Tài liệu Quá trình xác lập những thương điếm đầu tiên của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ (1500 - 1510): 1
QUÁ TRÌNH XÁC LẬP NHỮNG THƯƠNG ĐIẾM ĐẦU TIÊN CỦA BỒ ĐÀO NHA TẠI ẤN
ĐỘ (1500 - 1510)
Nguyễn Thị Vĩnh Linh1
Tóm tắt: Là quốc gia tiên phong trong kỷ nguyên khám phá (Discovery Age), Bồ Đào
Nha đã góp phần khai mở trang sử đầu tiên của chủ nghĩa thực dân phương Tây khi kiến tạo
thành công đế quốc mậu dịch hàng hải thời cận đại - Estado da India2. Những cứ điểm ven
biển Ấn Độ không chỉ đóng vai trò nền tảng cho sự thành lập Estado mà còn là minh chứng
cho sự phát triển chiến lược thương mại biển của nhà nước thuộc địa này. Chính vì thế, bài
viết tập trung phân tích cách thức xác lập và vị trí của các thương điếm duyên hải Ấn Độ trong
hoạt động của Bồ Đào Nha từ 1500 đến 1510.
Từ khóa: Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Goa.
1. Mở đầu
Từ cuối thế kỷ XV, các cuộc phát kiến địa lý đã tạo điều kiện cho thương mại biển trên
toàn thế giới có những bước tiến vượt bậc. Đặc biệt việc thực hiện thành công chuyến hải
hành đến Ấn Độ của Vasco da Gama có tác dụng quan trọng trong vi...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 431 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quá trình xác lập những thương điếm đầu tiên của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ (1500 - 1510), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1
QUÁ TRÌNH XÁC LẬP NHỮNG THƯƠNG ĐIẾM ĐẦU TIÊN CỦA BỒ ĐÀO NHA TẠI ẤN
ĐỘ (1500 - 1510)
Nguyễn Thị Vĩnh Linh1
Tóm tắt: Là quốc gia tiên phong trong kỷ nguyên khám phá (Discovery Age), Bồ Đào
Nha đã góp phần khai mở trang sử đầu tiên của chủ nghĩa thực dân phương Tây khi kiến tạo
thành công đế quốc mậu dịch hàng hải thời cận đại - Estado da India2. Những cứ điểm ven
biển Ấn Độ không chỉ đóng vai trò nền tảng cho sự thành lập Estado mà còn là minh chứng
cho sự phát triển chiến lược thương mại biển của nhà nước thuộc địa này. Chính vì thế, bài
viết tập trung phân tích cách thức xác lập và vị trí của các thương điếm duyên hải Ấn Độ trong
hoạt động của Bồ Đào Nha từ 1500 đến 1510.
Từ khóa: Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Goa.
1. Mở đầu
Từ cuối thế kỷ XV, các cuộc phát kiến địa lý đã tạo điều kiện cho thương mại biển trên
toàn thế giới có những bước tiến vượt bậc. Đặc biệt việc thực hiện thành công chuyến hải
hành đến Ấn Độ của Vasco da Gama có tác dụng quan trọng trong việc kết nối giao thương
giữa các trung tâm thương mại lớn của thế giới thời bấy giờ và góp phần thay đổi căn bản vị
thế của các tiểu quốc ven biển Ấn Độ trong tuyến thương mại nội Á cũng như xuyên Á.
2. Nội dung
2.1 . Vai trò của Ấn Độ trong tuyến thương mại biển nội Á trước 1500
Trước khi Vasco da Gama thực hiện chuyến viễn chinh đến Ấn Độ vào cuối thế kỷ XV,
xã hội châu Âu đang dần có những bước chuyển mình mạnh mẽ (nhất là trong thương mại
biển). Nếu đầu thế kỷ XV, châu Âu vẫn còn những hiểu biết khá hạn chế về thế giới bên ngoài
Đại Tây Dương, thì đến những năm 1480, họ đã khám phá thành công toàn bộ bờ biển Đại
Tây Dương châu Phi và tìm được hầu khắp các đảo quan trọng. Trong thời kỳ này, khi mối
quan hệ giao thương giữa châu Á và châu Âu được duy trì chủ yếu thông qua hoạt động của
các thương nhân Hồi giáo và Venice thì tuyến thương mại nội Á lại ghi dấu ấn đậm nét của
thương nhân Ấn Độ.
Chúng ta biết rằng đến khoảng thế kỷ IX, một mạng lưới thương mại biển tinh vi và
rộng lớn đã hình thành ở châu Á. “Mạng lưới này liên kết các hải cảng ở phía Tây Ấn Độ
Dương đến vịnh Bengal và thông qua eo Malacca đến Biển Đông. Sự kết nối giữa Trung Đông,
1 . TS, Khoa Kinh tế - Du lịch, trường Đại học Quảng Nam
2 . Thuật ngữ Estado da India - Liên bang Ấn Độ được dùng để chỉ tất cả các thành phố, pháo đài
và các vùng lãnh thổ mà người Bồ Đào Nha đã kiểm soát được ở châu Á và Đông Phi. Tuy nhiên,
đôi khi thuật ngữ Estado còn được sử dụng với ý nghĩa rộng hơn nhiều, bao gồm tất cả các vùng
ven biển và các đảo thuộc phía Đông mũi Hảo Vọng giới hạn từ cực đông nam châu Phi đến
vùng đất thấp ở cửa sông Dương Tử. Trong thực tế, cũng có một số khu vực không nằm trong
phạm vi quản lý của cơ quan này (ví dụ như Macao - Trung Quốc).
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
2
Đông Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Quốc góp phần tạo nên một khu vực thương mại đầy
sôi động. Ấn Độ đóng vai trò trung tâm của mạng lưới này cả về phương diện địa lý lẫn giá trị
kinh tế”[2; 175]. Dưới sự trị vì của vương triều Hồi giáo Dehli từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI,
giao thương bằng đường biển của thương nhân Ấn Độ có nhiều biến chuyển mới. Biển Arab,
vịnh Bengal và Biển Đông trở thành ba khu vực nổi bật nhất nằm trong mạng lưới thương mại
Ấn Độ Dương. Đặc trưng của mạng lưới thương mại này là hoạt động theo cơ chế gió mùa:
“Sự hình thành dải khí áp thấp và cao mở rộng từ đường Xích đạo đến dãy Himalaya cùng
với sự chuyển dịch thường xuyên của điều kiện thời tiết từ tốt đến mưa nặng hạt, từ gió nhẹ
đến gió mạnh đã góp phần hình thành nền mậu dịch biển phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm
của thủy thủ. Gió mùa là thành phần của vòng tuần hoàn trong tự nhiên, năm dương lịch là
giai đoạn của chu kỳ đơn lẻ mà trong đó hai điểm xuân phân, thu phân vào tháng 3 và tháng
9 đã góp phần tạo ra sự biệt lập giữa vùng có áp suất thấp với vùng áp suất cao kéo dài” [1;
23]. Vai trò quan trọng của mạng lưới hải cảng Ấn Độ đối với thương mại châu Á được lý giải
một phần bởi vị trí nằm ở trung điểm trong tuyến đường biển đi từ Tây Á đến Đông - Đông
Nam Á. Nhưng quan trọng hơn là khả năng cung ứng của tiểu lục địa (Ấn Độ) cho thị trường
nguồn tơ lụa với nhiều chủng loại như vải muslin Dhaka và lụa ren của Gujarat, sợi bông thô
Coromandel và Gujarat. Nhu cầu của thị trường đối với hàng hóa trên là cực kỳ cao cả ở phía
Đông Indonesia, Malaysia, Thailand và Myanmar (Miến Điện), cũng như tại Biển Đỏ, vịnh Ba
Tư và Đông Phi. Ấn Độ được xem như “trung tâm tơ lụa” kết nối giao thương với cả Tây Á và
Đông Nam Á. Không những thế, gạo, đường, dầu, ngũ cốc cũng là mặt hàng xuất khẩu quan
trọng của tiểu lục địa. Do điều kiện thời tiết, đất đai và tự nhiên, Ấn Độ cần những mặt hàng
như: đinh hương, hạt và vỏ nhục đậu khấu từ Indonesia, ngựa và nước hoa hồng từ Tây Á,
hồng ngọc và đá quý từ Miến Điện cũng như kim loại quý hiếm hoặc kim loại phổ biến. Sự
trao đổi qua lại các mặt hàng xuất và nhập khẩu tạo nên bức tranh sinh động, nhộn nhịp cho
giao thương ven bờ Ấn Độ Dương.
Bên cạnh đó, vai trò chìa khóa của Ấn Độ trong thương mại nội Á còn được thể hiện
qua hoạt động của các nhóm thương nhân người Ấn như Chetty, Chulia, tầng lớp tư thương
định cư ở duyên hải Coromandel, Oriya và Bengali. Nhưng, trong đó “Gujarat mới là nhóm
thương nhân quan trọng nhất trong tuyến thương mại liên hải cảng. Họ không chỉ buôn bán
vải sợi, cây chàm, thuốc phiện mà cả những chủng loại hàng hóa khác đặc biệt là tơ lụa”[8;
10]. Đến thế kỷ XV, khi các đối thủ cạnh tranh có những toan tính riêng1, thì thương nhân Ấn
Độ chính thức trở thành thế lực thống trị Ấn Độ Dương với hai khu vực chính là Tây Ấn Độ
và vịnh Bengal2. Thương mại Ấn Độ Dương thời kỳ này có những đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, thương mại của khu vực còn mang tính chất tự nhiên, tuy có sử dụng tiền tệ
nhưng chưa phổ biến. Phần lớn các thị xã ven biển (bao gồm cả Đông Phi) vẫn sử dụng tiền
mệnh giá thấp (tạm gọi như vậy) như tiền vỏ ốc cho các cuộc giao dịch nhỏ. Vàng và bạc nén
cũng được giao thương nhưng chỉ đóng vai trò là hàng hóa xa xỉ phẩm phục vụ cho giới quý
tộc hơn là phương tiện giao dịch.
1 . Thương nhân Trung Quốc quan tâm đến tuyến thương mại Trung Quốc - Malacca, thương
nhân Indonesia và Malaysia không muốn mạo hiểm buôn bán ngoài khu vực quần đảo Indo và
Malay.
2 . Phía Tây, liên kết thông qua Biển Đỏ và vịnh Ba Tư, theo đường bộ đến bờ biển phía Nam của
Địa Trung Hải. Vịnh Bengal thì mở rộng thông qua eo Malacca đến phía Nam Trung Quốc và sau
đó lên đến Nhật Bản.
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
3
Thứ hai, tính liên kết trong thương mại ở khu vực này còn chưa rõ nét mặc dù mức độ
tập trung hàng hóa của từng chủng loại đã hình thành. Đến đầu thế kỷ XVI, người Bồ Đào
Nha khám phá một thực tế, tại Ấn Độ Dương, chất lượng từng nhóm mặt hàng phải gắn liền
với một vùng đất hoặc một dân tộc nhất định. Ví dụ, quế chỉ có ở Sri Lanka, ngựa đến từ
Arabia và vàng đến từ Sofala ở Đông Phi. Đinh hương thì phát triển chủ yếu ở những hòn
đảo nhỏ của Moluccas và đặc biệt hạt tiêu tập trung ở Malabar hoặc Sumatra. Đồ sứ thì không
nơi đâu đạt được chất lượng tuyệt hảo như Trung Quốc hoặc ở khu vực có người Trung Quốc
sinh sống. Thậm chí vải sợi thì phải được xuất phát từ Gujarat ở tây bắc Ấn Độ hoặc
Coromandel. Nguyên nhân dẫn đến sự tập trung hóa ở mức độ cao này có lẽ đến từ điều kiện
thời tiết và các nhân tố thuộc về địa lý. Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế khu vực cũng
là nguyên nhân quan trọng. Việc tập trung hóa ở mức độ cao sẽ cho ra sản phẩm có chất
lượng, bán được giá và dễ dàng được chấp nhận trên thị trường thế giới.
Thứ ba, tầng lớp thương nhân tham gia thương mại Ấn Độ Dương là thành viên của
những cộng đồng mang tính chất tương đối biệt lập được kết nối với nhau thông qua quan hệ
họ hàng, nguồn gốc xuất thân và đôi khi là tôn giáo. Tại hầu hết hải cảng ở phương Đông,
cộng đồng Ấn Độ giáo, Jains, Do Thái giáo, Armenia, Hồi giáo thường sống ở những khu vực
cách biệt nhau và tự chọn người lãnh đạo. Mặc dù, họ phải đóng nhiều loại thuế cho người
cai trị ở các hải cảng nhưng được tự do chọn lựa cách thức quản lý. Tính chất đóng kín của
các cộng đồng thương mại này khiến cho người bên ngoài rất khó để xâm nhập vào.
Cuối cùng là sự tồn tại một cách tương đối độc lập của các tiểu quốc, thành phố thương
mại (city-state, thị quốc) vùng duyên hải Ấn Độ Dương trong mối quan hệ với lực lượng thống
trị nội địa. Điều đó khiến cho quá trình phát triển của nó ít nhiều thiếu ổn định (khác với các
cộng đồng thương nhân phía trên).
Bối cảnh trên đây có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xâm nhập của Bồ Đào Nha
vào mạng lưới giao thương Ấn Độ Dương như Jan Glete nhận xét: “Thương mại tại Ấn Độ
Dương rộng mở cho tất cả mọi người, những người có khả năng dùng tiền tệ để thu mua hàng
hóa, kết hợp với các thủ đoạn ngoại giao và nguồn tư bản (một phần đến từ các nhà đầu tư
Genoe và Florence). Đặc tính của nền thương mại này cũng cho thấy nếu Bồ Đào Nha biết
kiềm chế những hành động chống lại thương nhân Hồi giáo thì họ có thể tạo ra một nền thương
mại biển hòa bình” [5; 77]. Vậy trong thực tế, cách thức mà Bồ Đào Nha chọn lựa để xác lập
quyền lực của mình tại khu vực này vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XVI là gì?
2.2 . Những thương điếm đầu tiên của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ (1500-1510)
Sau chuyến viễn chinh của Vasco da Gama (1460-1524), Hoàng gia Bồ Đào Nha đẩy
mạnh hơn nữa quá trình khám phá Ấn Độ Dương. Vào tháng 3/1500, một hạm đội được phái
đến Ấn Độ dưới sự chỉ huy của quý tộc triều đình Bồ Đào Nha - Pedro Alvares Cabral (1468-
1520)1. Sau khi khám phá Land of the True Cross (Brazil sau này), ghé qua Madagascar,
1 . Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ông là người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Brazil. Tuy nhiên,
đây là một sự nhầm lẫn của lịch sử, Vicente Yáñez Pinzón, một trong những thủ thủy đồng hàng
với Columbus đã đến được duyên hải Brazil (giữa Recife và Fortaleza) vào tháng 1 năm 1500.
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
4
Sofala1 và Kilwa2 - trung tâm thương mại vàng ở Đông Phi, cuối cùng hạm đội cập bến Calicut
vào tháng 9/1500.Toàn bộ chuyến đi mất gần 6 tháng, một khoảng thời gian ngắn hơn rất
nhiều so với chuyến khám phá 12 tháng của Vasco da Gama. Ban đầu, Raja3 Samudri cho
phép Cabral xây dựng đại lý thương mại trên vùng đất của ông ấy. Tuy nhiên, sau đó, do
những hiểu lầm từ hai phía, Cabral đã tiến hành pháo kích Calicut trước khi cho thuyền đến
Cochin và Cannanur. Cochin là tiểu quốc đầu tiên của người Ấn đồng ý để Bồ Đào Nha thiết
lập pháo đài cùng lực lượng đồn trú khoảng 30 người và 4 linh mục.
Chuyến hải hành của Cabral tuy không thu được lợi ích rõ ràng về thương mại nhưng
đã khiến Hoàng gia Bồ Đào Nha phải tự nhìn nhận lại chiến lược ở Ấn Độ Dương. Nếu muốn
thực hiện mục tiêu độc chiếm tuyến phân phối hương liệu trên toàn thế giới thì việc duy trì lực
lượng hải quân đồn trú và đánh bại các địch thủ thương mại là tối cần thiết. Vì vậy, từ việc chỉ
cử các hạm đội với quy mô nhỏ (trước 1501) thì đến giai đoạn 1502 - 1505, số lượng tàu
trong mỗi chuyến hải hành không ngừng tăng lên, trong đó bên cạnh một số thương thuyền
thì các tàu chiến cũng được bổ sung và đóng vai trò ngày càng quan trọng. Như vậy, lúc này
thương mại biển không chỉ đơn giản là mua bán và trao đổi mà quan trọng hơn là xâm chiếm
và thiết lập sự hiện diện thường xuyên của Bồ Đào Nha tại các trọng điểm ven biển Ấn Độ.
Vị trí đầu tiên mà Bồ Đào Nha quyết tâm xâm chiếm đó là Calicut (3/1502): “Một điều
chắc chắn rằng Bồ Đào Nha đến Ấn Độ lần này với nhiều mục đích khác nhau. Đầu tiên là để
trả thù chiếm mạng lưới buôn bán gia vị ở duyên hải Malabar vào tay Hoàng gia Bồ Đào Nha”
[4; 223]. Ngay khi đến Calicut, Vasco da Gama đích thân chỉ huy 10 chiếc thuyền lớn tổ chức
thành bộ phận chủ lực đánh thẳng vào cảng biển. Bằng chiến thuật hải quân linh hoạt và kỹ
thuật pháo binh tiên tiến, ngày 30/10/1502, hạm đội Bồ Đào Nha giành quyền kiểm soát thành
phố. Calicut trở thành thương điếm đầu tiên của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ. Xuôi theo duyên hải
phía Tây Ấn Độ, Vasco da Gama cho thuyền đến Cochin và Cannanur để củng cố mối quan
hệ với các Raja địa phương. Vasco da Gama trở về Lisbon trên chiếc tàu “nặng trĩu gia vị và
hàng hóa cướp bóc. Ông để lại 5 tàu chiến cạnh Cannanur với mục đích tấn công các chuyến
tàu của người Hồi giáo. Lực lượng đồn trú nhỏ này không chỉ mở đầu cho sự hiện diện lâu dài
của hải quân châu Âu tại Ấn Độ Dương mà còn đánh dấu sự xâm nhập của chủ nghĩa thực
dân phương Tây trên toàn châu Á”[7; 25]. Từ năm 1502 đến năm 1505, hạm đội này phải
chống lại các cuộc tấn công liên tục của tiểu vương (Zamorin) Calicut. Cuối cùng, sau chiến
thắng quyết định trước lực lượng Calicut, Bồ Đào Nha quyết định xây dựng pháo đài bằng đá
với lực lượng quân đội đồn trú được bổ sung hàng năm.
Từ hai cứ điểm duyên hải Tây Ấn Độ, Bồ Đào Nha đẩy mạnh quá trình xâm nhập Ấn
Độ Dương theo hai hướng. Tại vịnh Bengal, năm 1505, Dom Lourenço de Almeida (1480-
1508) chỉ huy một hạm đội bất ngờ đến bờ biển của một hòn đảo gần Galle (thuộc Ceylon),
1 . Hiện nay thuộc tỉnh Sofala ở Mozambique. Vương quốc Sofala được ra đời vào khoảng năm
700. Người Arab và Ba Tư bắt đầu đến đây giao thương vào thế kỷ X. Pêro da Covilhã là nhà thám
hiểm Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến vùng đất này vào năm 1489. Trong chuyến viễn chinh đến
Ấn Độ, Da Gama đã cho tàu cập bến và tìm hiểu thông tin về địa điểm này.
2 . Là một hòn đảo thuộc duyên hải Đông Phi, ngày nay là Tanzania. Vào thế kỷ XII, dưới thời trị
vì của vương triều Abu'-Mawahib, Kilwa đã trở thành thế lực hùng mạnh nhất vùng ven biển Đông
Phi
3 . Một thuật ngữ lịch sử xuất hiện trong kinh Vệ Đà (Rigveda) của Ấn Độ dùng để gọi người đứng
đầu một gia tộc. Trước kia, các học giả thường gọi là “vua” nhưng hiện nay được dịch là “trưởng
tộc”.
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
5
xây dựng nhà nguyện và đại lý thương mại ở Colombo. Trong khi đó, tại Biển Đỏ, sự bành
trướng gặp khá nhiều khó khăn và thất bại do phản ứng mạnh mẽ của Hồi vương Ormuz. Vì
thế, sau khi đảm nhận chức vụ Phó vương Estado da India, Dom Afonso de Albuquerque
(1453-1515) quyết định đánh chiếm Diu và Goa - hai vị trí chiến lược trên tuyến thương mại
biển mới. Hành động này nằm trong kế hoạch của Albuquerque nhằm xây dựng đế chế
thương mại hàng hải của Bồ Đào Nha. Sự khác biệt trong quan điểm chiến lược giữa hai vị
phó vương thể hiện khá rõ nét: mục đích của Francisco de Almeida (1450-1510)1 là giành
quyền làm chủ nền thương mại tại bờ biển Malabar với quan điểm “nếu không có quyền làm
chủ trên biển cả thì những pháo đài trong đất liền chỉ là hư danh”[7; 26]. Trong khi đó, Phó
vương Dom Afonso de Albuquerque (1453 - 1515) lại cho rằng: “để giành được ưu thế về
thương mại ở Ấn Độ Dương thì điều nhất thiết là phải chiếm và kiểm soát được các vị trí chiến
lược chủ yếu và thúc đẩy hoạt động buôn bán có thể cung cấp thu nhập đủ để duy trì sức
mạnh không gì cưỡng lại được” [6; 377]. Những hành động mạnh mẽ và quyết liệt của Bồ Đào
Nha đã vấp phải sự kháng cự của nhiều thế lực đối địch, trong đó nổi bật là thương nhân
Venice, Gujarat và vua Hồi Mamluk. Trận chiến tại Diu (1509) với thắng lợi cuối cùng của
người Bồ Đào Nha trước liên minh Gujarat-Mamluk-Kozhikode, không chỉ chứng minh ưu thế
về quân sự của lực lượng đến từ châu Âu mà còn đóng vai trò nền tảng để Afonso de
Albuquerque tiếp tục thực hiện chiến lược của mình - tiến chiến Goa (1510) - một cảng biển
đương thời dưới sự quản lý của Yasuf Adil Shah, đồng thời là một trung tâm quan trọng về
nhập khẩu nhựa sang Deccan.
Vào ngày 28 tháng 02 năm 1510, Alfonso de Albuquerque, tổng đốc người Bồ Đào Nha
tại Ấn Độ, cùng với lực lượng thủy quân hùng hậu đã vào neo đậu tại bến cảng của Goa. Sau
khoảng 9 tháng bao vây và tấn công thành phố, đến ngày 25/11/1510, binh lính Bồ Đào Nha
nắm quyền kiểm soát Goa. Sau khi chiếm được Goa, Bồ Đào Nha thiết lập các thương điếm
ven bờ biển tây nam Ấn Độ, đẩy mạnh các hoạt động buôn bán với phương Đông, nhất là
việc buôn bán các loại gia vị và hương liệu giữa Goa với các nước Đông Nam Á, cũng như
hàng hóa từ Ấn Độ về Bồ Đào Nha ngày càng trở nên nhộn nhịp, sầm uất, mang lại sự thịnh
vượng và phát triển cho đế quốc Bồ Đào Nha nói chung. Theo tính toán của các nhà Sử học
đương thời, trong năm 1580, số hoa lợi mà Bồ Đào Nha thu được từ tuyến thương mại Goa
- Macao/Nagasaki là khoảng 35.000 cruzado2 (tiền Bồ Đào Nha), Goa - Moluccas (bắc
Indonesia) là khoảng 9.500 cruzado [9; 140].
Như vậy, đến đầu thế kỷ XVI, Bồ Đào Nha đã xác lập được 2 thương điếm quan trọng
nhất (Diu và Goa) trong số 4 mục tiêu chiến lược tại Ấn Độ và vịnh Ba Tư như vua Manuel
(1469-1521) từng kỳ vọng “phải chiếm Aden để giành quyền thống trị tại eo Mecca trước khi
Hồi vương kịp ngăn cản, chiếm lấy Hormuz để kiểm soát hoàn toàn eo Bacora, chiếm đóng
Goa và Diu làm căn cứ để bành trướng đến các vùng đất khác ở Ấn Độ” [3; 24]. Đây là cơ sở
quan trọng dẫn đến sự ra đời của Estado da India, nhà nước thuộc địa đầu tiên của Bồ Đào
Nha tại phương Đông.
1 . Francisco de Almeida làm người phụ trách chung, tổng trấn, Phó vương đầu tiên của tổ chức
này, Ông được vinh danh trong lịch sử là người Bồ Đào Nha đầu tiên nắm trong tay cả chính quyền
dân sự và quân sự ở thuộc địa của đế quốc Bồ Đào Nha.
2 . Là một loại tiền xu bằng vàng của người Bồ Đào Nha có khắc hình chữ thập chính giữa. Đồng
xu vàng này được sử dụng bởi Afonso V (1438-1481) khi tổ chức một cuộc viễn chinh chữ thập
chống lại việc xâm chiếm Constantinople của người Thổ vào năm 1453. Nó có giá trị khoảng 400
reis. Ý nghĩa của chữ cruzado trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là chữ thập - thập tự giá của vị
thánh bảo trợ cho Bồ Đào Nha, St George.
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
6
3. Kết luận
Từ những sự kiện phân tích ở trên chúng ta có thể thấy:
Thứ nhất, việc Bồ Đào Nha tiến hành xâm chiếm các thương điếm nằm ở duyên hải
phía Tây Ấn Độ xuất phát từ sự chi phối của chủ nghĩa trọng thương đang thịnh hành trong
Hoàng gia Bồ Đào Nha thời bấy giờ. Việc xác lập quyền thống trị của Bồ Đào Nha tại các
thương điếm không hoàn toàn mang ý nghĩa tước đoạt đất đai mà thực chất là nắm lấy những
vị trí có vai trò chiến lược quan trọng trong tuyến thương mại biển để từ đó độc chiếm việc
phân phối gia vị sang châu Âu.
Thứ hai, quá trình xác lập quyền thống trị của Bồ Đào Nha tại các thương điếm này
được thực thi bằng nhiều cách thức khác nhau. Đó là sử dụng bạo lực trấn áp, tiêu diệt các
thế lực cai trị địa phương tại duyên hải Ấn Độ hoặc sử dụng ưu thế về quân sự để khống
chế, biến các tiểu Hồi vương thành chư hầuthiết lập các pháo đài vừa làm nhiệm vụ bảo
vệ quyền lực mới được xác lập cũng đồng thời là thương điếm tập trung, phân phối hàng
hóa (đặc biệt là gia vị) trước khi chuyển về châu Âu.
Thứ ba, quá trình xác lập thương điếm của Bồ Đào Nha tại duyên hải Ấn Độ đã dẫn
đến sự thay đổi căn bản diện mạo cũng như bản chất của các quan hệ giao thương tồn tại
trước đây. Thay thế cho nền thương mại tương đối tự do và hòa bình mà trong đó tầng lớp
thương nhân Ấn Độ đang nắm giữ vai trò trung tâm bằng một cách thức buôn bán áp đặt,
mang nặng tính bạo lực, thể hiện ưu thế vượt bậc về hải quân của Bồ Đào Nha trước các thế
lực thương nhân cùng thời. Calicut, Cochin, Goavốn từng là các tiểu quốc tồn tại độc lập
thì bây giờ trở thành những thương điếm quan trọng chịu sự kiểm soát của Bồ Đào Nha tại
ven biển Tây Ấn và chúng được kết nối để tạo cơ sở cho sự ra đời của Estado da India. Tuy
nhiên, ở một khía cạnh khác, chính điều này đã góp phần nâng cao vai trò của các cứ điểm
trên trong mạng lưới thương mại biển quốc tế khi mà Cochin (sau này là Goa) trở thành thủ
phủ điều phối mọi hoạt động của đế quốc Bồ Đào Nha tại châu Á.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Charbonnier Jean (2007), Christians in China: A.D. 600 to 2000, Ignatius Press,
California, 605 pp.
[2] Chaudhury Sushil & Morineau Michel (2007), Merchants, Companies and Trade: Europe
and Asia in the Early Modern Era, Cambridge University Press, London, 344 pp.
[3] Cotterell Arthur (2011), Western Power in Asia: Its Slow Rise and Swift Fall, 1415 - 1999,
John Wiley & Sons, New York, 450 pp.
[4] Diffie B.W và Winius G.D (1977), Foundations of the Portuguese Empire, 14151580,
University of Minnesota, Mineapolis, 533 pp.
[5] Glete.Jan (2002), Warfare at Sea, 1500-1650: Maritime Conflicts and the Transformation
of Europe, Routledge, London, 256 pp.
[6] D.G.E Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7] Love R.S (2006), Maritime Exploration in the Age of Discovery, 1415-1800, Greenwood
Publishing Group, 195 pp.
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
7
[8] Pearson M.N (1976), Merchants and Rulers in Gujarat: The Response to the Portuguese
in the Sixteenth Century, University of California Press, 178 pp.
[9] Subrahmanyam, Sanjay (1990), Improvising empire: Portuguese trade and settlement in
the Bay of Bengal, 1500-1700, Oxford University Press, 269 pp.
Title: THE FORMATION PROCESS OF THE FIRST COMMERCIAL FIRMS
OF THE PORTUGUESE IN INDIA (1500 - 1510)
NGUYEN THI VINH LINH
Quang Nam University
Abstract: As a pioneer in the Discovery Age, Portugal turned the historical page of
Western colonialism when successfully establishing a maritime commercial empire in the early
modem period - Estado da India. The Portuguese fortifications on India’s coast did not only
play an important role in the Estado foundation but also served as evidence for the
development of the maritime trade strategy of this colonial government. Therefore, this paper
analyzes the formation methods and the location of Portuguese firms on India’s coast during
the 1500-1510 period.
Keywords: India, Portugal, Goa.
NGUYỄN THỊ VĨNH LINH
8
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4_qua_trinh_xac_lap_nhung_thuong_diem_dau_tien_cua_bo_dao_nha_tai_an_do_1516_2130360.pdf