So sánh - Đối chiếu thành ngữ có hình ảnh con chuột trong tiếng Việt và tiếng Đức - Lê Thị Bích Thủy

Tài liệu So sánh - Đối chiếu thành ngữ có hình ảnh con chuột trong tiếng Việt và tiếng Đức - Lê Thị Bích Thủy: 83KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019) VĂN HÓA - VĂN HỌC v 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Việc học tiếng Đức đối với nhiều người Việt không hề đơn giản, học thành ngữ tiếng Đức lại càng phức tạp hơn. Vì vậy, chúng tôi nghĩ cần có những nghiên cứu so sánh-đối chiếu liên quan tới cặp ngôn ngữ này, qua đó chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ để giúp cho người học một mặt gặp ít khó khăn hơn, mặt khác hiểu rõ hơn về văn hóa Đức. Với mục đích nêu trên, bài viết này tập trung vào nghiên cứu đối chiếu thành ngữ tiếng Đức và tiếng Việt có sử dụng hình ảnh con chuột, để qua đó thấy được sự giống nhau và khác nhau của các nghĩa biểu trưng, cũng như dấu ấn văn hóa của hai dân tộc trong các thành ngữ đó. LÊ THỊ BÍCH THỦY* *Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội,  lethibichthuy78@gmail.com Ngày nhận bài: 26/8/2018; ngày sửa chữa: 10/10/2018; ngày duyệt đăng: 20/12/2018 SO SÁNH-ĐỐI CHIẾU THÀNH NGỮ CÓ HÌNH ẢNH CON CHUỘT TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ĐỨC Trong bài...

pdf7 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 1053 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu So sánh - Đối chiếu thành ngữ có hình ảnh con chuột trong tiếng Việt và tiếng Đức - Lê Thị Bích Thủy, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
83KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019) VĂN HÓA - VĂN HỌC v 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Việc học tiếng Đức đối với nhiều người Việt không hề đơn giản, học thành ngữ tiếng Đức lại càng phức tạp hơn. Vì vậy, chúng tôi nghĩ cần có những nghiên cứu so sánh-đối chiếu liên quan tới cặp ngôn ngữ này, qua đó chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ để giúp cho người học một mặt gặp ít khó khăn hơn, mặt khác hiểu rõ hơn về văn hóa Đức. Với mục đích nêu trên, bài viết này tập trung vào nghiên cứu đối chiếu thành ngữ tiếng Đức và tiếng Việt có sử dụng hình ảnh con chuột, để qua đó thấy được sự giống nhau và khác nhau của các nghĩa biểu trưng, cũng như dấu ấn văn hóa của hai dân tộc trong các thành ngữ đó. LÊ THỊ BÍCH THỦY* *Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội,  lethibichthuy78@gmail.com Ngày nhận bài: 26/8/2018; ngày sửa chữa: 10/10/2018; ngày duyệt đăng: 20/12/2018 SO SÁNH-ĐỐI CHIẾU THÀNH NGỮ CÓ HÌNH ẢNH CON CHUỘT TRONG TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ĐỨC Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng thao tác thống kê, phân tích và tổng hợp, cũng như so sánh đối chiếu các thành ngữ có yếu tố chỉ con chuột trong tiếng Đức và tiếng Việt. Thành ngữ tiếng Việt được chúng tôi tham khảo chủ yếu trong “Từ điển Thành ngữ - Tục ngữ - Ca dao Việt Nam. Quyển thượng” của Việt Chương (2005) và “Thành ngữ học Tiếng Việt” của Hoàng Văn Hành (2004). Thành ngữ tiếng Đức được tập hợp từ Từ điển Duden Redewendungen: Wörterbuch der deutschen Idiomatik (2012) và Lexikon der Zitate und Redensarten. Để phục vụ cho bài viết này, chúng tôi thống kê được 23 thành ngữ có thành tố chỉ con chuột trong tiếng Đức và 23 thành ngữ có thành tố chuột TÓM TẮT Bài viết nhằm mục đích chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt về ý nghĩa của các thành ngữ tiếng Việt và tiếng Đức chứa thành tố chỉ con chuột. Bằng phương pháp miêu tả và so sánh, kết hợp với các thao tác phân tích, thống kê và tổng hợp, bài viết cho thấy một số nét tương đồng giữa thành ngữ trong hai ngôn ngữ trên: Hình ảnh con chuột chủ yếu gắn với nghĩa tiêu cực; các thành ngữ đều mang giá trị giáo huấn, dạy dỗ, có tính phê phán, chê bai hay phàn nàn. Tuy nhiên, mỗi ngôn ngữ đều có những nét đặc trưng riêng. Thành ngữ tiếng Việt phản ánh những nét đặc trưng văn hóa của làng quê Việt Nam, trong khi đó thành ngữ tiếng Đức liên quan nhiều tới tín ngưỡng,... Từ khóa: chuột, thành ngữ, văn hóa 84 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019) v VĂN HÓA - VĂN HỌC trong tiếng Việt1. Trong bài viết này chúng tôi không muốn so sánh về mặt cấu trúc thành ngữ ở hai ngôn ngữ, mà chỉ muốn so sánh hình ảnh con chuột với các nét nghĩa biểu trưng cũng như dấu ấn của hai nền văn hóa Đức và Việt được thể hiện qua các thành ngữ có thành tố chỉ chuột trong tiếng Đức và tiếng Việt. 2. QUAN NIỆM VỀ THÀNH NGỮ 2.1. Quan niệm về thành ngữ trong tiếng Việt Trong tiếng Việt, thành ngữ được đa số tác giả hiểu là cụm từ/ngữ/tổ hợp từ cố định (Hoàng Phê, 2003, tr.915; Nguyễn Thiện Giáp, 2002, tr.77; Mai Ngọc Chừ, 2015, tr.190; Hoàng Văn Hành, 2004, tr.27) và có giá trị biểu trưng về mặt nghĩa (Mai Ngọc Chừ, 2015, tr.190). Ngoài ra, Hoàng Phê (2003) cũng đề cập tới việc không thể giải thích nghĩa tổng thể của thành ngữ bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Trong số các định nghĩa của các tác giả nêu trên, chúng tôi thấy quan điểm về thành ngữ của Hoàng Văn Hành (2004, tr.27) diễn đạt trọn vẹn nhất cách hiểu về thành ngữ: Đó là “một loại tổ hợp từ cố định, bền vững về hình thái - cấu trúc, hoàn chỉnh, bóng bẩy về nghĩa, được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt là trong khẩu ngữ.” Như vậy, có thể thấy thành ngữ có hai đặc trưng nổi bật là: 1) Tính ổn định, cố định về thành phần từ vựng và cấu trúc; 2) Tính hoàn chỉnh và bóng bẩy về nghĩa (Hoàng Văn Hành, 2004, tr.28-29). Ví dụ: Thành ngữ Chuột chạy cùng sào có tính ổn định rất cao. Không thể thay thế chuột bằng mèo, hay sào bằng que trong thành ngữ trên, vì khi đó nghĩa gốc của thành ngữ đó sẽ mất. Xét về nghĩa, thành ngữ trên rất hoàn chỉnh, trọn vẹn; ngoài ra nó còn có sự bóng bẩy về nghĩa, mang tính hình tượng cao. 2.2. Quan niệm về thành ngữ trong tiếng Đức Trong giới Đức ngữ học, thành ngữ được nhiều tác giả cho là các cụm từ cố định mà nghĩa tổng thể của nó không thể suy ra từ các thành tố riêng lẻ (Duden Universal; Burger, 2007, tr. 11-12; Fleischer và các tác giả khác, 2001, tr.108-109). Như vậy, thành ngữ được đặt trong quan hệ đối lập với các cấu trúc tự do (Fleischer, 2001, tr.108) hay các cụm từ tự do (Burger, 2007, tr.12). Theo Burger (2007), thành ngữ có những đặc điểm chung sau đây: 1) Thành ngữ bao gồm ít nhất là hai từ trở lên; 2) Các cấu phần của một thành ngữ chỉ có thể được hiểu trong phạm vi của thành ngữ đó, nếu một yếu tố thay đổi thì nghĩa của thành ngữ sẽ mất đi, bị hiểu sai hoặc trở nên vô nghĩa; 3) Sự khác nhau giữa nghĩa từ vựng và nghĩa thành ngữ: nếu sự khác nhau càng lớn thì tính thành ngữ càng cao. Ví dụ: Thành ngữ Öl auf die Lampe gießen được cho là có tính thành ngữ rất cao; người ta không thể dựa vào nghĩa của từng từ trong thành ngữ trên để suy ra nghĩa tổng thể của thành ngữ. Nếu dịch từng từ trong thành ngữ trên, ta có “đổ dầu vào đèn”. Tuy nhiên, nghĩa của thành ngữ trên lại là “uống rượu”. Nếu thay từ “Lampe” (đèn) bằng một từ khác, ví dụ như “Pfanne” (chảo) thì nghĩa “uống rượu” của thành ngữ Öl auf die Lampe gießen không còn nữa. 3. PHÂN BIỆT THÀNH NGỮ VỚI TỤC NGỮ, CỤM TỪ CỐ ĐỊNH VÀ CỤM TỪ TỰ DO Trong nghiên cứu của mình, Hoàng Văn Hành (2004, tr.38) đã đưa ra những đặc trưng dùng làm tiêu chí để nhận diện thành ngữ và tục ngữ, qua đó làm nổi bật sự khác biệt giữa hai loại này. Các đặc trưng đó là đặc trưng về hình thái cấu trúc, có vần điệu, có đối điệp; chức năng biểu hiện nghĩa định danh; chức năng biểu hiện hình thái nhận thức và đặc trưng ngữ nghĩa. Ở ba đặc trưng đầu tiên, thành ngữ có sự phân biệt rõ ràng với tục ngữ. Trong khi thành ngữ là tổ hợp từ cố định, mang quan hệ hình thái thì tục ngữ là câu cố định và mang quan hệ cú pháp. Thành ngữ định danh sự vật, hiện tượng, quá trình, biểu thị khái niệm bằng hình ảnh biểu trưng, còn tục ngữ định danh sự tình, sự kiện, trạng huống, biểu thị phán đoán bằng hình tượng biểu trưng. Chỉ ở đặc trưng ngữ nghĩa thì ở 85KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019) VĂN HÓA - VĂN HỌC v cả thành ngữ và tục ngữ, hai tầng ngữ nghĩa được tạo bằng phương thức so sánh và ẩn dụ hóa. Khác với Hoàng Văn Hành, Nguyễn Thiện Giáp (2002, tr.79-86) lại phân biệt thành ngữ với ngữ định danh và cụm từ tự do. Ông phân biệt thành ngữ với ngữ định danh dựa trên các đặc điểm về nội dung và về mặt cấu trúc cú pháp, phân biệt với cụm từ tự do ở mặt hình thức và sự hoàn chỉnh về nghĩa. Cụ thể thì thành ngữ là tên gọi gợi cảm của hiện tượng nào đó, có ý nghĩa cụ thể, hình thành ở phạm vi mà sự phản ánh đòi hỏi cần có sự bình giá và biểu cảm, hay gặp quan hệ tường thuật,...; còn ngữ định danh là tên gọi thuần túy của sự vật, diễn đạt đồng thời quan hệ chủng và loại, có cả diện chung và diện riêng của ý nghĩa, hình thành ở phạm vi hoạt động trí tuệ của con người, ít gặp quan hệ tường thuật. Thành ngữ khác với cụm từ tự do ở tính hoàn chỉnh về nghĩa và tính phi cú pháp trong quan hệ. 4. THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ĐỨC CÓ CHỨA HÌNH ẢNH CON CHUỘT 4.1. Thành ngữ tiếng Việt Trong suy nghĩ của người Việt, khi nói tới chuột, thường chúng ta nghĩ ngay tới con vật bẩn thỉu, chuyên phá hoại, gây bệnh dịch, ăn vụng, ..., tức là những ý nghĩ rất xấu về con vật này. Có thể thấy điều này trong định nghĩa đầu tiên về con chuột ở Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê, 2003, tr.185). Vì thế, hình ảnh con chuột trong thành ngữ tiếng Việt có thành tố “chuột” cũng thường gắn liền với những ý nghĩa tiêu cực. Trong số 23 thành ngữ có yếu tố “chuột” của tiếng Việt, có tới 11 thành ngữ mang hàm ý phê phán, chê bai. Liên quan tới chê bai về hình thức có thể kể đến các thành ngữ sau đây: Hôi như chuột chù dùng để chê bai về tính chất của ai đó (có mùi rất hôi), còn Lù rù như chuột chù phải khói được sử dụng để miêu tả dáng vẻ của một người trông rất lù rù, kém tinh ranh. Ngoài các thành ngữ trên thì các thành ngữ khác chủ yếu chê bai về tính cách. Ví dụ thành ngữ Thì thụt như chuột ngày hoặc biến thể là Nhấm nhắt như chuột ngày xuất phát từ thực tế về thói quen sinh hoạt của loài chuột là thường đi tìm thức ăn về đêm, khi mọi người đã đi ngủ. Lúc đó chuột ăn vụng dễ dàng hơn, không sợ bị bắt. Nhưng khi kiếm ăn ban ngày, lúc mọi người đang thức, nó sẽ phải lén lút hoạt động. Thành ngữ này chê bai những kẻ đi lại, ra vào lén lút, làm việc ám muội. Chuột vốn là loài hay phá hoại ngấm ngầm và trốn trong nhà mà nhiều khi ta không biết. Đến khi cháy nhà, bị khói hun thì chuột mới lộ ra. Tương tự như thế, trong cuộc sống có những kẻ làm chuyện xấu một cách ngấm ngầm và chỉ lộ chân tướng, bị phát hiện khi có chuyện. Điều này có thể thấy trong thành ngữ Cháy nhà ra mặt chuột. Thành ngữ Mèo mẹ bắt chuột con cũng dùng để chê bai những người có khả năng lớn nhưng lại chỉ làm những việc nhỏ. Hay khi muốn chê những việc lúc đầu có vẻ to tát, hoành tráng nhưng khi kết thúc lại gần như chẳng có gì, rất đối lập với lúc đầu, người Việt dùng Đầu voi đuôi chuột. Và để chê người ta làm được việc này nhưng lại làm hỏng việc khác, người Việt có thành ngữ Đánh chuột làm vỡ bình sứ/Ném chuột vỡ lu, còn khi muốn chê ai đó không che dấu được toàn bộ hành vi, sự việc và bị lộ một phần bí mật, người Việt nói Chuột chạy hở đuôi. Những người làm việc không tới nơi tới chốn sẽ bị chê là Dở dơi dở chuột/Nửa dơi nửa chuột, còn những kẻ bày cách cho kẻ xấu biết lối tránh tội, không bị trừng phát sẽ bị phê phán là Bày đường cho chuột chạy. Tiếng Việt có 6 thành ngữ có thành tố “chuột” chỉ sự châm biếm. Trước hết có thể kể đến Chuột gặm chân mèo. Mèo và chuột vốn là kẻ thù truyền kiếp, thế mà chuột lại dám đến gần mèo, thậm chí gặm chân mèo. Thành ngữ này chỉ hành động liều lĩnh, nguy hiểm. Cũng đặt trong mối quan hệ với mèo nhưng thành ngữ Chuột cắn dây cột mèo vừa có giá trị phê phán, vừa có giá trị châm biếm, cười những kẻ ngu muội cứu giúp kẻ thù của mình. Tương tự như vậy, để phê phán và chê cười những kẻ không ra gì nhưng lại tỏ vẻ, chúng ta có Chuột chù đeo đạc; để phê phán, châm biếm những kẻ xấu xa phải núp dưới vỏ hào nhoáng để che bớt sự xấu xa của mình, người Việt dùng Chuột đội vỏ trứng. Cũng châm biếm nhưng có tính trào phúng 86 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019) v VĂN HÓA - VĂN HỌC là thành ngữ Chuột chù lại có xạ hương và Voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng. Ở thành ngữ đầu tiên, ta thấy chuột chù vốn rất hôi, vậy mà lại khoe là mình thơm. Dựa trên ý đó, thành ngữ này hàm ý chỉ những kẻ không có tài cán gì nhưng lại khoe mẽ. Trong khi đó thành ngữ thứ hai cười chê những kẻ đua đòi, thích bắt chước người khác một cách ngu ngốc, vì thế trở nên lố bịch. Ngoài những thành ngữ mang tính phê phán, châm biếm hay trào phúng kể trên, các thành ngữ trong tiếng Việt có thành tố chuột (5) còn cho thấy triết lý sống hoặc những bài học giáo huấn/bài học kinh nghiệm. Khi nói về việc làm những chuyện vừa sức, phù hợp với khả năng, người Việt dùng Mèo nhỏ bắt chuột con; nói về sự cần cù, nhẫn nại khi làm việc gì đó giống như con mèo rình chuột, người Việt nói Rình như mèo rình chuột. Trong cuộc sống có những lúc chúng ta rơi vào tình trạng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng thì không khác nào chuột sa cũi mèo, hoặc khi tình thế đến bước đường cùng, con người cũng giống như chuột chạy cùng sào, hay bỗng nhiên được sống trong một gia đình giàu có, sung túc thì chẳng khác nào chuột sa chĩnh gạo/chuột sa hũ nếp/chuột sa lọ mỡ. Triết lý là người đã nhiều tuổi sẽ không còn bạo gan như những thanh niên trẻ tuổi nữa được thể hiện qua thành ngữ Mèo già lại thua gan chuột nhắt. Trong số 23 thành ngữ được lựa chọn để nghiên cứu, chỉ có duy nhất một thành ngữ dùng hình ảnh con chuột để miêu tả hình dáng bên ngoài của con người khi họ bị ướt sũng. Đó là thành ngữ Ướt như chuột lột. Bên cạnh các nét nghĩa biểu trưng được trình bày ở trên, các thành ngữ có hình ảnh chuột còn ghi đậm khá rõ dấu ấn văn hóa Việt. Ví dụ qua thành ngữ Chuột sa chĩnh gạo/Chuột sa hũ nếp/ Chuột sa lọ mỡ, ta có thể thấy Việt Nam là một nước nông nghiệp, lương thực chính là gạo, ngoài ra người Việt cũng hay dùng gạo nếp làm lương thực, thay vì dùng dầu ăn như hiện nay thì trước đây họ lại dùng mỡ để nấu ăn. Hay hình ảnh cây sào cũng rất quen thuộc với nông thôn Việt Nam, nhất là trong quá khứ. Theo Việt Chương (2005, tr.319), những người nông dân trước đây thường gác cây sào trong nhà để vắt quần áo hay treo đồ đạc, vì vậy mới có hình ảnh Chuột chạy cùng sào, chuột mà leo lên sào, bị đuổi thì chỉ còn đường chạy từ đầu nọ sang đầu kia, để rồi cuối cùng cũng sẽ bị bắt. Ở nông thôn Việt Nam, để mèo không đi lang thang sang nhà khác, người ta cũng hay dùng dây để cột con mèo lại, vì thế mới có thành ngữ Chuột cắn dây cột mèo. Ngoài ra, còn một số hình ảnh khác đặc trưng cho văn hóa của Việt Nam như bình sứ hay cái lu; đây vốn là những thứ rất quý giá đối với người dân Việt thời xưa; vì thế mới có thành ngữ Đánh chuột làm vỡ bình sứ/Ném chuột vỡ lu. 4.2. Thành ngữ tiếng Đức Trong số 23 thành ngữ tiếng Đức có hình ảnh chuột, có 10 thành ngữ được dùng để phê phán, chê bai hay phàn nàn. Để phê phán ai đó có cách hành xử không ổn, để cho người khác phải chờ đợi quyết định của mình quá lâu nhưng cuối cùng lại đưa ra một quyết định có tính tiêu cực, làm người kia thất vọng, người Đức dùng thành ngữ Mit jemandem Katz und Maus spielen (Chơi trò mèo và chuột). Để chỉ những người đã một lần ăn cắp thì sẽ luôn lặp lại chuyện đó trong những lần sau, người Đức sử dụng Die Katze lässt das Mausen nicht (Mèo không để chuột yên). Tương tự như vậy, để miêu tả cách hành xử hỗn láo, xấc xược của người nào đó, tiếng Đức dùng sich mausig machen. Khi phàn nàn, kêu ca về một hoàn cảnh, sự việc nào đó không ổn, người Đức có thành ngữ Mäuse merken/riechen (Nhận ra/ngửi thấy chuột) hay Das ist eine Maus im Mehl (Có một con chuột trong đống bột mì). Từ thực tế là khi con chuột (màu xám) ở trong đống bột mì màu trắng thì sẽ bị phát hiện ra ngay, và rõ ràng là đống bột có vấn đề. Cũng mang nghĩa phàn nàn, nhưng thành ngữ zum Mäusemelken sein (Vắt sữa chuột) lại miêu tả tâm trạng bực mình, phát điên lên vì việc gì đó. Thành ngữ này xuất phát từ thực tế là: Vắt sữa chuột là một công việc hết sức khó khăn và không hề dễ chịu chút nào. Khi phàn nàn về việc dù đã rất cố gắng, đã tư vấn hết sức xong vẫn không thu được kết quả như ý, người Đức nói Der Berg 87KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019) VĂN HÓA - VĂN HỌC v kreißt und gebar eine Maus (Quả núi trở dạ rồi sinh ra một con chuột). Để chê bai cái gì đó quá ít ỏi, người Đức dùng thành ngữ Das trägt eine Maus auf dem Schwanze fort (Cái đó thì một con chuột cũng mang được trên cái đuôi của mình). Sự chê bai còn thấy ở thành ngữ graue Maus (Con chuột xám) vốn dùng để chỉ một người không có gì nổi bật, ở thành ngữ weiße Mäuse sehen (nhìn thấy chuột trắng) vốn dùng để miêu tả tình trạng tâm lý bị ảo giác. So với các thành ngữ mang tính phê phán, chê bai, phàn nàn thì các thành ngữ có tính châm biếm ít hơn hẳn (1): Có thể thấy một chút châm biếm nhẹ nhàng ở (Vor Scham/Angst) am liebsten in ein Mauseloch kriechen (chỉ muốn bò ngay vào hang chuột do xấu hổ/sợ hãi) khi nói tới tâm lý rất xấu hổ/sợ hãi của ai đó. Số lượng các thành ngữ chỉ sự bông đùa cũng rất ít (2): Khi muốn đùa bỡn, người Đức dùng hình ảnh những con chuột trắng weiße Mäuse để chỉ cảnh sát giao thông trong trang phục màu trắng; hay muốn đe dọa bông đùa người Đức nói dass dich das Mäuslein beißt (Chuột nhắt cắn đấy), nhưng thực chất thành ngữ này lại có nghĩa là “cậu điên à?”. Bên cạnh đó, người Đức cũng đưa ra triết lý, giáo huấn thông qua các thành ngữ có thành tố chuột (9): Khi khuyên ai đó muốn đạt được nhiều thứ thì phải dùng đúng mồi, trong tiếng Đức có thành ngữ Mit Speck fängt man Mäuse (Dùng thịt mỡ sẽ bắt được chuột). Hoặc cũng từ việc đúc rút kinh nghiệm trong cuộc sống, người Đức thấy những phụ nữ lớn tuổi cũng muốn tìm kiếm các chàng trai trẻ, giống như những con chuột già cũng thích ăn thịt mỡ như trong thành ngữ Alte Mäuse fressen auch gern Speck. Khi miêu tả hoàn cảnh sống của ai đó rất nghèo túng, người Đức dùng hình ảnh con chuột trong nhà thờ Arm wie eine Kirchmaus (Nghèo như con chuột trong nhà thờ), vì nhà thờ không phải là nơi có đồ ăn cho chuột có thể tìm kiếm hoặc ăn vụng thức ăn. Ngược lại với thành ngữ trên là Wie die Maus im Speck sitzen (Như con chuột ngồi trong miếng thịt mỡ), dùng để miêu tả cuộc sống sung sướng, no đủ, giống như con chuột vốn rất thích ăn thịt mỡ thì nay được ngồi ở đúng nơi nó thích. Chuột vốn là con vật hay bị đuổi bắt nên nó phải ẩn mình, phải giữ im lặng, hay chỉ quan sát từ xa và điều đó cũng đi vào thành ngữ Đức Still wie eine Maus (im lặng như chuột) hay Mäuschen sein/spielen wollen (Muốn là/đóng vai một con chuột nhắt) dùng để chỉ một người muốn quan sát, nghe ngóng một cách bí mật sự kiện hoặc cuộc thoại nào đó. Khi muốn nói không có gì thay đổi, mọi chuyện đã định sẵn rồi, người Đức nói Davon beißt die Maus keinen Faden ab (Con chuột không cắn đứt sợi chỉ). Thành ngữ này bắt nguồn từ câu chuyện liên quan tới ngày 17/3 là ngày mà con chuột của Thánh Gertrud cắn sợi chỉ ở con quay và điều đó có nghĩa là công việc đồng áng cho mùa đông đã chấm dứt và có thể chuyển sang công việc đồng áng cho mùa hè. Nếu con chuột không cắn đứt chỉ ở con quay thì mọi thứ vẫn giữ nguyên như cũ, không có gì thay đổi. Cũng có nguồn gốc từ câu chuyện trong quá khứ, khi tàu bè thường hay bị chìm, không trừ bất cứ ai, bất cứ thứ gì, người Đức nói Mit Mann und Maus untergehen (Cả người và chuột đều chết chìm). Con chuột tượng trưng cho những thứ nhỏ bé, không có ý nghĩa cũng theo người chìm xuống biển. Hình ảnh con chuột không chỉ xuất hiện trong các thành ngữ mang tính phê phán, châm biếm, hay giáo huấn như trên, mà còn xuất hiện trong các thành ngữ miêu tả tính cách (khen) hay miêu tả hình thức của con người: Trong mắt người Đức, chuột là con vật rất nhanh nhẹn, hoạt bát và vì vậy họ mới so sánh những người nhanh nhẹn, hoạt bát với con chuột flink wie eine Maus (nhanh như chuột). Và người nào đó bị ướt từ đầu tới chân, trông thật đáng thương sẽ được so sánh với một con chuột vừa tắm xong: wie eine gebadete Maus. Dấu ấn văn hóa Đức cũng thể hiện khá rõ qua các thành ngữ. Ví dụ hình ảnh nhà thờ trong thành ngữ arm wie eine Kirchmaus (Nghèo như chuột trong nhà thờ). Đa số người Đức theo đạo Thiên chúa giáo và vì vậy có thể thấy rất nhiều nhà thờ ở Đức. Đây chính là một biểu tượng cho tín ngưỡng 88 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019) v VĂN HÓA - VĂN HỌC của họ. Ngoài ra còn thấy loại lương thực chính được người Đức sử dụng nhiều là bột mì (Mehl) hay thịt mỡ (Speck) cũng xuất hiện trong thành ngữ có thành tố chuột. Bảng 1 bên dưới là bảng biểu thống kê về mức độ đa nghĩa của thành ngữ có thành tố chuột tiếng Việt và tiếng Đức. 5. SỰ TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT TRONG THÀNH NGỮ TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ĐỨC 5.1. Sự tương đồng Hình ảnh con chuột gắn với những điều không tốt đẹp, đều xuất hiện ở cả hai ngôn ngữ. Theo đó, nghĩa của các thành ngữ gắn với hình ảnh con chuột cũng thường mang tính tiêu cực. Phần lớn các thành ngữ trong hai ngôn ngữ Việt và Đức đều mang tính phê phán, chê bai, phàn nàn hay châm biếm. Bên cạnh đó cũng có khá nhiều thành ngữ mang tính triết lý, giáo huấn, dạy dỗ. Và để miêu tả hình thức của ai đó bị ướt từ đầu đến chân, người Việt và người Đức đều dùng hình ảnh con chuột bị ướt để so sánh. Người Việt nói Ướt như chuột lột, còn người Đức nói Wie eine gebadete Maus (Ướt như con chuột vừa tắm xong). Chuột trong các thành ngữ tiếng Việt và tiếng Đức đều được đặt trong quan hệ với mèo, với mỡ (nhưng ở tiếng Việt là lọ mỡ, còn tiếng Đức là miếng thịt mỡ); đều gắn với các động từ như cắn, bị bắt. Ngoài ra, ở cả hai ngôn ngữ đều xuất hiện thành ngữ có hình ảnh con chuột và bản thân thành ngữ đó mang tính tích cực, mặc dù hình ảnh con chuột trong các thành ngữ đó không làm người ta liên tưởng tới sự tiêu cực hay tích cực. Đó là Chuột sa chĩnh gạo/Chuột sa hũ nếp/Chuột sa lọ mỡ (tiếng Việt) và Wie die Maus im Speck sitzen (như con chuột ngồi trong miếng thịt mỡ) (tiếng Đức), dùng chỉ miêu tả hoàn cảnh sống sung sướng, no đủ của ai đó. 5.2. Sự khác biệt Tiếng Đức có duy nhất một thành ngữ mà ở đó cả con chuột (hoạt bát, nhanh nhẹn), cũng như cả nghĩa của thành ngữ có thành tố chuột đều mang nghĩa tích cực. Đó là flink wie eine Maus (nhanh như chuột), dùng để khen một ai đó có tính cách nhanh nhẹn, khéo léo khi di chuyển hoặc khi làm việc. Trong khi đó, tiếng Việt không có một thành ngữ nào gắn với hình ảnh con chuột lại mang tính tích cực như vậy. Tương tự, các thành ngữ chỉ sự bông đùa cũng chỉ xuất hiện trong tiếng Đức. Chuột trong thành ngữ tiếng Đức gắn liền với yếu tố màu sắc là trắng và xám như trong thành ngữ weiße Mäuse, weiße Mäuse sehen hay graue Maus. Yếu tố màu sắc gắn liền với chuột không hề xuất hiện trong tiếng Việt. Thành ngữ tiếng Đức có nguồn gốc gắn với các câu chuyện liên quan tới tín ngưỡng, còn thành ngữ tiếng Việt không có hiện tượng đó. Tuy nhiên, nét văn hóa của làng quê Việt Nam hiện lên khá rõ trong thành ngữ tiếng Việt, đó là hình ảnh cây sào, chĩnh gạo, hũ nếp, lọ mỡ, bình sứ, Trong khi đó, những hình ảnh của văn hóa làng quê ở Đức rất mờ nhạt. 6. KẾT LUẬN Bài viết này cho thấy một số khác biệt trong thành ngữ có hình ảnh con chuột trong tiếng Đức và tiếng Việt. Hình ảnh con chuột trong thành ngữ Bảng 1: Mức độ đa nghĩa của thành ngữ có thành tố chuột tiếng Việt và tiếng Đức Ngữ nghĩa Thành ngữ Phê phán, chê bai, phàn nàn Châm biếm, trào phúng Bông đùa Triết lý, giáo huấn Miêu tả hình thức Miêu tả tính cách (khen) Tiếng Việt 11 6 0 5 1 0 Tiếng Đức 10 1 2 8 1 1 89KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 17 (01/2019) VĂN HÓA - VĂN HỌC v tiếng Đức gắn với màu sắc, với tín ngưỡng và với sự nhanh nhẹn, nhưng những điều này không thấy xuất hiện trong thành ngữ tiếng Việt. Ngược lại, một số hình ảnh đặc trưng cho văn hóa làng quê thể hiện khá sắc nét trong tiếng Việt, còn trong tiếng Đức rất mờ nhạt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không phải là không có những điểm tương đồng giữa hệ thống thành ngữ của hai ngôn ngữ này, ví dụ hình ảnh con chuột ướt sũng được dùng để tả một người bị ướt từ đầu đến chân, hình ảnh con chuột trong cả hai ngôn ngữ phần lớn đều mang nghĩa tiêu cực, các thành ngữ đều có giá trị giáo huấn, dạy dỗ, có tính phê phán, chê bai hay phàn nàn. Trong các nghiên cứu sau, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ thêm về nguồn gốc xuất xứ của các thành ngữ để có thể làm rõ nét hơn dấu ấn văn hóa Đức và Việt./. Chú thích: 1. Trong luận văn của mình, Nguyễn Thị Bảo (2003) đã thống kê được 47 thành ngữ tiếng Việt có thành tố chuột. Con số đó trong nghiên cứu của Phan Văn Quế là 30 và của Trịnh Cẩm Lan là 37 (dẫn theo Nguyễn Thị Bảo 2003, tr.16). Tài liệu tham khảo: Nguyễn Thị Bảo (2003), Ngữ nghĩa của từ ngữ chỉ động vật trong thành ngữ tiếng Việt (so sánh với thành ngữ tiếng Anh), Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ học, TP. Hồ Chí Minh. Mai Ngọc Chừ (chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa, Đỗ Việt Hùng, Bùi Minh Toán (2015), Nhập môn ngôn ngữ học, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. Việt Chương (2005), Từ điển Thành ngữ - Tục ngữ - Ca dao Việt Nam, Quyển thượng, NXB Tổng hợp Đồng Nai. Nguyễn Thiện Giáp (2002), Từ vựng học Tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội. Hoàng Văn Hành (2004), Thành ngữ học Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. Hoàng Phê (2002) (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng. T.G (2018), Hình ảnh chuột trong các sáng tác dân gian, truy cập ngày 30/9/2018, <https://baokhanhhoa.vn/ baoxuan/200802/hinh-anh-chuot-trong-cac-sang-tac- dan-gian-1794818/>. Burger, Harald (2007), Phraseologie. Eine Einführung am Beispiel des Deutschen. Erich Schmidt Verlag. Berlin. Duden Redewendungen: Wörterbuch der deutschen Idiomatik (Duden - Deutsche Sprache in 12 Bänden, Band 11) (2012). Duden – Deutsches Universalwörterbuch: Das umfassende Bedeutungs-wörterbuch der deutschen Gegenwartssprache (2015): Bibliographisches Institut. Fleischer, Wolfgang/Helbig, Gerhard/Lerchner, Gotthard (Hrsg.) (2001): Kleine Enzyklopädie. Deutsche Sprache. Peter Lang. Frankfurt am Main. Lexikon der Zitate und Redensarten. Königswinter: Tandem Verlag. (o.J.) A CONTRASTIVE ANALYSIS OF VIETNAMESE AND GERMAN IDIOMS CONTAINING THE IMAGE OF A MOUSE LE THI BICH THUY Abstract: This paper aims to point out the similarities and differences in meaning of Vietnamese and German idioms containing the image of a mouse. Using descriptive and comparative methods in combination with the critical analysis, statistics and synthesis, this article points out shows some similarities of the Vietnamese and German idioms: Mice are often negatively associated negative things; almost idioms have the educational, critical and complaining values. However, each language has its own special features. Vietnamese idioms have special features of culture of the village in Vietnam, while German idioms are related to religion, etc. Keywords: mouse, idioms, culture Received: 26/8/2018; Revised: 10/10/2018; Accepted: 20/12/2018

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfkhnnqs_17_01_2019_83_89_le_thi_bich_thuy_6366_2136250.pdf
Tài liệu liên quan