Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam

Tài liệu Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam: Xã hội học, số 3 - 2007 47 Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam Phạm Thị Huệ 1. Khái niệm quyền lực từ lý thuyết nữ quyền Trong lý thuyết nữ quyền, quyền lực là một khái niệm trung tâm. Tuy còn nhiều tranh luận khác nhau về quyền lực, nhiều nhà nữ quyền thống nhất với nhau là quyền lực là sự thống trị (power as domination), bao gồm cả sự áp bức, nam trị, hay sự khuất phục. Họ đặc biệt nhấn mạnh đến sự mất cân bằng quyền lực giữa nam và nữ. Các nhà nữ quyền triệt để xem xét quyền lực trong mối quan hệ giữa sự thống trị và sự lệ thuộc, tương tự như quan hệ giữa ông chủ và nô lệ mà ở đây hầu hết ông chủ - nam giới, nô lệ - phụ nữ. Trong quan hệ gia đình thì “chồng chúa, vợ tôi”. Các nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa nhìn nhận quyền lực từ góc độ nam trị và áp bức phụ nữ. Sự áp bức này được thể hiện ở 5 mặt: bóc lột về kinh tế, cách ly khỏi phát triển kinh tế xã hội, thiếu quyền tự chủ, bá quyền về vă...

pdf11 trang | Chia sẻ: honghanh66 | Lượt xem: 957 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Xã hội học, số 3 - 2007 47 Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam Phạm Thị Huệ 1. Khái niệm quyền lực từ lý thuyết nữ quyền Trong lý thuyết nữ quyền, quyền lực là một khái niệm trung tâm. Tuy còn nhiều tranh luận khác nhau về quyền lực, nhiều nhà nữ quyền thống nhất với nhau là quyền lực là sự thống trị (power as domination), bao gồm cả sự áp bức, nam trị, hay sự khuất phục. Họ đặc biệt nhấn mạnh đến sự mất cân bằng quyền lực giữa nam và nữ. Các nhà nữ quyền triệt để xem xét quyền lực trong mối quan hệ giữa sự thống trị và sự lệ thuộc, tương tự như quan hệ giữa ông chủ và nô lệ mà ở đây hầu hết ông chủ - nam giới, nô lệ - phụ nữ. Trong quan hệ gia đình thì “chồng chúa, vợ tôi”. Các nhà nữ quyền xã hội chủ nghĩa nhìn nhận quyền lực từ góc độ nam trị và áp bức phụ nữ. Sự áp bức này được thể hiện ở 5 mặt: bóc lột về kinh tế, cách ly khỏi phát triển kinh tế xã hội, thiếu quyền tự chủ, bá quyền về văn hoá và bạo lực có hệ thống (Young 1992). Phát triển quan niệm quyền lực của M. Foulcault, các nhà nữ quyền hậu cấu trúc xem xét quyền lực từ góc độ khuất phục. Họ lấy khái niệm “quyền lực kỷ luật/disciplinary power” của Foulcault để phân tích nữ tính và nhận thấy cơ thể phụ nữ dễ bị sai khiến hơn cơ thể nam giới như chế độ ăn kiêng, điệu bộ, đi lại, trang điểm (đại loại như tiêu chuẩn “công - dung - ngôn - hạnh” đối với phụ nữ Việt Nam). Theo Bartly (1990), sự tự giám sát này là một kiểu phục tùng chế độ nam trị. Không đồng ý với định nghĩa quyền lực là sự thống trị, một số nhà nữ quyền đã phê phán rằng quan niệm quyền lực là sự thống trị là theo quan điểm của nam giới. Theo họ, quyền lực là khả năng thực hiện một việc hay một lựa chọn hay quyền lực là sự tạo quyền (power as empowerment). Phụ nữ không muốn người khác phải tuân theo ý chí của mình như nam giới đã và đang làm mà “phụ nữ muốn có quyền lực theo cách đồng thời nâng cao chứ không hạn chế quyền lực của người khác” (Miller 1992). Như vậy, ngay trong nữ quyền, quan niệm về quyền lực khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. 2. Quyền lực của vợ chồng trong gia đình Quan hệ quyền lực của vợ chồng trong gia đình được xem xét thông qua quyền quyết định của vợ chồng trong những vấn đề của gia đình như chi tiêu, cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, sinh con, giáo dục, nuôi dưỡng dạy bảo con cái, v.v... French và Raven (1959) đã chỉ ra cơ sở của 6 kiểu quyền lực trong gia đình. Đó là: quyền lực hợp pháp được thừa nhận bởi hệ thống niềm tin trong gia đình; quyền lực thông tin có được nhờ kiến thức và khả năng diễn thuyết; quyền lực tham khảo có được nhờ sự yêu mến và lôi cuốn; quyền lực cưỡng bức có được nhờ sử dụng sức mạnh thể chất hoặc tâm lý đối với thành viên khác trong gia đình; quyền lực chuyên môn dựa trên học vấn, đào tạo hoặc kinh nghiệm thích hợp cho việc giải quyết các vấn đề trong gia đình; quyền lực thưởng công là khả năng gây ảnh hưởng đối với thành viên khác trong gia đình bằng việc mang lại cho họ lợi ích mà họ mong muốn. Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 48 Khác với French và Raven, Robert Blood và Donald Wolfe đã nghiên cứu mối quan hệ giữa quyền lực bên trong và bên ngoài gia đình và chỉ ra quyền lực giữa vợ và chồng được dựa trên nguồn lực mà mỗi bên đóng góp cho gia đình. Theo họ, có ba nguồn lực quan trọng quyết định cán cân quyền lực của vợ và chồng trong gia đình. Đó là nguồn thu nhập, ưu thế nghề nghiệp và trình độ học vấn. Trong hầu hết các nền văn hoá, nam giới thường có lợi thế hơn phụ nữ trong việc tiếp cận ba nguồn lực này và kết quả là họ thường có quyền hơn trong gia đình. 3. Kết quả nghiên cứu về quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam qua nghiên cứu ở Yên Bái, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế được xem xét thông qua quyền quyết định của vợ chồng trong mối quan hệ với đóng góp của mỗi bên cho thu nhập gia đình, trình độ học vấn, độ tuổi và tộc người của vợ chồng trong các lĩnh vực: sản xuất, mua sắm đồ đạc đắt tiền, quan hệ gia đình họ hàng và những hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng. Dữ liệu định lượng được sử dụng trong nghiên cứu này chỉ đề cập đến những người trả lời hiện đang có vợ có chồng. Niềm tin và lý tưởng giới cũng được tính đến trong phân tích. 3.1 Quyền quyết định của vợ chồng trong sản xuất Nghiên cứu cho thấy người chồng vẫn là người quyết định chính trong công việc sản xuất của gia đình với một tỷ lệ cao nhất tới 51.9%, chiếm hơn một nửa tổng số người trả lời. Người vợ là người quyết định chính chiếm tỷ lệ thấp nhất 16.4%, chỉ bằng một phần ba so với người chồng. Tỷ lệ hai vợ chồng quyết định bằng nhau là 31.7%. Nếu nhìn vào giới tính của người trả lời ta thấy người chồng trả lời họ là người quyết định chính nhiều hơn và trả lời vợ của họ là người quyết định chính thấp hơn so với câu trả lời tương tự của người vợ về chồng của họ. Cho dù câu trả lời của người vợ và người chồng có khác nhau thì người chồng vẫn là người quyết định chính trong lĩnh vực sản xuất trong các gia đình nông thôn Việt Nam. Tương quan với đóng góp kinh tế, quyền quyết định của vợ chồng trong gia đình có liên quan chặt chẽ với đóng góp của mỗi bên cho kinh tế gia đình. Nhiều nghiên cứu cho thấy đóng góp cho thu nhập gia đình càng nhiều thì quyền quyết định của người đóng góp càng lớn. Bên cạnh đó, các nhà nữ quyền cũng nhận định phụ nữ càng độc lập hơn về kinh tế thì họ càng ít lệ thuộc vào nam giới và họ có quyền tự chủ hơn. Bảng 1: Quyền quyết định của vợ chồng trong sản xuất (%) Chồng quyết định nhiều hơn Vợ quyết định nhiều hơn Vợ chồng quyết định bằng nhau Tổng Chung 51.9 16.4 31.7 100 Chồng 62.3 8.0 29.7 100 Vợ 41.1 25.1 33.9 100 Trong nghiên cứu này, dữ liệu cho thấy quyền quyết định của người chồng phụ thuộc rất ít và hầu như không liên quan nhiều đến đóng góp của họ cho kinh tế gia đình. Cho dù đóng góp của người chồng nhiều hay ít, người chồng vẫn là người chiếm ưu thế trong việc ra các quyết định liên quan đến sản xuất. Nếu người chồng là người đóng góp kinh tế thứ nhất cho gia đình thì 62.7% người chồng nói rằng họ là người quyết định chính và nếu người chồng là người đóng góp kinh tế thứ hai thì tỷ lệ này là 60%, giảm 2,7%, một tỷ lệ rất nhỏ. Phạm Thị Huệ Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 49 Nhìn chung, kinh tế không phải là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyền quyết định của người chồng trong công việc sản xuất của gia đình. Có cái gì đó hơn cả yếu tố kinh tế khiến cho người chồng trở thành người quyết định chính liên quan đến sản xuất của gia đình trong các nghiên cứu trước đây cũng như trong nghiên cứu này. Bảng 2: Đóng góp kinh tế và quyền quyết định của vợ chồng trong sản xuất (%) Chồng quyết định nhiều hơn Vợ quyết định nhiều hơn Vợ chồng quyết định bằng nhau đ/góp thứ 1 đ/góp thứ 2 đ/góp thứ 1 đ/góp thứ 2 đ/góp thứ 1 đ/góp thứ 2 Chồng 62.7 60.0 5.9 15.0 31.5 25.0 Vợ 38.2 44.6 31.3 22.8 30.5 32.6 Dữ liệu từ phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm cho thấy trong gia đình tồn tại niềm tin là người chồng, người cha là người có quyền nhất trong gia đình, người vợ và con cái phải nghe theo người cha như người ta vẫn thường nói: “muốn nói ngoa làm cha mà nói”, kể cả trong trường hợp người chồng, người cha là người ốm yếu và họ không phải người kiếm cơm chính cho gia đình. French và Raven gọi nó là quyền lực hợp pháp. Trích đoạn thảo luận nhóm sau đây cho thấy điều này. ”Như ông nhà tui không làm nặng được thì có cái gì thì tôi hay con tôi cũng phải nói với ông ấy, ông ấy đồng ý thì mới dám làm, chứ đâu phải ông ấy bệnh hoạn rồi mình cãi ông ấy đâu, cũng hỏi ông ấy tỉ ông ấy đồng ý thì mình mới làm”. (Thảo luận nhóm nữ nông dân, Thừa Thiên - Huế) Tuy đóng góp kinh tế của người chồng cho gia đình ảnh hưởng rất ít đến quyền quyết định của họ trong lĩnh vực sản xuất nhưng nó lại ảnh hưởng đáng kể đến quyền quyết định của người vợ. Quyền quyết định của người vợ trong sản xuất tăng lên đáng kể khi đóng góp của họ cho kinh tế của gia đình tăng. Nếu người vợ là người đóng góp kinh tế thứ nhất cho gia đình thì họ nói rằng họ là người quyết định chính trong sản xuất chiếm tỷ lệ 31.3%, nhưng nếu người vợ là người đóng góp kinh tế thứ hai thì tỷ lệ này giảm xuống còn 22.8%, giảm đến 8.5%. Bản thân người chồng cũng công nhận một điều tương tự như vậy đối với vợ của họ. Nếu người chồng là người số 1 trong việc tạo lập kinh tế của gia đình thì họ nói rằng vợ của họ là người quyết định chính chỉ chiếm tỷ lệ 5.9% nhưng nếu người chồng là người số 2 thì họ nói rằng vợ của họ là người quyết định chính chiếm tỷ lệ lên đến 15%, tăng 9%. Như vậy, thu nhập của người vợ và đóng góp của họ cho kinh tế gia đình đã cải thiện đáng kể tiếng nói của họ trong công việc sản xuất của gia đình. Tuy nhiên, vị thế của vợ trong lĩnh vực này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tuổi tác, học vấn và tộc người. Tương quan với độ tuổi, dữ liệu cho thấy tuổi của người chồng hoặc trẻ (dưới 30 tuổi) hoặc già (trên 60 tuổi) thì người chồng nói rằng họ là người quyết định chính trong công việc sản xuất của gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất (58.3% và 59.8%). Trong khi đó, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm tuổi của người vợ nói rằng họ là người quyết định chính trong công việc sản xuất của gia đình thuộc về nhóm người vợ trên 60 tuổi. Nhìn chung, cả vợ lẫn chồng trên 60 tuổi đều nói rằng họ là người quyết định chính trong sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất (chồng: 59.8% và vợ: 21.3%). Như vậy, vợ chồng ở nhóm tuổi trên 60 là người có tiếng nói quan trọng trong công việc sản xuất của gia đình nông thôn Việt Nam. Điều này có thể phù hợp với Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 50 văn hoá ở vùng nông thôn Việt Nam, người già là người có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp và là người thường được hỏi ý kiến và ra những quyết định quan trọng trong sản xuất. Vấn đề tại sao mà người chồng trẻ (dưới 30 tuổi) lại nằm trong những nhóm người chồng có tỷ lệ quyết định cao nhất trong sản xuất. Nguyên nhân có thể là trong văn hoá Việt Nam, nam thanh niên đã lấy vợ được coi là đã trưởng thành và đủ độ chín trong con mắt cha mẹ để ra các quyết định trong gia đình và đây cũng là thời kỳ cha mẹ nhường quyền quyết định của họ cho con trai đã cưới vợ để người con trai học làm người chồng, người cha trong gia đình. Dữ liệu cho thấy có đến 69.7% cặp vợ chồng ở với bố mẹ chồng ngay sau khi cưới. Có tới 62.5% cặp vợ chồng mới cưới sống chung với bố mẹ chồng từ 1 đến 5 năm. Bên cạnh đó, cô dâu mới về nhà chồng thường giữ im lặng để tìm hiểu gia phong nhà chồng. Đây là thời kỳ học làm vợ trong gia đình chồng cho nên họ không có tiếng nói quyết định. Một nữ nông dân đã tâm sự: “ở riêng thì mình có cái quyền của mình còn ở chung thì cái quyền của mình nó không bằng ở riêng. Tại vì ở riêng thì có em, còn ở chung với cha mẹ nữa, quyền quyết định là ở cha mẹ”. (PVS, nữ nông dân, 29 tuổi, Tiền Giang) Tương quan với học vấn, dữ liệu cho thấy ở các cấp học phổ thông và mù chữ, quyền quyết định của người chồng trong sản xuất hầu như tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn của họ. Trình độ học vấn của người chồng càng thấp thì quyền quyết định của họ càng cao. Ví dụ, có đến 64.5% người chồng mù chữ nói rằng họ là người quyết định chính trong công việc sản xuất của gia đình, chiếm tỷ lệ cao nhất; trong khi đó, tỷ lệ này của người chồng ở nhóm học vấn từ lớp 1-5 là 56.2%, lớp 6-9 là 48.7%. Học vấn không phải là yếu tố mang lại quyền lực cho người chồng trong lĩnh vực sản xuất của gia đình nông thôn Việt Nam. Ngược lại, quyền quyết định của người vợ lại tỷ lệ thuận với trình độ học vấn của họ. Học vấn của người vợ càng cao thì quyền quyết định của họ trong lĩnh vực sản xuất càng lớn. Ví dụ, chỉ có 5.8% người vợ mù chữ nói rằng họ là người quyết định chính trong sản xuất. Tuy nhiên, ở nhóm học vấn từ lớp 1-5 tỷ lệ này tăng lên đến 17.2% và ở nhóm lớp 10 trở lên tăng đến 22.2%. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của hai vợ chồng càng cao thì tỷ lệ vợ chồng cùng nhau quyết định càng tăng. Như vậy, trình độ học vấn là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng quyền quyết định của người vợ cũng như làm tăng việc cả hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc và cùng nhau ra các quyết định liên quan đến sản xuất. Biểu đồ: Học vấn và quyền quyết định của của vợ chồng trong sản xuất 0 10 20 30 40 50 60 70 Mï ch÷ Líp 1 ®Õn 5 Líp 6 ®Õn 9 >=10 % Chång Vî Chång nãi q/®Þnh = Vî nãi q/®Þnh = Tương quan với tộc người, dữ liệu cho thấy không có sự khác biệt trong việc vợ chồng cùng nhau bàn bạc quyết định công việc sản xuất giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Tuy Phạm Thị Huệ Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 51 nhiên, người chồng dân tộc Kinh có quyền quyết định nhiều hơn người chồng các dân tộc khác trong lĩnh vực sản xuất. Ngược lại, người vợ các dân tộc khác lại có lại có nhiều quyền hơn người vợ dân tộc Kinh trong lĩnh vực này. Có đến 53.9% người chồng và 53.9% người vợ dân tộc Kinh nói rằng người chồng là người quyết định nhiều hơn trong công việc sản xuất so với 45.1% người chồng và 43.4% người vợ các dân tộc khác nói điều tương tự. Trong khi đó, có 23.5% người chồng và 23.2% người vợ các dân tộc khác nói rằng người vợ là người quyết định chính trong lĩnh vực sản xuất so với 14.5% người chồng và 15.1% người vợ dân tộc Kinh. Có thể, gia trưởng đã tác động đến các gia đình người Kinh nhiều hơn gia đình các dân tộc khác. 3.2. Quyền quyết định của vợ chồng trong mua sắm đồ đạc đắt tiền Tương tự như kết quả của các nghiên cứu trước đây, nghiên cứu này cho thấy thứ bậc về quyền quyết định của vợ chồng trong lĩnh vực mua sắm đồ đạc đắt tiền không thay đổi. Vị trí thứ nhất vẫn thuộc về vợ chồng cùng nhau bàn bạc và cùng nhau quyết định (44.9%). Vị trí thứ hai thuộc về người chồng (38.9%). Vị trí cuối cùng thuộc về người vợ (16.2%). Cho dù người vợ là người quyết định chính trong các khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày và kể cả họ là người giữ hầu bao của gia đình thì trong mua sắm đồ đạc đắt tiền họ vẫn là người có ít quyền quyết định nhất. Bảng 3: Quyền quyết định của vợ chồng trong mua sắm đồ đạc đắt tiền (%) Chồng quyết định nhiều hơn Vợ quyết định nhiều hơn Vợ chồng quyết định bằng nhau Tổng Chung 38.9 16.2 44.9 100 Chồng 44.2 12.2 43.5 100 Vợ 33.2 20.4 46.4 100 Đối với nhiều người chồng, người vợ được coi như “hòm giữ tiền” hay là “cái ống giữ tiền” khá an toàn. Bên cạnh đó, việc quản lý tiền nong trong gia đình vẫn được coi là trách nhiệm của phụ nữ: “vai trò giữ tiền của đàn bà nó vẫn như vậy từ ngày xưa”, “đàn ông ai lại giữ tiền”. Nhiều người chồng cũng thừa nhận sự phụ thuộc của họ vào việc người vợ quản lý tiền và việc người vợ có quyền quyết định trong chi tiêu hàng ngày, đại loại như: “bà ấy cho ăn gì thì biết thế thôi”. Tuy nhiên, trong những khoản chi tiêu lớn quyền quyết định vẫn thuộc về người chồng. Nhiều khi, người vợ được hỏi ý kiến thì vẫn mang tính hình thức. Theo người chồng, người vợ chưa đủ “trình độ sáng suốt” để ra quyết định. “Theo em thì đa số các hộ gia đình khác ở đây đều do người chồng quyết định những công việc lớn trong gia đình, kể cả việc chi tiêu hay đường lối làm ăn kinh tế, đối xử với họ hàng, làng xóm xung quanh. Còn người vợ chắc sẽ thường là người giữ tiền cho cả gia đình và chi tiêu các công việc ăn uống thường ngày cho cả gia đình. Người vợ chỉ như là cái ống giữ tiền của người chồng thôi”. (PVS nam nông dân, 29 tuổi, Thừa Thiên - Huế) Tuy nhiên, trong mua sắm đồ đạc đắt tiền người chồng không giữ vai trò quyết định nhiều như trong lĩnh vực sản xuất. So với công việc sản xuất, tỷ lệ người chồng là người quyết định chính trong mua sắm đồ đạc đắt tiền giảm đáng kể: từ 51.9% giảm xuống còn 38.9%, giảm 13%; trong khi đó, cả hai vợ chồng cùng quyền định tăng đáng kể: từ 31.7% lên 44.9%, tăng 13.2%; còn quyền quyết định của người vợ không có gì thay đổi, khoảng 16% như trong lĩnh vực sản xuất. Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 52 Tương quan với đóng góp kinh tế trong mua sắm đồ đạc đắt tiền, dữ liệu cho thấy đóng góp kinh tế của người vợ hoặc người chồng tăng thì quyền quyết định của họ tăng theo. Tuy nhiên, mức độ tăng quyền quyết định của người chồng và người vợ là khác nhau: quyền quyết định của người vợ tăng nhiều hơn so với quyền quyết định của người chồng. Bảng 4: Đóng góp kinh tế và quyền quyết định trong mua sắm đồ đạc đắt tiền (%) Chồng quyết định nhiều hơn Vợ quyết định nhiều hơn Vợ chồng quyết định bằng nhau đ/góp thứ 1 đ/góp thứ 2 đ/góp thứ 1 đ/góp thứ 2 đ/góp thứ 1 đ/góp thứ 2 Chồng 44.2 40.3 10.7 16.1 45.1 43.5 Vợ 29.8 33.3 26.7 17.7 43.5 49.0 Bảng 4 chỉ rõ nếu người vợ là người thứ hai đóng góp cho kinh tế gia đình thì chỉ có 17.7% người vợ nói rằng họ là người quyết định chính trong mua sắm đồ đạc đắt tiền. Nhưng nếu người vợ là người thứ nhất đóng góp cho kinh tế gia đình thì tỷ lệ này là 26.7%, tăng 9%. Trong khi đó, tỷ lệ tương tự của người chồng là 40.3% và 44.2%, tăng có 3.9%, tăng chưa bằng một nửa so tỷ lệ tăng của người vợ. Như vậy, đóng góp của người vợ cho kinh tế gia đình đã cải thiện đáng kể quyền quyết định của người vợ trong mua sắm tài sản đắt tiền trong các gia đình nông thôn Việt Nam. Tương quan với độ tuổi, dữ liệu cho thấy tương tự như trong lĩnh vực sản xuất, người chồng ở nhóm tuổi trẻ (dưới 30) và ở nhóm tuổi già (trên 60) thì quyền quyết định của họ nhiều hơn so với quyền quyết định của người chồng ở các nhóm tuổi khác trong mua sắm đồ đạc đắt tiền. Ví dụ, có 48.6% người chồng dưới 30 tuổi và 48.7% người chồng trên 60 tuổi nói rằng họ là người quyết định nhiều hơn trong mua sắm đồ đạc đắt tiền. Trong khi đó tỷ lệ này của người chồng ở nhóm tuổi 30-39, 40-49 và 50-59 là 39.6%, 29.8% và 44.4%. Đối với người vợ thì tình hình có khác, quyền quyết định của họ trong mua sắm đồ đạc đắt tiền hầu như tăng theo tuổi. Tuổi của người vợ càng cao thì quyền quyết định của họ tăng nhưng mức độ tăng không đáng kể. Ví dụ, ở nhóm tuổi dưới 30 chỉ có 14.1% người vợ nói rằng họ là người quyết định nhiều hơn trong mua sắm đồ đạc đắt tiền; ở nhóm tuổi 30-39 thì tỷ lệ này là 15.1%, tăng 1% và ở nhóm tuổi trên 60 thì tỷ lệ này là 20.6%, tăng 6.5% so với nhóm tuổi dưới 30. Tương quan với học vấn, dữ liệu cho thấy khoảng cách lớn nhất trong quyền quyết định của người vợ và người chồng trong mua sắm đồ đạc đắt tiền là ở nhóm người vợ và người chồng mù chữ, còn ở các nhóm học vấn khác không có khác biệt gì lớn. Nếu người chồng là người không biết chữ thì có đến 54.8% người chồng nói rằng họ là người quyết định chính trong mua sắm đồ đạc đắt tiền, chiếm tỷ lệ cao nhất (tỷ lệ trung bình là 38.9%). Trong khi đó, nếu người vợ là người không biết chữ thì chỉ có 7.4% người vợ nói rằng họ là người quyết định chính trong mua sắm đồ đạc đắt tiền, chiếm tỷ lệ nhỏ nhất (tỷ lệ trung bình là 16.2%) và ít hơn tỷ lệ của người chồng 7,4 lần. Như vậy, việc không biết chữ ảnh hưởng rất lớn đến quyền quyết định của người vợ trong mua sắm đồ đạc cho gia đình. Một điều đáng chú ý, không có khác biệt gì đáng kể liên quan đến quyền quyết định của người chồng dân tộc Kinh và người chồng thuộc các dân tộc khác cũng như người vợ dân tộc Kinh và người vợ thuộc các dân tộc khác trong mua sắm đồ đạc đắt tiền. 3.3. Quyền quyết định của vợ chồng trong quan hệ gia đình và họ hàng Phạm Thị Huệ Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 53 Trong quan hệ gia đình và họ hàng, người vợ và người chồng cùng nhau bàn bạc và cùng nhau quyết định chiếm tỷ lệ cao nhất 47.7%; sau đó là người chồng là người quyết định chính, chiếm tỷ lệ 40.5%; cuối cùng là người vợ là người quyết định chính, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ: 11.8%, ít hơn khoảng 5% so với tỷ lệ này của người vợ trong lĩnh vực sản xuất và mua sắm đồ đạc đắt tiền. Bảng 5: Quyền quyết định của vợ chồng trong quan hệ gia đình và họ hàng (%) Chồng quyết định nhiều hơn Vợ quyết định nhiều hơn Vợ chồng quyết định bằng nhau Tổng Chun g 40.5 11.8 47.7 100 Chồn g 49.1 6.7 44.2 100 Vợ 31.3 17.2 51.6 100 Tương quan với đóng góp kinh tế trong quan hệ gia đình và họ hàng, dữ liệu cho thấy tương tự như trong lĩnh vực sản xuất, đóng góp của người chồng cho kinh tế gia đình hầu như không ảnh hưởng đến quyền quyết định của họ trong quan hệ gia đình và họ hàng. Thậm chí, nếu người chồng là người thứ hai đóng góp cho kinh tế gia đình thì tỷ lệ người chồng và tỷ lệ người vợ nói rằng người chồng là người quyết định chính trong quan hệ gia đình họ hàng lại cao hơn tỷ lệ này của người chồng có đóng góp kinh tế nhiều nhất cho gia đình (Bảng 6). Bảng 6: Đóng góp kinh tế và quyền quyết định trong quan hệ gia đình và họ hàng (%) Chồng quyết định nhiều hơn Vợ quyết định nhiều hơn Vợ chồng quyết định bằng nhau Đóng góp thứ 1 Đóng góp thứ 2 Đóng góp thứ 1 Đóng góp thứ 2 Đóng góp thứ 1 Đóng góp thứ 2 Chồng 47.7 49.2 6.4 6.6 45.9 44.3 Vợ 30.8 31.9 20.3 12.6 48.9 55.5 Tuy nhiên, đóng góp của người vợ cho kinh tế gia đình làm tăng đáng kể quyền quyết định của họ trong quan hệ gia đình và họ hàng. Nếu người vợ là người thứ nhất đóng góp cho kinh tế gia đình thì có đến 20.3% người vợ nói rằng họ là người quyết định chính trong quan hệ gia đình và họ hàng, nhưng nếu người vợ là người thứ hai thì tỷ lệ này là 12.6%, giảm 7.7%. Như vậy, yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến quyền quyết định của người vợ nhiều hơn quyền quyết định của người chồng trong quan hệ gia đình và họ hàng. Tương quan với độ tuổi, dữ liệu cho thấy trong quan hệ gia đình và họ hàng quyền quyết định của cả hai vợ người chồng cao nhất hoặc ở nhóm tuổi trẻ (dưới 30 tuổi) hoặc ở nhóm tuổi già (trên 60 tuổi). Có đến 55.9% người chồng và 14.3% người vợ ở nhóm dưới 30 tuổi nói rằng họ là người quyết định chính trong quan hệ gia đình và họ hàng và có đến 46.3% người chồng và 15.2% người vợ ở nhóm trên 60 tuổi nói điều tương tự (so với tỷ lệ trung bình tương ứng là 47.7% và 11.8%). Như vậy, độ tuổi hoặc trẻ hoặc già đã tác động đến quyền quyết định của cả người vợ và người chồng trong quan hệ gia đình và họ hàng trong các gia đình nông thôn Việt Nam. Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 54 Tương quan với học vấn, tương tự như trong lĩnh vực sản xuất và mua sắm đồ đạc đắt tiền, trình độ học vấn của người chồng càng thấp thì quyền định của họ càng cao trong quan hệ gia đình và họ hàng. Ngược lại, trình độ học vấn của người vợ càng cao thì quyền quyết định của họ trong lĩnh vực này được cải thiện đáng kể. Ví dụ, có đến 58.1% người chồng mù chữ nói rằng họ là người quyết định chính trong quan hệ gia đình và họ hàng, chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ này của người chồng có trình độ học vấn từ lớp 1-5 là 50%; từ lớp 6-9 là 33.5% và từ lớp 10 trở lên là 39.5% (tỷ lệ trung bình là 40.5%). Trong khi đó, tỷ lệ này của người vợ không biết chữ là 5.8%; từ lớp 1-5 là 14.6%; từ lớp 6-9 là 11.7% và từ lớp 10 trở lên là 11.8%. Bên cạnh đó, trình độ học vấn của người vợ và người chồng cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ vợ chồng cùng nhau ra các quyết định trong quan hệ gia đình và họ hàng. Học vấn của hai vợ chồng tăng thì tỷ lệ cả hai vợ chồng cùng nhau quyết định tăng đáng kể. Ví dụ, chỉ có 29% người chồng không biết chữ nói rằng họ cùng với vợ của họ ra các quyết định liên quan đến quan hệ trong gia đình và họ hàng; trong khi đó tỷ lệ này của người chồng ở nhóm học vấn từ lớp 1-5 là 38.2%, nhóm từ lớp 6-9 là 53.1% và ở nhóm từ lớp 10 trên lên là 50.5%. Tương tự, tỷ lệ này của người vợ ở nhóm mù chữ là 24.6%, nhóm từ lớp 1-5 là 40.1%, nhóm từ lớp 6-9 là 55.7% và ở nhóm từ lớp 10 trở lên là 57.3%. Tương quan với tộc người, dữ liệu cho thấy người chồng dân tộc Kinh có quyền quyết định nhiều hơn so người chồng thuộc các dân tộc khác trong quan hệ gia đình và họ hàng. Có đến 43.4% người chồng dân tộc Kinh nói rằng họ là người quyết định chính trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tỷ lệ này của người chồng thuộc các dân tộc khác là 30.2%, giảm 13.4%. Như vậy, dân tộc cũng ảnh hưởng đến quyền quyết định của vợ chồng trong quan hệ gia đình họ hàng trong gia đình nông thôn Việt Nam. 3.4. Quyền quyết định của vợ chồng trong hoạt động xã hội chung ở Việt Nam người ta thường nói: “nam ngoại, nữ nội” hay “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Điều này ám chỉ nam giới là người chịu trách nhiệm chính trong những công việc bên ngoài gia đình hay những công việc mang tính đối ngoại của gia đình và phụ nữ là người chịu trách nhiệm trong công việc nội trợ của gia đình. Tuy nhiên, dữ liệu của nghiên cứu này cho thấy mô hình trách nhiệm của nam giới và phụ nữ trong gia đình đã thay đổi chút ít. Chịu trách nhiệm chính trong những hoạt động xã hội chung của gia đình là trách nhiệm của cả hai vợ chồng và sau đó mới đến trách nhiệm của người chồng. Còn trách nhiệm của người vợ trong lĩnh vực này vẫn rất nhỏ. Bảng 7: Quyền quyết định trong hoạt động xã hội chung của vợ chồng (%) Chồng quyết định nhiều hơn Vợ quyết định nhiều hơn Vợ chồng quyết định bằng nhau Tổng Chung 42.9 11.1 46.1 100 Chồng 50.2 5.6 44.2 100 Vợ 35.1 16.8 48.1 100 Bảng 7 cho thấy cả hai vợ chồng cùng nhau bàn bạc và cùng nhau ra quyết định trong những hoạt động xã hội chung chiếm tỷ lệ cao nhất: 48.1%; tiếp sau đó là người chồng là người quyết định chính, chiếm tỷ lệ: 42.9%; cuối cùng là người vợ là người quyết định chính, chiếm tỷ lệ thấp nhất: 11.1%, thấp nhất trong bốn lĩnh vực được bàn về quyền quyết định của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam. Phạm Thị Huệ Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 55 Tương quan với đóng góp kinh tế trong lĩnh vực này, tương tự như ba lĩnh vực: sản xuất, mua tài sản đắt tiền và quan hệ gia đình họ hàng, đóng góp cho kinh tế gia đình hầu như không ảnh hưởng đến quyền quyết định của người chồng. Nếu người chồng là người đóng góp kinh tế nhiều nhất cho gia đình thì có 49.5% người chồng nói rằng họ là người quyết định nhiều hơn trong hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng. Nhưng nếu người chồng là người đóng góp kinh tế thứ hai cho gia đình thì tỷ lệ này là 48.4%, giảm không đáng kể (0.6%). Bảng 8: Đóng góp kinh tế và quyền quyết định trong hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng (%) Chồng quyết định nhiều hơn Vợ quyết định nhiều hơn Vợ chồng quyết định bằng nhau Đóng góp thứ 1 Đóng góp thứ 2 Đóng góp thứ 1 Đóng góp thứ 2 Đóng góp thứ 1 Đóng góp thứ 2 Chồng 49.5 48.4 4.9 8.1 45.5 43.5 Vợ 34.1 36.6 22.0 12.9 43.9 50.5 Tuy nhiên, đóng góp của người vợ cho kinh tế gia đình tác động đáng kể đến quyền quyết định của họ. Nó làm tăng quyền quyết định của người vợ trong lĩnh vực này. Nếu người vợ ở vị trí thứ nhất trong việc đóng góp cho kinh tế gia đình thì tỷ lệ người vợ nói rằng họ là người quyết định chính trong hoạt động xã hội chung là 22% và nếu người vợ ở vị trí thứ hai thì tỷ lệ này là 12.9%, giảm 9.3%, giảm một tỷ lệ đáng kể. Như vậy, đóng góp của người vợ cho kinh tế gia đình đã cải thiện đáng kể sự tham gia của họ vào việc ra các quyết định liên quan đến những hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng. Tương quan với độ tuổi, dữ liệu cho thấy người chồng nói rằng họ là người quyết định chính trong hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng chiếm tỷ lệ cao nhất (53.2%) là ở nhóm tuổi 50-59; sau đó mới đến nhóm trên 60 tuổi với tỷ lệ 47.6%; và nhóm tuổi trẻ nhất (dưới 30 tuổi) đứng ở vị trí thứ ba với tỷ lệ 44.4%; tỷ lệ thấp nhất (37.7%) là ở nhóm tuổi 30-39. Đối với người vợ, tỷ lệ người vợ nói rằng họ là người quyết định chính trong lĩnh vực này thấp nhất (9.8%) là ở nhóm tuổi 50-59; cao nhất (14.9%) là ở nhóm trên 60 tuổi; vị trí cao thứ hai (12.8%) thuộc về nhóm dưới 30 tuổi. Như vậy, độ tuổi khác nhau đã ảnh hưởng khác nhau đến quyền quyết định của vợ chồng trong hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng. Tương quan với học vấn, tương tự như ba lĩnh vực trên, trình độ học vấn của người chồng càng thấp thì quyền định của họ càng cao trong hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng. Ngược lại, trình độ học vấn của người vợ càng cao thì quyền quyết định của họ trong lĩnh vực này càng nhiều. Ví dụ, có đến 58.1% người chồng mù chữ nói rằng họ là người quyết định chính trong hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng, chiếm tỷ lệ cao nhất. Tỷ lệ này của người chồng có trình độ học vấn từ lớp 1-5 là 51.8%; từ lớp 6-9 là 39% và từ lớp 10 trở lên là 37.7%, chiếm tỷ lệ thấp nhất trong 4 nhóm học vấn của người chồng. Trong khi đó, tỷ lệ này của người vợ không biết chữ là 8.7%; từ lớp 1-5 là 11.4%; từ lớp 6-9 là 12.5% và từ lớp 10 trở lên là 12.5% (tỷ lệ trung bình là 11.1%). Các tỷ lệ về quyền quyết định của người chồng giảm dần theo mức tăng của học vấn: cao nhất là ở nhóm mù chữ và thấp nhất là ở nhóm từ lớp 10 trở lên. Ngược lại, các tỷ lệ này của người vợ lại tăng dần theo mức tăng của học vấn: thấp nhất ở nhóm mù chữ và cao nhất là ở nhóm từ lớp 10 trở lên. Như vậy, học vấn làm tăng quyền quyết định của người vợ và làm giảm quyền quyết định của người chồng trong hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng. Quyền lực của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 56 Bên cạnh đó, tỷ lệ người vợ và người chồng nói rằng họ cùng nhau bàn bạc và cùng nhau quyết định những việc liên quan đến hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng cũng tăng theo trình độ học vấn của hai vợ chồng. Tương quan với tộc người, tình hình không có khác so các lĩnh vực kể trên. Người chồng dân tộc Kinh vẫn là người có quyền quyết định nhiều hơn so người chồng thuộc các dân tộc khác trong hoạt động xã hội chung của hai vợ chồng. Có đến 45.8% người chồng dân tộc Kinh nói rằng họ là người quyết định chính trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tỷ lệ này của người chồng thuộc các dân tộc khác là 32.7%. 4. Kết luận Quan hệ quyền lực giữa vợ chồng trong các gia đình nông thôn Việt Nam nhìn chung rất ít thay đổi so với kết quả của các nghiên cứu trước đây. Người chồng vẫn là người quyết định chính trong lĩnh vực sản xuất bất chấp hiện tượng nữ hoá lao động nông nghiệp hiện nay ở nông thôn Việt Nam. Trong các lĩnh vực: mua sắm đồ đạc đắt tiền, quan hệ gia đình họ hàng và quan hệ xã hội chung của hai vợ chồng thì quyền quyết định nhiều nhất vẫn thuộc về cả hai vợ chồng cùng quyết định; tiếp sau đó là người chồng. Người vợ vẫn là người có tiếng nói quyết định ít nhất trong cả bốn lĩnh vực được nghiên cứu. Trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyền quyết định của vợ chồng thì yếu tố đóng góp của người chồng cho kinh tế gia đình hầu như không ảnh hưởng đến quyền quyết định của họ trong các lĩnh vực được nghiên cứu. Cho dù đóng góp nhiều hay ít thì quyền quyết định của người chồng hầu như không thay đổi và nếu có thay đổi thì rất ít. Tuy nhiên, yếu tố này lại ảnh hưởng đáng kể đến quyền quyết định của người vợ. Đóng góp của người vợ cho kinh tế gia đình tăng thì thì quyền quyết định của họ tăng; ngược lại, đóng góp giảm thì quyền quyết định giảm. Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến quyền quyết định của vợ chồng trong gia đình. Đối với người chồng thì quyền quyết định của họ cao nhất là độ tuổi dưới 30 hoặc độ tuổi 60 trở lên. Đối với người vợ thì quyền quyết định của họ hầu như tăng theo tuổi: tuổi càng cao thì quyền quyết định tăng. Đối với cả hai vợ chồng thì quyền quyết định của họ đạt tỷ lệ cao nhất khi tuổi của họ từ 60 tuổi trở lên. Nhìn chung, vợ chồng cao tuổi (trên 60 tuổi) có tiếng nói quyết định trong các công việc của gia đình bất kể họ là nam hay nữ. Trình độ học vấn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đáng kể đến quyền quyết định của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng của trình độ học vấn đối với quyền quyết định của người chồng và người vợ là rất khác nhau và thậm chí hoàn toàn trái ngược nhau. Người chồng có trình độ học vấn càng thấp thì họ là người quyết định chính trong các công việc của gia đình càng nhiều, bất chấp những tác động tiêu cực từ các quyết định của người có trình độ học vấn thấp đối với sự thịnh vượng của gia đình. Ngược lại, người vợ có trình độ học vấn càng cao thì họ là người quyết định chính trong các công việc của gia đình càng tăng. Bên cạnh đó, học vấn của cả hai vợ chồng tăng thì tỷ lệ cả hai vợ chồng quyết định bằng nhau tăng theo. Như vậy, học vấn là một trong những yếu tố làm tăng quyền quyết định của người vợ cũng như cả hai vợ chồng cùng nhau quyết định. Tộc người là một trong yếu tố ảnh hưởng đến quyền quyết định của vợ chồng trong gia đình nông thôn Việt Nam. Người vợ và người chồng được sinh ra và lớn lên ở tộc người nào thì phải chịu tác động bởi nền văn hoá của tộc người ấy. Nhìn chung, người chồng dân tộc Kinh có quyền quyết định nhiều hơn người chồng thuộc các dân tộc khác. Ngược lại, người vợ thuộc các dân tộc khác lại có quyền quyết định nhiều hơn người vợ dân tộc Kinh. Phạm Thị Huệ Bản quyền thuộc Viện Xã hội học www.ios.org 57 Tài liệu tham khảo 1. Bartly S., 1990. Femininity and Domination. New York : Routledge 2. Bùi Thị Thanh Hà, 1997. Về sự phân công lao động ở các gia đình phụ nữ nghèo miền Trung. Tạp chí Khoa học về phụ nữ, Số 1 3. Đỗ Thị Bình, 2001. Mấy vấn đề về vai trò giới trong gia đình nông thôn hiện nay: Qua nghiên cứu trường hợp các xã ở miền Bắc. Tạp chí Khoa học về phụ nữ, Số 3 4. French, J. R. P. and Raven. B., (1959). “The Bases of Social Power” in Studies in Social Power, ed. D. Cartwright. MI : University of Michigan Press 5. Lê Ngọc Văn, 1997. Phân công lao động theo giới trong gia đình nông dân. Tạp chí Khoa học về phụ nữ, Số 3 6. Lê Ngọc Văn, 1999a. Phân công lao động theo giới trong gia đình ngư dân đánh bắt hải sản. Tạp chí Khoa học về phụ nữ, Số 1 7. Lê Ngọc Văn, 1999b. Thay đổi phân công lao động theo giới: Một số vấn đề đặt ra. Tạp chí Khoa học về phụ nữ, Số 2 8. Lê Tiêu La, Lê Ngọc Hùng, 1998. Vấn đề giới trong kinh tế hộ: Tìm hiểu phân công lao động nam nữ trong gia đình ngư dân ven biển miền Trung. Tạp chí xã hội học, Số 3 9. Mai Huy Bích, Lê Thị Kim Lan, 1999. Địa vị phụ nữ ngư dân ở một số làng đánh cá miền Trung. Tạp chí Xã hội học, Số 3&4 10. Nguyễn Linh Khiếu, 2002. Vị thế của phụ nữ trong một số vấn đề của gia đình. Tạp chí Xã hội học, Số 4 11. Trần Thị Kim, 2003. ảnh hưởng của học vấn đến sự tham gia và quyền ra quyết định của phụ nữ nông thôn tỉnh Quảng Ngãi trong thiết chế gia đình: Qua nghiên cứu 3 xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Tạp chí Xã hội học, Số 1 12. Young I. M., 1992. “Five Faces of Oppression” in Rethinking Power, ed. Thomas Wartenberg. Albany, NY : SUNY Press

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfso3_2007_phamthihue_0082.pdf
Tài liệu liên quan