Tài liệu Sử dụng nhật kí làm ngữ liệu dạy học Ngữ văn ở trường Phổ thông - Trịnh Thị Lan: DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0012JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1, pp. 112-118
This paper is available online at
SỬ DỤNG NHẬT KÍ LÀM NGỮ LIỆU DẠY HỌC NGỮ VĂN
Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Trịnh Thị Lan
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay đang hướng tới phát triển năng lực
toàn diện cho người học. Một yêu cầu đặt ra là phải có sự kết nối giữa việc dạy học trong
nhà trường với thực tiễn đời sống. Nghĩa là, những nội dung dạy học Ngữ văn trong nhà
trường phải gắn kết được với thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ của học sinh trong cuộc sống
hiện tại vốn đang diễn ra vô cùng phong phú, sinh động. Bài viết trình bày về việc sử dụng
ngữ liệu nhật kí trong dạy học Ngữ văn như một cách thức kéo gần lớp học với cuộc sống,
cũng là một biện pháp để giờ học Ngữ văn trong nhà trường hấp dẫn hơn.
Từ khóa: Nhật kí, ngữ liệu, môn Ngữ văn, thực tiễn giao tiếp, năng lực người học.
1. Mở đầu
Ngữ liệu là yếu tố qu...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 373 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sử dụng nhật kí làm ngữ liệu dạy học Ngữ văn ở trường Phổ thông - Trịnh Thị Lan, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
DOI: 10.18173/2354-1075.2017-0012JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2017, Vol. 62, No. 1, pp. 112-118
This paper is available online at
SỬ DỤNG NHẬT KÍ LÀM NGỮ LIỆU DẠY HỌC NGỮ VĂN
Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Trịnh Thị Lan
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay đang hướng tới phát triển năng lực
toàn diện cho người học. Một yêu cầu đặt ra là phải có sự kết nối giữa việc dạy học trong
nhà trường với thực tiễn đời sống. Nghĩa là, những nội dung dạy học Ngữ văn trong nhà
trường phải gắn kết được với thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ của học sinh trong cuộc sống
hiện tại vốn đang diễn ra vô cùng phong phú, sinh động. Bài viết trình bày về việc sử dụng
ngữ liệu nhật kí trong dạy học Ngữ văn như một cách thức kéo gần lớp học với cuộc sống,
cũng là một biện pháp để giờ học Ngữ văn trong nhà trường hấp dẫn hơn.
Từ khóa: Nhật kí, ngữ liệu, môn Ngữ văn, thực tiễn giao tiếp, năng lực người học.
1. Mở đầu
Ngữ liệu là yếu tố quan trọng, không thể thiếu đối với mỗi hoạt động, cũng như toàn bộ
quá trình dạy học Ngữ văn trong nhà trường. Đã có nhiều tác giả nghiên cứu về ngữ liệu và việc
sử dụng ngữ liệu trong dạy học Ngữ văn như: Đặng Đức Siêu, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Thanh
Hùng, Lê A, Nguyễn Quang Ninh, Nguyễn Văn Tứ. . . Các nghiên cứu đều thống nhất trong quan
điểm coi “ngữ liệu không chỉ là tư liệu nhằm phục vụ truyền tải nội dung kiến thức, rèn luyện kĩ
năng mà còn có quan hệ mật thiết tới việc sử dụng phương pháp, biện pháp, hình thức tổ chức dạy
học, có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm của học sinh (HS), đến hoạt động dạy học của
giáo viên (GV)” [9; tr.7]; thống nhất các tiêu chí lựa chọn ngữ liệu, các cách thức sử dụng ngữ liệu
trong dạy học ngôn ngữ và văn học ở nhà trường. Tuy nhiên, các nghiên cứu hầu như chỉ phân tích,
đánh giá những ngữ liệu đã có sẵn, hoặc từ những nguồn ngữ liệu có tính truyền thống, mà ít bàn
đến con đường, cách thức giới thiệu hoặc bổ sung những nguồn ngữ liệu mới có thể cập nhật, khai
thác thường xuyên trong dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông.
Ngữ liệu là công cụ cần thiết, hỗ trợ cho tất cả các khâu của quá trình dạy học Ngữ văn, từ
thao tác giới thiệu dẫn nhập bài học đến phân tích, hình thành kiến thức và kĩ năng, đến vận dụng
thực hành, luyện tập và kiểm tra đánh giá. Trong chương trình, sách giáo khoa, các nhà soạn sách
bao giờ cũng lựa chọn những ngữ liệu tiêu biểu cho mỗi đơn vị kiến thức để học sinh tiếp cận tri
thức mới một cách dễ dàng và hiệu quả. Tuy nhiên, một số ngữ liệu của sách giáo khoa hiện hành
đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với bối cảnh thời đại mới, khi mà sự phát triển
mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã tạo nên diện mạo đời sống khác hẳn so với gần hai mươi năm
trước. Hầu hết các ngữ liệu dạy học Ngữ văn trong nhà trường đều là văn bản dạng viết, dạng in ấn
với hình thức thể hiện đơn giản, đơn điệu, gần như cố định, rập khuôn; điều này đã làm giảm bớt
sự hấp dẫn của nội dung dạy học.
Ngày nhận bài: 15/10/2016. Ngày nhận đăng: 17/1/2017.
Liên hệ: Trịnh Thị Lan, e-mail: lantrinh@hnue.edu.vn
112
Sử dụng nhật kí làm ngữ liệu dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông
Từ sự linh hoạt của cách tiếp cận chương trình nhà trường cho phép GV linh hoạt trong việc
lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học, mở ra những cơ hội sáng tạo cho người dạy, người
học, chúng tôi nghĩ đến việc sử dụng một nguồn ngữ liệu dạy học Ngữ văn mới: ngữ liệu nhật kí.
Loại ngữ liệu này không những vẫn đảm bảo tính khoa học đáp ứng yêu cầu về nội dung dạy học
Ngữ văn mà còn thể hiện tính chân thực, sinh động, hấp dẫn của lời nói và lời nói nghệ thuật, hơn
thế, còn đáp ứng được “mục tiêu kép” trong phát triển năng lực Ngữ văn cho HS: vừa phát triển
năng lực đọc hiểu một loại hình văn bản có đồng thời tính thông tin, thực tiễn và tính nghệ thuật,
vừa rèn khả năng tạo lập văn bản cho HS, phát triển đồng thời năng lực giao tiếp và năng lực cảm
thụ văn chương cho người học.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Ngữ liệu trong dạy học và yêu cầu của việc lựa chọn ngữ liệu trong dạy học
Ngữ văn
Theo Từ điển tiếng Việt, ngữ liệu được hiểu là: “Tư liệu ngôn ngữ được dùng làm căn cứ để
nghiên cứu ngôn ngữ” [4; tr.897]. Trong dạy học Tiếng Việt, tác giả Lê A còn quan niệm ngữ liệu
là “mẫu lời nói”, “tức là các ví dụ, các tài liệu ngôn ngữ được sử dụng trong bài học” [1; tr.108].
Trong dạy học Ngữ văn, ngữ liệu là tư liệu ngôn ngữ ở những cấp độ khác nhau từ ngữ âm cho đến
văn bản, chứa đựng đặc trưng khái niệm cần xây dựng, được lựa chọn để phân tích thiết lập khái
niệm, quy tắc ngôn ngữ và nội dung văn học, là đối tượng để thể nghiệm các cách thức tiếp nhận
các tầng nghĩa văn bản ở các mức độ khác nhau.
Cụ thể là, trong hình thành các kiến thức, kĩ năng tiếng Việt, ngữ liệu là đối tượng để người
học phân tích, tìm hiểu, rút ra bản chất, cơ chế, quy tắc cấu tạo và sử dụng, là mẫu để người học
vận dụng sản sinh các đơn vị ngôn ngữ từ âm đến văn bản. Trong dạy học lí thuyết và thực hành
làm văn, ngữ liệu là các đoạn văn, các văn bản ở cả hai dạng: chuẩn mực và không chuẩn mực. . .
Trong dạy học đọc hiểu văn bản, ngữ liệu là văn bản thuộc các kiểu loại, thể loại khác nhau, là đối
tượng để người học khai thác tri thức và kĩ năng đọc, cung cấp hình ảnh và quy trình tiêu biểu để
người học nhận diện, phân tích và vận dụng vào đọc hiểu văn bản trong công việc và cuộc sống.
Ngữ liệu có thể được trích dẫn, khai thác, lựa chọn từ nhiều nguồn khác nhau, tùy thuộc
vào mục đích, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể của quá trình dạy học. Ngữ liệu có thể được
trích dẫn từ các văn bản văn học, văn bản thông tin có sẵn; cũng có thể do người dạy, người học tự
đặt ra theo yêu cầu của đơn vị kiến thức, kĩ năng trong bài học . . .
Trong dạy học Ngữ văn, ngữ liệu có vai trò hết sức quan trọng. Trước hết, phân tích ngữ liệu
là cơ sở đầu tiên để có thể rút ra được nội dung kiến thức. Ngữ liệu là một loại phương tiện trực
quan, trước hết là trực quan ngôn ngữ. Những tri thức cần hình thành thường trừu tượng, khó hiểu,
do đó, nếu không bắt đầu từ những ngữ liệu cụ thể thì việc hình thành khái niệm sẽ rất khó khăn.
Như vậy, ngữ liệu đã tham gia tích cực vào quá trình nhận thức và phát triển tư duy cho HS nhằm
cụ thể hóa khái niệm qua những dấu hiệu, những đặc trưng riêng, nhằm cung cấp các tri thức về
ngôn ngữ và văn học từ cụ thể đến khái quát, trừu tượng. Mặt khác, ngữ liệu còn là phương tiện
chính của phương pháp phân tích ngôn ngữ và phương pháp rèn luyện theo mẫu. Theo đó, từ việc
phân tích ngữ liệu (mẫu), học sinh nắm được quy cách, thể thức của mẫu để học tập một cách sáng
tạo trong quá trình tạo lập văn bản, lời nói cá nhân.
Một đơn vị lời nói được sử dụng làm ngữ liệu dạy học Ngữ văn trong nhà trường cần đáp
ứng được một số yêu cầu chung về ngữ liệu như: đảm bảo tính khoa học, tính chuẩn mực, tính
thẩm mĩ, tính chân thực, tính tiết kiệm, tính giáo dục... Có thể mô tả cụ thể các yêu cầu đối với ngữ
liệu dạy học Ngữ văn trong nhà trường như sau:
Trước hết, ngữ liệu phải hàm chứa đầy đủ các dữ kiện để hình thành kiến thức, kĩ năng, thái
113
Trịnh Thị Lan
độ cho người học, phải đảm bảo tính khoa học của đơn vị kiến thức, kĩ năng đó. Đó nên là một
đơn vị ngôn ngữ hoặc là một phần văn bản có tính chỉnh thể tương đối rút ra từ tác phẩm văn học
điển hình.
Thứ hai, ngữ liệu phải đảm bảo tính chuẩn mực ngôn ngữ và có tính thẩm mĩ cao. Ngữ liệu
nên là những lời hay ý đẹp, trong ngữ liệu không có hiện tượng sai từ, sai ngữ pháp, nội dung ngữ
liệu phải tạo được hứng thú tiếp nhận cho học sinh.
Thứ ba, ngữ liệu phải có tính chân thực, sinh động của lời nói hiện thực. Với các ngữ liệu là
tác phẩm văn học nước ngoài hoặc đơn vị lời nói lấy từ tài liệu dịch các văn bản của tác giả nước
ngoài, cần chú ý tới sự phù hợp với thói quen ngôn ngữ của người Việt Nam. Trong trường hợp cần
thiết cho phép được điều chỉnh, sáng tạo lại ngữ liệu nhưng không được bịa đặt, cắt xén ngữ liệu
một cách tùy tiện, thô thiển.
Thứ tư, ngữ liệu để dạy học phải ngắn gọn ở mức tối đa và có tần số sử dụng cao (đảm
bảo nguyên tắc tiết kiệm). Khi dạy học các nội dung Tiếng Việt và Làm văn trong chương trình
Ngữ văn, nên triệt để khai thác ngữ liệu là các văn bản đọc hiểu có sẵn trong sách giáo khoa; nếu
ngữ liệu là văn bản ngoài sách giáo khoa, cần đảm bảo tính tương đồng về kiểu loại,thể loại, dung
lượng. . . với các văn bản đọc hiểu có sẵn. Điều này còn đảm bảo được định hướng tích hợp trong
sử dụng ngữ liệu.
Thứ năm ngữ liệu phải đảm bảo tính tư tưởng và có tính giáo dục. Tránh đưa những hiện
tượng tiêu cực hoặc không phù hợp tâm lí lứa tuổi vào trong những ngữ liệu dạy học Ngữ văn trong
nhà trường. Trong những trường hợp cần thiết có thể sử dụng ngữ liệu tiêu cực lấy từ bài làm của
học sinh để đối chiếu hoặc sửa chữa, rút kinh nghiệm; nhưng phải được cân nhắc kĩ lưỡng.
Với những tiêu chuẩn, yêu cầu như vậy về ngữ liệu, nhật kí có thể xem là một loại ngữ liệu
hứa hẹn hiệu quả khả quan trong dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông.
2.2. Nhật kí và tiềm năng sử dụng nhật kí làm ngữ liệu trong dạy học Ngữ văn
2.2.1. Nhật kí và phân loại nhật kí
Trong Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê định nghĩa “nhật kí” như sau: “1. Những điều ghi chép
hằng ngày: nhật kí công tác, sổ nhật kí lớp. 2. Thể văn ghi theo thứ tự thời gian những sự kiện xảy
ra và những cảm nghĩ hằng ngày của người ghi: viết nhật kí, nhật kí bằng thơ”[4; tr.922]. Theo đó,
nhật kí trước hết là một loại văn bản thông tin, có thể được viết bằng nhiều phong cách ngôn ngữ
khác nhau (phong cách ngôn ngữ hành chính, phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn
ngữ nghệ thuật. . . ). Nhật kí được ghi chép theo thứ tự ngày tháng (liên tục hoặc ngắt quãng) của
một người hay nhiều người nhằm mục đích lưu giữ những sự kiện, cảm xúc, suy nghĩ trong đời
sống cá nhân hoặc để theo dõi, quan sát, làm tư liệu phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, sưu
tầm,. . . trong lĩnh vực kinh doanh, khoa học, lịch sử,. . . Nhật kí có thể tồn tại dưới dạng văn bản
viết tay hoặc dưới dạng dữ liệu số.
Trên phương diện lí luận văn học, hiện nay tồn tại hai quan niệm trái chiều nhau về nhật kí.
Quan niệm thứ nhất cho rằng nhật kí đích thực là một thể tài ngoài văn học. Với quan niệm này,
nhật kí chỉ được xem là những ghi chép cá nhân đơn thuần, được sử dụng để bộc lộ những tâm sự
riêng tư, kí thác những suy nghĩ khó giãi bày với người khác chứ không mang những nét đặc trưng
làm nên diện mạo riêng của một thể loại văn học.
Quan niệm thứ hai đánh giá cao nhật kí với tư cách là một thể loại văn học. Đã có nhiều
công trình khẳng định vị trí của nhật kí theo quan niệm thứ hai này. Từ điển thuật ngữ văn học của
nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đã khẳng định nhật kí là “một thể loại
thuộc loại hình kí” và ghi rõ: “Nhật kí là hình thức tự sự ở ngôi thứ nhất được thực hiện dưới dạng
những ghi chép hằng ngày theo thứ tự ngày tháng về những sự kiện của đời sống mà tác giả hay
114
Sử dụng nhật kí làm ngữ liệu dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông
nhân vật chính là người trực tiếp tham gia hay chứng kiến” [3; tr.237]. Trong giáo trình Lí luận
văn học tập 2 - Tác phẩm và thể loại văn học, khi phân loại kí văn học dựa vào phương thức phản
ánh đời sống thì nhật kí được xếp vào loại kí tự sự: “Cách phân chia truyền thống thường dựa vào
sự hiện diện của phương thức phản ánh đời sống tham gia vào cấu trúc thể loại. Theo đó, người
ta chia kí thành hai nhóm lớn. Nhóm thứ nhất thiên về tự sự gồm các thể chính như kí sự, phóng
sự, nhật kí. Nhóm thứ hai nghiêng về trữ tình với các thể chính như tùy bút, bút kí, tản văn. . . ”[5;
tr.376].
Ở bài viết này, chúng tôi thừa nhận sự tồn tại của nhật kí ở cả hai dạng như hai quan niệm
lí luận văn học phản ánh: Nhật kí là văn bản thông tin và nhật kí có tư cách của một văn bản văn
học. Dù quan niệm thế nào thì nhật kí vẫn là một loại văn bản gắn bó và phản ánh những vấn đề
chân thực của cuộc sống, thân quen với mỗi người. Nhật kí được sản sinh thường xuyên ở mọi thời
điểm, bởi mọi người ở các công việc, hoàn cảnh, tâm sự khác nhau. Nó thể hiện tính cập nhật, mới
mẻ, gần gũi, sinh động, luôn “thở bằng hơi thở thật của cuộc sống”. Trong việc biểu hiện nhận
thức, tình cảm, cảm xúc, năng lực chung của người viết, nhật kí phản ánh được những thông tin
cập nhật, gần gũi, chân thực. Nhật kí còn thể hiện rõ ưu điểm: khi là tư liệu ngôn ngữ từ đời sống,
nhật kí có nguồn rõ ràng, không phải là loại ngữ liệu bịa hoặc ngữ liệu không xác thực.
2.2.2. Tiềm năng sử dụng nhật kí làm ngữ liệu trong dạy học Ngữ văn
Có thể thấy rằng, bản thân nhật kí đã hàm chứa trong nó nhiều khả năng để sử dụng như là
ngữ liệu dạy học Ngữ văn. Một mặt, nhật kí là một thể văn đời sống, do cá nhân viết ra và có ngôn
ngữ gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Mặt khác, do tính chất biểu cảm cao, thêm vào đó là sự
phụ thuộc vào trình độ sử dụng ngôn ngữ của mỗi cá nhân mà ngôn ngữ nhật kí cũng rất gần gũi
với ngôn ngữ nghệ thuật. Có những đoạn nhật kí thực sự là những đoạn văn nghệ thuật giàu tính
hình tượng, có sức truyền cảm cao, bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của người viết.
Đối với học sinh phổ thông, nhật kí cũng là thể loại khá gần gũi với lứa tuổi thanh thiếu
niên. Ở độ tuổi học sinh phổ thông, các em đang trên đà phát triển tư duy, sự tự ý thức về bản thân
ngày càng rõ ràng hơn, cùng với đó là nhu cầu bộc lộ, chứng tỏ cái “tôi” của mình. Chính vì vậy
mà học sinh trung học phổ thông thường viết nhật kí như một phương thức để giãi bày suy nghĩ,
cảm xúc về bản thân và về cuộc sống xung quanh. Hiện nay, sự phát triển của công nghệ thông tin,
đặc biệt là các mạng xã hội đã làm phong phú hơn phương thức tồn tại cũng như mức độ lan tỏa,
ảnh hưởng của nhật kí.
Khuyến khích học sinh viết nhật kí là một trong những biện pháp quan trọng trong việc bồi
dưỡng tình yêu văn chương và rèn luyện các năng lực ngôn ngữ của học sinh. Biện pháp này đã
được nhiều thế hệ giáo viên Ngữ văn áp dụng. Đây là biện pháp đã đem lại những kết quả khả quan
trong việc nâng cao chất lượng dạy học Ngữ văn bởi có thể được thực hiện trong một thời gian dài,
gắn bó mật thiết và đáp ứng được nhu cầu tinh thần của mỗi đời sống cá nhân.
Học sinh được ý thức từ sớm rằng nhật kí cá nhân mang tính riêng tư thì không được xâm
phạm. Nhưng đối với những nhật kí dạng tự truyện, dạng cập nhật trạng thái cá nhân trên mạng
xã hội hoặc nhật kí đã được xuất bản công khai thì việc đọc, người đọc được đòi hỏi phải đáp ứng
được những yêu cầu nhất định. Đọc nhật kí chính là một cách giao tiếp trực tiếp với người viết, để
biết thêm thông tin, để hiểu tâm tư, tình cảm, thái độ của người viết, để chia sẻ, để biết cách đối
nhân xử thế...
Đưa nhật kí - một hình thức thiết thực, gần gũi và sinh động trong đời sống hằng ngày của
học sinh thành ngữ liệu dạy học Ngữ văn sẽ giúp HS thấy rằng nội dung dạy học trong nhà trường
không hề khô khan, xa rời thực tế mà là những tri thức bắt nguồn từ thực tế và phục vụ thực tế. Từ
đó các em sẽ có thái độ học tập tích cực và đúng đắn hơn.
Dạy học tiếng Việt cho học sinh Trung học phổ thông qua ngữ liệu nhật kí có thể giúp học
115
Trịnh Thị Lan
sinh tăng cường hiểu biết, củng cố kiến thức về các nhân tố giao tiếp, về các phong cách ngôn ngữ
liên quan, về ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân. Nhờ ngữ liệu nhật kí, HS có thể hình thành kĩ
năng truyền tải thông tin một cách biểu cảm, một cách phù hợp; cách phát biểu quan điểm, cách
nhận xét, đánh giá sự kiện và con người qua những bài học rút ra cho bản thân từ những phần thể
hiện của người khác.
Do nhật kí có sự thể hiện đa dạng về phong cách ngôn ngữ nên khi tiếp cận loại ngữ liệu
này, HS có thể vừa có cơ hội nhận diện, phân tích một cách toàn diện các phong cách ngôn ngữ
của văn bản, vừa rèn kĩ năng viết các văn bản theo các phong cách ngôn ngữ khoa học, hành chính,
sinh hoạt hoặc nghệ thuật một cách chuẩn xác. Đây chính là ích lợi mà không nhiều kiểu loại văn
bản có được như ngữ liệu nhật kí.
2.3. Định hướng sử dụng ngữ liệu nhật kí trong dạy học Ngữ văn ở trường phổ
thông nhằm phát triển năng lực người học
Dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay đang hướng tới phát triển năng lực toàn diện
cho người học. Nhật kí là một loại ngữ liệu có khả năng phản ánh và thúc đẩy sự phát triển năng
lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thẩm mĩ và năng lực tự học của học sinh.
Ngữ liệu nhật kí phản ánh chân thực những hiện tượng ngôn ngữ sinh động ở tất cả các đơn
vị từ âm đến văn bản, cho nên có thể sử dụng nhật kí một cách thường xuyên trong dạy học kiến
thức và kĩ năng tiếng Việt. Về âm, có thể dùng nhật kí cá nhân để giới thiệu về chính âm và biến
âm, những trường hợp sai chính tả thường gặp. . . Về từ ngữ, dùng ngữ liệu là nhật kí sẽ rất dễ chỉ
ra các lớp từ đặc thù: từ địa phương, từ nghề nghiệp, thuật ngữ, biệt ngữ, khẩu ngữ. . . ; sự đa dạng
và độc đáo của các cách thức sử dụng ngôn từ nghệ thuật. Về câu, nhật kí là loại ngữ liệu thể hiện
phong phú các kiểu câu, các kiểu thể hiện dấu câu. . . Dùng ngữ liệu nhật kí dạy học Tiếng Việt sẽ
rất thuận lợi trong việc rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt của học sinh. Về văn bản, có nhật kí
cá nhân thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, có nhật kí sự kiện được ghi theo phong cách ngôn
ngữ báo chí, có nhật kí công việc thuộc phong cách ngôn ngữ hành chính và có cả nhật kí là sản
phẩm sáng tác hư cấu được viết theo văn phong của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Đây là một
điểm mạnh của ngữ liệu nhật kí, nhưng cũng là một vấn đề không dễ phân biệt và giải thích rõ
ràng khi sử dụng ngữ liệu nhật kí để dạy học Ngữ văn.
Trong dạy học đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản, ngữ liệu nhật kí có thể xuất hiện trong
tư cách của một văn bản thông tin, nhưng cũng có trường hợp lại thể hiện tư cách của một văn bản
văn học. Các nhật kí cá nhân, nhật kí công việc mang tính nhật dụng rất rõ nét, đáp ứng tốt yêu
cầu của một văn bản thông tin. Tác giả Trần Đình Sử nhận định: “Giá trị chủ yếu của nhật kí là
tư liệu, ghi sự thật: sự thật riêng tư hay liên đới xã hội, một sự thật tự phơi bày, không che giấu,
không bị kiểm duyệt” [6]. Ở nhật kí, tính xác thực của thông tin được coi trọng, như chính liệt sĩ
Nguyễn Văn Thạc đã từng chia sẻ trong nhật kí của mình: “Mình đã đọc nhật kí của nhiều người.
Mình cảm thấy rằng nếu như người viết nhật kí là viết cho mình, cho riêng mình đọc thì cuốn nhật
kí đó sẽ là chân thực nhất, sẽ bộn bề và sầm uất nhất. Người ta sẽ mạnh dạn ghi cả vào đấy những
suy nghĩ tồi tệ nhất mà thực sự họ có. Nhưng nếu nhật kí mà có thể có người xem nữa thì nó sẽ
khác và khác nhiều. Họ không dám nói thật, nói đúng bản chất sự kiện xảy ra trong ngày, không
dám nói hết và đúng những suy nghĩ đã nảy nở và thai nghén trong lòng họ. Mà đó chính là điều
tối kị khi viết nhật kí - Nó sẽ dạy cho người viết tự lừa dối ngòi bút của mình, tự lừa đối lương tâm
của mình”[7; tr.225]. Điều này có ý nghĩa định hướng cho hoạt động viết nhật kí của người học và
trở thành nội dung của một nguyên tắc đọc hiểu những văn bản là nhật kí cá nhân. Một số nhật kí
cá nhân như Nhật kí Đặng Thùy Trâm của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nhật kí Mãi mãi tuổi
hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Nhật kí Anne Frank của Anne Franhk, cô bé 13 tuổi người
Do Thái, đã được người đời sau nhận thức được ý nghĩa, giá trị nên được xuất bản để công bố rộng
116
Sử dụng nhật kí làm ngữ liệu dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông
rãi và có đời sống như một tác phẩm văn học. Một số nhật kí khác ngay từ khi được sáng tác, tác
giả đã có ý định công bố công khai: nhật kí Ở rừng (Nam Cao), Nhật kí chiến tranh (Chu Cẩm
Phong). . . Một số tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thiếu niên có sử dụng cấu trúc nhật kí như: Diary
of a Wimpy Kid (Nhật kí chú bé nhút nhát) của Jeff Kinney, The Princess Diaries (Nhật kí công
chúa) của Meg Cabot, I capture the Castle (Tôi giành được lâu đài) của Dodie Smith,. . . hay những
tác phẩm trào phúng dùng hình thức nhật kí để bóc trần, lột tả bản chất gây cười của đối tượng
như:The Diary of a Nobody (Nhật kí của một ai) của George và Weedon Grossmith, The Diary of
a Provincial Lady (Nhật kí tiểu thư tỉnh lẻ) của E.M. Delafield, The Secret Diary of Adrian Mole
(Nhật kí bí mật của Adrian Mole) của tác giả Sue Townsend,. . . được xem là các tác phẩm nhật
kí hư cấu gây được ấn tượng và thu hút người đọc. “Lí do chúng ta hứng thú với nhật kí hư cấu,
dường như cũng giống với lí do chúng ta yêu thích nhật kí thật, đó là sức quyến rũ của một bức
chân dung không giả tạo” [8]. Điều này càng thôi thúc những người biên soạn chương trình và dạy
học Ngữ văn càng nên quan tâm tới giá trị của các văn bản nhật kí, coi trọng hoạt động viết nhật
kí của học sinh trong môn Ngữ văn.
3. Kết luận
Nhật kí là một ngữ liệu còn đang gây tranh cãi về mặt thể loại, thường gây ra những nhầm
lẫn trong việc xác định phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ của văn bản trong dạy học
Ngữ văn. Nhưng đây cũng là một dạng ngữ liệu rất có ý nghĩa đối với việc dạy học Ngữ văn theo
định hướng phát triển năng lực. Sử dụng ngữ liệu nhật kí trong một số hoạt động dạy học Ngữ văn
là một cách thức kéo gần giờ học với cuộc sống, cũng là một biện pháp để giờ học Ngữ văn trong
nhà trường hấp dẫn hơn. Bất cứ một ngữ liệu nào cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng, quan
trọng là khai thác và sử dụng chúng vào đâu và theo cách nào. Trong dạy học Ngữ văn, tần suất sử
dụng ngữ liệu nhật kí có thể không cao bằng nhiều loại văn bản khác, nhưng hiệu quả mà loại ngữ
liệu này đem lại cho hoạt động dạy học là một tiềm năng lớn. Chúng tôi muốn khẳng định hướng
tư duy mới mẻ này bởi chúng tôi tin điều này có thể giúp học sinh chủ động và hứng thú hơn với
giờ học Ngữ văn trong nhà trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Lê A, Nguyễn Quang Ninh, Bùi Minh Toán, 2012. Phương pháp dạy học tiếng Việt (Tái bản
lần thứ mười bốn). Nxb Giáo dục Việt Nam.
[2] Phạm Thị Anh, 2010. Ngữ liệu trong dạy học tiếng Việt ở trường phổ thông. Tạp chí Giáo
dục số 236 (kì 2), tr.17-19.
[3] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên, 2007. Từ điển thuật ngữ văn
học (Tái bản lần thứ hai). Nxb Giáo dục, Tp Hồ Chí Minh.
[4] Hoàng Phê (Chủ biên), 2013. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng.
[5] Trần Đình Sử (Chủ biên), 2012. Lí luận văn học tập 2 – Tác phẩm và thể loại văn học. Nxb
Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[6] Trần Đình Sử, 2015. Thể loại nhật kí trong đời sống xã hội và trong văn học.
https://trandinhsu.wordpress.com.
[7] Nguyễn Văn Thạc, 2005. Mãi mãi tuổi hai mươi (Tái bản lần thứ nhất). Nxb Thanh niên, Hà
Nội.
[8] Thiên Trang, 2016. Nhật kí Anne Frank: sức lan tỏa của thể loại nhật kí.
117
Trịnh Thị Lan
[9] Nguyễn Văn Tứ, 1999. Sử dụng ngữ liệu văn học dân gian trong dạy học Tiếng Việt. Luận án
tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
ABSTRACT
Using the diaries as linguistic material in teaching Literature and language in high school
Trinh Thi Lan
Faculty of Philology, Hanoi National University of Education
Teaching Literature and language in high school today is aiming towards a comprehensive
competence development for learners. It is required to establish a connection between teaching
in school and real life. This means that the contents of teaching Literatureand language in school
must be linked to the practical language communication of students in daily life,which is extremely
rich and vivid. This article shows the use of diaries in teaching Literature and language as a way
to draw the classroom closer to reality as well as a method to make Literature lessons at schools
more attractive
Keywords:Diary, linguistic material, communication practices, the Literature and language,
competence of learners.
118
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4661_ttlan_7575_2130311.pdf