng đã biến những con người bình thường trở nên nhỏ bé, quỵ lụy, sợ sệt, thu mình một cách bạc nhược, yếu hèn. Như vậy, con người mất tự do vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của kiểu người khép kín, mà nguyên nhân trực tiếp của nó chính là xã hội. Xã hội đồi bại mà quyền năng siêu hình trao tay vào những hình thức thống trị quan liêu, công thức, làm thui chột sự phát triển của cá nhân. Đó là sự ám ảnh của thế giới công sở trong tác phẩm Kafka – thế giới của sự phục tùng. Ở đó chỉ có các điều lệ, quy tắc, thông tư, chỉ thị, chỉ có mệnh lệnh và thực hiện mệnh lệnh. Vì vậy, không thể có tự do phát triển trong thế giới đó, không có sáng tạo, không có chỗ cho khả năng phát triển con người. Con người trong thế giới ấy sẽ buộc phải “xu thời nịnh thế” để có chỗ đứng trong xã hội. Nếu không mãi mãi anh chỉ là kẻ vô danh tiểu tôt, đến kiếm miếng ăn còn khó, nói chi đến việc được sống sao cho ra một con người. Và hệ quả tất yếu của điều này chính là sự tha hóa. Đáng buồn thay quyền năng công sở chính là thứ quyền lực đang ngự trị trong thế giới hiện đại và hậu hiện đại của chúng ta ngày nay. Khi phản ánh những vấn đề này trong tác phẩm của mình, có lẽ Kafka đã thấm nhuần tư tưởng nhà nước pháp quyền (thuận theo tự nhiên) của Lão Tử, nhà triết học cách chúng ta hơn 2000 năm về trước. Trong Đạo đức kinh, Lão Tử đưa ra quan niệm: con người do Đạo sinh ra và vận hành theo Đạo, theo quy luật tự nhiên, có nghĩa là “con người sinh ra được tự do. Tự do chính là luật tự nhiên của xã hội loài người”. Với những quan niệm bênh vực cho tự do và sự phát triển của cá nhân con người thuận theo tự nhiên, “triết học pháp quyền của Lão Tử đã vạch một biên thùy giữa công quyền và người dân. Theo đó, tự do của con người chính là một biên thùy và công quyền không thể bước qua” [5;77,114]. Và thực tế lịch sử loài người đã chứng minh rằng: quá trình đấu tranh của các dân tộc, các tộc người trên thế giới thực chất chính là quá trình tranh đấu bền bỉ và không mệt mỏi cho tự do và sự phát triển toàn diện của con người. Thế nhưng, càng ao ước một xã hội thuận theo tự nhiên dành cho con người như Lão Tử đã quan niệm, Kafka càng đau đớn nhận ra rằng xã hội ấy hình như không dành cho con người thời hiện đại. Con người trong tác phẩm Kafka không bao giờ có được thứ “luật tự nhiên”, càng không bao giờ được đứng trước biên thùy của vương quốc cá nhân mà “công quyền không thể bước qua” đó. Bởi công quyền trong tác phẩm Kafka có một thứ quyền năng siêu phàm. Nó không chỉ chế ngự đời sống xã hội mà còn tước đoạt cả tự do cá nhân, chà đạp lên đời sống tinh thần của con người. Nó xâm nhập vào đời sống riêng tư một cách thô bỉ và trắng trợn. Nó không chỉ thể hiện quyền năng một cách vô hình mà còn hiện hình bằng các cơ quan, các tổ chức xã hội như tòa án, lâu đài, công sở, các văn phòng hành chính. . . Không những thế, nó còn đối mặt với con người bằng những tên tay sai hèn hạ, kì quái. Vì thế, bất chợt một sáng anh thức dậy bởi mấy gã áo đen đến gõ cửa và nói rằng anh bị bắt và có tội (dù chúng không biết anh đã phạm tội gì), anh lập tức không còn tự do nữa. Cuộc sống của anh bị buộc vào với tòa án, luật pháp – thế giới công quyền cho đến chết (Vụ án). Bi đát và hài hước hơn thế, nhân vật K. trong Lâu đài ngay cả lúc làm tình với Frieda cũng có bốn con mắt coi chứng của hai kẻ phụ tá, thực chất chính là những tên mật thám trơ tráo, từ đó chẳng bao giờ chịu rời khỏi giường ngủ của hai người nữa. Khi phân tích cảnh này, nhà nghiên cứu Milan Kundera đã gọi bi kịch của K. là “sự cô đơn bị cưỡng hiếp, đấy là ám ảnh của Kafka” [3;114]. Theo chúng tôi thì điều này phải gọi một cách chính xác là “sự tự do bị cưỡng bức”. Đó mới thực sự là ám ảnh của Kafka. Bởi nỗi cô đơn của con người trong tác phẩm của Kafka, như chúng tôi đã phân tích ở trên, là nỗi cô đơn bản thể, là định mệnh lưu đày con người trong cuộc sống hiện đại. Và dù bị lưu đày trong cô đơn, dù tự khép 19 Nguyễn Thị Thắng mình vào cuộc sống cô độc, con người vẫn cần được tự do, kể cả tự do trong sự cô đơn. Nhưng ngay cả điều này, nhân vật của Kafka cũng bị tước đoạt mất. Đó là nỗi khốn cùng của kiếp người. Con người trong tác phẩm Kafka vì thế là con người cô độc hành hương đi tìm tự do. Nhưng tự do giống như chân trời xa lắc phía trước mặt mà không thể có đích đến. Nên con người mãi mãi không thể tìm được ý nghĩa của cuộc sống đích thực. Hiện thực đớn đau vẫn là duy chỉ có con người đơn độc trên con đường kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa sự sống của mình. Thượng đế chẳng bao giờ xuất hiện nên bất hạnh vẫn còn đó, sự phi lí, vô nghĩa lí trong cuộc đời vẫn còn đây. 3. Kết luận Khám phá văn chương Kafka, chúng tôi đọc được trong những tác phẩm của ông mong mỏi tha thiết của nhà văn về một thế giới vì con người, vì tự do và cá tính sáng tạo của cá nhân con người. Nhưng khao khát ấy có lẽ chưa bao giờ thành hiện thực trong cảm nhận và những tìm tòi của Kafka về lẽ sống con người. Mặc dù quan niệm về tồn tại kiếp người của Kafka có phần bi quan nhưng không vì thế nó làm giảm ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa nhân sinh trong tác phẩm của ông. Bởi càng thấu hiểu cuộc sống, càng phiêu du trong cuộc đời, càng trải nghiệm sự đổi thay của thế giới, chúng ta càng thấm thía và chua chát nhận ra: cuộc sống con người còn quá nhiều nỗi khốn cùng, nhưng không phải ai cũng dám thú nhận sự thật cay đắng ấy. Phải chăng sự vĩ đại của nhà văn còn ở chỗ dám nói và đã nói lên được những điều thuộc hiện thực phổ biến trong cuộc sống cũng như của tâm tư con người, mà ai cũng cảm nhận được nhưng lại không thể hoặc không dám nói ra? TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Lê Huy Bắc, 2006. Nghệ thuật Franz Kafka. Nxb Giáo dục, Hà Nội. [2] Charlie Nguyễn, 2010. Jesus dưới cái nhìn của Do Thái giáo và Hồi giáo. [3] Milan Kundera, 2001. Tiểu luận: Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội. Nguyên Ngọc dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. [4] Roger Garaudy, 1963. Về một chủ nghĩa hiện thực không bờ bến, in trong Lí luận – phê bình văn học thế kỉ XX (tập 1), Lộc Phương Thủy chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007. [5] Bùi Ngọc Sơn, 2007. Triết học pháp quyền của Lão Tử. Nxb Tư pháp, Hà Nội. [6] Nhiều tác giả, 2003. Franz Kafka tuyển tập tác phẩm. Nxb Hội nhà văn, Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. ABSTRACT The human condition in the creation of Franz Kafka Composed by Franz Kafka gives people a sense of destiny tiny, fragile human condition. Human values eliminated, human life than animal cheap. Being deprived of the boat means life, no faith in life, people crouched in lonely self in space and time. Communication from the world, lonely man in exile seeking freedom and justice, but it always shakes in the distant horizon in front of which man can not reach the destination. Thus, the desire for a world of freedom, true happiness for the modern life has never become a reality in the spiritual world of F. Kafka. Keywords: Works of Kafka, fragile human, lonely self. 20

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3573_ntthang_3619_2193055.pdf