Tài liệu Những hạn chế của vua Càn Long trong thời kì cầm quyền (1735 – 1796): TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
113
NHỮNG HẠN CHẾ CỦA VUA CÀN LONG
TRONG THỜI KÌ CẦM QUYỀN (1735 – 1796)
Limitations of the Qianlong Emperor during his reign (1735 – 1796)
Nguyễn Thị Thơm
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An
Tóm tắt
Càn Long là vị vua thứ 4 của nhà Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.
Trong suốt hơn 60 năm trị vì, bên cạnh những công lao, Càn Long cũng phạm phải không ít những sai
lầm, chính sách cai trị đất nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: khống chế về văn hóa tư tưởng, phát
động chiến tranh xâm lược phi nghĩa, tiến hành những chuyến tuần du tốn kém, thực hiện chính sách
đóng cửa trong quan hệ với phương Tây và dung túng cho tên gian thần Hòa Thân. Những hạn chế
trong chính sách cai trị đã để lại những hậu quả nặng nề...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 488 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những hạn chế của vua Càn Long trong thời kì cầm quyền (1735 – 1796), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÀI GÒN SAIGON UNIVERSITY
TẠP CHÍ KHOA HỌC SCIENTIFIC JOURNAL
ĐẠI HỌC SÀI GÒN OF SAIGON UNIVERSITY
Số 64 (4/2019) No. 64 (4/2019)
Email: tcdhsg@sgu.edu.vn ; Website: https://tapchikhoahoc.sgu.edu.vn
113
NHỮNG HẠN CHẾ CỦA VUA CÀN LONG
TRONG THỜI KÌ CẦM QUYỀN (1735 – 1796)
Limitations of the Qianlong Emperor during his reign (1735 – 1796)
Nguyễn Thị Thơm
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An
Tóm tắt
Càn Long là vị vua thứ 4 của nhà Thanh - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc.
Trong suốt hơn 60 năm trị vì, bên cạnh những công lao, Càn Long cũng phạm phải không ít những sai
lầm, chính sách cai trị đất nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: khống chế về văn hóa tư tưởng, phát
động chiến tranh xâm lược phi nghĩa, tiến hành những chuyến tuần du tốn kém, thực hiện chính sách
đóng cửa trong quan hệ với phương Tây và dung túng cho tên gian thần Hòa Thân. Những hạn chế
trong chính sách cai trị đã để lại những hậu quả nặng nề cho lịch sử Trung Quốc. Đặc biệt, trong giai
đoạn từ giữa thời kì Càn Long trở về sau, chế độ phong kiến Mãn Thanh ngày càng bộc lộ rõ sự khủng
hoảng, thối nát và lạc hậu.
Từ khóa: Càn Long, Quang Trung, Triều Thanh
Abstract
Qianlong is the fourth Emperor of the Qing Dynasty - the last feudal dynasty in Chinese history. During
more than 60 years of reign, apart from the merits, Qianlong also committed many mistakes, policies to
govern the country still had many limitations: restraining cultural ideology, mobilizing unjust invasion
war, taking expensive cruises, implementing closure policy in relationship with the West, and tolerating
the dishonest mandarin called Hešen. Restrictions in governing policy have left serious consequences
for Chinese history. Esspecially, during the period from the middle of the Qianlong reign, the feudal
Manchu regime was increasingly opposed to the crisis, corruption and backwardness.
Keywords: Qianlong, Quang Trung, Qing Dynasty
1. Đặt vấn đề
Trong lịch sử tồn tại của nhà Thanh,
thời kì cầm quyền của ba vị vua Khang Hy,
Ung Chính, Càn Long, được xem là thời kì
“Thịnh Thế”. Trong hơn 100 năm “Thịnh
thế” đó, thời gian cai trị của Vua Càn Long
đã chiếm 60 năm (1735 – 1796), đó là
quãng thời gian được xem là thịnh trị nhất
của Trung Quốc. Trong thời gian trị vì của
mình, Càn Long đã thi hành nhiều chính
sách tiến bộ, tạo ra bước phát triển nhất
định về kinh tế - xã hội ở Trung Quốc.
Về chính trị, Càn Long có công trong
việc củng cố, phát triển sự thống nhất
Trung Quốc với việc hoàn thành cải cách
thể chế hành chính đối với vùng Tân
Cương, Tây Tạng, tăng cường sự quản lí
đối với các vùng này, tạo ra sự ổn định
Email: thom20695@gmail.com
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
114
trong nội bộ Trung Quốc. Về kinh tế, Càn
Long đã ban hành nhiều chính sách khuyến
khích phát triển nông nghiệp. Mặt khác,
ông cũng quan tâm đến phát triển thương
mại. Về văn hóa, Càn Long đã có công
trong việc tổ chức biên soạn bộ Tứ khố
toàn thư – bộ sách lớn nhất trong triều đại
nhà Thanh, cũng như trong lịch sử Trung
Quốc. Bộ Tứ khố toàn thư trở thành điểm
hội tụ của di sản văn hóa tư tưởng từ cổ đại
đến cận đại Trung Quốc, làm cho rất nhiều
sách cổ có giá trị được bảo tồn và lưu
truyền. Về chế độ thi cử, tuyển chọn quan
lại, Càn Long đặc biệt coi trọng việc tuyển
chọn nhân tài qua thi cử. Để kiểm tra chất
lượng quan lại trong triều, Càn Long quy
định định kỳ ba năm tiến hành sát hạch
quan lại một lần. Trong những năm đầu
cầm quyền, ông đã cố gắng tìm cách hạn
chế tình trạng quan lại tham ô, hối lộ. Bởi
vậy, trong khoảng nửa đầu thời gian trị vì
của Càn Long, nạn tham quan ô lại giảm đi
đáng kể. Nhìn chung, khoảng 30 năm đầu,
tình hình chính trị - xã hội Trung Quốc dần
ổn định, kinh tế Trung Quốc khá phát triển.
Những chính sách tiến bộ của Vua
Càn Long đã đem lại sự chuyển biến rất
lớn đối với tình hình chính trị, kinh tế - xã
hội Trung Quốc: “Trong mười năm khi
Hoằng Lịch lên ngôi vua, tình hình kinh tế,
xã hội của Trung Quốc được phát triển
khá ổn định, kho lẫm của triều đình đều
đầy ắp, sự thịnh vượng còn hơn cả hai
triều Hán, Đường và đã tiến đến đỉnh cao
của thời thịnh thế Khang Càn” (Lưu Huy,
1999, tr. 864). Càn Long đã có công lao to
lớn trong việc củng cố và phát triển đất
nước, đưa nhà Thanh bước đỉnh cao của
thời kì “thịnh thế”.
Tuy nhiên, thời kì phát triển ổn định
của triều đại Càn Long chỉ tồn tại vào
khoảng nửa thời gian đầu. Giai đoạn nửa
sau của thời kì Càn Long, tình hình chính
trị, kinh tế, xã hội của nhà Thanh càng
bộc lộ rõ sự khủng hoảng. Nguyên nhân
chủ quan quyết định xuất phát từ những
chính sách cai trị và thái độ của Càn
Long. Càn Long đã thi hành một số chính
sách sai lầm khiến cho tình hình nhà
Thanh trở nên khủng hoảng, suy yếu. Đó
chính là những hạn chế của Càn Long
trong thời gian cầm quyền.
2. Nội dung
2.1. Thực hiện chính sách khống chế
về văn hóa, tư tưởng
Nhà Thanh là một vương triều ngoại
tộc thống trị ở Trung Quốc gần ba thế kỉ
(1644- 1911). Vì vậy, các ông vua nhà
Thanh luôn cảnh giác, lo sợ người Hán
đứng lên lật đổ triều đại của mình. Cũng
như các ông vua khác, Càn Long luôn ý
thức bảo vệ vương triều. Chính vì vậy, Càn
Long đã thi hành chính sách áp bức văn
hóa để bảo vệ, củng cố sự thống trị của
triều đại. Chính sách áp bức văn hóa xuất
phát từ việc lo sợ trí thức người Hán lợi
dụng văn thơ để tuyên truyền những tư
tưởng bài Mãn phục Hán. Chính vì lo sợ
các tư tưởng, thế lực chống Thanh nổi dậy
nên Càn Long đã thi hành chính sách áp
bức văn hóa gay gắt, để lại những hậu quả
nghiêm trọng đối với nền văn học, văn
minh Trung Quốc. Việc làm này của Càn
Long là hành động giam hãm tư tưởng,
kiềm chế ngôn luận trong khắp cả nước.
Nó khiến cho tình hình Trung Quốc ngột
ngạt về mặt chính trị lẫn về mặt học thuật.
Để củng cố nhà nước quân chủ chuyên
chế, bóp chết mọi sự chống đối từ trong
trứng nước, Càn Long đã tiến hành khống
chế về văn hóa, tư tưởng cao độ. Hai biện
pháp chủ yếu được Càn Long thực thi là
NGUYỄN THỊ THƠM TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
115
mở rộng ngục văn tự và đốt sách, cấm sách
khi biên soạn bộ Tứ khố toàn thư.
Ngục văn tự hay nói cách khác là
những vụ án văn học, dựa vào tác phẩm
bằng chữ viết mà định tội tác giả. Đó là
một cách thức của các vị hoàng đế Trung
Hoa thường sử dụng để đàn áp những phần
tử chống đối. Dưới thời nhà Thanh, ngục
văn tự được xây dựng, mở rộng trở thành
một biện pháp trấn áp tàn bạo nhằm khống
chế một cách chặt chẽ hoạt động văn
chương của những phần tử trí thức. Các
trước tác của họ bị soi xét, bới lông tìm vết
để tìm cách buộc tội tác giả, trấn áp một
cách thẳng tay với các mức hình phạt tàn
khốc như: tử hình, tru di tam tộc/cửu
tộc.v.v. Triều đình không chỉ trừng trị
những người biên soạn sách, mà cả những
người xuất bản, công nhân xếp chữ cũng
chịu tội liên đới.
Trong thời kỳ Càn Long, ước tính đã
xảy ra “khoảng một trăm ba mươi vụ án
văn học” (Lưu Huy, 1999, tr. 915), chiếm
tỷ lệ cao nhất trong các vua nhà Thanh.
Trong 8 tập “Hồ sơ ngục văn tự đời Thanh”
ghi chép 65 vụ án ngục văn tự nổi tiếng thì
đã có 64 vụ án xảy ra dưới triều Càn Long.
Chẳng những số lượng ngục văn tự đời Càn
Long nhiều hơn các đời vua trước mà về
mức độ hoang đường vô lý của nó so với
các triều đại trước cũng khó mà so sánh
được (Cát Kiếm Hùng, 2005, tr. 409).
Thực chất, các vụ án văn học có nội
dung tư tưởng chống đối nhà Thanh rất ít,
hầu hết là những vụ án mang tính chất “bới
lông tìm vết”, dựa vào lời văn mà suy luận
rồi kết tội vu vơ, nên xảy ra không ít vụ án
oan. Trong số hàng loạt vụ án văn chương
này, điển hình là vụ án của Hồ Trung Tảo;
“Nhất trụ lâu thi tập” của Từ Thuật Quỳ;
“Hắc mẫu đơn thi” của Thẩm Đức Tiềm;
“Ức Minh thi tập” của Cát Tường Linh; vụ
án quyển tự điển “Tự quán” của Vương
Tích Hầu.v.v. Ngục văn tự phát triển mạnh
mẽ vào giai đoạn giữa thời kì trị vì của Càn
Long với những án văn chương vô lý, bất
công được xem là “Một thứ quái vật của
chế độ chuyên chế phong kiến ở Trung
Quốc, là hậu quả xấu xa của chính sách
đàn áp dân tộc và chuyên chế văn hóa tàn
bạo của vương triều Thanh đẻ ra. Đồng
thời đây cũng là một trang sử đen tối và
tanh máu của lịch sử Trung Quốc” (Cát
Kiếm Hùng, 2005, tr. 410).
Ngục văn tự được mở rộng đồng nghĩa
với việc tự do sáng tác văn học dưới triều
Càn Long ngày càng bị thu hẹp. Vì lo sợ án
văn chương vạ vào thân nên bộ phận lớn trí
thức không còn mặn mà với công việc sáng
tác. Điều này làm cho nền văn học dưới
triều Thanh trở nên im ắng, kém phát triển.
Trong khi ngục văn tự đang được mở
rộng, thì Càn Long lại chủ trương tập hợp
các sách vở đã có trong lịch sử Trung Quốc
để biên soạn bộ Tứ khố toàn thư. Khi biên
soạn bộ sách đồ sộ này, Càn Long xuống
chiếu tra xét sách cấm trong cả nước: “Hễ
gặp những cuốn sách có từ ngữ phạm
thượng cần phải trình tấu phân minh hoặc
niêm phong dâng lên, tiêu hủy theo lệnh,
hoặc tự thiêu hủy, thư mục trình lên sau”
(Diệp Hách Na Lạp, 2000, tr. 135). Càn
Long cho rà soát lại các sách từ cổ đến
kim, những cuốn nào bị coi có nội dung
“phản nghịch” đều bị tịch thu, thiêu hủy.
Do đó, một lượng lớn sách cổ quý giá đã bị
tiêu hủy. Nhà vua còn cho tiến hành trưng
thu sách vở trên toàn quốc, sau đó điều tra
sách cấm, rồi tiêu hủy. Trọng điểm phải
giao nộp là các loại sách thơ văn viết về
lịch sử cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Nhà
Thanh dùng đủ mọi cách để điều tra thu
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
116
gom sách cấm: dán bố cáo yêu cầu nộp
sách cấm; phái người đi sâu vào nhân dân
để tìm hiểu tường tận; thậm chí có nơi giao
chỉ tiêu cho các quan lại truy tìm số lượng
sách cấm, lấy đó làm căn cứ để được thăng
hay giáng chức.
Ban đầu, Càn Long chỉ chú trọng đến
sách, nhưng về sau còn tịch thu, tiêu hủy cả
những bản gỗ khắc in sách. Phương thức
xử lý sách cấm có hai loại: một loại tiêu
hủy toàn bộ (chiếm khoảng 3/5 số sách bị
tiêu hủy), một loại là tiêu hủy từng phần.
Tiêu hủy toàn bộ hay tiêu hủy từng phần
đều gọi là cấm hủy, nó tùy thuộc vào mức
độ “phản loạn” của từng cuốn sách. Cả hai
phương thức ấy đều phải tấu lên xin nhà
vua phê chuẩn.
Các cuộc khám xét, tiêu hủy với số
lượng lớn sách vở có quy mô toàn quốc
kéo dài gần hai mươi năm. Thống kê cho
thấy, sách bị tiêu hủy toàn bộ gồm 2.453
loại, sách bị tiêu hủy từng phần gồm 402
loại, số bản khắc để in sách bị tiêu hủy
gồm 50 loại, số bản đá được khắc để in
sách gồm 24 loại. Tuy nhiên, đó không
phải là tổng số sách bị tiêu hủy bởi con số
này lớn hơn nhiều: “Tổng số sách bị tiêu
hủy ít nhất là khoảng mười vạn bộ (kể cả
những quyển sách sao chép lại), riêng số
lượng từng tập là bao nhiêu thì không sao
tính xuể. Con số đó phải nhiều hơn gấp
mười lần con số sách vở được giữ lại trong
Tứ khố toàn thư” (Cát Kiếm Hùng, 2005,
tr. 413). Ngoài những sách vở, bản khắc bị
tiêu hủy, Càn Long còn tiến hành sửa đổi
nội dung đối với một số sách lịch sử, chủ
yếu là các sách vở được sáng tác cuối đời
Minh, đầu thời Thanh.
Như vậy, trong quá trình biên soạn bộ
Tứ khố toàn thư, một số lượng lớn sách vở,
bản khắc đã bị tiêu hủy, điều này gây tổn
thất nghiêm trọng đến nền văn hóa Trung
Quốc. Với việc biên soạn Tứ khố toàn thư,
mục đích của Vua Càn Long đã được thực
hiện. Bởi lẽ việc biên soạn bộ Tứ khố toàn
thư không chỉ nhằm vào việc “sùng nho
trọng đạo” theo như lời Càn Long nói mà
còn nhằm thiêu hủy những sách mà nhà
vua cho rằng mang tư tưởng chống lại
vương triều Thanh. Nhưng dù là mục đích
nào đi chăng nữa, có thể thấy mọi hành
động của Càn Long đều xuất phát từ nhu
cầu chuyên chế về mặt văn hóa.
Có thể thấy “Hoàng đế Càn Long từ
chỗ mở ngục văn tự tiến lên cấm sách, đốt
sách, rồi lại từ chỗ đốt sách tiến lên khám
xét, thu gom sách cấm và lại mở ngục văn
tự. Quá trình đó trước sau đã kéo dài gần
hai mươi năm. So với việc đốt sách chôn
sống nho sinh của Tần Thủy Hoàng, trên
thực tế chỉ có hơn chứ không hề thua kém”
(Cát Kiếm Hùng, 2005, tr. 413). Những
chính sách khủng bố về mặt văn hóa của
Càn Long phản ánh một cách đầy đủ sự tàn
bạo và hủ bại của giai cấp phong kiến
thống trị.
Ngục văn tự và việc cấm sách, tiêu
hủy sách chính là hành động kìm kẹp tư
tưởng văn hóa của nhân dân. Đây là những
biện pháp mà vua Càn Long thực hiện để
thể hiện sự chuyên chế về mặt văn hóa
nhằm bảo vệ sự thống trị cho dòng họ.
Đường lối cai trị về văn hóa của Càn Long
đã dẫn đến hậu quả xấu đối với Trung
Quốc. Nó làm cho đời sống chính trị - xã
hội trở nên nặng nề, khiến nhân dân trở nên
thờ ơ, lạnh nhạt với tình hình đất nước và
đã kìm hãm sự phát triển của văn hóa
Trung Quốc.
2.2. Tiến hành các cuộc chiến tranh
xâm lược phi nghĩa
Trong thời gian trị vì, Càn Long đã
NGUYỄN THỊ THƠM TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
117
tiến hành 10 chiến dịch quân sự lớn: chiến
dịch trấn áp Lưỡng Kim Xuyên lần thứ
nhất (1747 - 1749), lần thứ 2 (1771 -
1788); chiến dịch để mở rộng diện tích
kiểm soát của nhà Thanh tại Trung Á vào
năm 1755 và năm 1757; chiến dịch trấn áp
các chiến binh Hồi giáo ở Tân Cương
(1757 - 1759); chiến dịch trấn áp quân nổi
dậy ở Đài Loan (1786 - 1788) và 4 chiến
dịch xâm lược ngoại quốc tại Miến Điện
(1765-1769), Việt Nam (1788 - 1789) và
Nepal lần thứ nhất (1790), lần thứ 2 (1791
– 1793). Càn Long luôn tự hào về những
chiến dịch quân sự và coi đó là “Thập toàn
võ công”. Mặc dù trong đó có những chiến
dịch bị thất bại thảm hại.
Tiêu biểu cho thất bại của quân sự nhà
Thanh dưới thời trị vì của Càn Long là sự
thất bại trong hai cuộc chiến tranh xâm
lược Miến Điện (1765 - 1769) và Đại Việt
(1788 - 1789). Trước sự lớn mạnh của
Miến Điện cùng với việc nước này đi xâm
lược Xiêm La, năm 1776, lấy cớ Miến
Điện xâm phạm biên giới, nhà Thanh tiến
hành chiến tranh xâm lược. Cuộc chiến kéo
dài đến năm 1769 với sự thất bại của nhà
Thanh, được đánh dấu bằng việc kí hiệp
ước Kaungton. Đối với Đại Việt, năm
1788, nhân việc Lê Chiêu Thống chạy sang
cầu cứu quân Thanh giúp đỡ để đánh lại
quân Tây Sơn, Càn Long liền sai Tôn Sĩ
Nghị tổ chức chiến tranh xâm lược. Nhà
Thanh điều động binh mã 4 tỉnh Quảng
Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Qúy Châu tất
cả gồm 29 vạn người chia làm 4 đạo tiến
sang tiến đánh chiếm Đại Việt. Quân dân
Đại Việt dưới sự lãnh đạo của vua Quang
Trung tiến hành kháng chiến, đánh bại
hoàn toàn quân xâm lược với chiến thắng
vang dội ở trận Ngọc Hồi – Đống Đa vào
trưa mồng 5 Tết kỉ Dậu (1789).
Ngoài việc nhận lấy sự thất bại trong 2
cuộc chiến, triều đình Càn Long còn chịu
hậu quả nặng nề về người và của“đã tiêu
hao quân phí lên đến hàng nghìn, hàng vạn
lượng bạc, tướng sĩ bị chết, bị thương lên
đến mấy vạn người, tạo ra tổn thất nặng nề
cho tất cả nhân dân Trung Quốc và cả hai
nước Miến Điện, Việt Nam. Ngoại trừ thỏa
mãn ước vọng “dương oai ra hải ngoại”
của Hoằng Lịch, thỏa mãn tâm lý tự đại
của nhà vua, thực không được một tí lợi
nào” (Cát Kiếm Hùng, 2005, tr. 884).
2.3. Tiến hành những chuyến tuần
du tốn kém
Trong thời gian trị vì, bắt chước
Khang Hy, Càn Long cũng tiến hành “đi
tuần du Nam Bắc tới 25 lần, đặc biệt là có
6 lần đi Nam tuần” (Sương Ngọc, 2001, p.
500). Tuy nhiên các chuyến tuần du của
Càn Long không phải đi để thị sát tình hình
đất nước, đời sống dân chúng như các vị
hoàng đế trước mà chủ yếu là để hưởng
lạc, ăn chơi xa xỉ, do đó đã tiêu tốn rất
nhiều tiền tiền bạc của quốc khố. Việc
chuẩn bị cho mỗi chuyến tuần du của nhà
vua mất nhiều công sức, thời gian và tiền
bạc: “Mỗi lần vua tuần thú phương nam,
trước đó một năm triều đình đã tiến hành
chuẩn bị chu đáo, chỉ định quan lại phụ
trách công việc trong hành dinh phải đảm
nhận việc thăm dò đường đi, tu sửa các
hành dinh. Trong cuộc tuần thú Giang
Nam có tới trên 2.500 người. Trên đường
đi, đường bộ dùng 6.000 con ngựa, xe lớn
ước tính 400 chiếc, trưng dụng số phục
dịch nhiều không biết bao nhiêu mà kể,
đường thủy số thuyền dùng tới trên ngàn
chiếc. Từ Bắc Kinh tới Hàng Châu cả đi
lẫn về 6.000 dặm, ven đường xây dựng
tới 30 hành cung” (Sương Ngọc, 2001,
tr. 80-81).
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
118
Những cuộc tuần du của Càn Long đã
để lại hậu quả nghiêm trọng đối với tình
hình kinh tế - xã hội nhà Thanh. Ngoài việc
tổn hao tiền của và sức dân, những chuyến
tuần du còn khiến cho quan lại các địa
phương dần nhiễm thói xấu ăn chơi xa xỉ.
Các quan lại và nhà giàu địa phương vì
muốn được lòng nhà vua đã tiêu phí số
lượng lớn vàng bạc, đua nhau bày đủ
những thứ trò xa xỉ, cung ứng cho nhà vua
toàn những thứ cao sang nhất. Cùng với
những cuộc chiến tranh, các cuộc tuần du
của Càn Long đã để lại hậu quả to lớn đối
với Trung Quốc, làm cho tình hình tài
chính bị thâm hụt nghiêm trọng, đưa đất
nước này bước vào thời kỳ suy thoái vào
giai đoạn cuối vương triều Càn Long.
2.4. Thực hiện chính sách đóng cửa
trong quan hệ với phương Tây
Từ đầu thế kỉ XVI, người Bồ Đào Nha
bắt đầu xâm nhập vào Trung Quốc và đến
thế kỉ XVII, XVIII, sự xâm nhập của các
nước phương Tây ngày càng tăng. Theo gót
các lái buôn Phương Tây là các giáo sĩ đạo
thiên Chúa. Họ sang phương Đông với mục
đích ban đầu là truyền đạo. Từ thời nhà
Minh các giáo sĩ đã đến Trung Quốc, vua
Minh chấp nhận việc truyền đạo của các
giáo sĩ. Đến thời nhà Thanh các giáo sĩ ở
phương Tây vẫn được ưu ái. Một số giáo sĩ
được làm trong triều đình. Lúc này, họ đến
Trung Quốc không đơn giản là truyền đạo.
Hoạt động của họ đã vượt xa so với khuôn
khổ tôn giáo.Vì vậy, các quan lại nhà
Thanh đã lên tiếng vạch trần bộ mặt của
bọn giáo sĩ. Từ đó hoạt động của các giáo sĩ
phương Tây bị quản lí nghiêm ngặt. Hoạt
động của giáo sĩ đã dọn đường cho chủ
nghĩa thực dân xâm nhập vào Trung Quốc.
Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân
phương Tây đe dọa đến độc lập, chủ quyền
của Trung Quốc, vì vậy nhà Thanh đã thi
hành chính sách đóng cửa đất nước tương
đối nghiêm ngặt. Thực hiện chính sách bế
quan tỏa cảng trong quan hệ với các nước
phương Tây là đặc điểm nổi bật trong mối
quan hệ đối ngoại của nhà Thanh nói
chung và Càn Long nói riêng. Càn Long ra
lệnh “chỉ cho thương nhân nước ngoài
buôn bán ở Quảng Châu. Vua Càn Long
còn ra lệnh cho các thương nhân ở Quảng
Châu thành lập “Hãng công”. Theo đó các
nhà buôn nước ngoài không được tự do
buôn bán mà phải thông qua hãng. Người
nước ngoài đến buôn bán phải ở “Hãng
công” và làm theo sự chỉ đạo của hãng”
(Đông A Sáng, 2007, tr. 42). Sự thành lập
“Hãng công” làm cho các hoạt động trái
phép của người phương Tây bị kìm chế.
Chính sách “đóng cửa” đối với các
nước phương Tây của nhà Thanh đã để lại
những hậu quả to lớn.
Thứ nhất, chính sách này đã gây trở
ngại nghiêm trọng đến việc học hỏi những
tư tưởng văn hóa và khoa học kĩ thuật tiên
tiến trên thế giới. Từ thế kỉ XVI trở về
trước, văn minh Trung Quốc không kém gì
so với các nước tư bản chủ nghĩa phương
Tây. Nhưng bắt đầu từ thế kỉ XVII, XVIII,
sau khi phá vỡ bức màn đen tối trung cổ,
qua hàng loạt phong trào văn hóa hóa tư
tưởng rồi đến phong trào cách mạng, các
nước pương Tây đã có những bước phát
triển trong mọi lĩnh vực, đưa loài người
chuyển sang một nền văn minh mới: văn
minh công nghiệp. Trong khi đó chính sách
bế quan đã làm cho tuyệt đại đa số người
Trung Quốc không hề biết đến những biến
đổi đó. Giai cấp thống trị Trung Quốc thì
còn tai hại hơn, họ tỏ ra hoàn toàn bàng
quan, coi thường do sự tự cao mù quáng.
Thứ hai, chính sách “đóng cửa” đã kìm
NGUYỄN THỊ THƠM TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẠI HỌC SÀI GÒN
119
hãm sự phát triển của nhân tố tư bản chủ
nghĩa trong nền kinh tế Trung Quốc. Dưới
thời Minh, mầm mống kinh tế tư bản chủ
nghĩa đã manh nha xuất hiện: các công
trường thủ công, các trung tâm thủ công
nghiệp mang tính chuyên môn hóa cộng
với quy mô ngày càng lớn. Trong nông
nghiệp đã xuất hiện kiểu làm ăn mới theo
lối bao mua sản phẩm. Những mầm mống
đó chẳng những không được phát triển mà
ngày càng bị thui chột đi bởi chính sách bế
quan. Tai hại hơn nữa đó là chính sách cấm
người Trung Quốc vượt biển ra ngoài làm
ăn. Vì chính sách này, nhà Thanh đã
không có biện pháp bảo vệ người dân Hoa
Kiều, khiến cho người Hoa ở các vùng biển
ngoài Trung Quốc liên tục bị chèn ép và bị
thảm sát. Cùng với chính sách bế quan là
chính sách cấm biển, cấm người dân ra
ngoài làm ăn và chính sách bỏ mặc người
dân ở vùng biển ngoài Trung Quốc. Những
chính sách này không chỉ thiệt thòi cho
người dân Hoa Kiều ở vùng biển bên ngoài
Trung Quốc mà trước mắt nhà Thanh đã
đánh mất một nguồn lực không nhỏ có thể
góp phần tăng cường sức mạnh quốc gia.
Thứ ba, chính sách “đóng cửa” chính là
nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc Trung
Quốc bị xâm lược. Việc thực hiện chính
sách “bế quan” đã khiến cho tình hình
Trung Quốc ngày càng trở nên lạc hậu,
kém phát triển. Trong khi đó các nước
phương Tây luôn tìm mọi cách phá vỡ
chính sách “đóng cửa”, mở toang cánh cửa
Trung Quốc. Rốt cuộc, cũng như hầu hết
các nước phương Đông khác, Trung Quốc
dần dần phải chịu khuất phục, trở thành
một nước phong kiến nửa thuộc địa của các
nước phương Tây.
2.5. Dung túng cho gian thần Hòa Thân
Hòa Thân còn có tên gọi khác là Hòa
Khôn, xuất thân trong một đại gia tộc
người Mãn. Ông ta sinh năm 1750 (năm
Càn Long thứ 15), mất ngày 22/2/1799.
Lúc đầu, ông giữ chức Nghi Vệ, rồi Hiệu
Uý trong Kim Loan điện ở hoàng cung.
Tuy nhiên, về sau nhờ được Càn Long
sủng ái, nên trong một thời gian ngắn ông
đã nhanh chóng leo lên chức quan cao nhất
triều đình là Văn Hoa Điện Đại Học Sĩ,
được phong Nhất Đẳng Công thần. Trong
suốt 24 năm giữ chức Quân Cơ đại thần, để
củng cố địa vị của mình, Hòa Thân tìm đủ
mọi cách lôi kéo bè đảng trong triều, thanh
trừ những người ở phe đối lập khiến cho
các quan lại trong triều ai muốn giữ được
địa vị và bổng lộc, ai muốn được tiếp tục
thăng quan tiến chức đều phải tìm cách hối
lộ nịnh nọt ông ta. Hòa Thân được xem là
trường hợp điển hình nhất cho nạn tham
quan ô lại của quan lại dưới triều Thanh.
Sau khi Càn Long qua đời, Hòa Thân
bị Vua Gia Khánh bắt giam Hòa Thân và
tịch thu toàn bộ tài sản. Ước tính toàn bộ
gia sản của Hòa Thân lên đến tám ức lượng
bạc trắng (mỗi ức là một trăm triệu). Lúc
bấy giờ, hằng năm triều đình Mãn Thanh
thu nhập chỉ có bảy nghìn vạn lượng, còn
Hòa Thân trong hai mươi năm làm Nội Các
đại thần đã tích lũy được một số tài sản
bằng hơn một nửa số thu nhập của triều
đình trong suốt hai mươi năm (Lưu Huy,
1999, tr. 933).
Có thể nhận thấy, Hòa Thân là một
tên tham quan điển hình nhất trong lịch sử
tham quan ô lại của nhà Thanh cũng như
trong lịch sử của Trung Quốc. Càn Long
dung túng cho Hòa Thân là yếu tố tạo điều
kiện cho nạn tham nhũng của quan lại
phát triển. Đây cũng chính là cội nguồn
của tệ nạn tham nhũng phát triển dưới
triều Càn Long.
SCIENTIFIC JOURNAL OF SAIGON UNIVERSITY No. 64 (4/2019)
120
3. Kết luận
Càn Long rõ ràng là một nhân vật lịch
sử nổi tiếng. Tuy nhiên, Càn Long không
phải là một vị vua thập toàn, cũng không
phải là một người đệ nhất về văn trị và võ
công. Khi nhắc đến Càn Long không phải
chỉ đơn thuần là những ý kiến ca ngợi như
trước đây, mà cần có cái nhìn toàn diện.
Trong thời gian trị vì, bên cạnh những
thành tựu, Càn Long đã thi hành một số
chính sách để lại những hậu quả nghiêm
trọng đối với lịch sử Trung Quốc. Đây
chính là những hạn chế trong thời gian cầm
quyền của Càn Long. Những hạn chế này
đã đánh dấu bước chuyển của Trung Quốc
thời Thanh từ thịnh trị sang khủng hoảng,
suy yếu. Nếu như Càn Long là người góp
phần đưa nhà Thanh bước vào thời kì “100
năm thịnh thế” thì cũng chính là người tạo
nên những mâu thuẫn, khủng hoảng chính
trị - xã hội về sau.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cát Kiếm Hùng. (2005). Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến. Hà Nội: Nxb Văn
hóa thông tin, (1), 409-884.
Diệp Hách Na Lạp. Đỗ Hồng (dịch). (2000). Càn Long đại đế tập 4. Hà Nội: Nxb Hội nhà
văn, (1), 135.
Lưu Huy (chủ biên). (1999). Những mẫu chuyện lịch sử nổi tiếng Trung Quốc - 10 đại
hoàng đế Trung Quốc. TP Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ, (1), 864-933.
Sương Ngọc. (2001). Càn Long bí ẩn. Hà Nội: Nxb Hội nhà văn, (1), 80-500.
Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Qúy. (2012). Lịch sử Trung Quốc. Hà Nội: Nxb Giáo dục, (4).
Đông A Sáng (dịch). (2007). Gian thần Trung Hoa Hòa Thân. Hà Nội: Nxb Giáo dục, (2), 42.
Hồ Đức Thành. (1948). Sử lược Trung Hoa gần đây (1644-1948). Hà Nội: Nxb Bộ Quốc
gia Giáo dục.
Đỗ Thị Kim Thùy. (2006). Bước đầu tìm hiểu về tình hình văn hóa Trung Quốc dưới triều
Thanh. Hà Nội: Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tiêu Lê. Phạm Quang Huy (dịch). (2000). Những ông vua nổi tiếng Trung Quốc tập 3.
Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng, (1), 686.
Ngày nhận bài: 15/3/2019 Biên tập xong: 15/4/2019 Duyệt đăng: 20/4/2019
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 38_2294_2214943.pdf