Tài liệu Suy giảm nhận thức sau chấn thương sọ não: Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 216
SUY GIẢM NHẬN THỨC SAU CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO
Lê Thị Yến Phụng*, Trần Công Thắng**
TÓM TẮT
Mở đầu: Chấn thương sọ não là vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, gây tử vong và tàn tật
đứng hàng đầu. Ngoài ra, chấn thương sọ não còn ảnh hưởng lên chức năng nhận thức – một vấn đề còn chưa
được chú trọng nhiều ở Việt Nam.
Mục tiêu: Xác định tần suất, đặc điểm, và những yếu tố liên quan tới suy giảm nhận thức sau chấn
thương sọ não.
Đối tượng – Phương pháp nghiên cứu: Đánh giá chức năng nhận thức trên 63 bệnh nhân chấn thương
sọ não tại khoa Chấn thương sọ não bệnh viện Chợ Rẫy tại thời điểm 3 tháng sau chấn thương.
Kết quả: Tại thời điểm 3 tháng sau chấn thương, có 39 bệnh nhân có bất thường chức năng nhận thức
trên MoCA test với điểm trung bình là 19,9 ± 3,5, 24 bệnh nhân có chức năng nhận thức bình thường với điểm
trung bình 26,7 ± 0,9. Trong 39 bệnh nhân có ảnh hưởng...
7 trang |
Chia sẻ: Đình Chiến | Ngày: 05/07/2023 | Lượt xem: 365 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Suy giảm nhận thức sau chấn thương sọ não, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 216
SUY GIẢM NHẬN THỨC SAU CHẤN THƯƠNG SỌ NÃO
Lê Thị Yến Phụng*, Trần Công Thắng**
TÓM TẮT
Mở đầu: Chấn thương sọ não là vấn đề sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, gây tử vong và tàn tật
đứng hàng đầu. Ngoài ra, chấn thương sọ não còn ảnh hưởng lên chức năng nhận thức – một vấn đề còn chưa
được chú trọng nhiều ở Việt Nam.
Mục tiêu: Xác định tần suất, đặc điểm, và những yếu tố liên quan tới suy giảm nhận thức sau chấn
thương sọ não.
Đối tượng – Phương pháp nghiên cứu: Đánh giá chức năng nhận thức trên 63 bệnh nhân chấn thương
sọ não tại khoa Chấn thương sọ não bệnh viện Chợ Rẫy tại thời điểm 3 tháng sau chấn thương.
Kết quả: Tại thời điểm 3 tháng sau chấn thương, có 39 bệnh nhân có bất thường chức năng nhận thức
trên MoCA test với điểm trung bình là 19,9 ± 3,5, 24 bệnh nhân có chức năng nhận thức bình thường với điểm
trung bình 26,7 ± 0,9. Trong 39 bệnh nhân có ảnh hưởng chức năng nhận thức có 2 bệnh nhân có ảnh hưởng trên
hoạt động sống hàng ngày. Bệnh nhân bị chấn thương sọ não thường có tổn thương thùy trán, thùy thái dương,
xuất huyết dưới nhện và tụ máu dưới màng cứng. Chấn thương sọ não không ảnh hưởng lên một chức năng
nhận thức cụ thể mà ảnh hưởng đồng đều lên tất cả các nhóm. Độ nặng khi chấn thương, vị trí tổn thương và số
lượng tổn thương không tương quan với mức độ suy giảm nhận thức. Tuổi cao, nữ giới và trình độ học vấn thấp
là những yếu tố liên quan đến suy giảm nhận thức sau chấn thương.
Kết luận: Chấn thương sọ não là một yếu tố nguy cơ của suy giảm nhận thức, ảnh hưởng lên toàn thể
các chức năng nhận thức.
Từ khóa: chấn thương sọ não, suy giảm nhận thức, thang đánh giá nhận thức MoCA
ABSTRACT
COGNITIVE IMPAIRMENT AFTER TRAUMATIC BRAIN INJURY
Le Thi Yen Phung, Tran Cong Thang
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement of Vol. 21 - No 2 - 2017: 216 - 222
Background: Traumatic brain injury as a public health problem worldwide, causing death and
disability forefront. Besides, traumatic brain injury also affect cognitive function - a problem has not been
much focus on Vietnam.
Objective: Determine the frequency, characteristics, and factors related to cognitive impairment after
traumatic brain injury.
Methods: Assessment of cognitive function on 63 brain injury patients at the Department of Head
Trauma Cho Ray hospital at 3 months after injury.
Results: At 3 months after injury, 39 patients with abnormal cognitive function on the MoCA test with
average point of 19.9 ± 3.5, 24 patients had normal cognitive function with average point 26.7 ± 0.9. In 39
patients with cognitive functions affected 2 patients had an influence on activities of daily living. Patients with
traumatic brain injury often have damage the frontal lobe, temporal lobe, subarachnoid hemorrhage and subdural
hematoma. Traumatic brain injury does not affect a specific cognitive functions that affects equally to all groups.
*Bộ môn Thần Kinh, Đại học Y Dược TPHCM
Tác giả liên lạc: BS. Lê Thị Yến Phụng ĐT: 0934040239 Email: yenphungle@gmail.com
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Thần kinh 217
As injury severity, lesion location and number of lesions does not correlate with the degree of cognitive
impairment. Advanced age, female gender and low levels of education are factors related to cognitive impairment
after injury.
Conclusion: Traumatic brain injury is a risk factor of cognitive impairment, can affect all
cognitive functions.
Keywords: traumatic brain injury, cognitive impairment, MoCA test
ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Niên giám thống kê y tế của Bộ Y tế
Việt Nam vào các năm 2010(2), 2011(3), và
2012(4), tổn thương do chấn thương trong sọ
luôn luôn là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử
vong hàng đầu. Ngoài tỷ suất tử vong cao, các
nạn nhân chấn thương sọ não còn chịu các ảnh
hưởng về tàn tật, tâm lý và nhận thức sau
chấn thương. Trên thế giới đã có nhiều công
trình nghiên cứu về suy giảm nhận thức sau
chấn thương sọ não. Về dịch tễ học, chấn
thương sọ não ở tuổi trẻ và trung niên làm
tăng nguy cơ sa sút trí tuệ ở khi lớn tuổi gấp 2
đến 4 lần so với dân số chung(7). Tại Thái Lan –
một quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội và
giao thông gần giống nhất với Việt Nam, trong
một nghiên cứu tiến hành năm 2011 có 27,1%
bệnh nhân chấn thương sọ não nhẹ có ảnh
hưởng tới chức năng điều hành – là một trong
các lĩnh vực của nhận thức(11). Hiện tại ở Việt
Nam chưa có nhiều công trình nghiên cứu
đánh giá về nhận thức trên các bệnh nhân sau
chấn thương sọ não.
ĐỐI TƯỢNG – PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Bệnh nhân sau chấn thương sọ não được
điều trị tại Khoa chấn thương sọ não bệnh viện
Chợ Rẫy trong khoảng thời gian từ 01/01/2016
đến 31/01/2016. Thời gian đánh giá vào 3 tháng
sau chấn thương.
Phương pháp nghiên cứu
Cắt ngang mô tả.
Bước 1: Thu thập số liệu về dịch tễ học, lâm
sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân chấn
thương sọ não nhập viện từ 01/02/2016 đến
29/02/2016 trong thời gian bệnh nhân nằm
nội trú.
Bước 2: Khi bệnh nhân tái khám vào thời
điểm 3 tháng, đánh giá thang điểm MoCA, IADL
và phỏng vấn bệnh nhân và/hoặc thân nhân về
tính chất giảm trí nhớ của bệnh nhân sau xuất
viện, thời gian từ 01/04/2016 đến 30/04/2016.
KẾT QUẢ
Đặc điểm chấn thương sọ não và suy giảm
nhận thức
Trong 63 bệnh nhân tham gia nghiên cứu, nữ
giới có 17 người chiếm tỷ lệ là 27,0%, nam có 46
người chiếm tỷ lệ 73,0%. Như vậy nam chiếm ưu
thế với tỷ lệ nam/ nữ là 2,7/1.
Bệnh nhân bị chấn thương sọ não có tuổi
thấp nhất là 19 tuổi và cao nhất là 68 tuổi, độ tuổi
trung bình là 37,3 ± 13,3 tuổi. Trong đó tuổi trung
bình của nữ giới là 44,6 ± 13,5 tuổi, tuổi trung
bình của nam giới là 34,5 ± 12,2 tuổi.Tỷ lệ bệnh
nhân bị chấn thương sọ não cao nhất trong
nhóm 19-40 tuổi chiếm 60,3% (38 bệnh nhân),
nhóm trên 60 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất 4,8% (3
bệnh nhân).
Có 30,2% bệnh nhân được đi học từ 1 đến 6
năm (19 bệnh nhân), 47,6% bệnh nhân được đi
học từ 7 đến 12 năm (30 bệnh nhân), và 22,2%
bệnh nhân đi học trên 12 năm (14 bệnh nhân).
Có 41 bệnh nhân có sử dụng rượu chiếm
65,1% và tất cả là nam giới. Có 25 bệnh nhân có
sử dụng thuốc lá chiếm 39,7% trong đó có 24
bệnh nhân nam và 1 bệnh nhân nữ.
Tình huống xảy ra chấn thương: Tỷ lệ chấn
thương sọ não do tai nạn giao thông là 88,9% (56
trường hợp) và chấn thương do tai nạn sinh hoạt
là 11,1% (7 trường hợp).
Trong chấn thương do tai nạn sinh hoạt, có
4 trường hợp do té trên mặt phẳng ngang
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 218
chiếm 57,1% (6,3% tỷ lệ chung), 2 trường hợp
do rơi từ trên cao xuống chiếm 28,6% (3,2% tỷ
lệ chung), 1 trường hợp do bị đánh chiếm
14,3% (1,6% tỷ lệ chung).
Mức độ chấn thương
Trong nghiên cứu của chúng tôi có 42 trường
hợp chấn thương mức độ nhẹ chiếm 66,7% và 21
trường hợp chấn thương mức độ trung bình
chiếm 33,3%.
Dấu thần kinh định vị
Có 4 trường hợp có yếu nửa người chiếm tỷ
lệ 6,3% và 3 trường hợp mất khứu sau chấn
thương chiếm tỷ lệ 4,8%. Các dấu thần kinh khác
như co giật, mất ngôn ngữ và giới hạn thị trường
không ghi nhận trường hợp nào.
Đặc điểm CT Scan não
Bảng 1. Phân bố tổn thương trên CT Scan đầu
Tổn thương Tần suất Tỷ lệ
Không có tổn thương 25 39,7%
Có tổn thương 38 60,3%
Vị trí Thùy trán 11 28,9%
Thùy đính 2 5,2%
Thùy chẩm 1 2,6%
Thùy thái dương 13 34,2%
Xuất huyết dưới nhện 12 31,6%
Tụ máu ngoài màng
cứng
4 10,5%
Tụ máu dưới màng
cứng
15 39,5%
Xuất huyết liềm, lều 8 21,1%
Số lượng Một tổn thương 20 52,6%
Nhiều tổn thương 18 47,4%
Bán cầu Trái 13 34,2%
Phải 13 34,2%
Hai bên 12 31,6%
Nhóm bệnh nhân bị chấn thương sọ não có
tổn thương trên CT scan chiếm tỷ lệ cao hơn
nhóm bệnh nhân chấn thương không có tổn
thương trên CT scan đầu. Trong các vị trí tổn
thương, tổn thương nhu mô tại thùy trán và thùy
thái dương thường gặp nhất. Trong các tổn
thương ngoài nhu mô, xuất huyết khoang dưới
nhện và tụ máu ngoài màng cứng thường gặp
nhất. Tỷ lệ bệnh nhân có 1 tổn thương và nhiều
tổn thương tương đương nhau. Tỷ lệ bệnh nhân
có tổn thương ở bán cầu trái, bán cầu phải hoặc
cả 2 bán cầu cũng tương đương nhau.
Tỷ lệ suy giảm nhận thức
Dựa trên MoCA test với điểm cắt là 26,
trong 63 trường hợp có 24 trường hợp nhận
thức bình thường chiếm 38,1%, và 39 ca có
tình trạng suy giảm nhận thức chiếm 61,9%.
Điểm MoCA thấp nhất là 13, cao nhất là 29,
trung bình là 22,5 ± 4,4 điểm.
Trong 39 ca có suy giảm nhận thức, có 2 ca
có ảnh hưởng đến hoạt động sống hàng ngày
chiếm tỷ lệ 2,9% tổng số bệnh nhân. Do đó,
chúng tôi không tách riêng nhóm có suy giảm
nhận thức và hoạt động sống hàng ngày mà
gộp chung trong tính toán số liệu về suy giảm
nhận thức.
Đặc điểm suy giảm nhận thức trên chấn
thương sọ não
Bảng 2. Liên quan giữa các lĩnh vực nhận thức và sự
suy giảm nhận thức
Điểm trung bình Có SGNT Không SGNTχ
2 p
TGKG/CNĐH 3,1 4,54 25,12 0,000
Gọi tên 2,00 2,88 20,82 0,000
Chú ý 4,77 5,83 21,86 0,000
Ngôn ngữ 0,74 2,21 31,79 0,000
Trừu tượng 0,38 1,17 17,18 0,000
Nhớ lại 2,72 3,83 13,09 0,000
Định hướng 5,36 5,92 10,09 0,001
Hầu hết các lĩnh vực nhận thức đều bị ảnh
hưởng sau chấn thương sọ não ở các mức độ
khác nhau.
Điểm MoCA test theo mức độ chấn thương
Nhóm 42 bệnh nhân chấn thương mức độ
nhẹ có điểm MoCA test trung bình là
21,95 ± 4,43.
Nhóm 21 bệnh nhân chấn thương mức độ
trung bình có điểm MoCA test trung bình là
23,52 ± 4,18.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Thần kinh 219
Mối liên quan giữa suy giảm nhận thức và đặc điểm chấn thương sọ não
Bảng 6. Liên quan của đặc điểm dịch tễ và suy giảm nhận thức
Nhóm có chức năng nhận
thức bình thường
Nhóm suy giảm nhận
thức
Giá trị p
Tuổi 29,2 ± 9,7 42,2 ± 12,7 p=0,041
Giới
Nam 22 (47,8%) 24 (52,2%)
p=0,018
Nữ 2 (11,8%) 15 (88,2%)
Trình độ học vấn
1-6 năm 0 (0,0%) 19 (48,7%)
p=0,000 7-12 năm 12 (50,0%) 18 (46,2%)
Trên 12 năm 12 (50,0%) 2 (5,1%)
Các yếu tố tuổi, giới và trình độ học vấn
có liên quan với sự suy giảm nhận thức của
bệnh nhân.
Mức độ chấn thương
Trong nhóm suy giảm nhận thức có 28 bệnh
nhân chấn thương mức độ nhẹ (71,8%) và 11
bệnh nhân chấn thương mức độ trung bình
(28,2%). Trong nhóm chức năng nhận thức bình
thường có 14 bệnh nhân chấn thương mức độ
nhẹ và 10 bệnh nhân chấn thương mức độ trung
bình. Sự khác biệt giữa 2 nhóm không có ý nghĩa
thống kê, p=0,41>0,05.
Tổn thương trên CT Scan
Trong nhóm suy giảm nhận thức có 14 bệnh
nhân không có tổn thương trên CT Scan đầu
(35,9%) và 25 bệnh nhân có tổn thương trên CT
Scan đầu (64,1%). Trong nhóm chức năng nhận
thức bình thường có 11 bệnh nhân không có tổn
thương trên CT Scan đầu (45,8%) và 13 bệnh
nhân có tổn thương trên CT Scan đầu (54,2%). Sự
khác biệt giữa 2 nhóm không có ý nghĩa thống
kê, p=0,596 >0,05.
Vị trí tổn thương trên CT Scan đầu
Có 25 bệnh nhân suy giảm nhận thức và có
tổn thương trên CT Scan đầu, số lượng bệnh
nhân có tổn thương bán cầu phải, bán cầu trái và
2 bán cầu lần lượt là 8 (32%), 10 (40,0%), 7
(28,0%). Có 13 bệnh nhân nhận thức bình thường
và có tổn thương trên CT Scan, số lượng bệnh
nhân có tổn thương bán cầu phải, bán cầu trái và
2 bán cầu lần lượt là 5 (38,5%), 3 (23,0%), 5
(38,5%). Sự khác biệt về vị trí tổn thương ảnh
hưởng chức năng nhận thức giữa các nhóm
không có ý nghĩa thống kê, p=0,69>0,05.
Số lượng tổn thương trên CT Scan đầu
Có 25 bệnh nhân suy giảm nhận thức có tổn
thương trên CT Scan đầu trong đó 12 bệnh nhân
tổn thương 1 vị trí (48,0%) và 13 bệnh nhân tổn
thương nhiều vị trí (52,0%). Có 13 bệnh nhân
nhận thức bình thường có tổn thương trên CT
Scan đầu trong đó 8 bệnh nhân tổn thương 1 vị
trí (61,5%) và 5 bệnh nhân tổn thương nhiều vị
trí (38,5%). Sự khác biệt giữa 2 nhóm không có ý
nghĩa thống kê, p=0,506 >0,05.
Vị trí tổn thương
Tổn thương tại thùy trán ảnh hưởng nhiều
nhất đến chức năng điều hành/thị giác không
gian, nhớ lại, tư duy trừu tượng, và ngôn ngữ.
Đồng thời chỉ có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê
về nhớ lại giữa vị trí thùy trán và các vị trí khác,
các lĩnh vực nhận thức khác không có sự khác
biệt này.
Tổn thương thùy thái dương ảnh hưởng đến
chức năng điều hành/thị giác không gian, nhớ
lại, ngôn ngữ và tư duy trừu tượng. Đồng thời
không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về các
lĩnh vực nhận thức của tổn thương thùy thái
dương so với các vị trí khác.
Trong tổn thương xuất huyết dưới nhện,
chức năng ngôn ngữ thay đổi chiếm tỉ lệ cao
nhất, ngoài ra còn có chức năng điều hành/thị
giác không gian, nhớ lại, chú ý, tư duy trừu
tượng. Đồng thời không có sự khác biệt có ý
nghĩa thống kê về các lĩnh vực nhận thức giữa
tổn thương xuất huyết dưới nhện và các
tổn thương khác.
Tổn thương tụ máu dưới màng cứng gây
ảnh hưởng lên hầu hết các chức năng ngoại trừ
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 220
chức năng định hướng. Đồng thời không có sự
khác biệt có ý nghĩa thống kê về các lĩnh vực
nhận thức giữa tổn thương tụ máu dưới màng
cứng với các vị trí khác.
BÀN LUẬN
Tuổi
Trong số 63 bệnh nhân chấn thương sọ não,
tỷ lệ cao nhất trong 2 nhóm 19-40 tuổi (60,3%) và
41-60 tuổi (34,9%) là nhóm tuổi lao động. Điều
này có thể giải thích do nhóm bệnh nhân trong
độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong cấu trúc
dân số và cũng là nhóm tham gia lưu thông và
lao động chủ yếu, vì thế nguy cơ bị chấn thương
khi tham gia giao thông hay tham gia lao động
sẽ cao hơn các nhóm tuổi khác.Kết quả phân tích
của chúng tôi cho thấy sự suy giảm nhận thức
của bệnh nhân chấn thương sọ não có gia tăng
theo tuổi. Tuy nhiên, dù nhóm suy giảm nhận
thức có độ tuổi trung bình cao hơn nhóm không
suy giảm nhận thức (42,2 ± 12,7 so với 29,2 ± 9,7)
nhưng đây vẫn là độ tuổi lao động. Sự suy giảm
này có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng, khả
năng làm việc trở lại sau chấn thương.
Giới
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ nữ
chiếm 27,0% và nam chiếm 73%. So sánh với
nghiên cứu của tác giả Trương Phước Sở nữ
chiếm 33,5% và nam chiếm 66,5%(9), nghiên
cứu của tác giả Trương Văn Việt nữ chiếm
39,5% và nam chiếm 60,5%(10). Dù các kết quả
thống kê có sự khác biệt giữa các nghiên cứu
nhưng tỷ lệ nam bị chấn thương sọ não cao
hơn nữ khoảng 2 lần.
Trình độ học vấn
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy bệnh
nhân được đi học từ 1-6 năm chiếm 30,2%, từ
6-12 năm là 47,6%, và trên 12 năm là 22,2%.
Kết quả cho thấy trình độ học vấn dưới 12
năm chiếm đa số vì nghiên cứu đã loại đi các
bệnh nhân không biết chữ để dễ thực hiện
đánh giá MoCA test. Điều này cũng phù hợp
với trình độ văn hóa giáo dục của Việt Nam.
Đồng thời dân số trong nghiên cứu phổ biến ở
khu vực nông thôn nên phân bố trình độ học
vấn chủ yếu dưới 12 năm.Trong nghiên cứu
của chúng tôi, sự suy giảm nhận thức có liên
quan đến trình độ học vấn có ý nghĩa thống
kê. Và trình độ học vấn cũng được chứng
minh là yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức. Với
số năm được đi học chính thức càng cao thì ít
có nguy cơ suy giảm nhận thức và sa sút trí
tuệ hơn những người được đi học ít hơn(1).
Đặc điểm suy giảm nhận thức trên bệnh
nhân chấn thương sọ não
Trong nghiên cứu của chúng tôi, điểm
MoCA test trung bình là 22,5 ± 4,4 điểm. Trong
nghiên cứu của tác giả Pertiwi điểm MoCA test
trung bình là 23,84 ± 3,13(6). Điều này có thể giải
thích do tỷ lệ bệnh nhân tốt nghiệp phổ thông
trong nghiên cứu của tác giả Pertiwi cao hơn so
với chúng tôi (44,6% so với 22,2%).
Điểm MoCA test trong nghiên cứu của
chúng tôi ở nhóm bệnh nhân chấn thương sọ
não nhẹ và trung bình lần lượt là 21,95 ± 4,43
điểm và 23,52 ± 4,18 điểm. Trong nghiên cứu của
tác giả de Guise điểm MoCA của 2 nhóm lần
lượt là 19,02 ± 6,38 điểm và 18,83 ± 6,09 điểm(5).
Điểm MoCA trong nhóm chấn thương mức độ
trung bình của chúng tôi cao hơn so với nhóm
chấn thương mức độ nhẹ do trong nhóm chấn
thương mức độ trung bình có tỷ lệ bệnh nhân đã
tốt nghiệp phổ thông cao hơn, với 14,3% ở nhóm
chấn thương nhẹ và 38,1% ở nhóm chấn thương
trung bình.
Điểm MoCA trong nghiên cứu của chúng
tôi ở nhóm bệnh nhân không có tổn thương
trên CT Scan và có tổn thương (tương ứng với
tổn thương lan tỏa độ I và độ II) lần lượt là
23,92 ± 3,52 điểm và 21,53 ± 4,66 điểm. Trong
nghiên cứu của tác giả de Guise điểm MoCA
lần lượt là 18,84 ± 5,83 điểm và 18,55 ± 6,58
điểm(5).
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017 Nghiên cứu Y học
Thần kinh 221
Mức độ chấn thương
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ chấn
thương mức độ nhẹ là 66,7% và chấn thương
mức độ trung bình là 33,3%. Trong nghiên cứu
của tác giả Trương Phước Sở, tỷ lệ chấn thương
mức độ nhẹ 61,6% và chấn thương mức độ trung
bình là 29,3%(9). Trong nghiên cứu của tác giả de
Guise tỷ lệ bệnh nhân chấn thương mức độ nhẹ
là 55,1% và mức độ trung bình là 26,1%(5). Có sự
khác biệt này có thể giải thích do trong nghiên
cứu của chúng tôi không có bệnh nhân chấn
thương mức độ nặng. Và qua số liệu của các
nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân chấn
thương mức độ nhẹ cao hơn chấn thương mức
độ trung bình khoảng 2 lần.
Nghiên cứu của chúng tôi cũng cho kết luận
giống nghiên cứu của tác giả de Guise là không
có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về điểm
MoCA giữa mức độ chấn thương nhẹ và trung
bình, và điều này cũng tương tự khi phân tích
với từng lĩnh vực nhận thức(5).
Tổn thương trên CT Scan đầu
Trong nghiên cứu của chúng tôi, trong nhóm
có tổn thương tỷ lệ bệnh nhân có dập não là
52,6%, xuất huyết dưới nhện là 31,6%, xuất huyết
liềm lều là 21,1%, tụ máu dưới màng cứng là
39,5%, tụ máu ngoài màng cứng là 10,5%. Trong
tổn thương dập não chủ yếu gặp ở thùy thái
dương và thùy trán. Những tổn thương nội sọ
ghi nhận được trong nghiên cứu của chúng tôi
phù hợp với các vị trí tổn thương được ghi nhận
trong lý thuyết cũng như qua các nghiên cứu là
thùy trán, thùy thái dương, xuất huyết dưới
nhện và tụ máu dưới màng cứng.
Trong nghiên cứu của chúng tôi không có sự
khác biệt có y nghĩa thống kê về điểm MoCA
giữa 2 nhóm có và không có tổn thương. Điều
này tương tự như kết luận của tác giả de Guise
không có sự khác biệt có ý nghĩa về điểm MoCA
giữa các nhóm của phân loại Marshall trên CT
Scan sau chấn thương(5).
Vị trí tổn thương trên CT Scan đầu
Trong nghiên cứu của chúng tôi, không có sự
khác biệt có ý nghĩa thống kê về suy giảm nhận
thức giữa tổn thương bán cầu trái, bán cầu phải
hoặc cả 2 bán cầu.
Tổn thương thùy trán, thùy thái dương, xuất
huyết dưới nhện và tụ máu dưới màng cứng
thường gặp trong chấn thương sọ não tuy nhiên
các tổn thương này không ảnh hưởng chuyên
biệt lên chức năng nhận thức nào. Điều này có
thể giải thích do trong chấn thương sọ não tổn
thương có thể không ở 1 vị trí, hơn nữa mặc dù
không thấy tổn thương trên CT Scan nhưngtổn
thương lan tỏa do nhu mô bị kéo căng và rách
trên diện rộng, bao gồm nhiều loại tổn thương
như xuất huyết và rách nhu mô trên toàn não bộ.
Dạng này thường gặp trong cơ chế tăng /giảm
tốc như trong tai nạn giao thông(8). Ngoài ra, tổn
thương xuất huyết dưới nhện gây ảnh hưởng
chức năng nhận thức do ảnh hưởng của tăng áp
lực nội sọ cấp tính và đầu nước sau xuất huyết
dưới nhện. Tổn thương tụ máu dưới màng cứng
thường xuất hiện ở vị trí thùy trán và thái dương
gây chèn ép các cấu trúc thần kinh gây ảnh
hưởng lên chức năng nhận thức.
KẾT LUẬN
Qua khảo sát trên 63 bệnh nhân chấn thương
sọ não, bao gồm 42 trường hợp chấn thương
mức độ nhẹ (66,7%) và 21 trường hợp chấn
thương mức độ trung bình (33,3%), chúng tôi có
kết luận:
Trên bệnh nhân chấn thương sọ não, tỷ lệ
suy giảm nhận thức là 61,9%, trong đó có 2,9% là
suy giảm nhận thức điển hình và 59% suy giảm
nhận thức nhẹ.
Chấn thương sọ não gây suy giảm tất cả các
chức năng nhận thức (thị giác không gian/chức
năng điều hành, gọi tên, chú ý, ngôn ngữ, trừu
tượng, nhớ lại và định hướng) tuy nhiên không
có mất chức năng nhận thức chuyên biệt.
Mối liên quan tình trạng nhận thức và đặc
điểm chấn thương: Tuổi bệnh nhân càng cao,
nguy cơ suy giảm nhận thức tăng.Nữ giới có
nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn nam giới.
Bệnh nhân có trình độ học vấn thấp có nguy cơ
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 21 * Số 2 * 2017
Chuyên Đề Nội Khoa 222
suy giảm nhận thức cao hơn. Tổn thương thùy
trán ảnh hưởng đến chức năng điều hành/thị
giác không gian, ngôn ngữ, tư duy trừu tượng.
Tổn thương thùy thái dương ảnh hưởng đến
ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, nhớ lại và định
hướng. Tổn thương xuất huyết dưới nhện ảnh
hưởng đến chức năng điều hành/thị giác không
gian, chú ý, ngôn ngữ, trừu tượng và nhớ lại.
Tổn thương tụ máu dưới màng cứng ảnh hưởng
đến chức năng điều hành/thị giác không gian,
gọi tên, chú ý, ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, nhớ
lại. Tình trạng suy giảm nhận thức không tương
quan với độ nặng khi chấn thương, vị trí tổn
thương và số lượng tổn thương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Baumgart M, Snyder HM, Carrillo MC (2015). Summary of the
evidence on modifiable risk factors for cognitive decline and
dementia: A population-based perspective. Alzheimer’s&
Dementia, 11: 718-26.
2. Bộ Y tế (2011). Niên giám thống kê y tế 2010. Nhà xuất bản Y
học, Hà Nội: 203-209.
3. Bộ Y tế (2012). Niên giám thống kê y tế 2011. Nhà xuất bản Y
học, Hà Nội: 210-216.
4. Bộ Y tế (2013). Niên giám thống kê y tế 2012. Nhà xuất bản Y
học, Hà Nội: 214-220.
5. de Guise E, Alturki AY, LeBlanc J, et al (2014). The Montreal
Cognitive Assessment in persons with traumatic brain injury.
Appl Neuropsychol Adult, 21 (2): 128-35.
6. Pertiwi JM, Yusuf I, As’ad S, et al (2015). Executive Function
and Nitric Oxide in Mild-Moderate Traumatic Brain Injury.
Scholars Journal of Applied Medical Sciences, 3 (1B): 113-7.
7. Shively S, Scher AI, Perl DP, et al (2012). Dementia resulting
from traumatic brain injury: What is the pathology?. Archives
of Neurology, 69 (10): 1245-51.
8. Silver JM, McAllister TW, Yudofsky SC (2005).
Neuropathology. In: Textbook of traumatic brain injury,
American Psychiatric Publishing, Inc., Washington, DC: 27-50.
9. Trương Phước Sở, Tô Vĩnh Ninh, và cộng sự (2009). Nghiên
cứu tình trạng chấn thương sọ não từ sau quy định đội mũ
bảo hiểm. Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược
Thành phố HCM, tập 13 (6): 319-29.
10. Trương Văn Việt (2002). Các yếu tố nguy cơ gây chấn thương
sọ não do tai nạn giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh. Tạp
chí Y học thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Thành phố
HCM, tập 6 (Phụ bản của số 1): 14-20.
11. Tunvirachaisakul C, Thavichachart N, Worakul P (2011).
Executive dysfunction among mild traumatic brain injured
patients in Northeastern Thailand. Asian Biomedicine 5 (3): 407-
11.
Ngày nhận bài báo: 18/11/2016
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 18/12/2016
Ngày bài báo được đăng: 01/03/2017
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- suy_giam_nhan_thuc_sau_chan_thuong_so_nao.pdf