Tài liệu Nhân vật nho sĩ trong tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án: 122
TẠP CHÍ KHOA HỌC
Khoa học Xã hội, Số 15 (5/2019) tr 122 - 129
NHÂN VẬT NHO SĨ TRONG TANG THƯƠNG NGẪU LỤC
CỦA PHẠM ĐÌNH HỔ VÀ NGUYỄN ÁN
Ngô Thị Phượng
Trường Đại học Tây Bắc
Tóm tắt: Nho sĩ là kiểu nhân vật phổ biến trong văn học trung đại Việt Nam. Ở tập kí Tang
thương ngẫu lục, nho sĩ được chia làm hai loại: nho sĩ hành đạo trung nghĩa và nho sĩ ẩn dật. Qua
nhân vật nho sĩ, tác giả đã kí thác tâm sự về xã hội dưới thời Lê mạt, đồng thời kín đáo nói lên tư
tưởng của cá nhân về lẽ xuất xử của nho sinh thời loạn.
Từ khóa: Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, nho sĩ.
1. Khái quát về Tang thương ngẫu lục
Tập kí Tang thương ngẫu lục là sáng tác của hai người bạn thân Tùng Niên - Phạm
Đình Hổ (1768 - 1839) và Kính Phủ - Nguyễn Án (1770 - 1815). Nhan đề Tang thương ngẫu
lục có thể tạm dịch là “những câu chuyện ghi chép tình cờ trong cuộc biến đổi” [6, tr.326]. Do
tính chất ghi chép với hệ thống đề tài đa dạng, tập kí được xếp vào thể tạp kí [6, ...
8 trang |
Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 522 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhân vật nho sĩ trong tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
122
TẠP CHÍ KHOA HỌC
Khoa học Xã hội, Số 15 (5/2019) tr 122 - 129
NHÂN VẬT NHO SĨ TRONG TANG THƯƠNG NGẪU LỤC
CỦA PHẠM ĐÌNH HỔ VÀ NGUYỄN ÁN
Ngô Thị Phượng
Trường Đại học Tây Bắc
Tóm tắt: Nho sĩ là kiểu nhân vật phổ biến trong văn học trung đại Việt Nam. Ở tập kí Tang
thương ngẫu lục, nho sĩ được chia làm hai loại: nho sĩ hành đạo trung nghĩa và nho sĩ ẩn dật. Qua
nhân vật nho sĩ, tác giả đã kí thác tâm sự về xã hội dưới thời Lê mạt, đồng thời kín đáo nói lên tư
tưởng của cá nhân về lẽ xuất xử của nho sinh thời loạn.
Từ khóa: Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, nho sĩ.
1. Khái quát về Tang thương ngẫu lục
Tập kí Tang thương ngẫu lục là sáng tác của hai người bạn thân Tùng Niên - Phạm
Đình Hổ (1768 - 1839) và Kính Phủ - Nguyễn Án (1770 - 1815). Nhan đề Tang thương ngẫu
lục có thể tạm dịch là “những câu chuyện ghi chép tình cờ trong cuộc biến đổi” [6, tr.326]. Do
tính chất ghi chép với hệ thống đề tài đa dạng, tập kí được xếp vào thể tạp kí [6, tr.326]. Tập
kí gồm 90 thiên, sáng tác vào khoảng thời gian đầu thế kỉ XIX, nhưng mãi đến năm 1896 mới
được ông nghè Gia Xuyên Đỗ Văn Tâm quyên tiền và cho in bằng mộc bản. Trước Cách
mạng tháng Tám, ông Trúc Khê Ngô Văn Triện đã dịch ra quốc âm. Năm 1960, khi tập kí
được xuất bản, ông Lê Tư Thực đã hiệu đính lại. Tập kí xoay quay những chuyện xảy ra thời
Lê mạt, tác phẩm nặng tính chất truyền kì, một số khác ghi chép về các nhân vật lịch sử, một
số ghi lại cảnh xa hoa trong phủ chúa, sự ngang ngược lộng hành ở chốn kinh thành và đối lập
là cảnh sống bần cùng của nông phu. Trong Tang thương ngẫu lục, hình ảnh nho sĩ chiếm số
lượng lớn. Thông qua các nhân vật này, các tác giả thể hiện tư tưởng về thời đại và con người
thời Lê Mạt.
2. Khái niệm nho sĩ, nhân vật nho sĩ và tư tưởng của tác giả trong Tang thương ngẫu lục
2.1. Khái niệm nho sĩ
Trước hết chúng ta cần tường minh khái niệm “nho sĩ” để phân biệt kiểu loại nhân vật
trong văn chương trung đại. Hai từ “nho sĩ” gắn liền với Nho giáo - học thuyết bao gồm các
nguyên tắc đạo đức, chính trị do Khổng Tử sáng lập, nhằm duy trì trật tự xã hội phong kiến.
Còn “nho sĩ” là kiểu loại được nhắc đến thường xuyên trong các giáo trình khảo cứu về văn
học giai đoạn này. Theo Từ điển tiếng Việt, khái niệm nho sĩ được hiểu là “người theo Nho
giáo, thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội phong kiến” [5, tr.698].
Theo Hán Việt từ điển thì “nho” là văn tự có cấu tạo hai phần “một bên chữ nhân, là
người, một bên chữ nhu là cầu” nghĩa là những phẩm chất của con người khi sống trên đời cần
Ngày nhận bài: 4/6/2018. Ngày nhận đăng: 11/12/2018
Liên lạc: Ngô Thị Phượng; e-mail: phuongngodhtb@gmail.com
123
phải có”. Cuốn từ điển nói trên cũng mượn câu văn của sách Pháp ngôn để chú thích như sau:
“Thông thiên địa nhân viết nho nghĩa là người rõ cả thiên văn, địa lí, nhân sư mới gọi là nho”
[1,tr.78]. Như vậy, có nghĩa là học giả có đủ hiểu biết về thiên, địa, nhân thì gọi là nho sĩ.
Với mục đích đi tìm câu trả lời thế nào là nho sĩ, chúng tôi tiếp tục khảo cứu, tham
khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu để chỉ ra đặc điểm nhận diện nho sĩ qua con đường xuất
xử - hành tàng của họ. Về biểu hiện cụ thể, trong công trình Loại hình học tác giả - nhà nho
tài tử và văn học Việt Nam, Trần Ngọc Vương đã cụ thể hóa con đường nhập cuộc của nhà
nho thành mô hình: học - thi cử - đỗ đạt - làm quan - cáo quan - ẩn dật, hoặc học - thi cử -
không đỗ đạt, các loại thầy - ẩn dật [7, tr.37].Theo ông, nho sĩ là những người đi học, đi thi,
đỗ đạt làm quan hoặc không đỗ đạt mà ẩn dật và có cả những ông đồ ở làng quê trong xã hội
phong kiến xưa.
Trong công trình của mình, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương chia nho sĩ làm hai loại: nho
sĩ hành đạo trung nghĩa và nho sĩ ẩn dật. Theo ông, nho sĩ hành đạo trung nghĩa là người sẵn
sàng nhập thế, làm quan, có cơ hội được “giải phóng năng lực” theo sách vở Nho gia và “cố
gắng lấy đi ít nhất của cuộc đời và đưa lại cho cuộc đời nhiều nhất” [8, tr.136]. Năng lực
chính mà họ được xã hội thừa nhận với các thang bậc: cách vật, trí tri, khắc kỷ, phục lễ, thành
ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ [8, tr.136]. Tài năng cao nhất mà văn hóa
Nho gia thừa nhận là tài kinh bang tế thế, có thể “phù nghiêng đỡ lệch” cho ngôi báu, có tài
thao lược cầm quân, có “trước thư lập ngôn, cầm kì thi họa”, vui với cảnh thanh bần, nghèo là
phương tiện để đạt đạo “Quân tử chi giao đạm nhược thủy”.
Khác với nho sĩ hành đạo trung nghĩa, nho sĩ ẩn dật vốn là người trước đó đã chịu ảnh
hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo nhưng khi lánh đời, về ẩn dật, họ tiếp thu tư tưởng Lão -
Trang và phần nào tư tưởng Phật giáo, thường che đi, giấu đi, biết mà không bộc lộ cái thật
của mình (loại tỵ ngôn) và giấu đi hình thức, hình thể, những suy nghĩ bên trong (loại tỵ sắc)
[7, tr.39]. Thực chất ranh giới giữa nho sĩ hành đạo trung nghĩa và nho sĩ ẩn dật không rõ ràng
mà chỉ có thể tùy thời, linh hoạt, biện chứng, như Mạnh Tử đã từng viết: “Quân tử chi đạo,
hoặc xuất hoặc xử” (Đạo của người quân tử, hoặc có thể xuất - tham chính làm quan; hoặc có
thể xử - rút lui, ẩn dật). Lúc triều đại hưng thịnh thì ra giúp nước, dồn hết tâm lực ở quãng đời
làm quan, ngược lại khi hoàn cảnh không cho phép thì người nho sĩ có thể thoái lui, náu mình,
đó là ẩn dật.
Nói tóm lại, từ việc kế thừa những ý kiến của các nhà nghiên cứu và từ biện giải cá
nhân, chúng tôi hiểu khái niệm nho sĩ như sau: Nho sĩ là những người thuộc tầng lớp trí thức
từng theo học Nho giáo trong xã hội phong kiến xưa, có đầy đủ phẩm chất cần thiết, tùy thời
mà ứng xử hành đạo trung nghĩa hoặc ẩn dật.
2.2. Nhân vật nho sĩ trong Tang thương ngẫu lục
Dựa vào quan niệm thế nào là nho sĩ nói trên, khảo sát tập Tang thương ngẫu lục do
Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành năm 1960, chúng tôi thu được kết quả như sau: 36/90 thiên có
xuất hiện hình ảnh người nho sĩ, chiếm tỷ lệ 40%. Trong số các tác phẩm có xuất hiện nhân
vật nho sĩ, có 30 tác phẩm nho sĩ là nhân vật chính.
Từ căn cứ này, chúng tôi có thể phân loại nhân vật và nhận thấy trong tập kí đã xuất
hiện hai mô hình nho sĩ: Nho sĩ hành đạo trung nghĩa và nho sĩ ẩn dật.
124
2.2.1. Nho sĩ hành đạo trung nghĩa
Về tương quan, trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án chủ
yếu xuất hiện kiểu nhà nho trung nghĩa như Nguyễn Duy Thời, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn
Công Hãng, Nguyễn Công Hoàn, Chu Văn Trinh, Đặng Trần Côn... Đặc điểm chung của
nhóm nho sĩ này là có tính tình giản dị “tệch toạc”, tài đức vẹn toàn, làm quan thanh liêm
ngay thẳng, ngông nghênh không sợ tà yêu, trọng tình và trọng tài, giỏi văn chương và lý số.
Trước hết, nhiều nhân vật kể trên có tính tình “tệch toạc” hoặc “đềnh đoàng”, lối sống
giản dị. Ông Nguyễn Bá Dương, người làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê, “tính tệch toạc,
thích uống rượu. Nhà nghèo kiết. Nhưng vẫn sống một cách thản nhiên. Hồi lên du học ở kinh
sư, ngoài một tấm áo, không có một cái gì đáng giá” [2, tr.35]. Ông Đặng Trần Côn, người
làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, “tính thích rượu, đềnh đoàng không buộc”, “lạc phách bất
cơ”, “tính người bừa bãi không buộc ở trong vòng lễ lặt vặt” [2, tr.135]. Ông Võ Công Trấn,
người làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, “thuở nhỏ đềnh đoàng, không chịu ở trong vòng câu
thúc” lúc đi trọ học còn đùa nghịch với yêu tinh trong miếu làng [2, tr.162]. Ông Nguyễn
Đăng Cảo, người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, “tính nết bừa bãi, ngoài thịt chó và rượu
ngon không còn ham thích cái gì, ngông ngạo không coi ai vào đâu cả”. Từ các nhân vật,
người đọc có cảm nhận rằng, dường như Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đang gián tiếp cổ xúy
cho mẫu hình nhà nho tài tử, không câu nệ không phép, là cách giải phóng những ẩn ức của
chính các nhà văn trên con đường hoạn lộ.
Nói về tài đức, các nho sĩ chân chính đều thẳng thắn, chính trực, học vấn rộng rãi, yêu
nước thương dân. Ông Nguyễn Duy Thời làm quan tể tướng có tiếng đời Trung hưng “giữ
mình ngay thẳng và khéo xoay đổi được ý của vua chúa” (Ông Nguyễn Duy Thời). Có lần
chúa vì đam mê sắc dục, bỏ cả phủ quan, nghỉ việc quốc chính, về thăm phi tần ở lý hạt Sơn
Tây, ông biết được bèn “chờ rồi phục lậy ở bến sông” và nói “bốn phương không có giặc giã,
sao lại vì một người đàn bà mà làm nhọc đến sáu quân, như vậy quốc thể còn ra sao nữa”. Nói
xong, ông ra lệnh cho quân sĩ không được bơi thuyền tiến lên, hễ ai làm trái sẽ lấy quân pháp
trị tội. Hành động, lời nói ngay thẳng và đúng cương pháp khiến “Chúa vì thế phải hồi loan”.
Với dân chúng, ông Nguyễn Duy Thời là người có lòng nhân ái. Chuyện kể một lần trong phủ
có một cái án lớn, tội nhân đáng phải tử hình, tiểu đồng nhỏ tuổi xin ông tìm cách gỡ tội, ông
không nhận của đút mà ngay lập tức xin chúa tha cho tử tù tội chết.Nguyễn Duy Thời cứu một
mạng người phúc đẳng hà sa. Giữ mình tiết tháo giống ông Nguyễn Duy Thời, Quốc lão
Phạm Công Trứ bị lừa ăn phải thức ăn là chim sẻ vàng do kẻ tử tù luồn lọt mang tới, bèn móc
họng để thổ ra. Dám nghĩ, dám làm, ông Chu Văn Trinh đời nhà Trần, dâng bài sớ xin chém 7
tên nịnh thần rồi treo mũ từ quan, về ở ẩn tại núi Chí Linh, dạy học trò. Hoàn thiện bản thân,
học vấn đủ đầy, không chịu cường quyền là phẩm chất nho sĩ lí tưởng trong thời loạn.
Người nho sĩ là những trung thần giàu lòng tự trọng. Ông Nguyễn Công Hãng bị các
bạnđồng niên chê cười, chế giễu vì trót chép sai “chữ cự sang chữ táp”. Ông bèn “từ chức về
kinh, học những điển cổ, luật lệnh sổ sách của triều đình, ba năm thuộc hết”, rồi tiếp tục quay
lại triều chính[2, tr.29]. Ông Bùi Thế Vinh đỗ tiến sĩ, làm quan nhà Mạc. Khi nhà Mạc mất
ngôi, ông lui về ở nhà. Nhà Lê tái đăng cơ, vời ra, ông “lấy một con dao rạch ở dưới đầu gối,
rồi cáo bệnh không chịu ra”. Một trung thần không thờ hai chủ, đó là phẩm cách của nho sĩ
125
đương thời. Ông Vũ Duệ làm quan đời Lê, gặp khi thiên hạ nhiều biến cố, ông theo vua Chiêu
Tông chạy vào Thanh Hóa, quyền thần Mạc Đăng Dung đem quân đón về, “ông mắng chửi
tàn nhẫn rồi mang cả quả ấn Ngự sử gieo mình xuống cửa bể Thần Phù tự tử”[2, tr.120].
Nho sĩ chân chính là người trọng tình nghĩa. Ông Nguyễn Bá Dương, là học trò nghèo,
nợ nần tới nỗi bị lột áo đòi nợ giữa đường. Ông được cô con gái người làng kẻ Mơ thương
tình mang tiền trả nợ hộ. Qua các kì thi, đỗ tiến sĩ, ông về kẻ Mơ cưới người con gái đó làm
vợ [2, tr.35]. Ông Uông Sĩ Đoan ở Cẩm Giàng thuở hàn vi, suốt ngày chỉ học, người vợ dữ
tợn cho rằng ông là đồ “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, đến lúc ông đi thi còn lột hết cả quần
áo, ông phải núp dưới ao. Cô con gái làng bên đi bán vải qua, thấy thế bèn xé vải tặng cho để
ông đóng khố. Sau ông thi đỗ, “bèn cưới người con gái ấy làm vợ”.
Cũng nói về tài đức kẻ sĩ, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án chú ý tới tài thơ văn của nho
sĩ. Ông Nguyễn Bá Dương đi thi, qua các kì khảo ở huyện và ở trấn, “nức tiếng là người hay
chữ”[2, tr.35]. Ông Nguyễn Công Hoàn “có tiếng văn hay lừng trong một thời” về chữ nghĩa
“thường không nhường ai cả” [2, tr.51]. Ông Nguyễn Trọng Thường“có khiếu văn chương”.
Ông Lê Trãi “văn chương có khí lực dồi dào”, sáng tác những bài văn “đọc rất khoái trá
miệng người” [2, tr.83]. Ông Phạm Ngũ Lão là người “có văn tài võ lược”, khi hỏi đến sự học
thì “kinh truyện thao lược, ứng đáp đâu ra đấy” [2, tr.97]. Ông Đặng Trần Côn trong khoảng
trường ốc “văn chương ông tiếng lừng thiên hạ”, học say mê đến nỗi chúa ra lệnh cấm lửa
kinh thành thì đào hầm để đọc sách. Văn chương như “trút cả tinh thần” vào đấy. Ông Phạm
Tấu “thuở nhỏ thông minh, đọc rộng các sách, văn chương rộng rãi mạnh mẽ”[2, tr.160].
Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án có nhiều trang văn say sưa miêu tả tài văn chương. Chẳng hạn
như trường hợp Lê Trãi, phải án oan tru di, về nơi chín suối, nhưng lời văn đanh thép trong
Bình Ngô đại cáo còn làm kinh sợ cả Bảng nhãn đời sau - người vô tình lỡ lời với oan hồn.
Ông Võ Công Trấn văn hay tới nỗi hóa giải cả yêu ma...
2.2.2. Nho sĩ ẩn dật
Bên cạnh nhà nho hành đạo trung nghĩa, tập ký Tang thương ngẫu lục còn xuất hiện
kiểu nho sĩ ẩn dật. Kiểu nhân vật này xuất hiện không nhiều so với nho sĩ hành đạo, tiêu biểu
như Thành Đạo tử, Chàng Năm - người học trò ở Chiêu văn quán, Lê Hữu Kiều, Chu Văn
Trinh, Tả Ao tiên sinh, Nguyễn Đông Cảo, người bán than... Loại nho sĩ ẩn dật không nhiều là
một thông số dễ lí giải, bởi Nho giáo chủ trương nhập thế. Thêm vào đó, bản thân cũng là nho
sĩ, có lẽ, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cũng thấm nhuần tinh thần này.
Điểm chung của các nho sĩ ẩn dật là đều đã từng theo học Nho gia, sau mang tư tưởng
vô vi, tiêu dao nhàn tản, giải phóng khỏi những giàng buộc xã hội, hòa nhập vào thiên nhiên,
học theo tư tưởng Lão - Trang.Thành Đạo tử trong tác phẩm cùng tên, người Sơn Tây, “tuổi
trẻ thi đỗ Hương tiến, rồi chán nghề thi cử, đi giang hồ bông lông” theo chân nhân Phạm
Viên, rồi “phóng lãng khắp nơi sơn thủy”[2, tr.38], chữa bệnh cho người, sau không biết đi
đằng nào mất. Chàng Năm - người học trò ở Chiêu văn quán là con nhà kép hát, không được
thi cử, nhà rất nghèo, bỏ Bắc Hà vào xứ Quảng Thuận “đất hiểm dân giàu, vị chúa biết đãi
người một cách nhún nhường”, sau không nhập thế mà chỉ làm nghề chăn trâu học rộng, hiểu
nhiều (Ông Lê Thời Hiến). Ông Chu Văn Trinh “đỗ tấn sĩ, làm quan đến chức Tư nghiệp ở
126
Quốc Tử giám. Đời vua Dụ Tông, dâng bài sớ xin chém 7 tên nịnh thần rồi treo mũ từ quan,
về ở ẩn tại núi Chí Linh, dạy học trò” [2, tr.81]. Nhân dân truyền tụng, trong số học trò ông
dạy, có hai học trò là thủy thần. Nhân vật người bán than (Người bán than) “ở ẩn, không chịu
ra làm quan, lấy nghề bán than làm kế sống”, ông tỵ ngôn trong những bài thơ yếm thế. Ông
Nguyễn Đăng Cảo thi đỗ, làm quan trong triều, rồi được cử đi sứ, đi sứ xong, “ông xin về hưu,
thường đội cái nón, chống cây gậy, xách bầu nước, lê đôi dép, qua lại thẩn thơ ở trong khoảng
suối đá, ham vui quên về”, sau định tầm sư ở đạo sĩ Trần Đồ Nam” [2, tr.152]. Tất cả các nhà
nho nói trên đều có xu hướng thoát li. Sự thoát li liên quan đến lẽ xuất xử của Nho giáo. “Xuất
xử, ra làm quan hay không ra làm quan - vốn là vấn đề lớn thường làm các nhà nho băn khoăn
suy nghĩ. Xuất xử thực ra không chỉ là chuyện quyết định nhận hay không nhận một chức vụ
mà là lựa chọn một thái độ sống. Sự lựa chọn đó cho biết phẩm chất đạo đức, thái độ chính trị,
và một phần thực tế chính trị xã hội” [3, tr.204]. Những mong muốn được thoát li vốn đã xuất
hiện từ lâu bởi con người luôn kiếm tìm một cuộc sống được giải thoát khỏi những giới hạn,
thoát khỏi sự nhàm chán. Nhà lí luận Pháp cũng cho rằng, con người thoát li bởi hai lí do chính:
một là, thực tại không làm cho họ thỏa mãn và hai là, bởi sự đi qua không trở lại của thời gian.
Nho sĩ trong Tang thương ngẫu lục thoát ly vì lý do thứ nhất.
2.3. Tư tưởng của tác giả qua nhân vật nho sĩ
Khi khảo sát tập kí, chúng tôi nhận thấy mặc dù các tác giả có đề cập đến hai kiểu loại
nho sĩ nhưng cuối cùng cũng chỉ tập trung biểu đạt một hệ tư tưởng. Để tránh sự trùng lặp,
chúng tôi xin phép không tách riêng mà chỉ biện giải ở tiêu mục này.
Trước hết, thông qua nhân vật nho sĩ, hai tác giả tập trung phản ánh hiện thực xã hội
đương thời. Viết về hiện thực trong Tang thương ngẫu lục, nhà nghiên cứu Hoàng Hữu Yên
nhận định: “Tang thương ngẫu lục đã phản ánh khá trung thực một phần những hiện thực lớn
của thời đại: chế độ phong kiến đã dột từ nóc dột xuống. Chế độ ấy đã dìm xã hội vào cảnh
sống đen tối và tàn khốc” [2, tr.8]. Xây dựng hành trạng nho sĩ, tác giả vạch trần chế độ đen
tối của giai cấp thống trị phong kiến suy thoái thù địch với tài năng, đồng thời ca ngợi, tự hào
về phẩm chất kẻ sĩ đương thời.
Chế độ phong kiến chuyên chế luôn tìm cách kiểm soát tài năng, kì thị, truy đuổi tài
nhân nhằm mục đích bảo vệ tước vị nối dõi. Nho sĩ Nguyễn Công Hãng là trụ cột của Trịnh
Doanh, gặp chuyện không phải thì thường can ngăn, lời nói thường “tha thiết thẳng thắn”, góp
công xây dựng cơ nghiệp nhà Trịnh vững vàng, khi Trịnh Giang lên nối ngôi, liền ép “phải an
trí ở Tuyên Quang, lại sai Trung sứ đánh thuốc độc cho chết”. Ông từng làm thơ than rằng:
An chúa hưu luân sùng ái thụ
Hoàng thiên hà nhẫn độc trung thần
(Kể gì cái chuyện một ông vua mờ tối đi tin yêu một anh quan hoạn,
Chỉ dám phàn nàn là sao ông trời lại nỡ độc hại người tôi trung).
Không chỉ có nho sĩ Nguyễn Công Hãng chịu cái chết tức tưởi, ông Phạm Đình Trọng
trong tác phẩm cùng tên cũng có cuộc đời bi thảm không kém. Ông Phạm Đình Trọng đỗ Tiến
127
sĩ năm Kỷ Mùi (1739), có công đánh đông dẹp bắc, bảo vệ ngôi báu cho chúa Trịnh, lúc đã
yên bình, Chúa sai Trung sứ đến “ban cho rượu thuốc” rồi “đổ máu ra bảy khiếu mà chết”.
Triều chính thối nát, tầng lớp thống trị thù địch với nho sĩ có tài năng xuất chúng nên
tự sản sinh ra những suy nghĩ, hành động cực đoan. Cha của nho sĩ Phạm Tấu người huyện
Đông Quan, làm chức Đông các, đỗ đạt mà vua chúa không ban cho một danh phận rõ ràng
nên theo Lê Duy Mật, bị chém đầu. Phạm Tấu vốn đỗ đầu thiên hạ, là nho sinh nguyện theo
con đường hành đạo trung nghĩa, nay vì cha bị chết chém mà bất mãn, “đâm ra bừa bãi, rượu
uống bét nhè, đuổi cả vợ con, chẳng thiết gì xây dựng sản nghiệp, thường đi chơi khắp nơi
sơn thủy, gặp lúc đắc ý thì uống rượu hát ngao, mải miết quên về” [2, tr.160]. Nhân vật Chàng
Năm trong tác phẩm Ông Lê Thời Hiến cũng vậy, sống trên quê cha đất tổ mà “thiếu quê
hương” mất tự do, bình đẳng, phải bỏ Bắc Hà vào Nam Hà, mang tiếng theo giặc. Ở xã hội
đó, vua chúa chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình. Chúa Uy Vương bị bệnh, “liền tối đến
cấm lửa cả kinh thành”, Đặng Trần Côn phải đào hầm để đọc sách. Lửa là nguồn sáng cho
con người tìm về tương lai. Chúa đã đóng cánh cửa vào tương lai ấy, mặc sức cho nhân tài tắt
lụi. Hành động của chúa đi vào cõi vô thức, khiến trong giấc ngủ ông Bùi Huy Bích chiêm
bao thấy “chúa Nghị tổ Ân Vương ngự đi chơi núi, ông quỳ khải rằng:
- Việc nước đến cơ hỏng mất, còn mong ở đấng Tiên thánh vương sẽ tính kế cho xã
tắc.Chúa thở dài không nói gì, chỉ trỏ tay xuống dưới núi thì thấy giữa đám núi thịt, bể máu,
mũ xiêm, xe kiệu bề bộn ngổn ngang không biết bao nhiêu mà kể” [2, tr.153]. Rõ ràng, đây
không đơn thuần là một giấc mơ.
Tiếng nói tố cáo đanh thép nhất đối với xã hội phong kiến được thể hiện qua nhân vật
nho sinh ẩn dật. Ông Chu Văn Trinh đời vua Dụ Tông, dâng bài sớ xin chém 7 tên nịnh thần
rồi treo mũ từ quan, về ở ẩn tại núi Chí Linh, dạy học trò”. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép:
“An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo,
không cầu lợi lộc. Dụ Tông ham chơi bời, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép
nước, An khuyên can, Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là
những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là thất trảm sớ. Sớ dâng lên, nhưng
không được trả lời, ông liền treo mũ về quê” [4]. Vua chúa không để kẻ sĩ yên thân mà dồn
đến chân tường, không còn cách nào khác kẻ sĩ phải “bảo thân”, tìm đến con đường ẩn dật.
Mặc dù con đường thoát li của kẻ sĩ không viên mãn song hai tác giả muốn gửi gắm
niềm tin vào họ và ngầm đưa ra những suy nghĩ của mình về chân dung nho sĩ lí tưởng, cách
thức bảo toàn danh phận là lánh đục về trong. Phản ánh tình hình ấy, Tang thương ngẫu lục
đề cao thái độ sống ẩn dật, không tham gia việc đời - thực chất là bất hợp tác với giai cấp
thống trị. Hai con đường hành đạo và xuất xử cùng lúc tồn tại cho thấy lòng người, thời cuộc
nhiều chênh chao trước biến ảo vô thường, vô định. Sự luẩn quẩn của cuộc đời nhân vật giữa
đôi bờ cống hiến hay ở ẩn phản ánh sự dao động của hai tác giả trên hành trình kiếm tìm
minh chủ. Trước hết, trong hiện tại, hai tác giả phân vân dao động trong cách chọn đường.
Đưa nhân vật vào hai hệ thống khác nhau nhưng dường như chung cuộc lại không có hậu, nó
cho thấy hai tác giả phân vân với chính phép thử của mình. Ẩn dật không thành, tại triều cũng
bất ổn. Ở thế kỉ XVII, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, tiên
128
nghiệm sự tuyệt giao của xã hội phong kiến với người trí thức. Tình trạng này còn kéo dài tới
cả giai đoạn sau. Nguyễn Du bất lực trước thời thế mà viết Tạp thi:
Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên,
Xuân lan thu các thành hư sự
Hạ thử, đông hàn, đoạt thiếu niên.
(Người tráng sĩ bạc đầu đau xót ngẩng nhìn trời trong trạng thái tuyệt vọng/Hoài bão
cao xa, sinh kế hàng ngày đều cùng mù mịt/ Cái thú hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu ngày
cãng hão huyền/Cái oi bức của mùa hè và sự giá rét của mùa đông làm tiêu tan đi chí khí của
tuổi trẻ).
Hoặc tâm trạng bế tắc đó được Lê Hữu Trác thổ lộ:
Nhập tâm khí bất khả
Quy Hán diệc vị hoàng
Hồ Hải không phiêu lãng
Tráng tâm thành đại cuồng.
(Thuật hoài)
(Tìm đường về Hán chưa xong/Sang Tần thì việc đã không nên rồi/Bể hô trôi dạt đôi
nơi/Cho người chí tráng ra người cuồng ngông.)
Qua nhân vật, hai tác giả còn thể hiện quan niệm về nho sĩ lí tưởng và lòng yêu nước
thầm kín. Như đã trình bày ở trên, theo Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, nho sĩ lí tưởng phải có
phẩm chất có tính tình giản dị, tài đức vẹn toàn, chính trực và ngang tàng, trọng tình nghĩa,
giỏi văn chương và lý số. Họ dám xả thân, chịu tiếng khinh quân, coi thường cái chết. Ông Vũ
Duệ vốn là tôi trung thời Lê, “gặp khi thiên hạ nhiều biến cố” từ chối làm quan cho quyền
thần Mạc Đăng Dung nên“gieo mình xuống cửa bể Thần Phù tự tử”. Hơn 60 năm sau, người
ta lặn xuống cửa bể tìm quả ấn Ngự sử, “thấy ông vẫn đội mũ mặc áo như sống” (Vũ Duệ).
Cái chết bất tử cùng thời gian của Vũ Duệ đã trở thành huyền thoại. Có lẽ, sự bất tử là một
biểu tượng về sự thanh cao, là sự hóa thân siêu thoát của nho sĩ. Qua hình tượng này, Phạm
Đình Hổ và Nguyễn Án muốn khẳng định, cái đẹp luôn bất tử, dù nó phải chịu sự chà đạp tàn
khốc của cái xấu xa. Tuy thái độ này cho thấy sự bất lực của tác giả trước “trò đời thịnh suy
thay đổi biết là đường nào” (Chùa Tiên Tích), nhưng lại là vũ khí đấu tranh khá sắc sảo nói
lên tâm huyết đáng quý của nhà văn với xã hội. Có lẽ, người nho sĩ chính là hình bóng của hai
tác giả.
Với lòng yêu nước thầm kín, các tác giả kể lại một cách say sưa trí thông minh mẫn
tiệp, tinh thần rắn rỏi, khẳng khái của nho sĩ thời Lê mạt. Ông Nguyễn Công Hãng khi đi sứ
đã đem tài hùng biện của mình để đòi nhà Thanh bỏ tục cúng người vàng và hũ nước để rửa
ngọc trai, vua Thanh phải nghe và từ đó rửa được cái nhục cho quốc thể. Ông Nguyễn Đăng
Cảo là người sinh hoạt phóng túng nhưng thông minh tuyệt vời. Sứ thần Trung Hoa sang sắc
phong, đưa cho thế tử một vuông gấm viết chữ “càn” thật to. Cả triều đình không ai giải được,
liền triệu Đông Cảo vào. Đông Cảo tới phủ xem xong, cho rằng đó là “cái trò đánh đố nhỏ
129
nhặt ấy bõ gì”, rồi viết thêm một nét sổ để thành chữ “vương”. Yêu quá khứ vẻ vang chính là
thể hiện niềm tự hào dân tộc của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án.
3. Kết luận
Tập kí Tang thương ngẫu lục là một văn bản tuyệt bút nhằm bảo lưu những giá trị bản
sắc Việt. Đó là giá trị sử liệu, giá trị nhân văn... Với nhân vật người nho sĩ, hiện thực xã hội
thời Lê mạt hiện lên rõ nét, chân dung người nho sĩ được hình thành với quy mô lớn, đồng
thời phân tích hành động chọn lựa lẽ xuất xử để bảo vệ dưỡng thân của người nho sĩ trong
thời tao loạn. Thông qua nhân vật nho sĩ, các tác giả đã phê phán hiện thực đương thời, thể
hiện niềm tự hào dân tộc, tình yêu nước thầm kín và quanh đây thấp thoáng chân dung của
chính các nhà văn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đào Duy Anh (biên soạn), Hãn Mạn Tử (hiệu đính) (2001), Từ điển Hán Việt, quyển hạ,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (1960), Tang thương ngẫu lục, NXB Văn hóa, Hà Nội.
[3] Trần Đình Hượu (2004), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, NXB Văn hóa -
Thông tin, Hà Nội.
[4] Lê Văn Hưu (2004), Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[5] Hoàng Phê (chủ biên và các tác giả khác) (1998), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng -
Trung tâm Từ điển ngôn ngữ xuất bản, Hà Nội - Đà Nẵng.
[6] Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
[7] Lê Văn Tấn (2013), Tác giả nhà nho ẩn dật và văn học trung đại Việt Nam, NXB Khoa
học Xã hội, Hà Nội.
[8] Trần Ngọc Vương (1999), Văn học Việt Nam - dòng riêng giữa nguồn chung, NXB Đại
học quốc qua Hà Nội.
CONFUCIAN SCHOLARSIN TANG THUONG NGAU LUC
BY PHAM DINH HO AND NGUYEN AN
Ngo Thi Phuong
Tay Bac University
Abstract: Confucius is a popular character in the medieval Vietnamese literature. In Tang
thuong ngau luc, there are two types of confucius: one of faithful practice and the other of recluse.
Through the character of confucius, the writer entrusted his social concerns under Le Mat, at the same
time secretly presented the individual thoughts about the advent of confucius in the rainy season.
Từ khóa: Tang thương ngau luc, Pham Dinh Ho, Nguyen An, confucius
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 16_ngo_thi_phuong_6321_2167626.pdf