Tài liệu Quản lý di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ” trên địa bàn Hà Nội hiện nay: Quản lý di sản “Thực hành tín ngưỡng 67
QUẢN LÝ DI SẢN
“THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ”
TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI HIỆN NAY
Từ Thị Loan*
Tóm tắt: Tuy không phải là nơi phát tích của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, nhưng Hà Nội những năm
gần đây đã trở thành một trong các trung tâm sinh hoạt của tín ngưỡng này. Số lượng các cơ sở thờ tự,
nhất là điện tư gia gia tăng, đội ngũ các đồng thầy và bản hội ngày càng mở rộng, hoạt động thực hành
nghi lễ diễn ra sôi động. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kịp thời thực
trạng thực hành di sản, chỉ ra những mặt được và chưa được, những tác động đa chiều của nó đến đời
sống xã hội để từ đó có những giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả.
Từ khóa: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Hà Nội, quản lý, bảo vệ và phát huy, di sản văn hóa.
Lời mở*
Bước sang thời kỳ Đổi mới, nhất là sau khi
được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi
vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng Thờ
Mẫu Tam phủ của người Vi...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 454 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quản lý di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ” trên địa bàn Hà Nội hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quản lý di sản “Thực hành tín ngưỡng 67
QUẢN LÝ DI SẢN
“THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ”
TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI HIỆN NAY
Từ Thị Loan*
Tóm tắt: Tuy không phải là nơi phát tích của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, nhưng Hà Nội những năm
gần đây đã trở thành một trong các trung tâm sinh hoạt của tín ngưỡng này. Số lượng các cơ sở thờ tự,
nhất là điện tư gia gia tăng, đội ngũ các đồng thầy và bản hội ngày càng mở rộng, hoạt động thực hành
nghi lễ diễn ra sôi động. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá kịp thời thực
trạng thực hành di sản, chỉ ra những mặt được và chưa được, những tác động đa chiều của nó đến đời
sống xã hội để từ đó có những giải pháp quản lý phù hợp và hiệu quả.
Từ khóa: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Hà Nội, quản lý, bảo vệ và phát huy, di sản văn hóa.
Lời mở*
Bước sang thời kỳ Đổi mới, nhất là sau khi
được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi
vật thể đại diện của nhân loại, tín ngưỡng Thờ
Mẫu Tam phủ của người Việt được hồi sinh
mạnh mẽ. Các tín đồ đạo Mẫu được tự do thể
hiện niềm tin tín ngưỡng của mình không chỉ
ở cấp độ cá nhân, bản hội hay đền phủ đơn lẻ,
mà còn kết nối thành những liên kết vùng, liên
kết quốc gia, thậm chí xuyên quốc gia. Nhận
thức và sự quan tâm của các cấp chính quyền,
của người dân được nâng lên rõ rệt, lòng tự
hào và ý thức trách nhiệm đối với di sản trong
cộng đồng tín ngưỡng được đề cao.
Tuy không phải là nơi phát tích của tín
ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, nhưng Hà Nội
những năm gần đây đã trở thành một trong
các trung tâm sinh hoạt của tín ngưỡng này.
Số lượng các đồng thầy, thanh đồng tăng
nhanh, nhiều điện thờ tư gia xuất hiện, hoạt
động hầu đồng diễn ra sôi động, thành phần
các tín đồ cũng ngày càng mở rộng.
Tuy nhiên đi kèm với điều đó cũng xuất
hiện không ít những biểu hiện tiêu cực như
việc biến tướng, làm sai lệch giá trị của di sản,
* PGS.TS. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia
Việt Nam.
xu hướng “hoành tráng hóa”, trần tục hóa,
thương mại hóa di sản Điều đó đặt ra yêu
cầu cấp thiết phải nhìn nhận, tổng kết, đánh
giá kịp thời thực trạng thực hành di sản, chỉ ra
những mặt được và chưa được, những tác
động đa chiều của nó đến đời sống xã hội để
từ đó có những giải pháp quản lý phù hợp và
hiệu quả.
1. Chủ trương của Nhà nước Việt
Nam trong việc quản lý di sản “Thực
hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của
người Việt”
Trên phương diện quốc gia, cũng như đối
với tất cả các di sản khác, Nhà nước Việt Nam
luôn chủ trương bảo tồn và phát huy những
giá trị tốt đẹp của di sản phục vụ đời sống
nhân dân, đồng thời giữ gìn và phát triển văn
hóa dân tộc. Tuy nhiên, tín ngưỡng Thờ Mẫu
Tam phủ không phải là một di sản văn hóa phi
vật thể thông thường, nó còn gắn với tín
ngưỡng, tâm linh, với những yếu tố nghi lễ
nhạy cảm mà dư luận thường cho là “mê tín dị
đoan” như lên đồng, nhập hồn, phán truyền,
đốt vàng mã... Trong mọi trường hợp, đối với
những vấn đề thuộc về văn hóa tâm linh, Nhà
nước Việt Nam luôn chủ trương tôn trọng tự
do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, tạo mọi
điều kiện cho các tín đồ, đạo hữu thực hành
3 (43) - 2019: DI SẢN, DU LỊCH VÀ PHÁT TRIỂN 68
các nghi lễ, đức tin, miễn là không vi phạm
hay đi ngược lại những quy định của Hiến
pháp và pháp luật.
Trên phương diện quốc tế, sau khi được
UNESCO ghi danh, chúng ta sẽ phải bảo vệ di
sản theo các Công ước quốc tế, cụ thể là
“Công ước về bảo vệ và phát huy di sản văn
hóa phi vật thể” năm 2003 của UNESCO. Bên
cạnh đó, chúng ta cũng phải thực hiện các
điều khoản mà Chính phủ Việt Nam đã cam
kết với UNESCO khi đệ trình Hồ sơ. Mục
đích của UNESCO khi vinh danh các di sản là
nhằm đảm bảo sức sống mạnh mẽ hơn cho di
sản, nâng cao ý thức về tầm quan trọng của
chúng, khuyến khích sự đa dạng văn hóa của
nhân loại, tránh nguy cơ biến dạng, bóp méo,
thương mại hóa di sản trong quá trình hiện đại
hóa và toàn cầu hóa.
Quán triệt những chủ trương trên, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố
Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
“Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ
của người Việt” giai đoạn 2017-2022 với 5
nội dung như sau (1):
1. Tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu,
kiểm kê, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của
người Việt và các tập quán, nghi lễ, lễ hội
truyền thống tốt đẹp gắn với di sản; đẩy mạnh
các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm
nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt
là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng
thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nhằm giáo
dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ
nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng
vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng.
2. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng
tạo và truyền dạy di sản Thực hành Tín ngưỡng
thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong cộng
đồng; khuyến khích những nghệ nhân hát văn
cao tuổi truyền dạy những bài bản cổ cho thế
hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục phù
hợp trong và ngoài trường học.
3. Tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có
nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành,
truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản;
có chính sách, khen thưởng và phong tặng
danh hiệu vinh dự nhà nước cho các nghệ
nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo
vệ, trao truyền những giá trị văn hóa của di
sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
của người Việt.
4. Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước
nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị
tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ
các hủ tục và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng
di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản và có tác
động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội.
5. Phối hợp với các cơ quan truyền thông,
các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình
giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản Thực
hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người
Việt dưới nhiều hình thức tới công chúng
trong và ngoài nước, gắn bảo tồn di sản văn
hóa với phát triển du lịch bền vững.
Có thể nói, đây là những quan điểm, chủ
trương, căn cứ pháp lý cao nhất để ngành văn
hóa, chính quyền các cấp và cộng đồng triển
khai công tác quản lý và tổ chức các hoạt
động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
2. Xu hướng phát triển của Tín ngưỡng
thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn thành phố
Hà Nội hiện nay
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hiện đại
hóa và đô thị hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
đã tìm thấy môi trường lý tưởng để hồi sinh và
phát triển, đồng thời có những vận động và biến
đổi thể hiện trên các phương diện sau:
- Về không gian thực hành tín ngưỡng
Nếu như trước đây, tín ngưỡng thờ Mẫu
Tam phủ chủ yếu phát triển ở khu vực nông
Quản lý di sản “Thực hành tín ngưỡng 69
thôn, trong xã hội nông nghiệp ở các làng quê,
thì nay tín ngưỡng này ngày càng phát triển ở
các đô thị, đặc biệt là tại Hà Nội. Theo ý kiến
của một số nhà nghiên cứu, “Hà Nội vốn
không phải là nơi phát xuất đầu tiên của đạo
Mẫu, nhưng nay đang dần trở thành nơi tụ
điểm của tín ngưỡng này và đang diễn ra quá
trình Hà Nội hoá nghi lễ lên đồng đối với vùng
núi và nông thôn phụ cận, kể cả với vùng vốn
xưa là nơi phát xuất nghi lễ này, như Phủ Dầy
Nam Định” (2), hay “Ngoài Nam Định thì Hà
Nội có lẽ là nơi thứ hai loại hình tín ngưỡng
này được phổ biến một cách rộng rãi và nổi bật
nhất” (3). Hàng năm, nhất là dịp “xuân thu nhị
kỳ” có hàng trăm thanh đồng và hàng nghìn
con nhang đệ tử hành hương từ Hà Nội đến các
đền phủ xa xôi ở các tỉnh phía Bắc như Lạng
Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh hay thậm
chí vào cả miền Trung, miền Nam để thực
hành các nghi lễ hầu Thánh.
Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh, hầu đồng
truyền thống đã định hình 3 phong cách: phong
cách Hà Nội tiêu biểu cho miền Bắc, phong
cách Huế đại diện cho miền Trung và phong
cách Sài Gòn đại diện cho miền Nam. Ba
phong cách này, một mặt vẫn giữ được những
nét độc đáo vùng miền, mặt khác đã bị tác
động mạnh bởi quá trình hiện đại hoá, nhất là ở
miền Bắc (4). Khi lấy 3 đô thị lớn làm đại diện
cho 3 phong cách nêu trên, ông muốn làm nổi
rõ xu hướng dịch chuyển của các trung tâm thờ
Mẫu từ nông thôn về khu vực đô thị dưới tác
động của quá trình hiện đại hoá và đô thị hoá.
- Về cơ sở thờ tự
Nếu cách đây khoảng mươi năm, khi Hà
Nội chưa được mở rộng bao gồm cả Hà Tây
cũ, theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu
Tôn giáo mới có 83 ngôi đền, phủ có sinh hoạt
thờ Mẫu Tam phủ, đồng thời theo khảo sát
của một luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2010, Hà
Nội mới có hơn 100 điện tư gia (5). Đến nay,
năm 2019, con số các cơ sở thờ tự có sinh
hoạt thờ Mẫu Tam phủ đã tăng vọt. Theo số
liệu thống kê mới nhất của một đề tài khoa
học do TS. Lưu Minh Trị làm chủ nhiệm, sinh
hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hiện diễn
ra ở hầu khắp các quận/huyện, xã/phường trên
địa bàn Hà Nội tại 580 đền, 5 phủ, 1.230 điện
tư gia, 1640 chùa có điện thờ Mẫu (6).
Các buổi lễ hầu đồng trong năm được tổ
chức thường xuyên hơn, quy mô lớn hơn và
thu hút số người tham dự đông đảo. Các cơ sở
thờ tự ngày càng được tôn tạo khang trang
hơn, trang trí nội ngoại thất đẹp mắt, ban thờ
bày biện cầu kỳ, trang trọng. Tuy nhiên, đi
kèm với đó là xu hướng ngày càng tùy tiện
hơn trong việc bài trí đền, điện, ban thờ. Ở
một số đền, phủ do người dân công đức một
cách thoải mái, dẫn đến hiện tượng đồ cung
tiến rất đa dạng, lộn xộn, thiếu chọn lọc, việc
bài trí vì thế mà bị ảnh hưởng.
- Về chủ thể thực hành tín ngưỡng
Chủ thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
Tam phủ gồm có các thanh đồng, đồng thầy,
thủ nhang, đồng đền/đồng điện, cung văn và
con nhang đệ tử. Nếu như trước đây những
người tin theo tín ngưỡng này đa phần xuất
thân từ nông dân, người buôn bán nhỏ, thợ thủ
công, thì hiện nay thành phần tín đồ đã mở
rộng sang cả công nhân, doanh nhân, trí thức,
văn nghệ sỹ, cán bộ nhà nước
Đội ngũ các ông/bà đồng, cô/cậu đồng,
cung văn cũng không ngừng mở rộng, thu hút
cả những người trẻ tuổi, thậm chí là học sinh,
sinh viên đại học. Trong đợt Liên hoan diễn
xướng chầu văn lần thứ 2 tại Gia Lâm, Hà Nội,
có tới 150 thanh đồng đăng ký tham gia (7).
Nếu trước đây chỉ những người có “căn số”
mới trình đồng mở phủ, thì ngày nay đã xuất
hiện ngày càng nhiều những người không có căn
số vẫn trình đồng, đó là loại mà dân gian thường
gọi là “đồng đua”, “đồng đú” - lấy việc lên đồng
làm phương cách giải toả những dồn nén, ẩn ức
trong đời sống đô thị hiện đại.
Cũng theo số liệu từ đề tài khoa học của
TS. Lưu Minh Trị, hiện trên địa bàn Hà Nội
có 570 đồng thầy, 2.050 thanh đồng, 810 đồng
3 (43) - 2019: DI SẢN, DU LỊCH VÀ PHÁT TRIỂN 70
đền, đồng điện, 776 thủ nhang (8). Trong sự
phát triển bùng phát như vậy, những yêu cầu
về phẩm chất, năng lực của đội ngũ đồng thầy,
thanh đồng chắc chắn không được khắt khe,
chặt chẽ như trước nữa. Trước đây thông
thường các thanh đồng phải tuân thủ quy ước
tu dưỡng 12 năm khó nhọc để “thử đồng” trước
khi làm đồng thầy. Hiện nay, nhiều người chỉ
sau 3 năm, thậm chí mới ra đồng một năm đã
“đẻ đồng”, tự phong cho mình là đồng thầy,
hoặc chi tiền thuê pháp sư viết bừa lên sắc
phong cho mình là đồng thầy. Trong đội ngũ
các đồng thầy, thanh đồng cũng có những
người lợi dụng lòng tin của tín chủ để trục lợi,
hăm dọa, phán bừa. Một số con nhang đệ tử,
“đồng đua”, “đồng đú” hao tiền tốn của, gia
đình lục đục vì chạy theo trào lưu trình đồng
mở phủ. Bên cạnh đó còn có hiện tượng các
đồng thầy vì háo danh, muốn phô trương thanh
thế, nên bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng, bỏ
tiền ra mua những danh hiệu phù phiếm,...
- Về tính chuẩn mực trong sinh hoạt thờ Mẫu
Nhìn chung, các hoạt động thực hành tín
ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội hiện nay vẫn kế
thừa các lễ nghi, quy tắc, lớp lang, yêu cầu cơ
bản của truyền thống. Hà Nội là địa phương
đầu tiên tổ chức được các Liên hoan tín
ngưỡng thờ Mẫu có quy mô rộng. Sau mỗi
buổi Liên hoan, Ban tổ chức thường cùng các
thanh đồng, đạo quan ngồi lại trao đổi, góp ý
về thực hành nghi lễ, cả những vấn đề cụ thể
như trang phục, mũ áo, đạo cụ, âm nhạc, hát
văn nhằm giữ gìn những nét đẹp của nghi lễ
cổ truyền, đồng thời chấn chỉnh những đổi
mới cho phù hợp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội đương
đại, các nghi lễ, sinh hoạt thờ Mẫu không tránh
khỏi có những cải biến, làm mới, cách tân.
Những người thực hành nghi lễ hầu đồng hiện
nay cũng đưa ra nhiều “sáng tạo” trong quá
trình hầu, nhất là về trang phục, động tác múa,
đạo cụ Xuất hiện một số giá hầu mới, các vị
Thánh mới như giá Hùng Vương, giá Sơn
Tinh, giá Ngọc Hoàng hay giá Nam Tào Bắc
Đẩu (9). Trang phục của các ông/bà đồng
ngày càng lộng lẫy, sang trọng, “bắt mắt” hơn.
Âm nhạc phục vụ hát chầu văn tốt hơn, nhạc cụ
đa dạng hơn. Các lễ vật ngày càng “hiện đại”
với rượu Tây, thuốc lá ngoại, bánh kẹo nhập
khẩu, các đồ lễ giá trị. Đã xuất hiện những
phong bao tiền “lịch sự” để chứa những tờ tiền
mệnh giá lớn, giảm bớt việc vãi tiền mệnh giá
nhỏ để mang một sắc thái “văn minh” hơn.
So với các quy định nghiêm ngặt về nghi
thức, nghi lễ của các tôn giáo khác, với tư
cách một tín ngưỡng dân gian, các quy định
về chuẩn mực thực hành nghi lễ trong tín
ngưỡng thờ Mẫu còn khá là thoải mái. Bên
cạnh đó, do trải qua một thời gian dài gián
đoạn, nhiều nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu
và nhất là hầu đồng phần nào bị biến dạng,
thất truyền, dẫn tới những nhận thức không
đầy đủ trong giới thanh đồng và con nhang đệ
tử. Nhiều người chỉ hiểu một cách đơn giản
“tu” là "hầu đồng" càng nhiều càng tốt; hoặc
nhận thức một cách phiến diện về việc đạo
Mẫu là tôn giáo duy nhất không bàn đến cuộc
sống sau cái chết, không quan tâm đến kiếp
trước hay kiếp sau mà chú trọng đến cuộc
sống hiện sinh Từ đó dẫn đến sự xô bồ, quá
coi trọng vật chất mà làm mất đi sự tinh tế
trong các nghi lễ hầu thánh.
Còn nói về trang phục thì gần đây trên thị
trường may mặc ở Hà Nội đã xuất hiện một
dòng gọi là “thời trang lễ phục lên đồng”.
Trong nghi lễ hầu đồng trang phục đóng vai
trò quan trọng, bởi nó là dấu hiệu căn bản để
phân biệt sự hiện diện của các vị Thánh với
những dấu hiệu nhận biết qua màu sắc, kiểu
dáng, khăn, mũ, áo, thắt lưng, phụ trang
Hiện nay, một phần là để phục vụ nhu cầu của
khách hàng, một phần xuất phát từ sự “sáng
tạo” thiếu hiểu biết của các nhà “tạo mẫu” đã
xuất hiện những bộ lễ phục hầu đồng được cải
tiến về kiểu dáng, hình thêu, hoa văn trang trí,
nhiều khi là sự quá đà so với truyền thống,
làm ảnh hưởng đến việc nhận diện các vị
Thánh. Từ đó lại dẫn đến việc các thanh đồng
Quản lý di sản “Thực hành tín ngưỡng 71
thi nhau đặt những trang phục cầu kỳ, đắt tiền
hơn, không theo một chuẩn mực nào.
Về âm nhạc và lời hát văn, đây cũng là một
yếu tố quan trọng trong buổi hầu đồng, góp
phần tạo nên trạng thái thăng hoa để người lên
đồng đạt tới sự thông linh. Lới hát văn khắc
họa nhân cách, lai lịch của các vị Thánh, nên
phải đẹp đẽ, trang trọng, tao nhã. Tuy nhiên
hiện nay, cùng với sự bùng nổ của sinh hoạt
hầu đồng thì lực lượng cung văn cũng có
những biến động phức tạp. Bên cạnh những
nghệ nhân dân gian truyền thống hiện nay có
nhiều nghệ sỹ chèo, cải lương chuyên nghiệp
vì sinh kế cũng chuyển sang hát chầu văn;
một số người mới học nghề chưa nắm rõ lời
hát, vần điệu cũng gia nhập các ban cung văn.
Âm nhạc chầu nhiều khi được hòa âm phối
khí theo lối mới, đưa thêm các bài hát hiện đại
vào làm ảnh hưởng đến chất thiêng, làm sai
lệch các lễ thức của tín ngưỡng.
Việc ban phát lộc còn nặng về vật chất, có
sự phân biệt về quan hệ, vị thế - “thần linh”
cũng nhìn mặt mà phát lộc, vì vậy làm mất đi
tính chất vô tư của văn hóa thờ Mẫu. Hiện
tượng đốt vàng mã quá nhiều cũng gây lãng
phí và ô nhiễm môi trường sinh thái
- Về quan hệ ứng xử trong bản hội và giữa
các đồng thầy
Hiện nay sinh hoạt của các đồng thầy và con
nhang đệ tử ở Hà Nội thường là theo nhóm
riêng lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong cộng
đồng tín ngưỡng, dẫn đến sự thiếu đoàn kết gắn
bó giữa các bản đền, bản hội và giữa các đồng
thầy. Tính chất cạnh tranh cả về quyền lực,
quyền lợi và uy tín trong cơ chế thị trường càng
khiến cho sự mất đoàn kết có xu hướng gia tăng.
Hiện tượng bằng mặt không bằng lòng, gièm
pha, nói xấu lẫn nhau ngày càng phổ biến, thậm
chí đưa lên cả các trang mạng xã hội để kê kích
nhau. Điều đó khiến cho môi trường tâm linh và
những giá trị nhân văn của tín ngưỡng thờ Mẫu
bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến làm lỏng
lẻo tính cố kết cộng đồng, gây nên sự mất thiện
cảm ở người ngoài cuộc.
3. Công tác quản lý nhà nước đối với di
sản “Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam
phủ của người Việt” ở Hà Nội
Theo điều 54, chương 5, mục 1, Luật Di sản
văn hóa, nội dung của quản lý nhà nước về di sản
văn hóa gồm 8 điểm như sau: 1) Xây dựng và chỉ
đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch,
chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát
huy giá trị di sản văn hóa; 2) Ban hành và tổ chức
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di
sản văn hóa; 3) Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động
bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản
văn hóa; 4) Tổ chức, quản lý hoạt động nghiên
cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ chuyên môn về di sản văn hóa; 5) Huy động,
quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và
phát huy giá trị di sản văn hóa; 6) Tổ chức, chỉ
đạo khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy
giá trị di sản văn hóa; 7) Tổ chức và quản lý hợp
tác quốc tế về bảo vệ và phát huy giá trị di sản
văn hóa; 8) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành
pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi
phạm pháp luật về di sản văn hóa (10).
Như vậy, nội dung của quản lý nhà nước
đối với di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ
Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ phải bám
sát vào các nội dung nêu trên và vận dụng vào
tình hình cụ thể của di sản này. Trên địa bàn
thành phố Hà Nội, UBND thành phố sẽ chịu
trách nhiệm chính đối với việc quản lý di sản.
Về công tác chuyên môn, Sở Văn hóa và Thể
thao thành phố sẽ là đơn vị thực hiện công tác
quản lý nhà nước đối với di sản cùng với các
ban, ngành, cơ quan phối hợp.
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan quản
lý trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành nhiều hoạt
động quản lý di sản bám sát các nội dung
quản lý. Trên cơ sở các văn bản quy phạm
pháp luật về di sản văn hóa như Luật Di sản
văn hóa; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày
21-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và
3 (43) - 2019: DI SẢN, DU LỊCH VÀ PHÁT TRIỂN 72
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di
sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; các
Nghị định của Chính phủ, các Quyết định,
Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà
Nội đã xây dựng và triển khai thực hiện các
kế hoạch, chính sách bảo vệ và phát huy di
sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam
phủ” trên địa bàn Hà Nội.
Nhằm tôn vinh các nghệ nhân thực hành di
sản, thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP
của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu
"Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong
lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, năm 2019 tại
địa bàn thành phố đã có 10 nghệ nhân được
công nhận là nghệ nhân ưu tú. Thành phố có
chính sách khuyến khích các hội, cơ quan, tổ
chức tiến hành các hoạt động sưu tầm, nghiên
cứu, điều tra, khảo sát về di sản; tổ chức các hội
thảo, tọa đàm, buổi nói chuyện về giá trị của tín
ngưỡng thờ Mẫu; khuyến khích các hoạt động
giới thiệu, quảng bá di sản; đặt hàng các đề tài
nghiên cứu khoa học để đánh giá thực trạng bảo
tồn và phát huy di sản. Công tác thanh tra, kiểm
tra được chú trọng để kịp thời điều chỉnh các
thực hành tín ngưỡng. Bên cạnh đó, các cơ quan
báo chí, truyền thông cũng có vai trò tích cực
tôn vinh di sản, quảng bá những phương diện
tích cực của di sản, đồng thời kịp thời đưa tin,
bài phê phán những biểu hiện tiêu cực, trục lợi,
thương mại hóa di sản, vi phạm các thuần
phong, mỹ tục
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt
động quản lý di sản không tránh khỏi có những
yếu kém, hạn chế như: Chưa kiểm soát tốt tình
trạng bùng phát nghi lễ hầu đồng, đốt vàng mã,
sinh hoạt của các bản hội; đội ngũ cán bộ làm
công tác quản lý còn thiếu và yếu, chưa được
trang bị đầy đủ kiến thức về quản lý di sản, tín
ngưỡng trong tình hình mới; sự phối hợp giữa
các bộ, ngành liên quan chưa đồng bộ; hệ
thống văn bản pháp quy chưa theo kịp tình
hình thực tiễn; nhiều quy định còn cứng nhắc,
chủ quan. Về phân cấp, phân quyền trong
quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ
quản lý nhà nước về lễ hội, trong đó có một số
nghi lễ, hoạt động tín ngưỡng liên quan tại các
cơ sở thờ tự được công nhận là di tích lịch sử,
danh lam thắng cảnh quốc gia. Còn quản lý các
hoạt động tín ngưỡng như là những thực hành
của cá nhân, của các dân tộc, tại các cơ sở thờ
tự như điện thờ tư gia, am thờ thì chưa được
pháp luật quy định rõ ràng. Do vậy, việc quản
lý gặp nhiều khó khăn, không nhất quán, có
nhiều kẽ hở, nhất là tại các địa bàn cơ sở.
4. Giải pháp quản lý nhà nước nhằm
bảo tồn và phát huy giá trị di sản “Thực
hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của
người Việt” trên địa bàn Hà Nội
a. Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý
và các chính sách liên quan
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật; có các biện pháp chế tài đủ
mạnh để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
áp dụng khi có vi phạm pháp luật.
- Bổ sung những quy định cụ thể về quản lý
hoạt động tín ngưỡng tại các điện thờ tư gia.
- Có chính sách phù hợp để khuyến khích,
tạo điều kiện cho cộng đồng tín ngưỡng bảo
tồn, giữ gìn các không gian thờ tự và thực
hành nghi lễ.
- Tiếp tục thực hiện chính sách đối với các
nghệ nhân; thẩm định, giới thiệu các thanh
đồng, thủ nhang có tâm, có đức, có uy tín đối
với cộng đồng để công nhận là nghệ nhân ưu
tú, nghệ nhân nhân dân, đồng thời cần chú ý
đến vai trò của các cung văn.
b. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý
di sản
- Những người làm công tác quản lý cần có
hiểu biết đúng đắn về giá trị, vai trò của tín
ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tâm linh của
người dân; am hiểu sâu sắc về bản chất, đặc
điểm của tín ngưỡng để có các ứng xử phù hợp,
tránh rơi vào các thái cực, chuyển từ cấm đoán,
hạn chế quá mức sang nới lỏng, khuyến khích
không giới hạn.
Quản lý di sản “Thực hành tín ngưỡng 73
- Thực hiện tổng kiểm kê khoa học các địa
điểm thờ tự liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu
trên địa bàn thành phố Hà Nội, nắm được đầy
đủ quy mô, đặc điểm của các cơ sở thờ tự, lịch
tổ chức các vấn đồng trong năm; lên danh sách
các thủ nhang, đồng thầy, thanh đồng, cung văn,
phân loại những người chuyên nghiệp, bán
chuyên nghiệp để có những ứng xử phù hợp.
- Các cơ quan quản lý (Sở Văn hóa và Thể
thao thành phố Hà Nội, Ban Tôn giáo thành
phố) cần chủ động định hướng, chỉ đạo, kiểm
tra, giám sát sinh hoạt thực hành tín ngưỡng
thờ Mẫu theo đúng quy định của pháp luật,
đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Tổ chức nghiên cứu sưu tầm, lưu trữ toàn bộ
các bài bản âm nhạc, làn điệu, lời ca hát văn trong
nghi lễ hầu đồng; tư liệu hóa trang phục, các điệu
múa, các giá đồng, làm rõ tính chất của từng giá
đồng làm căn cứ để bảo tồn và phát huy. Tổ chức
các cuộc thi hát văn, hầu đồng nhằm tôn vinh
những giá trị văn hóa của tín ngưỡng.
- Tổ chức nghiên cứu khoa học, hội nghị,
hội thảo về các vấn đề liên quan đến tín
ngưỡng thờ Mẫu.
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, mở
các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý
nhà nước về di sản, tôn giáo, tín ngưỡng
c. Nâng cao nhận thức của người dân về
di sản và thực hành di sản
- Tăng cường giáo dục, nâng cao hiểu biết
về di sản, giúp người dân hiểu đúng, đầy đủ
về di sản. Ở đây đóng vai trò quan trọng là các
nhà khoa học và các cơ quan thông tin đại
chúng. Các nhà nghiên cứu văn hóa là những
người có hiểu biết chuyên môn thấu đáo, am
tường về di sản, sẽ phải là người có tiếng nói
tích cực giới thiệu cái hay, cái đẹp, giá trị của
di sản; cách thức thực hành tín ngưỡng; định
hướng người dân không bị sa đà vào mê tín dị
đoan, tín tưởng mù quáng.
- Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền,
giáo dục phù hợp với từng đối tượng (đồng thầy,
thủ nhang, tín đồ, người dân) về di sản và thực thi
pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng.
- Khuyến khích các hoạt động thông tin, xuất
bản nhằm phổ biến kiến thức và quảng bá di sản.
Tăng cường giới thiệu về di sản đúng cách ở
trong nước và nước ngoài, góp phần tôn vinh di
sản và quảng bá với bạn bè năm châu.
d. Phát huy vai trò các chủ thể của di sản
- Các thủ nhang, đồng thầy là những người
đóng vai trò quyết định đối với việc định
hướng văn hóa thờ Mẫu. Với vai trò là người
đứng đầu bản hội cùng với quan niệm “trên
kính Phật Thánh, dưới theo đồng thầy”, họ
như những thủ lĩnh tinh thần có thể đào tạo,
dẫn dắt con nhang đệ tử thực hiện các chuẩn
mực, nề nếp của tín ngưỡng. Do vậy, rất cần
phát huy vai trò của đội ngũ này trong việc
trao truyền, thực hành đúng di sản, cũng như
đề cao tâm, đức trong việc phụng thờ Thánh.
- Khuyến khích các thủ nhang, đồng thầy biên
soạn, ghi chép lại cách thức thực hành tín ngưỡng
theo đúng chuẩn mực của cha ông, tạo thành các
quy chuẩn về nghi lễ, trang phục, đồ lễ và nghi
thức hầu đồng, hát văn để các thế hệ sau có căn
cứ noi theo, từ đó bảo lưu những giá trị tốt đẹp
của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống. Hiện nay,
các sinh hoạt, nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu
chưa được tổng kết thành giáo lý, giáo luật, kinh
sách chuẩn mực dẫn tới nhận thức và hành vi của
giới thanh đồng, đạo quan, tín đồ còn nhiều bất
cập, thiếu sự đồng thuận. Theo nghệ nhân ưu tú
Lưu Ngọc Đức (11), rất cần có những quy định,
phép tắc chung mang tính quy chuẩn về các bước
hành lễ, các nghi thức liên quan, thậm chí cả về
trang phục, lễ vật dâng cúng, đồ mã, tránh
những cải biên tùy tiện, tự phát. Ngoài ra cũng
cần có những quy định về đạo đức, phẩm hạnh
của đồng thầy và con nhang đệ tử; quy ước về
văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong cộng
đồng tín ngưỡng, v.v
- Nên chăng thành lập hội, đoàn hoặc tổ
chức giáo hội những người thực hành tín
ngưỡng thờ Mẫu, tiến tới hoàn thiện cơ cấu tổ
chức trong cộng đồng tín ngưỡng như đối với
các tôn giáo khác, tránh tình trạng mâu thuẫn,
mất đoàn kết giữa các bản đền, bản hội.
3 (43) - 2019: DI SẢN, DU LỊCH VÀ PHÁT TRIỂN 74
Tựu chung lại, đã đến lúc chúng ta cần
thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá lại những gì
đang xảy ra đối với tín ngưỡng thờ Mẫu để có
phương hướng bảo tồn và phát huy tốt hơn giá
trị của tín ngưỡng này, tránh sa vào các thái
cực: hoặc cấm đoán, quản lý quá cứng nhắc
như trong quá khứ, hoặc lại quá buông lỏng,
để tự do phát triển, dẫn tới tình trạng trần tục
hóa, thương mại hóa, bóp méo bản chất và
làm tổn hại đến các giá trị tốt đẹp của di sản./.
T.T.L
____________________
1. Công văn số 3146/BVHTTDL-DSVH của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 25-7- 2017
về việc triển khai Chương trình hành động quốc
gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi
vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
của người Việt.
2. Ngô Đức Thịnh (2016), “Đạo Mẫu trước xu
hướng hiện đại hóa”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học
quốc tế Nghiên cứu thực hành tín ngưỡng trong xã
hội đương đại (trường hợp tín ngưỡng thờ Mẫu),
Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 218.
3. Lê Hồng Lý (2019), “Thực hành tín ngưỡng
thờ mẫu tại các di tích Hà Nội - Một số vấn đề
thực trạng và giái pháp”, Tạp chí Di sản văn hóa
số 2 (67), tr. 79.
4. Ngô Đức Thịnh (2006), bđd, tr. 217.
5. Lê Thị Chiêng (2010), Tìm hiểu các điện thờ
tư gia ở Hà Nội, Luận án tiến sĩ Triết học, Thư
viện Quốc gia Việt Nam.
6, 8. Báo cáo tại Hội thảo Thực hành tín
ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - Thực trạng
và những vấn đề đặt ra, Hà Nội, ngày 03-3-2019.
7. Dẫn theo Ngô Đức Thịnh (2016), bđd, tr. 217.
9. Dẫn theo Bùi Trọng Hiền (2016), “Tín
ngưỡng Tứ phủ - Một góc nhìn hiện thực”, Kỷ yếu
Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu thực hành
tín ngưỡng trong xã hội đương đại (trường hợp tín
ngưỡng thờ Mẫu), Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 91.
10. Luật Di sản văn hóa, Văn bản hợp nhất số
10/VBHN-VPQH của Văn phòng Quốc hội ngày
23-7-2013.
11. Thủ nhang đền Lảnh Giang Vọng Từ, số 16
Hàng Hành, Hà Nội.
Tài liệu tham khảo khác
1. Nguyễn Thị Hiền và Karen Fjelstad
(2008), Lên đồng xuyên quốc gia: Những thay đổi
trong thực hành nghi lễ đạo Mẫu ở California và
vùng Kinh Bắc. In trong sách “Sự biến đổi của tôn
giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay”, Nxb. Thế
giới, Hà Nội.
2. Lễ hội Phủ Giầy - Giá trị và phát triển văn
hóa, du lịch (2004), Tài liệu Hội thảo khoa học
quốc gia, Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh
Nam Định tổ chức, Nam Định ngày 17-18/4/2004.
3. Từ Thị Loan (2016), “Lên đồng và vấn đề
sức sống của di sản trong xã hội đương đại”, Kỷ
yếu Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu thực
hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại (trường
hợp tín ngưỡng thờ Mẫu), Nxb. Thế giới, Hà Nội.
4. Luật Di sản văn hóa (2013), Văn bản hợp
nhất số 10/VBHN-VPQH của Văn phòng Quốc hội
ngày 23-7- 2013.
5. Nguyễn Ngọc Mai (2013), Nghi lễ lên đồng -
lịch sử và giá trị, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
6. Ngô Đức Thịnh chủ biên (2007), Đạo Mẫu,
Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Ngô Đức Thịnh (2014), Lên đồng - hành
trình của thần linh và thân phận, Nxb. Thế giới,
Hà Nội.
Từ Thị Loan: Heritage management “Practicing the Mother Goddesses Worship” in
Hanoi today
Although Hà Nội is not the place where the belief of the Mother Goddess of Three Realm originated,
the city has recently become one of the centers of this religion practice. Worshiping facilities, especially
private palaces are increasing, master medium and groups are increasingly expanding, and the activities
of ritual practice are booming. It is, therefore an urgent need to study, summarize, and timely evaluate the
status of the heritage practice to point out the positive and negative aspects, its multidimensional impacts
on social life and to work out appropriate and effective management solutions.
Keywords: The Mother Goddess of Three Realms, Hanoi, management, protection and promotion,
cultural heritage.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- quan_ly_di_san_thuc_hanh_tin_nguong_tho_mau_tam_phu_tren_dia_ban_ha_noi_hien_nay_8499_2161308.pdf