Rèn luyện kĩ năng so sánh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động làm quen với văn học

Tài liệu Rèn luyện kĩ năng so sánh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động làm quen với văn học: VJE Tạp chí Giáo dục, Số 462 (Kì 2 - 9/2019), tr 36-40 36 Email: minhphuongsphn@gmail.com RÈN LUYỆN KĨ NĂNG SO SÁNH CHO TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG LÀM QUEN VỚI VĂN HỌC Nguyễn Thị Minh Phương - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Ngày nhận bài: 05/7/2019; ngày chỉnh sửa: 08/8/2019; ngày duyệt đăng: 16/8/2019. Abstract: In this article, we analyze and propose a process to train comparative skills for children in activities of familiarizing with literature which conducted in 5 steps: Listening and identifying comparative verses; repeat comparison; conversation about comparison; say comparisons; experience the comparison. This training process will both help children develop thinking and help children develop language and participate in communication activities more effectively. Keywords: Skill, comparison, preschool children, activity, literature. 1. Mở đầu So sánh là một trong những thao tác dùng để nhận thức thế giới, nhận thức hiện thực khách qua...

pdf5 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 434 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Rèn luyện kĩ năng so sánh cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động làm quen với văn học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VJE Tạp chí Giáo dục, Số 462 (Kì 2 - 9/2019), tr 36-40 36 Email: minhphuongsphn@gmail.com RÈN LUYỆN KĨ NĂNG SO SÁNH CHO TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI TRONG HOẠT ĐỘNG LÀM QUEN VỚI VĂN HỌC Nguyễn Thị Minh Phương - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Ngày nhận bài: 05/7/2019; ngày chỉnh sửa: 08/8/2019; ngày duyệt đăng: 16/8/2019. Abstract: In this article, we analyze and propose a process to train comparative skills for children in activities of familiarizing with literature which conducted in 5 steps: Listening and identifying comparative verses; repeat comparison; conversation about comparison; say comparisons; experience the comparison. This training process will both help children develop thinking and help children develop language and participate in communication activities more effectively. Keywords: Skill, comparison, preschool children, activity, literature. 1. Mở đầu So sánh là một trong những thao tác dùng để nhận thức thế giới, nhận thức hiện thực khách quan. So sánh được sử dụng thường xuyên trong mọi hoạt động thuộc tất cả những lĩnh vực khác nhau của đời sống thường ngày. Ngay từ khi còn được bế ẵm trên tay cho tới khi chập chững biết đi rồi tới trường mẫu giáo, có lẽ trẻ không ít lần được nghe bà nói nựng, mẹ hát ru những lời thơ, câu hát mang đậm các hình ảnh so sánh. Phần nào đó trẻ hiểu về thế giới xung quanh qua các hình ảnh so sánh trong lời mẹ ru, mẹ hát ấy. Như vậy, rõ ràng là những câu nói, những cách nói so sánh trẻ đã được làm quen từ rất sớm và không phải là quá xa lạ khi trẻ bước chân vào trường mẫu giáo. Có lẽ không phải là quá khi chúng ta nói rằng, thế giới trẻ thơ là thế giới của tưởng tượng và so sánh. Qua tưởng tượng và so sánh, trẻ vừa có thể khám phá và nhận thức về hiện thực, vừa có được cách sử dụng so sánh sinh động, giúp cho lời nói thêm đa dạng và giầu hình ảnh. “Chất màu” để nuôi dưỡng và phát triển trí tưởng tượng và so sánh ấy cho trẻ chính là những hoạt động kể chuyện, đọc thơ của cô trong nhà trường, hay nói một cách khác chính là trong hoạt động làm quen với văn học. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Sự khác biệt giữa rèn luyện so sánh cho trẻ trong hoạt động làm quen với văn học với các loại hoạt động khác - Trong hoạt động giáo dục ở trường mầm non, có hai loại hoạt động nâng cao kĩ năng so sánh cho trẻ một cách hiệu quả nhất là: hoạt động khám phá môi trường xung quanh và hoạt động làm quen với văn học. Nếu trong hoạt động nhận thức khám phá môi trường xung quanh, khi cần phải nhận thức một đối tượng nào đó thì trẻ được tiếp xúc trực tiếp với đối tượng ấy. Những đối tượng đó thường là những vật thật (cũng có thể là mẫu vật hay tranh ảnh), trẻ được nhìn tận mắt, được sờ mó, cầm nắm tận tay. Hay nói một cách khác, đối tượng tồn tại trong hiện thực khách quan mà trẻ được tiếp xúc chính là đối tượng cần phải nhận thức. Còn trong hoạt động làm quen với văn học thì đối tượng cần nhận thức của trẻ lại là những âm thanh, những câu chữ. Đó là những lời nói mang nội dung trừu tượng không thể sờ mó, cầm nắm mà chỉ có thể nhận thức thông qua suy luận, liên tưởng. Những câu văn, câu thơ là thứ ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giầu hình ảnh, nhiều tầng nghĩa, nhiều lượng thông tin nên rất khó nắm bắt đối với trẻ. - Trong hoạt động làm quen với văn học, trẻ được tiếp xúc với câu văn, câu thơ để tìm hiểu về chúng và vì vậy câu văn, câu thơ với cách thức tổ chức ngôn từ phải trở thành đối tượng cần nhận thức. Nhưng ở đây, bản thân việc tổ chức ngôn từ của câu văn, câu thơ ấy chưa phải là cái đích cuối cùng của nhận thức văn học. Việc tổ chức ngôn từ mới chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích. Nếu nhận thức của trẻ chỉ dừng lại ở đấy thì câu văn, câu thơ mới chỉ có “xác” mà chưa có “hồn”, trẻ mới chỉ tiếp xúc được với những tín hiệu vật chất mang tính kí mã của ngôn ngữ. Bởi vậy, việc giải mã các tín hiệu ngôn ngữ ấy để nắm bắt được nội dung kí gửi, những điều nằm sau các câu chữ mới là điều hết sức cần thiết. Đây mới là “phần hồn” của câu văn, câu thơ. Vì thế có thể thấy trong hoạt động làm quen với văn học, trẻ sẽ phải có hai lần nhận thức: lần thứ nhất (trực tiếp) là nhận thức về cách thức tổ chức ngôn ngữ (là hình thức, mang tính vật chất) và lần thứ hai (gián tiếp) là nhận thức về những điều mà tác giả gửi gắm trong hình thức ấy (là nội dung, mang tính tinh thần). Trong hai đích này thì đích nhận thức nội dung mới là đích giữ vai trò quan trọng nhất, là cái đích cuối cùng của hoạt động làm quen với văn học. - Đã nói đến hoạt động làm quen với văn học là nói đến cảm xúc, cảm nhận, sự rung động, sự liên tưởng... Nếu điều này là xảy ra thường xuyên với trẻ khi tham gia hoạt động làm quen với văn học thì ngược lại, điều này lại rất ít khả năng xảy ra khi trẻ tham gia hoạt động khám phá môi trường xung quanh. Khi nghe một câu văn, câu VJE Tạp chí Giáo dục, Số 462 (Kì 2 - 9/2019), tr 36-40 37 thơ nào đó, mỗi người sẽ có một liên tưởng, một cảm xúc rất khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau. Trước một câu văn, câu thơ, trước một sự so sánh nào đó được nghe giáo viên (GV) đọc, trẻ có thể có thưởng thức theo cách riêng, cảm nhận theo cái “tôi” của mình. Trẻ nhìn nhận mọi việc xung quanh, đánh giá cái tốt, cái xấu trong đời sống theo đúng cách cảm, cách nghĩ của cái “tôi”. Khi trải nghiệm so sánh, trẻ có thể nói ra cái riêng của mình theo các mẫu so sánh đã được nghe, được dạy. Cái riêng được trẻ nói ra ấy đã làm nên chất hồn nhiên, trong sáng của trẻ. Cái riêng ở đây không đồng nhất với cái hay, cái sáng tạo. Cái hay, cái sáng tạo là mức cao trong thang đo giá trị sản phẩm của hoạt động nói chung và của hoạt động ngôn ngữ nói riêng. Hay có thể là về ý, sáng tạo có thể là về lời, vừa hay vừa sáng tạo là đạt thang giá trị cao nhất về việc chọn ý, tạo lời. Nếu đòi hỏi như vậy đối với cái riêng, thì quả thật trẻ mẫu giáo khó có thể đạt được. Bởi vậy, cái riêng trong so sánh của trẻ có thể chỉ là việc trẻ nói lời so sánh khác với mẫu của tác phẩm, chưa đạt tới độ chính xác cao, nhưng lại là cách cảm, cách nghĩ chỉ có ở lứa tuổi của trẻ. 2.2. Quy trình rèn luyện kĩ năng so sánh cho trẻ trong hoạt động làm quen với văn học (thơ ca) Bước 1: Trẻ nghe và nhận ra câu so sánh Mục đích: Bước này hướng đến việc giúp trẻ nghe và nhận ra câu so sánh trong lời đọc của GV. Đây là bước đi đầu tiên dẫn trẻ đến với văn học, đến với hoạt động so sánh trong văn học. Vì trẻ chỉ có thể tiếp xúc với câu thơ qua lời đọc, bởi vậy việc GV đọc là nhằm giúp trẻ hiểu được ngôn từ và bước đầu nhận ra được nội dung bài thơ. Cách tiến hành - Tạo tâm thế nghe và giao nhiệm vụ cho trẻ. Để trẻ nghe có kết quả - nghĩa là nghe hiểu được phần nào đó nội dung và nhận ra câu so sánh - GV cần phải tạo tâm thế nghe cho trẻ. Không phải lúc nào trẻ cũng sẵn sàng chuyển từ dạng hoạt động này sang dạng hoạt động khác. Trẻ rất khó chuyển nhanh, chuyển ngay tức thì từ trạng thái vui chơi sang trạng thái học tập, từ trạng thái hoạt động chân tay sang trạng thái hoạt động trí óc, hay hoạt động nghe nhìn. Thường thì vì mải mê việc riêng hoặc mải mê nói chuyện cùng bạn, hay đang thích thú với đồ chơi nào đó, trẻ mất tập trung, không quan tâm đến việc nghe GV đọc thơ. Bởi vậy, khoảng thời gian tạo tâm thế này chính là khoảng thời gian đủ để GV giúp trẻ quay trở lại, tập trung trở lại để nghe đoạn thơ GV sẽ đọc. - Trẻ nghe đoạn thơ. Đây là bước đầu tiên của trẻ trong hoạt động làm quen với đoạn thơ, bài thơ. Trong hoạt động làm quen với văn học, trẻ chỉ được dùng thính giác để tiếp nhận vỏ âm thanh - cái biểu đạt mang tính vật chất - của tín hiệu ngôn ngữ. Do đặc điểm này mà tính trực quan trong hoạt động làm quen với văn học của trẻ giảm đi rất nhiều. Bởi vậy, khi đọc thơ, GV cần đọc chậm và rõ ràng để giúp trẻ nghe rõ từng câu, từng tiếng. Việc đọc này, GV có thể phải tiến hành tới hai hoặc ba lần nếu như bài thơ, đoạn thơ có nội dung còn xa lạ, hoặc âm điệu, vần điệu có phần nào đó trúc trắc, khó nghe, khó nhớ với trẻ. Với những câu so sánh, GV có thể đọc nhấn giọng hơn, trọng âm mạnh hơn những câu khác để lôi kéo, thu hút được sự chú ý của trẻ. Việc đọc chậm và nhiều lần như vậy là cơ sở để giúp trẻ hiểu được nội dung văn bản và nhận ra câu thơ so sánh. - Trẻ nhận ra câu so sánh. Để trẻ có thể thực hiện được hoạt động so sánh, việc đầu tiên là trẻ phải làm quen với mô hình so sánh, đặc biệt là phải nhận ra được câu so sánh. Cách đơn giản và dễ nhận biết nhất đối với trẻ chính là các từ ngữ so sánh. Bởi vậy, việc GV cần làm là giúp trẻ nhận diện so sánh thông qua việc nhận diện từ ngữ so sánh tiêu biểu nhất, điển dạng nhất. Đó chính là từ “như”. Hễ có từ “như” là có so sánh. Điều này được in đậm vào nhận thức của trẻ như một cơ sở nhận diện so sánh. Còn những từ ngữ so sánh khác, ví dụ: “giống như, tựa như, hệt như, tương tự như...”, dựa trên cấu trúc so sánh có “như” cũng sẽ dần dần được trẻ tiếp nhận một cách thuận lợi. Đây là việc nhận diện so sánh từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ gần gũi đến xa lạ. Có tiến hành như vậy, trẻ mới nhận thức dễ dàng và tránh được sự mệt mỏi trong hoạt động làm quen với so sánh. Như vậy, để trẻ có thể nhận ra nhanh chóng và dễ dàng câu so sánh trong đoạn thơ hoặc bài thơ, GV giúp trẻ ghi nhớ: trong câu văn, câu thơ nếu câu nào sử dụng các từ: “như”, “giống”, “giống như”... thì câu đó là câu so sánh. Bước 2: Nhắc lại so sánh Mục đích: Nếu bước 1 đơn giản chỉ là việc trẻ được nghe và nhận ra câu so sánh trong quá trình nghe ấy thì bước 2 lại hướng đến việc giúp trẻ nhắc lại được câu so sánh có trong bài thơ, đoạn thơ. Để có thể tiếp tục tham gia vào tìm hiểu so sánh, trẻ buộc phải nói lại được những câu thơ có sử dụng phép so sánh đó để làm cơ sở cho việc đàm thoại ở bước sau. Nếu trẻ không nhắc lại được câu thơ, nghĩa là trẻ không nhớ câu thơ, trẻ không thể tham gia đàm thoại, trò chuyện về chính câu thơ ấy. Bởi vậy, việc nhắc đi nhắc lại nhiều lần những câu thơ này sẽ giúp trẻ có điều kiện để ghi nhớ câu so sánh, nhớ những hình ảnh hoặc cách so sánh đã được nghe đó. Cách tiến hành - GV gợi ý. Sau khi được nghe GV đọc đoạn thơ, trẻ có thể không tự mình nói lại được câu so sánh có trong đoạn thơ đó. Bởi vậy cần có sự gợi ý của GV. Ví dụ, với bài “Trăng sáng” của Nhược Thủy trong chương trình làm quen với văn học, GV có thể gợi ý để trẻ nhận ra so sánh bằng các câu hỏi như sau: VJE Tạp chí Giáo dục, Số 462 (Kì 2 - 9/2019), tr 36-40 38 + Ai cho cô biết, câu “Trăng hồng như quả chín” có phải là so sánh không? - Có. + Vì sao các con lại cho là một so sánh? - Vì có từ “như”. + À, đúng rồi! Câu “Trăng hồng như quả chín” là một câu so sánh. Bằng cách dắt dẫn và gợi mở như vậy, GV tiếp tục hướng dẫn trẻ tìm những câu so sánh khác trong bài thơ. Khi trẻ tìm đủ các câu so sánh có trong bài thơ, GV sẽ nhắc những câu so sánh ấy và sau đó cho trẻ nói lại những câu so sánh vừa tìm được. - GV nhắc lại các câu so sánh để trẻ nói theo. Với những bài thơ, có nhiều lần so sánh, trẻ khó có thể nhớ hết được những câu so sánh ấy trong khoảng thời gian ngắn. Bởi vậy, sau khi trẻ tìm ra được những câu so sánh ấy, GV cần nhắc lại đầy đủ tất cả những câu so sánh đó. Việc nhắc lại các câu so sánh có trong bài thơ có thể do GV chủ động thực hiện, nhưng cũng có thể được tiến hành theo cách dắt dẫn, cô nói trước và trẻ sẽ nhắc lại theo. Ví dụ, GV nói và trẻ nhắc lại: Trăng hồng như quả chín; Trăng tròn như mắt cá; Trăng bay như quả bóng. Hoạt động này giúp trẻ có thể thuộc những câu thơ nhanh hơn. Tới khi trẻ đã thuộc rồi, GV nên để trẻ tự nói những câu thơ đó. Việc GV dắt dẫn trẻ nhắc lại những câu vào một thời điểm kết thúc hoạt động nhận diện các câu so sánh như vậy sẽ giúp trẻ lưu giữ tốt hơn những câu thơ này trong bộ nhớ của mình. - Trẻ tự mình nhắc lại câu so sánh. Việc GV nhắc lại những câu so sánh trong bài thơ là cần thiết đối với trẻ, nhưng muốn giúp trẻ thuộc và nhận thức được so sánh, thì hoạt động làm quen với văn học ở trường mẫu giáo tuyệt đối không thể chỉ là hoạt động của GV. Vì thế, GV cần cho trẻ nhắc lại, nói lại câu so sánh đó trong bài thơ. Việc trẻ tự mình nói lại, đọc lại được những câu so sánh như thế, một mặt vừa giúp các em nhớ thơ, thuộc thơ, mặt khác vừa giúp các em nhận thức được về phép so sánh một cách có chủ định, có ý thức. Và khi trẻ nhắc lại những câu thơ này cũng chính là lúc trẻ đã thực sự tham gia vào nhận thức về so sánh. Những lời đầu tiên, có thể trẻ không nhắc lại hết được câu thơ, hoặc trẻ chỉ nói được một phần câu thơ thậm chí nói sai câu thơ. Nhưng đó là việc bình thường, không có gì đáng ngại. Bởi lẽ việc mới làm quen với so sánh có thể khiến trẻ có những bỡ ngỡ, chập chững ban đầu. Nhưng chỉ cần sau một vài lần luyện tập và được GV hỗ trợ, sửa chữa, trẻ sẽ thành thạo với hoạt động này hơn và dần dần nhắc lại, đọc lại những lời so sánh một cách trôi chảy và rõ ràng. Bước 3: Đàm thoại về nội dung văn bản và câu so sánh Mục đích: Nhằm giúp trẻ hiểu được nội dung văn bản, hiểu được câu chữ, hình ảnh được sử dụng trong bài thơ cũng như trong phép so sánh. Nếu không đàm thoại với trẻ, GV sẽ không có thông tin phản hồi về việc trẻ hiểu chính xác đến mức nào nội dung, hình ảnh, âm thanh, vần điệu được dùng trong văn bản. Chỉ qua đàm thoại, trò chuyện với trẻ, GV mới có thể biết trẻ còn điểm nào nhận thức sai, không chính xác để uốn nắn, chỉnh sửa. Tất nhiên là việc đàm thoại, trò chuyện với trẻ về bài thơ, câu thơ, dòng thơ không chỉ là việc đàm thoại xoay quanh phép so sánh. GV vẫn phải đàm thoại với trẻ về những nội dung, yêu cầu theo đúng nhiệm vụ của tiết hoạt động cho trẻ làm quen với văn học. Cách tiến hành - Đàm thoại về nội dung được nghe. Việc nghe của trẻ trong hoạt động làm quen với văn học không phải chỉ là nghe để nghe mà còn là nghe để hiểu và cảm thụ văn bản. Chỉ khi trẻ hiểu được nội dung, trẻ mới có thể cảm thụ được cái hay của lời văn, lời thơ được nghe. Không hiểu được nội dung, hoặc nội dung không được trẻ nhận thức đầy đủ thì trẻ không bao giờ có cảm xúc, không bao giờ thích nhớ những câu văn câu thơ ấy. Chính vì vậy, việc GV tiến hành đàm thoại với trẻ vừa là một hoạt động giúp trẻ hiểu nội dung để từ đó cảm thụ được cái hay của văn bản đã được nghe, mà còn vừa là hoạt động giúp trẻ hứng thú ghi nhớ những câu văn câu thơ được học. Những câu hỏi GV đặt ra với trẻ có thể là: Con vật, đồ vật, hiện tượng, sự việc... nào đã được tác giả nói đến trong bài thơ? Chúng có những đặc điểm gì nổi bật, những hoạt động nào là đáng chú ý nhất? Bài thơ này, tác giả muốn khuyên các con điều gì?... - Đàm thoại về đối tượng so sánh (vế A). Để có thể rèn luyện được cho trẻ khả năng so sánh trong hoạt động làm quen với văn học thì việc đàm thoại không chỉ dừng lại ở tìm hiểu nội dung thuần túy mà GV còn cần phải tiếp tục đàm thoại với trẻ về phép so sánh được sử dụng trong bài thơ. Hoạt động đàm thoại này thường bắt đầu bằng việc hướng trẻ vào việc phát hiện đối tượng so sánh (vế A). Đối tượng ấy trong cấu trúc so sánh là đối tượng còn chưa hiểu rõ, cần phải nhận thức, bởi thế việc xác định đối tượng A là bắt buộc. - Đàm thoại để nhận ra chuẩn so sánh (vế B). Vế B trong cấu trúc so sánh là vế in đậm dấu ấn về thẩm mĩ, về cảm xúc, thái độ của tác giả đối với đối tượng được đem ra so sánh trong vế A. Tất nhiên, ở lứa tuổi mẫu giáo, GV chỉ cần chỉ ra tình cảm, thái độ này ở một mức độ nào đấy mà thôi, ví dụ như: yêu, ghét, thích thú, ngợi khen... là đủ mà không thật cần phải phân tích kĩ. Khi trẻ tìm ra được vế B thì điều đó cũng có nghĩa là trẻ đã hiểu được chuẩn so sánh là cái gì, con gì, vật gì, hiện tượng gì, đáng yêu hay đáng ghét... Đây cũng là lúc trẻ sẽ hiểu được, mặc dù trẻ không thể nói ra được thành lời, cấu trúc cốt lõi của so sánh chính là: một đối tượng được đem VJE Tạp chí Giáo dục, Số 462 (Kì 2 - 9/2019), tr 36-40 39 ra so sánh và một đối tượng được dùng để làm chuẩn so sánh. Không có hai đối tượng ấy sẽ không thể có so sánh. - Đàm thoại để trẻ nhận ra phương diện so sánh. Hai đối tượng có thể có nhiều điểm giống nhau. Vì thế, việc GV đưa ra điểm cần đối chiếu giữa hai đối tượng, hay nói khác đi đưa ra phương diện cần phải so sánh, như: màu sắc, hình dáng, kích thước... thì trẻ sẽ nhận thức dễ dàng hơn. Với những câu hỏi dắt dẫn, trẻ có thể nhận ra được phương diện so sánh ấy. Và khi trẻ hiểu được phương diện so sánh là gì thì trẻ sẽ tự nhận ra rằng đối tượng A có thể giống đối tượng B ở màu sắc nhưng không giống ở hình dáng; giống đối tượng C ở hình dáng nhưng không giống ở tính chất; giống đối tượng D ở tính chất nhưng không giống đối tượng C ở hoạt động... Hoạt động so sánh vừa giúp trẻ phát triển nhận thức vừa giúp trẻ phát triển tư duy là như vậy. Bước 4: Nói lời so sánh Mục đích: Nhằm giúp trẻ rèn luyện cách chuyển so sánh trong nhận thức của mình thành những lời nói, câu nói cụ thể. Nói một cách khác, đây là bước chuyển nội dung mang tính tinh thần của trẻ sang lĩnh vực ngôn ngữ mang tính vật chất. Không phải trẻ nhận thức như thế nào là có thể chuyển được sang ngôn ngữ một cách chính xác như thế nấy. Giữa tư duy và ngôn ngữ vẫn có một khoảng cách nhất định, nhất là ở thời điểm mà ở trẻ khả năng nhận thức lại đi trước khả năng ngôn ngữ. Bởi vậy, để có thể giúp trẻ có thể rút ngắn khoảng cách ấy, GV cần phải rèn luyện cho trẻ cách nói so sánh. Có thể lúc đầu trẻ chưa thật quen với hoạt động này nên khó khăn đến với trẻ không ít. Nhưng nếu trẻ được lặp đi lặp hoạt động này từ tiết học này sang tiết học khác, từ nói lời so sánh này sang nói lời so sánh khác, trẻ quen dần và thực hiện hoạt động này sẽ mắc ít lỗi hơn, sẽ thành thạo hơn. Cách tiến hành - Trẻ nhận diện mẫu. GV giảng giải thêm một lần nữa để trẻ hiểu về nội dung và cách thức so sánh của từng câu thơ. Trong bài thơ “Trăng ơi từ đâu đến ?”, khi nhìn về màu sắc, trăng được tác giả so sánh với quả chín: “Trăng hồng như quả chín”; còn khi nhìn về hình dáng, trăng lại được tác giả so sánh với mắt cá:“Trăng tròn như mắt cá”. Việc GV nói lại, đọc lại cho trẻ nghe những câu thơ ấy chính là GV đã cung cấp cho trẻ một mẫu câu so sánh. - Trẻ nói lại mẫu. Việc nói lại, nhắc lại vào thời điểm này buộc trẻ phải nhắc lại đầy đủ cả dòng thơ mà không phải chỉ là một từ hay một ngữ, vì mỗi dòng thơ như vậy mới là một cấu trúc so sánh đầy đủ. Việc lặp đi lặp lại câu so sánh như vậy sẽ giúp trẻ quen dần với cách cấu trúc này. GV có thể đặt câu hỏi gợi mở để định hướng trả lời cho trẻ: Trong bài thơ, nhà thơ đã thấy “trăng tròn”như cái gì ? →Trăng tròn như mắt cá. Ở đây, trẻ buộc phải nhắc lại cả câu có cấu trúc so sánh, mà không được dùng từ ngữ “mắt cá” để trả lời vì trẻ phải nói lời so sánh mà không phải là nói từ so sánh. Sau đó cô nhắc lại một lần nữa câu chứa cấu trúc so sánh:“Trăng tròn như mắt cá”. Khi trẻ nhắc lại đầy đủ câu thơ ấy, cấu trúc ấy là trẻ đã nhận thức được mẫu so sánh và làm quen được với cách nói lời so sánh. - Trẻ nói theo mẫu. Khi trẻ đã nói lại được thành thạo theo mẫu, GV nâng cao hơn yêu cầu rèn luyện. GV có thể chỉ đưa ra vế A còn trẻ tự suy nghĩ và lựa chọn đối tượng riêng theo ý mình trong vế B. Lúc này, trẻ không được nói lại vế B đã có ở câu thơ mẫu mà trẻ chủ động, tự quyết định chọn và đưa ra một đối tượng khác được dùng làm chuẩn so sánh trong vế B. Hoạt động so sánh theo mẫu có độ khó hơn việc nói lại mẫu. Bởi lẽ, hoạt động nói lại mẫu chỉ cần thuộc là nói lại được. Nhưng nói theo mẫu buộc trẻ vừa phải thuộc mẫu, vừa phải suy nghĩ, liên tưởng, lựa chọn. Lúc này đòi hỏi trẻ phải có được một nhận thức riêng thì mới có khả năng so sánh đúng và hay. Ví dụ, trẻ có thể đưa ra so sánh của riêng mình, chẳng hạn như: Trăng tròn như quả bóng, như cái mâm cơm, như một viên bi, như một cái kẹo mút; Trăng hồng như mắt cá, như ngọn lửa, như màu áo, như dải lụa... - Trẻ nói sáng tạo. Đây là một hoạt động khó nhất đối với trẻ. Để nói được những câu so sánh mang tính sáng tạo, trẻ phải có một sự hiểu biết nhất định về môi trường xung quanh, thuộc một số câu văn câu thơ có sử dụng so sánh và đặc biệt là trẻ phải tích cực, chủ động suy nghĩ. Bởi lẽ, đây là một hoạt động chỉ dựa vào mẫu đã được nghe mà trẻ tự đưa ra một sự so sánh mới. Ví dụ, dựa vào mẫu so sánh đã biết, cô giáo sẽ đưa ra một số câu hỏi như: Trăng sáng như...? Trăng treo lơ lửng như...? Trăng vàng như...? Trăng khuyết như...? Trăng đẹp như...? để giúp trẻ nói sáng tạo. Trẻ sẽ có thể nói ra những câu, ví dụ như: Mặt mẹ đẹp như trăng hoặc Trăng đẹp như mặt mẹ hay Mẹ dịu dàng như ánh trăng... Những lời nói như vậy của trẻ là lời nói sáng tạo. Bước 5: Trải nghiệm so sánh Mục đích: Trải nghiệm ở đây được hiểu là một hoạt động vui chơi, tự nói câu so sánh nhằm giải tỏa sự mệt mỏi, căng thẳng, giúp trẻ trở lại với trạng thái tự nhiên, hồn nhiên vốn có sau những giây phút tập trung học tập. Hoạt động vui chơi là hoạt động tự nhiên của trẻ, giúp trẻ có một trạng thái tâm lí thoải mái, vui vẻ. Nguyên nhân thúc đẩy trẻ tham gia trò chơi chính là sự hấp dẫn của chính trò chơi đó chứ không phải là nhằm tới một lợi ích, một kết quả nào đó. Có vui thì trẻ mới chơi và đã chơi là trẻ rất vui. Hoạt động vui chơi trải nghiệm như vậy vừa hợp với tâm lí lứa tuổi, vừa phù hợp với phương pháp giáo dục trẻ. Cách tiến hành VJE Tạp chí Giáo dục, Số 462 (Kì 2 - 9/2019), tr 36-40 40 - Phổ biến luật chơi. Để tiến hành trải nghiệm như một hoạt động giải trí, vui chơi, GV phải cho trẻ biết luật chơi. Trong đời sống thường ngày, có thể có những trò chơi không cần luật, mang đậm tính cá nhân, tính sở thích như: câu cá, thả diều, nhảy dây...; nhưng nhìn chung, đã là trò chơi mang tính tổ chức với nhiều người tham dự thì bao giờ cũng có tính đua tranh, cũng cần luật. Tính đua tranh sẽ giúp cho hoạt động vui chơi sôi nổi, hào hứng và vui vẻ hơn. Bởi thế việc đầu tiên trong hoạt động tổ chức trẻ tham gia trò chơi học tập là cần phải giải thích rõ luật chơi để trẻ nắm được. Luật chơi đối với trẻ càng đơn giản, càng dễ hiểu bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Tính cạnh tranh thắng thua trong vui chơi không phải là điều quan trọng. Đối với trẻ thì thắng hay thua đều vui vẻ cả. - Tổ chức chơi + Chia nhóm. Đây là hoạt động mang tính tự nguyện, nên GV có thể để một số trẻ tham gia, nhưng tốt nhất vẫn là tìm cách động viên, cổ vũ các cháu để không một trẻ nào đứng ngoài cuộc chơi này. GV chia lớp thành 3 nhóm như đã dự định. Số lượng người trong nhóm nên tương đương nhau (phụ thuộc vào sĩ số trong lớp) nhưng không nhất thiết phải bằng nhau. GV phân công vị trí ngồi cho các nhóm và đặt tên cho từng nhóm. + Nghe và nhận diện so sánh. Các nhóm ngồi trật tự ở vị trí của mình và nghe GV đọc. Để trẻ dễ nhận diện so sánh và có khả năng nhắc lại được câu so sánh, GV nên chọn đọc một bài thơ hoặc đoạn thơ vì thơ thường ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc đối với trẻ. Mỗi lần chơi như vậy, GV chỉ nên chọn một đoạn thơ hoặc bài thơ, mà không nên chọn nhiều bài, nhiều đoạn một lúc. Bởi nếu chọn nhiều đoạn, nhiều bài, số lượng câu so sánh sẽ tăng lên và trẻ không thể nhớ hết và nhớ chính xác câu thơ so sánh được. Lúc đó trẻ sẽ không còn hứng thú với cuộc chơi nữa. + Nhắc lại câu so sánh. Sau khoảng 2-3 phút dành cho trẻ nhẩm đọc để thuộc câu so sánh, GV báo hiệu lệnh kết thúc thời gian chuẩn bị. Lúc này các nhóm được quyền giơ tay. Nhóm nào có trẻ giơ tay trước sẽ được nói trước. Nếu trẻ nói đúng, thì nhóm của trẻ ấy là nhóm giành chiến thắng. Cuộc chơi thứ nhất sẽ kết thúc và trẻ chuyển sang cuộc chơi thứ hai. Còn nếu trẻ nói sai, thì cuộc chơi chưa dừng lại. GV tiếp tục dùng hiệu lệnh để các nhóm giơ tay. Cuộc chơi cứ diễn ra như vậy cho tới lúc có trẻ nói chính xác câu thơ đã được nghe đọc thì dừng lại và chuyển sang cuộc chơi với đoạn thơ khác. + Kết thúc trò chơi Mỗi lần chơi như vậy, GV có thể tổ chức một cuộc chơi nhưng cũng có thể tổ chức hai hoặc thậm chí ba cuộc chơi. Điều này tùy thuộc vào thời gian của tiết học và thời lượng dành cho mỗi cuộc chơi. Sau mỗi cuộc chơi ấy, GV có thể nêu tên nhóm thắng cuộc. GV ngợi khen đội thắng, người thắng và động viên các nhóm khác. Nhưng nếu GV tổ chức nhiều cuộc chơi thì cũng có thể, sau khi kết thúc tất cả các cuộc chơi ấy, GV mới tuyên bố nhóm thắng cuộc và tên những trẻ đem lại phần thắng cho nhóm. 3. Kết luận Việc rèn luyện cho trẻ năng lực so sánh trong những tiết hoạt động làm quen với văn học sẽ được tiến hành theo trình tự 5 bước: Nghe và nhận diện câu thơ so sánh; nhắc lại so sánh; đàm thoại về so sánh; nói lời so sánh và tham gia trò chơi so sánh. Mỗi bước đi trong quy trình này sẽ giúp trẻ có được những nhận thức cơ bản, những hiểu biết tối thiểu trẻ có thể tham gia hoạt động được trong các bước tiếp theo. Trong quá trình rèn luyện ấy, bước đi này sẽ làm nền cho bước đi khác, làm cơ sở để cho bước tiếp sau được thực hiện một cách chắc chắn, hiệu quả. Việc rèn luyện chia thành 5 bước như trên chủ yếu mang tính “kĩ thuật”, tính chỉ dẫn sư phạm trong hoạt động giúp trẻ làm quen với văn học, trong đó có hoạt động so sánh. Nhưng khi trẻ đã thành thạo với hoạt động so sánh này, thì tùy thuộc vào năng lực của trẻ và dụng ý của GV mà những bước này có thể bị “mờ” đi hoặc lược bớt nhưng kết quả học tập của trẻ vẫn có thể đảm bảo. Tài liệu tham khảo [1] Bộ GD-ĐT (2017). Chương trình giáo dục mầm non. [2] Hà Nguyễn Kim Giang (2009). Phương pháp tổ chức hoạt động làm quen với tác phẩm văn học. NXB Giáo dục Việt Nam. [3] Nguyễn Cẩm Giang - Phạm Thị Thu (2015). Tuyển chọn thơ, truyện cho trẻ mầm non. NXB Văn học. [4] Lã Thị Bắc Lý (2012). Văn học thiếu nhi với giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non. NXB Đại học Sư phạm. [5] Nguyễn Ánh Tuyết (chủ biên) - Nguyễn Thị Như Mai - Đinh thị Kim Thoa (2015). Tâm lí học trẻ em lứa tuổi mầm non từ lọt lòng đến 6 tuổi. NXB Đại học Sư phạm [6] Lã Thị Bắc Lý (2012). Giáo trình văn học thiếu nhi và đọc, kể diễn cảm. NXB Giáo dục Việt Nam. [7] Barbara C. Lust (2006). Child Language: Acquisition and Growth. Cambridge University Press, UK. [8] Caroline Rowland (2014). Understanding Child Language Acquisition. Routlege: Taylors & Francis Group, London, UK. [9] Davood Mashhadi Heidar (2012), First Language Acquisition: Psychological Considerations and Epistemology. Theory and Practice in Language Studies, Vol. 2, No. 2, pp. 411-416, February 2012, Academy Publisher Manufactured in Finland.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf07nguyen_thi_minh_phuong_2272_2207962.pdf
Tài liệu liên quan