Tài liệu Tác động của những biến động kinh tế - xã hội trong năm 2008 tới khu vực đô thị: 24 Xã hội học, số 2 - 2009
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG BIẾN ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI
TRONG NĂM 2008 TỚI KHU VỰC ĐÔ THỊ
NGUYỄN XUÂN MAIP0F1
2008 là một năm có nhiều biến động về kinh tế và xã hội trong và ngoài nước. Sự
bất ổn định của kinh tế vĩ mô như lạm phát tăng cao, nhập siêu lớn, việc thực thi chính
sách thắt chặt tiền tệ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo theo sự suy thoái kinh tế
quốc tế đã có tác động sâu sắc về mặt xã hội đối với khu vực đô thị - khu vực hội nhập
kinh tế sâu rộng nhất.
Tác động của những biến động kinh tế xã hội năm 2008 ở các đô thị Việt Nam là
mạnh mẽ và sâu rộng, nhưng trong khuôn khổ bài viết này xin được đề cập các vấn đề
sau:
1. Tình trạng thất nghiệp gia tăng, trong khi nền kinh tế bị giảm phát vào cuối
năm 2008.
2. Lạm phát, suy thoái kinh tế kéo theo sự suy giảm thu nhập và đời sống, các
quan hệ lao động trở nên phức tạp.
3. Khu vực phi chính thức ở đô thị - một lối thoát trướ...
7 trang |
Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 881 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tác động của những biến động kinh tế - xã hội trong năm 2008 tới khu vực đô thị, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
24 Xã hội học, số 2 - 2009
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
TÁC ĐỘNG CỦA NHỮNG BIẾN ĐỘNG KINH TẾ - XÃ HỘI
TRONG NĂM 2008 TỚI KHU VỰC ĐÔ THỊ
NGUYỄN XUÂN MAIP0F1
2008 là một năm có nhiều biến động về kinh tế và xã hội trong và ngoài nước. Sự
bất ổn định của kinh tế vĩ mô như lạm phát tăng cao, nhập siêu lớn, việc thực thi chính
sách thắt chặt tiền tệ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo theo sự suy thoái kinh tế
quốc tế đã có tác động sâu sắc về mặt xã hội đối với khu vực đô thị - khu vực hội nhập
kinh tế sâu rộng nhất.
Tác động của những biến động kinh tế xã hội năm 2008 ở các đô thị Việt Nam là
mạnh mẽ và sâu rộng, nhưng trong khuôn khổ bài viết này xin được đề cập các vấn đề
sau:
1. Tình trạng thất nghiệp gia tăng, trong khi nền kinh tế bị giảm phát vào cuối
năm 2008.
2. Lạm phát, suy thoái kinh tế kéo theo sự suy giảm thu nhập và đời sống, các
quan hệ lao động trở nên phức tạp.
3. Khu vực phi chính thức ở đô thị - một lối thoát trước mắt và lâu dài.
4. Mở rộng Hà Nội và công bằng xã hội.
1. Tình trạng thất nghiệp gia tăng trong khi nền kinh tế bị giảm phát vào
cuối năm 2008
Trong năm 2008, nếu lạm phát tăng nhanh và cao vào những tháng đầu, và vào
giữa năm, thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại lớn, thì vào cuối năm 2008, cuộc
khủng hoảng tài chính ở Mỹ, biến thành cuộc suy thoái kinh tế trên phạm vi toàn cầu,
lại dẫn đến tình trạng giảm phát ở Việt Nam.
Nền kinh tế mở, hướng về xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong
nhiều năm qua: năm 2007 xuất khẩu bằng 77% GDP và nhập khẩu bằng 90% GDP. Tuy
nhiên, đến cuối năm 2008, cũng chính nền kinh tế hướng về xuất khẩu ấy lại là nguyên
nhân gây nên giảm phát, trong bầu không khí u ám của suy thoái kinh tế toàn cầu. Bị tác
động mạnh nhất là các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài, du
lịch, kiều hối. Những tác động này đã làm giảm mạnh đà tăng trưởng kinh tế, bởi các
nhân tố chính cho tăng trưởng ở Việt Nam những năm qua là gia tăng đầu tư và lao
động. Chính phủ đã phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 từ 8% xuống
6,5%, nhưng thực tế chỉ đạt mức 6,18% (Vietnamnet 27/3/2009). Về mặt xã hội, sự suy
giảm mạnh FDI có thể dẫn tới lơi lỏng việc đảm bảo quyền lợi của người lao động bị sa
thải, làm yếu đi vai trò của Công đoàn, giảm sút quyết tâm chính trị về bảo vệ môi
1 PGS.TS, Viện Xã hội học
Nguyễn Xuân Mai
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
25
trường vừa được dấy lên qua vụ Vedan.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu cũng làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc
làm, giảm thu nhập đối với người lao động do nhiều doanh nghiệp bị phá sản, tạm
dừng sản xuất, thu hẹp phạm vi hoạt động. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội, đến hết năm 2008, cả nước có gần 30 ngàn lao động làm việc trong các
doanh nghiệp bị mất việc do suy giảm kinh tế. Còn theo Tổng liên đoàn Lao động Việt
Nam, mới chỉ tổng hợp báo cáo của liên đoàn lao động 11 tỉnh, thành phố đã có hơn
50.000 lao động thất nghiệp, trong đó TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Cần Thơ mỗi
tỉnh có 8.000 lao động thất nghiệp, Đồng Nai 7.000, Hà Nội 4.600. Dự báo trong năm
2009, khoảng 300 - 400 nghìn công nhân công nghiệp mất việc làm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có 1.030.000 người thất
nghiệp (cuối năm 2008). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước tính 4,65% (năm
2007 là 4,64%). So với tổng số người lao động ở thành thị là 11.372.000 người thì
con số thất nghiệp là 528.798 người.
Ba nhóm lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động di cư, lao động không
có trình độ tay nghề và lao động theo thời vụ. Khi doanh nghiệp đóng cửa thì nhóm
này thường bị sa thải đầu tiên.
Hiệp hội DNVVN đưa ra nhận định khoảng 20% DNVVN, trong tổng số
300.000 doanh nghiệp, đang đứng bên bờ vực phá sản. Như thế có thể hàng triệu lao
động đã và đang bị thất nghiệp bởi các bất ổn kinh tế.
Về mặt quản lý, việc không nắm bắt được chính xác số lượng lao động thất
nghiệp hay thiếu việc làm đã khiến cho các giải pháp về tạo việc làm và bảo đảm an
sinh xã hội khó có thể đạt hiệu quả cao.
Tình trạng thất nghiệp tăng lên năm 2008 cũng dẫn đến tâm lý bi quan về triển
vọng kinh tế cũng như nỗi lo thất nghiệp trong cư dân đô thị. Cuộc khảo sát của
TNS-Gallup International Vietnam vào trước và sau Tết Kỷ Sửu ở hai thành phố lớn
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, 86% tin rằng thất nghiệp sẽ tăng lên ở Việt
Nam trong năm 2009. 35% người được hỏi cho rằng kinh tế sẽ xấu hơn trong 12
tháng tới (Vneconomy, 23/3/2009). Nếu niềm tin vào triển vọng nền kinh tế xấu đi,
nhiều khả năng người dân thành thị sẽ tăng cường thắt chặt chi tiêu, không dám đầu
tư cho sản xuất kinh doanh và hệ quả có thể là suy thoái kinh tế sẽ trầm trọng thêm.
Các giải pháp kinh tế, xã hội, truyền thông cho sự phục hồi niềm tin là rất cần thiết
để có thể tạo cơ sở xã hội vững chắc cho sự phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.
2. Lạm phát, suy thoái kinh tế kéo theo sự suy giảm thu nhập và đời sống,
các quan hệ lao động trở nên phức tạp
Lạm phát tăng lên vào những tháng giữa năm 2008, nhất là tháng 5 với CPI tăng
đến 4%, đưa CPI 5 tháng đầu năm lên mức 15,96% - cao nhất trong vòng 12 năm qua.
Với nhóm 8 giải pháp của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,
Tác động của những biến động kinh tế - xã hội trong năm 2008...
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
26
bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và những khó
khăn trong nước, lạm phát đã được kiềm chế, nhưng vẫn ở ngưỡng cao 20%. Giá tiêu
dùng tháng 12/2008 so với tháng 12/2007 tăng 19,89% và giá tiêu dùng bình quân năm
2008 so với năm 2007 tăng 22,97%. Điều này đã làm cho thu nhập thực tế của nhân
dân, nhất là người làm công ăn lương, dân nghèo và cận nghèo đô thị, nông dân giảm
sút nhiều.
Dù chính phủ đã có các giải pháp tăng trợ cấp cho người về hưu và các đối tượng
chính sách (20%), hỗ trợ cho CNVC có bậc lương dưới 3,0, tăng tiền lương tối thiểu
khu vực doanh nghiệp vào đầu năm 2008,... nhưng đời sống của đa số người dân đô thị
đều bị ảnh hưởng.
Nối tiếp tình trạng lạm phát cao, kinh tế Việt Nam lại phải đương đầu với cơn suy
thoái do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ở nông thôn và đô thị, thất
nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, thu nhập sụt giảm. Người dân phải thắt chặt chi tiêu,
xu hướng bi quan trong tâm lý tiêu dùng của người dân đô thị tăng lên. Cuộc trưng cầu
ý kiến trên VnExpress vào đầu năm 2009 cho thấy hệ quả của lạm phát và suy giảm
kinh tế năm 2008 đã khiến cho 63,3% (trong số 3.447 người trả lời) cho biết họ phải
tiết kiệm tối đa trong cơn khủng hoảng hiện tại. Các cuộc khảo sát nhanh của Oxfam
tại các khu công nghiệp Hà Nội và người nghèo tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh
cuối năm 2008 cho thấy tác động của biến động lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu
đến sinh kế, việc làm, đời sống của công nhân, người nghèo tại các đô thị được khảo
sát là lớn, nhất là đối với người nhập cư, người nghèo và cận nghèo đô thị
(oxfaminvietnam.wordpress.com).
Lạm phát, sút giảm mức sống đã làm quan hệ lao động trở nên căng thẳng tại
nhiều doanh nghiệp khiến gia tăng các cuộc đình công của công nhân tại các đô thị và
khu công nghiệp (10/11/2008 Vnnet). Năm 2006 có 387 vụ đình công, năm 2007 tăng
lên 541 vụ. Tới năm 2008, có tới 650 cuộc đình công trong cả nước, chiếm khoảng
23% tổng số cuộc đình công trong 13 năm qua.
Trong khoảng 2 năm gần đây, yêu cầu của người lao động trong các cuộc đình
công phần lớn là về lợi ích. Riêng các cuộc đình công năm 2007, người lao động đã
đưa ra 836 yêu cầu thì chỉ có 154 yêu cầu về quyền, chiếm 18,4%, nhưng có tới 571
yêu cầu về lợi ích, chiếm 79,6%. Ở Hải Phòng, 98% số vụ ngừng việc tập thể và đình
công tự phát đều xuất phát từ quan hệ kinh tế tại doanh nghiệp giữa tập thể người lao
động với người sử dụng lao động. Tại Bình Dương, qua phân tích 333 cuộc tranh chấp
lao động tập thể cho thấy nguyên nhân về lợi ích kinh tế vẫn là nguyên nhân đầu tiên.
Trong số các cuộc đình công năm 2008, 80% xảy ra tại vùng trọng điểm kinh tế phía
Nam, 81,3% thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 71,3% thuộc về các
doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008 có
198 cuộc đình công, tăng 30% so với năm 2007. Bên cạnh đó là sự biến động liên tục
của các dòng lao động phổ thông ở các ngành sử dụng nhiều lao động, tạo nên tình
trạng không ổn định sản xuất của các doanh nghiệp này, bởi thu nhập thực tế của công
Nguyễn Xuân Mai
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
27
nhân ngày càng thấp.
Lạm phát cũng làm trầm trọng thêm tình trạng đình công và biến động lao động,
như là hệ quả sâu xa của chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) bằng giá nhân
công rẻ. Chính chiến lược này làm cho giới sử dụng lao động không chú ý đến quyền
lợi người lao động, không cần trao đổi, thương lượng với họ, còn các cơ quan chức
năng thì không quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ người lao động. Nợ BHXH diễn ra
phổ biến (đến nay số nợ BHXH đã lên tới 2.000 tỷ đồng) làm cho nhiều quyền lợi của
người lao động bị ảnh hưởng (như nghỉ ốm đau, thai sản, trợ cấp thôi việc...). Các vi
phạm khác của các doanh nghiệp FDI xảy ra ở hầu hết các vấn đề: không xây dựng
thang bảng lương; quy chế trả lương, thưởng hoặc chậm trả lương, nợ lương; không
đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh lao động, tăng ca quá mức; sa thải hoặc chấm dứt
hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động. Các thể chế lao động cũng
không hoàn chỉnh, làm cho tất cả các cuộc đình công đều không đúng qui trình pháp
luật và không hợp pháp.
Như vậy, ngoài các giải pháp cấp bách về kinh tế, kích thích tạo việc làm và tăng
thu nhập, về an sinh xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, kiểm soát chặt chẽ việc đóng
BHXH..., Bộ Luật Lao động cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo cơ chế cho tập
thể người lao động (đại diện là tổ chức công đoàn cơ sở) và người sử dụng lao động
chủ động đối thoại, đàm phán trong việc xác định thang lương, bảng lương và cơ chế
trả lương trả thưởng định kỳ hạn. Nhưng về cơ bản, luật phải tạo điều kiện thông
thoáng hơn nữa cho các bên thực hiện quyền tự thỏa thuận, bảo đảm tính linh hoạt
trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động theo nguyên tắc đồng thuận.
3. Khu vực phi chính thức ở đô thị - một lối thoát trước mắt và lâu dài
Một trong các giải pháp về tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội là phát triển khu
vực kinh tế phi chính thức, cả trong bối cảnh suy thoái trước mắt, lẫn hàng chục năm
tới. Khu vực kinh tế này "bao gồm các đơn vị sản xuất không có tư cách pháp nhân,
không chịu điều chỉnh của luật doanh nghiệp và không có giấy phép kinh doanh". Các
cuộc khảo sát của IDR và Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2004, khu vực kinh tế này
tạo ra hơn 10 triệu việc làm, gần một phần ba lực lượng lao động xã hội, chiếm 55,7%
số lao động phi nông nghiệp, đóng góp 20% GDP. Tại các thành thị - nơi tập trung các
hoạt động kinh tế chính thức, khu vực kinh tế này chiếm 41% số lao động. Ở Hà Nội,
khu vực này sử dụng 30% lực lượng lao động, còn ở TP. Hồ Chí Minh tương ứng là
32,9% và một phần ba số hộ gia đình tại hai thành phố này có nguồn thu nhập từ khu
vực kinh tế phi chính thứcP3P. Trong bối cảnh đẩy mạnh CNH-HĐH, việc thu hồi đất
nông nghiệp và đất ở, với hàng triệu thanh niên gia nhập lực lượng lao động hàng năm,
đã thúc đẩy mạnh mẽ dòng người di cư từ nông thôn vào các đô thị, cùng với hàng
triệu người tại các đô thị không thể tìm được việc làm chính thức cũng tham gia vào
khu vực này. Việc sắp xếp lại khu vực doanh nghiệp nhà nước đã đưa hàng chục vạn
lao động chuyển sang khu vực kinh tế phi chính thức, tránh được các bất ổn xã hội.
Tác động của những biến động kinh tế - xã hội trong năm 2008...
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
28
Mặc dù khu vực kinh tế phi chính thức có vai trò kinh tế và xã hội quan trọng như
vậy, nhưng dường như các chính sách công không khuyến khích sự phát triển và “bỏ
rơi” khu vực này. Việc tiếp cận các yếu tố của sản xuất kinh doanh như tín dụng, đất đai,
đào tạo, thông tin thị trường... hay các chính sách an sinh xã hội như BHXH, BHYT ở
khu vực này là rất khó khăn. Chỉ có 4% doanh nghiệp khu vực này ở TP. Hồ Chí Minh
và 6% ở Hà Nội được vay vốn. Họ cũng không có đất để sản xuất, kinh doanh khi giá đất
ở 2 thành phố lớn này quá cao, trong khi sức ép cạnh tranh lại rất lớn.
Nhiều chính sách quản lý đô thị không tính đến lợi ích của nhóm người yếu thế ở
khu vực kinh tế này. Những chính sách về quản lý trật tự đô thị, hay các nhóm cán bộ
thực thi chính sách dường như không quan tâm đến sinh kế của những nhóm nghèo,
với việc qui định nhiều tuyến phố cấm hàng rong, chợ cóc, trong khi không tổ chức đủ
các điểm họp chợ phù hợp với nhu cầu và lối sống của cư dân đô thị. Các chính sách
cấm xe xích lô, xe thô sơ, xe ba bánh, bắt xe ôm đăng ký hay mặc đồng phục... cũng
hạn chế nhiều cơ hội sinh kế, tăng thêm chi phí kinh doanh của người nghèo đô thị hay
người di cư. Sửa đổi những qui định quản lý đô thị nêu trên và cách thức thực thi
chúng là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay.
4. Mở rộng Hà Nội và công bằng xã hội
Một sự kiện nổi bật trong năm 2008 là mở rộng địa giới Hà Nội với sự sát nhập
toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và 4 xã huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Tỉnh Hà Tây chỉ trong một thời gian ngắn, trước khi nhập về Hà Nội đã phủ kín
75% quĩ đất nông nghiệp bằng 744 dự án, phần lớn là dự án bất động sản, với qui mô
75.100 ha (Lao động 4/5/2009). Theo tính toán của Cục Hợp tác xã và Phát triển nông
thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện nay, trung bình mỗi hộ nông dân
có 1,5 lao động và mỗi hecta đất bị thu hồi sẽ ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao
động nông nghiệp. Như thế việc thu hồi số đất cho 744 dự án sẽ ảnh hưởng đến việc
làm của khoảng trên 750.000 lao động nông thôn Hà Tây và cuộc sống của hàng triệu
con người. Một tác động sâu rộng như vậy, nhưng không hề có sự nghiên cứu về tác
động của việc thu hồi đất qui mô lớn đối với nông dân, nông thôn, nông nghiệp, không
có các kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nghề nghiệp, đào tạo nghề cho nông
dân bị mất đất và đào tạo cán bộ cho quá trình này. Vấn đề là ai sẽ hưởng lợi từ quá
trình mở rộng đô thị này? Cứ cho là sẽ có khoảng 2.4 triệu người ở trong các khu đô thị
mới, theo bản vẽ của các dự án và họ sẽ phải mua đất ở với giá khoảng 20 - 45 triệu/mP2P,
như giá bán của các dự án trên thị trường hiện nay, trong khi người nông dân được đền
bù khoảng vài trăm ngàn đồng/ mP2P. Giá thành đất dự án chỉ vào khoảng 2 - 4 triệu/mP2P.
Như vậy lợi ích to lớn của quá trình mở rộng đô thị sẽ rơi vào tay các chủ đầu tư, các
nhóm có suất VIP, giới đầu cơ. Ai sẽ ở trong các dự án đô thị mới như vậy, phải chăng là
người nghèo hay thu nhập thấp? Họ sẽ không thể ở trong nhưng ngôi nhà biệt thự, nhà
vườn, nhà liền kề với trị giá 3 - 10 tỷ đồng và cũng không thể ở trong các căn hộ chung
cư kinh doanh thương mại, đang có giá thị trường từ 11 - 30 triệu/mP2P và trên 1 tỷ/căn hộ,
trong khi giá thành chỉ từ 4 - 10 triệu/mP2P. Họ chỉ hy vọng phần nào vào chương trình nhà
Nguyễn Xuân Mai
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
29
ở xã hội, dù được ban hành khá lâu, và đang được cố gắng thúc đẩy hiện nay, nhưng
chưa có bằng chứng thành công thực tiễn.
Có lẽ vì những chênh lệch lợi ích như thế, nên chỉ trong thời gian 1 năm, từ ngày
29.5.2008, Thủ tướng cho Quốc hội biết: “Trong phạm vi dự kiến mở rộng Hà Nội, có
hơn 300 dự án đang chờ trình duyệt”, đã có thêm trên 400 dự án được duyệt. Quả là
cuộc cách mạng về thủ tục đầu tư! Phải chăng cần xem xét trách nhiệm của những
người đã ra các quyết định phê duyệt 400 dự án này, để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng
cho việc qui hoạch Hà nội mở rộng?
Những khảo sát về cuộc sống người dân tái định cư ở các đô thị Việt Nam thời
gian qua chỉ cho thấy bức tranh khá ảm đạm. Tại 12 khu tái định cư (KTĐC) ở Hà nội,
trong một điều tra mới đây của Viện NCPTKTXH Hà Nội, có 5 KTĐC có tỷ lệ người
không có việc làm từ 20 - 41%, 5 KTĐC có tỷ lệ phải chuyển đổi việc làm mới trong
khoảng 30-80%. Nhiều hộ tại các KTĐC trước đây có nhà xưởng, cửa hàng (tỷ lệ 20 -
29% tại 6 KTĐC) nay về nơi ở mới mất hẳn nguồn sinh kế này. Hầu hết hộ gia đình
giảm sút mức sống sau khi TĐC, kể cả các hộ thuộc nhóm khá giả. Trên 50% người trả
lời phàn nàn về chất lượng nhà ở và hạ tầng kỹ thuật và xã hội của KTĐCP2P.
Bên cạnh đó sẽ hình thành trong tương lai, bức tranh tương phản về sự giàu
nghèo, về sự thiếu kết nối cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội giữa các khu đô thị mới và
những làng xóm cũ, về cái gọi là tình trạng cư trú tách biệt, về tình tình trạng thất
nghiệp của hàng triệu con người mất đất, sẽ làm gia tăng mâu thuẫn xã hội, mà người
ta có thể liên tưởng đến tình trạng bạo loạn ở ngoại ô Paris năm 1968 và gần đây. Các
mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm xã hội, không được xử lý hợp lý trong quá trình
phát triển đô thị có thể làm cho nguy cơ bùng phát trở lại những tranh chấp, khiếu kiện
về đất đai bị thu hồi một thời ở Hà Tây cũ, từng làm nản lòng nhiều nhà đầu tư, giờ đây
sau khi sáp nhập vào Hà Nội, sẽ gây bất ổn xã hội.
Tất cả những vấn đề bức xúc kể trên cho thấy sự phát triển xã hội và con người
chưa được coi trọng, đặc biệt đối với các nhóm yếu thế và bị tác động của các dự án
phát triển đô thị. Cũng không phải ngẫu nhiên, Hà Nội đang xem xét lại 744 dự án nói
trên và điều chỉnh chúng, nhằm phù hợp với định hướng qui hoạch chung Hà Nội, cũng
như khắc phục sự “lãng quên” số phận của hàng triệu người nông dân đang bị mất đất
đai và sinh kế vì sự phát triển đô thị.
Tóm lại, việc hoạch định chính sách phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững
là bức thiết, mà ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế hiện tại là lời nhắc nhở nghiêm túc
đối với những người có trách nhiệm và cả cộng đồng đô thị. Việc điều chỉnh lại các thể
chế, điều tiết lợi ích theo hướng giảm thiểu bất bình đẳng xã hội, nâng cao vai trò của nhà
nước, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường sự tham gia của cộng đồng và
các tổ chức xã hội dân sự, trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, là các giải pháp cần thiết
nhằm phát triển đô thị bền vững ở nước ta hiện nay.
Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, biến động
Tác động của những biến động kinh tế - xã hội trong năm 2008...
Bản quyền thuộc viện Xã hội học www.ios.org.vn
30
kinh tế trong nước, các thảm họa thiên nhiên và dịch bệnh ngày càng khốc liệt đang đòi hỏi
một cách hết sức bức thiết việc hoàn thiện nhanh chóng hệ thống an sinh xã hội như một ưu
tiên hàng đầu trong quá trình phát triển. Các chính sách an sinh xã hội cần có những thay đổi
mạnh mẽ, trong đó BHXH cần hướng tới chương trình toàn dân về dài hạn và tập trung ưu
tiên trong trung hạn và ngắn hạn. Trong ngắn hạn và trung hạn, việc mở rộng phạm vi bao
phủ của BHXH phải tập trung vào việc khắc phục nguy cơ tổn thương của các hộ gia đình
khi đau ốm, thất nghiệp hoặc về già. Trợ cấp lương hưu xã hội không phải đóng góp và
phát thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo là hai biện pháp có nhiều triển vọng. Tăng cường các
biện pháp nhằm khắc phục tình trạng không có khả năng chi trả cho các dịch vụ cơ bản
của người nghèo, nhất là trong giáo dục và y tế. Sử dụng giải pháp “xã hội hoá” trong từng
trường hợp cụ thể phải kèm theo việc tìm hiểu thận trọng về những tác động tiềm ẩn của
nó (những tác động đó thường lớn hơn dự kiến), có lộ trình và bước đi thích hợp nhằm hạn
chế những tác động tiêu cực đến các nhóm xã hội yếu thế. Tập trung nguồn lực nhà nước
vào giáo dục tiểu học và THCS, hệ thống y tế cơ sở, cũng như vào việc tăng khả năng tiếp
cận giáo dục cho các nhóm xã hội yếu thế.
Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp nhỏ
và vừa, nhằm tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Chú trọng việc khuyến khích sự phát triển khu vực kinh tế không chính thức ở đô thị
trong khoảng 15 - 20 năm, như một bước quá độ của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại
hóa.
Tài liệu tham khảo
1. BKH&ĐT 2009, Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2008 và kế hoạch phát triển
kinh tế xã hội năm 2009
2. Viện NCPTKTXH Hà Nội 2009, Báo cáo điều tra đời sống KT - XH của các hộ gia
đình tái định cư trên địa bàn Hà Nội.
3. Mireille Razafindrakoto, Franỗois Roubaud, Lê Văn Dụy 2008, Thống kê khu vực
kinh tế phi chính thức ở Việt Nam: Thực trạng và triển vọng. U
4. Harvard Kennedy School 2008, Bài thảo luận chính sách 1,2,3
5. Trịnh Duy Luân, Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Mai, 2009. Báo cáo xã hội 2008.
Viện Xã hội học
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- so2_2009_nguyenxuanmai_6041.pdf