Ngữ cảnh và vai trò của ngữ cảnh trong dạy học ngoại ngữ - Phạm Ngọc Hàm

Tài liệu Ngữ cảnh và vai trò của ngữ cảnh trong dạy học ngoại ngữ - Phạm Ngọc Hàm: 3KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 LÝ LUẬN NGÔN NGỮ v NGỮ CẢNH VÀ VAI TRÒ CỦA NGỮ CẢNH TRONG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ PGS. TS. PHẠM NGỌC HÀM1 1 Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội ✉phamngochamnnvhtq@gmail.com Ngày nhận: 17/01/2017; Ngày hoàn thiện: 25/01/2017; Ngày duyệt đăng: 26/01/2017 Phản biện khoa học: TS. NGUYỄN THANH HÀ TÓM TẮT Ngữ cảnh là một trong những nhân tố tác động rất lớn đến quá trình giao tiếp ngôn ngữ, đồng thời cũng là cơ sở để xác định ý nghĩa của từ và nội dung thông tin mà người phát ngôn muốn chuyển tải tới người nhận ngôn, từ lâu đã trở thành vấn đề được giới nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ngày nay, ngữ cảnh được nghiên cứu dưới góc độ tri nhận và đặt trong trạng thái động. Nghiên cứu ngữ cảnh có giá trị ứng dụng to lớn nhất là lĩnh vực dạy học ngoại ngữ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi điểm lại lịch sử nghiên cứu về ngữ cảnh. Trên cơ sở đó chỉ ra những nhân tố cấu thành ngữ cảnh cũng như vai trò của chúng đối...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 512 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ngữ cảnh và vai trò của ngữ cảnh trong dạy học ngoại ngữ - Phạm Ngọc Hàm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
3KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 LÝ LUẬN NGÔN NGỮ v NGỮ CẢNH VÀ VAI TRÒ CỦA NGỮ CẢNH TRONG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ PGS. TS. PHẠM NGỌC HÀM1 1 Đại học Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội ✉phamngochamnnvhtq@gmail.com Ngày nhận: 17/01/2017; Ngày hoàn thiện: 25/01/2017; Ngày duyệt đăng: 26/01/2017 Phản biện khoa học: TS. NGUYỄN THANH HÀ TÓM TẮT Ngữ cảnh là một trong những nhân tố tác động rất lớn đến quá trình giao tiếp ngôn ngữ, đồng thời cũng là cơ sở để xác định ý nghĩa của từ và nội dung thông tin mà người phát ngôn muốn chuyển tải tới người nhận ngôn, từ lâu đã trở thành vấn đề được giới nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ngày nay, ngữ cảnh được nghiên cứu dưới góc độ tri nhận và đặt trong trạng thái động. Nghiên cứu ngữ cảnh có giá trị ứng dụng to lớn nhất là lĩnh vực dạy học ngoại ngữ. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi điểm lại lịch sử nghiên cứu về ngữ cảnh. Trên cơ sở đó chỉ ra những nhân tố cấu thành ngữ cảnh cũng như vai trò của chúng đối với giao tiếp ngôn ngữ nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng. Từ khóa: dạy học ngoại ngữ, ngữ cảnh, vai trò. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Ngôn ngữ với vai trò là công cụ giao tiếp, là phương tiện để trao đổi tư tưởng, tình cảm, truyền đạt thông tin, gắn kết con người với nhau. Một tín hiệu ngôn ngữ được phát ra từ phía người phát ngôn thường phải lệ thuộc vào những nhân tố chủ quan và khách quan. Đồng thời, người nhận ngôn cũng phải căn cứ vào những nhân tố đó để lý giải thông tin và đưa ra phương án phản hồi nhằm đạt được sự hô ứng giữa hai bên tham gia giao tiếp. Đối với văn bản viết, câu hoặc đoạn văn trên dưới phải có quan hệ logic với nhau, làm cơ sở xác định nghĩa của từ trong câu và nghĩa của câu trong đoạn. Những nhân tố đó gọi là ngữ cảnh. Khái niệm ngữ cảnh được coi là vấn đề hạt nhân của ngôn ngữ học, nhất là ngôn ngữ học giao tiếp và ngữ dụng học. Người Trung Quốc có câu “到什 么山,唱什么歌" (lên núi nào thì hát bài hát ấy/nhập gia tùy tục) hay “见什么人说什么话" (gặp người nào thì nói lời ấy). Câu nói tưởng chừng như một lời cửa miệng đời thường, nhưng chất chứa trong đó là cả một nguyên tắc giao tiếp và trong một chừng mực nhất định, đã đề cập đến tâm điểm của ngữ cảnh: Quan hệ giữa các đối tượng tham gia giao tiếp và môi trường giao tiếp. Trong đó, việc phát ngôn phải có chủ đích và hướng tới đối tượng nhận ngôn nhằm đạt được hiệu quả như mong muốn. Ngữ cảnh không chỉ là vấn đề được giới ngôn ngữ học quan tâm nghiên cứu, mà nó còn là vấn đề thuộc lĩnh vực logic học và có giá trị ứng dụng cao trong lĩnh vực dạy học ngôn ngữ, nhất là dạy học ngoại ngữ và lĩnh vực dịch thuật. Trải qua quá trình nghiên cứu, các học giả đã luôn luôn kế thừa và phát triển, hình thành nên một môn khoa học độc lập: Ngữ cảnh học. Ngữ cảnh học là một môn khoa học gắn liền với khoa học ngôn ngữ, nhất là giao tiếp ngôn ngữ. 4 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 v LÝ LUẬN NGÔN NGỮ Những năm gần đây, các học giả nghiên cứu ngôn ngữ nói chung và ngữ cảnh nói riêng trên thế giới đã và đang đạt được những bước đột phá từ ngoại tại đến bản tính bên trong, từ trạng thái tĩnh tới trạng thái động và theo hướng mở với những nghiên cứu liên ngành. Nghiên cứu ngữ cảnh từng bước được nâng lên một tầm cao mới. Lý luận về ngữ cảnh tri nhận được hình thành, giúp người nghiên cứu và sử dụng ngôn ngữ có một cách nhìn mới về ngữ cảnh. Giá trị ứng dụng của việc nghiên cứu ngữ cảnh càng thiết thực. Trong bài viết này, trước hết, chúng tôi tổng kết lại những thành quả nghiên cứu chính của các học giả trên thế giới về vấn đề ngữ cảnh, trên cơ sở đó chỉ ra những nhân tố cấu thành ngữ cảnh cũng như vai trò của chúng đối với giao tiếp ngôn ngữ nói chung và dạy học ngoại ngữ nói riêng. 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NGỮ CẢNH 2.1. Đôi nét về lịch sử nghiên cứu ngữ cảnh Trên thế giới, học giả đề cập đến vấn đề ngữ cảnh đầu tiên là nhà ngôn ngữ học người Ba Lan Malinowski (1923), ông chia ngữ cảnh thành ba tiểu loại, gồm (1) ngữ cảnh lời nói (context of utterance); (2) ngữ cảnh tình huống, gọi tắt là cảnh huống (context of situation) và ngữ cảnh văn hóa (context culture). Với vai trò là người kế thừa và phát triển quan điểm của Malinowski, nhà ngôn ngữ học người Anh tên là Firth đã tiến hành phân tích, làm nổi rõ hàm ý của ngữ cảnh (context) và khẳng định ngôn ngữ có quan hệ mật thiết với môi trường xã hội. Về sau, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Anh Halliday tiếp thu thành quả của các học giả đi trước và chia ngữ cảnh thành hai loại: ngữ cảnh ngôn ngữ và ngữ cảnh phi ngôn ngữ, đồng thời đưa ra khái niệm ngữ vực (register). Halliday đã đi sâu phân tích ba nhân tố hợp thành cảnh huống giao tiếp, gồm ngữ trường (field), ngữ chỉ (tenor) và ngữ thức (mode). Sau những năm 80 của thế kỷ 20, giới nghiên cứu ngôn ngữ học phương Tây đã tiếp thu có phê phán thành tựu của ngữ cảnh học truyền thống, xây dựng nên lí thuyết về ngữ cảnh học tri nhận và xem xét ngữ cảnh ở trạng thái động. Năm 1986, hai nhà ngôn ngữ học Dansperber và Deirdre Wilson cùng cộng tác nghiên cứu, cho ra đời cuốn sách mang tên “Liên quan: Giao tiếp và tri nhận” (Relevance: Communication and Cognition). Từ đó, họ xây dựng nên lý thuyết liên quan (The Relevance Theory) và đưa ra khái niệm giả thiết ngữ cảnh (context assumptions). Trong bối cảnh đó, trường phái ngữ cảnh tri nhận (Cognitive environment) cũng được hình thành. Lý luận về ngữ cảnh tri nhận ra đời đã mở ra một không gian mới và cách nhìn mới cho công tác nghiên cứu ngữ cảnh. Cùng với các học giả phương Tây, giới ngôn ngữ học Trung Quốc từ những năm 30 của thế kỷ trước cũng bắt đầu quan tâm đến vấn đề ngữ cảnh. Người đầu tiên đề cập đến ngữ cảnh ở Trung Quốc là Trần Vọng Đạo với cuốn sách nhan đề “Tu từ học phát phàm” (修 辞学发凡). Trong đó có một nội dung dành cho ngữ cảnh. Ông khẳng định, tu từ phải thích ứng với cảnh huống giao tiếp, đồng thời chỉ ra sáu nhân tố cấu thành cảnh huống, gồm 何故hà cố (nguyên cớ gì), 何事hà sự (sự việc gì), 何人hà nhân (ai/ người nào), 何地hà địa (nơi nào), 何时hà thời (lúc nào), 如何như hà (như thế nào) (陈望道,1976). Như vậy, sáu nhân tố tạo nên cảnh huống theo quan điểm của Trần Vọng Đạo đã bao quát cả đối tượng, không gian, thời gian, phương thức, có tác động đến quá trình giao tiếp. Vương Đức Xuân từ những năm 60 của thế kỷ trước cũng đã dành tâm sức cho nghiên cứu ngữ cảnh. Trước hết, ông xuất phát từ vấn đề hoàn cảnh sử dụng ngôn ngữ, từ đó phát triển vấn đề lên tầm cao và hình thành nên khái niệm hoàn cảnh lời nói, quy luật ngữ cảnh. Ông cho rằng, ngữ cảnh là do các nhân tố chủ quan và khách quan của quá trình giao tiếp ngôn ngữ tạo nên. Tiếp đó, Trương Chí Công (1982) trong cuốn “Hán ngữ hiện đại” của mình cũng đề cập đến vấn đề ngữ cảnh. Ông tách ngữ cảnh thành ngữ cảnh hiện thực, ngữ cảnh xã hội, thời đại và ngữ cảnh cá nhân. Riêng năm 1992, “Tập luận văn nghiên cứu ngữ cảnh” (语境研究论文集), Nhà xuất bản Học viện Ngôn ngữ Bắc Kinh và “Tập luận văn về tu từ học” (修 辞学论文集) của Hiệp hội Tu từ học Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học Hà Nam lần lượt ra đời, đều là những công trình nghiên cứu khá chuyên sâu về ngữ cảnh. Năm 1999, tác giả Phùng Quảng Nghệ cho ra đời cuốn “Bàn về tính thích ứng của ngữ cảnh” (语境适 应论 ngữ cảnh thích ứng luận). Cuốn sách gồm năm chương, tập trung nghiên cứu chuyên sâu về tính thích ứng của ngữ cảnh từ những góc nhìn vĩ mô và vi mô. Trong đó, tác giả đã phân tích sâu các khía cạnh 5KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 LÝ LUẬN NGÔN NGỮ v như chế độ chính trị xã hội, phương thức sống, hoàn cảnh kinh tế, bối cảnh thời đại, khu vực, môi trường văn hóa địa lý, tâm lý dân tộc, tôn giáo tín ngưỡng là những vấn đề thuộc tầm vĩ mô cần phải thích ứng. Các bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa và ngữ pháp thuộc tầm vi mô cũng cần phải thích ứng. Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến cả các yếu tố như tư thế, khoảng cách giao tiếp đều cần phải đảm bảo tính thích ứng, đồng thời chỉ ra các quy tắc thích ứng trong quá trình hợp tác giao tiếp giữa người nói và người nghe (冯广艺, 1999). Ngoài ra, còn phải kể đến “Luận ngữ cảnh” (论语境) của Thạch Vân Tôn, “Ngữ cảnh và ngữ nghĩa” (语境 与语义) của Thường Kính Vũ, “Ý nghĩa ngữ dụng và ngữ cảnh” (语用意义和语境) của Hà Triệu Hùng, “Tu từ và hoàn cảnh ngôn ngữ” (修辞与语言环境) do Diêu Điện Phương và Phan Triệu Minh đồng chủ biên, “Giao tiếp lời nói và ngữ cảnh” (言语交际和语境) của Triệu Đức Chu. Như vậy, vấn đề ngữ cảnh là một trong những tâm điểm của ngôn ngữ học và ngôn ngữ học giao tiếp, từ lâu đã được các học giả trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Trải qua lịch sử hơn 90 năm, nghiên cứu về ngữ cảnh đã đạt được những thành quả to lớn. Các công trình nghiên cứu mang tính kế thừa và phát triển. Từ trạng thái tĩnh, nghiên cứu về ngữ cảnh đã phát triển sang trạng thái động. Phần lớn các học giả tuy có những hướng phát triển khác nhau nhưng đều cho rằng, nhân tố cấu thành ngữ cảnh bao gồm hai phương diện: khách quan và chủ quan. Ngữ cảnh học tri nhận nhìn nhận ngữ cảnh từ góc nhìn mới, có vai trò quan trọng trong ngôn ngữ học giao tiếp. Nghiên cứu về ngữ cảnh trong giao tiếp ngôn ngữ trên thế giới và ở Trung Quốc đã đạt được những thành quả to lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghiên cứu về ngữ cảnh cho đến nay vẫn còn là một khoảng trống cần được lấp đầy. 2.2. Đặc trưng và vai trò của ngữ cảnh 2.2.1. Đặc trưng của ngữ cảnh Ngữ cảnh (context) là cách nói tắt của hoàn cảnh ngôn ngữ. Ngữ cảnh liên quan đến các lĩnh vực như ngôn ngữ học xã hội, ngữ nghĩa học, ngữ dụng học và tu từ học của ngôn ngữ học hiện đại. Về khái niệm ngữ cảnh, các học giả tuy có những quan điểm và cách biểu đạt khác nhau, nhưng cũng có nhiều điểm nhất trí với nhau. Tác giả Trần Cung trong cuốn “Tu từ học tiếng Hán hiện đại”(现代汉语 修辞学)cho rằng: “Ngữ cảnh bao gồm môi trường xã hội, môi trường tự nhiên và đoạn hoặc câu văn trên dưới. Phân tích ra thì ngữ cảnh có các nhân tố như: (1) môi trường có liên quan khi phát ngôn; (2) tận dụng những điều kiện thời gian, địa điểm; (3) tận dụng đặc điểm cảnh vật tự nhiên; (4) phù hợp với quan hệ giữa người nói và người nghe/người đọc; (5) phù hợp với tình hình của người nghe và người đọc; (6) chú ý đến quan hệ giữa đoạn/câu văn trên dưới” “Từ điển tu từ ngữ pháp tiếng Hán”(汉语语法修辞 学)của Trương Địch Hoa và một số tác giả khác lại giải thích rằng: “Ngữ cảnh chỉ đoạn văn trên và dưới. Từ, đoản ngữ, câu đều có thể có ngữ cảnh Ngoài đoạn văn trên dưới ra, còn có ngữ cảnh nói, thậm chí bao gồm các bối cảnh có liên quan đến lời nói, như phong tục tập quán, tu dưỡng cá nhân, mục đích giao tiếp v.v” Vương Đức Xuân trong cuốn “Từ điển tu từ học”(修 辞学词典)cho rằng: “ Hoàn cảnh sử dụng ngôn ngữ gọi tắt là “ngữ cảnh”. Nhân tố khách quan của ngữ cảnh bao gồm thời gian, địa điểm, trường hợp, đối tượng v.v; nhân tố chủ quan gồm: vị thế, nghề nghiệp, tư tưởng, tu dưỡng, cảnh ngộ, tâm trạng v.v Những nhân tố này có ảnh hưởng và ràng buộc việc sử dụng ngôn ngữ.” Thịnh Hiểu Minh trong cuốn “Quy tắc lời nói và nền tảng tri thức” (话语规则与知识基础) cho rằng, yêu cầu mang tính hữu hiệu của hành vi giao tiếp gồm bốn loại hình “loại hình giao tiếp, loại hình xác nhận sự thực, loại hình biểu lộ và loại hình quy chế.” Vì vậy, cũng có bốn yêu cầu hữu hiệu tương ứng với bốn loại hình trên, gồm “tính chân thực của việc lĩnh hội, tính chân lý trong trần thuật, tính thành thật trong lời nói và tính hợp quy trong hành vi.” Lưu Hoán Huy trong cuốn “Giao tiếp học lời nói” (言语 交际学) dành một chương bàn về ngữ cảnh. Tác giả không coi chủ thể sử dụng ngôn ngữ là một trong những nhân tố cấu thành ngữ cảnh, với lý do “ảnh hưởng của nhân tố chủ thể và nhân tố ngữ cảnh đối với hoạt động lời nói và thành phẩm của nó, tức lời nói có sự khác biệt về chất”. Tuy nhiên, tác giả vẫn khẳng định, hoàn cảnh tạo nên lời nói không tách rời người tham gia giao tiếp. 6 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 v LÝ LUẬN NGÔN NGỮ Chúng tôi không nhất trí quan điểm của Lưu Hoán Huy ở điểm loại bỏ nhân tố chủ thể sử dụng ngôn ngữ ra khỏi ngữ cảnh. Bởi vì, những người có bối cảnh văn hóa khác nhau, năng lực tu dưỡng khác nhau, thuộc những nghề nghiệp khác nhau, và mục đích giao tiếp khác nhau thì hiệu quả sử dụng ngôn ngữ cũng khác nhau. Trong sáng tác văn học, chủ thể sử dụng ngôn ngữ chính là nhà văn, nhà thơ. Mỗi tác giả đều có những phong cách khác nhau. Người đọc tác phẩm cũng cần căn cứ vào nhân tố chủ thể sử dụng ngôn ngữ để lí giải và hiểu tư tưởng, nội dung của tác phẩm. Như trên đã tổng kết, thành quả nghiên cứu về ngữ cảnh không chỉ có những chuyên luận, mà còn thể hiện ở công tác biên soạn từ điển. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, ở Trung Quốc, ngoài phần lớn các loại từ điển về tu từ học ra, còn có một số từ điển khác như “Từ điển ngôn ngữ học giản minh” (简明语言学 词典) của Vương Kim Tranh, “Từ điển ngữ pháp học” (语法学词典) của Vương Duy Hiền, cũng có đề cập và đưa ra cách giải thích về ngữ cảnh. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, ngữ cảnh có liên quan nhiều đến tu từ học. Bởi lẽ, khi một phát ngôn được truyền đến người nghe hoặc người đọc, chủ thể phát ngôn phải căn cứ vào rất nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Thứ nhất, nó phải phù hợp với quan hệ logic giữa câu hoặc đoạn văn trên và dưới của phát ngôn. Thứ hai, nó phải phù hợp với đối tượng tiếp nhận phát ngôn cũng như trường hợp, mục đích, thời gian, không gian phát ngôn. Thứ ba, nó thể hiện năng lực tu dưỡng, trau dồi ngôn ngữ, văn hóa cũng như vị thế, nghề nghiệp, thái độ, cảnh ngộ, trạng thái tâm lý của người phát ngôn. Do đó, để đạt được hiệu quả giao tiếp, người nói hoặc viết trước khi đưa ra phát ngôn đều không thể tùy tiện, mà phải cân nhắc, lựa chọn ngôn từ, tổ hợp kiểu câu, thậm chí trong ngôn ngữ nói còn phải quan tâm đến cả ngữ điệu, ngữ khí, đúng như sách “Luận ngữ” có câu “tam tư nhi hậu ngôn chi” (suy nghĩ kỹ rồi mới nói). Mặt khác, người nhận ngôn để có thể lí giải đúng thông tin mà người nói hoặc viết truyền đạt cũng phải căn cứ vào các nhân tố chủ quan và khách quan. Từ đó đưa ra phương án phản hồi phù hợp, tạo ra mối tương tác giữa hai bên tham gia giao tiếp. Như vậy, giao tiếp ngôn ngữ không tách rời ngữ cảnh, điều này hoàn toàn phù hợp với tính chất của “hoạt động ngôn ngữ có một mặt cá nhân và một mặt xã hội” (Ferdinand de Saussure, 1973). Trong bối cảnh hiện nay, ngôn ngữ học tri nhận ngày càng được giới nghiên cứu quan tâm, ngữ cảnh tri nhận (cognitive context) cũng được đặt ra như một hướng mới trong nghiên cứu ngữ cảnh. Hứa Quỳ Hoa trong cuốn “Nghiên cứu thực tiễn về chức năng giải thích ngữ nghĩa ngữ cảnh tri nhận” (认知语境语义阐 释功能的实证研究), Nhà xuất bản Đại học Nhân dân Trung Hoa cho rằng, ngữ cảnh tri nhận là chỉ mạng lưới cấu trúc tri nhận đã được người ta mô hình hóa đối với một khái niệm nào đó dựa trên cơ sở kinh nghiệm. Đó là kết quả của quá trình tri nhận hóa hoàn cảnh ngôn ngữ, tri nhận hóa cảnh huống, tri nhận hóa ngữ cảnh văn hóa. Ngữ cảnh tri nhận hội tụ đầy đủ các đặc điểm như tính văn hóa, tính khu vực, tính mơ hồ, trạng thái động (许葵花, 2007). Ngữ cảnh tri nhận có khả năng giải thích ngữ nghĩa rất cao. Nói cách khác, ngữ cảnh tri nhận là một quan điểm mới về ngữ cảnh, có những điểm khác biệt với quan điểm truyền thống về ngữ cảnh. Vì vậy, ngữ cảnh tri nhận được xem xét trên góc độ cấu trúc tâm lý. Trong quan hệ tương tác giữa đôi bên tham gia giao tiếp, để có thể hiểu đúng ý nghĩa của lời nói, người nhận ngôn phải hiểu được ngữ cảnh của mỗi một lời thoại. Ngữ cảnh tri nhận nhấn mạnh vai trò hoạt động tâm lý của con người khi lý giải thông tin mà người phát ngôn truyền đạt tới từ góc độ trạng thái động. Như vậy, trải qua quá trình tiến triển của ngôn ngữ học hiện đại, nghiên cứu ngữ cảnh được chuyển mình từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động, nghĩa là ngữ cảnh được nhìn nhận trong mối quan hệ tương tác giữa người phát ngôn và người nhận ngôn. Trên cơ sở tiếp thu có phê phán ý kiến của các học giả đi trước, chúng tôi cho rằng, ngữ cảnh có thể chia làm hai loại. Thứ nhất, ngữ cảnh là đoạn hoặc câu văn trên dưới, thậm chí là vế trước và vế sau của một câu hoặc sự kết hợp các từ với nhau trong một đoản ngữ (đối với ngôn bản viết) và là chuỗi lời nói trước sau của của người phát ngôn trong trường hợp độc thoại và chuỗi lời nói trước sau trong tương quan giữa các bên tham gia giao tiếp khi hội thoại (đối với ngôn bản nói). Điều này càng phù hợp với ngôn ngữ Hán, một ngôn ngữ âm tiết tính mà chữ Hán là loại văn tự biểu ý có rất nhiều từ đồng âm, chữ đồng âm. Người ta phải căn cứ vào sự kết hợp đó để phân biệt chính xác các trường hợp đồng âm và lí giải đúng nghĩa của từ, câu và cả văn bản. Đó là cách hiểu theo nghĩa hẹp. Với nghĩa rộng, ngữ cảnh thể hiện ở: (1) các nhân tố chủ quan thuộc về người phát ngôn và các nhân tố 7KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 LÝ LUẬN NGÔN NGỮ v khách quan thuộc về người nhận ngôn, bao gồm tuổi tác, giới tính, vị thế, nghề nghiệp, trạng thái tinh thần, năng lực trau dồi ngôn ngữ, bối cảnh văn hóa. Trong thời đại quốc tế hóa hiện nay, giao tiếp giao văn hóa ngày càng mở rộng, ngữ cảnh còn bao gồm cả tâm lý, văn hóa dân tộc của người tham gia giao tiếp; (2) các nhân tố thuộc môi trường xã hội như không gian xã hội trong giao tiếp và trường hợp giao tiếp; (3) địa điểm và thời gian xảy ra hoạt động giao tiếp (với cái gọi là môi trường trong ngữ cảnh, chúng tôi chỉ đề cập đến môi trường xã hội mà không coi môi trường tự nhiên là nhân tố hợp thành ngữ cảnh); (4) mục đích giao tiếp và quan hệ giữa các bên tham gia giao tiếp; (5) hành vi không lời của người tham gia giao tiếp, như cử chỉ, tư thế, dung mạo, khoảng cách giao tiếp. Với mỗi cuộc hội thoại, các bên tham gia giao tiếp cần phải căn cứ vào ngữ cảnh để lựa chọn hình thức ngôn ngữ cho phù hợp, nhằm giúp cho cuộc thoại được duy trì và diễn ra thuận lợi. Điều đó có nghĩa là, người tham gia giao tiếp cần phải “hòa nhập” vào cuộc thoại để đạt được sự hô ứng và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong giao tiếp. Trong thực tế giao tiếp, có khi một ngữ cảnh được cố định, xuyên suốt trong cả quá trình cuộc thoại diễn ra, song cũng có khi cùng một cuộc thoại, ngữ cảnh được thay đổi, chuyển hóa tùy thuộc vào việc thay đổi vai giao tiếp và sự thay đổi trạng thái tâm lý của người tham gia giao tiếp. Thí dụ, cuộc thoại của hai người mới tiếp xúc với nhau lần đầu, trải qua quá trình trao đổi, giao lưu tư tưởng, họ từ chỗ xa lạ mau chóng trở nên thân thiết, có tiếng nói chung, tâm lý thoải mái hơn, ngôn từ cũng từ chỗ trang trọng, dè dặt chuyển sang suồng sã hơn, tự nhiên hơn. Cách xưng hô cũng có thể thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi của quan hệ giao tiếp. Căn cứ kết quả phân tích trên đây, chúng tôi đưa ra sơ đồ về ngữ cảnh như hình 1. 2.2.2. Vai trò của ngữ cảnh trong giao tiếp ngôn ngữ Trước hết, phải khẳng định rằng, ngữ cảnh có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phát ngôn và nhận ngôn. Ngữ cảnh tạo điều kiện cho ngôn ngữ thực hiện chức năng quy chiếu. Về phía người phát ngôn, trong quá trình giao tiếp, trước hết phải căn cứ vào các nhân tố cấu thành ngữ cảnh để lựa chọn ngôn từ, kiểu câu, sử dụng ngữ khí phù hợp để có thể truyền đạt thông tin đến người nhận ngôn một cách hiệu quả nhất. Ca dao Việt Nam có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa/ liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”, đã thể hiện rõ nét vai trò của ngữ cảnh trong giao tiếp ngôn ngữ mà trước hết là hành vi phát ngôn. Trong trường hợp đôi bên tham gia giao tiếp có sự khác biệt về năng lực ngôn ngữ, vị thế xã hội, trạng thái tâm lý, bối cảnh văn hóa, thì người phát ngôn cần có những điều chỉnh ngôn từ cho phù hợp, nhằm đạt được sự thống nhất về quan hệ giao tiếp, tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong giao tiếp. Đồng thời, người nhận ngôn cũng phải căn cứ vào các nhân tố ngữ cảnh để lý giải đúng thông tin mà người phát ngôn truyền đạt để đưa ra phương án đối đáp hợp lý, giúp cho cuộc thoại diễn ra một cách thuận lợi. Trong một ngữ cảnh nhất định, các đơn vị ngôn ngữ tham gia vào quá trình tổ hợp lời nói, thực hiện chức năng giao tiếp dù là từ, từ tổ, câu hay đơn vị cao hơn câu như đoạn văn cũng đều có quan hệ logic, ràng buộc lẫn nhau mà không thể tồn tại một cách độc lập được. Bởi vì, khi tách rời các đơn vị đó ra cũng có nghĩa là chúng đã không còn ngữ cảnh để tồn tại, điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc lý giải thông tin, nhất là đối với những đơn vị nhỏ như từ hoặc từ tổ. Một nhà ngôn ngữ học đã nói, cho tôi một ngữ cảnh, tôi sẽ xác định được nghĩa của từ. Ngữ cảnh đã trở thành điều Hình 1. Sơ đồ về ngữ cảnh 8 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 v LÝ LUẬN NGÔN NGỮ kiện cần và đủ để lý giải thông tin mà người nói hoặc viết truyền đạt tới người nghe hoặc đọc. Để đảm bảo cho văn bản nói hoặc viết có tính logic, giữa các câu, các đoạn cần chú ý đến các thành phần chuyển tiếp. Thành phần chuyển tiếp có thể là từ, câu, thậm chí là một đoạn nhỏ, đóng vai trò nối kết các đoạn văn trên và dưới cũng như nối kết lời thoại của người nói và người nghe, nhất là dẫn ra đoạn văn sau, gợi mở cho đối tượng giao tiếp tích cực tham gia vào cuộc thoại. Trong quan hệ xã hội, mỗi người đều có thể sắm nhiều vai giao tiếp khác nhau. Mặt khác, đôi bên tham gia giao tiếp có khi thuộc nhiều quan hệ khác nhau. Chẳng hạn, một sinh viên ưu tú sau khi tốt nghiệp được nhận công tác giảng dạy tại trường cũ của mình, quan hệ của cựu sinh viên đó với thầy cô đã từng dạy mình ở ngôi trường đó vừa là quan hệ đồng nghiệp, vừa là quan hệ thầy trò. Mặt khác, đôi bên giao tiếp có khi là quan hệ quyền thế, có khi là quan hệ liên nhân. Mục đích giao tiếp, trường hợp giao tiếp cũng khác nhau, có khi là giao tiếp chính thức, có khi là giao tiếp không chính thức. Vì vậy, khi bước vào cuộc thoại, người ta thường chọn cho mình một quan hệ giao tiếp có lợi nhất cho việc thực hiện mục đích giao tiếp. Chẳng hạn, giữa A và B vừa là quan hệ thân tộc, vừa là quan hệ giữa thủ trưởng với nhân viên, tùy vào từng tính chất và mục đích của cuộc thoại, họ có thể lựa chọn một trong hai quan hệ đó sao cho vai giao tiếp được chọn thuận lợi nhất đối với việc thực hiện mục đích giao tiếp. Quan hệ vai giao tiếp trong tiếng Hán và tiếng Việt thường được xác định bởi cách lựa chọn từ ngữ xưng hô, bao gồm tự xưng và đối xưng. Để đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp, người ta phải áp dụng các chiến lược giao tiếp. Trong đó, việc tận dụng các yếu tố cấu thành ngữ cảnh là vô cùng quan trọng, giúp người tham gia giao tiếp phát huy được mặt mạnh trên các phương diện như vai trò, địa vị của người phát ngôn và người nhận ngôn, thời gian, không gian diễn ra hoạt động ngôn ngữ, mức độ chính thức hay không chính thức của cuộc thoại. Từ đó có được phương án làm cho lời nói của mình phù hợp với chủ đề của cuộc thoại cũng như phù hợp với ngữ vực trong môi trường giao tiếp. Người nhận ngôn cũng phải căn cứ vào ngữ cảnh để xác định đúng và lý giải chính xác ý nghĩa của thông tin mà người phát ngôn truyền đạt. Việc chuyển dịch thông tin từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia cũng cần phải gắn với ngữ cảnh. Trong những trường hợp việc biểu đạt giữa hai ngôn ngữ không có mối tương ứng hoàn toàn 1:1, càng cần phải căn cứ vào ngữ cảnh để tìm ra cách biểu đạt tương đương giữa ngôn ngữ đích với ngôn ngữ nguồn. Một ví dụ điển hình về sự chênh lệch trong cách sử dụng ngôn từ của tiếng Hán và tiếng Việt là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Nếu như trong tiếng Hán, ngôi thứ nhất 我ngã/我 们ngã môn và ngôi thứ hai 你nhĩ/你们nhĩ môn cùng với biến thể 您 biểu thị tôn xưng là rất phổ biến thì trong tiếng Việt, xưng hô bằng từ xưng hô thân tộc lại chiếm ưu thế vượt trội. Chính vì vậy, một khi tách rời ngữ cảnh, người dịch sẽ không thể chuyển dịch chính xác đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai từ tiếng Hán sang tiếng Việt một cách chính xác. Điển hình nhất là dịch kịch bản phim truyền hình Trung Quốc, dịch giả nhất thiết phải kết hợp nghe và nhìn mới có thể xác định đúng vai giao tiếp của từng nhân vật trong từng cuộc thoại để chuyển dịch chính xác đại từ nhân xưng. 3. NGỮ CẢNH TRONG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, công tác dạy học ngoại ngữ ngày càng được coi trọng. Để có thể rút ngắn thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả dạy học ngoại ngữ, vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy được đặt lên hàng đầu. Dạy học ngoại ngữ theo đường hướng giao tiếp đã thể hiện được ưu thế của nó. Để có được môi trường giao tiếp, nhất là giao tiếp ngôn ngữ trong giờ học trên lớp, người dạy phải đóng vai trò là người tổ chức và người học là nhân vật trung tâm. Thông qua quá trình nghiên cứu bài giảng, người dạy phải thực sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong việc thiết kế các tình huống giao tiếp khác nhau xoay quanh nội dung chủ đề của mỗi bài học. Hình thức thể hiện gồm độc thoại, đối thoại, hội thoại. Để có được những “màn kịch” tự nhiên, sát thực cho người học vận dụng các kiến thức ngôn ngữ vừa được tích lũy, thực hành giao tiếp một cách có hiệu quả, người dạy hơn ai hết phải nắm được đặc điểm, vai trò, nhất là các yếu tố cấu thành ngữ cảnh và căn cứ vào đó, vận dụng một cách sáng tạo, đưa ra các tình huống giao tiếp khác nhau, giúp người học có thể sắm nhiều vai giao tiếp xoay quanh một chủ đề. Tình huống giao tiếp chính là sự thể hiện sinh động của ngữ cảnh giao tiếp, giúp người học đặt mình vào những vai giao tiếp khác nhau, với những mục đích giao tiếp khác nhau, vận dụng ngôn từ vào từng 9KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 LÝ LUẬN NGÔN NGỮ v ngôn cảnh để truyền đạt và lý giải thông tin, thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Giai đoạn đầu, với người mới tiếp xúc với ngoại ngữ, trong giáo trình ngoại ngữ sơ cấp nói chung và giáo trình tiếng Trung Quốc nói riêng, các bài hội thoại thường có chú thích đôi điều về quan hệ giữa người nói và người nghe, không gian diễn ra hoạt động ngôn ngữ, mục đích của hành động. Những thông tin này chính là sự giới thiệu ngắn gọn nhất về ngữ cảnh của cuộc thoại diễn ra ở phía sau. Ví dụ, bài khóa bài 47 giáo trình Hán ngữ Tập II quyển hạ, nguyên bản của Dương Ký Châu, Nhà xuất bản Đại học Ngôn ngữ Văn hóa Bắc Kinh, trước đoạn hội thoại thứ nhất có chú thích Mary và Mike đến trung tâm hội nghị tìm một người bạn(玛丽和麦克到会议中心去找一个朋 友)hay đoạn thoại thứ hai bài khóa bài 50 có mấy chữ trên máy bay(在飞机上). Những nội dung chú thích ấy tuy đơn giản, nhưng nó có tác dụng rất lớn đối với việc dẫn dắt triển khai nội dung cuộc thoại ở phía sau. Đồng thời giúp người học từng bước nhận thức được vai trò của các nhân tố ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn từ trong cuộc thoại. Người dạy cần hướng đạo cho người học từ chỗ nắm được mối liên hệ giữa lời chú thích hay đúng hơn là lời dẫn thoại trong bài khóa đến chỗ mô phỏng để chuyển sang các cảnh huống giao tiếp khác. Trong phần lớn giáo trình, các bài học đều thiết kế tranh minh họa và một hệ thống bài tập đa dạng, nhất là bài tập về diễn đạt nói và viết, yếu tố ngữ cảnh được các tác giả biên soạn giáo trình hết sức quan tâm. Các bài luyện tập đó đều gắn với cảnh huống giao tiếp, đoạn/câu văn trên dưới. Đặc biệt là trong mỗi bức tranh đều là một không gian không lời, tạo điều kiện cho người dạy tận dụng nó để đưa ra các yêu cầu cho người học thực hành miêu tả tranh dưới những góc nhìn khác nhau, vai giao tiếp khác nhau. Người học thông qua quan sát, trừu tượng hóa bức tranh và biến nội dung của nó từ không lời thành có lời. Điều đó vừa có tác dụng vận dụng các yếu tố ngữ cảnh vào thực tiễn thực hành giao tiếp ngôn ngữ, vừa có tác dụng trau dồi năng lực quan sát, phát hiện vấn đề, năng lực thẩm mỹ và tư duy liên tưởng cho người học. Bên cạnh việc khai thác nội dung và hình thức của mỗi bài học trong giáo trình, người dạy còn có một không gian sáng tạo rất lớn, đó là tổ chức trò chơi, tạo ra không gian giao tiếp với sự tham gia của các nhân tố chủ quan và khách quan để người học có thể luân phiên sắm các vai giao tiếp khác nhau, thực hiện các hành vi trao lời, đáp lời và tương tác, có tác dụng thúc đẩy ba vận động đặc trưng của hội thoại. Trong đó, hai vận động đầu do từng bên tham gia giao tiếp thực hiện, nhằm phối hợp với nhau tạo thành vận động thứ ba. Trong điều kiện thiết bị dạy học ở các trường ngày càng hiện đại, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy học ngày càng phổ biến. Nhờ đó, các thiết bị nghe nhìn được phát huy tác dụng. Trong quá trình soạn giáo án điện tử, người dạy thông qua thiết kế tranh ảnh, hình họa tạo cảnh huống giao tiếp cho người học. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại khóa, đi thực tế xã hội,đều có tác dụng tạo cho người học hoàn cảnh giao tiếp ngôn ngữ. Ngay cả khâu thuật lại bài khóa cũng cần được thực hiện một cách linh hoạt qua các vai trần thuật khác nhau, như dùng lời của bản thân người trần thuật, hoặc dùng lời của một trong các thành viên tham gia hội thoại đã xuất hiện trong bài khóa. Tất cả những thao tác đó trong tổ chức dạy học cần được vận dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo, tạo ra cảnh huống giao tiếp càng đa dạng, phong phú, giúp cho người học luôn có cảm giác mới mẻ. Hứng thú cũng được liên tục hình thành và đi từ cao trào này đến cao trào khác, khiến cho giờ học có sức cuốn hút, đạt được hiệu quả cao. Ngoài ra, trong quá trình thiết kế đề thi, nhất là hình thức tự luận, người thực hiện cũng cần dày công cho đề thi nói và viết có được một cảnh huống rõ ràng, tạo điều kiện cho người học có thể đặt mình vào cảnh huống giao tiếp đó để triển khai nội dung đúng hướng, nâng cao chất lượng bài thi. 4. KẾT LUẬN Ngữ cảnh là vấn đề hạt nhân trong giao tiếp ngôn ngữ. Ngữ cảnh cũng có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Vấn đề ngữ cảnh từ lâu đã nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu ngôn ngữ. Hướng nghiên cứu ngữ cảnh đã tiến triển từ trạng thái tĩnh sang trạng thái động. Ngữ cảnh tri nhận là một thuật ngữ mới trong nghiên cứu ngôn ngữ học giao tiếp hiện nay. Các nhân tố hợp thành ngữ cảnh bao gồm đoạn văn trên dưới, lời thoại trước sau, kết hợp với các nhân tố chủ quan và khách quan tham gia và tác động đến quá trình truyền đạt thông tin, lý giải thông tin. Nghiên cứu ngữ cảnh có giá trị ứng dụng thiết thực trong việc 10 KHOA HỌC NGOẠI NGỮ QUÂN SỰSố 05 - 01/2017 v LÝ LUẬN NGÔN NGỮ nâng cao hiệu quả giao tiếp, gắn kết con người với con người trong quan hệ xã hội và ứng dụng vào dạy học ngoại ngữ cũng như dịch thuật. Để cải thiện chất lượng dạy học ngoại ngữ theo đường hướng giao tiếp, việc vận dụng kiến thức ngữ cảnh và ngữ cảnh học vào quá trình thiết kế cảnh huống giao tiếp, đưa người học vào môi trường thực hành giao tiếp ngôn ngữ là vô cùng quan trọng, khiến cho hoạt động dạy học ngoại ngữ trở nên sinh động, thiết thực, gắn lý luận ngôn ngữ với thực tiễn sử dụng ngôn ngữ./. Tài liệu tham khảo: 1. Ferdinand de Saussure (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 2. 陈弓(1993), 现代汉语修辞学,河北教育出版 社。 3. 陈望道(1976), 修辞学发凡,上海人民出版 社。 4. 冯广艺(1999), 语境适应论,湖北教育出版 社。 5. 刘焕辉(2001), 言语交际学,江西教育出版 社。 6. 盛晓明(2000), 话语规则与知识基础,学林出 版社。 7. 王德春(1987), 修辞学词典,浙江教育出版 社。 8. 许葵花(2007), 认知语境语义阐释功能的实证 研究,人民大学出版社。 9. 张涤华等人(1988), 汉语语法修辞词典,安徽 教育出版社。 CONTEXT AND ITS ROLE IN TEACHING FOREIGN LANGUAGES PHAM NGOC HAM Abtract: Context is one of the components that have an enormous influence over the process of communicating, and is used to discover the meaning of a word and information that the speaker conveys to the receipient, and this issue has received numerous attention from researchers ever since. These days, context is researched in terms of recognition and being put in active status. Studying context has considerable application especially in teaching foreign language. In this article, we would like to summarize the history of studying context. Then we display the elements forming context and roles in communicating and teaching foreign language. Key words: teaching foreign langugae , context, role.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf51_1148_2137236.pdf
Tài liệu liên quan