Quan niệm về tự do của con người trong triết lý giáo dục của chủ nghĩa hiện sinh

Tài liệu Quan niệm về tự do của con người trong triết lý giáo dục của chủ nghĩa hiện sinh: TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 102 QUAN NIỆM VỀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI TRONG TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH The notion of human freedom in educational philosophy of existentialism ThS. Trần Thị Thảo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM Tóm tắt Là triết học phi duy lý, chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh tính độc đáo của nhân vị và tự do của cá nhân đối lập với đoàn nhóm, với sự đồng dạng phổ biến và xã hội đại chúng đề cao duy lý. Triết thuyết này dựa trên quan điểm cho rằng tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về ý nghĩa và khái niệm cuộc sống của mình, phải tạo ra được một bản sắc riêng cho mình. Giáo dục là phương thức hữu hiệu nhất để đào tạo ra những con người có bản sắc riêng. Theo các nhà hiện sinh, giáo dục mang sứ mệnh khai phóng ý thức và trách...

pdf11 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 430 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quan niệm về tự do của con người trong triết lý giáo dục của chủ nghĩa hiện sinh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019) Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn 102 QUAN NIỆM VỀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI TRONG TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN SINH The notion of human freedom in educational philosophy of existentialism ThS. Trần Thị Thảo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM Tóm tắt Là triết học phi duy lý, chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh tính độc đáo của nhân vị và tự do của cá nhân đối lập với đoàn nhóm, với sự đồng dạng phổ biến và xã hội đại chúng đề cao duy lý. Triết thuyết này dựa trên quan điểm cho rằng tất cả mọi người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về ý nghĩa và khái niệm cuộc sống của mình, phải tạo ra được một bản sắc riêng cho mình. Giáo dục là phương thức hữu hiệu nhất để đào tạo ra những con người có bản sắc riêng. Theo các nhà hiện sinh, giáo dục mang sứ mệnh khai phóng ý thức và trách nhiệm của con người về chính nhân vị và sự tự do của họ. Với những nhận định đó, bài báo nhằm mục đích làm rõ quan niệm về tự do trong triết lý giáo dục của chủ nghĩa hiện sinh. Từ khóa: chủ nghĩa hiện sinh, tự do, giáo dục Abstract Existentialism can be considered a type of irrationalism which emphasizes the individual’s uniqueness and freedom, in opposition to a group, common unity or mass society appreciating rationalism. This school of philosophy relies on the notion that all people are thoroughly responsible for the meaning and concept of their own life. Education is the most effective way to train people with their own identity. Existentialists believe that education has the mission to launch people’s consciousness and responsibility for humanity and their freedom. This paper is an attempt to clarify the notion of freedom in existentialist educational philosophy. Keywords: existentialism, freedom, education Đặt vấn đề Chủ nghĩa hiện sinh là một trong những trào lưu có ảnh hưởng nhất định của triết học phương Tây thế kỷ XX, đặc biệt là trong và sau Thế chiến thứ hai. Đây là triết thuyết chống lại triết lý truyền thống, đặc biệt là chống lại những nỗ lực đã được thực hiện để tạo ra các hệ thống tư duy trật tự và trừu tượng. Xuất phát từ việc đề cao tự do của con người, các triết gia hiện sinh đem lại nhiều gợi ý về mặt giáo dục cho nền giáo dục hiện đại. Vào những năm 50 của thế kỷ XX, một số nhà giáo dục học phương Tây đã vận dụng những tư tưởng triết lý giáo dục hiện sinh vào việc xây dựng triết học giáo dục, đánh dấu sự ra đời của một trường phái mới trong giáo dục - Giáo dục Email: thaonguyen310@gmail.com TRẦN THỊ THẢO TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 103 hiện sinh (Existentialist Education). Nội dung 1. Từ quan điểm tự do đến triết lý giáo dục của chủ nghĩa hiện sinh Các nhà hiện sinh không viết về giáo dục chính thức và toàn diện. Người ta có thể chỉ suy luận quan niệm của giáo dục thông qua triết học của họ. Đặc biệt, thông qua cái nhìn của họ về tính chủ thể và sự tự do lựa chọn và trách nhiệm, họ nhấn mạnh đến tính tích cực của cá nhân, của sự khác biệt về phương pháp giáo dục. Về tính chủ thể, dù khác nhau về lập trường bản thể luận nhưng các nhà hiện sinh đều gặp nhau ở chỗ đề cao chủ thể tính của con người và xem đó là nền tảng của tự do. Theo Jean – Paul Sartre: “Điều rắc rối là có hai loại hiện sinh [] Điểm chung giữa họ chỉ là ở chỗ họ cho rằng hiện hữu đi trước bản chất hay nói cách khác, họ xuất phát từ tính chủ thể” (Sartre, 2015, tr. 27 – 28). Để giải thích về chủ thể tính, Sartre khẳng định: “Con người không chỉ tồn tại như nó được quan niệm, mà còn tồn tại như nó muốn thể hiện; và vì nó được quan niệm sau khi có sự hiện hữu, và nó muốn tỏ ra sau khi có cái đà ấy hướng tới sự hiện hữu, nên con người không là gì khác ngoài những gì mà nó tự tạo nên. Đó là nguyên tắc đầu tiên của thuyết hiện sinh. Đó cũng là điều người ta gọi là tính chủ thể” (Sartre, 2015, tr. 33). Tính chủ thể là điểm xuất phát cho sự tự do của con người. Con người như một tồn tại giữa vũ trụ, nhưng xét ở khía cạnh văn hóa, nó có thể vươn vượt lên trên vũ trụ. Con người vừa gán cho vũ trụ những giá trị như mình muốn, vừa tự quy định một cách tự do. Khi con người ý thức được chủ thể của mình, thì vũ trụ trở thành thụ động, không còn huyền bí, thần thánh nữa. Hơn nữa, con người với tư cách là chủ thể còn có thể thấy rằng sự vật không có khả năng cưỡng bức con người phải công nhận nó như thế này hay thế kia. Thậm chí, tính chủ thể còn giúp con người không bị áp bức, thôn tính bởi tha nhân, giúp con người dám nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống, bỏ vào ngoặc những ý tưởng trừu tượng phi thực tế. Về sự tự do lựa chọn và trách nhiệm đối với sự lựa chọn: Theo các nhà hiện sinh, nếu cần định nghĩa người thì người đầu tiên không là gì cả, về sau có thành cái gì thì là do sự lựa chọn của tự do. Tự do là hữu, là bản thể của hiện hữu nhân loại, của cá nhân. Con người không thể chối bỏ được điều đó bởi lẽ như vậy là từ chối vị trí căn bản của đời mình. Tự do là cái được phán quyết cho con người. Do đó, con người không phải được tự do mà bị tự do. Trong tác phẩm kinh điển của mình, Hữu thể và vô thể, Sartre đã tuyên bố: “Thực ra, chúng ta là một tự do để lựa chọn, nhưng chúng ta không chọn được tự do: chúng ta bị lên án phải tự do (Sartre, 2014, tr. 530). Sự kết án ấy bắt nguồn từ thực tế rằng con người bị ném vào tự do. Vì vậy con người hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn, lựa chọn hành vi, lựa chọn thái độ sống và ý nghĩa cuộc đời của mình, bởi vì “Tôi là người, và mỗi người phải sáng tạo nên đường đi của chính mình” (Sartre, 1967, tr. 127). Nhà hiện sinh đích thực không cho phép họ đi theo một khuôn phép nhất định nào. Mỗi một cá nhân đều có quyền lựa chọn cho mình một cách sống, một thái độ sống, một bản chất sống không giống bất kỳ ai, tức có ý thức để trở thành hiện sinh - tôi phải tự định đoạt số phận của tôi. Mọi SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 104 thứ luân lý đối với nhà hiện sinh đều là vô nghĩa nếu như nó bị khước từ tự do. Tự do là động lực của mọi thay đổi khi con người đã nhận ra tự do của họ. Bản chất của con người sẽ được khai lộ trong chính lựa chọn của họ. Trong từng hoàn cảnh, từng điều kiện, từng giai đoạn sống con người sẽ có những lựa chọn để tạo tác nên chính bản thân mình. Tự do trong quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh là tự do lựa chọn, nhưng không tùy tiện mà gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm đối với sự lựa chọn tự do được xem xét từ những giác độ sau: Một là, con người khi đã hiện hữu, đã lựa chọn thái độ hiện sinh của mình thì phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn bản chất hiện sinh của mình. Người hiện sinh dùng tự do để lựa chọn, định đoạt cuộc đời mình. Mỗi quyết định là mỗi giá trị hiện sinh vì mỗi một quyết định đó đều đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm cao cả. Người hiện sinh là con người tự do siêu việt mà không một thế lực nào có thể đe dọa, vây hãm. Họ là những con người tự do đích thực khi đã tự đảm nhiệm hành động của mình. Hai là, khi đưa ra lựa chọn thì con người không chỉ có trách nhiệm trước bản thân, mà còn trước người khác và trước toàn xã hội về sự lựa chọn đó. Khi chúng ta lựa chọn hành động như thế này hay như thế khác, thì chúng ta đã khẳng định giá trị của điều mà chúng ta đã chọn. Ba là, con người phải chịu trách nhiệm đến cùng về sự lựa chọn của mình cho dù kết quả của nó có như thế nào, là thành hay bại. Trách nhiệm đeo bám con người suốt cả cuộc hành trình của cõi nhân sinh, không vì cái gì mà từ bỏ nó, không vì một sự thỏa hiệp nào mà chối bỏ nó, nó là định mệnh của con người, gắn với tự do của con người. Như vậy, có thể nói, trong tư tưởng tự do của chủ nghĩa hiện sinh lựa chọn và trách nhiệm (đối với tự do) là yếu tố quan trọng nhất. Trách nhiệm không phải là sự sao chép lại tự do. Tự do là cái vốn có của mỗi người, hoàn toàn không nhất thiết phải được cấy ghép vào mỗi cá nhân riêng biệt để rồi qua đó, cá nhân này bỗng dưng lại bị cô lập khỏi những người khác. Sartre đã lập luận: “Khi nói rằng con người tự mình lựa chọn, thì chúng tôi hiểu rằng mỗi người trong chúng ta tự mình lựa chọn, nhưng qua đó, chúng tôi cũng muốn nói rằng, trong khi tự mình lựa chọn ta lựa chọn tất cả mọi người” (Sartre, 2015,tr.35). Với nghĩa đó, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về mọi người, đều phải lựa chọn con người nói chung, lựa chọn mô hình con người. Theo chúng tôi, điều quan trọng là, khi tiến hành sự lựa chọn của mình, con người không hành động một cách mù quáng, mà tuân thủ kết quả triết lý của mình. Con người lựa chọn hình ảnh không những của bản thân mình, mà còn của những người khác nhờ chính kết quả triết lý đó. Để con người có được tự do, Theo các nhà hiện sinh, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho con người nhận thức được tự do của mình và tự thiết kế mình thành con người tự do. Theo Kierkegaard, giáo dục hiện sinh tập trung vào mục đích làm cho người trở thành chính bản thân nó, tự do, độc lập. Muốn vậy các cá nhân chỉ có thể lấy sự lựa chọn tồn tại của riêng mình và sau đó ghi lại sự thật tồn tại hoặc chủ quan trong cuộc sống riêng của họ. Vấn đề là cá nhân không thể sống bằng trải nghiệm của người khác. Vì vậy chủ nghĩa hiện sinh đề cập một quan TRẦN THỊ THẢO TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 105 điểm giáo dục hướng tới sự khai phóng tự do con người cá nhân cụ thể. a. Về mục đích giáo dục Đối với các nhà hiện sinh, mục đích của giáo dục là cung cấp trải nghiệm sâu rộng và toàn diện với cuộc sống dưới mọi hình thức, là cho phép mỗi cá nhân tự phát triển tiềm năng đầy đủ nhất của mình để tự hoàn thành. Do đó, mục đích giáo dục hiện sinh bao gồm những vấn đề sau: Phát triển bản thân đích thực của người học Các nhà hiện sinh cho rằng con người không chỉ là trí tuệ, mà còn là cảm giác và cảm xúc. Do đó, người học phải học cách cảm nhận, để trở thành một “cá nhân được chứng thực”. Mối quan tâm chính của chủ nghĩa hiện sinh là sự tồn tại của “bản thân”. Sartre giải thích hai dạng của tồn tại đó là tồn tại tự thân và tồn tại vị thân. Tồn tại tự thân là dạng tồn tại trong chính hiện trạng thực tế của nó còn tồn tại vị thân là dạng tồn tại mà con người sẽ kiến tạo nên bản thân mình bằng những nỗ lực. Giáo dục sẽ giúp người học phát triển bản thân mình theo hướng tồn tại vị thân. Do đó, mục tiêu của giáo dục là phải giúp người học phát triển một quy mô nhất quán các giá trị, xác thực sự tồn tại của chúng bằng cách cam kết với các giá trị này và hành động để đạt được các giá trị đó. Hỗ trợ khả năng tự nhận thức ở người học Giáo dục giúp người học đạt được sự tự giác. Theo quan điểm của các nhà hiện sinh, một nền giáo dục tốt là một nền giáo dục giúp mỗi chúng ta nhìn thấy chính mình với những nỗi sợ hãi, thất vọng và hy vọng, cũng như những cách chúng ta sử dụng tri thức và đạo đức. Bước đầu tiên trong bất kỳ nền giáo dục nào đó là làm cho con người phải hiểu được chính bản thân con người. Sartre đã tuyên bố rằng: “Con người không là gì khác ngoài dự phóng của mình, nó chỉ tồn tại trong giới hạn nó hiện thực hóa bản thân, vì vậy con người không là gì khác ngoài toàn bộ các hành vi của mình, không có gì khác ngoài đời sống của nó” (Sartre, 2015, tr.58). Do đó, giáo dục hiện sinh đảm nhận trách nhiệm đánh thức mỗi cá nhân về sức mạnh của bản thân mình (xác định bản thân là hiện tượng của nhận thức về tính chủ thể). Hiện sinh đề cao phương pháp học tập trong đó đặc điểm và giá trị của bản thân được truyền đạt một cách có ý nghĩa. Chuẩn bị cho con người đối mặt với bi kịch của cuộc sống Mỗi cá nhân phải đối mặt với nhiều tình huống bi thảm trong cuộc sống của mình. Sự kiện bi thảm quan trọng nhất và không thể tránh khỏi là cái chết. Theo Heidegger con người là một tồn tại hướng đến cái chết. Một trong những mục tiêu chính của giáo dục chủ nghĩa hiện sinh là thái độ đúng đắn đối với cái chết. Giáo dục cho cái chết có thể được đưa vào để hiểu rõ hơn về cuộc sống tốt đẹp và nghĩa vụ của một người trong cuộc sống. Con người nên nhận thức được cái chết của mình trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Việc nhận ra cái chết này sẽ giúp ích trong việc tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống của con người do thực tế là họ đã chuẩn bị cho cái chết. Thomas Flynn đã nhận xét rằng: “Đối với Heidegger, chính sự cương quyết chấp nhận tồn – tại – hướng – đến – cái – chết của mình mới đưa những mối bận tâm rải rắc khác vào trong việc nhận biết ý nghĩa của tồn tại. Đây là một cách trải nghiệm khác về sự bất tất của ta. Một khi nhận ra rằng vào lúc nào đó tại nơi nào ta sẽ không SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 106 còn nữa, ta có thực nhận nào đó về ý nghĩa của sự hiện hữu” (T. Flynn, 2018, tr.134). Hiểu được tầm quan trọng của sự lựa chọn làm nên sức mạnh của bản thân Giáo dục nên đào tạo con người để đưa ra lựa chọn tốt hơn và nhận thức được rằng vì sự lựa chọn không bao giờ hoàn hảo, nên hậu quả không thể dự đoán được. Cuộc sống là một quá trình liên tục đưa ra lựa chọn và tất cả các lựa chọn là riêng tư và cá nhân. Phát triển năng lực cho sự lựa chọn tự do bao gồm hai bước cơ bản: (1) trau dồi khả năng đưa ra quyết định tự do và hợp lý và (2) phát triển thiên hướng để đưa ra quyết định như vậy ngay từ đầu. Trong đó bước thứ 2 là quan trọng hơn. Mục đích cơ bản của giáo dục theo chủ nghĩa hiện sinh là phát triển ý thức cam kết lựa chọn tự do. Chuẩn bị cho người học thích nghi với xã hội Nhờ giáo dục nên con người có thể nhìn xa hơn lợi ích và mục tiêu cá nhân. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng giáo dục xã hội nên dạy cách tôn trọng tự do của tất cả mọi người. Tôn trọng sự tự do của mình cũng như những người khác là cần thiết như nhau. Giáo dục tốt sẽ chuẩn bị cho con người ý chí tự do của mình, đồng thời đưa đến tự do cho tất cả những người khác. Khi con người khẳng định giá trị của bất kỳ hành động nào cũng là đang khẳng định một giá trị với lời kêu gọi phổ quát “Tôi chịu trách nhiệm cho bản thân và cho tất cả mọi người”. Sartre cho rằng: Nếu chúng ta muốn hiện hữu cùng một lúc với việc chúng ta nhào nặn nên hình ảnh của mình, thì hình ảnh ấy có giá trị đối với tất cả mọi người và đối với toàn bộ thời đại chúng ta. Như vậy trách nhiệm của chúng ta lớn lao hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể nghĩ đến, vì nó liên quan đến toàn thể nhân loại [] Như vậy tôi chịu trách nhiệm với chính mình và với mọi người, và tôi đã sáng tạo ra một hình ảnh nào đó về con người mà tôi đã lựa chọn; khi chọn lấy chính tôi, tôi chọn con người (Sartre, 2015, tr.36 – 37). Chính vì con người luôn sống cùng với những sinh mệnh khác cho nên giáo dục có trách nhiệm làm cho con người hội nhập vào các hình thức và cấu trúc, nhóm và thể chế của xã hội. Phát triển ý thức trách nhiệm của người học Giáo dục hiện sinh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân, và cho rằng không có lối nào thoát khỏi trách nhiệm cá nhân. Nhiệm vụ của giáo viên là hỗ trợ học sinh tự chịu trách nhiệm, đối mặt với thế giới một cách có trách nhiệm. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng đối với tất cả các lựa chọn của mình, con người không thể đổ lỗi cho người khác, cho dù đó là cha mẹ hay xã hội và họ thậm chí không thể đổ lỗi hoàn cảnh sống của mình. Hơn nữa, không có gì để hướng dẫn họ trong lựa chọn của họ; không có nguyên tắc hay quy tắc nào có thể đảm bảo rằng bất kỳ sự lựa chọn nào là đúng. Mọi người chỉ cần lựa chọn và chấp nhận hậu quả mặc dù hậu quả có thể không lường trước được. b. Về chương trình giảng dạy Theo chủ nghĩa hiện sinh, chương trình giảng dạy biểu tượng cho một thế giới tri thức để khám phá. Kiến thức sẽ cung cấp nội dung cụ thể để thực hiện phân tích và phê bình tự do và thiết lập một nền tảng vững chắc cho nỗ lực sáng tạo cá nhân. Chủ nghĩa hiện sinh thừa nhận “sự khác biệt cá nhân” hay còn gọi là nhân vị. “Nhân vị của con người chính là hiện sinh TRẦN THỊ THẢO TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 107 của nó mang bộ mặt riêng biệt, đặc thù xa lạ với mọi tính cách phổ quát” (Nguyễn Tiến Dũng, 2006, tr.78) và nhấn mạnh vào sự đa dạng chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu, khả năng và năng khiếu của cá nhân. Chương trình giảng dạy cần đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Nó nên được thiết kế để người học có mọi trải nghiệm tạo nên cuộc sống của mình. Chương trình giảng dạy nên được lựa chọn, sắp xếp và sở hữu bởi người học vì mỗi cá nhân có nhu cầu và sở thích cụ thể liên quan đến sự tự hoàn thành của mình. Triết học hiện sinh có thể trang bị cho người học cơ sở để lựa chọn tính chủ thể, vì nó cung cấp cho họ cơ hội lớn hơn cho sự phát triển và thể hiện cá nhân. Chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh giáo dục là để làm cho người học nhận ra những đặc ân mà cuộc sống dành cho họ để thực thi quyền tự do. Triết thuyết này cũng đồng thời phản đối bất kỳ loại hình đào tạo nghề nào ở giai đoạn sớm vì nó không giúp người học trở thành một cá nhân tự do, mà ngược lại đào tạo họ trở thành một dạng người cụ thể, mặc định nào đó. Về giáo dục đạo đức, giáo dục đạo đức phải dựa trên những nguyên tắc đạo đức mà người ta đã chọn một cách có ý thức hoặc sắp chọn cho “chính bản thân mình” vì sự phán xét đạo đức và tính cách cá nhân có nguồn gốc từ bản thân chủ quan. Điều này có nghĩa là cá nhân phải được tự do lựa chọn đạo đức và giá trị của chính mình trong cuộc sống. Do đó, trong chương trình giảng dạy của chủ nghĩa hiện sinh cần bao gồm tất cả những gì hỗ trợ cho sự xác lập tự do cá nhân đích thực. c. Về phương pháp giảng dạy Theo chủ nghĩa hiện sinh, phương pháp giảng dạy phải phát huy được khả năng sáng tạo của người học. Trong phương pháp dạy học, chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh vào việc áp dụng các kỹ thuật hướng dẫn thu hút cảm giác, cảm xúc, sáng tạo và ý nghĩa sâu sắc hơn của cuộc sống. Chủ nghĩa hiện sinh ủng hộ phương pháp giảng dạy Socrates. Đây là phương pháp đặt câu hỏi, lọc chỉnh câu trả lời, đặt nhiều câu hỏi hơn và đẩy vấn đề cho đến khi đạt được kết luận chấp nhận được. Giáo viên tìm cách thu thập thông tin từ học sinh bằng các câu hỏi được định hướng khéo léo. Sinh viên tư duy bằng cách tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi của giáo viên. Phương pháp này dựa trên giả định rằng kiến thức là bẩm sinh nhưng chúng ta khó có thể rút ra được nếu không có sự trợ giúp của chuyên gia. Sở dĩ chủ nghĩa hiện sinh ủng hộ cách tiếp cận Socratic trong giảng dạy là vì phương pháp Socrates là cá nhân, dễ gần và người học đạt được kiến thức và trí tuệ thông qua sự tương tác lẫn nhau giữa người dạy và người học. Theo các nhà hiện sinh, bất kỳ phương pháp nào có khả năng kiểm tra đời sống nội tâm mà không can thiệp vào tính chủ quan của cả giáo viên và người dạy đều được chấp nhận. Phương pháp Socrates bao gồm “phương pháp nêu vấn đề”. Mặc dù ủng hộ phương pháp Socrates nhưng chủ nghĩa hiện sinh không khuyến khích phương pháp nêu vấn đề vì nó không mang tính cá nhân, không hiệu quả và thường có định hướng xã hội. Tuy nhiên, họ thừa nhận phương pháp vấn đề nếu vấn đề bắt nguồn từ cuộc sống của người phải tìm ra giải pháp chứ không chấp nhận nếu vấn đề xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Chủ nghĩa hiện sinh không ủng hộ giáo dục đại chúng vì nó dẫn đến việc học vẹt nghĩa là người học lặp lại những gì SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 108 mình đã được dạy trong lớp. Họ cũng từ chối phương pháp nhóm vì trong hoạt động nhóm, tính ưu việt của quyết định nhóm nổi bật hơn so với quyết định cá nhân nên cơ hội thể hiện sư độc đáo của cá nhân và sự lựa chọn tự do bị mất. Các nhà hiện sinh cho rằng trước tiên giáo viên xem học sinh như những cá nhân và cho phép họ có một vai trò tích cực trong việc định hình giáo dục và cuộc sống của chính họ, sống động trong từng khoảnh khắc, theo Sartre: “Mỗi khoảnh khắc chỉ xuất hiện để đưa dẫn những khoảnh khoảnh khắc tiếp theo. Tôi đem hết lòng mình ra nâng niu từng khoảnh khắc: tôi biết rằng mỗi khoảnh khắc là độc nhất, không thể thay thế được Tôi cúi mình trên mỗi phút giây, tôi cố tâm sống cho cùng kiệt nó, chẳng có gì xảy ra mà tôi không nắm bắt lấy” (Sartre, 1967, tr. 74) Đúng là nếu học sinh mang nền tảng kinh nghiệm đến trường sẽ ảnh hưởng đến quyết định cá nhân, nhưng nhìn chung, các nhà hiện sinh cho rằng trường học và tổ chức của họ là nơi tự do, nơi học sinh được khuyến khích làm việc vì sự đa dạng trong giáo dục, không chỉ trong chương trình giảng dạy, mà trong cả cách dạy học. Khi người học được khuyến khích theo đuổi các dự án họ sẽ phát triển các kỹ năng cần thiết và có được kiến thức cần thiết. Phương pháp hiện sinh tập trung vào cá nhân riêng biệt. Học là tự học, tự học chỉ đạo và bao gồm rất nhiều liên hệ của cá nhân người học với giáo viên, người liên quan đến mỗi học sinh một cách cởi mở và trung thực. d. Về trường học Trong giáo dục, chủ nghĩa hiện sinh tập trung vào cá nhân riêng biệt, tìm kiếm sự hiểu biết cá nhân về thế giới. Thông qua cách giải thích này, mỗi cá nhân đặc trưng cho mình bằng các khái niệm về thực tế, sự thật, lòng tốt và kết quả là các trường học tồn tại để giúp người học nhận thức được bản thân và vị trí của mình trong xã hội. Trong trường phái hiện sinh thì con người phi lý trí, tức là bản thân thẩm mỹ, đạo đức và cảm xúc của con người thể hiện rõ hơn bản thân lý trí, khoa học. Những người theo chủ nghĩa hiện sinh quan tâm nhiều hơn đến phát triển khía cạnh hiệu quả của con người - khả năng yêu thương, đánh giá cao và đáp ứng tình cảm với thế giới xung quanh. Mục đích của trường học là để nuôi dưỡng sự tự lập và trau dồi sự tự đánh giá. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng việc tiếp tục thử nghiệm sư phạm và tâm lý sẽ chẳng ích gì nếu đứa trẻ không được nuôi dưỡng trong một trường học nhân hóa. Nhà trường cần cung cấp môi trường nơi các cá nhân phát triển một cách lành mạnh. Trường học chủ yếu là một nơi để có kinh nghiệm với cuộc sống từ đó chủ nghĩa hiện sinh, cũng như chủ nghĩa thực dụng bác bỏ lý thuyết học giả. Vì vậy, các trường học nên hòa mình trong cuộc sống của học sinh. Nhà trường phải là một diễn đàn nơi sinh viên có thể tham gia đối thoại với các sinh viên và giáo viên khác để giúp họ làm rõ tiến trình hướng tới sự hoàn thiện bản thân. Tư tưởng dân chủ được thực thi trong trường học. Nó phải là nền dân chủ của những cá nhân độc đáo coi trọng sự khác biệt và tôn trọng lẫn nhau. Người học được tham gia lập kế hoạch và khuyến khích một bầu không khí tự do đặc trưng cho trường học. Tuy nhiên, yếu tố môi trường gia đình được chủ nghĩa hiện sinh đề cao. Các nhà hiện sinh khẳng định rằng phát triển giáo dục không thể diễn ra mà không có sự hỗ TRẦN THỊ THẢO TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 109 trợ từ cuộc sống gia đình. Ở trường, trẻ có ý tưởng trở thành một đối tượng như trong số nhiều người trong khi ở nhà, nó tự định hình bản thân mình. Trong gia đình, trẻ tìm thấy điều kiện thích hợp để bồi dưỡng bản thân đích thực. Cũng Chính trong gia đình, trẻ em trải qua tình yêu của cha mẹ và mối quan tâm thường xuyên đối với lợi ích của chúng mà nhân loại giúp chúng làm chủ những khó khăn của cuộc sống hàng ngày. e. Về vai trò của người thầy Chủ nghĩa hiện sinh được xem là một trường phái triết học xem giáo dục là sự đánh thức lại sự quan tâm của con người đối với bản thân, nhiệm vụ của giáo viên là đánh thức sự tự do và trách nhiệm của học sinh. Chủ nghĩa hiện sinh là một triết lý dựa trên quan niệm rằng sự tồn tại của con người là một kinh nghiệm nội tại, chủ quan. Nó cho rằng con người có thể vượt ra ngoài sự tồn tại đơn thuần là bản chất, bằng cách tích cực tìm cách khám phá tính mục đích trong sự tồn tại của họ và gán cho ý nghĩa cá nhân của nó. Họ làm điều này bằng cách xác thực, lựa chọn độc lập và bằng cách nhận trách nhiệm về hậu quả của những lựa chọn trong suốt cuộc đời của họ. Do đó, các giáo viên phải nhận ra rằng thực tế được trải nghiệm một cách chủ quan và sau đó họ phải tôn trọng và nuôi dưỡng thực tế chủ quan của học sinh. Họ có thể làm điều này bằng cách áp dụng hai nguyên tắc hiện sinh trong lớp học của họ. Đầu tiên, giáo viên phải hứng thú thay vì ngăn cản sự trải nghiệm xác thực của học sinh. Thứ hai, họ có thể khuyến khích học sinh của mình “can đảm để trở thành” bằng cách nhận ra thực tế chủ quan của học sinh, bằng cách tôn vinh sự chân thực và bằng cách khuyến khích học sinh với cơ hội để trở thành tốt nhất họ có thể. Giáo viên phải đảm bảo nguyên tắc tự thực hiện. Đối với điều này, giáo viên phải thấy rằng cá nhân học sinh liên quan đến các vấn đề của họ bởi vì người ta không thể nhận ra chính mình mà không hoàn thành công việc theo cách riêng của mình. Vai trò của giáo viên là hỗ trợ để họ sinh trở thành “bản gốc” và “xác thực”. Giáo viên cần nỗ lực để thấy năng lực tự quản trị của học sinh để giúp họ trở nên tự do và linh hoạt. Giáo viên phải chủ động trong vai trò giảng dạy của mình. Tác dụng của thầy đối với trò phải có “tính sản xuất” chứ không nên có tính “sao chép” hàng loạt tạo ra một mẫu người theo mô thức của thầy. Dạy học trò “làm người là dạy phải vượt qua và vượt trên ông thầy. Ông thầy nào biết dạy môn sinh như thế thực đáng gọi là ông thầy cao cả, ông thầy dạy ta làm người, chớ không dạy ta làm môn sinh suốt đời” (Trần Thái Đỉnh, 2015, tr.149). Nietzsche viết: “Giờ đây ta ra lệnh cho các ngươi hãy đánh mất ta và tìm chính bản lại diện mục của các ngươi; chỉ khi nào tất cả các ngươi đều chối bỏ phủ nhận ta, lúc đó ta mới trở lại cùng các ngươi” (F.Niezsche, 2003, tr.159). Giáo viên phải khuyến khích sự sáng tạo, khám phá của người học, nhưng không nên cố gắng hướng sinh viên hoặc áp đặt ý chí của mình lên họ. Trách nhiệm và nghĩa vụ của giáo viên hiện sinh là rất khó khăn vì trong cách đối xử với “tha nhân”, người giáo viên phải giữ sự chủ quan của chính mình đồng thời nhận ra sự chủ quan của người khác. Theo Jaspers, nhà giáo dục thực thụ là người suốt đời tham gia vào quá trình tự giáo dục thông qua giao tiếp. Giáo dục chỉ có thể trở nên đúng đắn nếu người tiếp nhận nó có được khả năng giáo dục SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 110 bản thân thông qua việc học tập nghiêm ngặt và bền bỉ. f. Về mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh Chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh của mình phải thân mật, gần gũi, sống động và cá nhân hơn so với mối quan hệ hiện có giữa hai người trong trường học truyền thống. Học sinh trước hết được xem như một cá nhân, biết tự chịu trách nhiệm về những suy nghĩ, niềm tin và cách cư xử của chính mình. Vai trò của giáo viên là cung cấp các con đường để thăm dò học sinh, tạo ra một môi trường mà họ có thể tự do lựa chọn cách ưa thích của riêng mình. Tất cả các nhà hiện sinh lên án các mối quan hệ mang tính hình thức. Họ khẳng định rằng mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh phải rất chặt chẽ liên quan đến sự thân mật trong việc thông giao. Giáo viên cũng như học sinh trong mọi trường hợp phải là một nhân cách tự do của riêng họ. Giáo viên phải giao thoa hài hòa, người giáo viên hiện sinh là phải chia tâm hồn mình thành hai thái cực: ngoan ngoãn và nổi loạn nhưng giáo viên phải có sự chính trực, hòa nhập với học sinh thông qua hành động và thái độ của mình. 2. Ảnh hưởng quan điểm tự do trong triết lý giáo dục của chủ nghĩa hiện sinh đối với giáo dục hiện nay Tuy không trình bày một cách rõ ràng và có hệ thống về giáo dục nhưng chủ nghĩa hiện sinh là một triết lý mang tính giáo dục. Nó thể hiện sự tiếp nối một số truyền thống của châu Âu và giải quyết các vấn đề quan trọng của thời điểm đương đại cho cả triết học và cuộc sống. Việc đánh thức sự quan tâm của con người đối với chính mình là đặc điểm chính của giáo dục hiện sinh. Các nhà hiện sinh khẳng định rằng một nền giáo dục tốt sẽ khuyến khích con người nhận thức được rằng cá nhân con người là một sinh vật tình cảm và phi lý hơn là một sinh vật vô cảm và duy lý. Quan điểm tự do của chủ nghĩa hiện sinh đề cao tính chủ thể. Đó là những trải nghiệm độc đáo của riêng cá nhân đến từ nhận thức của chính bản thân. Nhận thức này không chỉ giới hạn ở lý trí hoặc trực giác mà bao gồm các trải nghiệm về cảm giác, đức tin, hành động có ý thức phản xạ trước các mối quan hệ. Con người tách mình ra khỏi tập thể và bắt đầu quá trình thực hiện những khả năng do chính mình đề xuất. Cá nhân ý thức được rằng họ phải chịu trách nhiệm cho những gì đã làm. Điều này có những đóng góp cho giáo dục, nó giúp học sinh và giáo viên tạo ra ý nghĩa trong cuộc sống của họ, khám phá những ý tưởng về bản thân và thế giới của họ. Quan niệm này có thể làm sáng tỏ và mang lại nhiều yếu tố dân chủ hơn cho giáo dục Việt Nam, đặc biệt là mang đến cho giáo viên phương pháp giáo dục mới để đào tạo nên những học sinh có tư chất độc lập, sẵn sàng thích nghi và ứng phó với tình huống bất trắc của cuộc sống. Xã hội hiện đại làm cho con người trở nên khách quan đến mức mối quan hệ của con người với bản thân bị phá vỡ. Con người bị quy đồng trong những mẫu số chung của những định chế, quy ước của xã hội, luôn lo lắng và thất vọng. Cá nhân trở thành con người phiến diện, con người một chiều kích. Marcuse cho rằng: “khi sự phát triển của công nghệ hiện đại tạo ra những “false needs” (những nhu cầu giả tạo), ví dụ như chủ nghĩa tiêu thụ, và là cái bóng khổng lồ chế ngự sự đa dạng, tính sáng tạo, cái nhìn khai phóng trong đời sống con người”. TRẦN THỊ THẢO TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN 111 (H. Marcuse, 2007, tr.7). Hình tượng “một chiều” ở đây ám chỉ việc con người đang bị kẹt trong một kiểu sống mòn, khi các phương tiện truyền thông cùng nhau truyền tải lặp đi lặp lại một vài thông điệp và quảng bá một vài giá trị nhất định trong khi kiến thức ngày nay là đa chiều. Bản chất con người có nhiều mặt, phức tạp và liên quan đến sự khác biệt cá nhân. Do đó, quan điểm tự do trong triết lý giáo dục hiện sinh góp phần đáp ứng nhu cầu của thời đại mới, dần dần đưa người học đến tính chủ thể. Sự quan tâm của chủ nghĩa hiện sinh hướng đến “con người” - con người chân chính và đích thực, những lựa chọn của con người được thực hiện với toàn bộ trách nhiệm về kết quả của sự lựa chọn để tự do. Hay nói cách khác tự do của chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh đến sự tồn tại của con người, phẩm chất của từng cá nhân hơn là con người trong trừu tượng của tự nhiên và thế giới nói chung. Cho nên, quan điểm giáo dục của chủ nghĩa hiện sinh hướng đến làm phong phú trí tuệ của con người để họ có thể được tôn trọng trong mắt của chính mình và của những người khác. Chính điều này thúc đẩy sự sáng tạo của người học, tạo sự khai phóng trong giáo dục, không rập khuôn, máy móc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quan niệm về tự do trong triết lý giáo dục của chủ nghĩa hiện sinh cũng có những hạn chế. Các mục tiêu, chương trình giảng dạy và phương pháp theo chủ nghĩa hiện sinh là phụ thuộc vào sự lựa chọn và tự do của cá nhân. Một chương trình giáo dục như vậy rất khó để thực thi đại chúng; Mối quan hệ cá nhân của giáo viên yêu cầu giáo viên phải có sự hiểu biết sâu sắc về mọi tính cách của học sinh sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Các khái niệm về “tồn tại”, “nhân vị” vốn dĩ không được chủ nghĩa hiện sinh làm rõ với tư cách là hệ thống phạm trù, bỡi lẽ chủ nghĩa hiện sinh luôn từ chối tính hệ thống. Do đó, không dễ để xây dựng một chương trình giáo dục khi thuật ngữ cho các mục tiêu của quá trình giáo dục không rõ ràng. Tư tưởng giáo dục hiện sinh hướng tới phát triển cá nhân quá nhấn mạnh tính cá nhân đến mực cực đoan cho nên con người khó đạt được sự hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng. Tuy nhiên, tự do chỉ thực sự đạt được trong bối cảnh xã hội của cộng đồng. Giáo dục phải làm cho cá nhân có trách nhiệm tập thể. Giáo dục là một quá trình tương tác và con người chỉ có thể có kinh nghiệm khi làm việc cùng nhau trong xã hội thông qua đối thoại, tương tác. 3. Kết luận Trái ngược với thế giới quan có trật tự đã được trình bày bởi các triết lý truyền thống, chủ nghĩa hiện sinh cố gắng giải phóng con người khỏi thế giới các mô phỏng. Chủ nghĩa hiện sinh làm nổi bật tâm lý con người, tự do cá nhân và trách nhiệm cá nhân, mạnh dạn định nghĩa con người là một cá nhân chịu trách nhiệm tự nhận mình trong lĩnh vực của đời mình. Trong nỗ lực tiếp cận ban đầu, mọi người phải thấy được kết quả rằng họ tạo ra bản chất và giá trị của mình mà không sử dụng các tiêu chí bên ngoài. Giáo dục hiện sinh coi tự do của con người là nhiệm vụ quan trọng nhất của nó. Giáo viên hiện sinh nhấn mạnh tâm lý của cá nhân và cố gắng thúc đẩy sự tự nhận thức và ý thức trách nhiệm trong học sinh. Thông qua các lựa chọn có ý nghĩa cá nhân, người học có thể tự tạo cá tính cho riêng mình. Mục tiêu của loại hình giáo dục này không thể được xác SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019) 112 định trước, giáo viên và hệ thống giáo dục không thể áp đặt nó cho học sinh. Mỗi người chịu trách nhiệm về giáo dục của riêng mình. Tuy còn nhiều hạn chế như đã được vạch ra ở trên, tư tưởng tự do của chủ nghĩa hiện sinh đã tác động đến giáo dục truyền thống và góp phần từng bước đưa đến một quan điểm triết học giáo dục mới, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người học. TÀI LIỆU THAM KHẢO E. Muonier. (1970). Những chủ đề triết học hiện sinh. Sài Gòn: Nhị Nùng. F.Niezsche. (2003). Zarathustra đã nói như thế, (Trần Xuân Kiểm dịch). Hà Nội: Văn hóa thông tin . Herbert Marcuse. (2007). One-Dimensional Man. London and New York. Jean - Paul – Sartre. (1967). Buồn nôn. Sài Gòn: An Tiêm. Jean - Paul – Sartre. (2014). L'Etre Et Le Neant. France: Tel Gallimard. Jean Paul Sartre. (2015). Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản. (Đinh Hồng Phúc dịch). Hà Nội: Tri Thức. Nguyễn Tiến Dũng. (2006). Chủ nghĩa hiện sinh Lịch sử và sự hiện diện ở Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: TH TP HCM. Richard Tarnas. (2008). Qúa trình chuyển biến tư tưởng phương Tây. (Lưu Văn Hy dịch). Hà Nội: Văn hóa thông tin. Thomas Flynn. (2018). Chủ nghĩa hiện sinh dẫn luận ngắn. (Đinh Hồng Phúc dịch). TP.HCM: Tổng Hợp. Trần Thái Đỉnh. (2015). Triết học hiện sinh. Hà Nội: Văn học. Ngày nhận bài: 07/3/2019 Biên tập xong: 15/4/2019 Duyệt đăng: 20/4/2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf39_7358_2214944.pdf