Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa – một số xu hướng chính ở Việt Nam - Phùng Phương Nga

Tài liệu Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa – một số xu hướng chính ở Việt Nam - Phùng Phương Nga: Phùng Phương Nga Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 188(12/3): 153 - 158 153 NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA – MỘT SỐ XU HƯỚNG CHÍNH Ở VIỆT NAM Phùng Phương Nga* Trường Đại học Khoa học - ĐH Thái Nguyên TÓM TẮT Ở Việt Nam, có hai xu hướng nghiên cứu chính: xu hướng tự nghiệm và xu hướng giới thiệu lý thuyết từ phương Tây. Hai xu hướng này bao gồm bốn hình thức nghiên cứu: nghiên cứu tác phẩm văn học từ các yếu tố văn hóa, nghiên cứu văn học trên cơ sở chỉ ra các chủ đề văn hóa, tư tưởng văn hóa, các giá trị văn hóa trong văn học; dùng giá trị văn hóa để cắt nghĩa văn học, nghiên cứu văn học từ hoàn cảnh xã hội, tiền đề văn hóa, nghiên cứu theo ngữ học văn hóa, thi pháp học văn hóa, ký hiệu văn hóa Từ khóa: nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa, phương pháp, Việt Nam Bất kì ngành khoa học nào cũng có lí thuyết và hệ thống phương pháp nghiên cứu phù hợp. Tuy nhiên, cần lựa chọn phương pháp đúng thời điểm, đúng đối tượng bởi đó là chìa khóa quan trọng...

pdf6 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 418 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa – một số xu hướng chính ở Việt Nam - Phùng Phương Nga, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phùng Phương Nga Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 188(12/3): 153 - 158 153 NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA – MỘT SỐ XU HƯỚNG CHÍNH Ở VIỆT NAM Phùng Phương Nga* Trường Đại học Khoa học - ĐH Thái Nguyên TÓM TẮT Ở Việt Nam, có hai xu hướng nghiên cứu chính: xu hướng tự nghiệm và xu hướng giới thiệu lý thuyết từ phương Tây. Hai xu hướng này bao gồm bốn hình thức nghiên cứu: nghiên cứu tác phẩm văn học từ các yếu tố văn hóa, nghiên cứu văn học trên cơ sở chỉ ra các chủ đề văn hóa, tư tưởng văn hóa, các giá trị văn hóa trong văn học; dùng giá trị văn hóa để cắt nghĩa văn học, nghiên cứu văn học từ hoàn cảnh xã hội, tiền đề văn hóa, nghiên cứu theo ngữ học văn hóa, thi pháp học văn hóa, ký hiệu văn hóa Từ khóa: nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa, phương pháp, Việt Nam Bất kì ngành khoa học nào cũng có lí thuyết và hệ thống phương pháp nghiên cứu phù hợp. Tuy nhiên, cần lựa chọn phương pháp đúng thời điểm, đúng đối tượng bởi đó là chìa khóa quan trọng mở ra nhiều thành công và những chân trời tri thức mới. Thực tế nghiên cứu cho thấy, không có phương pháp nghiên cứu nào không bị thay thế bằng một phương pháp mới hơn. Trong mấy chục năm qua, sự thay đổi về quan niệm giá trị, thay đổi về đề tài, chủ đề, kỹ thuật viết...của văn học đã làm cho các nhà lý luận phê bình thấy cần thiết phải có những phương pháp giải mã văn bản một cách phù hợp. Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa được đánh giá là một phương pháp/một cách tiếp cận đem lại nhiều kết quả mới.* Với truyền thống từ hàng nghìn năm trước, Việt Nam là đất nước có nền văn học dân tộc đáng tự hào, nhất là thơ ca. Tuy nhiên, ở góc độ lý luận văn học, phương pháp nghiên cứu văn học lại có sự phát triển không đồng bộ với thực tế sáng tác. Sự tồn tại của các cấp độ trong phương pháp nghiên cứu văn học dường như chỉ mang ý nghĩa về mặt lý thuyết. Chính vì vậy, đặt ra vấn đề nghiên cứu lý thuyết, tìm hiểu lịch sử của một lý thuyết hay một phương pháp (tức là tìm hiểu về sự xuất hiện, vận dụng và sáng tạo) là vấn đề vô cùng khó khăn. Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa ở Việt Nam cũng ở trong tình trạng như vậy. Qua khảo sát, phân tích chúng tôi nhận thấy, nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa ở Việt Nam không phải là vấn đề của đương đại, mà thực tế đã được nhiều nhà nghiên cứu * Tel: 0915 141514; Email: phungphuongnga@gmail.com văn học triển khai, vận dụng, trong đó có hai xu hướng chính: nghiên cứu tự nghiệm và giới thiệu, nghiên cứu trên nền tảng lý thuyết phương Tây. Nghiên cứu tự nghiệm là nghiên cứu gắn với các hiện tượng văn học cụ thể, từ cái cụ thể mà nâng thành khái quát. Đây là hình thức nghiên cứu phổ biến của các nhà nghiên cứu: Trần Thanh Mại (Trên dòng sông Vị, Hàn Mạc Tử), Lê Thanh (Thi sĩ Tản Đà, Tú Mỡ, Trương Vĩnh Ký, Cuộc phỏng vấn các nhà văn), Trương Tửu (Nguyễn Du và Truyện Kiều), Đào Duy Anh (Khảo luận Kim Vân Kiều Truyện), Trần Trọng Kim (Đạo Phật trong truyện Kiều), Nhất Hạnh (Thả mộ bè lau), Trần Đình Hượu (Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại), Nguyễn Văn Huyên (Hát đối của thanh niên nam nữ Việt Nam), Trần Ngọc Vương (Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Mẫu hình hoàng đế và con đường tìm kiếm sự thể hiện bản ngã trong triết học và văn học khu vực Đông Á), Trần Nho Thìn (Văn học Trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa), Lê Nguyên Cẩn (Truyện Kiều dưới góc nhìn văn hóa), Nguyễn Huệ Chi (Văn học Cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật), Đỗ Lai Thúy (Hồ Xuân Hương, hoài niệm phồn thực)..... Nghiên cứu trên nền tảng lý thuyết là việc các nhà nghiên cứu chủ động trong việc xác lập cơ sở lý thuyết, lấy tiền đề từ lý thuyết nghiên cứu của phương Tây. So với xu hướng thứ nhất thì xu hướng thứ hai phát triển muộn hơn, ít công trình nghiên cứu hơn, nhưng lại là xu hướng có cường độ và tốc độ thu hút các nhà nghiên cứu ngày càng rõ rệt. Tiêu biểu là Phùng Phương Nga Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 188(12/3): 153 - 158 154 các bài viết và công trình: Giải mã vă hóa trong tác phẩm văn học (Trần Lê Bảo), Quan hệ giữa văn chương và văn hóa Việt Nam (Phan Ngọc), Vị thế của văn học trên sân chơi văn hóa trong tiến trình lịch sử (Lã Nguyên), Trần Đình Sử (Chuyển hướng nghiên cứu văn hóa trong văn học Trung Quốc; Giá trị văn hóa của văn học Việt Nam); Đỗ Lai Thúy (Từ cái nhìn văn hóa, Phê bình văn học - con vật lưỡng thê ấy, Theo bước chân những người khổng lồ), Nguyễn Văn Dân (Phương pháp nghiên cứu văn học), Phương Lựu (Mười trường phái phê bình văn học phương Tây hiện đại), Nguyễn Văn Hạnh (Phương pháp nghiên cứu văn học), Trần Hải Yến chủ biên (Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức).... Rõ ràng, ở Việt Nam, nhận thức về phương pháp nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa ngày càng sáng rõ hơn, ý thức tìm hiểu và xây dựng nội dung phương pháp cũng ngày càng được các nhà nghiên cứu dụng tâm xây dựng và giới thiệu. Dù chưa xây dựng cấu trúc về phương pháp, tiến tới định danh, xây dựng mô hình, hình thành các bước và các thao tác vận dụng, nhưng đây là những công trình có ý nghĩa to lớn trong viêc xây nền móng, tạo đà cho một cú hích lớn trong tình hình nghiên cứu văn học của nước nhà. Ngoài ra, không thể không thể kể đến những công trình dịch thuật về nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa được các nhà nghiên cứu giới thiệu đến công chúng trong những năm gần đây. Từ công trình đầu tiên: Sáng tác của F.Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung Cổ và Phục hưng do học giả Phạm Vĩnh Cư dịch; cho đến gần mười năm sau, hai công trình: Nghiên cứu văn hóa - lý thuyết và thực hành (của Chris Barker - do ThS. Đặng Tuyết Anh dịch), và Ký hiệu học văn hóa (của IU.M.Lotman do Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử dịch) đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng và định hình phương pháp nghiên cứu văn học từ văn hóa. Nhìn chung, việc nghiên cứu văn học trên cơ sở của văn hóa, hay dùng các phương pháp văn hóa để nghiên cứu văn học ở Việt Nam vẫn mang tính chất như một cuộc "du hành" về lý thuyết. Nó không thoát khỏi tính chất tự nghiệm, diễn giải như trong mô hình chung của các phương pháp nghiên cứu văn học khác ở Việt Nam. Vì vậy trên cơ sở đúc kết các xu hướng nghiên cứu như trên, chúng tôi đưa ra hình dung về bốn hình thức nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa đã từng tồn tại trong lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam. 1. Thứ nhất, nghiên cứu tác phẩm văn học từ các yếu tố văn hóa góp phần hình thành nên tác phẩm văn học. Nói cách khác đó là đặt tác phẩm trong không gian văn hóa cá nhân để luận giải, coi văn hóa cá nhân như là một căn cước thông hành để đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Chúng tôi gọi đó là phê bình ngoại quan văn hóa. Phê bình ngoại quan văn hóa cũng được chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, phê bình ngoại quan văn hóa được biểu hiện bằng lối phê bình, nghiên cứu dựa theo tiểu sử học. Trong văn học Việt Nam, quan niệm: "văn là người" là một quan niệm truyền thống. Ở thế kỷ XVII, Nguyễn Đức Đạt đã từng cho rằng: "Văn thâm hậu thì con người của nó trầm mà tĩnh, văn ôn nhu thì con người của nó ôn mà hòa, văn cao khiết thì con người của nó đạm mà giản, văn hùng hồn thì con người của nó đạm mà nhanh, văn uyên sâu thì con người của nó thuần túy mà đúng đắn" [2,tr.19]. Tiêu biểu cho lối phê bình, nghiên cứu này là các công trình: Trên dòng sông Vị, Hàn Mạc Tử (Trần Thanh Mại), Khảo luận về Truyện Kiều (Đào Duy Anh), nhà nghiên cứu phê bình Lê Thanh với các tác phẩm Thi sĩ Tản Đà, Tú Mỡ, Trương Vĩnh Ký, Cuộc phỏng vấn các nhà văn. Tuy nhiên các nhà phê bình lúc này vẫn chưa hợp nhất về quan điểm, thống nhất về cách thức và phương pháp. "Đối với Trần Thanh Mại, thơ là tiểu sử của nhà thơ, cụ thể là các tình huống cuộc đời của nhà thơ. Phê bình là chỉ ra sự phóng chiếu cuộc đời nhà thơ vào sáng tác thơ ca của nhà thơ ấy" [2,tr.112]. Đối với nhà phê bình Lê Thanh: cần chú trọng cả việc tìm hiểu cả những mơ tưởng thầm kín, năng khiếu văn học của nhà văn, mong được phỏng vấn, đối thoại. Còn với nhà nghiên cứu Đào Duy Anh: phê bình là khảo xét mọi yếu tố cá nhân, xã hội liên quan trực tiếp tới nhà văn và tác phẩm của nhà văn [2,tr.113]. Giai đoạn tiếp theo, phê bình ngoại quan đã mở rộng hơn. Bên cạnh việc chỉ lấy cơ sở từ tiểu sử của người sáng tác, các yếu tố về hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh cá nhân, cá tính nhà văn đã được xem trọng. Nhà phê bình tiêu Phùng Phương Nga Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 188(12/3): 153 - 158 155 biểu là Trương Tửu với công trình Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942). Trương Tửu gọi đó là lối phê bình khoa học, bởi theo ông tất cả những sự phân tích hay kết luận đều phải có cơ sở chứ không thể chủ quan, cảm tính được. Để tìm hiểu về tác phẩm, quan trọng nhất phải hiểu được cá tính của nhà văn. Cá tính nhà văn cũng không thể "tự nhiên sinh ra, tự nhiên mất đi", nó là "kiến trúc" của nhiều yếu tố hòa hợp với nhau rồi kết tinh lại, "trong đó nổi trội ba yếu tố: sinh lý di truyền (huyết thống), địa lý tự nhiên (quê quán, khí hậu, thổ ngơi, vị trí địa dư, lịch sử), và quan trọng nhất là điều kiện xã hội (bối cảnh xã hội, vị trí đẳng cấp nhà văn) [2,tr.132]. Dù còn một vài ý kiến chưa được các nhà nghiên cứu khác đồng thuận hoàn toàn (như quan điểm vận dụng các kiến thức về bệnh học thần kinh để biện luận rằng Nguyễn Du thực chất là bị có chứng bệnh "bộ giao cảm thần kinh không khỏe khoắn", "căn tạng cảm xúc quá độ" nên tính khí luôn trầm muộn, lo sợ hoảng hốt và mang chứng ảo giác", dẫn đến trong văn chương có sự "rung động mãnh liệt và thành thực, sự tưởng tượng dồi dào, sự cảm xúc ủy mị và bi thương, sự cảm thông với đồng loại đau khổ và thần linh" [2,tr.136]. Tuy nhiên, Trương Tửu đã đưa đến một luồng gió mới đối với nghiên cứu văn học nghệ thuật nói chung và về Nguyễn Du - Truyện Kiều nói riêng. Lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, người đọc có một cơ sở để kết luận về yếu tố gia đình, dòng tộc có ý nghĩa lớn đối với tài năng của đại thi hào Nguyễn Du: "cá tính Nguyễn Du là sự chung đúc của huyết thống dòng họ Nguyễn và địa phương tính Nghệ Tĩnh với huyết thống dòng họ Trần và địa phương tính Bắc Ninh [2,tr.134]. 2. Thứ hai, nghiên cứu văn học trên cơ sở chỉ ra các chủ đề văn hóa, tư tưởng văn hóa, các giá trị văn hóa trong văn học; dùng giá trị văn hóa để cắt nghĩa văn học. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, đây cũng là vấn đề nòng cốt của phương pháp phê bình văn học từ hệ thống văn hóa, [8,tr.241], nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân gọi đó là phương pháp văn hóa học, [1,tr.268] và nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh gọi đó là cách tiếp cận văn hóa học [3,tr.99]. Trong thực tế nghiên cứu, Đỗ Lai Thúy cũng đã thể hiện quan điểm này khi nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương. Theo ông, nguyên do của biểu tượng lấp ửng hai mặt trong thơ bà chúa thơ Nôm (thanh/tục) là tín ngưỡng phồn thực [8,tr.242]. Sự xuất hiện của các hình ảnh khơi gợi đến hoạt động sinh hoạt tình dục nhưng không có ý nghĩa dâm tục, mà đằng sau đó nữ sĩ còn mang cả lễ hội vào thơ; bằng bài thơ và lễ hội, bà gắn kết cái thiêng với cái tục với nhau như văn hóa cổ xưa. Đỗ Lai Thuý cũng từ nhãn quan của lễ hội phồn thực để cắt nghĩa, lý giải nội dung triết lý, thẩm mỹ, sự độc đáo của tiếng cười trong thơ Hồ Xuân Hương. Cách tiếp cận này, theo tác giả, một mặt khắc phục được những hạn chế của những cách tiếp cận trước, đồng thời không phủ nhận, loại bỏ các phương pháp đã có mà chỉ biến chúng thành trường hợp cụ thể, đúng trong việc giải quyết từng bình diện cụ thể của thơ Hồ Xuân Hương. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân cũng giải thích căn nguyên sâu xa của mảng thơ dâm tục Hồ Xuân Hương, hình ảnh cái đẹp nhục thể của người con gái lõa thể trong thơ Bích Khê, Hàn Mặc Tử, thơ sắc dục trong thơ Xuân Diệu bằng góc nhìn văn hóa thẩm mỹ. Ông cho rằng cái đẹp nhục dục cũng như mọi cái đẹp khác của tạo hóa, đều đáng được tôn thờ, đó là: "là loại hình văn hóa đã tồn tại từ rất sớm và cho đến nay không hề có ý muốn chấm dứt sự tồn tại vững bền của nó" [1,tr.278]. Như vậy, thực chất cả hai nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy và Nguyễn Văn Dân đều sử dụng các giá trị văn hóa để cắt nghĩa văn học. Đây là những góc nhìn mới, thể hiện quan điểm nghiên cứu hiện đại, gắn kết giữa tác phẩm và cái nôi văn hóa ra đời của tác phẩm. "Nếu văn học có chức năng phản ánh hiện thực thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được, mà chỉ có thể phản ánh thông qua lăng kính văn hóa, thông qua bộ lọc của các giá trị văn hóa. Nhờ thế mà văn học tránh được sự phản ánh soi gương, phản ánh một cách trần trụi. Và có lẽ, cũng nhờ thế mà văn học có một lối phản ánh đặc trưng, một phản ánh, như người ta thường nói, có nghệ thuật, có nghiền ngẫm" [8,tr.246]. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh đặc biệt đề cao vấn đề chủ đề văn hóa, đề tài văn hóa, tầm nhìn văn hóa, cách nhìn văn hóa trong sáng tác văn học. Theo ông, "cách tiếp cận Phùng Phương Nga Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 188(12/3): 153 - 158 156 văn hóa học đối với văn chương lúc này cũng có thể góp phần khắc phục khuynh hướng biệt lập hóa, cô lập hóa văn chương đã kéo dài quá lâu, làm cho văn chương xa rời những vấn đề trọng đại, sống còn, bức xúc của đời sống, của xã hội, của lịch sử, của con người, do đó cũng mất đi sức mạnh cảm hóa, thanh lọc lớn lao của nó; khắc phục khuynh hướng đề cao một chiều, tuyệt đối hóa mặt hình thức, kỹ thuật của văn chương, đôi lúc biến văn chương thành một trò chơi chữ cầu kỳ, trống rỗng. Quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống, của xã hội và con người, của lịch sử, của dân tộc và đất nước, dưới góc độ văn hóa, người viết có thể làm nổi rõ lên những chủ đề, những nhân vật, sắc màu, giọng điệu, cách diễn đạt tiêu biểu, đặc sắc của một cộng đồng, một vùng đất, một thời kỳ, nhờ đây mà tạo ra một tiếng nói mới, có đóng góp mới thật sự cho sự phát triển của văn chương dân tộc và nhân loại" [3,tr.105]. Theo ông, không phải đến văn học hiện đại, các tác giả như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải mới viết về vấn đề tâm hồn tính cách Việt Nam; Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài mới đặt ra vấn đề tầm nhìn văn hóa đối với sự kiện lịch sử, xã hội, cách nhìn dân tộc. Không phải đến văn học hậu hiện đại, các tác giả như Tạ Duy Anh mới soi sáng các sự việc, tính cách từ góc nhìn văn hóa; các tác giả như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu nhìn thấy trong quan hệ tình dục ý nghĩa nhân bản và văn hóa; mà từ văn học trung đại khi Nguyễn Trãi viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo; Nguyễn Du viết Truyện Kiều "trình bày đan xen, kết hợp tư tưởng văn hóa bản địa với các đạo Nho, Phật, Lão, qua thiên tài sử dụng ngôn ngữ thi ca và thể thơ lục bát dân tộc, qua cách các nhân vật xử lý mối quan hệ việc nhà và việc nước, tình yêu và bổn phận" [3,tr.106]. Lịch sử nghiên cứu Truyện Kiều (tác phẩm được coi như cuốn trước bạ để hình dung vai trò của tác phẩm đối với việc xác định tư cách văn hóa của người Việt - dẫn theo cách dùng của Trần Nho Thìn), chúng ta cũng đã thấy các nhà nghiên cứu như Trần Trọng Kim, Nhất Hạnh đã đặc biệt đề cao tư tưởng Phật học trong tác phẩm. Thậm chí Phật học trở thành kim chỉ nam để các nhà nghiên cứu luận giải vai trò, giá trị, sức hấp dẫn của Truyện Kiều và tài năng của Nguyễn Du. Như vậy, từ lâu trong nghiên cứu văn học đã đặt ra các vấn đề văn hóa, giải quyết các vấn đề văn hóa, dùng giọng điệu, cách diễn đạt đặc trưng của văn hóa Việt. 3. Thứ ba, nghiên cứu văn học từ hoàn cảnh xã hội, tiền đề văn hóa. Tiêu biểu là Trần Đình Hượu, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu giải thích thành tựu của văn học trung đại từ bức tranh văn hóa lịch sử; nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương đã nghiên cứu về mẫu nhà nho tài tử trong văn học trung đại; nhà nghiên cứu Trần Nho Thìn cho rằng sự kiện văn hóa quá khứ có ý nghĩa lớn trong việc giải mã văn học trung đại vì khi đó "khả năng suy diễn, khả năng hiện đại hóa có thể được giảm thiểu và chúng ta càng có nhiều cơ may đến gần sự thật lịch sử văn học" [7,tr.5]. Sau này, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy không gọi hoàn cảnh kinh tế, xã hội chung chung nữa, ông đề nghị: thay vì gọi là ba trình độ văn minh thì gọi là ba thời đại văn hóa, hoặc ba hệ thống văn hóa cho phù hợp với khung nghiên cứu văn hóa của phê bình văn học. "Đó là văn hóa nông nghiệp (còn có thể gọi đó là văn hóa nông thôn, văn hóa tiền công nghiệp hoặc tiền hiện đại), văn hóa công nghiệp (hoặc văn hóa đô thị, văn hóa hiện đại) và văn hóa hậu công nghiệp (hoặc văn hóa tin học, văn hóa hậu hiện đại) [161,tr.249]. Ông chủ trương đây là cơ sở cho phương pháp phê bình văn hóa, "phê bình văn học dù một tác phẩm, một tác giả, hay một trào lưu đều phải tìm hiểu trước tiên hệ thống văn hóa mà tác phẩm, tác giả hay trào lưu đó thuộc vào [8,tr.250]. 4. Thứ tư, nghiên cứu theo ngữ học văn hóa, thi pháp học văn hóa, ký hiệu văn hóa. Pierre Bourdieu đã từng nói: “Nơi nào đột phá giới hạn của bộ môn thì nơi đó sẽ có sự tiến triển của khoa học” [6]. Với nghiên cứu văn học thì điều đó càng hoàn toàn đúng. Sự phát triển của văn học không đơn thuần là sự mở rộng ra hay đào sâu thêm về chủ đề, mà nó còn phải gắn với sự mới lạ trong phương thức chuyển tải. Bước sang thế kỷ XXI, văn học ngày càng đa dạng hóa. Văn học bước qua, thậm chí vượt thoát những tiêu chí thẩm mỹ Phùng Phương Nga Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 188(12/3): 153 - 158 157 truyền thống, cấu trúc truyền thống, biểu đạt truyền thống. Vì vậy, vận dụng những phương thức, phương pháp và cách nhìn cũ sẽ không thể xâm nhập và đẩy hết được các chiều kích của sự sáng tạo mới. Văn học đã không chỉ phản ánh văn hóa, mà còn sáng tạo văn hóa (Trần Đình Sử). Nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa, ngoài việc đặt văn học trong mối quan hệ mật thiết với văn hóa tác giả, văn hóa thời đại, giá trị văn hóa thì các nhà nghiên cứu cũng đã nỗ lực định danh các hình thức nghệ thuật biểu đạt mới của văn học bằng các thuật ngữ mới. Tiêu biểu là nhà nghiên cứu Trần Đình Sử với vấn đề thi pháp văn hóa, nhà nghiên cứu Phan Ngọc với vấn đề ngữ học văn hóa, nhà nghiên cứu La Khắc Hòa, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử, Trịnh Bá Đĩnh - với vấn đề ký hiệu học văn hóa, nhà nghiên cứu Lê Nguyên Cẩn với vấn đề ngôn ngữ theo hướng văn hóa học (ngữ dụng học). Nhà nghiên cứu Phan Ngọc trong khi quyết tâm tìm ra con đường lập thuyết, xây dựng hệ thống các khái niệm, công cụ để hình thành một môn học trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã đặc biệt thành công khi khẳng định tính chất ngữ nghĩa của hình thức, tiếp cận văn hóa Việt Nam bằng những khái niệm công cụ thao tác luận. Qua trường hợp nghiên cứu về Nguyễn Trãi, nhà nghiên cứu khẳng định: Nguyễn Trãi thành công: "không phải ở chỗ ông tạo ra được những khái niệm mới, mà chính là ở chỗ ông sử dụng những khái niệm có sẵn để tạo nên những quan hệ mới, độc đáo, chỉ có ở Việt Nam, xuất phát từ hệ thống ứng xử vật chất của người Việt Nam" [4,tr.176]. Đặc biệt, những khái niệm này mang hồn cốt Việt, văn hóa Việt. Chữ "nước", chữ "hiếu", chữ "trung" và "ở ẩn" trong sáng tác của Nguyễn Trãi chỉ có cái vỏ "đồng âm" với những từ của Trung Quốc, nhưng không mang cái lõi của quan niệm Lão giáo, Nho giáo [4,tr.118,189,190]. Hoặc với trường hợp Nguyễn Tuân, bằng sự tinh anh và cách nhìn của tư duy phân tích, nhà nghiên cứu Phan Ngọc cũng đưa cách nhìn biện chứng trên cơ sở của phép cấu trúc luận về văn hóa. Theo đó, sức hấp dẫn của văn chương Nguyễn Tuân không phải ở chủ đề hay cốt truyện, mà chính là ở sự "mỹ thuật hóa kỹ thuật. (...). Văn học với Nguyễn Tuân là để giáo dục những kiến thức về văn hóa và cách nhìn kỹ thuật để tự mình tạo ra cái đẹp. (...) Đọc Nguyễn Tuân lẽ ra phải có từ điển, loại từ điển văn hóa cổ, hiện nay chưa xuất bản. Anh biểu hiện cùng một lúc hai biệt tài trái ngược nhau không ai làm được: biến ngôn ngữ kỹ thuật thành ngôn ngữ nghệ thuật và vẽ lên một bức tranh kỳ ảo, mông lung, trong đó từng chi tiết đều chính xác lại có kết thức tung bay được" [4,tr.204]. Cách tiếp cận văn học trên bình diện văn hóa, cụ thể nhấn mạnh tính chất ngữ học của văn hóa, cấu trúc luận văn hóa đã mở ra một trang mới cho nghiên cứu văn học. Đáng quý hơn nữa là những quan điểm này đã được nhà nghiên cứu nhận chân và làm sáng tỏ từ những năm 1980 (khi mà nghiên cứu văn học chủ yếu theo quan điểm xã hội học). Tiếp sau Phan Ngọc, chúng tôi muốn nhấn mạnh quan điểm về thi pháp văn hóa của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử. Ông là người mở đường cho sự xuất hiện, lưu hành, khẳng định ý nghĩa của thi pháp học ở Việt Nam. Có thể nói không có Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, Việt Nam không có thi pháp học. Đặc biệt sau này ông còn nhấn mạnh: nghiên cứu văn học từ văn hóa chính là thi pháp học văn hóa. Ông cũng cho biết, ở Trung Quốc, một trong những hướng nghiên cứu mới được mở ra trong tầm nhìn văn hóa đó là: "định hướng nghiên cứu thi pháp văn hoá, bao gồm thi pháp đối thoại và thi pháp cacnavan kiểu M.Bakhtin; nghiên cứu mẫu gốc huyền thoại kiểu Northrop Frye, trần thuật lịch sử kiểu H.White; so sánh văn loại học kiểu E.Miner; phê bình văn hoá kiểu F.Jameson" [6]. Ở Việt Nam, xu hướng nghiên cứu về ký hiệu, biểu tượng, cổ mẫu, huyền thoại trở thành hướng nghiên cứu được rất nhiều nhà nghiên cứu "gạo cội", nhà phê bình trẻ, các luận văn, luận án dịch thuật, nghiên cứu. Trong đó không thể không kể đến Trần Đình Sử, La Khắc Hòa, Đỗ Hải Phong (Ký hiệu học văn hóa); Lê Huy Bắc (Văn chương như kí hiệu đa văn hóa), Nguyễn Tri Nguyên (Giáo trình Đại học: Ký hiệu học văn hóa); Cao Kim Lan, (Biểu tượng: từ kí hiệu học đến tu từ học tiểu thuyết), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Phê bình cổ mẫu và cổ mẫu nước trong văn chương Việt Nam), Đinh Hồng Hải (Nghiên cứu biểu tượng - một số hướng tiếp cận lý thuyết). Các tác giả có những biện giải riêng, Phùng Phương Nga Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ 188(12/3): 153 - 158 158 nhưng đều thống nhất: "biểu tượng cũng là hình tượng, nhưng là hình tượng có khả năng biểu đạt một ý nghĩa có tính bền vững và phổ quát. Những ý nghĩa ấy bắt nguồn từ văn hóa, tôn giáo, lịch sử của các cộng đồng. Cổ mẫu là những biểu tượng lớn có cội nguồn từ xa xưa, thoát thai từ vô thức (chứ không phải ý thức) và vô thức tập thể (chứ không phải là vô thức cá nhân)" [5,tr.173]. Quan điểm này là những gợi dẫn rất thú vị cho chúng tôi trong việc tìm ra các thang công cụ giải mã văn học từ văn hóa (bởi tính văn bản của văn học đã ngự trị quá lâu, các thước đo như ngôn ngữ, hình tượng, thể loại đã được thừa nhận và đồng hành qua thời gian). Đây cũng là một trong những luận điểm mấu chốt để chứng minh tính ưu việt của quá trình dịch chuyển nghiên cứu văn học từ văn hóa. Ngoài bốn quan điểm nghiên cứu văn học từ văn hóa mà chúng tôi đã khái quát ở trên, trong những năm gần đây, xu hướng vận dụng quan điểm, lý thuyết, phương pháp của các ngành khoa học khác để nghiên cứu văn học cũng phổ biến ở Việt Nam. Đó là nghiên cứu theo nữ quyền học, sinh thái học, hậu thực dân. Nhìn chung, trên cơ sở khảo sát các bài viết và công trình, chúng tôi nhận thấy: các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều quan niệm, phương pháp tiếp cận về nghiên cứu văn học từ văn hóa. Các phương pháp này có khi phân biệt rạch ròi, có khi "chồng lấn lên nhau". Trong điều kiện còn nhiều hạn chế cả về tư duy, phương thức, hoàn cảnh xã hội, việc kỳ vọng vào sự nguyên sáng, độc sáng, "chuyên canh" của một phương pháp nghiên cứu văn học nói chung và phương pháp nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa nói riêng vẫn chỉ là một khát vọng lớn. Tuy nhiên, những bài viết, công trình phê bình nghiên cứu và dịch thuật ở trên đã cho thấy về sự tồn tại, tính hữu ích, và sự nỗ lực cố gắng xác lập về nội dung, mô hình của phương pháp nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa ở Việt Nam. Lời cảm ơn Công trình này được thực hiện với sự hỗ trợ về kinh phí của đề tài nghiên cứu cấp Đại học Thái Nguyên, mã số ĐH2015-TN06-11 do trường Đại học Khoa học chủ trì. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Văn Dân, (2012) Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học Xã hội. 2. Trịnh Bá Đĩnh (2013), Lịch sử lý luận phê bình văn học Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội. 3. Nguyễn Văn Hạnh, (2012), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục. 4. Phan Ngọc, (2000), Thử xét văn hóa - văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh niên. 5. Nhiều tác giả, (2009), Văn học Việt Nam - những khả năng và thách thức, Nxb Thế giới. 6. Trần Đình Sử, Chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học Trung Quốc, 7. Trần Nho Thìn, (2009), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục Việt Nam. 8. Đỗ Lai Thúy (2010), Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. SUMMARY LITERARY STUDY FROM CULTURAL PERSPECTIVE – THE TRENDS INCLUDE IN VIET NAM Phung Phuong Nga * University of Sciences - TNU In Vietnam, there are two major trends of research: the trend of self-reliant study and the trend to introduce Western theories. These two trends include four types of study: study literary works from cultural elements, namely the writer’s background, literary study on the basis of pointing out cultural themes, cultural concepts, cultural values in literature; using cultural values to interpret literature, study literature from social context, cultural premises, study literature with ethnolinguistic, cultural poetics, cultural symbols. Key words: literature studies from cultural perspective, method studies , Vietnam. Ngày nhận bài: 22/8/2018; Ngày phản biện: 06/9/2018; Ngày duyệt đăng: 12/10/2018 * Tel: 0915 141514; Email: phungphuongnga@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf460_511_1_pb_3597_2127132.pdf
Tài liệu liên quan