Tài liệu Những ý kiến về nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam từ phân tích kinh nghiệm của một số nước: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0029
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 3, pp. 72-80
This paper is available online at
NHỮNG Ý KIẾN VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO
GIÁO VIÊN DẠY TOÁN BẰNG TIẾNG ANH Ở VIỆT NAM
TỪ PHÂN TÍCH KINH NGHIỆM CỦAMỘT SỐ NƯỚC
Nguyễn Chiến Thắng
Khoa Sư phạm Toán học, Trường Đại học Vinh
Tóm tắt. Trong bài báo này, chúng tôi tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước về dạy học
môn toán ở trường phổ thông bằng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai và về việc đào tạo
giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh. Chúng tôi cũng đề cập đến một số chuyển biến đáng
chú ý về vấn đề này ở Việt Nam trong những năm gần đây. Từ đó rút ra một số ý kiến về
nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam.
Từ khóa: Giáo viên, môn toán, tiếng Anh, kinh nghiệm, đào tạo, hội nhập.
1. Mở đầu
Nhu cầu dạy học toán và khoa học bằng tiếng Anh ở Việt Nam đã được thể hiện thông qua
Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng ...
9 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 353 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những ý kiến về nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam từ phân tích kinh nghiệm của một số nước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1075.2016-0029
Educational Sci., 2016, Vol. 61, No. 3, pp. 72-80
This paper is available online at
NHỮNG Ý KIẾN VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO
GIÁO VIÊN DẠY TOÁN BẰNG TIẾNG ANH Ở VIỆT NAM
TỪ PHÂN TÍCH KINH NGHIỆM CỦAMỘT SỐ NƯỚC
Nguyễn Chiến Thắng
Khoa Sư phạm Toán học, Trường Đại học Vinh
Tóm tắt. Trong bài báo này, chúng tôi tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước về dạy học
môn toán ở trường phổ thông bằng tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai và về việc đào tạo
giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh. Chúng tôi cũng đề cập đến một số chuyển biến đáng
chú ý về vấn đề này ở Việt Nam trong những năm gần đây. Từ đó rút ra một số ý kiến về
nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam.
Từ khóa: Giáo viên, môn toán, tiếng Anh, kinh nghiệm, đào tạo, hội nhập.
1. Mở đầu
Nhu cầu dạy học toán và khoa học bằng tiếng Anh ở Việt Nam đã được thể hiện thông qua
Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê
duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020". Mục
tiêu của Đề án này là đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và
đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong
môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. đào tạo được các giáo viên có thể dạy môn chuyên
ngành bằng tiếng Anh. Giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn quan trọng với các nhiệm vụ như bồi
dưỡng giáo viên ngoại ngữ, cung cấp trang thiết bị cho các trường, tiến hành dạy tiếng Anh cho
các ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, du lịch, kinh doanh tại một số trường đại
học trọng điểm. Dạy toán và một số môn khoa học bằng tiếng Anh ở một số trường trung học phổ
thông và dạy một phần các môn học ở năm cuối đại học bằng tiếng Anh. Nhằm góp phần thực
hiện mục tiêu này, đã có một số công trình nghiên cứu ở trong nước, chẳng hạn như [5, 7, 13, 14,
16],. . . đã chỉ ra sự cần thiết của việc dạy học toán bằng tiếng Anh trong bối cảnh hiện nay, thực
trạng đội ngũ giáo viên toán ở các trường phổ thông hiện nay trong việc thực hiện kiểu dạy học
mới mẻ này và đề xuất các giải pháp trong đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh. Tuy nhiên,
hướng nghiên cứu về những khó khăn, thách thức cũng như kinh nghiệm trong đào tạo giáo viên
toán bằng tiếng Anh ở các nước trên thế giới là rất cần thiết nhưng cho đến nay chưa được thể hiện
một cách chính thức, đầy đủ trong các công trình khoa học giáo dục ở Việt Nam.
Việc dạy học toán cho người sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh trong học tập là một vấn đề được
quan tâm nghiên cứu ở cả những nước mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ cũng như ở các
nước mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Theo [6], các nghiên cứu liên quan đến vai trò quốc tế của tiếng
Ngày nhận bài: 9/2/2016. Ngày nhận đăng: 10/4/2016.
Liên hệ: Nguyễn Chiến Thắng, e-mail: ncthang2009@gmail.com
72
Những ý kiến về nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam...
Anh thường trích dẫn tác phẩm hàng đầu của Kachru (1985, 1986), trong đó ông đã trình bày ba
mô hình đường tròn về tiếng Anh: Đường tròn hạt nhân bao gồm phần lớn các nước nói tiếng Anh
bản địa (như Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Mỹ và Anh), Đường tròn bên ngoài gồm các nước mà tiếng
Anh được sử dụng như một ngôn ngữ thứ hai và/hoặc là ngôn ngữ quốc gia chính thức (nhiều nước
thuộc lớp này vốn là thuộc địa của Anh như Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Ấn Độ, hay thuộc địa của
Mỹ như Phi-líp-pin), Đường tròn mở rộng gồm các quốc gia sử dụng tiếng Anh như một ngoại
ngữ (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Ở những nước nói tiếng Anh như nước Mỹ,
trong một lớp đa ngôn ngữ xuất hiện vấn đề là làm sao để các học sinh không nói tiếng Anh như
tiếng mẹ đẻ có thể tham gia đầy đủ và hiệu quả vào các hoạt động toán học với các học sinh còn
lại (những người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ); vấn đề này đã được nghiên cứu, trình bày trong
nhiều công trình của các nhà giáo dục thế giới, chẳng hạn như các công trình [1, 3, 9, 10, 11, 15],...
Ở những nước mà tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai như Ma-lai-xi-a, việc dạy toán bằng tiếng Anh
đã được nghiên cứu và đã có những kinh nghiệm nhất định, chẳng hạn như các kết quả nghiên cứu
trong [4, 12],... Với các nước mà tiếng Anh là ngoại ngữ như Hàn Quốc, các chương trình dạy học
tích hợp nội dung môn học và ngoại ngữ có mục đích kép là thúc đẩy cả sự thành thạo tiếng Anh
lẫn việc học kiến thức môn học, trong đó có toán học. Ở trường hợp thứ ba này, vấn đề về tính hiệu
của việc phân bố kiến thức môn học trong ngữ cảnh sử dụng tiếng Anh làm phương tiện chỉ dẫn
đã được quan tâm nghiên cứu, chẳng hạn [8].
Chính vì vậy, trong bài báo này, chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước
Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a và Mỹ cũng như thực tiễn vấn đề đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng
Anh ở nước ta, từ đó rút ra một số ý kiến nhằm góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy
toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vấn đề dạy học toán cho người học ngoại ngữ tiếng Anh ở một số nước trên
thế giới
2.1.1. Vấn đề dạy học tích hợp nội dung môn học và ngoại ngữ ở Hàn Quốc
Hàn Quốc nằm trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất trong giáo dục ngoại ngữ tiếng Anh
nhằm giúp công dân nước mình nâng cao mức độ cạnh tranh trong khu vực châu Á. Thậm chí có
những sáng kiến chuyển Hàn Quốc từ một quốc gia thuộc Đường tròn mở rộng thành một quốc gia
thuộc Đường tròn bên ngoài về tiếng Anh, nâng vị thế tiếng Anh từ một ngoại ngữ thành ngôn ngữ
thứ hai. Cũng ở tâm thế như vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh học tập tiếng Anh thông qua hệ thống
giáo dục của mình. Tiếng Anh vẫn còn là một ngoại ngữ ở Việt Nam nhưng vị thế của nó đang lên
một cách nhanh chóng với một chính sách đầy tham vọng của chính phủ là làm cho tiếng Anh trở
thành bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2020. Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020,
huy động nguồn lực từ cả phía chính phủ lẫn phi chính phủ để thúc đẩy giáo dục ngoại ngữ tiếng
Anh ở tất cả các cấp. Bên cạnh sự tương đồng nêu trên, giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn có sự
khác biệt về cách tiếp cận tiếng Anh, điều này thể hiện ở chỗ Hàn Quốc tuy không phải là thuộc
địa cũ của bất kì quốc gia phương Tây nói tiếng Anh nào, nhưng nước này có mối quan hệ gần gũi
với Mỹ thông qua sự phụ thuộc về quân sự. Sự phụ thuộc này đã và đang mở rộng đến tất cả các
lĩnh vực của xã hội, trong số đó thì các chính sách về tiếng Anh chuyên nghiệp được tin là sẽ làm
sâu sắc thêm sự phụ thuộc đó và nâng cao nội lực cũng như vị thế quốc tế của họ tại cùng một
thời điểm (dựa theo [6]). Qua sự phân tích trên có thể thấy rằng, một mặt Việt Nam có thể học hỏi
cách vận dụng tiếng Anh trong dạy học môn chuyên ngành nói chung, toán học nói riêng của Hàn
Quốc, nhưng mặt khác chúng ta cũng cần tìm những hướng đi phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Theo [8], các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng tính hiệu quả của việc dạy học tích hợp nội dung
73
Nguyễn Chiến Thắng
môn học và ngoại ngữ có thể liên quan đến bối cảnh học ngoại ngữ hay khoảng cách về mặt loại
hình giữa tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Hàn Quốc và Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á khác đều
giống nhau về hai yếu tố này. Kim và Ko (2008) phát biểu rằng đối với sự thành công của việc học
tập tích hợp nội dung môn học và ngoại ngữ, mà ở đó học sinh lĩnh hội được tiếng Anh một cách
tự nhiên thông qua việc học nội dung môn học chuyên ngành và thành công trong việc gia tăng
kiến thức môn học, thì chất lượng giáo viên, sự thành thạo ngôn ngữ của học sinh và sự hỗ trợ về
mặt thể chế, môi trường là những đòi hỏi rất lớn. Nói riêng thì việc giảng bài của giáo viên chiếm
đến 72% trong toàn bộ thời lượng của tiết học, chất lượng của việc giảng bài này có thể là nhân
tố quyết định đến sự thành công của học sinh trong việc hiểu kiến thức nội dung môn học. Đặc
biệt, trong bối cảnh học ngoại ngữ tiếng Anh như Hàn Quốc, mà ở đó sự thành thạo ngoại ngữ của
học sinh cũng như mức độ phổ biến của ngoại ngữ chính là tương đối thấp, thì những cố gắng do
giáo viên tạo ra đối với bài giảng giải của mình để giúp học sinh dễ dàng trong việc hiểu các khái
niệm và nguyên lí trừu tượng ở các lớp chuyên ngành như toán và khoa học là rất cấp thiết. Điều
này cũng có thể tạo ra những gợi ý cho sự phát triển nghề nghiệp đối với việc dạy học tích hợp nội
dung môn học và ngoại ngữ. Cụ thể là, trong bài giảng giải của giáo viên thì việc bắc giàn giáo và
kích thích khám phá thông qua đối thoại có một vai trò quan trọng. Vì vậy, việc giảng bài của giáo
viên cần khuyến khích học sinh tham gia vào các cuộc thảo luận và cần trang bị thêm cho họ ngôn
ngữ riêng của môn học sử dụng được ở mức độ đàm thoại cũng như các kĩ thuật khám phá tri thức.
2.1.2. Vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong dạy học toán ở Ma-lai-xi-a
Hệ thống giáo dục phổ thông được chia thành bốn bậc: Tiểu học (Từ lớp 1 đến lớp 6), Trung
học cơ sở (Từ lớp 7 đến lớp 9), Trung học phổ thông (Lớp 10 và 11) và Dự bị đại học (Lớp 12 và
13). Ở bậc tiểu học, vì đặc điểm đa dân tộc của người Ma-lai-xi-a nên có ba lựa chọn trường tiểu
học tùy theo ngôn ngữ giảng dạy. Đó là: (a) Trường công lập sử dụng tiếng Mã Lai; (b) Trường
kiểu công lập sử dụng tiếng Hoa; (c) Trường kiểu công lập sử dụng tiếng Tamil. Ở bậc trung học
cơ sở, tất cả các trường được giảng dạy với một ngôn ngữ chung - tiếng Mã Lai - ngôn ngữ quốc
gia Ma-lai-xi-a.
Toán học là môn học bắt buộc trong chương trình phổ thông của Ma-lai-xi-a, nhưng ở lớp
12 nó là môn tự chọn. Trước năm 1981, toán học được dạy bằng tiếng Anh cho đến lớp 11. Ở
Ma-lai-xi-a, giữa các năm 1981 và 2003, ngôn ngữ quốc gia (tiếng Mã Lai) là ngôn ngữ giảng dạy
trong hầu hết các lớp toán từ lớp 1 đến lớp 11. Tuy nhiên, vào tháng giêng năm 2003, chính phủ
Ma-lai-xi-a đã ra một quyết định táo bạo là chuyển ngôn ngữ giảng dạy toán và khoa học sang tiếng
Anh. Chính sách mới này được thực hiện trong các giai đoạn liên tiếp nhau, bắt đầu với Lớp 1, Lớp
7 và Lớp 11 vào năm 2003, sau đó là cho mọi cấp học vào năm 2008. Theo Rusnani (2003), cơ sở
ban đầu thúc đẩy sự chuyển hướng trong phương tiện chỉ dẫn đối với dạy học toán ở Ma-lai-xi-a là
sự sụt giảm toàn diện về sự thông thạo ngoại ngữ tiếng Anh của học sinh. Vì tiếng Anh đóng vai
trò quan trọng trong việc đáp ứng các thách thức của toàn cầu hoá và sự bùng nổ thông tin nên Bộ
Giáo dục muốn cải thiện sự thành thạo tiếng Anh của học sinh ở cả bậc phổ thông lẫn cao đẳng,
đại học. Để nâng cao sự thông thạo ngoại ngữ tiếng Anh của học sinh, năm phương án khả dĩ đã
được đề xuất, đó là: (a) quay trở lại mô hình các trường sử dụng tiếng Anh làm phương tiện; (b) sử
dụng ngoại ngữ tiếng Anh như một công cụ học tập; (c) nâng cao việc dạy học tiếng Anh; (d) tăng
thời gian ở trường cho việc dạy tiếng Anh; (e) tạo môi trường hỗ trợ học sinh học tiếng Anh. Sau
nhiều tranh luận thì phương án thứ hai được lựa chọn. Lúc đó, tại sao toán và khoa học lại được
lựa chọn cho sự thay đổi này? Rusnani (2003) và Choong (2004) lập luận rằng toán và khoa học là
các lĩnh vực kiến thức thay đổi cơ động và nhanh chóng nhất, cả hai đều đóng góp có ý nghĩa cho
sự phát triển của đất nước. Hầu hết các tiến bộ trong toán học và khoa học được trình bày trong
các tài liệu được viết bằng tiếng Anh. Choong (2004) khẳng định rằng: “dạy các nội dung trong
các môn khoa học bằng tiếng Anh sẽ thúc đẩy việc lĩnh hội kiến thức khoa học để phát triển thành
74
Những ý kiến về nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam...
một quốc gia mạnh về khoa học vào năm 2020” (tr.2). Bà cũng nói thêm rằng “Vì nguồn nhân lực
được đào tạo cần có đầy đủ cả phẩm chất lẫn kĩ năng, Chính phủ đã ra quyết định dạy toán và khoa
học bằng tiếng Anh” (tr.2). Hơn nữa, việc dịch các tài liệu về sự phát triển khoa học và công nghệ
đang phát triển nhanh chóng sang tiếng Mã Lai là quá khó khăn (Choong, 2004) [4].
Như vậy, cơ sở để dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh bao gồm 4 phát biểu về nhu cầu
sau đây [4]:
- Cải thiện năng lực của học sinh trong việc sử dụng tiếng Anh, vì nó là một ngôn ngữ quốc
tế để lĩnh hội kiến thực và giao tiếp;
- Ngặn chặn sự xuống dốc về sự thông thạo ngoại ngữ tiếng Anh của các học sinh
Ma-lai-xi-a, cả ở trường phổ thông lẫn ở bậc cao đẳng, đại học;
- Trang bị cho thế hệ tương lai một ngoại ngữ mà sẽ giúp họ tiếp cận các tiến bộ và phát
triển mới trong khoa học và công nghệ để đáp ứng những thách thức của toán cầu hoá;
- Giải quyết nhiệm vụ khó khăn gặp phải khi dịch những phát triển công nghệ mới nhất
sang tiếng Mã Lai.
Theo [12], việc thực thi chính sách dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh tạo cho giáo viên
toán và khoa học một sự thay đổi đầy trách nhiệm nhằm đảm bảo cho học sinh của họ có đủ năng
lực hoạt động trong các lĩnh vực môn học này bằng tiếng Anh. Vai trò của giáo viên trong việc
quyết định sự phát triển của chính sách mà họ có thể thực hiện đã được phát biểu rõ ràng khi Little
(1999) giải thích rằng sự tiến triển của các đổi mới giáo dục cốt yếu dựa vào các cách thức phát
triển năng lực của giáo viên. Để giáo viên chuyển hướng thành công sang các mong muốn của
chính sách này đòi hỏi ở họ kiến thức và niềm tin cũng như việc thực hành dạy học. Dựa vào các
điều tra thực tiễn của sự thay đổi giáo dục ở Canada, Anh và Mỹ, Fullan và Hargreaves (1992)
đã kết luận rằng sự phát triển giáo viên là trung tâm đối với sự thay đổi thành công. Những sự
chuyển đổi này và việc học mà giáo viên yêu cầu không thể xảy ra nếu không có sự hỗ trợ và
hướng dẫn (Putnam and Borko, 1997). Để đảm bảo thực hiện thành công đổi mới giáo dục, chính
phủ Malaysia đã cung cấp sự hỗ trợ thoả đáng cho việc phát triển nghiệp vụ của giáo viên. Như là
bước đầu tiên trong việc thực hiện chính sách này, Bộ Giáo dục tổ chức khoá học phát triển nghiệp
vụ cho giáo viên dạy toán và khoa học, được biết đến như là Tiếng Anh cho việc dạy toán và khoa
học (ETeMS). Tuy nhiên, trọng tâm của khoá học không phải là nội dung môn học nên được phân
bố bằng tiếng Anh như thế nào mà quan trọng hơn là nó có thể phát triển các kĩ năng ngôn ngữ cần
thiết cho dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh (Bộ Giáo dục, 2004). Những giáo viên này được
yêu cầu tham dự khoá đào tạo về việc sử dụng các phần mềm dạy học hoặc các công nghệ khác
được cung cấp bởi Bộ. Hơn 50.000 giáo viên dạy toán và khoa học đã trải qua việc đào tạo chương
trình và được trang bị tài liệu chương trình như sách giáo khoa, sách giáo viên và các tài liệu bổ trợ
khác để giúp họ. Tất cả các giáo viên dạy toán và khoa học cũng được trang bị một máy tính xách
tay và LCD bởi chính phủ để khuyến khích sử dụng đa truyền thông trong việc dạy học của họ.
Một sự khích lệ về mặt tài chính (5% lương mỗi tháng) được chu cấp cho các giáo viên dạy toán và
khoa học để thúc đẩy họ sử dụng tiếng Anh trong dạy học. Cũng giống như hầu hết các hoạt động
bồi dưỡng cho giáo viên, chương trình ETeMS là một sự kiện nhất thời hơn là các trải nghiệm học
tập liên tục. Ý kiến chung trong số những giáo viên dạy toán và khoa học này là nó không thực
sự hiệu quả xét về góc độ nâng cao sự thông thạo ngoại ngữ của họ (Tan và Ong, 2007). Sự thành
công của những nỗ lực đổi mới giáo dục phụ thuộc vào việc tạo ra các cơ hội cho việc học tập liên
tục của giáo viên và cung cấp các nguồn phát triển nghiệp vụ thích hợp để hỗ trợ các cơ hội này
(Cohen và Ball, 1990; Darling-Hammond, 1990).
75
Nguyễn Chiến Thắng
2.1.3. Vấn đề dạy học toán trong các lớp đa ngôn ngữ ở Mỹ
Bresser, Melanese và Sphar (2009) cho rằng giao tiếp về các ý tưởng toán học là rất quan
trọng đối với cả giáo viên và học sinh, và chính điều đó mà sự bất bình đẳng đối với những học
sinh học ngoại ngữ tiếng Anh trong lớp học toán tăng lên (theo [3]). Nếu như các chỉ dẫn và các
mô hình giao tiếp toán học được thực hiện bằng tiếng Anh thì những học sinh học ngoại ngữ tiếng
Anh trong lớp sẽ không có được sự tiếp cận ngang bằng đối với các cuộc thảo luận trừ khi giáo viên
cung cấp thêm sự hỗ trợ. Nguyên tắc công bằng trong trong Các nguyên tắc và Các chuẩn trong
lớp học toán (NCTM 2000) quy định rằng tất cả học sinh, không phân biệt đặc điểm cá nhân, lai
lịch, thể chất, phải có cơ hội được học và nghiên cứu toán. Tính công bằng trong học toán không
đơn giản chỉ là mọi học sinh đều nhận các bài học toán như nhau mà điều quan trọng là những
học sinh học ngoại ngữ tiếng Anh xứng đáng có cơ hội thành công như những bạn cùng lớp được
học tiếng Anh từ bé. Các giáo viên ở Mỹ không thể cho rằng học sinh của mình sẽ sử dụng tiếng
Anh như ngôn ngữ sơ cấp của chúng, cũng như không thể giả vờ xem chúng sẽ thông thạo tiếng
Anh để tham gia đầy đủ vào lớp học như những học sinh nói tiếng Anh bản địa (Khisty, 2001). Số
lượng học sinh với tư cách là người học ngoại ngữ tiếng Anh đang phát triển và hiện nay con số
có xu hướng vào các lớp học đang tăng lên (Costa, McPhail, Smith, và Brisk, 2005). Dẫn chứng
là, trong khoảng giữa năm 1979 và 2007, số học sinh ở Mỹ nói một thứ tiếng khác tiếng Anh ở
nhà đã tăng từ 9% lên 20% (theo [11]). Theo [3], có xấp xỉ 5 triệu người học ngoại ngữ tiếng Anh
thi vào các trường công lập ở Mỹ (số liệu năm 2007). Điều đó có nghĩa là hơn 10% số học sinh
đến trường. Và mỗi năm, tỉ lệ người học ngoại ngữ tiếng Anh lại tăng lên. Ở một số bang, người
học ngoại ngữ tiếng Anh đại diện một tỉ lệ lớn trong số những học sinh đến trường. Chẳng hạn, ở
California hơn 25% học sinh là người học ngoại ngữ tiếng Anh (khoa Giáo dục California 2006 -
2007). Texas, New York, Florida, Illinois và Arizona cũng có một số lượng học sinh chủ yếu học
tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ hai. Ở một số bang, số học sinh học ngoại ngữ tiếng Anh tương đối
không nhiều nhưng tỉ lệ phần trăm tăng lên trong những năm gần đây là có ý nghĩa. Thách thức
của việc dạy toán cho người học ngoại ngữ tiếng Anh không chỉ nằm ở việc tạo ra các bài học hiểu
được đối với học sinh mà còn trong việc đảm bảo rằng học sinh sử dụng ngoại ngữ mình cần để
hiểu sự chỉ dẫn và biểu thị việc nắm khái niệm toán học của họ bằng cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ
viết. Người học ngoại ngữ tiếng Anh có nhiệm vụ kép là học đồng thời một ngôn ngữ thứ hai và
nội dung môn học. Người học ngoại ngữ tiếng Anh đối mặt với một số chướng ngại thông thường
khi học toán. Một thách thức mà họ đối mặt là không biết hoặc hiểu sai từ vựng, chẳng hạn họ có
thể trở nên nhầm lẫn trong suốt cuộc thảo luận nếu từ vựng toán học có các nghĩa khác nhau trong
ứng dụng hàng ngày như even, odd, function. Chướng ngại thứ hai là với một sự hiểu chưa đầy đủ
cú pháp và ngữ pháp, chẳng hạn, các câu hỏi toán học thường được gắn với ngoại ngữ làm cho bài
toán không rõ ràng và khó hiểu. Xét bài toán sau: “Samuel bought 3 bags of oranges in each bag.
How many oranges đi he buy?” (“Samuel mua 3 túi cam, trong đó mỗi túi đựng 7 quả. Hỏi anh ta
đã mua bao nhiều quả?”). Bài toán bằng lời này sử dụng cả thì quá khứ và thì hiện tại của động
từ bất quy tắc “buy” trong một câu hỏi, điều này có thể gây ra khó khăn cho người học ngoại ngữ
tiếng Anh, phụ thuộc vào sự thông thạo ngoại ngữ tiếng Anh của học sinh.
Bên cạnh sự tiến bộ đã được thực hiện trong 15 năm gần đây nhất với việc các chương trình
bồi dưỡng giáo viên bắt đầu tập trung hơn vào các ngữ cảnh xã hội, tính đa dạng và giáo dục đa
văn hoá (Banks et al. 2005; Hollins và Guzman, 2005) thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Quả vậy,
dường như không phải việc trải qua một khoá học về vấn đề đa văn hoá (có thể có hoặc không
bao hàm việc dạy và học toán) sẽ chuẩn bị một cách thoả đáng cho giáo viên dạy toán cho một tập
thể gồm các học sinh đa dạng về ngôn ngữ và văn hoá mà họ sẽ có trong lớp của mình (Hollins
và Guzman, 2005; Sleeter, 2001). Bước đầu tiên để giúp giáo viên tương lai lĩnh hội các kiến thức
chuyên môn cần để dạy cho người học ngoại ngữ tiếng Anh là đối với các nhà giáo dục giáo viên
cần tạo cho họ các cơ hội suy xét các quan niệm của họ (hoặc niềm tin và tri thức của họ) về ngoại
76
Những ý kiến về nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam...
ngữ và toán học. Bước này là cần thiết vì các giáo viên tương lai thường bị che lấp bởi ý thức hệ
trong dạy và học vì vốn kinh nghiệm về văn hoá và giáo dục của chính họ. Những kinh nghiệm này
đã tạo ra niềm tin và thái độ bền chặt về chính họ mà không dễ để từ bỏ (Ladson - Billings, 1994).
Một biện pháp trong giáo dục giáo viên toán mà được xem là thành công trong việc giúp các giáo
viên tương lai suy xét lại niềm tin và ý kiến của họ liên quan đến dạy và học toán là việc sử dụng
các hoạt động tư duy của trẻ em, đó là các hoạt động được thiết kế xoay quanh tư duy toán học của
học sinh. Đặc biệt, các kiểu hoạt động này cung cấp cho giáo viên cơ hội tháo gỡ khó khăn về các
khái niệm toán học khi trong cùng một lúc vừa cần học hỏi về sự hiểu lầm của học sinh vừa cần
hiểu nhu cầu học toán ở một mức độ quan niệm cao hơn (theo [11]).
Để dạy học toán cho người sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh trong học tập đạt hiệu quả, giáo
viên nên lựa chọn các chiến lược phù hợp nhất với nhu cầu của học sinh khi họ phải thường
xuyên vừa học ngoại ngữ vừa hiểu các khái niệm toán học (theo [15]), các chiến lược đó bao
gồm: Nhóm các chiến lược về dùng lời (Oral Strategies), nhóm các chiến lược về sử dụng trực
quan (Visual Strategies), nhóm các chiến lược về phương pháp dạy học (Instructional Strategies),
nhóm các chiến lược về “bắc giàn giáo” (Scaffolding Strategies), nhóm các chiến lược về đánh giá
(Assessment Strategies). Moore - Harris (2005) cũng cho rằng để tăng khả năng hiểu và làm cho
toán học dễ tiếp cận hơn đối với các học sinh sử dụng ngoại ngữ tiếng Anh trong học tập, giáo viên
nên sử dụng các chiến lược khác nhau như: Nhóm các chiến lược về quản lí lớp học (Classroom
Management Strategies), nhóm các chiến lược về phương pháp dạy học làm tăng việc hiểu của
học sinh (Instructional Strategies that Increase Comprehension), nhóm các chiến lược về đánh giá
(Assessment Strategies) (theo [1]).
2.2. Một số chuyển biến đáng chú ý trong vấn đề đào tạo giáo viên dạy học toán
bằng tiếng Anh ở Việt Nam
Với sự ra đời của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, trong thời gian qua, việc chuẩn bị đội
ngũ giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh ở nước ta về cơ bản được thực hiện theo hai hướng song
song là: Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên toán hiện có để dạy toán bằng tiếng Anh và tiến hành việc
đào tạo giáo viên toán ở bậc đại học.
Ở hướng thứ nhất, một số giáo viên toán ở các địa phương được lựa chọn tham gia các lớp
học bồi dưỡng tiếng Anh do Đề án tổ chức nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ tiếng Anh cho đội
ngũ này. Bên cạnh đó, Đề án đã phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn dạy học toán bằng
tiếng Anh cho các giáo viên. Đây là các hoạt động rất hữu ích cho công tác dạy toán bằng tiếng
Anh ở trường phổ thông Việt Nam trong tình hình hiện nay. Chẳng hạn, theo [2], mục đích của lớp
tập huấn là các giáo viên tham dự soạn được bài giảng và bước đầu có thể giảng bài được bằng
tiếng Anh. Tài liệu này đã cung cấp cho học viên các thuật ngữ toán học bằng tiếng Anh khá cơ
bản và đầy đủ, trình bày một số vấn đề về soạn bài và giảng dạy môn toán bằng tiếng Anh cùng
với các bài soạn mẫu, trong đó bốn bài được soạn theo cách chuyển thể từ bài soạn tiếng Việt sang
tiếng Anh, hai bài được soạn theo giáo trình giảng dạy A-level, một bài được soạn theo giáo trình
giảng dạy SAT. Những tài liệu này cũng có giá trị tham khảo to lớn trong đào tạo giáo viên dạy
học toán bằng tiếng Anh ở bậc đại học.
Ở hướng thứ hai, trong hai ngày 16 và 17 tháng 01 năm 2013, trường Đại học sư phạm Hà
Nội đã tổ chức Hội thảo Quốc tế “Đào tạo cử nhân sư phạm toán dạy bằng tiếng Anh”. Mục đích
chính của hội thảo này là sự hợp tác của 4 trường Đại học sư phạm: Hà Nội, Thái Nguyên, Huế,
Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đào tạo cử nhân ngành Sư phạm Toán học bằng tiếng Anh.
Bốn trường này đều cử bốn đoàn đại biểu tham dự bao gồm lãnh đạo nhà trường, cán bộ của khoa
Toán với nhiều tham luận. Ngoài đại biểu của bốn trường trên còn có đại diện của Ban điều hành
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, Viện Toán học, trường Đại học Vinh, khoa Ngoại ngữ của trường
77
Nguyễn Chiến Thắng
Đại học sư phạm Hà Nội, và đặc biệt có một số nhà toán học người Pháp. Số lượng tham luận tại
hội thảo rất phong phú, bao trùm hầu hết các vấn đề liên quan đến đào tạo cử nhân ngành Sư phạm
Toán học bằng tiếng Anh. Các kết quả của Hội thảo có thể được tóm tắt lại theo các khía cạnh sau:
a. Về thực trạng: Đội ngũ giáo viên toán trong cả nước có thể đảm nhận được nhiệm vụ
giảng dạy bộ môn toán nhưng hầu hết không có khả năng giảng dạy cho học sinh chương trình
toán phổ thông bằng tiếng Anh. Mặc dù các cơ sở đào tạo có nhiều cố gắng trong công tác giảng
dạy tiếng Anh cho sinh viên nhưng chất lượng đào tạo tiếng Anh nói chung và tiếng Anh chuyên
ngành toán nói riêng vẫn rất thấp. Một số lượng giáo viên toán phổ thông không có khả năng sử
dụng tiếng Anh trong việc đọc và tham khảo tài liệu chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng
dạy.
b. Về tính cần thiết: Những Chỉ thị và Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã chỉ rõ nhiệm
vụ đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế. Để đáp ứng
được những nhiệm vụ quan trọng trên thì việc phổ cập và nâng cao trình độ tiếng Anh, đặc biệt
là khả năng sử dụng tiếng Anh trong các ngành khoa học kĩ thuật và kinh tế cho học sinh, sinh
viên và giáo viên đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây đã có
nhiều trường quốc tế lập ra ở Việt Nam. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng giáo viên toán dạy bằng tiếng
Anh ngày càng lớn.
c. Về mục tiêu: Đào tạo được một số cử nhân toán có khả năng giảng dạy chương trình Toán
trung học phổ thông bằng tiếng Anh. Đào tạo được sinh viên đủ khả năng nhận được các học bổng
của nước ngoài và của VEF để theo học ở các trường hàng đầu của nước ngoài.
d. Về phương hướng: Đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về Tuyển đầu vào, soạn chương
trình, viết giáo trình, đảm bảo cơ chế cho giảng viên tham gia giảng dạy và viết giáo trình, quy chế
cho sinh viên tham gia chương trình đào tạo này.
Vấn đề quan tâm hàng đầu được Hội thảo xác định chính là đào tạo giáo viên. Đây là nhiệm
vụ chính của bốn trường. Cho đến nay đã có hai trường tuyển sinh các lớp đào tạo giáo viên dạy
toán bằng tiếng Anh là trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Sư phạm Huế.
Như vậy, việc dạy học toán và khoa học bằng tiếng Anh là cần thiết trong bối cảnh hội nhập
hiện nay, và trung tâm của sự thay đổi này chính là giáo viên. Do đó, đào tạo giáo viên dạy toán
bằng tiếng Anh là một nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, đối với giáo viên toán của Việt Nam, bên
cạnh khó khăn về mặt chính sách, khi dạy học môn toán bằng tiếng Anh họ phải đối mặt với hai
chướng ngại cơ bản về mặt chuyên môn tương tự như giáo viên ở Hàn Quốc. Thứ nhất, đối với họ
tiếng Anh là một ngoại ngữ (hay ngôn ngữ thứ hai) nên họ cần nắm vững cách sử dụng ngôn ngữ
này, do đó, từ kinh nghiệm của Ma-lai-xi-a cho thấy cần thiết phải cung cấp cho giáo viên cũng
như sinh viên các trải nghiệm học tập liên tục việc sử dụng tiếng Anh trong dạy học toán; thứ hai,
đối tượng dạy học của họ cũng là những người mà tiếng Anh là ngoại ngữ nên họ cần nắm được
phương pháp dạy học toán bằng tiếng Anh cho đối tượng này, và ở đây những kinh nghiệm từ các
nước Hàn Quốc và Mỹ là rất hữu ích.
2.3. Những tiếp cận ban đầu về đào tạo giáo viên dạy học toán bằng tiếng Anh
ở trường Đại học Vinh
Trên cơ sở các kết quả thu được từ sự phân tích kinh nghiệm của một số nước nêu trên,
những tiếp cận ban đầu này thể hiện ở hai phương diện sau đây:
Một là, dạy một số môn trong chương trình đào tạo trình độ đại học bằng tiếng Anh. Hoạt
động này sẽ giúp sinh viên vừa nắm kiến thức môn học vừa biết được cách sử dụng các thuật ngữ
toán bằng tiếng Anh. Đây là một quá trình lâu dài, trước mắt là dạy môn Hình học sơ cấp và Lịch
sử Toán học, bởi vì môn học này gắn chặt với chương trình môn Toán phổ thông. Theo chúng tôi,
78
Những ý kiến về nâng cao hiệu quả đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh ở Việt Nam...
việc dạy các kiến thức toán sơ cấp (Hình học sơ cấp và đại số sơ cấp) bằng tiếng Anh cho sinh
viên ngành Sư phạm Toán học ngay khi họ còn học ở bậc đại học sẽ tạo cho họ cơ hội được tiếp
xúc, trau dồi, vận dụng các khái niệm, định lí của toán sơ cấp bằng tiếng Anh, giúp họ được trải
nghiệm học tập liên tục việc sử dụng tiếng Anh trong môn học mà họ sẽ dạy sau khi ra trường.
Hai là, xây dựng chuyên đề “Dạy học toán bằng tiếng Anh”, trước mắt áp dụng cho lớp cử
nhân tài năng của Khoa. Trong Chuyên đề này có các nội dung và hoạt động nhằm trang bị cho
sinh viên những kiến thức ban đầu về việc dạy học toán bằng tiếng Anh, cụ thể là:
- Cho sinh viên tiếp cận một số bài học môn toán (Indices, Coordinate Geometry,
Trigonometry, Quadratic Equations, . . . ) trong sách giáo khoa nước ngoài, chẳng hạn sách của
Singapore. Việc tiếp cận này giúp sinh viên làm quen với văn phong, thuật ngữ toán học bằng
tiếng Anh.
- Chia các nhóm chuẩn bị trước các nội dung “Từ mới, Các cụm từ đáng chú ý trong bài
học, Các cấu trúc đáng chú ý trong bài học, Các phương pháp hình thành khái niệm, định lí, quy
tắc trong bài học”.
- Trang bị cho sinh viên một số kĩ thuật cơ bản trong phát triển từ vựng toán bằng tiếng
Anh, đó là: Kĩ thuật bức tường từ (Word Walls), Kĩ thuật Tổ chức đồ họa và Bản đồ khái niệm
(Graphic Organizers and Concept Maps), Kĩ thuật Các chỉ dẫn dự đoán (Anticipation Guides), Kĩ
thuật Sử dụng đồ dùng trực quan để giới thiệu từ vựng, Kĩ thuật Xây dựng từ điển từ vựng toán
học.
Theo chúng tôi, thông qua chuyên đề này sinh viên ngành Sư phạm Toán học sẽ có cơ hội
được tiếp cận các kĩ thuật dạy học từ vựng toán học bằng tiếng Anh, được tiếp thu văn phong tiếng
Anh trong chứng minh các định lí, giải các bài tập toán học, nghĩa là hiểu và vận dụng được tiếng
Anh trong dạy học các tình huống điển hình trong môn toán ở trường phổ thông.
3. Kết luận
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc về dạy học tích hợp nội dung môn học và ngoại ngữ, kinh
nghiệm của Ma-lai-xi-a về chương trình dạy học toán và khoa học bằng tiếng Anh cũng như những
thách thức trong việc dạy toán cho học sinh học ngoại ngữ tiếng Anh mà giáo viên toán ở Mỹ phải
đối mặt, chúng tôi cho rằng muốn thực hiện thành công chính sách này thì trước hết phải tạo môi
trường để giáo viên toán được trải nghiệm học tập liên tục việc sử dụng tiếng Anh trong dạy học
toán, đồng thời phải trang bị cho họ những chiến lược, kĩ thuật dạy học toán bằng tiếng Anh. Chính
vì vậy, việc tạo môi trường cho sinh viên sư phạm toán được trải nghiệm học tập các môn, đặc biệt
là các môn toán, bằng tiếng Anh ở bậc đại học là cần thiết, bên cạnh đó cần chú trọng nâng cao sự
thành thạo tiếng Anh cho sinh viên cũng như trang bị cho họ những chiến lược, kĩ thuật cơ bản để
dạy học toán bằng tiếng Anh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Beatrice Moore, Harris, 2005. Strategies for Teaching Mathematics to English Language
Learners. International Math Conference, July 7 - 9, 2005, San Antonio, Texas.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013. Dạy học môn toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng
Anh trong trường Trung học phổ thông. Tài liệu tập huấn, Hà Nội.
[3] R. Bresser, K. Melanese, C. Sphar, 2009. Supporting English Language Learners in Math
Class. Math Solutions Publications.
[4] Chap Sam Lim, Nerida Ellerton, 2009. Malaysian experiences of teaching mathematics in
English: Political dilemma versus reality. PME 33.
79
Nguyễn Chiến Thắng
[5] Trần Đạo Dõng, 2013. Các nội dung cần triển khai ưu tiên để nâng cao chất lượng dạy và
học chuyên môn bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Đào tạo cử nhân sư
phạm toán dạy bằng tiếng Anh”, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, từ 16 - 17/ 01/2013, trang
7-13.
[6] Phan Le Ha, Joyce Kho, Bendan Chng, 2013. Nation building, English as an international
language, medium of instruction, and language debate: Malaysia and possible ways forward.
Journal of International and Comparative Education, Volume 2, Issue 2, pp. 58-71.
[7] Nguyễn Hoàng, 2013. Một số ý kiến về việc đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh. Kỷ
yếu Hội thảo quốc tế “Đào tạo cử nhân sư phạm toán dạy bằng tiếng Anh”, Trường Đại học
sư phạm Hà Nội, từ 16 - 17/ 01/2013, trang 25-30.
[8] Y. Kang, H. Hwang, K. Nam, Y. Choi, 2010. Comparision of teacher talk of Korean and
native English-speaking teachers: On the efficiency of delivering content knowledge in EFL
contexts. The Journal of Asia TEFL, Vol. 7, No. 2, pp. 1-28.
[9] G. Kersaint, 2009. Strategies to Teach and Engage English Language Learners in
Mathematicss Classroom. STEM.
[10] G. Kersaint, D. R. Thompson, M. Petkova, 2009. Teaching Mathematics to English Language
Learners. Routledge.
[11] L. McLeman, 2012. Prospective Teachers’ conceptions about Language and Mathematics
Regarding English Language Learners. IEJME, Vol.7, No.1, p. 21-38.
[12] Ong Saw Lan, May Tan, 2008. Mathematics and Science in English: Teachers experience
inside the classroom. Journal Pendidik dan Pendidikan, Jil. 23, p. 141 - 150.
[13] Đỗ Đức Thái, 2013. Báo cáo đề dẫn. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Đào tạo cử nhân sư phạm
toán dạy bằng tiếng Anh”, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, từ 16 - 17/ 01/2013, trang 3-6.
[14] Nguyễn Hà Thanh, 2013. Một số vấn đề giảng dạy toán bằng tiếng Anh. Kỷ yếu Hội thảo
quốc tế “Đào tạo cử nhân sư phạm toán dạy bằng tiếng Anh”, Trường Đại học sư phạm Hà
Nội, từ 16 - 17/ 01/2013, trang 31-35.
[15] Tips for English Language Learners in Mathematics. Queen’s Printer for Ontario, 2005.
(www.edugains.ca/resourcesELL/.../TIPSforELLMath4All)
[16] Nguyễn Anh Tuấn, 2013. Một vài định hướng về đào tạo giáo viên dạy toán bằng tiếng Anh
tại khoa Toán-Tin trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Kỷ yếu Hội thảo quốc
tế “Đào tạo cử nhân sư phạm toán dạy bằng tiếng Anh”, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, từ
16 - 17/ 01/2013, trang 57-59.
ABSTRACT
Ideas on enhancing the effectiveness of training teachers to teach Mathematics
in the English language by analyzing experience of some countries
In this paper, we study the experience of some countries in teaching the subject of
mathematics in English as a second language at schools and in training teachers to teach
mathematics in the English language. We also mention some notable changes in this regard in
Vietnam in recent years. Hence, we draw some ideas on enhancing the effectiveness of training
teachers to teach mathematics in English language in Vietnam.
Keywords: Teachers, mathematics, English, experience, training, integration.
80
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 4053_ncthang_7471_2134602.pdf