Sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thời cổ - Trung đại

Tài liệu Sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thời cổ - Trung đại: 140 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0037 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 140-145 This paper is available online at SỰ DU NHẬP CỦA PHẬT GIÁO VÀO NHẬT BẢN THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI Trần Nam Trung Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Phật giáo ra đời từ thế kỉ VI TCN tại Ấn Độ. Trong quá trình phát triển, Phật giáo được truyền bá đi khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Phật giáo không trực tiếp đến Nhật Bản từ Ấn Độ mà du nhập vào quốc gia này từ Triều Tiên và Trung Quốc. Bài viết này trình bày về sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản trong thời Cổ - Trung đại trong đó tập trung làm rõ hai nội dung chính là con đường du nhập và cách thức du nhập. Từ khóa: Phật giáo Nhật Bản, lịch sử Nhật Bản, Phật giáo Triều Tiên, Cổ - trung đại. 1. Mở đầu Lịch sử Nhật Bản nói chung, lịch sử Phật giáo nhật Bản nói riêng từ lâu là đề tài thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước. Có thể kể tên hàng loạt cá...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 508 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thời cổ - Trung đại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
140 HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0037 Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 4, pp. 140-145 This paper is available online at SỰ DU NHẬP CỦA PHẬT GIÁO VÀO NHẬT BẢN THỜI CỔ - TRUNG ĐẠI Trần Nam Trung Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Phật giáo ra đời từ thế kỉ VI TCN tại Ấn Độ. Trong quá trình phát triển, Phật giáo được truyền bá đi khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Phật giáo không trực tiếp đến Nhật Bản từ Ấn Độ mà du nhập vào quốc gia này từ Triều Tiên và Trung Quốc. Bài viết này trình bày về sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản trong thời Cổ - Trung đại trong đó tập trung làm rõ hai nội dung chính là con đường du nhập và cách thức du nhập. Từ khóa: Phật giáo Nhật Bản, lịch sử Nhật Bản, Phật giáo Triều Tiên, Cổ - trung đại. 1. Mở đầu Lịch sử Nhật Bản nói chung, lịch sử Phật giáo nhật Bản nói riêng từ lâu là đề tài thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước. Có thể kể tên hàng loạt các nhà nghiên cứu trong vấn đề này: D.T Suzuki với Zen and Japanese culture (Thiền tông và văn hoá Nhật Bản), xuất bản năm 1959 bởi Princeton University Press; Ishida Kazuyoshi với công trình Nhật Bản tư tưởng sử, bản dịch tiếng Việt của Châm Vũ Nguyễn Văn Tần, xuất bản năm 1963 tại Sài Gòn; Thiền sư Thích Thiên Ân với công trình Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Nhà xuất bản Phương Đông ấn hành năm 1965 tại Sài Gòn; G.B Sansom với Lược sử văn hoá Nhật Bản gồm 2 tập, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1989, 1990; George Sansom với Lịch sử Nhật Bản, 3 tập, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1994 và 1995; Kitagawa với công trình Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, (2002); Giác Dũng với công trình Lịch sử Phật giáo Nhật Bản, Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành năm 2002; Murakami Shigeyoshi với tác phẩm Tôn giáo Nhật Bản, Nhà xuất bản Tôn giáo phát hành năm 2005; Nguyễn Thanh Tuấn với tác phẩm Phật giáo với văn hoá Việt Nam và Nhật Bản qua một cách tham chiếu, Viện Văn hóa và Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa ấn hành năm 2009... Những tác giả trên trong các công trình của mình đã đề cập và phân tích đến nhiều vấn đề khác nhau song chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu một cách hệ thống về con đường và cách thức du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản trong thời Cổ - Trung đại. Trong bài báo này, tác giả bài viết sẽ tập trung phân tích để làm sáng tỏ vấn đề con đường và cách thức du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản trong thời Cổ - trung đại. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Con đường du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản Trong việc du nhập văn hóa nói chung và tôn giáo nói riêng (trong đó có Phật giáo), con đường du nhập có vai trò rất quan trọng bởi nó sẽ quy định nhân tố được du nhập đến từ đâu và do vậy sẽ có ảnh hưởng đến nhiều mặt đối với nhân tố được du nhập. Việc du nhập Phật giáo vào Nhật Bản cũng nằm trong quy luật này. Ngày nhận bài: 1/1/2018. Ngày sửa bài: 19/3/2018. Ngày nhận đăng: 29/3/2018. Tác giả liên hệ: Trần Nam Trung. Địa chỉ e-mail: halantrung@gmail.com Sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thời cổ - trung đại 141 Trong thực tế lịch sử, Phật giáo đã được du nhập đến Nhật Bản thông qua hai con đường, ứng với hai giai đoạn lịch sử khác nhau trong mối liên quan với các nhân tố khác như địa lí, chính trị, xã hội... Trong giai đoạn đầu (thế kỉ VI - thế kỉ VII), Phật giáo được du nhập đến Nhật Bản từ Triều Tiên; giai đoạn thứ hai (từ thế kỉ VII về sau), Phật giáo được du nhập trực tiếp vào Nhật Bản từ Trung Quốc. Vì Phật giáo Triều Tiên được truyền đến từ Trung Quốc nên khi được du nhập vào Nhật Bản thì dù là từ Triều Tiên hay Trung Quốc, về cơ bản đều là Phật giáo Đại thừa. Từ thế kỉ VII trở về trước, Phật giáo từ Triều Tiên được truyền bá đến Nhật Bản. Có nhiều lí do dẫn tới việc này. Trước tiên là ảnh hưởng của nhân tố địa lí. Trong khi khoảng cách từ Trung Quốc đến Nhật Bản là khá lớn (khoảng 800 km đường biển) thì nơi gần nhất giữa Nhật Bản với Triều Tiên chỉ khoảng 180 km, do vậy, việc đi lại giữa Nhật Bản với Triều Tiên thuận lợi hơn nhiều so với Trung Quốc. Sau nhân tố địa lí, quan hệ chính trị, ngoại giao là nhân tố rất quan trọng quyết định việc truyền bá Phật giáo từ Triều Tiên đến nước Nhật. Trong lịch sử Nhật Bản, từ thế kỉ IV, ảnh hưởng của nước này ở Triều Tiên ngày càng lớn khi chiếm được vùng đất Mimana (Nhậm Na) ở phía nam bán đảo Triều Tiên và thiết lập liên minh với Bách Tế, một trong ba nước thời Tam quốc ở đây. Trong khi đó, Phật giáo từ Trung Quốc đã được truyền bá đến Triều Tiên từ khá sớm. Theo ghi chép của cuốn Tam quốc sử ký thì Phật giáo từ Trung Quốc truyền đến Cao Cú Li (Goguryeo) thời vua Tiểu Thú Lâm Vương năm 372, đến Bách Tế (Baekje) thời vua Chẩm Lưu năm 384 và đến Tân La (Silla) thời vua Pháp Hưng Vương năm 528 [ 8;tr.57]. Năm 538 (có tài liệu nói năm 552) vua Bách Tế (Baekje), để nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản đã cử sứ đoàn sang gửi biếu Thiên hoàng Nhật Bản một tượng Phật, một số bộ kinh kèm với một bức thư trong đó khuyên Nhật Bản nên tiếp nhận thứ tôn giáo này. Vua Bách Tế đã nhấn mạnh hai điểm trong thư gửi triều đình Nhật Bản khi dâng tặng tượng Phật: thứ nhất, học thuyết Phật giáo là khó hiểu; thứ hai, Phật giáo ban lộc và bình yên vô tận theo nghĩa là tất cả mọi điều người ta cầu xin Đức Phật đều sẽ được đáp ứng đầy đủ [5;tr.74]. Năm này được xem là mốc mở đầu của Phật giáo công truyền vào Nhật Bản. Một điều rất rõ là, so với Triều Tiên thì Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sớm hơn nhiều (ngay từ thế kỉ I), nhưng Phật giáo lại không được truyền trực tiếp từ Trung Quốc đến nước Nhật. Có hai lí do có thể giải thích cho vấn đề này. Thứ nhất, khoảng cách 800 km đường biển giữa Trung Quốc với Nhật Bản là trở ngại lớn cho việc truyền bá tôn giáo. Thứ hai, và điều này quan trọng hơn là trong các thế kỉ IV đến thế kỉ VI, Trung Quốc đang trong tình trạng chiến tranh, loạn lạc, do vậy phải tập trung giải quyết các vấn đề trong nước để thống nhất quốc gia nên chưa có điều kiện để mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài (nhất là với một nước vừa nhỏ, vừa cách biệt như Nhật Bản). Có lẽ người Nhật đã biết đến Phật giáo từ thế kỉ IV hoặc V, vì lúc đó Phật giáo đã được truyền đến Cao Cú Li, Bách Tế và quan hệ của Nhật Bản với Bách Tế khá mật thiết. Tuy nhiên, đến thế kỉ VI, Phật giáo mới chính thức được giới thiệu đến Nhật Bản từ Bách Tế. Như vậy về mặt thời gian, so với nhiều nước khác ở châu Á thì Phật giáo đến Nhật Bản khá muộn. Mặt khác, nếu so với sự ra đời của nhà nước Nhật Bản thống nhất thì thế kỉ VI lại là mốc khá sớm của Phật giáo ở đây. Một điểm khác cần khẳng định là, từ thế kỉ IV đến thế kỉ VI, ảnh hưởng của Phật giáo ở Ấn Độ ngày càng giảm dần và việc truyền bá Phật giáo ra nước ngoài cũng hầu như chấm dứt nên dường như trong thời cổ, trung đại, người ta không thấy nhà sư Ấn Độ nào đến Nhật truyền bá tôn giáo và ngược lại, các nhà sư Nhật cũng chưa từng đến quê hương của Phật giáo để học hỏi giáo pháp. Điều này khác biệt hoàn toàn so với trường hợp của Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác ở Đông Nam Á. Từ cuối thế kỉ VI, do những biến động ở Triều Tiên, Trung Quốc cũng như trong nước, Nhật Bản đã thay đổi chính sách trong quan hệ với các nước này. Sau khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc, Nhật Bản đã chủ động trong việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao chính thức với nhà Tùy và từ đây mở ra thời kỳ du nhập Phật giáo trực tiếp từ Trung Quốc mà không phải qua trung gian là Triều Tiên nữa. Có thể nói, trong các thế kỉ VI, VII, VIII, sự lớn mạnh cùng nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc tạo ra sức thu hút mạnh mẽ với Nhật Bản, trở thành hình mẫu lí tưởng của đảo quốc này. Thế kỉ VII trở Tràn Nam Trung 142 thành một mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn du nhập Phật giáo trực tiếp từ Trung Quốc vào Nhật Bản. Việc du nhập này còn kéo dài trong nhiều thế kỉ tiếp theo và để lại những ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội cũng như tôn giáo Nhật Bản thời trung đại. 2.2. Cách thức du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản Có thể nhận thấy ở các giai đoạn khác nhau thì mức độ chủ động hay bị động trong du nhập Phật giáo vào Nhật Bản có thể cao thấp khác nhau, song cách thức du nhập thì về cơ bản không có những thay đổi lớn: hoặc Phật giáo được các nhà sư Triều Tiên, Trung Quốc truyền đến hoặc các nhà sư Nhật Bản được gửi sang Triều Tiên, Trung Quốc học tập, nghiên cứu Phật giáo ở đây sau đó về nước truyền bá tôn giáo này. Trong giai đoạn du nhập Phật giáo từ Triều Tiên, vai trò chủ động lúc đầu thuộc về phía Triều Tiên. Sự kiện vua Bách Tế tặng Thiên hoàng Nhật Bản tượng Phật, kinh luận cùng lời khuyên nên theo tôn giáo này đã chứng tỏ điều đó. Sau khi được giới thiệu đến Nhật Bản, tôn giáo này cũng không phải ngay lập tức được triều đình chấp nhận. Lúc đầu, việc thờ cúng tượng Phật chỉ được giao cho dòng họ Soga, thậm chí do sự công kích từ các dòng họ lớn khác khi nước Nhật bị bệnh dịch hoành hành, Thiên hoàng đã ra lệnh cấm tin theo Phật giáo và tiến hành đốt chùa, phá tháp, quăng tượng Phật xuống kênh rạch [1;tr.48]. Phải đến sau năm 587, khi dòng họ Soga đánh bại dòng họ Mononobe thì Phật giáo mới có vị trí chính thức ở Nhật Bản. Khi Soga Umako lập kế hoạch xây dựng chùa Pháp Hưng (Hokoji), sau này đổi thành chùa Phi Điểu (Asukaji), phía Bách Tế đã cử các sư Huệ Tổng, Linh Cân mang xá lợi Phật sang tặng, sau đó lại gửi tiếp các sư Linh Chiếu, Linh Oai, Huệ Chúng, Huệ Túc, Đạo Nghiêm...cùng với các thợ dựng chùa, thợ ngói, thợ vẽ sang Nhật để thúc đẩy Phật giáo phát triển. Năm 596, khi chùa Pháp Hưng xây dựng xong, hai nhà sư Tuệ Từ đến từ Cao Cú Ly và Tuệ Thông đến từ Bách Tế đã được mời về chùa và trở thành thầy của Thái tử Shotoku [1;tr.51]. Ni Thiện Tín được xem là người Nhật Bản đầu tiên xuất gia đi tu năm 587 và đã học giới luật tại Bách Tế hơn một năm vốn là người di cư gốc Triều Tiên. Ngôi chùa Pháp Long (Horyuji) nổi tiếng ở Nara là do kiến trúc sư người Bách Tế xây dựng. Bức tượng Quán Thế Âm bằng gỗ trong chùa này được đánh giá là một tác phẩm nghệ thuật danh giá của nền mỹ thuật Phật giáo Nhật Bản cũng do các nhà điêu khắc Bách Tế tạo dựng nên được gọi là Kudara Kannon(Bồ tát Quán Thế Âm Bách Tế) [8;tr.79]. Trong các thế kỉ VII, VIII tuy không còn nhiều như trước nhưng một số nhà sư từ Triều Tiên vẫn tiếp tục sang Nhật Bản truyền bá Phật giáo, thậm chí sáng lập các tông phái ở đây. Nhà sư Huệ Quán, người Triều Tiên đã có công trong việc truyền bá dòng thứ nhất của Tam Luận tông và Thành Thật tông vào Nhật Bản năm 625 [1;tr.83-121]. Ngài Thẩm Tường, vị tăng người Tân La sang Nhật chính là thầy của ngài Lương Biện, sơ tổ Hoa Nghiêm tông của Nhật Bản [1;tr.89]. Có thể nói, trước khi Nhật Bản có sự liên hệ trực tiếp với Trung Quốc, Triều Tiên chính “là nơi cung cấp chư tăng hoằng đạo tại Nhật, là nơi tăng ni Nhật Bản đến tham học Phật pháp” [8;tr.79]. Từ cuối thế kỉ VI, khi Thái tử Shotoku trở thành Nhiếp chính đại thần thay mặt Thiên hoàng điều hành đất nước thì việc du nhập Phật giáo vào Nhật Bản đã có sự thay đổi căn bản. Sau khi nhà Tùy thống nhất Trung Quốc và quan hệ hai nước được thiết lập trở lại, quá trình du nhập Phật giáo trực tiếp từ Trung Quốc vào Nhật Bản cũng được đẩy mạnh. Chính quyền Nhật Bản đã chủ động cử các học vấn tăng theo các đoàn ngoại giao sang học tập, nghiên cứu Phật giáo tại Trung Quốc. Các học vấn tăng này sau đó về nước và đã có đóng góp to lớn đối với việc phát triển Phật giáo tại Nhật Bản. Sau khi Thái tử qua đời, việc chủ động cử các học vấn tăng sang học tập tại Trung Quốc tiếp tục được chính quyền Nhật Bản thực hiện cho đến cuối thế kỉ IX, khi nhà Đường suy yếu. Do việc chủ động du nhập Phật giáo Trung Quốc vào trong nước nên đến thời Nara, ở Nhật Bản đã xuất hiện sáu tông phái Phật giáo, được gọi là Nam đô Lục tông. Trong sáu tông phái này, ngoại trừ dòng thứ nhất của Tam Luận tông và Thành Thật tông do nhà sư người Triều Tiên truyền bá, còn lại đều do các nhà sư Nhật Bản du học ở Trung Quốc về nước thành lập. Tất cả các học vấn tăng này đều do triều đình cử và đi theo các phái bộ ngoại giao của Nhật khi có đoàn đi Sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thời cổ - trung đại 143 sang Trung Quốc. Tam Luận tông Nhật Bản có 3 dòng truyền thừa thì dòng thứ hai và thứ ba do các nhà sư người Nhật là Trí Tạng và Đạo Từ truyền bá. Pháp Tướng tông ở Nhật có 4 dòng truyền thì tất cả đều do các nhà sư Nhật du học ở Trung Quốc về truyền bá: dòng thứ nhất do ngài Đạo Chiêu, sang Trung Quốc thọ giáo nhà sư Huyền Trang năm 653, về nước năm 661; dòng thứ hai do Trí Thông và Trí Đạt đến Trung Quốc năm 658, theo học nơi ngài Huyền Trang và Khuy Cơ thực hiện; dòng thứ ba do các sư Trí Phượng, Trí Loan, Trí Hùng đến Trung Quốc học tập năm 703 sau đó về nước thực hiện; dòng thứ tư do sư Huyền Phương, đến Trung Quốc năm 717, về nước năm 735 truyền bá [1;tr.83 -84]. Câu Xá tông Nhật Bản thành lập bởi sự truyền bá của Trí Thông, Trí Đạt năm 658 và Huyền Phương năm 735. Cả ba nhà sư này đều là các học vấn tăng từ Trung Quốc trở về. Hoa Nghiêm tông của Nhật Bản ra đời gắn với công lao của sư Lương Biện, mặc dù ông không sang Trung Quốc du học nhưng đã thọ giáo nơi ngài Thẩm Tường, học trò của Pháp Tạng, sơ tổ đích thực của Hoa Nghiêm tông Trung Quốc. Từ thế kỉ VII đến thế kỉ IX, các tư liệu lịch sử ghi nhận việc nhiều học vấn tăng được gửi đi cùng với các đoàn ngoại giao Nhật Bản sang Trung Quốc. Theo thư của Thái tử Shotoku gửi Hoàng đế nhà Tùy thì trong sứ đoàn đến nhà Tùy năm 607 có vài chục sa môn đã được gửi sang để học thêm giáo lí cao thâm của Phật pháp [18;tr.38]. Trong phái đoàn ngoại giao năm 653 có 15 vị học tăng được gửi đi. Lần tiếp theo có 6 vị trong đó có Đạo Chiêu, Đạo Quang, Huệ Thí, Biện Chính và những vị này đều được đứng vào hàng Tăng Cang. Năm 702, các sư Đạo Từ, Trí Phượng, Trí Hùng, Trí Loan được cử đi cùng sứ bộ ngoại giao. Sau đó, trong hai lần phái sứ đoàn tiếp theo, các sư như Huyền Phương, Vinh Duệ, Phổ Chiếu cũng được gửi đi cùng [1;tr.124-125]. Cuối thời Nara, khi sáu tông phái Phật giáo cũ lâm vào trì trệ, để đổi mới Phật giáo, các nhà sư tiếp tục được chính quyền Nhật Bản cử sang Trung Quốc để học hỏi Phật pháp ở đây. Hai nhà sư Tối Trừng (Saicho) và Không Hải (Kukai) đều là những học vấn tăng do triều đình cử đi Trung Quốc du học. Sau khi về nước, Tối Trừng đã thành lập ra Thiên Đài tông, một tông phái có thế lực cũng như ảnh hưởng lớn tới nhiều tông phái Phật giáo Nhật Bản sau này. Cơ sở chính của Thiên Đài xây dựng trên núi Tỉ Duệ và Tỉ Duệ sơn trở thành cội nguồn của các giáo phái chủ yếu của Phật giáo Nhật Bản [6;tr.58]. Nhà sư Không Hải, sau hai năm tu học với sư Huệ Quả của chùa Thanh Long, năm 806 về nước lập ra Chân Ngôn tông. Ông cũng được xem là vị tổ thứ 8 của Chân Ngôn tông Trung Quốc. Bên cạnh số lượng đông đảo các học vấn tăng Nhật Bản được chính quyền chủ động gửi sang Trung Quốc du học, không ít các nhà sư Trung Quốc đã sang Nhật Bản để hoằng dương Phật pháp trong thời kỳ này. Những nhà sư này hoặc là được chính quyền Nhật Bản mời sang hoặc tự nguyện sang do nhiệt tâm của họ. Trong số các nhà sư Trung Quốc sang Nhật truyền bá Phật pháp, tiêu biểu nhất là tấm gương của nhà sư Giám Chân (Ganjin). Theo lời thỉnh cầu của nhà sư Vinh Duệ và Phổ Chiếu của Nhật Bản, Giám Chân đã cùng các đệ tử lên thuyền vượt biển đến Nhật để truyền bá Luật tạng. Đường đi gian khó và vô cùng nguy hiểm nên 5 lần đầu đều thất bại. Đến lần thứ 6, sau 12 năm kể từ lần đầu vượt biển, năm 754 Giám Chân mới đến được Nhật Bản với đôi mắt mù lòa. Giám Chân trở thành sơ tổ của Luật tông Nhật Bản và từ đây chế độ chứng nhận tăng ni chính thức dựa trên giới điệp được ký bởi Tam sư Thất chứng thay thế cho giấy chứng nhận của triều đình được thiết lập [1;tr.100]. Nhìn chung, việc du nhập và truyền bá Phật giáo buổi đầu sau thế kỉ VII gắn với cả các nhà sư Nhật Bản và Trung Quốc, trong đó công lao lớn nhất vẫn thuộc về các nhà sư Nhật Bản. Thái độ tích cực, chủ động trong việc lựa chọn những người tài giỏi gửi sang Trung Quốc để học hỏi, tiếp thu nền văn hóa tiên tiến của nước này đã có ý nghĩa lớn đối với những chuyền biến của xã hội Nhật Bản. “Những thành quả về chính trị và kinh tế của những phái bộ ngoại giao này không mấy vĩ đại nếu so với ảnh hưởng và thành quả văn hóa. Tăng sĩ Phật giáo, các nhà học giả, văn nghệ sĩ, kỹ thuật gia thuộc mọi ngành đi theo phái đoàn ngoại giao đến Trung Quốc cư trú, học hỏi một thời gian rồi Tràn Nam Trung 144 trở về nước truyền bá tư tưởng, học thuật đã thâu hoạch được. Đây là một chương trình gửi sinh viên ra ngoại quốc du học được tổ chức có tầm cỡ lớn và có kế hoạch đầu tiên trên thế giới” [7;tr.109]. Từ cuối thế kỉ IX, do sự khủng hoảng của nhà Đường, quan hệ ngoại giao Trung - Nhật cũng chấm dứt. Theo sử liệu thì đoàn Khiển Đường Sứ cuối cùng được Nhật cử đi năm 894 [4;tr.16]. Từ cuối nhà Đường đến hết các triều đại Tống, Nguyên, không một đoàn ngoại giao chính thức nào được Nhật Bản cử sang Trung Quốc. Thời kỳ gián đoạn quan hệ ngoại giao giữa hai nước này được các nhà nghiên cứu xem là thời kỳ Nhật Bản đã dần thoát ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc để xây dựng nền văn hóa của riêng mình - thời kỳ định hình bản sắc văn hóa Nhật Bản. Tuy không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng việc buôn bán của thương nhân cũng như việc qua lại của sư tăng hai nước vẫn không ngừng diễn ra. Theo số liệu trong Lịch sử Thiền tông Nhật Bản của Ibuki Atsushi do Nguyễn Nam Trân biên dịch thì trong thời nhà Tống có hơn 80 nhà sư Nhật Bản sang Trung Quốc và hơn 20 nhà sư Trung Quốc đến Nhật. Cũng theo tài liệu trên, thời Nguyên, số nhà sư Nhật đến Trung Quốc là hơn 200 người, trong khi số nhà sư Trung Quốc sang Nhật cũng khá đông, khiến cho Mạc phủ Kamakura nhiều khi muốn hạn chế. Thời Kamakura được xem là thời kỳ hình thành Phật giáo riêng của Nhật Bản (Phật giáo Nhật Bản) với sự xuất hiện của hàng loạt các tông phái Phật giáo mới như Tịnh Độ tông, Tịnh Độ Chân tông, Nhật Liên tông và hai nhánh của Thiền tông... Trong khi các tông phái khác do các nhà sư trong nước lập ra thì Lâm Tế tông và Tào Động tông được các nhà sư Nhật Bản đi du học bên nhà Tống trở về thành lập. Bên cạnh đó, các nhà sư Trung Quốc, đặc biệt là các nhà sư thuộc phái Thiền tông cũng tích cực đến Nhật Bản truyền bá giáo pháp nhà Phật. Trong thời Kamakura và Muromachi, nhiều Thiền tăng Trung Quốc đến Nhật đã được chính quyền Mạc phủ trọng dụng như Rankei Doryuu (Lan Khê Đạo Long), Mugaku Sogen (Vô Học Tổ Nguyên), Isan Ichinei (Nhất Sơn Nhất Ninh)...Những người này đã đóng góp cho sự phát triển của Thiền tông Nhật Bản. Trong thời Tokugawa, nhà sư Ẩn Nguyên Long Kỳ đến Nhật năm 1654 và đã sáng lập ra Hoàng Bá tông, nhánh thứ ba của Thiền tông Nhật Bản. Có thể thấy, việc du nhập Phật giáo từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ sau khi nhà Đường sụp đổ đã có những sắc thái mới. Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước tạm thời gián đoạn từ năm 894 đến năm 1371 thì việc cử các học vấn tăng theo các phái bộ ngoại giao cũng không còn được thực hiện. Tuy vậy, việc qua lại giữa các nhà sư hai nước vẫn được duy trì bởi tâm huyết của cá nhân các nhà sư ấy. Điểm mới cần nhấn mạnh ở đây là, trong thời kỳ này, tính chủ động và tự chủ của Nhật Bản trong việc học hỏi nền văn hóa tiên tiến của Trung Quốc nói chung, Phật giáo nói riêng không những được giữ vững mà còn được nâng cao hơn. Sự xuất hiện của Nhật Liên tông, một tông phái của riêng Nhật Bản cũng như việc những người đứng đầu các tông phái Phật giáo bắt đầu thể hiện các tư tưởng của chính họ bằng tiếng Nhật là những minh chứng cho điều này. Điều quan trọng ở đây là khi viết bằng tiếng Nhật, họ “là những người có thể đọc được văn bản tiếng Hán, đã chủ ý “giải thích sai” hoặc “đi trệch hướng” nghĩa gốc tiếng Hán” [3;tr.536]. Từ năm 1371, khi quan hệ ngoại giao của Nhật Bản với nhà Minh của Trung Quốc được nối lại thì việc qua lại giữa các nhà sư hai nước cũng có những điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, việc cử các học vấn tăng sang Trung Quốc không được tổ chức nữa. Sự suy yếu của chính quyền Mạc phủ Muromachi cùng tình trạng chiến tranh giữa các phe phái phong kiến là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này. Mặt khác, sự trưởng thành về mặt văn hóa của Nhật Bản nói chung và Phật giáo nói riêng khiến cho việc cử các đoàn học vấn tăng trở nên không còn cần thiết nữa. Chính sách này của Nhật Bản tiếp tục được duy trì đến cuối thời Tokugawa. Một điểm khác cần được khẳng định là trong quá trình du nhập và truyền bá Phật giáo ở Nhật Bản thì Phật giáo trước tiên được tiếp nhận bởi tầng lớp quý tộc trong triều đình sau đó mới có ảnh hưởng rộng trong tầng lớp bình dân. Điều này được minh chứng bằng sự ra đời của các tông phái Phật giáo ở Nhật Bản. Các tông phái Phật giáo trong thời Nara cùng với Thiên Đài tông và Chân Sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản thời cổ - trung đại 145 Ngôn tông xuất hiện đầu thời Heian chủ yếu liên hệ, phục vụ cho triều đình và giới quí tộc. Chỉ đến thời Kamakura, hàng loạt các tông phái Phật giáo dành cho đông đảo quần chúng như Tịnh Độ tông, Tịnh Đô chân tông, Thời tông, Nhật Liên tông mới lần lượt hình thành. 3. Kết luận Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản qua hai con đường Triều Tiên và Trung Quốc. Phật giáo từ Triều Tiên được truyền bá đến Nhật Bản trong giai đoạn đầu (thế kỉ VI - thế kỉ VII). Từ thế kỉ VII về sau, Phật giáo được du nhập trực tiếp từ Trung Quốc. Trong buổi đầu (thế kỉ VI - VII), Triều Tiên đã chủ động giới thiệu và truyền bá Phật giáo đến Nhật Bản. Trong giai đoạn sau (thế kỉ VII về sau), Nhật Bản đã chủ động gửi các học vấn tăng sang Trung Quốc học tập, nâng cao trình độ cũng như mời các bậc cao tăng Trung Quốc sang Nhật truyền bá Phật pháp. Từ khi được du nhập, Phật giáo đã lan tỏa trước tiên đến tầng lớp quí tộc, sau đó mới đến đông đảo tầng lớp bình dân. Mặc dù việc du nhập và truyền bá Phật giáo vào Nhật Bản là công lao đóng góp của các nhà sư Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản, song các nhà sư Nhật là những người có vai trò chủ yếu và quan trọng nhất. Tuy thời điểm du nhập Phật giáo vào Nhật Bản khá muộn, song quá trình này đã diễn ra trong một thời gian tương đối dài qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, vì thế đã để lại những ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội và bản thân Phật giáo Nhật Bản. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Giác Dũng, 2002. Lịch sử Phật giáo Nhật Bản. Nxb Tôn giáo, Hà Nội. [2] Đỗ Công Định, 2001. “Shotoku và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp”. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, (số1), tr.37 - 39. [3] Joseph. M. Kitagawa, 2002. Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản, Hoàng Thị Thơ (dịch). Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [4] Chử Đình Phúc, 2009. Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản thế kỉ XIV –XVII. Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. [5] GB. Sansom, 1989. Lược sử Văn hoá Nhật Bản, Tập1, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. [6] Murakami Shigeyoshi, 2005. Tôn giáo Nhật Bản, Trần Văn Trình (dịch) . Nxb Tôn giáo. [7] Trần Quang Thuận, 2008. Phật giáo Nhật Bản. Nxb Tôn giáo. [8] Trần Quang Thuận, 2008. Phật giáo Đại Hàn. Nxb Tôn giáo. ABSTRACT The introduction of Buddhism to Japan in Ancient – Medieval Tran Nam Trung Faculty of History, Hanoi National University of Education Buddhism was born in the 6th century BC in India. In the process of development, Buddhism spread throughout the world. However, Buddhism did not directly originate in Japan from India but from Korea and China. This article discusses the introduction of Buddhism to Japan in Ancient-Middle Ages in which the two main contents are the roads and the ways of introduction of Buddhism to Japan. Keywords: Japanese Buddhism, Japanese History, Buddhism of Korea; Acient – Medieval.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf5211_17_tran_nam_trung_0571_2123694.pdf
Tài liệu liên quan