Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nam Cao, Nguyễn Khải và ma Văn Kháng

Tài liệu Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nam Cao, Nguyễn Khải và ma Văn Kháng: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0063 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 94-98 This paper is available online at NHÂN VẬT NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG SÁNG TÁC CỦA NAM CAO, NGUYỄN KHẢI VÀMA VĂN KHÁNG Nguyễn Thị Quất Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hoài Đức, Hà Nội Tóm tắt. Nam Cao, Nguyễn Khải và Ma Văn Kháng là ba nhà văn đặc biệt thành công khi viết về người trí thức. Từ sự khác khác nhau về điểm nhìn và cá tính sáng tạo, mỗi nhà văn lại có cách khai thác riêng đối với kiểu nhân vật này. Đó là lí do vì sao nhân vật người trí thức hiện lên trong sáng tác của họ ngoài những nét chung còn có nhiều nét riêng biệt độc đáo. Qua hình tượng người trí thức, người đọc phần nào hình dung được những nỗi suy tư trăn trở của các nhà văn trước cuộc đời. Từ khóa: Nhân vật người trí thức, góc nhìn, Nam Cao, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng. 1. Mở đầu Nhân vật người trí thức là nhân vật truyền thống của văn học Việt Nam [1, 2, 3]. Có thể khẳng định rằng, ngay từ buổi bình...

pdf5 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 665 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nam Cao, Nguyễn Khải và ma Văn Kháng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0063 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 10, pp. 94-98 This paper is available online at NHÂN VẬT NGƯỜI TRÍ THỨC TRONG SÁNG TÁC CỦA NAM CAO, NGUYỄN KHẢI VÀMA VĂN KHÁNG Nguyễn Thị Quất Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hoài Đức, Hà Nội Tóm tắt. Nam Cao, Nguyễn Khải và Ma Văn Kháng là ba nhà văn đặc biệt thành công khi viết về người trí thức. Từ sự khác khác nhau về điểm nhìn và cá tính sáng tạo, mỗi nhà văn lại có cách khai thác riêng đối với kiểu nhân vật này. Đó là lí do vì sao nhân vật người trí thức hiện lên trong sáng tác của họ ngoài những nét chung còn có nhiều nét riêng biệt độc đáo. Qua hình tượng người trí thức, người đọc phần nào hình dung được những nỗi suy tư trăn trở của các nhà văn trước cuộc đời. Từ khóa: Nhân vật người trí thức, góc nhìn, Nam Cao, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng. 1. Mở đầu Nhân vật người trí thức là nhân vật truyền thống của văn học Việt Nam [1, 2, 3]. Có thể khẳng định rằng, ngay từ buổi bình minh của văn học viết, trong các bài thơ chữ Hán đầu tiên, kiểu nhân vật này đã đi vào văn chương và trở thành những nhân vật đầu tiên của văn học. Cùng với sự vận động theo hướng hội nhập vào dòng chảy chung của văn học thế giới, sang thời kì văn học hiện đại, việc thể hiện nhân vật trí thức cũng có những thay đổi khá quan trọng. Từ chỗ chỉ được thể hiện ở chí khí, khát vọng lớn lao (qua cách thể hiện của các nhà thơ, nhà văn trung đại), chân dung người trí thức ngày một rõ nét hơn qua cách thể hiện của các nhà văn hiện đại. Cùng với nhân vật người lính và nông dân, kiểu nhân vật người trí thức đang dần dần khẳng định vị trí quan trọng của mình trên văn đàn. Vị trí quan trọng ấy không chỉ được tạo nên bởi số lượng nhân vật xuất hiện ngày một nhiều mà còn bởi ý nghĩa to lớn của kiểu nhân vật này trong việc thể hiện những bước tiến mới trong nhận thức về con người, thời đại và sự hình thành phong cách nghệ thuật ở một số nhà văn lớn. Trong quá trình sáng tác, rất nhiều nhà văn đã chọn người trí thức làm đối tượng thể hiện nhưng viết nhiều, viết hay về người trí thức phải kể đến ba nhà văn: Nam Cao, Nguyễn Khải và Ma Văn Kháng. Có thể nói cả ba nhà văn đều rất tâm huyết với đề tài người trí thức, trong bào viết này, chúng tôi tiếp cận nhân vật người trí thức của các nhà văn từ những góc nhìn khác nhau khiến họ hiện lên cũng mang những đặc điểm riêng khá độc đáo và ấn tượng. Ngày nhận bài: 15/7/2015 Ngày nhận đăng: 10/11/2015 Liên hệ: Nguyễn Thị Quất, e-mail: quat68@gmail.com 94 Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nam Cao, Nguyễn Khải và Ma Văn Kháng 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Người trí thức trong sáng tác của Nam Cao Trong văn học hiện đại Việt Nam, Nam Cao được người đọc biết đến trước hết với tư cách là nhà văn xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán 1930-1945. Người đọc biết đến ông không chỉ bởi những nhân vật như Chí Phèo, lão Hạc mà còn bởi những nhân vật như Thứ, Hộ, Điền... Trước Nam Cao, các nhà văn Tự Lực văn đoàn đã viết về người trí thức, nhưng phải đến Nam Cao, vấn đề thân phận người trí thức mới được đặt ra, chất trí thức mới được dụng công khai thác, nhân vật người trí thức mới thực sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người đọc. Các nhân vật Thứ (trong Sống mòn), Hộ (trong Đời thừa), Điền (trong Giăng sáng), tôi (trong Mua nhà). . . từng để lại những dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc về cuộc sống của người trí thức Việt Nam giai đoạn trước 1945. Tìm hiểu tác phẩm của Nam Cao, người đọc dễ dàng nhận thấy nhân vật trí thức của ông đều là những con người có lí tưởng, có hoài bão nhưng “Cả lí tưởng nhân đạo cao cả, hoài bão nghệ thuật chân chính đều có nguy cơ chết mòn trước sự tấn công quyết liệt, dai dẳng và tàn bạo của cái đói” [2;156]. Trong thực tế cuộc sống và văn học, người có khát vọng đẹp không phải là hiếm, cũng không phải ai cũng thực hiện được dự định của mình, nhưng nếu có thể dằn lòng từ bỏ được ước mơ, chấp nhận thực tại hoặc tha hóa mà không biết mình đang tha hóa cũng cũng không có bi kịch. Nhân vật của Nam Cao thì không như vậy, họ luôn ý thức rất rõ về bản thân, ý thức rất rõ sự “mòn đi”, “gỉ đi”, tầm thường đi của mình. Họ coi khinh bản thân, họ uất ức với hoàn cảnh nhưng không biết làm cách nào để thoát ra khỏi hoàn cảnh. Cũng vì thế nhân vật người trí thức của Nam Cao có tài năng, có nhân cách, có hoài bão đẹp nhưng cũng là người thụ động, bạc nhược. Đứng ở góc độ một trí thức tiểu tư sản sống dưới thời thực dân nửa phong kiến, Nam Cao luôn xem vấn đề cơm áo là rào cản lớn trên hành trình thực hiện ước mơ, là nguyên nhân gây nên bi kịch tinh thần của người trí thức. Đọc truyện ngắn và tiểu thuyết Nam Cao trước cách mạng chúng tôi nhận thấy đằng sau mỗi nhân vật trí thức có một nỗi buồn da diết, một sự trăn trở khôn nguôi của nhà văn trước hoàn cảnh bế tắc của chính ông và cũng là của tầng lớp trí thức thời kì trước cách mạng. Sau cách mạng, so với các nhà văn cùng thời, Nam Cao cũng là người sớm lột xác và nhanh chóng bắt nhịp với cách mạng, ông không chỉ tìm được lối đi cho mình mà còn tìm được lối thoát cho nhân vật. Nếu như trước kia, người trí thức của Nam Cao bế tắc trước hoàn cảnh thì lúc này họ đã biết mình phải làm gì. Độ (Đôi mắt) đã từ bỏ giấc mộng văn chương hăng hái lên đường tham gia kháng chiến, sẵn sàng trở thành anh tuyên truyền viên nhãi nhép để đóng góp công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh những người sẵn sàng từ bỏ giấc mộng cá nhân vì đất nước, còn có những trí thức chậm tiến khoanh tay đứng ngoài cuộc, hơn thế nữa còn lên giọng chửi đổng, tiêu biểu là nhân vật Hoàng. Đứng ở góc độ của một trí thức cách mạng, Nam Cao đánh giá người trí thức ở thái độ nhập cuộc và ý thức trách nhiệm với sự nghiệp chung. Nam Cao sớm hi sinh khiến cho những ấp ủ lớn về nghệ thuật không thể tiếp tục thực hiện nhưng những gì ông đã gợi ra lớp nhà văn nối tiếp sẽ tiếp tục khai thác. Với những thành công về mảng đề tài người trí thức, Nam Cao vẫn xứng đáng là người đầu tiên định hình nên một kiểu chân dung nhân vật đặc biệt - nhân vật trí thức - trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. 2.2. Người trí thức trong sáng tác của Nguyễn Khải Tiếp nối Nam Cao, một số nhà văn thời kì kháng chiến chống Pháp và Mỹ cũng có viết về người trí thức. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên kiểu nhân vật đặc biệt này chưa được quan tâm thể hiện một cách đúng mức, cũng vì thế chân dung của họ hiện lên chưa đậm nét và chưa đủ để định hình một phong cách nghệ thuật. Phải đến khi chiến tranh kết thúc, vai trò của người trí thức trong công cuộc xây tái thiết đất nước được khẳng định, cái tôi cá nhân được quan tâm trở lại 95 Nguyễn Thị Quất thì người trí thức mới trở thành đề tài hấp dẫn với văn chương. Nguyễn Khải là một trong số các nhà văn đầu tiên có sự quan tâm đặc biệt đến người trí thức và thể hiện nó một cách đậm nét trong các tiểu thuyết của mình. Trong các tiểu thuyết: Cha và con và. . . , Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Vòng sóng đến vô cùng, Một cõi nhân gian bé tí. . . nhân vật người trí thức của Nguyễn Khải luôn đem đến cho người đọc những điều bất ngờ thú vị. Trong số họ có những người là tiến sĩ, cử nhân được đào tạo ở những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài như anh Đại, anh Chương, anh Quý, anh Hảo (Gặp gỡ cuối năm), có trường hợp được đào tạo từ các trường đại học nổi tiếng trong nước như Bình (Gặp gỡ cuối năm), có người được đào tạo từ trường sĩ quan của Ngụy như Quân (Gặp gỡ cuối năm), Quân (Thời gian của người), có những người trở thành trí thức nhờ quá trình tự học tập rèn luyện trong quá trình lao động, công tác, tiêu biểu như ông Hai và chị Ba Huệ (Thời gian của người). . . nhưng họ đều là những con người tài năng, say mê và nhiệt huyết với lí tưởng sống đã lựa chọn. Tiểu thuyết Nguyễn Khải còn tạo được ấn tượng đặc biệt bởi sự hình thành một cách rất tự nhiên hai thế hệ trí thức trẻ và già, “sự xuất hiện thường xuyên thành cặp hai loại nhân vật già- trẻ này đã đem lại hình ảnh một xã hội đang vận động, với tất cả sự mâu thuẫn và thống nhất, sự tiếp nối và đứt đoạn giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, giữa các thế hệ trong một thời đại” [1;72]. Lớp trí thức già là những người đã từng đi qua chiến tranh, có thể từ sự từng trải với những thành công và thất bại của mình đủ khả năng để khái quát chân lí cuộc sống. Lớp trí thức trẻ là những người đang từng bước tự khẳng định mình trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ thường đối thoại với nhau để tìm ra những chân lí cuộc sống và nhận thức được những bước đi cần thiết trong tương lai. Đọc tiểu thuyết Nguyễn Khải, chúng tôi nhận thấy trong khi Nam Cao đặt nhân vật vào trong mối quan hệ với vấn đề miếng cơm manh áo thì Nguyễn Khải đặt nhân vật vào mối quan hệ với các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước để xem xét. Vấn đề chính Nam Cao quan tâm là vấn đề mối quan hệ giữa lí tưởng với và khả năng thực hiện lí tưởng thì vấn đề chủ yếu mà Nguyễn Khải quan tâm là vấn đề thái độ sống và sự lựa chọn cách sống. Sự khác biệt này xuất phát từ điểm nhìn nhân vật khác nhau. Với cách nhìn của một nhà văn đã từng trải qua thời kì khốc liệt nhất của chiến tranh, Nguyễn Khải xem sự thành công hay thất bại của người trí thức được quyết định trước tiên ở nhận thức chính trị. Nói như nhân vật Quân (Gặp gỡ cuối năm): “Làm người đã khó, làm người trí thức càng khó hơn. Hàng ngày phải lựa chọn, từng việc phải lựa chọn, lầm lỡ một chút là tiếng xấu để đời. . . ”. Trong tiểu thuyết, Nguyễn Khải đã xây dựng được cả những nhân vật trí thức thành công và thất bại. Ai chọn đúng thì lí tưởng được thực hiện, ai chọn sai thì thất bại và phải ôm hận mãi mãi. Anh Hảo, anh Quân (trong Gặp gỡ cuối năm), anh Quân, anh Vĩnh, ông Hai, chị Ba Huệ (trong “Thời gian của người) ngay từ đầu đã lựa chọn chính xác đường đi (một lòng đi theo cách mạng), chính vì thế mà có những đóng góp tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật trở thành một lực đẩy cho tiến trình phát triển chung. Còn anh Quý, anh Chương (Gặp gỡ cuối năm) từ nhận thức chính trị sai lầm dẫn đến lựa chọn đường đi sai lầm (làm việc cho chế độ ngụy quyền) và trở thành vật cản trong tiến trình phát triển xã hội, phải mang sự mặc cảm và nỗi ân hận suốt đời vì sự sai lầm ấy. Khi bước vào buổi xế bóng, sự lựa chọn dứt khoát cuối cùng của anh Chương và anh Quý: một người trở về làm người chồng người cha tốt làm một công dân bình thường, một người kiên quyết không chạy trốn ra nước ngoài là sự lựa chọn đúng đắn. Sự lựa chọn cuối cùng này cho thấy cái nhìn đầy nhân ái và tin tưởng của nhà văn đối với lớp trí thức đã từng lầm lẫn trong quá khứ. Đối với lớp trí thức trẻ, Nguyễn Khải đặt lại đặt họ vào môi trường xã hội thời kì hậu chiến bề bộn ngổn ngang, lẫn lộn cả tốt xấu trắng đen, ánh sáng và bóng tối để họ thể hiện mình. Lúc này sự thành hay bại lại phụ thuộc vào việc xác định cách sống. Bình (Gặp gỡ cuối năm) kiên quyết phản đối thái độ nhân nhượng và lối sống thực dụng vì theo anh, sống nhân nhượng sẽ không đóng góp gì cho sự phát triển, còn để đồng tiền len vào sự tính toán thì người trí thức sẽ đánh mất chính 96 Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nam Cao, Nguyễn Khải và Ma Văn Kháng mình. Câu chuyện anh kể về mấy người bạn của mình là những minh chứng cụ thể cho điều đó. Bình đã từng khẳng định một cách rất chắc chắn về những việc cần làm của thế hệ trẻ: phải bắt tay vào làm nhiều việc, sẽ có nhiều bỡ ngỡ và không tránh khỏi va vấp, nhưng việc đầu tiên cần làm là loại đồng tiền ra khỏi sự tính toán. Còn Giang (Vòng sóng đến vô cùng) chỉ rõ việc thờ ơ vô trách nhiệm với tập thể là nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của đơn vị. Giang không đồng tình để cho mối quan hệ bạn bè xen vào trong công việc bởi khi đó trách nhiệm với tập thể sẽ không được đặt lên hàng đầu. Với Giang, cái anh cần là kinh nghiệm về sự thất bại, là sự từng trải trong thất bại để từ đó tìm cho mình một con đường đi thích hợp. Tìm hiểu những trí thức trẻ trong tiểu thuyết Nguyễn Khải, chúng tôi thấy họ đều là những người năng nổ nhiệt tình, dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm. Lựa chọn cách sống đứng vào giữa cái bề bộn ngổn ngang của ngày hôm nay, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn để tìm một lối đi đúng đắn là việc làm thể hiện thái độ nhập cuộc rất tích cực của họ. Đọc Nguyễn Khải, chúng ta thấy, nhân vật trí thức của ông dù trẻ hay già đều rất ham tranh biện ham triết lí, thích bàn đến những vấn đề chính trị xã hội. Những con người này sống nặng về lí trí nên cho dù thành công hay thất bại, những xúc cảm vui buồn rất ít khi được thể hiện, lúc nào họ cũng đau đáu một điều: lựa chọn đường đi và cách ứng xử thế nào cho đúng đắn. Chính những đặc điểm này góp phần làm nên những nét riêng độc đáo của nhân vật trí thức trong tiểu thuyết Nguyễn Khải. 2.3. Người trí thức trong sáng tác của Ma Văn Kháng Cùng thuộc lớp nhà văn đi tiên phong trong thời kì đổi mới, cùng lấy nhân vật trí thức làm đối tượng quan trọng để khi thác nhưng cách viết của Ma Văn Kháng và Nguyễn Khải lại rất khác nhau. Nếu như nhân vật trí thức của Nguyễn Khải được đặt trong mối quan hệ với các vấn đề chính trị lớn lao của đất nước thì Ma Văn Kháng lại đặt nhân vật trí thức các mối quan hệ đa dạng phức tạp của đời thường. Có thể nói nhân vật trí thức của Ma Văn Kháng vì thế mà gần gũi hơn, đời thường hơn nhân vật trí thức của Nguyễn Khải. Đọc tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì đổi mới, chúng tôi nhận thấy nhân vật trí thức của ông hầu hết là những con người tài năng nhưng lại phải mang nỗi đau thân phận. Các nhân vật Tự, Kha, Thuật, ông Thống (trong Đám cưới không có giấy giá thú), Khiêm, cha Khiêm, Hoan, Thịnh (trong Ngược dòng nước lũ), ông Quyết Định, ông Đồng, Toàn (trong Một mình một ngựa), ông Thuần ( trong Chó Bi, đời lưu lạc). . . đều có chung cảm nhận đó. Nỗi đau thân phận của các nhân vật này được thể hiện ở ba sắc thái bi kịch cơ bản: bi kịch lạc thời vỡ mộng, bi kịch hôn nhân gia đình và bi kịch tha hóa nhân cách. Bi kịch thứ nhất là bi kịch của những người có lí tưởng sống cao đẹp nhưng thực tế xã hội chưa cho phép những lí tưởng ấy được thực hiện, chính vì sự tiến bộ của bản thân mà họ trở thành thiểu số, trở nên lạc lõng giữa thời đại mình và bị rơi vào trạng thái vỡ mộng. Họ chỉ biết “dùng nhân cách để chống trả, để sống, để chiến thắng mụ dì ghẻ cuộc đời” [3;93]. Bi kịch thứ hai là bi kịch những con người phải chịu nỗi đau bị người bạn đời phản bội. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nỗi đau này chính là ở chỗ họ luôn tuyệt đối hóa các giá trị tinh thần và đạo đức, không thể vứt bỏ lí tưởng sự nghiệp vì vợ con, không thể giẫm đạp lên các giá trị tinh thần cao quý để kiếm tiền phục vụ cho nhu cầu vật chất không biết thế nào là đủ của cuộc sống. Bi kịch thứ ba là bi kịch của những người có tài năng nhưng không có cơ hội phát triển tài năng vì bị đố kị cá nhân hoặc do những định kiến chính trị, họ đã cố gắng vươn lên để khẳng định giá trị bản thân nhưng trong quá trình vươn lên đó vì bất mãn mà sinh ra lệch lạc mất phương hướng và dần dần đánh mất chính mình. Nỗi đau đời của người trí thức luôn đem lại nỗi trăn trở khôn nguôi trong lòng bạn đọc khi gấp trang sách cuối cùng lại. Tuy nhiêu, nếu chỉ có bi kịch thì nhân vật trí thức của Ma Văn Kháng cũng trở nên đơn điệu và thiếu sức hấp dẫn. Điều làm nên sức sống lâu bền của nhân vật còn là ở chỗ: cho dù phải chịu 97 Nguyễn Thị Quất nỗi đau thân phận, dù phải mang những vết thương lòng không thể nào hàn hàn gắn nổi nhưng phần lớn trí thức vẫn vượt lên trên hoàn cảnh, chống lại số phận, vẫn khẳng định tài năng nhân cách của mình. Mặc dù bị đối xử bất công, bị tước đoạt mọi thứ nhưng Tự, ông Thống, Khiêm, Thịnh, ông Đồng, Toàn, ông Thuần vẫn giữ được cốt cách khí khái như các bậc đại nho thanh cao và ngạo nghễ khiến mọi người phải ngưỡng mộ. Điều đặc biệt là trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng đã xuất hiện người trí thức trẻ có tính chủ động cao, có tinh thần nhập cuộc hết sức tích cực sẵn sàng đứng ra đảm nhiệm trọng trách lớn lao, sẵn sàng đối mặt với những chông gai thử thách, tiểu biểu là nhân vật người học trò giấu tên trong “Đám cưới không có giấy giá thú”. Chính việc giữ trọn vẹn nhân cách thanh cao, bước đầu dám đứng lên để thực hiện sứ mệnh là người đi tiên phong trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới đã khiến cho người đọc thêm tin tưởng ở bản lĩnh và khả năng của người trí thức trong hành trình đi đến tương lai. 3. Kết luận Đọc những tác phẩm viết về người trí thức của Nam Cao, Nguyễn Khải và Ma Văn Kháng, chúng ta nhận thấy, dù xuất phát từ những góc nhìn khác nhau nhưng ba nhà văn có chung một điểm đến đó là qua nhân vật người trí thức để bày tỏ những trăn trở của mình trước các vấn đề xã hội nói chung và về người trí thức nói riêng. Những vấn đề như: lí tưởng và đời thường, trí thức và giả danh trí thức, mối quan hệ người trí thức và dân tộc, bản lĩnh của người trí thức trước những tác động tiêu cực từ xã hội. . . được các nhà văn đề cập đến luôn là những vấn đề mà người trí thức ở mọi thời đại phải suy ngẫm để từ đó tìm ra cách ứng xử phù hợp nhất cho mình. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Kiều Thu Huyền, 2007. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Khải. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. [2] Nhiều tác giả, 1998. Nam Cao - Về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, Hà nội [3] Nguyễn Thị Kim Tiến, 2012. Con người trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. [4] Kiều Thu Huyền, 2007. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Khải. Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. [5] Nguyễn Khải, 2001. Tuyển tập tiểu thuyết Nguyễn Khải, (Tập 1). Nxb Thanh Niên, Hà Nội. [6] Nguyễn Khải, 2001. Tuyển tập tiểu thuyết Nguyễn Khải, (Tập 2). Nxb Thanh Niên, Hà Nội. [7] Ma Văn Kháng, 1990. Đám cưới không có giấy giá thú. Nxb Lao Động, Hà Nội. [8] Ma Văn Kháng, 1999. Chó Bi đời, đời lưu lạc. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. [9] Ma Văn Kháng, 2010. Một mình một ngựa. Nxb Phụ nữ, Hà Nội. [10] Ma Văn Kháng, 2000. Ngược dòng nước lũ. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. [11] Nguyễn Thị Kim Tiến, 2012. Con người trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới. Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. ABSTRACT Nam Cao, Nguyen Khai and Ma Van Khang are authors who succeeded in writing about educated characters. Each has their own analysis of characters’ personalities due to their differences in creativity and personal point of view. That is why, besides common personality intellectual characters in their works, possess their own typical characteristics. Readers can know more about the authors’ concerns towards as well as their reflections on life though the characters in their works. Keywords: Educated characters, point, Nam Cao, Nguyen Khai, Ma Van Khang 98

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf3741_ntquat_1006_2178516.pdf
Tài liệu liên quan