Tài liệu Quan niệm của arixtốt về tình thân hữu và giá trị hiện thời của nó - Vũ Thị Hải: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0034
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 3, pp. 114-120
This paper is available online at
QUAN NIỆM CỦA ARIXTỐT VỀ TÌNH THÂN HỮU
VÀ GIÁ TRỊ HIỆN THỜI CỦA NÓ
Vũ Thị Hải
Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Tình thân hữu là một nội dung độc đáo và thú vị trong đạo đức học của Arixtốt
cũng như trong nền đạo đức học phương Tây thời kì cổ đại. Trong bài viết này, tác giả sẽ
trình bày những nội dung cơ bản nhất trong quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu và chỉ
ra giá trị hiện thời của nó.
Từ khóa: Đạo đức, đạo đức học, đạo đức học Arixtốt, tình thân hữu, quan niệm về tình
thân hữu.
1. Mở đầu
Đạo đức học là bộ phận rất căn bản và trọng tâm của triết học, đã dành được sự quan tâm
lớn của hầu hết các triết gia cả ở cả phương Đông và phương Tây. Trong nền triết học phương Tây,
nếu như Xôcrát đã đặt những nền móng đầu tiên cho đạo đức học thì Arixtốt chính là người đã
giúp cho đạo đức học thực sự trở th...
7 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 551 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quan niệm của arixtốt về tình thân hữu và giá trị hiện thời của nó - Vũ Thị Hải, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0034
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 3, pp. 114-120
This paper is available online at
QUAN NIỆM CỦA ARIXTỐT VỀ TÌNH THÂN HỮU
VÀ GIÁ TRỊ HIỆN THỜI CỦA NÓ
Vũ Thị Hải
Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt. Tình thân hữu là một nội dung độc đáo và thú vị trong đạo đức học của Arixtốt
cũng như trong nền đạo đức học phương Tây thời kì cổ đại. Trong bài viết này, tác giả sẽ
trình bày những nội dung cơ bản nhất trong quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu và chỉ
ra giá trị hiện thời của nó.
Từ khóa: Đạo đức, đạo đức học, đạo đức học Arixtốt, tình thân hữu, quan niệm về tình
thân hữu.
1. Mở đầu
Đạo đức học là bộ phận rất căn bản và trọng tâm của triết học, đã dành được sự quan tâm
lớn của hầu hết các triết gia cả ở cả phương Đông và phương Tây. Trong nền triết học phương Tây,
nếu như Xôcrát đã đặt những nền móng đầu tiên cho đạo đức học thì Arixtốt chính là người đã
giúp cho đạo đức học thực sự trở thành một khoa học lí luận. Ông đã để lại cho nhân loại nhiều
quan niệm độc đáo và sâu sắc, trong đó có thể kể đến quan niệm về tình thân hữu.
Cho đến nay, triết học Arixtốt nói chung, đạo đức học của Arixtốt nói riêng và đặc biệt là
quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu đã được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên,
những công trình và các bài viết về triết học của Arixtốt lại chủ yếu đề cập đến tư tưởng về nhận
thức luận và lôgic học của ông, tiêu biểu phải kể đến: Vấn đề phương pháp trong triết học của
Arixtốt (1997) của Nguyễn Văn Dũng [3], Tư tưởng biện chứng về quá trình nhận thức trong triết
học Arixtốt (2010) của Đinh Thanh Xuân [11],. . . Bên cạnh đó là một số bài viết về tư tưởng giáo
dục và đạo đức học như: Về tư tưởng giáo dục Arixtốt (2003) của Nguyễn Bá Thái [10], Quan
niệm hạnh phúc và đức hạnh của Arixtốt của Cao Minh Công [2], . . . Quan niệm về tình thân hữu
là một nội dung cơ bản, độc đáo và thú vị trong đạo đức học của Arixtốt, tuy nhiên cho đến nay
hầu như chưa có nghiên cứu nào đi sâu vào vấn đề này. Để góp phần bổ sung cho những nghiên
cứu về đạo đức học của Arixtốt, trong bài viết này, tác giả sẽ khái quát lại những nội dung cơ bản
trong quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu, từ đó rút ra những giá trị hiện thời của nó.
Ngày nhận bài: 2/11/2015. Ngày nhận đăng: 10/2/2016.
Liên hệ: Vũ Thị Hải, e-mail: vuhai100286@gmail.com
114
Quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu và giá trị hiện thời của nó
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu
2.1.1. Arixtốt định nghĩa và phân loại tình thân hữu
Tác phẩm Đạo đức học của Nicômatic bao gồm mười quyển, Arixtốt đã dành toàn bộ dung
lượng để trình bày những khía cạnh khác nhau của đạo đức học: điều thiện, hạnh phúc, đức hạnh,
công bằng và tình thân hữu. Trong đó, ông đã dành riêng hai quyển để nói về tình thân hữu, điều
đó đủ để cho thấy, tình thân hữu là một trong những nội dung trọng yếu trong học thuyết của ông.
Xét trong tương quan với những bộ phận khác nhau trong học thuyết của Arixốt, nếu như đức hạnh
là nguyên tắc của đạo đức, hạnh phúc và cái Thiện là mục đích của đạo đức thì tình thân hữu chính
là sự biểu hiện của đạo đức trong quan hệ giữa người với người. Do đó, sẽ thật là thiếu sót khi trình
bày đạo đức học của Arixtốt mà bỏ quên quan niệm của ông về tình thân hữu.
Tình thân hữu là gì? Tình thân hữu phải chăng là tình bạn? Trong tác phẩm Đạo đức học
của Nicômatic, Arixtốt không đưa ra định nghĩa ngắn gọn về tình thân hữu nhưng ông đã phân tích
những dấu hiệu cơ bản giúp chúng ta nhận diện được tình thân hữu. Theo đó, tình thân hữu chính
là tình bạn, tình bạn được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ có ở con người mà còn có ở các loài
muông thú. Tình thân hữu không chỉ ở trong quan hệ giữa các cá nhân với nhau mà còn ở trong
quan hệ giữa các tập thể, các cộng đồng người, giữa các quốc gia, dân tộc. Tình thân hữu không
phân biệt tuổi tác, sang hèn, đẳng cấp, giới tính. Tình thân hữu không phân biệt quan hệ thân sơ.
Dấu hiệu cơ bản nhất của tình thân hữu là sự cảm mến và lòng tốt giữa người với người. Ông viết:
“Vậy tình thân hữu không những đòi hỏi những thiện cảm tương hỗ ấy, mà còn cả lòng mong muốn
điều thiện hảo cho bạn, những tình cảm hiển nhiên minh bạch - và như thế, vì một lí do mà chúng
ta đã trình bày”[1;289]. Khi người ta có thiện cảm với nhau và mong muốn điều thiện cho nhau thì
khi đó họ chính là thân hữu của nhau.
Arixtốt cho rằng, tình thân hữu là một tình cảm đáng quý và cần thiết đối với con người
trong mọi hoàn cảnh. Dù người giàu hay người nghèo, dù người già hay người trẻ, dù làm quan hay
làm dân, khi đau ốm hay khỏe mạnh, khi khó khăn hoạn nạn hay may mắn hạnh phúc, khi buồn
phiền hay vui vẻ, . . . bất cứ khi nào và bất cứ ai cũng cần có bạn. Lúc cuộc sống khổ cực, khó
khăn, người ta cần sự giúp đỡ của bạn; khi giàu sang phú quý, người ta cần bạn để sống thân mật
và làm điều thiện cho bạn; đối với người bất hạnh, người ta tìm đến bạn như một nguồn an ủi, sẻ
chia, để bất hạnh ấy với bớt đi phần nào; khi hạnh phúc, sự hiện diện của bạn khiến cho niềm hạnh
phúc ấy càng được nhân lên, . . . Tình thân hữu, tình bạn là thứ tình cảm đáng quý, đáng trọng, cần
thiết và mang lại nhiều phúc lợi cho cuộc sống con người.
Theo Arixtốt, tình thân hữu được biểu hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú trong
đời sống thường nhật như: tình cha con, tình anh em, chị em, tình bạn giữa những người cùng lứa
tuổi, tình bạn giữa những người hơn kém tuổi nhau, tình hữu nghị giữa các quốc gia, giữa dân tộc,
giữa các cộng đồng người, . . . Để ứng xử thích hợp trong từng mối quan hệ cụ thể, con người cần
phải nhận diện, phân loại tình thân hữu. Trong tác phẩm Đạo đức học của Nicômatic, Arixtốt đã
đóng góp một cách phân loại tình thân hữu rất độc đáo giúp chúng ta có thể nhận diện sâu sắc hơn
những hình thức khác nhau của tình thân hữu. Ông đã phân chia tình thân hữu thành ba hình thức:
tình thân hữu xuất phát lợi ích; tình thân hữu xuất phát từ lạc thú và tình thân hữu xuất phát từ đức
hạnh.
Về tình thân hữu xuất phát từ lợi ích: Arixtốt cho rằng, tình thân hữu xuất phát từ lợi ích
là sự kết giao giữa người với người lấy lợi ích làm cơ sở, xuất phát điểm. Người này kết giao với
người kia khi thấy đối phương có thể đem lại cho mình lợi ích nào đó. Trong tình thân hữu này:
115
Vũ Thị Hải
“người ta không yêu bạn, vì bạn là bạn, người ta yêu bạn trong trình hạn mà bạn hữu ích hay thú
vị” [1; 290]. Arixtốt cho rằng, tình thân hữu thuộc loại này không bền vững, mong manh, dễ thay
đổi, không thể tin cậy. Lợi ích là thứ không bền vững, nó có thể còn, có thể mất, có thể thay đổi
tùy theo hoàn cảnh, khi lợi ích không còn thì tình thân hữu cũng mất đi.
Về tính thân hữu xuất phát từ lạc thú: Đối với với tình thân hữu xuất phát từ lạc thú, lạc thú
là cơ sở, xuất phát điểm của sự kết giao giữa người với người. Người này kết giao với người khác
bởi vì người đó đem lại cho mình những điều thú vị hay những lạc thú. Cũng như lợi ích, lạc thú
là cái dễ thay đổi, nó thay đổi theo hoàn cảnh, tâm trạng, thị hiếu, đối tượng, vì vậy mà tình thân
hữu dựa trên cơ sở này cũng là cái dễ dàng thay đổi. Tình thân hữu mất đi khi người ta không còn
mang lại cho nhau lạc thú. Arixtốt cho rằng, tình thân hữu này thường có ở lứa tuổi thiếu niên, lứa
tuổi này thường không làm chủ được chính mình, họ chạy theo những thì hiếu riêng và dễ dàng
thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh nên tình thân hữu giữa họ sinh ra và chết đi đều mau chóng.
Những mối quan hệ xuất phát từ lạc thú và lợi ích nó chứa đựng những nguy cơ, mầm mống
của sự đổ vỡ. Bởi vì khi người này đem lại lợi ích hay lạc thú cho người khác họ cũng mong đợi ở
đối phương một lợi ích hay một lạc thú nào đó. Chính vì vậy, nếu như sự mong đợi đó không được
đáp ứng thì sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn, trách cứ hoặc kiện cáo nhau, trả thù nhau. Hai loại tình thân
hữu trên đều không bền vững bởi cơ sở tồn tại của nó không bền vững. Người ta yêu mến nhau và
làm điều tốt cho nhau không phải vì bạn mà vì chính bản thân mình. Có thể coi đây là hai hình
thức của lòng ích kỉ và của sự lợi dụng lẫn nhau. Cách mà Arixtốt chỉ rõ bản chất của tình thân hữu
này cũng là sự phê phán của ông đối với thứ tình cảm ấy. Ông đã chỉ rõ cái thói giả tạo, bề ngoài,
tính vụ lợi của nó khiến nó không thể trở thành thứ tình cảm đáng được trân trọng.
Về tình thân hữu xuất phát từ đức hạnh: Theo Arixtốt, tình thân hữu này nảy sinh và tồn tại
trong quan hệ giữa những người tốt, những người có đức hạnh thực sự, họ kết giao với nhau vì yêu
mến, cảm phục đức hạnh của đối phương, lòng tốt là tinh hoa của họ. Arixtốt dành mối thiện cảm
sâu sắc đối với tình thân hữu vì đức hạnh, ông gọi đây là tình thân hữu hoàn toàn. Trong tình thân
hữu vì đức hạnh, người ta thực sự muốn làm điều tốt đẹp cho chính người bạn của mình, không vì
lợi ích hay lạc thú gì cho bản thân mình. Ông viết: “Nhưng muốn điều thiện hảo cho bạn vì chính
thân của bạn, ấy là đạt tới đỉnh của tình thân hữu; những tình cảm ấy biểu thị chính bản tính của
con người, chứ không phải một trạng thái ngẫu nhiên” [1; 291]. Nếu như tình thân hữu vì lạc thú
và lợi ích mang tính bề ngoài, ngẫu nhiên và ngắn ngủi, dễ hợp dễ tan thì tình thân hữu này xuất
phát từ chính những phẩm chất tốt đẹp nơi mỗi con người, vì thế nó bền vững, lâu dài.
Tình thân hữu xuất phát từ đức hạnh là tình thân hữu hoàn toàn, ưu tú và đạt đến đỉnh cao
nhất trong tất cả những hình thức khác của tình thân hữu. Nó đạt đến đỉnh cao của tình thân hữu
không chỉ vì tính lâu dài và bền vững mà còn vì bản thân nó chứa đựng tất cả những giá trị mà các
hình thức khác của tình thân hữu đem lại. Nếu như tình thân hữu vì lạc thú đem lại lạc thú, tình
thân hữu vì lợi ích đem lại lợi ích thì tình thân hữu vì đức hạnh đem lại cho con người cả lạc thú
và lợi ích. Vì những người bạn này luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho nhau, luôn cố gắng
làm những điều thiện cho nhau nên họ đem lại cho nhau những lợi ích, thêm nữa, vì họ là những
người có đức hạnh cho nên cũng đem lại cho nhau những điều thú vị. Như vậy, tình thân hữu xuất
phát từ đức hạnh đem lại phúc lợi trọn vẹn, vì thế nó hoàn hảo.
2.1.2. Arixtốt quan niệm các nguyên tắc cơ bản của tình thân hữu
Không chỉ phân loại các hình thức khác nhau của tình thân hữu, Arixtốt còn bàn về những
nguyên tắc cơ bản của tình thân hữu: sự công bằng, lòng thành thực, lòng khoan hảo, sự hòa hợp,
đức hi sinh.
116
Quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu và giá trị hiện thời của nó
Tình thân hữu thể hiện bằng những quan hệ giữa cụ thể vô cùng phong phú, đa dạng, vậy
con người cần phải cư xử như thế nào cho đúng? Arixtốt cho rằng, có một nguyên tắc chung làm
cơ sở để cư xử trong tất cả các mối quan hệ là nguyên tắc công bằng. Công bằng được hiểu là tỉ lệ
tương thích giữa nghĩa vụ và quyền lợi trong từng mối quan hệ. Ví dụ: trong quan hệ giữa cha mẹ
và con cái, quyền lợi của con cái là sự chăm sóc, dưỡng dục của cha mẹ, còn nghĩa vụ của con cái
là yêu kính, báo hiếu cha mẹ. Công bằng còn được hiểu là tỉ lệ tương thích giữa quyền lợi và phẩm
hạnh, những người có phẩm hạnh cao quý hơn thì được yêu quý hơn những người khác. Arixtốt
viết: “Vì người ta yêu mến một cách cân xứng với giá trị, một thứ đẳng thức được thiết lập, và hình
như đó là tính cách riêng biệt của tình thân hữu” [1; 301]. Ông kết luận rằng, trong quan hệ thân
hữu, những ai đã bình đẳng thì phải giữ sự bình đẳng ấy trong quan hệ thân hữu của họ còn những
ai chưa bình đẳng thì phải trở nên bình đẳng bằng cách tặng cho người khác một sự đền bù cân
xứng. Khi chúng ta duy trì được nguyên tắc này thì tình thân hữu sẽ bền vững và dài lâu.
Căn cứ vào nguyên tắc của tình thân hữu, Arixtốt chỉ ra sự khác biệt giữa ba hình thức của
tình thân hữu đã được phân tích ở trên. Ông cho rằng, tình thân hữu vì đức hạnh và tình thân hữu vì
lạc thú thường không xảy ra những mối bất bình, nhưng tình thân hữu vì lợi ích thì thường xảy ra
những mối bất bình và sự quở trách. Trong tình thân hữu vì lạc thú, cả hai bên đã tìm được sự thỏa
mãn trong cuộc sống chung nên không có sự quở trách. Trong tình thân hữu căn cứ vào đức hạnh,
cả hai bên đều thi đua giúp đỡ lẫn nhau, tặng cho nhau những ân huệ, làm cho nhau những điều tốt
lành, lấy ân đức để trả ân đức nên cả hai bên đều cảm thấy hài lòng. Chỉ có tình thân hữu vì lợi ích
mới tạo ra những mối bất bình, trong quan hệ này người ta giao thiệp với nhau là để nhận được lợi
ích từ người kia cho nên ai cũng đòi hỏi nhiều hơn những gì họ ban phát và người ta thường không
thỏa mãn được hết những điều mình mong muốn nên mối bất bình thường xuyên đến với họ. Đó
chính là lí do khiến cho quan hệ này không thể lâu dài được.
Nguyên tắc thứ hai của tình thân hữu là sự thành thực (chân thành và trung thực): Theo
Arixtốt, tình thân hữu chân chính chỉ có ở những người thành thực, không thể có đối với những kẻ
bất lương, gian ác và đạo đức giả. Với những người thành thực, cả tâm hồn (trí tuệ, tình cảm, ý chí,
niềm tin) đều hướng tới một mục đích duy nhất là điều thiện, điều thiện cho bản thân họ và cho
mọi người, điều thiện là ý nghĩa cuộc đời họ. Họ có thể trở thành thân hữu chân chính đối với mọi
người. Ngược lại, trong những kẻ đạo đức giả, gian ác, bất lương, trong tâm hồn họ không ngừng
xảy ra mâu thuẫn, đấu tranh gay gắt, cuộc đấu tranh giữa ý chí lương thiện với những ham muốn,
dục vọng. Các giác quan lôi kéo họ đến với lạc thú, còn ý chí thì kéo họ tới điều thiện. Bản thân
họ không làm chủ được mình, bị dằng co, lôi kéo về mọi phía, kết cục chẳng có gì tốt đẹp. Arixtốt
kêu gọi, mọi người hãy cố gắng tránh xa sự hư hỏng và hướng về điều thiện, chỉ khi trở về với điều
thiện người ta mới thể trở thành thân hữu chân chính với tha nhân và hạnh phúc khi đón nhận tình
thân hữu của tha nhân dành cho mình.
Nguyên tắc thứ ba về lòng khoan hảo: Lòng khoan hảo là một trong những nguyên tắc quan
trọng của tình thân hữu. Arixtốt không đưa ra định nghĩa nào cho khái niệm này, nhưng đã nêu ra
những chỉ dẫn về chúng. Lòng khoan hảo bắt nguồn từ đức hạnh và sự lương thiện của mỗi người,
khi ta mong muốn điều tốt đẹp, hạnh phúc cho một ai đó thì được gọi là lòng khoan hảo. Lòng
khoan hảo không thể thiếu trong tình thân hữu, nó là cơ sở để tình thân hữu bền vững, dài lâu và
trở nên chính nghĩa.
Nguyên tắc thứ tư về sự hòa hợp: Theo Arixtốt, sự hòa hợp được hiểu là sự đồng nhất về
quan điểm, ý kiến giữa hai người, sự hòa hợp theo đúng nghĩa chỉ có ở những người lương thiện,
không thể có ở những kẻ bất lương. Những người lương thiện có thể từ bỏ những lợi ích riêng tư
vì lợi ích chung của cộng đồng, còn những kẻ bất lương thì thường đặt lợi ích riêng tư lên trên hết
hoặc chỉ có sự đồng nhất tạm thời và dễ đổ vỡ. Arixtốt cho rằng, lòng khoan hảo và sự hòa hợp
117
Vũ Thị Hải
chính là sự khởi đầu của tình thân hữu, tình thân hữu sẽ từ đây mà định hình và phát triển.
Nguyên tắc thứ năm về đức hi sinh: Trong tình thân hữu chân chính không thể thiếu đức hi
sinh, Arixtốt nói về đức hi sinh: “Một điều cũng rất xác thực là nói rằng người ấy hành động trong
nhiều trường hợp vì quyền lợi của thân hữu và của tổ quốc và nếu cần người ấy hi sinh tính mệnh
cho bạn và cho nước. Người ấy không quên từ bỏ tài sản, danh vọng và nói tóm lại, tất cả những
cái thiện hảo mà người đời thèm thuồng mãnh liệt và nhờ sự hi sinh ấy mà gây cho mình cái giá trị
của người ở phải” [1;345]. Đối lập với đức hi sinh là lòng ích kỉ, Arixtốt viết: “gọi là ích kỉ những
ai luôn gán cho mình phần lớn nhất về tiền bạc, danh vọng và khoái lạc nhục thể” [1;314]. Những
người có đức hi sinh luôn nhường phúc lợi cho người khác khi cần, những người ích kỉ thì luôn
dành phần lợi ích cho bản thân. Tình thân hữu chân chính không thể dung nạp với những người ích
kỉ, chỉ nở hoa ở nơi những người giàu đức hi sinh.
2.2. Giá trị hiện thời trong quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu
Với hai quyển trong tác phẩm Đạo đức học của Nicômatic, Arixtốt đã khái lược những vấn
đề cơ bản nhất của tình thân hữu với tư cách là tình bạn theo nghĩa rộng. Ông không đưa ra một
định nghĩa cụ thể về tình thân hữu nhưng đã vạch ra được những dấu hiệu chính yếu nhất của nó;
cách phân loại tình thân hữu của ông thú vị và hợp lí; các nguyên tắc của tình thân hữu: công bằng,
khoan hảo, thành thực, hòa hợp, hi sinh - cũng là những khám phá độc đáo. Có thể nói, trong Đạo
đức học của Nicômatic, Arixtốt đã thể hiện những trải nghiệm sâu sắc, những lập luận sắc sảo của
ông về con người và cuộc sống. Những quan niệm của ông chứa đựng nhiều giá trị và có ý nghĩa
lớn đối với thời đại hiện nay.
Thứ nhất, với những quan niệm về tình thân hữu, Arixtốt đã giúp chúng ta nhận diện rõ ràng
hơn về tất cả những mối quan hệ: tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, . . . đang hiện diện trong
cuộc sống của chúng ta. Quả thật, người ta luôn sống trong tình bạn, tình yêu, tình cha con, tình
chồng vợ, tình anh em, . . . ; người ta cũng luôn suy nghĩ về nó để ứng xử một cách hợp lí nhưng
ít ai suy nghĩ một cách cặn kẽ và sâu sắc về tình thân hữu từ nhiều chiều cạnh của nó. Arixtốt đã
đem lại cho chúng ta một cở sở lí luận để nhận diện về chính cuộc sống và những mối quan hệ
đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta. Những quan niệm mà ông để lại có giá trị quý báu
trong việc định hướng nhận thức về quan hệ giữa người với người.
Thứ hai, khi bày tỏ quan niệm về tình thân hữu, Arixtốt đã hệ thống những giá trị, chuẩn
mực đạo đức tốt đẹp cần có trong tình thân hữu: sự công bằng, lòng khoan hảo, sự thành thực, sự
hòa hợp và đức hi sinh. Đó là những chân lí vĩnh hằng trong mối quan hệ giữa người với người.
Không chỉ dừng lại trong quan niệm về tình thân hữu mà ở trong tất cả những nội dung khác của
học thuyết, ông đều hướng tới những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp mà mọi thời đại đều hướng tới.
Chính vì vậy, giá trị quý báu của học là ở sự định hướng giá trị của con người. Đó là những bài học
quý cho các thế hệ sau.
Thứ ba, trong văn hóa dân gian Việt Nam có câu “chọn bạn mà chơi”, khi nhận diện chính
xác về các mối quan hệ sẽ giúp chúng ta biết lựa chọn, biết từ chối trong các quan hệ, bởi chỉ
có tình bạn chân chính mới đem lại điều tốt lành cho con người. Khi nhận diện đúng về các mối
quan hệ xã hội, chúng ta cũng biết cách ứng xử thích hợp, linh hoạt theo từng hoàn cảnh và từng
đối tượng. Trong cuộc sống đời thường, bất cứ ai trong chúng ta cũng có nhiều mối quan hệ khác
nhau, điều cần thiết là phải nhận diện chính xác bản chất thực sự của nó, phân loại nó, từ đó ứng xử
phù hợp. Với quan niệm của mình, Arixốt đã định hướng hành động cho chúng ta trong bối cảnh
hiện nay.
Arixtốt đã đem lại cho chúng ta những bài học sâu sắc để mỗi chúng ta có thể sống tốt hơn,
118
Quan niệm của Arixtốt về tình thân hữu và giá trị hiện thời của nó
nhân văn hơn, không ngừng hướng tới những giá trị chân - thiện - mĩ. Ở đây cũng gợi cho chúng
ta một ý tưởng về một nền văn hóa hòa bình của nhân loại, con người sống với nhau trong tình yêu
thương, luôn giúp đỡ và sẻ chia, không vì những lợi ích riêng tư mà làm hại tới mọi người. Như
vậy, giá trị và ý nghĩa thực sự trong quan niệm của Arixtốt về tình bạn là định hướng nhận, định
hướng giá trị và định hướng hành động nhằm hướng con người tới những giá trị nhân văn.
Những quan niệm của Arixtốt chứa đựng nhiều những giá trị nhân văn sâu sắc, tuy vậy
cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Mặc dù ông luôn cố gắng chuyển tải một thông
điệp rằng, mọi người hãy hướng tới tình thân hữu chân chính, hãy đua nhau làm những điều thiện
hảo cho nhau song cũng ở ông, chúng ta nhận thấy quan điểm phân biệt giai cấp sâu sắc. Ông coi
những người nô lệ cũng như con lừa, con ngựa hay những vật vô tri, rằng “người này chỉ là một
dụng cụ sống và dụng cụ là một nô lệ vô tri” [1; 312], vì họ là những dụng cụ sống nên họ không
có được tình thân hữu. Quan điểm này rõ ràng đi ngược lại với tinh thần nhân đạo, ngày nay khó
có thể chấp nhận được. Hạn chế đó là hạn chế chung của thời đại, ông sống ở thời chiếm hữu nô
lệ, thời đại có sự phân biệt giai cấp sâu sắc giữa giai cấp chủ nô và nô lệ mà ông lại thuộc vào tầng
lớp thượng đẳng, thậm chí là thầy của vua Alexanđrơ nên không thể tránh khỏi có cách nhìn khinh
bỉ đối với nô lệ như vậy.
3. Kết luận
Tình thân hữu (tình bạn theo nghĩa rộng) là một phần quan trọng trong đạo đức học của
Arixtốt, ông đã để lại cho nhân loại những quan niệm sâu sắc, thú vị và chứa đựng nhiều giá trị
lí luận và thực tiễn. Lần đầu tiên trong lịch sử đạo đức học, tình thân hữu được bàn luận kĩ lưỡng
và sâu sắc. Tuy không đưa ra một định nghĩa, nhưng việc phân tích những dấu hiện, phân loại các
hình thức, đề xuất những nguyên tắc của tình thân hữu, Arixtốt đã giúp cho chúng ta nhận diện
một cách sâu sắc về tình thân hữu - một thứ tình cảm vốn luôn hiện diện trong cuộc sống nhưng
ít khi được soi sáng từ góc nhìn lí luận. Đạo đức học của Arixtốt nói chung và quan niệm của ông
về tình thân hữu là một đóng góp to lớn đối với lịch sử đạo đức học nói riêng và của triết học nói
chung. Ông là người đầu tiên có một chuyên luận riêng về đạo đức vì thế ông là người đã đặt nền
móng cho môn đạo đức học được hình thành và phát triển. Arixtốt xứng đáng là người khởi đầu
cho sự phát triển của đạo đức học với tư cách một khoa học lí luận.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Arixtốt, 1961. Đạo đức học của Nicômatic. Dịch giả: Đức Hinh, Trung tâm tư liệu, Bộ Văn
hóa và Thanh niên, Sài Gòn.
[2] TS. Cao Minh Công, Quan niệm hạnh phúc và đức hạnh của Arixtốt,
[3] Nguyễn Văn Dũng, 1997. Vấn đề phương pháp trong triết học của Arixtốt. Tạp chí Triết học
số 9, tr 47 - 50.
[4] Nguyễn Bá Dương, 2002. Về vai trò sáng lập lịch sử triết học của Arixtốt. Tạp chí Triết học
số 1, tr 51 - 54.
[5] Lê Thị Bích Giang, 2012. Tư tưởng đạo đức của Arixtốt trong tác phẩm của Nicômatic. Luận
văn Thạc sĩ Triết học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.
119
Vũ Thị Hải
[6] Vũ Thị Hải. Một số quan niệm đạo đức học cơ bản của Arixtốt và I.Kant, Luận văn thạc sĩ
Triết học. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội.
[7] Thái Ninh, 1987. Triết học Hy Lạp cổ đại. Nxb Sách giáo Mác - Lênin, Hà Nội.
[8] Samuel Enoch Stumpe, Donaldc Abel, 2004. Nhập môn triết học phương Tây, Biên dịch: Lưu
Văn Hy. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
[9] Stanley Rosen, 2006. Triết học nhân sinh. Nxb Lao động.
[10] Nguyễn Bá Thái, 2003. Về tư tưởng giáo dục Arixtốt. Tạp chí Triết học, số 3.
[11] Nguyễn Hữu Vui, 2007. Lịch sử triết học. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[12] Đinh Thanh Xuân, 2010. Tư tưởng biện chứng về quá trình nhận thức trong triết học Arixtốt.
Tạp chí Khoa học số 2, tr 143 - 149.
[13] E.V. Zolotukhina - Abolina, 1998. Đạo đức học hiện đại: cội nguồn và những vấn đề, Dịch
giả: Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu đính: Phạm Thái Việt, Phòng tư liệu Khoa Triết học. Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
ABSTRACT
Aristotle’s conception of friendship and its current value
Friendship is a unique and interesting concept in Aristotle’s ethics and in ancient Western
ethics. In this article, the author presents the basic elements of Aristotle’s conception of friendship
and discusses its current value.
Keywords: Morality, ethics, Aristotle’s ethics, friendship, Aristotle’s conception of
friendship.
120
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4093_vthai_1305_2134609.pdf