Phân tích tác phẩm Ave Maria của hàn mặc tử từ góc độ cấu trúc

Tài liệu Phân tích tác phẩm Ave Maria của hàn mặc tử từ góc độ cấu trúc: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00032 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 45-51 This paper is available online at PHÂN TÍCH TÁC PHẨM AVE MARIA CỦA HÀN MẶC TỬ TỪ GÓC ĐỘ CẤU TRÚC Nguyễn Thị Thúy Hạnh Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Từ cuối thế kỉ XIX đến thế kỉ XX, có nhiều lí thuyết và trường phái phê bình văn học hiện đại ra đời, như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực, cấu trúc luận, phân tâm học, thông diễn học. . . Bên cạnh một số biểu hiện mang tính chất phiến diện của các trường phái này, vẫn nên gạn lọc những hạt nhân hợp lí của nó phục vụ cho việc phân tích tác phẩm văn học. Dưới đây, chúng tôi ứng dụng phương pháp phân tích văn bản theo trường phái nghiên cứu cấu trúc của Iu. Lôtman để phân tích bài thơ Ave Maria của Hàn Mặc Tử. Bên cạnh đó, chúng tôi có tham chiếu với các quan điểm nghiên cứu của những trường phái khác, để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về tác phẩm. Từ khóa: Lí thuyết và trường p...

pdf7 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 840 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích tác phẩm Ave Maria của hàn mặc tử từ góc độ cấu trúc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00032 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 45-51 This paper is available online at PHÂN TÍCH TÁC PHẨM AVE MARIA CỦA HÀN MẶC TỬ TỪ GÓC ĐỘ CẤU TRÚC Nguyễn Thị Thúy Hạnh Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Từ cuối thế kỉ XIX đến thế kỉ XX, có nhiều lí thuyết và trường phái phê bình văn học hiện đại ra đời, như chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực, cấu trúc luận, phân tâm học, thông diễn học. . . Bên cạnh một số biểu hiện mang tính chất phiến diện của các trường phái này, vẫn nên gạn lọc những hạt nhân hợp lí của nó phục vụ cho việc phân tích tác phẩm văn học. Dưới đây, chúng tôi ứng dụng phương pháp phân tích văn bản theo trường phái nghiên cứu cấu trúc của Iu. Lôtman để phân tích bài thơ Ave Maria của Hàn Mặc Tử. Bên cạnh đó, chúng tôi có tham chiếu với các quan điểm nghiên cứu của những trường phái khác, để có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về tác phẩm. Từ khóa: Lí thuyết và trường phái phê bình văn học, tác phẩm văn học, phương pháp nghiên cứu cấu trúc, Hàn Mặc Tử. 1. Mở đầu Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và mĩ học Mác – Lênin, phương pháp luận nghiên cứu văn học phải đặt vấn đề tiếp cận tác phẩm văn học nghệ thuật một cách toàn diện. Tác phẩm văn học là mối tổng hoà của hàng loạt tương quan. Tác phẩm viết xong là một tổ chức, một chỉnh thể, một cấu trúc (structure) bao gồm những mối liên hệ nội tại chặt chẽ. Vào những năm 1960 – 1980 ở Nga, kĩ thuật phân tích các bài thơ riêng lẻ theo kiểu chuyên khảo rất phát triển, trong đó công trình nghiên cứu của Iu. M. Lotman: Phân tích văn bản thơ (1972) được coi là mẫu mực. Phương pháp nghiên cứu tác phẩm từ góc độ cấu trúc văn bản nghệ thuật của Lu. M. Lotman đó đưa ra cách phân tích tác phẩm khá toàn diện, biện chứng và hiệu quả. Trong cuốn Cấu trúc văn bản nghệ thuật (đã được dịch ra tiếng Việt), Iu. M. Lotman có nói một ý như sau: trong các tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật, mọi cái được tiếp nhận với tư cách là cái được hoàn thiện ad hoc (kiệt cùng). Tuy vậy, trong khi tiếp tục đi sâu vào kinh nghiệm nghệ thuật của nhân loại thì tác phẩm nghệ thuật, đối với những giao tiếp thẩm mỹ hậu lai, hoàn toàn trở thành là ngôn ngữ, và cái từng là tính ngẫu nhiên của nội dung đối với văn bản đó cho lại trở nên là mới đối với hậu nhân. Như vậy, mỗi tác phẩm nghệ thuật đích thực luôn ẩn tàng những mã nghệ thuật, nó mở ra một hành trình giải mã vô tận từ phía nhà nghiên cứu và người đọc. Trong bài viết này, chúng tôi ứng dụng lí thuyết của trường phái nghiên cứu cấu trúc để phân tích bài thơ Ave Maria – một trong những thi phẩm tiêu biểu nhất trong đời thơ Hàn Mặc Tử Ngày nhận bài: 15/12/2014 Ngày nhận đăng: 20/3/2015 Liên hệ: Nguyễn Thị Thúy Hạnh, e-mail: nguyenthuyhanhsp@gmail.com 45 Nguyễn Thị Thúy Hạnh nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự nghiên cứu toàn diện về tác phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi có tham chiếu với những trường phái phê bình văn học hiện đại khác để làm rõ thêm phong cách nghệ thuật độc đáo của tác giả. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Loại thơ tôn giáo của Hàn Mặc Tử Xét về mặt loại hình, theo chúng tôi, bài thơ Ave Maria có thể xếp vào loại thơ tôn giáo. Sự kết hợp giữa thơ ca và tôn giáo đã cấu thành, tạo tác ra một loại hình thái tác phẩm văn học mang tính chất/nội hàm tôn giáo, mà Ave Maria là một dạng thức như vậy. Tôn giáo (réligion) là sự kính tin, kính ngưỡng của con người đối với đấng thần linh, giáo chủ. Niềm tin thiêng liêng ấy đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm. Tôn giáo là một trong những cội nguồn nâng đỡ sức sáng tạo của văn học nghệ thuật. Nếu như triết học và đạo đức dù cao cả đến đâu cũng nhằm hướng đạo cho con người về cuộc sống thực tế hoặc tìm cách cắt nghĩa thế giới hiện thực, thì tôn giáo bao giờ cũng hướng về một thế giới khác nên dễ bắt gặp tính chất lí tưởng vươn lên trên thực tế của nghệ thuật. Các bộ kinh điển tôn giáo thường giàu hình tượng văn học, giàu chất thơ và nghệ sĩ có thể tìm thấy trong đó một nguồn vô tận của mỹ từ pháp. Feuerbach nhận xét “Tôn giáo là thơ, người ta có thể nói như vậy, bởi vì lòng tin bằng sản phẩm của trí tưởng tượng” (Bài giảng về bản chất của tôn giáo). Tôn giáo tác động đến văn học, và từ đó đến thi học, vì cả hai, trên một ý nghĩa nào đó, đều là siêu thực. Trong truyền thống thơ ca Việt Nam, loại thơ tôn giáo đầu tiên có lẽ là thơ Thiền – một thành tựu rực rỡ của thơ ca đời Lý – Trần. Văn học Phật giáo Lý Trần đề cao trạng thái tư duy nghệ thuật trực cảm tâm linh, với việc thể hiện giáo lí nhà Phật là bằng chứng cho sự dung hợp linh diệu giữa thơ ca và tôn giáo. Ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn học viết Việt Nam bắt đầu từ thơ ca trung đại và tác động hết sức bền bỉ, sâu sắc về sau. Còn ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo đối với thi nhân nước ta không nhiều, có thể xem Hàn Mặc Tử là tác gia chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất và trực tiếp nhất bởi đức kính tin Thiên Chúa giáo. Hàn Mặc Tử đã làm một việc đó là “đi tìm hương hoa tôn giáo để làm giàu cho thơ ca”. Có nhiều bài thơ Hàn viện đến giáo lí đạo Thiên Chúa, đạo Phật...Màu sắc Thiên Chúa giáo rõ rệt nhất hội tụ ở những bài như Thánh nữ Đồng trinh Maria, Xuân như ý, Đêm xuân cầu nguyện, Phan Thiết! Phan Thiết...Thơ Hàn là một thế giới Phục Sinh, thế giới Khải Huyền của Đạo Thiên Chúa. Hàn Mặc Tử quan niệm: “Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời là nơi đã sống những tháng ngày vô thuỷ vô chung với những hạnh phúc bất tuyệt” (Chơi giữa mùa trăng). Những ý kiến của Hàn Mặc Tử rất giống với những lời giải thích mang đầy tính chất tôn giáo của các nhà lãng mạn phương Tây về thi ca (Chateaubriand – Dạ tụng). Chính Hàn Mặc Tử tự xưng mình là “thi sĩ của đạo quân Thánh giá”. Các hình ảnh và sự tích Thiên Chúa giáo được Hàn Mặc Tử đưa vào thơ như trong các bài Ave Maria, Đêm xuân cầu nguyện, Nguồn thơ, Ra đời... Đúng như Hegel trong Mĩ học đã chỉ ra rằng các trước tác kinh điển, đặc biệt kinh Thánh phương Tây là ngọn nguồn vô tận để văn nghệ sĩ khai thác. Văn học nghệ thuật có chức năng “siêu thoát những quán tính” (defamiliarisation) cho con người, đưa con người thoát khỏi mỗi satna của hiện hữu trần thế, thăng hoa trong bầu khí quyển của xúc cảm về cái đẹp. 2.2. Phân tích tác phẩm Ave Maria theo phương pháp cấu trúc Phương pháp phân tích của trường phái cấu trúc đưa ra đối với một văn bản thơ bất kì - văn bản có thể tinh tế, phức tạp hoặc đơn giản, thô mộc đều có thể áp dụng được. Tác phẩm được 46 Phân tích tác phẩm Ave Maria của Hàn Mặc Tử từ góc độ cấu trúc nghiên cứu trên ba cấp độ – “cấu trúc của bất kì văn bản nào cũng có thể chia thành ba cấp độ, mọi đặc điểm nội dung và hình thức của nó đều phân bố trên ba cấp độ ấy” (M.Lotman). Đó là ba cấp độ sau: Cấp độ thứ nhất, tầng trên tư tưởng - hình tượng. Nó có hai bậc: thứ nhất, tư tưởng và tình cảm, thứ hai, các hình tượng và môtíp. Cấp độ thứ hai, tầng giữa – phong cách. Có hai bậc: thứ nhất, ngữ vựng, tức là từ ngữ được phân tích một cách riêng rẽ (mà trước hết là từ ngữ trong nghĩa bóng, là phép chuyển nghĩa); thứ hai, cú pháp, tức là từ ngữ được xem xét trong sự sắp xếp, kết hợp của chúng. Cấp độ thứ ba, tầng dưới, ngữ âm, âm thanh. Thứ nhất, đó là các hiện tượng thuộc câu thơ, như âm điệu, nhịp điệu, vần điệu, khổ thơ; Thứ hai, đó là những hiện tượng thuần tuý thuộc về âm luật – láy thanh, láy vần. Những bậc nhỏ như thế trong một cấp độ tuy có thể chi tiết hoá để nhỏ hơn nữa. Ba cấp độ nói trên được phân chia theo các phương diện của tri giác, nhờ đó chúng ta lĩnh hội các hiện tượng có liên hệ với ý thức chúng ta. Cấp độ âm thanh→ Lĩnh hội bằng thính giác. Cấp độ phong cách→ Lĩnh hội bằng cảm giác ngôn ngữ. Cấp độ tư tưởng, hình tượng→ Lĩnh hội bằng trí óc và tưởng tượng→ Hình dung ra được hình ảnh của thị giác, hình ảnh thính giác, hình ảnh xúc giác. Tác phẩm không cố định trong cấu trúc văn bản, mà tác phẩm là một quá trình. Nó là kết tinh của một cái gì trước đó, và sẽ gây tác dụng sau đó. Tác phẩm văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan và phải thông qua chủ quan nhà văn. Nhưng với hiện thực khách quan và chủ quan nhà văn, tác phẩm không khi nào phản ánh và biểu hiện một cách trực tuyến, mà phải dựa trên một di sản văn hoá nhất định của dân tộc và nhân loại. Ở cấp độ thứ nhất: tư tưởng - hình tượng, Hàn Mặc Tử đã sử dụng nhiều biểu tượng siêu mẫu của Thiên Chuá giáo, điển tích trong Kinh Thánh, thi liệu Á Đông... Chính bởi thế, Hàn đã nâng thơ mình lên một tầm khái quát mang tính nhân loại. Về cấp độ hình tượng của bài thơ này, nhìn toàn thể cấu trúc, chúng tôi cho rằng có thể chia thành ba lớp hình tượng: Thứ nhất, hình tượng siêu trần, bao gồm: ĐứcMẹ AveMaria, Sứ Thần Thiên Chúa Gabrien. Hình tượng Đức Mẹ Maria được gọi bằng những tên khác nhau, cùng một ý niệm thành kính: “Đấng tinh tuyền thánh vẹn”, “Thánh Nữ”, “Mẹ Sầu Bi”, được tôn sùng: “Bà” (tấu lạy Bà). Thứ hai, hình tượng môi giới: nhà thơ (tự xưng cái Tôi cá thể: “tôi”). Thi nhân, theo quan niệm của Hàn Mặc Tử và các thi sĩ lãng mạn: đây là “kẻ môi giới giữa Thiên Đàng và Trần thế”, Hàn Mặc Tử coi mình là “Thánh thể kết tinh”. Ở một chỗ khác, Hàn Mặc Tử phát biểu, nhà thơ “là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch” (Quan niệm thơ). Thứ ba, hình tượng vật thể tôn linh: chúng tôi cho rằng lớp hình tượng thứ ba này là các biểu tượng sau: “bút”, “châu ngọc”, “Ngọc như ý”, “hoa hương”, “tràng hạt”, “cây bạch lạp”. Lớp hình tượng này đi kèm với các động thái tôn giáo của chủ thể sáng tạo: “Bút tôi reo như châu ngọc đền vua”, “Để ca tụng, bằng hoa hương sáng láng. Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng”, “Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp”... Những vật thể này mang màu sắc tín ngưỡng như đang đặt trong 47 Nguyễn Thị Thúy Hạnh một nghi lễ của Thiên Chúa giáo. Ba lớp hình tượng này chảy dọc tác phẩm, đan cài vào nhau, tạo thành một bầu khí quyển tôn giáo. Hình tượng siêu trần Hình tượng môi giới Hình tượng vật thể tôn linh - Ave Maria - Tôi (ngôi thứ nhất: nhà thơ) - Bút - Bà (ngôi thứ hai tôn xưng) - Thánh thể kết tinh - Châu ngọc - Đấng trinh tuyền thánh vẹn - Ngọc như ý - Hoa hương - Thánh Nữ - Tràng hạt - Sứ Thần Gabrien - Bạch lạp - Phượng Trì Đi sâu vào việc giải mã văn hoá của các hình tượng, có thể thấy, bài thơ của Hàn Mặc Tử tôn vinh biểu tượng Đức Mẹ Maria như một Đấng cứu rỗi cho thân phận thơ ca của mình trên cây thập giá đời. Ở lớp hình tượng thứ nhất, biểu tượng Đức Mẹ trong Thiên Chúa giáo gắn với một điển tích Kinh Thánh được Hàn Mặc Tử “nhắc lại” trong bài: Đó là điển tích Sứ thần Thiên Chúa Gabrien xuống trần để truyền tin mừng cho Thánh nữ Maria ở thành Nagaret xứ Galilê, báo tin cho rằng cô là “người đầy ân phúc” vì sẽ mang thai Thiên Chúa – “con đấng tối cao”. Hàn Mặc Tử là cá nhân của lòng sùng kính Đức Mẹ Maria, điều này thể hiện rõ trong những bài thơ sáng tác theo hứng cảm về Đức Mẹ Maria. Như trong Thánh nữ Đồng trinh có câu: “Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng”, còn Ave Maria - bài thơ bắt đầu với một thị kiến Thánh kinh học về ân sủng, sùng kính Đức Mẹ Maria và kết thúc với một bản tuyên xưng đức tin và đức cậy. Lớp hình tượng thứ hai là hình tượng môi giới – hình tượng của chủ thể sáng tạo là thi nhân. Đối với Hàn Mặc Tử, tôn giáo là nguồn ánh sáng để nhà thơ tinh luyện tạo nên màu sắc lộng lẫy cho thơ mình. Thơ là giải thoát tạm thời của Đau thương. Trong khi chờ đợi, Đạo là cứu rỗi miên viễn. Nếu Gái quê, là thế giới chờ đợi Điềm lạ, chờ đợi Chúa ra đời thì Đau thương là một tâm hồn mong mỏi ngày Chúa trở lại. Hàn Mặc Tử quan niệm thơ là hứng cảm huyền bí, những rung động của lình hồn nhà thơ tiếp xúc với màu nhiệm thánh thể: “Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí Tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng”. Bằng tình yêu Thiên Chúa, đức cậy trông, đức tin, nhà thơ như một sứ vụ tông đồ dùng thơ để sống trọn vẹn tín lí của mình. Thứ ba là hình tượng vật thể tôn linh, hệ hình tượng này bao gồm: “châu ngọc” (châu báu), “bút”, “châu ngọc”, “ngọc Như ý”, “hoa hương”, “tràng hạt”, “cây bạch lạp”...Những hình tượng này cũng được bao bọc trong khói hương tôn giáo nên có khí vị thiêng liêng cảm động vô ngần. Khó có thể tưởng tượng được đấy lại là những hình ảnh oà vỡ từ thân xác đau thương, từ “cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế” của Hàn Mặc Tử. Những hình tượng này tựa như công cụ để thực hiện các nghi lễ tôn giáo, trong đó, làm thơ cũng là một động thái tôn giáo thể hiện niềm kính tín. Hình tượng “Phượng Trì” ở đoạn thơ cuối cũng có thể xem như thuộc về hệ thống trên, tuy nhiên ý nghĩa của nó được đẩy lên mức độ biểu tượng văn hoá. Biểu tượng “Phượng Trì”, theo Thiên Chúa giáo, “Phượng Trì” tức chim phượng hoàng: “Chim phượng hoàng đã được lấy làm biểu trưng cho việc Chúa Kitô phục sinh và đôi khi cho sự phục sinh của bản chất thánh thần của Ngài – bản chất con người đã được thể hiện bằng hình tượng chim bồ nông” [1;744]. “Chim phượng là biểu tượng của phục sinh có thể đến với người chết sau khi đã cân linh hồn, nếu như khi sống người đó đã hiến dâng đúng mức cho các nghi lễ và nếu như lời sám hối thú tội, đã được xét là thành khẩn. Bản thân người chết sẽ hoá thành chim phượng. Chim phượng thường mang một 48 Phân tích tác phẩm Ave Maria của Hàn Mặc Tử từ góc độ cấu trúc ngôi sao để chỉ rõ bản chất huyền diệu và cảnh sống trong thế giới bên kia”. “Tư tưởng Latinh của phương Tây kế thừa biểu tượng về chim phượng, loài chim huyền thoại mà mẫu gốc là con chim Bennou, có một uy thế thần kỳ do những đặc điểm riêng. Đối với các tín đồ đạo Kytô, kể từ Origène, chim phượng được coi là giống chim thiêng và là biểu tượng của một ý chí sống còn không thể hồ nghi, và cũng của sự phục sinh, của sự sống chiến thắng cái chết” [1;745]. Hình ảnh chim Phượng Hoàng đã trở thành một biểu tượng trở lại nhiều lần trong thơ Hàn Mặc Tử (Phan Thiết! Phan Thiết!), hoàn toàn có ý nghĩa tượng trưng như trên của Thiên Chúa giáo. Ở trên, chúng tôi đã phân tích bài thơ trên cấp độ thứ nhất – cấp độ hình tượng – tư tưởng. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm hiểu tác phẩm này ở cấp độ thứ hai, tầng giữa - phong cách. Cấp độ này bao gồm hai bậc: thứ nhất, ngữ vựng, tức là từ ngữ được phân tích một cách riêng rẽ (mà trước hết là từ ngữ trong nghĩa bóng, là phép chuyển nghĩa); thứ hai, cú pháp, tức là từ ngữ được xem xét trong sự sắp xếp, kết hợp của chúng. Đi sâu vào cấp độ ngữ vựng, một số từ ngữ tưởng chừng được đặt ngẫu nhiên, thực ra lại hết sức đa nghĩa. Một số từ ngữ mang ý nghĩa thần học, như bộ lông vàng óng ánh của chim phượng gợi nhớ áo choàng kim tuyến của vị công chúa trong Thánh vịnh số 44, câu 14, qua đó Thánh nữ Đồng trinh được tôn vinh: Trong trang phục toàn thân đầy vinh hiển Công chúa đến, phủ áo choàng kim tuyến. Một số từ ngữ thuộc Kinh điển Phật giáo đã đi vào ngôn ngữ thông dụng. Từ ngữ “Ba ngàn thế giới” (“Chiếu cùng khắp hết ba ngàn thế giới”) dùng trong bài Ave Maria và nhiều từ ngữ khác gốc Phật giáo được dùng theo mục đích thuần tuý văn chương, không hề mâu thuẫn với văn hóa Công giáo. Có thể thấy, từ ngữ trong Ave Maria của Hàn Mặc Tử hầu như đều mang ý nghĩa biểu tượng, có vai trò như những mã văn hoá cần giải, nếu muốn hiểu được bài thơ. Những biểu tượng thơ Hàn Mặc Tử, bên cạnh nhóm biểu tượng huyền ảo, ma quái, siêu thực (như Trăng, Hồn, Máu...) là những biểu tượng, hình ảnh hết sức trong trẻo, nên thơ, gợi nhớ về một “Thiên đường đã mất”. Chất thơ Hàn Mặc Tử là sự giao nhập giữa hai yếu tố trên trong “trùng vây của những biểu tượng”. Theo Hegel biểu tượng nằm giữa trực giác bình thường và tư duy với tính chất tư duy. Jean Moréas cho rằng: “thơ biểu tượng cố đem lọc ý tưởng bằng một ngoại thể khả giác, ngoại thể đó tuy không phải là mục đích thơ nhưng dùng để phô bày ý tưởng mà vẫn giữ tính cách chủ yếu”. Baudelaire và những thi sĩ phái tượng trưng nhận thức rằng biểu tượng có sức mạnh để lôi cuốn bạn đọc vào trong ý thức của thi sĩ, cái gọi là tiềm thức. Friedrich Schleiermarcher với trường phái Thông diễn học (Hermeneutics) lại phân biệt hai loại giải thích là ngôn ngữ và tâm lí. Giải thích một văn bản, trong đó có văn bản tác phẩm văn học, cố nhiên phải giải thích ngôn ngữ, bao gồm ngữ pháp, phép tu từ của nó, nhưng trên cơ sở đó phải tiến hành giải thích về tâm lí chứa đựng trong văn bản đó. Xét từ hai yếu tố ngôn ngữ và tâm lí có thể nói bài thơ Ave Maria của Hàn Mặc Tử là sự tham chiếu giữa vũ trụ của ngôn từ (the universe of discourse) và ảo ảnh tôn giáo (religious illusion). Hàn Mặc Tử lấy cảm hứng từ Công giáo – nguồn cảm xúc hướng thượng, để sáng thế một ngôn ngữ thơ có sức ám gợi huyền nhiệm. Không gian bài thơ là cõi cao cả “thiên triều”, đầy hương hoa, nhạc và ánh sáng. Có thể nhìn thấy ở đây dấu ấn tư duy triết học về tính thống nhất của vũ trụ (philosophy of universal unity). Khái niệm thống nhất vũ trụ được thể hiện trong các tác phẩm của Jakob Boehme (thế kỉ XVII) và Schelling, vũ trụ thống nhất được lí giải như là một sự thống nhất mọi mặt của vũ trụ, sự thống nhất giữa Chúa và thế giới, giữa Chúa và con người. Ở cấp độ thứ ba, tầng dưới, ngữ âm, âm thanh: Thứ nhất, đó là các hiện tượng thuộc câu 49 Nguyễn Thị Thúy Hạnh thơ, như âm điệu, nhịp điệu, vần điệu, khổ thơ; Thứ hai, đó là những hiện tượng thuần tuý thuộc về âm luật – láy thanh, láy vần... Theo Iu. Lôtman, nền tảng của cấu trúc câu thơ là sự láy đi láy lại. Câu thơ được xây dựng trên các lặp lạ thuộc các típ rất khác nhau: láy các đơn vị âm vần thông qua các cách nhịp chuẩn (nhịp điệu), láy các đồng âm ở cuối mỗi đơn vị nhịp điệu (vần điệu), láy các âm tiếng nhất định trong văn bản (thanh âm). Nghiên cứu văn bản ở đơn vị câu, có thể xét ở các góc độ: câu thơ như một tổng thể giai điệu, câu thơ như một tổng thể ngữ nghĩa, các thuộc tính cấu trúc của câu thơ trên cấp độ ngữ nghĩa – từ vựng, năng lượng của câu thơ... Trước hết, có thể cảm nhận nhịp điệu bài thơ giống như một bài kinh. Những lặp lại thuộc ngữ pháp trong văn bản thơ dễ nhận thấy như các đoạn điệp khúc: Cách lặp cụm từ phép láy từ bắt đầu bằng phụ âm “r”: “run như run”: Run như run thần tử thấy long nhan Run như run hơi thở chạm tơ vàng. Cách lặp cấu trúc kiểu lời kinh bắt đầu bằng “cả và”, “và”: Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí Và trong tay nắm một nạm hào quang. Cách lặp cấu trúc khiến lời thơ náo nức nhịp điệu, gợi ta nhớ đến bức tranh tôn giáo Tin mừng của Raphaen thời Trung đại, hay giai điệu của các bài hát trong buổi kinh cầu: Người có nghe xôn xao muôn tinh tú Người có nghe náo động cả muôn trời Người có nghe thơ màu nhiệm ra đời. Hay lặp bằng cách cấu tạo câu thơ vắt dòng: Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng. Lặp một kiểu cấu trúc qua nhiều câu, qua đó có thể hình dung động thái trữ tình của nhà thơ như đang cầu nguyện (cùng với câu có yếu tố lặp: “Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước”): Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp Cho sốt sắng cho đê mê nguyện ước (. . . ) Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm Cho vỡ lở cả muôn nghìn tinh đẩu Cho đê mê âm nhạc và thanh hương. Cách lặp lại một danh từ, khiến hình tượng như bay lên ở cuối bài: Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì, Phượng Trì. “Như song lộc triều nguyên ơn phước cả” là lời chúc tụng Hàn Mặc Tử dùng để thay thế lời sứ thần Gabriel khi xuống truyền tin cho Thánh nữ: “Kính mừng bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà”. Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử khác hẳn với bài Dâng một Đức Mẹ của S. Bôđơler, nhà thơ tôn vinh người tình của mình như Đức Mẹ, và trước người tình, bộc lộ tất cả phẫn uất của mình đối với cuộc đời, hoàn toàn không mang lòng kính tín tôn giáo; cũng khác với trong bài Lời nguyện cầu (1829) của Lermontov - chủ thể sáng tạo hướng đến Thượng đế, nhưng cũng không đi với một niềm xác tín tôn giáo. Hàn Mặc Tử có lẽ gần với Paul Claudel hơn. Claude tìm đến thơ như một phương thức giúp vượt qua những giằng xé của con người, có khả năng dẫn tới Cứu rỗi. Hình thức thơ Claude dùng cũng lại là verset do chính nhà thơ định nghĩa. Verset láy những từ nối, đầu câu, phần điệp lại. . . chính là trạng thái tu từ của các tiết tấu thế giới: hơi thở, vận động của thiên nhiên, cả của niềm nhiệt thành thần bí. Hàn Mặc Tử tin vào tôn giáo như tin vào thiên chức thi nhân của mình và sức mạnh kỳ diệu của thơ ca. Thơ có khả năng “thượng thanh khí hoá” tâm 50 Phân tích tác phẩm Ave Maria của Hàn Mặc Tử từ góc độ cấu trúc hồn con người, thơ hoài thai từ giấc mơ của vô thức, sự phiêu lưu trong cõi tâm linh. 3. Kết luận Oan Uýt Man cho rằng thi hào là người “dù không một xu dính túi vẫn có thể mua được tinh hoa trái đất”. Hàn Mặc Tử - một hồn thơ trinh tuyền và thanh thượng, một phong cách độc đáo với tư duy tôn giáo dung hợp với tư duy thơ, thi sĩ đã vượt lên trên sự đày ải thân phận để sống cho thơ và bằng thơ ca. Người chứng minh được nhận định đầy tính tôn vinh của ông tổ trường phái Phân Tâm học hiện đại: “Nghệ thuật là lĩnh vực duy nhất trong đó sức mạnh toàn năng của các ý tưởng được duy trì cho đến tận thời đại chúng ta... Thật có lí khi người ta nói về sự thần diệu của nghệ thuật và nghệ sĩ được ví như người có ma thuật” (Simurd Freud). Qua việc phân tích tác phẩm Ave Maria của Hàn Mặc Tử, chúng tôi ngõ hầu thu nhận được các cách tiếp cận văn bản của những trường phái nghiên cứu phê bình hiện đại đầu thế kỉ XX. Cách nghiên cứu này cho thấy triển vọng của nó trong thời đại toàn cầu hoá về mặt văn hoá, liên văn hoá, liên văn học (interliterary) ngày nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Jean Chevalier, 1997. Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới. Nxb Văn hoá Thông tin. [2] Nguyễn Hoàng Đức, 2000. Cẩm nang mĩ học nghệ thuật thơ ca phê bình. Nxb Văn hoá Dân tộc. [3] M.L. Gasparov, 2007. “Trên đầu tôi lại những đám mây đen. . . ” - Phương pháp phân tích, La Khắc Hòa dịch. Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 11/2007, tr.63-78. [4] Nhiều tác giả, 2000. Sự gặp gỡ của Đông phương và Tây phương trong ngôn ngữ văn chương. Nxb Văn học, Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây. [5] Phương Lựu, 1999. Mười trường phái lí luận phê bình văn học phương Tây đương đại. Nxb Giáo dục. [6] Phương Lựu, 2005. Phương pháp luận nghiên cứu văn học. Nxb Đại học Sư phạm. [7] Mel Thomson, 2004. Triết học tôn giáo. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. ABSTRACT Analyzing Ave Maria from aspect of structure From 19th century to 20th century, various theories and schools of modern literary criticism such as symbolism, surrealism, structuralism, psychoanalysis, hermeneutics were born ... Along with the unilateral expression of of this school, there should be a refinery of its reasonable element for analyzing literary works. In this paper, we apply the method of text analysis following a research school of Lu Lotman’s architecture in analyzing Han Mac Tu’s poem Ave Maria. Besides, we have related to the viewpoints of the other schools, to have a profound and comprehensive sight of his work. Keywords: Theory and school of literary criticism, literary works, structuralism, Han Mac Tu. 51

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3199_ntthanh_5889_2193032.pdf
Tài liệu liên quan