Nhân tố tác động đến quan hệ Liên Bang Nga – Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI (2000 – 2016)

Tài liệu Nhân tố tác động đến quan hệ Liên Bang Nga – Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI (2000 – 2016): JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0018 Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 125-133 This paper is available online at NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ LIÊN BANG NGA – VIỆT NAM NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỈ XXI (2000 – 2016) Vũ Thị Hồng Chuyên Khoa Du lịch, Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt. Trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, quan hệ Liên Xô - Việt Nam trước đây, hiện nay là quan hệ Liên bang (LB) Nga - Việt Nam là một trong những mối quan hệ hữu nghị hợp tác có lịch sử lâu đời và có tầm quan trọng đặc biệt đối với cả hai bên. Trải qua hơn 65 năm phát triển kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 đến nay, với những biến động thăng trầm của tình hình thế giới, khu vực, cùng những điều chỉnh chính sách đối ngoại của mỗi nước, quan hệ LB Nga – Việt Nam được nâng lên tầm cao mới: quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Thực tế cho thấy, sự phát triển của quan hệ LB Nga – Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, trong đó phải kể đến nh...

pdf9 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 344 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhân tố tác động đến quan hệ Liên Bang Nga – Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI (2000 – 2016), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2017-0018 Social Sci., 2017, Vol. 62, No. 2, pp. 125-133 This paper is available online at NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ LIÊN BANG NGA – VIỆT NAM NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỈ XXI (2000 – 2016) Vũ Thị Hồng Chuyên Khoa Du lịch, Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt. Trong lịch sử ngoại giao của Việt Nam, quan hệ Liên Xô - Việt Nam trước đây, hiện nay là quan hệ Liên bang (LB) Nga - Việt Nam là một trong những mối quan hệ hữu nghị hợp tác có lịch sử lâu đời và có tầm quan trọng đặc biệt đối với cả hai bên. Trải qua hơn 65 năm phát triển kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 đến nay, với những biến động thăng trầm của tình hình thế giới, khu vực, cùng những điều chỉnh chính sách đối ngoại của mỗi nước, quan hệ LB Nga – Việt Nam được nâng lên tầm cao mới: quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Thực tế cho thấy, sự phát triển của quan hệ LB Nga – Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố, trong đó phải kể đến những thay đổi của môi trường địa chính trị thế giới và khu vực đầu thế kỉ XXI, lợi ích và tính toán chính sách của hai bên trong bối cảnh mới và cả những tác động của nhân tố lịch sử. Từ khóa: Quan hệ Liên bang Nga – Việt Nam, chính sách đối ngoại Liên bang Nga, chính sách đối ngoại Việt Nam, nhân tố quốc tế, nhân tố khu vực. 1. Mở đầu Quan hệ LB Nga – Việt Nam đã trải qua chặng đường phát triển 65 năm và là mối quan hệ có nền tảng vững chắc trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống từ nhiều năm trong lịch sử. Để có thể hiểu rõ những chuyển biến trong quan hệ LB Nga - Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI, một trong những vấn đề quan trọng là đặt mối quan hệ này trong bối cảnh chung của tình hình thế giới, khu vực cũng như sự tương đồng lợi ích chiến lược từ hai phía. Một số công trình của các nhà nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề này, tiêu biểu như: Công trình Quan hệ Việt – Nga trong bối cảnh quốc tế mới [9] của tác giả Võ Đại Lược - Lê Bộ Lĩnh đã trình bày khái quát những thay đổi của điều kiện quốc tế, cũng như của Nga và Việt Nam, trên cơ sở đó, tác giả đi sâu phân tích hiện trạng và tiềm năng hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực kinh tế. Trong công trình Hợp tác chiến lược Việt – Nga, những quan điểm, thực trạng và triển vọng [7], tác giả Vũ Đình Hòe - Nguyễn Đình Giáp đã tập trung phân tích các quan điểm, quan niệm đối tác chiến lược, nội dung, yêu cầu của nó và thực trạng của quan hệ Việt – Nga, cũng như có chỉ ra một số nhân tố chủ yếu tác động đến hợp tác chiến lược hai nước. Các công trình viết về quan hệ Nga – ASEAN cũng đã dành một số trang nhất định để viết về vị trí của Việt Nam trong quan hệ Nga – ASEAN và khái quát về bối cảnh quốc tế, khu vực Ngày nhận bài: 13/9/2016. Ngày nhận đăng: 20/2/2017 Liên hệ: Vũ Thị Hồng Chuyên, e-mail: vuhongchuyenhp@gmail.com 125 Vũ Thị Hồng Chuyên những năm đầu thế kỉ XXI [11, 12]. Ngoài ra còn có một số bài viết đăng trên các tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Nghiên cứu châu Âu, Nghiên cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu Quốc tế và kỉ yếu hội thảo khoa học...Tác giả Đinh Công Tuấn đã đi vào khai thác nhân tố quốc tế, khu vực và yếu tố tính chất quốc gia tác động đến quan hệ Nga – Việt vào những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI [15]. Tác giả Mai Hoài Anh cũng đã khái quát về tình hình thế giới và khu vực tác động đến hợp tác phát triển giữa Việt Nam – ASEAN với LB Nga những năm đầu thế kỉ XXI [1]. Về phía các học giả Nga, có một số bài viết đề cập đến quan hệ LB Nga – Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI, tiêu biểu là bài viết Liên Bang Nga-Việt Nam: Tiến tới đối tác chiến lược toàn diện [16]. Trong bài viết này, tác giả có đề cập đến một số vấn đề về những tiền đề cần thiết để phát triển năng động và bền vững quan hệ đối tác chiến lược toàn diện LB Nga – Việt Nam. Trong cuốn sách Việt Nam Today (xuất bản bằng tiếng Nga năm 2015), Giáo sư Vladimir M. Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông Nga đã có những đánh giá tích cực về vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên trường quốc tế và triển vọng phát triển quan hệ song phương. Nhìn chung các công trình, bài viết nêu trên có đề cập đến một số nhân tố tác động đến quan hệ Nga – Việt đầu thế kỉ XXI dưới góc độ khái quát hoặc nếu có đi sâu thì chỉ tập trung khai thác ở một số nhân tố chủ yếu. Cho đến nay, chưa có công trình, bài viết nào nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống và toàn diện về những nhân tố tác động đến quan hệ Nga – Việt giai đoạn (2000 – 2016). Đây chính là nội dung bài viết muốn quan tâm giải quyết. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Nhân tố quốc tế: Những chuyển biến của tình hình thế giới đầu thế kỉ XXI Bước sang thế kỉ XXI, tình hình thế giới có những chuyển biến sâu sắc, trước hết đó là quá trình toàn cầu hóa - quốc tế hóa diễn ra mạnh mẽ và trở thành xu thế bao trùm, lôi cuốn các nước trên thế giới tham gia. Các nước vừa tăng cường hợp tác vừa gia tăng sức ép cạnh tranh và tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Các quốc gia trên thế giới, dù ở bất cứ cấp độ phát triển nào đều nỗ lực hợp tác, liên kết và hội nhập. Bị kiềm chế bởi các vấn đề: vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học nên giữa các nước lớn khó có thể xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện thay vào đó là công nhận duy trì nền hòa bình. Các nước đang phát triển tranh thủ môi trường hòa bình để tập trung phát triển nội lực, khai thác lợi thế bên ngoài bằng việc gia tăng hợp tác và liên kết với nước khác nhằm tạo nên đối trọng với các cường quốc hoặc những nước lớn hơn. Do đó, xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển trở thành xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế, là xu thế đáp ứng nguyện vọng của tất cả quốc gia trên thế giới bao gồm cả nước lớn - nhỏ, phát triển - đang phát triển, trong đó có LB Nga và Việt Nam. Chiến tranh Lạnh kết thúc, chấm dứt thời kì chạy đua vũ trang giữa hai phe đối lập, trật tự thế giới chuyển từ trật tự hai cực sang trạng thái “nhất siêu nhiều cường”. Các nước trên thế giới tranh giành những “khoảng trống quyền lực” về kinh tế, chiếm lĩnh thị trường. Quá trình hình thành đến trật tự đa cực đòi hỏi các quốc gia phải hoạch định chính sách đối ngoại phù hợp – đa phương hóa, đa dạng hóa; tham gia vào các tổ chức quốc tế, coi trọng hợp tác với các trung tâm, khu vực và quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Trước những thay đổi của tình hình thế giới, các nước đều đề ra chiến lược ưu tiên phát triển kinh tế, bởi kinh tế là thước đo, là nhân tố quyết định đến vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế. Cuối thập niên 90 của thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, xu hướng liên kết khu vực phát triển mạnh mẽ. Trong xu hướng chung ấy, Việt Nam và Nga đều đã là thành viên có vai trò nhất định trong tổ chức APEC, EEU. Ngoài ra, Việt Nam và Nga cũng đã chính thức là thành viên của các tổ chức IMF, WB, WTO. 126 Nhân tố tác động đến quan hệ liên bang Nga – Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI (2000 – 2016) Cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục phát triển ở trình độ cao với đặc trưng là tin học hóa đã tác động đến sự phát triển của nhân loại trên nhiều khía cạnh. Cách mạng khoa học công nghệ tạo ra cơ sở hạ tầng mới cho nền kinh tế toàn cầu, làm thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia trên thế giới, góp phần phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và chính trị toàn cầu. Những tiến bộ của khoa học công nghệ tạo ra cơ hội và thách thức cho tất cả các quốc gia, đặc biệt với các nước đang phát triển. Nhận thức tầm quan trọng của khoa học công nghệ, Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến trong đó có LB Nga. Việc Việt Nam và LB Nga nâng tầm quan hệ hợp tác giáo dục và khoa học lên mức hợp tác chiến lược được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam xác định đến năm 2020 phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại, nếu thiếu giáo dục, khoa học thì mục đích trên không thể đạt được. Về phía LB Nga, với mục tiêu quay lại vị trí cường quốc về khoa học công nghệ vào năm 2020, nhà nước Nga đã chú ý nhiều hơn đến tiềm lực khoa học, khuyến khích phát triển và đổi mới công nghệ. Nga là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ vũ trụ, khoa học công nghệ năng lượng, khoa học công nghệ biển... Khai thác thế mạnh này, Nga được lựa chọn là đối tác ưu tiên về hợp tác khoa học công nghệ của nhiều nước trong đó có Việt Nam. Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại, giữa các cường quốc lớn hàng đầu thế giới đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cân bằng, ổn định lâu dài. Các nước lớn tìm kiếm biện pháp hòa bình, tránh xung đột, “tăng cường phát huy ưu thế để tìm kiếm một vị trí có lợi hơn trong bối cảnh thế giới đang vận động đến trạng thái đa cực” [10;14]. Đây là một bài toán đặt ra với nước Nga cần có lời giải đáp khi bước sang thế kỉ XXI. Cùng với xu thế hòa bình hợp tác phát triển cùng có lợi, đứng trước vấn đề toàn cầu như: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đói nghèo, bệnh tật... các nước trên thế giới cần có sự hợp tác để “cứu vớt một lợi ích chung là bảo tồn sự sống chung, trong đó có sự sống chính mình” [6;61]. Do đó, để tồn tại và phát triển, không một quốc gia trên thế giới đứng ngoài các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương, khu vực và quốc tế. Nó trở thành nhu cầu của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và LB Nga. 2.2. Nhân tố khu vực: Bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương và những tác động đến quan hệ song phương Bước sang thế kỉ XXI, với lợi thế về địa lí, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có tiềm năng phát triển to lớn, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực trọng tâm địa chính trị toàn cầu. Trong đó, Đông Nam Á trở thành “một không gian địa chiến lược và địa chính trị vào loại nhạy cảm ở châu Á – Thái Bình Dương” [1;50]. Đây cũng là khu vực có sự chi phối đậm nét lợi ích của các nước lớn: Mĩ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản. Xuất phát từ lợi ích quốc gia, quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh diễn ra gay gắt giữa các nước lớn nhằm xác lập vị trí ngôi thứ trong bàn cờ khu vực tại đây. Với việc củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, Nhật Bản đã và đang theo đuổi chính sách tự chủ và chủ động xây dựng môi trường an ninh quốc tế từ đó mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên các mặt. Đối với Trung Quốc, khi tiềm lực kinh tế và quốc phòng tăng mạnh, nước này tỏ ra cứng rắn phản đối lại những nước có hành động đi ngược lại lợi ích của họ trong khu vực, điển hình là việc phản đối Mĩ mượn cớ chống khủng bố thực hiện chủ nghĩa đơn phương bá quyền khu vực nhưng đồng thời cũng muốn thực hiện chủ nghĩa bá quyền khu vực, độc chiếm Biển Đông. Với Mĩ, thực hiện chiến lược “xoay trục” hay còn gọi chính sách “châu Á – Thái Bình Dương”, Mĩ ngày càng can thiệp sâu hơn vào khu vực nhất là với tuyên bố “quay trở lại” của tổng thống Obama đã làm sống lại các mối quan hệ với Đông Nam Á. Điều này giúp Mĩ thoát khỏi khó khăn của hậu 127 Vũ Thị Hồng Chuyên khủng hoảng tài chính kinh tế (2008), tìm kiếm nguồn lực để duy trì vị thế số một thế giới và cũng để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Trước tình hình này, Nga không thể thờ ơ trong việc hợp tác với khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới. Nga đã và đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của mình đối với châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Việc xác lập vị trí ảnh hưởng tại đây sẽ giúp Nga đạt những lợi ích về kinh tế và chính trị. Về kinh tế, Nga có nguồn thu từ việc bán vũ khí - thiết bị quân sự, dầu mỏ, khí đốt cho các nước trong khu vực. Theo tổng hợp của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), những năm gần đây, số nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới có xuất xứ từ Nga đều thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương . Đây cũng là nơi tiêu thụ nguồn năng lượng chủ yếu từ Nga, trong đó Trung Quốc đã vượt qua Mĩ “trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng số một vào mùa hè 2010, một vị trí do Hoa Kỳ độc chiếm trong hơn một thế kỉ” [14;45]. Cùng với đó, mối quan hệ hợp tác kinh tế với các nước châu Á – Thái Bình Dương sẽ giúp Nga nhanh chóng hội nhập khu vực, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội vùng Viễn Đông, Xibiri. Về chính trị, Nga không chỉ tạo thế cân bằng lực lượng với các nước: Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản mà còn cải thiện vị thế của mình trên trường quốc tế. Bằng sự chủ động tích cực hợp tác, vào thập niên 90 của thế kỉ XX, Nga đã là thành viên của ARF, APEC; là thành viên đối thoại đầy đủ với các nước ASEAN. Bước sang thế kỉ XXI, Hội nghị thượng định Nga – ASEAN lần thứ nhất tổ chức tại Kuala – Lumper đánh dấu bước tiến lớn trong quan hệ Nga – ASEAN. Tại hội nghị, hai bên đã thông qua Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Toàn diện và Tiến bộ, và Chương trình Hành động Toàn diện thúc đẩy Hợp tác Nga - ASEAN giai đoạn 2005 – 2015, trong đó đề ra định hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Năm 2011, Nga chính thức tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Từ đây, quan hệ giữa Nga và các nước thành viên ASEAN tiếp tục cải thiện, phát triển lên một bước mới. Những kết quả đạt được trên đây chứng tỏ sự nỗ lực chủ động của Nga, song cũng một phần còn nhờ sự đồng tình từ phía các nước ASEAN giúp Nga tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và đạt những lợi ích về kinh tế. Về phía mình, hợp tác với Nga không chỉ giúp ASEAN thực hiện mục đích cân bằng quan hệ với các nước lớn mà thông qua sự tham gia của Nga vào các diễn đàn khu vực do ASEAN đóng vai trò trung tâm cũng sẽ làm tăng giá trị, tầm quan trọng của ASEAN. Các nước đang phát triển trong khối sẽ tranh thủ được lợi thế từ phía Nga về: tài nguyên phong phú, nhân lực trình độ cao, khoa học công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lí tốt...để đẩy nhanh sự phát triển và hội nhập kinh tế với các nước phát triển trong khu vực, trong đó có Việt Nam. 2.3. Vị trí Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga (2000 -2016) Bước sang thế kỉ XXI, trước những thay đổi lớn của bối cảnh quốc tế, khu vực, buộc các nước đều phải điểu chỉnh chính sách đối ngoại để tìm kiếm lợi thế trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới. Xuất phát từ việc triển khai chính sách đối ngoại “thân phương Tây” không mang lại hiệu quả như mong muốn, từ năm 1993, Nga chuyển hướng đối ngoại từ “định hướng Đại Tây Dương” sang“hướng về châu Á – Thái Bình Dương” trên cơ sở vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với phương Tây, hướng tới sự “cân bằng Đông – Tây”.Với sự điều chỉnh này, Nga đạt được một số thành công trên lĩnh vực kinh tế song vẫn chưa tạo ra sự thay đổi lớn, nhất là vị thế của Nga trên trường quốc tế. Để đạt mục đích khôi phục vị trí của một cường quốc trước đây, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Nga V.Putin đã công bố “Chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga” – một bản văn kiện có ý nghĩa quan trọng nhất và là bước tiến đáng kể nhất trong lĩnh vực đối ngoại của Nga khi bước vào thế kỉ XXI. Chiến lược ghi rõ: “Một đường lối đối ngoại thành công của Nga phải được xây dựng trên 128 Nhân tố tác động đến quan hệ liên bang Nga – Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI (2000 – 2016) cơ sở tuân thủ sự cân bằng giữa các mục tiêu và khả năng đạt được các mục tiêu đó” và “Ưu tiên tối cao trong đường lối đối ngoại của Nga là bảo vệ lợi ích con người (cá nhân) xã hội và nhà nước Nga” [ 8; 294-295]. Qua đây có thể thấy rõ chính quyền V.Putin chủ trương xây dựng một đường lối đối ngoại mang tính thực dụng cao và đặt lợi ích quốc gia làm mục tiêu tối thượng. Trong chiến lược đối ngoại này, LB Nga thực hiện triển khai chính sách theo thứ tự ưu tiên được sắp xếp như sau: 1- các nước SNG; 2 – Mĩ và châu Âu; 3 – châu Á – Thái Bình Dương; 4 - các nước Trung Đông, châu Phi, khu vực Mĩ Latinh, Hàn Quốc, Triều Tiên. Đây chính là một sự điều chỉnh căn bản, từ chiến lược đối ngoại hướng Tây đã chuyển sang chiến lược đối ngoại cân bằng, độc lập, tự chủ và đa phương hóa các quan hệ. Chính sách đối ngoại đa phương của Nga tiếp tục được tổng thống V.Putin nhấn mạnh trong thông điệp Liên bang năm 2002 rằng: “Chúng ta thiết lập quan hệ bình thường với tất cả các nước trên thế giới, tôi nhấn mạnh rằng – với tất cả các nước” [13]. Cũng từ đây, trong Thông điệp liên bang hàng năm, chính sách đối ngoại đa phương, vì lợi ích quốc gia luôn được tổng thống Nga V.Putin hay D. Medvedev nhấn mạnh. Trong sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nga, châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực ưu tiên, trong đó Việt Nam trở thành đối tác quan tâm hàng đầu của Nga trong khu vực. Bởi lẽ, Việt Nam là một trong những quốc gia có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống với LB Nga. Trong tính toán chiến lược trở lại Đông Nam Á, LB Nga có nhiều lợi thế tại địa bàn Việt Nam. Một là, Việt Nam là nước thuộc khu vực Đông Nam Á – nơi có sự phát triển năng động từ nhiều thập niên. Nhờ công cuộc đổi mới và tích cực hội nhập, Việt Nam đã và đang đạt những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với mức tăng trưởng GDP từ 6-8% một năm, môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, sức mua lớn. Do đó, tăng cường quan hệ kinh tế thương mại với Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho Nga khai thác được thị trường đông dân với những lĩnh vực đầu tư Nga có lợi thế như: dầu khí, năng lượng, thiết bị quân sự quốc phòng, vũ trụ hàng không...Thông qua Việt Nam, Nga có thể thâm nhập vào thị trường ASEAN được xem là khá mới mẻ này một cách thuận lợi. Ngược lại, các nước ASEAN cũng coi Việt Nam là một kênh mà qua đó có thể thâm nhập vào thị trường rộng lớn của Nga và SNG. Hai là, Việt Nam có vị trí địa chiến lược trọng yếu của khu vực Đông Nam Á, từ Việt Nam có thể kiểm soát các đường hàng hải và hàng không huyết mạch đi qua khu vực Biển Đông – nơi liên quan đến lợi ích về an ninh, kinh tế, hàng hải có ý nghĩa chiến lược với Nga. Theo các chuyên gia Việt Nam, Nga coi ASEAN là “hạt nhân của quá trình liên kết khu vực châu Á – Thái Bình Dương và củng cố hợp tác với ASEAN – đó là một trong nhiệm vụ hàng đầu của Nga” [5;147]. Trong đó, Việt Nam được xem là một “mắt xích” quan trọng, là chất “xúc tác” trong chính sách lan tỏa ảnh hưởng của Nga tại khu vực Đông Nam Á. Với việc nhận thức đầy đủ hơn vị trí, vai trò của Việt Nam, Nga đã thực hiện quyết tâm chính trị đưa quan hệ Nga- Việt Nam phát triển lên tầm cao mới vào những năm đầu thế kỉ XXI. Như lời khẳng định của Tổng thống V.Putin trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên (28/2 - 02/03/2001): “Việc phát triển mối quan hệ trên tất cả các mặt với Việt Nam được chúng tôi coi là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga ở châu Á” [3;1-5]. 2.4. Liên bang Nga trong chính sách đối ngoại của Việt Nam (2000-2016) Tiếp tục phát huy thành quả đạt được của đường lối đối ngoại thời kì đổi mới: độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX (2001) đề ra phương châm đối ngoại cơ bản “phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng 129 Vũ Thị Hồng Chuyên thế giới” [4;119]. Quan điểm “sẵn sàng là bạn” mà còn là “đối tác tin cậy” chứng tỏ thế và lực của nước ta đã khác xa so với trước, là sự khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sau 15 năm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra khái niệm “đối tác” trong đường lối đối ngoại và quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Trong Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, đường lối đối ngoại thời kì đổi mới tiếp tục có những bổ sung và phát triển mới. Đại hội Đảng lần thứ XI (1/2011), tiếp tục khẳng định “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” [17]. Điểm mới trong phương châm đối ngoại của Đại hội XI là “hội nhập quốc tế” và “thành viên có trách nhiệm”, mục tiêu đối ngoại là: “vì lợi ích quốc gia, dân tộc”. Đến Đại hội Đảng lần thứ XII (1/2016), Văn kiện đã làm rõ hơn mục tiêu đối ngoại đã nêu trong Đại hội XI và phát triển thành:“Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi” [18]. Như vậy, có thể thấy, trong chính sách đối ngoại của Nga và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, nổi bật nhất là tính chất đa phương, đa dạng hóa các mối quan hệ; hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng chủ quyền. Đây là cơ sở để quan hệ hợp tác Nga – Việt được nối lại sau thời gian ngưng trệ và tạo tiền đề cho bước chuyển biến mới trong quan hệ hai nước. Trong bối cảnh đầu thế kỉ XXI, LB Nga đang triển khai chính sách đối ngoại, trong đó có việc tăng cường hợp tác toàn diện với ASEAN cũng như hội nhập vào Đông Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã là cơ hội để Việt Nam khôi phục và phát triển quan hệ truyền thống với LB Nga. Đồng thời, nhu cầu tăng cường quan hệ Nga – Việt còn do việc nhận thức một cách đầy đủ hơn vai trò của mỗi bên trong chính sách đối ngoại và đối với sự phát triển của nhau. Đối với Việt Nam, Nga là một cường quốc hữu nghị ngoài khu vực, là nước không chỉ giữ vững mà còn tiếp tục tăng cường tiềm năng lớn về chính trị, kinh tế và quân sự và là nước mà có thể trên thực tế là có lợi cho việc “cân bằng” các quan hệ của Việt Nam với các cường quốc và các trung tâm chính trị - kinh tế thế giới khác [5;143]. Hơn nữa, quan hệ hợp tác với LB Nga, Việt Nam sẽ tranh thủ nguồn ngoại lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ của mình. Bởi vì, Nga là nước có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, đặc biệt dầu mỏ và khí đốt, có đội ngũ đông đảo nhà bác học và công nhân lành nghề, có một cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối hoàn chỉnh và hiện đại, có nền văn hóa đặc trưng (văn hóa lưỡng thể Âu – Á). Trên cơ sở nhận thức này, ngay từ giữa thập niên 90 của thế kỉ XX, Việt Nam đã có những bước chủ động trong việc khôi phục mối quan hệ truyền thống Việt – Nga. Tháng 8/1998, trong chuyến thăm Nga đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã nhấn mạnh: “Một lần nữa, tôi khẳng định rằng, việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt trên cơ sở lâu dài, ổn định và cùng có lợi với Liên bang Nga là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đây là chủ trương nhất quán và lâu dài của Nhà nước chúng tôi” [2;1-7]. Định hướng chính trị nêu trên đã khẳng định vị thế quan trọng của LB Nga trong chính sách đối ngoại đối mới của Việt Nam. Chính vì nhận thức được vị trí quan trọng của nhau, xuất phát từ lợi ích quốc gia của mỗi nước, quan hệ Nga – Việt đã có chuyển biến mới về chất vào những năm đầu thế kỉ XXI, đánh dấu bằng sự kiện Tổng thống V.Putin sang thăm Việt Nam từ ngày 28/2 đến ngày 2/3/2001. Hai bên kí Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược Nga – Việt đã xác lập khuôn khổ hợp tác toàn diện và lâu dài trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi. Sự kiện này mở ra trang mới trong lịch sử phát triển hợp tác nhiều mặt Nga – Việt, trở thành đối tác chiến lược trên cơ sở tin cậy, chặt chẽ, lâu dài, bình đẳng cùng có lợi. Những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ nhất của 130 Nhân tố tác động đến quan hệ liên bang Nga – Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI (2000 – 2016) Tổng thống V.Putin (2/2001), lần thứ hai (11/2006), của Tổng thống Medvedev (10/2010) và của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (10/2002), Chủ tịch nước Trần Đức Lương 4/(2004), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (10/2008), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (9/2007, 12/2009), Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (7/2010) sang thăm Nga đã củng cố khuôn khổ đối tác chiến lược cho quan hệ Nga – Việt trong thế kỉ XXI. Bước sang thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, nhằm tạo xung lực mới cho quan hệ hợp tác Nga – Việt, tháng 7/2012, trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai nước đã kí Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga, đưa quan hệ Việt – Nga từ “đối tác chiến lược” lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Sau đó, liên tiếp là các cuộc viếng thăm của lãnh đạo hai nhà nước cùng với hàng loạt các hiệp định được kí kết giữa hai bên trên các lĩnh vực là dấu hiệu khả quan cho hợp tác Nga – Việt trong thời gian tới. 2.5. Quan hệ Xô – Việt trước và sau Chiến tranh Lạnh Ngày 30 tháng 01 năm 1950, Liên Xô là nước XHCN đầu tiên chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Kể từ đó đến nay, trải qua hơn 65 năm quan hệ, mặc dù có những thăng trầm song về cơ bản đây là mối quan hệ luôn có xu hướng vận động phát triển gắn với lợi ích riêng của mỗi bên trong sự kết hợp với lợi ích chung, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, Liên Xô đã giúp đỡ và ủng hộ toàn diện cho Việt Nam. Những khoản viện trợ to lớn về quân sự với nhiều loại vũ khí tấn công có uy lực mạnh cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự giỏi, giàu kinh nghiệm đã giúp Việt Nam giành thắng lợi trên chiến trường trước kẻ thù có vũ khí tối tân hiện đại như Pháp, Mĩ. Điều đó góp phần quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đến thành công. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam năm 1975 cũng góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của Liên Xô trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh đang diễn ra căng thẳng giữa Liên Xô và Mĩ. Sự sa lầy của Mĩ tại Việt Nam đã tạo điều kiện cho Liên Xô củng cố tiềm lực trên nhiều lĩnh vực, xác lập vị trí tại địa bàn Đông Nam Á, châu Á – nơi mà trước đây Liên Xô chưa từng có ảnh hưởng. Có thể nói, chưa bao giờ vai trò và vị trí trên trường quốc tế của Liên Xô được nâng cao như vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Đối với Việt Nam, Liên Xô là “anh cả” của gia đình XHCN, mối quan hệ với Liên Xô là “hòn đá tảng” trong các mối quan hệ quốc tế. Do đó, Việt Nam luôn trân trọng và tin cậy sự giúp đỡ và hợp tác với Liên Xô. Không chỉ trong thời kì chiến tranh giành độc lập mà cả thời kì sau giải phóng, tiến hành công cuộc xây dựng tái thiết đất nước, Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư, công nhân... Trở về quê hương, họ đã và đang là lực lượng quan trọng đóng góp vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Họ chính là cầu nối, sợi dây gắn kết quan hệ giữa hai dân tộc trước những biến động của thời cuộc. Tháng 12 năm 1991, sự kiện Liên Xô tan rã đã tác động không nhỏ đến quan hệ Xô – Việt. Mối quan hệ hai nước đã chuyển từ quan hệ đồng minh chiến lược trên nền tảng cùng hệ tư tưởng sang quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi của hai thể chế chính trị khác nhau. Những năm đầu của quá trình chuyển đổi, từ năm 1991 đến 1993, mối quan hệ hai nước không có những tiến triển như mong đợi. Sự khởi sắc của quan hệ Nga – Việt đánh dấu bằng sự kiện ngày 16/6/1994 nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai bên đã kí Hiệp ước về “Những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa CHXHCN Việt Nam với LB Nga”. Mối quan hệ Nga – Việt tiếp tục được nâng lên tầm cao mới với sự biến đổi về chất vào những năm đầu thế kỉ XXI trong bối cảnh quốc tế, khu vực có những chuyển biến mới. 131 Vũ Thị Hồng Chuyên 3. Kết luận Từ những phân tích nêu trên có thể đi đến những kết luận sau đây: Một là, những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới, khu vực trong những năm đầu thế kỉ XXI, đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ song phương LB Nga - Việt Nam, đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa, liên kết khu vực, cuộc chạy đua về khoa học công nghệ, các vấn đề phát triển, chiến tranh và hòa bình, xu thế cạnh tranh và hợp tác. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là đầu tầu tăng trưởng của thế giới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Trong bối cảnh đó, việc củng cố và phát huy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga, phục vụ sự nghiệp phát triển ở mỗi nước sẽ góp phần vào công cuộc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Hai là, hai nước có cách nhìn nhận chung đối với tình hình thế giới, khu vực và có lợi ích chung trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Nga – Việt. Quan hệ Nga -Việt từ trước đến nay chủ yếu dựa trên cơ sở truyền thống đã cũ, cần phải nhanh chóng khắc phục để đưa quan hệ song phương phát triển lên một tầm cao mới đáp ứng với tiềm năng và lợi ích của cả hai bên. Thực tế cho thấy, việc duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ mang lại lợi thế cho cả Nga lẫn Việt Nam. Đối với Nga, Việt Nam không phải là ưu tiên số 1 trong chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Nga, nhưng Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng ở Đông Nam Á. Để có vị thế xứng đáng trên trường thế giới trong tương lai, Nga cần phải có những đối tác chiến lược tin cậy ở các khu vực trọng điểm. Quan hệ chiến lược toàn diện với Việt Nam cũng là một tài sản chiến lược quan trọng của Nga trong “bàn cờ lớn” mới đang định hình Ba là, đối với Việt Nam, phát triển quan hệ với LB Nga là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Sự gặp gỡ về lợi ích quốc gia và quyết tâm chính trị của Ban lãnh đạo hai nước, cùng với kinh nghiệm hợp tác truyền thống hữu nghị giữa hai Chính phủ và nhân dân hai nước đã đặt quan hệ hợp tác Nga – Việt đứng trước những triển vọng to lớn. Đây được coi là nhân tố đóng vai trò quyết định tới sự tồn tại và phát triển của quan hệ hai nước. Nhân tố quốc tế, khu vực tuy không là nhân tố quyết định song có ý nghĩa quan trọng có thể là thúc đẩy hoặc xói mòn mối quan hệ hai nước. Như đã phân tích ở trên, hiện nay, bối cảnh quốc tế và khu vực vừa đang tạo ra thời cơ và thách thức đối với quan hệ Nga – Việt. Vấn đề đặt ra đòi hỏi Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước cần nắm bắt được thời cơ vận hội, khắc phục khó khăn và thách thức để đưa quan hệ hợp tác Nga – Việt đi vào chiều sâu thực chất hơn, phù hợp với tính chất của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Mai Hoài Anh, 2015. Bối cảnh quốc tế và khu vực tác động đến hợp tác phát triển giữa Việt Nam – ASEAN với Liên bang Nga những năm đầu thế kỉ XXI trích trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Hợp tác phát triển giữa Việt Nam – ASEAN với Liên bang Nga thực trạng và triển vọng. Nxb Lí luận Chính trị, Hà Nội. [2] Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998. Tuyên bố chung giữa Việt Nam – Liên bang Nga ngày 25/8/1998. Báo Nhân dân ngày 26/8/1998, tr 1- 7. [3] Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001. “Phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam là một trong những hướng ưu tiên của Liên bang Nga”. Báo Nhân dân, ngày 28/2/2001, tr.1 -5. [4] Đảng Cộng sản Việt Nam, 2001. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 132 Nhân tố tác động đến quan hệ liên bang Nga – Việt Nam những năm đầu thế kỉ XXI (2000 – 2016) [5] Evegennii Kobelev, 2015. Sự phối hợp hoạt động của Nga và Việt Nam trong ASEAN đầu thế kỉ XXI, trích trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Hợp tác phát triển giữa Việt Nam – ASEAN với Liên bang Nga thực trạng và triển vọng. Nxb Lí luận Chính trị, Hà Nội. [6] Lưu Thúy Hồng, 2015. Ngoại giao đa phương trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội. [7] Vũ Đình Hòe – Nguyễn Hoàng Giáp, 2008. Hợp tác chiến lược Việt – Nga, những quan điểm, thực trạng và triển vọng. Nxb Lí luận Chính trị, Hà Nội. [8] Hà Mỹ Hương, 2009. Nước Nga hậu Xô viết qua những biến thiên của lịch sử. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [9] Võ Đại Lược - Lê Bộ Lĩnh, 2005. Quan hệ Việt –Nga trong bối cảnh quốc tế mới. Nxb Thế giới. [10] Đoàn Thúy Nga, 2013. Putin với chính sách đối ngoại của Liên bang Nga đầu thế kỉ XXI. Luận văn Thạc sĩ, Học viện Ngoại giao, Hà Nội. [11] Nguyễn Quang Thuấn (cb), 2007. Quan hệ Nga - ASEAN trong bối cảnh quốc tế mới. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [12] Nguyễn Quang Thuấn (cb), 2008. Quan hệ Nga – ASEAN trong những thập niên đầu thế kỉ XXI. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. [13] Thông tấn xã Việt Nam, 2002. Thông điệp Liên bang Nga của Tổng thống Nga. Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 18/4/2002. [14] Nguyễn Trường, 2013. Quan hệ trong kỉ nguyên Á châu – Thái Bình Dương. Nxb Tri thức, Hà Nội. [15] Đinh Công Tuấn, 2006. Các nhân tố tác động đến quan hệ Việt – Nga hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (số 2), tr.54- 59. [16] Voronhin A.S.- Lê Thanh Vạn, 2012. Liên bang Nga-Việt Nam: Tiến tới đối tác chiến lược toàn diện. Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 3 (90), 9/2012, tr.51- 66. [17] [18] -loi-cua-duong-loi-doi-ngoai-trong-van-kien-dai-hoi-xii-cua-dang.html ABSTRACT Factors affecting the Russia – Vietnam relations during the early years of the XXI century (2000 – 2016) Vu Thi Hong Chuyen Faculty of Tourism, Hai Phong University Russia - Vietnam relations is not an exception. In the diplomatic history of Vietnam, the current Russia – Vietnam ties, and formerly Soviet Union – Vietnam ties, is a relationship of friendship and cooperation that has a long history and emphasized great importance for both sides. In the period of more than 65 years of development since the two countries established formal diplomatic relations in 1950, with the ups and downs of the global and regional situations, together with the adjustment of diplomatic policy of both countries, Russia- Vietnam relations has been elevated to comprehensive strategic partnership. In fact, the development of Russian - Vietnam relations has been influenced by many factors, including the changes in the geopolitical environment of the world and regions in the twenty- first century, benefits and policy strategies of both sides in the new era and the impact of historical factors. Keywords: Russia–Vietnam relation, foreign policy of the Russian Federation, Vietnam’s foreign policy, international factors, regional factors.. 133

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4682_vthchuyen_968_2128487.pdf
Tài liệu liên quan