Nghiên cứu nông nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương và những bài học rút ra để phát triển ngành này ở thành phố Hà Nội

Tài liệu Nghiên cứu nông nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương và những bài học rút ra để phát triển ngành này ở thành phố Hà Nội: JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0093 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 119-126 This paper is available online at NGHIÊN CỨU NÔNG NGHIỆP CỦA CÁC THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH NÀY Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI Lê Mỹ Dung Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước. Để phát triển nông nghiệp ở Thủ đô, cần phải tham khảo tình hình sản xuất của ngành này tại các thành phố trực thuộc Trung ương - đơn vị hành chính cấp tỉnh có nhiều nét tương đồng với Hà Nội. Thông qua việc nghiên cứu tình hình phát triển nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, bài báo rút ra được những bài học cụ thể về hướng phát triển; về lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi cũng như về tổ chức không gian nông nghiệp để vận dụng vào địa bàn TP Hà Nội. Từ khóa: Nông nghiệp, thành phố trực thuộc trung ương, Hà Nội. 1. Mở đầu Từ sau ngày...

pdf8 trang | Chia sẻ: quangot475 | Lượt xem: 245 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu nông nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương và những bài học rút ra để phát triển ngành này ở thành phố Hà Nội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2016-0093 Social Sci., 2016, Vol. 61, No. 10, pp. 119-126 This paper is available online at NGHIÊN CỨU NÔNG NGHIỆP CỦA CÁC THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ NHỮNG BÀI HỌC RÚT RA ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH NÀY Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI Lê Mỹ Dung Khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước. Để phát triển nông nghiệp ở Thủ đô, cần phải tham khảo tình hình sản xuất của ngành này tại các thành phố trực thuộc Trung ương - đơn vị hành chính cấp tỉnh có nhiều nét tương đồng với Hà Nội. Thông qua việc nghiên cứu tình hình phát triển nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, bài báo rút ra được những bài học cụ thể về hướng phát triển; về lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi cũng như về tổ chức không gian nông nghiệp để vận dụng vào địa bàn TP Hà Nội. Từ khóa: Nông nghiệp, thành phố trực thuộc trung ương, Hà Nội. 1. Mở đầu Từ sau ngày 01 tháng 08 năm 2008, nước ta có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 58 tỉnh và 5 thành phố (TP) trực thuộc Trung ương. Nông nghiệp được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các ngành nông - lâm - thủy sản (N - L - TS) là một bộ phận hữu cơ trong nền kinh tế của Thủ đô. Mặc dù chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu GDP của Hà Nội (4,7% năm 2014) [4], nhưng ngành này lại có vai trò đặc biệt quan trọng đối với TP - Thủ đô, trung tâm kinh tế hàng đầu của nước ta với hơn 7 triệu dân. Sự phát triển nông nghiệp của Hà Nội chắc chắn không thể giống như ở các tỉnh trên phạm vi cả nước. Có chăng so với các TP trực thuộc Trung ương, Hà Nội có nhiều nét tương đồng mặc dù sự khác biệt cũng không phải là nhỏ. Vì thế thông qua việc nghiên cứu tình hình phát triển nông nghiệp theo nghĩa rộng của các TP trực thuộc Trung ương, có thể rút ra được những bài học hữu ích cho TP Hà Nội. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Hiện trạng phát triển nông nghiệp theo nghĩa rộng của các thành phố trực thuộc Trung ương 2.1.1. Thành phố Hồ Chí Minh TP Hồ Chí Minh có diện tích 2.095,5 km2 với số dân 7.981,9 nghìn người (2014), chiếm 0,63% diện tích và 8,8% dân số của cả nước. Đây là thành phố có nền kinh tế phát triển nhất nước Ngày nhận bài: 15/5/2016. Ngày nhận đăng: 20/7/2016 Liên hệ: Lê Mỹ Dung, e-mail: dungle128@yahoo.com.vn 119 Lê Mỹ Dung ta với GDP đạt 852.524 tỉ đồng (năm 2014), chiếm 21,0% GDP của Việt Nam [8]. Cơ cấu kinh tế năm 2014 thiên về dịch vụ (58,5%), rồi đến công nghiệp - xây dựng (40,5%) và N - L - TS (1,0%). So với cả nước và 4 TP trực thuộc Trung ương còn lại, giá trị sản xuất (GTSX) N - L - TS của TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 (21.077 tỉ đồng, sau TP Hà Nội) và ưu thế thuộc về nông nghiệp (73,4% GTSX N - L - TS năm 2014), tiếp theo là thủy sản (25,7%) và lâm nghiệp (0,9%) [6]. Một trong những điểm đặc biệt của TP là trong cơ cấu GTSX nông nghiệp, tỉ trọng ngành chăn nuôi tăng nhanh (đạt 53,3%), trong khi đó tỉ trọng của ngành trồng trọt giảm xuống (chỉ có 38,0%), còn tỉ trọng của dịch vụ nông nghiệp tương đối cao so với các tỉnh, TP khác (8,7%) [6]. Trước hết là nghiên cứu về ngành chăn nuôi. Ngành này có tốc độ tăng trưởng cao và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của TP. Trong số 5 TP trực thuộc Trung ương thì TP Hồ Chí Minh có tỉ trọng ngành chăn nuôi cao nhất, gấp 4,7 lần tỉ trọng ngành chăn nuôi của TP Cần Thơ. Chăn nuôi bò được ưu tiên phát triển, đặc biệt là bò sữa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Năm 2014 tổng đàn bò của TP đạt 121,6 nghìn con, chỉ xếp sau Hà Nội. Riêng đàn bò sữa có 92,4 nghìn con, chiếm 76,0% tổng đàn bò của TP và 38,6% đàn bò sữa của cả nước, đứng đầu 63 tỉnh, TP. Sản lượng sữa năm 2014 đạt 201,6 nghìn lít, chiếm 36,7% sản lượng sữa toàn quốc với bình quân theo đầu người ở mức 25,2 lít, gấp 4,1 lần mức trung bình cả nước và 5,7 lần TP Hà Nội [1]. Đàn bò sữa phân bố chủ yếu ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... Ngược lại với chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn nhìn chung chậm phát triển hơn nhiều. Tổng đàn lợn không thật sự ổn định (291,1 nghìn con năm 2014) với sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng bình quân đầu người chỉ đạt 5,4 kg, thua xa mức trung bình của cả nước (36,9 kg) và của Hà Nội (41,9 kg) [6]. Đàn lợn tập trung ở các huyện ngoại thành phía Tây Bắc TP, nơi có nguồn thức ăn từ ngành trồng trọt với phương thức chăn nuôi trong các hộ gia đình hoặc trang trại. Ngành trồng trọt của TP có xu hướng giảm mạnh về tỉ trọng. Diện tích cây hàng năm giảm liên tục do chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. So với năm 2005, diện tích cây hàng năm năm 2014 giảm gần 1/4 (từ 57,3 nghìn ha xuống 43,8 nghìn ha), chủ yếu là lúa và cây công nghiệp hàng năm; trong khi đó diện tích trồng cây thức ăn cho gia súc tăng lên; còn diện tích cây thực phẩm (rau, đậu) ít biến động (khoảng trên dưới 10 nghìn ha). Trong cơ cấu diện tích gieo trồng của TP, cây lương thực có tỉ trọng cao nhất (56,7%), tiếp đến là cây thực phẩm (24,1%), cây thức ăn cho gia súc (9,9%) và các loại cây khác (9,3%) [6]. Rau là một trong những loại cây trồng đặc thù của TP với diện tích hơn 10 nghìn ha, phân bố ở các huyện Củ Chi (36,0% diện tích trồng rau của TP), Bình Chánh (27,9%), Hóc Môn (10,0%) và quận 12 (12,7%) [6]. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã hình thành vành đai thực phẩm (rau, chăn nuôi); lương thực (lúa) ở các huyện ngoại thành xa trung tâm TP (Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ); vành đai rau - hoa ở các quận mới thành lập (quận 12, quận 9, Thủ Đức). Thủy sản ở TP Hồ Chí Minh có nhiều thế mạnh để phát triển với vai trò ngày càng được khẳng định (25,7% GTSX N- L - TS), bao gồm cả đánh bắt và nuôi trồng. Trong cơ cấu GTSX cũng như sản lượng thủy sản, nuôi trồng có xu hướng tăng lên (trên 60%) [6]. Vùng thủy sản tập trung ở phía Đông Nam TP trên địa bàn các huyện Cần Giờ, Nhà Bè. 2.1.2. Thành phố Hải Phòng Hải Phòng có diện tích 1.522,1 km2 và số dân 1.946,0 nghìn người, chiếm 0,46% diện tích và 2,1% dân số cả nước (năm 2014) [8]. TP có nhiều thế mạnh về tự nhiên để phát triển N - L - TS nhờ địa hình đồng bằng, đất phù sa màu mỡ và tiếp giáp 3 ngư trường thuộc vịnh Bắc Bộ... 120 Nghiên cứu nông nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương và những bài học rút ra... Trong cơ cấu GDP của TP, tỉ trọng N - L - TS tuy có giảm (từ 13,0% năm 2005 xuống 8,0% năm 2014), nhưng vẫn cao nhất trong số các TP trực thuộc Trung ương. Còn trong cơ cấu GTSXN - L - TS, có thể dễ dàng nhận thấy xu thế chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng thủy sản, trong khi lâm nghiệp có tỉ trọng không đáng kể (tương ứng là 66,2% - 33,7% - 0,1% năm 2014) [5]. Trong nông nghiệp, trồng trọt vẫn giữ vai trò chủ đạo (48,9% GTSX nông nghiệp, năm 2014). Về cơ cấu cây trồng, lúa là cây lương thực quan trọng nhất, nhưng diện tích lúa cả năm giảm mạnh (từ 88,3 nghìn ha năm 2005 xuống 78,4 nghìn ha năm 2014) [5] và hiện nay tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên. . . Rau, đậu được xác định là nông sản mũi nhọn của Hải Phòng. Trong giai đoạn 2005 - 2014, cả diện tích lẫn sản lượng rau đều tăng (tương ứng là từ 12.358 ha và 243,4 nghìn tấn lên 13.858 ha và 293,9 nghìn tấn) [5]. Sản lượng rau bình quân theo đầu người năm 2014 đạt 150,9 kg, dẫn đầu các TP trực thuộc Trung ương. Hải Phòng đặc biệt chú ý đến việc phát triển rau sạch, tập trung vào các loại rau đặc sản dạng củ, quả, tuy năng suất thấp hơn rau lấy lá, nhưng giá trị hàng hóa lại cao hơn. Rau được trồng thành các vành đai ven TP thuộc các huyện Kiến Thụy, An Dương, Thuỷ Nguyên hay các vùng rau nguyên liệu và xuất khẩu ở Tiên Lãng, Vĩnh Bảo... Chăn nuôi đứng hàng thứ hai về tỉ trọng với xu hướng liên tục gia tăng (từ 34,9% năm 2005 lên 46,0% GTSX nông nghiệp của TP năm 2014). Điều đó chứng tỏ TP đã từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Trong chăn nuôi, đàn lợn chiếm tỉ trọng cao nhất về GTSX (48,5% năm 2014), tiếp đến là gia cầm (45,2%) và cuối cùng là trâu, bò [5]. Lợn được xác định là vật nuôi chính của Hải Phòng và phát triển theo mô hình trang trại, gia trại với hình thức nuôi công nghiệp kết hợp với việc sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của nhân dân. Năm 2014, đàn lợn của TP có 487,3 nghìn con (chỉ đứng sau TP Hà Nội) với sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tính theo đầu người đạt 38,5 kg, cao hơn mức trung bình cả nước (36,9 kg) [5]. Lợn được nuôi tập trung ở các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên - vùng trọng điểm lúa của TP. Hiện nay Hải Phòng đã hình thành các vành đai sinh thái nông nghiệp, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân và phục vụ cho nhu cầu của nhân dân đô thị, vừa tạo ra giá trị lớn về lĩnh vực phi vật chất (du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường,...). Vành đai thực phẩm cung cấp rau đậu cho đô thị tập trung chủ yếu ở An Dương, Thủy Nguyên và Kiến Thụy. Hoa và cây cảnh được bố trí thành các vành đai ở ngay trong các quận mới và huyện ven đô như An Dương và Hải An. Vành đai chăn nuôi cung cấp thịt, trứng, sữa được phân bố thành những vùng sản xuất tập trung. Ở những nơi liền kề TP như An Dương, Kiến Thụy, An Lão phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương pháp công nghiệp. Còn ở những nơi xa hơn như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng thì bố trí vành đai lương thực (chủ yếu là lúa chất lượng cao) kết hợp với chăn nuôi lợn (lợn thịt, lợn sữa)... Để tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và kinh tế - xã hội nhằm tăng thêm khối lượng nông sản phục vụ nhu cầu của nhân dân, ở các huyện ven đô như An Dương, An Lão còn xuất hiện vành đai nông nghiệp tổng hợp, gồm rau, hoa, cây ăn quả và lúa chất lượng cao ở quy mô nhỏ. Thủy sản là một trong những thế mạnh của Hải Phòng. Tỉ trọng của nó ngày càng tăng, từ 22,9% năm 2005 lên 33,7% GTSX N - L - TS năm 2014, đứng hàng thứ 2 chỉ sau TP Đà Nẵng. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất, trung bình 7,0%/ năm trong giai đoạn 2005 - 2014 với ưu thế nghiêng về nuôi trồng (60,8% GTSX năm 2014) [5]. TP đã tận dụng có hiệu quả các lợi thế, lựa chọn giống thuỷ sản phù hợp với điều kiện sinh thái cho năng suất và giá trị kinh tế cao, đáp ứng cả cho nhu cầu của nhân dân và cho xuất khẩu. Sản lượng thủy sản của TP tăng nhanh và đạt 106,9 nghìn tấn (2014), trong đó nuôi trồng 51,7 nghìn tấn. Sản lượng thủy sản nuôi trồng bình quân theo đầu người là 26,6 kg, chỉ đứng sau TP 121 Lê Mỹ Dung Cần Thơ) [5]. Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện Tiên Lãng, Cát Hải, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và quận Hải An. Còn về đánh bắt với sản lượng 55,2 nghìn tấn tập trung chủ yếu ở quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải, TP Hải Phòng dẫn đầu các TP trực thuộc Trung ương, vượt xa Đà Nẵng là TP đứng hàng thứ hai (33,2 nghìn tấn). 2.1.3. Thành phố Đà Nẵng TP Đà Nẵng có diện tích 1285,4 km2 và số dân 1.007,7 nghìn người (2014), chiếm 0,38% diện tích và 1,1% dân số toàn quốc [8]. Đây là một trong những hạt nhân kinh tế chủ yếu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đà Nẵng có nhiều lợi thế về tự nhiên, trong đó nổi bật nhất là tài nguyên biển và ven biển với ngư trường rộng trên 15 nghìn km2 và nhiều diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản... Trong cơ cấu GDP của TP, tỉ trọng N- L - TS rất nhỏ (chỉ chiếm 3,8% năm 2014), trong khi đó nhu cầu của thị trường Đà Nẵng nói riêng và của Duyên hải miền Trung cũng như Tây Nguyên nói chung tương đối lớn. Vì thế, việc phát triển nông nghiệp sao cho phù hợp điều kiện cụ thể của một đô thị loại 1 nhằm đáp ứng được nhu cầu nêu trên có ý nghĩa quan trọng. GTSX N- L - TS của Đà Nẵng đứng hàng cuối cùng trong số các TP trực thuộc Trung ương với 2.523,1 tỉ đồng (năm 2014). Về cơ cấu, ưu thế thuộc về ngành thủy sản (58,0%, dẫn đầu các TP trực thuộc Trung ương), tiếp theo là nông nghiệp (32,5%) và lâm nghiệp (9,5%) [3]. Thủy sản là ngành sản xuất truyền thống và phát triển mạnh cả đánh bắt lẫn nuôi trồng. Địa bàn phân bố của ngành tập trung ở các quận Thanh Khê, Sơn Trà rồi đến Hải Châu, Ngũ Hành Sơn. TP Đà Nẵng đã phát huy được lợi thế từ biển để đẩy mạnh hoạt động đánh bắt, đem lại nguồn thu cho ngân sách, tạo sinh kế và thu nhập cho người dân, đảm bảo nhu cầu thực phẩm không chỉ cho TP. Về sản lượng thủy sản đánh bắt, TP Đà Nẵng chỉ đứng sau TP Hải Phòng. Nông nghiệp mặc dù chỉ xếp thứ hai trong cơ cấu GTSX, song lại có vai trò to lớn trong việc cung cấp thực phẩm, một phần lương thực cho nội thành và tạo việc làm cho dân cư nông nghiệp của TP. Cơ cấu nông nghiệp đang có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng trồng trọt, tăng tỉ trọng chăn nuôi kết hợp với việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2014, tỉ trọng của các ngành là trồng trọt 55,0%, chăn nuôi 41,0% và dịch vụ nông nghiệp 4,0% [3]. Nông nghiệp của TP đang phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, phục vụ thị trường (trong TP, xuất khẩu) với nhiều sản phẩm mang tính hàng hóa cao. Cơ cấu ngành trồng trọt khá đa dạng với hàng loạt cây trồng, gồm cây lương thực có hạt (62,1% diện tích gieo trồng toàn TP năm 2014), cây công nghiệp hàng năm (11,9%), câu thực phẩm, hoa (11,5%) và cây ăn quả (5,0%) [3]. Xu hướng chuyển dịch của ngành này theo hướng giảm diện tích các loại cây có giá trị kinh tế thấp (lúa, cây công nghiệp hàng năm), tăng diện tích các loại cây có giá trị kinh tế cao (các loại rau, hoa, cây cảnh), hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao. Mở rộng diện tích cây thực phẩm (rau, đậu. . . ) là một trong những hướng được quan tâm hàng đầu do vừa khai thác được lợi thế về tự nhiên, kinh tế - xã hội sẵn có, vừa đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân. Diện tích cây thực phẩm của TP hiện có gần 1.000 ha [1]. Vành đai rau, đậu và cả hoa, cây cảnh phân bố ở các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và các huyện ven đô như Hòa Vang... Chăn nuôi của Đà Nẵng đang từng bước trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp và tập trung vào nuôi bò, lợn và gia cầm. Đàn bò chủ yếu là bò thịt với số lượng tương đối ổn định. Trong những năm tới, ngành chăn nuôi sẽ phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm không qua giết thịt ở khu vực ven TP (như trứng) và các khu vực đồi núi phía Tây (như sữa bò), phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm ở khu vực ven đô thị nhằm phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. 122 Nghiên cứu nông nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương và những bài học rút ra... Ngành lâm nghiệp tuy chỉ chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong cơ cấu GTSX N - L - TS của TP (9,5%), nhưng vẫn dẫn đầu trong các TP trực thuộc Trung ương. Do vai trò đặc biệt của rừng nên chủ trương của TP Đà Nẵng là phát triển theo hướng khoanh nuôi, chăm sóc, tái sinh rừng tự nhiên, bảo vệ tài nguyên rừng, đẩy mạnh trồng rừng nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường phục vụ cho du lịch sinh thái. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 40,8%, cao nhất trong số các TP trực thuộc Trung ương (TP Hồ Chí Minh 16,4%; Hải Phòng 11,3%; Hà Nội 6,8%, và Cần Thơ 0,6%) [1]. 2.1.4. Thành phố Cần Thơ Cần Thơ có diện tích 1.401,6 km2 với số dân 1.238,3 nghìn người (2014), chiếm 0,4% diện tích và 1,36% dân số cả nước [8]. Nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ có vị trí địa lí thuận lợi để trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật của vùng và của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trải dài bên bờ sông Hậu, thường xuyên được bồi đắp phù sa nên đất rất màu mỡ, thích hợp cho việc trồng lúa, cây thực phẩm, cây ăn quả. . . Trong tổng số 140,9 nghìn ha diện tích tự nhiên của TP, đất nông nghiệp chiếm 80,6%, riêng đất sản xuất nông nghiệp đạt 80,5% [2]. Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc có ý nghĩa to lớn về nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch sông nước... Trong cơ cấu GDP của TP, tỉ trọng của N - L - TS chiếm 6,5% (năm 2014), chỉ đứng trên TP Hải Phòng (8,0%). Về cơ cấu GTSX N - L - TS, Cần Thơ xếp thứ 4/5 TP trực thuộc Trung ương (chỉ trên Đà Nẵng) và đang có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nông, lâm nghiệp và tăng tỉ trọng của thủy sản. Trong giai đoạn 2005 - 2014 tương ứng là giảm từ 78,6% xuống 71,1% (nông nghiệp), từ 0,7% xuống 0,3% (lâm nghiệp) và tăng từ 20,7% lên 28,6% (thủy sản) [2]. Nông nghiệp có nhiều lợi thế để phát triển nhằm tạo ra nhiều nông phẩm không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của TP mà còn cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là lúa gạo. Khác với 4 TP trực thuộc Trung ương còn lại, trong cơ cấu GTSX nông nghiệp ở Cần Thơ, trồng trọt chiếm ưu thế tuyệt đối (81,4% năm 2014), trong đó chủ yếu là cây lương thực có hạt (81,3%), rồi đến cây ăn quả (9,8%), cây rau - đậu, hoa - cây cảnh (6,1%) và các loại cây khác (2,7%) [2]. Lúa là cây lương thực quan trọng nhất, chiếm 88,6% diện tích gieo trồng và 99,5% diện tích cây lương thực có hạt của TP. Nhờ áp dụng các biện pháp kĩ thuật, sử dụng giống mới chất lượng cao nên cả năng suất lẫn sản lượng đều tăng, mặc dù diện tích lúa giảm sút. Về diện tích và sản lượng lúa, Cần Thơ đứng đầu trong số các TP trực thuộc Trung ương và thứ 8/63 tỉnh, thành của cả nước [7]. Sản lượng lương thực bình quân đầu người (2014) đạt 1.107,3 kg, gấp 2 lần mức trung bình cả nước, gấp 95 lần TP Hồ Chí Minh và 6,2 lần TP Hà Nội. Lúa được trồng ở vành đai nông nghiệp ngoại thành thuộc 3 huyện phía Tây, Tây Bắc TP là Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai. Năm 2014, Cần Thơ xuất khẩu 503 nghìn tấn lúa, chiếm 36,8% sản lượng lúa toàn TP [2]. Cây ăn quả và cây thực phẩm cũng phát triển mạnh trong giai đoạn 2005 - 2014. GTSX cây ăn quả tăng 2,7 lần. Trồng phổ biến là cam, chanh, quýt, xoài, nhãn, bưởi da xanh, chôm chôm theo phương thức vừa trồng phân tán trong các hộ gia đình, vừa trồng tập trung ở các huyện ven đô như huyện Phong Điền và các quận mới như Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy. . . Nhiều khu vực trồng cây ăn quả tập trung không chỉ cung cấp sản phẩm có chất lượng cho thị trường, mà còn tạo nên những cảnh quan độc đáo có giá trị sinh thái, du lịch. Cây thực phẩm có vị thế nhất định trong ngành trồng trọt. Cũng trong giai đoạn kể trên, diện tích tăng hơn 1,5 lần (đạt 8,3 nghìn ha năm 2014), GTSX gấp 5,2 lần (đạt 532 tỉ đồng) và đứng hàng thứ 3 sau lúa và cây ăn quả [2]. Loại cây này được trồng ở các vành đai xanh ven đô theo hướng sản xuất rau sạch, rau an toàn, tập trung ở 3 huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai và 2 quận Bình Thủy, Thốt Nốt. 123 Lê Mỹ Dung Trên địa bàn TP, ở các quận mới thành lập và các huyện ven đô đã hình thành các vành đai tập trung vào việc phát triển kinh tế vườn (rau quả, hoa, cây cảnh) kết hợp với nuôi trồng thủy sản, du lịch miệt vườn; tạo nên các vùng chuyên canh rau sạch phục vụ nhu cầu đô thị; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao... Thủy sản ở Cần Thơ cũng là ngành có nhiều lợi thế để phát triển. Trong cơ cấu GTSX N - L - TS, tỉ trọng của ngành liên tục tăng và đạt 28,6% (2014) [2]. Do không giáp biển nên TP tập trung vào thủy sản nước ngọt, chủ yếu là nuôi trồng (chiếm 85,3% GTSX và 96,6% sản lượng thủy sản) gắn với công nghiệp chế biến nhằm cung cấp thực phẩm cho nhân dân nội đô cũng như cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Phương thức nuôi trồng là nuôi cá từ ao, ruộng trũng theo mô hình lúa kết hợp thủy sản, luân canh lúa - thủy sản và nuôi cá lồng bè trên sông Hậu theo mô hình nuôi công nghiệp, quy mô lớn. Nuôi trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Cờ Đỏ (47,4% diện tích nuôi trồng thủy sản của TP, năm 2014) và Thới Lai (35,2%). Về sản lượng thủy sản nuôi trồng, với 173,8 nghìn tấn năm 2014 Cần Thơ dẫn đầu các TP trực thuộc Trung ương và xếp thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước [8]. Sản lượng thủy sản nuôi trồng bình quân đầu người là 140,3 kg, cao gấp 3,8 lần mức trung bình của nước ta, gấp 12,1 lần Hà Nội và 30,5 lần TP Hồ Chí Minh. 2.2. Các bài học rút ra để phát triển nông nghiệp theo nghĩa rộng ở Hà Nội 2.2.1. So sánh Hà Nội với các thành phố trực thuộc Trung ương về một số tiêu chí Để so sánh một số tiêu chí về N - L - TS của Hà Nội với các TP trực thuộc Trung ương nói riêng và với cả nước nói chung, có thể tham khảo các số liệu ở Bảng 1. Bảng 1. Một số tiêu chí về N - L - TS của Hà Nội so với cả nước và các TP trực thuộc Trung ương năm 2014 Tiêu chí Cảnước Hà Nội TP. HCM Hải Phòng Đà Nẵng Cần Thơ 1. Diện tích tự nhiên (nghìn ha) 33096,9 332,4 209,6 152,7 128,5 140,9 2. Dân số (nghìn người) 90728,9 7095,9 7981,9 1946,0 1007,7 1238,3 3. Tỉ lệ dân nông thôn (%) 66,9 50,8 17,9 53,3 12,7 33,3 4. Tỉ trọng N - L - TS trong GDP (%) 17,7 4,7 1,0 8,0 3,8 6,5 5. Tỉ lệ đất nông nghiệp trên tổng diện tích tự nhiên (%) 81,0 56,3 55,8 53,1 57,2 80,6 6. Cơ cấu GTSX N - L - TS - Nông nghiệp (%) 76,0 91,4 73,4 66,2 32,5 71,1 - Lâm nghiệp (%) 2,4 0,2 0,9 0,1 9,5 0,3 - Thủy sản (%) 21,6 8,4 25,7 33,7 58,0 28,6 7. Cơ cấu GTSX nông nghiệp - Trồng trọt (%) 71,0 45,5 38,0 48,9 55,0 81,4 - Chăn nuôi (%) 26,8 50,0 53,3 46,0 41,0 11,2 - Dịch vụ (%) 2,2 4,5 8,7 5,1 4,0 7,4 8. Bình quân đầu người - Lương thực có hạt (kg) 553 179,4 11,6 252,3 35,6 1107,3 - Rau (kg) 170,4 83,0 31,8 150,9 10,2 74,2 - Thịt lợn hơi (kg) 36,9 41,9 5,4 38,5 5,9 12,8 - Sữa (lít) 6,1 4,4 25,2 - 0,7 0,8 - Thủy sản nuôi trồng (kg) 37,6 11,6 4,6 26,6 0,8 140,3 (Nguồn: Tổng hợp và tính toán từ [2-8]) 124 Nghiên cứu nông nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương và những bài học rút ra... 2.2.2. Các bài học rút ra cho Hà Nội Hà Nội là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của nước ta. TP có nhiều đủ lợi thế để phát triển N - L - TS cũng như chịu sức ép rất lớn về quy mô dân số. Nước ta có 5 TP trực thuộc Trung ương, mỗi TP một vẻ, nhưng lại có nhiều điểm chung. Đó là các đô thị với quy mô dân số đông, tỉ lệ dân thành thị cao và đất nông nghiệp ngày càng bị giảm sút do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa... Vì thể, để phát triển có hiệu quả nông nghiệp theo nghĩa rộng, Hà Nội có thể tham khảo các bài học từ 4 TP trực thuộc Trung ương và vận dụng chúng vào địa bàn của mình. Bài học trước hết là phải khẳng định vai trò quan trọng của khu vực N - L - TS trong nền kinh tế và đời sống của Thủ đô, dù tỉ trọng của nó nhỏ và có xu hướng giảm. Cùng với cả nước, các TP trực thuộc Trung ương đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển một nền kinh tế hiện đại. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xu hướng chung là giảm tỉ trọng của khu vực N - L - TS, tăng tỉ trọng của công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. N - L - TS tuy có giảm về tỉ trọng, nhưng không có nghĩa là giảm vị thế của nó trong nền kinh tế của Hà Nội. Do vậy, TP cần khai thác các thế mạnh sẵn có của mình để tạo ra các nông sản đặc trưng đa dạng, có chất lượng để đảm bảo nhu cầu trước hết cho đông đảo nhân dân Thủ đô. Thứ hai, việc phát triển N - L - TS của Hà Nội phải dựa vào những đặc điểm đặc trưng riêng của mình. Mỗi TP trực thuộc Trung ương tùy theo các điều kiện tự nhiên (quỹ đất, khí hậu, nguồn nước, ngư trường...) và đặc điểm kinh tế - xã hội (quy mô dân số, lao động, thị trường, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm - lương thực, tiềm năng về khoa học - công nghệ...) để sản xuất ra các sản phẩm đặc thù. Thí dụ, cả TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ đều có tỉ trọng cao về nông nghiệp (73,4% và 71,1% GTSX N - L - TS), nhưng TP Hồ Chí Minh tập trung vào chăn nuôi bò sữa, trồng cây thực phẩm và cây làm thức ăn cho chăn nuôi; trong khi đó TP Cần Thơ với quỹ đất sản xuất nông nghiệp lên tới 80,5% diện tích tự nhiên lại coi trồng lúa là thế mạnh nổi bật. Cần Thơ là TP duy nhất có diện tích và sản lượng lúa không chỉ dẫn đầu các TP trực thuộc Trung ương, mà còn luôn ở tốp 10 của cả nước. Ngoài ra cũng nhờ vào lợi thế tự nhiên, TP còn tập trung vào nuôi trồng thủy sản. Khác với hai TP trên, Hải Phòng và Đà Nẵng đều giáp biển nên ngành thủy sản có tỉ trọng khá cao (33,7% và 58% GTSX N - L - TS) và hướng vào sản xuất các sản phẩm từ ngành này để cung cấp cho nhân dân không chỉ trong TP, mà còn cả thị trường cả nước và xuất khẩu. Thứ ba, xu thế mà các TP trực thuộc Trung ương hướng tới là phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ và phương thức sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả sử dụng đất cũng như năng suất lao động, nâng cao đời sống của nông dân ven đô. Với xu thế đó, Hà Nội phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, góp phần tạo cảnh quan môi trường Thủ đô, thúc đẩy nông nghiệp du lịch, du lịch sinh thái... Thứ tư, về tổ chức không gian nông nghiệp, Hà Nội từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các vành đai xanh, khu nông nghiệp công nghệ cao, lấy thị trường TP làm mục tiêu phát triển nông nghiệp, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hướng tới xuất khẩu. Trên cơ sở các bài học rút ra từ các TP trực thuộc Trung ương, Hà Nội có thể học tập được kinh nghiệm trong việc lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và thị hiếu người tiêu dùng, hình thành các vành đai rau xanh, hoa, cây cảnh,... đồng thời phát triển chăn nuôi công nghiệp lấy thịt, trứng, sữa với quy mô lớn, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản đáp ứng cho nhu cầu của TP. 125 Lê Mỹ Dung 3. Kết luận Với hơn nghìn năm lịch sử, Hà Nội đã và đang chuyển mình trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu kinh tế của TP đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực, trong đó khu vực N - L - TS tuy chiếm tỉ trọng nhỏ, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để có thể phát triển mạnh mẽ khu vực này, Hà Nội có thể tham khảo thông qua kinh nghiệm của các TP trực thuộc Trung ương như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ. Các bài học rút ra được tựu chung là cần hiểu rõ vai trò của các ngành N - L - TS trong cơ cấu kinh tế; việc phát triển phải dựa vào đặc điểm của chính TP; phát triển theo hướng hiện đại và tổ chức không gian hợp lí, hiệu quả. Từ các bài học này, N - L - TS của Hà Nội có thể phát triển mạnh, xứng tầm của một Thủ đô, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Viện Quy hoạch & Thiết kế nông nghiệp, 2010, 2016. Thống kê nông, lâm, thủy sản năm 2010, 2015. Hà Nội. [2] Cục thống kê TP Cần Thơ, 2011, 2015. Niên giám thống kê Cần Thơ các năm 2010, 2014. Cần Thơ. [3] Cục thống kê TP. Đà Nẵng, 2011, 2015. Niên giám thống kê Đà Nẵng các năm 2010, 2014. Đà Nẵng. [4] Cục thống kê TP. Hà Nội, 2006 - 2016. Niên giám thống kê Hà Nội các năm 2005 - 2015. Hà Nội. [5] Cục thống kê TP. Hải Phòng, 2011, 2015. Niên giám thống kê Hải Phòng các năm 2010, 2014. Hải Phòng. [6] Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh, 2011, 2015. Niên giám thống kê TP. Hồ Chí Minh các năm 2011, 2014. TP. Hồ Chí Minh. [7] Lê Thông (chủ biên), 2010. Việt Nam các tỉnh và thành phố. Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. [8] Tổng cục thống kê, 2011, 2015. Niên giám thống kê Việt Nam các năm 2010, 2014. Hà Nội. [9] Nguyễn Minh Tuệ, Lê Thông (đồng chủ biên), 2013. Địa lí nông - lâm - thủy sản Việt Nam. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. ABSTRACT Research on agriculture of cities directly under the central government and lessons for development this sector in Hanoi Le My Dung Faculty of Geography, Hanoi National University of Education Hanoi is the capital also the political, economic, cultural center of our country. To develop agriculture in this city, the situation should be referred to the production of this sector in cities directly under the central government - provincial administrative units have many similarities with Hanoi. Through the study of agricultural development of Ho Chi Minh City, Hai Phong, Da Nang and Can Tho, this article shows specific lessons about the direction of development, the choice of crops and livestock, as well as agricultural spatial organizations to apply in Hanoi. Keywords: Agriculture, cities directly under the central government, Hanoi. 126

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf4535_lmdung_7134_2131896.pdf
Tài liệu liên quan