Nhật kí người điên của lỗ tấn và những tiếng kêu cứu - Nguyễn Thị Mai Chanh

Tài liệu Nhật kí người điên của lỗ tấn và những tiếng kêu cứu - Nguyễn Thị Mai Chanh: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0002 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 10-14 This paper is available online at NHẬT KÍ NGƯỜI ĐIÊN CỦA LỖ TẤN VÀ NHỮNG TIẾNG KÊU CỨU Nguyễn Thị Mai Chanh1 và Bùi Thuỳ Linh2 1Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Tóm tắt. Nhật kí người điên là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Lỗ Tấn. Với vai trò đại diện cho nền văn học mới, tác phẩm được coi như “phát súng đầu tiên” nhắm vào dinh luỹ chế độ phong kiến Trung Hoa lỗi thời, vạch trần sự tàn ác của xã hội “ăn thịt người”, qua đó cất tiếng kêu khẩn thiết đòi cứu lấy những con người bấy lâu sống cam phận, ngủ vùi trong ngu muội, lạc hậu; cứu lấy đất nước Trung Hoa đang chìm trong “bữa yến tiệc thịt người”. Bài viết tập trung làm nổi bật những lớp nghĩa sâu xa mà hình tượng sáng tạo đặc biệt của tác phẩm - hình tượng “người điên” viết nhật kí đã gợi ra. Từ khóa: Nhật kí người điên, Lỗ Tấn, “ăn thịt người”, tiếng kêu cứu...

pdf5 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 2618 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhật kí người điên của lỗ tấn và những tiếng kêu cứu - Nguyễn Thị Mai Chanh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0002 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 2, pp. 10-14 This paper is available online at NHẬT KÍ NGƯỜI ĐIÊN CỦA LỖ TẤN VÀ NHỮNG TIẾNG KÊU CỨU Nguyễn Thị Mai Chanh1 và Bùi Thuỳ Linh2 1Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Tóm tắt. Nhật kí người điên là tác phẩm xuất sắc của nhà văn Lỗ Tấn. Với vai trò đại diện cho nền văn học mới, tác phẩm được coi như “phát súng đầu tiên” nhắm vào dinh luỹ chế độ phong kiến Trung Hoa lỗi thời, vạch trần sự tàn ác của xã hội “ăn thịt người”, qua đó cất tiếng kêu khẩn thiết đòi cứu lấy những con người bấy lâu sống cam phận, ngủ vùi trong ngu muội, lạc hậu; cứu lấy đất nước Trung Hoa đang chìm trong “bữa yến tiệc thịt người”. Bài viết tập trung làm nổi bật những lớp nghĩa sâu xa mà hình tượng sáng tạo đặc biệt của tác phẩm - hình tượng “người điên” viết nhật kí đã gợi ra. Từ khóa: Nhật kí người điên, Lỗ Tấn, “ăn thịt người”, tiếng kêu cứu. 1. Mở đầu Lỗ Tấn là một hiện tượng văn học nổi bật của thế kỉ XX. Tác phẩm Nhật kí người điên (viết năm 1918) mở đầu tập Gào thét, theo như lời Lỗ Tấn, nhằm “vạch trần chế độ gia tộc và sự tệ hại của lễ giáo”, tuy nhiên theo chúng tôi, những gì tác phẩm này làm được nhiều hơn thế. Thông qua việc phơi bày chân tướng, lột trần bản chất tàn ác của lễ giáo phong kiến, Lỗ Tấn đã “gào thét” lên những tiếng kêu khẩn thiết đòi cứu lấy những con người bấy lâu sống cam phận, ngủ vùi trong ngu muội, lạc hậu; cứu lấy đất nước Trung Hoa đang chìm trong “bữa yến tiệc thịt người”. Ngay từ khi ra đời, Nhật kí người điên đã gây tiếng vang và được đông đảo giới nghiên cứu, phê bình chú ý. Các kiến giải về hình tượng “người điên”, xưa nay không phải luôn thuận chiều, thống nhất (vấn đề này chúng tôi đề cập ở phần nội dung nghiên cứu); song hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận giá trị lớn lao của truyện ngắn này ở cả hai phương diện nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ khẳng định: “chưa có một tác phẩm nào xuất phát từ lập trường cách mạng để phủ nhận hoàn toàn và triệt để chế độ phong kiến như tác phẩm của Lỗ Tấn” [4;206]. Trần Xuân Đề cũng viết: “Trong Nhật kí người điên, Lỗ Tấn đã khái quát xã hội bốn nghìn năm lịch sử của Trung Quốc là xã hội ăn thịt người. . . Hình tượng người điên được xây dựng theo lối biểu tượng hai mặt” [1;256]. Về nghệ thuật, Nhật kí người điên được đánh giá là có cách thức thể hiện hết sức mới mẻ, Lỗ Tấn “là nhà viết tiểu thuyết đầu tiên áp dụng được một cách thông minh kĩ thuật của phương Tây, mà giọng thì cực kì mỉa mai chua chát, khác hẳn giọng “khiển trách” tầm thường của các nhà thời trước” [2;144]. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi trên cơ sở kế thừa những thành quả nghiên cứu của các thế hệ đi trước, tiếp tục suy nghĩ về những tầng lớp nghĩa sâu xa mà tác phẩm gợi ra qua hình tượng tiêu biểu Ngày nhận bài: 15/12/2015. Ngày nhận đăng: 10/3/2016 Liên hệ: Nguyễn Thị Mai Chanh, e-mail: maichanhnguyen@gmail.com 10 Nhật kí người điên của Lỗ Tấn và những tiếng kêu cứu “người điên” viết nhật kí. Có điều, chúng tôi không bàn tới việc “người điên” ở đây có phải là đại diện cho “quần chúng bị bóc lột” nói lên tiếng nói tố cáo xã hội hay không, mà quan tâm tới việc nhà văn đã sử dụng phương thức đặc biệt “Nhật kí người điên” để phản ánh hiện thực như thế nào. Đây là vấn đề tuy đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam chú ý tới, song do giới hạn phạm vi của các công trình, nên vẫn chưa được đi sâu nghiên cứu đầy đủ. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Từ tiếng kêu cứu của “người điên”. . . Nhật kí người điên có lối tự sự đặc biệt. Nhân vật chính là “người điên”, đồng thời cũng là người kể chuyện chính trong tác phẩm. Anh ta không được miêu tả một cách rõ ràng với đầy đủ các thành phần như nguồn gốc xuất thân, họ tên, gia cảnh. . . Người đọc chỉ biết rằng, đó là người em trong hai người bạn thân ngày trước của nhân vật “tôi” thời trung học - cũng là người kể chuyện ngôi thứ nhất trong tác phẩm nhưng chỉ đóng vai trò là người mào đầu ở phần tiểu dẫn, không tham gia vào diễn biến câu chuyện; và chứng bệnh mà “người điên” mắc phải là chứng “bách hại cuồng”, thứ bệnh lúc nào cũng nghĩ mình bị người khác bức hại. Lỗ Tấn đã tỏ ra rất thông hiểu về mặt tâm lí khi đưa ra những triệu chứng của căn bệnh thuộc về tâm thần học. “Sợ” là “ở trong trạng thái không yên lòng vì cho rằng có cái gì đó trực tiếp gây nguy hiểm hoặc gây hại cho mình, mà tự thấy không thể chống lại hoặc không thể tránh khỏi” [3;1118]. Bản thân mỗi con người trong nhiều hoàn cảnh thường xuất hiện những nỗi sợ hãi nhưng luôn có khả năng tự chế ngự nó, còn “người điên” trong Nhật kí người điên thì hoàn toàn không thể. Dựa vào cuốn nhật kí viết hết sức lộn xộn, không đề rõ ngày tháng của “người điên”, người đọc có thể thấy, nỗi sợ của anh ta tập trung ở hai điểm chính. Thứ nhất, anh ta sợ những cặp mắt. Đó là ánh mắt “lườm” của con chó nhà họ Triệu; ánh mắt nhìn “quái gở” “hình như sợ mình mà cũng hình như muốn hại mình” của ông Triệu, ông anh và những người đi đường; ánh mắt nhìn “chòng chọc” của người đàn bà ngoài phố; ánh mắt “quỷ sứ” dữ tợn của lão Hà bắt mạch, của người tá điền, của bọn trẻ con; mắt “trắng dã và cứng đờ” của con cá chép hấp... Tất cả những con mắt, dưới cái nhìn của “người điên”, đều trở nên dữ dằn, gây cảm giác vô cùng đáng sợ. Thứ hai là nỗi sợ bị ăn thịt. Nỗi ám ảnh này trước đó đã hiện ra mơ hồ khi “người điên” luôn cảm thấy bất an trước những cái nhìn của mọi người, mọi vật xung quanh. Sau khi nghe lời nói của người đàn bà ngoài phố đuổi đánh con: “Đồ ranh con! Tao có được thịt mày một miếng mới hả giận!”, thì nỗi sợ ấy đã hiện hình. “Người điên” tự mình liệt kê tất cả những chuyện từ cổ chí kim để minh chứng rằng việc ăn thịt người xưa nay diễn ra ở cái đất nước rộng lớn có truyền thống văn hoá lâu đời này không hiếm, và việc mình đang có nguy cơ bị ăn thịt cũng chỉ nằm trong cái việc “bình thường” ấy mà thôi. Ở đây, chúng ta bắt gặp motip vốn không còn xa lạ trong văn học: motip ăn thịt người. Motip này có thể tìm thấy rất sớm và phổ biến trong các câu chuyện dân gian trên thế giới, như kiểu “mụ dì ghẻ - phù thủy ăn thịt con”. “Người điên” không phải là một “nhà folklore học” nhưng Lỗ Tấn cũng để cho anh ta tự “giở lịch sử ra tra cứu thử” để đưa ra không biết bao nhiêu dẫn chứng cho chuyện người ăn thịt người: “từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, người vẫn ăn thịt người, cho đến con Dịch Nha, và từ con Dịch Nha cho đến ông Từ Tích Lâm, rồi từ ông Từ Tích Lâm cho đến cái anh gì bên thôn Lang Sói! Năm ngoái, trên tỉnh có mấy tên phạm nhân bị chém, còn có người mắc bệnh lao lấy bánh bao chấm máu liếm” [5;28]... Và cuối cùng, anh ta tổng kết, mấy chữ “nhân, nghĩa, đạo đức”- các khái niệm cơ bản của lễ giáo phong kiến được giai cấp thống trị bao đời rất mực tôn vinh, thực chất chỉ là tấm bình phong hòng che đậy đằng sau ba chữ “ăn thịt người”. Thì ra, cái nơi vốn được coi là có nền văn minh tinh thần nhất thiên hạ, xứ sở của ánh sáng triết học, thi ca rạng ngời ấy lại chính là nơi mà cái ác, cái xấu đã và đang ngự trị. “Người điên” thuộc thành 11 Nguyễn Thị Mai Chanh và Bùi Thuỳ Linh phần trí thức. Có lẽ chính vì thế mà nỗi sợ bị ăn thịt của anh ta càng trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào các “bằng chứng lịch sử” mà anh ta dày công “tra cứu” được. Nỗi sợ hãi bị ăn thịt, có thể nói đã ám ảnh “người điên” hết sức nặng nề, chứng cứ là những biểu hiện của chứng điên ở nhân vật ngày càng trở nên trầm trọng. Vậy là, từ trong thế giới hoảng loạn của mình, tiếng kêu cứu của anh ta đã vọng ra, song không hề có lời hồi đáp. 2.2. . . . đến tiếng kêu cứu của người trí thức Lỗ Tấn Đằng sau tiếng kêu cứu của “người điên” vì chứng “bách hại cuồng”, người đọc như nghe thấy tiếng kêu cứu khẩn thiết của nhà văn yêu nước Lỗ Tấn, đâu phải chỉ là “Hãy cứu lấy các em!” [5;32], mà còn là hãy cứu lấy một đất nước Trung Hoa đang trong cảnh “nồi da nấu thịt”. Trong bài tạp văn Trước đèn tùy bút (tập Nấm mồ, 1925), Lỗ Tấn viết: “Cái gọi là văn minh Trung Quốc kì thực chỉ là bữa tiệc thịt người bày ra cho bọn giàu sang hưởng thụ, mà cái gọi là nước Trung Quốc kì thực chỉ là cái bếp để sửa soạn bữa tiệc thịt người đó” và “Bữa yến tiệc thịt người ấy đến nay vẫn còn bày biện ra đấy, có nhiều người vẫn muốn cứ bày biện ra như thế mãi. Quét sạch những đứa ăn thịt người ấy đi, hất đổ cái mâm tiệc ấy đi, đốt phá cái nhà bếp ấy đi, đó là sứ mệnh của thanh niên ngày nay” [6;76-77]. Điều được ông khẳng định dứt khoát ấy đã được xác định rất sớm ngay từ những trang truyện ngắn đầu tiên của Nhật kí người điên. Để thể hiện tư tưởng mạnh mẽ tấn công vào truyền thống, chống lại những giá trị văn hoá cũ kĩ, Lỗ Tấn đã sử dụng nhiều hình ảnh biểu tượng mang tính hai mặt và các hình ảnh chiếu ứng tạo cho tác phẩm tầm khái quát cao, qua đó chúng ta thấy thể hiện rõ tài năng của một nhà viết truyện “bậc thầy”. Trước hết là ở kiểu nhân vật hết sức khác thường - “người điên”. Anh ta dường như điên mà lại không điên, không điên mà lại là điên. Trong lịch sử phê bình văn học Trung Quốc từ trước đến nay, hình tượng “người điên” trong tác phẩm từng được gắn với nhiều cách lí giải. Có ý kiến cho rằng, người điên không điên mà là một chiến sĩ chống phong kiến tỉnh táo, một nhân vật anh hùng của thời đại. Anh bị “vu”, bị “gán” cho là điên do sớm “thức dậy” và đi trước mọi người. Đối lập với ý kiến trên, không ít người lại cho rằng, “người điên” ở đây là người điên thật, song anh ta không phải người điên bình thường mà là một chiến sĩ vì bị bức hại mà phát điên, điên rồi vẫn không ngừng chiến đấu. Còn một luồng ý kiến khác phủ nhận cả hai cách hiểu trên. Họ quan niệm đây là một người điên bình thường, bởi lẽ, một chiến sĩ ngoan cường đâu lại yếu đuối dễ bị bức hại mà phát điên như vậy; và khi đã điên thì sao còn có thể chiến đấu được nữa; mặt khác, lúc điên vẫn đầy dũng khí tuyên chiến, vậy tại sao khi khỏi điên rồi lại bước vào chốn quan trường, chịu quy hàng trước thế lực phản động. . . Theo chúng tôi, cần phân biệt trình độ nhận thức của “người điên” với tư tưởng của tác giả. Nhà văn viết tác phẩm không ngoài mục đích muốn gửi gắm tư tưởng của mình một cách nghệ thuật, muốn mượn tiếng nói của “người điên” để dễ dàng trình bày ngụ ý sâu xa. Nếu hiểu “người điên” chỉ là kẻ tâm thần thuần tuý thì ý nghĩa tác phẩm thật khó lí giải, vì lời nói của kẻ điên không đáng tin cậy bao giờ. Ở đây, “người điên” được miêu tả mang đầy đủ bệnh chứng của một người điên với sự hoang tưởng cao độ và những nỗi sợ hãi ám ảnh (nhìn mọi vật, mọi người đều thấy mối đe dọa đang tìm cách ăn thịt mình). Nhưng “người điên” cũng lại tỏ ra là bậc “thông thái” biết tra cứu “truyền thống lịch sử” của nạn ăn thịt người, tức tra cứu cội nguồn nỗi sợ của bản thân. Và trong cuộc hành trình truy cầu sự thực, khám phá chân lí đó, không phải nỗi hoang tưởng của anh ta, mà chính lịch sử Trung Hoa đã chứng minh rằng: chuyện ăn thịt người ở đất nước này là hoàn toàn có thực. Vậy thì nỗi lo sợ ăn bị ăn thịt của “người điên” có còn là hoang tưởng? Và nếu không phải là sự hoang tưởng thì “người điên” có phải là một người điên? Cái ranh giới giữa điên và không điên trở nên nhập nhằng, bởi trong lúc tưởng chừng như điên nhất lại là lúc “người điên” tỉnh nhất. Người điên - người mất trí lại có thể nhìn ra, trông thấu cái hiện thực xã hội xấu xa, hủ bại, trong khi biết bao nhiêu con người “tỉnh táo” thì lại đang hoặc vì 12 Nhật kí người điên của Lỗ Tấn và những tiếng kêu cứu ngu muội, hoặc cam tâm tình nguyện trở thành thứ thức ăn cho bọn ăn thịt người. “Người điên” dũng cảm tuyên chiến với lễ giáo phong kiến, còn biết bao kẻ tỉnh táo thì sẵn lòng đứng vào trong hàng ngũ của những kẻ có “truyền thống ăn thịt người trên bốn nghìn năm”. Hình ảnh “người điên - không điên” đã mang đến cho tác phẩm một ý nghĩa vô cùng thâm thuý. “Người điên” tự mình lần giở lại lịch sử tuy không đề niên đại, trang nào cũng thấy có mấy chữ “nhân, nghĩa, đạo đức”, nhưng đọc thật kĩ thì thấy, từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng đều là những chữ “ăn thịt người”, cuối cùng anh ta đi đến kết luận: “Cổ lai, việc ăn thịt người thường lắm”. Hành trình của “người điên” “khám phá chân lí” về việc ăn thịt người đã mang đến một hình ảnh chiếu ứng đặc biệt. Như đã nói ở trên, ba khái niệm vốn là giường cột của lễ giáo, được giai cấp phong kiến đề cao, nay được viết lại với tất cả sự mỉa mai “viết lung tung tí mẹt”, nên chúng đâu còn mang ý nghĩa thiêng liêng, cao quý nữa. Mặt khác, đằng sau đó hiển hiện ba chữ “ăn thịt người”, mà những chữ ấy đâu dễ nhận ra, “người điên” phải “đọc thật kĩ, mãi đến khuya mới thấy”; và chỉ có “người điên” đang bị ám ảnh bởi chuyện ăn thịt người mới có động lực để “đọc” và “đọc kĩ”, chứ những người “không điên”, hoặc không biết đến chuyện ăn thịt người, hoặc coi đó như một điều bình thường, lẽ dĩ nhiên đâu có “đọc” và phát hiện ra. Bằng lối chiếu ứng, Lỗ Tấn không chỉ giúp người đọc nhận ra bản chất tàn ác của xã hội, mà còn nói lên tiếng nói tố cáo một cách trực diện, gay gắt, kịch liệt, không chút dung hòa, thỏa hiệp. Có thể nói, nhiều hình ảnh mang tính chất biểu tượng đã được Lỗ Tấn sử dụng tài tình, khéo léo khắc sâu thêm tư tưởng tác phẩm. Hình ảnh cụ Cố Cữu - tượng trưng cho những nhân vật bảo thủ, mà cuốn sổ ghi nợ của ông ta chính là lịch sử thống trị trường kì của giai cấp phong kiến, cũng là món nợ truyền kiếp mà những người lao động khốn cùng phải đeo gánh; việc dẫm lên cuốn sổ nợ là tượng trưng cho hành vi chống lại chế độ. Hình ảnh con chó nhà họ Triệu là họ hàng của loài lang sói, của con “hyène”, “mắt rất dễ sợ và hình thù rất xấu xí, thường ăn thịt chết, xương to mấy cũng nhai nát ra rồi nuốt tất” cũng chính là hình ảnh của những con người trong cái thôn biểu tượng mang tên “thôn Lang Sói”. Ở đó có “tên đại ác vừa bị người ta đánh chết”, “có kẻ đến moi tim, moi gan đem về rán mỡ ăn cho được can đảm”. Ở đó, người với người chẳng khác gì loài lang sói sẵn sàng ăn thịt lẫn nhau. Hình ảnh họ khiến người đọc liên tưởng tới đám người thị chúng hả hê kéo nhau xem người ta chém đầu đồng loại của mình để nhận lấy chiếc bánh bao chấm máu người đỏ tươi về làm thuốc chữa bệnh lao cho người thân trong Thuốc. Sự thật đau lòng này còn được Lỗ Tấn nhắc lại trong Tùy bút trước đèn với giọng điệu chua xót: “Thế là bao nhiêu yến tiệc lớn bé, dọn bằng thịt người, đã được bày biện ra từ khi có văn minh cho mãi đến bây giờ. Và trong cái hội trường đó, người này ăn thịt người kia, lại bị người kia ăn thịt, tiếng reo vui ngu xuẩn của kẻ hung ác che lấp tiếng van la bi thảm của kẻ hèn yếu” [6;77]. Như vậy, Lỗ Tấn đã chỉ ra nguyên nhân của nạn ăn thịt người ở đất nước mình, mà con người không chỉ là nạn nhân, còn là kẻ sát nhân ăn thịt đồng loại, xót xa thay chính là do “bố mẹ chúng bày vẽ cho”. Cả một xã hội ăn thịt người có tính “cha truyền con nối”. Hình ảnh “bố mẹ” không đơn thuần là những kẻ tâm hồn đã bị đầu độc bởi lễ giáo phong kiến, mà còn là chính những kẻ thống trị đứng đầu trong vai trò “phụ mẫu”, là cả cái chế độ xã hội tàn bạo, vô nhân. Cuối tác phẩm, “người điên” đau khổ hoài nghi bản thân cũng nằm trong đám người có “truyền thống ăn thịt người trên bốn nghìn năm” qua. Chuyện vô tình trở thành kẻ ăn thịt người là do trước đây anh ta không biết, do còn ngu muội nên anh ta chưa nhìn ra được đằng sau ba chữ “nhân, nghĩa, đạo đức” viết “lung tung tí mẹt” là ba chữ “ăn thịt người”. Nhưng giờ đã biết rồi, anh ta nghĩ “khó lòng mà nhìn mặt những người chân chính”. Qua đây cho thấy, tuy sống giữa bầy sói, nhưng “người điên” không mất hết niềm tin vào bản tính thiện của con người, anh ta mạnh dạn lên tiếng cảnh tỉnh giới mình: “Các người có thể thay đổi được. Hãy thực tâm mà thay đổi đi”. Truyện kết thúc bằng lời kêu gọi “Hãy cứu lấy các em!”. Những dòng nhật kí của “người điên” đến đây cũng dừng lại. Anh ta không viết nữa, hay vì “người điên” nay đã khỏi bệnh và đang chờ để 13 Nguyễn Thị Mai Chanh và Bùi Thuỳ Linh chuẩn bị đi làm việc? Cái kết thúc này hẳn cũng mang nhiều ý nghĩa. Phải chăng khi đã nhận thức một cách rõ ràng về nạn ăn thịt người của xã hội cũng là lúc “người điên” hết bệnh? Và phải chăng chính “các em” đã trở thành một phần động lực giúp cho “người điên” khỏi bệnh? “Hãy cứu lấy các em!”, ai cũng hiểu đó là lời kêu gọi của nhà văn: hãy “quét sạch những đứa ăn thịt người ấy đi, hất đổ cái mâm tiệc ấy đi, đốt phá cái nhà bếp ấy đi, đó là sứ mệnh của thanh niên ngày nay”. Trong số những kẻ bị đày đọa, chịu nhiều khổ đau, bất hạnh, thiệt thòi, thì trẻ em và phụ nữ luôn là đối tượng cần sự chở che, nâng đỡ nhất; do đó, tiếng kêu “cứu lấy trẻ em” cũng là tiếng kêu cứu bi thương và cấp thiết nhất. Lớn tiếng kêu gọi cứu lấy những con người đáng thương nhất ấy cũng có nghĩa là kêu gọi cứu lấy tương lai của đất nước Trung Hoa, cứu lấy những con người sau này sẽ nắm sứ mệnh lịch sử thay đổi vận mệnh của cả dân tộc. Đó cũng chính là niềm mong mỏi lớn lao, là niềm tin của Lỗ Tấn vào một thế hệ Trung Quốc trẻ tuổi sẽ làm được những điều mà sinh thời ông luôn khát khao, trăn trở, nhưng chưa thể nào thực hiện. 3. Kết luận Chủ đề về truyền thống “ăn thịt người” của lễ giáo phong kiến Trung Hoa đã từng ám ảnh người đọc qua nhiều trang truyện ngắn Lỗ Tấn. Nó như hồi chuông cảnh báo con người hãy tỉnh táo để thoát ra khỏi sự thống trị của cái ác, cái dã man đang ngự trị mà hướng về cái thiện. Qua những trang viết của mình, nhà văn cho thấy đất nước Trung Hoa là một con bệnh nặng cần phải nhanh chóng tìm phương chạy chữa. Nhật kí người điên với phương thức tự sự đặc sắc đã góp phần truyền tải một cách ý nhị thông điệp tư tưởng trên. Nó là một minh chứng cụ thể cho mong muốn của nhà văn: lợi dụng sức mạnh của văn chương để giáo dục con người, cải tạo xã hội. Chỉ xét riêng kiệt tác Nhật kí người điên, chúng tôi thiết nghĩ, Lỗ Tấn đã rất xứng đáng được tôn vinh là “danh thủ truyện ngắn đại tài”. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Xuân Đề, 2002. Lịch sử Văn học Trung Quốc. Nxb Giáo dục. [2] Nguyễn Hiến Lê, 1969. Văn học Trung Quốc hiện đại. Nxb Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn. [3] Nhiều tác giả, 2009. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng. [4] Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ, 1988. Văn học Trung Quốc, tập 2. Nxb Giáo dục. [5] Lỗ Tấn, 2000. Truyện ngắn Lỗ Tấn (Trương Chính dịch). Nxb Văn học. Các dẫn chứng trong bài viết đều theo tài liệu này. [6] Lỗ Tấn, 1998. Tạp văn. Nxb Giáo dục. [7] Lỗ Tấn, 2007. Toàn tập kinh điển Lỗ Tấn. Nxb Bắc Kinh. [8] Nghiêm Gia Viêm, 2002. Luận về tiểu thuyết phức điệu của Lỗ Tấn. Nxb Giáo dục Thượng Hải. ABSTRACT A mad man’s diary by Lu Xun and the call to rescue A mad man’s diary is an excellent story by Lu Xun. As a representative of modern literature, the story has been considered a "first shot" targeting the rampart of Chinese feudalism, exposing the violence and crime in the "human-eating" society, and a call to rescue those who have been living in backward thinking with a dim-headed attitude, to rescue the China that was sinking in a "human-eating" party. This article highlights the insights of the creative character, "the mad man" who wrote the story. Keywords: A mad man’s diary, Lu Xun, "human-eating", call to rescue. 14

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4032_mtmchanh_0926_2132805.pdf
Tài liệu liên quan