Tài liệu Những khác biệt của hiện tượng nhấn mạnh trong tiếng Anh và Tiếng Việt - Đoàn Phan Anh Trúc: 109
NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA HIỆN TƯỢNG NHẤN MẠNH
TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
Đoàn Phan Anh Trúc1
Tóm tắt: Nhấn mạnh là hiện tượng ngôn ngữ được sử dụng không chỉ trong tiếng
Anh mà còn trong tiếng Việt. Song có những khác biệt cơ bản của hiện tượng ngôn ngữ
này trong diễn ngôn về mặt cú pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng giữa hai ngôn ngữ.Sự khác
nhau về vị trí xuất hiện của từ nhấn mạnh trong hai ngôn ngữ dẫn đến sự khác biệt về ngữ
nghĩa và ngữ dụng. Nắm những điểm khác biệt này giúp người học tiếng Anh sử dụng hiệu
quả hiện tượng ngôn ngữ này trong văn nói và viết, đặc biệt trong việc dịch văn bản.Bài
viết này nhằmchỉ ra những khác biệt ngôn ngữ của hiện tượng nhấn mạnh, đồng thời đưa
ra một vài ứng dụng trong việc dạy-học tiếng Anh nói chung và trong việc dạy-học dịch
nói riêng.
Từ khóa: emphasizers tiếng Anh, từ nhấn mạnh tiếng Việt, cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng
1. Mở đầu
Trong giao tiếp bằng lời hay giao tiếp bằng văn bản, người nói hay người viết không
chỉ...
10 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 599 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những khác biệt của hiện tượng nhấn mạnh trong tiếng Anh và Tiếng Việt - Đoàn Phan Anh Trúc, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
109
NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA HIỆN TƯỢNG NHẤN MẠNH
TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
Đoàn Phan Anh Trúc1
Tóm tắt: Nhấn mạnh là hiện tượng ngôn ngữ được sử dụng không chỉ trong tiếng
Anh mà còn trong tiếng Việt. Song có những khác biệt cơ bản của hiện tượng ngôn ngữ
này trong diễn ngôn về mặt cú pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng giữa hai ngôn ngữ.Sự khác
nhau về vị trí xuất hiện của từ nhấn mạnh trong hai ngôn ngữ dẫn đến sự khác biệt về ngữ
nghĩa và ngữ dụng. Nắm những điểm khác biệt này giúp người học tiếng Anh sử dụng hiệu
quả hiện tượng ngôn ngữ này trong văn nói và viết, đặc biệt trong việc dịch văn bản.Bài
viết này nhằmchỉ ra những khác biệt ngôn ngữ của hiện tượng nhấn mạnh, đồng thời đưa
ra một vài ứng dụng trong việc dạy-học tiếng Anh nói chung và trong việc dạy-học dịch
nói riêng.
Từ khóa: emphasizers tiếng Anh, từ nhấn mạnh tiếng Việt, cú pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng
1. Mở đầu
Trong giao tiếp bằng lời hay giao tiếp bằng văn bản, người nói hay người viết không
chỉ đơn thuần cung cấp thông tin, chuyển tải thông điệp cho nhau mà còn muốn thể hiện
tình cảm, thái độ, sự đoan chắc hay muốn khẳng định sự thật về điều được nói. Và như
vậy, người ta dùng một hiện tượng ngôn ngữ gọi là nhấn mạnh nhằm gia tăng độ mạnh
cho phần thông tin muốn thông báo, nhằm quả quyết sự thật hay thu hút sự chú ý của
người nghe hay người đọc vào những điểm nhấn nhất định. Hiện tượng ngôn ngữ này
được hiện thân trong tiếng Anh và tiếng Việt thể hiện qua các ví dụ sau:
[1] She plainly likes the dress.
[2] I honestly do not know what he wants.
[3] Rõ ràng là có tiếng huýt sáo.
[4] Chính nó đánh con anh đấy.
Nhấn mạnh cả trong tiếng Anh lẫn trong tiếng Việt này được xem xét ở bình diện từ.
Trong tiếng Anh, các từ nhấn mạnh được gọi là các emphasizers tiếng Anh thuộc lớp trạng
từ bao gồm các từ certainly, surely, definitely, of course, for sure, for certain, really,
actually, indeed, clearly, obviously, plainly, honestly, simply, just, fairly. Trong tiếng Việt,
một số từ nhấn mạnh thuộc lớp trợ từ như chính, ngay, cả, chỉ, đúng, rõ, thật, chắc, quả và
một số thuộc lớp phụ ngữ như chắc, chắc chắn, thật, thật là, thật ra, chắc hẳn, tất nhiên,
quả, quả là, đích thực. Chúng tôi gọi chung là từ nhấn mạnh tiếng Việt.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập những khác nhau điển hình
của hiện tượng ngôn ngữ này ở các bình diện ngôn ngữ về mặt cú pháp, ngữ nghĩa và ngữ
dụng trong cả hai ngôn ngữ.
1 ThS, Khoa Ngoại Ngữ, Trường Đại học Quảng Nam.
ĐOÀN PHAN ANH TRÚC
110
2. Nội dung
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.1.Quan niệm về từ nhấn mạnh
Theo Quirk et al, các emphasizers tiếng Anh có hiệu lực tăng hay gia tăng độ mạnh
vào giá trị sự thật của cả mệnh đề, hay chỉ một thành phần nào đó của mệnh đề - thành
phần đó là các danh từ, động từ, tính từ hay trạng từ. Cũng theo tác giả, các emphasizers
không đơn thuần chuyển tải hiệu quả nhấn mạnh mà còn tăng lực cho bộ phận cần nhấn
mạnh. Các emphasizers được chia thành hai nhóm riêng biệt:
Nhóm A: actually, certainly, clearly, definitely, indeed, obviously, plainly, really, for
certain, for sure, of course.
Nhóm B: frankly, honestly, simply, fairly, just
Có nhiều quan niệm khác nhau về từ nhấn mạnh trong tiếng Việt. Phần lớn các nhà
ngôn ngữ học cho rằng trợ từ có chức năng nhấn mạnh. Theo Đinh Văn Đứctrợ từ biểu thị
nghĩa tình thái có chức năng nhấn mạnh hay gia tăng độ mạnh. Theo quan niệm của
Nguyễn Anh Quế, trợ từ không phải là bộ phận cấu thành mệnh đề, chúng xuất hiện trong
mệnh đề với chức năng nhấn mạnh một thành tố nào đó của mệnh đề và định ra một vai
trò tình thái nào đó. Từ hai quan điểm trên, những trợ từ nhấn mạnh được đề cập đó là
đích, chính, cả, ngay,...Theo Phạm Hùng Việt, các trợ từ nhấn mạnh định ra thái độ của
người nói đối với nội dung của mệnh đề gồm những từ như chính, ngay, cả, chỉ, đúng, rõ,
thật, chắc, quả,... Bên cạnh đó, theo Nguyễn Minh Thuyết-Nguyễn Văn Hiệp, một số từ
có chức năng nhấn mạnh thuộc lớp phụ ngữ như chắc, chắc chắn, thật, thật là, thật ra,
chắc hẳn, tất nhiên, quả, quả là, đích thực.
2.1.2. Quan niệm về tình thái trong ngôn ngữ học
Theo quan niệm của Palmer, tình thái liên quan đến đặc điểm chủ cách của phát
ngôn. Chủ cách là tiêu chí then chốt của tình thái. Tình thái chỉ ra thái độ và quan niệm
của người nói. Theo Hoàng Tuệ, tình thái là một khái niệm hướng về thái độ của người nói
trong hoạt động tạo ra phát ngôn và đồng thời cũng hướng đến hiệu quả ngữ dụng. Tóm
lại, tình thái là một khía cạnh của lực ngôn trung, diễn tả ý định của người nói hay mức độ
cam kết của người nói đối với niềm tin, ước muốn hay sự thật của mệnh đề.
2.1.3. Emphasizers và hành động nói
Emphasizers đóng góp vào việc tạo ra lực ngôn trung của phát ngôn. Hiệu quả giao
tiếp được nhận biết là hiệu quả dụng ngôn qua cái mà người nghe nhận ra lực ngôn
trungcó sự hỗ trợ của các emphasizers trong phát ngôn. Với tinh thần này, chúng tôi đã
hình thành một biểu thức cấu trúc ngữ nghĩa của phát ngôn với sự có mặt của emphasizers
như là hạt nhân trong biểu thức đó:
(E(F(P)))
Biểu thức ba bậc đơn giản này có thể được hiểu như sau: P là nội dung của phát
ngôn, F là lực ngôn trung của phát ngôn và E là emphasizers của phát ngôn. Ở đây, P cung
cấp thông tin về cái sự tình của phát ngôn hay điều được nói, F giúp định ra hành động
NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA HIỆN TƯỢNG NHẤN MẠNH
111
phát ngôn là sự quả quyết, ước kết hay điều khiển và E đóng chức năng điều chỉnh lực của
phát ngôn.
2.2. Sự khác biệt của hiện tượng ngôn ngữ nhấn mạnh trong tiếng Anh và tiếng
Việt về mặt cú pháp
Vị trí và sự phân bố là hai đặc điểm khác nhau cơ bản của emphasizers tiếng Anh và
từ nhấn mạnh tiếng Việt.
2.2.1. Vị trí
Trong tiếng Anh, hầu hết trong các trường hợp các emphasizers chỉ xuất hiện ở vị trí
giữa đứng trước danh từ (cụm danh từ), động từ (cụm động từ), tính từ hay trạng từ cần
nhấn mạnh, ví dụ [5] &[6]. Các emphasizers cũng có thể tồn tại ở vị trí đầu và vị trí cuối
nhưng khi xuất hiện ở vị trí đầu, các emphasizers trở thành các áp tố tình thái (modal
adjuncts) và đóng vai trò là đề ngữ như ví dụ [8]&[9]:
[5] He certainly did not remember the look on her face.
↔ Chắc chắn hắn không còn nhớ vẻ mặt của nàng.
[6] She was really a good little thing.
↔ Nàng thực sự là một cô bé ngoan.
[7] They will warn us for sure. ↔ Chắc chắn họ sẽ báo cho chúng ta biết.
[8] Actually I make up a previous statement. ↔ Thực sự tôi đã vừa bịa một chuyện.
[9] Surely it’s unwise for criminal to drink with a police officer.
↔ Thật là dại dột cho một kẻ giết người lại say sưa với một sĩ quan an ninh.
Ngược lại, trong tiếng Việt các từ nhấn mạnh xuất hiện nhiều ở vị trí đầu, đóng vai trò
là đề ngữ - điểm khởi của thông điệp nhằm diễn tả độ đoan chắc về kiến thức và niềm tin
của người nói hay người viết trước khi giới thiệu nội dung của thông điệp. Điều này cũng có
nghĩa là người Việt quan tâm điểm khởi của thông điệp, nhấn mạnh nhằm thể hiện thái độ,
tình cảm. Ví dụ [10], [11]&[12] và bản dịch sang tiếng Việt từ ví dụ [5], [7], [8] & [9]
[10] Chính ông ấy xui Trương Thi kiện anh đấy nhé.
↔ It was him who incited Truong Thi to have you up.
[11] Thật văn tự đấy ạ. ↔ It really is a bill of sale.
[12] Quả thật nó hiền. ↔ He is really gentle.
Vai trò đề ngữ khi các emphasizers tiếng Anh và các từ nhấn mạnh tiếng Việt xuất
hiện ở vị trí đầu:
Đề (Theme) Thuyết (Rheme)
Actually
Surely
Chắc chắn
I make up a previous statement.
It’s unwise for criminal to drink with a police officer.
hắn không còn nhớ vẻ mặt của nàng.
ĐOÀN PHAN ANH TRÚC
112
Thật sự
Chính
Thật
Quả thật
tôi đã vừa bịa một câu chuyện.
ông ấy xui Trương Thi kiện anh đấy nhé.
văn tự đấy ạ.
nó hiền.
Tóm lại, vì emphasizers thuộc intensifiersnên chúng cơ bản xuất hiện ở vị trí giữa,
còn từ nhấn mạnh tiếng Việt một phần là các phụ ngữ có ý nghĩa tình thái chủ quan nên dĩ
nhiên phải được đặt ở vị trí đầu-vị trí đề ngữ.
2.2.2. Phân bố
Theo Quirk et al, các emphasizers tiếng Anh khác với các adjuncts khác là chúng
không thể tương phản nhau trong mệnh đề nghi vấn và phủ định như [13] &[14], nhưng
theo Phạm Hùng Việt ‘nhấn mạnh là sự đối lập một yếu tố này với những yếu tố khác của
văn bản. Sự đối lập đó có thể thực hiện cả trên bình diện ngữ đoạn lẫn trên bình diện hệ
hình’. Từ quan điểm đó, từ nhấn mạnh tiếng Việt có thể tương phản nhau trong mệnh đề
phủ định như [15].
[13] Did you see him yesterday or did you see him today?
[14] They didn’t treat him politely, but they did treat him fairly.
[15] Thời quan quả tuyệt vời nhưng cũng thật nghiệt ngã.
[13] ↔ yesterday-today là cặp trạng ngữ chỉ thời gian, [14]↔politely-fairly là cặp
trạng ngữ chỉ thể cách, [15]↔quả-thật từ nhấn mạnh tiếng Việt.
Bên cạnh đó, các emphasizers tiếng Anh có thể được sử dụng độc lập để trả lời cho
câu hỏi như certainly, of course, really hay diễn tả sự ngạc nhiên như really, nhưng từ
nhấn mạnh tiếng Việt không đảm nhận đặc điểm cú pháp này, xem [16], [17] & [18].
[16] Could I have a drink of water? ↔ Cho tôi xin ít nước được không?
Certainly. Được chứ.
[17] Are you happy? ↔ Cô có sung sướng không?
Of course. Nhất định rồi/ Dĩ nhiên rồi
[18] Tell him my sister was in business once in Singapore.
Really? What kind of business?
↔ Nói hộ với ông ta là chị tôi tham gia những việc kinh doanh ở Xingapo.
Thật ư? Kinh doanh gì?
2.3. Sự khác biệt về hiện tượng ngôn ngữ nhấn mạnh trong tiếng Anh và tiếng
Việt về mặt ngữ nghĩa
Về mặt ngữ nghĩa, điểm khác biệt dễ nhận biết của các emphasizers tiếng Anh và từ
nhấn mạnh tiếng Việt nằm ở chức năng chuyển tải nghĩa. Các emphasizers giữ chức năng
nhấn mạnh-gia tăng độ mạnh vào phần thông tin cần thông báo, còn các từ nhấn mạnh
tiếng Việt nhấn mạnh nhằm bộc lộ thái độ, tình cảm của người nói hay người viết.
NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA HIỆN TƯỢNG NHẤN MẠNH
113
2.3.1. Chứng thực sự thật
Một trong những chức năng của emphasizers tiếng Anh với tư cách là các tác tử nhận
thức là định ra cái sự thật của mệnh đề nhằm xác nhận, khẳng định điều đúng hay sai.
Điều xác nhận, khẳng định đó phải dựa vào một chứng cứ có thật, chứng cứ này là cái mà
có thể được nhìn thấy, nghe thấy hoặc cảm nhận để diễn tả sự hiển nhiên được mã hóa bởi
các từ obviously, clearly, of course, plainly, xem [19]:
[19] He’s obviously a member of the school that doesn’t believe in haircut or shave.
↔ Hiển nhiên hắn là thành viên thuộc trường phái không thích hớt tóc mà cũng
chẳng khoái cạo râu.
Obviously dựa vào một chứng cứ có thật, cái chứng cứ mà người nói đã nhìn thấy,
nghe thấy hay đã được cảm nhận, chứng cứ ở đây là anh chàng được nhìn thấy với tóc tai
thì dài bờm xờm, râu ria rậm rì. Chứng cứ này được gọi là chứng cứ trực tiếp (direct
evidence).
Chức năng chứng thực sự thật còn dựa vào chứng cứ gián tiếp (indirect evidence),
chứng cứ về niềm tin chủ quan diễn tả sự phán đoán của người nói hay người viết dựa vào
chứng cứ, tình huống có thật. Loại chứng cứ này gồm các emphasizers diễn tả sự chắc
chắn như certainly, surely, definitely, of course, for sure, frankly và diễn tả sự thật như
really, actually, indeed. Xem [20]:
[20] Swithin had indeed an impatience of simplicity, a love of ormolu, which had
always stamped him amongst his associates as a man of great.
↔ Xuydin quả thực không chịu được sự giản đơn, lão quý các thứ mạ vàng, điều đó
làm cho lão nổi bật trong đám bạn bè như một tay sành chơi.
Indeed từ ví dụ trên cho thấy, người nói chứng thực sự thật từ phán đoán dựa vào
chứng cứ trong tình huống đã cho hay dựa vào niềm tin chủ quan từ kinh nghiệm và hiểu
biết của người nói. Chứng cứ trong tình huống ở đây là lão quý các thứ mạ vàng; niềm tin
chủ quan ở đây là lão sẽ đeo dây chuyền, nhẫn vàng để có thể nổi bật trong đám bạn bè,
thể hiện một tay sành chơi; chứng thực sự thật là không chịu sự giản đơn.
Chứng thực sự thật để khẳng định tình huống đã đề cập là đúng hoặc sai. Dùng các
emphasizers theo cách này, người nói muốn mời người nghe chú ý đến nội dung chứng cứ
của emphasizers và đây là nền cho chức năng nhấn mạnh-gia tăng độ mạnh cho phần phát
ngôn hay phần thông tin của mệnh đề.
2.3.2. Nhấn mạnh-gia tăng độ mạnh
Theo Quirk et al, các emphasizers certainly, surely, definitely, of course, for sure, for
certain, really, actually, indeed, clearly, obviously, plainly diễn tả sự bình luận của người
nói hoặc người viết và chúng thường đứng trước động từ, danh từ, tính từ hay trạng từ
nhằm nhấn mạnh nghĩa của các thành phần này đồng thời khẳng định sự thật của mệnh đề.
Trong tiếng Việt, các từ nhấn mạnh cũng đánh dấu hay định vị thành phần được nhấn
mạnh (danh từ, động từ, tính từ) nhưng đồng thời chúng cũng biểu thị sự đánh giá của
người nói về tầm quan trọng của thông tin cần nhấn mạnh. Vì thế, các emphasizers trong
tiếng Anh chuyển tải nghĩa nhấn mạnh còn các từ nhấn mạnh tiếng Việt cấp cho lời nói
ĐOÀN PHAN ANH TRÚC
114
tính biểu cảm hơn là độ mạnh, ngả về chức năng tình thái, thể hiện thái độ và tình cảm của
người nói hay người viết về lời bình luận.
Người nói hoặc người viết dùng các emphasizers nhằm bình luận từ phán đoán hay
từ niềm tin chủ quan về cái có thật của mệnh đề, hay từ kinh nghiệm dựa trên chứng cứ
gián tiếp. Lời bình luận đó nhằm diễn đạt sự chắc chắn certainly, surely, definitely, of
course, for sure, for certain, xem[21] hay nhằm ám chỉ sự thật really, actually, indeedxem
[22]. Và cũng từ chứng cứ trực tiếp trên cơ sở điều được nghe, được nhìn thấy hay cảm
nhận được, người nói hay người viết đưa ra lời bình luận về sự hiển nhiên clearly,
obviously, plainlyxem [23]
[21] It became in seven days instead of nine months, so it will certainly be ready
to learn to read and write in a few weeks from now.
↔ Thay vì chín tháng, thì bảy ngày con mình đã ra đời, vì vậy tất nhiên nó sẽ có
thể học đọc, và viết sau vài tuần đấy.
[22] A: You look stupid and rich.
B: You are wrong. I am actually smart and poor.
↔ A: Anh trông có vẻ giàu và ngốc.
B: Nhầm rồi, sự thật tôi nghèo và thông minh.
[23] The hat had obviously been worn as a practical joke!
↔ Rõ ràng đội cái mũ như thế là chơi xỏ.
Nhấn mạnh còn chuyển tải độ mạnh cho lời xác nhận, khẳng định và quả quyết của
người nói hoặc người viết về điều đã được đề cập là sự thật không dựa vào một chứng cứ
nào và được cụ thể hóa qua các từ honestly, simply, just, fairly xem [24], [25], [26].
[24] I do not want Paris. I do not need Paris. I just want you.
↔ Em không muốn Paris, em không cần gì Paris. Em chỉ cần có anh.
[25] It must be just eleven. ↔ Bây giờ đúng mười một giờ.
[26] She simply sat there, semi-smiling at me.
↔ Nàng vẫn ngồi đấy, hơi mỉm cười với tôi một chút.
Các từ nhấn mạnh tiếng Việt như tất nhiên, rõ ràng, chắc chắn, nhất định thể hiện
thái độ của người nói, sự khẳng định dứt khoát về cái sự thật của phát ngôn, đồng thời
cũng biểu thị sự đánh giá của người nói về cái sự tình của mệnh đề như các từ chỉ, đúng
trong bản dịch sang tiếng Việt của ví dụ [24] & [25].
Ngoài chức năng nhấn mạnh, các emphasizers còn gia tăng độ mạnh cho các danh
từ, động từ, tính từ hay trạng từ, xem [27], [28], [29] & [30]:
[27] That is indeed his writing. ↔ Đây quả thực là chữ anh ấy.
[28] Well, I really sing very beautifully. ↔ Này tôi thực hát hay lắm đấy.
[29] But cats are really very strong animals.
NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA HIỆN TƯỢNG NHẤN MẠNH
115
↔ Nhưng mèo là loài động vật thực sự khỏe mạnh.
[30] We came up the Red River, slowly climbing, and the Red River at this hour
was really red.
↔ Chúng tôi đi dọc theo sông Hồng đi lên, từ từ lên cao và vào giờ này quả là con
sông mang màu hồng.
Các từ nhấn mạnh tiếng Việt như quả thực, thực, quả là,...trong các bản dịch sang
tiếng Việt ở ví dụ [27], [28], [29] & [30] mang nét nghĩa biểu thái rõ nét.
Các emphasizers gia tăng độ mạnh cho các động từ tình thái diễn tả mức độ của
động từ tình thái và khả năng có thể, nhưng đặc điểm này không xuất hiện trong tiếng
Việt.
[31] My letter surely will not what you expected.
↔ Thư tôi hẳn không được như cô mong đợi.
[32] After the two delightful evenings spent yesterday and the day before, I shall
certainly not go out tonight, but will sit here at home and write to you.
↔ Sau hai đêm thích thú hôm qua và hôm kia, chắc đêm nay anh sẽ không đi đâu
mà nhất định ngồi nhà viết thư cho em.
Nhìn chung, ở góc độ ngữ nghĩa điểm khác nhau nổi bật của từ nhấn mạnh trong
tiếng Anh và tiếng Việt là sự chuyển tải chức năng nghĩa cho thành phần được đánh dấu
trong phát ngôn, trong mệnh đề.
2.4. Sự khác biệt về hiện tượng ngôn ngữ nhấn mạnh trong tiếng Anh và tiếng
Việt về mặt ngữ dụng
Về mặt ngữ dụng, sự khác nhau cơ bản của các emphasizers tiếng Anh và từ nhấn
mạnh trong tiếng Việt là ở hành động nói bộc lộ (expressives) và hiệu lực dụng ngôn
(perlocutionary effect).
Hành động nói bộc lộ trình bày cái mà người nói cảm nhận, bộc lộ những trạng thái
tâm lí và có thể trình bày lời khen, chê hay phê bình chỉ trích, xin lỗi hay sự ngạc nhiên.
Trong văn nói, các emphasizers tiếng Anh được dùng để gia tăng lực cho lời khen,
hay điểm nhấn cho lời chê bai nhưng trong tiếng Việt, các từ chỉ giá trị tuyệt đối
(maximizers) được dùng thay thế nhằm diễn tả thái độ của người nói về điều được khen
hay bị chê, xem [33], [34],[35] &[36]:
[33] Cám ơn anh, anh tốt quá! ↔ You are really kind.
[34] Anh bứa lắm. ↔ You are really reclkess.
[35] He is not really very clever. ↔ Nó không thông minh lắm đâu.
[36] She was pleased, but not really satisfied.
↔ Cô vui mừng, nhưng không hoàn toàn hài lòng.
Rõ ràng, qua ví dụ [35] cho thấy người nói dùng một hình thức phủ định và really bổ
nghĩa cho trạng từ chỉ mức độ nhằm để làm yếu đi tính chất của lời chê trong tiếng Anh,
nhưng từ chỉ giá trị tuyệt đối quá, lắm, hoàn toàntrong [33], [34], [35] và [36] trong tiếng
ĐOÀN PHAN ANH TRÚC
116
Việt làm tăng lời khen hay lời chỉ trích nhằm thể hiện thái độ của người nói và cấp cho lời
nói tính biểu thái rõ nét.
Trong hành động nói, chúng ta không chỉ đơn giản tạo ra một phát ngôn mang một
chức năng mà không chủ định làm cho nó có một hiệu quả. Vì vậy các emphasizers tiếng
Anh có tác dụng tạo ra một lực nhằm tác động, nhấn mạnh hiệu lực dụng ngôn cho người
nhận, nhưng từ nhấn mạnh tiếng Việt chỉ nhằm suy lí để mang lại một hiệu quả dụng
ngôn.
Người nói và người viết chủ ý muốn mang lại một hiệu quả nào đó cho người nhận
(người nghe hay người đọc) thông tin về điều được nói hay được viết bằng cách tăng một
lực vào thông điệp muốn chuyển tải nhờ vào các emphasizers. Mục đích phát ngôn của
người nói hay người viết là tăng niềm tin cho người nhận và mang lại một hiệu quả dụng
ngôn, xem [37] dưới đây:
[37] He had lived in our town for a long time but no one really knew him well.
↔ Ông ấy đã sống rất lâu ở thành phố này nhưng không ai thực sự biết rõ về ông.
Người nghe hay người đọc sẽ nhận biết được thông tin mà người nói hay người viết
muốn chuyển tải: dựa vào tình huống người nghe tin rằng người nói muốn khẳng định:
đây là một người đàn ông biệt lập, không cởi mởi, không thân thiện hay không có mối
quan hệ với những người trong khu phố. Từ thực sự nhấn mạnh một hiệu quả dụng ngôn:
Người ta chỉ biết ông qua sự xuất hiện, sự tồn tại còn hiểu về ông thì chẳng có ai.
Trong tiếng Việt, các từ nhấn mạnh nhằm suy lí để mang lại một hiệu quả dụng
ngôn, xem ví dụ [38], [39]:
[38] Cha mẹ chúng nó ngứa mồm. Chính bà cũng còn chưa biết ra sao. Rõ những
quân dông dài.
[39] Việc này, ngay ông ấy cũng chịu.
Từ [38] ↔ Họ là những người nhiều chuyện, bởi lẽ chuyện đó chỉ có bà là người
phải biết rõ nhất, nhưng chính bà cũng chưa biết ra sao. Suy ra hiệu quả dụng ngôn ở
đây:chưa ai có thể có được thông tin chính xác. Cũng vậy, trong [39] ta thấy: Ông ấy
không làm được thì có lẽ không ai có thể làm, suy ra hiệu quả dụng ngôn: ông ấy là người
xuất sắc nhất trong cái việc đó. Ngoài ra, ở đây chúng ta cũng thấy xuất hiện một tiền giả
định gồm tập hợp những người có thể giải quyết được việc ấy.
Suy cho cùng, về mặt ngữ dụng chúng ta thấy lộ rõ sự khác nhau của từ nhấn mạnh
trong hai ngôn ngữ trong hành động lời nói và hiệu quả dụng ngôn.
2.5. Một vài ứng dụng trong việc dạy và học ngôn ngữ
Những khác biệt về từ nhấn mạnh trong tiếng Anh và tiếng Việt cần được người dạy
và người học tiếng Anh nhận thức đầy đủ. Bởi lẽ, hiện tượng nhấn mạnh thật sự quan
trọng trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày. Chính từ nhấn mạnh chuyển tải nghĩa của
người nói và mang lại một hiệu quả dụng ngôn. Nhưng thực tế cho thấy, người học tiếng
Anh mắc nhiều lỗi khi sử dụng hiện tượng ngôn ngữ này.
Từ nhấn mạnh trong cả tiếng Anh và tiếng Việt khá phong phú về số lượng lẫn về
nghĩa. Về mặt loại hình, một số trợ từ và một số phụ ngữ tiếng Việt được dùng với chức
năng nhấn mạnh, nhưng về mặt cú pháp những loại từ này khác với các emphasizers trong
NHỮNG KHÁC BIỆT CỦA HIỆN TƯỢNG NHẤN MẠNH
117
tiếng Anh. Tuy nhiên, các từ emphasizers khác nhau có thể sử dụng trong cùng ngữ cảnh
bởi vì chúng có cùng chức năng và cùng nghĩa sử dụng. Đó chính là những rào cản cho
việc lĩnh hội các emphasizers trong tiếng Anh của người học. Vì vậy để giúp cho người
học vượt qua những trở ngại trong việc lĩnh hội các emphasizers tiếng Anh, người dạy cần
tăng nhận thức về sự khác biệt giữa từ nhấn mạnh tiếng Anh và tiếng Việt về các khía
cạnh cú pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng. Người dạy cũng cần phân tích các lỗi xảy ra khi có
sự ảnh hưởng, can thiệp của tiếng mẹ đẻ.
Trong dịch văn bản, người dịch cần nắm chắc hiện tượng ngôn ngữ này trong cả hai
ngôn ngữ nhằm tìm ra các tương đương tương ứng. Nếu không, bản dịch sẽ thiếu sự chính
xác. Sau đây là một số tương đương tiếng Việt của các emphasizers tiếng Anh.
Emphasizers Tương đương tiếng Việt
really? thật ư?thật à?thật chứ?thật không?
really thực sự, quả là, hoàn toàn, thực, quả, lắm, quá, quả thật, thật là, thực
ra, thật, thật đấy, quả thực là, thật tình
indeed quả thực, thật, thật là, quả thật, quả là, thực ra, sự thật
surely hẳn, thật là, chắc chắn, chính, rõ ràng, quả là
certainly chắc, chắc chắn, tất nhiên, dĩ nhiên
just đúng, chỉ
obviously rõ ràng, hiển nhiên, hiển nhiên
actually sự thật, thực sự, quả thực
of course nhất định, dĩ nhiên, đương nhiên
for sure chắc chắn
clearly rõ ràng
plainly rành rành
honestly thành thật mà nói
3. Kết luận
Tóm lại, sự khác nhau của hiện tượng nhấn mạnh trong hai ngôn ngữ có một sự kết
nối từ mặt cú pháp đến ngữ nghĩa, ngữ dụng. Sự khác nhau về vị trí dẫn đến những khác
nhau về mặt ngữ nghĩa và ngữ dụng. Vì các emphasizers thuộc intensifiers nên chúng cơ
bản xuất hiện ở vị trí giữa, còn từ nhấn mạnh tiếng Việt một phần là các phụ ngữ có ý
nghĩa tình thái chủ quan nên hiển nhiên được đặt ở vị trí đề ngữ. Với vị trí giữa, các
emphasizers tiếng Anh chuyển tải chức năng nhấn mạnh nhằm gia tăng độ mạnh về sự
thật, sự chắc chắn, sự quả quyết và niềm tin về thông tin của người nói hoặc người viết.
Và ở vị trí đầu, các từ nhấn mạnh tiếng Việt - bên cạnh chức năng nhấn mạnh, chúng còn
chuyển tải nghĩa tình thái diễn tả thái độ, tình cảm, cảm xúc của người nói hay người viết.
Về mặt ngữ dụng, từ nhấn mạnh trong hai ngôn ngữ khác nhau trong hành động lời nói
diễn tả sự bộc lộ và hiệu lực dụng ngôn. Từ nhấn mạnh tiếng Anh mang lại hiệu quả dụng
ngôn nhờ vào gia tăng lực cho lời nói, còn từ nhấn mạnh tiếng Việt nhằm suy lí để đưa ra
một hiệu lực dụng ngôn.
ĐOÀN PHAN ANH TRÚC
118
Nếu nhận thức được những khác biệt này sẽ giúp người học tiếng Anh dùng chuẩn
xác các emphasizers đúng với vai trò và chức năng trong giao tiếp bằng văn bản hay giao
tiếp bằng lời. Những khác biệt này sẽ giúp ích cho việc học dịch và dịch văn bản khi hiện
tượng ngôn ngữ xuất hiện trong văn bản tiếng Anh hay tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đinh Văn Đức (1986), Ngữ pháp Tiếng Việt (Từ loại),NXB Đại học và trung học
chuyên nghiệp, HN.
[2] Halliday, M.A.K (1985), An Introduction to Functional Grammar, Arnold, London.
[3] Palmer, F.R (1986), Mood and Modality, Cambridge University Press.
[4] Quirk, R., Greenbaum, S., Leech, G. And Svartvik, J. (1972), A Grammar of
Contemporary English, Longman, London.
[5] Nguyễn Anh Quế (1988), Hư từ trong tiếng Việt hiện đại, NXB Khoa học xã hội, Hà
Nội.
[6] Hoàng Tuệ (1988), “Khái niệm về tình thái”, Tạp chí Ngôn ngữ số (1).
[7] Đoàn Phan Anh Trúc (2005), A study on Emphasizers (English versus Vietnamese),
M.A. Thesis, Đa Nang University.
[8] Nguyễn Minh Thuyết-Nguyễn Văn Hiệp (1998), Thành phần câu tiếng Việt, NXB
Đại học Quốc gia Hà Nội.
[9] Phạm Hùng Việt (2003), Trợ từ trong tiếng Việt hiện đại, NXB Khoa học xã hội.
[10] Yule, G (1996), Pragmatics,Oxford University Press.
Title: DIFFERENCES OF EMPHASIZING IN ENGLISH AND IN
VIETNAMESE
DOAN PHAN ANH TRUC
Quang Nam University
Abstract: Emphasizing is a phenomenon of language used not only in English but
also in Vietnamese. However, there are some features of differences of emphasizing in
discourse in terms of syntax, semantics and pragmatics between the two languages. The
differences of position of emphasizing words in both languages lead to the differences of
semantic and pragmatic function. Realizing these differences will help English language
learners use this point of language in written and spoken language effectively, especially
in translation. This article aims to show language differences of emphasizing and to give
some implications in English teaching and learning in general and in translation teaching
and learning in particular.
Keywords: emphasizing words in Vietnamese, emphasizes, syntax, semantics,
pragmatics
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 14456_9637_2134881.pdf