Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc bảo đảm quyền của người khuyết tật - Nguyễn Thu Trang

Tài liệu Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc bảo đảm quyền của người khuyết tật - Nguyễn Thu Trang: VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 43 Review article The Impacts of Industry 4.0 on the Rights of People with Disabilities Nguyen Thu Trang* National Economics University, No. 207 Giai Phong Road, Hai Ba Trung Distric, Hanoi, Viet Nam Received 12 January 2019 Revised 03 February 2019; Accepted 04 March 2019 Abstract: We are at the dawn of the industrial revolution 4.0. What will the industry 4.0 impact on the rights of people with disabilities. This paper aims at exploring the primary issues in connection with the impacts of the industry 4.0 on the rights of people with disabilities. This paper is therefore divided into four sections. The first section will provide an overview of the industry 4.0, the second section will provide an overview of the rights of people with disabilities, the third section will analyze the impacts of industry 4.0 on the rights of people with disabilities, and the last one will produce some re...

pdf10 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 489 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc bảo đảm quyền của người khuyết tật - Nguyễn Thu Trang, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 43 Review article The Impacts of Industry 4.0 on the Rights of People with Disabilities Nguyen Thu Trang* National Economics University, No. 207 Giai Phong Road, Hai Ba Trung Distric, Hanoi, Viet Nam Received 12 January 2019 Revised 03 February 2019; Accepted 04 March 2019 Abstract: We are at the dawn of the industrial revolution 4.0. What will the industry 4.0 impact on the rights of people with disabilities. This paper aims at exploring the primary issues in connection with the impacts of the industry 4.0 on the rights of people with disabilities. This paper is therefore divided into four sections. The first section will provide an overview of the industry 4.0, the second section will provide an overview of the rights of people with disabilities, the third section will analyze the impacts of industry 4.0 on the rights of people with disabilities, and the last one will produce some recommendations for ensuring the rights of people with disabilities in the industry 4.0. Keywords: Person with a disability, industry 4.0, discrimination, the rights of a person with a disability. * _______ * Corresponding author. E-mail address: thutrang8861@gmail.com https://doi.org/10.25073/2588-1167/vnuls. 4141 VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 44 Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc bảo đảm quyền của người khuyết tật Nguyễn Thu Trang* Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 207 Giải Phóng, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội Nhận ngày 12 tháng 01 năm 2019 Chỉnh sửa ngày 03 tháng 02 năm 2019; Chấp nhận đăng ngày 04 tháng 03 năm 2019 Tóm tắt: Việt Nam và thế giới đang đứng trước bình minh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Một vấn đề đặt ra là cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động như thế nào đến việc bảo đảm quyền của người khuyết tật. Bài viết này có mục đích giải quyết những vấn đề sơ khai về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc bảo đảm quyền của người khuyết tật. Theo đó, bài viết được chia thành bốn phần như sau: Phần thứ nhất trình bày khái quát về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phần thứ hai trình bày khái quát về quyền của người khuyết tật, phần thứ ba trình bày những tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với việc bảo đảm quyền của người khuyết tật và phần thứ tư trình bày các giải pháp nhằm bảo đảm quyền của người khuyết tật trong thời đại công nghiệp 4.0. Từ khóa: Trách nhiệm giải trình tư pháp; tư pháp, tòa án; thẩm phán; pháp luật quốc tế; các quốc gia. 1. Khái quát về cách mạng công nghiệp lần thứ tư * Hiện nay, lịch sử loài người đang ở trong thời kỳ đầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo PriceWater House Coopers, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tập trung đến số hoá (mã hoá) tất cả các tài sản hữu hình và tích hợp trong hệ thống kinh tế số (digital ecosystems) _______ * Tác giả liên hệ. Địa chỉ Email: thutrang8861@gmail.com https://doi.org/10.25073/2588-1167/vnuls. 4141 với các chuỗi giá trị [1, tr.6]. Theo Bộ Công nghiệp Cộng hoà Indonesia, điểm mấu chốt trong khái niệm công nghiệp 4.0 là nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc sử dụng sự kết nối và công nghệ thông tin (information & communication technology) [2, tr.3]. Theo Delloite, cách mạng công nghiệp 4.0 được dựa trên nền tảng hệ thống kết nối không gian số - thực thể (CPPS) [3, tr.3]. Bộ công nghiệp Australia có một định nghĩa tương đối đầy đủ về cách mạng công nghiệp 4.0 như sau: N.T. Trang / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 45 “Tương tự như internet đã tạo ra giá trị vô cùng to lớn bằng việc kết nối con người thực tại, thì trong thời đại công nghiệp lần thứ tư, sẽ có sự kết nối vật (Internet of Things), theo đó các vật sẽ được kết nối với nhau. Hệ thống kết nối không gian số - thực thể sẽ tạo ra sản xuất thông minh, ở đó các sản phẩm trí tuệ, máy móc, mạng lưới, hệ thống độc lập tương tác và kết nối với nhau trên một quy trình sản xuất thống nhất - giảm thiểu sự can thiệp của con người.” [4, tr.6] Có thể thấy rằng, các khái niệm về cách mạng công nghiệp 4.0 có sự khác nhau về ngôn ngữ diễn đạt. Tuy nhiên, về mặt nội dung các khái niệm đều thể hiện rõ cách mạng công nghiệp 4.0 được phát triển trên nền tảng số hoá và kết nối. Trước tiên, trong thời đại công nghiệp 4.0, mọi thứ được mã hoá và kết nối với nhau (digital transformation). Như vậy, các vật sẽ được gắn chip và bộ cảm biến thông minh và chúng được kết nối với nhau. Các thông tin của các thực thể và con người đều được mã hoá và đưa vào hệ thống chung. Theo nghiên cứu của Price Water House Coopers thì số hoá (mã hoá) mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp với kỳ vọng là giảm 3,6% chi phí hoạt động và hiệu quả tăng 4,1% [1, tr.13]. Hệ thống kết nối không gian số - thực thể (CPPS) dẫn đến hình thành mạng lưới sản xuất thông minh dọc (the vertical networking of smart production systems). Trí tuệ nhân tạo dần dần được sử dụng để thay thế con người trong các công việc ngày càng phức tạp hơn. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và robot, các công việc chân tay, thậm chí cả công việc trí óc dần dần sẽ do robot đảm nhiệm. Thực ra, hiện nay, chúng ta đã chứng kiến những trí tuệ nhân tạo thế hệ đầu. Ở nhiều nước đã có xe tự lái, trợ lí ảo, phần mềm dịch thuật. Trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp tạo ra những phương tiện tự lái trong các nhà máy và kho hàng, tiết kiệm thời gian và chi phí trong chuỗi quản lí (SCM), làm tăng độ tin cậy của sản phẩm, phân tích khối lượng dữ liệu khổng lồ mà còn có thể giúp có nhiều giải pháp xây dựng và thiết kế hoặc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa người và máy trong cung cấp dịch vụ [3, tr.8]. 2. Khái quát về quyền của người khuyết tật Theo con số của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến tháng 6-2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10,2% người khuyết tật là người cao tuổi, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo. Số liệu trên cho chúng ta thấy người khuyết tật là một bộ phận trong tổng dân số của Việt Nam. Rõ ràng, những người có khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần luôn gặp khó khăn hơn so với những người không khuyết tật trong cuộc sống và công việc. Ví dụ, người bị liệt chân phải ngồi xe lăn gặp khó khăn hơn so với người không khuyết tật khi tham gia giao thông. Những khiếm khuyết về y học của người khuyết tật có thể được khắc phục bằng công nghệ y học hiện đại, như máy trợ thính dành cho người khiếm thính, chữ nổi dành cho người khiếm thị, phương tiện dành cho người bị liệt chân, chân giả, tay giả,... Tuy nhiên, sự kỳ thị, thái độ thương hại, sự thiếu tin tưởng của xã hội đối với người khuyết tật mới là rào cản lớn đối với người khuyết tật. Trong môi trường học tập, trẻ em bị khiếm khuyết về trí tuệ khó có cơ hội tham gia học tập tại các trường học dành cho trẻ em bình thường. Theo một nghiên cứu thì những khó khăn mà gia đình có trẻ khuyết tật phát triển gặp phải là: khó khăn lớn nhất (chiếm 53.3% ý kiến trả lời) mà cha mẹ gặp phải là “Tìm kiếm trường/trung tâm có thể cho trẻ đi học”; Khó khăn thứ 2 mà cha mẹ gặp phải (chiếm 45.7% ý kiến trả lời) là “Tìm kiếm nhà chuyên môn giáo dục”; Khó khăn thứ 3 (với 41% ý kiến trả lời) là “Tìm kiếm các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ” và khó khăn thứ 4 (với 24.8% ý kiến trả lời) là “Tìm kiếm nhà chuyên môn về y tế, chăm sóc, nuôi dưỡng” [5, tr.4]. Các nhà tuyển dụng cũng N.T. Trang / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 46 dè dặt trong việc tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc. Người khuyết tật cũng là con người, họ không may mắn như những người bình thường, vì lí do bẩm sinh, bệnh tật, tai nạn hay rủi ro khác mà họ bị khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần. Vì vậy, sẽ thực sự vô lí và bất công nếu như người khuyết tật bị cô lập trong xã hội của loài người, bị phân biệt đối xử, phải chịu cảnh nghèo đói Người khuyết tật là con người nên họ phải được đối xử như một con người bình thường với đầy đủ các quyền của con người. Bên cạnh đó, họ cũng cần có cơ hội gia nhập một cách trọn vẹn vào toàn bộ đời sống, học tập, lao động của loài người. Có thể thấy rằng triết lí của việc xây dựng các quy định của pháp luật về quyền của người khuyết tật là nhằm bảo đảm người khuyết tật được đối xử theo đúng nghĩa là con người với đầy đủ những quyền mà Hiến pháp và pháp luật thừa nhận. Vì lẽ đó, trước hết, khái niệm “người khuyết tật” cần được xây dựng theo hướng chú trọng vào những rào cản về thái độ và môi trường xã hội đối với việc thực hiện quyền con người [6, tr.13]. Như vậy, định nghĩa “người khuyết tật” tối thiểu cần bao quát tất cả những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất hoặc tinh thần. Đây là cách tiếp cận của Công ước Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật: “Người khuyết tật bao gồm người bị khiếm khuyết dài hạn về thể chất, tinh thần, tư duy hoặc cảm giác và với sự tương tác với nhiều rào cản có thể cản trở họ tham gia đầy đủ và hiệu quả một cách bình đẳng với những người khác trong xã hội.” (Điều 1 Công ước Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật). Điều 2.1 Luật người khuyết tật năm 2010 của Việt Nam định nghĩa người khuyết tật: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Về cơ bản, mặc dù vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng bên cạnh đó khái niệm người khuyết tật trong pháp luật Việt Nam đã gần tương thích với cách tiếp cận của quốc tế về người khuyết tật. Quyền của người khuyết tật được chia thành bốn nhóm quyền chính. Nhóm thứ nhất các quyền cơ bản của con người, nhóm thứ hai là quyền được đối xử bình đẳng và không phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật, nhóm thứ ba là quyền tiếp cận và nhóm thứ tư là quyền được hỗ trợ. Nhóm thứ nhất, các quyền cơ bản của con người. Vì người khuyết tật cũng là con người, nên họ cũng có những quyền cơ bản của con người như quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Người khuyết tật là công dân của một quốc gia thì cũng có các quyền công dân như quyền bầu cử, quyền ứng cử và các quyền khác. Người khuyết tật cũng có quyền tự do kinh doanh, quyền có việc làm và các quyền khác như những người không khuyết tật. Nhóm thứ hai, quyền được đối xử bình đẳng và không phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật. Điều 5.2 Công ước Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật quy định: “Quốc gia thành viên phải cấm mọi sự phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật và bảo đảm người khuyết tật có công cụ pháp lí hiệu quả chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên bất kỳ cơ sở nào.” Như vậy, người khuyết tật được bảo vệ chống sự phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật. Có hai hình thức phân biệt đối xử: phân biệt đối xử trực tiếp hoặc phân biệt đối xử gián tiếp. Phân biệt đối xử trực tiếp là trường hợp người khuyết tật được đối xử kém thuận lợi hơn người không khuyết tật trong khi đó phân biệt đối xử gián tiếp liên quan đến các chính sách hoặc hành vi áp đặt những yêu cầu bất hợp lí lên người khuyết tật [7, tr.80-81]. Ví dụ, việc yêu cầu tất cả những người lao động phải có khả năng sử dụng điện thoại là phân biệt đối xử dù người sử dụng lao động không cố ý phân biệt đối xử trừ khi người sử dụng lao động chỉ ra rằng bản chất của công việc đòi hỏi tất cả người lao động phải có khả năng sử dụng điện thoại, ví dụ kinh doanh bán hàng qua điện thoại [8, tr.23-24]. Pháp luật Việt Nam cũng cấm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người khuyết tật. Như vậy, pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia đều cấm phân biệt đối xử với người khuyết tật. N.T. Trang / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 47 Nhóm thứ ba, quyền tiếp cận. Quyền tiếp cận của người khuyết tật được hiểu là quyền được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng dịch vụ xã hội, tham gia vào các hoạt động xã hội, thực hiện các quyền một cách bình đẳng với người không khuyết tật phù hợp với dạng khuyết tật. Người khuyết tật có đầy đủ các quyền con người và quyền công dân như một người không khuyết tật. Tuy nhiên, do khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần nên họ không có khả năng thực hiện các quyền này một cách đầy đủ như người bình thường. Ví dụ, trẻ em khiếm thính không thể ngồi nghe giảng trên lớp học bình thường nếu không có phương tiện hỗ trợVì vậy, quyền tiếp cận là điều kiện tiên quyết để người khuyết tật sống tự lập và tham gia đầy đủ và bình đẳng trong xã hội. Trước hết, người khuyết tật có nhu cầu tiếp cận môi trường sống, học tập, lao động thực tế của xã hội, được tham gia giao thông, được tiếp cận thông tin, được giao tiếp, được cống hiến cho xã hội, được tham gia các hoạt động xã hội, được sử dụng các dịch vụ xã hội và được sử dụng các cơ sở hạ tầng, phương tiện công cộng và các tiện tích công cộng khác trong xã hội một cách đầy đủ và bình đẳng như người không khuyết tật. Nhưng vì họ không có khả năng tiếp cận những thứ đó một cách đầy đủ và bình đẳng như người không khuyết tật. Nên nếu không thừa nhận những nhu cầu đó thành quyền của người khuyết tật thì mọi quy định về quyền của người khuyết tật chỉ mang ý nghĩa lí thuyết mà không có tính thực tế. Vì lẽ đó, pháp luật cần thừa nhận đây là quyền của người khuyết tật và tương ứng với nó là nghĩa vụ của Nhà nước, tổ chức, cá nhân cần phải bảo đảm quyền tiếp cận của người khuyết tật. Nhóm thứ tư, quyền được hỗ trợ. Do người khuyết tật thiệt thòi hơn người không khuyết tật trong học tập, lao động và sinh hoạt vì vậy họ cần được Nhà nước cho hưởng những ưu đãi nhất định nhằm giảm bớt những khó khăn mà họ phải gánh chịu do sự khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần. Chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật sẽ phụ thuộc vào mỗi quốc gia. Ví dụ, người khuyết tật có thể được miễn, giảm các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác; người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Đây là những hỗ trợ trực tiếp dành cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, các quốc gia còn có thể phát triển các chính sách hỗ trợ gián tiếp cho người khuyết tật. Ví dụ chính sách ưu đãi thuế và nghĩa vụ tài chính khác cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật có việc làm nuôi sống bản thân và gia đình. Các sản phẩm sản xuất dành riêng cho người khuyết tật như xe lăn, máy trợ thính cũng được hưởng ưu đãi thuế. 3. Tác động (tích cực, tiêu cực) của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến việc bảo đảm quyền của người khuyết tật Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng là công nghệ số và internet of things đã xoá nhoà khoảng cách về không gian và thời gian và người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là người tiêu dùng. “Chúng ta có thể đặt taxi, vé máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim hoặc chơi game từ khoảng cách xa.”[9, tr.3]. Chúng ta có thể thấy Uber hay Grab là những ví dụ điển hình của vai trò của công nghệ đối với tiêu dùng. Ngày nay, sinh viên hay các nhà khoa học đang dần dần không phải đến thư viện để tìm sách, thư viện số đã giúp họ có thể tiếp cận và đọc tài liệu ở bất kỳ đâu. Trong giáo dục, Topica là một ví dụ điển hình của việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục và đào tạo. Người học không cần phải đến lớp mà có thể đăng ký học online tại bất kỳ thời điểm nào, không gian nào. Như vậy, tác động đầu tiên của thế giới số là người tiêu dùng có thể đặt mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ ở bất kỳ đâu. Vì vậy, khoảng cách và đi lại không còn là trở ngại đối với việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Điều này mang những tín hiệu vui cho người khuyết tật. Họ chỉ cần ngồi nhà hay ở bất kỳ đâu mà vẫn có thể tham gia học tập, nghiên cứu, đặt mua hàng và sử dụng dịch vụ. N.T. Trang / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 48 Kỷ nguyên số dẫn đến số hoá tất cả các doanh nghiệp. Việc sử dụng các thiết bị thông minh, internet of things, cùng với hệ thống thông tin được mã hoá và kết nối toàn diện dẫn đến việc sử dụng lao động cũng thay đổi. Người lao động có thể làm việc cho nhiều doanh nghiệp ở những nơi khác nhau. Văn phòng thực không phải là một vấn đề quan trọng. Việc quản lí, điều hành, trao đổi công việc, trả kết quả công việc, tiếp khách hàng có thể được thực hiện trên môi trường số mà không nhất thiết phải có gặp gỡ mặt đối mặt (face to face). Thanh toán cũng được thực hiện hoàn toàn qua mạng internet. Đây cũng là một tín hiệu vui cho những người khuyết tật có bất lợi trong việc di chuyển, đi lại. Họ hoàn toàn có thể ở nhà hoặc ở đâu đó mà vẫn làm việc và có thu nhập. Như vậy, kỷ nguyên số sẽ giúp xoá nhoà những trở ngại về khả năng di chuyển của người khuyết tật bị hạn chế về khả năng đi lại. Những người này hoàn toàn có thể quản lí, điều hành, làm việc, tiêu dùng mà không phải đi lại. Có thể thấy rằng, quyền tiếp cận, quyền lao động, quyền tự do kinh doanh của người khuyết tật sẽ được bảo đảm tốt hơn trong thời đại công nghiệp 4.0 khi mà những cản trở về mặt thể chất không còn ý nghĩa trong thế giới ảo. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển của các thế hệ robot mới có khả năng thay thế con người cho các hoạt động từ đơn giản đến phức tạp. Như vậy, công nghệ hỗ trợ tối đa cho con người trong học tập, lao động và sinh hoạt. Vì vậy, những khó khăn của người khuyết tật có thể được khắc phục và giải quyết một cách dễ dàng. Ví dụ, với xe tự lái, người khuyết tật có khả năng di chuyển bằng phương tiện này mà không cần thiết phải sử dụng chân, tay điều khiển. Người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng có thể được chăm sóc y tế bởi những robot y tế thông minh qua đó làm giảm chi phí nhân lực trong chăm sóc y tế cho người khuyết tật và cũng giảm gánh nặng cho người thân thích của người khuyết tật. Nói tóm lại, cách mạnh công nghiệp lần thứ tư tăng cơ hội để cho người khuyết tật thực hiện được quyền học tập, quyền lao động, quyền kinh doanh và các quyền khác một cách bình đẳng với người không khuyết tật. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho người khuyết tật. Thứ nhất, không phải tất cả những người khuyết tật cũng đều có khả năng thụ hưởng những lợi ích mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Một điều khó có thể phủ định là tỷ lệ người khuyết tật sống trong cảnh nghèo đói, thất nghiệp cao hơn so với người không khuyết tật. Một nghiên cứu cho thấy: “Khoảng 20% người khuyết tật trong độ tuổi lao động (18 đến 60 tuổi) không làm việc. Lý do chính khiến người khuyết tật không làm việc là do sức khỏe kém vì lý do khuyết tật... Ở cấp độ gia đình, thu nhập hộ có quan hệ tỷ lệ nghịch với mức độ khuyết tật. Người khuyết tật thường thuộc những hộ nghèo hơn so với người không khuyết tật.” [10, tr.8] Rõ ràng, có một tỷ lệ không nhỏ người khuyết tật khó khăn trong việc tiếp cận và thụ hưởng những lợi ích của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đương nhiên, nhóm người này khó có thể tự mình bảo đảm được những quyền của người khuyết tật mà pháp luật đã ghi nhận. Với sự cô lập khỏi thế giới số, những người này vẫn tiếp tục sống trong tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cấu trúc quan hệ lao động theo hướng quyền của người lao động bị suy giảm. Như trên đã phân tích, việc thuận tiện trong việc tiếp cận, xử lí thông tin làm cho cơ hội các công ty tìm kiếm được các ứng viên làm việc bán thời gian tăng lên. Việc sử dụng không gian ảo khiến cho các công ty không còn nhiều nhu cầu sử dụng lao động dài hạn. Các quan hệ lao động ngắn hạn trở lên phổ biến ở nhiều nước. Những quyền, lợi ích của một người lao động dài hạn không còn được chú trọng. “Trong xu hướng đó, công đoàn, thoả ước lao động tập thể sẽ ngày càng mờ nhạt vai trò: khó mà thiết lập những thiết chế này khi mà lực lượng lao động ngắn hạn và luôn thay đổi, hơn nữa, người lao động phải cạnh tranh với máy móc.” [11, tr.5]. Như vậy, với xu hướng hợp đồng ngắn hạn được ưa chuộng, quan hệ lao động truyền thống N.T. Trang / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 49 bị phá vỡ. Các quy định có lợi cho người lao động nói chung và người lao động khuyết tật nói riêng khó có khả năng phát huy tác dụng. Bởi vì, với các hợp đồng ngắn hạn, có tính chất khoán việc, các bên sẽ tránh việc áp dụng Bộ luật lao động, thay vào đó các quy định của Bộ luật dân sự sẽ được các bên lựa chọn. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nói chung và người lao động khuyết tật nói riêng không còn được bảo đảm bởi các quy định khắt khe của luật lao động. Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 với quá trình tự động hoá và robot thay thế con người diễn ra nhanh chóng sẽ dẫn đến thay đổi cơ cấu lao động. Nhiều vị trí công việc có nguy cơ bị đe doạ thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo. “Theo các phân tích của Đại học Oxford và Ngân hàng Thế giới, 35% việc làm ở UK sẽ được thay thế bởi tự động hoá; ở nước OECD, 57% việc làm bị đe doạ, ở Trung Quốc, tỷ lệ việc làm bị đe doạ là 77% và Ethiopia là 85%. Điều này sẽ xảy ra nhanh chóng: theo báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường company Forrester thì đến năm 2021, 6% việc làm ở Hoa Kỳ được tự động hoá.” [11, tr.6]. Đây là thực tế sẽ xảy ra không xa. Như vậy, một số lượng rất lớn người lao động bị mất việc làm. Vậy những người khuyết tật thì sao? Đương nhiên, những người lao động khuyết tật cũng sẽ bị mất việc làm trong xu thế chung của toàn cầu. Như vậy, quyền có việc làm của con người nói chung và người khuyết tật nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có thể dự đoán hệ quả của cách mạng công nghiệp 4.0 đến việc bảo đảm quyền lao động, quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử của người khuyết tật như sau: Một là, những người có khiếm khuyết về tinh thần có nguy cơ mất việc làm và không có việc làm cao nhất. Trong thời đại công nghệ số, đòi hỏi lao động phải có trình độ cao, sự khiếm khuyết về tinh thần có thể sẽ là những lí do để người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng hoặc chấm dứt quan hệ lao động với người khuyết tật. Hai là, những người khuyết tật về thể chất nhưng không có trình độ chuyên môn cao cũng có nguy cơ mất việc làm. Sự thay đổi của công nghệ, dẫn đến nhu cầu lao động giản đơn hoặc trung cấp giảm đi. Như vậy, người có khiếm khuyết về tinh thần và người khuyết tật không có trình độ chuyên môn cao là hai nhóm đối tượng có nguy cơ chịu ảnh hưởng tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 nhất. Họ sẽ phải đối mặt với những hình thức phân biệt đối xử mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp 4.0. Đặc biệt sự phân biệt đối xử được bao bọc bởi những yếu tố như “tính chất của công việc” đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn phù hợp. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ phải đối mặt với những cuộc chiến pháp lí liên quan đến việc cho thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt. Hơn nữa, với xu thế ký hợp đồng ngắn hạn mang tính chất khoán việc, các hợp đồng này có tính chất của một hợp đồng dân sự thông thường mà không phải là hợp đồng lao động. Vì vậy các quy định khắt khe về các trường hợp sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động không được áp dụng đối với các quan hệ hợp đồng này, điều này càng giúp cho việc chấm dứt hợp đồng trở nên dễ dàng hơn. 4. Các giải pháp bảo đảm quyền của người khuyết tật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam Những phân tích trên cho thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần nâng cao khả năng bảo đảm quyền của người khuyết tật nhưng cũng đồng thời hình thành những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm quyền của người khuyết tật. Để hạn chế những ảnh tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc bảo đảm quyền của người khuyết tật, chúng tôi đề xuất các giải pháp sau: Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật. Để bảo đảm quyền của người khuyết tật, trước tiên, các quy định của pháp luật về quyền của người khuyết tật cần tiếp tục được hoàn thiện. Hiện nay, các quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật đã được thể hiện trong Luật N.T. Trang / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 50 người khuyết tật năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, nhiều quy định còn khá chung chung, chưa cụ thể. Vì vậy, chúng tôi đề xuất các quy định về quyền của người khuyết tật cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng sau: Cần có hướng dẫn, giải thích cụ thể về phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật. Quy định về chống phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật có thể được hướng dẫn bởi một văn bản quy phạm dưới luật hoặc giải thích bởi án lệ của toà án. Theo chúng tôi, phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật là dành cho người khuyết tật sự đối xử kém thuận lợi hơn so với người không khuyết tật hoặc áp đặt những điều kiện bất hợp lí làm cho người khuyết thật không thể thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Với cách giải thích này, quy định chống phân biệt đối xử vì lí do khuyết tật có thể bao quát cả trường hợp lạm dụng công nghệ để đối xử kém thuận lợi hơn cho người khuyết tật, hoặc tạo ra các rào cản bất hợp lí làm cho người khuyết tật không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình. Ví dụ, trong công ty có người khuyết tật bị mất cả hai tay, cửa ra vào sử dụng hệ thống nhận dạng vân tay mà không có hệ thống thay thế dành riêng cho người lao động khuyết tật bị mất cả hai tay là phân biệt đối xử. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền tiếp cận của người khuyết tật trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Theo đó hệ thống internet of things và công nghệ số cần bảo đảm khả năng tiếp cận, tham gia, sử dụng hệ thống internet of things, tiếp cận và xử lí thông tin. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sản xuất các thiết bị thông minh dành riêng cho người khuyết tật các dạng. Các chính sách khuyến khích bao gồm miễn, giảm thuế. Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất thiết bị thông minh dành riêng cho người khuyết tật đạt một số lượng hoặc tỷ lệ nhất định còn được xem xét miễn, giảm thuế tương ứng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Các quy định bảo đảm quyền tiếp cận của người khuyết tật trong thời đại công nghiệp 4.0 giúp cho người khuyết tật theo kịp với sự phát triển của thời đại, gia nhập vào thế giới số một cách bình đẳng và đầy đủ như người không khuyết tật. Nhà nước cần luật hoá nhu cầu sử dụng trợ giúp pháp lí của người khuyết tật thành quyền tiếp cận trợ giúp pháp lí của người khuyết tật. Trừ những người khuyết tật có điều kiện kinh tế có khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ pháp lí của luật sư, những người khuyết tật còn lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các hỗ trợ pháp lí. Do đó, việc ghi nhận trong luật quyền tiếp cận trợ giúp pháp lí của người khuyết tật là rất cần thiết. Để quyền này có thể được thực hiện trên thực tế, cần thiết lập các trung tâm hỗ trợ pháp lí cho người khuyết tật tại các hiệp hội hoặc tổ chức của người khuyết tật, sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng cần giao nhiệm vụ trợ giúp pháp lí cho người khuyết tật cho đơn vị trợ giúp pháp lí. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo luật cần được khuyến khích thành lập trung tâm trợ giúp pháp lí trong đó có phòng trợ giúp pháp lí cho người khuyết tật. Người khuyết tật nặng hoặc người khuyết tật đặc biệt nặng và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được trợ giúp pháp lí miễn phí. Kinh phí phục vụ cho hoạt động của các trung tâm này cần được huy động từ các nguồn tài trợ của xã hội. Thứ hai, hoàn thiện các quy định của pháp luật lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động khuyết tật. Như phần trên đã phân tích, các thiết chế như công đoàn, thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động dài hạn không còn là công cụ hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động nói chung và người lao động khuyết tật nói riêng. Vì vậy, nếu các quy định của pháp luật lao động không thay đổi để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội mới thì pháp luật lao động sẽ không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ người lao động. Chúng tôi đề xuất phương án: - Thay vì chú trọng vào công đoàn cấp cơ sở, pháp luật lao động cần chú trọng đến vai trò của công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành trong việc bảo vệ người lao động. Như vậy, người lao động có thể gia nhập công đoàn địa phương hoặc công đoàn ngành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. N.T. Trang / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 51 - Cần đa dạng hoá các loại hợp đồng lao động, với các thoả thuận linh hoạt về thời hạn hợp đồng, công việc, thời giờ làm việc... Pháp luật không nên hạn chế quyền thoả thuận về thời hạn hợp đồng, phạm vi công việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động và các nội dung khác. Tuy nhiên các quyền lợi cơ bản của người lao động cần được bảo đảm. Để tránh việc người sử dụng lao động lẩn tránh pháp luật bằng cách áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự đối với các hợp đồng làm việc ngắn hạn, pháp luật cần ghi nhận người lao động có quyền lựa chọn luật áp dụng là Bộ luật lao động hay Bộ luật dân sự. Thứ ba, thực hiện chính sách giáo dục trọn đời cho người khuyết tật. Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến sự thay đổi cơ cấu lao động trong xã hội, nhiều ngành nghề mất đi nhưng lại có những ngành nghề mới xuất hiện [12, tr.5]. Như vậy, người khuyết tật cũng phải sẵn sàng với những thay đổi này. Nhà nước và xã hội cần có chiến lược đào tạo suốt đời. Các chương trình đào tạo cần thay đổi theo hướng, người khuyết tật có thể tiếp cận với những cái mới và có khả năng học tập lâu dài. Quyền học tập suốt đời của người khuyết tật cần được bảo đảm trên thực tiễn mà không phục thuộc vào khuyết tật, tuổi tác. Các trường Đại học, các cơ sở dạy nghề cần đi tiên phong trong việc đào tạo suốt đời cho người lao động và có những chính sách ưu đãi, khuyến khích người khuyết tật tham gia học tập. Đương nhiên, các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề cung cấp dịch vụ đào tạo thường xuyên cho người khuyết tật sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi nhất định từ Nhà nước. Ví dụ, các chính sách hỗ trợ tài chính, chính sách ưu đãi về thuế, phí đối với các hoạt động phải chịu thuế, phí. Học tập suốt đời giúp cho người khuyết tật luôn cập nhật kiến thức mới, bảo đảm khả năng gia nhập và thực hiện các quyền trên thực tế. Điều này hoàn toàn đúng trong thời đại công nghiệp 4.0. Khi mà nhu cầu lao động có kĩ năng cao cấp tăng trong khi đó nhu cầu lao động có kĩ năng thấp, không qua đào tạo giảm. [9, tr.4] Thứ tư, nâng cao năng lực của các tổ chức, hiệp hội của người khuyết tật trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Vai trò của các tổ chức, hiệp hội của người khuyết tật là rất quan trọng trong việc bảo vệ nhóm người khuyết tật yếu thế khỏi những hành vi xâm phạm, lạm dụng của các chủ thể khác trong xã hội. Vì vậy, các tổ chức, hiệp hội này cần có quyền yêu cầu chấm dứt vi phạm, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện các chủ thể có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật nói chung. Các tổ chức, hiệp hội của người khuyết tật cần có quyền nhân danh cá nhân người khuyết tật yêu cầu các cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền của người khuyết tật chấm dứt hành vi vi phạm. Các tổ chức, hiệp hội của người khuyết tật cũng cần có quyền nhân danh cá nhân người khuyết tật khởi kiện, khiếu nại hoặc yêu cầu các cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. 5. Kết luận Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội lớn để người khuyết tật thực hiện được quyền của người khuyết tật trên thực tế khi mà các rào cản về thể chất bị xoá nhoà. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng gây ra những thách thức nhất định đối với người khuyết tật. Những thách thức xuất phát từ sự thay đổi của cách thức sản xuất, kinh doanh. Một số lượng không nhỏ người khuyết tật có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đồng thời một lực lượng lớn người khuyết tật có thể mất việc làm hoặc phải thay đổi việc làm do có sự thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và robot. Vì vậy, quyền của người khuyết tật bị ảnh hưởng đáng kể. Để bảo đảm quyền của người khuyết tật trong thời đại công nghiệp 4.0 cần thực hiện các giải pháp sau: (1) cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền của người khuyết tật; (2) tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật lao động; (3) thực hiện chính sách học tập trọn đời; và (4) nâng cao vai trò của các tổ chức, hiệp hội của người khuyết tật. N.T. Trang / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 1 (2019) 43-52 52 Tài liệu tham khảo [1] [PWC (2016), 2016 Global Industry 4.0 Survey, Industry 4.0: Building the digital enterprise, www.pwc.com/industry40; [2] Ministry of Industry of Republic of Indonesia (2017), Chances and Challenges of Industry 4.0 Workforce; [3] Delloite (2015), Industry 4.0 Challenges and solutions for the digital transformation and use of exponential technologies; [4] Prime Minister’s Industry 4.0 Taskforce (2017), Industry 4.0 Testlabs in Australia Preparing for the Future, Australian Government, Swinburne Research; [5] Đỗ Hạnh Nga (2011), Những khó khăn của gia đình có trẻ khuyết tật phát triển và nhu cầu của họ đối với dịch vụ xã hội, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Công tác xã hội-kết nối và chia sẻ, Trường Đại học KHXH&NV TpHCM tổ chức, 11/11/2011; [6] United Nations, From Exclusion to Equality - Realizing the rights of persons with disabilities, Handbook for Parliamentarians on the Convention on the Rights of Persons with Disabilities and Its Optional Protocol, No. 14 - 2007; [7] Lelia Helms (2010), Disability Litigation and Universities in Universities in Australia and the United States: A Comparative Perspective, International Journal of Law & Education, 1836- 9030 Vol 15, No 1, 2010, pp. 79-107; [8] Bonnie Poitras Tucker (1995), The Disability Discrimination Act: Ensuring Rights of Australians With Disabilities, Particularly Hearing Impairments, Monash University Law Review [Vol 21, No 1 '95] ; [9] Klaus Schwab, The Fourth Industrial Revolution: what it means and how to respond, World Economic Forum, https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the- fourth-industrial-revolution-what-it-means-and- how-to-respond; [10] Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (2013), Chi phí kinh tế của sống với khuyết tật và kỳ thị ở Việt Nam, Nhà xuất bản lao động, Hà Nội; [11] Sherif Elsayed-Ali (2016), Our human rights need to adapt, and fast, if they're to keep up with technology, World Economic Forum, https://www.weforum.org/agenda/2016/12/five -ways-technology-is-shaping-the-future-of- human-rights; [12] Meg Whitman (2017), The case for optimism as we face a daunting wave of technological change, https://www.weforum.org/agenda/2017/01/case- for-optimism-tech-change.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4141_85_8057_1_10_20190324_8875_2124697.pdf